Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Việt Nam có thực tâm muốn cải cách?

Việt Nam có thực tâm muốn cải cách?

"Không ai có thể bắt một đất nước có chủ quyền mạnh như Việt Nam phải cải cách được. Vấn đề cuối cùng là thực tâm có muốn cải cách hay không thôi", ông Nguyễn Xuân Thành nêu quan điểm.
Liệu có thể yên tâm rằng, hội nhập là con đường vòng để tháo gỡ những nút thắt khó khăn hiện nay? So với láng giềng, Việt Nam đang ở đâu?  Tuần Việt Nam giới thiệu phần tiếp theo cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhà nghiên của Viện Rajawali về châu Á thuộc trường Harvard Kennedy.
Nợ xấu là vấn đề lớn nhất
Trong bối cảnh hiện nay, ông có cho rằng hội nhập sẽ góp phần cải cách nền kinh tế Việt Nam? Khi gia nhập WTO ta cũng có nhiều hy vọng như vậy song thực tế nhiều cam kết WTO vẫn chưa được thực hiện?
- Thực ra quan điểm và kỳ vọng đó cũng không hoàn toàn đúng vì chưa có cơ sở. Không ai có thể bắt một đất nước có chủ quyền mạnh như Việt Nam phải cải cách được.
Vấn đề cuối cùng là thực tâm có muốn cải cách hay không thôi.
Đương nhiên, cái gì cũng cần có điều kiện và cái giá của nó. 
Có nhiều đặc điểm tương đồng với Việt Nam, nhưng công cuộc cải cách của Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ hơn. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào? 
- Bản chất của vấn đề này là lợi ích và chi phí từ chính những người làm chính sách. Đó là cán cân để họ lựa chọn.
Nếu lợi ích của việc thay đổi chính sách thấp hơn chi phí thì người làm chính sách sẽ nghiêng về lợi ích.  Trung Quốc đã cải cách mạnh mẽ bởi họ thấy rõ tầm quan trọng mà cải cách sẽ mang lại. Việt Nam thì nhìn nhận khác, thấy rõ lợi ích của cải cách nhưng chi phí quá lớn nên  e dè!


kinh tế, nợ xấu, ngân hàng, Chính phủ, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar
Ông Nguyễn Xuân Thành. Ảnh Duy Chiến
Ông có thể giải thích rõ hơn?
- Tôi nói thẳng nhé: vấn đề lớn nhất hiện nay là nợ xấu của các ngân hàng. Trước mắt phải xử lý nợ xấu, sau đó về lâu dài phải xử lý vấn đề sở hữu chéo, xây dựng hệ thống giám sát bảo đảm sự hoạt động an toàn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Làm rốt ráo thì nợ xấu giảm đi, ngân hàng mạnh lên, sẽ tiếp tục cho vay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng Chính phủ đã tuyên bố không bỏ tiền nhà nước ra xử lý thì lấy đâu để giải quyết vấn đề vướng mắc của ngân hàng hiện nay?
Chúng ta hãy xem nhiều nước xử lý vấn đề này, ví dụ Hoa Kỳ.
Là đất nước có nền kinh tế thị trường mạnh, sở hữu nhà nước rất thấp nhưng khi hệ thống ngân hàng đổ vỡ, Chính phủ Hoa Kỳ bỏ tiền ra xử lý dù nợ xấu do các ngân hàng tư nhân gây ra. Đấy là bỏ ra chi phí để đạt được lợi ích lâu dài.
Trong khi đó, ở Việt Nam, Chính phủ không chấp nhận trả mức chi phí đó nên ngân hàng phải tự cứu lấy mình. Ngân hàng giữ lại nợ xấu đó để xử lý dần dần. Làm như vậy thì mất thời gian chứ không thể nhanh được?
Thứ hai là cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN). 
Ai cũng biết DNNN hoạt động không hiệu quả. Ở đây có sự mâu thuẫn rất lớn: trong thời kỳ kế hoạch tập trung thì quản lý rất chặt chẽ. Ông giám đốc không có quyền gì cả, chỉ biết nhận vật tư và sản xuất theo số lượng được giao. Sản phẩm làm ra có người đến lấy. Chuyển qua cơ chế thị trường, trao cho ông giám đốc quyền tự chủ thì lẽ ra phải được tự chủ đầu tư, kinh doanh chứ. Nhưng đến khi kinh doanh sai, đầu tư ra ngoài không hiệu quả, rồi để tham những dẫn đến đổ bể thì bảo là "buông lỏng quản lý"?
Làm sao ông Bộ trưởng có thể giám sát được tất cả hoạt động của một tập đoàn? Ngay cả ông Chủ tịch tập đoàn và ông Tổng giám đốc cũng không thể biết hết các công ty con của mình làm ăn ra sao. Không thể lúc nào cũng giám sát hết được và không thể mọi cái đều duyệt, đều phải đi xin phép được. Lẽ ra DN phải hoạt động theo tín hiệu của thị trường và chịu sự giám sát của thị trường. 
Tôi không chỉ định anh làm dự án này hay dự án kia; không buộc ngân hàng phải cho anh vay. Anh cứ làm như một DN bình thường. Các ngân hàng sẽ thẩm định để cho vay.
Nhưng ta không làm đựoc điều đó. Về bản chất, nhà nước vẫn muốn dùng DNNN là công cụ của chính sách.
Tư duy này đến nay vẫn chưa thay đổi được, đúng hơn là chưa muốn thay đổi.
Ở các nước vẫn có DNNN nhưng họ không dùng DNNN là công cụ điều chỉnh chính sách vĩ mô. Nên khi cần cải cách họ làm rất dễ dàng.

Đầu tư công cũng như vậy. Ai cũng biết hai tỉnh nằm cạnh nhau thì không việc gì phải cần hai cái sân bay hoặc hai cảng biển. Đây là lợi ích. Nếu phối hợp lại chúng ta sẽ loại bỏ được nhiều dự án lãng phí, như thế sẽ mang lại lợi ích lớn cho quốc gia vì tiết kiệm được nhiều tiền. Nhưng chi phí mất đi là không có tiền cho các đơn vị thực hiện dự án! Vậy là người ta cứ thế làm.
Chuyện cải cách thể chế cũng như vậy. Luật đất đai có nhiều bất cập, nói rất nhiều nhưng đưa lên bàn cân thì chi phí vẫn lớn hơn lợi ích cho nên khó thay đổi.
Nhưng, tôi vẫn muốn nhắc lại, là nền kinh tế Việt Nam vẫn có tính năng động đặc biệt, không những không đổ vỡ mà còn tiếp tục tăng trưởng dù là chậm! Chính điều đó khiến áp lực thay đổi, áp lực cải cách chưa đủ mạnh.
kinh tế, nợ xấu, ngân hàng, Chính phủ, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar
Ông Nguyễn Xuân Thành: "Những chính sách phát triển kinh tế của Myanmar có rất nhiều trục trặc và đang ở tầm khác xa Việt Nam mà họ đang phải học tập Việt Nam rất nhiều" 
Myanmar còn phải học Việt Nam nhiều
Nhìn qua láng giềng gần trong ASEAN, hiện có Myanmar đang được xem là "ngôi sao" cải cách được chú ý. Theo ông họ đã có bước đi như thế nào?
- Phải thận trọng khi nói về Myanmar. Họ khác với Việt Nam là cải cách chính trị trước. Nhìn vào thấy như vậy nhưng bên trong còn rất nhiều vấn đề.
Hiện tôi đang làm việc bên Myanmar và tôi đã nghiên cứu quan sát nhiều ở đây.  Myanmar đang phải đối phó với thách thức còn nhiều hơn ở Việt Nam. Sự trì trệ còn nhiều hơn. Myanmar đang như Việt Nam vào thời kỳ bắt đầu đổi mới những năm cuối thập niện 80 và đầu 90.
Điều khác nhau là khi Việt Nam bắt đầu đổi mới thì chưa có tầng lớp đại gia và nhóm lợi ích. Còn Myanmar chưa đổi mới đã có tầng lớp này khá mạnh.
Những chính sách phát triển kinh tế của họ có rất nhiều trục trặc và đang ở tầm khác xa Việt Nam mà họ đang phải học tập Việt Nam rất nhiều. Việt Nam đang có quá nhiều khu công nghiệp còn Myanmar đang xoay xở làm thế nào để có được khu chế xuất như Tân Thuận của Việt Nam.
Việt Nam đã có điện lưới quốc gia còn Myanmar chưa, nông dân còn thắp đèn. Xay lúa còn chạy máy phát điện chạy bằng dầu diesel. Trong sản xuất nông nghiệp, năng suất lúa của nông dân Myanmar chỉ bằng ½ năng suất lúa của nông dân Việt Nam.
Nếu so sánh thì nên so sánh Việt Nam với Thái Lan và Trung Quốc.
Trở lại những vấn đề của Việt Nam, ông có dự cảm gì hoặc dự báo tình hình gì ở Việt Nam trong năm 2014?
- Nếu nhìn về trung hạn thì trong năm 2014 tăng trưởng kinh tế vẫn thấp. Kỳ vọng xuất hiện sự tăng trưởng nhanh chưa có.
Nhưng về điều tiết vĩ mô sẽ kỳ vọng có một số thay đổi như sự nới lỏng có giới hạn. Chính phủ đã đề nghị Quốc hội nới lỏng trần bội chi, phát hành trái phiếu. Chính sách tiền tệ có sự hỗ trợ một phần việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng... 
Tức cũng là "tinh chỉnh" chính sách vĩ mô trong bối cảnh cần tái cấu trúc một cách mạnh mẽ.
Xin cảm ơn ông!
Duy Chiến(thực hiện)
(VNN)

Kết thúc năm 2013: Kinh tế Việt Nam đạt ‘nhiều dấu hiệu tích cực’

Tăng trưởng kinh tể cả năm tăng 5,42% trong khi lạm phát giảm xuống

HÀ NỘI – Nền kinh tế Việt Nam đang kết thúc một năm với nhiều dấu hiệu tích cực sau khi tốc độ tăng trưởng hồi năm ngoái đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Kinh tế VN-7

Tổng cục Thống kê của chính phủ cho biết hôm thứ Hai rằng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam đã tăng 5,42% trong năm 2013 so với 5,25 % trong năm 2012. GDP hồi năm ngoái đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999, còn lại 5,03%. Lạm phát năm nay cũng đã giảm đáng kể.

“Sự tăng trưởng trong năm nay là một dấu hiệu tích cực cho thấy kinh tế đang dần phục hồi, và việc này cũng cho thấy những nỗ lực của chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô là hợp lý và kịp thời”, văn phòng chính phủ cho biết.

Tăng trưởng kinh tế năm 2013 được dẫn đầu bởi các lĩnh vực dịch vụ, trong đó đã tăng 6,56%. Lĩnh vực sản xuất và xây dựng tăng 5,43% và khu vực nông nghiệp tăng 2,67%.

Chính phủ cho biết tăng trưởng trong quý thứ tư đang ở mức 6,04% so với 5,54% trong quý ba. Việt Nam thường công bố các dữ liệu trước khi cuối năm.

Các nhà phân tích cho biết tăng trưởng trong năm nay một phần là do những nỗ lực của chính phủ trong việc gia tăng hiệu quả đầu tư và đạt được sự ổn định kinh tế cũng như gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

“Tốc độ tăng trưởng nhanh hơn cho thấy hiệu quả đầu tư đã được cải thiện, và tổng dư nợ cho vay tại các ngân hàng thương mại cũng không tăng cao như mục tiêu đã đề ra”, kinh tế gia Lê Thẩm Dương thuộc Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Ông nói chính phủ dường như đã thực hiện tốt việc kiểm soát lạm phát. Ông cũng lưu ý rằng mức lãi suất cho vay cũng như tiền tệ tại ngân hàng Việt Nam tương đối đã ổn định.

Cơ quan thống kê cho biết hôm thứ Hai rằng tỷ lệ lạm phát của Việt Nam đã giảm từ 6,81% hồi năm ngoái xuống còn 6,04 % trong năm nay, thấp hơn so với dự đoán 8% của chính phủ.

Vốn giải ngân FDI cũng tăng 5,5% trong 11 tháng đầu năm lên đến 10,55 tỷ USD, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hồi tháng trước .

Vốn FDI là nguồn tiền chính đối với Việt Nam ngoài lĩnh vực xuất khẩu, kiều hối và viện trợ phát triển chính thức từ nước ngoài. Nó chiếm một phần tư tổng vốn đầu tư trong cả nước.

Việt Nam gần đây đã tăng cường cuộc chiến chống lạm phát, điều mà các nhà phân tích cho rằng đã ảnh hưởng không ít đến tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây. Các nhà phân tích cũng chỉ ra trọng tâm của chính phủ trong việc chống tham nhũng.

Kinh tế gia Nguyễn Minh Phong tạ Hà Nội cho biết những nỗ lực gần đây của chính phủ trong việc kiềm chế tham nhũng sẽ có những tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong cả nước.

“Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ giúp tăng số tiền đầu tư vào nền kinh tế thay vì bỏ túi riêng số tiền đó, và giúp cải thiện hiệu quả đầu tư”, ông Phong nói.

Chính phủ cho biết Việt Nam có thể sẽ đạt mức thặng dư thương mại khoảng 863 triệu USD trong năm nay, tăng từ 747 triệu USD hồi năm ngoái. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong năm nay dự kiến ​​sẽ tăng từ 4,8% hồi năm ngoái lên 5,9%.

Hồi tuần trước, chính phủ cho biết họ sẽ tiếp tục cố gắng giữ mức lạm phát trong tầm kiểm soát trong năm mới. Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5,8% và hạn chế lạm phát dưới 7% vào năm 2014.

“Với những gì đã đạt được trong năm nay, tôi tin rằng Việt Nam sẽ có một nền tảng tốt hơn để đạt mức tăng trưởng kinh tế bền vững trong những năm tới, mặc dù tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục là là một trở ngại lớn”, ông Dương cho biết.

Vu Trong Khanh, WSJ
Thanh Ngân chuyển ngữ, CTV Phía Trước
   © Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Phe đối lập chỉ trích chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Hun Sen

Chuyến viếng thăm Việt Nam trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 26 tháng 12, của Thủ tướng Campuchia đã gặp phải sự chỉ trích của các giới chức phe đối lập, những người cho rằng ông Hun Sen nên ở lại trong nước để giải quyết vụ bế tắc chính trị.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho ban tiếng Khmer của đài VOA hôm thứ ba, phát ngôn viên Đảng Cứu Quốc Campuchia, ông Yim Sovann, nói rằng “Điều cần thiết vào lúc này là giải quyết vụ bế tắc chính trị.”
Phe đối lập Campuchia đang đòi tiến hành một cuộc điều tra khả tín về cáo giác gian lận trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 7.
Trong chuyến viếng thăm này, ông Hun Sen sẽ cùng với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tham dự lễ ký kết 8 hiệp định, trong đó có hiệp định dẫn độ.

Chủ nhật vừa qua, mấy trăm ngàn người đã xuống đường ở Phnom Penh để đòi ông Hun Sen từ chức hoặc tổ chức lại cuộc bầu cử sau cuộc bầu cử có tranh chấp.
Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan cho biết chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam có mục đích tăng cường và bình thường hóa các mối quan hệ giữa hai nước láng giềng.
Ông Siphan nói rằng “Vụ tranh cãi ở Campuchia là một vấn đề nội bộ, không tác động hay ảnh hưởng gì tới các mối quan hệ với nước ngoài.”
Theo dự liệu, trong chuyến viếng thăm này, ông Hun Sen sẽ cùng với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tham dự lễ ký kết 8 hiệp định, trong đó có hiệp định dẫn độ và những hiệp định hợp tác về an ninh, thương mại, giáo dục và thông tin.
Nguồn: VOA Khmer, Cambodia Daily
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét