Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Nguyễn Chí Thiện với tập truyện Hỏa Lò

Hồ Trường An - Nguyễn Chí Thiện với tập truyện Hỏa Lò

  Hồ Trường An - 
      Cái tên Nguyễn Chí Thiện đã được kiều bào biết đến từ khi nhà xuất bản Thời Tập, vào năm 1980 tung ra thi tập Tiếng vọng từ đáy vực  của anh. Rồi vào năm 1981, nguyệt báo Văn Nghệ Tiền Phong tung ra thi tập Bản chúc thư của người Việt Nam’ (một tựa khác của Tiếng vọng từ đáy vực’’  của anh).

      Vào năm 2002, Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ trình làng quyển tập truyện Hỏa lò  của Nguyễn Chí Thiện.  Tôi thắc mắc, tại sao anh Nguyễn không viết hồi ký như Bùi Tín, như Vũ Thư Hiên mà lại viết truyện ngắn? Có lẽ trong thâm tâm, tôi tin rằng anh Nguyễn viết truyện ngắn không lưu loát và sắc sảo bằng viết hồi ký. Viết hồi ký chúng ta chỉ cần kể lể sự việc sống thực có sẵn. Còn viết truyện ngắn, truyện dài thì từ một sự thực, nhà văn phải dùng óc tưởng tượng dựng nên một vài hoạt cảnh và một vài bối cảnh. Đã vậy, nhà văn còn phải miêu tả những gì mà đương sự đang nêu ra (tả người, tả cảnh, tả vật, tả luôn tâm trạng của mọi nhân vật cùng mọi diễn biến v.v...).

      Nhưng Hỏa lò  làm tôi ngạc nhiên: Nguyễn Chí Thiện thừa sức viết truyện ngắn với một kỹ thuật điêu luyện. Trên văn đàn hải ngoại, chúng ta không thiếu gì các cây bút tố Cộng, trong đó có Nguyễn Ngọc Ngạn  ăn khách nhất. Nhưng Ngạn viết văn quá ít, còn kể truyện thì nhiều. Có nhiều khi anh không cần viết văn mà chỉ kể chuyện rặc ròng, cho nên đương sự không làm thỏa mãn độc giả sành điệu lắm. Anh làm cho độc giả nghĩ rằng anh là một người ghi chép (un chroniqueur) rất hay, rất duyên dáng hơn là một nhà văn thuần túy. Trái lại, Nguyễn Chí Thiện nắm bắt rất vững vấn đề viết văn bắt nguồn từ thần trí sáng tạo mãnh liệt của mình. Sang lãnh vực viết truyện ngắn, anh làm cho chúng ta có cảm tưởng anh đã quen tay xử dụng văn chương từ lâu xa rồi.
      Hỏa lò gồm 7 ttruyện ngắn: Đàn bò sữa, Một lựa chọn, ‘Tạc tượng, Những bài ca cách  mạng, Phùng Cung, Sương buồn ôm kín non sông’’,  Trăng nước sông Hồng.
      Theo tác giả thì:
                                         Hỏa lò gần Trung ương nhất
                                         Con người gần địa ngục nhất
      Nhưng qua sự trình bày và diễn tả của tác giả và  thì cảnh ngộ của tù nhân còn  bi đát và tệ hại hơn nữa. Con người trong cái địa ngục đó thua cả con vật bởi sự hành hạ cay nghiệt của bọn quản giáo và bọn cai tù. Chúng ta hãy nghe nhân vật mà tác giả gọi là  ‘‘lão già’’, một tù nhân có tiết tháo và khí phách trong truyện  Tạc tuợng’kể cho viên tù trưởng phòng:
      -- Nhà tù thực dân, đế quốc, hiệu quả kém lắm. Bọn cộng sản không sợ. Chúng coi nhà tù là một trường học. Mà là trường học thật! Nhiều tên vào không biết tiếng Pháp. Ra tù, đã đọc được sách báo Pháp. Chúng còn còn có cả  tổ chức đảng, kết nạp cả đảng viên trong tù. Chúng mở lớp huấn luyện chính trị, học tập văn hóa. Ăn uống đầy đủ, sách báo không tthiếu. Mày cứ đọc những cuốn hồi ký của chính mấy lãnh tụ cộng sản kể lại sinh hoạt trong tù của họ thì rõ. Thời Nga hoàng, Lê-nin bị đày ba năm ờ Si-bê-ri. Y đọc sách, viết sách, câu cá, săn bắn, cưới cả vợ ! Vì thế có ra tù, vào tù, chúng cũng không sợ. Lại nổi tiếng anh hùng cách mạng! Rút kinh nghiệm đó, cộng sản xây dựng một trại tù kinh hồn, táng đởm, tiêu diệt mọi sinh lực, mọi ý chí. Thực chất là những trường bắn im lìm, không tiếng súng. Những lò thiêu  không cần lửa điện. Thằng nào sống sót ra được, mười năm sau, ngủ ở nhà với vợ vẫn còn thấy ác mộng._
(trang 93)
      Đa số tù nhân, khi còn ở ngoài nhà tù cũng bị tước đoạt sự tự do về các mặt vật chất, tinh thần, tư tưởng... Nhưng đó là một nhà tù rộng lớn, còn có không khí  để họ thở, còn có không gian rộng để họ xoay trở, đi lại. Nhưng nếu có  ai phê bình chế độ và lỡ xúc phạm chế độ dù vô tình đi nữa cũng đều bị thảy vào tù. Sự tước đoạt tự do thể chất ở trong tù là kết quả thảm khốc của sự phát biểu tự do. Nhà tù theo nghĩa đen quá hạn hẹp nên tù nhân dễ bị kiểm soát, dễ bị khống chế, bị ngược đãi hơn. Họ bị trừng phạt không nương tay của bọn quản giáo và bọn công an.Trong khi nhà tù ở ngoài cuộc sống là một nhà tù theo nghĩa bóng, nghĩa tượng trưng nên con người ở trong đó vẫn còn chút tự do tối thiểu.
*
*  *
      Ở truyện ngắn Đàn bò sữa, chúng ta chứng kiến phòng nhốt những nữ tù nhân, trừ cô giáo ra, đều thuộc thành phần bất hảo. Cô giáo này là vợ một chàng chiến binh làm ‘‘nghĩa vụ quốc tế’’ bỏ xác (vì bị trúng mìn) trên đất Căm-pu-chia. Cô chỉ kêu khóc cái chủ nghĩa đó giết chồng cô. Thế là cô bị nhốt vào ngục Hỏa Lò và đã làm đơn xin ân xá hai lần rồi mà đơn vẫn chưa được cứu xét. Cô sinh con trong tù. Đứa bé ốm đau quặt quẹo vì thiếu sữa làm các nữ tù nhân khác cảm thông đau xót.
      Đương ở ngoài bước vào phòng như bước vào lò hấp. Phòng nữ tuy không quá đông như các phòng nam, nhưng cũng chật ních. Mùi cầu tiêu, mùi mồ hôi, mùi máu mù ghẻ lở, lậu, giang mai, kinh nguyệt, quện vào nhau, lan tỏa. Tệ hơn phòng nam. Các ả đói meo, gầy teo, da dẻ nhăn nheo, ghét bẩn, đầu tóc bù xù. Những đường cong tuyệt mỹ  trở thành những đường thẳng khẳng khiu, không thể gọi là phái đẹp được nữa. Trừ những  những mụ tham ô, buôn bán, và dăm bảy ‘‘nữ quái’’ trấn lột của người khác  mà ăn là còn chút có da, có thịt.
      Buổi chiều đếm tù xong, mụ  quản  giáo khóa phòng lại. Trong phòng, gần hai trăm ả, kẻ cởi quần, kẻ cởi áo, nằm, ngồi ngổn ngang, lấy những miếng giẻ con, thấm máu mủ, ghẻ lở cho nhau. Mấy mụ tự giác, mấy nữ  quái, phanh ngực, ngồi ở đầu phòng, gần cửa, chuyện trò.
(trang 23)
      Trong số gần 200 nữ tù nhân, nhưng tác giả  chỉ đưa ra 3 nhân vật chính và thêm thằng bé, một nhân vât tí teo chỉ biết khóc quấy nhưng không có nói một câu. Trong 3 nữ nhân vật chính, ngoài cô giáo ra, có mụ trưởng phòng vốn là cựu đảng viên nhờ làm việc hộ lý cho các chuyên gia y tế Tiệp-khắc. Sau đó mụ được Đảng cho lấy chồng, nhưng mụ nhúng tay vào vụ tham ô 20 tấn gạo mà bị tội. Còn nữ nhân vật thứ ba là một nữ quái bị tội vì ra vào sứ quán để ‘‘phò Tây’’ (ngủ với Tây), lại còn bị gán tội gián điệp.

      Nữ quái thương xót thằng bé thiếu sữa nên tính ngủ với tên công an để được một hộp sữa. Cô ta để cho hắn sờ soạng bộ ngực của mình. Nhưng tên này chì sờ nắn rồi nuốt lời. Cô ta nghĩ kế gài bẫy hắn. Lần sau, khi hắn thò tay qua song sắt để  mân mê nắn bóp ngực cô thì nhanh như cắt cô tháo chiếc đồng hồ Seiko của hắn. Cô hăm he hắn nếu hôm sau hắn không đem 6 hộp sữa lại thì cô sẽ đem đồng hồ trình Ban Giám Thị. Thế là thằng bé có sữa để bồi dưỡng.  Rồi trong vòng một tháng lại có thêm 3 thằng võ trang đến nộp sữa cho nữ quái.

      Thằng bé nỗi rôm sẩy vì thời tiết nóng. Nó chết. Cô giáo hóa điên, bị đưa tới trại giam người điên ở Châu Quỳ, Gia Lâm.

       Câu chuyện thê thảm; nhưng trong bạo hành bạo lực vẫn sáng lên đâu đó tình người. Căn tánh, bản năng của con người Cộng Sản đi ngược giáo điều khô cứng và không tưởng của chủ nghĩa của họ. Bọn cán bộ cộng sản tin tưởng và thường hay đề cao giáo điều của bọn chúng, nhưng sống và hành động khác hẳn giáo điều; bọn hắn vẫn tham lam, lừa đảo, đạo đức giả, bén nhạy với sự cảm ứng của nhục dục... Trái lại, ở lớp cặn bã xã hội có những kẻ có thiện căn như cô nữ quái. Cô ta làm sáng rực niềm tin cho những ai nhìn cuộc đời qua khía cạnh xấu xa, tiêu cực. Những kẻ có tấm lòng trong sáng này sống rất chân thành. Họ làm việc thiện theo sự hướng dẫn của thiên lương, của tấm lòng cảm thông thâm thúy đối với kẻ đồng cảnh ngộ với mình, nhất là kẻ này bị dồn tới bức tường cuối cùng. Họ không hay nói chuyện đạo đức, nhưng họ sống bằng tấm lòng nhân đạo, một khía cạnh của đạo đức. Cái nhục cảm của câu chuyện gần gũi với cái không khí (ambiance) trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao: tàn nhẫn mà thương tâm. Nhưng lạ thay, cái nhục cảm trong Đàn bò sữa không khơi dậy cảm ứng dục tình người đọc. Trái lại nó chiếu sáng rực trong cõi thưởng ngoạn của chúng ta tấm lòng nhân ái và sự hy sinh cao cả của một phụ nữ bụi đời. Còn cái nhục cảm trong Chí Phèo tuy vẫn là động cơ thúc đẩy hai nhân vật chính (Chí Phèo và Thị Nở) đến chỗ bộc lộ hết bản năng thầm kín của họ và đưa họ đến thảm kịch, Nhưng khi đọc xong truyện ngắn của Nam Cao lẫn truyện ngắn của Nguyển Chí Thiện, độc giả không còn bàng hoàng với cái hâm hấp dục tình lảng vảng trên những  dòng diễn biến của câu chuyện, mà họ lại cảm thấy tấm lòng mình ray rứt mối thương tâm.
*
*   *
      Truyện ngắn Một lựa chọn được diễn tả dưới hình thức lá thư hay là một câu chuyện kể của một tù nhân viết từ bệnh xá Hỏa lò cho nhân vật mà đương sự gọi bằng chú.

       Tù nhân này (tức là nhân vật xưng cháu mắc bệnh lao) cùng nằm cuối phòng với hai kẻ mắc bệnh lao khác và với một kẻ mắc bệnh tim. Bốn người chia nhau 2 cái giường. Phòng chỉ có 6 cái giường, bệnh nhân thuộc loại lưu manh, trộm cắp ngoài xã hội. Khi vào tù, họ không được tiếp tế, không có áo ấm. Bệnh nhân nằm trong bệnh xá như nằm trong nấm mồ tạm thời, đợi ngày được đem chôn vĩnh viễn. Đa số mang chứng kiết lỵ dễ chết và chết mau  hơn bệnh lao và bệnh tim. Trong số 6 tên bị chứng kiết lỵ có mặt trong truyện thì đã có 3 tên chết. Lại có một tên mắc bệnh giang mai, chưa chết vì bệnh gốc của mình mà lại chết vì bệnh kiết lỵ.

      Cảnh đói lạnh trong bệnh viện được tác giả diễn tả bằng một bút pháp gọn gàng và trong sáng, nhưng nó như những vết roi độc địa quất mạnh lên một chế độ vô nhân đạo, làm độc giả bần thần xốn xang.
      ... Ba thằng ho lao chúng cháu  ngồi chùm chăn, ôm lưng nhau. Cả bệnh xá ngồi như vậy. Trừ gã đau tim  và vài gã quá yếu. Tất cả chúng cháu đều run lẩy bẩy. Chẳng khác gì đang lên cơn sốt rét. Những cái chăn chỉ đủ cho con bệnh đắp qua, thối khẳn, hàng năm mới được nhúng nước qua loa, gọi là giặt. Chúng cháu vẫn phải chùm kín mặt, kín đầu. Rét từ trong xương, trong tủy rét ra. Rét như kim đâm vào da thịt nứt nẻ, ghẻ lở. Giá có thanh củi đốt lên sẽ xua tan cái lãnh  khí, lẫn tử khí. Sinh khí sẽ được duy trì, sưởi ấm. Ao ước thế, giống như giữa mùa đông mà ao ước  mùa hè, giữa đêm  đen mà ngưỡng vọng mặt trời. Nửa đêm, thằng ôm lưng cháu tự nhiên nấc mấy cái, thổ máu ra vai  cháu. Chúng cháu tung chăn, dìu nó ra thùng  phân. Nó ộc tới nửa lít máu. Máu đỏ tươi, vón lại từng cục như những miếng phổi tung tóe ...
(trang 42)
      Kẻ đau tim chết,  ba bệnh nhân ho lao chậm khai báo với quản giáo để được có 4 suất cơm. Cả ba chia suất cơm của kẻ vừa chết.
      ... Cơm chia xong, tên tự giác phụ trách bệnh xá khóa cửa lại. Bọn kiết lỵ, tháo tỏng ăn loáng một cái đã hết, uống mỗi thằng một ca nước cho đầy. Đó là phuơng pháp chống đói của chúng cháu. Nước lạnh ngắt. Chúng cháu rét run lên, ngồi ôm lưng nhau chùm chăn, đợi bữa chiều. Ba thằng ho lao chúng cháu ngồi quây lấy xác chết. Bốn suất cơm để trước mặt. Cháu vốn tin là con người có linh hồn, nên lầm rầm khấn, mời linh hồn tên chết về dùng cơm, và tha tội chúng cháu. Suất cơm gian lận được chia đều. Ấm bụng hơn một chút. Ông chú chưa bị đói triền miên bao giờ, nên không bao giờ hiểu nổi tầm quan trọng của thìa cơm trong cảnh tù tội. Phạng nhau vỡ sọ cũng vì nó. Đến trưa, cháu muốn gọi báo việc gã đau tim chết. Thằng bạn ho lao tham lam, muốn tối mới báo. Làm thêm một suất chiều nữa. Cháu cuơng quyết không nghe. Cháu sợ nhỡ phát hiện, quản giáo sẽ mang cùm vào, cùm chân lại. Ở bệnh xá mọi vi phạm nội quy, như hút thuốc lào chẳng hạn đều bị cùm hằng tuần, kể cả đang ốm nặng. Có thằng đã chết trong cùm...  
(trang 44)
      Trong hai tên bạn ho lao của nhân vật xưng cháu, một tên còn ở lại bệnh viện, còn tên ho ra máu cùng nhân vật xưng cháu bị chuyển trại. Dọc đường, tới Phủ Lý, tên ho ra máu vì xe bị dằn xóc nên ộc ra hàng lít máu nên phải thiệt mạng. Nhân vật xưng cháu được đưa đến trại Thanh Phong. Ở đây, đương sự được các tù ngụy quân bị giam ở đó cưu mang, cho thuốc, cho ăn vì họ được gia đình tiếp tế. Đương sự được sống sót nhờ tình thương của các ngụy quân đó. Bốn năm sau, anh ta được tha, rồi lập gia đình. Anh ta đã trải qua một thời sống dở chết dở nên có quan niệm như sau:
      ... Cháu tù hai lần. Tổng cộng là mười năm. Nhà tù đã dạy cháu chịu đựng, kiên nhẫn. Cháu rất quý cuộc sống. Xét cho cùng, sống vẫn hơn chết. Nhưng phải thành thực nói với ông chú, nếu bây giờ bảo cháu phải chịu mười năm tù ngục đằng đẵng, khổ nhục hơn con bò, con lợn, cháu cương quyết chọn cái chết.
(trang 45)
      Truyện ngắn này viết bằng thuyết thoại (la naration) chứ không bằng miêu tả (la description). Lại nữa, nếu nó được viết bằng hình thức lá thư thì lá thư không thể viết ở tại bệnh viện Hỏa Lò, hay viết khi nhân vật xưng cháu khi còn ở trong nước. Nó phải viết khi đương sự thoát ly ra hải ngoại vì thư từ của tù nhân dù là cựu tù nhân đi nữa dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa vẫn bị kiểm duyệt gắt gao.

      Nguyễn Chí Thiện khi vào tù mới biết rõ chân tướng của  những bại binh mà bọn Cộng sản gán cho danh từ ‘‘ngụy quân’’. Nhân vật xưng cháu được đưa về trại Thanh Phong tức là trở về cõi sống dù là cõi sống bị đóng khung, bị đè nén bởi bạo quyền, bởi sự  báo thù một chế độ thời quá khứ ở Miền Nam Việt Nam. Ở đây, anh ta được những kẻ trước kia ở bên kia giới tuyến với anh, không phải là những con quỷ đội lốt người như bọn Cộng Sản đã từng tuyên truyền. Trong cảnh nhục nhằn cơ cực, họ vẫn giữ tấm lòng tương thân tương trợ; căn tánh tốt lành của họ vẫn còn nguyên vẹn. Có kẻ vì quẳng cho nhân vật xưng cháu kia một chút bo bo mà bị cùm kẹp. Trong nghịch cảnh, cái con người thánh thiện của họ không bị bức tử, không bị che mờ để rồi có dịp mà bừng  dậy để thắp sáng tình người.    
*
*  *
      Truyện ngắn thứ ba là Tạc tượng. Cũng vẫn là phòng giam ở ngục Hỏa Lò. Ở đây, tên tù trưởng có kinh nghiệm lấy uy lẫn lấy ân để cai quản bọn tù vốn là bọn lưu manh và là bọn trộm cướp ở ngoài đời. Ngoài các tên tự giác, tên thọt, tên trưởng phòng và các tù nhân khác, đặc biệt có một viên kỹ sư được đào tạo bên Pháp xin về Việt Nam để phục vụ đất nước. Anh ta bị tù vì dám góp ý với các tên chóp bu ở nhà máy Trần Hưng Đạo về vụ cải tiến lề lối làm việc. Hắn ta bị tròng vào đầu tội phá hoại uy tín của giới lãnh đạo nhà máy, tội khích động các công nhân nhà máy. Và nhất là tội làm gián điệp. Ông chấp pháp bảo rằng sang Pháp sung sướng nhưng tại sao anh ta lại về đây? Ngoài ra còn có tên thợ sửa đồng hồ dạo bị tội vì đã rao ‘‘hồ hỏng, hồ vỡ, sửa chữa’’. Rao theo kiểu đó là xúc phạm anh linh ‘‘Hồ chủ tịch’’, có dụng ý xấu.

      Ngoài ra, có kẻ mới vào là một lão già có tiết tháo, có khí phách. Tiểu sử của lão mơ hồ. Lão bị buộc tội là đã hoan hô Hoàng Văn Hoan, hoan hô đại quân Trung Quốc sẽ sang giải phóng Việt Nam. Nhưng lão không nhận tội đó. Tên chánh giám thị lại còn bảo rằng lão ương ngạnh chống đối với các cán bộ. Nhưng lão đính chánh:
       -- Tôi chống đối là chống đối Chủ nghĩa Mắc-lê, chống đối cái chế độ xây  dựng trên chủ nghĩa ấy. Đó chỉ là một sự bất đồng về quan điểm chính trị. Ở một xã hội dân chủ bình thường, tôi không thể bị bắt giam. Mục tiêu của tôi là thế. Chứ không phải là vào Hỏa Lò này để  chống lại mấy ông quản lý  trại giam. Tôi ở đây gần ba năm, chưa bao giờ vi phạm nội quy, chưa bao giờ có lời nói hoặc thái độ nào coi  thường các cán bộ. Có thể chỉ vì tôi không xưng cháu với các ông ấy, nên bị coi là bướng bỉnh. Hôm nay, nhân gặp ông đây, tôi xin nói thẳng. Mục đích cải tạo là để tội phạm trở thành người tốt, có nhân cách. Phạm nhân luôn xưng cháu với các cán bộ có khi ít tuổi hơn họ nhiều, là họ tự bỏ mất nhân cách của họ. Cần phải cấm, không cho họ xưng hô quỵ lụy  như thế. Nghĩa là bắt họ phải tự trọng, giữ lấy tư cách làm người. Sau đó mới cải tạo thói hư, tật xấu của họ được.
(trang 53)
      Bên bọn cai tù gồm có tên chánh giám thị, tên quản giáo, các tên công an võ trang v.v... Cảnh tù được thu gọn vào căn phòng giam đầy nhóc người. Một số tù nhân phải bị nhét vào nhà mét (tức là cầu tiêu). Suốt ngày, ba đợt tù từ các nhà giam ở các quận Hai Bà, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình chuyển về. Do đó mà 20 người mới vào phải dựa vào tường mà ngủ, đêm sau sẽ có người thay thế. Ngủ kiểu đó được gọi là tạc tượng.

      Căn phòng giam bẩn thỉu, chật chội, ngột ngạt. Bọn quản giáo thì hà khắc. Cách quản chế ẩm thực biến con người thành thú vật, lúc nào cũng chỉ nghĩ tới ăn uống. Tên tù trưởng (tức là viên trưởng phòng giỏi việc cai trị tù nhân) vốn quyền biến,  biết áp dụng ân uy đúng chỗ, đúng lúc nên anh ta làm cho việc an ninh trật tự trong phòng giam được thi hành nghiêm chỉnh. Sự xuất hiện của lão già làm viên tù trưởng vui mừng vì có bậc đàn anh tâm giao khả kính. Hắn gọi lão là đại ca, đối xử rất thành thực, cung kính và thân ái.

      Ở truyện ngắn này, có tên tù được gia đình tiếp tế. Sau khi lãnh lương thực, hắn mở ra ăn thì tên quản giáo sai hai tên tự giác khám  mình mẩy hắn ta. Tới khi vạch hậu môn hắn ta ra, chúng bắt gặp cục thuốc lào bọc ni-long. Thế là quà tiếp tế bị tịch thu. Tên quản giáo bắt nhét cục thuốc lào vào mồm nạn nhân, may nhờ có lão già can thiệp nên lệnh tên quản giáo được thu hồi.

    Ở đây thú hút thuốc lào được các tù nhân chiếu cố đặc biệt. Tên tù trưởng lươn lẹo với các tên quản giáo (bắt nọn, bắt thót bọn chúng ở thói tham nhũng) để có thuốc lào. Sự xuất hiện của lão già làm phòng giam dễ thở hơn. Với kinh nghiệm trong nhà tù, với niềm thông cảm bao la, lão dàn xếp để cho những kẻ không được tiếp tế hưởng lây một ít thực phẩm. Vắng mặt bọn quản giáo và bọn công an, tên tù trưởng và lão cùng các tù nhân bày thuốc lào ra hút. Tên tù trưởng và lão già tương đắc nhau nên họ ưa tâm tình với nhau:
        ...  Đêm mãi rồi cũng phải sáng. Chỉ cần một phần dân số như đại ca với em, thì độc tài phát-xít, độc tài cộng sản, chẳng thằng độc tài  nào cai trị nổi ! Cộng sản làm chủ đất tnước, cũng như em đây làm chủ căn phòng này, là nhờ có bạo lực. Nhưng kinh nghiệm xương máu cho bọn đầu gấu chúng em biết cai trị bằng bạo lực chỉ hữu hiệu nhất thời, không bền. Ở các phòng khác,‘‘đảo chính’’, đâm chém xảy ra luôn. Em sở dĩ nắm chính quyền được ở đây đã bảy tháng nay, mà không xảy ra bạo loạn, là vì em giới hạn việc dùng bạo lực. Em không trấn lột ai, không lừa bịp ai, không đàn áp vô lý ai, xử phạt nghiêm minh. Nhiều khi còn che chở, giúp đỡ bọn rận rệp, tạo điều kiện cho tất cả được thoải mái đôi chút. Khi có nhiều thuốc lào, em vẫn phát cho cả phòng. Thằng nào ốm yếu, em miễn cho khỏi nằm nhà mét. Không để thằng nào bắt nạt thằng nào. Do đó, chúng sợ em mà không căm thù em. Em hơn cộng sản là ở chỗ đó! Cộng sản chỉ thuần túy dùng lừa bịp, áp chế, bạo lực. Chúng lừa bịp  một cách trắng trợn, bạo lực một cách quá đáng. Chúng tồn tại không lâu nữa đâu. Đó là điều chắc chắn.

      -- Không ngờ đầu óc mày thông minh như vậy. Nhận định của mày đúng lắm. Nhưng cái ‘‘không lâu’’ của lịch sử nhiều khi bằng cái ‘‘quá dài’’ của đời người. Hy vọng lớp tuổi mày sẽ được ngày mai tươi đẹp. Lớp con cháu sẽ được cứu vớt.

      -- Cũng nhờ đại ca chỉ bảo trước kia. Bản chất em vốn không phải là thằng lưu manh. Em có bao giờ trộm cắp của tư nhân đâu. Em toàn đột các kho hàng của nhà nước. Chúng nó cướp của dân, em cướp lại chúng một tí. Thấm thía gì! Nhưng từ khi gặp đại ca, em đã đi làm nghiêm chỉnh. Em tự kiểm điểm, em còn thấy mình lương thiện gấp vạn lần bọn lãnh tụ Đảng!

      -- Ở một xã hội bình thường, mày có thể trở thành một nhân tài vì mày thông minh. Nhưng thực tế  của xã hội cũng dạy cho mày những kiến thức quý báu mà nhiều đại trí thức không có. Xét cho cùng, cuộc sống là cuốn sách vĩ đại nhất. Tất cả cuốn sách khác đều sao chép từ nó...
(các trang 77, 78)
      Nguyễn Chí Thiện dù mô tả cảnh ngục tù với cái thực chất  ‘‘địa ngục chốn trần gian’’ nhưng anh không hoàn toàn dồn tù nhân đến tận đầu mút của đau khổ, tuyệt vọng đâu. Lâu lâu, anh ‘‘xả xú báp’’ để cho nỗi khổ đau  bớt căng phồng trái tim và lồng ngực. Lão già và viên tù trưởng gặp nhau để tìm đôi chút tâm tình, và tìm được bạn đồng tâm tương ứng, có thể làm cho độc giả cảm thấy các tù nhân được xoa dịu những cay cực của thể xác. Có vậy tinh thần của tù nhân được an ủi ở hiện tại và trong những ngày sắp tới. Có vậy, dù cuộc sống không cho họ một chút lạc quan thì những cách cư xử của viên tù trưởng cùng sự  giúp đỡ và can thiệp của lão già giúp họ tự thắp lấy ánh sáng ở nội giới mình. Và cũng nhờ vậy, họ đủ can đảm đương đầu với mọi trắc trở sắp tới và đủ can đảm chịu đựng để được sống sót.

      Cảnh bi thảm nhất là một tên tù nửa đêm rên rỉ thống thiết đòi nước cam, nước chanh đá, cháo gà và gọi ‘‘sao em không tiếp tế cho anh?’’ (sic). Sáng ra, cả phòng phát giác hắn đã chết. Thì ra, trong cơn hấp hối, hắn chỉ còn nhớ tới cái ăn ngon mà suốt thời gian trong cảnh tù đày hắn không được hưởng những món mà hắn đã từng mơ ước. Dư hương và dư vị miếng ngon gợi nên nỗi thèm khát bị dồn ép tới tận đáy thẳm của tiềm thức mà thường nhật hắn có thể nén nhịn, không dám bộc lộ ra. Nhưng trong phút lâm chung, những cái dồn nén từ tâm khảm trồi lên bình diện ý thức. Sự kềm hãm như cái đập nước yếu ớt bị nước cuốn phăng.

      Tên tù chết trần truồng. Tên thọt cho xác chết cái quần. Gã ‘‘hồ hỏng, hồ vỡ’’ cho hắn cái áo. Lão già và viên tù trưởng cảm động trước nghĩa cử ‘‘thố tử hồ bi’’ ấy, thưởng cho cả hai ‘‘kéo một hơi tới lăn đùng ra’’ (sic).

      Cái chết của kẻ bất hạnh vắn số làm cho những kẻ còn sống sót ngồi gần lại với nhau. Cho nên:
      ... Tù trưởng tuyên bố:
      -- Tối nay cho tất cả bọn bay mỗi đứa bắn một phát.

      Tất cả ồ lên nhau nhau:
      -- Hoan hô tù trưởng! Hoan hô tù trưởng!

       Một tên khoái quá la lớn:
      -- Tù trưởng muôn năm!

      Tù trưởng mắng:
      -- Muôn năm ở đây để bỏ mẹ tao à! Chúc đéo gì lại chúc kiểu ấy!

      Cả phòng cười ầm lên vui vẻ.
(trang 97)    
      Xác chết phải được đưa về bệnh viện Bạch Mai hoặc bệnh viện Việt Đức. Thì ra, mọi xác chết ở ngục  Hỏa Lò phải đưa tản khắp các bệnh viện  ở Hà Nội. Con số tử vong ở nhà tù phải được bảo mật. Nhà cầm quyền không dám cho dân chúng biết con số tù nhân bị chết ở nhà tù vì bọn Cộng Sản sợ bị để lộ  ra chính sách cai tù tàn ác của chúng. Chỉ cần đưa xác các tù nhân về bệnh viện, bọn chúng có thể đổ hô là tù nhân chết vì bệnh và trước khi chết họ được bệnh viện săn sóc tử tế.
*
*  *
      Truyện ngắn thứ tư có cái tựa  Những bài ca cách mạng. Nhân vật chánh là gã giáo viên bị nhốt trong Hỏa Lò 21 tháng. Gã dạy môn Trung văn (tiếng Trung Quốc). Vào thời kỳ Trung Quốc và Việt Nam gây hấn nhau, cái tội vô lý bỗng trút lên đầu hắn. Tác giả trình bày tội trạng hắn như sau:
      Vào nằm Hỏa Lò, gã mới nhận ra tuy là sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nhiều năm, gã vẫn chưa hiểu sâu sắc về chế độ. Gã không ngờ rằng việc gã giỏi Trung văn, đọc báo, nghe đài Trung Quốc, giao thiệp với người hàng xóm Trung-Hoa, như gã vẫn làm từ mấy chục năm trước, nay bỗng trở thành trọng tội. Gã đã thiếu nhạy bén trước những bước ngoặt của lịch sử. Khi tình nghĩa đào viên Trung Việt đã tan tác, đáng lẽ gã phải sống khác. Sai lầm  của gã là ở chỗ đó. Vợ chồng gã chia lìa  cũng là ở chỗ đó.
(các trang 130, 131)
      Gã giáo viên bị buộc tội không điềm chỉ kẻ nào dám bôi chữ  ‘‘Ta’’ trên hàng chữ  Chủ tịch  Hồ  Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta để biến thành ‘‘một câu phản động cực kỳ láo xược’’ (sic) do tên chấp pháp buộc tội. Cái tẩy nẩy cái ung. Gã còn bị buộc  tội dám cho rằng định luật bảo tồn năng lượng là của Lavoisier tìm ra trước, trong khi tên chấp pháp khẳng định luật ấy do nhà bác học Lomonosov phát minh ra. Gã còn bị buộc tội: ‘‘Khi nhìn tranh thằng Quan Vân Trường, hắn còn tấm tắc ca ngợi lòng trung kiên của nó, tuy thân ở Tào, nhưng lòng vẫn ở Hán. Ý đồ muốn khích động quần chúng noi gương thằng Quan Vân Trường, thân tuy ở Việt Nam, mà lòng ở Trung Quốc...’’ (sic).

       Vào tù, gã giáo viên gặp tên quản giáo vốn là học trò cũ của mình. Tên này tuy tỏ ra hách dịch nhưng vẫn nới tay cho ông thầy cũ của mình, chẳng phải hoàn toàn nặng nghĩa thầy trò mà phần lớn là y ta muốn tìm hiểu về kiến thức, văn hóa nên nhờ gã giảng dạy những điều mà y ta thắc mắc.

      Ngày 30 Tết, các tù nhân được tiếp tế. Đang lúc họ ăn uống thì bọn công an vũ trang bất nhân tập kích bất thần để tịch thu các thức ăn ngon của tù nhân để đem về nhà ăn. Mọi người đều uất ức. Một tên tù ca sĩ hô hào mọi người cùng hát cho đỡ buồn. Đây là những bài ca cách mạng mà thời ‘‘kháng chiến chống Tây’’ thường được hát. Những bài hát đó trước kia có ý nghĩa thiêng liêng về vụ cổ động tinh thần độc lập tự do, bây giờ trở thành mỉa mai lại chế độ Cộng Sản. Bài  Quốc tế ca có những câu như sau :
                              Vùng lên, hỡi các nô lệ thế gian!
                              Vùng lên, hỡi ai cơ khổ bần hàn!  
      Và đây là bài Diệt Phát-xít :
                               Nào nhà tù, nào trại giam, biết bao nhiêu cực hình...
                                Diệt  Phát- xít với bầy chó đê hèn của chúng...                                    
                                 Để  chờ ngày trả  mối thù chung.
      Và đây là bài Chiến sĩ lục quân Việt Nam :    
                                
                                 Lời kêu thiên thu phá hết lao tù!
                                 Giết hết quân thù!
      Tù nhân dùng bài mà bọn ’‘cách mạng’’  thuờng suy tôn để xỏ xiêng lại bọn chúng theo kiểu‘‘gậy ông đập lưng ông’’,‘‘đạp gai lấy gai mà lể’’ (tiếng Bắc gọi là nhể ). Thế là bọn công an vũ trang xông vào dùng báng súng A K đánh đập tù nhân một cách dã man. Gã tù nhân được mệnh danh là ‘‘gã thuốc phiện’’ vốn là đảng viên, cựu đại úy quân đội hăm he tố cáo bọn công an cướp lương thực của tù nhân để chè chén. Thế là tên thượng úy công an phải giảng giải. Bọn tù mới được yên thân. Gã thuốc phiện (tức là buôn thuốc phiện lậu) vào dịp Tết chỉ ao ước là nếu Trời đất thay đổi, lũ công an sẽ vào tù, đương sự sẽ là ‘‘cai ngục nhỏ bé’’.

      Mấy bài hát này chứng tỏ chế độ Cộng Sản làm những gì mà họ đã từng chửi bới, công kích. Và theo vết chân của chế độ Phát-xít, họ bày ra những hình thức bạo lực khác, thiên biến vạn hóa bạo lực để những kẻ chóp bu của đảng cấp thống trị dễ bề củng cố quyền lực và bóc lột dân chúng. Quyền lực là mục đích tối thượng của họ, tất cả sự áp chế của họ đều trở thành phương tiện.

      Cảnh địa ngục trần gian trong Hỏa lò được thể hiện ở cảnh giam cầm trong cát-xô qua câu truyện của tên trùm đầu gấu kể cho gã giáo viên nghe:
     Tên trùm đầu gấu kéo ống quần lên:
      -- Ông anh nhìn vào cái sẹo  ở cổ chân em đây thì biết. Gân đứt, thọt mẹ nó rồi, không chữa được. Cát-xô ở phía góc Hỏa Lò, đằng kia kìa. Có hai lần tường bọc. Ban ngày phải bấm đèn pin, mới nhìn được. Vào cát-xô chỉ được mặc quần đùi! Không được mang theo bất cứ thứ gì, kể cả khăn mặt. Bọn em nằm trên nền xi-măng. Thực tế là trên một bể chứa phân. Phía dưới chân là một rãnh nước. Ngày đêm một mùi thum thủm, khắm khú bao trùm. Mỗi ngày chỉ ăn được một bữa. Chúng em gọi là ăn ‘‘dồn toa’’ , hai bữa làm một.  Ăn bốc, không thìa, không bát. Cơm đựng trong túi ni-lông. Không có bô. Đi  ngoài ngay lên chỗ mình nằm. Rồi tay bốc phân, ném xuống rãnh. Hồi đó, cách đây hai năm, phụ trách cát-xô là một thằng quản giáo trung úy lùn, mắt híp. Chúng em gọi là ‘‘thằng Híp’’. Ở cát-xô có tám lỗ cùm bằng bê-tông nham nhở. Lỗ số 8 là lỗ khốn nạn nhất. Em  bị đưa chân vào lỗ đó. Khi ba thằng chúng em để cổ chân vào lỗ cùm rồi, nắp cùm là thỏi bê-tông dài ba thước, được ập xuống. Một thằng tự giác đứng ở trong coi. Thằng Híp ra ngoài khóa cùm. Nó nhảy lên nắp cùm, bên kia tường, để nắp cùm sập hẳn xuống, rồi khoá lại. Khi nó nhảy, nó cười như một thằng điên. Còn chúng em thì rú lên, ngất đi. Cổ chân bị nghiền vỡ. Em cùm lỗ số 8 nên chỉ có 12 tiếng là được đổi sang lỗ khác.  Cùm ở cát-xô lâu nhất là một tuần. Sức người không chịu quá nổi. Có tên đến ngày thứ ba đã toi mạng.
(các trang 118, 119) 
      Tác giả Nguyễn Chí Thiện cho rằng ở ngục Hỏa Lò con người gần với con vật nhất. Có lẽ anh nghĩ rằng các tù nhân trong hoàn cảnh mà nhu cầu của dạ dày, nhu cầu của thân xác bị bức bách tối đa, cho nên mọi bản năng thú tính của họ bị bóc trần ra. Nhưng chúng ta còn có thể nghĩ thêm: ở Hỏa Lò, bọn cai tù gồm những tên quản giáo và những tên công an vũ trang vì nắm được quyền lực khống chế những kẻ yếu thế hơn mình cho nên bản năng tàn bạo của chúng được dịp hiển lộ, con ác quỷ tiềm phục ở nơi chúng được dịp thoát cũi xổ lồng... Đảng và nhà nước của Xã hội Chủ nghĩa rất cần cái bản năng tàn ác của kẻ thống trị lẫn cái bản năng hèn nhát của  kẻ bị thống trị (của bọn tự giác chẳng hạn) để củng cố nền tảng của chủ nghĩa được xây dựng trên bạo lực của chúng.

      Trong truyện ngắn Những bài ca cách mạng, chúng ta được thấy có sự hiện diện con trai của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh (ông Sanh trong nhóm Xuân Thu Nhã Tập vào thời tiền chiến). Tên này can tội trộm cắp ở sứ quán (tác giả không nói sứ quán của nước nào). Hắn đã vào tù nhiều lần, nhưng có bố hắn vốn là công an tìm cách can thiệp cứu hắn. Hắn cho biết vài hôm sau hắn sẽ được phóng thích để trở về nhà ăn Tết. Và hắn còn cho biết thêm hiện giờ thằng con trai của Huỳnh Tấn Phát cũng bị nhốt ở phòng 12 vì tội xách súng đi ăn cướp, và cũng như hắn, tên quý tử họ Huỳnh này cũng đã phạm tội nhiều lần rồi, lần nào cũng được tha sau khi bị cầm tù một thời gian ngắn như hắn.

      Riêng về gã giáo viên được tên quản giáo vốn là học trò cũ của gã hứa sẽ nhờ bố của hắn (vốn là thiếu tướng công an) can thiệp và cứu xét việc của gã. Nhưng:
      ... thoạt nghe, gã cũng khấp khởi hy vọng. Nhưng suy nghĩ một tí gã thấy đó là chuyện hão huyền. Các vụ gọi là chính trị, không ai dại can thiệp hộ hết, ngay cả anh em ruột thịt. Những Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Xuân Sanh xin xỏ được cho con của họ, vì con  họ chỉ đi ăn cắp, ăn cướp. Nếu là chính trị, những loại ‘‘Chủ tịch cây cảnh’’, ‘‘Nhà thơ mật thám’’ đó làm sao dám hé răng! Gã nhớ hồi gã mới bị bắt, nằm xà lim 1, người ta có dẫn Huỳnh Tấn Phát tới thăm hai buồng kỷ niệm Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh. Y đến một cái là cắm đầu đi ngay. Không dám nhìn ngang nhìn ngửa. Không dám đưa mắt tới buồng khác.
(trang 131)
 

Hồ Trường An - Nguyễn Chí Thiện với tập truyện Hỏa Lò

                          Hồ Trường An - 
(Tiếp theo và hết)
      Truyện ngắn thứ năm có cái tựa  Phùng Cung.  Phùng Cung là nhà thơ, tác giả truyện ngắn  Con ngựa già của chúa Trịnh đăng báo NhânVăn thuở trước. Ông này bị tù trong lượt càn quét nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Hồi tác giả Nguyễn Chí Thiện chưa bị tù vẫn chưa có dịp quen biết Phùng Cung. Nhưng anh cho độc giả biết: 
      Tôi mến và phục Phùng Cung ngay khi đọc truyện  Con ngựa già của chúa Trịnh  đăng trên báo Nhân Văn. Trong tất cả các bài văn bài thơ in trên tờ Nhân Văn, trong các tập Giai phẩm Mùa Xuân, Mùa Thu, Mùa Đông, tôi thấy Con ngựa già của chúa Trịnh  là đặc sắc nhất, về nghệ thuật cũng như về nội dung. Nó vừa thâm trầm, vừa tinh tế đúng như con người của anh. Nó còn điểm đúng huyệt của Đảng. Chính vì vậy, Đảng đã căm giận bỏ tù anh không xét xử trong hai năm. Nhiều người nhận định rằng chuyện chĩa vào các văn nghệ sĩ có tài, nhưng  vì đã ngoạm vào miếng đỉnh chung Đảng ban phát, nên chẳng những tài tận, mà nhân cách cũng diệt. Điều đó đúng. Nhưng nếu chỉ đả mấy anh văn sĩ, thi sĩ cô đầu, những kẻ mà chính các  ‘‘đồng chí bố’’ trong bụng cũng khinh rẻ, nhân dân cũng tởm lợm thì Đảng đâu có cay cú đến thế. Điều mà Đảng không thể không trừng trị nặng là anh dám nêu bật lên một sự thật nhục nhã: Văn nghệ sĩ, trí thức, toàn bộ dân tộc, giống như con ngựa già của Chúa Trịnh, bị Đảng gắn vào hai bên mắt hai cái lá đa, chỉ nhìn thẳng một hướng hạn hẹp, trời mây, sông núi hoa lá không thấy gì hết!

      Cái cảnh con chiến mã Kim Bông dũng mãnh tung vó, phi nước đại, vất lại sau mông cả một vùng Sơn Nam Thượng, xông pha trăm trận, tung hoành là thế, mà khi thanh bình trở lại, nhàn nhã bước vào lâu đài  cung điện Chúa, mới đặt  chân lên nền đá xanh mát đã thấy bàng hoàng, rùng cả mình, chợt nghe tiếng chim hót trong trẻo trên các lùm cây xanh tươi mà hốt hoảng, ngơ ngác, Đảng cũng cho là chửi sỏ Đảng. Thực ra, đó chỉ là sự tha hóa tầm thường của những kẻ thiếu Tâm, thiếu Đức, khi được vinh hoa, phú quý, lo lắng bảo vệ cho địa vị của mình.
(các trang 143, 144)
      Gặp nhau trong tù tác giả Nguyễn Chí Thiện  lén bọn cai tù, bàn thơ và uống trà với Phùng Cung. Nhờ đó mà họ tạm quên hoàn cảnh bị giam cầm, quên thân thể ốm yếu bịnh hoạn, quên luôn cả mùa đông khắc nghiệt mỗi năm đã giết một số tù nhân, và biết đâu sẽ giết mình. Nghe Phùng Cung đọc thơ do chính ông ta sáng tác trong tù, Nguyễn Chí Thiện cảm nhận như sau:
      ... Thơ anh thực là đẹp, cũng như  mọi vẻ đẹp trên thế gian này, đâu cần nghiên cứu nát óc mới thấy. Nó đi thẳng vào tim, vào óc ngay. Tôi biết anh tốn nhiều tim óc lắm mới tạo được những câu thơ như thế. Anh tìm tòi nhiều về  chữ nghĩa, nhưng không mắc ‘‘ ngữ bệnh’’ như Âu Dương Tu hàng ngàn năm trước đã than phiền. Anh tìm tòi nhiều về hình tượng, về âm điệu, nhưng không trở thành cầu kỳ, quái gở, thậm chí tới mức ngớ ngẩn như một số người! Càng đọc nhiều thơ, tôi càng nể các vị thâm nho ngày xưa. Các vị đó nhận xét ngắn gọn, như muốn cô đúc chân lý vào một  câu. Sau này, gần Phùng Cung nhiều, thấy anh làm thơ quá khó nhọc, tôi thấm thía câu nói của Lục Du:  ‘‘Cái tận cùng của công phu là sự bình dị’’.
(trang 149)     
      Thơ Phùng Cung là thơ ẩn dụ để bài xích một chế độ phi nhân. Loại ẩn dụ (parabole/ métaphore) đã được các nhà thơ tiền bối của chúng ta, phần nhiều là nhà thơ thuộc các thế kỷ 16, 7, 18, 19 xử dụng để nói lên hoài bão của mình như vua Lê Thánh Tôn dùng cái chổi, thằng mõ, thằng bù nhìn để nói lên tâm nguyện chăn dân trị nước của mình. Hoặc là họ dùng đồ vật để công kích ai đó, làm sáng danh cái lý tưởng, cái chí nguyện của mình. Đó là trường hợp nhà thơ Tản Đà dùng bức dư đồ rách để mắng lớp trẻ hậu sinh không lo việc nước, và ông nguyện sẽ bồi đắp lại cái giang san đổ vỡ (qua câu:  ‘‘Để đấy rồi ta sẽ liệu bồi’’, tức là bồi đắp bức dư đồ rách).

      Bài thơ  Biển cả  của Phùng Cung, Nguyễn Chí Thiện cho rằng đây là bài dạy về đạo lý làm người cho các vị đế vương. Xin mời đọc các trang 149, 150 :
                           ‘‘Trước mặt trẻ thơ, tinh cầu chỉ là chấm nhỏ
                             Càng tối đen, càng nhìn rõ xa xanh’.’
                            ‘‘ Mắt phàm tục đăm đăm vương chút lệ
                               Chút lệ này xuất hành từ trí tuệ con người.’’
                              ‘‘Hỡi biển  cả   
                                Diện tuy rộng, nhưng thiếu những giác quan cần thiết
                                Lòng tuy sâu, mà chứa đầy màu xanh man chát!
                                Bỏ mất mông mênh, chuốc lấy ồn ào
                                Tự thao túng cái thói hư nộ cuồng sóng vỗ
                                Trống trải bơ vơ, chiều quả phụ
                                 Bình minh vô vọng phương mờ...
                                 Ôi, bao im lặng thanh cao
                                 Đều chìm lăn trong thét gào man rợ!’’
                               Vậy dẫu có vô cùng lớn lao gì đó
                               Ta chỉ yêu cầu phải hài hòa với vô cùng bé nhỏ mà thôi!’’                                                                                                      
( các trang 149, 150)
      Thơ ẩn dụ của Phùng Cung rất bình dị về ngôn ngữ, nhưng ý tình thật thâm thúy cao xa, nếu không bảo là ngoắt ngoéo, uyển chuyển. Mỉa mai, ngắt véo một chế độ độc tài, ông không thể làm khác hơn. Ông phải vận dụng ngôn ngữ tuy bình dị mà lại ẩn mật, phải che giấu nghĩa đôi nghĩa ba ẩn náu sau ý tình hiện trên mặt chữ.

      Qua bài thơ Biển  cả, chúng ta chợt nghĩ tới bài Cái ghẻ của nữ sĩ Cao Ngọc Anh. Cụ dùng cái ghẻ tàu để mắng lũ Thực dân Pháp và cho chúng biết chỉ có súng ống và nhất là đạn dược bằng diêm sinh mới thắng được bọn cướp nước ấy mà thôi.
                               Nhân ngôn, móng chó chưa nhằm mặt    
                               Chỉ có diêm sinh mới trị mày
      Trong các bài thơ của Phùng Cung mà Nguyễn Chí Thiện hiện đưa vào truyện ngắn của anh có một đoạn viết về Tố Hữu là đáng cho chúng ta chú ý.  Theo Nguyễn Chí Thiện, trường hợp Tố Hữu khá đặc biệt. Công việc Phùng Cung đánh giá đương sự có nhiều chỗ thông cảm và khoan hồng: 
      Anh Cung thấy tội nghiệp cho Tố Hữu. Nhân dân chẳng còn ai nhắc tới thơ hắn nữa. Gần bốn chục năm trời,  cả một bộ máy tuyên truyền nâng đỡ, hà hơi tiếp sức mà vẫn chết. Thực hoài công!
                               Tội nghiệp nhà thơ
                                Hợm mình
                               Lầm lạc
                               Bởi không biết sống   
                              Nên không biết chết
                              Nửa thế kỷ lưu đày
                              Trong cõi tung hô!

      Tuy anh Cung khinh Tố Hữu, nhưng cũng như chúng tôi, anh không liệt hắn vào loại bồi bút. Chúng tôi nghĩ Tố Hữu làm thơ ca ngợi Hồ Chí Minh, Lê-nin, Stalin, Mao-Trạch-Đông, ca ngợi Liên-xô,Trung-Quốc, phe xã hội chủ nghĩa, vì hắn thực sự là người cộng sản. Hắn ca ngợi đảng hắn, chế độ hắn, các lãnh tụ hắn. Không cần làm thơ, hắn cũng quyền cao tước trọng, hưởng mọi ưu đãi. Cũng như đối với các văn nghệ sĩ trẻ, những người nào thực lòng tin tưởng  là chế độ xã hội  chủ nghĩa ưu việt, Đảng, Bác là vĩ đại, do bị nhồi sọ từ khi còn thiếu niên, là nhi đồng họ cũng không phải là bồi bút. Họ chỉ sai lầm. Đầu độc họ chính là những văn nghệ sĩ, những trí thức lớn tuổi, những người ít nhiều đã có danh từ trước 1945. Từ sau Cải Cách Ruộng Đất và vụ Nhân Văn, tiếp sau càng ngày càng phải sống dưới sự khống chế toàn diện và triệt để, bị trói chặt! Những vị này thừa hiểu rằng cuộc sống dưới thời Pháp thuộc tuy chẳng tốt đẹp gì, tuy chịu nhục mất nước, cũng còn dễ thở hơn nhiều dưới ách của Đảng. Họ rất rõ Đảng là một tổ chức siêu phá-xít cực kỳ hung hiểm, nên họ rất hoảng sợ. Họ tán tụng Đảng, cổ võ mọi chính sách của Đảng, giúp Đảng đầu độc lớp trẻ để được yên thân, để được ưu đãi về vật  chất. Họ đi nước ngoài như đi chợ, con cái cũng du học ngoại quốc. Họ mới thực xứng đáng với danh hiệu bồi bút làm tôi tớ để hương bổng lộc dãi ngộ, vất bỏ tất cả những gì gọi là lương tâm, liêm sỉ.
(các trang 168, 169)
      Thơ của Tố Hữu và văn thơ của lũ bồi bút một đằng thì thực lòng yêu Đảng, một đằng thì cầu lợi lộc, hư danh, nhưng tựu trung tất cả nhằm đành bóng một chủ nghĩa, một chế độ, một chiến dịch. Đó là Xuân Diệu, Huy Cận Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên cùng các nữ sĩ Hằng Phương, Vân Đài và Anh Thơ. Khi mà chiến dịch gặt hái nhiều chiến lợi, chế độ và chủ nghĩa được thành công thì những  thơ văn như thế có còn chỗ nào để phụng sự nữa đây? Cánh cửa được đẩy mạnh đã mở toang ra rồi. Sứ mạng của họ đã xong rồi. Vậy thì giờ đây các thi sĩ ấy còn ì ạch đẩy thêm nữa cũng vô ích.

      Riêng về cái giản dị, cái cô đọng trong thơ mà Lục Du đã quan niệm và đã trở thành kim chỉ nam cho Nguyễn Chí Thiện cũng vẫn chỉ là quan niệm chứ không phải là một thực thể cố định, bất biến. Nếu cái giản dị theo quan niệm của Lục Du làm nên giá trị cho thi ca, nhưng còn cái hoa mỹ trong bài thơ  Cầm sắt của Lý Thương Ẩn há không làm nên cái đẹp vượt không gian và thời gian cho thi ca hay sao? Có điều thi ca của Nguyễn Chí Thiện phản ảnh tâm sự bi đát, phản ảnh cái uất hận lên men của tác giả trước chế độ phi nhân thì thơ càng được diễn tả giản dị và súc tích, ý tình thì càng hiển lộ cái cảm khái mênh mông, cái ngậm ngùi sâu sắc của anh. Cái giản dị trong thơ của Phùng Cung và của Nguyễn Chí Thiện là phẩm chất trong trẻo của pha lê. Pha lê không cần chạm khắc hay không vẽ vời hoa hòe hoa sói thì nước pha lê càng trong, ánh sáng càng rực rỡ. Cũng thế, thơ của cả hai càng giản dị thì sự truyền cảm càng bộc lộ sung mãn hơn, sự thuyết phục độc giả càng mãnh liệt hơn.

      Phùng Cung không được xem là một truyện ngắn (une nouvelle/ a short story) được, mà phải được xếp vào một đoạn của câu chuyện có thật được kể ra (un récit) đúng hơn. Ở đây, nhân vật và diễn biến câu chuyện đều thật cả hoặc giả đó là một truyện được dựa vào sự thật; nhưng sự thật chiếm được bao nhiêu phần trăm thì độc giả làm sao biết được? Tuy nhiên, chúng ta chỉ biết tác giả diễn tả sống động, tha thiết và chân thành như xắn con tim mình là thành nghìn mảnh để rải vào hành trình ngòi bút của anh.
*
*  *
      Truyện ngắn thứ sáu có cái tựa  Sương buồn ôm kín non sông. Đây là một truyện vừa đúng hơn, kéo dài 118 trang (từ trang 179 cho tới 297). Có  thể bảo đây là một đóa hoa nở từ địa ngục, nói lên khí phách, tiết tháo của một người gieo ánh sáng vào tâm hồn bưng bít tối tăm. Và gieo những hạt giống tốt lành cho những tâm hồn có sẵn thiện căn của đám tù nhân. Tác gỉả Nguyễn Chí Thiện không quên những độc giả có tâm hồn ướt át, nhạy cảm nên lồng vào đó bốn mối tình, mối tình nào cũng platonique (tức là thứ tình yêu thuần khiết, yêu bằng trái tim, bằng linh hồn, lý tưởng v.v.., thuộc về tinh thần).

      Mối tình  giữa một lão già vốn là cựu sĩ quan (đại úy thuộc phe Liên hiệp Pháp) còn kẹt lại sau Hiệp định Genève (1954) và người đàn bà được gọi là bà Sài Gòn giàu sụ lấy chồng Hoa kiều ở Chợ Lớn; bà này can tội buôn lậu.

      Mối tình giữa tên phó nhòm và cô ả bán đô-la. Phó nhòm là cựu chiến binh được tham dự chiến dịch biên giới lẫn Điện Biên Phủ, được kết nạp vào Đảng. Sau vụ Cải cách ruộng đất,  gã đã bất mãn chế độ miền Bắc. Khi miền Nam lọt vào tay Cộng Sản, gã được vào viếng thăm Sài Gòn và miền Nam. Gã mới biết mình lầm lạc vì trót theo Cộng Sản bởi sự tuyên truyền bịp bợm láo khoét của chúng. Gã bị tù vì tội ăn cắp của công. Cái hỗn danh ‘‘phó nhòm’’ của gã là do cái tật trong giờ vệ sinh gã ưa đứng lên cùm để nhìn ra hành lang, ngắm các cô em qua lại. Ngoài ra gã còn có trách nhiệm nhòm đếm bao nhiêu xe cút-kít chở rau muống vào nhà bếp.     

      Cuộc tình giữa gã đầu gấu với một nữ tù nhân (không được tác giả nói tới xuất xứ và tội trạng). Riêng gã đầu gấu vốn là tay trộm cắp từ bé, đi tù từ năm 14 tuổi. Mới ra tù hơn một năm lại vào tù vì tội đả thương một tên thuế vụ.     

      Lão già cựu đại úy này có lẽ như một phân thân hay một hậu thân của lão già ở truyện ngắn thứ ba (truyện Tạc tượng). Nhưng cái xuất xứ và cái tiểu sử của lão thì lại khác. Sau Hiệp định Genève, đáng lẽ lão di cư vào Nam, nhưng vì tin theo lời dụ dỗ của chính quyền miền Bắc là ‘‘giữ nguyên lương nguyên chức’’ cho những ngụy quân ngụy quyền đã từng cộng tác với chính phủ Liên hiệp Pháp. Có nhiều kẻ tin tưởng cách mạng như lão. Sau khi ở lại miền Bắc, họ quy phục sợ hãi chế độ và hơn thế nữa, họ nịnh bợ tâng bốc chế độ. Vậy mà sau Nghị quyết tập trung cải tạo của Trường Chinh, họ vẫn bị Đảng triệt để bắt bớ giam cầm. Đây là cuộc bỏ tù vĩ đại chưa từng có trong lịch sử, ngay cả các anh lính trơn, anh dân vệ, anh cảnh sát giao thông, anh hộ phố, bác lý, bác phó ở thôn xóm.

      Lão già cựu đại úy cứ thắc mắc. Mãi tới năm 1976, lão gặp một lão già cách mạng thứ thiệt (tức là hoạt động chống đối thực sự chế độ) giải bày mọi thắc mắc của lão: 
      ... Thứ nhất, về mặt kinh tế, tù nhân là một lực lượng khai hoang sản xuất có lợi nhất. Anh bạn tính thử. Nuôi một người tù, tốn  5 hào một ngày, kể cả ăn mặc, thuốc men. Toán đan là toán già, ốm, lao động kém nhất, mỗi tù nhân cũng làm ra bình quân 2 đồng một ngày, gấp 4 lần nhà nước chi ra nuôi hắn. Còn toán mộc, xẻ, rèn, lâm sản, bình quân  10 đồng một ngày, gấp 20 lần. Do đó, tù càng nhiều càng tốt. Thứ hai, về mặt chính trị. Muốn  xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần phải xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Dù đóng kịch giỏi tới đâu, Đảng cũng thừa hiểu các anh không ưa chế độ. Nhưng Đảng không sợ các anh lật đổ. Pháp, Mỹ, Đảng không còn sợ kia mà!  Đảng biết các anh không dám chống lại chế độ bằng hành động. Đảng kiểm soát rất chặt, các anh không làm nổi. Hơn nữa, với chính sách quản lý dạ dày, các anh lo hai bữa nuôi thân, nuôi  gia đình, còn mửa mật. Làm được cái gì. Riêng cái mồm các anh xì xầm, to nhỏ, rỉ tai, Đảng không theo rõi xuể. Hàng triệu cái mồm đó là trở lực đáng ngại cho việc tuyên truyền điêu trá, lừa bịp, nhồi sọ lớp trẻ, nhằm biến chúng thành Người mới, nghĩa là  Người máy. Lớp trẻ sinh ra, lớn lên dưới chế độ, không biết gì về quá khứ. Với chúng, Đảng tha hồ xuyên tạc lịch sử, huênh hoang lấp biển vá trời, kể công kể đức, dễ dàng nhào nặn chúng theo ý muốn. Đảng kỳ vọng vào lớp này nhất... 
(các trang 189, 190)
                                    
      ... Còn lý do thứ ba nữa là khi xảy ra chiến tranh, những phần tử không ưa chế độ coi như lau sậy, kẻ địch coi như cọp. Cần phải phạt lau sậy đi, cho cọp không có chỗ ẩn nấp. Do đó, phải tập trung những phần tử này. Dù họ đã được thả ra, cũng  phải bắt lại. Đó gọi là chính sách ‘‘phạt lau, diệt cọp’’. Còn chuyện đi tù vì lý lịch là tất nhiên. Đấu tranh giai cấp là phải vậy. Nhưng thực tế, số tù tư sản, địa chủ thấm tháp gì so với số tù thuộc các thành phần khác. Anh đã ở nhiều trại, anh biết. Tù chính trị đã nhiều, nhưng tù lưu manh bao giờ cũng nhiều hơn, đó là hậu quả tự nhiên của thiếu khổ, của nền giáo dục coi khinh luân lý, đạo đức cổ truyền. Đám lưu manh này đều là thanh niên. Đảng coi chúng là rác rưởi của xã hội, không thể cải tạo và giáo dục nổi. Biện pháp tối ưu là hốt chúng vào các trại tập trung bắt chúng lao động khổ sai. Anh phải nhớ, bốn chữ ‘‘giáo dục cải tạo’’ chỉ là từ vô nghĩa, ngớ ngẩn. Đảng đâu có ngu tới mức tin vào mấy chữ đó!  Thử hỏi có kẻ nào, ở ngoài xã hội, đã chán ghét chế độ, sau mươi, mười lăm năm tù, chịu mọi hạ nhục, đày đọa, lại tiến bộ, thành yêu chế độ! Cho nên, đừng bao giờ đóng kịch, nói với các cán bộ cộng sản là tôi cải tạo tốt, đã tiến bộ, đã nhận thức sai lầm. Chúng sẽ khinh bỉ, cười vào mũi anh.
(các trang 190, 191)
      Ở phòng nam có những nhân vật tiêu biểu: tên giặc lái bị án tử hình vì tội ăn cắp 28 tấn gạo, gã trưởng phòng công ty hóa chất, tên thượng úy can tội đưa người vượt biên và tên trưởng phòng. Bên phòng phụ nữ ngoài bà Sài Gòn nhà giàu còn có cô đô-la,  cô kịch sĩ, cô ca sĩ, cô gái lai da đen có giọng hát tuyệt vời. Còn về phần cai tù thì có tên phó giám thị hễ ai làm trái ý hắn là bị hắn cùm nên có hỗn danh là Thần-cùm, gã chánh giám thị, tên quản giáo hắc ám có hỗn danh là Ngưu-ma-vương, ông quản giáo nhân từ được gọi là Thánh Găng-đi, các tên tự giác...

      Trong cái xã hội nho nhỏ được gói ghém trong xà-lim có bên nam và bên nữ cách nhau một song sắt khít, có khá nhiều thành phần xã hội được tượng trưng qua các nhân vật điển hình.

      Lão già cựu đại úy thời Liên hiệp Pháp khi bị tù thì vợ lão vì nghèo và có đứa con mọn nên phải làm vợ gã cán bộ quản lý thị trường. Tên này tử tế, nuôi con lão lớn khôn, nhưng con lão phải đi bộ đội và bỏ mạng ở chiến trường Trường Sơn. Lão bị tù từ năm 1961 tới năm 1977. Ra tù được hai năm, lão bị bắt lại khi bọn Tàu tấn công biên giới. Từ khi vào xà-lim 1 ở Hỏa Lò này, lão nếm cả thảy 20 năm tù. Ngày được phóng thích  đối với lão kể như vô vọng. Và lão cũng tự biết nếu được phóng thích, lão không còn đủ khả năng làm lại cuộc đời. Cho nên lão bền lòng giữ gìn khí phách và tiết tháo trong tù. Lão đã từ chối lời đề nghị của viên cán bộ cao cấp (cài lão vào Thành Phố Hồ Chí Minh), nhưng hắn chưa cho lão biết cách phục vụ cách mạng vô điều kiện ấy; có vậy lão mới được phóng thích. Lão thừa biết là tên cán bộ cao cấp này muốn dùng lão hại người khác vì lão được hắn cho biết: ‘‘Chúng tôi không thiếu người. Nhưng dùng anh, anh thuận lợi cho công việc hơn.’’ (sic) Cái khí phách của lão làm cho tất cả mọi người trong xà-lim khâm phục đã đành, mà còn làm con tim của bà Sài Gòn giàu sụ  rung động. Tuy đã vào tuổi ngũ tuần mà bà hãy còn bóng bẩy lắm. Lão đã dùng võ Nhật quật ngã hai tên tự giác to béo vì hai tên này lấy mấy gói thuốc lá tiếp tế dành cho tên giặc lái, lại còn đánh đập hắn tàn nhẫn. Trước đó, lão đã cảnh cáo thái độ vô lễ của tên Ngưu-ma-vương với lão, không sợ lời hăm he bắn giết của hắn. Lão đòi tố cáo những việc ăn hối lộ lèm nhèm cùa hắn làm hắn chột dạ nên đổi thái độ và cách cư xử khá tử tế với lão. Nếu lão nghĩ rằng mình bị tù đày hơn một phần tư cuộc đời, lão không có kinh nghiệm ở cuộc đời ngoài nhà tù. Nhưng trong tù, lão có nhiều kinh nghiệm, tạo cho mình một sức chịu đựng bền bỉ, cách chống đối hữu hiệu với bọn cai tù, cách biến đổi cuộc sống những bạn tù dễ chịu hơn. Và nhất là tạo sự tin yêu thông cảm giữa bạn tù với nhau. Nhờ đó, lão chiếm được sự yêu kính của bạn tù, cải hóa tên thượng úy bộ đội vốn tham ăn phải cố luyện ý chí và nhân cách để thích ứng với hoàn cảnh trong tù, phải khắc phục cái đói để còn sống sót... Do đó, lão được cả xà-lim khác cùng xà-lim giam lão tổ chức cho lão một buổi sinh nhật có phụ diễn ca nhạc.

      Trình bày nhân vật lão cựu đại úy chắc hẳn tác giả Nguyễn Chí Thiện muốn cho độc giả biết rằng cái tiết tháo ở hàng ngũ đối lập với bọn Cộng sản. Cộng sản thường đề cao những anh  hùng liệt sĩ của chúng như  Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Hồng Gấm... dám chết cho chủ nghĩa của chúng. Và chúng cũng thường rêu rao bọn  ‘‘ngụy quân ngụy quyền’’ chúng ta vì là tay sai của Thực dân Pháp và của Đế quốc Mỹ nên tham sống sợ chết, lại còn tham nhũng hám lợi nên chẳng biết tiết thào và khí phách là gì.

      Gã phó nhòm là kẻ sáng mắt sáng lòng, không phải trước cái tốt đẹp vinh quang của cách mạng, mà trước cái bịp bợm, cái bất nhân của Xã hội Chủ  nghĩa. Đó là kẻ giác ngộ giữa lòng chế độ. Xin cùng đọc đoạn gã tâm sự với lão già:
      -- ... Tôi vào Đảng năm 1953. Trong kháng chiến, tôi là bộ đội. Tôi có mặt cả trong chiến dịch Biên Giới lẫn Điện Biên. Năm 1956, tôi chuyển sang ngành ngoại thương. Tôi ‘‘giác ngộ’’ tương đối sớm, nhưng cũng quá muộn để làm lại cuộc đời. Sau cải cách ruộng đất, sau vụ Nhân Văn, là tôi biết mình lầm. Những năm kế tiếp, tôi cũng sáng tỏ vấn đề.  Đất nước thống nhất, tôi có dịp đi công tác vào Nam ngay. Qua vùng đồng bằng sông Cửu Long, tôi thấy tận mắt nông dân dùng cả gạo nuôi lợn. Đặt chân tới thành phố Sài Gòn, tôi giật mình. Phồn thịnh quá! Hạnh phúc quá! Trẻ con thời ngoan ngoãn lễ phép. Hóa ra tuyên truyền toàn bố láo. Cả một cuộc sống như vậy mà không biết giữ lấy. Thật đáng tiếc, đáng trách. Trở ra Hà Nội tôi có dịp gặp lại cụ Vũ-Đình-Huỳnh. Trong kháng chiến chống Pháp, tôi đã gặp cụ vài  lần. Một cụ già đạo mạo, trang trọng. Nét cương nghị, trung thực hiện rõ trên nét mặt ưu tư, buồn buồn. Ông cụ ngậm ngùi  nói với tôi: ‘‘ Anh bạn ạ, Sài Gòn là một thành phố bị chiếm đóng. Không phải là một  thành phố được giải phóng. Chỉ vài năm thôi, nó sẽ giống Hà Nội. Tôi cả đời làm cách mạng, hy sinh tất  cả, chỉ mang trong lòng một nguyện ước: đất nước được độc lập, dân tộc được tự do, no ấm. Tôi đã không làm được điều đó. Thực đắc tội với đồng bào’’. Nói thực với ông bạn, nếu các vị trong Bộ  Chính trị, trong Trung ương mà ai cũng có tấm lòng như cụ Vũ, thì tôi cũng không nằm đây, ông bạn cũng không nằm đây. Khốn nỗi, toàn một bọn cơ hội, đầy tham vọng cá nhân thấp hèn, đầy thủ đoạn hung hiểm, chỉ lo củng cố quyền lực, dối dang mị chúng, đạo đức giả, núp sau nhãn hiệu cách mạng để làm những việc phản cách mạng, phản tiến hóa, núp sau nhãn hiệu Nhân Dân để làm những việc phản Nhân Dân. Lời nói thì đề cao con người. Việc làm thì hạ nhục con người.
(các trang 204, 205)
      Viên thượng úy là một kẻ tham ăn, hay xì xọt bẩm báo với cấp trên những chuyện xảy ra trong xà-lim để lập công. Hắn không được tiếp tế, lại không được những tù nhân trong xà-lim cho ăn, nên có khi đói quá, hắn ăn những thứ trong thùng rác Nhưng lão cựu đại úy chia sớt miếng ăn cho hắn, cải hóa hắn, dạy hắn thích ứng hoàn cảnh trong tù, dạy hắn cách giữ gìn nhân cách. Ở đây, tác giả nêu lên tấm lòng thành thực của con người dễ cảm hóa tha nhân. Và bất cứ cá nhân nào, cá thể nào cũng có điểm thiên lương không bao giờ bị thui chột. Thương tâm nhất là câu chuyện viên thượng úy kể lại cuộc đời của hắn. Hắn sinh ở Thái Bình, một địa danh mang tiếng là vựa thóc, là " Quê hương Năm Tấn’’, vậy mà hắn chịu đói khát từ thuở bé. Hắn cùng những chàng tuổi trẻ xin được vào bộ đội. Biết rằng đi đánh giặc là chết, nhưng theo hắn thì chết chưa thấy đâu, đã thấy no trước mắt: mỗi tháng có 21 cân gạo, một cân rưỡi thịt, một cân đường. Được trúng tuyển vào bộ đội, hắn mừng hơn cha mẹ chết được sống lại. Những đứa yếu quá bị loại ra khỏi cuộc tuyển, buồn như cha chết. Có đứa khóc.

      Bà Sài Gòn được gia đình tiếp tế dồi dào, một mặt bà lo lót bọn cai tù để khỏi bị quản thúc nghiêm nhặt và để thể xác được thoải mái, một mặt bà giúp đỡ mọi người trong xà-lim. Bà làm cho độc giả có đầu óc lỡn vỡn  mối ác cảm với tư sản mại bản (do bọn Cộng Sàn bôi bẩn) phải đặt lại vấn đề : Tư sản mại bản vẫn có những kẻ có thiện căn, sống bằng thông cảm, trái ngược với sự tuyên truyền láo khoét của Cộng Sản. Con người của bà vẫn có trái tim mẫn cảm trước tư cách cao quý và tâm hồn cao thượng của lão già cựu đại úy nên đâm ra yêu lão, tặng quà và tặng khăn thêu cho lão. Gần khi ra tù, bà tặng cho lão một túi quà, trong đó có chiếc nhẫn, dặn dò  khi ra trại, lão có thể  bán chiếc nhẫn để tiêu xài. Và sau đó, lão còn nhận được  quà của bà qua tay em gái của lão.

      Cô ca sĩ vốn là ăng-ten do Ban giám thị cài vào xà-lim để báo cáo tình hình trong ấy mà không ai biết. Khi sắp ra trại, vì kính mến lão cựu đại úy nên cô tỏ bày sự thật cho lão rõ: 
      -- Cháu chẳng làm được việc gì. Chú bảo, chẳng nhẽ lại đi báo cáo chuyện tình cảm của người khác, chuyện phạm nội quy như hút thuốc lào, cho quà nhau.
(trang 294)           
      Nguyễn Chí Thiện viết về cảnh tù ngục không hoàn toàn dồn độc giả vào tình trạng tinh thần quá tối tăm, quá ngạt thở đâu. Anh đã dùng lão già cựu đại úy mở rộng những tấm lòng bưng bít, đẩy những cánh cửa của lòng ích kỷ đã từng khép chặt mọi trái tim chai đá phải bật tung ra. Có như vậy mới hiển lộ tình người sáng nguy nga, sáng lồng lộng của thiên lương. Độc giả nhạy cảm có thể vừa khóc thương tâm cho mọi hoàn cảnh bi đát nhưng cũng vừa khóc hân hoan trước tình người ưu ái nối liền những tấm lòng với nhau. Nguyễn Chí Thiện cũng không hoàn toàn mô tả mọi diễn biến bằng bút pháp trong suốt và nguội lạnh đâu. Đôi lúc anh bung vỡ cảm tính. Cho nên bút pháp khi thì hằn học, khi thì tha thiết nồng nàn, rất lôi cuốn người đọc lao từ trang này sang trang khác.

      Trong các viên quản giáo có ông gốc người Nam trước kia đi tập kết ra Bắc là hiền là nhân đức. Sau năm 1975, ông ta về Nam, hay tin vợ chết vào năm 1969, còn con trai chết ở chiến trường Căm-pu-chia. Ông được tù nhân gọi là thánh Găng-đi. Ông an ủi lão cựu đại úy: 
      -- ... Mỗi người có một số phận. Buồn phiền cũng vậy thôi. Không giải quyết được gì. Tôi có người em là thiếu úy ngụy, hiện ở trại Tân Lập. Nó cũng gầy như anh. Anh chẳng muốn  ở tù. Tôi chẳng muốn làm nghề cai tù. Nhưng vẫn phải làm.    
(trang 245)
      Trong số tù nhân xuất hiện sau có vợ của viên Thượng tá ở bên Sở, một cô gái. Và sau hết là một nhà sư. Sư đến xà-lim sau khi gã giặc lái bị tử hình. Còn mụ vợ này bị nghi làm ăng-ten. Nhà sư từ An Giang làm cuộc hành hương sang Tây Tạng, tới Hà Nội thì bị bắt. Nhà sư luôn giữ tác phong đạo hạnh (Bi, Trí, Dũng), tỏ ra không sợ tù, không sợ lời hăm dọa của tên Ngưu Ma Vương. Sư biết đã có người chết khi vào buồng của gã giặc lái. Sư còn bảo rằng sáng mai sư sẽ được rời khỏi Hỏa Lò. Lời tiên đoán đó trúng boong. Gã đầu gấu kể rằng khi gã vào buồng của sư thì gã thấy sư ngồi xếp bằng trên không khí. Cả xà-lim đều bàng hoàng. Họ còn dao động hơn khi nhà sư sắp rời khỏi tù có bảo tên Ngưu Ma Vương rằng hắn phải tu nhân tích đức vì gia đình hắn sắp có tai họa. Quả nhiên, sau đó ít lâu, thánh Găng-đi cho lão cựu đại úy biết thằng quý tử của Ngưu-ma-vương can tội cướp của giết người.

      Hôm bà Sài Gòn được phóng thích cả xà-lim  vào buổi tối ca hát để tiễn bà. Lão cựu đại úy hát bài Biệt ly  để tặng bà. Rồi vào buổi sáng từ biệt, bà thò ngón tay qua song sắt cửa gió cho lão cầm lấy.

      Gã đầu gấu bị xử chung thân và phải đi trại. Người yêu gã bị chuyển xà-lim khác. Cô diễn viên tuyên bố sẽ được phóng thích. Cô ca sĩ bị đi trại. Còn lão cựu đại úy cũng được chuyển trại. Khoảng bốn chục tù nhân ngồi ở sân, nam riêng, nữ riêng. Tất cả nữ tù đều khóc khi tiễn lão.

      Trong truyện ngắn Sương buồn ôm kín non sông có đoạn bàn về thi ca giữa gã phó nhòm và lão cựu đại úy. Phó nhòm làm thơ tặng người yêu có cái hỗn danh Nữ thần đô-la. Gã tâm đắc với thứ thơ siêu hóa vươn tới cái trừu tượng, chặt đứt với mọi hệ lụy của cuộc sống. Lão cựu đại úy phản đối:
      -- ... Anh phải thừa nhận rằng mới, đẹp, cao, sâu tới đâu chăng nữa, cũng đều bắt nguồn từ cuộc sống. Không có cuộc sống, là không có gì cả. Cuộc sống là mẹ đẻ ra mọi thứ. Nhà văn, nhà thơ không có cuộc sống thực tế, không từng trải, mà muốn sáng tác, chẳng khác gì người đàn bà không chửa, mà lại muốn sinh nở, cứ cố rặn. Nếu có phọt ra chăng nữa,  thì cái gì sẽ phọt ra, chắc anh hiểu. Anh thức cả đêm uổng công. Vì anh đã tự tách ra khỏi mạch sống thực, để đi tìm cái mới. Cuối cùng anh nặn ra một thứ mà chính anh cũng không hiểu là cái gì. Cuộc sống không bao giờ chấp nhận những thứ không xuất  phát từ nó, và trở về phục vụ nó. Nó liên tục đào thải những thứ vô tác dụng, nguy hại. Nó trân quý mọi cái đẹp. Vì nó rất cần những cái đẹp. Trừ những cái đẹp gieo tai, rắc họa. Chúng tôi ở rừng nhiều. Chúng tôi biết đủ loại nấm độc. Màu sắc của chúng đều tươi tắn, rực rỡ, mùi vị lại thơm ngọt. Nhưng các loài vật, kể cả rắn rết đều sợ,tránh xa. Gặp chúng, là  chúng tôi phải hủy, để tránh họa cho kẻ khác. Giống như vậy, những bài thơ, bài nhạc ca ngợi Hít-Le, Stalin, Mao Trạch Đông v.v... công bằng mà nói, cũng có một số bài nghệ thuật cao. Nhưng cuộc sống không dung nạp thứ nghệ thuật đó. Vì nó chống lại cuộc sống, lăng nhục cái Thiện, cái Mỹ, tán dương cái Ác, cái Xấu.
(trang 216)
      Phó Nhòm trong tù làm thơ tặng người yêu của mình (tức là Nữ thần đô  -la) lại không cho thơ bắt nguồn từ cuộc sống, từ thực tại cũng có lý do riêng. Thơ trang tặng cho người yêu mà hiện thực quá, khó mà gây một giấc mơ đẹp, một ảo tưởng lộng lẫy, những giây phút xúc động mềm mại cho người đẹp. Trong cảnh giam cầm, người tặng thơ và người được tặng thơ muốn quên hoàn cảnh hiện tại lầm than khốc liệt của mình. Họ cần có giấc mơ đẹp, cần có những ảo tưởng lộng lẫy, những rung động trữ tình hơn là cái xà-lim chật hẹp, bọn cai tù tàn nhẫn, cái thực tại nhục nhằn. Lời nhận định của lão đại úy dù có đúng với sứ mệnh thi nhân và đường lối thi ca chăng nữa, nhưng chưa chắc hẳn đúng với tiếng đập của trái tim gã phó nhòm, và biết đâu sẽ không ăn khớp với hoài bão lãng mạn của Nữ thần đô-la.
*
*   *
      Truyện ngắn thứ bảy là truyện ngắn chót. Đây cũng là một truyện tình được lồng trong khung cảnh trại giam Hỏa Lò. Nó có cái tựa thơ mộng  Trăng nước sông Hồng. Nhưng tác giả không đưa trăng nước sông Hồng vào truyện. Đó chỉ là giấc mơ, một nguyện ước của hai kẻ yêu nhau cùng sắp bị hành quyết.

      Đây là tình yêu trong nghịch cảnh, trước viễn ảnh ghê rợn của cái chết. Chàng và nàng đều mang án tử hình. Xà-lim1 của trại Hỏa Lò là nơi giam cả hai để rồi sau đó họ sẽ nhận cái tử án khi nó được thi hành. Trước đó, ở ngoài đời, họ không gặp nhau. Chính tại nơi đây, họ mới quen nhau, dù nam nữ bị nhốt riêng biệt. Nhưng mũi tên  của Thần ái-tình Cupidon đâu có ngại gì lớp song sắt phân chia nam nữ, đâu có sá gì bức tường chắn ngang phòng của chàng và của nàng!

      Nàng vốn bán tem phiếu ở cửa mậu dịch để kiếm sống. Tên hộ khẩu hàng xóm vốn ăn chạc, khám nhà nàng nhiều lần. Rồi hắn giở thói bờm sơm, khám khắp người nàng. Nàng chửi hắn, hắn đưa nàng ra phố đấu tố. Mẹ nàng dạy học cũng bị nhà trường lôi ra kiểm điểm. Nàng cố nén nhịn, nhưng tới khi chính quyền rúng ép nàng đi khai hoang ở vùng kinh tế, nàng dùng can xăng đốt chết cả nhà tên công an hộ khẩu kia.

      Còn chàng can tội  ‘‘đặt vòm’’ (tức là vào nhà hay vào kho để ăn trộm). Tội trạng đó chỉ đáng để chàng lãnh 10 năm tù là cùng. Khốn nỗi băng đảng chàng xông vào kho thuốc tây của Trung ương Đảng ở phố Đinh Liệt, gần hồ Hoàn Kiếm. Vậy là chàng lãnh án tử hình. Động cơ thúc đẩy chàng trộm cắp vì chàng mê say một cô ả trong quân đội. Cô ả thích chưng diện. Chàng cần có tiền để mua tặng các món quà sang trọng cho cô ta. Từ ngày chàng bị tù, cô ả lờ đi, không hề đến thăm viếng chàng. Thành tích phụng sự cách mạng của chàng kể  như bị phủi sạch. Chàng đi bộ đội hồi 17 tuổi, đánh Mỹ, đánh Trung Quốc, từng trải trên chiến trường hằng chục năm. Tới khi bị thương ở ngực, ở đùi thì chàng được giải ngũ.

      Mối tình giữa nàng bán tem phiếu và chàng cựu chiến binh có nhiều sắc thái : thơ mộng, đau thương, lại còn phảng phất mùi hương nhục cảm. Trong đêm khuya, chàng hát để nàng ở buồng trước mặt nghe Nhưng nàng không nghe nên chàng phải đập cửa buồng mình thình thình để gọi nàng. Sau đây là mẩu đối thoại của cặp tình nhân mang án tử hình: 
      --  Sao hôm nay  thức sớm thế, có ngủ được không?

       -- Em chỉ mơ mơ màng màng thôi. Lâu lắm rồi, không bao giờ ngủ ngon cả. Mà cũng chẳng cần ngủ. Rồi sẽ tha hồ mà ngủ!

       -- Anh đang ngồi! Còn em đang nằm hay ngồi?

       -- Em đang nằm.

       -- Nằm nghiêng hay nằm ngửa?

       -- Nằm nghiêng về phía bên ngoài.

       -- Cùm mà nằm nghiêng được à?

       -- Em gầy đi nhiều. Cổ chân nhỏ đi, có thể xoay người được.

       -- Em có thích sang với anh không?

       -- Vớ vẩn! Sang làm sao được? Chết đến nơi rồi, còn đùa!

       --  Anh không đùa. Anh hỏi nghiêm chỉnh là em có thích không?

       --  Ai mà chẳng thích! Giá chúng mình gặp nhau ở ngoài nhỉ!

       --  Em nói thế là anh thỏa lòng rồi. Cám ơn ông Trời đã cho anh chuyển sang đây gặp em, lại được nằm đối diện với buồng em.

       --  Anh cũng tin có Trời à?

       -- Nói thế thôi, chứ Trời đất gì! Đời toàn bịp bợm, đểu cáng, dối trá. Càng lương thiện, càng hiền lành, càng bị chúng nó bóp cổ đến phòi cả con ngươi mắt ra. Từ lâu rồi, anh chả tin ai cả. Cả Trời, cả đất, cả người. Chỉ riêng có em là anh tin thôi.

       -- Tại sao anh lại tin em?

       -- Ơ ờ... Cái này khó giải thích lắm. Lần đầu tiên chỉ thấp thoáng nhìn thấy hình dáng em khi em đi làm vệ sinh thôi, anh  đã thấy bồi hồi cả lòng. Nghe tiếng guốc em kéo lê ngoài hành lang, mòn mỏi, buồn nản, anh tự nhiên thấy thương cảm vô hạn. Rồi cái hôm trong giờ vệ sinh, lợi dụng lúc thằng quản giáo đấu hót với con y  tá, anh mở lỗ cửa gió buồng em. Nhìn thấy em xanh xao đang ngồi trên sàn chân trong cùm, thân gầy, tóc xõa ngang vai. Dù dưới ánh đèn vàng, vẻ mặt em rầu rầu, nhưng thanh tú lắm. Em hơi giật mình khi thấy anh. Em có đôi mắt quyến rũ lắm, hút dược cả hồn người! Nhìn vào mắt em, anh thấy xao động cả một trời mơ ước, một trời hạnh phúc. Rồi tối hôm đó, em tìm cách quăng dây sang buồng anh, cho anh đường, kẹo, bánh quy, kim, chỉ, tăm. Cả một hộp cao Sao vàng nữa. Từ khi thầy mẹ anh mất, đời anh chẳng được ai thương cảm chăm sóc như thế cả. Đêm ấy anh khóc rất nhiều. Anh yêu em từ buổi đó. Mà đã yêu thì phải tin nhau. Ngươi ta gọi  ‘‘tin yêu’’ mà lại.
(các trang 306, 307, 308)
      Nàng bán tem phiếu tin có Trời, tin ở duyên nợ với chàng từ kiếp trước. Nàng không cần thuyết phục chàng lâu vì chàng sực nhớ đêm trước, trong chiêm bao, chàng thấy cha mẹ chàng vui vẻ lắm, nói là sắp được đón chàng về với họ. Chàng hẹn kiếp sau sẽ chung sống với nàng. Cả hai sẽ đầu thai vào hẳn nước Mỹ để được sung sướng tấm thân, chứ không đầu thai ở nước Việt Nam khốn khổ, để rồi bị bức tử như ở kiếp này. Nàng cho rằng như vậy thì quá lâu. Nàng muốn linh hồn cả hai, sau khi họ chết, hẹn đến tình tự bên Hồ Tây. Chàng thì cho Hồ Tây sẽ bị bọn ‘‘thanh niên cờ đỏ’’ quấy rầy. Cho nên chàng chọn cảnh trăng nước trên đê  sông Hồng vì nơi đó có nhiều kỷ niệm đẹp khi chàng mười bốn, mười lăm tuổi.

      Mối tình trong những ngày còn lại của hai kẻ tử tù làm cho độc giả bồi hồi không xiết. Những câu thăm hỏi vớ vẩn nhưng cực kỳ âu yếm của họ, những dự tính của họ ở kiếp luân hồi, ở thế giới âm hồn bên kia cuộc sống làm chúng ta bàng hoàng, xao xuyến không nguôi. Cái thơ mộng của câu chuyện bảng lảng một đợt khói não nùng mỏng nhẹ làm cho chuyện tình thêm đẹp diệu kỳ!
      -- Thế  mà em không nghĩ ra! Hồi bé, gia đình em ở chỗ đó. Mẹ em đẻ em ở đó. Vào những đêm trăng sáng, chúng ta cứ gặp nhau ở đó. Có anh bên cạnh thì em thấy nơi nào cũng hạnh phúc. Ngay cả ở trong cái xà-lim bẩn thỉu, đang bị cùm kẹp như thế này.

      -- Anh cũng vậy, sao ý nghĩ chúng mình giống nhau quá nhỉ! Đúng là có duyên số, có Trời dung dủi cho anh trước khi chết được gặp em, được yêu em, được em yêu. Cứ tưởng tượng hai hồn ma chúng mình được ôm ấp quay cuồng lấy nhau, trong cảnh trăng nước sông Hồng dạt dào, mênh mông, anh sung sướng quá, không sợ chết nữa. Niềm tin và tình yêu mạnh hơn cái chết!
(trang  311)
      Cảnh trăng nước sông Hồng chỉ ở trong cõi mường tượng và trong dự định của hai kẻ yêu nhau sắp bị tử hình, nhưng cớ sao qua sự diễn tả của tác giả Nguyễn Chí Thiện, nó như hiện lồng lộng trước mặt chúng ta, sáng mãi trong góc tối tăm và sâu kín nhất trong nội giới chúng ta. Chắc những ai đó trong chúng ta sẽ có cảm tưởng mình sẽ không còn là chứng nhân nữa, cũng sẽ không còn là người dự khán trước cảnh âu yếm của hai hồn ma nữa. Có thể nam độc giả tưởng chừng mình hóa thân thành vong linh của chàng để được yêu nàng trong cõi chết; còn những nữ độc giả sẽ biến thành hương hồn của nàng để sống trong cảnh tình tự ái ân với hồn ma của chàng. Tình yêu trong Trăng nước sông Hồng dưới ngòi bút của Nguyễn Chí Thiện quá đặc thù, có một sức mạnh làm vỡ tung những lớp băng giá, những lớp nham thạch bọc kín những quả tim chúng ta, để chúng đập lên những nhịp sôi nổi và thành khẩn diệu kỳ.

      Chưa hết! Sức mạnh tình yêu của những kẻ biết mình sắp lìa bỏ cuộc đời trong lúc mình vẫn tha thiết yêu cuộc đời đưa đến các đương sự những ý nghĩ táo bạo. Chúng phá tung mọi quy ước, mọi lề thói, mọi nguyên tắc từ thời đại này sang thời đại khác đã từng đè nặng cuộc sống chúng ta, đè nặng nguyện vọng và bản năng của những kẻ đắm đuối với cuộc sống.
      -- ... Đêm qua nằm, anh nghĩ anh sẽ đề nghị với em là chúng mình trở thành vợ chồng. Nhưng chuyện động phòng là không thể được rồi. Anh chỉ muốn chúng mình ngắm thân thể của nhau. Nhưng cả hai cùng bị cùm cả thì làm thế nào đứng lên nhìn sang buồng được. Vì vậy anh mới lập mưu để hết giờ vệ sinh nó mới cùm chúng mình. Như thế, từ sáng mai, sau khi vệ sinh vào, anh sẽ đứng lên cùm nhìn sang buồng em. Đến lượt em, lại đứng lên cùm nhìn sang buồng anh. Như thế chưa đủ cao để nhìn được, em kê thêm cái chăn, cái bô. May mà giờ vệ sinh đèn lại chưa tắt. Nhớ phải cởi hết ra đấy!

      -- Được, anh cũng phải thế đấy. Nếu có cơ hội, anh mở lỗ cửa gió buồng em như hôm nọ. Em sẽ để môi ra cho anh hôn.

      -- Sáng kiến lắm! Anh sẽ hôn . Ơ... mà không phải hôn. Anh sẽ uống linh hồn em!

      -- Em cũng uống linh hồn anh. Cho hai linh hồn chúng mình hòa nhau là một.
(các trang 313, 314)
      Bản năng hưởng lạc, mộng ước được sống để ái ân không đáp ứng hoài bão của những kẻ yêu nhau gần bên cái chết là hai động cơ mãnh liệt thúc đẩy hai kẻ tử tù lao đến cái tuyệt đích nồng say mùi nhục cảm của tình yêu như thế. Bản năng của họ bị dồn đến chặng cuối nên phải bung vỡ ra, hiện lên trên bình diện của ý thức của họ. Bản chất của nó dù xấu (phản ảnh của nhục dục) hay dù tốt (chứng tỏ tình yêu thâm thúy và sôi nổi) cũng vẫn là bản năng tuyệt vời, làm cho tâm hồn người đọc dẫu khô khan như sa mạc cũng bắt đầu  được giăng mưa. Có nó hiện diện trong tác phẩm, độc giả  mới cảm thấy tâm hồn chàng tử tù hòa tan một cách tuyệt hảo vào tâm hồn người yêu của chàng; chàng và luôn cả nàng sẽ có hành trang mầu nhiệm để đi vào giấc ngủ thiên thu sắp tới. Cũng vậy, nàng luôn cả chàng sẽ có kỷ niệm kỳ diệu khắc sâu vào ấn tượng trong những ngày hoặc những giờ khắc còn lại của cuộc đời mình. Đây là một truyện tình đẹp kỳ dị, mà bản năng nhục cảm chẳng những không làm câu chuyện ô nhiễm mà trái lại, nó làm cho cuộc tình sắc đậm niềm gắn bó thiết tha giữa hai tâm hồn. Bản năng nhục cảm ấy như một chút muối bỏ vào nồi chè làm cái ngọt của chè đậm vị hẳn lên.

      Nhưng mà,  khi nàng dứt lời thì chàng bị tên quản giáo và toán công an lôi chàng ra ngoài chỗ hành quyết. Chàng gọi lớn, hứa đợi nàng trong cõi u linh, bên kia cánh cửa chết. Nàng tin tưởng mãnh liệt cả hai sắp được gặp nhau. Tuy rằng ước vọng cuối cùng được nhìn nhau qua con người không có mảnh vải che đậy lại bị nghiệp lực cản ngăn (nói theo thuyết nhà Phật) nên không thể hình thành, không thể thực hiện được. Nhưng chắc chắn độc giả dù là kẻ vô thần đi nữa, vẫn mong cả hai linh hồn kia sẽ thực hiện ước vọng cuối cùng của họ, và hơn thế nữa, độc giả còn mong họ sẽ nên vợ nên chồng ở kiếp lai sinh. Câu chuyện đâu phải chỉ chấm dứt ở câu hẹn ước của chàng. Nó sẽ kéo dài trong tâm tưởng độc giả cả trăm nghìn lần cuộc tái ngộ của hai kẻ tử tù sau cuộc sống, luôn ở cuộc thác sinh trong hậu kiếp nữa. Cái âm hưởng, cái dư vang câu truyện ngân nga hun hút và đồng vọng bất tuyệt trong tâm hồn nhạy cảm của chúng ta.
*
*  *
      Hỏa Lò là  một tác phẩm để tác giả của nó trồng trên mảnh đất bạo lực một vườn cây nhân ái xanh tươi, những khóm hoa tin yêu về tình người. Bút pháp lai láng cảm tính của Nguyễn Chí Thiện như những cơn mưa dồi dào tưới tẩm cho  vườn   ấy thêm sinh sôi nhiều cây mới, ngập tràn sinh lực. Và cho những khóm hoa ấy thịnh phóng thắm sắc nồng hương hơn. Chắc chắn trong năm đầu của tân niên kỷ, tác phẩm này thắp sáng văn đàn hải ngoài đang thời kỳ văn chương bắt đầu suy thoái, đang thời kỳ giới cầm bút bắt đầu chán ngán uể oải với tình trạng sách xuất bản thì nhiều mà giới tiêu thụ thì chẳng được bao nhiêu. Cho nên mạch sáng tác của đa số bị bế tắc một cách tức tưởi, thần trí sáng tạo của họ bị nhốt kín một cách oan uổng.

      Hỏa Lò còn cho chúng ta thấy một điều: Nguyễn Chí Thiện dù được sinh ra ở miền Bắc và được lớn lên trong Xã hội Chủ nghĩa, nhưng anh suy nghĩ và hành động trái ngược hẳn những gì mà chủ nghĩa ấy chủ trương: anh không tin chủ nghĩa tư bản hoàn toàn tồi tệ (qua bà nhà giàu Sài Gòn và Nữ thần đô-la trong Sương buồn ôm kín non sông). Anh cũng không tin rằng hàng ngũ quốc gia toàn là thứ ngụy quân ngụy quyền gian ác (trong Một lựa chọn). Anh vẫn là người duy tâm (qua nhà sư trong truyện Sương buồn ôm kín non sông). Và chẳng hiểu anh có tin việc luân hồi, việc đầu thai hay không nhưng trong truyện ngắn Trăng nước sông Hồng,  anh trân quý nguyện ước của hai kẻ tử thù khi họ hẹn nhau gặp gỡ ở kiếp lai sinh.

      Hỏa Lò không phải chỉ là tác phẩm đạt được ba yếu tố Chân, Thiện, Mỹ giao hưởng cùng nhau và soi gương cho nhau như nhà văn Doãn Quốc Sĩ đã nói, mà còn chứng tỏ tác giả là một người không có một hạt hồng huyết cầu Cộng Sản nào trong huyết quản của anh. Nó cũng chứng tỏ luôn rằng không một mầm mống Cộng Sản nào trà trộn trong ý nghĩ hay trong tư tưởng của tác giả dù mầm mống đó thiêm thiếp trong trạng thái tiềm sinh đi nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét