VAMC chẳng khác gì… anh ve chai
Trong khi ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội ví
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chẳng khác gì
bác sỹ của trung tâm y tế dự phòng trong thời điểm có dịch bệnh, thì TS.
Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
(NFSC) ví Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam
(VAMC) chẳng khác gì… anh ve chai.
Thậm chí ông Hùng còn cho rằng, việc cứu chữa bệnh của bác sỹ trung
tâm y tế dự phòng còn dễ hơn, hiệu quả đạt được từng ngày nếu phòng
bệnh, chữa bệnh kịp thời, còn VAMC xử lý nợ xấu chưa biết hiệu quả ra
sao do hiện tại định chế tài chính nhà nước này mới chỉ đi gom bệnh nhân
vào một chỗ để cách ly chứ chưa tìm ra cách chữa hiệu quả. Cụ thể là
VAMC hiện mới chỉ đi mua nợ xấu chứ chưa biết bán nợ thế nào, bán cho
ai.
Nhưng với cách so sánh VAMC với… anh ve chai, theo TS. Lê Xuân Nghĩa,
việc xử lý khối nợ xấu mua về không thể nóng vội mà cần phải có thời
gian.
“Công việc của anh ve chai ban đầu là đi mua tất cả những thứ mà
người khác bỏ đi (đồng nát), đem về nhà tiến hành phân ra từng loại,
đồng riêng, sắt riêng, giấy riêng… sau đó mới gọi người đến bán chứ
không thể bán hổ lốn cả mớ được. VAMC cũng vậy, công việc chính bây giờ
là đi mua thứ mà ngân hàng muốn bỏ đi “cho khuất mắt” (nợ xấu), sau đó
phân loại nợ rồi mới chào bán”, ông Nghĩa nói.
Nguyên Phó chủ tịch NFSC Lê Xuân Nghĩa cho biết, hiện có nhiều nhà
đầu tư nước ngoài đã tìm hiểu từng món đồng nát của anh ve chai VAMC và
sẵn sàng bỏ tiền mua những món đồng nát lớn (nợ xấu) nếu xét thấy hiệu
quả.
Trở lại với việc vì sao phải thành lập VAMC, ông Nghĩa cho biết đây
là hậu quả tất yếu sau một thời gian phát triển thị trường tài chính quá
nóng.
Năm 2006-2007, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng mới bằng 60% GDP
thì đến năm 2011 đã gấp 2 lần GDP – đứng đầu trong các nước ASEAN và
đứng ở mức kỷ lục so với các nước có thu nhập trung bình trên thế giới
chứ chưa nói đến nước có thu nhập thấp như Việt Nam.
Tổng tài sản của hệ thống ngân hàng tăng quá mạnh là do tư tư tưởng
nóng vội trong việc nâng vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng thương mại
cổ phần. Cụ thể, trước năm 2007, vốn điều lệ của một ngân hàng thương
mại cổ phần nông thôn chỉ có 70 tỷ đồng, thì vài năm sau phải nâng lên
500 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng.
Do không có tiền để nâng vốn theo yêu cầu, các ông chủ nhà băng thực
hiện chiêu bài “lấy mỡ nó rán nó” bằng cách sử dụng chính tiền gửi của
dân làm tiền của mình để góp vào ngân hàng cùng với việc thành lập công
ty con để thực hiện các đòn bẩy tài chính, phát hành trái phiếu ảo và
biến ngân hàng cổ phần thành ngân hàng cá nhân.
Sự phát triển thần tốc chưa từng có trong lịch sử tài chính nhân loại
của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tạo ra hậu quả khôn lường là khi quy
mô vốn tăng lên, áp lực lợi nhuận tăng lên khủng khiếp nên các nhà băng
đua nhau mở rộng quy mô cho vay bằng mọi giá, không cần tính tới khoản
vay có an toàn hay không; mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch không cần
biết có hiệu quả hay không.
Và tệ hại hơn nữa là rất nhiều ông chủ nhà băng góp “tiền âm phủ”
nhưng đã lũng đoạn nhà băng. Khi ngân hàng đã bị tư nhân hóa thì quản
trị rủi, quản trị doanh nghiệp, chuẩn mực an toàn… bị vô hiệu hóa, muốn
cho ai vay là quyền của ông chủ.
“Trong giai đoạn 2007-2011, phần lớn vốn trung dài hạn của ngân hàng
là cho doanh nghiệp của vợ con, anh em nội ngoại vay của ông chủ nhà
băng vay, nhưng khi tiến hành thanh tra, giám sát, ngay cả NFSC và Cơ
quan Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước cũng không thể phát hiện
được. Có ngân hàng, NFSC và phát hiện 7.000-8.000 tỷ đồng cho vay không
đúng quy định, trong đó chỉ phát hiện ông chủ nhà băng vay 150 tỷ đồng,
số còn lại là doanh nghiệp của người thân ông chủ nhà băng vay nhưng
rất khó phát hiện vì việc cho vay lòng vòng như vòng xoáy đa cấp. Đây là
nguyên nhân dẫn đến nợ xấu và buộc Chính phủ phải nhảy vào xử lý nếu
không sẽ có hàng loạt ngân hàng bị sụp đổ hoàn toàn”, ông Nghĩa nói.
Chia sẻ với các chuyên gia kinh tế tham dự Hội thảo Tổ chức kiểm toán
quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế vừa được Kiểm toán Nhà nước
và ACCA tổ chức, ông Nghĩa kể, trước thực tế hàng loạt ngân hàng sẽ bị
giải thể, phá sản do nợ xấu, nhóm tư vấn chính sách kinh tế cho Thủ
tướng Chính phủ đã đệ trình 3 phương án để Thủ tướng lựa chọn.
Thứ nhất là để ngân hàng thương mại và doanh nghiệp tự xử lý. Trong
trường hợp này xử lý nợ xấu mất 10 năm đủ thời gian để thị trường bất
động sản, thị trường chứng khoán sụp đổ, tín dụng đóng băng và GDP rơi
vào tăng trưởng 0% trong vòng 15-20 năm.
Thứ hai là mạnh tay dùng ngân sách nhà nước, vay tiền từ Quỹ Tiền tệ
quốc tế, vay tiền của các định chế tài chính quốc tế và vay cả của dân
để xử lý. Thực hện phương án này, xử lý nợ xấu chỉ mất 2 năm, sau đó,
thị trường bất động sản, chứng khoán phục hồi, tăng trưởng kinh tế vào
khoảng 7-8%/năm. Nhưng áp lực nợ công sẽ tăng cao khủng khiếp và cũng
không thể thuyết phục được Quốc hội vì ngân sách không có tiền.
Thứ ba là dùng chính tiền của Ngân hàng Trung ương để xử lý nợ xấu
bằng một trong 2 cách là bơm thẳng tiền cho ngân hàng thương mại hoặc
thành lập một khâu trung gian hoạt động như một doanh nghiệp nhà nước để
xử lý nợ xấu.
“Cuối cùng, mọi người đã biết, Thủ tướng lựa chọn phương án ba. Bởi
phương án này không phải bơm tiền ngay cho ngân hàng mà phát hành trái
phiếu đặc biệt nên tránh được áp lực về lạm phát và cũng tránh được tình
trạng xin – cho như cách bơm thẳng tiền cho ngân hàng thương mại – ông
Nghĩa chia xẻ – Hy vọng, trong thời gian ngắn tới, “anh ve chai” VAMC
sau khi phân loại nợ sẽ bán được với “giá hời” hơn so với “mớ đồng nát”
trị giá 17.300 tỷ đồng (tính đến ngày 15/11/2013) đã mua về.
MẠNH BÔN
THEO BÁO ĐẦU TƯ
Seabank – VƯƠNG QUỐC GIA ĐÌNH TRỊ
Seabank – cái tên ngân hàng được gắn liền với Bà Nguyễn Thị
Nga dường như không còn xa lạ với giới tài chính ngân hàng và giới
thượng lưu bậc nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, những đồn đoán gần đây về
việc cổ đông chiến lược là Tập đoàn tài chính của Pháp Societe Generale
“rục rịch” RÚT VỐN, cũng như việc khủng hoảng nhân sự cao cấp tại Seabank không phải không có lý do riêng của nó?
Thông tin báo chí về Seabank và Bà Nga không phải là ít, thế nhưng nó
vẫn hấp dẫn quan tâm của dư luận bởi sự tò mò về những con số tài sản
“bí ẩn” của người phụ nữ quyền lực giàu có nhất nhì này. Giống như
chuyên gia đã giả thuyết nếu tất cả công ty của Bà Nga được niêm yết thì
danh sách người giàu trên sàn chứng khoán có thể bị “đảo lộn”. Và cũng
chính chuyên gia nổi tiếng Alan Phan từng nhắc đến Bà Nga khi so sánh
với ông Phạm Nhật Vượng – “tỷ phú giàu nhất” của Việt Nam khi báo chí
nước ngoài công bố.
Hẳn giới ngân hàng vẫn không quên việc “từ bỏ” ghế Chủ tịch để chuyển
nhượng lại toàn bộ cổ phiếu cho cổ đông nước ngoài và nhóm cổ đông
trong nước mà nhiều người thạo tin khi đó cho rằng là việc “thất thủ”
nặng nề của Bà Nga tại ngân hàng Techombank. Tuy nhiên, thời gian đã
chứng minh Bà Nga không hề sai lầm. Một “đối thủ” trước đây vẫn thừa
nhận: “Chưa chắc gì bây giờ chị ấy muốn quay lại Techombank”. Nói ngược
lại, giá trị tài sản và vị thế của Bà Nga tăng lên gấp “chục lần” tại
Seabank so với số tiền từ thương vụ chuyển nhượng. Dù không công bố
nhưng tại thời điểm đó ai cũng biết rằng Bà Nga đã chuẩn bị phương án
cho riêng mình sau khi rời khỏi Techombank với chức danh “bà cố vấn” cho
HĐQT của một ngân hàng nông thôn từ Hải Phòng mới dời trụ sở về Hà Nội
từ tháng 03/2005. Vị chủ tịch Seabank khi đó là Ông Hoàng Minh Tân và
Tổng Giám đốc Lê Văn Chí.
Trong bất kỳ cuộc họp quan trọng nào của Seabank, người ta đều thấy
bóng dáng bà cố vấn trên hàng ghế danh dự cho đến thời điểm chín muồi
nhậm chức Tân Chủ tịch Seabank là lúc Bà Nga chính thức rời Techombank.
Một trang mới bắt đầu mở ra cho thương hiệu Seabank xâm nhập thị trường
từ năm 2007. Khác với mười năm trước suýt phá sản tại ngân hàng Châu Á
Thái Bình Dương thì Bà Nga lại “như diều gặp gió” với Seabank. Liên tục
các năm 2006, 2007, 2008 mạng lưới Seabank phát triển rầm rộ. Tên
Seabank liên tục xuất hiện là nhóm ngân hàng dẫn đầu lãi suất huy động
cao. Giữa năm 2008, Seabank công bố 03 đối tác chiến lược là Công ty
thông tin di động VMS – Mobifone nắm giữ 8%, Tổng công ty Khí Việt Nam –
PVGas nắm giữ 2% và đặc biệt cổ động nước ngoài Societe Generale nắm
15%. Vốn điều lệ khi đó của Seabank được tăng liên tục từ 150 tỷ đồng
lên các mức và đạt đến 4.068 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2008. Giới
thạo tin cho biết giá trị thương vụ cổ đông ngoại Societe Generale là
130 triệu đô la Mỹ mặc dù thông tin liên quan luôn được giữ kín.
Số lượng cổ đông chiến lược hầu như không thay đổi trong suốt 05 năm
qua. Gần đây, Seabank công bố tăng vốn điều lệ 5.466 tỷ đồng. Trừ cổ
đông ngoại tăng cổ phần nắm giữ 20%, còn tỷ lệ của Mobifone và PVGas lần
lượt giám còn ở mức 6% – 1,5% và dự báo sẽ giảm theo lộ trình thoái vốn
bắt buộc tại các tập đoàn nhà nước.
Sự kiện HDBank vừa công bố hoàn tất mua lại 100% Công ty tài chính
Việt Societe Generale (SGVF) khiến dư luận đặt câu hỏi: Tại sao không
phải là Seabank trong khi Seabank từng tuyên bố “tham vọng” con đường
“ngân hàng bán lẻ hàng đầu” mà các chuyên gia Societe Generale dày công
tư vấn và xây dựng trong suốt mấy năm qua? Sự thật gì đằng sau mối tình
05 năm?
Hẳn những ai nhạy cảm tính toán thì có thể nhẫm ngay con số tỷ lệ sở
hữu 72,5% còn lại thuộc về ai? Khi hỏi mua cổ phiếu Seabank tại thị
trường OTC, dân “buôn chứng” chuyên nghiệp đều chung câu trả lời: “Có ở
đâu mà mua!!!?”. Câu hỏi dường như cũng là câu trả lời. Một số trường
hợp rất hiếm hoi có cổ phiếu Seabank thì lại bắt buộc xác nhận thông qua
Công ty đầu tư tài chính công đoàn Dầu khí (PVFI). Điều này trùng khớp
với tỷ lệ nhỏ số cổ phiếu Seabank dành ưu đãi cho nhóm nhân viên ngành
dầu khí có giới hạn việc chuyển nhượng. Theo Báo cáo thường niên, có
nhóm “cổ đông khác” luôn nắm trên 70% tỷ lệ sở hữu. Vậy họ là ai trong
khi giả thuyết khá chắc chắn là Seabank rất ít cổ đông cá nhân nhỏ lẻ,
kể cả cổ đông lớn là cá nhân?
Không khó khăn khi tìm hiểu các thông tin có liên quan với Seabank.
Nổi bật nhất là thông tin về Tập đoàn BRG mà Bà Nguyễn Thị Nga hiện là
chủ tịch. Đây là một tập đoàn tư nhân có tiếng trong giới kinh doanh bất
động sản, khách sạn, resort, sân golf, siêu thị… Đình đám nhất vẫn là
các dự án sân golf Đồng Mô, Đồ Sơn, Sóc Sơn; khách sạn Hilton; siêu thị
Intimex…và hàng chục cái tên dự án lớn nhỏ tại Hà Nội và lân cận. Ở đâu,
người ta cũng thấy bóng dáng “bà cố vấn” như tại Seabank mười năm
trước.
Đơn giản làm phép tính theo quy định của luật : cổ đông lớn là cổ
đông sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền
biểu quyết thì với tỷ lệ sở hữu còn lại trên 70% thì ít nhất cổ đông
khác của Seabank có thể là 14 – 15 công ty trong nhóm Tập đoàn BRG mà Bà
Nga đang sở hữu hoặc chia phối. Có thể Bà Nga không đứng tên sở hữu
trực tiếp mà là thân cận, thậm chí người hưởng lương như cựu chủ tịch và
tổng giám đốc trước đây.
Suy đoán trên hoàn toàn có cơ sở bởi việc cá nhân hoặc công ty sở hữu
ít nhất 5% ngân hàng không phải là con số nhỏ. Người sở hữu cũng phải
có tầm cỡ ở góc độ tài chính trong khi chưa bao giờ thấy Seabank công bố
như các ngân hàng TMCP khác.
Và điều này càng đúng hơn khi hỏi bất kỳ ai từng làm việc cho Seabank
thì đều khẳng định mọi quyết định do Madam – danh xưng mà tất cả nhân
viên Seabank bắt buộc phải gọi theo đề xuất của Bà Nga. Gần đây, người
ta còn nghe thêm danh xưng “Madam nhỏ” – để chỉ con gái Bà Nga là Lê Thu
Thủy trước đây là Quyền Tổng Giám đốc, hiện tại là Phó Chủ tịch HĐQT
kiêm Phó Tổng Giám đốc Thường trực.
Tìm hiểu về gia thế Bà Nga rất hiếm thông tin, ngoại trừ một số diễn
đàn mạng “đồn đoán” bà là con dâu của Tổng Bí Thư Lê Duẫn. Sự thật ra
sao thì chưa có thông tin kiểm chứng. Nói về chồng là Ông Lê Hữu Báu –
có tên đại diện trong HĐQT, Chủ tịch Công ty chứng khoán Seabank và đại
diện tại Techombank. Bà Nga có hai người con: con trai cả là Lê Tuấn Anh
và con gái Lê Thu Thủy. Cả hai đều là Phó chủ tịch HĐQT của Seabank.
Được biết gần đây, con trai đã không tham gia điều hành mà giao toàn bộ
lại cho em gái mới sinh năm 1983, tốt nghiệp tại Mỹ. Mọi người đều có
nhận định chung: Madam Thủy là “khuôn mẫu” của Bà Nga từ ngoại hình,
tính cách, phong thái, cả lời ăn tiếng nói…Hiện tại, mọi việc lớn nhỏ
tại Seabank hầu như phải thông qua Madam Thủy, từ tuyển dụng, đào tạo
đến tài chính, nguồn vốn, tín dụng, quản trị, ngoại giao..
Cơ cấu hội đồng quản trị Seabank, ngoại trừ 02 vị chuyên gia nước
ngoài đại diện cổ đông ngoại, còn lại hầu như thân cận của Bà Nga. Những
cái tên hầu như không được biết đến trong giới tài chính nếu họ thật sự
sở hữu lớn số lượng cổ phiếu ngân hàng. Người đáng chú ý là Bà Khúc Thị
Quỳnh Lâm – đã từng giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Seabank nhưng sau đó
được cho “hạ cánh” vì liên quan đế “trọng án” của một Phó Tổng Giám đốc
khác – mà người này hiện đang bị khởi tố và bỏ trốn.
Chức danh Tổng Giám đốc tại Seabank hầu như không nổi bật nhưng luôn
tạo sự tò mò đối với dư luận. Vị Tổng giám đốc lâu nhất có thể kể đến là
Ông Lê Văn Chí. Ông này cũng từng chao đảo khi cựu chủ tịch Ngân hàng
TMCP Hải Phòng là Bà Phạm Thị Vân Toàn bị khởi tố tiếp tay khách hàng
lừa đảo trước khi Bà Nga mua lại và đổi tên Seabank. Đầu năm 2008, những
tưởng Ông Chí sẽ được cho về hưu khi Seabank công bố Tân Tổng Giám đốc
là Ông Bùi Trung Dũng. Thông tin chưa ráo mực, người ta lại thấy Ông
Dũng nghỉ việc và Ông Chí tiếp tục đảm đương cho đến khi “Madam nhỏ” tốt
nghiệp trở về từ Mỹ với chức danh chuyển giao là Quyền Tổng Giám đốc.
Đến cuối năm 2012, khi dư luận bức xúc vụ việc Seabank từ chối thanh
toán bảo lãnh cho VVF do Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Hương Giang “ký
khống” mà vẫn có Giấy ủy quyền của Bà Lê Thu Thủy, thì một lần nữa dư
luận lại đặt câu hỏi: “Seabank có đứng ngoài pháp luật?” nhằm ám thị mẹ
là Chủ tịch HĐQT, con gái là Tổng Giám đốc của một ngân hàng. Ngay sau
đó, một hình ảnh Tổng Giám đốc Seabank mới được thay thế là Ông Đặng Bảo
Khánh – từng giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc phụ trách dịch vụ thanh
toán. Mặc dù hiện tại vẫn giữ chức vụ Tổng Giám đốc nhưng Ông Khánh
không được phân quyền, kể cả tín dụng, ngoại trừ là hình ảnh đại diện
phát ngôn theo chỉ định, ký quyết định bổ nhiệm nhân sự đã được phê
duyệt, ký thanh toán chi phí hoạt động thường xuyên…. Mọi quyền quyết
định tại Seabank do Phó chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc Thường trực chỉ
đạo.
Khủng hoảng nhân sự cao cấp của Seabank dễ dàng thấy khi hàng loạt sự
ra đi của nhân sự cao cấp như: Bà Khúc Thị Quỳnh Lâm “hạ cánh” sau vụ
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Hương Giang bỏ trốn; Ông Vũ Nhật Lâm “đầu
quân” chưa đầy năm đã xin nghỉ việc vì không chịu được áp lực; Phó Tổng
Giám đốc và 05 vị Giám đốc Khối là chuyên gia hỗ trợ của Societe
Generale vừa mãn nhiệm kỳ về nước; chỉ còn hai Phó Tổng Giám đốc là Ông
Lê Quốc Long phụ trách tín dụng và Ông Nguyễn Tuấn Cường phụ trách công
nghệ thông tin. Gần đây, Seabank vừa bổ sung một Phó Tổng giám đốc mới
phụ trách xử lý nợ. Các vị trí quan trọng khác Kế Toán Trưởng, Trưởng
Kiểm soát nội bộ, Giám đốc nhân sự… cũng chia tay Seabank sau nhiều năm
làm việc. Hiện tại, lỗ hỏng rất nặng là Seabank thiếu nhân sự cao cấp
tại các Khối/Phòng ban. Nguyên nhân được lý giải do quyền lực điều hành
tập trung quá nhiều vào cô con gái của Bà Nga.
Mặc dù về danh nghĩa, cổ đông ngoại có quyền phủ quyết theo điều
khoản hợp tác nhưng dường như các chuyên gia của Societe Generale đều tỏ
ra bất lực trước “bộ máy chuyên chế” của gia đình Bà Nga và các thân
cận. Một số chuyên gia còn tỏ ra thái độ bất hợp tác, chỉ đến Seabank
nhận nhiệm vụ theo lệnh điều động từ Tập đoàn mẹ để lĩnh lương và nghỉ
phép du lịch. Hình ảnh Seabank có sự thay đổi rõ nét trong giai đoạn đầu
hợp tác từ hệ thống nhận diện, mô hình giao dịch, sản phẩm bán lẻ….
nhưng các năm tiếp theo hầu như không có sự thay đổi. Nguyên nhân được
nhân viên Seabank cho biết: Bà Nga và con gái từ chối hoặc phớt lờ hết
các đề xuất của chuyên gia ngoại. Điều này cũng lý giải một phần những
đồn đoán gần đây Societe Generale sẽ rút vốn và sự kiện thương hiệu
HDFinance xuất hiện trên nền tảng công ty tài chính SGVF!
Khi tìm hiểu thông tin qua các tay săn đầu người chuyên nghiệp, phần
lớn các nhân sự cao cấp kinh nghiệm lâu năm trong ngành ngân hàng rất
“ngán” khi được chào mời về đầu quân Seabank. Lý do không phải vì lương
bổng. Có nhiều vị trí Seabank chào mức lương khá cao. Tuy nhiên, những
nhân sự kinh nghiệm có thực lực vẫn ngần ngại nhận lời. Bản thân cái ghế
vị trí Giám đốc nhân sự luôn nóng và liên tục thay đổi. Phần lớn do họ
tự nguyện nghỉ việc. Khi được hỏi, họ đều không được trao quyền tại
Seabank. Mọi việc lớn nhỏ khâu tuyển dụng đều do Bà Thủy phê duyệt. Thị
trường lao động đang “truyền tai” là Bà Nga vừa mời được một chuyên gia
nhân sự “đã nghỉ hưu” tại Techombank về giữ vị trí Giám đốc nhân sự thứ
năm của Seabank với mong muốn cải thiện tình hình khủng hoảng nhân sự
hiện tại.
Mặc dù, nội tại còn nhiều khía cạnh đáng tranh cãi, nhưng thời gian
đã chứng minh vị thế, tiềm lực tài chính của Bà Nga và Seabank khá vững
vàng. Những động thái của Bà Nga cho thấy Ngân Hàng chỉ là đòn bẫy để
thực hiện những tham vọng lớn lao thị trường bất động sản, khách sạn,
sân golf, những khu đất vàng…. thông qua việc tiếp cận nguồn vốn, ưu
tiên cho vay dự án của Tập đoàn BRG và các công ty liên quan. “Ngân hàng
bán lẻ” của Seabank chỉ công bố để hợp thức hóa hình ảnh cổ đông ngoại.
Điều đó đã gây nên sự chán nản đối với các chuyên gia nước ngoài. Bước
đi tiếp theo của Bà Nga sẽ đặt chân vào lĩnh vực viễn thông và dầu khí
khi chính sách cổ phần hóa của Nhà nước được mở rộng thông qua các đối
tác mà Seabank đang nhắm tới. Vậy với những người có nhiều tiền và hiểu
biết tại Việt Nam, liệu có dám đầu tư vào một “vương quốc gia đình trị”
như Seabank không? Liệu Societe Generale có dễ dàng chuyển nhượng cho
đối tác khác không?
TÁC GIẢ XUÂN DUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét