Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Nhà trẻ con đẻ của nhà nước! & KÌA! CÁI TẤT YẾU ĐANG LỪNG LỮNG ĐI TỚI!

KÌA! CÁI TẤT YẾU ĐANG LỪNG LỮNG ĐI TỚI!

Tống văn Công
I-  VÌ SAO QUỐC HỘI KHÔNG THỂ NHẬN THỨC ĐƯỢC ”CÁI TẤT YẾU” ?
1Sau khi Hiến pháp được Quốc hội  thông qua với số phiếu áp đảo, dư luận cả nước sôi  hẳn lên. Các giáo sư, tiến sĩ  Mác – Lê phân tích  “Hiến pháp thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng được Quốc hội thông qua  là thắng lợi của ý Đảng lòng dân”. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong nói ”Hiến pháp mới nói lên tiếng nói của 90 triệu đồng bào”. Báo Nhân Dân đăng bình luận “Hiến pháp (sửa đổi) – một bước tiến lịch sử”.

Nhưng có sự  phản ứng ngược lại. Nhà văn Võ thị Hảo kêu lên ngày thông qua Hiến pháp là ngày tang khốc của dân tộc. Đảng viên Lê Hiếu Đằng, người từng bị chế độ Sài Gòn kết án tử hình tuyên bố từ bỏ Đảng. Hôm sau, đảng viên tiến sĩ Phạm Chí Dũng một cây bút bình luận thời sự chính trị xuất sắc, gửi tâm thư xin ra Đảng, bởi “Sự lãnh đạo toàn diện của Đảng chỉ mang hơi thở và bóng hình của các nhóm lợi ích”. Tiếp theo, đảng viên, bác sĩ Nguyễn Đắc Diên ra Đảng nhưng hứa hẹn ”Khi nào Đảng thực sự hoàn lương, nắm vững ngọn cờ dân tộc vứt bỏ ngọn cờ xã hội chủ nghĩa thì tôi lại phấn đấu xin vào”. Đảng viên Nguyễn Minh Đào gần 80 tuổi đời, gần 60 tuổi Đảng  cảnh báo “Đất dưới chân Đảng đang rung chuyển, tôi mong Đảng hãy kịp thời hành động, đừng để quá muộn!”.
Lời nói đầu Hiến Pháp mới viết rằng, Hiến pháp này “kế thừa Hiến pháp 1946”. Nếu đúng như vậy thì cũng đã đáp ứng được phần lớn đòi hỏi của số khá đông đảng viên và nhân dân rồi, vậy  tại sao vấp phải phản ứng dữ dội như vậy? Không đúng! Hiến pháp 1946 và Hiến pháp mới khác nhau về ý thức hệ, cho nên không có chuyện kế thừa ! Hiến pháp 1946 đề cao vai trò của nhân dân, đảm bảo các quyền cơ bản của nhân dân, quy định nhân dân tham gia quyết định các sự kiện trọng đại của đất nước bằng quyền phúc quyết sau khi đã được Quốc hội thông qua. Hiến pháp 1946 quy định nhà nước pháp quyền, với tam quyền phân lập, điều mà Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của Pháp năm 1879 ở Điều 16 viết:”Ở một xã hội mà quyền con người không được đảm bảo, nguyên tắc tam quyền phân lập không được tôn trọng thì Hiến pháp có được ban hành  hay không cũng chẳng có  ý nghĩa gì”. Khác với Hiến pháp 1946, Hiến pháp mới  quy định cho một tổ chức chính trị được quyền  lãnh đạo nhà nước và xã hội mà không cần phải  qua bầu cử của nhân dân,  quy định lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với tổ chức chính trị ấy.
Giống như bào chữa cho  việc bỏ phiếu thông qua Hiến pháp của Quốc Hội , tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội  cho rằng: “Hai năm qua, những tư tưởng về chủ nghĩa lập hiến, về chủ quyền nhân dân, về quyền con người, về cơ chế kiểm soát quyền lực…đã tràn vào nước ta, thắp sáng khối óc và con tim của hàng triệu người Việt….Tuy nhiên, nhận thức về sự tất yếu như vậy nhiều khi khó đạt một cách dễ dàng . Một độ trễ nhất định của nhận thức so với thực tiễn đã đầy “đa nguyên” của đời sống kinh tế là rất khó tránh khỏi.” Lời bào chữa của ông  không  giúp  được  “hạ nhiệt” dư luận mà trái lại đã  làm cho người đọc thêm bức xúc: “ Tại sao những tư tưởng khai sáng tràn vào thắp sáng được khối óc, con tim của hàng triệu người Việt mà nó lại không thể  thắp sáng nỗi đầu óc, con tim của gần 500 đại biểu Quốc hội, trong có hơn 90 % là đảng viên, và có mặt tất cả các ủy viên Bộ chính trị của Đảng tiên phong lãnh đạo,  “ những đại biểu ưu tú mang  trí tuệ của dân tộc và  thời đại”? Điều ấy  gây  khó cho những ai muốn bào chữa  họ là những đại biểu ưu tú của nhân dân!
Mọi người  đều biết “tất yếu và ngẫu nhiên” là một cặp phạm trù triết học phản ánh mối liên hệ khách quan giữa các hiện tượng trong quá trình biến đổi, phát triển của thế giới . Tất yếu là cái nhất thiết phải xảy ra trong những điều kiện nhất định, còn ngẫu nhiên là cái có thể xảy ra hay không thể xảy ra, có thể xảy ra thế này hay thế khác. Tất yếu gắn liền với những nguyên nhân bên trong, bản chất của hiện tượng, là xu hướng phát triển cơ bản của hiện tượng. Cái tất yếu mở đường đi cho nó thông qua vô số những cái ngẫu nhiên, còn cái ngẫu nhiên thì trở thành biểu hiện, bổ sung cho cái tất yếu. Cái tất yếu được chỉ ra trong các quy luật động học có  độ xác định cao. (theo Từ điển Bách khoa).
Nhiều học giả trên thế giới và trong  nước đều khẳng định rằng, tự do, dân chủ, nhân quyền là xu thế tất yếu của thời đại mà mọi quốc gia nhanh hay chậm đều  phải đi đến. Vậy nếu đi ngược lại cái tất yếu thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn phía trước  tiềm ẩn nhiều tai họa!
Đại văn hào Stephan Zweig cho rằng “Luôn có những con chim báo bão, sứ giả của trí tuệ, đi trước những tai họa lớn bằng sự bay của mình”. Tiếc thay tiếng  chim báo bão ở nước ta  không có người  lắng nghe!
 “ĐẾN HẾT THẾ KỶ NÀY CHƯA BIẾT ĐÃ CÓ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI HOÀN THIỆN Ở VIỆT NAM  HAY CHƯA”!
Trên đây là câu nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi góp ý sửa đổi Hiến pháp. Ông  vốn là  tiến sĩ  về lý luận xã hội chủ nghĩa Mác – Lê , là người đứng đầu  Đảng cộng sản  nhận nhiệm vụ “đưa đất nước từng bước quá độ lên CNXH  với nhận thức và tư duy đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam” (Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011). Vậy câu nói của ông nên hiểu là với  “nhận thức và tư duy” thế nào?
Theo lý luận Mác- Lê thì ở thời kỳ quá độ , chuyên chính vô sản phải thi hành các chính sách nhằm tạo ra “điều kiện tiên quyết của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là xây dựng nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa hùng mạnh  và tiến hành hợp tác hóa kinh tế nông dân. Thời kỳ quá độ kết thúc sau khi đã tiêu diệt thành phần tư bản chủ nghĩa ở thành thị và nông thôn, chủ nghĩa xã hội thắng lợi trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.” (Từ điển kinh tế, Nhà XB CTQG  Liên Xô năm 1958, NXB Sự thật in lại 1962, trang 565). Về thời kỳ quá độ,  Đại hội 11 kết luận:”Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.” Nội dung này trung thành với nguyên lý nói trên và không gây cảm giác “chuyện ấy còn lâu”.
Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới bác bỏ khả năng thực hiện “quá độ xã hội chủ nghĩa” nói trên. Nhưng có lẽ  sự bác bỏ có sức thuyết phục mạnh  nhất là việc các nước SNG trong Liên Xô cũ và các nước Đông Âu vứt bỏ hoàn toàn lý thuyết nói trên để thực hiện nền dân chủ pháp quyền, kinh tế thị trường hiện đại và  xã hội dân sự.
 Nguyên nhân khiến cho chủ nghĩa xã hội không thể vượt qua được chiếc cầu “quá độ” là vì nó mang nhiều khuyết tật không thể  khắc phục, trong đó có hai vấn đề lớn nhất:
Một là chế độ độc tài toàn trị  từng bước làm thoái hóa Đảng cộng sản cách mạng, vốn đặt mục đích  vì lợi ích người lao động, cuối cùng lại  trở thành Đảng quan liêu, đặc quyền đặc lợi, tham nhũng, đứng trên  nhân dân. Tình trạng này không thể khắc phục được, bởi như nhận định của lý thuyết gia chính trị Lord Acton “ Quyền lực dẫn tới tha hóa. Quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối.” Các Đảng cộng sản đều kêu gọi đảng viên gần dân, dựa vào dân, nhưng mọi quyền lợi của họ đều do Đảng quyết định, cất nhắc, phân công cho nên  không có đảng viên nào thấy cần phải  dựa vào dân. Hơn nữa, những điều người dân đòi hỏi mà trái với Nghị quyết của Đảng thì  họ phải nhân danh Đảng bác bỏ, thậm chí trù giập, để bảo vệ quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Nền dân chủ  xã hội chủ nghĩa  là “Đảng cử dân bầu”.
Hai là chế độ xã hội chủ nghĩa triệt tiêu quyền sở hữu tài sản cá nhân tức là quyền tự do về kinh tế, khiến cho con người  mất động lực lao động sản xuất và sáng tạo. “Cha chung không ai khóc”, “của chung là của chùa” khiến cho “làm thì nhác, chia chác thì siêng”. Lê Nin cho rằng quyết định cuộc đấu tranh “ai thắng ai” là ở năng suất lao động bên nào cao hơn. Nhưng kết cục, năng suất lao động ở các quốc gia xã hội chủ nghĩa đều thấp, hàng hóa  làm ra vừa ít, vừa kém chất lượng. Đời sống vật chất không được cải thiện, trong khi đời sống tinh thần không có tự do, nhân dân không thể mãi cúi đầu cam chịu.
Đảng cộng sản Việt Nam may mắn hơn các Đảng cộng sản khác ở 2 điều: Nhân dân ta nhạy bén, dám  phản ứng khi nhìn thấy  khuyết tật  lộ ra sau cải tạo xã hội chủ nghĩa;  Đảng có nhiều nhà lãnh đạo  biết lắng nghe nhân dân, âm thầm cùng họ “xé rào”(tức là vượt qua các nguyên lý xã hội chủ nghĩa), như Võ Văn Kiệt, Trần Phương, Đoàn Duy Thành, Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Văn Hơn, Bùi Văn Giao… Nhờ đó, Đảng có thể  lãnh đạo cuộc đổi mới kinh tế của Đại hội 6 năm 1986. Với cách nói né tránh là “xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp”, thực ra đó là xóa bỏ cơ chế xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa Mác-Lê mà nội dung đã trích dẫn ở trên. Chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có thành phần kinh tế tư bản, nhưng né tránh tên cúng cơm để gọi là doanh nhân. Tuy nhiên về mặt chính trị thì hầu như 28 năm qua không có sự tự giác  đổi mới  đáng kể, chỉ vì sợ mất vị trí độc quyền toàn trị. Ngay trong khóa 6,  ông Trần Xuân Bách, ủy viên Bộ chính trị chỉ vì  đề nghị đổi mới chính trị song song với đổi mới kinh tế đã lập tức  bị sa thải!
Đại hội 7, Đại hội 8 vẫn  nhắc lại  đổi mới kinh tế là “điều kiện quan trọng để tiến hành thuận lợi đổi mới chính trị”, nhưng lại “bác bỏ lợi dụng dân chủ, nhân quyền nhằm quấy rối về chính trị”. Đại hội 9 rút ra 4 bài học đổi mới không nhắc gì đến đổi mới chính trị. Điều lạ lùng là  Đại hội này khẳng định “Con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta bỏ qua chủ nghĩa tư bản”. Thật là cố bám lấy mớ lý luận giáo điều một cách hết sức nông nổi, dù rằng thừa nhận “tình trạng tham nhũng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng.”, bởi vì không nhân thức được nguyên nhân suy thoái là do không đổi mới chính trị.  Đại hội 10, quyết định,“Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, và phát triển văn hóa tinh thần”; đồng thời cảnh báo tình trạng suy thoái đa dạng và nghiêm trọng hơn khóa trước :“Suy thoái chính trị, đạo đức lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng thiếu sức chiến đấu.” Trước thềm Đại hội 11, nhiều đảng viên, trong đó có nguyên ủy viên Bộ chính trị và Ủy viên Trung ương,  kiến nghị phải đổi mới chính trị. Ý kiến các đồng chí này  không được nghe, họ  còn bị quy chụp là suy thoái chính trị, “tự diễn biến”! Đại hội 11 nhắc lại ”Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp…”. Nhưng không nêu ra được những nội dung tự do, dân chủ của thời đại vào  lộ trình đổi mới chính trị. Các văn kiện vẫn tiếp tục khái niệm “mở rộng dân chủ” mà mấy mươi năm trước, Trần Xuân Bách đã bác bỏ:” Dân chủ không phải do lòng tốt của những người lãnh đạo muốn ban ơn cho dân, thấy thuận lợi thì mở rộng thấy bất tiện thì thu hẹp. Dân chủ không có chỗ cho những ai muốn lợi dụng”. Thực hiện nghị quyết Đại hội 11,  Hội nghị TƯ 4 ra Nghị quyết xây dựng Đảng,  tìm biện pháp khắc phục tình trạng mà  một nhà lãnh đạo Đảng đã  chẩn đoán”Tình trạng suy thoái trong Đảng đã nặng lắm rồi, như căn bệnh ung thư đã di căn”. Đáng buồn là biện pháp chủ yếu  để trị “ung thư đã di căn” được  HN TƯ 4 đề ra chỉ  là “tự phê bình và phê bình chân thành xây dựng.” Nhà văn Vũ Tú Nam xót xa bình luận”Đảng như con cá ngúc ngoắc trong ao cạn!”
Đến đây,  đã có thể hiểu được vì sao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt mục tiêu xã hội chủ nghĩa xa vời đến thế.  Ông đã thấy “Tham nhũng tổ chức thành đường dây chứ không phải từng người ăn mảnh….họ  đua nhau tham nhũng”. Đảng viên có chức, có quyền, “một bộ phận không nhỏ”  là những “tư bản đỏ” nắm quyền vận hành nền kinh tế theo thứ “chủ nghĩa tư bản  hoang dã”. Ông không thấy  không thể  nào “cải tạo xã hội chủ nghĩa” đối với họ. Vậy thì,  làm sao biết  hết thế kỷ này đã có chủ nghĩa xã hội  hay chưa! Ông  thấy bất lực trước thực tế, nhưng tiếc thay tại sao  vẫn cố buộc cả dân tộc phải đi  “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!”?  
 Thưa Tổng bí thư, xin được nhắc lại lời của Alexander Ivanovich Herzen, một nhà tư tưởng Nga lỗi lạc:” Mục đích mà xa bất tận thì không phải là mục đích nữa,- nếu anh muốn, chỉ là mánh khóe thôi; mục đích thì phải gần hơn, ít nhất cũng như tiền lương hay khoái cảm trong lao động….Cuộc sống không thỏa mãn với những ý tưởng trừu tượng, không chịu vội vã, cứ chậm chạp….Cho phép tôi được hỏi anh, do đâu mà anh cảm thấy thế giới bao quanh chúng ta lại vững chắc và trường tồn đến thế?”.
 II – TỪ BẢN KIẾN NGHỊ 1 NGƯỜI KÝ,  ĐẾN  “KIẾN NGHỊ 72”.
 Đầu năm 1991, trước thềm Đại hội 7, tình hình kinh tế đã có chuyển biến khá, nhưng đất nước chưa thoát khỏi khủng hoảng. Một số lão thành cách mạng họp nhau nhận diện cuộc khủng hoảng và bàn bạc tìm lối ra. Các cụ nhất trí giao cho ông  Nguyễn Kiến Giang, nguyên Phó giám đốc Nhà xuất bản Sự thật chấp bút. Đến tháng 3-1991 bản kiến nghị viết xong với tựa đề là “Khủng hoảng và lối ra”. Các cụ họp lại  đọc, tất cả đều tán thành, nhưng chỉ có cụ Lê Giản, nguyên giám đốc Nha Công an đầu tiên đồng ý ký tên, số còn lại mỗi người nêu một lý do để từ chối ký tên ! Bởi tháng 3 năm 1990 ông Trần Xuân Bách đã bị kỷ luật vì những luận điểm ná ná bản kiến nghị này. Thế mới biết ở thời  ấy nỗi sợ hãi thật là ghê gớm. Trước tình hình đó, Nguyễn Kiến Giang đành xin phép các cụ  một mình ông ký tên và gửi cho Bộ chính trị!
Bản kiến nghị Khủng hoảng và lối ra dài hơn 17 trang giấy A4,  hơn 10.000 từ. Xin lược ghi những điểm quan trọng.
ĐẶT VẤN ĐỀ:
“Tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng và kéo dài là hiện thực cơ bản bao trùm toàn bộ đời sống xã hội nước ta không ai không thừa nhận….. Văn kiện Đảng gọi là khủng hoảng kinh tế – xã hội, nhưng thực chất của nó là thế nào? Nguyên nhân chủ yếu của nó? Có khả năng ra khỏi khủng hoảng hay không? Thoát ra bằng lối nào?
KHỦNG HOẢNG:
Đây là khủng hoảng toàn diện, khủng hoảng tổng thể của xã hội : kinh tế và xã hội, tinh thần và đạo đức, tư tưởng và chính trị. Khủng hoảng ở mỗi lĩnh vực vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của khủng hoảng ở các lĩnh vực khác”
Các quan hệ sở hữu  không phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, do đó vẫn tiếp tục kìm hãm và phá hoại những năng lực sản xuất xã hội. Rõ nhất là ở khu vực sở hữu nhà nước,  đang biến thành ổ chứa những bệnh tật hiểm nghèo: Tham nhũng, buôn lậu và lãng phí vô tội vạ…. Những phần tử thoái hóa biến chất trong bộ máy nhà nước móc ngoặc với những phần tử  lưu manh kết thành những mafia có thế lực khá lớn.
 Sự phân hóa xã hội không lành mạnh đang diễn ra…. Nghèo khổ lạc hậu cộng với bất công xã hội làm cho tình hình xã hội rất ngột ngạt.
Trong hoàn cảnh đó, khủng hoảng về tinh thần là không thể tránh khỏi. Chưa bao giờ con người sống chông chênh và lo lắng như bây giờ. Chưa bao giờ đạo đức xã hội bị xói mòn và băng hoại như bây giờ. Tội ác xảy ra ngày càng tăng, mang những hình thức nghiêm trọng hiếm thấy… Các giá trị tinh thần bị lật ngược: Người ngay sợ kẻ gian, người lương thiện có năng lực sống khổ cực hơn kẻ cơ hội;  xu nịnh trở thành “mốt” phổ biến.
Khủng hoảng có khía cạnh quốc tế của nó. Xu thế dân chủ hóa phát triển rộng rãi và mạnh mẽ. Trong khi đó nước ta vẫn sống trong thế cô lập với thế giới bên ngoài. Tính chất lạc hậu, lạc điệu của nước ta càng nổi bật lên,tạo thành một sức ép tinh thần lớn đối với nhân dân, nhất là lớp trẻ và giới trí thức..
Khủng hoảng ở nước ta hiện nay tập trung nhất ở khủng hoảng chính trị. Đảng duy trì địa vị độc tôn quá lâu, biến sự lãnh đạo của mình là một tất yếu khách quan trong đấu tranh giải phóng dân tộc thành chế độ đảng trị hiện nay là một áp đặt chủ quan… Đảng đã tự đánh mất uy tín vốn có. Trong điều kiện đó không thể nói tới một nhà nước pháp quyền. Xã hội gần như sống không có luật pháp. Chỉ cần nhắc tới một sự thật là đã phát hiện 10.000 vụ tham nhũng, nhưng chỉ đưa ra xét xử vài chục vụ mà cũng không xét xử đến nơi đến chốn.
LỐI RA:
Về mặt quốc tế: Quốc tế hóa kinh tế, tiến bộ khoa học – công nghệ, dân chủ hóa đời sống xã hội của nhân loại đang tạo cho chúng ta những điều kiện hòa chung vào trào lưu văn minh hiện đại.
Trong nước, những lực lượng ủng hộ đổi mới có khắp nơi, chỉ cần có sự lãnh đạo sáng suốt. Có 2 điểm cần làm rõ:
1- Bài học từ Đông Âu không phải là kìm giữ, bị động đối phó với dân chủ hóa và đổi mới chính trị mà phải là chủ động thực hiên dân chủ hóa và đổi mới chính trị từng bước vững chắc, triệt để.
2- Dân chủ hóa không đe dọa  sẽ tước mất vai trò lãnh đạo của Đảng. Chỉ có đảng nào không gắn bó với nhân dân, biến sự lãnh đạo của mình thành chế độ đảng trị và cố bám giữ lấy nó thì mới bị sụp đổ.
Chuẩn bị mảnh đất tốt cho sự phát triển lâu dài của đất nước trên nền tảng văn minh chung của loài người đã được khảo nghiệm là : Xã hội dân sự ( Nguyễn Kiến Giang dùng thuật ngữ “xã hội công dân”); kinh tế thị trường; nhà nước pháp quyền.
Phải tách Đảng ra khỏi các chức năng nhà nước, tách nhà nước ra khỏi chức năng quản lý, điều hành kinh tế,  mới có thể  vận hành có hiệu quả guồng máy kinh tế- xã hội.
Thay đổi quan hệ sở hữu: Chuyển sở hữu nhà nước thành sở hữu cổ phần và sở hữu tư nhân những phần còn lại. Đối với nông dân thực hiện quyền có (droit de possession) về ruộng đất lâu dài, kể cả quyền thừa kế và chuyển nhượng.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng xây dựng xã hội dân sự, nhà nước pháp quyền sát chuẩn mực quốc tế.
Phát huy năng lực trí tuệ của giới trí thức. Tôn trọng tự do tư tưởng, tự do sáng tác, tự do báo chí. Xóa bỏ độc quyền chân lý là một yêu cầu bức bách về chính trị.
Chuyển quyền lực chính trị từ các cơ quan Đảng sang các cơ quan đại diện quyền lực nhân dân. Tuyên bố xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp quy định vai trò của Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội chỉ được thực hiện bằng phương pháp thuyết phục.
Mặt trận Tổ Quốc đứng ra triệu tập một Đại Hội quốc dân mới theo kinh nghiệm Đại hội quốc dân ở Tân Trào trước khởi nghĩa Tháng 8 1945 để bàn và quyết định Một chương trình khắc phục khủng hoảng.
Theo tinh thần hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc, Đảng chỉ cần bảo đảm cho mình một nửa số đại biểu, hoặc một đa số tương đối trong Quốc hội.
Bản kiến nghị với những điều đặt ra hết sức thiện chí  đã  bị xếp xó. Do đó mà sau 22 năm,  tình trạng khủng hoảng toàn diện của đất nước đã tăng lên theo  cấp số nhân! Thực tế đất nước và  nguyện vọng bức xúc của  nhân dân đã hun đúc đưa tới sự ra đời của Bản kiến nghị 72. “Kiến nghị 72”  là liều thuốc mạnh chữa một bệnh trạng của Đảng độc quyền lãnh đạo “ung thư đã di căn”, gồm các điểm quan yếu:
 - Theo nguyên tắc chủ quyền nhân dân, không định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội thuộc một tổ chức chính trị.
 - Quy định quyền con người theo đúng tinh thần Tuyên ngôn về quyền con người năm 1948 và các Công ước quốc tế.
 - Đất đai thuộc nhiều quyền sở hữu: tư nhân, tập thể, cộng đồng, nhà nước.
 - Nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập.
 - Quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân.
 -   Quân đội chỉ trung thành với Tổ quốc.
Trí tuệ và tầm vóc lớn lao của kiến nghị lần này  không phải ở con số gấp 72 lần, cũng không phải  15.000 lần tương ứng với số người đã hưởng ứng ký tên. Điều quan trọng là nó  mang sức mạnh  tỉnh thức của nhân dân, nhận ra cái tất yếu nhất thiết phải xảy ra! Một số nhà lý luận “phò chính thống”(theo cách nói của Nguyễn Kiến Giang) cố cãi chày cãi  cối rằng, 72 hoặc 15000 vẫn là thiểu số. Các ông không nhớ rằng, Kim Ngọc, người khai sinh khoán 10 là  rất  thiểu số!  Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1945 với 5000 đảng viên là  rất thiểu số! Vấn đề không phải là ít hay nhiều mà là tiềm năng có thể nhân lên nhanh chóng để chiến thắng, hoặc ngược lại thì, dù là một thực thể khổng lồ nhưng rất dễ bị thoái hóa, lụi tàn. Điều quyết định là ở chỗ   thuận theo lòng dân và hợp với xu thế tất yếu của thời đại.  
Tiếc thay, bản Hiến pháp thể chế hóa Cương lĩnh vừa được thông qua, chẳng những không đếm xỉa góp ý của nhân dân mà còn bác bỏ nhiều điều đã được chính Chính phủ gồm có  ủy viên Bộ chính trị, ủy viên BCH TƯ đã thảo luận và biểu quyết !
III  XIN CHỚ VỘI REO MỪNG, CŨNG ĐỪNG BUỒN TANG KHỐC!
Vô cùng  trân trọng sự âu lo của nhà văn Võ thị Hảo khi nghe bà đau đớn kêu lên, ngày thông qua Hiến pháp là ngày tang khốc của dân tộc! Xin đừng quá đau buồn, hãy nhìn kìa, sự tất yếu vẫn cứ đang lừng lững đi tới!
Biên soạn bản Hiến pháp này, người ta đã rất dày công, khéo léo chọn từng câu, tìm từng chữ để  hóa trang cho nó có bộ mặt dân chủ, nhân quyền. Trước kia, Stalin, Mao Trạch Đông không cần điều đó. Nói chi xa, Hiến pháp 1980 không cần điều đó. Nghĩa là thời đại đã dần dần buộc dù muốn toàn trị cũng  không được ngang nhiên, mà  phải khéo diễn đạt bằng ngôn từ tự do dân chủ!  Và  khi đã đóng vai ông Thiện thì không thể vung dùi cui bạt mạng được !
1 – “Viết hoa chữ Nhân dân”
Ngày 9-12 2013 họp báo công bố Hiến pháp, ông Phan Trung Lý chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết “Lần đầu tiên trong Hiến pháp, chúng ta viết hoa chữ “Nhân dân nâng lên một bước vai trò của Nhân dân, Hiến pháp trước hết khẳng định chủ quyền của Nhân dân”.   
Viết hoa chữ nhân dân là học  cách nói của nhà văn Maksim Gorky khi ông nói “Con người viết hoa” để tỏ ý trân trọng con người lao động và tự do, chứ không phải ông viết hoa chữ con người trong các tác phẩm của mình! Tuy vậy,  không vì cách nói của ông mà làm cho nhà nước  xô viết Stalin tôn trọng con người, để nhờ đó mà tránh khỏi diệt vong. Các nhà ngôn ngữ sẽ cho ý kiến cách viết đó có đúng ngữ pháp hay không, nhưng vấn đề cần nói là liệu viết hoa tất cả chữ nhân dân trong Hiến pháp có tạo ra được điều kiện để  khẳng định  chủ quyền nhân dân trong thực tế? Xin nêu 2 điểm sau đây để cùng suy nghĩ:
- Khiếu kiện là một hình thức tỏ bày ý kiến rất cao so với  những kiến nghị  ở các cuộc họp, hoặc góp ý của cử tri. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói”Không ai thích thú gì đi khiếu kiện”. Vậy thì tại sao người dân bắt đầu khiếu kiện suốt hơn 10 năm qua mà cho đến nay nguyên nhân chính  của nó là lời hứa “người cày có ruộng” từ  những năm 30 và trước cuộc cải cách ruộng đất ở thế kỷ trước, vẫn chưa được ghi nhận trong Hiến pháp này? Chắc chắn rồi đây, người nông dân sẽ không thể câm lặng!
  – Chủ quyền nhân dân nằm trong cái khung của  Cương lĩnh! Đại biểu Dương Trung Quốc khi trả lời chuyện ông  không bỏ phiếu tán thành Hiến pháp :“Khi đặt lên bàn thì phải nói là các nhà lãnh đạo Quốc hội cũng rất muốn mở rộng dân chủ để mọi người tham gia. Có lẽ cuộc thảo luận đó nó đã khá rộng rãi và nó đi quá giới hạn mà theo tôi quan niệm, là vượt quá xa Cương lĩnh của Đảng cộng sản cho nên về sau họ điều chỉnh lại”. Như vậy  “chủ quyền nhân dân” không thể vượt qua cái khung mà  Đảng đặt ra trước đó!
2 – Ở các nước dân chủ, Hiến pháp là quyền lực tối thượng .
Các Đảng cầm quyền ở các xã hội dân chủ phải xây dựng cương lĩnh của Đảng sao cho nhân dân thấy rằng Cương lĩnh đó có chất lượng  thực thi Hiến pháp hiệu quả  nhất. Khi quyền con người  được Hiến pháp ghi nhận thì nhân dân cứ theo đó mà  thực hiện, không phải “theo quy định của pháp luật”để cắt xén vô lối. Ngay dưới chế độ thực dân Pháp, ngày 22-7-1938, Đảng cộng sản Việt Nam đã ra báo Dân chúng không xin phép tại số nhà 43- đường Hamelin (nay là Lê thị Hồng Gấm, quận 1, TP HCM). Chính quyền thực dân Pháp đã chấp nhận. Chẳng lẽ sau nửa thế kỷ đổ bao xương máu để giành độc lập, tự do, người Việt Nam thực hiện quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp lại bị trấn áp bởi Đảng cộng sản mà mình đã cưu mang? Chẳng lẽ người Việt Nam có một nhà nước “dân chủ gấp vạn lần hơn” như lời bà Phó chủ tịch nước, lại không thể tự do lập ra một cái Hội nhà văn cỡ như  Tự lực Văn đoàn  dưới nanh vuốt của thực dân Pháp? Nhà nước Việt Nam  vừa đắc cử  vào Hội đồng Nhân quyền thế giới với số phiếu cao tuyệt đối. Vậy thì thế giới nhìn vào Việt Nam, họ sẽ nghĩ sao? Và nhân dân Việt Nam  nhìn ra thế giới sẽ nghĩ sao về thân phận của mình?  Xin đừng quá bi quan! Một sự kiện có tính lịch sử : ngày 23 tháng 9-2013,  Diễn đàn xã hội dân sự đã ra đời với một Ban cố vấn gồm có  8 vị có uy tín đã công khai danh tính .  Diễn đàn xã hội dân sự  thành lập trang mạng  với bài vở nhiều chiều, phong phú, do Tiến sĩ Nguyễn Quang A và nhóm trị sự điều hành, qua 2 tháng có hàng triệu khách ghé  thăm. Sự kiện này có hai ý nghĩa: Đảng cầm quyền và Nhà nước Việt Nam muốn chứng minh quyền con người được ghi trong Hiến pháp là có thực; mặt khác, người Việt Nam cũng đã bắt đầu hiểu rằng quyền con người là do “tạo hóa ban tặng”, không phải cúi xin và chờ  được cho. Rồi từ đó,  quyền dân chủ của công dân cũng sẽ được hiểu như thế, phải đòi hỏi  một chế độ bầu cử tự do để có một Quốc hội thực sự của dân, do dân, vì dân.
3-Đảng phải như thế nào mới là Đảng lãnh đạo chứ!”
Để chứng minh Đảng cộng sản Việt Nam xứng đáng là Đảng lãnh đạo, TBT Nguyễn Phú Trọng nói: “Một Đảng gần dân, liên hệ mật thiết với nhân dân, bảo vệ quyền lợi của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Đảng như thế mới là Đảng lãnh đạo chứ!”.  
Như vậy là từ nay nhân dân sẽ đòi: Không thể để cho  một ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh bất chấp việc Trung Quốc  xâm chiếm Hoàng Sa, ngang nhiên khẳng định Trường Sa, Biển Đông  là của họ, vẫn cứ sang Tàu cam kết đưa họ lên vùng đất Tây nguyên có ý nghĩa chiến lược về an ninh, để khai thác bô xít, tàn phá môi trường, đe dọa nguồn nước sông Đồng Nai,  bán alumina cho họ dưới giá thành, mà không bị gọi ra tòa! Từ nay, Đảng sẽ  phải chịu trách nhiệm về việc “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” ghi trong Hiến pháp thể chế hóa Cương lĩnh”, nếu nó tiếp tục gây thất thoát cỡ Vinashin.  Đảng sẽ phải chịu trách nhiệm về việc từ chối nội dung nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập, nếu  nạn tham nhũng tiếp tục hoành hành  không thể ngăn chặn. Nhân dân phải có tiếng nói của mình khi câu “tình trạng tham nhũng diễn biến phức tạp, chưa ngăn chặn được” cứ lặp đi lặp lại từ nghị quyết Đại hội này sang Đại hội khác. Mới đây, ngày 13-12- 2013, Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Việt Nam tham nhũng  đứng thứ 4  Châu Á, chỉ  khá hơn 3 nước đại tham nhũng là Bắc Triều Tiên, Apganistan, Somalia. Đảng sẽ phải chịu trách nhiệm, nếu  như năm 2014, Tổ chức Minh bạch thế giới lại tiếp tục có  đánh giá tương tự ?
Cái tất yếu sẽ đến một cách hòa bình như vậy. Trong xu thế hội nhập quốc tế không có điều gì bưng bít được, cũng không có điều gì bị kiêng kỵ  cho rằng chỉ phù hợp với Phương Tây.  Bởi ông cha ta ngày xưa đã dám cắt bỏ cái búi tóc mà theo văn hóa  truyền thống “ cái tóc là gốc con người”,  tức là các cụ  đã theo phương Tây đấy!
Lịch sử cho thấy thấy xu thế tất yếu  nhất thiết phải xảy ra,  không có thế lực nào  ngăn chặn được. Nhưng tùy hoàn cảnh, điều kiện,  nó sẽ đến nhanh hay chậm và với   hình thức nào. Con người có thể tác động để  tạo ra điều kiện tương ứng. Nếu các thế lực độc tài, bảo thủ điên cuồng ngăn chặn bằng vũ lực thì cái tất yếu sẽ đến cùng với gươm và súng. Đó là bài học Lybia, Syria. Tuy  không  cưỡng chế  nhân dân bằng vũ lực, nhưng lại cố chần chừ,  không chịu mau chóng cải cách chính trị thì, nó sẽ đến với cách mạng hoa cam, hoa nhài, như ở Ucraina. Dù không đổ máu, nhưng nó cũng gây xáo trộn, ngưng trệ sự phát triển đất nước . Sẽ rất may mắn nếu như đất nước có những  nhà cầm quyền sáng suốt cùng nhân dân cải cách chính trị, thực hiện tự do, dân chủ  thì “cái tất yếu” sẽ  đến với nụ cười và niềm vui hòa hợp, hòa giải. Đó là  cuộc Đổi mới kinh tế,( có thể gọi là  “cải cách một nửa”! ) của  Đại hội 6  ở Việt Nam và cải cách triệt để như Myanmar mới đây.  Cải cách  triệt để, toàn diện để đất nước không phải qua  cách mạng hoa cam, hoa nhài đang là tâm nguyện của người Việt Nam yêu nước. Có thể  tin rằng, cuối cùng  các nhà lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam hôm nay sẽ vận dụng tốt nhất  bài học từ Đại hội 6 của Đảng cộng sản Việt Nam để  đón “cái tất yếu” đang hòa bình đi tới với nụ cười hòa hợp, hòa giải, đại đoàn kết dân tộc!
Ngày 17-12- 2013
T.V.C.

* Ông Tống Văn Công nguyên là Tổng biên tập báo Lao động.

Cấp “Tướng” xuất hiện—Đôi điều với Giáo sư-Tiến sĩ Lê Hữu Nghĩa

Đỗ Như Ly
Tiếp “binh nhì”,”thượng sĩ” xong, đã tuyên bố không muốn viết gì nữa,nên ngay cả khi KIM NGỌC “nghênh chiến” ở cấp “úy” (tôi tạm phong cấp đó vì quả thực bài của KN viết, câu ra câu, chữ ra chữ,ý tứ rõ ràng,lời văn lưu loát, song nội dung thì vẫn cũ mèm), “úy” KIM NGỌC cũng sàn sàn KIM THANH năm nào, tôi đã cho “phơi…. bài” trên trang Bauxite Viet nam,nên chẳng lăn tăn gì nữa. Tuy nhiên, Thông Tấn Xã Việt nam (TTXVN) “giới thiệu bài viết” tựa đề “Phân biệt quan điểm sai trái và ý kiến khác với quan điểm của Đảng” (*) của Giáo sư-Tiến sĩ (GS-TS) Lê Hữu Nghĩa Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương(HĐLLTƯ) được DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ (DĐXHDS) tải lên 12/12/2013, tôi là phó thường dân thấy cần mở miệng.

Cảm nhận đầu tiên:Thất vọng! Vì rằng,với văn phong trơn chu, cấu trúc gọn gàng,ý tứ rõ ràng (nội dung chưa bàn đến ở đây) của bài “Tám đặc trưng Chủ nghĩa Xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng” của GS-TS với cương vị Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh năm xưa (trên trang Vietnam+ ngày 14/01/2011) đâu còn nữa! Đọc bài,TTXVN “giới thiệu”,tôi cứ phân vân đây có phải là bài viếtcủa GS-TS không hay là bài nói chuyện,thậm chí là của học trò  viết mà GS-TS đứng tên?
Chỉ với đề như trên, GS-TS phải “kiểm điểm tình hình diễn biến tư tưởng” dài đến 1/9 “bài viết” ở phần 1,liệu có cần thiết không hay nó làm loãng chủ đề,thưa GS-TS? Chắc GS-TS muốn “bài viết” thể hiện toàn diện,”biện chứng” chăng,thưa GS-TS?Hay vì GS-TS cho là khi có chức vụ cao ngất ngưởng muốn viết thế nào các “đàn em” cũng phải trưng ra trước bàn dân thiên hạ,thưa GS-TS?Nếu thực như vậy,trách gì dân chỉ dùng báo chí của “hệ thống chính trị” để gói đồ!
Sau phần 1,GS-TS bắt đầu giải thích: “Đảng ta đã có nhiều chủ trương,biện pháp” bằng “các văn kiện Đại hội”,”nhiều Nghị quyết”,”nhiều chỉ thị” với hàng loạt “ ban chỉ đạo…” ,hình như muốn toàn dân biết cho là ĐảngCS đã làm nhiều việc lắm,đã hết lòng hết sức và như muốn báo cáo với cấp trên, chúng tôi đã tận tụy với Đảng rồi đấy ! Ở cuối phần này GS-TS đánh giá những việc đã làm “..còn nhiều hạn chế,chưa đáp ứng được..” thì thực chất cũng vẫn là một dạng của “kiểm điểm” tình hình đã qua mà thôi! Và phần cuối,dài quãng 4/9 “bài viết” GS-TS mới thực sự đi vào như tên “bài viết” của GS-TS đặt cho.Chính vì “bài viết” có nét dông dài,càm ràm, một  số ý  lặp đi lặp lại,bắt buộc tôi cảm nhận như trên,có như vậy học hàm,học vị của GS-TS mới không bị một vệt dơ chứ,GS-TS nhỉ?Nếu vậy “cái anh TTXVN” đã hơi ẩu đấy!
Muốn sao,tôi vẫn cảm ơn GS-TS đã chỉ hai  lần dùng từ “siêu hình” và một lần với từ “biện chứng”.Đó là những chữ hay thấy  trên các bài viết chuyên sâu,chuyên ngành chính trị,triết học….chứ những bài có tính chất phổ cập,nếu người hiểu biết sâu sắc, viết giỏi thường  diễn đạt bằng cách khác dễ hiểu,dễ nhập tâm hơn. Đấy là cái được;nhưng mặt khác thật khó đọc khi bài viết của GS-TS lổn nhổn,ngổn ngang các cụm từ “các thế lực thù địch”,xuất hiện đến 18 lần,”quan điểm sai trái,thù địch”,”quan điểm sai trái” đến 24 lần, chỉ một lần viết “những người tung ra các quan điểm sai trái..” chỉ một lần cho “các blogger,các thế lực thù địch”, và “họ” bốn lần,còn gọi là “chúng đến bẩy lần.Thưa GS-TS, làm sao tôi không ngờ bài trên là của học trò GS-TS viết được! Nếu không,quả thực GS-TS đã quá ghét bỏ,coi thường,miệt thị…. những người có  ý kiến khác với GS-TS đấy, phải không GS-TS ? Lại một điều nữa,GS-TS viết “ chủ nghĩa Marx-Lenin”,quả thực tôi chẳng hiểu GS-TS đã viết theo cái tiếng gì? Tiếng Việt thì rõ ràng là không phải rồi,là tiếng mẹ đẻ của Ông râu xồm  và Ông đầu hói chắc chắn cũng là không,tiếng Anh hay Pháp cũng không chỉnh,nó nửa nạc,nửa mỡ, nó ba dọi quá! Như thế,nếu GS-TS trách móc tôi thì có oan cho tôi không nhỉ,thưa GS-TS? Thôi ! ai lại cứ bới lông tìm vết mãi làm gì ! Đề “bài viết” thì ngắn gọn, cô đọng;song nội dung GS-TS đã đề cập đến rất nhiều vấn đề hệ trọng,”cốt lõi”,ở đây tôi chỉ xin có đôi điều với GS-TS thôi.
Ở phần 1, GS-TS đã cố bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lê của Đảng CSVN; nhưng GS-TS chưa đưa ra được những luận cứ để chứng minh được những cái “sai  của những người mà GS-TS gọi họ là :”Chúng phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin”, ”cho rằng chủ nghĩa Marx-Lenin đã lỗi thời”,”…không thích hợp..”.,”chúng phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa” …GS-TS cũng viết :”…(chúng) tán dương chủ nghĩa tư bản, cổ súy cho tự do tư sản,chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, vị kỷ, văn hóa phẩm đồi trụy”. Tôi không hiểu “tán dương”,”cổ súy” là gì; nhưng xin GS-TS giảng giải để trả lời mấy thắc mắc của tôi sau đây.
Chủ nghĩa tư bản hiện nay có khác chủ nghĩa tư bản thời Ông  Các-Mác viết ra Tuyên ngôn Cộng sản không? GS-TS có biết chủ nghĩa tư bản hiện ở giai đoạn (version) thứ mấy rồi không? Hơn trăm năm qua chủ nghĩa tư bản có thay đổi gì không mà cái ông da màu Obama lại được dân chúng nước đế quốc chọn làm Tổng thống, thưa GS-TS? Ông Nelson Mandela đã  xây dựng một nước Nam Phi như thế nào, chắc hẳn GS-TS biết chứ, thưa GS-TS? Cho là “chúng tán dương,cổ súy” đi chăng nữa thì có “sai” không GS-TS nhỉ, trong khi nước CHXHCNVN không đang “theo đuôi”, học chủ nghĩa tư bản đủ mọi thứ đấy sao?
Này nhé ! Về kỹ thuật,khoa học,y tế thì rõ như ban ngày rồi, GS-TS không phản đối chứ? Về văn hóa, những chương trình shwo-biz, vui chơi giải trí,thậm chí cả cách “chăn gối vợ chồng” nước CHXHCNVN học từ Bắc Triều tiên, Trung hoa Cộng sản…hay từ các nước tư bản nhỉ, thưa GS-TS?
Về hoạt động xã hội, những tổ chức NGO là Nhà nước CSVN học từ đâu nhỉ, thưa GS-TS? Còn về kinh tế,nước VN cộng sản phải chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy,có kế hoach—mà đảng CSVN sau này gọi là bao cấp—sang “kinh tế thị trường định hướng XHCN”,(vẫn còn cố giữ cái đuôi định hướng XHCN! ),nếu GS-TS nói đó là do đảng CSVN đã sáng tạo,đổi mới thì  GS-TS quá ngạo mạn,ngang ngược,tăm tối đó! Vì nếu là công của đảng CSVN thì tại sao Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú KIM NGỌC,tường Trần Độ….. chịu oan khiên thế nhỉ,thưa GS-TS? GS-TS đâu đến như vậy!
Về Giáo dục,GS-TS có biết 10,20 năm nay dân chúng và ngay cả  các đảng viên ĐCSVN trong đó có đảng viên “cộm” đua nhau cho con cháu đi học ở đâu nhỉ,thưa GS-TS? (tất nhiên cũng có số ít đi học ở nước Trung cộng,còn ở Bắc Triều tiên có một mống nào không,thưa GS-TS?).Lẽ nào,GS-TS không biết,quãng 1980 Nhà nước CHXHCNVN đã cử một đoàn cán bộ sang nước nào học mọi thứ để sau này về nước đảm nhận các chức vụ cao như Thống đốc Ngân hàng nhà nước,thậm chí có người sau này còn được cử lên chức “phó Tể tướng”? Ơ ! Lạ nhỉ? Cái nước có chế độ tư bản chủ nghĩa không có gì hay ho,tốt đẹp,giỏi giang… mà Nhà nước Cộng sản lại đi học họ? Hay là đoàn cán bộ sang “giáo dục, tuyên truyền” về chủ nghĩa xã hội cho Chính phủ,nhân dân nước đó quá thành công nên sau này được đề bạt để tưởng thưởng,thưa GS-TS? Học chủ nghĩa tư bản đủ điều,mọi thứ! (Chỉ riêng về tổ chức,quản lý,điều hành nhà nước,tổ chức xã hội…đảng CSVN đến nay vẫn cự tuyệt một cách miễn cưỡng thôi,phải không GS-TS?).Thế  thì “cổ súy”,”tán dương” cái chủ nghĩa tư bản có gì “sai”,thưa GS-TS ?
Đến phần 2, GS-TS đưa ra một lô dữ liệu để báo cáo,giải trình thì đúng rồi; nhưng để nghĩ rằng qua đó chứng minh cho đảng CSVN đúng,còn ý kiến khác là “sai” thì có quá khiên cưỡng, gia trưởng, ép uổng suy nghĩ của người dân không, thưa GS-TS? Nếu tất cả những “văn kiện Đại hội”,”Nghị quyết”,”Chỉ thị” và hoạt động của “các ban chỉ đạo” đều đúng,có ảnh hưởng tốt đến đời sống của mọi tầng lớp dân chúng thì tại sao dân oan,khiếu kiện…nhiều thế;có tác dụng lành mạnh đến xã hội thì tại sao tình hình xã hội rối loạn—nếu không nói là đại loạn—như hiện nay,thưa GS-TS?
Và một câu hỏi nữa, xin GS-TS đừng coi là “hỗn” như một ông mặc áo cà sa đã nói về việc Anh hùng Lý Thường Kiệt đem quân đòi lại 2 châu đã bị “nước lạ” cướp mất. Đó là :Tại sao đảng CSVN phải lập ra một lô “các ban chỉ đạo cùng với Ban Tuyên Giáo trung ương trở thành đầu mối chỉ đạo.…” ,thưa GS-TS? Phải chăng cái “Ban Tuyên giáo trung ương “ đã không kham nổi nhiệm vụ nên Đảng phải tăng cường đội ngũ  bằng “các ban chỉ đạo”,thưa GS-TS?. Rồi “cùng với” “trở thành đầu mối”  thì ban nào chỉ huy đây,rắn phải có đầu phải không GS-TS? Thôi! Đấy là việc nội bộ đảng của GS-TS,tôi có quyền chi xía dzô!
Ở cuối phần này,GS-TS nhận định đánh giá “cuộc đấu tranh” như sau: “còn nhiều hạn chế,chưa đáp ứng được tình hình nhiệm vụ”.Thưa GS-TS tôi thấy câu đó hình như đã xuất hiện hàng nửa thế kỷ nay,ở bất cứ lãnh vực nào trên các văn kiện,trên các báo cáo,trên mọi lĩnh vực,ở bất kỳ nơi đâu,trên cửa miệng của bất cứ cán bộ cao- thấp của ĐCSVN,đến nỗi nay họ đã thuộc lòng như con nít hát vẹt “hai cộng hai..là bốn,bốn với một là…”phải không,thưa GS-TS?
Với đánh giá thứ ba,tôi cho là GS-TS đã nhận định đúng “..chưa xây dựng được một hệ thống luận cứ khoa học..”,”Chính vì vậy,trong phê phán,tính chiến đấu chưa cao,tính khoa học,tính săc bén,tính logic,tính thuyết phục trong lập luận còn hạn chế”.Lại xin  GS-TS giảng giải cho :Kể từ khi ĐCSVN bước vào thời kỳ đổi mới đến nay thôi,qua 4,5 kỳ Đại Hội với nhiều “Văn kiện”,bao nhiêu “Nghị quyết” cùng đủ thứ  ban bệ,”ban chỉ đạo”,với hàng nghìn GS-TS Triết học Mác-Lê,Xây dựng Đảng,CNXH khoa học…..lương cao,bổng lộc lớn,làm việc trong các phòng làm việc hoành tráng ở các tòa nhà đồ xộ,đi lại với bất kỳ phương tiện hiện đại nào,ra nước ngoài như đi chợ….đâu có chỉ gái gú như “đồng chí ở Hà giang”,đã làm gì mà đến nay GS-TS phải phát hiện ra điều mà GS-TS cũng có phần sót xa đó? Chắc bây giờ, cái HĐLLTƯ do GS-TS làm phó Chủ tịch sẽ gỡ được tình trạng này ?Nếu được như vậy,chắc chắn tuổi hưu của GS-TS sẽ tăng lên,con đường thăng tiến của GS-TS sẽ hanh thông lắm.Thành thật chúc cho GS-TS đạt được điều đó!
Nhưng có điều trước mắt,theo ngu dân tôi,ngay chính bản thân GS-TS cũng nên có những “bài viết”, cần có “tính thuyết phục,logic,khoa học,sắc bén” cao hơn “bài viết “này.Liệu GS-TS có nóng mặt, để phải báo cho những anh em”Chỉ còn Đảng còn mình” mặc sắc phục hay thường phục dùng mọi biện pháp từ “mắm tôm+chất phế thải của con người” ném vào người tôi đến ném đồ quốc cấm vào nhà tôi cùng tất cả  siêu biện pháp của ngành “bảo vệ Đảng” mà tôi chưa biết không nhỉ,thưa GS-TS?.Lo xa vậy thôi,chứ GS-TS cũng là hàng trí thức ai lại cư xử tiểu nhân, nhỏ nhen, thù vặt kiểu như “hành” Nguyễn Văn Thạnh về chỗ ở, vì viết những bài như HỌ ĐÃ ĐỔI TRẮNG THAY ĐEN NHƯ THẾ NÀO (**), đăng trên DĐXHDS 14-12-2013… như vậy,GS-TS nhỉ?. Được an toàn,thực tình tôi,con cháu,gia đình tôi cảm ơn GS-TS nhiều,nhiều lắm! Hy vọng niềm tin của tôi vào GS-TS không đổ vỡ! Bây giờ vào phần 3,phần có nội dung đúng với tên của “bài viết”
Vì viết đã khá dài,nên tôi sẽ ngắn gọn hơn, tin rằng GS-TS quá hiểu ,vì “ý tại ngôn ngoại”mà!
a/ Tôi ủng hộ cách xem xét, đối xử với những ý kiến của cán bộ,đảng viên và nhân dân khác với quan điểm, đường lối của Đảng..” của GSTS.Thực ra trong Đảng, nhân dân đã có quan điểm này cách đây ít ra là hơn 20 năm rồi. Mừng cho GS-TS đã chỉ đạo các cấp,các ngành,để dân oan sẽ ít đi.
b/ b.1 Tôi  đồng ý với GS-TS không nên “đồng nhất toàn bộ ĐCS với một số cán bộ, đảng viên tham nhũng,thoái hóa,biến chất…”;nhưng cũng muốn GS-TS thấy và công nhận một sự thật: “ĐCSVN cũng không đồng nhất với dân tộc Việt Nam ít nhất là thời hiện nay”. Cay đắng lắm !!! Đau đớn lắm!!! Nhưng đó là sự thật, sự thật 100% đấy!,không ai diễn,nhào nặn đâu,thưa GS-TS !!! Không phải chỉ là lời duy nhất của cô học sinh trẻ thơ trước Tòa Án của Nhà nước CSVN đâu,thưa GS-TS !
b.2 Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với GS-TS “không đẩy họ về phía các thế lực thù địch”,  “chúng ta cũng phải xem lại mình”. Đúng như thế,”củ cải cũng nghe” nữa là người dân Việt không nhũn não!
c/ Để chung sức với GS-TS (GS-TS cho phép không?) tôi đề nghị GS-TS một số giải pháp sau:
c.1 Không nên, chứ chưa nói là không được gọi DĐXHDS là “họ”  một cách đánh đồng với những tập hợp khác. Vì như vậy GS-TS đã coi, đã ”đẩy họ về phía các thế lực thù địch”. DĐXHDS do 130 người đề xướng (***), ta đã rõ, còn những người tham gia trên DĐ có thể chưa rõ “lý lịch”;nhưng khi chưa phân rõ “đúng-sai”,GS-TS không nên “vơ đũa cả nắm” như vậy.Nếu không, tự GS-TS mâu thuẫn với quan điểm của mình đó! Những ý kiến,quan điểm của DĐXHDS đưa ra “trái” với quan điểm của ĐCSVN thì rõ rồi,song “sai”  thì phải chứng minh được bằng lý luận,bằng thực tế cuộc sống chứ,phải không,thưa GS-TS? Nếu đã coi là cuộc “đấu” phải có trọng tài phán quyết,chứ bên mạnh thế cứ kẻ cả,gia trưởng…thì sao gọi là dân chủ ,văn minh được,phải không,thưa GS-TS?
c.2 Việc làm khẩn cấp: Hội đồng Lý luân Trung ương tổ chức các cuộc Hội thảo công khai,bình đẳng,tôn trọng nhau giữa HĐLLTƯ và những người đại diện cho “quan điểm sai trái,thù địch”. Cứ làm thí nghiệm  với những người của DĐXHDS trước, sau mở rộng các đối tượng khác…..tranh luận ở hội trường lớn,nếu được TiVi truyền hình trực tiếp thì quá “hảo….hảo”.Sao không làm được nhỉ? Chúng ta cùng là người VIỆT mà! Cùng đồng bào mà! Chúng ta đã từng cùng ngồi với kẻ thù(khác dòng máu,khác truyền thống….khác  đủ thứ) được, mà nay ngồi với nhau khó thế vậy??? Hình ảnh Tổng thống Thein Sein đứng bên cạnh bà Aung San Sun Kyi cứ ám ảnh tôi hoài với bao câu hỏi! Tại sao không ngồi cùng bàn tròn chính thảo,dân thảo,bàn thảo….với nhau mà cứ, người có quyền chức thì nói ào ào,ở bất cứ đâu,bắt người khác nghe,không được cãi lại,người kém thế thì bị chụp,dán băng keo miệng…  hàng chục năm nay rồi? GS-TS có thấy vô tình,vô lý không,thưa GS-TS?.Tổ chức được những Hội thảo đó chính là việc làm cụ thể,thiết thực,đổi mơi tư duy,cách làm rõ ràng nhât theo của GS-TS:  “khuyến khích đổi mới tư duy,khuyến khích tìm tòi sáng tạo cái mới,sáng kiến mớinếu không, chí ít cứ ở tình trạng “Sư nói sư phải,vãi nói vãi hay” mãi hay sao?Tuy rằng DÂN là “măt thơm”,nhất là trong Thời đại Kỹ Thuật Số này việc biết ai ”đúng” ai “sai” dễ lắm chứ chẳng cần đến “định hướng” mới lựa chọn được đâu,GS-TS biết cho dân không,thưa GS-TS?. Có những Hội thảo này thì “Thứ 2: về nội dung các quan điểm” của GS-TS sẽ sáng tỏ hơn,cơ hội,biết đâu có thể đi đến đồng thuận cao ở những “vấn đề cốt lõi”. Để kết thúc Đôi điều này,tôi “láo” một chút, “xin” xếp GS-TS vào hàng “tướng” trong “trận chiến do  chú binh nhì nổ súng trước”, Còn với đề xuất c.2 nếu GS-TS cho phép, tôi sẽ có đề cương chi tiết,không đòi hỏi thù lao.Nhưng….
 Nếu quả thực “bài viết” mang tên GS-TS đúng là của học trò kém nào đó , tôi “xin”  viết các bài khác theo yêu cầu và GS-TS đứng tên (do nghĩ GS-TS  quá bận rộn họp hành,chỉ đạo…nên không có thời gian viết  mà thôi),chắc chắn sẽ có “tính chiến đấu cao,khoa học,tính logic,tính sắc bén,tính thuyết phục…” cao hơn “bài viết” đã công bố.Tuy nhiên,việc này tôi ra giá trước 500$( à, mình là người Việt,tính tròn 10 triệu VNĐ) một bài,trước mắt lấy tiền cho bà xã sắm Tết,có nồi bánh tét,kẻo chạy mấy cuộc xe ôm hẻo quá ! GS-TS chịu hổng???
Cuối cùng,chúc GS-TS mạnh khỏe,thăng tiến và mong……”hợp đồng 500$”,( ấy  10 triệu VNĐ chứ!) sẽ được ký kết sớm trong bữa tiệc với….. Đế Gò Đen !
Trân trọng kính chào Giáo sư-Tiến sĩ Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương !
Đỗ Như Ly
Sài gòn 18-12-2013

Tốt hay Tệ hơn?

Trịnh Hội
Is it better or worse? Đây là câu hỏi mà mấy hôm nay đi đâu tôi cũng nghe. Từ Hạ Viện cho đến Thượng Viện Mỹ. Từ Bộ Ngoại Giao nằm trên đường C ở Washington DC cho đến Trụ sở của Liên Hiệp Quốc nằm ngay trên đại lộ 1 ở New York. Nơi nào tôi và các bác đại diện cho cộng đồng người Việt ở Mỹ vào để tiếp xúc và thông báo cho họ biết về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền 10 tháng 12 vừa qua, họ cũng đều hỏi câu này.

Và dĩ nhiên không phải câu trả lời nào cũng giống nhau. Mỗi người mỗi ý. Tuỳ vào trình độ, sự hiểu biết, và suy diễn của mỗi người. Có người bảo là nó rất tệ. So với năm 2012 thì nó tệ hơn nhiều. Nhất là với những vụ bắt bớ, đàn áp những bloggers, thành viên các nhóm xã hội dân sự như No-U, Mạng Lưới Bloggers Việt Nam, Con Đường Việt Nam, v.v...

Riêng câu trả lời của tôi có hơi khác với một số nhận định, kể cả nhận định của một số tổ chức nhân quyền lớn trên thế giới như Freedom House, Human Rights Watch. Tôi không nghĩ mức độ đàn áp ở Việt Nam tệ hơn những năm trước.

Có nhiều người bị bắt hơn. Đúng.

Công an vẫn tiếp tục đánh người dã man như những năm trước. Chính xác.

Nhà cầm quyền ngày càng dùng những thủ thuật tinh vi hơn để đàn áp, bóp chặt, và ngăn chận những tiếng nói độc lập. Chắc chắn không thể phủ nhận.

Nhưng điều đó không có nghĩa nó tệ hơn.

Có nhiều người bị bắt hơn không phải vì Bộ Công An sẵn sàng ra tay trừng trị tất tần tật mọi người mà vì đơn giản ở Việt Nam ngày càng có nhiều người dám nói (và dám làm) hơn. Ba năm về trước tiếng nói của các anh em trẻ trong nước không mạnh và nhiều như bây giờ.

Không những họ dám chính thức thành lập các tổ chức, mạng lưới và tranh đấu cho quyền con người của chính họ mà họ còn sẵn sàng đón nhận những đòn trả thù của chính quyền, bất chấp mọi khó khăn. Kể cả việc họ bị đánh hội đồng, bị lăng nhục, bị tạm giam và tra khảo sau những chuyến đi du học trở về nước.

Những hình ảnh đàn áp các giáo dân ở Vinh, ở Nghệ an, gia đình của các tù nhân lương tâm như Trần Huỳnh Duy Thức, Đinh Nguyên Kha, Điếu Cày, Lê Quốc Quân và những bloggers trên khắp đất nước cũng chứng minh cho thấy việc bắt bớ, đánh người vô cớ vẫn tiếp tục.

Tuy nhiên, chúng ta thấy và biết được điều này nhờ vào các kỹ thuật, trang mạng truyền thông, xã hội như Skype, Facebook, Dân Luận, Dân Làm Báo, v.v... chứ không phải vì có nhiều người bị đánh hơn. Tôi e rằng trước đây cũng có nhiều người bị đánh đến chết ngay trong phòng tạm giam như bây giờ nhưng bởi thông tin không lọt được ra ngoài nên ít người biết đến. Còn bây giờ thời thế đã khác. Chỉ có cách hành xử của công an (hay chính xác hơn là côn an) là vẫn y như cũ.

Tôi cho nó không tệ hơn là vì thế.

Dĩ nhiên cũng có người sẽ không đồng ý với tôi. Đặc biệt khi họ viện dẫn các nghị định mới như nghị định 72, 174 vừa được thông qua cho phép nhà cầm quyền phạt tiền hoặc cấm không được dùng Facebook để bàn cãi về một vấn đề nào đó hay dùng những tội danh mới như ‘trốn thuế’ trong trường hợp của luật sư Lê Quốc Quân và em trai là Lê Đình Quản để đánh sập cả gia đình, dòng họ.

Ở một góc độ nào đó tôi thấy điều đó cũng chính xác. Vì với số tiền phạt của cả hai anh em Lê Quốc Quân và công ty bị buộc phải đóng là 8 tỷ đồng (tương đương gần 400,000 đô Mỹ) chưa tính đến việc bị xử tù thì hiện trạng nhân quyền ở Việt nam ngày càng trong có vẻ như tệ hơn.

Nhưng nó có thật sự như vậy không? Tôi nghĩ là không. Hình thức có thể khác. Nhưng chung quy mức độ nó vẫn vậy.

Nhà báo Blogger Điếu Cày cũng đã từng bị ghép vào tội trốn thuế. Sau khi mãn hạn tù, anh lại tiếp tục bị xử 12 năm vì tội ‘tuyên truyền’ chống phá chế độ. So với bản án 30 tháng tù giam và gần 100,000 đô của luật sư Lê Quốc Quân thì tôi thấy nó cũng... same same. Chẳng có gì là sáng sủa. Tốt hay tệ hơn.

Tháng trước Việt Nam đã cam kết và thông qua Công Ước chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc nhưng việc đánh đập, hành hung vẫn xảy ra ngay sau đó. Đúng vào ngày Quốc Tế Nhân Quyền.

Cũng tháng trước Việt Nam đã long trọng hứa sẽ thực thi và bảo vệ quyền con người trước khi được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền. Nhưng cũng chính họ vẫn tiếp tục chà đạp và làm ngơ đi những lời hứa của chính mình.

Điều đó có nghĩa là họ tệ hơn không? Không. Hoàn toàn không.

Họ vẫn là họ và sẽ mãi mãi là họ. Hình thức và cách hành xử trong và ngoài nước của họ có thể thay đổi. Nhưng bản chất của nó sẽ không bao giờ.

Có khác chăng là sự nhận thức và lòng quyết tâm của các anh chị em trẻ ở trong nước. Với khả năng và sức mạnh ngày càng lớn của cộng đồng chúng ta ở hải ngoại. Chắc chắn chúng ta sẽ giúp được nhiều hơn nữa để tiếng nói của họ được đi xa hơn và có trọng lượng hơn. Để trong một ngày không xa, chính những người Việt yêu chuộng tự do như chúng ta mới là sự thay đổi. Một sự thay đổi tốt hơn. Chứ không phải là từ bất kỳ một chính phủ ngoại bang nào. Hay sự độc tài, đảng trị.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Trịnh Hội

Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
 

Ai sẽ là Nelson Mandela trong tương lai?

Nến thắp dưới chân dung cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela quê nhà Qunu của ông, ngày 15/12/2013.
Nến thắp dưới chân dung cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela quê nhà Qunu của ông, ngày 
Nguyễn Hưng Quốc
Nelson Mandela đã qua đời; lễ tưởng niệm ông, với sự tham dự của hàng trăm nguyên thủ và cựu nguyên thủ quốc gia đến từ khắp nơi trên thế giới, đã kết thúc; tang lễ cũng đã hoàn tất. Tuy nhiên, trên báo chí Tây phương, vẫn còn nhiều người viết về ông. Bản thân tôi cũng không ngừng nghĩ ngợi về ông.

Kể cũng phải. Còn sống, Mandela là một lãnh tụ, một chính khách, một nhà tranh đấu cho nhân quyền; mất đi, ông trở thành một nhân vật lịch sử và là một biểu tượng của tinh thần hòa giải, của ý chí nhắm đến tự do, bình đẳng và công chính cho mọi người. Là một nhân vật lịch sử cũng như một biểu tượng, tên tuổi và hình ảnh của Mandela sẽ còn lại mãi với thời gian. Cho nên nghĩ và bàn về ông bây giờ cũng như sau này, rất lâu sau này, vẫn không hề muộn.

Không có con người nào hoàn hảo. Mandela cũng không hoàn hảo. Trong cuộc đời, ông vấp không ít sai lầm. Đất nước Nam Phi sau thời kỳ kỳ thị chủng tộc do ông thiết lập hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn và thử thách với một nền kinh tế vẫn còn yếu kém, một chính phủ bị tố cáo tham nhũng và một xã hội còn rất nhiều tệ nạn. Tuy vậy, viết về Mandela, phần lớn giới bình luận chính trị quốc tế cũng đều cho ông là một con người vĩ đại (great person), thậm chí, có người còn cho ông là một trong vài người vĩ đại nhất trong thời hiện đại và là người vĩ đại cuối cùng còn sống đến đầu thế kỷ 21.

Sự vĩ đại của Mandela thể hiện ở nhiều khía cạnh, không phải chỉ ở những gì ông đã làm được mà còn ở cả những gì ông chưa làm được. Hơn nữa, có thể nói, sự vĩ đại ấy chủ yếu nằm ở những chỗ ông không làm. Có thể nêu lên ba ví dụ tiêu biểu nhất:

Thứ nhất, trong thời gian bị giam cầm, chính phủ của người da trắng với chủ trương kỳ thị chủng tộc tại Nam Phi đã hứa trả tự do cho Mandela cả thảy sáu lần với những điều kiện khác nhau. Cả sáu lần, Mandela đều chấp nhận tiếp tục bị giam cầm chứ không làm theo những điều kiện do nhà cầm quyền đưa ra vì theo ông, chúng đi ngược lại với những điều ông tin tưởng.

Thứ hai, sau khi ra khỏi nhà tù, nơi ông bị giam cầm và hành hạ suốt cả 27 năm trời, thay vì, như thường tình, chủ trương trả thù: Mandela đã không làm.

Thứ ba, sau khi làm Tổng thống được một nhiệm kỳ và nhận được sự ủng hộ rất cao của dân chúng, Mandela dễ dàng tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa để kéo dài quyền lực và quyền lợi của minh, nhưng ông đã không làm. Ông quyết định về hưu.

Bằng ba cái việc-không-làm ấy, Mandela đã thể hiện một đức tính quý báu hiếm hoi của một nhà lãnh tụ vĩ đại: hy sinh.

Ở Mandela, có ba sự hy sinh chính: Một, hy sinh thời gian (27 năm ở tù); hai, hy sinh tình cảm yêu ghét cá nhân cho mục đích hòa giải dân tộc; và ba, hy sinh quyền lực. Trong ba sự hy sinh ấy, sự hy sinh thứ nhất là đau đớn nhất vì, khác với tiền bạc hay các thứ khác, thời gian không được đền bù: Mất nó là mất hẳn. Vĩnh viễn. Hai sự hy sinh sau vượt lên trên tầm vóc của những người bình thường vốn đầy hỉ nộ ái ố và tham vọng. Với tình cảm, nhiều người có thể vượt qua. Nhưng với quyền lực, rất hiếm người từ bỏ được. Chính ở điểm này, nhiều người đã so sánh Mandela với Gandhi và Martin Luther King, những người sẵn sàng chấp nhận vào tù hoặc mất quyền lực để bảo vệ niềm tin của mình (trong khi vô số người khác, ngược lại, sẵn sàng từ bỏ niềm tin để bảo vệ quyền lực).

Có một câu hỏi thú vị nhiều người đặt ra sau khi Mandela qua đời là: Bao giờ thì trên thế giới lại xuất hiện một Mandela mới?

Nhìn quanh trong số các lãnh tụ trên thế giới hiện nay, dường như người ta chưa nhận ra ai có tầm vóc như Mandela. Gần gần với ông thì có. Như Václav Havel của Cộng Hòa Séc (đã qua đời). Hay như Aung San Suu Kyi của Miến Điện hiện nay.

Còn ai nữa?

Hình như không.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một sự tuyệt vọng. Will Bunch, trên tờ báo mạng Huffingtonpost.com, viết là ông biết người đó hiện nay đang ở đâu.

Bạn cũng muốn biết ư? Bunch không hề giấu câu trả lời: Người ấy hiện đang ngồi rũ trong một nhà tù nào đó: “The world’s next Mandela is rotting in jail somewhere.”

Có khi là nhà tù Việt Nam không chừng.

Biết đâu được?

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nguyễn Hưng Quốc

Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.
 

Con đường ngắn nhất dẫn đến quyền lực và giầu sang là trở thành Thái tử đỏ

 NTATrước, trong mỗi kì đại hội Đảng các cấp, Ban tổ chức phụ trách nhân sự thường có vị trí đặc biệt quan trọng. Họ có trách nhiệm giới thiệu ai ứng cử vào Ban chấp hành, vào cấp ủy sắp tới và sẽ giữ vị trí gì ,quan trọng đến đâu …. Trong những trường hợp như thế , người ta thường hỏi xem trong các người có chân trong cấp ủy cũ , có ai có con là đảng viên để có thể kế cận mà không phải lăn tăn về mặt lí lịch.
Đã có thời, người ta tìm cho bằng được những ai có thành phần giai cấp là công nhân, ba đời công nhân càng tốt. Vì thế có trường hợp ông xuất thân lái xe vươn lên tới ủy viên Trung ương Đảng, rồi Bộ trưởng không cần biết năng lực trình độ văn hóa của ông đến đâu. Đảm bảo ông trung thành tuyệt đối, không bao giờ nói sai nghị quyết  cho dù mang tiếng là bù nhìn , là nghị gật
Nhưng thời buổi kinh tế thị trường xen lẫn định hướng XHCN, đào đâu ra người có lí lịch ba đời vô sản, mà cái chất vô sản bây giờ đã khác trước quá nhiều rồi . Đúng bản chất của nó phải là tư sản, tư bản thân hữu . Vì thế việc chọn lựa con em các đảng viên có chức tước để kế cận là yên tâm hơn cả . Trước mắt vì quyền lợi của bản thân và gia đình, những người này chưa thể tạo phản (nói theo cách Trung Quốc thường dùng)
Trường hợp của Nguyễn Tuấn Anh ở Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình . Anh này có bố là Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch. Nhiều khả năng ông này  phải là đảng viên. Anh này được gia đình cho sang Mỹ học với tốn phí không nhỏ mỗi năm cho đến khi có bằng thạc sĩ và trỏ thành đảng viên ngay trên đất Mỹ . Như vậy nhờ ông bạn Mỹ, Đảng đã gieo được hạt giống “vừa hồng, vừa chuyên”.
Trở về nước, anh ta không theo con đường khoa học hay kinh tế để làm giàu cho đất nước mà theo con đường chính trị nhằm bảo vệ chế độ khỏi sự phá hoại của các thế lực thù địch. Cũng giống như nhiều con em thái tử Đảng cỡ bự khác , họ lập nghiệp từ con đường “công tác Đoàn” bởi “Đoàn là cánh tay phải của Đảng”. Chỉ có thông qua công tác Đoàn mới đảm bảo khả năng thăng tiến sau này.
Nhưng hỡi ôi ! Đi học tám năm xứ trời Tây mà không mở được mắt ra , có lẽ vì ăn nhiều béo quá nên mụ mẫm cả đầu óc . Hành động của một anh “trí thức” ( đeo kính trắng) cướp sấp truyền đơn từ tay một người con gái rồi bỏ chạy thật không có từ gì để miêu tả sự lố bịch, sự vô văn hóa. Tôi đồ rằng, anh này được phân công theo dõi vụ mọi người tập hợp trong ngày Vì nhân quyền để báo cáo cấp trên. Anh ta có lẽ muốn xem thử trong tờ rơi đó người ta nói gì, có phản động không, có đáng lo ngại không . Nếu là người đàng hoàng, anh ta cầm lấy một tờ đọc và giải thích hoặc tranh luận với mọi người cho đáng mặt một thạc sĩ . Nhưng bất ngờ, anh ta cướp sấp giấy và bỏ chạy như một tên kẻ trộm . Tất cả hành động bỉ ổi của anh ta đều được ghi hình và phát lên mạng internet cho toàn thế giới xem và người ta nhận ra ngay, kẻ trộm đó chính là thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh đã từng theo học ở đại học danh tiếng Havard và học tiếp thạc sĩ tại San Jose California . Chẳng những thế anh ta còn làm cả công tác Đoàn và được kết nạp Đảng ngay trên đất của “cựu thù”
Thì ra tất cả những điều hay lẽ phải học được đều đổ xuống sông xuống biển vì hành động ngu dốt mà anh chàng béo này trình diễn trước con mắt thiên hạ . Có thể anh ta nghĩ hành động của mình sẽ được Đoàn, rồi Đảng tuyên dương và với cái lí lịch “trong sạch” của bố mình, sắp tới anh ta sẽ được cơ cấu, được “tiến bộ”, được cất nhắc . Nhưng ngược lại trong con mắt mọi người nhất là giới trẻ, Nguyễn Tuấn Anh đã tự lột bộ mặt cơ hội của mình và có thể nói con đường “công danh” của anh chàng này đã bị đóng sập lại . Còn nếu tổ chức cấp trên vẫn coi hành động của Nguyễn Tuấn Anh là dũng cảm, là anh hùng, là đáng nêu gương thì cứ tiếp tục giới thiệu cho anh ta vào Thành Đoàn , vào Thành ủy vào Ban chấp hành Trung ương, vào Bộ chính trị cũng có sao đâu .
Chỉ có điều nếu anh ta còn giây thần kinh xấu hổ thì mỗi khi ra đường hãy đội mũ bịt kín mặt, bố anh ta-một quan chức, vợ anh ta cũng không thể ngẩng đầu ra đường vì có người con, người chồng như vậy
Để kết luận xin dùng mấy câu châm ngôn tiếng Pháp sau đây
Tel  père tel fils  (dịch là Rau nào sâu ấy hay cha nào con ấy)
P/S :Theo FB Nguyễn Thùy Trang, người đã từng theo học 10 năm ở San Jose thì tại các Trường đại học ở đây không đào tạo thạc sĩ . Vậy Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh là thạc sĩ rởm?
 

Nhà trẻ con đẻ của nhà nước!

Mạc Văn Trang 
Không một người bình thường nào có thể cầm lòng  khi xem hơn 8 phút vidéo cảnh hai cô “bảo mẫu” của Trường mầm non tư thục Phương Anh (18 đường Hiệp Bình, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM) hành hạ các cháu nhỏ. Ông bà ta bao đời nay thường dạy con cháu: “Trời đánh còn tránh miếng ăn”. Vậy mà bà Phương và cô Điều khi cho các cháu bé ăn đã xúc cháo nhồi nhét vào mồm các bé sao cho càng nhanh càng tốt, coi các cháu như những cỗ máy. Cháu nào không nuốt kịp hoặc có phản ứng không muốn ăn, liền bị trừng phạt tàn ác: tát vào mặt, đánh vào tay, dúi đầu, bóp cổ, dốc đầu vào bồn nước…

Ghê sợ nhất là thái độ của các cô giáo như căm thù các cháu bé, nên hành hạ như tra tấn để thỏa lòng căm tức của mình, chỉ trong một phút, bà Phương đã túm ngực, giật tay, tát một cháu trai 28 cái (cháu này có vẻ không khuất phục, giơ tay có ý chống lại); cũng chưa đầy một phút, cô Điều đã vặn cổ, dúi đầu một cháu bé vào đũng quần của mình năm lần và đánh đập dã man. Cô cũng túm một cháu gái, mặc dầu cháu đã ôm lấy chân cô van xin, nhưng cô vẫn cho dốc đầu vào bồn nước, chỉ vì cháu không nuốt kịp cường độ nhồi nhét cháo của cô, mà ói ra! Thương tâm nhất là một cháu bé 10 tháng tuổi, bị bà Phương đè ngửa ra, giữ hai tay, bóp chặt mũi, liên tục tọng cháo vào miệng, bé cố giẫy giụa ói ra, bà Phương càng tọng cả một chiếc thìa sắt to vào miệng bé! Nhìn các cháu nhỏ vừa mếu máo vừa phải nuốt thức ăn, nước mắt, nước mũi dàn dụa, thật đau đớn xót xa.

Tôi hiểu rằng, nhiều người lớn, ngay cả cha mẹ trẻ đôi khi cũng không kìm nén được, đã đánh, mắng các cháu nhỏ, nhưng là hành vi bột phát, nhất thời. Còn xem thái độ, hành động của bà Phương và cô Điều cỏ vẻ như “căm thù” các cháu bé này. Ở đây không phải dọa cho trẻ sợ để ăn cho “ngoan”, mà là trừng trị những kẻ đã không phục tùng răm rắp vô điều kiện những mệnh lệnh của cô. Những cháu vào diện “có vấn đề” bị trừng trị, hoặc do cháu không thích món cháo này, hoặc do cháu yếu, ăn ít không theo được định mức của cô, hoặc do cháu ăn chậm, không theo kịp tốc độ cô muốn, hoặc cháu vừa ăn vừa ngó nghiêng, không tập trung toàn lực vào ăn!... 
Tôi tin rằng trong số 22 cháu ở nhà trẻ này, những cháu nào tuyệt đối phục tùng và theo kịp sự chỉ đạo của cô thì sẽ không bị trừng phạt. Đó là những cháu bảo ngồi đâu thì khoanh tay ngồi im đấy, bảo ngủ thì nằm im, không ngủ cũng nhắm mắt vờ ngủ; bảo múa thì múa cho dẻo, bảo hát thì hát cho to, bảo ăn phải tập trung toàn lực vào ăn, không cần nhai, cứ nuốt cho nhanh, nuốt hết suất cháo là đạt chỉ tiêu thi đua “bé ngoan”… Những cháu này nhìn các bạn mình bị hành hạ thì biết sợ và không được thương cảm kêu la, không được mách với ai, vì đó là những bạn “hư”, đã không nghe lời cô. Những trẻ bị trừng trị như đòn thù, hẳn là những cháu không thích ứng được với cách “chăm sóc giáo dục” của cô; cô đã nhắc nhở, trừng phạt nhiều lần mà vẫn không “tiến bộ” kịp theo ý cô, nên cô mới ngày càng quyết liệt ra tay để khuất phục bằng được. Cô đầy uy quyền trước đưa bé thơ ngây mà không khuất phục được nó răm rắp làm theo ý mình, nên mới xuất hiện cảm xúc căm tức nó, mới hành hạ nó cho bõ tức! Chỉ có như vậy các cô mới bộc lộ thái độ và hành động tàn ác đến thế đối với đứa trẻ.

 Các cô ác mẫu này đang bị xã hội lên án, sẽ bị xét xử…Nhưng vì đâu các cô nên nông nỗi này? Ngẫm một hồi, cái nhà trẻ ấy cũng là mô hình con đẻ của nhà nước này.

- Cũng như nhà nước này, các cô sẽ nói: động cơ của các cô chỉ là muốn các cháu ăn khỏe, ngoan ngoan, tiến bộ, nhưng vì thiểu số các cháu không nghe theo nên phải dùng biện pháp mạnh để đưa vào kỷ cương; các cô cũng như nhà nước này, không cần biết mỗi con người là một cá thể độc đáo, cá biệt, có một không hai, không lặp lại, và cá tính độc đáo đó phải được tôn trọng; không cần biết rằng, chăm sóc thú vật cũng phải tôn trọng cá tính của chúng;

- Bà chủ cũng sẽ nói: Nhà trẻ hành nghề được chính quyền cho phép, có chứng chỉ, tất cả đều “đúng trình tự, thủ tục”, “theo đúng quy trình”;

- Bà chủ có thể nói: phải nhìn toàn cục, đánh giá toàn diện, khách quan, khoa học, biện chứng, vì tại sao những cháu khác không bị trừng phạt? Đó cũng chỉ là mặt trái của giáo dục, mặt cơ bản vẫn là trông nom 22 cháu cho bố mẹ các cháu yên tâm đóng góp cho xã hội;

- Các cán bộ liên quan cũng sẽ nói: Mấy lần thanh kiểm tra không thấy có vẫn đề gì, cũng không thấy cha mẹ các cháu hay người dân phản ánh, báo cáo cho biết những tiêu cực ở nhà trẻ này;

- Mấy cô giáo này bị phát hiện cũng chỉ là phần nổi của tảng băng “Vì tương lai con em giai cấp công nhân và nhân dân lao động” của nhà nước XHCN, cũng như mấy “đồng chí bị lộ” đem ra xét xử trong một “bầy sâu” tham nhũng lúc nhúc, vẫn tí tởn, béo mầm;

- Và bao trùm lên tất cả là theo cách của chính quyền đối với dân: Đối với những đối tượng còn khờ dại chưa hiểu biết gì, cứ “ngoan” là khen thưởng, nêu gương; trái ý thì dùng bạo lực mà đe dọa, khống chế quyết liệt, là khắc đâu vào đấy!

Ngày 18/12/2013
MVT
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Quần áo trẻ em Trung Quốc chứa chất độc gây vô sinh

Songmoi

Báo cáo mới đây của nhóm bảo vệ môi trường Hòa bình xanh (Greenpeace) cho biết, quần áo trẻ em được sản xuất tại 2 cơ sở may mặc lớn nhất tại Trung Quốc có chứa các chất độc hại nguy hiểm, trong đó có cả NPE- một loại hợp chất hữu cơ có khả năng gây vô sinh.
Quần áo trẻ em tại 2 cơ sở sản xuất may mặc lớn nhất tại Trung Quốc chứa chất độc nguy hiểm
Tờ USA Today hôm 17/12 đưa tin, kết quả thử nghiệm của tổ chức Hòa bình xanh đối với 85 mẫu quần áo trẻ em, trong đó có nhiều mẫu xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, tại 2 trung tâm sản xuất hàng may mặc ở Trực Lệ (Chiết Giang) và Thạch Sư (Phúc Kiến) cho thấy một số mẫu quần áo có chứa NPE và antimon . Đây đều là  2 loại hóa chất độc hại đã bị cấm sử dụng vì có khả năng ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Trong đó, NPE là một hợp chất hữu cơ được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp như sản xuất sơn, sản xuất nhựa, hóa chất bảo vệ thực vật, công nghiệp điện tử, công nghiệp giấy, công nghiệp dệt…có khả năng phá vỡ các hormone chức năng trong cơ thể sống và phá hủy tuyến nội tiết, làm mất hoặc giảm khả năng sinh sản. Còn antimon cũng một nguyên tố hóa học được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, trong đó có ngành sản xuất đạn chì.
Trả lời phỏng vấn của báo giới, Lý Chính An, một thành viên của tổ chức Hòa bình xanh khu vực Đông Á tại Bắc Kinh nhấn mạnh: Bất chấp những mối nguy hại tiềm tàng tới người sử dụng, giới chức lãnh đạo địa phương vẫn án binh bất động, không đưa ra được một phương án giải quyết hiệu quả nào. Vì vậy, cuộc khảo sát này nhằm gây áp lực hơn nữa tới chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Thực tế, ngay chính các cơ quan giám sát chất lượng của Trung Quốc cũng phải thừa nhận quần áo trẻ em của nước này có chứa các chất độc hại. Kết quả khảo sát của Hiệp hội Người tiêu dùng Bắc Kinh thực hiện hồi tháng 6/2013 cho thấy, 38% mẫu quần áo trẻ em không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, thay vì thắt chặt các biện pháp quản lý, Tổng Cục Giám sát Chất lượng của Trung Quốc chỉ dừng lại ở việc đưa ra những lời khuyên cho người tiêu dùng và các bậc phụ huynh nên mua những loại quần áo sáng màu và giặt sạch nhiều lần trước khi mặc.
Trung Quốc hiện đang là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới. Trong đó, quần áo trẻ em đang là mặt hàng có tốc độ phát triển chóng mặt tại quốc gia này. Theo dữ liệu của Hòa bình xanh, 2 trung tâm may mặc ở Trực Lệ và Thạch Sư chiếm tới 40% tổng sản lượng quần áo trẻ em của Trung Quốc. Riêng các cơ sở may mặc Thạch Sư xuất khẩu tới 80% sản lượng hàng may mặc tới các thị trường chính như Trung Đông, châu Phi, châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Nam Á.
Thực tế, ngay tại Việt Nam, các mặt hàng may mặc, đặc biệt là quần áo trẻ em “made in China” cũng đang làm mưa làm gió trên thị trường, nhất là vào thời điểm thời tiết chuyển mùa. Điều đáng nói là sau những cảnh báo về những chất độc hại chứa trong các mẫu quần áo của Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã cẩn trọng tìm mua sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Bằng chứng là thời gian gần đây, các cửa hàng Việt Nam xuất khẩu hay hàng “made in Việt Nam” đang trở thành xu hướng mua sắm, thu hút đông đảo người tiêu dùng. Đặc biệt là trong những ngày đông rét buốt, nhu cầu mua sắm quần áo của người tiêu dùng ngày càng bùng nổ. Tuy nhiên, với bài toán lợi nhuận, nhiều cửa hàng “made in Việt Nam” thực chất vẫn là hàng Trung Quốc được “mông má” lại bằng cách gắn mác Việt Nam cho các mẫu quần áo nhập từ Trung Quốc để dễ bề “hét giá”. Bên cạnh đó, nhiều khi các cửa hàng quần áo treo biển hàng Việt Nam nhưng thực chất cũng chẳng có gì đảm bảo đó không phải là đồ Tàu khi chúng ta vẫn đang phụ thuộc  gần như hoàn toàn vào việc nhập khẩu nguyên liệu của Trung Quốc từ sợi chỉ cho đến cái cúc, mảnh vải…Do đó, nguy cơ người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ nhiễm độc do mặc phải quần áo có chứa chất độc hại vẫn là khó tránh.
Để giảm thiểu độc hại từ các loại quần áo không được sản xuất an toàn, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên tránh các loại quần áo có mùi khó ngửi. Với những loại quần áo nhuộm, nên giặt cho đến khi ra hết màu mới sử dụng. Ngoài ra, quần áo mới mua về không nên mặc ngay, mà phải giặt nhiều lần để loại bỏ bớt chất độc bám trên đó và đem phơi nắng. Có vẻ con người càng sống trong xã hội phát triển bao nhiêu càng phải đối mặt với hiểm nguy cận kề nhiều bấy nhiêu. Qua đó mới thấy các nhà làm phim Hollywood hình như đã dự đoán trước được cả điều này khi cho ra đời những bộ phim miêu tả thế giới ngày càng vắng bóng trẻ thơ, do loài người mắc bệnh vô sinh, phải chăng lý do chính đến từ việc mặc quần áo của Trung Quốc?.
Vân Du
 

Những ảnh hưởng không hiệu quả của Hoa Kỳ tại Việt Nam

Thùy Dương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Duvien Trần Vũ Đức Khanh, Asia Sentinel
Ngoai trưởng Hoa Kỳ John Kerry hiện có chuyến viếng tới Việt Nam để thảo luận và tăng cường thêm mối quan hệ đang ngày càng phát triển giữa hai nước Việt–Mỹ. Tuy nhiên, dường như có rất ít tiến bộ đạt được trong vấn đề chính trị và dân sự ở Việt Nam, và sự thất bại của Hoa Kỳ khi cố gắng giải quyết vấn đề này đã và sẽ làm suy yếu chiến lược tái cân bằng của Washington tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đi bộ đến Nhà thờ Đức Bà tại Sài Gòn ngày 14 tháng Mười Hai, 2013. Ảnh: AFP/Vietnam News Agency
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đi bộ đến Nhà thờ Đức Bà tại Sài Gòn ngày 14 tháng Mười Hai, 2013. Ảnh: AFP/Vietnam News Agency
Sau điểm dừng chân ở Jerusalem và Ramallah vào cuối tuần vừa qua, Ngoại trưởng John Kerry đến thăm Việt Nam để làm “nổi bật thêm những phát triển đáng kể trong mối quan hệ song phương giữa hai nước” và quan hệ đối tác trong những năm vừa qua.
Kể từ năm 1995, sau khi cựu Tổng thống Bill Clinton bình thường hóa mối quan hệ với Việt Nam, tiếp theo Hiệp Định thương mại song phương được thiết lập giữa hai nước vào năm 2001, đến năm 2006 khi các doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương Mại thế giới [World Trade Organization] và ở thời điểm hiện tại khi Việt Nam bắt đầu tham gia Hiệp định Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), và quan trọng hơn cả là quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam–Hoa Kỳ được thiết lập vào tháng Bảy vừa qua thì quan hệ kinh tế giữa VIệt Nam và Hoa Kỳ đã trải qua một thời kì “chuyển dịch nhanh chóng”.
Tuy nhiên, có vẻ như mối quan hệ đối tác toàn diện Việt–Mỹ dường như vẫn còn là mối quan hệ đơn chiều. Trong gần hai mươi năm thiết lập quan hệ với Việt Nam, dường như có rất ít tiến bộ đạt được trong các lĩnh vực cơ bản như dân chủ và nhân quyền ở quốc gia này.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền mô tả tình trạng nhân quyền ở Việt Nam đang ở mức “rất tệ”, và theo Tổ chức Ân xá Quốc tế thì “đáng báo động”. Tổ chức Freedom House có trụ sở tại Hoa Kỳ đã công bố bản khảo sát hàng năm về quyền tự do nhân quyền trên thế giới xếp hạng Việt Nam vào nhóm “không có tự do” về các quyền chính trị và tự do dân sự.
Bên cạnh những nghi ngại của Washington có thể ảnh hưởng tới Hà Nội, những nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc liên tục gia tăng phát triển mối quan hệ giữa hai nước là cần thiết, kể cả việc bỏ qua tình hình dân chủ và dân sự ở Việt Nam. Bên cạnh đó, với vị thế ngày càng mạnh của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương làm ảnh hưởng tới các nước láng giềng, Hoa Kỳ chắc chắn phải tìm cách khai thác những mối quan tâm tiềm ẩn giữa các nuớc này để đem về lợi ích cho mình. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Hoa Kỳ theo đuổi một chính sách ngoại giao như vậy có làm suy yếu những nỗ lực của cường quốc này trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương hay không?
Sự thất bại trong nỗ lực gây ảnh hưởng
Vào cuối tháng Mười vừa qua, Trung Quốc đã thiết lập vùng phòng không (ADIZ) ở khu vực Biển Hoa Đông bao gồm cả quần đẩo đang tranh chấp với Nhật Bản là Senkaku/Điếu Ngư. Ngoài ra, Trung Quốc cũng bao gồm một phần vùng phòng không ADIZ của Hàn Quốc. Tiếp theo động thái đó, hai máy bay B-52 của Hoa Kỳ đã bay qua khu vực ADIZ mà Trung Quốc vừa thiết lập và phần mở rộng của vùng nhận diện phòng không Hàn Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Natalegawa đã kêu gọi hạ nhiệt tình trạng đang có xu hướng leo thang ở Hàn Quốc vì lo sợ tình hình sẽ ảnh hưởng tới Biển Đông.
Biển Đông, khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với tên gọi là đường chín đoạn, bao gồm rất nhiều vùng lãnh hải và lãnh thổ vốn có một phần hoặc toàn bộ vùng thuộc khu vực pháp lí của một số quốc gia Đông Nam Á. Cho nên, việc này hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi những tuyên bố của Trung Quốc bị Philipines – một đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ và Việt Nam liên – liên tiếp lên tiếng phản đối. Ngoại trưởng Kerry sẽ có chuyến thăm đến Philippines trong những ngày tới sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam.
Điều khó lý giải không nằm ở lí do Việt Nam cần Hoa Kỳ. Thực tế cho thấy, Hoa Kỳ hiện là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, hiện chiếm tới 17,5 % tổng sản lượng xuất khẩu. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn là nước nhập khẩu ròng hàng hóa của Việt Nam từ năm 1997 và phải chịu mức thâm hụt thuơng mại là 16 tỉ USD. Hơn hết, Hoa Kỳ lại là một đối trọng thực sự với Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Chính câu hỏi tại sao Hoa Kỳ vẫn chưa thúc đẩy Việt Nam hướng tới các cải cách chính trị và tự do hóa kinh tế lại chính là câu hỏi khó lí giải nhất ở thời điểm hiện tại. Tinh hình sửa đổi hiến pháp vừa được thực hiện ở Việt Nam đã làm tiêu tan toàn bộ hy vọng dành cho nhỡng chính sách cải cách chính trị. Hơn nữa, bản hiến pháp sử đổi lại còn củng cố vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng Hà Nội đang hoàn toàn làm ngược lại so với những mong muốn và lợi ích của Washington.
Ít nhât trong lĩnh vực kinh tế, Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn đang duy trì ở mức tạm ổn. Nhưng Hoa Kỳ dường như đã thiếu một tầm nhìn rõ ràng cho mối quan hê giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Mặc dù Việt Nam là một nước quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và có khả năng giúp Hoa Kỳ gây sức ảnh hưởng lớn trong chính sách “trục xoay châu Á” nhưng trong thực tế, Hoa Kỳ không có được mối quan hệ đồng minh hay bạn bè thân thiết  với Việt Nam – bằng chứng là Washington không có khả năng gây ảnh hưởng thực sự tới Việt Nam.
Một cuộc khảo sát do Pew Research thực hiện năm 2002 cho thấy có đến 71% người Việt Nam thích các quan điểm của Hoa Kỳ, và 76% hướng về cùng hướng với cường quốc này. Mặc dù hơn một thập kỷ đã trôi qua nhưng đối với người Việt Nam thì họ vẫn nghiên về phía Hoa Kỳ bất chấp hai dân tộc vẫn còn nhiều điều mâu thuẫn. Tuy nhiên, đây không phải là những người mà Mỹ đang tham gia đối thoại.
Nếu Hoa Kỳ muốn gia tăng sức ảnh hưởng đối với Việt Nam thì trước tiên các lãnh đạo Hoa Kỳ phải có cái nhìn vượt ra ngoài Hà Nội, bởi thực chất các lãnh đạo cộng sản Việt Nam không phản ảnh chính xác những nguyện vọng của nhân dân hay gì mà họ đang hy vọng. Cho dù có bất kỳ sự tiến triển nào trong mối quan hệ giữa hai chính phủ tính đến thời điểm hiện tại nhưng nếu Hoa Kỳ không gây được sức ảnh hưởng đối với Hà Nội thì Washington sẽ không thể dùng Việt Nam như một nước hỗ trợ đắc lực thúc đẩy chính sách tái cân bằng ở châu Á – Thái BÌnh Dương.
Như một hệ quả vì lo sợ sẽ mất đối tác chiến lược ở châu Á, Hoa Kỳ không nỗ lực gây áp lực nghiêm trọng lên chính phủ Việt Nam để yêu cầu Hà Nội thực hiện những cải cách về chính trị và các quyền dân sự. Từ đó, Hoa Kỳ để cho các lãnh đạo cộng sản Việt Nam tự do trong việc đưa ra các quyết định, ngay cả khi nó ảnh hưởng và đi ngược lại với những lợi ích của Hoa Kỳ.
© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info

Danlambao 18/12/2013.

Snowpiercer, bộ phim không chỉ dành riêng cho người cộng sản

Trailer bộ phim Snowpiercer

Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Tôi vốn không quan tâm các bộ phim (và phim bộ) Hàn Quốc. Do đó, khi thấy đạo diễn bộ phim “Snowpiercer” có tên Bong Joon-ho đã định bỏ qua, nhưng vì những ngôi sao nổi tiếng Mỹ quốc tham gia trong phim đã kéo tôi vào rạp, có lẽ vì sự tò mò nhiều hơn là tìm những ý nghĩa sâu sắc từ bộ phim. Tuy nhiên trải qua hơn hai giờ đồng hồ, phải thừa nhận: Tôi đã suýt sai lầm nếu không xem bộ phim đạt cả giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng mà ê-kíp làm phim muốn chuyển tải đến khán giả.

Gọi loài ký sinh cộng sản là “chúng nó” có chính xác?


Le Nguyen (Danlambao) - Không biết phải gọi như thế nào cho chính xác đối với loài ký sinh cộng sản sống bám vào nhục thân thối rửa của đảng cộng sản Việt Nam, ngoài ngôn từ “chúng nó” cho tập thể và “thằng”cho cá thể. Có lẽ mọi người trong chúng ta ai cũng biết, chúng nó hèn với giặc ác với dân, hèn cực kỳ, ác cũng rất cực kỳ nhưng hễ người dân ai chỉ đích danh hay nói đến bản chất hèn ác của chúng thì chúng nó chối bay chối biến, giẫy đành đạch như đỉa phải vôi, thậm chí phản ứng hung tợn bằng cách sử dụng bạo lực khủng bố trấn áp lẫn gán ghép tội danh nói xấu lãnh đạo, chống phá đảng, nhà nước xã hội chủ nghĩa để tống tù, bịt miệng dân.

Phượng Yêu (28)


Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) – Cứ mỗi độ cuối năm là bác lại nhớ về Rạch Giá của Phượng Yêu quá đỗi.
Nhớ cô nữ sinh trường Nguyễn Trung Trực họ Mã mà “anh tiền tuyến” đã không bảo vệ được “em hậu phương” để 38 năm nay anh chẳng hay biết em trôi giạt phương nao; em còn sống hay đã vùi thây biển cả.
Nhớ cánh đồng Giục Tượng và những bờ ruộng ven nương máu bao đồng đội cùng anh đã đổ thấm để giữ yên được đồng bào Rạch Giá một thời…

Phong trào Bất tuân dân sự tiến lên


Nguyễn Nhơn (Danlambao)Nếu chúng ta không gấp rút vận động tổ chức các hoạt động bất tuân dân sự thành những phong trào rộng lớn, khắp nơi để tràn ngập lực lượng côn an, dân phòng, xã hội đen đủ loại, chúng ta sẽ bị chia cắt, chịu tổn thất lẻ tẻ, bị cô lập, bắt bớ theo cách bẽ đũa bẽ từng chiếc. Vạn sự khởi đầu nan! Tới nay đã có những bước khởi đầu phấn khởi. Vậy thì tất cả đồng lòng mở rộng vòng tay, kết thành đại khối đấu tranh, phát khởi cuộc toàn quốc phản kháng, đưa Đất nước, Dân tộc vào VẬN HỘI MỚI.

Hành động cá nhân vs hành động tập thể


Hướng Dương txđ Tôi đọc bài Ngồi Nhìn Hòn Dái Đâm Đinh chị Phạm Thị Hoài post ngày 16 tháng 11 năm 2013 mà thấy lòng buồn vô tả, buồn cho thân phận con người Việt Nam mà tôi là một, buồn cho vận mệnh đất nước sa sút tới tận cùng đã hơn nửa thế kỷ mà chưa có dấu hiệu gì sẽ khá hơn. Quê hương tôi vẫn mịt mù tăm tối mà cả dân tộc tôi vẫn trơ trơ không tìm đường giải cứu, đất nước vẫn chịu số phận khốn nạn không có lối thoát. Chưa bao giờ con người phải chịu sự vô vọng trong một thời gian lâu như thế.

Chỉ vài lời gửi anh Dương Chí Dũng


Đặng Huy Văn (Danlambao) – Anh Dương Chí Dũng thân mến! Tôi biết anh qua một bài viết của nhà báo Lê Phương Dung năm 2006, hồi anh mới về nhậm chức chủ tịch HĐQT Vinalines. Theo bài báo đó, anh là một người đàn ông hào hoa, một nhà thơ có thể sánh được với Sóng Hồng. Thơ của anh tràn trề cảm hứng của một nhà thơ “lãng mạn cách mạng” như Tố Hữu… Rồi mấy ngày gần đây được “gặp lại” anh tại tòa án sơ thẩm xét xử anh và đồng bọn, anh vẫn giữ được phong thái ung dung tự tại của một nhà thơ yêu nước, vẫn đẹp trai phong độ như xưa làm nhiều cô gái không thể cầm được nước mắt vì tiếc nuối.

“Huyền Cơ” trong thơ Dương Chí Dũng đọc tại tòa án


“28 năm qua lại trở về
Với người hàng hải nặng thề năm xưa
Dưới cờ đảng nguyện cùng đưa
Con tàu hàng hải đến bờ vinh quang.” - Dương Chí Dũng
Tình cờ tôi đọc bài viết “Lạc quan Cách Mạng!” của Nguyễn Thông ở trên blog Phương Bích, nói về trường hợp bị cáo Dương Chí Dũng (DCD), lạc quan đọc thơ tại phiên tòa xử ông ta và một số cán bộ khác ở Vinalines. Tôi chợt nghĩ có lẻ đây là lời ngầm nhắn gởi của DCD gởi cho ai đó (chức cao quyền trọng) đã từng chia chác lợi lộc với DCD (chắc không những trong vụ ụ nổi không thôi mà còn trong những vụ khác nữa) biết về lập trường của DCD chỉ chấp nhận mức án tới đâu thôi, nếu quá hơn thì DCD sẽ khai… hết!

Sinh vật này là người hay sâu?


Nguyên Anh (Danlambao) – Ở cái xứ được mệnh danh là thiên đàng, một xứ sở bình đẳng cho nên các đại từ nhân xưng trong quan hệ xã hội như Ngài, Ông, Bà, Cô, Cậu đều biến mất! Thay vào đó chỉ có hai hạng để phân loại: (1) đồng chí, đồng rận, (2) thằng, con, nó.
Thành ra người ta không lấy làm ngạc nhiên khi các đại từ nhân xưng đều được thay thế như thằng đế quốc Mỹ, thằng thực dân Pháp, những từ mà người dân nghe thấy hàng ngày trong xã hội không phải là những từ cao quý đẹp đẽ mà thay vào đó là các câu: thằng này, con kia, thằng chó, con đĩ v.v… và v.v…

Dương Chí Dũng: và nụ cười đặc trưng “búa liềm”


Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) – “Dưới cái lạnh mùa đông, hàng trăm ngàn gia đình đồng bào, khúc ruột miền trung phải khốn khổ vì giá rét trong những căn nhà trống trước hở sau vì bão lũ, thì hắn, Dương chí Dũng kẻ “ăn cắp” mồ hôi nước mắt nhân dân lấy hàng chục tỷ đồng mua 2 căn hộ cao cấp, sang trọng cho bồ nhí. Vậy mà trước pháp đình hắn vẫn thản nhiên cười vui hí hửng đọc thơ tặng quan tòa và những người tham dự vì cho rằng mình “vô tội”, dù trước đó hắn bị bắt dẫn độ từ nước ngoài về do lén lút chạy trốn sau khi “ăn cắp”!?

Dương Chí Dũng và những vần thơ của lũ quỷ sa tăng


Nam Quang (Danlambao) – Phiên tòa trình diễn “Dương Chí Dũng” vừa hạ màn với 2 án tử hình: cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng và nguyên tổng giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc. Dư luận trong và ngoài nước theo dõi sát sao từng diễn biến của vụ án tế thần này. Dù kịch bản được chuẩn bị sẵn và đã duyệt tới duyệt lui nhưng vẫn không che giấu những lố bịch của nó. Nhiều chi tiết còn hơn phường chèo gây hài mua vui cho thiên hạ.

Đặng Chí Hùng – Chúng tôi cần anh


Lê Dủ Chân (DanLamBao)
Có một ngày buồn nhất trong đời tôi
Đó là ngày được tin anh bị bắt
Nắng ngoài hiên chợt tắt
Chung quanh tôi lặng ngắt một khoảnh trời.

Kẻ sỹ, Tuổi trẻ và cuộc chiến truyền thông


Bảo GiangViết cho Tuổi trẻ và Mạng Lưới Blogger Việt Nam
Có một điều rất lạ, đến nay vẫn còn nhiều người chưa bước ra khỏi cái vỏ ốc nệ cổ. Khi thấy bước chân của những người trẻ vững chãi vươn lên vì tương lai của đất nước, họ như thờ ơ, không hay, không biết, rồi nhắm mắt bảo là: Đất nước thời tang thương, dân tình khốn khổ như nô lệ, nhưng tìm không ra kẻ sỹ. Trái lại, bước ra khỏi nhà thì không biết làm cách nào để có thể tránh mặt được những Ngụy Diên, (đảng viên) tráo trở và bất lương. Chúng như bụi trên đường!

Zừa đi đường zừa xạo…



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét