Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Bàn về sự lãnh đạo của Đảng & Nói thật về chủ nghĩa cộng sản

Bàn về sự lãnh đạo của Đảng

talawas
10.4.2006
Nguyễn Kiến Giang (*)
Bài này vốn không phải là bài viết sẵn. Sau lời phát biểu miệng tại hội thảo của Câu lạc bộ Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam ngày 20.2.1990, tôi được ông Hoàng Nguyên, chủ nhiệm CLB, đề nghị ghi lại tóm tắt để làm hồ sơ của CLB. Không ngờ bản ghi này lại được tạp chí Khoa học và Tổ quốc đăng trong số tháng Tư với bút danh Lương Dân. Một chuyện rắc rối đã xẩy ra. Anh Phạm Quế Dương, phụ trách biên tập của tạp chí, đã bị gọi tới cơ quan an ninh “làm việc”. Tôi đến tạp chí gặp anh và nói với anh: “Tôi là ngưòi viết bài này, nếu có chuyên rắc rối, xin ‘chia lửa’ với tạp chí”. Ý định khởi tố anh Phạm Quế Dương không thành, có lẽ người ta cân nhắc lại, thấy lợi bất cập hại. Nhưng tờ tạp chí mới ra đời này đã bị đình bản mười tháng trời…

Trong các cuộc thảo luận về đề cương Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng, một trong những vấn đề nổi lên hàng đầu là về vị trí của Đảng trong xã hội. Theo tôi, đó là vấn đề gốc, không giải quyết đúng vấn đề này thì không thể nói tới bất cứ một sự cải thiện đáng kể nào trong quan hệ của Đảng và nhân dân, cũng như không thể nói một cách nghiêm túc tới vấn đề chỉnh đốn bản thân Đảng. 
Lâu nay, trong nhận thức và trong thực tiễn mọi mặt đời sống xã hội, sự độc quyền lãnh đạo của Đảng được coi như một nguyên tắc căn bản, bất di bất dịch. Và ngay cả hiện nay, hầu như cũng không thấy ai đặt vấn đề thay thế vai trò lãnh đạo của Đảng bằng một đảng hay một tổ chức chính trị nào khác. Có lẽ không cần phải phân tích dài dòng về cái thực tế tích tụ từ dòng chảy đấu tranh giải phóng diễn ra trên đất nước ta từ hơn 60 năm nay ấy. Nó thường được nói lên bằng mấy tiếng đã trở thành thuộc lòng: sự độc quyền lãnh đạo của Đảng. 
Nhưng chính cách nói ấy bao hàm một sự nhận lầm lớn, nguy hại cho chính sự lãnh đạo của Đảng. Nói vắn tắt, sự nhận lầm ấy là ở chỗ biến sự độc quyền lãnh đạo của Đảng từ một sự lựa chọn lịch sử khách quan của nhân dân thành một sự áp đặt ý chí chủ quan của Đảng. 
Xin nói rõ hơn. Vào cuối những năm 20 – đầu những năm 30, trong các giai cấp xã hội ở nước ta, giai cấp vô sản tỏ ra có khả năng hơn cả về lãnh đạo đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội. Và người tiêu biểu cho giai cấp vô sản là Đảng cộng sản. Các chính Đảng tư sản dân tộc và tiểu tư sản lần lượt hoặc thỏa hiệp với kẻ thù, hoặc thất bại không gượng dậy nổi. Trong khi đó, Đảng cộng sản, bằng những chủ trương cách mạng triệt để, bằng những sách lược thích hợp và bằng cả tấm gương anh dũng hy sinh của mình, đã dần dần tập hợp được quần chúng nhân dân ngày càng đông đo dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội. Sự thật lịch sử ấy không thể nào bác bỏ được. Việc nhân dân hưởng ứng và nghe theo sự lãnh đạo của Đảng trong hơn một nửa thế kỷ qua là sự lựa chọn của nhân dân. Sự độc quyền lãnh đạo của Đảng trong cách mạng đã hình thành một cách khách quan như thế. 
Nhưng từ khi Đảng nắm được chính quyền một cách toàn vẹn, lúc đầu ở miền Bắc và sau đó trên cả nước, thì cách hiểu về độc quyền lãnh đạo của Đảng đã biến đổi về tính chất. Từ chỗ là một sự lựa chọn lịch sử khách quan, sự độc quyền lãnh đạo của Đảng dần dần được hiểu và được thực hiện thành sự thống trị tuyệt đối của Đảng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, có khi cả đời sống cá nhân, thành “Đảng trị” (partocratie), Đảng biến thành “Đảng – Nhà nước”, thành một thứ “siêu nhà nước”, có toàn quyền quyết định tất cả, từ những chủ trương lớn đến những biện pháp thực hiện nhỏ, và mọi người dân chỉ được phép nghĩ theo, nói theo và làm theo những quyết định của Đảng, có khi chỉ là của một cấp lãnh đạo, thậm chí của một cá nhân lãnh đạo nào đó. Mọi ý kiến khác với ý kiến những người lãnh đạo của Đảng bị coi là chống Đảng, mà chống Đảng cũng có nghĩa là chống Nhà nước, chống chế độ, chống cách mạng. Cho đến khi Đảng nhận ra được những sai lầm của mình (triệt để hay không triệt để) thì xã hội đã gánh chịu những hậu quả cay đắng, chưa nói tới một số người phải chịu đựng sự trừng phạt trái pháp luật mà đến nay vẫn chưa giũ bỏ dược hết số phận oan trái của mình. 
Khi đường lối, chủ trương của Đảng về cơ bản là đúng, khi đội ngũ đảng viên – tức là những người nhân danh Đảng để lãnh đạo các công dân khác một cách “toàn diện, triệt để” – về cơ bản còn lành mạnh, thì sự độc quyền lãnh đạo của Đảng đã có thể đem lại những hậu quả tiêu cực rồi (và trong thực tế, đã có những trường hợp như vậy). Huống hồ khi đường lối, chủ trương của Đảng không đúng, khi nó lại được những đảng viên thoái hóa, biến chất thực hiện, thì hậu quả thật không lường được. Mà hậu quả nặng nề nhất, tai hại nhất lại là hậu quả mất dần lòng dân mà Đảng phải gánh chịu. 
Ở đây, có một mối liên hệ biện chứng được thể hiện rất rõ trong mấy chục năm qua. Khi nào chính bản thân người dân tự mình thừa nhận sự độc quyền lãnh đạo của Đảng, thì khi đó, dù Đảng không tự xưng tên (chẳng hạn trong thời kỳ Việt Minh 1941-1945, hay trong thời kỳ chống Mỹ dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở miền Nam), người dân vẫn đi theo sự lãnh đạo của Đảng. Trong những trường hợp đó, Đảng có nấp dưới danh nghĩa gì đi nữa, người dân vẫn nhận ra Đảng là lãnh tụ chân chính của mình. 
Trái lại, khi Đảng áp đặt ý chí chủ quan của mình lên xã hội, biến độc quyền lãnh đạo thành sự thống trị tuyệt đối của Đảng, thì khi đó người dân dần dần xa cách, không còn tin vào Đảng như trước nữa, và sự độc quyền lãnh đạo của Đảng cũng mất di từ trong lòng dân, một cách khách quan. 
*
Sự thống trị tuyệt đối của Đảng thể hiện ở chỗ nào? Trước hết, ở những đặc quyền và ở sự độc chiếm của Đảng và các đảng viên. Tất cả các cơ quan dân cử, các cơ quan lãnh đạo và quản lý xã hội đều được cấu thành từ đảng viên (tất cả hoặc gần hết). Phải là đảng viên thì mới có thể giữ những chức vụ lãnh đạo và quản lý từ trên xuống dưới. Do đó, muốn hưởng những đặc quyền vật chất (lương bổng cao, phương tiện sinh hoạt tốt, v.v…), phải là đảng viên. Không phải tất cả những kẻ đặc quyền đặc lợi về vật chất hiện nay đều là đảng viên, nhưng phải nhận rằng tình trạng đặc quyền đặc lợi của đảng viên có chức quyền đang nêu gương xấu và tạo cớ cho những kẻ đặc quyền đặc lợi khác noi theo. Đặc quyền đặc lợi về vật chất, như đã thấy quá rõ, đang trở thành một thứ ung nhọt phá hủy cơ thể xã hội. 
Nhưng còn một thứ đặc quyền khác còn nguy hiểm hơn nhiều: đặc quyền tinh thần, độc quyền chân lý. Có thể tính tác hại của đặc quyền vật chất thành những số tiền của mất đi, nhưng không thể nào tính được tác hại của đặc quyền tinh thần của độc quyền chân lý bằng những thước đo sờ thấy. Mà tác hại của thứ đặc quyền này đối với xã hội thì thật ghê gớm. Một chủ trương phiêu lưu về đối nội và đối ngoại có thể bắt xã hội trả giá nặng nề, làm chậm sự phát triển xã hội hàng thập kỷ. Một chủ trương sai, một quan diểm sai dẫn tới chỗ đánh thẳng vào những di sản tốt đẹp của quá khứ, làm cho đời sống hiện tại xuống cấp và phá hoại cả niềm tin của con người vào tương lai, nhiều thế hệ liền phải gánh chịu hậu quả không dễ gì xóa bỏ được. 
Và bây giờ, nếu những đặc quyền vật chất ít ra đã bị dần dần hạn chế về mặt công khai, thì đặc quyền tinh thần, độc quyền chân lý vẫn tồn tại dai dẳng, nhân danh lợi ích của đất nước, của chủ nghĩa xã hội, của nhân dân. 
Vì vậy, để bảo đảm cho nhân dân thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng (sự độc quyền lãnh đạo của Đảng xét về mặt khách quan), thì không có gì hay hơn bằng việc thủ tiêu càng sớm càng tốt, càng triệt để càng tốt những đặc quyền của Đảng đối với xã hội. Và một lần nữa, không chỉ thủ tiêu những đặc quyền vật chất, mà quan trọng hơn cả, là thủ tiêu đặc quyền tinh thần, độc quyền chân lý. 
(Tất nhiên, xã hội vẫn có thể có và cần có những ưu đãi vật chất nào đó đối với những loại lao động đặc biệt có hiệu quả xã hội cao, đối với những bộ phận dân cư chưa đến tuổi lao động hoặc đã mất sức lao động…, nhưng đó không phải là đặc quyền và càng không phải là đặc quyền dành riêng cho đảng viên của Đảng cầm quyền. Cũng tất nhiên, khi những chủ trương của Đảng cầm quyền được các cơ quan đại biểu nhân dân bầu ra một cách thật sự dân chủ chấp nhận và biến thành luật pháp, thì mọi công dân đều phải tuân theo). 
Sự lãnh đạo của Đảng chỉ được thừa nhận một cách tự nguyện và đầy đủ khi Đảng thật sự là lãnh tụ trí tuệ (tập hợp được trí tuệ của toàn xã hội), là lãnh tụ chính trị (đưa ra được những đường lối chính sách đúng đắn) và là lãnh tụ đạo đức (nêu gương đời sống lành mạnh) của xã hội. Và làm được như vậy, chắc chắn không có một lực lượng chính trị nào có thể giành mất vai trò lãnh đạo của Đảng. 
Từ những phân tích trên đây, xin có mấy kiến nghị cụ thể: 
  • Xóa bỏ điều 4 trong hiến pháp qui định về mặt pháp lý vai trò lãnh đạo của Đảng trong xã hội, để cho các tổ chức Đảng và đảng viên không thể dựa vào ưu thế pháp lý của mình trong sự lãnh đạo, và sự lãnh đạo của Đảng chỉ dựa vào phương pháp thuyết phục. Tất cả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng không mang tính chất bắt buộc đối với các công dân về mặt pháp lý (trừ những trường hợp đã biến thành luật); 
  • Đảng không độc chiếm các cơ quan dân cử, các cơ quan lãnh đạo và quản lý xã hội; chỉ dành một tỉ lệ không quá 50% thành phần các cơ quan này cho đảng viên, như vậy sẽ tập hợp được những người ngoài Đảng ưu tú vào công việc quản lý đất nước; 
  • Ban lãnh đạo các cấp, kể cả trung ương, tiến hành những cuộc đối thoại bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau với những người tiêu biểu cho các xu hướng khác nhau trong xã hội, cả với những người có ý kiến ngược với ý kiến của Đảng, không định kiến, không trù dập; 
  • Tiến hành những cuộc tranh luận công khai trên báo chí về các vấn đề quốc kế dân sinh, không hạn chế tự do tư tưởng, chỉ với điều kiện không trái với hiến pháp và luật pháp được xây dựng thật sự dân chủ; 
  • Các cơ quan thuộc bộ máy Đảng không được trực tiếp chỉ huy điều hành của những cơ quan, những tổ chức không thuộc hệ thống tổ chức của Đảng (cụ thể: ban tuyên huấn không trực tiếp chỉ huy báo chí, ban tổ chức không được trực tiếp quyết định công việc nhân sự…). 
  • Cuối cùng, giải quyết tất cả những vụ án oan về tư tưởng và chính trị trước đây, sòng phẳng với những sai lầm của Đảng trong quá khứ; thật sự khôi phục đầy đủ các quyền công dân cho người bị oan ức; thực hiện hòa hợp dân tộc một cách chân thành. 
Tóm lại, Đảng lãnh đạo xã hội nhưng không đứng trên xã hội và chịu sự kiểm soát của xã hội. 

* Xem: - Nguyễn Kiến Giang (Wikipedia). - Học giả Nguyễn Kiến Giang (Đàn chim Việt).

Nói thật về chủ nghĩa cộng sản

Phạm Nguyên Trường dịch


Trong thời gian ở thăm Latvia, ông Lee Edwards, chủ tịch Quỹ tưởng niệm các nạn chân của chủ nghĩa cộng sản, đã dành cho tờ Latvijas Avizeb buổi phỏng vấn dưới đây. Xin nói thêm rằng tổ chức The Victims of Communism Memorial Foundation (Quỹ tưởng niệm các nạn chân của chủ nghĩa cộng sản), do ông lãnh đạo, đang quyên góp tiền để dựng ở Washington đài tưởng niệm các nạn nhân của ý thức hệ cộng sản.



- Các ông có ý định xây dựng một đài tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản ở Washington. Tại sao hiện nay đây là công việc quan trọng?
- Chúng ta có thể nói đến 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới. Đây là số liệu từ tác phẩm của sáu nhà trí thức Pháp, có tên là Chúa trời đã thua, do nhà xuất bản của Đại học Harvard ấn hành. Bức tường Berlin sụp đổ cách đây 20 năm, nhiều người nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản đã bị đánh bại, và chúng ta có thể chắc chắn rằng nó sẽ không bao giờ quay trở lại nữa. Nhưng, không được quên các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản. Năm 2007, chúng tôi đã khánh thành bức tượng tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản tại Washington. Đây là hình ảnh của Nữ thần dân chủ - một bức tượng như thế đã từng đứng ở quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Chúng tôi đã tạo ra một bảo tàng ảo về các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, và vừa mới đây đã viết xong cuốn sách giáo khoa cho các trường trung học. Quỹ tưởng niệm các nạn chân của chủ nghĩa cộng sản đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu di sản, nghiên cứu quá khứ, hiện tại và giáo dục. Trên thế giới vẫn còn năm nước cộng sản, và sự áp bức của các chế độ này cũng vẫn khốc liệt như trước đây. Về bức tượng, phải nói rằng hàng năm các nhà ngoại giao của nhiều nước vẫn đến thăm, cả những người đã từng là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản như người Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên và Cuba nữa. Luật về tổ chức của chúng tôi được thông qua dưới trào của tổng thống Dân chủ, Bill Clinton; còn tượng đài khánh thành khi tổng thống là người thuộc đảng Cộng hòa, George Walker Bush, nắm quyền. Một cách nữa để chúng ta tưởng nhớ đến tác hại của chủ nghĩa cộng sản là huy chương Truman – Reagan, tặng cho những người có thành tích trong sự nghiệp chống cộng. Tên của huy chương có ý nghĩa biểu tượng vì chiến tranh lạnh bắt đầu dưới trào đảng viên Dân chủ Harry Truman, còn Ronald Reagan, đảng viên Cộng hòa, đã làm được rất nhiều trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản. Giải được trao lần đầu tiên năm 1999, và một trong những người nhận đầu tiên là nhà lãnh đạo phong trào Sąjūdis, đòi độc lập cho Litva, là ông Vytautas Landsbergis.

- Điều gì làm cho các nước vùng Baltic trở thành đặc biệt, nhất là trong bối cảnh của quá khứ cộng sản?
- Hoa Kỳ đã có mối liên hệ đặc biệt với các nước vùng Baltic, khi Liên Xô chiếm những nước này, chúng tôi không công nhận việc chiếm đóng và sáp nhập đó. Chính phủ Mỹ đã đưa ra tuyên bố, gọi là tuyên bố Sumner Welles. Trong bảo tàng, chúng tôi phải nói với mọi người những câu chuyện dễ hiểu, và đối với các nước vùng Baltic thì đấy là phong trào Cách mạng hát và Con đường Baltic. Tôi đã đến thăm Bảo tàng Chiếm đóng ở Riga -  Ông Nollendorfs đã làm được một công việc tuyệt vời và chúng tôi cũng sẽ làm như vậy, chúng tôi được bảo tàng của các bạn khích lệ rất nhiều. Sẽ có những cuộc triển lãm dành cho từng nước, thí dụ như Nga, Trung Quốc, sẽ một cuộc triển lãm đặc biệt dành cho các nước vùng Baltic. Ngoài ra còn có một phòng dành tưởng niệm những anh hùng chống cộng nữa. Chúng tôi có thể dựng trong bảo tàng một trại tù (Gulag) với những chiếc giường gỗ, và khi có người vào thì nhiệt độ sẽ tự động giảm xuống. Chúng tôi muốn trưng bày cả những toa tầu dùng để trục xuất người tới Siberia. Chúng tôi cũng muốn đặt một tháp canh như trên Bức tường Berlin nữa.

- Xây bảo tàng như vậy thì cần bao nhiêu tiền và kiếm ở đâu?
- Theo luật pháp Hoa Kỳ, chúng ta không thể yêu cầu nhà nước tài trợ cho đài tưởng niệm đó. Đài tưởng niệm các nạn nhân của vụ diệt chủng người Do Thái (Holocaust) ở Washington cũng được xây dựng bằng nguồn vốn tư nhân. Vì vậy, chúng tôi hy vọng sẽ được các tổ chức xã hội hỗ trợ. Có thể chúng tôi sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ hỗ trợ địa điểm đặt đài tưởng niệm, cũng như thu hút tài trợ từ nước ngoài. Hungary đã trích ra một triệu, chúng tôi sẽ sử dụng để tạo ra một nhóm công tác và cho chiến dịch quyên góp. Cần tổng cộng 100 triệu USD, một nửa làm bảo tàng, một nửa cho tổ chức làm công việc giáo dục. Mục tiêu của chúng tôi là bắt đầu xây dựng vào năm 2017, kỷ niệm 100 năm cuộc Cách mạng Bolshevik ở Nga.


- Khổ đau có thể được đo không chỉ bằng số nạn nhân, mà còn có thể đo bằng kinh tế và xã hội ...
- Chủ nghĩa cộng sản là ngụy khoa học, được ngụy trang như một hệ thống kinh tế và được thực hiện bằng lực lượng võ trang. Nó được xây dựng trên nền cát ướt. Chủ nghĩa cộng sản đã gây ra những hậu quả về chính trị, kinh tế và chiến lược. Không có cộng sản thì chúng tôi đã không có các cuộc chiến tranh Việt Nam và Triều Tiên rồi. Nếu năm 1939 không có Hiệp ước Molotov- Ribbentrop thì đã không có Chiến tranh thế giới II. Chúng ta đang chứng kiến hậu quả kinh tế trong các nước vùng Baltic và Trung Âu - họ đã bị chủ nghĩa cộng sản hành hạ suốt mấy thập kỉ. Trong khi đó, Tây Âu kinh tế phát triển tốt hơn. Tất cả những người sống trong thế kỷ XX đều khổ vì chủ nghĩa cộng sản, và chúng ta phải dạy cho mọi người như thế.

 - Tại Latvia, các nhà khoa học đã tính được những thiệt hại do Liên Xô gây ra trong thời kì chiếm đóng. Có nên yêu cầu Nga bồi thường không?
- Tôi không bình luận về công việc nội bộ của Latvia, đây là vấn đề của nền chính trị địa phương.
- Có thể coi chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản là như nhau không?
- Holocaust là độc ác nhất. Chủ nghĩa cộng sản - cũng ác, nhưng chủ nghĩa phát xít là sự độc ác đặc biệt, không thể nào diễn tả nổi. Tôi xin lưu ý rằng Nghị viện châu Âu đã chuẩn bị một nghị quyết bày tỏ quan điểm chính trị cả về chủ nghĩa phát xít lẫn chủ nghĩa cộng sản.

 - Ở Latvia, giáo viên các trường dành cho học sinh nói tiếng Nga đưa trẻ em đến cái gọi là Tượng đài Chiến thắng và kể cho chúng nghe phiên bản của mình về lịch sử. Giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Trong chế độ dân chủ, không thể cấm người khác nói; nhưng cùng với quyền nói, còn có trách nhiệm nói sự thật nữa. Bộ Giáo dục, Bộ Quốc phòng và các giáo viên phải làm chuyện này. Nói rằng Latvia tự nguyện tham gia Liên Xô là không đúng. Những thứ tôi nhìn thấy trong bảo tàng chiếm đóng là đúng.
- Người Mỹ đương đại theo ông là như thế nào, họ có hiểu về chủ nghĩa cộng sản và di sản của hệ tư tưởng của nó không?
- Không phải tất cả người Mỹ đều biết chuyện đó. Khi chúng tôi viết sách cho nhà trường, bao gồm chủ nghĩa cộng sản của Marx, Mao và cho đến ngày nay, chúng tôi gửi cho giáo viên khắp cả nước. Họ cảm thấy thú vị. Cần dạy không chỉ học sinh về những vấn đề của chủ nghĩa cộng sản, mà còn phải dạy cả giáo viên nữa. 

 - Ông cho rằng ai là những người anh hùng trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản?
- Đó là Vaclav Havel, Lech Walesa, Andrei Sakharov, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II – đấy là bốn chiến sĩ tuyệt vời, nhưng còn nhiều người khác nữa.
- Việc bổ nhiệm Karol Wojtyla làm Giáo Hoàng có phải là bước đi mang tính chiến thuật của Vatican trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản hay không?
- Ngài là một linh mục và hồng y sống dưới chế độ cộng sản, và đã trải nghiệm tất cả ngay trên cơ thể của mình. Chuyến đi đầu tiên của Ngài tới Ba Lan sau khi trở thành Giáo Hoàng là có tính biểu tượng, trong thời gian đó Ngài nhấn mạnh: “Đừng sợ.” Câu nói đó đã khuyến khích mọi người, phong trào “Đoàn kết” được thành lập. Ba Lan trở thành tấm gương. Âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho thấy ảnh hưởng chính trị của Ngài lớn đến mức nào.
 - Thách thức đối với chủ nghĩa cộng sản hiện nay là gì?
- Cho đến nay, còn năm nước cộng sản. Với bốn nước là Lào, Việt Nam, Trung Quốc và Cuba, chúng ta có thể làm việc: nói về vi phạm nhân quyền và áp dụng những biện pháp trừng phạt kinh tế. Có thể trao giải thưởng cho các nhà hoạt động. Bắc Triều Tiên là chuyện khác, đấy là nhà nước toàn trị tách biệt hẳn với thế giới. Thách thức lớn nhất hiện nay là giáo dục. Nhờ công nghệ hiện đại, nói sự thật dễ dàng hơn trước rất nhiều. Trang web của chúng tôi có hàng ngàn người đọc, trong đó có người Trung Quốc, người Việt Nam và người Cuba. Ngay cả Trung Quốc, với 80 triệu đảng viên, cũng không thể có ảnh hưởng tới toàn bộ dân số là 1,3 tỷ người. Tự do sẽ vượt qua tất cả.

Cuộc trò chuyện do nhà báo Ģirts Vikmanis thực hiện

Dịch qua bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://inosmi.ru/sngbaltia/20131030/214334805.html

Robert Nozick - Vì sao các nhà trí thức phản đối chủ nghĩa tư bản?

Phạm Nguyên Trường dịch
Lời người dịch: Mọi người đều biết rằng các nhà tri thức trên khắp thế giới là một trong số những người chống chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường quyết liệt nhất và kiên trì nhất. Các nhà văn, nhà báo, các giáo sư đại học theo đường lối tả khuynh ở đâu cũng có tỉ lệ rất cao. Robert Nozick, một trong những người cổ vũ cho chủ nghĩa tự do nổi bật nhất cho rằng nguyên nhân nằm ở hệ thống giáo dục của nhà trường hiện đại: tạo ra trong các nhà tri thức muốn biến thế giới thành một lớp học cho tất cả mọi người.


Đáng ngạc nhiên là nhiều trí thức lại có thái độ phản đối chủ nghĩa tư bản đến như vậy. Các nhóm kinh tế-xã hội khác không có thái độ phản đối đến như thế. Như vậy là, về mặt thống kê,  trí thức là những người bất thường.
Không phải tất cả trí thức đều là “tả khuynh”.  Tương tự như các nhóm khác, ý kiến ​​của họ phân bố trên toàn bộ đường đồ thị. Nhưng ý kiến của các nhà trí thức ngả về và nghiêng về phía tả khuynh nhiều hơn.
Với từ trí thức, tôi không có ý nói tất cả những nhà khoa bảng hoặc những người có trình độ học vấn nhất định nào đó, mà muốn nói tới những người, trong khi hành nghề, thường phải làm việc với những ý tưởng được thể hiện bằng lời nói, tạo ra dòng chảy ngôn từ mà những người khác phải đọc, phải nghe. Những người “thợ rèn chữ” đó gồm các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học, các nhà báo, và các thày giáo, các giáo sư. Số này không bao gồm những người sản xuất và truyền tải thông tin đã lượng hóa và toán học hóa (các “thợ rèn số”) hoặc những người làm việc với phương tiện nghe nhìn như họa sĩ, điêu khắc gia, quay phim. Khác với các “thợ rèn chữ”, tỉ lệ những người chống lại chủ nghĩa tư bản làm trong các ngành này không cao như thế. Các “thợ rèn chữ” tập trung ở những khu vực nghề nghiệp nhất định: Các viện và học viện, các phương tiện truyền thông, bộ máy hành chính của chính phủ.
Trong xã hội tư bản các “thợ rèn chữ” hoàn toàn an tâm: họ có quyền tự do đưa ra, tiếp nhận, và tuyên truyền những ý tưởng mới, có quyền tự do đọc và thảo luận những ý tưởng này. Kỹ năng của họ được trọng dụng, thu nhập của họ cao hơn mức trung bình. Tại sao não trạng bài tư bản trong số những người này lại cao như thế? Hơn nữa, một số dữ liệu cho thấy người trí thức càng giàu có và thành công thì ông ta càng dễ có thái độ phản đối chủ nghĩa tư bản hơn. Não trạng bài tư bản thường xuất phát từ “nhóm đối lập tả khuynh”, nhưng không chỉ có thế. Yeats, Eliot và Pound phản đối xã hội thị trường từ lập trường của cánh hữu.
Sự chống đối chủ nghĩa tư bản của các “thợ rèn chữ” có ý nghĩa xã hội không nhỏ. Chính họ là những người tạo ra ý tưởng và hình ảnh của chúng ta về xã hội, họ đưa ra các chính sách cho bộ máy quản lí lựa chọn. Họ cung cấp cho chúng ta câu chữ để thể hiện, từ tác phẩm chuyên đến khẩu hiệu. Vì vậy mà sự phản đối của họ có tầm quan trọng, nhất là trong một xã hội ngày càng phụ thuộc vào việc hình thành và phổ biến thông tin một cách minh bạch.
Chúng ta có thể thấy hai cách giải thích vì sao nhiều trí thức phản đối chủ nghĩa tư bản. Cách thứ nhất liên quan tới tác nhân đặc thù của các nhà trí thức có thái độ bài tư bản. Loại thứ hai liên quan tới tất cả các nhà trí thức, tức là lực thúc đẩy họ ngả sang quan điểm bài tư bản. Nó có đẩy một người trí thức cụ thể sang phía bài tư bản hay không còn phụ thuộc vào các lực lượng khác đang có ảnh hưởng đối với anh ta. Nhưng, gộp lại, vì nó làm cho thái độ bài tư bản của trí thức cao thêm, kết quả là tác nhân này sẽ tạo ra tỉ lệ cao các nhà trí thức có thái độ bài tư bản. Lời giải thích của chúng tôi sẽ thuộc loại thứ hai. Chúng tôi sẽ xác định nhân tố đẩy người trí thức sang lập trường bài tư bản, nhưng không đảm bảo rằng có thể áp dụng nó cho từng trường hợp cụ thể.
Giá trị của của người trí thức

Hiện nay, các nhà trí thức luôn nghĩ rằng họ là những người có giá trị nhất trong xã hội, là những người có uy tín và quyền lực cao nhất, những người được tưởng thưởng lớn nhất. Người trí thức cho rằng họ có quyền như thế. Nhưng, nói chung, xã hội tư bản không tôn vinh những người trí thức của nó. Ludwig von Mises giải thích thái độ bất bình đặc biệt của giới trí thức - khác với người công nhân – là họ giao thiệp với các nhà tư sản thành công và do đó họ lấy những người đó ra so sánh và cảm thấy nhục nhã khi thấy tình trạng thấp kém hơn của mình. Nhưng, ngay cả những người trí thức không giao tiếp với các nhà tư sản cũng cảm thấy bực bội như thế, chỉ giao tiếp không thì chưa đủ, những người dạy các môn thể thao và dạy múa cho những người giàu có và làm việc với họ không phải là những người bài tư bản nổi bật.
Thế thì tại sao các trí thức hiện nay cảm thấy có quyền được hưởng những phần thưởng cao nhất của xã hội và bất mãn khi họ không nhận được sự tưởng thưởng như thế? Người trí thức cho rằng họ là những người có giá trị nhất, là những người có công nhất, và xã hội nên tưởng thưởng cho mọi người phù hợp với giá trị và công lao của họ. Nhưng xã hội tư bản không làm theo nguyên tắc phân phối “hưởng theo giá trị hay công lao”. Ngoài quà tặng, tài sản thừa kế, và tiền nhận được từ cờ bạc, vẫn thường xảy ra trong một xã hội tự do; thị trường trả công cho những người đáp ứng nhu cầu của người khác được thể hiện trên thương trường, và tiền công phụ thuộc vào nhu cầu và nguồn cung thay thế lớn đến mức nào. Các doanh nhân và người lao động thất bại không có thái độ thù địch đối với hệ thống tư bản như các trí thức-“thợ rèn chữ”. Chính cảm giác về giá trị vượt trội nhưng không được công nhận của mình, quyền của mình bị phản bội, mới tạo ra thái độ thù nghịch như thế.
Tại sao các trí thức-“thợ rèn chữ” cho rằng họ là những người có giá trị nhất, và tại sao họ lại cho rằng phải phân phối theo giá trị? Xin lưu ý: nguyên tắc này không phải là tất yếu. Có những mô hình phân phối khác đã được đề xuất, trong đó có phân phối cào bằng, phân phối theo đức hạnh, phân phối theo nhu cầu. Nói cho ngay, thậm chí một xã hội quan tâm tới công bằng cũng không cần đặt ra mục tiêu là phải có một mô hình phân phối. Công bằng trong phân phối có thể nằm trong quá trình trao đổi tự nguyện của cải kiếm được và dịch vụ được thực hiện một cách công chính. Dù kết quả của quá trình đó có như thế nào thì đấy cũng là kết quả công bằng, nhưng kết quả không cần phải phù hợp với bất kì mô hình cụ thể nào. Thế thì tại sao các “thợ rèn chữ” lại coi mình là những người có giá trị nhất và chấp nhận nguyên tắc phân phối theo giá trị?
Ngay từ khi tư tưởng được ghi chép lại, người trí thức đã nói với chúng ta rằng công việc của họ là có giá trị nhất. Plato đánh giá khả năng suy luận cao hơn lòng can đảm và sự khát khao và cho rằng triết gia phải cai trị; Aristotle cho rằng chiêm nghiệm bằng trí tuệ là hoạt động cao cả nhất. Không có gì ngạc nhiên là trong những văn bản còn lại đến thời nay có những đánh giá cao như thế về hoạt động trí tuệ. Nói cho cùng, những người đưa ra đánh giá, những người ghi chép lại lý do ủng hộ những đánh giá như thế đều là trí thức cả. Họ tự ca ngợi mình. Những người đánh giá những việc khác cao hơn tư duy bằng ngôn từ, dù đấy có là săn bắn, quyền lực hay thú vui xác thịt quanh năm suốt tháng, không bận tâm đến việc ghi chép lại quan điểm của mình cho hậu thế. Chỉ có các nhà trí thức mới làm ra lý thuyết về việc ai là người cao quý nhất mà thôi.

Cái học của người trí thức

Tác nhân nào làm cho một số trí thức có cảm giác rằng mình có giá trị cao hơn? Tôi muốn tập trung vào một thiết chế cụ thể: trường học. Khi kiến thức sách vở ngày càng trở nên quan trọng, việc học tập – thế hệ trẻ cùng nhau học đọc và học kiến thức sách vở trong nhà trường – trở thành hiện tượng phổ biến. Bên cạnh gia đình, trường học trở thành tổ chức quan trọng nhằm định hình thái độ của thế hệ trẻ, và hầu như tất cả những người sau này trở thành nhà trí thức đều đã từng học tập ở trường. Họ là những người có thành tích trong học tập. Người ta đem họ ra so sánh với những người khác và được coi là giỏi hơn. Họ được khen ngợi và được tưởng thưởng, họ là trò cưng của các giáo viên. Làm sao họ lại có thể coi mình không phải là những người ưu việt cho được? Lúc nào họ cũng cảm thấy sự khác biệt trong việc xứ lí các ý tưởng, trong việc mình có khả năng tư duy nhanh nhạy hơn. Nhà trường nói với họ và chỉ cho họ thấy rằng họ là những người giỏi hơn.
Nhà trường còn thể hiện và qua đó dạy cho học sinh nguyên tắc khen thưởng theo phẩm chất (trí tuệ). Những người có phẩm chất trí tuệ cao được khen ngợi, được giáo viên yêu, và được điểm cao nhất. Theo đánh giá của nhà trường, các học trò thông minh nhất tạo ra tầng lớp thượng lưu. Dù không nằm trong chương trình giảng dạy chính thức, nhưng các nhà trí thức đã học được trong nhà trường bài học rằng họ có giá trị cao hơn những người khác, và giá trị cao đó cho họ quyền được tưởng thưởng cao hơn.
Nhưng xã hội thị trường rộng lớn hơn ngoài kia lại dạy cho người ta bài học khác. Ở đấy, những phần thưởng lớn nhất không thuộc về những người nói tài nhất. Ở đấy, các kỹ năng trí tuệ không được đánh giá cao nhất. Đã học được rằng họ là những người có giá trị nhất, xứng đáng được tưởng thưởng nhất, có quyền được tưởng thưởng nhất, làm sao phần đông các nhà trí thức không tức giận xã hội tư bản, một xã hội đã tước đoạt những thứ họ xứng đáng được hưởng, những thứ mà ưu thế của họ đã cho họ “quyền” được hưởng? Đáng ngạc nhiên là thái độ thù nghịch sâu cay và buồn nản của các nhà trí thức đối với xã hội tư bản - dù được che đậy dưới nhiều lý do thích hợp, thường được họ trình bày một cách công khai – vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi những lý do cụ thể đó được chứng minh là không đúng?
Nói rằng trí thức cảm thấy có quyền nhận những phần thưởng cao nhất mà xã hội nói chung có thể cung cấp (tài sản, địa vị…), tôi không có ý cho là trí thức coi những phần thưởng đó là hàng hóa có giá trị cao nhất. Có thể các nhà khoa bảng đánh giá niềm vui mà hoạt động trí tuệ mang lại cho mình hay sự kính trọng của các thế hệ sau cao hơn những phần thưởng kia. Tuy nhiên, họ cũng cảm thấy có quyền được xã hội nói chung đánh giá cao nhất – cao nhất mà xã hội có thể - mặc dù họ có thể coi phần thưởng cao nhất đó là không đáng kể. Tôi không có ý nhấn mạnh những phần thưởng sẽ chui vào hầu bao của người trí thức hay thậm chí tôn trọng cá nhân họ. Tự coi mình là trí thức, sự kiện là hoạt động trí tuệ không được đánh giá và tưởng thưởng cao nhất đã làm họ bực bội rồi.
Các nhà khoa bảng muốn toàn bộ xã hội trở thành một trường học, tương tự như môi trường nơi họ đã thành công đến mức ấy và được đánh giá cao đến mức ấy. Áp dụng những tiêu chuẩn tưởng thưởng khác với những tiêu chuẩn trong xã hội, nhà trường chắc chắn sẽ làm cho một số người sau này cảm thấy mất giá. Những người ở những vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng của nhà trường sẽ cho rằng mình có quyền giữ vị trí hàng đầu - không chỉ trong cái xã hội nhỏ bé đó mà còn có vị trí cao nhất trong xã hội rộng hơn. Những người đó sẽ căm thù cái xã hội không cư xử với mình theo đúng ước vọng và quyền mà họ tự gán cho mình. Như vậy là, hệ thống trường học tạo ra não trạng bài tư bản trong giới trí thức. Chính xác hơn, nó tạo ra não trạng bài tư bản trong giới trí thức làm việc với ngôn từ. Tại sao các “thợ rèn số” không có thái độ như các “thợ rèn chữ”? Tôi ngờ rằng những đứa trẻ sáng dạ trong tính toán - dù cũng được điểm cao trong các kỳ thi - không được thày giáo chú ý và ưu ái bằng những em nói tài. Chính khả năng giao tiếp đó mang lại cho các em phần thưởng của thày giáo, và rõ ràng là chính những phần thưởng này đã tạo ra cảm giác ưu trội của mình.

Kế hoạch hóa tập trung trong lớp học

Còn một điểm nữa cần nói thêm. Các nhà trí thức-“thợ rèn chữ” (trong tương lai) thường thành công trong hệ thống trường học chính thức, nơi những phần thưởng liên quan là do các “cơ quan quyền lực” của các giáo viên phân phát. Nhưng trong trường còn có hệ thống xã hội phi chính thức trong lớp học, ngoài hành lang, và trên sân trường, nơi phần thưởng được phân phối không theo chỉ đạo của cấp trên mà phân phối một cách tự phát, theo ý thích của các đồng môn. Ở đây các nhà trí thức không thành công đến như thế.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên là, phân phối hàng hóa và phần thưởng thông qua một cơ chế do trung ương tổ chức được các nhà trí thức coi là thích hợp hơn là “tình trạng vô chính phủ và hỗn loạn” của thương trường. Phân phối trong khuôn khổ hệ thống xã hội xã hội chủ nghĩa kế hoạch tập trung so với phân phối trong một xã hội tư bản chủ nghĩa cũng tương tự như phân phối bởi các giáo viên so với phân phối trên sân trường và ngoài hành lang.
Giải thích của chúng tôi không nói các nhà trí thức (tương lai) chiếm đa số ngay trong tầng lớp thượng lưu của trường. Nhóm này có thể bao gồm phần lớn là những người có kết quả học tập nổi bật (nhưng không phải là áp đảo) và biết cách cư xử đúng mực, thích làm người khác hài lòng, có thái độ thân thiện, đắc nhân tâm, và biết chơi bằng (và tuân theo) quy tắc. Những học sinh như vậy cũng sẽ được giáo viên đánh giá cao và khen thưởng và họ cũng sẽ rất thành công trong xã hội. (Và thành công trong hệ thống xã hội phi chính thức của trường. Cho nên không thể nói những người này có thái độ đặc biệt đối với các tiêu chuẩn của hệ thống chính thức của trường.) Giải thích của chúng tôi giả định rằng các nhà trí thức (tương lai) phân bố một cách bất cân xứng trong nhóm thượng lưu (chính thức) của trường, trong tương lai chính những người này sẽ cảm thấy mất giá. Hay nói đúng hơn, họ ở trong nhóm có thể dự đoán trước được tương lai như thế của chính mình. Thái độ thù nghịch sẽ phát sinh trước khi họ bước vào thế giới rộng lớn hơn và trải nghiệm sự suy giảm địa vị xã hội thực sự, đấy là lúc người học trò thông minh nhận ra rằng trong xã hội rộng lớn hơn anh ta (có thể) sẽ không thành công bằng giai đoạn học tập hiện nay. Hậu quả không dự định trước như thế của nhà trường – não trạng bài tư bản - tất nhiên, sẽ gia tăng khi học sinh đọc sách của/được giảng dạy bởi các trí thức có thái độ bài tư bản quyết liệt.
Chắc chắn là, có một số trí thức-“thợ rèn chữ” khó tính và đấy là những học trò hay thắc mắc và vì vậy mà bị giáo viên không ưa. Họ có học được bài học rằng người giỏi nhất sẽ được phần thưởng cao nhất và có nghĩ rằng - mặc kệ thái độ của các thày giáo của họ - mình chính là những người giỏi nhất và bắt đầu ghét hệ thống phân phối của trường học ngay từ thuở đầu đời hay không? Rõ ràng là, để trả lời vấn đề này và những vấn đề khác được đặt ta ở đây, để kiểm tra và chau truốt giả thuyết mà chúng tôi đưa ra, cần phải có dữ liệu về trải nghiệm trong nhà trường của các tri thức-“thợ rèn chữ” tương lai.
Nói chung, hầu như sẽ ít người phản đối khi nói rằng các quy tắc trong trường học sẽ có ảnh hưởng đến niềm tin của người học sau khi họ đã ra trường. Nói cho cùng, bên cạnh gia đình, trường học là cơ cấu xã hội quan trọng, nơi các em học hành động, và do đó học tập là giai đoạn chuẩn bị để họ có thể hoạt động trong xã hội rộng lớn hơn. Không có gì ngạc nhiên là những người thành công theo quy tắc của trường học sẽ bất mãn với xã hội gắn bó với những quy tắc khác, tức là những quy tắc không bảo đảm cho họ thành công như trong trường học. Khi chính họ lại là những người tạo ra bức tranh của xã hội về chính mình, tạo ra đánh giá của xã hội về chính mình, thì những người bị họ thôi miên quay ra chống lại xã hội cũng đâu phải là điều đáng ngạc nhiên. Nếu bạn có trách nhiệm xây dựng xã hội từ con số không, chắc là bạn sẽ thiết kế nó sao cho các “thợ rèn chữ” - với tất cả các ảnh hưởng của họ - sẽ không bị người ta nhồi nhét vào đầu thái độ thù địch đối với các quy phạm của xã hội.
Giải thích của chúng tôi về sự mất cân đối của thái độ bài tư bản trong hàng ngũ trí thức dựa trên khái quát xã hội học hoàn toàn đáng tin.
Trong một xã hội, nơi mà ngoài gia đình, ngay từ đầu thế hệ trẻ đã tiếp cận với hệ thống hay tổ chức phân phối phần thưởng cho những người giỏi nhất trong hệ thống ấy sẽ có xu hướng tiếp thu các quy tắc của tổ chức này, và hi vọng rằng xã hội rộng lớn ngoài kia cũng sẽ hoạt động theo những quy tắc đó; họ sẽ cho rằng mình sẽ được chia phần hoặc (ít nhất) cũng có vị trí phù hợp với những quy tắc này. Hơn nữa, những người nằm trong tầng lớp thượng lưu trong hệ thống thang bậc của thiết chế đầu tiên mà họ gặp bên ngoài gia đình rồi sau đó, khi ra ngoài xã hội sẽ bị (hoặc nhìn thấy trước là sẽ bị) rơi xuống những nấc thang xã hội thấp hơn sẽ - do cảm tưởng về quyền đã bị mất – ngả sang phía phản đối hệ thống xã hội rộng lớn bên ngoài và có thái độ thù địch với những quy tắc của nó.
Xin nhớ rằng đây không phải là định luật nhất thành bất biến. Không phải tất cả những người bị mất địa vị xã hội sẽ quay sang chống lại hệ thống. Mặc dù mất địa vị xã hội là một tác nhân  có thể tạo ra hiệu ứng theo hướng đó, và vì vậy mà trong một nhóm có đông người, hiệu quả của nó sẽ hiện rõ. Tầng lớp thượng lưu có thể mất địa vị xã hội bằng những cách khác nhau: họ có thể nhận được ít hơn nhóm khác hoặc (trong khi không có nhóm nào vươn lên) họ có thể vẫn nhận như thế nhưng không được nhiều hơn những người mà trước đây bị coi là thấp kém hơn. Mất địa vị theo kiểu thứ nhất đặc biệt làm người ta đau đớn và bất bình, còn kiểu thứ hai thì dễ chấp nhận hơn. Nhiều trí thức (nói rằng họ) ủng hộ quyền bình đẳng trong khi chỉ có một nhóm nhỏ coi mình là “quý tộc” mà thôi. Như vậy là, giả thuyết của chúng tôi nói rằng việc mất địa vị xã hội theo kiểu thứ nhất rất dễ gây ra sự oán ghét và lòng thù hận đối với xã hội.
Hệ thống trường học chỉ phổ biến và tưởng thưởng cho một số kỹ năng liên quan đến những thành công trong tương lai (nói cho cùng, trường học là một thiết chế mang tính chuyên môn) cho nên hệ thống khen thưởng của nó sẽ khác với hệ thống khen thưởng của xã hội bên ngoài. Điều này chắc chắn sẽ làm cho một số người – khi bước ra xã hội – bị mất địa vị xã hội và phải chịu những hậu quả kèm theo của nó. Trước đó tôi đã nói rằng các nhà trí thức muốn xã hội giống như một trường học lớn. Giờ đây chúng ta thấy rằng thái độ bất bình là do nhà trường (một hệ thống xã hội mang tính chuyên môn bên ngoài gia đình, lần đầu tiên con người tiếp xúc) lại không phải là xã hội thu nhỏ.
Theo cách giải thích của chúng tôi, dường như có thể dự đoán được rằng các nhà trí thức được học hành có thái độ chống đối xã hội mà họ đang sống chiếm tỉ lệ cao, dù đấy là xã hội tư bản hay cộng sản thì cũng thế. (So với các nhóm có địa vị kinh tế-xã hội như nhau thì trong xã hội tư bản, tỉ lệ những người trí thức có thái độ bài tư bản là cao. Câu hỏi là liệu tỉ lệ những người trí thức có thái độ thù địch với xã hội (không phải tư bản) mà họ đang sống có cao như thế hay không). Như vậy, rõ ràng là, chúng ta cần những dữ liệu nói về thái độ của trí thức trong các nước cộng sản đối với bộ máy cai trị; những người trí thức này có thái độ  thù địch với hệ thống đó hay không?
Cần phải chau truốt giả thuyết của chúng tôi để không thể áp dụng (hoặc áp dụng được nhưng không chính xác đến mức đó) đối vợi mọi hình thức xã hội. Có chắc chắn là hệ thống trường học trong tất cả các xã hội nhất định sẽ tạo ra những người trí thức có thái độ chống đối xã hội khi họ không nhận được những phần thưởng cao nhất của xã hội hay không? Có lẽ là không. Xã hội tư bản đặc biệt ở chỗ nó tuyên bố công khai: chỉ có tài năng, sáng kiến ​​cá nhân, đóng góp của cá nhân mới được tưởng thưởng mà thôi. Người lớn lên trong xã hội đẳng cấp hay phong kiến cha truyền con nối không nghĩ rằng tưởng thưởng sẽ hay phải phù hợp với giá trị của cá nhân. Xã hội tư bản chủ nghĩa chỉ tưởng thưởng cho những người đáp ứng được ước muốn – được thể hiện trên thương trường - của người khác, phù hợp với đóng góp của người đó vào nền kinh tế, chứ không phải theo giá trị của cá nhân người đó. Nhưng, nó cũng khá gần gũi với nguyên tắc tưởng thưởng theo giá trị - giá trị và đóng góp thường liên quan mật thiết với nhau – nhằm nuôi dưỡng kì vọng do nhà trường tạo ra. Đặc tính của xã hội rất gần với đặc tính của nhà trường cho nên sự gần gũi mới tạo ra oán giận. Xã hội tư bản tưởng thưởng cho thành tích của cá nhân hoặc bảo với họ rằng nó sẽ làm như vậy, vì vậy mà những người trí thức tự coi mình là những người hoàn hảo nhất, lại là những người cảm thấy cay đắng nhất.
Tôi cho rằng, ở đây còn một tác nhân khác nữa. Học sinh càng đa dạng thì nhà trường sẽ càng tạo ra thái độ bài tư bản nhiều hơn. Khi hầu như tất cả những người sẽ thành công về kinh tế trong tương lai cùng theo học các trường riêng biệt thì người trí thức sẽ không có được thái độ của những người có ưu thế hơn. Nhưng ngay cả khi nhiều trẻ em của tầng lớp thượng lưu học tại các trường riêng biệt thì xã hội cởi mở vẫn sẽ có những trường học khác, trong đó nhiều em học sinh sẽ trở thành những doanh nhân thành đạt về mặt kinh tế và sau đó các nhà trí thức sẽ bực bội khi nhớ lại rằng họ học giỏi hơn những đồng môn mà sau này trở thành giàu có hơn và quyền lực hơn. Sự cởi mở của xã hội còn có một hậu quả khác nữa. Các em học sinh, không chỉ những “thợ rèn chữ” tương lai mà cả những em khác, sẽ không biết sự nghiệp trong tương lai của mình sẽ ra sao. Họ có thể có mọi ước mơ. Xã hội đóng, không cho người ta vươn lên, sẽ bóp chết mọi hi vọng ngay từ trong trứng nước. Trong một xã hội tư bản cởi mở, các em học sinh sẽ không cam chịu ngay từ đầu những giới hạn của sự thăng tiến xã hội; dường như xã hội đã nói với họ rằng những người có năng lực nhất và có giá trị nhất sẽ vươn lên những vị trí cao nhất, còn trường học thì gửi cho những người có thành tích học tập tốt  nhất thông điệp nói rằng họ là những người được đánh giá cao nhất và xứng đáng được phần thưởng lớn nhất; rồi sau này, những học sinh được khuyến khích nhất và kì vọng nhất lại thấy những đồng môn mà họ biết và thấy là kém hơn mình lại thành đạt hơn, giành được những phần thưởng cao nhất mà đáng lẽ mình phải được hưởng. Có cần ngạc nhiên không khi những người này có thái độ thù địch với xã hội?

Một vài giả thuyết khác

Như vậy là, chúng ta đã cụ thể hóa được giả thuyết ở mức độ nào đó. Không phải mọi hệ thống học đường mà hệ thống học đường trong bối cảnh xã hội cụ thể nào đó mới tạo ra trong các nhà trí thức (thợ rèn chữ) não trạng bài tư bản mà thôi. Chắc chắn là giả thuyết này cần phải được cụ thể hóa thêm nữa. Nhưng như thế cũng đủ rồi. Đây là lúc chuyển giả thuyết này cho các nhà khoa học xã hội, đưa nó khỏi lĩnh vực lí thuyết suông và chuyển cho những người nghiên cứu với các sự kiện và dữ liệu cụ thể hơn. Nhưng chúng ta vẫn có thể chỉ ra một số lĩnh vực mà giả thuyết của chúng ta có thể đưa ra những dự báo và kết quả có thể kiểm chứng được. Trước hết, có thể tiên đoán: hệ thống trường học của đất nước càng khuyến khích các học sinh tài năng thì càng có nhiều khả năng là giới trí thức của họ sẽ trở thành những người ta khuynh. (Ví dụ, nước Pháp.) Thứ hai, những người trí thức trong thời gian học ở trường mà “chín muộn” sẽ không có cùng não trạng về quyền được hưởng những phần thưởng cao nhất, vì vậy, tỉ lệ những trí thức “chín muộn” có thái độ bài tư bản sẽ ít hơn là những người có thành tích cao trong học tập ngay từ những năm đầu đời. Thứ ba, chúng tôi hạn chế giả thuyết của chúng tôi trong những xã hội (khác với xã hội đẳng cấp của Ấn Độ), nơi người học trò có thành tích học tập tốt có thể hi vọng cũng sẽ thành công như thế trong xã hội. Cho đến tận thời gian gần đây, trong xã hội phương Tây, phụ nữ không có kỳ vọng nhiều như vậy, cho nên chúng ra có thể cho rằng những học sinh nữ trong tầng lớp thượng lưu ở nhà trường nhưng sau này bị mất địa vị xã hội sẽ không có thái độ bài tư bản như các nhà trí thức nam giới. Chúng ta cũng có thể dự đoán rằng, xã hội càng bình đẳng hơn về cơ hội nghề nghiệp giữa phụ nữ và nam giới thì càng có nhiều nữ trí thức tỏ thái độ thù nghịch với chủ nghĩa tư bản như các trí thức đàn ông đang làm hiện nay.
Một số độc giả có thể nghi ngờ cách giải thích về não trạng bài tư bản trong giới trí thức mà chúng tôi vừa đưa ra bên trên. Dù sao mặc lòng, tôi cho rằng chúng tôi đã định danh được một hiện tượng quan trọng. Tổng quát xã hội học mà chúng tôi đã nêu ra bằng trực giác hóa ra là có sức thuyết phục: một cái gì tương tự như thế chắc chắn phải xảy ra trên thực tế. Một số ảnh hưởng quan trọng nhất định sẽ xuất hiện trong tầng lớp “học sinh thượng lưu” mà sau này bị mất địa vị xã hội, trong nhóm người này thái độ đối kháng với xã hội nhất định sẽ xuất hiện. Nếu đấy không phải là thái độ đối lập cao của các nhà trí thức thì là gì? Chúng tôi bắt đầu với một hiện tượng khó hiểu, cần giải thích. Tôi cho rằng chúng tôi đã tìm thấy, tác nhân có thể giải thích – sau khi chúng tôi đã nói một cách rõ ràng), tác nhân này rõ ràng đến nỗi chúng ta phải tin rằng nó giải thích được một số hiện tượng xảy ra trên thực tế.
Tác phẩm Anarchy, State, and Utopia của nhà triết học Robert Nozick, xuất bản năm 1974, củng cố vị trí của chủ nghĩa tự do trong triết lý chính trị được giới học giả rất coi trọng. Trong tác phẩm này, Nozick bênh vực “nhà nước tối thiểu” - sau này được gọi là minarchism - và chỉ ra những biện pháp để nó có thể trở thành “khuôn khổ cho những xã hội không tưởng.”
Nhưng Nozick không chỉ quan tâm tới lý thuyết chính trị. Ông đã chú ý tới gần như tất cả các nhánh của triết học trong những công trình có tính bao quát như Philosophical Explanations, The Examined Life, and Invariances: The Structure of the Objective World.
Đã đăng trên Diễn đàn xã hội dân sự

Gabe Collins – Những giới hạn của nhà nước giám sát Trung Quốc

Phạm Nguyên Trường dịch
Những cuộc tấn công diễn ra trong thời gian gần đây chỉ ra rằng chỉ dùng đàn áp thì sẽ không thể nào bảo đảm được một tương lai ổn định. Tình hình bạo lực ở Tân Cương dường như đang xấu đi một cách đáng kể, mặc dù Bắc Kinh cam kết mạnh mẽ sẽ đổ tiền và nhân lực vào để xây dựng một bộ máy giám sát toàn diện nhằm ngăn chặn rối loạn xã hội. Hiện hằng năm Trung Quốc chi tới 111 tỉ USD cho lĩnh vực an nội bộ - nhiều gần bằng ngân sách quốc phòng năm 2013 - khoảng 114 tỉ USD.


Nhưng năm 2013 lại là một trong những năm nhiều bạo lực nhất trong suốt thập ki vừa qua ở Tân Cương, một số dữ liệu cho thấy từ tháng 3 tới nay, ít nhất 189 người - chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ - đã thiệt mạng trong các cuộc đối đầu đầy bạo lực với lực lượng của chính phủ, nhiều người khác đã bị thương. Đáng lo ngại hơn, những vấn đề của Tân Cương dường như đang di căn vào những khu vực khác của Trung Quốc, chính quyền đã có những cố gắng rất lớn nhằm ngăn chặn hiện tượng này.

Ngày 28 tháng 10, một chiếc SUV do một người đàn ông Duy Ngô Nhĩ lái, trong đó có hai người trong gia đình, đã đâm vào đám đông tại Quảng trường Thiên An Môn, giết chết hai khách du lịch. Những người ngồi trong xe sau đó đã châm lửa tự thiêu. Cuộc tấn công tự sát tại Quảng trường Thiên An Môn và làn sóng bạo lực đang dâng lên ở Tân Cương cho thấy rằng, khi đối mặt với kẻ thù đầy quyết tâm, hệ thống giám sát và bộ máy đàn áp được chỉ đạo chặt chẽ và được rót khá nhiều tiền không có hiệu quả trong việc ngăn chặn bạo loạn như Bắc Kinh mong muốn.

Thật vậy, chưa đến một tuần sau vụ khủng bố ở Thiên An Môn, Đảng đã cách chức ủy viên Ủy ban Thường vụ đảng ủy khu vực của tướng Bành Dũng, tư lệnh quân khu Tân Cương, cho thấy Bắc Kinh phải hi sinh quan chức cấp cao vì đã để xảy ra những thất bại nghiêm trọng trong lĩnh vực an ninh. Khủng hoảng lan tràn khắp Tân Cương trong suốt năm nay dường như làm cho địa vị của tướng Bành [Dũng] yếu đi .

Trước khi nghiên cứu những tác động mang tính chiến lược của những hạn chế trong việc giám sát, chúng ta hãy xem qua những thông số của hệ thống hiện thời. Hiện Trung Quốc đang thuê tới hai triệu người theo dõi Internet để trợ giúp các nhân viên kiểm duyệt chính thức. Về mặt vật chất, Trung Quốc có một chương trình quốc gia đáng lo ngại, gọi là “Skynet” (tên này chắc chắn làm những người hâm mộ phim Terminator phiền lòng) nhằm gia tăng số lượng và khả năng của các camera giám sát.

Bắc Kinh là thành phố đi đầu trong lĩnh vực này. Đối với những người đi bộ hoặc lái xe ở Bắc Kinh (và người như thế trong các thành phố khác của Trung Quốc cũng ngày càng gia tăng), câu thường được người ta nói là “Cười đi, bạn đang được chụp ảnh đấy!” Theo Wu Hequan, Tổng thư ký của Viện Hàn lâm Trung Quốc Kỹ thuật, Bắc Kinh hiện có ít nhất 800.000 máy camera quan sát. Như vậy, trong mỗi khu vực nhỏ (một chiều khoảng 270 mét, chiều kia 380 mét) ở Thiên An Môn, người có thể lắp trung bình 60 camera quan sát.

Trên thực tế, ở những khu vực chiến lược của thành phố - các đường phố chính, các tòa nhà của chính phủ, và các danh lam thắng cảnh, như Quảng trường Thiên An Môn - mật độ camera giám sát cao hơn rất nhiều. Vì vậy, người Duy Ngô Nhĩ, lái xe vào Quảng trường rồi tự thiêu rất có thể đã đi qua hàng trăm camera quan sát, nếu không nói là nhiều hơn, trong những cây số cuối cùng của cuộc hành trình của họ. Mặc dù đã vượt qua bao nhiêu camera, vượt qua những người theo dõi trên mạng, trên điện thoại và cảnh sát trên đường phố, họ đã không bị phát hiện trước khi tới một trong những vị trí quan trọng nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc, cán chết khách tham quan, và đốt chiếc SUV – đấy là chiếc Mercedes Benz màu trắng. Nếu chiếc xe mang thêm chất nổ, hay lao vào khu vực đông người hơn trong thành phố thì tình hình có thể xấu hơn rất nhiều.

Bắc Kinh đương nhiên cho rằng hệ thống giám sát đang phát triển của họ là phương tiện đàn áp hữu hiệu các phong trào ly khai. Tháng 11 năm 2012, báo Telegraph viết rằng các lực lượng an ninh Trung Quốc có ý định sử dụng một mạng lưới các camera giám sát để giúp chấm dứt những vụ tự thiêu của những người biểu tình Tây Tạng và cảnh sát có thể có mặt tại hiện trường trong vòng hai phút sau khi hoạt động không mong muốn được camera quan sát phát hiện. Trong khi khó tìm được những bài tường thuật công khai về cách thức sử dụng công nghệ giám sát bằng camera ở Tân Cương thì chúng ta có thể ghi nhận rằng trong tháng vừa qua chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ ít nhất 139 người ở Tân Cương, cáo buộc họ sử dụng Internet để truyền bá tư tưởng thánh chiến.

Hiện nay, Trung Quốc có thể có 30 triệu camera giám sát, được lắp đặt trên khắp cả nước. Các thành phố dường như đang tìm cách lắp thêm, càng nhanh càng tốt; cùng lúc đó, họ lại đang gia tăng năng lực của những chiếc camera này. Ví dụ, các thành phố của Trung Quốc như Đông Quan đang xây dựng hệ thống gọi là “Smart Skynets” nhằm cải thiện khả năng giám sát.

Những hàm ý chiến lược

Cuộc tấn công ở Thiên An Môn có thể sẽ thúc đẩy các cơ quan an ninh Trung Quốc sử dụng cách tiếp cận “chiến thuật” và đẩy nhanh việc lắp đặt nhiều camera hơn và nâng cấp công nghệ cũng như khả năng của chúng. Những biện pháp áp dụng có thể sẽ bao gồm đưa thêm vào hệ thống camera phần mềm nhận dạng mặt người cũng như tích hợp những hệ thống này với nhau.

Nhưng, nguy cơ thực sự là tập trung quá nhiều vào các biện pháp an ninh kỹ thuật sẽ không thể tăng cường được an ninh như Bắc Kinh mong muốn. Thực tế là ngay cả trong các nhà tù với mức độ an ninh cao trên thế giới, nơi mà hầu như mọi cử động và hoạt động đều được nhân viên và camera an ninh theo dõi, thế mà ma túy vẫn được đưa vào, vũ khí vẫn được người ta chế tạo, tù nhân vẫn thường xuyên bị tấn công và thậm chí là bị giết. Nói ngắn, muốn là có cách, và những hạn chế của công tác giám sát - công cụ ngăn chặn từ xa – đã nhanh chóng được phơi bày. Ngày càng thấy rõ rằng chính sách “đánh mạnh” của Bắc Kinh ở Tân Cương đã không đập tan được ý chí kháng chiến của người Duy Ngô Nhĩ, và trên thực tế nó có thể thực sự làm gia tăng hàng ngũ những người sẵn sàng công khai thách thức sự thống trị của người Hán trong khu vực này. Bạo lực đang gia tăng ở Tân Cương cho thấy rằng đối với một số người Duy Ngô Nhĩ, những bức tường sợ hãi mà Bắc Kinh đã cố gắng thiết lập trong hơn 20 năm qua có thể đang rạn nứt. Nếu đúng như vậy, đây là một vấn đề nghiêm trọng bởi vì nó có thể báo trước một vòng xoáy: bạo lực thúc đẩy đàn áp và đàn áp gia tăng thì bạo lực lại gia tăng.

Quân nổi dậy Duy Ngô Nhĩ sẽ không thể tìm được súng từ những nguồn ở trong nước, nhưng Tân Cương giáp giới với một số nước vùng Trung Á, biên giới ở đây lại lỏng lẻo, còn vũ khí thì rất nhiều. Nhưng, một loại vũ khí có khá nhiều trong những khu vực nông nghiệp ở Tân Cương: phân bón ammonium nitrate, có thể được sử dụng để sản xuất các thiết bị nổ tự chế đơn giản, sản xuất tại chỗ, thường được các phiến quân Taliban ở Afghanistan sử dụng. Năng lực của các nước trong khu vực nói chung là thấp, đặc biệt là Afghanistan và Pakistan, những nước này thậm chí không thể quản lý nổi công việc nội trị của mình, chứ chưa nói đến an ninh ở vùng biên giới xa xôi. Kết quả là: Bắc Kinh sẽ buộc phải đầu tư nhiều hơn nhằm đảm bảo an ninh biên giới bên phía Trung Quốc.

Khu vực giàu tài nguyên ở Tân Cương cũng g có nguy cơ bị quân nổi dậy tấn công. Quân nổi dậy ở những nước khác như Colombia, Iraq và Yemen có thói quen nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng. Mạng lưới đường sắt ở Tân Cương, số lượng đường ống dẫn dầu và khí đốt đang ngày càng gia tăng, và đường dây chuyển tải điện đường dài nhằm cung cấp điện cho miền Trung và miền Đông Trung Quốc đang được hoạch định, đều là những hạng mục có thể bị tấn công. Nếu quân nổi dậy quyết định tận dụng những vùng sâu vùng xa trong tỉnh và những khó khăn trong việc quan sát thường xuyên hàng trăm cây số những cơ sở hạ tầng quan trọng và bắt đầu tấn công vào đó thì Bắc Kinh có thể sẽ gặp khó khăn thật sự. Những cuộc tấn công như thế sẽ ngày càng làm cho nền kinh tế quốc gia gặp khó khăn hơn vì các nhà cung cấp năng lượng ở Tân Cương càng ngày càng gắn bó sâu sắc hơn với các hộ tiêu dùng nằm ở miền Đông.

Bắc Kinh sẽ không nới lỏng quyền kiểm soát Tân Cương trong các kịch bản mô tả ở trên, nhưng nguy cơ là họ sẽ phải dành nhiều nhân lực và kinh phí hơn nhằm duy trì an ninh và quyền kiểm soát – một vụ “bùng nổ” kéo dài, sẽ biến thành thách thức đối với nền kinh tế của đất nước. Vì nền kinh tế của đất nước có mức tăng trưởng thấp, dường như Trung Quốc sẽ ngày càng phải đối mặt với không phải là “súng đọ với bơ” mà còn “súng đọ với súng” nữa, đấy là khi các cơ an ninh nội bộ tranh giành ngân sách với hoạt động quân sự hướng ngoại.

Sự bất ổn gia tăng ở Tân Cương thật sự có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Trung Quốc có những khu vực biên giới bất ổn khác như Tây Tạng, ít bạo lực hơn Tân Cương, nhưng vẫn buộc người ta phải chú ý và thu hút nhiều nguồn lực của các cơ quan an ninh. Nếu Đạt Lai Lạt Ma mất mà không có người thừa kế thì tình hình có thể trầm trọng thêm. Quan trọng nhất là, vấn đề mà Bắc Kinh phải xử lí là mấy ngàn ly khai Duy Ngô Nhĩ thực sự sẵn sàng cầm vũ khí có thể tạo ra những khó khăn kinh tế nghiêm trọng trong những tháng và những năm tới, kết quả là có thể tạo ra rối loạn xã hội mà thậm chí bộ máy đàn áp đầy sức mạnh hiện nay cũng không thể ngăn chặn được. Một số sự kiện có thể dự đoán – thí dụ, một cuộc khủng hoảng nợ hoặc khủng hoảng bất động sản nghiêm trọng có thể nhanh chóng làm cho nền kinh tế Trung Quốc phải trả giá. Hơn nữa, một sự kiện nữa có thể dự đoán được là nền kinh tế phức tạp, trị giá hàng ngàn tỷ USD như của Trung Quốc có khả năng tạo ra những sự kiện theo kiểu “thiên nga đen”[1], có ảnh hưởng rất tiêu cực.

Nếu hàng chục ngàn máy camera an ninh, hai triệu màn hình internet, và lực lượng bán quân sự không thể giải quyết và ngăn chặn được những vấn đề ở Tân Cương, làm sao mà họ đối phó được với hàng triệu người tức giận do những vấn đề kinh tế gây ra? Khoảng cách giàu nghèo tạo ra bạo lực ở Tân Cương và những khoảng cách như thế có mặt ở tất cả những địa phương khác ở Trung Quốc, tạo ra lo ngại về những cuộc tấn công trên khắp cả nước. Đấy là những nhóm người bất bình nhưng không có tiếng nói trong lĩnh vực chính trị, họ chuyển sang sử dụng bạo lực, coi đấy là sự xả hơi cho sự tức giận của họ. Thật vậy, ngày 06 Tháng 11, nhiều quả bom đã phát nổ ở trung tâm khai thác than của Thái Nguyên, làm một người chết và ít nhất tám người khác bị thương. Trung Quốc có thể đang nằm trong xu hướng bạo lực di căn có nguồn gốc từ những vùng biên giới, nơi các dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng lại ảnh hưởng đến lợi ích của người Hán trên khắp cả nước. Nếu Bắc Kinh buộc phải kiểm soát chặt chẽ hơn việc đi lại của con người, xe cộ, và tiếp cận với hàng hóa sử dụng cho hai mục đích: phân bón chứa nitrat, và “gánh nặng khủng bố” sẽ có những ảnh hưởng sâu sắc đối với thương mại và hoạt động kinh tế.

Ban lãnh đạo Trung Quốc đã tỏ ra tháo vát và có năng lực, nhưng các vấn đề có nguồn gốc từ Tân Cương ngày càng cho thấy một tương lai mà chỉ đàn áp không thì không đủ. Dường như giải pháp ngắn hạn của Bắc Kinh là làm mọi việc có thể để khôi phục tăng trưởng, nhưng những biện pháp tài chính và chính sách cần thiết chỉ đơn giản là làm cho tiền đặt cược trong tương lai gia tăng mà thôi. Trung Nam Hải đang phải đối mặt với một gói giải pháp phức tạp và đáng nản khi họ phải vật lộn với tình trạng bất ổn đang gia tăng ở trong nước.

Gabe Collins là người đồng sáng lập website ChinaSign Post  và cựu chuyên gia phân tích về đầu tư hàng hóa và cộng tác viên tại US Naval War College's China Maritime Studies Institute.


[1] Ý nói những sự kiện bất ngờ - ND.

William H. Overholt - Những cuộc cải cách mới ở Trung Quốc: Lí thuyết và thực tiễn

Phạm Nguyên Trường dịch
Ngày 12 tháng 11 vừa qua, Hội Trung ương III, Khóa XVIII, của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố một bước ngoặt lớn theo định hướng thị trường: tự do hóa lãi suất và tiền tệ, cải cách ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu đất đai rõ ràng hơn cho nông dân và chính sách tốt hơn đối với người di cư vào đô thị.
Cuộc khủng hoảng có thể xảy ra là nguyên nhân buộc người ta phải có những quyết định mang tính bước ngoặt như thế. Sự thành công của Trung Quốc chủ yếu là do hàng xuất khẩu giá rẻ dựa trên lao động với đồng lương chết đói, cơ sở hạ tầng được do các doanh nghiệp nhà nước xây dựng với nguồn vốn do các ngân hàng tài trợ với lãi suất thấp, và ngân sách chính phủ thu được từ việc bán đất. Nhưng lao động không còn rẻ nữa, việc xây dựng những đường kết nối các thành phố lớn tạo điều kiện cho việc xây dựng trung tâm mua sắm lớn ở các thị trấn nhỏ, và bán đất dựa trên tái định cư đã đạt tới giới hạn cả về kinh tế lẫn sự chịu đựng của người dân.


Tiền vay với lãi suất thấp có nguy cơ tạo ra bong bóng tài sản và công suất dư thừa. Nếu không có thay đổi cơ bản, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, không có đủ chỗ làm việc mới và không thể có đổi mới, và nổ bong bóng tài sản.
Giải pháp là thay đổi nhanh chóng từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang mô hình tăng trưởng dựa vào nhu cầu nội địa, từ xây dựng cơ sở hạ tầng sang tiêu dùng, từ các doanh nghiệp lớn của nhà nước là chính sang các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, từ công nghiệp sang dịch vụ, và một cách rộng hơn là từ kiểm soát theo lối hành chính quan liêu sang kiểm soát của thị trường.
Tất cả các nước thành công ở châu Á cũng đều thực hiện những chuyển đổi như thế, Hàn Quốc và Đài Loan là các hình mẫu. Nhưng thay đổi nhanh chóng cũng gây ra nhiều đau đớn. Doanh nghiệp nhà nước sẽ không còn những khoản vay với lãi suất thấp, không được nhận những khu đất do nhà nước trợ cấp, không được bảo hộ độc quyền, và không được đặc quyền về trụ sở nữa. Đảng và bộ máy quan liêu của nhà nước sẽ mất quyền lực (và thu nhập).
Chính quyền địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn. Họ đang có những khoản nợ khổng lồ, chỉ có thể trả được bằng cách tái định cư và bán đất mà thôi. Đã túng quẫn vì giá bất động sản quá cao và việc phản đối của người dân trước việc thu hồi đất, bây giờ họ còn phải đối mặt với lãi suất cao hơn, phải trả thuế bất động sản, người dân có quyền nhiều hơn, và đòi hỏi phải cung cấp dịch vụ xã hội tốn kém hơn cho người di cư. Sự tuyệt vọng của các quan chức đầy quyền lực ở địa phương và cán bộ quản lí doanh nghiệp nhà nước là lực cản mạnh mẽ đối với công cuộc cải cách.
Người ta nói rằng tại Hội nghị đã diễn ra tranh cãi gay gắt, các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc đứng về phía cải cách. Khi được hỏi về sự phản đối trước cuộc họp có ý nghĩa quyết định, một nhà lập kế hoạch kinh tế cho biết: “Cuối cùng, tất cả các nhà lãnh đạo của chúng tôi đều hiểu những con số. Hàm ý của những con số là rõ ràng. "
Văn bản công bố quyết định Hội nghị trung ương III giống như một bản tuyên bố về các nguyên tắc chung, làm cho nhiều nhà quan sát lo ngại về việc thiếu chi tiết. Nhưng vai trò của ĐCSTQ là lãnh đạo chính sách; thi hành quyết định của Đảng là công việc của chính phủ. Và Hội nghị lần này đã thành lập một nhóm chuyên viên cao cấp nhằm phối hợp và thi hành các quyết định của mình.
Việc thực hiện sẽ là một cuộc đấu tranh lâu dài, đôi khi chống đối có thể gay gắt, nhưng những cuộc cải cách quan trọng thì đã được tiến hành rồi. Kế hoạch năm năm lần thứ XII kêu gọi tăng lương hàng năm trung bình ít nhất là 13,4%; năm nay, tiền lương đã tăng với tốc độ trung bình là 18%, mức lương như thế sẽ giết chết các xí nghiệp lạc hậu hoặc cung lớn hơn cầu. Ngoài ra, chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ nhắm vào một số các nhóm ngành công nghiệp mạnh nhất, thí dụ như dầu khí, làm suy yếu sức kháng cự cải cách của những ngành này.
Quan trọng nhất là, kết quả kinh tế đang ngày càng phù hợp hơn với mục tiêu của chính quyền. Dịch vụ đã có doanh thu và việc làm nhiều hơn so công nghiệp – ví dụ công ty Internet Alibaba, đang trao quyền cho cả người tiêu dùng và các công ty nhỏ hơn ở mức độ mà trước đây không thể nào tưởng tượng nổi - và sự tăng trưởng trong thời gian gần đây là do nhu cầu nội địa chứ không phải là xuất khẩu nữa. Cải cách không còn là kế hoạch, nó đang được thực hiện rồi.
Việc mở cửa kinh tế sang các nước vùng Trung Á và ASEAN (đặc biệt với Việt Nam) cũng đang được tích cực triển khai, và cải cách sẽ cởi mở hơn với thị trường bên ngoài. Quyết định của Hội nghị trung ương III theo sau việc khánh thành Khu thương mại tự do Thượng Hải, khu vực này sẽ mở cửa cho những lĩnh vực đầu tư mới của nước ngoài và cho phép các giao dịch tài chính và lưu chuyển đồng vốn trên cơ sở thị trường tự do hơn. Tự do hóa việc lưu chuyển đồng vốn được coi là một chính sách quốc gia mà người ta đang hướng tới, chính sách này đang được đưa vào thông qua những thiết chế đáng tin cậy ở Thượng Hải.
Về việc buôn bán hàng hóa, người ta định biến khu vực tự do thương mại mới thành khu vực có thể cạnh tranh trực tiếp với Singapore và Hồng Kông. Trung Quốc sợ bị phụ thuộc vào những người trung chuyển, nếu xảy ra xung đột. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chính sách này sẽ mở rộng đáng kể cơ hội trong khi giảm bớt quyền kiểm soát của nước ngoài; ví dụ, các công ty nước ngoài có thể nắm giữ một ít cổ phần trong lĩnh vực viễn thông, trong khi các công ty nước ngoài có ảnh hưởng lớn như Monsanto sẽ gặp khó khăn.
Chủ tịch Tập Cận Bình đang đối mặt với nhiệm vụ chính trị đầy rủi ro, đấy là thúc đẩy chương trình cải cách của ĐCSTQ trước sức phản đối mạnh mẽ, trong khi nền kinh tế lại đang tăng trưởng chậm lại. Bằng cách nhấn mạnh quyền kiểm soát của Đảng – trừng trị các doanh nghiệp nhà nước, trừng trị những người phản đối chính phủ, và những người chỉ trích trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các học viện - Tập Cận Bình tìm cách tối đa hóa khả năng của mình nhằm áp đặt cải cách kinh tế và giảm thiểu những nguy từ thách thức của lực lượng bảo thủ.
Đặc biệt là, ông phải tránh số phận của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây như Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, những người đã bị mất chức sau khi nhiều đối thủ của họ tin rằng cải cách kinh tế và chính trị phá hủy quyền kiểm soát của Đảng. Cho nên, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc sẽ tập trung vào làn sóng cải cách kinh tế, trong khi cải cách chính trị sẽ chủ yếu được giới hạn trong việc tổ chức lại các cơ quan của chính phủ nhằm tăng cường hiệu quả và gia tăng nỗ lực phòng chống tham nhũng. (Đã có một số bước tiến về phía cải cách, trong đó có quyết định không để bộ máy chính trị địa phương kiểm soát các thẩm phán.)
Nhưng Trung Quốc sẽ ngày càng khó trì hoãn những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm xoa dịu nhu cầu của quần chúng về lẽ công bằng, trong đó có việc thành lập cơ quan tư pháp độc lập, đấy cũng là nhu cầu cấp bách không khác gì cải cách cơ cấu kinh tế. Tương tự như vậy, các nhà lãnh đạo phải hoặc là chấp nhận nhiều thông tin hơn trong quá trình quản lí hoặc tiến hành những vụ đàn áp tốn kém hơn rất nhiều.
Hy vọng về cải cách chính trị nằm ở khả năng là trong nhiệm kì thứ hai của Tập Cận Bình các nhà cải cách như ủy viên Bộ Chính trị Vương Dương (Wang Yang) và Phó chủ tịch Lí Nguyên Triều (Li Yuanchao) sẽ nằm trong nhóm lãnh đạo cao cấp nhất . Còn hiện nay Trung Quốc sẽ tập trung vào một làn sóng cải cách kinh tế lớn nữa.
William H. Overholt cộng tác viên cao cấp tại Fung Global Institute và the Harvard University Asia Center.
Đã đăng trên diendanxahoidansu.wordpress.com
Nguồn: http://www.project-syndicate.org/print/william-h--overholt-examines-the-economic-and-political-implications-of-the-chinese-authorities--latest-market-oriented-changes 

Jonathan Adelman – Tại sao Mĩ vẫn là siêu cường không ai có thể thách thức nổi?

Phạm Nguyên Trường dịch

Những cuộc bàn tán thường xuyên về sự suy thoái không thể tránh khỏi của Mĩ đã trở thành câu chuyện giao đãi khó ai bác bỏ được. Mỗi tuần người ta lại thấy có nhiều tin xấu hơn về nước Mĩ, dường như đấy chính lời là khẳng định khái niệm nói trên. Với một quốc hội chia rẽ quá mức về mặt đảng phái, chính phủ đóng cửa suốt 16 ngày liền, sự phục hồi kinh tế diễn ra chậm chạp, và vụ bê bối về gián điệp của Cục an ninh quốc gia, đất nước này dường như không thể quản lí nổi. Trong một công trình nghiên cứu trên bình diện quốc tế, người Mĩ đứng thứ 11 trên thang điểm về hạnh phúc và vị trí đáng xấu hổ là thứ 12 về kinh tế. Một công trình nghiên cứu khác cho thấy chỉ có 7% học sinh lớp 8 của Mĩ được coi là giỏi về môn toán, trong khi số học sinh giỏi của Singapore là 47%, Hàn quốc là 48%. Tổng thống Mĩ, theo đánh giá của tạp chí Forbes thì đứng thứ hai, sau Vladimir Putin.

Nhưng Mĩ vẫn là người lãnh đạo thế giới và dường như sẽ giữ được vị trí đó trong hàng chục năm nữa. Cho đến nay, đây là nước có sức mạnh mềm vĩ đại nhất thế giới. Hàng năm Mĩ tiếp nhận nhiều người nhập cư hơn bất cứ nước nào khác (1 triệu người). Mĩ đứng đầu thế giới về công nghệ cao (Thung lũng Silicon), về tài chính và kinh doanh (Phố Wall), điện ảnh (Hollywood) và giáo dục Đại học (theo đánh giá của trường đại học Giao thông Thượng Hải, Mĩ có 17 trong số 20 trường đại học hàng đầu thế giới). Về thương mại Mĩ cũng là nước đứng đầu thế giới (xuất khẩu nhiều hàng tiêu dùng và sản phẩm công nghệ và nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên).

Mĩ tiếp tục là nước dẫn đầu thế giới về đầu tư trực tiếp của nước ngoài (180 tỉ USD), gần gấp đôi đối thủ mạnh nhất. Mĩ chi cho quốc phòng tới 560 tỉ USD một năm, và có lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới. Tổng thu nhập quốc dân (16 ngàn tỉ USD) gấp hơn hai lần Trung Quốc Đây là nước có chế độ dân chủ - trong cái thế giới đầy những nước phi dân chủ hoặc dân chủ nửa với - vận hành lâu nhất thế giới. Thị trường chứng khoán luôn sôi động, thể hiện vị trí hàng đầu của Mĩ trong nền kinh tế thế giới.

Ngoài ra, nước nào có thể tranh vị trí lãnh đạo thế giới của Mĩ? Người Âu ư? Người Nhật ư? Người Nga ư? Tỉ lệ thất nghiệp ở EU hiện nay là 12% - ở Hi Lạp và Tây Ban Nha lên đến 26% – còn tăng trưởng kinh tế thì gần như bằng không, dân số tại nhiều nước lại đang suy giảm. Nhật đang khổ vì dân số giảm và đang ngày càng già đi một cách nhanh chóng, không có người nhập cư, chỉ số Nikkei (Nikkei Index) giảm hơn 20.000 điểm so với hồi năm 1988, còn nợ thì công thì bằng 240% tổng sản lượng quốc gia (GNP). Chưa nói tới tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp trong hai thập niên qua. Trong khi Nga có thể được báo chí đưa lên đầu trang nhất vì là nước tổ chức Olympics sắp tới và chứa chấp Edward Snowden, nước này không còn là siêu cường nữa. Thành tích xuất khẩu của Nga chỉ ngang với các nước thuộc Thế giới thứ ba, còn GNP thì ngang Canada, nghĩa là chưa bằng 15% GDP của Mĩ. Nga không có sức mạnh mềm, không có thung lũng Silicon, không có Hollywood, không có Wall Street hay các trường đại học chất lượng cao.

Còn Trung Quốc và Ấn Độ thì sao? Trong khi cả hai nước này đều có những bước tiến vượt bậc trong mấy chục năm qua, nhưng họ cũng đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng. Trung Quốc hiện có 650 triệu người nghèo ở nông thôn, GDP bình quân đầu người là 6.100 USD, đứng thứ 87 trên thế giới và chỉ bằng 12% Mĩ. Trung Quốc còn khổ vì nạn tham nhũng, chế độ độc đảng, thiếu khả năng sáng tạo và sự phân hóa xã hội đến mức kì quặc. Nạn ô nhiễm không khí, nước và đất mỗi năm giết chết 1,2 triệu người Trung Quốc. Như các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên thừa nhận, nước này chưa thể trở thành nhà nước hiện đại trước năm 2050.

Còn Ấn Độ? 830 triệu dân nước này (gần 70% dân số) sống ở vùng nông thôn nghèo khổ. Hơn 160 triệu người Ấn Độ không được tiếp cận với nước sạch, không có điện và hệ thống vệ sinh. Ấn Độ đứng đầu thế giới về số người mù chữ - 35% phụ nữ mù chữ. Không dưới 25% dân số không có điện. Cơ sở hạ tầng của Ấn Độ còn kém, nạn tham nhũng hoành hành, bình quân GDP trên đầu người là 1.500 USD (3% của Mĩ), đứng thứ 138 trên thế giới. Cuối cùng là tốc độ gia tăng dân số cao (mười năm qua tăng thêm 180 triệu người), tương lai của nước này không lấy gì làm sáng sủa.

Như một châm ngôn chính trị cũ đã nói: Không thể thua nếu không có đối thủ. Và hiện nay ở phía cuối chân trời chưa thấy nước nào đủ sức giành hay thậm chí thách thức nước Mĩ – ít nhất lá trong vòng một vài thập kỉ tới.

Đã đăng trên VHNA

Jonathan Adelman là giáo sư thuộc Viện nghiên cứu quốc tế mang tên Josef Korbel tại đại học Denver (University of Denver).  

Nguồn: http://www.forbes.com/sites/realspin/2013/11/24/why-the-u-s-remains-the-worlds-unchallenged-superpower/ 

SEX chưa rõ nghĩa, các bạn cần FUCK...

  • Nguyễn Anh Tuấn

Thời gian qua, xôn xao vụ các sinh viên Học viện Ngân hàng khi chụp ảnh trong Hoàng Thành Thăng Long đã đứng xếp hàng chữ SEX. Cũng không quá ngạc nhiên khi sau đó, dư luận của đất nước vốn tìm kiếm từ khóa “sex” nhiều nhất thế giới này đã ném một núi đá lên đầu các bạn sinh viên. Luận điểm chủ yếu của những người phê phán là (a) Hoàng Thành là nơi linh thiêng, biểu trưng của hồn thiêng sông núi vậy mà (b) các bạn sinh viên lại có hành vi đi ngược lại thuần phong mỹ tục dân tộc gây phản cảm.

Chúng ta hãy thử tìm hiểu lần lượt từng phần nhỏ a, b của luận điểm này.

Hoàng Thành là nơi linh thiêng…

Hoàng Thành là nơi sinh sống của vua chúa trong các vương triều xưa cũ, là biểu tượng quyền lực của chế độ quân chủ chuyên chế trước đây.

Tính cách linh thiêng của Hoàng Thành gắn liền với tính cách linh thiêng của hoàng gia, là một thứ được tạo dựng trong ý đồ củng cố quyền lực của lực lượng nắm quyền bằng cách biến nơi sinh sống của mình thành nơi bái vọng của dân chúng.

Cùng với sự sụp đổ của chế độ quân chủ ở Việt Nam, Hoàng Thành chỉ còn là một di tích lịch sử, không hơn không kém.Tiếp tục gán ghép tính cách linh thiêng cho nó không khác gì công nhận tính cách linh thiêng của hoàng gia, đồng nghĩa với mong muốn quay trở về nền quân chủ vốn dĩ chỉ còn là quá vãng ở Việt Nam.

Xếp hình từ SEX đi ngược lại thuần phong mỹ tục dân tộc ?

Nhiều người lập luận rằng có một cách dịch khác của từ sex là “giới tính”, do đó hành vi của các bạn sinh viên là có thể chấp nhận được. Hẳn họ cũng cảm thấy có ít nhiều ngụy biện trong lập luận này; và có lẽ nó phù hợp khi nằm trong phần tranh tụng của một luật sư ma mãnh nào đó trước tòa, hơn là trong các cuộc tranh luận chính trị-xã hội nghiêm túc.

Việc né tránh vấn đề như vậy còn tạo cảm giác là họ đồng ý với phe phê phán rằng hành vi xếp hình từ SEX với nghĩa “quan hệ tình dục” trong Hoàng Thành là không thể chấp nhận được.

Vậy vấn đề ở đây là, biểu tượng hóa hành vi tính giao [trong trường hợp này là xếp hình từ SEX] ngược lại “thuần phong mỹ tục dân tộc” ở chỗ nào?

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, nơi mà tín ngưỡng phồn thực xuất hiện dày đặc từ bắc chí nam. Tín ngưỡng phồn thực (fertility rite) với các hiện tượng thờ bộ phân sinh dục nam, nữ (phallicism) và các nghi lễ tái hiện hành vi tính giao có mặt từ Lễ Linh tinh tình phộc ở Phú Thọ đến tượng thờ Yoni-Linga (âm hộ, dương vật) trong các đền đài Chăm ở Thánh địa Mỹ Sơn và các nhà mồ phơi bày hàng loạt hành vi tính giao của các sắc dân Tây Nguyên.

Dẫu không sinh động bằng ông cha, việc xếp hình từ SEX về bản chất cũng gợi nhắc đến hành vi tính giao; do đó, cái mà hành vi này không phù hợp không phải là thuần phong mỹ tục của Việt Nam (quá phù hợp, là đằng khác) mà là những cái đầu định kiến Nho giáo chẳng biết từ lúc nào và bằng cách nào ngang nhiên chiếm giữ cái lệnh bài “văn hóa dân tộc” để phán xét người khác.

Những người hay nhân danh “thuần phong mỹ tục dân tộc” thừa hiểu rằng “thuần phong mỹ tục” không thể lên tiếng để cãi lại họ. Khi quy cho hành vi của ai đó đi ngược lại “thuần phong mỹ tục của dân tộc”, họ ngầm ý rằng quan điểm của họ đại diện cho cái gọi là “thuần phong mỹ tục” ấy. Từ đó, tiếng nói cá nhân của họ biến thành tiếng nói dân tộc. Họ trở thành dân tộc.

Ngôn ngữ phản ánh tư duy. Ngôn ngữ toàn trị phản ánh tư duy toàn trị. Có một nhà độc tài tiềm ẩn trong những người hay nhân danh “thuần phong mỹ tục”, “bản sắc văn hóa dân tộc”.

Vì sao PA83 vào cuộc?

Lẽ thường, vụ việc này chỉ gây ra những tranh cãi trong dư luận với những khen chê từ góc nhìn của mỗi người đối với việc biểu tượng hóa hành vi tính giao nơi công cộng. Tuy nhiên, sự vào cuộc của PA83-Phòng An ninh Chính trị nội bộ, chỉ dấu những phản ứng của lực lượng nắm quyền với hiện tượng này.

Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền hiện nay luôn tỏ thái độ “hai mặt” với di sản của chế độ quân chủ trước đây.
Một mặt, từ quan điểm giai cấp họ phê phán kịch liệt chế độ quân chủ, nhằm biện minh cho việc “cướp chính quyền” (chữ dùng của người cộng sản) năm 1945, từ đó khẳng định tính chính danh của họ trong việc nắm giữ quyền lực nhà nước.

Mặt khác, khi đã có quyền lực trong tay, vì muốn duy trì tâm lý bái vọng quyền lực nhà nước của người dân (tâm lý thần dân), họ duy trì tính cách thiêng liêng của các biểu tượng vương triều xưa cũ. Họ khẳng định Hoàng Thành, nơi cư trú của giai cấp thống trị mà họ muốn xóa bỏ, là chốn tôn nghiêm. Họ đóng vai vua cử hành lễ Tế trời ở Đàn Xã tắc. Họ cầu khấn Thần Nông rồi xuống ruộng kéo cày trong lễ Tịch điền.
Hà Nội là trái tim của cả nước, Ba Đình là trái tim của Hà Nội”. Ý chí tập trung quyền lực này được củng cố bằng (1) tạo cảm giác về sự kế thừa quyền lực từ Hoàng Thành đến Hội trường Ba Đình, Phủ Chủ tịch, Phủ Thủ tướng cùng nằm trong quần thế Ba Đình và (2) khẳng định tính tôn nghiêm của các biểu tượng quyền lực trên.

Do đó, một cách vô tình, bằng hành vi của mình, các bạn sinh viên đã giải thiêng một biểu tượng quyền lực và qua đó thách thức một trong những yếu tố khẳng định tính chính danh của lực lượng nắm quyền đương thời. Đó là lý do chính mà cơ quan an ninh chính trị nội địa phải nhanh chóng vào cuộc, ngăn chặn khả năng lan rộng của hành vi giải thiêng này.
Phải chặn đứng ngay!!! Hôm nay để chúng nó SEX trước Hoàng Thành Thăng Long thì nay mai không biết chừng chúng sẽ FUCK trước Phủ Chủ tịch, Phủ Thủ tướng, Quốc hội”. Không quá khó hiểu nếu như có một quan chức tuyên giáo cấp cao nào đó có suy nghĩ như vậy.

Phản ứng của Học viện Ngân hàng

Ngay sau khi vụ việc trở nên ồn ào, Ban Giám hiệu Học viên Ngân hàng đã lập tức tiến hành kiểm điểm các sinh viên. Không có thông tin gì về việc liệu có sinh viên nào chối từ việc kiểm điểm này không?

Tìm mỏi mắt nhiều lần trong Luật Giáo dục Đại học hiện hành vẫn không thấy quy định nào để có thể dựa vào đó cho rằng hành vi của các sinh viên này là sai trái. Vậy căn cứ vào đâu Học viên này tiến hành kiểm điểm sinh viên?

Đại diện nhà trường cho biết: “Nhà trường sẽ có quy chế xử phạt với sinh viên làm ảnh hưởng uy tín thương hiệu của Học viện Ngân hàng”.

Phát biểu trên cho thấy rằng căn cứ hành xử của Học viện này là dư luận xã hội. Rõ ràng, trong bối cảnh tinh thần tự trị vẫn còn là một giá trị xa lạ đối với đại học Việt Nam, Học viện này tỏ ra không chỉ là con rối của quyền lực chính trị mà tệ hại hơn, còn bị giật dây bởi dư luận.

Một trường đại học hành xử tùy tiện vô luật, sẵn sàng hùa theo dư luận “ném đá” sinh viên của mình thì hẳn tấm bằng của nó không đáng để các bạn sinh viên chờ đợi.

Nếu các bạn sinh viên kể trên đọc được những dòng này, hi vọng các bạn nghĩ đến khả năng xếp thêm chữ FUCK, dành tặng cho tất cả, nhất là cho cái phòng PA83 đang muốn đè bẹp quyền tự do biểu đạt của các bạn.
Hỉnh ảnh sinh viên Học viện Ngân hàng tại Hoàng thành Thăng Long 

Nhà nước Việt Nam 'giúp' Trung Quốc hại lúa gạo dân Việt

SÀI GÒN (NV) - Chính quan chức CSVN mà người ta gọi bóng gió là “lợi ích nhóm” bị tố cáo làm tay sai đắc lực cho Trung Quốc để giết dần mòn giới nông dân và lúa gạo của Việt Nam.
“Một lý do quan trọng hơn là nhiều quan chức lại đứng đằng sau lưng những công ty nhập khẩu lúa giống Trung Quốc để kiếm lợi ích cá nhân, khuyến cáo nông dân nên trồng lúa Trung Quốc không nên trồng giống lúa Việt Nam.”
Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên viên lúa gạo kỳ cựu của Việt Nam, nói như vậy trong cuộc phỏng vấn của báo Đất Việt hôm Thứ Bảy 30/11/2013. Như thế, đây là thêm bằng chứng nhà cầm quyền độc tài đảng trị ở Bắc Kinh như con bạch tuộc khổng lồ với cả trăm cả ngàn cái vòi vươn sang Việt Nam lũng đoạn tất cả mọi mặt của nền kinh tế và sản xuất của nước này.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên viên lúa gạo kỳ cựu của Việt Nam. (Hình: Lao Động)
Trong cuộc phỏng vấn của tờ Đất Việt, ông Võ Tòng Xuân cho hay, tuy Việt Nam là một nước nông nghiệp và lấy trồng lúa làm chính, nhưng khác với trước kia, từ mấy năm trở lại đây, Trung Quốc khống chế phần lớn từ khâu sản xuất lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu và cả tiêu thụ gạo.
Tin tức cho hay từ 50% đến 70% nhu cầu lúa giống, phân bón và thuốc trừ sâu của nông dân Việt Nam đều nhập cảng từ Trung Quốc. Không phải các chuyên viên Việt Nam không nghiên cứu được lúa giống thích hợp, phẩm chất cao nhưng có những viên chức nhà nước lại nằm đằng sau việc đốc thúc người dân sử dụng lúa giống Trung Quốc.
Chính sách “tam nông” của nhà cầm quyền CSVN rầm rộ tuyên truyền mà giới nông dân Việt Nam chẳng được hưởng gì ngoài sự đói khổ. Nguyên nhân đầu tiên, theo ông Xuân, là lúa giống của Việt Nam sản xuất không được quảng cáo “tiếp thị” mạnh bằng giống Trung Quốc, nhưng như trên ông nói, giống lúa Trung Quốc được tiêu thụ mạnh hơn chỉ vì “được sự hỗ trợ của chính quyền khuyến khích dân mua giống lúa đó”.
Cánh đồng gieo cấy với lúa giống Trung quốc ở huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa. (Hình: Tuổi Trẻ)
Trong cuộc phỏng vấn, ông Võ Tòng Xuân không nói rõ ra sự “hỗ trợ của chính quyền” là ai, cơ quan nào, nhưng ngày 23/8/2013 vừa qua, báo Tuổi Trẻ cho hay Tổng giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Nghệ An Nguyễn Ngọc Dũng nói với ký giả báo này: “Chúng tôi sử dụng loại giống, bộ giống nào là do hướng dẫn của Sở NN&PTNT.”
Đại đa số nông dân thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã theo lệnh của nhà cầm quyền mua lúa giống Trung Quốc để trồng chỉ vì chúng cho sản lượng cao hơn, dù phải mua giá đắt hơn lúa giống nội địa. Trong khi đó, phẩm chất gạo từ lúa giống Trung Quốc ăn không ngon và hàm lượng dinh dưỡng thấp, theo bản tin Tuổi Trẻ vừa kể.
Tờ báo này dẫn nguồn tài liệu của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn nói tỉ lệ lúa giống nông dân mua để trồng có khoảng 65% nhập cảng từ Trung Quốc.
Tỉ lệ lúa giống đang được sử dụng tại Việt Nam có tới 65% xuất xứ từ Trung quốc, theo tài liệu của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn. Trung tâm Khuyến nông quốc gia. (Hình đồ họa: Tuổi Trẻ)
Việt Nam tùy thuộc phần lớn vào nguyên vật liệu của Trung Quốc để gia công hàng dệt may, giày dép, đồ điện tử xuất cảng. Báo chí trong nước đã báo động nhiều lần về sự khống chế của nông sản Trung Quốc từ củ hành, củ gừng đến củ khoai, trái cây, nay thì đến nông sản căn bản là lúa gạo cũng không thoát bàn tay phương Bắc.
Ở mặt sản xuất thì như thế, theo nhiều bài báo gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường mua bán lúa gạo của Việt Nam cũng ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Cho đến Tháng 10-2013, trong tổng số gạo xuất cảng 5.8 triệu tấn, khoảng 3 triệu tấn đã được xuất sang thị trường Trung Quốc. Trong đó, xuất cảng “chính ngạch” chỉ chiếm 1.8 triệu tấn, còn xuất “tiểu ngạch” lên tới 1.2 triệu tấn.
Xuất cảng “tiểu ngạch” qua biên giới với các hợp đồng nhỏ lẻ, theo các nguồn tin, có nhiều thiệt hại cho phía Việt Nam, từ thất thu thuế, đến giới thương gia trong nước bị ép và bị bỏ ngang hợp đồng mà không hề bị chế tài, bồi thường. Đến giữa tháng 8, số lượng hợp đồng với tổng số gạo 938,000 tấn đã bị “hủy hợp đồng”, con số do Hiệp Hội Lương Thực quốc doanh đưa ra, hầu hết là hợp đồng ký với thương lái Trung Quốc.
Cho tới nay, xuất khẩu và thu mua lúa gạo trong nước nằm hầu trong trong sự thao túng của Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam và Tổng Công Ty Lương Thực Miền Bắc, tức hai đại công ty quốc doanh với gần 100 công ty con chân rết của chúng.
Hai đại gia này chỉ tung tiền nhà nước ra mua khi có hợp đồng rồi bán lại kiếm lời, bất chấp quyền lợi của nông dân. Đã có rất nhiều bài viết về sự điêu đứng khốn khổ của nông dân trong chính sách độc quyền lúa gạo của nhà nước.
“Xuất khẩu gạo hiện nay của ta đang đi ngược chiều thế giới, các nước họ cạnh tranh giá cao với chất lượng gạo tốt, nhưng doanh nghiệp của ta thì lại đi cạnh tranh giá rẻ, gạo chất lượng thấp. Dù sao doanh nghiệp vẫn không lỗ, vì anh bán thấp thì mua thấp, thiệt đâu nông dân chịu”. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, nói trên tờ Đất Việt ngày 11/8/2013. (TN)
 
 Tiền và máu!

Tạp ghi Huy Phương


“Ưu điểm” của chế độ CHXHCN hôm nay:
Cái gì cũng có thể bán và không có gì không mua được!
Trong nghìn chuyện quái đản xảy ra ở Việt Nam lâu nay, bây giờ lại có thêm một chuyện quái đản nữa, là có lẽ rồi đây, thanh niên có thể tránh chuyện đi lính bằng cách đóng tiền, nói rõ là từ nay thanh niên Việt Nam sẽ góp đồng tiền thay việc góp máu cho quốc gia. Một trung tướng CSVN, cũng là dân biểu Quốc Hội, chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng-An Ninh, ông Trần Ðình Nhã, đã có dự thảo như thế để sửa đổi “Luật Nghĩa Vụ Quân Sự”.

(Hình minh họa: Vietnam News Agency/AFP/Getty Images)


Phải chăng đây là một hình thức hợp thức hóa cho những tệ nạn lo lót tiền để khỏi phải đi “nghĩa vụ” cho phường đội, huyện đội và những người trong hội đồng tuyển “nghĩa vụ quân sự” lâu nay, cũng như người ta đã có ý kiến đề xuất cho hợp thức hóa nghề mãi dâm.

Chuyện này hẳn có lợi cho một lớp người có đặc quyền, đặc lợi tham ô có tiền, lớp người làm thương mãi buôn bán, mánh mung trục lợi từ nhân dân, sẽ dùng tiền để che chở cho con cháu họ khỏi ra chiến trường. Số phận “anh hùng” từ nay sẽ dành cho đám quần chúng nghèo hèn, hẩm hiu này, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, không có tiền đóng cho đảng và chính phủ, chỉ có phần máu và thân xác nhỏ nhoi, cống hiến cho tổ quốc thay cho lớp có tiền. Cuối cùng chỉ có nhân dân khốn khổ phải phơi thây, còn nơi ấm cúng và chỗ ngồi tốt lành dành cho con cái đảng.

Dù chính sách của Cộng Sản lâu nay vẫn tìm cách chỉ trích, bôi xấu chế độ tư bản, thực dân xâm lược hay chế độ tự do miền Nam thế nào đi nữa, nhưng đứng trên cương vị của một công dân phục vụ cho tổ quốc, chế độ CSVN hiện nay còn phải mở mắt học hỏi thêm nhiều bài “công dân giáo dục” và đạo làm người của những phe mà họ cho là kẻ thù.
Tôi xin kể chuyện hai gia đình “kẻ thù” điển hình mà có lẽ chiến sử Cộng Sản ghi rõ hơn ai hết về tư cách phục vụ cho tổ quốc của những thanh niên “anh hùng” không hề núp bóng ô dù, không hề có chuyện “hy sinh đời bố, củng cố đời con!”

Chúng ta đã biết mặc dù mang cấp bậc đại tướng trong quân đội Pháp, Jean de Lattre de Tassigny có con trai là Thiếu Úy Bernard, được đưa đến chiến trường Ðông Dương năm 1949, một nơi được xem là có những trận chiến ác liệt, và đã tử trận tại Ninh Bình trong một cuộc tấn công của Việt Minh, năm 1951, khi mới 23 tuổi. Ông nội và cha của Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ John McCain đều từng là đô đốc bốn sao của Hải Quân Hoa Kỳ, nhưng gia đình này không phải là cái dù, để cho Thiếu Tá McCain khỏi phải bay dưới hỏa lực phòng không của Hà Nội và bị bắn rơi năm 1957.

Nhìn về phía VNCH, Ðại Úy Phi Công Phan Quang Tuấn bị bắn rơi tại mặt trận Quảng Trị, trong khi thân phụ ông, Bác Sĩ Phan Quang Ðán, một thời là quốc vụ khanh và bộ trưởng, thừa quyền lực để mang con trai về một nơi an toàn. Phan Xuân Hiệp, sĩ quan Nhảy Dù, rồi Biệt Ðộng Quân, đụng trận, bị thương ở chiến trường Cheo Reo, Phú Bổn, là con trai của con trai Tướng Phan Xuân Nhuận, chỉ huy trưởng BÐQ.

Về phía Cộng Sản miền Bắc, nơi mà “ra ngõ gặp anh hùng,” “danh tướng” Võ Nguyên Giáp, có hai người con trai đều không dính líu gì đến súng đạn. Con trai trưởng tên Võ Ðiện Biên, một cái tên rất “ấn tượng,” sinh năm 1954, nhưng xong trung học phổ thông, khoảng năm 1971, trong khi thanh niên miền Bắc đang đổ máu, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” ông con này đã được bố gửi sang học ở Học Viện Kỹ Thuật Hàng Không Giucopxki ở Liên Xô.

Học viện này là trung tâm hàng đầu đào tạo cán bộ cho ngành khoa học hàng không và nghiên cứu hàng không vũ trụ. Ra trường, trở về phục vụ cho quân đội, nói cho oai, nhưng lại nằm trong một cái vỏ bọc bằng nhung được gọi là ngành khoa học công nghệ... Bây giờ Võ Ðiện Biên là giám đốc công ty cổ phần Ðông Sơn, chuyên cung cấp các thiết bị máy móc kỹ thuật cho các cơ quan, doanh nghiệp.
Con trai út là Võ Hồng Nam (1956), tốt nghiệp Ðại Học Bách Khoa, hiện là giám đốc công ty cổ phần máy tính truyền thông Hồng Nam. Năm 1984, ông Võ Hồng Nam sang Hungary làm thực tập sinh kỹ sư công nghệ ở liên hiệp vi điện tử MEV, Buddapest, rồi kỹ sư lập trình ở viện nghiên cứu máy tính và tự động hóa Buddapest. Về nước, ông trở thành giám đốc công ty này, một doanh nghiệp làm ăn phát đạt.

Chính vì điều gì cũng nhân danh nhân dân, nhất là nhân dân thuộc loại bần cùng, đói khổ nên nhân dân phải chịu nhận vinh dự chết cho tổ quốc, để những “con ông, cháu cha” những kẻ quyền lực và có tiền ung dung ra ngoại quốc hay được điều động về trung ương, giữ những chức vụ béo bở.

Nếu đóng tiền để khỏi đi lính, thì rồi đây chính phủ sẽ ấn định bao nhiêu cho mỗi người để gọi là đủ: $500, $1,000 hay $10,000 cũng là quá rẻ để nằm trong chăn ấm, nệm êm, tránh được chuyện xa nhà, nỗi nhọc nhằn tập luyện tại quân trường, và những nguy hiểm lúc đất nước có chiến tranh. Chỉ còn lại là đám “nhân dân anh hùng” đi bộ đội cho có cơm ăn và sẵn sàng chết cho đứa có tiền.

Chúng ta thường mỉa mai lên án những lực lượng lính đánh thuê cho một đất nước không phải của mình, như Quân Ðoàn Lê Dương Pháp (FFL) mà toàn bộ binh lính được tuyển mộ từ nước khác, như 400 người Nga đang chiến đấu như lính đánh thuê ở Syria, như Blackwater, đoàn lính đánh thuê thiện chiến của Mỹ...

“Quân đội Cụ Hồ” rồi đây sẽ là một đoàn quân đánh thuê: Không phải là thứ đánh thuê cho một quốc gia khác, mà đây là đánh thuê cho giai cấp, giai cấp bần cố nông đánh thuê cho giai cấp cầm quyền, tư bản, là những kẻ bỏ tiền ra để mua máu người khác thay vì phải đổ máu của mình ra. Những người nghèo không có tiền đóng cho chính phủ sẽ cầm súng đánh thuê cho những kẻ có tiền bỏ ra thuê!

Ðó là “ưu điểm” của chế độ hôm nay: Cái gì cũng có thể bán và không có gì không mua được!

Hiến pháp sửa đổi: Trò hề kệch cỡm

Lê Thiên (Danlambao) - Đầu năm 2013, giữa lúc cao trào góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 đang sôi nổi, tôi đã gióng lên tiếng nói thô thiển của mình trong tư cách là một người dân Việt Nam. Bài “Tôi góp ý về Hiến Pháp 1992” bày tỏ nỗi ưu tư của mình về hiểm họa mất nước xuất phát từ cái trò hề “sửa đổi Hiến Pháp” mà giới cầm quyền CSVN đã dựng lên. Ở đầu bài viết ấy người viết xác định “Tôi không góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, mà góp ý về Hiến pháp 1992”, đồng thời tự nguyện đứng về phía Nguyễn Đắc Kiên mà nói với nhà cầm quyền đảng CSVN rằng: Không có chuyện sửa đổi Hiếp pháp mà chỉ có việc triệt tiêu Hiến pháp 1992, vô hiệu hóa nó hoàn toàn vì sự sống còn của Dân tộc và Tổ quốc Việt Nam.
Những trò ma mãnh của nhà cầm quyền CSVN đã bộc lộ qua vở diễn “bấm nút” kệch cỡm ngày 28/11/2013 tại nơi hội họp của các quan chức Cộng sản núp dưới cái nhãn “quốc hội” với kết quả 486/488, tức 97,59% đồng thuận cho bản Hiến Pháp “sửa đổi”, càng khiến lòng dân thêm sôi sục. Đã vậy, khi Nguyễn Sinh Hùng, người đứng đầu đảng hội ngụy danh quốc hội hí hửng gọi đó là “thời khắc lịch sử” thì lòng dân càng uất nghẹn. Rồi, khi nghe đám truyền thông “luồn” đảng bốc thơm “chiến thắng vô tiền khoáng hậu” thì thật khó ai có thể nhịn nôn! Cụ thể, báo Tầm Nhìn ngày 30/11/2013 vung vít: “Kỳ họp lịch sử với hơn 30 ngày làm việc liên tục, dài nhất từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII đã khép lại, kết thúc thành công toàn bộ chương trình nghị sự trong tiếng vỗ tay vang dội của các đại biểu Quốc hội, trong niềm hân hoan, phấn khởi và tin tưởng của đồng bào, chiến sỹ, cử tri cả nước”.
Huênh hoang thế chưa đủ, tác giả bài báo còn tung cao những con số kỳ diệu của đảng ta lên tận cõi trời xanh: “Với 32 ngày làm việc, nhưng có thể nói, thời khắc đáng nhớ nhất, tập trung và hồi hộp nhất lại là 60 giây – thời lượng để các đại biểu của nhân dân bấm nút thể hiện chính kiến trước văn kiện chính trị - pháp lý tối quan trọng của quốc gia. Một phút ngắn ngủi ấy cũng là giây phút làm nên thành công lớn nhất của kỳ họp và đưa cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII vào lịch sử lập hiến của đất nước với bản Hiến pháp đầu tiên của thế kỷ 21”. 
Những điều trên đây thôi thúc kẻ hèn này không ngần ngại lặp lại một lần nữa những gì mình đã trình bày cách đây 7-8 tháng, mong quý độc giả cùng chia sẻ.

Tôi góp ý về Hiến Pháp 1992

Tôi không góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, mà góp ý về Hiến pháp 1992.
Là hạt cát trong sa mạc, vô cùng nhỏ bé, mất hút giữa đồi cát mênh mông, tôi chẳng là gì cả so với bất cứ ai là người Việt Nam, trừ tập đoàn CSVN, những kẻ sính nhân danh Việt Nam bằng môi mép nhưng mất căn tính Việt Nam từ gốc rễ do tâm bệnh tôn thờ chủ nghĩa cộng sản, thứ chủ nghĩa đã bị nhân loại tống khứ ra khỏi dòng sinh hoạt xã hội.
Với tinh thần tự nguyện và ý thức về trách nhiệm của một kẻ dân dã quê mùa đối với quốc gia dân tộc, trong phạm vi hiểu biết giới hạn của mình, tôi tôn vinh những quan điểm mà nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên đã can đảm nêu lên trong “Vài Lời” của anh với Tổng Bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng. Tôi trọng vọng anh Kiên và đứng về phía anh mà nói với nhà cầm quyền đảng CSVN rằng: Không có chuyện sửa đổi Hiếp pháp mà chỉ có việc triệt tiêu Hiến pháp 1992, vô hiệu hóa nó hoàn toàn vì sự sống còn của Dân tộc và Tổ quốc Việt Nam.
Dứt khoát nó – cái mạo danh Hiến pháp ấy – không bao giờ là tiếng nói của dân, không hề thể hiện ý chí của nhân dân trong nước. Nó chưa phải và không bao giờ là Hiến pháp của dân, do dân, vì dân và cho dân. Thực chất nó chỉ là công cụ trấn áp dân, là thòng lọng siết cổ dân, bóp nghẹt tiếng nói của dân, giẫm đạp quyền tự do sinh sống của dân, đặc biệt là quyền làm người và quyền làm công dân bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia chống họa xâm lăng từ phương bắc. Nó là đảng pháp (như Gs Tương Lai nói), đảng pháp chống dân, phản dân, hại dân, siết cổ dân và giết dân!
Bọn người luôn vỗ ngực tự phong là “đỉnh cao trí tuệ” nào có bao giờ biết nghe ai, có bao giờ cần ai góp ý điều gì cho sản phẩm họ đã thai nghén và đẻ ra để bảo vệ họ? Người dân Việt Nam đã bao nhiêu lần mắc mưu góp công, góp sức, góp vàng, góp bạc và cả góp ý cho họ, nhưng luôn luôn được đáp trả bằng sự dối trá, lừa phỉnh, lật lọng, phản trắc, sách nhiễu, đàn áp, giết hại…!
Thực tế, từ trước đến nay, với đảng CSVN, góp ý phải được hiểu là “đồng ý”, là “hoàn toàn nhất trí”! Đã có những mẫu in sẵn, công an và cán bộ đảng mang xuống tận hạ tầng và người dân chỉ việc ký tên vào, hoặc cán bộ sẽ ký thay cho! Bằng không thì là phản động, là chống phá! Từ đó, đương nhiên con số nhân dân đồng thuận với ý đảng sẽ chiếm phần trăm tuyệt đối! Hàng triệu người đồng thuận!!!??? Kết quả ấy không thể đảo ngược! Điều 4 Hiến pháp đại thắng: đảng lãnh đạo!
Nhưng người dân Việt Nam ngày nay không dễ bị lừa phỉnh và chịu sự hăm dọa mãi như trước nữa. Đảng “ta” chớ tưởng bở! Những trò ma mãnh đã bị lật tẩy! Người dân, dù biết góp ý ngược với ý đảng sẽ bị quy kết đủ thứ tội, vẫn hăm hở tham gia góp ý… trái chiều! Ý đảng chưa bao giờ là lòng dân, nhưng có một thời dân bị mũi súng chọc vào mồm, đành câm lặng. Bây giờ là lúc nhân dân bộc lộ “lòng dân chống ý đảng!” Không lưỡng lự e dè gì nữa!
Sự hăng hái của người dân trong quyết tâm tự mình nói lên tiếng nói của mình được tỏ rõ bằng việc ký tên vào ba văn kiện mang tính lịch sử, là: (1) Bản Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 của các Nhân sĩ & Trí thức; (2) Bản Tuyên bố của những công dân tự do; và (3) Thư góp ý của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam!
Ký tên như vậy, người dân Việt Nam không mơ CSVN đón nhận sự góp ý của mình, mà chỉ có ý mạnh dạn bày tỏ ý chí QUYẾT KHÔNG với CSVN! KHÔNG CHẤP NHẬN QUYỀN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CSVN TRÊN CẢ DÂN LẪN QUÂN CŨNG NHƯ TRONG MỌI VẤN ĐỀ ĐẤT NƯỚC! Nghĩa là mọi sinh hoạt chính trị, văn hóa, xã hội, quân sự, kinh tế trong nước phải thuộc về dân, là của dân, để phục vụ cho dân và vì lợi ích của toàn dân, chứ không lệ thuộc bất cứ đảng phái kể cả cái đảng độc quyền độc trị – đảng CS!
Các nhà lãnh đạo cao cấp các tôn giáo lớn trong nước gồm Phật Giáo, Công Giáo, Hòa Hảo Phật Giáo, Tin Lành… cùng các nhân sĩ, trí thức, cựu viên chức đảng và nhà nước CSVN đều kiên quyết đòi hỏi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp và các điều khoản khác mang tính độc đảng độc tài độc trị. Việc làm này càng bị nhà cầm quyền CSVN ra sức đánh phá, người dân càng háo hức gia nhập hàng ngũ chung lòng chung tiếng đấu tranh!
Ba tài liệu nói trên sẽ bị xuyên tạc! Song tin chắc cây cứng đứng đầu gió, và những tài liệu ấy sẽ có giá trị trường tồn để vào một lúc nào đó sẽ trở thành bản án hùng hồn tố cáo tội ác của chế độ CS.
Yêu cầu trước tiên ngay bây giờ là tập đoàn CSVN hãy lập tức trả về cho nhân dân mọi danh nghĩa nhân dân họ đã tiếm dụng: Chính quyền nhân dân! Quân đội nhân dân! Công an nhân dân! Và mọi thứ nhân dân khác… Nhân dân không phải là lớp ngụy trang để cho CSVN dùng như vải thưa che mắt thánh hầu đánh lại nhân dân!
Mạo danh “nhân dân” để đảng đè lên nhân dân, đó là một cuộc hiếp dâm nhân dân man rợ nhất, một cuộc hiếp dâm tập thể, một kiểu bề hội đồng có tổ chức của những tên chuyên cưỡng dâm đê tiện, tồi bại nhất của lịch sử loài người từ cổ chí kim.
Trong tư cách là những chủ thể tạo thành quốc gia, nhân dân phải có thực quyền chứ không phải là thứ “chủ” hư danh cúi đầu phó mặc cho bọn kiêu đảng ngồi bên trên hống hách cai trị… dưới cái nhãn dân làm chủ – đảng lãnh đạo! Dân làm chủ! Khẩu hiệu bịp bợm ấy trơ trẽn lắm, lố bịch lắm rồi! Dẹp bỏ nó ngay bây giờ cũng là đã quá muộn đấy!
Hiến pháp phải là của dân, do dân, cho dân và vì dân, cho nên chỉ có một thứ Hiến pháp được toàn dân đồng thuận làHiến pháp từ một Nghị hội lập hiến do dân bầu ra, trực tiếp, bằng một cuộc phổ thông đầu phiếu hoàn toàn tự do dân chủ, không bị chi phối, dàn dựng, khống chế hay thống lĩnh bởi bất cứ âm mưu nào hay bởi thế lực độc quyền, độc đoán, độc đảng nào.
Nhân dân Việt Nam có rất nhiều lý do chính đáng để phủ nhận cái gọi là Hiến pháp 1992. Xin đan cử một số lý do mà tác giả Vũ Ngọc Yên đã liệt kê trên Bauxite Việt Nam ngày 20/3/2013 qua bài “Phân tích và nhận xét dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” như sau:
- Nhà nước CHXHCN do đảng CSVN thành lập, tức nhà nước ấy không phải là nhà nước của dân, do dân và vì dân.
- Đảng độc quyền lãnh đạo đất nước và ý thức hệ: Ý thức hệ cộng sản tự nó là một hệ tư tưởng vừa không tưởng, vừa dối trá, vừa gian hiểm. Chẳng những nó tự mâu thuẫn với chính nó mà còn gây mâu thuẫn xung đột giữa các tầng lớp xã hội để bọn chủ mưu hưởng lợi từ những mâu thuẫn xung đốt ấy.
- Không tam quyền phân lập, vì nếu CSVN chấp nhận tam quyền phân lập thì quyền độc tôn độc đảng ắt sẽ tự phá sản.
- Quốc hội thiếu thực quyền. Trên thực tế, quốc hội dưới chính thể CS chưa bao giờ là quốc hội của nhân dân, mà là quốc hội đảng trị. Quốc hội ấy không có thực quyền, chứ không phải thiếu thực quyền.
- Biến quân đội, công an, hệ thống hành chánh nhà nước thành công cụ của đảng.
- Hiến định hóa Mặt trận tổ quốc: Cái gọi là Mặt trận Tổ quốc không phục vụ Tổ quốc mà là phục vụ đảng, nó do đảng sai khiến.
- Thiếu cơ chế đảm bảo nhân quyền và dân quyền. Quyền làm dân và quyền làm người bị chà đạp; những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền và dân quyền đều bị đàn áp dã man.
Tuy nhiên, ngoài những lý do rất chính đáng trên cùng nhiều lý do khác, còn một lý do nữa khiến nhân dân Việt Nam không thể nào chấp nhận Hiến pháp 1992 của đảng CSVN dù là có sửa đổi vá víu: Nhà cầm quyền CSVN trải qua nhiều thời kỳ khác nhau mạo danh Hiến pháp để bán nước cho Tàu Cộng và đàn áp người dân yêu nước đấu tranh bảo vệ Tổ quốc chống lại bá quyền Bắc Kinh xâm phạm lãnh thổ và lãnh hải quốc gia Việt Nam.
Hoạt động bán nước được tiến hành có mưu lược, có tính toán liên tục từ khi đảng CSVN nhảy ra tranh giành quyền lực với các chính đảng quốc gia yêu nước, nhưng nổi rõ nhất là từ Hội nghị Genève năm 1954 mà kết quả là bản Hiệp định do CSVN ký với thực dân Pháp chia đôi đất nước Việt Nam dưới bàn tay phù thủy của Trung Cộng vì quyền lợi của chính họ chứ không phải vì Việt Nam, như các quan chức CSVN thú nhận sau này. Trong khi VNCH mạnh mẽ chống đối việc chia đôi lãnh thổ quốc gia bằng cách không ký tên và bản Hiệp định!
Từ năm 1956 Ung Văn Khiêm, Thứ trưởng Ngoại giao của nước VNDCCH (Bắc Việt) đã vâng lệnh Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng, đi đến Bắc Kinh đóng vai tiền trạm, cho rằng TC có chủ quyền trên các đảo Tây Sa-Nam Sa mà thực chất chính là Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam. Hai năm sau, Phạm Văn Đồng chính thức công nhận chủ quyền ấy thuộc về TC bằng một văn tự có tên là Công hàm – Công hàm Phạm Văn Đồng 1958. Phạm Văn Đồng bấy giờ là Thủ Tướng Chính phủ VNDCCH dưới quyền lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh, Chủ Tịch kiêm Tổng Bí Thư đảng CSVN, kiêm Chủ tịch Nhà nước VNDCCH.
Công hàm 1958 tạo “cơ sở pháp lý” cho Tàu Cộng đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, và cũng là điểm khởi đầu cho những hành động bán nước Việt Nam cho Trung Cộng liên tục và trắng trợn sau đó cho đến hôm nay mà ai theo dõi tin tức thời sự cũng đều thấy rõ.
Cộng sản Việt Nam càng cố tình lấp liếm cái Công hàm 1958, thì cái tội bán nước của tập đoàn CSVN do Hồ Chí Minh đứng đầu càng lộ rõ không những ở trong nước mà cả trên các diễn đàn tranh luận hay hội thảo quốc tế.
Chuyện mới xảy ra ngày 13-15/3/2013 thật là chuyện đại ô nhục cho dân tộc Việt Nam! Những ngày này, tại thành phố New York, Hoa Kỳ, một cuộc Hội thảo về Biển Đông được diễn ra do Hội Châu Á (Asia Society) và Trường Hành chính công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) phối hợp tổ chức. Đai diện nhiều quốc gia có dính líu tới Biển Đông đều tham dự, trong đó phía Trung Quốc có Tướng Zhu Chenghu. Phía Việt Nam thì do Nguyễn Thị Lan Anh,Phó trưởng khoa Luật quốc tế thuộc Học viện Ngoại giao và Nguyễn Thị Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao tham dự.
Tại cuộc Hội thảo, đại diện phía CSVN nêu ra rằng, nhiều lần Việt Nam tỏ rõ “thiện chí” đề nghị phía Trung Quốc cùng ngồi lại thương thảo với Việt Nam, nhưng phía Trung Quốc luôn luôn từ chối. Tướng Trung cộng Zhu Chenghu bèn phản pháo: “Tây Sa thuộc Trung Quốc theo công hàm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng viết cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào năm 1958, công nhận Hoàng Sa-Trường Sa thuộc Trung Quốc… Giấy trắng mực đen – White paper and black ink!!!” White paper and black ink là nguyên văn câu nói từ miệng tướng Trung Cộng, chứ chẳng có ai đặt điều bịa chuyện gì cả! Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng! Rõ ràng lắm! Hết chối cãi!
Phía Trung Cộng lại nhấn mạnh: “Nếu nhà nước Việt Nam không coi lãnh thổ phía nam vĩ tuyến 17 (miền Nam) là phân nửa quốc gia của mình thì mới xem lại giá trị công hàm!”
Một chi tiết đáng ghi nhận là CSVN từ trong nước tỏ ra “quan tâm theo dõi” cuộc Hội thảo Biển đông tại New York ngày 13-15/3/2013 nói trên, nhưng trớ trêu thay! Bản tin của Thông tấn xã Nhà nước CSVN (TTXVN) chẳng có lấy một chữ, một lời đá động tới điều tướng Tàu Zhu Chenghu nêu ra và cũng chẳng dám đưa hình ảnh minh họa phía đại diện Việt Nam đã lúng túng lảng tránh như thế nào trước lời cáo buộc của Trung Cộng.
Càng xấu hổ hơn nữa là sau đó các báo luồng đảng trong nước (như Thanh Niên, Đất Việt, Vietnamnet…) xúm nhau theo lệnh đảng, sao y bản tin của TTX/CSVN để tung hỏa mù đánh lừa nhân dân, đánh bóng “thành quả xuất sắc của đảng ta”. Trong khi nếu chịu khó vào net tìm Asia Society, chúng ta sẽ không thể nào ngăn được lòng căm phẫn khi xem đoạn video về cuộc Hội thảo, nhất là khi chiêm ngưỡng cái dung nhan đối thoại hùng hổ của tên tướng Trung Cộng và gương mặt trơ trẽn ngượng chín của hai phụ nữ đại diện phía CSVN lúc mà tên tướng Tàu mang cái Công hàm 1958 và tên của Phạm Văn Đồng ra mà nhục mạ Việt Nam! Uất nghẹn dâng trào!
Trong trách nhiệm đối ngoại, trả lời như thế nào, đối đáp như thế nào với luận điệu của TC, đó là việc của nhà cầm quyền CSVN với đàn anh của họ. Nhưng đối với dân tộc Việt Nam, nếu CSVN coi lãnh thổ phía nam vĩ tuyến 17 là phân nửa quốc gia của mình” vào thời điểm Phạm Văn Đồng ký Công hàm 1958 thì rõ ràng đảng CSVN đã bán nước có văn tự – giấy trắng mực đen (white paper and black ink, như Zhu Chenghu nói).
Còn như ngược lại, “nếu nhà nước Việt Nam không coi lãnh thổ phía nam vĩ tuyến 17 (miền Nam) là phân nửa quốc gia của mình” thì cả đảng CSVN lẫn đảng CSTQ đều là quân xâm lược, quân ăn cướp! Cả CSVN lẫn CSTQ phải hoàn trả tức khắc cái gì của Miền Nam Việt Nam cho chính chủ của Miền Nam Việt Nam! Tuy nhiên, phía CS Bắc Việt buộc phải hoàn trả trước, chính chủ của Miền Nam Việt Nam mới có thể yêu cầu LHQ can thiệp, buộc TC rút khỏi những vùng đất đai, biển đảo chúng đã cưỡng đoạt của Việt Nam qua sự thỏa hiệp, đồng tình và cả tự nguyện dâng hiến từ phía CSVN bằng Công hàm, bằng Hiệp định (Hiệp định biên giới Việt Hoa, Hiệp định lãnh hải phía bắc…). Và từ đó, một quốc gia Việt Nam thống nhất hình thành: thống nhất về mặt lãnh thổ lẫn ý chí, lập trường quốc gia dân tộc và đường hướng xây dựng tự do, độc lập, dân chủ, công bằng xã hội và phú cường.
Một đảng buôn dân bán nước trắng trợn! Một đảng hà khắc ác độc với dân trong khi cúi luồn bưng bợ lũ xâm lăng! Một đảng mồm loa mép giải “dân là gốc”, nhưng tay thì vung đao, mã tấu, dùi cui và súng đạn nhắm thẳng vào đầu dân! Đảng ấy chẳng những hoàn toàn không có quyền lẫn tư cách lãnh đạo nhân dân, mà còn đáng phải bị lôi ra tòa công lý xử tội trước nhân dân!
Một đảng mang đầy tội ác với dân với nước như vậy, thì cái Hiến pháp do họ chế ra là cái giống gì nếu không là sản phẩm của tội ác? “Hiến pháp” đó là căn nguyên của bạo lực, bạo hành và là mầm mống gây nên xáo trộn trên mọi lãnh vực đời sống nhân dân. Nó là bản luật gốc đẻ ra cả một rừng luật chỉ với mục đích để đảng sử dụng luật rừng đánh vào dân!
Hiến pháp ấy phải giải trừ nó, phải triệt tiêu nó ngay, nếu chúng ta muốn nước Việt Nam tồn tại, dân tộc Việt Nam sống còn!
30/3/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét