Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Nổ súng khống chế người chống đối: con dao hai lưỡi? & Khi chính khách Việt tranh luận công khai

Nổ súng khống chế người chống đối: con dao hai lưỡi?

cong-an-305.jpg
Một trường hợp công an bắt người tại Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây.
File photo
Gây tranh cãi

Nghị định cho phép nhân viên thi hành công vụ được phép bắn vào người chống đối sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 2 năm 2014 sắp tới đang gây tranh luận trong xã hội.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều cho phép quân đội, lực lượng vũ trang hay cảnh sát được phép sử dụng vũ lực, ngay cả biện pháp mạnh nhất là bắn vào những thành phần bất hảo, nhất là bọn khủng bố có hành vi chống lại người thi hành công vụ.

Ông Lê Quang Bình Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết ý kiến về nghị định cho phép nhân viên công vụ bắn vào người có hành vi chống người thi hành công vụ này:

“Vấn đề súng đạn thì từ trước tới nay thì Quốc hội cũng rất gắt gao chứ không phải là chưa nghĩ tới. Còn chi tiết thì sắp tới đây Quốc hội sẽ xem xét và ra văn bản bởi vì ngành lực lương hay giao thông chẳng hạn có khi không nhất thiết phải cho phép sử dụng vũ khí vì ở góc cạnh nào thì cũng không đến nỗi nào.

Theo tôi nhận xét thì không phải nhà nước không nghĩ tới vấn đề là để cho tội phạm lộng hành quá thì cũng không được. Nói chung còn nhiều khía cạnh phải tranh luận để mà làm như thế nào cho có hiệu quả cao nhất.”

Cảnh sát nhiều nước, trong đó nổi bật là Mỹ được phép dừng xe của bất cứ ai để kiểm tra hay ghi giấy phạt vi phạm giao thông. Cảnh sát được quyền bắn vào người bị ngừng xe nếu họ có biểu hiện chống trả, hay tấn công nhân viên cảnh sát. Tuy nhiên mọi hành động của cả hai bên, cảnh sát và người vi phạm đều được một máy quay phim đặt trên xe cảnh sát ghi nhận từng chi tiết để làm bằng chứng khi ra tòa và những hình ảnh trong video là vật để chứng minh hành động của người cảnh sát là đúng theo pháp luật.

Tại Việt Nam khi nhân viên nhà nước vi phạm luật bị quay video vẫn thường được thủ trưởng cơ quan bào chữa bằng mọi cách. Biểu hiện coi thường pháp luật này xảy ra mọi nơi từ xã tới huyện và nhất là tại nhiều thành phố.

Ngày 24 tháng 4 năm 2012, hai 2 nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long bị công an và dân phòng đánh đập dã man tại xã Xuân Quan, Văn Giang khi đi lấy tin người dân bị cưỡng chế đất. Mặc dù vụ việc được người dân quay video rõ ràng công an đánh người nhưng ông Vũ Khắc Hào Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên tuyên bố với báo chí rằng “Có sự móc nối chặt chẽ giữa các phần tử chống đối trong và ngoài nước. Các thông tin, thậm chí được tường thuật tại chỗ, từng giờ để tuyên truyền, xuyên tạc, dàn dựng lên các video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền”.

Cách nói này khuyến khích cho người dưới quyền tiếp tục vi phạm mà không sợ luật pháp trừng phạt, kể cả nổ súng thay vì đánh đập người dân.

Vụ mới nhất xảy ra vào ngày 6 tháng 12 năm 2013. Anh Trịnh Xuân Tình một người bán hàng rong bị công an, dân phòng của phường 25 quận Bình Thạnh còng tay đánh đập dã man khi anh vi phạm lòng lề đường. Những hình ảnh này được người dân quay video tung lên mạng tố cáo thế nhưng ông Chủ tịch phường Nguyễn Văn Quý biện hộ bằng lý do “anh Tình có hành vi chống lại người thi hành công vụ” và để “không cho anh Tình có hành vi tấn công tổ công tác” mặc dù khi câu chuyện xảy ra chỉ có 1 mình anh Tình trong khi tổ công tác có đến 9 người.

dan-phong-250.jpg
Anh Trịnh Xuân Tình một người bán hàng rong bị công an, dân phòng của phường 25 quận Bình Thạnh còng tay đánh đập dã man khi anh vi phạm lòng lề đường vào ngày 6 tháng 12 năm 2013.
Nếu cho phép bắn người vì chống lại người thi hành công vụ như điều luật sắp có hiệu lực thì chắc chắn sinh mạng của anh Trịnh Xuân Tình sẽ khó giữ được dưới bàn tay của công an dân phòng phường 25.

Bà Bùi Minh Hằng, một người bất đồng chính kiến từng nhiều lần bị công an đàn áp, sách nhiễu cho biết nhận xét của mình về nghị định này:

“Ai cũng nhìn thấy có lẽ đảng Cộng sản Việt nam bắt đầu châm ngòi cho bạo lực. Trước đây khi họ chưa có những nghị định như thế thế người dân Việt Nam không tháng nào không có những vụ bị đánh chết hay thương tích rất nặng trong đồn công an. Nghị định sắp tới trao quyền cho cảnh sát cơ động giống như hợp thức hóa chuyện giết người. Đây là sự châm ngòi bạo lực của đảng Cộng sản Việt Nam. Ai cũng biết công an Việt Nam họ ngồi xổm trên luật, họ làm việc hoàn toàn không theo pháp luật.

Án oan, bạo lực đối với người dân tất cả từ ngành công an mà ra. Nếu thêm quyền hạn được dùng súng bắn chết người nữa trong khi họ không hề thực thi pháp luật như từ xưa đến nay thì rất đáng lo ngại. Những phán đoán trước đây rằng nếu đảng Cộng sản không có hướng giải quyết những vấn đề mâu thuẩn trong xã hội thì sẽ dẫn dân tộc này đến bạo lực, thì đây chính là phát súng châm ngòi cho bạo lực.”
Thế nào là vũ khí thô sơ?

Theo báo chí thì nghị định cho phép “trong trường hợp bị tấn công bằng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phòng vệ, khống chế bắt giữ người chống đối. Biện pháp đặc biệt được áp dụng là cho phép nổ súng”

Câu hỏi đặt ra thế nào là vũ khí thô sơ? Một thanh gỗ, một cục đá hay một chai xăng cũng đều có thể quy vào là vũ khí thô sơ. Nếu không nhận dạng rõ loại nào có thể gây thiệt mạng cho người thi hành công vụ thì bất cứ cuộc biểu tình nào cũng sẽ có người chết vì định nghĩa vũ khí thô sơ này.

Đối với những cuộc biểu tình chống chính phủ hay đòi hỏi quyền lợi của người dân thì lực lượng chống biểu tình của nhiều nước được quy định rất rõ ràng những gì được làm và những gì phải tránh. Người biểu tình ném đá, chai xăng hay tràn vào trận tuyến của cảnh sát thì không nước nào cho phép bắn đạn thật vào họ, ngoại trừ những quốc gia độc tài như Trung Quốc, Lybia, Syria hoặc Ai Cập trước đây. Các quốc gia dân chủ trang bị rất kỹ lưỡng cho lực lượng chống biểu tình bằng các loại áo giáp, nón bảo hiểm có thể chống đạn, khiên bảo vệ, súng bắn đạn cay và xe vòi rồng…tất cả những phương tiện ấy đã tỏ ra hiệu quả đối với bất cứ cuộc biểu tình nào và vì vậy bắn đạn thật vào người biểu tình không phải là giải pháp.

Đại tá Nguyễn Đăng Quang cho biết ý kiến của ông về nghị định này dưới cái nhìn của một đại tá công an đã nghỉ hưu:

“Khi trong người có sẵn vũ khí mà sự nhận thức chưa được tốt thì người ta dễ hành xử một cách sai lầm. Sai lầm đó có thề dẫn đến cướp đi sinh mạng của người khác. Bản thân người vi phạm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật tuy nhiên điều đó không có lợi về mặt quản lý nhà nước.

Sử dụng vũ khí chống lại người chống người thi hành công vụ thì tôi nghĩ rằng không đúng bởi vì những mâu thẩu hay nảy sinh mâu thuẩn, những không đồng tình của người dân với hính quyền tức là giải quyết vấn đề trong nội bộ nhân dân thì không nên và không thể sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề này được.

Thí dụ người nào nhận thức được việc làm không đúng của chính quyền chẳng hạn thì người ta không đồng tình người ta chống lại sự cưỡng chế khi người ta cho rằng sự cưỡng chế đó là không đúng pháp luật thì nhà nước lại sử dụng lực lượng vũ trang để bắn vào những người như thế thì tôi cho rằng nó không đúng đâu.

Giải quyết vấn đề mâu thuẩn trong nội bộ nhân dân mà giải quyết như mâu thuẩn giữa địch ta thì không đúng.”

Người dân đang chờ Nghị định này sẽ được áp dụng ra sao trong khi thời gian có hiệu lực rất gần. Nếu pháp luật đủ mạnh để trấn áp những kẻ lợi dụng quyền cầm súng thì nghị định này sẽ là tin vui cho mọi người bằng không thì sẽ có thêm không biết bao nhiêu oan khuất nữa.
  Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-12-25

Trần Kinh Nghị - Khi chính khách Việt tranh luận công khai

Gần đây các báo đài chính thức và "lề trái", cả trong nước và quốc tế, đều đưa tin về vụ tranh cãi giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn và Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc liên quan sự cố hoa hậu Trần Thị Quỳnh đeo dải băng ghi sai chữ “Viet Nem” tại đêm chung kết cuộc thi sắc đẹp quốc tế tổ chức tại Trung Quốc giữa tháng 11 vừa qua. Được biết sự cố này đã được phía ban tổ chức (Trung Quốc) và cá nhân hoa hậu Trần Thị Quỳnh gửi thư xin lỗi. Xem thêm tại đây.

Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở đó. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn - Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài - trong một bài trả lời phỏng vấn được đăng trên Tạp chí Quê Hương (trang thông tin của Uỷ ban Nhà nước về Người Việt Nam ở Nước ngoài của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra những câu từ mang tính chỉ trích đối với ngành Văn hóa thậm chí là thóa mạ đối với giới "người đẹp" của đất nước, ví dụ với câu: "Sự thật thì hoa hậu Việt không phải chỉ dốt sử Việt mà còn dốt nhiều thứ khác" và "Chúng ta cần chú trọng bồi dưỡng cho hoa hậu những kiến thức lịch sử trước các cuộc thi sắc đẹp"..., và theo ông, "đó là một sự sĩ nhục".

Đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc
Thấy vậy, nhà sử học và là Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã lên tiếng cho rằng ông Sơn đã "nâng tầm quan trọng hoá” và rằng "trong việc này trách nhiệm không chỉ có ngành văn hóa. Bởi những hoạt động văn hóa của VN ở nước ngoài thì Bộ Ngoại giao phải tham gia vào theo dõi chứ không phải riêng ngành văn hóa. Ông Quốc cũng nói rằng một Thứ trưởng mà nhận xét một sự việc như vậy là "sĩ nhục" thì thật là "phản cảm lớn" Xem thêm tại đây.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn

Bẳng đi một thời gian, tưởng cuộc tranh luận dừng lại ở đó đủ để các bên liên quan "rút kinh nghiệm"..., thì mới đây Thứ trưởng Sơn, không hiểu vì tinh thần trách nhiêm cao hay vì cay cú (?), đã cho đăng một bài phỏng vấn nữa trên tờ tạp chí "sân nhà" của ông, trong đó ông nói: "Đã là một nhà sử học, khi những sự việc động đến Quốc hiệu, đến tên đất nước, vì làm Sử đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối, không những vậy còn là Sử dân tộc, sử đất nước nữa nên ông phải là người chạm lòng đầu tiên mới đúng" Ông Sơn còn cho rằng "Việc ông Quốc chưa hiểu hết ý của tôi mà đã phát biểu thì chỉ làm mất đi uy tín của ông" và ."Tôi cũng xin lưu ý lại ông rằng, ông là nhà sử học, là đại biểu Quốc Hội, ông phát biểu sao cho đúng tinh thần xây dựng, còn tôi nghe tất cả các trả lời của ông Dương Trung Quốc thì mang tính dạy bảo nhiều hơn là góp ý, ông dạy cả Bộ Ngoại giao, dạy cả Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch, dạy tất cả xã hội cách phối hợp, ứng xử với nhau". Ông Sơn còn có ý chế diễu: "Tôi cảm ơn ông đã có lời dạy bảo, ngược lại tôi cũng xin lưu ý ông sau khi ông lưu ý tôi, nếu có dạy thì cũng phải dạy cho đúng chỗ, đúng người, đúng việc. Không nên phán, không nên dạy như vừa rồi thành ra phản tác dụng, đồng thời nói : "Mặt khác, tôi xin lưu ý thêm ông Dương Trung Quốc trong phát biểu trả lời phỏng vấn thì nên khiêm tốn trong phạm vi trình độ nhận thức, kiến thức của mình." Xem thêm tại đây.

Tất nhiên công luận thừa sức để phán xét ai đúng ai sai. Nhưng qua cái cung cách và lời ăn tiếng nói của hai nhà chính trị gia Việt Nam trên đây ta thấy vừa mừng vừa buồn. Mừng vì hình như đã bắt đầu có dáng dấp của hình thức tranh luận nghị trường ở một đất nước lâu nay chỉ quen "nói và làm theo nghi quyết".... Nhưng buồn vì mới tranh luận sơ sơ mà đã nỗi khùng, cãi cố, nói lung tung. Thật không biết ai "dạy bảo" ai đây? và để làm gì? hay chỉ vì sự sĩ diện cá nhân? Dù sao cũng mong sẽ có thêm những cuộc tranh luận như thế để qua đó không chỉ dân trí mà "quan trí" được nâng cao../.
  Trần Kinh Nghị
  (Blog Bách Việt)

Lê Thăng Long muốn ‘chuyển hóa Đảng’

Ông Lê Thăng Long nằm trong nhóm trí thức bất đồng chính kiến nổi tiếng
Ông Lê Thăng Long, một trong bốn người từng bị chính quyền Việt Nam xử tù về tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ loan báo rằng ông muốn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam để giúp chuyển hóa Đảng.

Ngoài ra ông cũng tuyên bố sẽ rời bỏ phong trào Con đường Việt Nam, một phong trảo vận động cho dân chủ và nhân quyền mà ông là một trong những người khởi xướng cùng các bạn hữu.
'Muốn làm tổng bí thư'

Ông Long, năm nay 46 tuổi, là một doanh nhân và là nhà hoạt động dân chủ có tên tuổi ở Việt Nam.

Ông cùng các bạn hữu là các trí thức bất đồng chính kiến như Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Tiến Trung đã bị xử tù trong một phiên tòa thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận hồi năm 2010. Khi đó, ông bị kết án năm năm tù.

Sau khi ra tù hồi năm ngoái, ông đã phát động ‘Con đường Việt Nam’ mà ông nói là thay mặt cho những người bạn của ông còn ở trong tù.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố mà ông gửi cho BBC Việt ngữ, ông Long nói ông ‘xin ra khỏi Phong trào Con đường Việt Nam’.

Một trong những nguyên nhân chính để ông Long từ bỏ phong trào mà ông khởi xướng này, theo như tuyên bố của ông, là để ‘gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam’.

“Tôi chính thức ngỏ lời xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam để giúp Đảng tiếp tục cải cách... cho nên nay tôi xin chính thức tuyên bố ra khỏi Phong trào Con đường Việt Nam,” ông viết trong tuyên bố.

“Tôi muốn giúp cho Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền Việt Nam được trong sạch hơn,” tuyên bố viết, “Nếu tôi được làm tổng bí thư thì chỉ trong vòng 11 tháng tình trạng tham nhũng tại Việt Nam sẽ giảm ít nhất là 90%.”

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Ông cũng nói rõ là ông ‘hoàn toàn không muốn trở thành đối kháng với Đảng và chính quyền Việt Nam’.

“Tôi tin rằng tôi sẽ là lối thoát tối ưu để cho Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục tồn tại và phát triển lâu dài trong lòng xã hội Việt Nam,” ông viết và giải thích rằng nếu Đảng không cải cách triệt để, toàn diện thì sẽ ‘bị loại bỏ hoàn toàn khỏi xã hội Việt Nam’.

‘Yêu thương kẻ thù’

Ông kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam hợp tác với ông và các lực lượng dân chủ ‘để có diễn biến hòa bình’, bằng không sẽ dẫn đến ‘diễn biến chiến tranh’.

Ông Long cho biết ông đang tiến hành vận động thành lập ‘liên minh dân chủ – nhân quyền yêu nước Việt Nam’ để chính quyền và thành phần đối lập có thể ‘ngồi cùng mâm’ vì ‘lợi ích của dân tộc Việt Nam’ và ‘tiến tới hòa giải dân tộc’.
Lê Thăng Long
Tuyên bố của ông Long đang gặp nhiều chỉ trích

Riêng về phong trào Con đường Việt Nam, ông nói rằng ‘dù không có tôi thì vẫn phát triển tốt’.

Ông giải thích rằng những nhân vật lãnh đạo khác của phong trào này như luật sư Lê Công Định và doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức’ về bản lĩnh, trí tuệ và xét về tổng thể đều hơn ông.

“Tới nay luật sư Lê Công Định đã được ra tù. Khi có Định rồi vai trò của tôi không còn quan trọng nhiều đối với sự phát triển của phong trào Con đường Việt Nam nữa.”

Ông cũng biện hộ cho quyết định xin gia nhập Đảng Cộng sản của mình là không phải là ‘yếu mềm, đầu hàng để xu nịnh Đảng’.

Ông cho rằng quyết định này là ‘một bước lùi’ của ông, nhưng lại là ‘lùi một bước để tiến trăm bước’.

Ông Lê Thăng Long cũng dẫn ra phương châm sống của ông để giải thích cho phương thức đấu tranh mới này: “Hãy yêu thương kẻ thù của chính mình.”

Đối với những nhà hoạt động dân chủ khác, ông kêu gọi hãy ‘yêu thương kẻ thù’ là Đảng Cộng sản Việt Nam và tránh rơi vào cách đấu tranh ‘cực đoan’.

Tuyên bố này được ông Lê Thăng Long gửi cho Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn thể lực lượng hoạt động dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam và toàn thể người dân Việt Nam trong và ngoài nước và bạn bè quốc tế.
(BBC)

Vụ báo Đại Đoàn Kết một ngày in 2 số báo: Cục báo chí đang xem xét giải quyết vụ việc

Ngày 12/12, bài viết: “CHUYỆN LẠ LÀNG BÁO: BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT MỘT NGÀY RA HAI SỐ BÁO nêu sự việc: Cùng trong một ngày 7/12/2013 nhưng báo Đại Đoàn Kết lại cho in hai tờ báo (số 341) có nội dung khác nhau. Một tờ có bài “Hiến pháp sửa đổi là đảm bảo chính trị - pháp lý vững chắc để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đồng lòng vững bước tiến lên trong thời kỳ mới” của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Một tờ có bài phỏng vấn Phó Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha: “Quy chế dân chủ: Khẳng định vị thế Mặt trận trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân”
Bạn đọc thắc mắc không biết hai tờ này thì tờ nào là thực? tờ nào là giả? Được biết, Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết đã lén lút nhờ phát hành báo chí trung ương đi thu lại tờ báo có bài của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và đổi lại tờ báo có bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn Pha. Vậy tức là tờ báo in bài của Chủ tịch Quốc hội nói về sửa đổi hiến pháp là giả. Tuy vậy, đến nay, báo Đại Đoàn Kết vẫn chưa hề cải chính gì về sai phạm này.

Ngày 16/12/2013, Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã có công văn số 1278/PTTH&TTĐT chuyển đơn tố cáo của bạn đọc, trong đó có ông Nguyễn Mạnh Thắng (Người bị ông Đinh Đức Lập – Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết trả thù buộc thôi việc vì đã tố cáo) sang cho Cục Báo chí xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Sau khi sự việc đã đưa ra tại cuộc họp giao ban báo chí, ngày 23/12/2013, Cục Báo chí đã chính thức có thông báo số 1458/CBC-BCTƯ (do Phó Cục trưởng Nguyễn Thái Thiên ký thay Cục trưởng) gửi ông Nguyễn Mạnh Thắng thông báo nội dung đang xem xét, giải quyết vụ việc và sẽ có thông báo kết quả giải quyết sau.
   
P. V


(Blog Tễu)

Sang chảnh Hà Nội: Khuyến mãi cái lườm, câu chửi tặng khách

Kiểu phục vụ coi khách hàng như kẻ đi xin, thậm chí mắng chửi, hành hung khách nếu không vừa lòng của nhiều tiểu thương ở Hà Nội khiến người ta tự hỏi, liệu đó có phải một “đặc sản” của Hà Nội?

Mua hàng, được “khuyến mại” cái lườm, câu chửi
Cách đây chưa lâu, một phóng viên AFP đã mô tả về phở Hà Nội: “chỗ ngon nhất lại nằm ở những hàng quán không sạch sẽ, với những người bán hàng thô lỗ, dòng người xếp hàng dài và môi trường tồi tàn nhất”. Người ta nói vậy cũng chẳng oan, bởi ở Hà Nội, không khó khi đi bạn đi mua hàng, nhất là hàng ăn, mà được “tặng kèm” những cái lườm nguýt, thái độ khó chịu hay thậm chí… mắng chửi từ nhân viên phục vụ hoặc người bán hàng.
Có thể liệt kê những quán nổi như cồn với “quà tặng kèm” kiểu này như phở bò đứng phố Bát Đàn (khách phải trả tiền trước và thường phải ăn trong tư thế đứng), ốc luộc “lắm mồm” Nam Đồng (khách ngồi ăn quá lâu sẽ bị “quét” hoặc đuổi thẳng cổ để nhường chỗ cho người khác), bún dọc mùng “chửi” ở chợ Ngô Sĩ Liên, cháo gà ta “quát” phố Nhà Thờ và phố Lý Quốc Sư… Đến những quán này, khách hàng sẽ phải chuẩn bị tâm lý sẽ được phục vụ đồ ăn với thái độ cực kỳ “chảnh” kèm những từ ngữ hết sức khó nghe.

phở, bún-chửi, chả-cá, vấy-bẩn, thương-lái, tiểu-thương, khách-hàng, đặc-sản
Ăn phở đứng ở Hà Nội. Ảnh minh họa.
Hết bún “chửi”, cháo “quát” lại đến bánh trung thu “xếp hàng”. Không ít khách hàng đã phàn nàn về chất lượng phục vụ của cửa hàng bánh trung thu B.P như chỉ được phép mua 3 hộp, nếu ai thắc mắc lập tức bị đuổi đi, thái độ bán hàng “chảnh”, đưa hàng mà như ném vào mặt khách hay bán nhầm loại bánh.
phở, bún-chửi, chả-cá, vấy-bẩn, thương-lái, tiểu-thương, khách-hàng, đặc-sản
Bỏ tiền ra mua hàng, nhưng đôi lúc khách được "khuyến mại" cái lườm, câu mắng. Ảnh minh họa.
Không chỉ với những cửa hàng bình dân, ngay cả những nhà hàng trung, cao cấp, khách cũng không tránh khỏi bực mình. Anh Nguyễn Đức Minh (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) bực mình kể lại: “Hôm đó, nhóm bạn cấp 3 của tôi hẹn nhau ở quán C.B trên đường Thụy Khuê. Có khoảng 5 – 6 người đến trước nên chúng tôi chưa gọi món ngay.
Ngồi được 5 phút thì nhân viên với bộ mặt sưng xỉa hất hàm hỏi trống không: “Ăn gì, uống gì gọi đi”. Chúng tôi bảo lấy trước trà đá, lát nữa người đến đủ sẽ gọi món sau thì cô nhân viên hậm hực quay vào, giẫm chân bành bạch như cố tình để chúng tôi nghe thấy. Lúc bê trà ra, cô ta như ném mấy cái cốc xuống bàn rồi quay sang nhân viên bên cạnh chỉ trỏ chúng tôi, thì thào gì đó khiến chúng tôi rất khó chịu.
Tôi vẫy cô ta lại, yêu cầu gọi quản lý ra nói chuyện thì cô ta vênh mặt: “Quản lý đi vắng rồi!”. Đến khi các bạn tôi đến đủ và gọi món, cô phục vụ đó vẫn giữ thái độ rất khó chịu. Nếu không vì lỡ hẹn các bạn ở đấy, tôi đã bỏ về rồi!”
Sờ mà không mua, coi chừng bị đốt vía, ăn đòn
Ở nhiều cửa hàng trên phố, các chợ trên đất Hà thành, chỉ cần khách động vào hàng, hỏi giá mà không mặc cả hoặc mặc cả rồi mà không mua là có thể bị chửi, đốt vía, thậm chí là no đòn với chủ hàng.
Chị Nguyễn Minh Nguyệt (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Biết là buổi sáng khó mua hàng, hôm ấy tôi đã đợi đến giữa giờ chiều mới vào chợ Ngã Tư Sở mua quần áo. Thấy tôi hỏi xem hàng, bà chủ quầy mồm mép leo lẻo mời chào, quảng cáo. Tôi ưng một cái áo khoác, bà chủ phát giá 800.000 đồng, tôi mặc cả xuống 550.000 nghìn nhưng bà ấy không đồng ý. Tôi đưa trả lại kèm lời cảm ơn. Ai ngờ, bà ấy lập tức giở giọng chanh chua, đanh đá, rút giấy, bật lửa ra… đốt vía tôi”.

phở, bún-chửi, chả-cá, vấy-bẩn, thương-lái, tiểu-thương, khách-hàng, đặc-sản
Bị "đốt vía" là nỗi ám ảnh của nhiều "thượng đế" khi mua hàng của những người đanh đá. Ảnh minh họa.
“Bà ta dí vào mặt tôi miếng giấy đang cháy bùng bùng, hua hua mấy cái rồi không ngừng luồn qua luồn lại dưới háng mình, kèm theo những câu chửi hết sức tục tĩu, thô lỗ khiến tôi đỏ cả mặt. Bực mình, tôi bỏ đi thì vẫn bị bà ta chửi với theo, làm các chủ cửa hàng xung quanh cũng chú ý nhìn tôi lom lom. Tôi ghé vào mấy hàng khác định xem đồ thì bị các bà ấy “mát mẻ”: em thông cảm vào hàng khác xem nhé, hàng chị không có gì em mua được đâu!” – chị Nguyệt ấm ức kể lại.
Nghe giọng "chém" đẹp khách du lịch
Không chỉ người sống ở Hà Nội mới bực mình với cung cách phục vụ, buôn bán ở đây. Nhiều người, đặc biệt là khách du lịch đến với Thủ đô cũng “ngậm cục tức” khi bị mắng hoặc “chặt chém” ở Hà Nội.
Cô Phan Vũ Minh Tâm (đã nghỉ hưu) chưa quên cảm giác ấm ức sau một lần du lịch Hà Nội: “Lần đầu ra Hà Nội, tôi bị choáng vì bị nhiều người bán hàng nghe giọng tính tiền. Mua đồ gì cũng bị hét giá cao, đến ăn uống cũng vậy. Một ly trà chanh (loại bột pha sẵn) ở Hồ Tây, tôi bị người bán hàng tính giá 200.000 đồng, lại còn bảo: đấy là còn khuyến mại tiền ghế đá (!); đi ăn phở ở phố cổ thì bị tính 80.000 đồng/tô, trong khi khách khác chỉ có 35.000 đồng, tôi thắc mắc thì được giải thích là tô của tôi đặc biệt hơn. Nếu người phục vụ vui vẻ, có lẽ tôi sẽ đỡ bực, đằng này hỏi đến miếng chanh, trái ớt cũng bị nhăn, rồi hỏi nước tương ăn kèm, người ta bảo: điên à, phở ai ăn với nước tương!”
Một du khách miền Nam khác cũng chia sẻ câu chuyện bực mình khi đi ăn miến lươn ở một quán nổi tiếng phố Hàng Điếu: “Mình thèm đến chết món miến lươn trộn ở đây nên vào quán, mình kêu ngay 3 tô miến lươn trộn. Thế mà cô nàng phục vụ mang ra 3 tô… miến lươn nước. Mình hỏi lại thì chị ấy bảo là đã làm xong rồi không đổi được, dù có một người khách ngồi kế bên cũng xác nhận chuyện này. Cuối cùng, cô phục vụ vẫn một mực bảo: đã làm rồi, phải ăn thôi, không đổi được đâu, báo hại mình phải kêu thêm một tô miến trộn nữa để ăn cho đỡ ghiền!”

phở, bún-chửi, chả-cá, vấy-bẩn, thương-lái, tiểu-thương, khách-hàng, đặc-sản
Khách nước ngoài đến Hà Nội bị hàng rong bủa vây. Ảnh minh họa.
Chẳng cứ khách du lịch trong nước, khách du lịch nước ngoài cũng thường bị “chặt chém” ở Hà Nội khi đi ăn uống, đi taxi, xích lô, tiền khách sạn, bị hàng rong “bủa vây” ép mua hàng hay dụ chụp ảnh chung với nón lá, quang gánh rồi… vòi tiền.
Do người ngoại tỉnh?
Đó chỉ là một vài câu chuyện nhỏ trong văn hóa kinh doanh, văn hóa phục vụ ở Hà Nội. Thực ra, những câu chuyện chụp giật, thiếu chuyên nghiệp trong kinh doanh như thế này không chỉ có riêng ở Hà Nội, và cũng thực sự oan uổng khi đổ tất cả những thứ văn hóa lai căng, tạp nham, xấu xí đó lên đầu toàn bộ người Hà Nội.
Nhiều người già sống lâu ở Hà Nội hoặc những gia đình 7 – 8 đời gắn bó với hà Nội khẳng định: người Hà Nội xưa vốn nhẹ nhàng, cư xử tinh tế, khéo léo và thân thiện, ăn nói lễ phép chứ tuyệt nhiên không có hiện tượng thiếu lịch sự với khách như bây giờ.
Bác Nguyễn Thu Hà, một người Hà Nội gốc chia sẻ: “Nói người Hà Nội phục vụ kém, văn hóa ứng xử kém thông qua những hiện tượng trên là phiến diện, vì Hà Nội giờ đây đâu chỉ còn riêng những người được coi là gốc Hà Nội nữa. Tôi tin rằng trong những người kinh doanh, nhân viên phục vụ, bán hàng ở Hà Nội hiện nay thì chỉ có một phần nhỏ là người Hà Nội, gốc còn đa phần là những người từ các tỉnh lẻ di cư, nhập cư về đây. Chính sự pha tạp ấy đã đem theo những nét văn hóa khác, ứng xử khác làm hòa lẫn, làm xấu đi những nét văn hóa thanh nhã, lịch thiệp của người Hà Nội xưa, khiến cho văn hóa phục vụ khách không còn chuẩn mực”.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng đã trả lời trên báo chí về vấn đề này và cho rằng, sự thiếu văn hóa trong cách kinh doanh, phục vụ khách hàng chỉ mới “nổi” lên vài năm gần đây, và đó “là do cái mặt trái của căn tính người nông dân quen chửi bới, là do người tỉnh lẻ di cư về thủ đô mang tới chứ không phải là nét văn hóa của người Hà Nội gốc”.
Cũng có ý kiến cho rằng, đổ tội “thiếu văn hóa” cho người nhập cư là vô căn cứ, vì điển hình như ở thành phố Hồ Chí Minh, người nhập cư làm công việc kinh doanh cũng nhiều, nhưng văn hóa phục vụ của họ thì miễn chê. Anh Nguyễn Tiến Dũng, một người Hà Nội sống tại thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: “Quả thật, đi mua hàng ở thành phố Hồ Chí Minh rất thích, hầu hết đều nhã nhặn, vui vẻ. Tôi nghĩ có điều đó vì văn hóa phục vụ đã vào nền nếp từ lâu, người kinh doanh có điều kiện tiếp xúc với nền kinh tế thị trường sớm hơn, ít nhiều họ đã hấp thụ được tính văn minh của văn hóa thương mại và xác định phục vụ là nghề nghiệp của mình”.

phở, bún-chửi, chả-cá, vấy-bẩn, thương-lái, tiểu-thương, khách-hàng, đặc-sản
Một hàng ăn bị tố coi thường khách hàng trên Facebook. Ảnh minh họa.

Một luồng ý kiến khác thì cho rằng, lối cư xử thô lỗ của nhiều người bán hàng với “thượng đế” như vậy là những hệ lụy của thời kỳ bao cấp, thời cung không đủ cầu nên những người bán hàng họ tự cho mình cái quyền được đối xử với khách hàng thiếu lịch sự. Có người thậm chí còn cho rằng đó là… thương hiệu.

Ví dụ như hiệu kem T.T. trên con phố cùng tên lúc nào cũng tấp nập khách, dù ở khắp các quận, huyện Hà Nội có thể tìm thấy các đại lý của hãng này và dù các cô bán hàng vẫn giữ kiểu “chảnh” thời bao cấp, ít khi cười, luôn bắt khách chuẩn bị tiền lẻ và tỏ ra bực mình nếu khách chậm chạp.

Nhưng dù với lý do gì, sự thiếu văn hóa, thiếu chuyên nghiệp trong cách phục vụ, ứng xử với khách hàng ở Hà Nội có lẽ sẽ không tồn tại được lâu nữa, vì trong thời buổi cạnh tranh, người bán nhiều hơn người mua, ngoài chất lượng hàng hóa thì chất lượng phục vụ khách hàng luôn là điều mà “thượng đế” quan tâm.
(Pháp Luật Xã Hội)

Những tỳ vết của viên ngọc Singapore (2)

http://media.baotintuc.vn/2013/11/11/21/27/singapore1.jpg

Trong bài trước, cùng tên, tôi đã nói về một hiện tượng theo tôi là một dạng tỳ vết của cái gọi là viên ngọc Singapore – tỳ vết do họ quá và chỉ chăm chăm khai thác tỳ vết thâm căn cố đế về đạo đức và năng lực của các “danh nhân” cộng sản (như VN, TQ) – những kẻ tham ác nhưng lại tự cướp cho mình toàn quyền quản lý không có kiểm soát tài sản “toàn dân” nước họ - để kiếm lợi cho họ.

Cái tỳ vết đó, đúng như có người đã comment, phải “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, tức do các quan cộng sản “đảng ta” luôn cố tình để người ta khai thác mình thì họ mới “nương theo” mà kiếm chác từ của cải “toàn dân” chứ… Vì, các “doanh nhân” Singapore có tung tác được như thế (luôn tích cực có mặt và đứng sau những vụ tham nhũng của các cán bộ cộng sản…) thì là chỉ ở những nước cộng sản như VN hay TQ thôi, mà không phải ở Nhật, hay Âu hay Mỹ.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cũng ở VN hay TQ đó thôi, có rất nhiều các doanh nhân khác từ châu Á, châu Âu, châu Úc hay châu Mỹ, kể cả Canada và Nam Mỹ, tại sao chỉ có “doanh nhân” Singapore xuất sắc hơn hẳn trong việc tham gia hỗ trợ và rửa tiền cho các quan tham cộng sản? Là vì, họ có lợi lớn quá dễ dàng và vẫn luôn an toàn cho họ… An toàn, đó mới là vấn đề. Công dân một đất nước mà cảm thấy rằng mình có thể tham nhũng mà vẫn an toàn chính vì là công dân nước đó, thì hệ thống pháp lý (và cả đạo đức kinh doanh) của nước đó nhất định phải có vấn đề, dù việc tham nhũng xảy ra ở đâu, trong hay ngoài lãnh thổ của họ. Bởi vì, nếu không thì việc cha mẹ dậy con cái đừng ăn cắp hay gian lận chỉ nên giới hạn trong nhà, trong xóm ngõ mình thôi sao? Đi xa, bọn trẻ có thể tự do kết bè và trộm cắp, miễn là về nhà chúng vẫn ngoan?

Người Sing có vẻ không bận tâm về vấn đề này, họ không thấy xấu hổ khi các “doanh nhân” của họ thường xuyên dính líu đến tham nhũng ở các nước hàng xòm, nhất là các nước cộng sản, và họ càng không giúp đưa ra các tội phạm kinh tế như thế. Đất nước họ trở thành thiên đường cho các quan tham cộng sản Việt Nam múa may và hưởng thụ, miễn là đừng để lại dấu vết quá lộ liễu, nhé Mr.Goh…

Vì thế, dù có ngưỡng mộ đất nước Singapore bao nhiêu tôi cũng không thể chấp nhận được cách họ làm ngơ với việc các “doanh nhân” của họ giúp “doanh nhân” hàng xóm tham nhũng, miễn đó không phải tiền của họ.

Hôm nay, tôi muốn nói đến một khía cạnh nhỏ khác, một tỳ vết khác chăng, của viên ngọc Singapore, đó là cách họ khai thác không chỉ “những con người ưa tham nhũng” của nước khác mà qua đó khai thác rẻ mạt tài nguyên thiên nhiên của các nước xung quanh, sẵn sang gậy hại cho các nước đó, bằng và theo chính sách “hiệu quả kinh tế” của chính phủ Singapore hẳn hoi. Đây không còn là vấn đề cá nhân của các công dân “doanh nhân” Sing nữa…

Chúng ta biết, Singapore là một đảo quốc nhỏ tách ra từ bán đảo Malay, có nền kinh tế gắn kết khăng khít với kinh tế Malaysia, nhất là bang Johor Baru. Thành phố Singapore cần có nguồn cung cấp nước sạch, thực phẩm nông nghiệp, vật liệu xây dựng thô… từ hàng xóm vốn là cố quốc của họ - Malaysia. Lẽ ra, đó sẽ là lợi thế win-win cho cả hai nước. Cả hai bên đều có thể có lợi từ sự phát triển của Singapore và cả Malaysia.

Nhưng, vì thường quen và chỉ muốn “hơn người”, chỉ muốn có những kiểu quan hệ mà chỉ mình là có lợi, còn bên kia chỉ có vài cá nhân (mà họ mua chuộc được) có lợi “cỏn con”, nên các mối quan hệ vốn phải khăng khít của họ với các quốc gia hàng xóm, thì lại không bễn vững và không phát triển được.

Ví dụ, thay vì mua nước sạch từ Malay, rẻ cho họ và lợi cho Malaysia, Singapore phải tự chế nước sạch từ nước thải để được “độc lập” (Vì Malaysia quyết không “bán nước” cho họ nữa)… Họ cũng nắn dòng sông (Singapore Strait) chia cắt hai nước Malay-Sing để cố thay đổi dòng chảy tự nhiện sao cho có lợi cho họ hơn (như TQ đã và đang làm với các dòng sông biên giới…), khiến hai bên phải kéo nhau ra Trọng tài Quốc tế nhiều năm nay… Họ cũng đang mua cát san lấp để lấn biển phía Đông và Tây đảo quốc (phía Bắc là Malaysia và phía Nam là eo biển quốc tế Malaca rồi). Đầu tiên là họ mua từ Malaysia, sau Malaysia là từ Indonesia, nay cả hai nước này đều cấm xuất khẩu cát san lấp và xây dựng cho Sing (Tại sao “ngon” vậy lại cấm thế?), và họ đang mua chúng từ các quan tham Việt Nam (có “đèn xanh” từ cấp chính phủ)…

Hàng năm, Việt Nam đang xuất từ 20 đến 30 triệu m3 cát sông cho Sing, chủ yếu theo “tiểu ngạch” do họ mua cát (sau khi mua quan tham) thẳng từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, làm hủy hoại nghiêm trọng đời sống và môi trường hạ lưu MêKong, khiến cả khu vực này của nước ta vốn đang chìm dần vì thay đổi khí hậu toàn cầu, lại càng bị lún nhanh hơn... Và với tốc độ khai thác cát sông Cửu Long thế này, nhiều làng mạc ven sông đồng bằng sông Cửu Long sẽ “biến mất qua đêm” mà chính quyền cộng sản này vẫn sẽ vô tư không quan tâm…như hiện nay.

Cái giá để Singapore rộng ra và cao hơn sẽ là cát rẻ của đồng bằng sông Cửu Long, là đời sống của dân nghèo đang mưu sinh nơi đây, là chính đồng bằng sông Cửu Long! Và vựa lúa này của nước ta trong vài chục năm tới sẽ bị biển nhấn chìm trên 30% diện tích nhanh hơn tốc độ thay đổi khí hậu, chính là nhờ các quan tham cộng sản hút và bán được nhiều cát hơn cho chính phủ Singapore!

Hiện nay, cát tặc đang là nguyên nhân hay tác giả của những tai họa sụt lún ven sông khắp các khu vực miền Tây mà chính quyền đều làm ngơ và bảo kê cho chúng hại dân hại nước (đúng 100% nghĩa đen của từ đó), chỉ vì đồng đô la Sing bán cát cho chính quyền Sing đang chạy thẳng vào hệ thống túi vô đáy của các quan tham, đến tận thủ tướng (tay chân và người nhà TTg đang cai quản đường dây này…).

Dường như chính quyền Singapore cố tình nhắm mắt làm ngơ không quan tâm (và tất nhiên sẽ không chịu trách nhiệm) hậu quả việc mua cát lấn biển bằng mọi giá rẻ nhất của họ hiện nay. Nếu hàng năm có thêm hàng trăm hàng nghìn mái nhà, mảnh vườn ven sông của người nghèo Việt Nam (cụ thể ở đồng bằng Miền Tây) bị biến mất, bị nhấn chìm… do các quan cộng sản đã miệt mài hút cát dưới đó bán rẻ cho họ - Singaporeans làm sân bay mới trên biển… thì đó là việc của người Việt.

Vâng đúng là việc của người Việt gây ra cho người Việt, nhưng họ - chính phủ Singapore biết rõ tại sao- vì lợi ích gì những kẻ “người Việt” đó làm thế, và biết rõ chính họ - Sinaporeans đã làm tất cả để những “kẻ đó” làm thế - tự giết đồng bào mình, tự phá đất nước mình…. vì quyền lợi của Singapore, thì họ có hoàn toàn vô can?
Cũng giống như ví dụ “mua cát” trên, các dự án kinh doanh, đầu tư mà của chính phủ Singapore hậu thuẫn ở nước ngoài, họ chỉ quan tâm “hiệu quả kinh tế” trước mắt, bất chấp các nguyên tắc đạo đức kinh doanh để hai bên phát triển bền vững. Có lẽ cộng sản Việt nam có thể giết hết nông dân để lấy đất giao cho họ làm các khu công nghiệp VSIPs, họ cũng không quan tâm?

Chả thế mà, khi thủ tướng Lý Quang Diệu của Sing sang tư vấn kinh tế cho các quan chức cộng sản Việt Nam, họ đã không dạy được điều gì và các quan cộng sản VN đã không học được điều gì. Bởi vì, người Sing không thực sự quan tâm lợi ích của người khác? Người Sing không hướng đến những hợp tác bên kia cũng có lợi bền vững?

Và bởi vì, không chỉ cái “hiệu quả và lợi ích kinh tế” trước hết và trước mắt mà Singaporean tôn sung – đối với hai bên quá khác nhau, mà trước hết là vì bản thân người dạy thường không làm đúng những điều họ dạy, là trong bản chất của kinh doanh, đó là các hoạt động hai bên đều phải có lợi minh bạch để cùng phát triển bền vững.

Thế nhưng, người Việt (cụ thể là chính quyền cộng sản Việt Nam) lại rất say mê và có lẽ đã học được từ người Sing, từ chính phủ Sing “nhiều điều” trong một lĩnh vực khác hẳn mà chính những người thầy Singapore cũng không ngờ.

Đó là cách nội trị và xử lý các đảng phái khác chính kiến (ở ta gọi là “các thế lực thù địch” đó) của họ - chính phủ Singapore hay đảng PAP, từ ngày họ dựng nước đến nay, để đạt được cái gọi là “ổn định chính trị”. Tôi không coi đó là điều đáng học từ Singaporeans, mà tôi coi đó cũng là một dạng tỳ vết khác của Viên ngọc Singapore. Nhưng có lẽ đó sẽ là đề tài cho entry sau của tôi trong loạt entry này, khi có điều kiện.

Tuy nhiên, tôi vẫn xin nhắc lại quan điểm của mình: ngọc nào mà không có tỳ vết, và chính vì có những tỳ vết đó chúng mới là ngọc thật. Bởi vì, khi con người ta đang tạo ra những gì sau này bị gọi là “tỳ vết” của mình, lúc đó chúng ta đang cố gắng làm điều chúng ta tin rằng sẽ tốt đẹp nhất, không phải là sẽ để lại những tỳ vết…
  Phan Châu Thành
  (Dân luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét