Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Vụ Dương Chí Dũng : Lạm dụng “Thân, Tiền, Quyền” luôn là mối đe dọa bất cứ chế độ nào & Bác Trọng nói câu nào cũng dzui ghê!

Bác Trọng nói câu nào cũng dzui ghê!

Hạ Đình Nguyên
Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh. Cho nên chúng ta phải xem xét bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt. Phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng”. (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: Báo Tiền Phong).
Dân nhậu Sài Gòn thường hay đẩy đưa cuộc lai rai của mình bằng những chuyện tiếu lâm mặn nhạt đủ kiểu. Khi thì chuyện chăn gối oái ăm dở khóc dở cười, khi thì chuyện mèo chó cắn nhau, cũng có khi là mạn đàm linh tinh thế sự. Nhưng xem ra chuyện nào cũng có tính biện chứng nghiêm túc cả, lại cũng rất là “xem xét” đảm bảo cái “bình tĩnh-tỉnh táo-sáng suốt” chứ chẳng dám coi thường.
Nhưng cái chất gây cười ở quy mô “đại cục” bao trùm cả nước, có khi là vượt biên giới quốc gia, thì không ai hơn bác Trọng. Phải nói thế! Vì không thể nói khác, bởi “xem xét” về mặt “khoa học và biện chứng” của bác, thì quả là vô đối! Khi nghe bác nói, lời nào cũng đều thâm thúy đến tím ruột bầm gan, rồi nó đọng lại trong tâm, nó nung nấu một hồi, rồi lại bật ra tiếng cười sảng khoái, dù lúc đang ăn dở bữa, hoặc có khi là giữa đêm hôm khuya khoắt.
Nghe lời bác, ai ai cũng thấm nhuần cái lẽ biện chứng ở đời, ở ngay trong thân thể của mình và ở mọi sự vật, từ chuyện trong nhà đến chuyện quốc gia đại sự, không trật đâu cả! Biện chứng, biện chứng nữa, và biện chứng mãi. Không được buông lỏng, vì nó là khoa học, phải khoa học nữa, và khoa học mãi. Và như thế, để có được biện chứng, phải có bình tĩnh, tỉnh táo và sáng suốt. Và ngược lại, để có những cái này, thì mới có được cái kia. Vâng, đây là mối quan hệ biện chứng giữa biện chứng với sự bình tĩnh, tỉnh táo và sáng suốt. Ai đó thật đáng tiếc, nếu không hiểu được điều này.
Ít nhất, tôi học lóm được hai lần bác vận dụng cái phép biện chứng này vào sự nghiệp tham nhũng và sự nghiệp chống tham nhũng. Chống tham nhũng và tham nhũng đều có cái phép biện chứng riêng của nó. Cơ bản là thế này: Chống tham nhũng, lại phải biết nuôi tham nhũng. Nếu không nuôi nó, nó chết, thì lấy đâu mà chống, sự nghiệp chống tham nhũng phải chịu bế tắc sao? Về tham nhũng thì phải biết cách tham nhũng, sao cho đúng quy trình, đúng quy định, có thế thì sự nghiệp tham nhũng mới tồn tại lâu dài được. Phương pháp tổng thể trên cả nước là thế này: Toàn thể bộ máy phải chia làm hai phe, một phe tham nhũng và một phe chống tham nhũng. Trong mỗi phe lại chia làm hai phe y như thế. Và trong mỗi người, cũng phân thân làm hai, cùng lúc thực hành nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ quan trọng ấy: vừa tham nhũng, vừa chống tham nhũng. Biện chứng là ở chỗ nó mâu thuẫn nhau về hình thức, nhưng bản chất nó dựa vào nhau mà tồn tại. Đất nước sẽ phát triển, nhân dân sẽ phồn vinh, chắc chắn là thế. Trong sự bùng nhùng quyết liệt này, trí tuệ quan dân sẽ đầy sáng tạo. Bác Trọng sẽ nhận trách nhiệm điều phối phép biện chứng tổng thể, để mọi việc của quốc gia ổn định, đâu ra đấy.
Dân chúng chẳng hiểu biết gì về biện chứng, mà la ó chuyện tham nhũng và chống tham nhũng, là không được bình tĩnh, tỉnh táo và sáng suốt cho lắm, nên rất cần phải xem lại về mặt khoa học. Bác khẳng định cho toàn dân biết những nguyên lý không ai được chối cãi: Tham nhũng là do tiền, cũng như cháy chợ, xí nghiệp, hay nhà cửa đều do lửa, phố phường bị ngập là do nước, quan chức thiếu tiền vì thiếu công trình. Công trình phải bắt nguồn từ đất đai, nên đất đai phải được nhà nước quản lý, tức là điều phối vậy thôi. Nếu không, lấy đâu ra mà chi phí cho cả bộ máy khổng lồ này! Người dân không hiểu gì lại thắc mắc là bộ máy cồng kềnh, bác thừa nhận một cách khoa học: Vâng, bộ máy cồng kềnh! Người dân hỏi sao tham nhũng tràn lan, bác nói vâng, sờ đâu cũng thấy… Người dân nói bức xúc quá, bác nói, ờ, khó chịu như ngứa ghẻ. Khách quan là chỗ đó, dù bác là người có vai vế không nhỏ trong cuộc cờ. Vì khoa học là khách quan, còn trách nhiệm thì không thuộc phạm trù biện chứng ở đây. Mọi chuyện nên bình tĩnh, sáng suốt như bác, là xong hết. Như cái vụ “hôi bia” ở Đồng Nai, làm cho tài xế khóc rống, báo chí có cơ hội tha hồ phê phán đám “dân xấu”, cũng mặc nhiên làm cân bằng dư luận về “quan xấu”, phải nhìn ra cái biện chứng ấy. Dù sao, nói theo khoa học và biện chứng thì phải thừa nhận một cách khách quan, “hôi bia” là cướp giật “không đúng quy trình”, chỉ thế thôi! Thật đáng tiếc, cứ bắt chước ở trên rồi làm theo mà chẳng hiểu gì cả! Cho nên, phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về cướp giật. Dù sao, các báo giấy cũng không nên đi quá, vì “hôi bia” cũng để uống chơi thôi, làm gì dữ vậy, sao bằng chuyện “hôi lý thuyết”, “hôi tư tưởng”. Xa lắc, còn đem về được; lâu hoắc còn đem xài được, đâu cần sáng tạo ra, chỉ bắt chước rồi xem xét, sửa tí đỉnh cho phù hợp với tình hình cụ thể của nước ta. Cho nên: Phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về xem xét.
Vừa rồi, bác chỉ ra một cách rất khoa học, chuyện ở ngay cái kinh đô của Phật, ông trùm giữ kinh Phật còn tham nhũng cái bình bát của Tam Tạng mới chịu giao kinh, huống là…! Tham nhũng là quy luật khách quan, là bản chất con người rồi còn gì! Quan xấu được một dịp củng cố thêm lập trường vững chắc. Dân nhãi nhép đành cứng miệng, vì sự bí hiểm của nó.
Nhưng dân nhậu thì không, họ vẫn biện chứng được, theo cho kịp cái “trình” ở trên, họ cho rằng thí dụ này là rất hùng hồn theo phép biện chứng cấp cao: lấy hiện thực nương vào tưởng tượng, lấy đời sống nương vào tiểu thuyết, và ngược lại, lấy tiểu thuyết, tưởng tượng soi sáng cho đời sống và hiện thực, đó là phép trộn nó vào nhau để thành ra cái đại cục. Mà cái đại cục thì ở trong tay ta, ta vo bóp thế nào chả được. Cái biện chứng độc đáo cao cấp ở đây là gì? Là hiện thực sinh ra lý luận, là từ đời sống cụ thể mà có nó. Cho nên ý tưởng, tiểu thuyết hay lý luận cũng là hiện thực, là cụ thể cả. Vì thế, học thuyết mà ta theo đuổi, dù đến cuối thế kỷ nó có hoàn thiện hay không, cũng chẳng sao, nó như nhau cả, dù tưởng tượng hay hiện thực, cứ hãy tiến lên. Cách gọi bình dân dễ hiểu của dân Nam bộ là cái biện chứng cối xay.
Tuy nhiên, dân nhậu Sài Gòn chỉ đem chuyện Đường Tăng bị trấn lột cái bình bát ra làm chuyện đưa đẩy lai rai đỡ buồn, chọc cười nhau thôi, chứ thật ra, rất “bình tĩnh, tỉnh táo và sáng suốt” để hiểu rằng, động thái thu cái bình bát là đẩy tới chỗ rốt ráo cái “không tướng” trong nhắc nhở cuối cùng tuệ giác của Đường Tăng.
Có người nhắc nhở, xem xét chuyện Đường Tăng thỉnh kinh, cũng phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về sự bình tĩnh, tỉnh táo, và sáng suốt nữa đấy!
Trên đây chỉ là một câu nói vừa ngắn vừa nhỏ của bác Trọng, chứ nếu kể ra, bất cứ câu nào của bác cũng dzui ghê.
Ước chi mà được cùng lai rai với bác ở đâu đó, ở bờ Hồ Gươm nổi tiếng, hay kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đậm màu sắc bình dân đều được cả, chẳng nề hà chi! Chắc là rất dzui.
Thỉnh thoảng bác thả ra vài câu là dân nhậu cả nước dzui suốt năm. Mà chắc là các quan cũng thấy dzui!
Đúng thật đấy, “phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng”. Hay quá! Môn học này là một đặc sản duy nhất ở Việt Nam ta có. Cảm ơn bác! ./.
H. Đ. N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Giấy rách phải giữ lấy lề !

DC&PT – Thời Sự 2013
Âu Dương Thệ
Sau việc gần 100% đại biểu Quốc hội gật ngày 28.11 thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 theo kiểu „Nguyễn Như Vân“ đã gây bất bình rất lớn trong nhiều giới và làm thất vọng trong thành phần đảng viên tiến bộ, những người cầm đầu chế độ toàn trị vẫn lên tiếng ca ngợi cho đó là những quyết định dân chủ và phản ảnh ý kiến của đại đa số nhân dân! Nhưng một số đảng viên tên tuổi biết tự trọng đã tuyên bố rút ra khỏi đảng và nhiều nhân sĩ cũng như các Blogger độc lập đã vạch trần những sự giả dối đánh lừa nhân dân của những người cầm đầu chế độ toàn trị.

Ngày 12.12. vừa qua Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và nguyên Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia HCM Lê Hữu Nghĩa  đã viết bài „Phân biệt quan điểm sai trái và ý kiến khác với quan điểm của Đảng“1  (*) được Thông tấn xã VN và Tạp chí Cộng sản điện tử phổ biến. Động cơ việc làm này của ông Nghĩa là quan ngại việc tự chuyển hóa, tự diễn biến và bỏ đảng có thể trở thành một phong trào trong thời gian tới và tiếng nói của các nhân sĩ, thanh niên và các Blogger độc lập có thể làm tê liệt bộ máy rất lớn nhưng đang rệu rạo của các báo, đài lề đảng. Cho nên mục tiêu chính mà ông Nghĩa muốn nhắm tới là tìm cách can ngăn và thuyết phục các đảng viên ĐCSVN đang muốn công khai bỏ Đảng, sau khi có một số đảng viên tên tuổi đã công bố vì đâu mà nay họ phải quyết định ra khỏi ĐCS.
Trong bài nói trên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Lê Hữu Nghĩa đã chia ra hai phần chính là „những quan điểm sai trái, thù địch“„những ý kiến khác với quan điểm, đường lối của Đảng“. Từ đó ông Nghĩa vạch rõ, những ai bác bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin và chống chủ trương duy trì độc quyền của ĐCSVN đều bị xếp vào thành phần có „những quan điểm sai trái, thù địch“. Và vì thế Lê Hữu Nghĩa đã qui kết những người này là „các thế lực thù địch, cơ hội chính trị“ không tiếc lời kết án, chụp mũ và đe dọa !
Tình hình trong đảng và ngoài xã hội
Nhưng khi suy nghĩ và đặt bút viết bài nói trên hẳn Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Lê Hữu Nghĩa phải biết tình hình rất xấu và tồi tệ ở tất cả các lãnh vực từ trong đảng đến ngoài xã hội và những nguyên nhân của nó. Chính sếp của ông, TBT Nguyễn Phú Trọng, đã nhìn nhận công khai trong nhiều Hội nghị Trung ương về tình trạng tha hóa đạo đức ngày càng phát triển sau  60 chục năm độc quyền của đảng và độc tôn của chủ nghĩa Marx-Lenin. Như trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 4 ngày 26.11.2011 ông Trọng đã than  trách :
            „Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng. Vướng mắc chính là ở chỗ nào?2
Thế rồi trong diễn văn bế mạc ngày 31.12.2011 cũng tại Hội nghị Trung ương 4 ông Trọng còn cảnh báo tương lai rất đen tối của chế độ toàn trị:
Nếu Đảng ta không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên.“3              
Tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc cuối tháng 2.12 cho trên 1000 cán bộ cao cấp Nguyễn Phú Trọng còn xác nhận, các nhóm lợi ích đang đục ruỗng chế độ:“Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu – nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không? „mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai?4
Gần hai năm sau tình trạng tham nhũng vẫn không cải thiện được, “Các vụ án lớn phát hiện chậm, kéo dài, lúc đầu to bằng voi rồi xử bé như chuột.,5 , như Nguyễn Phú Trọng kiêm Trưởng ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng đã nói với cử tri ở Hà nội vào 6.12. 2013:
            “Tham nhũng nguy hiểm và khó chịu vì đã thành khá phổ biến. Nó thành đường dây có tổ chức rồi, chứ không còn từng người một người ăn mảnh nữa. Chúng tôi hay nói đó là lợi ích nhóm, cấu kết với nhau nên phải có cơ chế trị tận gốc, việc này rất khó chứ không phải dễ”.6
Tình hình bè cánh hành động theo lợi ích nhóm, tham nhũng và vô trách nhiệm đang diễn ra công khai ngay ở cấp cao nhất là Bộ chính trị và Trung ương đảng. Ba năm trước, khi vụ Tập đoàn Vinashin bị khui ra, chính Bộ chính trị khi ấy đã xác nhận, tập đoàn kinh tế nhà nước này đã làm thất thoát trên 86.000 tỉ đồng (4,5 tỉ USD) và Bộ chính trị đã có Kết luận là phải thi hành kỉ luật đối với những người có trách nhiệm chính. Trong tư cách là người chỉ đạo trực tiếp các thí điểm lập các tập đoàn kinh tế nhà nước, nên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đúng ra phải nhận trách nhiệm chính trị trong việc để thất thoát rất lớn tài sản quốc gia, nghĩa là phải từ chức. Nhưng vì tôn thờ quyền-tiền để giữ ghế hay nhẩy cao hơn, nên khi ấy những người chính trong Bộ chính trị đã thỏa hiệp lười biếng giữa họ với nhau trong Đại hội 11 (1.2011). Cho nên cuối cùng mọi việc giữa họ với nhau đều huề cả làng!
Tại Hội nghị Trung ương 6 tháng 10.12 sau nhiều ngày họp rất căng thẳng, trong tư cách TBT ông Trọng đã thông báo cho các ủy viên Trung ương về quyết định của Bộ chính trị:
            „Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị.“. 7
Nhưng đại đa số các ủy viên trong Trung ương đảng đã phớt lờ quyết định của toàn thể Bộ chính trị, cho nên cuối cùng „một đồng chí Ủy viên Bộ chính trị“, tức Nguyễn Tấn Dũng, vẫn bình chân như vại, tiếp tục ngồi chỗm trệ trên ghế Thủ tướng. Chính ông Dũng còn biện minh giải thích là, những quyết định trong Chính phủ ông chỉ làm theo quyết định của tập thể mà thôi:
“Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai”.8
Vì căn bệnh nguy hiểm của chế độ đã chạy tới đầu não nên Chủ tịch Trương Tấn Sang nói thẳng với Nguyễn Tấn Dũng „không đủ uy tín thì nghỉ, ở làm gì nữa“ và còn trách “nếu chúng ta hèn nhát thì làm đơn gửi cho Đảng chúng ta nghỉ, chúng ta rút lui đi để cho những người dũng cảm làm việc”.9 Thậm chí Chủ tịch nước còn đặt cho Thủ tướng cái tên diễu cợt là “đồng chí X”! Mùa hè 2012 Nguyễn Phú Trọng còn mở hàng loạt các cuộc tự phê bình và phê bình rộng lớn nhất trong đảng từ trước tới nay, kéo dài nhiều tuần lễ. Từng ủy viên Bộ chính trị và Ủy viên Ban bí thư trung ương đều phải “tự phê bình và phê bình nghiêm túc”. Nhưng kết quả vẫn chỉ như nước đổ lá khoai như mọi người đã thấy từ Hội nghị Trung ương 6 tới nay!
Sau khi nghe nhân dân và đảng viên chửi rát tai, nên trong vụ xử Dương Chí Dũng hiện nay những người có trọng trách chính đã bày ra nhiều “diệu kế”. Chỉ ít ngày trước vụ xử  Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ti hàng hải Vinalines, ông Trọng nói theo giọng chia sẻ với dư luận là, cho tới nay nhiều vụ án tham nhũng “lúc đầu to bằng voi rồi xử bé như chuột”  đã hí hửng loan báo là “hãy chờ xem”10. trong vụ xử án nhóm Dương Chí Dũng lần này. Trong ngày xử có cả Trưởng ban Nội chính trung ương kiêm Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng Nguyễn Bá Thanh cũng có mặt.11 Thế rồi đúng vào ngày xử vụ án, ngày 12.12 Phó trưởng ban Nội chính trung ương Phạm Anh Tuấn đã loan báo trước khi tòa xử:
            “Nếu như trước đây, mức án tham nhũng thường bị cho là nhẹ, thậm chí cho hưởng án ”treo” nhiều vì căn cứ vào người phạm tội có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu… Tuy nhiên, với loại tội phạm này trong tình hình tham nhũng hiện nay, một mặt phải đáp ứng yêu cầu pháp lý, nhưng cũng phải đáp ứng cả yêu cầu chính trị, đòi hỏi của xã hội, vì vậy phải xử đủ nghiêm để răn đe”. 12
Nghĩa là, cũng như nhiều bản án khác trước đây, dự tính hình phạt tử hình Dương Chí Dũng đã được một số người có quyền lực định sẵn trước khi tòa xử. Nhưng Dương Trí Dũng và các tòng phạm khác chỉ là tay em, còn Nguyễn Tấn dũng mới là thủ phạm chính. Vì Thủ tướng là người chỉ đạo các tập đoàn và tổng công ti nhà nước. Thật là rõ ràng, pháp luật chế độ toàn trị đã được định theo tiêu chuẩn bắt con tôm tép thả con cá mập! Đấy là chưa kể những mưu mẹo vặt, vụ án Vinalines đã bị dời đi dời lại nhiều lần và nay họ chọn đúng vào dịp Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật mới đem vụ này ra xử và làm rất đình đám. Như vậy là cố tình tránh những tai tiếng cho thủ phạm chính! Không những thế trong vụ xử này hầu hết các nhà báo lề phải cũng chỉ được theo dõi qua video, chỉ vài kí giả được phép vào phòng xử theo dõi, nhưng lại bị cấm đem theo máy ảnh, điện thoại cầm tay…13 Cách chuẩn bị này cho thấy, vụ án PMU 18 vẫn còn như cơn ác mộng ám ảnh những người có trọng trách!
Nói tóm lại, kết quả của các Hội nghị Trung ương cũng như các hoạt động của những người cầm đầu chế độ toàn trị vừa qua cho thấy, tiếng nói của các nhóm lợi ích từ trong Trung ương tới Bộ chính trị đã dẫm nát kỉ cương và Điều lệ Đảng cũng như đạp cả lên pháp luật. Các người cầm đầu đảng, nhà nước và chính phủ còn công khai tố cáo lẫn nhau, lập phe cánh để thanh toán lẫn nhau. Tình đồng chí không còn, họ chỉ còn biết thờ đồng tiền và quyền tước mà thôi! Nhưng nếu cần thiết họ vẫn sẵn sàng dựng lên các màn dân chủ cuội để đánh lừa nhân dân.
Trong khi ấy, qua các báo cáo hàng năm của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín thì sau 60 năm bị cai trị dưới chế độ độc đảng theo chủ nghĩa Marx-Lenin nên VN vẫn đứng gần đội sổ trong rất nhiều lãnh vực, từ nhân quyền, tự do báo chí, tham nhũng. Còn kinh tế thì đang tụt hậu và thua xa cả với nhiều nước trong khu vực. Riêng về nhập siêu với Trung quốc thì mức nhập siêu của VN tính tới tháng 10.2013 đã gia tăng lên 19,6 tỉ USD, tăng gần 50% so với cùng kì năm trước. Nếu tính từ năm 2001 thì nhập siêu từ Trung quốc đã tăng lên 100 lần.14 Chính sự lệ thuộc thương mại, tài chánh và kinh tế vào Trung quốc nên Bắc kinh đang công khai lấn chiếm các hải đảo và tài nguyên của VN và đe dọa trực tiếp chủ quyền và độc lập của đất nước!
Tất cả những tình hình trên trong mọi mặt đang diễn ra trong đảng, nhân dân phải chịu đựng và các nguy cơ thực sự cho đất nước là những sự kiện hết sức rõ ràng. Đây là kết quả của chế độ độc đảng trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Marx-Lenin đã sinh sôi và tích lũy 60 năm. Là nhà khoa bảng cao, từng là ủy viên Trung ương và từng giữ các chức vụ quan trọng về tư tưởng và đào tạo cán bộ cao cấp nên Lê Hữu Nghĩa không thể phủ nhận được những sự thực này.
 „Vướng mắc chính là ở chỗ nào?“
Câu hỏi trung tâm này liên quan nguồn gốc và nguyên nhân tạo ra khiến các nhóm lợi ích trong đảng đang tung hoành ngang ngược như chỗ không người để tham nhũng và đua đòi lối sống tha hóa đạo đức trên mồ hôi nước mắt và tiền thuế của nhân dân. Các tệ trạng này ở trong đảng không những không ngăn cản được mà còn đang phình ra nhất là ở những cán bộ có chức quyền cao, mặc dầu từ trước tới nay không biết bao nhiêu nghị quyết của Bộ chính trị và luật pháp được ban bố, như chính người cầm đầu chế độ Nguyễn Phú Trọng xác nhận trong nhiều Hội nghị Trung ương.  Vướng mắc chính là ở chỗ nào và từ đâu? Câu hỏi cực kì quan trọng này đã được Nguyễn Phú Trọng nêu ra trong Hội nghị Trung ương 4. Tuy ông Trọng đã nêu ra nhưng không dám trả lời.
Thực ra, câu trả lời rất rõ ràng như ngày với đêm, người bình thường ai cũng biết cả. Trong suốt mấy chục năm qua tổ chức chính trị nào đang nắm độc quyền chính trị ở VN? Và đảng này đang tôn thờ chủ nghĩa nào?
Trong mấy thập niên vừa qua chủ nghĩa dân chủ đa nguyên và chế độ đa đảng bị nghiêm cấm ở VN. Nhưng ĐCSVN đã độc quyền cai trị VN từ 1954 ở miền Bắc và từ 1975 trên toàn quốc. Chính ĐCSVN đã tôn thờ tuyệt đối chủ nghĩa Marx-Lenin từ khi thành lập đảng vào năm 1930 và lấy nó làm kim chỉ nam tổ chức xã hội từ khi đảng nắm độc quyền.
Như vậy là rất rõ ràng, không một ai có thể phủ nhận được sự thực: Chính ĐCSVN và chủ nghĩa Marx-Lenin là thủ phạm và nguồn gốc của các tệ trạng suy thoái đạo đức, tham nhũng bất trị, kinh tế xuống dốc, bất công, đàn áp và ngày càng lệ thuộc vào Bắc kinh. Nhân dân VN đang là nạn nhân của chế độ độc đảng và chủ nghĩa Marx-Lenin đã thực sự phá sản!
Chính vì thế, nay nhiều thành phần nhân dân, đi đầu là trí thức, chuyên viên, thanh niên và cả nhiều đảng viên tiến bộ biết quí tự trọng đứng lên vạch rõ những tội ác của chế độ độc tài và những sai lầm của Chủ nghĩa Xã hội. Những hành động như thế thật hết sức chính đáng và khẩn thiết. Ai có lương tri và sự hiểu biết tối thiểu đều phải nhìn nhận như vậy. Nhưng tại sao nhà khoa bảng và từng là Giám đốc một học viện cao cấp Lê Hữu Nghĩa lại mạt sát và kết án các giới này?! Từng nhiều năm làm Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia HCM, một học viện đào tạo các cán bộ cao cấp cho chế độ. Nhưng hiện nay nhiều cán bộ cao cấp đã trở nên hư hỏng ăn cắp của công, đàn áp dân lành, sáng cắp ô đi tối cắp về, thì rõ ràng Lê Hữu Nghĩa có phần trách nhiệm lớn trong đó! Học trò đốn mạt, vì thầy chẳng ra gì và đã đánh mất tư cách! Cho nên, nếu bình tĩnh, công tâm, sáng suốt và tự trọng thì ông Nghĩa phải biết ơn những ai chỉ cho mình những cái sai chứ!
Không dám nhìn sự thực lại còn lên giọng đạo đức!
Ở phần hai của bài trên, bằng cách viết hồ hởi và đóng vai “người biết điều” ông Nghĩa nói là, để cho mọi người phê bình những thiếu sót trong chính sách hay quyết định của chế độ, “để làm tốt hơn, lãnh đạo và quản lí đất nước hiệu quả hơn”. Nhưng đồng thời Lê Hữu Nghĩa lại  nghiêm cấm, không cho phép đụng tới sự độc tôn của ĐCSVN và chủ nghĩa Marx-Lenin. Nói như thế chả lẽ ông Nghĩa muốn áp dụng chuyện tiếu lâm của Trạng Quỳnh, chỉ cho đại tiện nhưng cấm tiểu tiện?!
Trong khuôn khổ giới hạn của bài này nên chỉ nêu bệnh tham nhũng trong chế độ toàn trị. Chính ông Trọng mới vài ngày trước nhìn nhận, tham nhũng của cán bộ đã “thành đường dây có tổ chức” trong đảng và nhà nước, chống tham nhũng chỉ như gãi ngứa ghẻ, chỉ gãi bề ngoài nên bệnh ngày càng nặng! Như các dẫn chứng ở trên, căn bệnh tham nhũng và sự lộng hành của bọn nhóm lợi ích đã chui lên cả Trung ương và Bộ chính trị. Nguyên nhân của nó là do chế độ độc đảng với chủ nghĩa Marx-Lenin đã sai lầm. Chính các nước Đông Âu đã nhìn thấy cội nguồn của của các tệ trạng xã hội là từ chế độ độc đảng và chủ nghĩa độc đoán Marx-Lenin, nên hơn 20 năm trước họ đã có can đảm rũ bỏ nó, nhờ thế xã hội đang lành mạnh trở lại và đất nước mới vươn lên được, nhân dân sung túc hơn, tự do dân chủ hơn.
Nay trong bài nói trên, Lê hữu Nghĩa chỉ cho phép chỉ trích những khuyết điểm, những hiện tượng không đẹp bên ngoài, nhưng lại cấm không cho phê bình những nguyên nhân cốt rễ…Tức là chỉ cho phê bình hiện tượng, nhưng lại cấm không được động tới nguồn gốc gây ra những hiện tượng đó! Là Phó Chủ tịch Hội đồng lí luận Trung ương thì không thể nào ăn nói hồ đồ phản khoa học như vậy được! Trị bệnh thì phải trị tận gốc, không thể chỉ xoa bóp bên ngoài! Cách lí luận của Lê Hữu Nghĩa quá lắm chỉ là tự lừa đối mình! Nói thế chẳng qua là dân chủ hình thức, làm anh hề bán dạo ngoài phố! Miệng của kẻ độc tài hô hoán dân chủ!
Lê Hữu Nghĩa còn huyênh hoang là, các đảng viên và nhân dân có quyền trình bày quan điểm và ý kiến của mình. Nhưng ông Nghĩa quên rằng, mới vài năm trước chính Nguyễn Tấn Dũng đã ra Quyết định cấm các chuyên viên và trí thức trong đảng phản biện công khai, và cũng chính ông Dũng đã giải tán Ban cố vấn Thủ tướng chỉ ít lâu sau khi nhận chức Thủ tướng, mà chẳng cần cho biết lí do!
Sao Lê Hữu Nghĩa lại có thể chóng quên cả chuyện tầy đình vừa mới xẩy ra vài tuần trước? Đó là việc Quốc hội thông qua gần 100% sửa đối Hiến pháp. Khi công bố bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, những người có trọng trách đã hồ hởi kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến và còn hứa là không cấm kị bất cứ ý kiến nào. Nhưng khi hàng chục ngàn trí thức, chuyên viên, thanh niên trong và ngoài nước, kể cả nhiều đảng viên tiến bộ đã viết Kiến nghị 72 công khai thẳng thắn đưa ra các đề nghị xây dựng để đất nước thật sự dân chủ thì ngày 25.2.2013 chính Nguyễn Phú Trọng đã cao ngạo lên tiếng kết án:
          “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến, cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.”
          “Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm đấy, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thế là suy thoái chứ còn gì nữa. Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì? Nên phải quan tâm xử lý những điều đó.” 15
Lệnh phán của Nguyễn Phú Trọng “phải quan tâm xử lí những điều đó” cho Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lí luận Trung ương và các báo của chế độ phải viết các bài mạ lị, bôi nhọ và đe dọa với trình độ rất thấp kém và tư cách rất tồi tệ!  Thậm chí giữa tháng 11 vừa qua còn ra lệnh cho Quốc hội hủy bỏ buổi họp công khai thảo luận về việc sửa đổi Hiến pháp. Nghĩa là cấm các đại biểu được trình bày công khai quan điểm của mình về một văn kiện luật căn bản. Chính vì thế ngày 28.11 Quốc hội với gần 100% đã thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nội dung không khác gì Hiến pháp 1992. ĐCS vẫn độc quyền, chủ nghĩa Marx-lenin vẫn là thống soái, nhà nước (trong thực tế là đảng) vẫn độc quyền đất đai, quân đội và công an chỉ tuyệt đối trung thành với đảng! Giống hệt những mong muốn mà Nguyễn Phú Trọng đã phán!
Như thế ai cũng thấy rất rõ, mọi đóng góp ý kiến xây dựng -theo kiểu Lê Hữu Nghĩa đề nghị- chỉ như nước đổ đầu vịt, những người có quyền lực chẳng thèm đọc, chẳng thèm nghe. Còn những kiến nghị, tuyên bố và những bài vạch rõ những sai lầm của lãnh đạo chế độ toàn trị thì bị kết tội là chống đảng, chống nhà nước và các tác giả bị theo dõi, bị đàn áp kể cả tù đày!
***
Tóm lại, các dẫn chứng trên đây về tình hình trong đảng và ngoài xã hội hiện nay ở VN để đối chiếu với những đề nghị của Lê Hữu Nghĩa trong bài nói trên cho thấy: Các đề nghị này hoàn toàn không tưởng. Không những thế nó còn vạch rõ sự ngớ ngẩn khủng khiếp; trong khi thủ phạm gây ra những tội ác tầy trời suốt cả 60 năm, nhưng Lê Hữu Nghĩa lại không cho phép được đụng tới, để nó tự do tiếp tục hoành hành. Lê Hữu Nghĩa còn khuyên mọi người là, chỉ nên nói nhỏ nhẹ với thủ phạm mà thôi và phải biết ơn thủ phạm!
Như vậy có phải ông Nghĩa viết bài trên để tự đánh lừa lương tâm mình và ru ngủ người khác?
Thiết tưởng ở trình độ học vấn như vậy thì Lê Hữu Nghĩa phải giữ tư cách và danh dự làm trọng, chứ không thể để quyền tiền đánh bạt lòng tự trọng làm mất cả nhân cách. Mang danh khoa bảng và ở tuổi đã cao mà chỉ cam phận làm ông bình vôi, thấy sai không dám nói, lại còn lên giọng đạo đức giả. Bán lương tâm, mất tự trọng là mất tất cả. Thiết tưởng ở địa vị và vai trò hiện nay, Lê Hữu Nghĩa nên hiểu cho thật rõ thế nào là “giấy rách phải giữ lấy lề”!
15.12.2013

2 . Cộng sản (CS), 26.11.2011
3 . CS 31.12.2011
4 . Nguyễn Phú Trọng, diễn văn bế mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc 27.2.12
    Xem thêm: Âu Dương Thệ, Hai năm làm Tổng bí thư (1.2011 – 1. 2013) -  
   Nguyễn Phú Trọng đang đưa chế độ và đất nước đi về đâu? Các phần I, II và III  
   http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2013/adt2.htm
5 . Nguyễn Phú Trọng 6.12, VNN 6.12
6 .Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri 6.12, báo Đất việt 9.12
7 .Nguyễn Phú Trọng, diễn văn bế mạc HNTU 6, CS 15.10.12
8 .VN Net(VNN) 8.12.11
10. Như 5
11 . VNN 14.12
12 . Lao động 12.12
13 . VNN 12.12
14 . Tuổi trẻ 9.12
15 . Nguyễn Phú Trọng nói tại Vĩnh phú ngày 15.2.13  
     http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/Media/Media.aspx?cm_id=2682&type=1&co_id=0
 —–

Ông Bá Thanh có 'phạm luật' khi tới tòa?

TS Lê Đăng Doanh bình luận động cơ và tính hợp lệ việc ông Nguyễn Bá Thanh tới dự phiên tòa xử ông Dương Chí Dũng và đồng phạm.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
Việc lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam tới 'dự phiên tòa' đang trong quá trình xét xử ông Dương Chí Dũng và các đồng phạm tại vụ án 'tham ô tài sản' và 'cố ý làm trái gây hiệu quả nghiêm trọng' ở Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines, hôm 14/12 là 'không vi phạm luật' và là 'điều bình thường' ở trong nước, theo một nhà quan sát từ Hà Nội.
Bình luận về động cơ ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương xuất hiện tại phiên tòa, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ hôm Chủ Nhật nói với BBC:
"Theo tôi ông Bá Thanh đến để biểu hiện sự quan tâm của Ban Nội chính Trung ương và cũng có thể của ban lãnh đạo Đảng đến phiên tòa này,
"Và nó chứng tỏ rằng phiên tòa này được sự chú ý cao độ của công luận và lãnh đạo Đảng, mà trong đó có Ban Nội chính Trung ương."

'Ảnh hưởng tới tòa?'

"Ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, cho nên Ban Nội chính trung ương có thể đến, xuất hiện ở các phiên tòa đó để xem xét có ý kiến"
TS Lê Đăng Doanh
Trả lời câu hỏi liệu sự hiện diện của ông Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, có gây ảnh hưởng gì tới tính khách quan và độc lập của tư pháp cũng như vụ xử ông Dương Chí Dũng cùng các bị cáo khác trong vụ án hay không, Tiến sỹ Doanh nói:
"Ở Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương có thể hiện diện ở các phiên tòa như vậy là việc bình thường, ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, cho nên Ban Nội chính trung ương có thể đến, xuất hiện ở các phiên tòa đó để xem xét có ý kiến...
"Như báo chí đưa tin, ông ấy đến xem xét rồi ông ấy lại lẳng lặng ra đi, chứ không phát biểu ý kiến gì cả, cái đó có thể đối với quốc tế là một điều không bình thường, nhưng đối với Việt Nam, việc ấy, cũng tương tự như nhiều sự việc khác, các lãnh đạo Đảng có thể đến được."
Trong khi cho rằng vụ án là một trong các nội dung được ban lãnh đạo Đảng Cộng sản đặt trọng tâm chỉ đạo xử lý, với định hướng để ngành tư pháp sẽ 'không xử án treo' với các vụ án liên quan tham nhũng, chức vụ, Tiến sỹ Doanh nhấn mạnh thêm:
"Đến nay không có quy định gì về việc sự lãnh đạo của Đảng sẽ được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật như thế nào."

Ai mật báo và ai mới thực là đầu trò tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn?


Đôi lời: Hai câu hỏi trên liên quan tới hai bài báo hôm nay trên Tuổi trẻ và Pháp luật TPHCM: + Ai mật báo để Dương Chí Dũng bỏ trốn? + Sắp xử em trai Dương Chí Dũng.
Trước hết, thật nực cười cho ông Hội thẩm nhân dân, cho là phiên tòa xử về tham ô, “không liên quan gì đến án bỏ trốn, nên bị cáo có khai hay không cũng không quan trọng.”
Có hai điều nực cười. 1- Vụ bỏ trốn của DCD làOT H3�nh tiết tăng nặng cho việc quyết định mức án trong vụ này, vậy thì sao lại không cần làm rõ nó được? 2- Nghiêm trọng hơn, không loại trừ khả năng kẻ báo cho DCD trốn lại chính là đồng phạm, thậm chí “đầu vụ” trong cả tiến trình tham ô ăn cắp của DCD, muốn “cứu” y nhưng chính là để cứu mình và toàn bộ băng nhóm.
Và câu hỏi thứ hai, liên quan tới phiên tòa có lẽ sẽ “hấp dẫn” hơn nhiều, ngay trong tuần này, là ai mới thực sự đóng vai trò tổ chức cho DCD bỏ trốn. Có phải là Dương Tự Trọng, cựu Phó Giám đốc Công an Hải Phòng, như bài báo nêu, hay là nhân vật cao hơn – chính là kẻ đã gọi điện trực tiếp báo cho DCD bỏ trốn, hay còn kẻ “to đầu” nữa? 
Để góp phần gợi mở những nghi vấn trên, xin bổ sung cho lời bình ngày 13/12 và ngày 14/12 của chúng tôi,  theo một số nguồn tin trong báo giới thì kẻ gọi điện đó không những đã đóng vai trò quyết định hoàn toàn quá trình bỏ trốn của DCD, mà còn chính là người chủ chốt trong quá trình điều tra vụ án này. Biết đâu cũng có thể trong phiên tòa tới, kẻ này nếu như bị tiết lộ danh tính, thì chỉ được cho là “vì tình cảm” mà “vô tình” để lộ bí mật mà thôi, và sẽ được tòa lờ đi trách nhiệm hình sự tầy đình?
Thế nhưng … một trong những câu hỏi to đùng bao trùm mọi câu hỏi là ông Tổng bí thư cùng ê-kíp “chỉnh đốn đảng” của ông có đi tới cùng khi con bài tẩy đang nằm trong tay, chỉ tính riêng vụ này, ngon ơ để lau cạn những giọt nước mắt nghẹn ngào trước công chúng năm ngoái? Hay ông sẽ phải thỏa hiệp bởi sẽ đụng phải rất nhiều nhân vật tai to mặt lớn khác, và bởi ông cần “trả ơn” cho những thỏa hiệp với ông qua cú thông qua Hiến pháp vừa rồi? Hay là ông sẽ … lật kèo?
Câu hỏi to đùng khác nữa, là ngoài ông TBT, có còn thế lực nào muốn “tham chiến” trong vụ này, mà ông khó kiểm soát nổi, để đích nhắm tới là cuộc đua vào Đại hội đảng 12?
BT

Ai mật báo để Dương Chí Dũng bỏ trốn?

16/12/2013 10:37 (GMT + 7)
TT – Tại phiên xét xử Dương Chí Dũng, tòa đã yêu cầu bị cáo này cho biết ai đã mật báo tin sẽ bị khởi tố để bị cáo này bỏ trốn, nhưng Dương Chí Dũng một mực không chịu nói.
1
Bị cáo Dương Chí Dũng (trái) tại phiên xử ngày 13-12 Ảnh: DOÃN TẤN
Đó là câu hỏi chưa được trả lời trong phiên tòa xét xử đại án tham nhũng tại Vinalines.
Trong phiên tòa này, khi tòa đề cập việc ai báo tin sẽ bị khởi tố, Dương Chí Dũng trả lời: “Tôi đã khai ở cơ quan điều tra rồi, không khai lại ở đây nữa, không tiện nói tên người báo”. Tình tiết này đang được dư luận rất quan tâm. Câu hỏi được đặt ra là có cần thiết công khai danh tánh người báo tin cho Dương Chí Dũng? Liệu có chuyện bỏ lọt người, lọt tội?
* Ông Nguyễn Sĩ Cương (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Đông đảo cử tri đều quan tâm2
Cá nhân tôi và chắc là đông đảo cử tri đều quan tâm đến một chi tiết hết sức quan trọng, đó là: ai mật báo cho ông Dương Chí Dũng thông tin về việc bị khởi tố và tạm giam, để ông này bỏ trốn?
Tôi còn nhớ, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 14-6-2012 liên quan đến vấn đề ông Dương Chí Dũng bỏ trốn trước khi thi hành lệnh bắt tạm giam, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ nguyên nhân ông Dương Chí Dũng bỏ trốn, xem có lộ, lọt thông tin hay không. Nếu có thì phải điều tra xử lý theo pháp luật”.
Rõ ràng người ngoài thì không thể biết được các thông tin mật của vụ án, phải là người trong cuộc. Nếu làm rõ được câu hỏi này, tôi tin rằng sẽ góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy công quyền.
* Ông Vũ Quốc Hùng (nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương):
Không thể để trôi qua
Lâu nay không phải không có ý kiến băn khoăn trong chống tham nhũng ta nói nhiều nhưng làm chưa tương xứng, hay nói đúng hơn là làm không đáp ứng được yêu cầu. Gần đây, qua bước đầu xét xử một số đại án tham nhũng, trong đó có vụ án Vinalines với những bản án hết sức nghiêm minh, những ai quan tâm đến lĩnh vực này đều nhận thấy thật sự có bước chuyển động.
Hơn lúc nào hết, các cán bộ, đảng viên làm công tác tư pháp, công tác điều tra, kiểm sát… có liên quan đến những vụ án lớn đã, đang và sẽ được đưa ra xét xử phải chứng minh cho dư luận thấy sự công tâm, trí tuệ và khách quan của mình. Không chỉ là xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật mà còn không được để lọt tội phạm, gây băn khoăn trong dư luận. Chẳng hạn như trong vụ án Vinalines, cần làm rõ khởi nguồn việc Dương Chí Dũng bỏ trốn trước khi cơ quan chức năng thi hành lệnh bắt, khám xét… Vai trò của em trai bị cáo là ông Dương Tự Trọng đến đâu và có hay không vai trò mật báo của ai nữa? Không thể để cho việc này trôi qua mà không được làm rõ.
*Luật sư Trương Xuân Tám (ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu):
Tình tiết quan trọng cần làm rõ
Người mật báo cho Dũng là ai? Làm sao biết được thông tin để báo tin cho bị cáo Dũng? Những vấn đề này rất cần phải được làm sáng tỏ. Tuy tình tiết này không liên quan trực tiếp đến việc xác định tội danh, sai phạm của Dương Chí Dũng tại Vinalines nhưng nó cũng nằm trong chuỗi sự kiện diễn biến khách quan của vụ việc, cần phải làm rõ mới giúp hội đồng xét xử đánh giá toàn diện, khách quan về vụ án.
Tại phiên tòa, hội đồng xét xử có hỏi đến việc này nhưng bị cáo Dũng từ chối khai báo mà nói đã khai tại cơ quan điều tra và không muốn khai tại phiên tòa này nữa. Theo điều 18 Bộ luật tố tụng hình sự, nguyên tắc xét xử của tòa án là công khai. Tại sao có những vấn đề có liên quan chặt chẽ đến vụ án mà lại không công khai tại phiên tòa? Việc tòa dừng lại, không truy tiếp đối với Dương Chí Dũng về tình tiết này khiến những người dự tòa cảm thấy hụt hẫng vì bị ngắt khúc.
Xét về mặt chứng cứ, tình tiết có cuộc điện thoại báo tin cho Dương Chí Dũng biết rất quan trọng, cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ để xem xét xử lý. Đáng lẽ khi xét hỏi đến vấn đề này, hội đồng xét xử cần hỏi tiếp để xác định trách nhiệm của người mật báo cho Dương Chí Dũng, làm rõ luôn việc người này có bị xem xét trách nhiệm trong vụ án “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” (sắp tới sẽ xét xử) hay chưa? Nếu qua xét hỏi, thấy người gọi điện cho ông Dũng chưa được xem xét trong vụ án đó thì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, hội đồng xét xử có thể kiến nghị cơ quan điều tra, viện kiểm sát làm rõ hoặc ra quyết định khởi tố vụ án.4
* Ông Nguyễn Thanh Hà (Hội thẩm nhân dân phiên tòa xét xử đại án tham nhũng tại Vinalines):
Phiên tòa này không liên quan tới án bỏ trốn
Phiên tòa đã kết thúc phần xét hỏi, tranh luận. Các bị cáo, luật sư, người liên quan cũng như đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa không còn ý kiến gì. Về việc Dương Chí Dũng không khai tên người báo tin cho Dũng bỏ trốn, phiên tòa sắp tới đây sẽ làm rõ điều đó. Việc này liên quan đến vụ án xét xử những tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, điều đó buộc phải làm rõ. Còn phiên tòa này là án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản, không liên quan gì đến án bỏ trốn, nên bị cáo có khai hay không cũng không quan trọng.
* Kiểm sát viên Nguyễn Văn Chung (viện trưởng Viện KSND Q.3, TP.HCM):
Phải xem xét đầy đủ trong vụ án tiếp theo
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bị cáo có quyền khai hay không khai nhận hành vi của mình. Trường hợp bị cáo từ chối khai báo tại phiên tòa thì hội đồng xét xử có quyền căn cứ vào các chứng cứ và lời khai khác để xét xử. Những trường hợp cần thiết, nếu bị cáo không khai báo, tòa có quyền công bố lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra.
Trong vụ án này, Dương Chí Dũng đang bị xét xử về tội tham ô, cố ý làm trái, việc làm rõ làm sao bị cáo biết thông tin bị khởi tố để bỏ trốn tuy có ý nghĩa làm rõ thêm các tình tiết của vụ án nhưng không ảnh hưởng đến việc xác định tội phạm của Dương Chí Dũng. Theo tôi biết, việc Dương Chí Dũng bỏ trốn và những cá nhân giúp đỡ, hỗ trợ bị cáo bỏ trốn đã được khởi tố điều tra để xem xét trong vụ án khác. Khi xử vụ án này tòa cần triệu tập Dương Chí Dũng, nếu lúc đó mà tòa không truy vấn, làm rõ để xem xét trách nhiệm của người điện thoại mật báo cho Dũng bỏ trốn thì mới bị xem là vi phạm tố tụng, bỏ qua dấu hiệu tội phạm.
V.V.THÀNH – C.MAI – T.LỤA thực hiện
4
————–

Sắp xử em trai Dương Chí Dũng

16/12/2013 – 06:00
Đó là ông Dương Tự Trọng (nguyên Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an), người chủ mưu tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài.
Tin từ TAND TP Hà Nội cho biết dự kiến trong tuần này, sau khi tuyên án vụ Vinalines, tòa này sẽ đưa vụ án tổ chức người khác trốn đi nước ngoài ra xét xử. Bị cáo đầu tiên trong vụ án này là Dương Tự Trọng, em trai Dương Chí Dũng, người đang phải đối mặt với án tử hình trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Quá nửa số bị cáo trong vụ án này trước khi bị khởi tố là cán bộ công an, trong đó Dương Tự Trọng là Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng.
Hành trình đào tẩu của Dương Chí Dũng
Theo cáo trạng, chiều 17-5-2012, Dương Chí Dũng biết được thông tin sẽ bị khởi tố và bắt tạm giam (về tội cố ý làm trái…) nên đã thông báo với em trai là Dương Tự Trọng (khi đó đang là Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng). Trọng đã hướng dẫn Dũng tạm thời đến trốn tại nhà bạn gái Trọng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Kế đó, Trọng đã bàn bạc, thống nhất giao cho Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hải Phòng) tổ chức, chỉ đạo, phân công các cá nhân khác sử dụng xe ô tô chở Dũng từ Hà Nội về Quảng Ninh, sau đó vào TP.HCM và lên cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) rồi tổ chức cho Dũng trốn sang Campuchia.
5
Ông Dương Tự Trọng khi còn đương chức. Ảnh: CTV
Sáu ngày sau khi nhận được cú điện thoại mật báo, Dũng đã đặt chân lên đất Campuchia. Hôm sau, Dũng từ Campuchia sang Singapore để từ đây làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ.
Do không được phép nhập cảnh vào Mỹ, ngày 27-5, sau khi quay về Campuchia, Dương Chí Dũng đã thông báo cho Dương Tự Trọng biết. Trọng lại sai người sắp xếp cho Dũng trốn tại Campuchia. Sau đó, Trọng đã đưa cho Vũ Tiến Sơn 30.000 USD chuyển cho Dũng để Dũng có tiền chi phí trong thời gian trốn tại đây…
Đến ngày 4-9-2012, tức gần bốn tháng sau ngày chạy trốn, Dương Chí Dũng bị cơ quan chức năng Campuchia và Việt Nam bắt giữ và đưa về Việt Nam.
Không thành khẩn
Theo cáo buộc của VKS, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức do Dương Tự Trọng chủ mưu, cầm đầu. Vũ Tiến Sơn là người tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Trọng, với nhiều thủ đoạn tinh vi như sử dụng sim rác điện thoại, thường xuyên thay đổi số điện thoại để liên lạc, thay đổi địa điểm trốn, phương tiện đưa đón, cung cấp tiền, giao cho các đồng phạm thực hiện từng phần việc khác nhau nhằm che giấu hành vi phạm tội…
Hành vi của Trọng, Sơn và những bị cáo khác, theo nhận định của VKS, “đã cản trở, gây khó khăn rất lớn đến quá trình điều tra vụ án, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam do cơ quan CSĐT (Bộ Công an) khởi tố điều tra mà Dương Chí Dũng là bị can chính trong vụ án”. Nó còn “tạo ra dư luận xã hội không tốt, gây mất lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật”.
Cáo trạng cũng thể hiện trong khi các bị can khác đều “khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi phạm tội” thì Dương Tự Trọng “chưa thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội”.
Dương Tự Trọng bị truy tố theo khoản 3 Điều 275 BLHS về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép với mức án cao nhất là 20 năm tù.
Dương Chí Dũng khai bỏ trốn vì quá hoảng
Tại phiên tòa vừa diễn ra, Dương Chí Dũng khai chiều tối 17-5, bị cáo nhận được cuộc điện thoại từ người quen cho biết bị cáo bị khởi tố. “Lúc đó tôi hoảng quá, tất cả rối bời, chỉ nghĩ phải đi càng xa TP Hà Nội càng tốt. Tôi nhận điện thoại thì đi luôn không về nhà” – Dũng cho hay.
“Trốn là một sai lầm. Sai lầm nọ dẫn đến sai lầm kia. Đây là cái dở nhất. Lúc đó tôi tính sang Campuchia rồi sang Mỹ. Tới Mỹ, họ không cho tôi nhập cảnh và trả tôi về lại Campuchia theo đúng vé khứ hồi. Sau đó, tôi bị bắt ở Campuchia” – bị cáo nói thêm.
“Người quen đó là ai?” – chủ tọa hỏi. “Bị cáo không muốn nói ra ở đây. Nếu tòa buộc khai thì tôi sẽ khai nhưng việc này đang liên quan đến một vụ án khác mà nói ra ở đây mọi người hiểu không đúng vấn đề sẽ tạo dư luận không tốt” – Dũng đáp.
- “Bị cáo lấy tiền ở đâu mà đi?” – chủ tọa truy tiếp.
- Vì tôi hay phải đi công tác nên trong cặp lúc nào cũng có sẵn hộ chiếu, giấy tờ tùy thân và đồ dùng cần thiết, tiền thì có sẵn, không ai đưa cho tôi cả nên cứ thế là tôi đi.
- Việc trốn ra nước ngoài, ngoài mục đích trốn tránh trách nhiệm không có mục đích nào khác chứ?
- “Tôi trốn đi chỉ vì quá hoảng loạn, không có mục đích nào khác, không có mục đích móc ngoặc với tổ chức nước ngoài để chống lại Nhà nước. Vì chống lại Nhà nước nghĩa là tôi chống lại bố mẹ tôi, bố mẹ vợ và chống lại sự nghiệp của mình” – Dũng trả lời.
ĐỨC MINH

Sân sau của Dương Chí Dũng?

Có ba thứ “bất vị”, mà luật pháp phải tuân thủ. Đó là Luật pháp bất vị thân. Luật pháp bất vị tiền. Và luật pháp bất vị quyền. Nhưng liệu tư pháp nước Việt có được 03 thứ bất vị đó không?
Những ngày này, cả xã hội chăm chú theo dõi vụ xét xử tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế tại Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines), do Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT cầm đầu, cùng gần chục kẻ đồng phạm.
Vì sao “nhờn” với tội lỗi?
Đây là một trong 10 đại án tham nhũng đặc biệt, tiếp sau vụ Vina khủng 2012, được đem ra xét xử và hẳn làm đau đầu không ít kẻ.
Dương Chí Dũng

Đặc biệt, vì tính chất táo tợn của những quan chức, những cán bộ kinh tế đã ngang nhiên phạm tội, xoay quanh việc cố ý làm trái các quy định của pháp luật gây thiệt hại cho Nhà nước 366 tỷ đồng, trong đó, Dương Chí Dũng với vai trò chủ mưu. Ngoài ra, Dương Chí Dũng và một số kẻ trong đó đã cùng nhau tham ô hơn 28 tỷ đồng (theo VietNamNet, ngày 13/12).
“Nhân vật trung tâm”, mà từ đó, kéo theo sự tha hóa của gần chục vị quan chức, cán bộ Nhà nước- là ụ nổi 83 M- một hạng mục quan trọng thuộc Dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam, do Nhật Bản sản xuất năm 1965 có tuổi đời già cỗi 43 năm, bị hư hỏng nhiều không thể hoạt động, giá gốc chỉ có 2,3 triệu USD, (tương đương 37 tỷ đồng VN- tỷ giá năm 2008). Biết rõ chiếc ụ nổi hư hỏng, nhưng Dương Chí Dũng và các đồng phạm vẫn tìm cách móc nối, mua chiếc ụ nổi này từ Nga về VN, qua một công ty môi giới có tên AP (Singapore), với giá 09 triệu USD (tương đương gần 190 tỷ đồng).
Từ 37 tỷ đồng đến 190 tỷ đồng là một khoảng cách của sự trượt dài trong tội lỗi, sự tha hóa nhân cách và phẩm cách những con người mới đây còn là công dân. Cái khoảng cách trượt dài mà hóa ra quá mong manh. Giữa cái mong manh đó là lòng tham vô độ, sự bất nhẫn và ích kỷ chỉ biết lợi ích riêng mình.
Người viết bài không bàn đến thái độ và những câu trả lời có chủ đạo “không”- không biết, không tìm hiểu, không nghĩ mình sai, không nắm được… của Dương Chí Dũng khi trả lời thẩm vấn trước tòa. Vì những chữ không hay chữ có, rồi đây sẽ là những tình tiết cho tòa án, xã hội thấy thái độ trung thực hay không trước sinh tử của chính Dương Chí Dũng, dù đại diện VKSND t/p Hà Nội đã kiến nghị án tử hình.
Không bàn nỗi đau đớn của gia đình lớn của ông ta, một gia đình được coi là “danh gia vọng tộc” ở đất Hải Phòng, phút chốc bao “tai họa” đổ ập xuống, bởi lòng tham của ông ta đã đành, mà còn bởi ông ta đã kéo theo cả ruột thịt vào tù tội bởi lòng thương mù quáng, lụy tình đến tội nghiệp của họ.
Cũng không bàn đến lá thư kêu “oan” cho chồng do người vợ chính danh của Dương Chí Dũng đứng tên, khi nhận rằng, số tiền 10 tỷ đồng Dương Chí Dũng mua nhà cho bồ nhí là tiền của mình đưa. Khi công khai giấy trắng mực đen, chấp nhận và đồng ý cho Dương Chí Dũng có đứa con trai riêng với cô bồ, chỉ vì mình mới có 03 đứa con gái…
Hẳn khi làm một việc mang tính đạo nghĩa “vợ cứu chồng”, nỗi đau đớn của người đàn bà ấy gấp bội- nỗi đau bị chồng phản bội mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt, vì tình chàng nghĩa thiếp, nó cay cực, xa xót làm sao.
Người viết chỉ muốn bàn đến thái độ, đến lương tâm “nhờn” với tội lỗi của Dương Chí Dũng cùng đồng phạm.
Vì sao làm thiệt hại đến hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước- thực chất là tiền thuế của người dân, bỏ túi hàng chục tỷ đồng mà Dương Chí Dũng và các đồng phạm không hề lo sợ, không hề ân hận, thậm chí cãi lấy được trước tòa? Đến thời điểm này, theo tính toán của VKSND t/p HN, chiếc ụ nổi đó làm tiêu tốn tới hơn 500 tỷ đồng. Hiện đang phải làm thủ tục bán thanh lý để cắt lỗ, bởi mỗi năm riêng tiền thuê neo đậu ụ nổi 83M. đã “ngốn” 01 tỷ đồng/ tháng, mỗi năm nó “ngốn” 12 tỷ đồng phí thuê điểm neo đậu.
Bởi cái cung cách mua ụ nổi hư hỏng qua môi giới, tăng giá tiền, rút chênh lệch “hoa hồng” chia nhau, chỉ là một trong nhiều chiêu trò đã mang tính “hệ thống” về cách bòn rút tiền rất phổ biến của nhiều kẻ tham nhũng lộ mặt và chưa bị phát hiện trong các tập đoàn kinh tế, DNNN. Nếu không làm sao giải thích được, các quan chức, cán bộ DNNN lương vài triệu mà của nổi, của chìm, mà ô tô, nhà lầu, chung cư cao cấp, mà vợ bé, bồ nhí, con riêng…? Nhất là khi quản lý Nhà nước rất lỏng lẻo.
Thế nên Vinalines thực chất chỉ là đồng chí bị lộ giữa các đồng chí chưa bị lộ mà thôi. Cho dù sắp tới, có thêm 09 đại án tham nhũng tiêu biểu- 09 đồng chí bị lộ nữa được đem ra xét xử, như lời một quan chức cao cấp hứa hẹn với cử tri, thì đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trên mặt nước.
Kẻ tham nhũng giờ đây “nhờn” với tội lỗi. Nếu không làm sao tham nhũng thành “quốc nạn” và VN đứng thứ hạng cao trong… môn này?
Còn tâm lý người dân từ lâu “nhờn” với chính tham nhũng. Cái chữ “nhờn” này đau xót lắm, vì nó chính là … cam chịu!
Liệu có vô can?
Tại tòa án, trả lời của Dương Chí Dũng với Hội đồng xét xử khiến cho xã hội hiện rất hồi hộp theo dõi, kịch tính cao độ. Đó là, việc Dương Chí Dũng bỏ trốn trước khi cơ quan chức năng tống đạt quyết định khởi tố, là do có một cuộc điện thoại báo cho biết, từ một “người quen”.
Cho đến thời điểm này, “người quen” đó vẫn chưa được công khai danh tính.
Vụ án Vinalines với Dương Chí Dũng và đồng phạm ngày hôm nay, sẽ tỏ tường, ai bước lên giàn “tế thần”, ai bóc lịch.
Điều lớn nhất, có thể nhìn thấy ở vụ án này những bài học và sự trả giá cay đắng, bởi do những “sân sau”, sân trước” luôn dọn bãi cho một người như Dương Chí Dũng- nói không ngoa- thuận lợi trở thành …kẻ tội phạm. Và vì thế, trong cái án tử mà Viện kiểm sát đề nghị mới đây, liệu Dương Chí Dũng có phải duy nhất phải chịu trách nhiệm? Hay ông ta chỉ là kẻ “ký thỏa ước” với những “cái sân”?
Trước hết, nếu đọc một số trích ngang lý lịch của Dương Chí Dũng, có thể thấy con đường của một thanh niên trượt ĐH, đi xuất khẩu lao động ở CHDC Đức, trở về khởi đầu làm việc tại văn phòng Công đoàn Cảng Hải Phòng, rất nhanh chóng thăng tiến. Sự thăng tiến nổi bật nhất là khi có bằng tiến sĩ kinh tế, rồi lần lượt và cái ghế tạo ‘dấu ấn” nhất là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco). Dấu ấn đó là gì?
Khi lèo lái Vinawaco, Dương Chí Dũng đã đẩy công ty này liên tiếp rơi vào tình trạng thua lỗ nặng. Hiện Vinawaco vẫn phải gánh hơn 130 tỷ đồng tiền lãi mỗi năm trong khi lợi nhuận cao nhất 04 năm gần đây chỉ đạt gần 30 tỷ đồng/năm.
Trong 06 năm lèo lái Vinalines, Dương Chí Dũng dính nhiều lùm xùm liên quan tới tham ô, hối lộ. Công việc kinh doanh của Vinalines bị thua lỗ nặng, số tiền nợ lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Vậy nhưng ngay cả khi vụ việc Vinalines đổ bể, Bộ chủ quản GTVT vẫn khẳng định làm đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền, trình tự về công tác cán bộ. Cái trình tự…chết dân!
Còn mới đây, khi được triệu tập đến phiên tòa để làm rõ về trách nhiệm trong việc quản lý cán bộ, quản lý doanh nghiệp để Vinalines “vung tiền” mua ụ nổi, đại diện Bộ GTVT đã chối bỏ trách nhiệm quản lý Nhà nước, và “đá bóng trách nhiệm” sang Chính phủ và Thanh tra CP. Khi bị Hội đồng xét xử vặn tại sao Bộ GTVT vẫn có văn bản đồng ý để Vinalines mua ụ nổi?. Trả lời:  Vianlines hỏi thì chúng tôi trả lời họ thôi, việc phúc đáp này cũng là bình thường.
Sao lại là bình thường, nếu đó là một câu trả lời rất vô trách nhiệm?
Thứ hai, nếu Vinalines là tập đoàn kinh tế, hoặc DN tư nhân liệu có xảy ra như vậy không? Đây chính là “gót chân Asin” của các tập đoàn, DNNN, sinh ra … thế mạnh- tham nhũng. Sự ưu đãi, yêu chiều các tập đoàn kinh tế, DNNN vô tội vạ, thông qua chủ trương, chính sách cụ thể và để từ đó, các tập đoàn kinh tế, DNNN được rót tiền đầu tư bằng các dự án kiểu như dự án nhà máy sửa chữa tàu biển, chỉ là một trong nhiều dẫn chứng sinh động.
“Sân sau” không phải chỉ là một con người cụ thể (nếu có) có đủ quyền lực mạnh chi phối, mà còn chính là những chính sách ưu tiên bất hợp lý, bất công so với các thành phần kinh tế khác. Chính vì thế, mà việc chống tham nhũng trong xã hội từa tựa như chàng Don Quixote chống lại Cối xay gió trong tác phẩm kinh điển hài hước và nổi tiếng của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes Saavedra. Rút cục, ra sao, ai cũng rõ.
Mới đây, khi tiếp xúc với cử tri, người đứng đầu tổ chức Đảng đã có một lời nói đầy niềm tin vào công cuộc chống tham nhũng khi nhắn nhủ: Bà con hãy chờ xem?
Người dân hy vọng, nhưng người dân cũng có quyền hoài nghi. Bởi cái cách tòa án xét xử nương nhẹ các vụ tham nhũng còn nhãn tiền: 09 vụ tham nhũng, thì 08 vụ được xử án treo. Trong khi như ở tỉnh Lâm Đồng, vì hai con vịt ăn cắp, 03 người nông dân bị xử tới 13 năm tù. Còn mới đây, vụ “chiếm đoạt hơn 43 tỉ đồng của Cty cho thuê tài chính 2”, thì rút cục án xử cao nhất là tù chung thân và bồi thường hơn 84 tỉ đồng! Người dân sẽ không thể hiểu nổi cán cân công lý tại sao hay “thiên vị” những vụ… tiền bạc?
Dương Chí Dũng và đồng phạm rồi đây sẽ phải chịu tội trước pháp luật. Nhưng liệu cái cung cách tuyển dụng, đề bạt cán bộ, cung cách quản lý Nhà nước kiểu đá bóng trách nhiệm của Bộ chủ quản, cái “sân sau” yêu chiều vô lối các tập đoàn kinh tế, các DNNN trong đó có Vinalines, liệu có “vô can”, trước tội lỗi của các bị cáo?
Gs. TSKH Đặng Hùng Võ, trong bài viết mới đây ngày 13/12 trên báo Thanh niên đã bình luận: "Luật pháp bất vị thân" phải được coi như một trong những nguyên lý cơ bản xây dựng nhà nước pháp quyền..
Nhưng người viết bài này thấy, có 03 thứ “bất vị”, mà luật pháp của một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa phải tuân thủ. Đó là Luật pháp bất vị thân. Luật pháp bất vị tiền. Và luật pháp bất vị quyền.
Bất vị thân, để mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật không phân biệt sang hèn
Bất vị tiền để Thần Công lý không bị bịt mắt, để cán cân công lý luôn cân bằng, không thiên lệch giàu nghèo
Bất vị quyền để như một Bao công thời hiện đại, không vì sự chỉ đạo, định vị của bất cứ ai, dù có chức quyền, mà làm thiên lệch bản án.
Nhưng liệu tư pháp nước Việt có được 03 thứ bất vị đó không?
Kỳ Duyên

Xem bài cùng tác giả
Con voi ma túy và cơn đột quỵ bất thường
Con voi ma túy đáng sợ, con chuột tham nhũng đáng ghét. Nhưng cả hai con vật từ to lớn đến bé tẹo, đều bị giật dây bởi con người, chừng nào xã hội chưa có sự công khai minh bạch đúng nghĩa…           
Bác sĩ, đàn bà và sự mê dụ tàn nhẫn
Xét cho cùng, đồng tiền đâu có lỗi. Lỗi là ở con người, vừa nặng tham- sân- si, vừa trì trệ và xơ cứng tư duy...  

Kim Dung: Ai là “sân sau” của Dương Chí Dũng?

Nụ cười Dương Chí Dũng trước tòa.
Nụ cười Dương Chí Dũng trước tòa.
Sau vụ hỏi “Ai gọi điện cho Dương Chí Dũng”, nàng Tép viết một bài “Ai là sân sau của Dương Chí Dũng”, đăng trên Tuần VN.
Trả lời cả hai câu hỏi đều không khó, nhưng bởi quyền lực bị tha hóa, nên chẳng dám ai nói, dù con voi lù lù giữa phòng khách. Cũng bởi thế mà Dương Chí Dũng, trước cái án tử hình,vẫn cười, vẫn đọc thơ, một sự nhạo báng pháp đình xứ ta.

Cuối bài, Kim Dung có kết luận.
Gs. TSKH Đặng Hùng Võ, trong bài viết mới đây ngày 13/12 trên báo Thanh niên đã bình luận: “Luật pháp bất vị thân” phải được coi như một trong những nguyên lý cơ bản xây dựng nhà nước pháp quyền..
Nhưng theo Kim Dung , có 03 thứ “bất vị” (Tam Bất Vị), mà luật pháp của một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa phải tuân thủ. Đó là Luật pháp bất vị thân. Luật pháp bất vị tiền. Và luật pháp bất vị quyền.
  1. Bất vị thân, để mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật không phân biệt sang hèn
  2. Bất vị tiền, để Thần Công lý không bị bịt mắt, để cán cân công lý luôn cân bằng, không thiên lệch giàu nghèo
  3. Bất vị quyền, để như một Bao công thời hiện đại, không vì sự chỉ đạo, định vị của bất cứ ai, dù có chức quyền, mà làm thiên lệch bản án.
Nhưng liệu tư pháp nước Việt có được 03 thứ “bất vị” đó không? Kim Dung tự hỏi.
Lời bình của Mao Tôn … Cua
Lạm dụng “Thân, Tiền, Quyền” luôn là mối đe dọa bất cứ chế độ nào. Muốn phát triển, phương Tây văn minh có chế độ tam quyền phân lập và báo chí là quyền lực thứ 4, để đảm bảo quyền lực được giám sát, hạn chế tha hóa quyền lực, tôn trọng quyền con người, bảo đảm tự do ngôn luận, và mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đó là cốt lõi cho Tam Bất Vị mà Kim Dung đã nhắc ở trên.
Một khi sự bổ nhiệm lãnh đạo dựa trên “Thân, Tiền, Quyền” thì ra pháp đình tránh sao khỏi  Tam Vị (Vị Thân, Vị Tiền và Vị  Quyền”) làm cho công lý bị bóp méo. Pháp đình với những bản án bỏ túi, hoặc bị thiên lệch chỉ là kết quả của một hệ thống đã lỗi thời.

Nghĩ về lời xin lỗi của Lý Nguyễn Chung và Dương Chí Dũng

(Dân trí) - Chỉ trong một tuần, đã có hai lời xin lỗi của hai bị can ở hai vụ trọng án khác nhau. Đó là lời xin lỗi gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn của bị can Lý Nguyễn Chung và lời xin lỗi Đảng, Nhà nước của bị cáo Dương Chí Dũng.
 >> Sự bình thản khó tin của Dương Chí Dũng
 >> Dương Chí Dũng đọc thơ khi nói lời sau cùng tại tòa

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Chiều ngày 14/12, tại phiên tòa sơ thẩm, khi được nói lời cuối cùng, bị cáo Dương Chí Dũng đã xin lỗi Đảng, Nhà nước: “Đúng là năm 2007, với cương vị chủ tịch HĐQT của Vinalines mà để xảy ra sai phạm này thực sự bị cáo rất hối hận. Và không thể nói gì hơn, bị cáo thực sự, thật lòng xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, toàn thể nhân dân và toàn thể cán bộ công nhân viên ngành hàng hải vì đã để xảy ra sai phạm này, bị cáo rất hối hận”.

Đọc lời xin lỗi mà không khỏi băn khoăn, suy nghĩ. Suy nghĩ về lời xin lỗi có thể là rất chân thành của bị cáo Dũng. Giờ đây, sau những ngày chạy trốn chui lủi, bị giam giữ và bị Viện kiểm sát Nhân dân đề nghị mức án tử hình, phải chăng Dương Chí Dũng đã thấu hiểu và thực lòng xót xa, ân hận về những gì mình đã gây ra.

Song, sự hối hận muộn màng này liệu có ích gì khi vì lòng tham và quyền lực, Dương Chí Dũng không chỉ gây nên những đổ vỡ tan hoang cho một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đẩy đời sống của hàng vạn người lao động vào chỗ đói nghèo mà còn phá tan nát một gia đình thuộc hàng “danh gia vọng tộc”.

Lời xin lỗi giờ đây liệu có muộn màng và vô nghĩa?
Trong khi cách đó một tuần, bị can Lý Nguyễn Chung đã thông qua luật sư bào chữa cho mình chuyển lời xin lỗi tới gia đình và cá nhân ông Nguyễn Thanh Chấn vì những hậu quả mà ông Chấn phải gánh chịu.
Nếu nói sòng phẳng, Lý Nguyễn Chung có tội giết người, cướp tài sản nhưng Chung không vu oan cho ông Chấn. Việc “vu oan” cho ông Chấn là bởi những người khác. Họ mới chính là những người trực tiếp gây nên tội lỗi và chính họ cần phải xin lỗi về những gì đã gây ra cho ông Chấn.
Còn Lý Nguyễn Chung chỉ gián tiếp gây ra lỗi cho ông Chấn.
Thế nhưng Lý Nguyễn Chung đã gửi lời xin lỗi ông Chấn và gia đình ông Chấn. Đó là việc làm đáng ghi nhận của một kẻ sát nhân.
Cũng cần nhắc lại, Lý Nguyễn Chung phạm tội khi mới 15 tuổi, tức là tuổi vị thành niên. Việc lẩn trốn của Chung là do bố Chung và những người lớn khác tổ chức.
Đành rằng có nhiều sức ép nhưng việc Lý Nguyễn Chung ra đầu thú và nhất là câu anh ta nói với cán bộ điều tra sau khi đầu thú rằng “em thấy nhẹ trong người” là sự hối cải thành thật.
Có lỗi thì nhận. Mắc lỗi thì sửa. Thế nhưng có những lỗi không thể tha thứ. Đó là khi “lỗi” đã lớn thành “tội”. Đặc biệt là tội ác thì cần phải nghiêm trị.
Đối với Lý Nguyễn Chung, lỗi với ông Chấn thì có thể tha nhưng tội giết người cướp tài sản thì không.
Còn đối với những cán bộ như Dương Chí Dũng, người dân chỉ mong sao đừng mắc lỗi để không phải xin lỗi và đừng phạm tội để khỏi nhận tội bởi khi phải xin lỗi hay nhận tội thì hậu quả là không thể lường được.

Bùi Hoàng Tám

Nể nang sếp cũ khi thi hành án

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án (Bộ Tư pháp), cho biết có biểu hiện như trên trong việc đề nghị cơ quan thi hành án thu hồi các khoản tiền sai phạm nộp về ngân sách nhà nước trong vụ án tại Vinashin

Phóng viên: Thưa ông, dự kiến chiều nay, 16-12, HĐXX sẽ tuyên án vụ Vinalines và Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ “đối đầu” với việc thu hồi một số tiền sai phạm rất lớn cho ngân sách. Xin hỏi đến nay trong vụ Vinashine đã có mấy đơn vị được “thụ hưởng” số tiền sai phạm có đơn yêu cầu thi hành án?
- Ông Nguyễn Thanh Thủy: Mới có 2 đơn vị yêu cầu thi hành án, thu hồi tài sản.
Ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án (Bộ Tư pháp)
Nhưng được biết sau khi Bộ Tư pháp nhắc nhở nhiều lần, Bộ Giao thông Vận tải đã đốc thúc các đơn vị cấp dưới nhanh chóng phối hợp và sớm có đơn yêu cầu thi hành án, thu hồi tài sản sai phạm rồi chứ?
- Có ý kiến Bộ Giao thông Vận tải thì mới có 2 đơn vị đấy.
Tại sao họ thờ ơ với việc này?
- Các cá nhân đều có lợi ích ở đó. Bản thân người thi hành án lại có quyền lợi gắn với các đơn vị ấy. Người ta nghĩ có thể bằng cách khác thì lại tốt hơn, ví dụ thế.
Hay có sự nể nang sếp cũ?
- Tôi không rõ lắm nhưng có thể họ nghĩ có thể xử lý bằng cách khác.
Nhưng theo quy định của pháp luật thì số tiền rất lớn trong vụ Vinashin (hơn 1.000 tỉ đồng - PV) bắt buộc phải thu hồi về ngân sách, không thể áp dụng cách nào khác để khắc phục cả?
- Tôi nghĩ những công ty, tổng công ty đó có quan điểm như vậy. Ở đây có cả sự nể nang, bởi dù sao những người phải thi hành án trước đó cũng là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc.
Lãnh đạo Vinalines có mặt tại tòa và cũng tỏ ra rất thờ ơ nên bị HĐXX nhắc nhở khi không tính toán, đưa ra đề nghị nào về mức tiền yêu cầu các bị cáo phải bồi thường. Nếu sau này phải thi hành án mà Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thờ ơ trong chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thi hành án thì sao ?
- Lần này chắc sẽ quyết liệt hơn. Nghị định 125/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự mới có hiệu lực đầu tháng 12 này đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản cấp trên trong việc đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp sớm có đơn thi hành án dân sự, đặc biệt là tài sản thu hồi về ngân sách. Thông thường các vụ án lớn như thế này thì chắc sẽ có một ban chỉ đạo.
Tổng cục Thi hành án dân sự đã tham mưu, tư vấn cho Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về thi hành án dân sự để thực hiện trong các vụ án lớn. Hiện Thủ tướng đã xem xét chưa?
- Vẫn đang được nghiên cứu. Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ được thành lập khi vụ án có số lượng tài sản lớn. Vinashin thì tài sản có gì đâu, đơn yêu cầu thi hành còn chưa có thì thi hành án cái gì? Thi hành án mà không có tài sản thì làm thế nào được. Và như thế thì thành lập Ban Chỉ đạo Thi hành án trung ương để làm gì. 
THẾ KHA thực hiện

Ơ cái ông Dũng này

677953
1. Xin được nói ngay, đó là tổng công trình sư quả đấm thép  Vinalines Dương Chí Dũng. Tòa cho ông nói lời nói sau cùng, ông vô cùng hối hận như sau đây (Báo Tuổi trẻ ngày 15/12/2013).
2. Bị cáo sinh ra trong một gia đình nội ngoại đều có truyền thống cách mạng. Bản thân bị cáo từ nhỏ đã nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp chung của gia đình và cũng học hỏi cầu thị. Bị cáo có hai bằng đại học, tiến sĩ kinh tế, đã vinh dự được là đại biểu chính thức dự Đại hội Đảng lần thứ 11.
Với cương vị chủ tịch hội đồng quản trị của Vinalines mà để xảy ra sai phạm này thật sự bị cáo rất hối hận. Thật lòng xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, toàn thể nhân dân và toàn thể cán bộ công nhân viên ngành hàng hải.
Tôi không tham lam, không vì cá nhân, tôi dốc tâm sức cho truyền thống gia đình, đóng góp cho ngành hàng hải. Tôi có bài thơ ngày nhận chức:
Hai tám năm qua lại trở về
Những người hàng hải nặng thề năm xưa
Dưới cờ Đảng nguyện cùng đưa
Con tàu hàng hải đến bờ vinh quang…
3. Ơ cái ông Dũng này, Ông nói vậy là muốn đổ lỗi cho ai đây? Một con người dòng dõi cách mạng, học thức đầy mình, năng nổ nhiệt huyết như thế sao lại đến nông nỗi này cơ chứ?
Xem lại bài thơ ông viết “dưới cờ Đảng, nguyện cùng đưa…”, vậy ra ông định đổ mọi tội lỗi này cho “cờ” à? Nhìn cái vẻ vừa rất thành khẩn vừa rất kiêu hãnh của ông trên màn hình, thấy như ông đang rất oan ức!
Cái ngày nhậm chức đọc thơ ấy, lẽ ra ông nên đọc như sau thì mới phải:
Dưới cờ Đảng nguyện cùng đưa
Con tàu hàng hải đến bờ nát tan…

Kính thưa đại gia "siêu giường"!

(PetroTimes) - Trước khi đặt bút viết bài này, tôi cũng xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ với tài năng kinh doanh và khối tài sản khổng lồ mà đại gia Lê Ân có được. Lại thêm một người Việt Nam làm giàu trên chính quê hương - đó là điều đáng trân trọng!
Sự kiện chiếc giường trị giá 6 tỷ của đại gia Lê Ân sắp về đến Việt Nam đang gây xôn xao.
Không chỉ có tôi mà rất nhiều người hẳn cũng sửng sốt, ngạc nhiên, tò mò vì sự kiện này. Tò mò vì không hiểu cái siêu giường nó sang trọng đến mức nào mà có giá lên tới 6 tỷ đồng - một khoản tiền mà nhiều người mơ đến nhiều đời không thấy. Và cũng thật băn khoăn không hiểu ông mua “siêu giường” với mục đích gì?
Đương nhiên, nếu cứ gào lên là “sao không dùng tiền đó làm từ thiện” thì tôi nghĩ hơi trẻ con, vì từ thiện là tự nguyện, xuất phát từ tâm - cộng đồng không thể bắt ông bỏ mọi nhu cầu hưởng thụ cá nhân để làm từ thiện suốt đời. Suy cho cùng, hưởng thụ cũng là động lực để lao động.
Tuy nhiên, khi đại gia Lê Ân lên báo hùng hồn tuyên bố mua giường vì đất nước thì vấn đề đã khác hẳn:
“Tôi tìm cách đặt mua không phải để ngủ mà để thế giới biết rằng Việt Nam cũng có nhiều đại gia lắm tiền” – ông Ân nói.
Vợ đại gia Lê Ân là bà Mai Thị Mai nói rằng vợ chồng bà quyết định mua chiếc giường này không chỉ để ngủ hay để làm tài sản mà trên hết là vì niềm tự hào của người Việt: “Cả thế giới có 60 chiếc thôi. Mình mua để thế giới biết người Việt Nam cũng giàu có không thua kém ai”.
Hai vợ chồng ông nằm trên một chiếc siêu giường, ắt hẳn sẽ có điều thích thú hơn là những chiếc giường bình thường. Mọi người cùng chia vui với ông và bà vì điều đó. Nhưng giường là để nằm, là việc của 2 ông bà, ông bà muốn làm gì với nó thì tùy, sao lại lôi “đất nước” vào đây!
Có chăng, ông bà cài yếu tố “vinh danh đất nước” vào đây là để tránh cái tiếng trọc phú, để nâng tầm siêu giường lên thành… lý tưởng. Xin khẳng định là đất nước không cần vinh danh bởi một cái giường như thế! Không lẽ, ngoài khẩu hiệu “dùng hàng Việt là yêu nước”, “đóng thuế là yêu nước”… nay lại có thêm khẩu hiệu “mua siêu giường là yêu nước”?!
Không ai ngăn cản nếu ông Lê Ân có tấm lòng, muốn vinh danh tổ quốc, muốn cho thế giới có cái nhìn đẹp hơn về con người Việt Nam.
Ví dụ như ông có thể giúp đồng bào của ông ở Miền Trung đang vật lộn trong cơn lũ lụt đói kém; ông có thể giúp anh tài xế bị hôi bia ở Đồng Nai để “gạn đục, khơi trong”, làm gương cho những người hôi của thấy xấu hổ mà lần sau không tái phạm; ông có thể giúp cho ngư dân Trường Sa, Hoàng Sa thêm những mảnh lưới tốt, những con thuyền lớn để ra khơi đương đầu với sóng dữ, để giữ biên cương trên biển cho tổ quốc của ông...
Tổ quốc luôn luôn cần những người làm kinh tế giỏi và hào phóng như ông. Nhưng ranh giới giữa hào phóng và trọc phú cũng mong manh lắm.
Vậy nên, lúc nào đó tấm lòng ông muốn vinh danh cho tổ quốc, xin hãy nghĩ “rộng” hơn một chút, chứ đừng lôi tổ quốc gói gọn trong một cái giường.
Hoàng Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét