Chuyện kinh tế khi con cọp Chu Vĩnh Khang bị vật...
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Từ lâu, người viết thường nói
rằng việc quản lý kinh tế Trung Quốc cũng tựa như cưỡi xe đạp, xe không
lăn bánh thì đổ. Bây giờ thì có lẽ phải điều chỉnh lại là cưỡi lưng cọp.
Vất vả không kém mà nguy hiểm gấp bội - vì bước xuống là bị cọp vồ. Khi
tổng kết cuối năm về chuyện kinh tế, xin được nói về hiện tượng đó...
Mọi sự khởi đầu, hay kết thúc, với tin Chu Vĩnh Khang sẽ lãnh án tử hình.
Sinh
năm 1942, cho đến đại hội 18 vào cuối năm ngoái họ Chu là một trong
chín ủy viên của Thường vụ Bộ Chính Trị, cơ chế quyền lực cao nhất đảng
Cộng Sản Trung Hoa. Là trưởng ban chính pháp trung ương, Chu Vĩnh Khang
chỉ huy mạng lưới tòa án lẫn hai bộ công an và quốc an. Công an là Bộ
Nội Vụ.
Quốc gia An toàn bộ thì phụ trách hệ thống tình báo và phản
gián. Một nhân vật quyền thế như vậy mà bị tống giam và điều tra, như
vừa xác nhận hồi đầu tháng, và nay mai thì sẽ có tin là bị án tử hình!
Chuyện
còn lạ hơn vụ Jang Song Thaek (Trương Thành Trạch) bị người cháu là
lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Ân bắt giữ, truy tố và hành quyết nội trong
hai ngày vào hôm 12 vừa qua. Từ khi đảng Cộng Sản cầm quyền tại Trung
Quốc vào năm 1949, chưa khi nào có chuyện thanh trừng bằng luật pháp lên
đến cấp cao như vậy. Hơn hẳn vụ kết án Bí Thư Thượng Hải Trần Lương Vũ
vào năm 2006, Bộ Trưởng Hỏa Xa Lưu Chí Quân bị tử hình hồi Tháng Bảy vừa
qua, hay nguyên bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai bị cách chức đầu năm
ngoái rồi ra tòa và lãnh án tù chung thân vào Tháng Tám vừa rồi.
Ly
kỳ hơn vậy là lý do kết án họ Chu: Tham nhũng. Trùm an ninh và tình báo
mà lại liên hệ đến số tiền vĩ đại là 100 tỷ đồng Nguyên, bằng 16 tỷ Mỹ
kim? Tại sao vậy?
Thì kinh tế cũng là chính trị!
***
Trước
khi có tin Chu Vĩnh Khang bị bắt, nguyên chủ tịch tập đoàn Dầu Khí Quốc
Gia CNPC là Tưởng Cát Mẫn và năm đảng viên cao cấp khác trong ngành dầu
khí đã bị điều tra. Tưởng Cát Mẫn vừa rời ngành dầu khí lên làm trưởng
ban cải cách và quản lý doanh nghiệp nhà nước SASAC có mấy tháng thì vào
tù. Ði theo là nhiều đàn em trong khu vực năng lượng, các đảng viên đã
quản lý hai giếng dầu lớn nhất là Ðại Khánh tại tỉnh Hắc Long Giang và
Thắng Lợi ở tỉnh Sơn Ðông và tổ hợp tài chánh Côn Luân của doanh nghiệp
CNPC. CNPC là tập đoàn dầu khí số một của Trung Quốc, quản lý một tài
sản hơn 480 tỷ đôla và cả PetroChina, doanh nghiệp có kết giá tài sản
đứng hàng thứ nhì thế giới, chỉ sau ExxonMobile của Mỹ.
Mà họ Tưởng này lại là thuộc cấp ngày xưa, và đàn em ngày nay, của Chu Vĩnh Khang.
Trước
khi làm trùm an ninh, họ Chu là chuyên gia dầu khí, đã lập thành tích
quản lý năng lượng, làm thứ trưởng về dầu khí, chủ tịch CNPC, bộ trưởng
điền thổ và tài nguyên quốc gia rồi bí thư tỉnh Tứ Xuyên, một khu vực
giàu năng lượng và bao trùm lên thành phố Trùng Khánh.
Năm ngoái,
khi quyết định kỷ luật Bí Thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang là
ủy viên duy nhất của thường vụ Bộ Chính Trị đã bỏ phiếu chống và gây ra
nhiều suy luận về sự cấu kết giữa hai người, và cả tin đồn là họ dự
tính tiến hành đảo chánh... Phải chăng khởi đi từ việc hạ bệ Bạc Hy Lai
vào đầu năm ngoái, hai năm thanh trừng chính trị đã tạm kết thúc với
việc kết án Chu Vĩnh Khang vào cuối năm nay?
Vì chính trị cũng là kinh tế, chúng ta cần nhìn sâu hơn vậy.
Qua
vụ tống giam các đảng viên cao cấp của ngành năng lượng, người ta được
biết là việc điều tra ngấm ngầm đã khởi sự từ năm 2011. Mục tiêu chính
thức là diệt trừ tham nhũng, y như vụ Trần Lương Vũ ở Thượng Hải hay Lưu
Chí Quân trong Bộ Hỏa Xa, và đấy là phương châm được Tập Cận Bình phổ
biến sau khi lên lãnh đạo: đánh cả cọp chứ không chỉ đập ruồi. Cọp là
các ông kễnh trong mạng lưới tham nhũng.
Nhìn vào chiến lược kinh tế thì mới thấy rằng mục tiêu thật lại còn xa hơn vậy.
Từ
thời cách mạng kiểu Mao, kỹ nghệ nặng và năng lượng được coi là xương
sống của kinh tế xã hội chủ nghĩa và các đảng viên phụ trách về dầu khí
đều là đại công thần. Một nhân vật khét tiếng là Tướng Dư Thu Lý, ủy
viên Bộ Chính Trị, lên cầm đầu hệ thống dầu khí từ thành tích khai thác
giếng dầu Ðại Khánh. Họ Dư được coi là thủ lãnh của “phái dầu khí” trong
hệ thống quyền lực cho tới khi bị Ðặng Tiểu Bình đánh bạt vì chủ trương
bảo thủ và duy trì thế độc quyền của nhà nước. Sau đó, khu vực dầu khí
bị phân tán thành ba tập đoàn để giảm bớt thế lực.
Nhưng từ hai
chục năm nay, khi dầu khí lại trở thành nhu yếu phẩm cho kỹ nghệ hóa,
các lãnh tụ thời cách mạng được dần thần thay thế bởi chuyên gia về dầu
khí, như Tăng Khánh Hồng hay Chu Vĩnh Khang. Họ lặng lẽ xây dựng lại thế
lực, và qua ba đợt chuyển quyền từ đại hội 14 vào năm 1992, luôn luôn
vận động để có một người lên tới thường vụ Bộ Chính Trị ở trên cùng. Bên
dưới thì có nhiều người giữ vị trí trọng yếu ở các tỉnh và trong Quốc
Vụ Viện là Hội đồng Chính phủ. Phái dầu khí này hỗ trợ nhau để thời nào
cũng có ảnh hưởng. Người lên tới tột đỉnh là Chu Vĩnh Khang còn nắm bộ
máy an ninh, tình báo - và nhiều hồ sơ nhạy cảm của trung ương.
Chiến
lược kinh tế Trung Quốc lấy đầu tư làm đầu máy tăng trưởng bất kể tới
nạn tham ô lãng phí. Ðó là nền kinh tế đi xe đạp và đạp xe chậm thì đổ,
tăng trưởng thấp thì khủng hoảng. Sự bất công của chiến lược là đảng
viên ở trên uống sâm cho nhân dân ở dưới đạp xe. Vì vậy xứ này có nhiều
tỷ phú nhất thế giới trong khoảng thời gian ngắn nhất, mà cũng bị động
loạn nhiều nhất khi quần chúng bất mãn biểu tình phản đối đảng viên
cường hào ác bá và đại gia tham nhũng.
Chiến lược kinh tế có tính
chất trưng thu và bóc lột đó khiến lãnh đạo rơi vào hoàn cảnh cưỡi lưng
cọp và có ngày bị cọp vồ là khi dân chúng nổi loạn, như đã từng thấy
trong lịch sử.
Chính là vì vậy mà ba thế hệ lãnh đạo nối tiếp, từ
Gang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Ðào rồi Tập Cận Bình, đã lần đầu tiên nhất
trí là phải cải cách, nếu không thì đảng bị khủng hoảng. Mà việc cải
cách phải khởi sự từ bên trong, từ bên trên, là triệt hạ các thế lực cứ
liên thủ với nhau để duy trì nguyên trạng và bảo vệ quyền lợi. Một trong
các thế lực đó là phái dầu khí và phe an ninh của Chu Vĩnh Khang.
Có
thể là hệ thống lãnh đạo có quyết định này trước đại hội 18, vì không
họp Bộ Chính Trị mà mở ra hội nghị bán chính thức tại Bắc Ðới Hà vào
cuối Tháng Năm 2012. Ðây là loại hội nghị xa xưa từ thời Mao mà rất hiếm
sau này, khi lãnh đạo trung ương và địa phương cùng các lão đồng chí đã
về hưu gọi nhau đi nghỉ mát ngoài ven nước. Nơi đó, họ bàn thảo chuyện
quốc sự bên ngoài sự theo dõi của bộ máy thông tin và tình báo hiện
hành.
Chúng ta có thể liên tưởng đến chuyện ngũ đại gia của Mafia
không họp tại New York mà đi nghỉ mát ở Florida, ngoài hệ thống thông
tin và bảo vệ đã “có vấn đề”. Khi trở về thì họ giải quyết vấn đề!
Việc
Tập Cận Bình giáng cấp trưởng ban Chính Pháp Trung ương ra khỏi thường
vụ Bộ Chính Trị, đưa một chuyên gia tài chánh là Vương Kỳ Sơn lên vị trí
trưởng ban kỷ luật và giám sát trong Thường vụ Bộ Chính Trị để thanh
trừng đảng viên tham nhũng và lập ra Hội đồng An ninh Quốc gia để tập
trung quyền lực cho thấy là vụ Chu Vĩnh Khang mới chỉ là màn đầu.
Màn
kế tiếp là lần lượt phá vỡ các thế lực cưỡng chống việc chuyển hướng
kinh tế. Chuyện an ninh quốc gia chính là an ninh của đảng, tiết mục
đáng theo dõi trong năm tới...
Hành động táo bạo’ của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông
Thùy Dương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Alan Romberg, EAF
Tuyên
bố của Trung Quốc vào ngày 23 tháng Mười về vùng Nhận diện Phòng không
(ADIZ) ở Biển Hoa Đông – bao gồm vùng không phận thuộc khu vực các đảo
đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc – đã làm tình hình thêm căng
thẳng và cả Tokyo lẫn Washington đã lên tiếng phản đối.
Hành
động của Trung Quốc được đánh giá là khá táo bạo giữa lúc Trung Quốc và
Nhật Bản vẫn còn nhiều bất đồng trong việc xác định chủ quyền tại quần
đảo Senkaku (tiếng Nhật), hay còn gọi là Điếu Ngư (tiếng Trung ). Quy
định mới do Trung Quốc đề ra yêu cầu tất cả các máy bay phải thông báo
cho Trung Quốc trước khi bay vào vùng ADIZ và chấp hành nghiêm túc các
mệnh lệnh từ phía Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo: “Lực
lượng vũ trang của Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp khẩn cấp để phòng thủ
trong trường hợp các máy bay không hợp tác hoặc từ chối thực hiện các
mệnh lệnh hướng dẫn”.
Mặc dù
Bắc Kinh cho biết các hoạt động hàng không quốc tế dự kiến sẽ không bị
ảnh hưởng bởi qui định định mới, nhưng một số hãng hàng không – bao gồm
các hãng có trụ sở tại Nhật Bản – phải thông báo lịch trình bay cho phía
Trung Quốc ngay lập tức nếu các chuyên bay đó bay vào vùng ADIZ mới
được xác lập. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã phản đối
việc thiết lập vùng ADIZ và biện pháp “phòng vệ khẩn cấp” từ phía Bộ
Quốc phòng Trung Quốc, và xem động thái của Trung Quốc như một hành động
mang tính đe dọa. Ông cũng lên tiếng yêu cầu phía Trung Quốc nên thận
trọng và kiếm chế. Ngoại trưởng Kerry đã thêm rằng Washington đã tham
khảo ý kiến với Nhật Bản và các bên liên quan khi đưa ra quyết định chỉ
trích này.
Bộ
trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và
xem động thái này như “nỗ lực gây mất ổn định để thay đổi hiện tình
trong khu vực”. Ông cũng nói rõ rằng tuyên bố của Trung Quốc sẽ “không
thay đổi cách Hoa Kỳ tiến hành hoạt động quân sự trong khu vực”. Ngoài
tuyên bố của Ngoại trưởng Kerry rằng Hoa Kỳ vẫn “kiên quyết cam kết” với
các đồng minh và các đối tác của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Hagel thêm
một lần nữa tái khẳng định Hiệp ước Quốc phòng Mỹ – Nhật, bao gồm các
điều khoản rằng Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản bằng mọi cách trong trường hợp
Nhật Bản bị tấn công. Điều khoản này áp dụng đối với tất cả các đảo mà
cả Nhật Bản và Trung Quốc đang tuyên bố tranh chấp chủ quyền.
Trong
khi đó, Tokyo đã gửi tuyên bố “phản đối mạnh mẽ” tới phía Bắc Kinh, nói
rằng hành động của Trung Quốc là “một chiều” và “không có căn cứ”. Ngay
sau đó, Bắc Kinh đã bác bỏ lời phản đối và phủ nhận mục đích “gây căng
thẳng khu vực”. Phía Bắc Kinh tuyên bố rằng việc xác lập vùng ADIZ trên
quần đảo Điếu Ngư là cần thiết, đồng thời biện minh cho các hành động
của họ nhằm “duy trì quyền hợp pháp của mình và bảo vệ những gì đã và sẽ
luôn luôn thuộc của Trung Quốc”.
Ngày 24
tháng Mười một, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã
trao công hàm phản đối chính thức tới Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc liên
quan tới phản ứng của Washington về việc Bắc Kinh thiết lập vùng ADIZ
trên Biển Hoa Đông. Ông Tần Cương phát biểu, Trung Quốc thiết lập vùng
ADIZ trên Biển Hoa Đông phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật
pháp quốc tế. Bắc Kinh cũng hối thúc Hoa Kỳ “không đứng về phía nào”
trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Hoa Đông và không đưa ra thêm
các tuyên bố không phù hợp.
Tuyên
bố của Trung Quốc đã được phát biểu rằng họ đã tham khảo và đáp ứng tất
cả các yêu cầu cũng phù hợp với luật pháp quốc tế. Về vùng ADIZ, Hoa Kỳ
và một số nước khác từ lâu đã thành lập khu vực đó nhưng tuyên bố của
Ngoại trưởng Kerry về vấn đề này chỉ ra rằng Hoa Kỳ không áp dụng thủ
tục ADIZ của mình cho các máy bay nước ngoài không có ý định nhập không
phận của Hoa Kỳ và không hỗ trợ bất kỳ nhà nước nào làm như vậy.
Tuy
nhiên, các quy tắc nhận dạng máy bay do Bộ Quốc phòng Trung Quốc áp dụng
cho tất cả các máy bay bay qua hoặc trong ADIZ và không hề có bất kỳ
một ngoại lệ nào. Động thái của Trung Quốc càng làm rõ thêm mụch đích
muốn tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Tại sao
Trung Quốc lại có hành động này? Giữa lúc tình huống đang cháy âm ỉ
trong tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku thì vấn đề luôn là con gà và quả trứng
– có nghĩa là, ai sẽ đi cờ nước đầu tiên.
Tranh
chấp chủ quyền trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đã là vấn đề trong nhiều
thế kỉ qua – Trung Quốc đổ lỗi cho các vấn đề hiện tại và rằng Nhật Bản
đã “chiếm đóng hợp pháp” các đảo vào năm 1895, và cáo buộc nhật bản phá
vỡ thỏa thuận từ những năm 1970 để gạt vấn đề này sang một bên (Trung
Quốc cũng đổ cho phía Hoa kỳ trong việc trả lại quyền kiểm soát hành
chính trên các đảo Nhật Bản vào năm 1972). Do đó, Trung Quốc khẳng định
họ không phải là người chịu trách nhiệm liên quan đến những rắc rối hiện
tại.
Tuy
nhiên, những giả định gần đây khi Trung Quốc quyết định gửi máy bay
không người lái vào khu vực – điều mà Nhật Bản phản ứng bằng cách tăng
cường khả năng phòng không – là một hành động phức tạp và khá quyết
liệt. Bằng cách tạo ra vùng ADIZ bao gồm quần đảo Điếu Ngư/Senkaku,
Trung Quốc đã tạo ra những thử thách song song với mục đích trên cho
phía Nhật Bản. Hơn nữa, nếu cần thiết, họ sẽ đáp trả lại bằng vũ lực khi
máy bay Nhật Bản xâm nhập vào không phận Trung Quốc – bao gồm quần đảo
đang tranh chấp. Cho dù Trung Quốc có bất kỳ ý định gì thì “hành động
khiêu khích” là một điều có thể nhìn ra khá rõ ràng.
Hơn
nữa, Nhật Bản có một vùng ADIZ khá rộng, trải dài đáng kể vào khu vực
Biển Đông. Máy bay chiến đấu Nhật Bản cũng thường xuyên đáp trả lại động
thái “xâm nhập” của các máy bay Trung Quốc và Nga. Hành động của Bắc
Kinh có thể là tiền thân cho động thái tương tự hướng tới Nhật Bản hay
bất kì máy bay nào bay vào không phận của Trung Quốc.
Tác
động chính của những hành động vừa qua từ phía Trung Quốc đã mang lại – ở
thời điểm hiện tại – ít nhất sẽ tác động tới tình hình chính trị.
Nhưng qua các báo cáo khác nhau của Hoa Kỳ đã chỉ rõ, Hoa Kỳ lo ngại
rằng hành động này sẽ gây thêm căng thẳng và tạo nguy cơ xảy ra những sự
cố bởi các hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm.
Cũng
tương tự như các hành động trước đây tại các khu vực lân cận ở quần đảo
Điếu Ngư/Senkaku, dường như khó có thể đảo ngược lại tình hình ngay cả
khi căng thẳng được xoa dịu. Khu vực ADIZ đã được xác lập và chắc chắn
nó sẽ được áp dụng. Các quy tắc chung – đặc biệt đối với các máy bay
không hướng đến không phận Trung Quốc – có thể sẽ được điều chỉnh. Nhưng
làm thế nào họ có thể áp dụng tại khu vực đảo Điếu Ngư/Senkaku trong
giai đoạn căng thẳng đang ngày càng tăng cao? Câu trả lời sẽ được giải
đáp trong thời gian sắp tới.
_________
Alan
D. Romberg là Giám đốc chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson, một
tổ chức phi lợi nhuận và phi đảng phái chuyên về cố vấn an ninh quốc tế.
Trước đó, ông đã dành 27 năm làm việc tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và 10
năm tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.
* Tựa đề do CTV Phía Trước đặt
© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC
Duy trì quyền lực của nước Nga: Putin đã qua mặt phương Tây ra sao [1]
Sáu tuần trước, hai người đàn ông bước ngang Quảng trường Đỏ của
Moscow, một người mặc áo khoác, người kia mặc áo giám mục. Họ tiến đến
Tượng đài Minin và Pozharsky ở trước Nhà thờ chính tòa Thánh Basil.
Kuzma Minin, một thương nhân, và Hoàng tử Dmitry Pozharsky là lãnh tụ
cuộc khởi nghĩa chống lại quân Ba Lan xâm lược năm 1611. Ngày 4/11 là
ngày họ giải phóng trung tâm Moscow cách đây hơn 400 năm, và hiện nay là
ngày lễ quốc gia, là biểu tượng cho thấy dân tộc Nga đoàn kết có thể tự
vệ trước bất cứ kẻ thù ngoại xâm nào.
Kirill, Thượng Phụ của Moscow và toàn Nga, và Vladimir Putin, nhà
lãnh đạo thế tục của nước Nga, đặt một bó hoa cẩm chướng đỏ ở tượng đài.
Lúc trở lại Điện Kremlin, vị lãnh tụ giáo hội đã chuẩn bị sẵn một bất
ngờ dành cho tổng thống; đó là bằng khen tôn vinh Putin “có công bảo tồn
nước Đại Nga”.
Thượng Phụ Kirill không tiếc lời ca tụng Putin: “Chúng ta biết rằng
hơn bất cứ ai khác kể từ khi kết thúc thế kỷ 20, ngài đang giúp nước Nga
trở nên hùng mạnh hơn và giành lại những vị thế xưa kia của mình, với
tư cách một quốc gia tôn trọng chính mình và được tất cả các quốc gia
khác tôn trọng.”
Tổng thống Vladimir Putin đã lãnh đạo đất nước này trong 14 năm qua,
nhưng 2013 là năm thành công nhất của ông. Tạp chí Forbes vừa xếp ông
đứng đầu danh sách những người uy quyền nhất thế giới, nhận định rằng
ông đã “củng cố quyền kiểm soát của mình đối với nước Nga”. Theo tạp chí
này, Putin đã chiếm chỗ của tổng thống Mỹ Barack Obama trong vị trí
đứng đầu vì tổng thống Nga đã giành được thế thượng phong so với vị đồng
nhiệm ở Washington trong nhiều cuộc xung đột và vụ tai tiếng.
Quả thực, lúc này có vẻ như Putin đang thành công ở mọi việc ông làm.
Hồi tháng 9, ông đã thuyết phục Syria để quốc tế kiểm soát vũ khí hóa
học của nước này. Nhờ đó, ông đã ngăn chặn được cuộc tấn công của quân
đội Mỹ nhắm vào chế độ của tổng thống Syria Bashar Assad và khiến Obama
trông giống như một sen đầm quốc tế bất lực.
Hồi cuối tháng 7, Putin phớt lờ những lời đe dọa của Mỹ và cho người
tiết lộ bí mật của Mỹ Edward Snowden được tị nạn tạm thời; động thái này
đã gây căng thẳng trong khối các quốc gia phương Tây. Đức và Pháp cũng
phẫn nộ vì các hoạt động do thám của Washington.
Kể từ đó, Putin liên tiếp ra đòn và đều thắng điểm. Trong mùa thu,
khi các cuộc đàm phán với Tehran về việc cắt giảm chương trình hạt nhân
của Iran đạt được tiến bộ có ý nghĩa, Putin lại một lần nữa đóng vai trò
chủ chốt.
Và hiện nay, bằng cách gây áp lực lên Viktor Yanukovych, ông thuyết
phục được tổng thống Ukraine rút lui khỏi một hiệp định liên kết với
Liên hiệp Châu Âu (EU) mà hai bên đã chuẩn bị trong nhiều năm, chỉ vài
ngày trước khi diễn ra lễ ký kết đã dự trù tại một hội nghị thượng đỉnh
của các nhà lãnh đạo Liên hiệp Châu Âu. Bằng nước cờ này, ông đã đưa
Ukraine trở lại tầm ảnh hưởng của Nga, ít nhất là tạm thời hiện nay.
Nga chèn ép, gây áp lực với Ukraine
Nhiều người có ấn tượng mạnh khi thấy Putin rất tự tin và có khả năng
thách đố bất cứ điều gì được xem là luật chơi chính trị bên ngoài nước
Nga. Blogger người Mỹ nổi tiếng Matt Drudge từng gọi Putin là “lãnh tụ
của thế giới tự do”, còn một nhà bình luận khác gọi ông là “Chuck Norris
của chính trị thế giới”. Norris, ngôi sao phim hành động kiểu như The
Way of the Dragon, nhập vai đặc thù khắc họa hình ảnh những kẻ đơn độc
vai u thịt bắp, yêu nước và hết sức bảo thủ. Những người như Drudge
ngưỡng mộ Putin vì dường như ông đơn thương độc mã cai trị quốc gia
khổng lồ của mình, dù thường bằng những phương pháp tàn nhẫn.
Tuy nhiên, với nhiều người khác, Putin là kẻ cai trị theo phong cách
của một bạo chúa thế kỷ 19, là người không tin tưởng mô hình chính trị
Châu Âu. Thay vì thế, ông ưa chuộng kiểu cai trị theo cách phong kiến,
với một nhà nước đóng vai trò thống lĩnh; các triều thần đáp ứng mọi ý
muốn của vua, bất luận võ đoán đến đâu; một nền kinh tế chỉ phục vụ lợi
ích của giới chính khách; và phương châm: “Cái gì của tôi không thể là
của anh.” Và hiện nay các sự kiện ở Ukraine và vai trò của Putin trong
những sự kiện đó một lần nữa lại đặt ra câu hỏi nhân vật ở Điện Kremlin
thật sự là ai và ông muốn gì? Có phải Ukraine, trong khi đang chìm trong
biến động, biểu trưng cho một bước ngoặt mới trong quan hệ giữa Đông và
Tây?
Trong những năm gần đây, các quốc gia phương Tây xem Nga là một nước
khó khăn nhưng ổn định – và nhất là một nước đã đánh mất phần lớn vai
trò quan trọng của mình trên trường quốc tế. Cuộc xung đột về Ukraine
cho thấy rằng số phận của không chỉ 143 triệu dân Nga, mà cả số phận của
hầu hết các nước láng giềng của Nga trong đế chế Liên Xô cũ đang phụ
thuộc vào Putin.
Khi những người biểu tình thân EU dựng công sự gần tòa nhà chính phủ ở
thủ đô Kiev, tờ báo Komsomolskaya Pravda thân Kremlin ở Moscow chạy bài
trang nhất tiên đoán sự sụp đổ của Ukraine. Những vùng thân EU của
Ukraine, trước đây nằm trong Đế chế Habsburg Empire, được đánh dấu màu
tím. Trong khi đó, các tỉnh miền đông, thân cận với Nga trong nhiều thế
kỷ, dọc theo Bán đảo Crimea được đánh dấu màu đỏ. Gần như cùng lúc đó,
một nghị sĩ ở Crimea kêu gọi Putin đưa lực lượng của Nga đến Ukraine để
“bảo vệ chúng ta trước bọn xâm lược NATO, các điệp viên của phương Tây
và các cuộc biểu tình được trả tiền.”
Có lẽ phương Tây đã phạm sai lầm khi không còn xem Nga là một đối thủ
đáng gờm trong hai thập niên vừa qua. Và cũng dễ hiểu tại sao phương
Tây phẫn nộ về một số sự kiện đã diễn ra ở đất nước thuộc quyền kiểm
soát của Putin. Ví dụ Điện Kremlin dùng các lực lượng cảnh sát đặc biệt
để đàn áp các cuộc biểu tình của hàng chục ngàn người dân Moscow về nạn
gian lận bầu cử trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2011, hay Putin cho bắt
hai thành viên của ban nhạc punk nữ Pussy Riot và tống giam hai năm, chỉ
vì họ có một màn trình diễn phản kháng tại một nhà thờ ở Moscow.
Cuộc nổi dậy của những người Ukraine thân EU thất vọng chống lại tổng
thống hiện đang tiết lộ cho phương Tây thấy những phương pháp tàn bạo
mà Nga đang bắt đầu dùng để bảo vệ các lợi ích của mình ở hải ngoại.
Việc Yanukovych đột ngột trở cờ với Liên hiệp Châu Âu là kết quả của trò
chèn ép, gây áp lực lạnh lùng và đầy tính toán của tổng thống Nga.
Ngăn cản Liên hiệp Châu Âu mở rộng sang phía đông
Thế giới đang chứng kiến sự trở lại của các tâm lý Chiến tranh Lạnh.
Sau các cuộc đàn áp đầy bạo lực của cảnh sát tấn công vào người biểu
tình ở Kiev, Mỹ đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt Ukraine, theo
thông báo của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psaki. Ngoại
trưởng Mỹ John Kerry trước đó đã phát biểu rằng ông căm phẫn về hành
động tàn bạo của cảnh sát, cho rằng phản ứng đó “không thể chấp nhận
được mà cũng không phù hợp với một nền dân chủ”. Lời lẽ của ông không
chỉ nhắm đến Yanukovych, mà còn nhắm đến kẻ giật dây, Vladimir Putin.
Nga phản đòn. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng đối với phương
Tây, dân chủ thậm chí chẳng phải là vấn đề. Ông lập luận rằng phương Tây
chỉ muốn giành được Ukraine làm chiến tích, để giáng cho Nga một đòn
đau về chiến lược.
Ở Moscow hôm thứ Ba 10/12, 444 trong số 450 đại biểu Viện Duma Quốc
gia (Hạ nghị viện Nga) chấp thuận đưa ra phát biểu lên án giới chính
khách phương Tây “công khai can thiệp … vào công việc nội bộ của nước
Ukraine có chủ quyền”. Phát biểu này ám chỉ việc Ngoại trưởng Đức Guido
Westerwelle, cựu Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczyski và Thứ trưởng Ngoại
giao Mỹ Victoria Nuland xuất hiện ở Quảng trường Độc lập ở Kiev, tại đó
bà Nuland phát bánh mì sandwich cho người biểu tình.
“Các cuộc mít-tinh không được phép, việc cản trở lối vào các cơ quan
nhà nước, cũng như chiếm giữ các tòa nhà hành chính, bạo động và việc
phá hủy các tượng đài lịch sử” – ám chỉ việc kéo đổ tượng Lenin ở trung
tâm thành phố Kiev – “gây mất ổn định tại nước này và có thể gây những
hậu quả kinh tế và chính trị bất lợi nghiêm trọng cho dân chúng
Ukraine.” Các đại biểu Duma đã viết như vậy, nhận định rằng một “vụ đảo
chính” sắp diễn ra ở Ukraine. Đài truyền hình nhà nước Ukraine gọi Liên
hiệp Châu Âu là một liên minh “chống Nga” vì Liên hiệp Châu Âu phớt lờ
lợi ích của Moscow bằng cách gầy dựng quan hệ gần gũi hơn với Ukraine.
Sự chia rẽ sâu sắc giữa quan điểm của Nga và quan điểm của phương Tây
đã đặc biệt lộ rõ ở Đông Âu trong những tháng gần đây; tại Đông Âu,
Liên hiệp Châu Âu đã cố gắng xúc tiến chương trình “Hợp tác Phương Đông”
từ năm 2009. Ngoài Ukraine, chương trình này liên quan đến các mối quan
hệ của Liên hiệp Châu Âu với các nước Armenia, Azerbaijan, Belarus,
Georgia và Moldova. Phương Tây lâu nay đã ngỏ ý ký kết các hiệp định
thương mại tự do và hỗ trợ tài chính để đổi lại các cải cách trong hệ
thống luật pháp, luật bầu cử và truyền thông ở sáu nước này. Việc xuất
khẩu hàng hóa phương Tây nhằm mục đích xây dựng các mối quan hệ gần gũi
hơn giữa mạn đông của lục địa này với Liên hiệp Châu Âu.
Brussels và các nước đối tác nhỏ hơn đang thảo luận các thuế nhập
khẩu thép, việc xuất khẩu lúa mì và mua rượu vang của Đông Âu. Khi những
mối quan hệ như vậy bỗng nhiên trở thành một vấn đề địa chính trị,
phương Tây bị sốc. Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu mở rộng sang phía
đông, Liên hiệp Châu Âu gặp sự kháng cự quyết liệt – từ Nga.
Gây áp lực đối với các nước láng giềng nhỏ hơn
Tuy nhiên, điều đó không hẳn là hoàn toàn bất ngờ – và lẽ ra Liên
hiệp Châu Âu đã nên thừa nhận nó. Kể từ đầu những năm 1990, Nga đã cố
gắng giữ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trong tầm ảnh hưởng của
mình. Phớt lờ các thất bại, Putin hiện đang dùng sức mạnh của mình để
đạt mục tiêu này. Ông đe dọa các nước này, đưa họ vào thế bí, tống tiền
họ hoặc khiến họ phải đấu đá lẫn nhau. Những hành động của ông tuy lạnh
lùng và nham hiểm nhưng đã hết sức thành công. Putin nói: “Ai chi tiền
thì có quyền.”
Đến nay, Russia dùng Transnistria, một bang ly khai khỏi Cộng hòa
Moldova trong cuộc nội chiến năm 1992, để phá hoại chủ quyền của
Moldova, mặc dù hiện nay không có quốc gia thành viên nào của Liên Hiệp
Quốc chính thức công nhận Transnistria. Moscow cũng đóng vai người bảo
vệ Abkhazia và Nam Ossetia, hai vùng ly khai khỏi nước Georgia sau cuộc
chiến năm 2008, và Moscow dùng các nhà nước bù nhìn này để gây áp lực
đối với chính quyền ở thủ đô Tbilisi.
Theo cách nghĩ của Putin, một cựu sĩ quan KGB, một nước từng là nhà
nước Xô Viết mà nay không còn muốn là nước chư hầu Moscow thì chỉ có thể
là một trong hai thứ: nước chư hầu của Washington, hoặc nước chư hầu
của Brussels.
Những nước nhỏ thuộc Liên Xô cũ nay chống lại Moscow có thể bị Putin
trút cơn thịnh nộ lên đầu. Năm 2006, ông cấm nhập khẩu rượu vang và nước
khoáng của Georgia khi Mikhail Saakashvili, tổng thống thân Mỹ lúc đó
của Georgia, yêu cầu Nga rút quân.
Trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, thủ đô Lithuania,
nơi ít nhất có Ukraine, Georgia và Moldova dự định ký các hiệp định liên
kết với Liên hiệp Châu Âu, Moscow đã tẩy chay các sản phẩm sữa của
Lithuania. Mấy năm trước, Nga đã đóng một đường ống dẫn dầu sang
Lithuania có ý nghĩa quan trọng về chiến lược, chỉ vì chính quyền ở
Vilnius dự định bán một nhà máy lọc dầu lớn cho Warsaw (Ba Lan) thay vì
cho Moscow để hết lệ thuộc vào Nga.
Cách Nga gây áp lực với Armenia năm nay đặc biệt đáng chú ý. Giống
như Ukraine, nước cộng hòa nhỏ ở vùng Caucasus đã mất bốn năm đàm phán
một hiệp định liên kết với Brussels. Tổng thống và thủ tướng của nước
này bác bỏ yêu sách của Moscow đòi Armenia tham gia một liên hiệp thuế
quan do Nga đứng đầu, với lập luận cho rằng liên hiệp đó sẽ “bất khả thi
về mặt địa lý” và “vô ích” – cho đến ngày 3/9, khi Putin triệu tập tổng
thống Armenia Serzh Sargsyan đến Điện Kremlin.
Ngay sau cuộc nói chuyện đó, Sargsyan nói với báo giới rằng Armenia
rốt cuộc sẽ không ký hiệp định liên kết với Brussels, mà sẽ tham gia
liên hiệp thuế quan. Moscow đã đe dọa tăng giá khí đốt tự nhiên của Nga
và đã bắt đầu bán vũ khí cho Azerbaijan, kẻ thù không đội trời chung của
Armenia. Putin cũng ngỏ ý giúp Armenia mở rộng hệ thống đường sắt và
một nhà máy điện hạt nhân mà trước đó đã được dự trù đóng cửa.
Cộng hòa Moldova cũng chịu áp lực tương tự. Hồi tháng 9, Moscow đột
ngột thông báo với Moldova rằng Moldova không còn được xuất khẩu rượu
vang, mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của nước này, sang Nga. Các
quan chức của Putin cũng nhắc nhở chính phủ ở Chisinau rằng hàng trăm
ngàn người Moldova đang kiếm sống ở Russia, và gần 200.000 người trong
số đó không có giấy phép cư trú hợp lệ nên có thể bị trục xuất. Khác với
Armenia, chính phủ Moldova vẫn quyết định ký kết hiệp định với Liên
hiệp Châu Âu.
Áp lực mà Moscow gây ra với Ukraine trước hội nghị thượng đỉnh EU ở
Vilnius lớn hơn nhiều so với tất cả những nỗ lực chèn ép trước đây của
Nga. Trong mùa hè, Nga ngăn cản việc xuất khẩu miễn thuế đường ống từ
Ukraine, cũng như các chuyến hàng xuất khẩu của hãng sản xuất kẹo
Roschen của Ukraine, với lý do hàng hóa kém chất lượng. Nước cờ này có
tác động bất lợi cho hai trùm tư bản quả đầu quan trọng ở Ukraine, và
nhằm mục đích ép họ thuyết phục tổng thống Yanukovych rút ra khỏi hiệp
định hợp tác đã được dự trù với Liên hiệp Châu Âu.
Hồi tháng 10, ít lâu trước hội nghị thượng đỉnh Vilnius, Nga bỗng
nhiên ban hành các quy định mới về việc quá cảnh hàng hóa, khiến xe tải
xếp hàng dài đợi, tắc nghẽn ỡ biên giới Nga-Ukraine. Sau đó, Nga đình
chỉ nhập khẩu thịt và toa xe lửa từ Ukraine. Cuối cùng, công ty năng
lượng quốc doanh Gazprom của Nga đòi Ukraine trả nợ 1,3 tỉ euro (1,8 tỉ
Mỹ kim) cho số khí đốt mà công ty đã giao trong quá khứ.
(Còn tiếp 1 kỳ)
Dịch từ bản tiếng Anh của Christopher Sultan (dịch từ tiếng Đức).
Nguồn: Christian Neef and Matthias Schepp, Maintaining Russian Power – How Putin Outfoxed the West, Der Spiegel, 16/12/2013.
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét