Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Ai nắm chắc ngọn cờ ở Đại hội 12? - Dấu hiệu ngày tận thế của một chế độ độc tài - Vinh danh tử sĩ Hoàng Sa: một cơ hội hòa giải

Ai nắm chắc ngọn cờ ở Đại hội 12?

Phạm Chí Dũng
Gửi cho BBC từ Sài Gòn

Dàn lãnh đạo Đảng Cộng sản ra mắt tại Đại hội XI năm 2011

Cùng với sự kiện hàng trăm người dân oan đất đai tập trung biểu tình tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn ngay ngày đầu năm 2014, thông điệp chào đón năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng ghi một dấu ấn khá đặc biệt về tinh thần “chia tay cái cũ”.

Trong không khí trì đọng giằng co của chính trường Việt Nam cùng kinh tế ảm đạm chưa từng có trước Tết Nguyên đán, bản thông điệp mang tính quốc dân của người đứng đầu chính phủ đã dứt dư luận khỏi cơn buồn ngủ và lập tức tạo nên lớp triều lao xao giữa trí thức trong, ngoài Đảng và người Việt ngoài nước.

Người ta bàn tán, tranh cãi, hy vọng hoặc hoài nghi về những ấn tượng mới mà lần đầu tiên cộng hưởng trong cùng bản thông điệp trên: “đổi mới thể chế”, “xóa độc quyền”, “nắm chắc ngọn cờ dân chủ”, và thú vị không kém là khái niệm chưa có tiền lệ về “nhà nước kiến tạo phát triển”.

Kể cả lối dẫn dụ “người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm” được tuyên xưng trong bản thông điệp, cho dù đã quá nhiều năm qua những câu chữ đó đã trở nên lạc lõng khi nhà cầm quyền chẳng mấy lưu tâm đến ý nguyện của dân, còn các nhóm lợi ích vẫn mặc sức lũng đoạn dù bị pháp luật nghiêm cấm…
Minh chứng là bản Hiến pháp năm 2013 vẫn không hề giảm giá quan niệm “sở hữu toàn dân về đất đai”, vẫn đổ thêm dầu vào cơn binh lửa thu hồi đất được đặc cách cho một tầng lớp dân oan rộng khắp.

Tạm gác lại khái niệm “dân chủ” mà bản thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập như một khẩu hiệu được giới lãnh đạo Đảng tuyên ngôn nhiều năm qua, hy vọng là lời hứa hẹn “xóa độc quyền” sẽ được Chính phủ thực hiện trong nay mai.

Xóa độc quyền?

Vào những ngày cuối năm 2013, một thông tin bất ngờ cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã gần như hoàn tất quá trình “chuyển vốn” từ doanh nghiệp mẹ sang các doanh nghiệp con chỉ trong khoảng nửa năm qua.

Cũng không loại trừ chu trình chuyển hóa sinh học này đã được âm thầm hành sự ở Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Hiện tượng “chuyển vốn” trên cho thấy điều gì?

Dường như những kẻ âm thầm thực hiện mưu sự này đã nắm được thông tin “sẽ bỏ độc quyền” và còn được “bật đèn xanh” từ phía cấp cao hơn, ít nhất từ cơ quan chủ quản của họ là Bộ Công thương - cơ quan chủ chốt trong phái đoàn Việt Nam đàm phán về TPP.


Việt Nam có thể xóa độc quyền trong ngành điện?

Bộ Công thương cũng chính là địa chỉ phải chịu trách nhiệm về cú xả lũ vô nhân đạo làm chết hơn 50 người dân nghèo ở các tỉnh miền Trung vào cuối năm 2013, nhưng cho đến nay vẫn chưa hề bị truy cứu theo bất kỳ điều khoản nào của Bộ luật hình sự.

Trước đó vào tháng 9/2013, tổng giám đốc Petrolimex đã làm công luận bất ngờ bởi lời than thở của ông ta về tâm trạng “chán độc quyền”.

Nhưng không lâu sau, tâm trạng đó bị giới quan sát độc lập lôi ra ánh sáng: nếu không phải do đòi hỏi bắt buộc của những quốc gia chủ trì trong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) về “một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh” cùng cơ chế “cạnh tranh sòng phẳng giữa các thành phần kinh tế”, chắc chắn không có chuyện ai đó tự nguyện rời bỏ vũ khí độc quyền.

Nhưng dĩ nhiên, bản chất của cá mập vẫn luôn là cá mập.

Người ta đồ rằng chu trình “chạy vốn” của các tập đoàn đặc lợi chính sách sẽ chỉ là mang tính chuyển đổi thế độc quyền từ cơ chế tập thể sang độc quyền cá nhân, từ lũng đoạn quy mô lớn sang thao túng quy mô nhỏ, khi rất có thể những chức danh chủ chốt trong các tập đoàn độc quyền nhà nước sẽ không thể buông lơi cổ phần chi phối của họ tại các công ty con.

Cũng bởi thế, mặc dù có thể tò mò và được gợi chút hy vọng bởi quan điểm “đổi mới thể chế” và tư tưởng “xóa độc quyền” trong bản thông điệp 2014 của người nắm giữ chính phủ, song giới phân tích vẫn nghi ngờ hình ảnh “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” được dành cho cơ chế “độc quyền con”, một khi toàn bộ lực lượng vật chất vẫn nằm trong tay các nhóm lợi ích độc quyền và lại kiến tạo nên một cơ chế độc quyền mới cùng các chiến dịch tăng giá theo kiểu “giá trị gia tăng”.

Nếu mâu thuẫn vẫn tiếp tục, có nguy cơ là mô hình “nhà nước kiến tạo phát triển” sẽ không thuần túy là phương châm “nhà nước không làm thay cho dân”, mà sẽ trở thành “nhóm lợi ích làm thay nhà nước”.

Và nếu bản thông điệp này không có gì mới về tính hành động, tức không khác tinh thần bảo thủ của Hiến pháp năm 2013, làm sao đời sống các tầng lớp nhân dân sẽ được giảm bớt về áp lực đè thuế gián tiếp bởi các nhóm độc quyền?

Làm sao để vị Thủ tướng đang được hy vọng mơ hồ vào mục tiêu cải cách thể chế có thể đón nhận thái độ hân hoan và ủng hộ từ phía trí thức và dân chúng - một điều kiện quá cần thiết để ông hoàn tất điều kiện đủ vào năm 2016?

Ai phất cờ?


Dư luận đánh giá khác nhau về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Từ nay đến Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12 chỉ còn hai năm nữa. Có vẻ như những quân bài phải ngả chiếu “quyết liệt” hơn.

Cũng có vẻ đã đến giờ phút mà một chính khách quá từng trải như ông Nguyễn Tấn Dũng ý thức rõ ràng về một xác quyết không thể chậm trễ nữa.

Rất có thể, bản thông điệp đầu năm 2014 của ông chính là bước khởi động cho một quyết định lớn lao nhưng không thể từ chối tính phiêu lưu dẫn đến năm 2016.

Chắc chắn phải được soạn thảo bởi một bộ máy tham mưu có kiến thức và am hiểu phương Tây hơn ê kíp cũ, bản thông điệp này còn không quá ngần ngại khi nêu ra mô hình “nhà nước kiến tạo phát triển” của học giả có tên Chalmers Ashby Johnson.

Đáng chú ý, Chalmers Ashby Johnson lại là một giáo sư người Mỹ, giảng dạy tại Đại học California.

Năm 2013, Nguyễn Tấn Dũng được coi là một trong hai chính khách “thành công” trên trường quốc tế, cùng với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Một chi tiết đáng chú ý là cả hai vị nguyên thủ quốc gia này đều được ghi dấu nổi bật và giành được thiện cảm hơn hẳn trong những chuyến đi Washington và New York chứ không phải đến Bắc Kinh.
"Cũng có một dư luận khác, dù chỉ là thiểu số, nhưng lại thuộc về giới am hiểu các thao tác chính trị: bản thông điệp đầu năm 2014 của người chỉ còn nhiệm kỳ cuối trong chính phủ như mang hơi hướng của một lời “tuyên chiến” công khai với những đối trọng của ông."
Số đông dư luận vẫn đang hoài nghi năng lực thiếu tính hành động của một vị Thủ tướng “yêu trung thực, ghét giả dối” và lời cam kết “sẽ từ chức nếu không chống được tham nhũng” từ khi nhậm chức vào năm 2006.

Nên nhắc cả sự kiện ông chủ xướng yêu cầu về chủ quyền biển đảo và luật biểu tình tại kỳ họp quốc hội cuối năm 2011 nhưng đã bặt vô âm tín từ đó đến nay.

Nhưng vẫn có một thiểu số lại cảm nhận về một kế hoạch đã thành hình đến mức chi tiết của Thủ tướng Dũng trong hai năm tới, về một “quyết tâm chính trị” không chỗ lùi và không thể để chậm trễ hơn.

Cũng có một dư luận khác, dù chỉ là thiểu số, nhưng lại thuộc về giới am hiểu các thao tác chính trị: bản thông điệp đầu năm 2014 của người chỉ còn nhiệm kỳ cuối trong chính phủ như mang hơi hướng của một lời “tuyên chiến” công khai với những đối trọng của ông, một thông điệp mà không nhất thiết phải luôn được thông qua bởi “tập thể Bộ Chính trị”.

Cũng bởi cho tới giờ phút này, vẫn chưa có một thông điệp nào khác từ những gương mặt then chốt khác, kể cả một gương mặt được coi sáng giá là ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính Trị kiêm Bí thư thành ủy Hà Nội.

Trong khi đó, trên một bình diện rộng hơn hẳn và không quá quan tâm đến từng động cơ ẩn giấu của giới chính khách đương đại Việt Nam, một luồng tâm lý hiện hữu trong khối trí thức và dân chúng vẫn là mong chờ và khao khát đến cháy bỏng về cải tổ kinh tế và hơn nhiều nữa là “thay máu” về chính trị.

Phải chăng luồng tâm lý của đại đa số ấy sẽ là vườn ươm cho những hạt giống chính khách thâm hiểu và có khả năng “nắm chắc ngọn cờ” để gây men một dòng máu mới cho nền chính trị tương lai ở Việt Nam?
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Phạm Chí Dũng, một nhà báo tự do hiện sống tại TPHCM.

Dấu hiệu ngày tận thế của một chế độ độc tài

Nhà nước nào chẳng có Hiến Pháp, nhưng rất ít nhà nước trong Hiến Pháp mặc định quyền cai trị toàn diện và tuyệt đối thuộc về một đảng mà lại là Đảng Cộng sản như ở Việt Nam.

Việc trưng cầu dự thảo Hiến Pháp năm 2013 vừa qua thực chất Đảng Cộng sản Việt Nam không muốn. Nhưng vì quá bất cập, ngày càng lộ rõ bản chất cực đoan, đi ngược xu thế tất yếu của lịch sử và thời đại, hơn nữa do làn sóng đấu tranh đòi dân chủ ngày một dâng cao khiến Đảng Cộng sản Việt Nam không còn cách nào khác, buộc phải lợi dụng “súng ống” và bộ máy “láo toét” trong tay bày ra việc này để tiếp tục lừa bịp, ăn cắp quyền phúc quyết của dân chúng, níu kéo chút quyền lực hão trước khi chế độ này phải cuốn gói về với ông tổ Marx – Lenin của họ ở bên kia thế giới.

Ai cũng biết việc tổ chức trưng cầu dự thảo Hiến Pháp năm 2013 này là do Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo, tổ chức và giám sát. Nhưng vì không thể trực tiếp đưa bàn tay lông lá của mình ra làm được nên buộc họ phải ngụy tạo bằng hệ thống “Nhà nước của dân” để thực hiện.

Tổ chức nhà nước nào chẳng có các cơ quan: Quốc Hội, Tư pháp và Chính Phủ, cho nên dù dự thảo Hiến Pháp có đưa ra trưng cầu và dân chúng có tham gia thế nào chăng nữa thì các cơ quan kia và các vị hiện đang đứng đầu các cơ quan ấy trước mắt cũng ít bị xuy xuyển. Bên Quốc Hội, cơ quan soạn thảo Hiến Pháp năm 2013 tuyên bố “không có vùng cấm”, “mọi người được tự do phát biểu ý kiến của mình…” cũng chỉ là chuyện thường tình, nhưng không ngờ lúc ấy trên các kênh thông tin lại rộ lên dư luận đề nghị đưa Điều bốn ra khỏi Hiến Pháp lần này. Biết đâu sự việc lại có thể bùng lên thành mồi lửa châm ngòi cho đông đảo công chúng biến điều mong mỏi xưa nay thành sự thật. Nguy cơ tiềm ẩn đang đe dọa trực tiếp đến quyền độc tài cai trị Nhà nước của Đảng Cộng sản Việt Nam không dễ xem thường. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đâu có lường trước được sự việc lại có thể nghiệt ngã đến như vậy, quả bóng bây giờ lại rơi ngay vào chính thủ lĩnh của gần ba triệu “lực lượng tiên phong” là mình, kẻ chủ mưu đã phát đi thông điệp “sửa đổi Hiến Pháp năm 2013” này.

Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, những kẻ cùng hội, cùng thuyền càng im ắng bao nhiêu thì Nguyễn Phú Trọng càng cuống cuồng bấy nhiêu. Cụ thể như trong buổi làm việc với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ông ta đã không thể kìm nổi, mất bình tĩnh đến mức buộc phải sổ ra lời khuyến cáo, dọa bóng những ai tham gia dự thảo Hiến Pháp năm 2013 trái ý mình. Dẫu ai có bảo Trọng lú, Trọng ngu đi chăng nữa và dù có phải đơn thương độc mã Nguyễn Phú Trọng cũng quyết tử thủ đến cùng để cố giữ cho bằng được Điều bốn Hiến Pháp năm 2013 bằng bất cứ giá nào.

Thế rồi Hiến Pháp năm 2013 đã được thông qua một cách dễ dàng, thực ra đó cũng là điều dễ hiểu bởi guồng máy “súng ống” và tuyên truyền “láo toét” đầy ân huệ kia sao lỡ phản chủ, hơn nữa Quốc Hội hiện nay cũng chỉ là cơ quan dân bầu trá hình của Đảng. Biết vậy, giá cứ im đi còn bớt thối, đằng này trên các phương tiện thông tin lề Đảng, có những vị với đầy đủ học hàm, học vị hẳn hoi, đồng thời là đại biểu Quốc hội – “đại diện cho cử tri” đấy lại thản nhiên phát biểu: “đông đảo”, “đại bộ phận” thậm chí “phần lớn” nhân dân đồng thuận với nội dung bản dự thảo Hiến Pháp sửa đổi năm 2013. Tuy nhiên bất kỳ ai thử về một xóm hoặc khu phố nào đó hỏi những người dân ở đây xem có mấy người nhìn thấy, chưa nói là được đọc cái bản dự thảo Hiến Pháp này, chúng tôi dám chắc sẽ có kết quả hoàn toàn trái ngược với lời phát biểu của những vị đại biểu kia.

Qua đó mới thấy “Đảng ta” rất thành công trong việc nuôi “lũ vẹt cảnh”, sẵn sàng bán rẻ danh dự, chẳng ngại đem cái mặt thớt ra đánh đĩ cùng thiên hạ. Trơ trẽn, mặc nhiên dối trá, lừa bịp không hề biết xấu hổ.

Đúng thực tế, thì chỉ có thiểu số hoặc rất ít người (kể cả Đảng viên) do ngộ nhận hoặc trót dính sợi dây bổng lộc hậu hĩnh đang hưởng, không thể thoát khỏi ý thức hệ mà đồng tình với bản Hiến Pháp năm 2013 vừa rồi. Cho nên, nay Quốc Hội có thông qua đi chăng nữa thì bản Hiến Pháp này đâu có xứng đáng là khế ước – tâm nguyện của đông đảo nhân dân Việt Nam. Cố tình bám giữ bản dự thảo Hiến Pháp năm 2013 này là để níu kéo quyền lực chứ đâu phải vì dân tộc. Bởi không theo kịp xu thế phát triển của thời đại nên Hiến Pháp năm 2013 sẽ không thể có sức sống, rồi cũng chỉ lay lắt như “loài tầm gửi” trên thân cây gỗ mục, một món nợ, một nỗi nhục để lại cho muôn đời con cháu!

Ở Việt Nam, chế độ toàn trị cho phép những người cộng sản được độc quyền quyết định mô hình xã hội thông qua các kỳ đại hội Đảng của mình. Mặc dù hiện nay không còn trên “đỉnh cao” của “thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội”, buộc phải tụt xuống nấc thang thấp hơn là “định hướng xã hội chủ nghĩa” một cái tên thật mĩ miều không đâu có; nhưng bản chất háo danh, hiếu thắng đến cực đoan của những người cộng sản vẫn không hề thay đổi. Biểu hiện sinh động nhất là ngay từ năm ba mươi của thế kỷ trước, khi vừa mới ra đời Đảng này đã có những khẩu hiệu “bất hủ” định hướng cho tiêu chí hành động của mình là: “Trí, phú, địa hào; đào tận gốc, trốc tận rễ!”, hoặc cực kỳ “văn hóa” sau này như: “Triệt để bài trừ ma túy, thầy bói và chó dại!”, “Mua công trái là yêu nước!” thậm chí rất kêu: “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội!”. Khẩu hiệu treo khắp hang cùng ngõ hẻm, nhưng đất nước cứ tụt hậu, tắc tị, đời sống dân chúng mỗi ngày thêm khốn khó, những khẩu hiệu kia mai mốt dần, rồi câm bặt, vứt xó.

Từ đấy ta mới thấy các lực lượng “thù địch”, “phản động” như Hoa Kỳ cách đây trên 140 năm trong diễn văn Gettysburg Tổng thống Abraham Lincoln có câu: “Từ dân, do dân và vì dân” hoặc trong miền Nam 40 - 50 năm trước khẩu hiệu cũng chỉ có đúng bảy chữ: “Tổ quốc, danh dự và trách nhiệm!” sao thấy khúc triết, ý nghĩa và đầy đủ đến thế, thậm chí luôn luôn đúng, hay gấp nhiều lần những câu khẩu hiệu của những người cộng sản đang treo nhan nhản bấy lâu.

Ở nước ta, hàng ngày cứ đến chương trình phát thanh quân đội nhân dân, mở đầu với câu: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân;…, kẻ thù nào cũng đánh thắng!” hoặc trong mười hai lời thề, dù ông Hồ Chí Minh người đẻ ra Quân đội nhân dân Việt Nam có đạo lời thề của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa là: “quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu!” thì cũng đã khẳng định chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam là bảo vệ tổ quốc, hoàn toàn không vì một nhóm lợi ích, cá nhân nào khác.

Đất nước nào chẳng vậy, quân đội là để bảo vệ tổ quốc. Trừ xã hội phi dân chủ, vì lợi ích nhóm và bằng mọi thủ đoạn mà chế độ độc tài lưu manh hóa, lôi kéo, biến lực lượng này thành công cụ phục vụ cho riêng mình, sao nhãng trách nhiệm thiêng liêng của dân tộc.

Lực lượng công an với hai chữ đi kèm là NHÂN DÂN cũng đã ẩn chứa đây là lực lượng của nhân dân và vì sự bình yên của nhân dân, chứ hoàn toàn không có sự đối lập với lợi ích hợp pháp của nhân dân. Cho nên lực lượng này cũng không thể là công cụ riêng của nhóm lợi ích nào cả.

Một lực lượng bảo vệ vòng ngoài, một lực lượng đảm bảo trật tự bên trong xã hội, nước nào chẳng có hai lực lượng này. Thế nhưng gần đây nhiều lần trên các kênh thông tin lề Đảng phát đi, phát lại thông điệp của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bài nói chuyện với hai lực lượng này lại khẳng định: Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân là hai lực lượng “sống còn của chế độ”!

Lâu nay từng ngày, từng giờ chuyện giang sơn trước họa xâm lăng nóng bỏng của đế quốc Đại Hán, chuyện dân oan sôi sục vì tham quan ô lại, nền kinh tế ngày càng tụt hậu so với những nước trong vùng, nội bộ đầy rẫy những phe phái lợi ích Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đâu có quan tâm, quyết sách gì, ông ta chỉ quan tâm, chú trọng đến “chế độ”, nói cách khác là sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam hay cụ thể hơn nữa là cái ghế quyền lực của mình!

Một khi tướng đã buông xuôi, bỏ mặc giang sơn và thờ ơ tới sự bình yên của dân chúng, hô quân về giữ thành (chế độ) cũng có nghĩa thể chế này đã bất lực, thua cuộc, chỉ còn phương sách lui quân cố thủ, được ngày nào hay ngày ấy, vô hình trung đã phát đi cho chúng ta một thông điệp: Chế độ này sắp tới ngày cáo chung!

Sài Gòn, tháng 01/2014.
Cùng Đinh
(Dân luận) 

Campuchia tranh cãi vai trò VN

Việt Nam đã long trọng kỷ niệm 35 năm ngày chiến thắng Khmer Đỏ

Phe đối lập Campuchia nói họ sẽ kỷ niệm ngày chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ với ý nghĩa ‘ngày Việt Nam bắt đầu chiếm đóng Campuchia’, tờ Cambodia Daily, nhật báo độc lập bằng tiếng Anh của Campuchia cho biết.

Trong khi đó, chính quyền Việt Nam và Đảng Nhân dân (CPP) cầm quyền ở Campuchia đang kỷ niệm lớn ngày 7/1 mà họ gọi là ‘Ngày Chiến thắng’ trước chế độ diệt chủng Khmer Đỏ nhân dịp tròn 35 năm.
Một buổi lễ kỷ niệm đã diễn ra ở Hà Nội hôm Chủ nhật ngày 5/1 với sự tham gia của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin.
‘Cám ơn Việt Nam’

Cambodia Daily dẫn lời ông Cheam Yeap, nghị sỹ Đảng CPP, nói lễ kỷ niệm năm nay sẽ là ‘lớn nhất’ kể từ lễ kỷ niệm hồi năm 2009.

Ông nói lễ kỷ niệm năm nay sẽ không diễn ra tại trụ sở Đảng CPP như thông lệ mà sẽ chuyển sang khu vực cầu Kim Cương (Koh Pich) để nhiều người hơn có thể tham dự.

Nghị sỹ này cũng được dẫn lời nói đây là cơ hội để ‘cám ơn Việt Nam’.

“Nếu không có quân đội và vũ khí Việt Nam thì chúng tôi đã không thể nào chiến thắng Khmer Đỏ,” ông nói, “Chúng tôi không thể nào quên việc Đảng Cộng sản Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi.”

Về phía phe đối lập, tờ báo này cho biết họ sẽ không ‘ăn mừng’ mà chỉ ‘tưởng nhớ’ ngày 7/1 với ý nghĩa là khởi đầu 10 năm Việt Nam chiếm đóng Campuchia.

Tuy nhiên, Cambodia Daily không dẫn rõ nguồn mà chỉ ghi chung chung là ‘phe đối lập’.

Tờ báo này cũng nhắc lại là Thủ tướng Hun Sen và các nhà lãnh đạo đất nước khác của Đảng CPP đã lên cầm quyền trong giai đoạn ‘chiếm đóng’ này.

Cũng theo Cambodia Daily, ngày kỷ niệm năm nay diễn ra trong bối cảnh ‘tình cảm bài Việt dâng cao’ ở Campuchia vốn do phe đối lập kích động trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái.

Phe đối lập cáo buộc người Việt ‘nhập cư lậu vào Campuchia tràn lan’ và Việt Nam ‘cướp đất’ của Campuchia để lấy lòng cử tri. Những lập luận này lại được cử tri Campuchia rất đồng tình, cũng theo tờ báo này.

Về phần mình, phát biểu tại lễ kỷ niệm ở Hà Nội, hôm Chủ nhật 5/1, ông Heng Samrin, chủ tịch Quốc hội Campuchia, được trang mạng của Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn lời nói nhân dân Campuchia ‘mãi mãi ghi nhớ công lao giúp đỡ to lớn của quân tình nguyện Việt Nam’.

Ông cũng nói nước ông phải ‘nỗ lực gìn giữ, bảo vệ trường tồn’ mối quan hệ ‘hữu nghị, đoàn kết đặc biệt’ giữa Việt Nam và Campuchia.

Buổi lễ do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức để ‘kỷ niệm 35 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng’.

Cướp phá người Việt?



Sam Rainsy đã dẫn đầu các cuộc biểu tình chống chính phủ trong nhiều tháng qua

Trong một diễn biến khác, tờ Cambodia Daily đưa tin một cửa tiệm người Việt ở Phnom Penh đã bị ‘người biểu tình cướp phá’.

Vụ việc diễn ra hôm thứ Sáu ngày 3/1 ở quán cà phê của anh Sok Min, 27 tuổi, nằm gần đường Veng Sreng ở Quận Pur Senchey.

Anh Sok Min là người Việt Nam định cư ở Campuchia đã được 10 năm và lấy tên Khmer.

Anh này được dẫn lời nói là những người biểu tình chỉ ‘nhắm những nơi của người Việt’ và ‘không động tới những chỗ không phải của người Việt’.

Cửa tiệm của anh đã bị ‘lấy đi mọi thứ, bao gồm quần áo, bốn cái tivi, một xe gắn máy’, anh kể, và ba nữ phụ việc trong tiệm đã phải nhảy qua cửa sổ từ tầng hai để trốn thoát.

Cambodia Daily cũng dẫn lời một người hàng xóm có tên là Tann Khieng kể lại rằng một nhóm khoảng 100 người đàn ông đã tách ra khỏi cuộc biểu tình và tiến đến khu vực Borei Trapaing Kraloeng và nói rằng họ sẽ phá hủy tất cả các cửa hàng của người Việt ở đây.

Phóng viên Cambodia Daily miêu tả quán cà phê của anh Sok Min giờ ‘chỉ là căn nhà trống đầy mảnh kính vỡ và rác rưởi’.

Ông Đoàn Bá Khâm, cha của Sok Min, nói nhiều bạn bè của ông đã quay về Việt Nam trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình.

Theo tờ báo này, trong những ngày qua những người biểu tình đã có ‘tình cảm bài Việt’. Những người biểu tình còn hô to những khẩu hiệu có từ ‘yuon’, một từ chỉ người Việt mang tính kỳ thị.
  (BBC) 

Vinh danh tử sĩ Hoàng Sa: một cơ hội hòa giải

Cố Thiếu tá Hải Quân Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10, hy sinh vì tổ quốc trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.
Cố Thiếu tá Hải Quân Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10, hy sinh vì tổ quốc trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Nghe bài này

Nhà nước Việt Nam đang thể hiện sự thay đổi quan trọng trong đối sách về chủ quyền biển đảo. Báo chí được phép phổ biến chương sử ca anh hùng của Hải quân VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974. Song hành với sự thay đổi này là nhiều ý kiến về việc vinh danh những chiến sĩ đã hy sinh khi Hoàng Sa mất vào tay Trung Quốc. Nam Nguyên trình bày vấn đề này.

Cơ hội hòa giải dân tộc

TS Sử học Nguyễn Nhã một nhà nghiên cứu Biển Đông hiện sống và làm việc ở Saigon nhận định rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ để mất thêm một cơ hội hòa giải dân tộc, nếu chậm vinh danh những anh hùng tử sĩ VNCH đã bỏ mình để bảo vệ Hoàng Sa trước quân xâm lược Trung Quốc.

“ Khi mà đã công nhận chính quyền VNCH đã đề kháng chống cự lại sự xâm lược của Trung Quốc, thì dĩ nhiên vinh danh bất cứ ai đã hy sinh trong vấn đề Hoàng Sa. Hiện nay tôi chưa biết cụ thể sẽ như thế nào nhưng bây giờ là xu hướng chung và mọi người đang mong đợi.”

Cách đây 40 năm trong trận hải chiến Hoàng Sa từ 17 đến 19/1/1974, Hải quân VNCH đã thất trận trong một trận đánh không cân sức với hạm đội và máy bay Trung Quốc. 74 chiến sĩ Hải quân VNCH đã tử trận, trong đó có Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 là Hải quân Thiếu tá Ngụy Văn Thà hy sinh vì quyết không rời bỏ chiến hạm mà ông chỉ huy.

Trong hình là sử gia Nguyễn Ðình Ðầu phát biểu trong một buổi hội thảo về Hoàng Sa Trường Sa hồi tháng 9 năm 2009.
Trong hình là sử gia Nguyễn Ðình Ðầu phát biểu trong một buổi hội thảo về Hoàng Sa Trường Sa hồi tháng 9 năm 2009.
Khi mà đã công nhận chính quyền VNCH đã đề kháng chống cự lại sự xâm lược của Trung Quốc, thì dĩ nhiên vinh danh bất cứ ai đã hy sinh trong vấn đề Hoàng Sa. Hiện nay tôi chưa biết cụ thể sẽ như thế nào nhưng bây giờ là xu hướng chung và mọi người đang mong đợi
TS Sử học Nguyễn Nhã

Nhà báo Huy Đức, chủ blog Oshin đã mất gần 8 năm để tìm hiểu danh sách những chiến sĩ trận vong ở Hoàng Sa. Từ nhiều nguồn khác nhau và cập nhật từ các cựu sĩ quan Hải quân VNCH, Huy Đức đã lập danh sách 74 chiến sĩ VNCH tử trận mà ông vinh danh là liệt sĩ Hoàng Sa. 72 liệt sĩ có họ tên cấp bậc và 2 người họ tên chưa đầy đủ. Huy Đức đã được các trang mạng xã hội như Bauxite Việt Nam góp tay cho chiến dịch gọi là cùng hoàn chỉnh danh sách Liệt sĩ Hoàng Sa.

TS Nguyễn Quang A, một trong những người chủ trương Diễn Đàn Xã hội Dân sự hiện sống và làm việc ở Hà Nội trình bày ý kiến của ông về việc nhìn nhận những tử sĩ VNCH đã bỏ mình vì Hoàng Sa.

Những chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong cuộc bảo vệ Hoàng Sa là những anh hùng của dân tộc Việt Nam này. Tôi nghĩ là bất luận chính thể nào cũng phải trân trọng và tôn vinh những người như thế. Khi mà một chính phủ, một chế độ không làm được điều ấy thì trong người dân người cũng làm việc đó, có lúc thì âm thầm có lúc thì công khai. Những chuyện ấy rất là bình thường và lịch sử nhân dân Việt Nam sẽ luôn luôn ghi nhớ những người ấy như là những người con thân yêu của đất nước.”

Bất kể ai chống ngoại xâm đều được trân trọng

Trong khi đó GSTS Nguyễn Thế Hùng từ Đà Nẵng cho rằng, từ chỗ nhiều năm tránh đề cập trận hải chiến Hoàng Sa giữa Hải quân VNCH và quân xâm lược Trung Quốc thì nay chính quyền đã công khai vấn đề này như một đối sách về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa. Tuy vậy ông Hùng cho là để chính quyền chính thức vinh danh các tử sĩ Hoàng Sa thì sẽ phải mất thêm nhiều thời gian nữa.
Những chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong cuộc bảo vệ Hoàng Sa là những anh hùng của dân tộc Việt Nam này. Tôi nghĩ là bất luận chính thể nào cũng phải trân trọng và tôn vinh những người như thế
TS Nguyễn Quang A

“Tôi thấy là bất cứ người công dân nào của đất nước Việt chúng ta mà chống ngoại xâm, ở đây là chống Trung Quốc xâm lược đảo Hoàng Sa, thì đó là những người yêu nước đáng được trân trọng. Đối với chế độ bây giờ thì lần lần người ta sẽ nhận ra được vấn đề. Tôi nghĩ là họ từ từ nhưng đến một lúc nào đó thì sẽ xem những người này là liệt sĩ là anh hùng của đất nước.”

HQ-10 Nhật Tảo của VNCH đã nằm lại biển Hoàng Sa, năm 1974
HQ-10 Nhật Tảo của VNCH đã nằm lại biển Hoàng Sa, năm 1974. Files photos
Ngược dòng thời gian vào ngày 27/7/2011, nhân sĩ trí thức TPHCM đã cùng Câu lạc bộ Phao lô Nguyễn Văn Bình tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và Hoàng Sa Trường Sa. Như vậy từ gần ba năm trước các nhà hoạt động xã hội dân sự đã đi trước chính quyền một khoảng cách rất xa, nhất là trong bối cảnh chính quyền đàn áp biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo. Lúc ấy Cụ Nguyễn Đình Đầu nhà nghiên cứu lịch sử ở trong nhóm tổ chức đã phát biểu:

“Những người đã hy sinh rồi thì không nên phân biệt ý thức hệ hay về phuơng diện chính trị. Nhưng thế nào cũng có tác động về phương diện chính trị, tôi làm việc này thuần túy trên phạm vi tinh thần, cầu nguyện cho những người đã hy sinh cho tổ quốc. Những chiến sĩ bên này hay bên kia nhưng đều là bảo vệ đất đai của tổ quốc. Chúng tôi cũng cầu nguyện tôn vinh cả những đồng bào nạn nhân của những lực lượng thù địch ngoại bang chống phá Việt Nam.”

40 năm sau sự kiện Trung Quốc đánh bại VNCH xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, Hà Nội mới bắt đầu thể hiện việc nhìn nhận chế độ miền Nam đã chống cự giặc Trung Quốc xâm lăng. Nhưng khi nào nhà nước chính thức tôn vinh những tử sĩ Hoàng Sa chấp nhận vinh danh những người anh hùng bỏ mình vì chống ngoại xâm lại là một câu chuyện khác.Tại sao hòa giải dân tộc ở Việt Nam lại chẳng có bao nhiêu kết quả sau khi chiến tranh đả kết thúc gần 4 thập niên. Nói như nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc ở Saigon, khi tham quan Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở Thủ đô Hoa Kỳ, ông thấy những mộ phần của người lính Mỹ trong cuộc nội chiến Nam Bắc 1861-1865 được chôn cùng một khu không phân biệt Bắc quân-Nam quân. Điều này đã làm ông suy nghĩ rất nhiều và nghĩ rằng có thể đó là một trong những lý do để Hoa Kỳ trở thành một siêu cường của thế giới. 
  Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-01-06

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét