Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Nông nghiệp thêm một năm lạc đường & 2013: Năm đàn áp khốc liệt đối với ký giả, blogger tại Việt Nam

2013: Năm đàn áp khốc liệt đối với ký giả, blogger tại Việt Nam

Việt Nam bị đưa vào danh sách 10 quốc gia cầm tù ký giả tệ hại nhất trên thế giới.
Năm 2013 chứng kiến một chiến dịch tăng cường đàn áp khắc nghiệt đối với các ký giả, blogger, và công dân mạng tại Việt Nam, theo báo cáo điểm lại tình hình cuối năm của hai tổ chức bảo vệ ký giả uy tín trên thế giới.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) trụ sở chính ở Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách top 10 quốc gia cầm tù ký giả tệ hại nhất trên thế giới. Trong danh sách này năm nay, Việt Nam hiện xếp thứ 5, sau Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Trung Quốc, và Eritrea.
Theo thống kê của CPJ, số nhà báo bị Hà Nội tống giam hiện là 18 người, tức tăng lên so với con số 14 của năm trước.
Xu hướng đàn áp của Hà Nội bắt nguồn từ khi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng lên đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam. Dưới thời ông Trọng, số ký giả-blogger tự do bị bắt không ngừng gia tăng...- Ông Benjamin Ismail, RSF.
Dẫn đầu danh sách là blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, cùng các nhà hoạt động như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân, các nhà báo tự do gồm Lư Văn Bảy, Lê Thanh Tùng, Phạm Nguyễn Thanh Bình, các blogger như Đặng Xuân Diệu, Paulus Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Duyệt, Nông Hùng Anh, Tạ Phong Tần, Đinh Đăng Định, Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, và những ký giả làm việc cho nhà nước như Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ, Võ Thanh Tùng của tờ Pháp luật TPHCM.
Trong khi đó, tổ chức Ký giả Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp trong năm qua liệt kê Việt Nam là nhà tù lớn thứ nhì trên toàn cầu đối với các cư dân mạng, với 34 netizen đang bị giam cầm, chỉ sau con số 70 của quốc gia cộng sản anh em Trung Quốc.
Phát biểu với VOA Việt ngữ, ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách Ban Á Châu-Thái Bình Dương thuộc RSF, nhấn mạnh:
“Năm 2013 cho thấy sự tăng cường đàn áp của nhà nước đối với những ngòi bút và những nguồn cung cấp thông tin độc lập tại Việt Nam. Trong số này phải kể đến việc chính phủ ban hành thêm các quy định mới siết chặt quyền tự do bày tỏ ý kiến của công dân như Nghị định 72 rồi tới Nghị định 174. Thêm vào đó là tình trạng tiếp tục đàn áp bạo lực, dùng an ninh thường phục tấn công không chỉ các blogger mà cả thân nhân của họ. Năm nay củng cố xu hướng đàn áp của Hà Nội bắt nguồn từ khi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng lên đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam. Dưới thời ông Trọng, số ký giả-blogger tự do bị bắt không ngừng gia tăng.”
Blogger Hành Nhân, một ngòi bút độc lập trong nước, thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam, nhận xét tình hình trong năm qua:
“Trong năm qua đúng là sự bắt bớ đàn áp đối với giới blogger gia tăng hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, đã có nhiều người vượt qua được sự sợ hãi, lên tiếng nhiều hơn. Các phong trào dân sự cũng đang mạnh lên. Người ta lập hội này hội nọ, bày tỏ chính kiến trên mạng nhiều hơn. Tuy là có đàn áp, nhưng cũng có những niềm hy vọng, những điểm tích cực để mình hy vọng.”
Người đang tham gia chiến dịch quốc tế vận yêu cầu Việt Nam hủy bỏ điều luật 258 về ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ mà Hà Nội dùng để nhắm tới các blogger nói với các tín hiệu lạc quan cho thấy người dân ngày càng mạnh dạn bày tỏ chính kiến nhiều hơn, anh hy vọng tình hình trong năm tới sẽ khả quan.
Blogger Hành Nhân:
“Người ta chia sẻ với nhau, lập nên các phong trào xã hội dân sự để bảo vệ nhau. Hơn nữa, Việt Nam mới gia nhập vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc cũng là cơ hội để nhiều người nói lên tiếng nói của mình. [Vào Hội đồng], Việt Nam cũng phải cải thiện bộ mặt nhân quyền của mình trước thế giới. Nếu họ đàn áp mạnh hơn, họ sẽ chứng tỏ bộ mặt thật của mình. Cho nên, tôi nghĩ mọi việc đang đi theo hướng mọi người mong mỏi. Hy vọng sẽ có một xã hội tốt đẹp hơn.”
...việc Hà Nội trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ buộc Việt Nam phải tuân thủ các quy định quốc tế. Chúng tôi mong với những áp lực gia tăng đó, tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí tại Việt Nam sẽ khá hơn...-Ông Benjamin Ismail.
Quan điểm này được ông Benjamin Ismail từ tổ chức Phóng viên Không biên giới tán thành:
“Tôi lạc quan tin tưởng tình hình sắp tới sẽ tích cực hơn nhờ vào sự huy động, hoạt động của giới blogger trong nước. Chúng tôi tin Phong trào Con đường Việt Nam do các nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định khởi xướng đang phát triển đúng hướng. Sự thành lập các tổ chức dân sự như Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, Mạng lưới Blogger Việt Nam, và việc Hà Nội trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc cũng sẽ buộc Việt Nam phải tuân thủ các quy định quốc tế. Chúng tôi mong với những áp lực gia tăng đó, tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí tại Việt Nam sẽ khá hơn.”
Năm đàn áp khốc liệt đối với ký giả, blogger tại Việt Nam
Ông Ismail nói tổ chức Phóng viên Không biên giới sẽ tiếp tục dùng các kênh vận động quốc tế thúc đẩy Việt Nam phóng thích các ngòi bút bị tù đày và tôn trọng nhân quyền của người dân.
việc Hà Nội trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ buộc Việt Nam phải tuân thủ các quy định quốc tế. Chúng tôi mong với những áp lực gia tăng đó, tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí tại Việt Nam sẽ khá hơn... Ông Benjamin Ismail
RSF cho biết sẽ tận dụng mọi cơ hội trong năm 2014, Năm Việt Nam tại Pháp, để yêu cầu chính phủ Pháp hỗ trợ trong áp lực đòi Hà Nội phải cải thiện nhân quyền.
(VOA)

Nông nghiệp thêm một năm lạc đường

Năm 2013 đã thể hiện rõ nét sự bế tắc trong sản xuất và tiêu thụ xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam. Nhân dịp cuối năm Nam Nguyên điểm lại một vài sự kiện đáng chú ý.

Một nghịch lý đầy xót xa

Xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam hàng năm đóng góp 20% GDP Tổng sản phẩm nội địa. Trong số các nông sản từng được xem là trụ đỡ cho nền kinh tế những lúc khó khăn có mặt hàng gạo. Tiếng là nước xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới, mỗi năm xuất khẩu trên dưới 7 triệu tấn gạo nhưng nông dân trồng lúa rất nghèo. Điểm đáng nói là kim ngạch xuất khẩu gạo lại tương đương trị giá nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu nành, khô dầu đậu nành, bột cá…

Theo báo chí Việt Nam đây là “một nghịch lý đầy xót xa” còn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gọi là “quá thiểu não.” Người đứng đầu Nhà nước đã nhận định như thế hồi cuối tháng 8/2013 sau chuyến đi khảo sát ở đồng bằng sông Cửu Long. Báo mạng VnEconomy lúc đó trích nguyên văn phát biểu của Chủ tịch Trương Tấn Sang: “Bớt lúa trồng ngô, đậu nành…vừa giữ giá gạo, tuy không xuất khẩu 2-3 tỷ đô, nhưng dân có việc làm tốt, tạo thêm 2-3 tỷ đô ở trong nước thì không làm, cứ phải khí thế tiến lên quyết liệt, phải đứng đầu thế giới mới được. Đứng đầu, đứng giữa mức độ thôi, khí thế quyết liệt mà mở túi chả có đồng bạc nào.”
Theo báo chí Việt Nam đây là “một nghịch lý đầy xót xa” còn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gọi là “quá thiểu não.” Người đứng đầu Nhà nước đã nhận định như thế hồi cuối tháng 8/2013 sau chuyến đi khảo sát ở ĐBSCL
Trong dịp trả lời chúng tôi, GSTS Võ Tòng Xuân, nhà nông học có uy tín quốc tế từ Long An nhận định:

Nông dân bỏ ruộng đi làm thuê. AFP
Nông dân bỏ ruộng đi làm thuê. AFP
Đầu óc cây lúa này ăn sâu vô từng ông nông dân cho tới những người từ nông dân ra làm chính quyền ở trên, họ chỉ biết tới cây lúa. Lúc trước mấy thứ cây khác họ không dám nghĩ tới. Bây giờ cây lúa không có tiền, lợi tức thấp thì họ mới nghĩ tới những thứ khác, rất là chậm.”

Điển hình về điều gọi là “nghịch lý đầy xót xa”, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn (NN-PTNT) xuất khẩu gạo 11 tháng của năm 2013 là 6,29 triệu tấn trị giá 2,78 tỷ USD, trong khi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong cùng thời gian cũng đạt mức 2,78 tỷ USD. Số liệu này đối với các nhà xuất nhập khẩu có thể là hoạt động bình thường và tạo ra lợi nhuận cho họ, nhưng đối với nông dân thì lại tỏ ra chán nản.

Thông tin ghi nhận ngành chăn nuôi từ gia cầm, gia súc tới thủy sản sau khi chịu lỗ năm 2012 tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2013. Bà Nguyễn Thị Lạc một nhà chăn nuôi có kinh nghiệm ở ngoại thành Saigon nhận định:
Bớt lúa trồng ngô, đậu nành…vừa giữ giá gạo, tuy không xuất khẩu 2-3 tỷ đô, nhưng dân có việc làm tốt, tạo thêm 2-3 tỷ đô ở trong nước thì không làm, cứ phải khí thế tiến lên quyết liệt, phải đứng đầu thế giới mới được...khí thế quyết liệt mà mở túi chả có đồng bạc nào Chủ tịch Trương Tấn Sang
Khó khăn lắm, hiện naynhững người chăn nuôi nhỏ, những người chăn nuôi tư nhân hầu như người ta không nuôi nữa, tại vì giá thị trường lên xuống bất chợt, liên tục vài năm nay giá thì đều dưới giá thành. Do đó người nuôi tư nhân chịu không xiết phá sản hầu hết, chỉ còn duy trì những người nào nuôi cho công ty thì còn là do cái tiền công đó thôi, tiếp tục nuôi trong khi chờ đợi…Thị trường hiện nay quá khó khăn không ổn định lại thêm chuyện thịt gà nhập từ nước ngoài về nữa.”

Tiếng kêu cứu của người nông dân

Một ngành chăn nuôi khác là cá tra có tỷ lệ thức ăn chăn nuôi rất lớn lên tới 70%-80% giá thành. Trong khi các đại doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hưởng lợi nhuận thì người nuôi cá lại lao đao. Nguyên do vì giá cá nguyên liệu trong nhiều thời kỳ thấp hơn giá thành, đến khi giá cá lên cao thì nông dân đã ngừng nuôi hoặc chỉ còn nuôi gia công cho doanh nghiệp.

Nông dân nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long. Source Vietfish.org
Nông dân nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long. Source Vietfish.org
Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2013 khoảng 1,8 tỷ USD, nhưng trong quí 4 tình trạng thiếu hụt cá nguyên liệu thể hiện rất rõ vì đa số nông dân bỏ nuôi. Hơn nữa nông dân còn bị các doanh nghiệp mua cá chiếm dụng vốn trầm trọng, tình trạng bi đát đến nỗi ông Nguyễn Ngọc Hải, giám đốc hợp tác xã nuôi cá tra Thới An đến dự Hội nghị tổ chức vào ngày 21/8/2013 tại Cần Thơ đã mang theo một tâm thư gởi lãnh đạo Đảng để kêu cứu.
Tôi thì nuôi với người ngoài, nhưng tôi thấy nuôi với người ngoài cũng chết mà vô nuôi gia công cũng chết…Rồi có nhiều người bán cá ra ngoài nợ nần tùm lum hết trơn. Hết biết mần với ai bây giờ - Nông dân cá tra
Nông dân cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:

“Tôi thì nuôi với người ngoài, nhưng tôi thấy nuôi với người ngoài cũng chết mà vô nuôi gia công cũng chết…Vừa qua mấy ông nuôi gia công cho biết, nó đưa mình 1,6kg thức ăn còn tiền này tiền kia, con giống chi phí thuốc men, bơm nước thì mình chịu lúc đầu mỗi kg cá mình được 6 ngàn đồng, sau sụt xuống 5 ngàn rưởi, 5 ngàn bây giờ còn có hơn 4 ngàn. Mà họ bắt cá rồi số tiền dư lại của mình cũng không trả nữa. Rồi có nhiều người bán cá ra ngoài nợ nần tùm lum hết trơn. Hết biết mần với ai bây giờ.”

Trong khi đó người trồng lúa kêu cứu vì giá lúa trung bình cả năm thấp, lợi nhuận không đủ sống. Một nông dân từ vựa lúa xuất khẩu đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:

“Năm 2013 này lợi nhuận của nông dân rất là mỏng, sinh hoạt hàng ngày vật giá leo thang, các mặt hàng tiêu dùng đâu có hạ giá như nông dân bán lúa bị hạ giá. Thu nhập của nông dân đã thấp rồi, chi phí rất cân nhắc thành thử thu nhập của nông dân 2013 không bằng mấy năm trước, lúc xuất khẩu thuận lợi.”

Việt Nam đã phát triển lúa gạo, thủy sản một cách ồ ạt, nhưng không thể kiểm soát sản lượng, chất lượng và đặc biệt không dự báo được thị trường tiêu thụ. Ngày 10/6/2013 trước sức ép của Quốc hội và công luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đặc biệt có chủ đích nâng cao lợi nhuận cho nông dân. Nhưng cho tới cuối năm 2013, Bộ NN-PTNT vẫn loay hoay với kế hoạch chuyển đổi cây trồng vật nuôi và chưa thực hiện được một bước đi nào rõ rệt.

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-12-18

Món quà làm TPP gần Việt Nam hơn

000_Del6273874-305.jpg
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry phát biểu trong buổi gặp mặt với các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 14 tháng 12 năm 2013. AFP PHOTO / LÊ QUANG NHẬT

Ngoại trưởng John Kerry trước khi rời Việt Nam đã tặng cho Hà Nội món quà 4 triệu 200 ngàn đô la để tăng cường năng lực đàm phán của Việt Nam trong hiệp định TPP. Hành động này đã khuyến khích Việt Nam như thế nào trước mục tiêu mà Hà Nội đang theo đuổi?

Trong chuyến công du Việt Nam và các nước Đông Nam Á Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã có những cử chỉ ngoạn mục đối với Việt Nam. Sau khi thăm viếng nhiều nơi tại vùng sông nước Cà Mau, nơi ông từng lặn lội với tư cách là một chiến binh Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam để rồi giờ đây đứng trước dòng sông Mê Kông ngầu đục phù sa, Ngoại trưởng Kerry đã lên tiếng báo động về một viễn ảnh ô nhiễm môi trường vì đầu nguồn tận dụng mọi phương tiện để tiêu diệt môi sinh.
Những món quà chiến lược

Hành động bất ngờ thứ hai là Ngoại trưởng Mỹ đã dành cho Việt Nam 18 triệu đô la để trang bị cho lực lượng tuần tra biển nhằm đối phó với những áp lực nặng nề trên vùng Biển Đông. Quà tặng ngoại giao này đã làm Hà Nội ấm lên trong những ngày se lạnh của lễ Giáng Sinh.
Tôi cho rằng đây là một động thái tích cực, như là một tín hiệu vừa là một sự hỗ trợ nhưng cũng vừa là một tín hiệu để Việt Nam nỗ lực tích cực đàm phán TPP.  -GS Trần Đình Thiên
Chiều hôm sau, ngày 16 tháng 12 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Kerry lại đại diện cho nước Mỹ có thêm một cử chỉ khích lệ khác đối với Việt Nam khi chính thức trao tặng 4 triệu 200 ngàn đô la để Hà Nội có thêm phương tiện tăng cường năng lực trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP mà Việt Nam trông đợi sẽ được thông qua trong thời gian ngắn sắp tới.

Trước hành động này GSTS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam cho  biết ý kiến của ông:

“Tôi cho rằng đây là một động thái tích cực, như là một tín hiệu vừa là một sự hỗ trợ nhưng cũng vừa là một tín hiệu để Việt Nam nỗ lực tích cực đàm phán TPP. Đây là dấu hiệu chứng tỏ rằng Mỹ cũng nhận thấy nếu Việt Nam vào TPP thì cũng tốt cho cả hai phía.”
TPP và trói buộc dân chủ

Con số hơn 4 triệu tuy không phải là lớn nhưng nó lại nói lên rất nhiều điều về sự quyết tâm trở lại Châu Á Thái Bình Dương của Mỹ. Bên cạnh lực lượng quân sự Hoa Kỳ còn một lá chủ bài khác là liên minh kinh tế qua hiệp ước TPP. Tổ chức này đang dần hình thành một mạng lưới phát triển kinh tế chung cho 12 nước thành viên vừa tạo cơ hội cho sự hợp tác đặt nền tảng trên sự tôn trọng lẫn nhau thông qua việc nhìn nhận những giá trị phổ quát mà các nước có nền dân chủ đang theo đuổi.

000_Hkg9283018-250.jpg
Hôm 14/12, tại Sài Gòn ngoại trưởng John Kerry đến tham dự thánh lễ tại Nhà thờ Đức Bà ở trung tâm Sài Gòn. AFP PHOTO.
Việt Nam đã có kinh nghiệm đàm phán WTO nhưng so với TPP thì hai định chế có khác xa nhau. Nếu WTO chỉ đàm phán về thị trường hàng hoá, dịch vụ, cùng một số quyền sở hữu trí tuệ, thì trong đàm phán TPP, bên cạnh các vấn đề trên, các hồ sơ về bảo vệ người lao động, tuân thủ việc bảo vệ môi trường, doanh nghiệp nhà nước, kể cả việc chống tham nhũng đã làm cho phái đoàn đàm phán của Việt Nam gặp rất nhiều trở ngại.

Hoa Kỳ là đối tác quan trọng nhất của TPP và cũng là nước dẫn đầu có quan tâm đến các vấn đề giây mơ rể má với truyến thống dân chủ. Mỗi một hiệp định song phương của Hoa kỳ đều phải được phê chuẩn bởi Quốc hội cho nên các yếu tố căn bản ấy phải được tuân thủ trước tiên sau khi các vấn đề có tính kỹ thuật hay bảo hộ mới được tính đến.

Việt Nam không gặp khó khăn nào trong thuế quan và bảo hộ tuy nhiên rào cản lớn nhất hiện nay là các câu hỏi về công đoàn, doanh nghiệp nhà nước và chống tham nhũng.
Những rào cản

Trong đàm phán TPP có bảy tổ chức công đoàn mà các nước thành viên của định chế này đã chọn Dự thảo chương Lao động và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến lao động do Tổ chức Công đoàn Thế giới (ITUC) soạn thảo. Sự nhìn nhận này được Hoa Kỳ dẫn đầu và các nước đàm phán song phương với Mỹ sẽ dựa trên Dự thảo chương này để đối thoại, trong đó Việt Nam không thể là một ngoại lệ.

Những quyền căn bản về lao động khiến Việt Nam lo ngại như: quyền lập hội, quyền can thiệp vào các trường hợp sử dụng sức lao động của trẻ em, và đặc biệt là quyền can thiệp của nhà nước vào các tranh chấp lao động cũng như quyền thành lập các nhóm đại diện người lao động

Bên cạnh đó là vấn đề doanh nghiệp nhà nước, một rào cản lớn nhất cho Việt Nam khi mới đây Quốc hội đã thông qua việc nhìn nhận doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo.
Những vấn đề về công đoàn, về doanh nghiệp nhà nước chắc chắn là đoàn đàm phán Việt Nam sẽ có những mặc cả còn tham nhũng thì họ không thể đem cái gì để mà mặc cả được?  -TS Nguyễn Quang A
Cái khó thứ ba là chống tham nhũng. Khi đàm phán song phương với Hoa Kỳ, đoàn Việt Nam không có cách nào chứng minh rằng Việt Nam đã triệt tiêu được tham nhũng theo như đòi hỏi của TPP nhất là bảng xếp hạng tham nhũng của Việt Nam từ trước tới nay chưa bao giờ vượt qua được mức mà quốc tế có thể chấp nhận.

TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS nhận xét:

“Tôi nghĩ Việt Nam thật sự cũng mong muốn vào TPP và đúng là nó có những vấn đề như anh vừa nói. Có lẽ trong các thương lượng người ta cũng có những vấn đề lợi ích khác nhau thì phải qua thương lượng nó mới thống nhất được.

Tôi nghĩ rằng những vấn đề về công đoàn, về doanh nghiệp nhà nước chắc chắn là đoàn đàm phán Việt Nam sẽ có những mặc cả còn tham nhũng thì họ không thể đem cái gì để mà mặc cả được? Có lẽ tôi muốn khuyên các đối tác khác của TPP là thông cảm với Việt Nam ở một vài điểm, đó là nên cho Việt Nam một thời hạn chưa phải thực hiện. Thí dụ như trong vòng 5 năm tạo điều kiện cho Việt Nam có một thời gian để chuẩn bị bởi vì những điều kiện ấy mà buộc phải làm ngay lập tức thì không khả thi. Tôi nghĩ rằng chiến thuật đàm phán của đối tác khác đối với Việt Nam thì có lẽ nên  mở ra cho họ một con đường, một giải pháp gì đấy trung dung hơn.”
Hãy nắm bắt cơ hội

Trong khi Ngoại trưởng John Kerry còn ở Việt Nam, vụ án tham nhũng của Dương Chí Dũng được đóng lại một cách nhanh chóng. Hai bản án tử hình khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ là Việt Nam đang sử dụng kỹ thuật một ná bắn hai chim, vừa lấy lại lòng dân vừa chứng minh cho Mỹ thấy quyết tâm của chính phủ trong lĩnh vực này.

Nhà báo Phạm Chí Dũng chia sẻ về những suy nghĩ này:

“Hai cái đó hoàn toàn có cơ sở hợp lý và điều đó diễn ra một là để củng cố quyền lực, lấy lại một phần niềm tin của dân chúng. Phần thứ hai họ cũng muốn cải thiện việc xếp hạng ở trong tổ chức chống tham nhũng, tổ chức minh bạch thế giới làm cho vị trí xếp hạng của Việt Nam được tăng tiến hơn một chút và thể hiện quyết tâm chống tham nhũng thì mới có thể nhận tiếp ODA mà ODA hiện nay là nguồn ngoại viện cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam.”

Trong tình hình Việt Nam cần Mỹ như một đối tác cân bằng thâm hụt cán cân thương mại thì những yêu cầu mang tính bó buộc ấy không làm Việt Nam nản chí. Đích nhắm vào khả năng thiết lập Hiệp định Thương mại Tự do, gọi tắt là FTA, với Hoa kỳ vẫn là mục tiêu không thể nào thay thế và do đó nếu không tham gia được vào TPP thì hy vọng FTA cũng thành mây khói.

Hoa Kỳ có lẽ sẽ chấp nhận một lộ trình thực hiện các bước vừa nêu tuy nhiên Việt Nam phải chứng tỏ sẽ thay đổi các chính sách cho phù hợp. Trước nhất, người Mỹ cần thấy sự chuyển biến ấy qua các hành động chứ không thể bằng lời hứa được năm nào hay năm ấy. Quốc hội Mỹ còn rất nhiều dân cử sẵn sàng đòi hỏi Bộ Thương mại, Ngoại giao ra điều trần những gì mà Việt Nam hứa nhưng không thực hiện.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-12-18

Kim Jong Un ngày càng trở nên nguy hiểm

“Càng gần đến vô cùng,” tiểu thuyết gia người Pháp Gustave Flaubert viết, “bạn càng lún sâu hơn vào khủng bố.”

Điều đó xảy ra với Kim Jong Un, gã đàn ông nguy hiểm nhất trong nhà nước hạt nhân bấp bênh nhất trên thế giới. Sau khi xử tử một cách nhanh chóng người chú kiêm nhiếp chính Jang Song Taek trong tuần này, anh ta còn trở nên nguy hiểm hơn. Kim đã tự đẩy mình vào một góc để rất khó có thể giành được một tương lai hòa bình cho cả triều đại gia đình trị hoặc của đất nước mà anh ta cai trị.


Ông Jang Song Taek (bên trái), và 4 lãnh đạo khác (bên phải) đều đã bị loại trừ. (Ảnh: Internet)

Những tác động đầy đủ của cuộc thanh trừng đẫm máu này sẽ còn phơi bày theo thời gian khi những tiết lộ đáng lo ngại khác thấm ra ngoài. Nhưng hành động giết người của Kim để lại một vết nhơ không thể xóa nhòa. Nguy cơ toàn cầu hiện nay đang dâng cao, trong lúc sự chém giết ở đỉnh kim tự tháp của Bình Nhưỡng đã đẩy Kim đến một triều đại khủng bố, tạo ra những hậu quả đe dọa sự ổn định toàn khu vực.

Không mấy ai nghi ngờ về “hành vi phản bội” của ông chú Jang. Nói một cách chắc chắn, một số cáo buộc vô đối nhắm vào ông Jang, được liệt kê trong một bản tin đáng chú ý của Bắc Triều Tiên, thuộc về sân khấu của sự phi lý (bán rẻ những thành tựu tuyệt vời của cháu trai, có lẽ là một nước công viên ở phía Đông Bình Nhưỡng và một khu trượt tuyết nghỉ dưỡng mở vào cuối tháng này.) Nhưng thực sự đã có những hành vi không chính đáng. Ông Jang rõ ràng là phạm tội xây dựng quyền lực cá nhân, một mối đe dọa đối với gã Kim ở tuổi 30, kẻ có dòng máu nắm quyền cai trị, mà không phải là gã đàn ông kết hôn với dì của anh ta, để đòi hỏi chiếc áo choàng của bố anh ta, cố “Lãnh tụ Kính yêu”.

Cách xử lý đột ngột và tàn bạo của Kim đối với ông chú làm nổi bật một mức độ đáng lo ngại về hành vi tàn ác và bất thường. Chủ tịch Ủy ban Tình báo của Quốc hội Hàn Quốc, ông Seo Sang-gi cho biết ông được biết rằng ông Jang và các cấp dưới của ông ta đã bị hành hình bằng súng máy và súng phun lửa. Những kẻ thách thức Kim có thể im lặng trong lúc này, nhưng trong hàng ngũ của họ chắc chắn đang xảy ra tình trạng báo động về việc sẽ phải làm gì – một thực tế sẽ chỉ có thể làm tăng thêm sự hoang tưởng nơi gã bạo chúa trẻ.

Cuộc hành hình ông Jang là đáng báo động vì những lý do nằm ngoài những điều cho biết về trạng thái tâm trí của Kim. Ông ta không chỉ là chú của Kim, ông ta còn là một nhân vật quyền lực trong chế độ, và nhiều người coi ông ta như một kẻ ủng hộ cải cách dần dần theo kiểu Trung Quốc. Điều đó biến ông ta thành một người đối thoại quan trọng đối với Bắc Kinh, bởi vì những gì mà các quan chức Trung Quốc lo ngại nhất về Bắc Triều Tiên không phải là vũ khí hạt nhân hoặc các mối đe dọa to lớn nhằm biến Seoul thành một “biển lửa”, mà đó là sự sụp đổ của nhà nước Bắc Triều Tiên sẽ đẩy hàng triệu người tị nạn đói khát chạy qua biên giới của nước này. Kế hoạch của Trung Quốc cho một cuộc hạ cánh mềm dường như bao gồm sự kết hợp giữa sự bấu vứu cá nhân (tin cho biết ông Jang đã thọc sâu vào hầu bao của Trung Quốc) và đầu tư cơ sở hạ tầng cứng (đầu tư vào các đặc khu kinh tế và khai thác tài nguyên). Giờ thì giấc mơ đó đã chết cùng với ông Jang.

Thật vậy, một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện dường như là không thể tránh khỏi. Quyết tâm theo đuổi vũ khí hạt nhân không ngừng của Kim, cùng với nhãn hiệu tàn nhẫn của chủ nghĩa độc đoán, sẽ cản trở đầu tư nước ngoài và đẩy nhanh sự suy thoái của Bắc Triều Tiên. Mặc dù nhiều người hy vọng rằng học vấn Thụy Sĩ sẽ cho anh ta một cái nhìn phương Tây hơn, Kim đã không thể thông qua bất kỳ cải cách kinh tế quan trọng nào. Mối lo ngại của anh ta về kẻ thù trong nước sẽ đảm bảo rằng nhiều nguồn lực đang được đổ vào an ninh quốc phòng – một vòng xoáy đi xuống luẩn quẩn khiến cho Bắc Triều Tiên có thể sẽ không bao giờ hồi phục.

Ngồi trên đỉnh một nền kinh tế thất bại và một xã hội khép kín, giữ gìn ổn định thông qua khủng bố và một nhà nước cảnh sát, Kim đang mất dần những lựa chọn. Trong vòng hai năm, hình ảnh của một gã đàn ông trẻ trung có đầu óc cải cách trong mắt người dân đã chập chờn chuyển sang hình ảnh của kẻ bạo chúa thuộc loại tồi tệ nhất thời trung cổ. Nó gợi nhớ lại triều đại Choson của Triều Tiên, khi cạnh tranh chém giết giữa các thành viên gia đình hoàng gia không phải là không phổ biến. Thậm chí còn có một tiền lệ lịch sử về một vị vua trẻ cai trị ở thế kỷ 15, Vua Danjong, bị lật đổ và cuối cùng bị giết bởi người chú đang nhiếp chính. Năm trăm năm sau đó, Bắc Triều Tiên tồn tại như một khải hoàn ca cho sự dã man của thời tiền hiện đại. Cuộc hành quyết tạo ra một loại trật tự kỷ cương, ít nhất là trên bề mặt. Nhưng trong thế kỷ 21, đó là một khúc dạo đầu cho sự sụp đổ cay đắng. Đặt đạo đức sang một bên, lý do khiến cho chế độ chuyên quyền đã hết thời là bởi vì nó không có mấy tương lai.

Nhưng Bắc Triều Tiên, dù đã là nhà nước đàn áp nhất trên thế giới, còn có thể tồi tệ hơn nhiều trong thời gian chuyển tiếp. Khi gã Kim lo lắng cho quyền lực tuyệt đối và sự tồn tại của anh ta, anh ta có khả năng đẩy đất nước vào khủng bố toàn trị hoàn toàn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng mà không thể dễ dàng kiềm chế. Công nghệ lạc hậu của Bắc Triều Tiên và cách tuyên truyền kỳ lạ của nước này có thể làm cho chúng ta bật cười, nhưng nó cũng là một nhà nước trang bị vũ khí hạt nhân với một nhà lãnh đạo đang mất nhận thức về thực tế. Điều đó nên nhận được sự chú ý từ một số người có tư duy trong Nhà Trắng.

Câu hỏi đặt ra là phải làm gì bây giờ. Sau cuộc hành quyết ông Jang, chính quyền Obama cần phải tiêm những suy nghĩ mới mẻ và mãnh liệt vào trong chính sách Bắc Triều Tiên của nước này, cho đến giờ phần lớn đã phớt lờ cơn giận dữ của Bình Nhưỡng hay chỉ đơn giản là chồng chất thêm nhiều biện pháp trừng phạt. Thay vì phản ứng, đã đến lúc phải nhìn về phía trước và lên kế hoạch cho điều tồi tệ nhất.

Một chính sách mới của Mỹ phải mang tính toàn diện, không chỉ đơn giản là tập trung vào việc giải thoát thế giới khỏi vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Điều đó có nghĩa là cộng tác với Trung Quốc, thừa nhận rằng chúng ta chia sẻ lợi ích chung trong hòa bình, và chúng ta cần phải tranh luận làm thế nào để đạt được sự ổn định lâu dài mà không chỉ là các bước tiếp theo hướng tới phi hạt nhân hóa. Đối với người Hàn Quốc, chúng ta cần phải đẩy mạnh việc lập kế hoạch cho bất kỳ loại kịch bản nào, từ hành vi khiêu khích mới đầy ngạc nhiên, cho đến một cuộc đảo chính cung điện, hoặc sự sụp đổ đột ngột của triều đại nhà Kim.

Hồi kết của Kim đã gần như là không thể tránh khỏi. Vấn đề chỉ còn là thời gian, nhưng cuộc hành quyết ông Jang là một lời nhắc nhở cho thấy cuộc chuyển biến có thể nhanh chóng như thế nào. Chế độ độc tài thế hệ thứ ba vốn đã có vấn đề. Mất đi khởi nguồn chính danh ban đầu, họ phải được đo bằng tính hiệu quả của mình. Trong trường hợp của Bắc Triều Tiên, được bao quanh bởi các nền kinh tế thịnh vượng khiến cho điều đó không thể xảy ra mà không mở cửa để tự do hóa kinh tế. Trong thời đại thông tin, nhiều thành viên của tầng lớp tinh hoa sẽ biết rằng chế độ phải ra đi.

Mối đe dọa là rất lớn. Chính quyền Obama không còn có thể để riêng chính sách Bắc Triều Tiên sang một bên nữa. Triều đại nhà Kim đang gần kết thúc, và cùng với nó, sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên có thể diễn ra nhanh chóng. Nếu đã bao giờ có một thời điểm cho chủ nghĩa đa phương táo bạo bằng sức mạnh, thì nó chính là bây giờ.

Patrick M. Cronin | Politico Magazine
Ngọc Hoà dịch

[*] Patrick M. Cronin là giám đốc cao cấp của Chương trình An ninh châu Á -Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ.

Nguồn: Patrick M. Cronin, “Kim Jong Un Just Got More Dangerous“, Politico Magazine, ngày 15 Tháng 12 năm 2013.

Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle
  (Dân luận)

Thay đổi nhân sự cấp cao Bắc Hàn


Lễ tưởng niệm ông Kim Jong-il ở lăng Kumsusan năm nay được tổ chức hệt như năm ngoái – riêng thành phần chóp bu đã có sự thay đổi.

So sánh bức ảnh các nhân vật cao cấp năm nay với bức ảnh năm trước có thể cho chúng ta biết thêm về nội tình phân bổ quyền lực trong đất nước bí hiểm này.

Khó có thể rút ra được kết luận cụ thể với một hệ thống chính trị tù mù và đầy biến cố, nhưng có những đầu mối giúp người ta đoán được tương lai đường hướng của Kim Jong-un và những người xung quanh ông.

Hai bức ảnh tuy trông giống hệt nhau nhưng bức ảnh năm nay cho thấy nhiều dấu hiệu khác.

Bên phải tốt hơn?

Có một số khuôn mặt mới ở hàng đầu tiên và cũng có nhiều quân phục hơn, quân đội và nhân viên an ninh đứng ở phía bên phải của ông Kim Jong-un và đảng viên đứng bên trái.

Điều này cho thấy sự đảo ngược với năm trước.

Tin từ một số nguồn là người Bắc Hàn đào tẩu nói những người được xếp đứng ở bên phải quan trọng hơn những người đứng bên trái.

Rất khó để nói được điều này đúng tới mức nào, nhưng chắc chắn có tranh luận gần đây rằng trong số những người đứng bên phải vị Lãnh tụ tối cao có những người có quyền lực hơn cả.

Sự vắng mặt rõ ràng nhất, và là chủ đề chính của nhiều trang báo gần đây – là ông Chang Song-thaek bị tử hình trong một vụ thanh trừng công khai chưa có tiền lệ.

Vợ góa của ông Chang, bà Kim Kyong-hui cũng vắng mặt trong bức ảnh, nhưng không nhiều người mong nhìn thấy bà, và cũng khó nói được điều này có nghĩa như thế nào.

Một số người nói bà không còn được chuộng, nhưng người khác cho rằng bà cũng đóng vai trò nhất định trong vụ thanh trừng.

Những người có quan hệ với ông Chang cùng chung tư tưởng cải cách vẫn có mặt – một trong số đó là Pak Pong-ju, thủ tướng đương nhiệm. Ông ta có vẻ nổi lên từ năm ngoái và đã chiếm được vị trí khá quan trọng trong hàng ngũ.

Hai cái tên mới nổi của năm 2013 cần dõi theo là Tướng Ri Yong-kil và Bộ trưởng Quốc phòng Jang Jong-nam.

Ngôi sao đang lên

Sự hiện diện của Trung Quốc khá lặng lẽ trong bức hình này. Hai người mặc thường phục đứng bên phải – Kim Ki-nam và Choe Tae-bok – là hai nhân vật có quan hệ với Trung Quốc và quan tâm tới quan hệ quốc tế.

Điều này có lẽ cho thấy Bắc Hàn vẫn muốn duy trì mối quan hệ với Trung Quốc, dù cho đó có thể chỉ là trên bề mặt.

Một nhân vật thú vị khác ở bên trái là Tướng Kim Won-hong. Ông đứng đầu lực lượng an ninh chìm, được cho là rất quyền lực và là ngôi sao đang lên.

Năm 2012 ông ta được xếp đứng hàng thứ hai, có lẽ ông ta cũng tham gia vụ thanh trừng ông Chang Song-thaek.

Ba thành viên của nhóm được gọi là – nhóm 7 người – một người gác già đi theo linh cữu của ông Kim Jong-il và là người chứng kiến sự chuyển giao quyền lực – cũng hiện diện ở hàng đầu.

Hôm Chủ Nhật vừa qua, tại Bắc Hàn có lễ tang một nhân vật thuộc Trung ương Đảng là Kim Kuk-thae, và Kim Jong-un đã đến dự.

Có tin đồn chính bà Kim Kyong-hui có thể thay ông Kim Kuk-thae trong một vị trí của Đảng.

Giới quan sát nói Kim Jong-un đã thay hai bộ trưởng quốc phòng trong vòng chưa đầy hai năm, so với hai lần thay chức này trong suốt 17 năm cầm quyền của bố ông ta, Kim Jong-il.

Điều này cho thấy hai năm qua, chính trường Bắc Hàn biến động nhiều trong cuộc tranh chấp quyền lực sau khi ông Kim Jong-il chết chứ không yên lặng như người ta tưởng.

Tổng hợp từ bài viết của Michael Madden, chủ trang web North Korea leadership watch.
(BBC)

Nga tăng cường hỗ trợ cho Ukraine


Phe đối lập Ukraine không muốn đất nước vào liên minh với Nga

Nga tuyên bố sẽ giảm một phần ba giá khí đốt cho Ukraine và mua hàng tỷ đô la trái phiếu chính phủ của nước này.

Đây là một phần trong nỗ lực của Nga ngăn Ukraine hướng về phía Liên Hiệp châu Âu (EU).

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych cho biết hai bên không thảo luận về việc Ukraine gia nhập Liên minh hải quan do Nga đứng đầu.

Các lãnh đạo đối lập của Ukraine đã yêu cầu được biết ông Yanukovych đã đánh đổi điều gì để được Moscow hỗ trợ như vậy.

Trong lúc các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn ở Kiev để phản đối quan hệ thân thiết với Nga, ông Vitali Klitschko, lãnh đạo phe đối lập và cũng là nhà vô địch đấm bốc, nói ông nghi ngờ Tổng thống Yanukovych đã chuyển nhượng một số công ty cũng như tài sản chiến lược của Ukraine để đổi lại sự giúp đỡ của Nga.

'Cầm cố kinh tế'

Klitschko nói với người biểu tình tại Quảng trường Độc lập ông muốn bầu cử sớm và muốn gặp ông Yanukovych trên "võ đài".

Mặc dù chi tiết về thỏa thuận này vẫn chưa rõ ràng, ông Oleh Tyahnybok, lãnh đạo của phe cực hữu đối lập, nói ông Yanukovych đã "cầm cố toàn bộ các khu vực kinh tế" cho Nga.

Sau cuộc thương thảo giữa Putin và Yanukovych tại Điện Kremlin, Nga tuyên bố sẽ mua số trái phiếu của Chính phủ Ukraine tổng trị giá 15 tỷ đôla.

Giá khí đốt mà Nga bán cho Ukraine cũng được giảm từ hơn 400 đôla xuống còn 265,5 đô la 1.000 mét khối.


Lãnh đạo đối lập cáo buộc Yanukovych đã đánh đổi nhiều để được Nga hỗ trợ

Tổng thống Putin nói sự hỗ trợ này "không kèm điều kiện".

Cả hai hình thức hỗ trợ này là nhằm giảm nhẹ những khó khăn tài chính mà Ukraine đang đối mặt trong lúc nước này đang cố tránh vỡ nợ, phóng viên BBC Steven Rosenberg từ Moscow cho biết.

Mặc dù lãnh đạo hai nước chưa thảo luận về việc Ukraine gia nhập Liên minh Hải quan do Nga dẫn đầu, hai ông đã bàn về quan hệ đối tác chiến lược và đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế và công nghiệp, phóng viên của chúng tôi nói thêm.

Động thái này rõ ràng là nhằm kéo Ukraine lại gần Nga hơn, đồng thời giúp Kremlin đạt được mục tiêu địa chính trị là ngăn Ukraine tuột khỏi quỹ đạo của họ, phóng viên Rosenberg nhận định.

Sự quay ngoắt của ông Yanukovych đối với Hệp định liên hiệp với EU hồi tháng trước đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình rầm rộ.

Yanukovych thừa nhận ông có quyết định này do chịu sức ép rất lớn từ phía Nga.

Các cuộc biểu tình này, lớn nhất kể từ cuộc Cách mạng Cam năm 2004, yêu cầu Tổng thống Yanukovych và chính phủ của ông từ chức và bầu cử sớm.

Người dân lo lắng

"Tình hữu nghị đã đoàn kết Nga và Ukraine trong hàng thế kỷ và hai nước đã có thời gian dài sống cùng nhau trong cùng một nước."
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Các phóng viên nhận định người dân Ukraine đang lo lắng ngại về những gì mà ông Yanukovych có thể đã trao đổi với Nga để được Nga giúp đỡ.

Thỏa thuận khí đốt giữa Tập đoàn Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine đã sửa đổi lại thỏa thuận gây tranh cãi mà cựu thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko ký hồi năm 2009. Đây cũng là lý do khiến bà phải ngồi tù hai năm trước.

Ukraine phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ Nga và các khu vực công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở Đông Ukraine đang đặc biệt lo lắng về giá khí đốt.
Khoảng 75% sản phẩm kỹ thuật của Ukraine được xuất sang Nga.

"Tình hữu nghị đã đoàn kết Nga và Ukraine trong hàng thế kỷ và hai nước đã có thời gian dài sống cùng nhau trong cùng một nước," Putin phát biểu.

Giao thương giữa hai nước, ông cho biết, đã giảm trong hai năm trở lại đây, cụ thể là giảm 11% năm 2012 và 14,5% trong năm nay.

"Đây là thời điểm chúng ta cần có hành động quyết liệt, không chỉ để về mức độ quan hệ như trước kia, mà còn tạo các điều kiện để tiến về phía trước," ông nói thêm.

Ông Yanukovych nói Ukraine sẽ làm việc với Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây để thực hiện thỏa thuận tự do thương mại được ký kết hai năm về trước.

Ukraine đang cần hỗ trợ tài chính khẩn cấp để giúp nền kinh tế có thể chống chọi được trong lúc các cuộc đàm phán nối lại các khoản vay nợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế đang bị đình trệ.

Còn nợ khí đốt


Các cuộc biểu tình ủng hộ châu Âu vẫn tiếp diễn tại thủ đô Kiev

Kiev hiện cần khoảng 17 tỷ đôla trong năm tới để trả tiền nợ khí đốt của Nga.

Trong khi đó, các ngoại trưởng châu Âu trong một cuộc họp hôm 16/12 đã trấn an Nga rằng thỏa thuận liên hiệp với Ukraine sẽ không làm hại các lợi ích của Nga.

Những người ủng hộ hiệp định cho rằng quan hệ gần gũi với EU sẽ giúp nền kinh tế Ukraine thêm cởi mở, minh bạch và thịnh vượng, đồng thời nâng cao tính cạnh trạnh và sự bảo vệ cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên thoả thuận này cũng đòi hỏi các cải cách sâu rộng và tốn kém mà Chính phủ Ukraine cho rằng sẽ đặt nhiều doanh nghiệp đang phụ thuộc vào giao thương với Nga vào tình thế nguy hiểm.

Moscow hiện đã gây áp lực kinh tế với Ukraine như trì hoãn hải quan, cấm nhập khẩu chocolate và còn sẽ leo thang áp lực.

Nga lo ngại rằng một thỏa thuận giữa Ukraine với EU sẽ giúp hàng hóa EU đổ ồ ạt vào nước họ qua ngõ Ukraine.

Mosow muốn Kiev gia nhập liên minh hải quan thay vì ký thỏa thuận với EU.
Liên minh còn gồm cả Belarus và Kazakhstan, tuy nhiên các lãnh đạo biểu tình xem mô hình này là hiện thân mới của Liên Xô.

Tổng thống Yanukoych mới đây nói ông muốn ký thỏa thuận với châu ÂU nhưng phải có ít nhất 20 tỷ euro trong vòng một năm để trang trải cho việc nâng cấp nền kinh tế của Ukraine.
(BBC)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét