Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Thông qua HP: Khi Tổng Bí thư "xào nấu" lòng dân

Thông qua HP: Khi Tổng Bí thư "xào nấu" lòng dân

Dù đã biết việc Sửa đổi Hiến pháp 1992 chỉ là một trò hề, với mục đích nhằm một lần nữa hợp thức hóa cương lĩnh của đảng CSVN, dưới cái vỏ bọc một bản Hiến pháp mới, với thời gian hai năm rưỡi chuẩn bị, kha khá tiền bạc và đã có sự tham gia đóng góp ý kiến sâu rộng đông đảo của dân chúng. Nhưng tôi cũng không khỏi ngậm ngùi và tiếc, khi được tin bản Hiến pháp Sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 28.11.2013.
Việc một bản Hiến pháp mới được Quốc hội thông qua mà hầu hết các nội dung quan trọng về các vấn đề chính trị, kinh tế... hầu như vẫn giữ nguyên khi so với bản Hiến pháp cũ. Trong lúc chỉ cách đây ít lâu đảng CSVN và chính quyền đã rầm rộ phát động một cuộc vận động để dân chúng tham gia góp ý vào bản Dự thảo Hiến pháp Sửa đổi. Điều đó đã được đánh giá là một việc làm vô nghĩa và quan trọng hơn các ý kiến tâm huyết của dân chúng tham gia góp ý đã không được đoái hoài. Đây là một biểu hiện của thái độ coi thường nhân dân của đảng CSVN nói chung và các lãnh tụ của họ nói riêng.
Nó không chỉ là việc trước vài ngày Quốc hội Việt nam thông qua Hiến pháp Sửa đổi, ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định "Dự thảo Hiến pháp tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân dân" và cho biết Quốc hội sẽ làm việc hết mình để thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vào ngày 28.11. Phản bác luồng dư luận cho rằng hầu hết các ý kiến đóng góp của nhân dân đã bị bác bỏ, theo ông Nguyễn Sinh Hùng thì “Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã làm việc cần mẫn, khiêm tốn, cầu thị để tiếp thu cho được ý kiến của đại biểu Quốc hội và tinh hoa trí tuệ của nhân dân. Có một số ý kiến đề nghị nhưng đó chỉ là một số ý kiến thôi nên chúng tôi không tiếp thu được”. 

Thực tâm tôi bức xúc với phát biểu của ông Chủ tịch Quốc hội, khi ông cho rằng bằng tinh hoa trí tuệ của nhân dân, nên Việt nam đã có một bản Hiến pháp mới hầu như y nguyên như bản Hiến pháp đang sử dụng. Và tin rằng tinh hoa trí tuệ của nhân dân chắc chắn không tồi tệ đến mức như vậy, đồng thời xin các ông đừng có vơ nhân dân (trong đó có cả tôi) vào trò hề lừa bịp của các ông.

Tương tự, ngay sau khi Quốc hội thông qua bản Hiến pháp (sửa đổi) ít phút, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời phỏng vấn báo chí và một lần nữa khẳng định "Hiến pháp được thông qua với đồng thuận cao là tất yếu dân chủ, là kết quả của chân lý ý Đảng lòng dân". Ông Tổng Bí thư thổ lộ điều nói trên trong tâm trạng mà báo chí mô tả cho là "thật sự vui mừng, xúc động nhưng không bất ngờ vì thấy QH bày tỏ chính kiến của mình thống nhất rất cao với bản Hiến pháp (sửa đổi) phản ánh tính đồng thuận của cả hệ thống chính trị theo đúng định hướng, tư tưởng chỉ đạo của Đảng". Suy nghĩ của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phản ảnh một nỗi lo sợ của ông Trọng nói riêng và đảng CSVN nói chung khi các Đại biểu Quốc hội sẽ "lật kèo". Đây là một thực tế có thực và nó đã diễn ra trong hội trường Quốc hội ngày 28.11.2013 vào thời điểm các đại biểu Quốc hội bấm nút để thông qua bản Hiến pháp Sửa đổi này.

Vào chương trình thời sự trưa, VTV còn cho hiện lên hình ảnh với con số kết quả cực đẹp thể hiện sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị theo đúng định hướng, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, vào phút cuối của chương trình truyền hình của họ. Nhưng đáng tiếc đây là chuyện bị coi là  “xào nấu” số liệu của bảng điện tử


Kết quả cực đẹp của VTV vào chương trình thời sự trưa
Có thể thấy kết quả đó đẹp hơn cả kết quả mà chính VTV và các cơ quan truyền thông báo chí đã công bố trước chỉ đó ít lâu. Một kết quả có lẽ không làm hài lòng các lãnh tụ của đảng CSVN, vì nó thể hiện sự thiếu đồng thuận của cả hệ thống chính trị đã không theo đúng định hướng, tư tưởng chỉ đạo của Đảng:
Kết quả mà chính VTV và các cơ quan truyền thông báo chí đã công bố trước đó
Nếu chỉ có sự khác biệt, chênh lệch 02 đại biểu không tham gia biểu quyết ít ỏi như trên thì xét thấy chả có gì là lạ và đáng quan tâm. Vì gần 500 đại biểu Quốc hội trong đó trên dưới 90% là đảng viên đảng CSVN thì lỗi nhỏ này có thể giải thích bàng lỗi mang tính kỹ thuật, hoặc do ai đó lơ đễnh nên đã bấm nhầm. Nhưng không phải như vậy. Trong điều kiện truyền hình trực tiếp thì có những cái mà họ (đảng CSVN) có muốn dấu cũ không thể dấu được vì họ nên nhớ có rất nhiều con mắt tập trung theo dõi để phát hiện sự xảo trá thiếu trung thực.
133.png

Chính vì thế nó đã khiến cho không ít người nghi ngờ về tính trung thực của kết quả biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới. Không nghi ngờ sao được, khi cùng một việc biểu quyết lại cho công bố hai kết quả không giống nhau. Một điều không thể cho phép, khi thông tin việc các đại biểu Quốc hội thông qua một văn bản pháp lý có tầm quan trọng vào hàng bậc nhất đối với một quốc gia. Vậy mà sự vô lý ấy vẫn có thể hiện hữu trong cái gọi là Quốc hội của nước Cộng hòa XHCN Việt nam, một cơ quan quyền lực cao nhất.
. 
Hai kết quả biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới khác nhau hoàn toàn
Điều gì đã xảy ra và vì sao vào lúc 12h trưa nay 28.11.2013, trong chương trình Thời sự của VTV1, diễn biến được hiển thị trên màn hình trong quá trình bỏ phiếu đã không xuất hiện, mà chỉ có hình ảnh về kết quả cuối cùng? Câu trả lời xin được nhường lại cho bạn đọc và những người có trách nhiệm. Người ta thường nói "Một sự bất tín thì vạn sự bất tin". Vậy mà cùng một sự việc diễn ra ở cùng một thời điểm được truyền hình trực tiếp trên toàn cầu, nhưng VTV lại cho khán giả xem hai kết quả khác nhau thì có đáng để tin không? Trong thời đại kỹ thuật như hiện nay thì việc cho ra các kết quả đã định sẵn là hoàn toàn có thể và người ta thừa sức làm được mà khó có ai có thể biết. Nhưng với điều kiện không được làm một cách cẩu thả như chúng ta đã thấy ở ngày bỏ phiếu biểu quyết Hiến pháp.

Điều đó khiến chúng ta có quyền nghi ngờ vào phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng, khi cho rằng "...biểu quyết thông qua Hiến pháp lần này là sự thống nhất của cả Quốc hội, phản ánh ý chí của nhân dân và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị theo đúng tư tưởng, định hướng chỉ đạo của Trung ương, của Đảng. Chỉ đạo rất chặt chẽ và có định hướng nhưng không gò ép, áp đặt, hoàn toàn thoải mái, thảo luận dân chủ. Như thế là có sự gặp nhau rất lớn ở ý tưởng về sửa đổi Hiến pháp lần này. Cho nên, nói ý Đảng, lòng dân là rất đúng, hoàn toàn phù hợp, không gượng ép. Đảng không ép và dân rất thoải mái chấp nhận bởi vì nó hợp lý - là chân lý thì mọi người đều chấp nhận."

Theo thông tin từ Diễn đàn Xã hội Dân sự cho biết, tại thời điểm Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp sửa đổi, với 486 phiếu tán thành, 2 ”không biểu quyết”, 0 có ý kiến “không tán thành”. Tuy nhiên, trong thời gian chưa đến 60 giây trong quá trình bỏ phiếu, trên bản điện tử hiển thị có những diễn biến khó hiểu, đã có lúc ghi nhận có 3 ý kiến “không tán thành”, 21 “không biểu quyết” … Và theo họ đánh giá là phải chăng đã có đại biểu nhanh chóng thay đổi quyết định trong thời gian bỏ phiếu ngắn ngủi, hay đã có sự tác động của… máy móc?

Khoan hãy bỏ qua chuyện các Đại biểu Quốc hội Việt nam có thực sự là đại biểu của nhân dân và do nhân dân lựa chọn ra hay không? Hay các ông bà nghị ấy chỉ là những con người do đảng chọn ra để làm vai trò những kẻ trung gian nhằm hợp thức hóa các nghị quyết của đảng CSVN dưới danh nghĩa của cơ quan lập pháp. Mà chỉ nói đến vấn đề "ý Đảng, lòng dân", điều mà đã vắng bóng nhiều năm qua trong các văn kiện và truyền thông của đảng từ thời kỳ sau đổi mới đến nay. Có lẽ do sự trở lại không đúng lúc và hơi khiên cưỡng, nên đã làm cho người ta cảm thấy có cái gì nghe chừng không ổn trong phát biểu của ông Tổng Bí thư cho dù đảng đã không gượng ép.

Từ việc Quốc hội  tuân theo sự chỉ đạo rất chặt chẽ và có định hướng, đúng tư tưởng và định hướng chỉ đạo của Trung ương, của Đảng (cố ý hay vô tình). Tuy nhiên, việc chế biến kết quả biểu quyết đã không khéo, nếu không nói là cẩu thả đã khiến cho không ít người hoài nghi về tính trung thực. Nhưng cái kết quả biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới chập chờn kia, cũng đã khiến nhiều người nghĩ rằng lòng dân bây giờ cũng rất chập chờn.

Cái kết quả biểu quyết thông qua Hiến pháp chập chờn, cái mà blogger Hiệu Minh đã chua chát cho là kết quả của hành động xào nấu. Không hiểu ngẫu nhiên hay chỉ là sự tình cờ, mà ba cái: lời phát biểu của Tổng Bí thư, xuất phát từ việc "xào nấu" kết quả biểu quyết và lòng dân. Điều đó đã khiến người ta  liên hệ đến hình ảnh một ông Tổng Bí thư đảng và món lòng dân do ông tự chế biến rồi mang ra để dụ dỗ quần chúng nhân dân.

Người ta hổ dữ không ăn thịt con, con người không ăn thịt đồng loại, ta thường nghe nói đến món lòng gà, lòng lợn và lòng bò chứ ít ai sử dụng món lòng người. Chắc chỉ có phường vô lương mới tận dụng đến thứ lòng dân để nhằm bao biện cho những việc làm coi thường nhân dân như vậy.

Nếu như thế, lũ ấy chỉ xứng đáng hưởng cái "nội dung" của lòng người dân, cái mà ở Việt nam người ta vẫn dùng để bón ruộng.

Ngày 01 tháng 12 năm 2013

© Kami
(Blog Kami's)

Báo Mỹ quan tâm đến chế định vai trò DNNN trong Hiến pháp Việt Nam sửa đổi

Bloomberg News | 27.11.2013
Người dịch: Lê Anh Hùng
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã sẵn sàng cho việc tăng cường kiểm soát nền kinh tế khi họ khẳng định vai trò trung tâm của Đảng Cộng sản cầm quyền và sự chi phối của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong bản hiến pháp sửa đổi mà Quốc hội sẽ thông qua tuần này.
Sau khi tỏ ý hồi tháng Giêng rằng họ có thể tận dụng dịp sửa đổi hiến pháp để từng bước tiến tới một hệ thống theo định hướng thị trường nhiều hơn và nâng tốc độ tăng trưởng từ mức thấp nhất trong 13 năm gần đây, các nhà lãnh đạo lại quyết định duy trì vai trò chủ đạo của DNNN trong nền kinh tế. Các DNNN của Việt Nam đã góp phần tạo ra tỷ lệ nợ xấu cao nhất Đông Nam Á.

Việc tiếp tục củng cố chế độ khiến những cải cách cần thiết như tăng cường độ minh bạch càng đứng trước rủi ro bị trì hoãn trong bối cảnh bất ổn xã hội gia tăng bởi những vấn đề như chủ quyền đất đai – đấy là nhận định của các nhà đầu tư, trong đó có Mark Mobius. Thái độ không hài lòng với tình hình kinh tế đã khiến Quốc hội lần đầu tiên tổ chức cuộc bỏ phiếu tín nhiệm dành cho các vị lãnh đạo và một số đảng viên thậm chí còn đề xuất một bản hiến pháp mới cho phép “cạnh tranh chính trị”.
“Đó là sự sửa soạn để chuẩn bị ứng phó với thảm hoạ”, Carlyle Thayer – giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Australia (Canberra) – nhận xét. “Nền kinh tế sẽ không đạt được tốc độ tăng trưởng 7% mà họ muốn. Bất cứ khi nào xẩy ra tình trạng bất ổn thì giải pháp mặc định cũng đều là duy trì sự kiểm soát.”
Các quan chức chính phủ dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 5,4% năm nay và 5,8% năm tới, nghĩa là 7 năm liền dưới mức 7%. Nợ xấu của Việt Nam, mà theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và các hãng xếp hạng tín nhiệm thì cao hơn mức 4,52% tổng dư nợ được báo cáo vào cuối tháng Chín, đã kìm hãm tăng trưởng tín dụng và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp.
Nỗi bất an của các nhà đầu tư
Việc trì hoãn cải cách có thể gây bất an cho các nhà đầu tư nước ngoài vốn dĩ đã ngán ngẩm với hệ thống rối rắm của Việt Nam, Mobius (người chịu trách nhiệm quản lý 53 tỷ USD tài sản trên cương vị chủ tịch điều hành của Templeton Emerging Markets Group) nhận xét.
“Nếu bạn đang kinh doanh ở Việt Nam thì vai trò của chính phủ là rất, rất lớn”, ông nói qua điện thoại. “Chúng tôi gần như phải đoán mò về những gì sắp xẩy ra. Bạn phải đối mặt với một nhà nước độc đảng và các quyết định thì được đưa ra sau những cánh cửa khép kín. Chúng tôi cần được thấy nhiều minh bạch hơn nữa.”
Xuất khẩu của Việt Nam trong tháng Mười tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều hơn hai lần tốc độ của Trung Quốc, và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết tăng 54% lên 20,8 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm. Chính phủ sẽ muốn duy trì nhịp độ đó, Mobius nói.
“Tôi chắc chắn là có một nhóm trong đảng muốn chứng kiến thêm cải cách”, ông nhận xét.
Mobius và các nhà đầu tư chứng khoán khác đã góp phần vào tốc độ tăng trưởng ngoạn mục 24% của VN Index năm nay, với kỳ vọng chính phủ sẽ nâng trần sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp niêm yết. Chỉ số thị trường chứng khoán của Việt Nam đã tăng 0,4% lên 510,96 điểm lúc mở cửa ngày hôm nay.
Bản dự thảo hiến pháp mới nhất khẳng định một “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu và thành phần kinh tế”, trong đó “kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo”. Nó vẫn duy trì quy định là tất cả các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật.
Cơ hội nhỡ nhàng
Các công ty và nhà đầu tư nước ngoài “sẽ nhận thấy rằng hiến pháp không có những thay đổi quan trọng và họ có thể cho rằng chúng ta không thực sự muốn thay đổi và đó sẽ là một tín hiệu sai lầm”, ông Lê Đăng Doanh (chuyên gia kinh tế độc lập từng cố vấn cho hai thủ tướng Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng) nhận xét. “Một số nhà đầu tư có thể coi đây là sự ổn định nhưng số khác lại có thể xem là đình trệ.”
Giới lãnh đạo Trung Quốc đã tiến hành cải cách kinh tế nhằm ứng phó với hiện tượng tăng trưởng đang chậm lại, đồng thời thể hiện thái độ sẵn sàng hơn trong việc cải cách DNNN, ông nói thêm.
“Chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội lớn để thực sự tạo ra một số thay đổi”, ông Lê Đăng Doanh (người nằm trong số 72 vị nhân sỹ, trí thức ký tên vào bản hiến pháp thay thế mà họ đề xuất cho Quốc hội) bình luận. “Chúng ta có thể sẽ phải trả giá cho bản hiến pháp mới này. Nó sẽ không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi thành phần kinh tế nhà nước kém hiệu quả lại dẫn dắt nền kinh tế.”
Tình trạng dễ bị tổn thương của nền kinh tế
Bản dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 cũng tăng cường mức độ ảnh hưởng của đảng bằng cách đặt lực lượng công an và quân đội dưới quyền kiểm soát của nó và trao cho chính phủ những quyền hạn lớn hơn để hạn chế tự do ngôn luận.
Từng một thời là điểm đến phát triển nhanh nhất mà các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn, sự tăng trưởng của Việt Nam đã chậm lại sau khi sớm bùng nổ nhờ những cải cách kinh tế năm 1986 mà người ta gọi là “Đổi mới” (lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến với Mỹ kết thúc doanh nghiệp tư nhân được phép chính thức hoạt động).
DNNN là một nguyên nhân chính khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận xét hồi tháng Tám.
Khu vực kinh tế nhà nước là một trụ đỡ của nền kinh tế, giúp đảm bảo sự ổn định trong bối cảnh suy thoái toàn cầu gần đây – đó là phát biểu của Đại biểu Quốc hội Trần Minh Diệu mà báo điện tử VietNamNet đưa tin ngày 6.11.
“Vẫn cần thiết”
“Mặc dù còn có những khiếm khuyết trong hoạt động quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh nhưng vẫn cần tăng cường vai trò của loại hình này”, ông Trần Minh Diệu nói.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam chịu áp lực phải thay đổi. Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tháng Sáu vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị gần 1/3 số Đại biểu Quốc hội đánh giá thấp. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận được số phiếu “tín nhiệm thấp” từ 42% số đại biểu, những người bỏ phiếu kín.
Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Việt Nam, DNNN được biết đến với cái tên Vinashin, gần như sụp đổ hồi năm 2010 vì không xoay xở được nợ nần. Doanh nghiệp này hiện đã đổi tên thành Tổng Công ty Công nghiệp Đóng tàu.
Các nhà lãnh đạo đã tỏ ra do dự trước việc liệu bản hiến pháp sửa đổi có nên chứa đựng những ngôn từ điều chỉnh lại vai trò của nhà nước hay không, chuyên gia kinh tế phụ trách Việt Nam của Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) Dominic Mellor bình luận.
“Ở đây có các nhóm lợi ích cùng một số nhóm khác không muốn thay đổi”, ông nói qua điện thoại. “Tuy nhiên, mức độ bất ổn trong vài năm qua và thành tích nghèo nàn của những DNNN quản lý yếu kém đã tạo ra cuộc tranh luận.”
Theo Tim Condon, chuyên gia trưởng về kinh tế Châu Á của công ty ING Financial Markets (Singapore), người trước kia từng làm cho Ngân hàng Thế giới (WB), ngôn từ của bản hiến pháp mới có lẽ sẽ không gây ra hiện tượng giảm sút đầu tư trong ngắn hạn. Tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy cộng với chi phí nhân công thấp là những nhân tố đang thu hút các doanh nghiệp rời bỏ Trung Quốc sang Việt Nam, ông nói.
“Nếu việc công bố bản hiến pháp mới tạo ra bất kỳ hiệu ứng gì thì nó cũng chỉ được cảm nhận trong dài hạn: một tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với kỳ vọng”, Condon nhận xét. “Hai mươi năm tới chúng ta có thể sẽ nhìn lại quyết định này và xem đó như một quyết định vô cùng tai hại.”
Liên hệ với người của Bloomberg News về bài viết: John Boudreau (Hà Nội), jboudreau3@bloomberg.net
Liên hệ với biên tập viên chịu trách nhiệm về bài viết: Rosalind Mathieson, rmathieson3@bloomberg.net

Nguồn: Bloomberg News / Defend theDefenders

Nguyễn Văn Tuấn - Lai căng ?

Đọc báo Việt Nam có nhiều khi làm người đọc như tôi cảm thấy … nhức mắt. Nhức mắt vì những chữ nữa Tây nữa Ta chẳng vào đâu cả. Chẳng hạn như mới đây rộ lên những chữ như “hotgirl”, “hotboy”, “teen girl”, “teen Việt”, “showbiz”, v.v. Những chữ mà ngay cả tôi (đang định cư ở nước nói tiếng Anh) cũng cảm thấy khó hiểu. Kho tàng ngữ vựng tiếng Việt cũng có những từ với ý nghĩa tương đương, nhưng tại sao giới báo chí không dùng, mà phải nhờ đến tiếng Anh? Tôi thật không hiểu nổi, nên phải ghi lại vài dòng gọi là … nhật kí.
Teen (thật ra là “Teenager”) là chữ dùng để chỉ những em trong độ tuổi dậy thì đến tuổi 19. Tiếng Việt mình có chữ “thiếu niên” để chỉ những em trong độ tuổi dậy thì đến tuổi thiếu nữ hay thanh niên, tức là tương đương với teenager trong tiếng Anh. Còn hotgirl và hotboy thì thú thật tôi không rõ ở Việt Nam có ý nghĩa gì, nhưng trong tiếng Anh thì hotgirl dùng để chỉ những cô gái trong độ tuổi 14-27, xinh xắn, tự tin (có khi phách lối), và hấp dẫn (mà nam giới bắt buộc phải nhìn). Tôi nghĩ tiếng Việt có thể là “cô gái duyên dáng” hay “Gái có duyên”. Nói chung, tôi thấy tiếng Việt mình có những từ tương đương với danh từ tiếng Anh để diễn tả, và không có lí do gì mình phải dùng đến tiếng Anh.
Ấy thế mà những từ tiếng Anh đó lại xuất hiện khá thường xuyên trên báo Việt Nam! Nếu viết trên facebook hay blog thì tôi nghĩ việc dùng một chút tiếng Anh thì tôi còn có thể hiểu được, vì viết nhanh và mang tính cá nhân. Nhưng báo chí là một diễn đàn nghiêm chỉnh và mang tính giáo dục thì việc dùng tiếng Anh cùng đồng nghĩa với sự thiếu tôn trọng tiếng mẹ đẻ. Hi vọng rằng tôi không quá nặng lời.
Giới báo chí không phải là những người duy nhất truyền bá loại ngôn ngữ nửa nạc nửa mỡ, mà người dân, đặc biệt là giới trẻ, cũng thường hay dùng loại ngôn ngữ này. Có nhiều chuyện tiếng Việt “nửa nạc nửa mỡ” rất hài hước ở quê tôi. Quê tôi có nhiều người định cư ở nước ngoài, và trong số đó có người định cư theo diện kết hôn trong mấy năm gần đây. Làng tôi vẫn còn lưu truyền vài câu chuyện cười ra nước mắt. Cô nọ sau khi lấy chồng định cư ở Anh vài năm về thăm quê, cô vận cái váy ngắn và cái áo khoe những đường cong con gái ra chợ quê, nơi mà đa số bà con mặc áo bà ba. Cô ghé qua hàng bán rau và thấy trái me, cô đon đả hỏi: Dì hai ơi, trái này là trái gì vậy dì? Dì Hai biết quá cái cô này con ông Ba Th, mới đi nước ngoài có 2 năm thì làm sao quên tiếng Việt được, nên bực mình và buông một câu trả lời làm cô gái bỏ đi luôn: Ủa, con hổng biết trái này hả, ở quê mình gọi là cu Tây đó con. Dì Hai này thật đáo để! Câu chuyện này chắc chắn không phải xảy ra chỉ ở quê tôi mà có thể rất nhiều nơi khác. Nó là hiện tượng mà Thi sĩ Nguyễn Bính từng than:
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
(Thật ra, trường hợp cô gái ở quê tôi thì đúng ra phải là “hương đồng gió nội” bay đi quá nhiều!)
Thật ra, trong nhiều tình huống cũng nên thông cảm cho những người dùng tiếng Anh. Có khi người ở nước nói tiếng Anh lâu và thành … thói quen. Thói quen này mang tính địa phương, và vì nó ngắn gọn, ai trong cộng đồng cũng hiểu. Chẳng hạn như nói đến “đi shopping” thì ai cũng hiểu là đi mua sắm ở các siêu thị (hay mall). Shopping không phải đơn giản là “đi chợ” theo ý nghĩa của tiếng Việt. Thành ra, dùng shopping là đơn giản nhất! Có khi cách nói ngắn Tây-Ta còn tuỳ thuộc vào văn hoá địa phương. Chẳng hạn như người Việt ở Úc, nói đến đi mua thức ăn “take away” nhưng bên Mĩ thì gọi là “Food to go”, thì ai cũng hiểu đó là đi mua thức ăn về nhà chứ không phải ăn ở quán. Thói quen đó lan truyền sang Việt Nam khi Việt kiều về thăm quê. Việt kiều về quê thỉnh thoảng quen cách nói nước ngoài nên dễ làm bà con dè bỉu rằng “mới đi có vài năm mà làm bộ làm tịch quên tiếng Việt”. Trong thực tế họ không có ý khoe khoang tiếng Anh đâu, mà chỉ vì thói quen mà thôi.
Cá nhân người viết bài này biết người dưới quê khó tính, nên không bao giờ hay hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng chữ Anh trong cách nói hàng ngày ở VN. Dù tự dặn mình như thế nhưng thỉnh thoảng tôi cũng chêm tiếng Anh trong giao tiếp, vì quán tính (nhưng tôi lúc nào cũng giải thích chữ mình nói có nghĩa là gì để bà con hiểu). Còn trên mặt báo thì tôi gần như không sử dụng tiếng Anh, hay có sử dụng những khái niệm mới thì cũng mở ngoặc giải thích để bạn đọc hiểu. Tôi nghĩ mình làm được thì các phóng viên, trên danh nghĩa là bậc thầy về chữ nghĩa, phải làm được chứ. Nếu họ không làm được thì tôi nghĩ chắc là do … lai căng. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến một ca khúc của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà trong đó có câu:
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của Mẹ, một bọn lai căng
Gia tài của Mẹ, một lũ bội tình

Nguyễn Văn Tuấn
(FB Nguyễn Văn Tuấn)

Đinh Nguyên Kha được đình chỉ điều tra tội danh khủng bố

Hai sinh viên Đinh Nguyên Kha (trái) và Nguyễn Phương Uyên
Theo tin tức từ phía gia đình, thì Đinh Nguyên Kha đã được đình chỉ điều tra đối với tội danh khủng bố, nên hiện chỉ thụ án vì tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước » theo điều 88 Luật Hình sự. Quyết định đình chỉ điều tra được ký vào ngày 14/11/2013, nhưng thân nhân Đinh Nguyên Kha chỉ mới biết tin này khi đi thăm nuôi vào ngày 29/11.

Đinh Nguyên Kha là sinh viên đã cùng với Nguyễn Phương Uyên rải truyền đơn kêu gọi chống Trung Quốc xâm lược và phản đối tham nhũng. Cả hai bị bắt vào tháng 10/2012 và bị truy tố theo điều 88 Luật Hình sự Việt Nam.


∇ Nghe tường trình
Trong phiên xử ngày 16/05/2013 tại Long An, Đinh Nguyên Kha bị xử 8 năm tù và Nguyễn Phương Uyên 6 năm tù giam. Nhưng đến ngày 16/08/2013, tòa phúc thẩm đã gây ngạc nhiên khi giảm cho Phương Uyên còn 3 năm tù treo và tha bổng tại tòa, Nguyên Kha được giảm án còn 4 năm. Đến tháng Chín, Đinh Nguyên Kha lại bị truy tố thêm tội danh « khủng bố ».

Trả lời RFI Việt ngữ hôm nay, bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của Đinh Nguyên Kha cho biết :

Bà Nguyễn Thị Kim Liên : Đi thăm nuôi thì cháu nói mẹ à, bây giờ thủ trưởng công an, ông Nguyễn Thanh Sơn đưa con (quyết định), nói vụ án của con bây giờ đình chỉ rồi. Nhưng mà tôi biết thế nào cũng đình chỉ thôi, tại vì Tòa án với Viện Kiểm sát đã trả lại hồ sơ cho công an tới nay là một tháng mấy rồi. Tôi cũng biết có ngày này mà !

RFI : Thưa, làm sao bà có thể tin chắc được như vậy ?

Dạ, thì tôi có hai đứa con ở tù, xử mấy vụ án rồi tôi biết mà. Hễ họ trả hồ sơ lại tôi biết là họ sẽ đình chỉ. Tại vì công an điều tra đã gởi cho Tòa án và Viện Kiểm sát, nếu kết tội được thì họ đã kết tội luôn rồi, đâu trả hồ sơ lại đâu. Theo suy luận của tôi là như vậy.

RFI : Quyết định thấy trên mạng là do Kha đưa cho gia đình ?


Vô trại giam thăm cháu thì cháu đưa ra, chứ mình đâu có tư cách gì mà công an họ đưa cho mình. Chỉ có Kha với luật sư, chứ còn tôi là mẹ mà họ cũng không có làm việc với tôi đâu. Họ đưa cho Kha hai tờ giấy đó, lúc tôi vô thăm nó đưa cho tôi.

RFI : Và bà photocopy lại ?

Không, tôi chụp hình đó chứ ! Tôi đem về nhà giữ luôn mà, đâu có trả lại cho nó đâu.

RFI : Theo bà, nhờ đâu mà có được quyết định đình chỉ điều tra tội danh khủng bố đối với Kha?

Chứng cớ rất là mơ hồ, yếu ớt. Với lại mình cũng tin con mình, nó làm sao mà khủng bố được ! Nó bị hai vụ án là sáu năm tù rồi, nó ở tù còn nguy hiểm gì nữa đâu mà khép tội nó là khủng bố nữa.

RFI : Bà có nghĩ là một phần cũng nhờ có tác động từ bên ngoài không ?

Vấn đề vụ án « khủng bố » này, theo tôi nghĩ có lẽ Việt Nam mình mới đắc cử vô ghế nhân quyền, thành ra họ không muốn làm oan sai nữa. Không đủ chứng cứ thì họ cho đình chỉ, họ thà cho đình chỉ còn hơn có thêm vụ án oan sai nữa, như đã lộ ra mấy vụ rồi đó.

RFI : Quyết định được ký từ ngày 14/11, đến nay gia đình mới biết phải không thưa bà ?

Giao cho cháu Kha thì ngày đó, nhưng tới ngày đi thăm thì nó đưa mình mới biết. Hôm tôi thăm, cháu đưa quyết định đình chỉ vụ án, cháu rất vui. Cháu vui mừng lắm ! Lần trước lúc anh Uy của cháu ra tù thì cháu cũng vui như vậy. Lần này vô thì cháu nói liền, mẹ ơi con không bị tội khủng bố. Tôi nói liền, thì con có khủng bố đâu mà bị. Con của mẹ làm sao khủng bố được, mẹ đinh ninh là thế nào cũng có ngày này con à.

Bữa đó Kha rất lạc quan, vui vẻ, có bạn gái vô thăm, nói chuyện nữa. Nhưng không biết tháng tới đây họ sẽ đưa nó đi thi hành án ở đâu. Tới ngày 5/12 đi thăm nữa mới biết con mình còn ở trển hay họ đưa đi rồi.

RFI : Gia đình có nghĩ tới chuyện xin giám đốc thẩm không ?

Có chứ cô. Lúc Uyên tù treo, Kha bốn năm thì tôi đã nói với hai luật sư liền rồi, là sẽ xin giám đốc thẩm lại vấn đề này, chứ bản án như vậy là bất công.

Bạn của Uy thì nhiều, chứ Kha từ lúc bị tù tới giờ không có người bạn nào ghé thăm hết. Anh em bạn họ rất là sợ. Nói chung là vấn đề chính trị thì ở Việt Nam như vậy, dòng họ thân thuộc họ còn sợ, đừng nói tới bạn bè.

Tôi suy nghĩ nếu chưa có vụ đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thì vụ án này chắc chưa có đình chỉ điều tra đâu. Tôi rất mừng là Việt Nam cũng làm cho mọi người thấy là họ tuân thủ vấn đề nhân quyền.

Giữa tháng rồi tôi có ra Hà Nội, gặp một bà ở Tòa đại sứ Mỹ tên là Jennifer. Bà hỏi tôi suy nghĩ ra sao trước vấn đề Việt Nam đắc cử ghế nhân quyền, tôi nói tôi rất hy vọng là Nhà nước Việt Nam làm theo đúng những gì đã ký kết với Liên Hiệp Quốc. Hiện nay tôi cũng thấy chắc có phần nào.

RFI : Hiện nay gia đình sống như thế nào thưa bà ?

Lúc hai anh em ở tù thì hai vợ chồng cơm rau qua ngày đoạn tháng còn đỡ. Bây giờ thêm Uy ra tù, nó cũng không mần gì được, đã vậy mấy tháng nay còn bịnh, cũng hơi mệt đó cô à. Nó đâu ăn uống như mình được, phải bồi dưỡng cho nó. Không biết chừng nào Uy mới mần ra tiền lại được đây, tại vì công ty của nó không còn làm được nữa, họ không cấp giấy kinh doanh nữa.

Hai anh em nó mở công ty mua bán máy văn phòng. Lúc Kha bị bắt Uy vẫn còn làm tới lúc bị bắt tiếp, dẹp công ty luôn. Giấy phép kinh doanh bị rút rồi. Uy đứng ra xin kinh doanh là không được nữa rồi, nếu mà kinh doanh chắc là tôi xin, mà tôi nghĩ chắc hổng cho luôn. Không cho kinh doanh ngành nghề đó nữa đâu.

RFI : Còn nếu Kha bị chuyển đi xa ?

Tôi còn nghĩ tới viễn cảnh đó nữa chứ. Tôi bị đau cột sống mấy năm nay. Ở gần gần đây còn đi được, chứ đi xa quá không biết làm sao. Giờ thấy cũng tội nghiệp Kha, tại vì ở đây nửa tháng được thăm nuôi một lần, tôi nuôi cá, gà, còn đem được đồ ăn tới. Nhà tôi cách trại giam Kha có hai cây số à. Nghĩ tới viễn cảnh bị chuyển đi cũng đau lòng lắm cô à, nhưng mà không biết làm sao.

RFI : Xin rất cảm ơn bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của Đinh Nguyên Kha.

Thụy My
Theo RFI

Vụ lô hàng giấu ma túy lọt lưới sân bay Tân Sơn Nhất:

600 bánh heroin đã đi vào… luồng xanh!

  MỘT THẾ GIỚI
Sáng 2.12, Cục Hải quan TP.HCM đã tổ chức họp báo về vụ 600 bánh heroin (nặng 229 kg) lọt lưới qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, lên máy bay hãng China Airlines sang Đài Loan và... bị bắt!
Theo ông Trần Mã Thông, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, đây là lô hàng do máy tự phân vào luồng xanh, thuộc diện miễn kiểm tra hải quan.
“Cho nên, 12 loa thùng chứa 600 bánh heroin đã dễ dàng lọt lưới. Qua vụ này, Cục Hải quan TP.HCM đang rà soát lại toàn bộ quy trình để siết lại các mặt hàng, doanh nghiệp… được đưa vào luồng xanh”, ông Thông nói.
Ông Thông lý giải quy trình nghiệp vụ hải quan có ba luồng là xanh, đỏ, vàng. Trong luồng xanh có luồng xanh bình thường (không phải kiểm tra) và luồng xanh có điều kiện. Ngoài ra, có thêm hai luồng vàng và luồng đỏ.
“Việc phân vào luồng nào do tiểu sử theo dõi doanh nghiệp có uy tín hay không mà máy tự động xếp vào luồng xanh, vàng, đỏ. Khi đó luồng xanh sẽ không bị kiểm tra, luồng vàng thì cán bộ hải quan chỉ kiểm tra hồ sơ, luồng đỏ thì mở hàng ra kiểm tra thực tế nhưng cũng chỉ theo xác suất 5%-10% chứ không kiểm tra hết”, ông Thông cho biết.
Khi hàng hóa được xếp vào luồng xanh thì hải quan đối chiếu trên tờ khai, hệ thống dữ liệu của mình, thấy được thì cho thông quan ngay. An ninh hàng không dùng máy soi chiếu kiểm tra là việc của họ, được gọi là kiểm tra sau thông quan, không phải quy trình, nghiệp vụ của hải quan.
“Kiểm tra lại hồ sơ vụ 600 bánh heroin lọt lưới, chúng tôi thấy đây là loại hình xuất khẩu kinh doanh, lô hàng vào lúc 12 giờ ngày 15.11 nhận được thông tin khai báo, đến 15 giờ 39 phút được thông quan. Ngày hôm đó không có máy bay nên hôm sau mới đi bằng máy bay của hãng hàng không China Airlines, đến ngày 17.11 qua đến sân bay Đào Viên (Đài Loan) thì bị phát hiện, bắt giữ”, ông Thông cho hay.
Việc máy soi hàng trị giá 1,2 triệu USD bị hư là máy của an ninh hàng không chứ không phải máy soi của hải quan cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất. Chó nghiệp vụ là của hải quan, tuy nhiên như đã nói, lô hàng này thuộc luồng xanh nên hải quan cũng không dùng máy soi chứ nói gì dùng đến chó nghiệp vụ kiểm tra ma túy. “Chó nghiệp vụ không phải lúc nào cũng sử dụng mà phải dùng theo kế hoạch và có trọng tâm với luồng đỏ mà thôi”, ông Thông khẳng định.
Việc 12 loa thùng được xuất sang Đài Loan là hàng có từ tính, ảnh hưởng đến an toàn bay nên an ninh hàng không có trách nhiệm kiểm tra. “Còn như tôi đã nói trên vì máy đã phân vào luồng xanh nên theo quy định, hải quan cho thông quan luôn mà không kiểm tra gì cả”, ông Thông nói.
Ông Thông cho biết hiện phía Việt Nam và Đài Loan đang phối hợp điều tra, làm rõ vụ việc nghiêm trọng này. “Vì chưa có thông tin cụ thể và cuối cùng nên chúng tôi chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí vào lúc này, mong báo chí hãy kiên nhẫn chờ”, ông Thông cho hay.
“Quy trình phía hải quan không có gì sai phạm. Nếu qua xác minh có bộ phận, cá nhân nào dính líu vụ này thì chúng tôi sẽ cương quyết xử lý nghiêm”, ông Thông khẳng định.
Trọng Mạnh
(Ảnh: Ông Trần Mã Thông, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, đang trả lời các phóng viên trong buổi họp báo)

Xóa hiến pháp không cần đợi quốc hội bấm nút

delete
1.
Người ta không tin, người ta biết trước, nhưng đồng thời người ta cũng cần phải thốt ra một lời gì đó, cho đỡ ức!
2.
Nhiều năm trước, mình có một người bạn, anh ta chỉ hơn mình chừng bốn tuổi. Sinh quán ở Trung Ðông, từng du học và tốt nghiệp đại học ở Pháp, rồi sau định cư, lập nghiệp ở Hoa Kỳ.
Ðúng hơn, anh ta là chủ của mình, khi mình còn phụ trách điều hành phòng thiết kế trong công xưởng in vải của anh ở Garden Grove, California.
Thuở đó, văn phòng của anh là căn cuối cùng của tầng hai, cùng một dãy với mình. Nên mỗi khi muốn vào đó, anh phải đi ngang cửa sổ văn phòng của mình trước. Vì vậy anh luôn thấy mình ngồi dính chặt nơi bàn làm việc. Cho đến một hôm anh gọi mình sang, trách cứ:
- Mình mướn cậu vào đây làm việc, không phải lúc nào cũng thấy cậu ngồi dí mắt vào “computer.” Một trong những việc quan trọng, cậu cần thường xuyên sang trò chuyện với mình, nói cho mình biết chúng ta cần phải làm gì hay hơn, mới hơn.
Chưa hết, một lần trong buổi họp với những “manager” và “supervisor” của công ty trên dưới mười hai người, anh bất giác đập mạnh tay xuống bàn, nói:
- Tôi mời quý vị vào đây họp, đâu phải tôi nói điều gì thì quý vị cũng “ok!” Tôi cần nghe quý vị “defense,” (nguyên văn) thậm chí nói tôi “sai. Chúng ta thật sự có “vấn đề, bởi không thể tin có sự hoàn hảo đến như vậy!!!”
Tất nhiên đây không phải là chuẩn mực cho nhân cách lãnh đạo. Nhưng nó khiến chúng ta suy nghĩ, rồi soi chiếu vào thực trạng của đất nước hiện nay. Ðể thấy tỷ lệ đồng thuận “sửa đổi” hiến pháp, mà sửa ở đây là “củng cố” cho nó vững chắc hơn. Xét bề mặt có vẻ khiến chúng ta cảm thấy ức ách, nhưng nói theo tinh thần của Nguyễn Hưng Quốc, nó đang thách thức không chỉ giới trí thức Việt Nam, mà hết thẩy nhân dân.
Cái nút vừa bấm, có đủ làm nhiệm vụ kích hoạt nhân dân hành động chưa?
3.
Làm sao có thể tin cái hệ thống nút bấm thật được chế tạo bởi một tập đoàn giả hiệu. 99.6% càng tạo thêm tỷ lệ ngược niềm tin của người dân trong nước.
Người ta bỏ đảng bằng cách nại cớ vắng họp thường xuyên. nên người ta xóa bỏ hiến pháp đâu cần đợi đại biểu quốc hội nhấn nút “yes/no.” Người ta ức vì hy vọng có một quốc hội sáng suốt. Nhưng tỷ lệ 99.6% là một minh chứng bi-hài-kịch!
Và tỷ lệ 99.6% thành viên quốc hội “gật” biết đâu chẳng giúp cho mình thấy rõ đó là dấu hiệu “giẫy chết” của một nhóm người thiểu số trong tổng số 90 triệu đồng bào Việt Nam, vẫn cố bám víu vào một cái nút bấm, nhưng kỳ thật chỉ là hành vi nhấn nút “tự sát tập thể” của một chính quyền chỉ còn trông đợi vào bạo lực hiến pháp để cai trị đất nước và nhân dân.
Ngày 29 tháng 11, 2013
UYÊN NGUYÊN

Từ Ông Hồ Tới Quả Đấm

Cô Tư Sài Gòn

               

Trình độ của các quan chức Bộ Giáo Dục tới đâu? Có bao nhiêu người xài văn bằng giả? Có bao nhiêu người thuê viết luận án Tiến sĩ?

Chính xác, chúng ta không có số liệu, chỉ biết rằng nhiều quan chức là có văn bằng thật, vì có học thật... nhưng văn bằng giả cũng có. Nhưng văn bằng thật cũng không có nghĩa là có văn hóa, vì rất nhiều quan chức đã biểu diễn các màn phi văn hóa tệ hại.

Đặc biệt, đối với sách giáo khoa, một lĩnh vực nhạy cảm vì sẽ ảnh hưởng tới suy nghĩ của các thế hệ tương lai -- nếu có bàn tay Phương Bắc làm các em mất cảnh giác, sẽ hỏng; nếu có bàn tay phá hoại văn hóa nào khác, tương lai tâm hồn các em cũng sẽ trở thành một nồi nước lèo không ra phở cũng chẳng thành hủ tiếu.

Thông tấn Infonet đăng bản tin từ mạng Tri Thức tựa đề “Sốc trước bài đồng dao "đập chết đem vùi đống tro"...” kể rằng:

“Một bài đồng dao có nội dung bạo lực được in trong trang 17 với tên gọi Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng, cũng gây bức xúc với những từ ngữ như: "đập chết đem vùi đống tro", "đập chết đem cho láng giềng"...

Gần đây, nội dung của bài Đồng dao chơi vỗ tay in trong trang 8, tập 6 của bộ sách Đồng dao dành cho trẻ mầm non do NXB Mỹ Thuật và Nhà sách Đinh Tị ấn hành đã khiến dư luận bức xúc.

Nguyên văn bài đồng dao này đó là: "Ở với ai/Với bà/Bà gì?/ Bà ngoại/ Ngoại gì?/ Ngoại xâm/ Xâm gì?/ Xâm lăng/ Lăng gì?/ Lăng Bác/ Bác gì?/ Bác Hồ/ Hồ gì?/ Hồ ao/ Ao gì?/ Ao cá/ Cá gì?/ Cá quả/ Quả gì?/ Quả đấm".



Mặc dù bài đồng dao này có thể được lưu truyền trong dân gian, dễ dàng bắt gặp trong ngôn ngữ nói thường ngày. Tuy nhiên, việc đưa nội dung thiếu nghiêm túc, gây tranh cãi như “Bà ngoại - Ngoại xâm”, “Bác Hồ - Hồ ao”, hay “Quả gì - Quả đấm” vào sách dành cho lứa tuổi mầm non là điều không phù hợp.

Bên cạnh đó, trong cuốn sách này, một bài đồng dao khác cũng có nội dung bạo lực được in trong trang 17 với tên gọi Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng, cũng gây bức xúc. Nội dung của bài đồng dao này như sau:

“Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng
Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi
Ông Nhăng bảo để mà nuôi
Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro
Ông Nhăng bảo để bà kho
Bà Nhăng đập chết đem cho láng giềng
Có kho thì kho với riềng
Đừng kho với ớt tốn tiền uổng công”.

Sau khi nội dung những bài đồng dao này lan truyền trên mạng xã hội, nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu giáo dục đã rất bức xúc. Đa số các ý kiến đều cho rằng việc đồng ý cấp phép xuất bản và lưu hành những cuốn sách có nội dung phản cảm này, sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách và giáo dục trẻ, nhất là lứa tuổi mầm non...”(ngưng trích)

Từ bà ngoại dẫn tới ông Hồ cũng là chuyện lạ, tuy rằng từ ông Hồ dẫn tới quả đấm là hợp lý nếu chúng ta hiểu rằng đây là các quả đấm sắt “xã hội chủ nghĩa.”

Nhưng từ huyền thoại tuyệt vời của con Rồng cháu Tiên lại dẫn tới ông Nhăng lấy bà Nhăng, đẻ ra thằn lằn... không hiểu có ám chỉ gì tới chuyện muốn nói Vua Rồng của Việt Nam xưa chỉ là rồng đất, một loại thằn lằn, rắn mối... mà nấu lên để ăn thịt thì rất dở, tới nổi dặn cho đời sau là đừng kho với ớt?

Tuyệt vời là ngôn ngữ ám chỉ của văn học, nếu thực sự các quan chức giáo dục muốn nói các em như thế.

Tin mới nhất, theo mạng VietnamNet, sách đồng dao này sẽ bị thu hồi. Bản tin viết:

“Chia sẻ trên báo chí, bà Đặng Thị Bích Ngân, Giám đốc NXB Mỹ Thuật cho biết đã nhận được thông tin về sự việc và đã yêu cầu nhà sách Đinh Tị thu hồi. Sau hơn một tháng gửi công văn yêu cầu thu hồi sách, bà Ngân cho biết hiện tại vẫn chưa nhận được báo cáo từ phía nhà sách Đinh Tị để tổng hợp và báo cáo thanh tra, các cơ quan cấp trên.

Bà Trần Lệ Thu - Phó giám đốc công ty Văn hóa Đinh Tị cho VietNamNet biết hiện Đinh Tị đang tiếp tục thu hồi sách đồng dao này theo công văn của NXB Mỹ Thuật. Theo giấy phép, nhà sách Đinh Tị được in 4.000 cuốn. Tuy nhiên do bán chậm, nhà sách mới chỉ in được 2.000 bản và đưa ra thị trường được 920 cuốn, tồn kho 1080 cuốn.

Hiện tại, nhà sách đã thu hồi được 300 cuốn và sẽ tiếp tục gửi fax thông báo tới nhà sách ở các tỉnh để nếu đơn vị nào còn sách thì chuyển trả lại cho Đinh Tị. Theo bà Thu, dự kiến tới 15/12 nhà sách sẽ tiến hành tiêu hủy toàn bộ cuốn Đồng dao tập 6 này.”(ngưng trích)

Nhưng vấn đề vẫn chưa rõ, thực sự quý ngài soạn sách giáo khoa này có ám chỉ gì không. Bởi vì nghĩ ra đồng dao mới là chuyện cực kỳ khó, nhất là để mô tả hình ảnh từ bà ngoại dẫn tới ông Hồ, từ ông Hồ dẫn tới quả đấm... Làm sao người đời thường chúng ta nghĩ ra nổi, đúng không.

Nếu đúng là các Thầy Đồ Bộ Giáo Dục nghĩ ra độc chiêu để khều chọc ông Hồ, vậy thì xin cho hoan hô vậy.

“Như chưa hề có cuộc chia ly”: bị khủng bố và đe dọa

(Congluan.vn) Đã có những dấu hiệu khủng bố và đe dọa xung quanh chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” khi trận chiến xung đột giữa MC Thu Uyên và Luật sư Trần Đình Triển bắt đầu trên facebook tuần qua. Nhà Báo & Công Luận cung cấp cho bạn đọc những thông tin nóng và mới nhất từ vụ việc hy hữu này…
Nhân vật thứ ba xuất hiện…

Sau một thời gian dài im hợi lặng tiếng trước “cuộc chiến sinh tử” giữa tiến sỹ Luật sư Trần Đình Triễn và nhà báo Thu Uyên, ông Lê Cao Tâm người chủ thực sự của SGBS, đồng thời là người phụ trách đội tìm kiếm, và cũng là người trực tiếp tìm kiếm đoàn tụ lại trường hợp Bác Tấn với con nuôi Võ Văn Phước năm nào. Người đáng lý ra phải chịu trách nhiệm trước búa rìu dư luận trong thời gian qua, lại không có ai đả động đến. Bất thần xuất hiện,  ông xin gặp phóng viên Nhà Báo & Công Luận để lên tiếng.

Nói về “cuộc chiến” của 2 người giữa một tiến sỹ luật sư “dày dạn kinh nghiệm” với môt nhà báo “liễu yếu đào tơ”. Ông Tâm đã bộc trực đi thẳng vào vấn đề “Chỉ vì một mâu thuẩn nhỏ hay vì một quyền lợi của một cá nhân nào đó mà đan tâm, cố tình tìm cách phá hoại một chương trình truyền hình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có lợi cho xã hội. Loại người đó không phải chính nhân quân tử và điều đặc biệt hơn lại tập trung vùi giập bôi nhọ một người phụ nữ chân yếu tay mềm, hành xử theo cách đó không phải của kẻ trượng phu. Trong thực tế, chị Thu Uyên hoàn toàn không chịu trách nhiệm về việc kết luận đúng sai của nhân vật và ngay thời điểm phát sóng hai trường hợp trên chị Thu Uyên và người trong cuộc không biết đoàn tụ sai nhân vật. Việc này, chỉ phát hiện ra vào thời điểm sau này. Làm sai là lẽ thường tình, chỉ những người không làm gì mới không sai và khi biết sai đã sửa đó là hành động cần phải được tha thứ và bảo vệ. Văn hóa của Cha ông ta từ thời “tiền sử” đã chỉ dạy rằng “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người quay lại”.
Ông Lê Cao Tâm tại buổi sáng gặp phóng viên Nhà Báo & Công Luận
(Ảnh: Đông Dương) 
Do non kém về kinh nghiệm trong giai đoạn đầu khi mới thành lập công ty, nên chúng tôi đã để xảy ra điều đáng tiếc trên nhưng khi phát hiện sai chúng tôi đã trực tiếp sửa sai bằng cách  tự tổ chức tìm kiếm cho đoàn tụ lại ngoài chương trình. Người trong cuộc đã tha thứ và chấp nhận việc làm của chúng tôi. Vậy nguyên cớ từ đâu, lại mang câu chuyện ra “chưởi bới” trên các diễn đàn báo lá cải và mạng xã hội. Mục đích ở đây, chẳng qua là để câu view và lợi dụng vụ việc để nổi tiếng, hành đồng này được xem là “theo đóm ăn tàn” thiếu suy nghĩ và bốc đồng của những người không hiểu biết. Tôi cũng khá bất ngờ, một tiến sỹ luật sư dày dạn kinh nghiệm, miệng luôn nói là “Vì dân” lại hành động giống nhân vật “bà Từng” một thời xôn xao trên mang xã hội. Hoặc là do hạn chế về trình độ kiến thức hoặc đã bị các “thế lực trong bong tối” nào đó giật giây. Ông ta tự biến mình thành con rối và tự làm mất uy tín của chính mình. Một chính nhân quân tử và là một luật sư có tầm, có tâm sẽ hành xử theo kiều khác. Qua vụ việc này, Tôi đang nghi ngờ tấm bằng tiến sỹ luật của ông Triển. 

 
Những tin nhắn mang nội dung đe dọa trên máy
điện thoại do ông Lê Cao Tâm cung cấp  (Ảnh: Huỳnh Nghĩa)

Phỏng vấn độc quyền giữa Nhà Báo & Công Luận với ông Lê Cao Tâm.

Nhà Báo & Công Luận: vậy thưa ông tại sao lâu này ông không lên tiếng?
Ông Lê Cao Tâm: Tôi đã nói rồi, tin tức tài liệu toàn đăng trên các báo lá cải và trên Facebook nhằm để câu view là chính và tôi biết chính xác tài liệu đó như thế nào. Tại sao tôi phải lên tiếng? với những trường hợp như thế này cách tốt nhất là im lặng để nhìn xem trình độ nhảy múa của họ như thế nào. Cách chơi trên là của kẻ tiểu nhân, cần gì phải đối đầu. Nói chán rồi nó cũng hết chuyện để nói. Mà chắc chắn họ đang cảm thấy xấu hổ. Nguyên do tại sao hôm này tôi lên tiếng, không phải tôi lên tiếng để bảo vệ chị Thu Uyên hay đả kích tiến sỹ luật sư Trần Đình Triễn, nhưng vì mấy ngày vừa qua có một số người điện thoại và tin nhắn đến tôi với nội dung “vừa mua chuộc vừa đe dọa” nên tôi phải lên tiếng, để công luận thấy mục đích của những người trong cuộc như thế nào.

Nhà Báo & Công Luận: thưa ông, ông có thể tiết lộ nội dung các cuộc điện thoại và tin nhắn không?

-Tại sao không? Tin nhắn thứ 1 từ số máy 0914449999 đến máy tôi với nội dung sau “Em trai gửi cho anh xin hợp đồng công ty Truyền thông SGBS với VTV, báo cáo tài chính công ty, mức lương của Thu Uyên tại công ty, danh sách và số tiền nhà tài trợ”. Tin nhắn này được nhắn vào lúc 20 giờ 31 phút ngày 27/11/2013. Sáng hôm sau, mở máy thấy tin nhắn với nội dung trên, vì muốn biết ông Triển muốn gì từ tôi, tôi đã “à ơi” trả lời rằng “Đang lấy khi nào có sẽ đưa”. Tiếp theo đó, vào khoảng 11 giờ  trưa cùng ngày, có một người nói dọng Bắc điện thoại từ số máy 093 214 6594 đến máy tôi, đề nghị tôi bán thông tin của Cty SGBS và chương trình NCHCCCL và yêu cầu tôi ra giá. Khi nghe vậy, vì là người từng làm việc hơn 20 năm trong ngành phản gián, tự dưng tôi nỗi máu nghề nghiệp nên quyết định “chơi trò chơi nghiệp vụ” với người này “Tôi trả lời rằng, tôi có cô vợ nhỏ đang đi thuê nhà, anh cho em căn chung cư cao cấp được không”.

Người này nói “để anh bàn bạc lại,  rồi sẽ điện thoại cho em”. Sau đó khoảng 30 phút, người này vẫn sử dụng số máy trên, gọi tôi liên tục nhưng tôi không trả lời, vì tôi có chủ ý không trả lời máy “y sẽ nhắn tin” để lấy chứng cứ. Đúng như phán đoán của tôi, vào lúc 11g 59 phút số máy này đã nhắn tin lại như sau: “Như đã chao (trao) đổi với em, bọn anh đã đồng ý, mứt (mức) giá mua thông tin về SGBS và NCHCCCL với giá 50, 000 USD. Huy (hy) vọng vợ con em sẽ hạnh phúc”. Tôi trả lời “các ông mang vợ con tôi ra dọa tôi đấy à”, sau đó y nhắn lại xin lỗi “đừng hiểu lầm bọn anh. Tiền chuyển vào đâu? Hoặc là anh chuyển bằng cách nào?”, tôi im lặng đến chiều tối, thì vào lúc 18:36 ngày 28/11/2013, tôi nhận được tin nhắn từ máy trên, với nội dung sau “Sao rồi em? Sao không thấy thông tin gì từ em hết? để tin nhau bọn anh tạm thời cho người quản lý vợ con em. Nếu em tiếp tục bảo vệ Thu Uyên bọn anh không đảm bảo việc đi đứng của vợ con em được an toàn trên đường phố”
 
 Khủng bố đe dọa vào gia đình vợ con ông Lê Cao Tâm
(Ảnh: Huỳnh Nghĩa)

Nhà Báo & Công Luận: Ông có ý kiến gì về nội dung các cuộc điện thoại và tin nhắn trên?
-Miễn bàn, để dư luận tự suy nghĩ và đánh giá mục đích của những người phá chương trình NCHCCCL và đoán họ là ai?. Riêng tôi, không tài giỏi nhưng có đủ bản lĩnh để đối đầu với bất cứ thế lực nào muốn hại mình. Tôi được đào tạo để trở thành những người có kỹ năng biết cách “quay dây cho người khác nhảy” trong mọi tình huống.

Nhà Báo & Công Luận: Ông hãy cho biết, trong câu chuyện” ầm ỷ” mấy ngày qua, trách nhiệm của chị Thu Uyên trong việc cho đoàn tụ sai người là thế nào?

-Khán thính giả truyền hình chắc sẽ không biết việc, chương trình NCHCCCL… trên VTV1, phía đài truyền hình Việt Nam có trách nhiệm phát sóng trực tiếp. Công ty SGBS có trách nhiệm tìm kiếm, xác minh và quay phóng sự. Chị Thu Uyên được đài truyền hình Việt Nam cử ra dẫn chương trình này và hoàn toàn không có trách nhiệm trong việc điều tra xác minh các trường hợp lạc nhau. Việc kết luận đúng, sai nhân vật chương trình thuộc về trách nhiệm của công ty SGBS, mà trách nhiệm chính là của đội tìm kiếm. Hai trường hợp cho đoàn tụ sai là trách nhiệm của chính cá nhân tôi trước công ty và dư luận chứ không phải chị Thu Uyên. Tuy nhiên, chúng tôi đã sửa sai bằng cách đã xác minh lại và đã cho đoàn tụ ở ngoài, đồng thời đang tiếp tục xác minh trường hợp thứ 2. Nhưng do khi đó công ty mới thành lập lãnh đạo và nhân viên còn non trẻ về nghiệp vụ, nên đã không lường trước được mọi việc như hôm nay.  Nhân tiện đây, với tư cách là chủ của công ty SGBS và người phụ trách đội tìm kiếm tôi gửi lời xin lỗi đến khán thính giả truyền hình và lãnh đạo đài VTV về sự yếu kém của chúng tôi trong những ngày đầu thành lập công ty và cũng mong muốn khán giả truyền hình nhìn nhận và đánh giá được những việc lớn mà công ty chúng tôi đã làm được trong suốt 6 năm qua, để rộng lượng bỏ qua những sai sót trước đây.

Nhà Báo & Công Luận: Ông cho biết, các tài liệu do tiến sỹ luật sư Trần Đình Triển đưa ra công luật xuất phát từ đầu?

-Tất cả các tài liệu mà luật sư Triễn có và post lên mạng xã hội trong thời gian vừa qua hoàn toàn giả mạo. Riêng bộ hồ sơ thật chỉ có hai bộ, một bộ gửi Bác Tấn gồm có một báo cáo xác minh và một thư  xin lỗi viết bằng tay của tôi. Tuy nhiên, vừa qua do biết nhiều người muốn có tài liệu này để phá công ty chúng tôi, vợ bác Tấn đã chuyển lại cho tôi cất giữ. Một bộ lưu hiện đang nằm trong nhà tôi. Có nghĩa rằng, tất cả tài liệu thật của vụ tìm kiếm anh Võ Văn Phước hiện chỉ mình tôi lưu giữ, còn tài liệu phát tán trên mạng vừa qua là hoàn toàn giả mạo. Để xác định thật giả hãy xem chữ ký của tôi, chữ ký của tôi lúc đó tôi lấy tên của vợ ghép với họ của tôi. Trong các văn bản được Post lên mạng vừa qua hoàn toàn là chứ ký mới của tôi sau này và tất cả đều là bản copy.
 
Tin nhắn thăm dò những bí mật của MC Thu Uyên
(Ảnh: Huỳnh Nghĩa)

Nhà Báo & Công Luận: Ông có thể giải thích thêm để độc giả hiểu sâu hơn được không?

-Tất cả mọi việc đều xuất phát từ vụ điều tra thầy Thủy, nhà ngoài cảm tán tận lương tâm lấy xương động vật để giả hài cốt liệt sỹ, một hành động xúc phạm đến Anh linh các anh hùng liệt sỹ của dân tộc. Tội ác này không thể tha thứ. Chị Thu Uyên và ê kíp chương trình “Trở về từ ký ức” đã phải điều tra ròng rã suốt nhiều năm trời và đã gặp nhiều thế lực đen tối ngăn cản, đe dọa, mua chuộc nhưng cuối cùng cả ê kíp đã cương quyết đưa vụ việc ra được trước ánh sáng công luận. Vì vụ này đã đúng chạm đến quyền lợi, uy tín của một số cá nhân. Sau khi chương trình phát sóng, chúng tôi xác định sẽ có nhiều “thế lực thù địch” tìm kẻ hở công ty chúng tôi để triệt phá trả thù. Với kinh nghiệm cá nhân, Tôi đã đoán trước được mọi việc và đã chủ động trong phòng ngừa. Tuy nhiên, đã không lường trước được sự trả thù đê hèn lại tập trung vào hai vụ này. Tôi khẳng định một lần nữa các tài liệu trên các báo lá cải đưa ra thời gian vừa qua là hoàn toàn giả mạo và không đúng sự thật như nhiều người lầm tưởng. Với kiến thức về luật của tôi, tôi có thể nói rằng chị Thu Uyên, có quyền khởi kiện tiến sỹ luật sư Trần Đình Triễn trước tòa án với tội danh: Tội Vu khống, điều 122 của Bộ luật hình sự. Một lần nữa, tôi cũng không thể hiểu được nguyên nhân, động cơ vì sao một tiến sỹ luật sư dày dạn kinh nghiệm lại đi bảo về cho những loại người tán tận lương tâm này.

Qua cuộc phỏng vấn tôi xin thay mắt toàn nhân viên cty SGBS chân thành cảm ơn nhưng người có thiện chí đã thiện tin tưởng, đồng thời cảm ơn những người đã hại công ty chúng tôi với động cơ đê hèn, vì Đức Phật đã dạy “Hãy biết ơn những người hại Ta, vì họ đã tôi luyện tâm trí của Ta”.

Nhà Báo & Công Luận: -Cảm ơn ông đã tin cậy và tìm đến cộng tác với chúng tôi!
Đông Dương & Lê Khôi Nguyên thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét