Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Sự kiện 8888 và ‘vết nhọ’ quốc gia

Nhà văn Thiết Ngưng
Nhà văn Thiết Ngưng
NTT: Gọi Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc Thiết Ngưng là “hoa hậu”, vì bà là người đẹp, lại đứng đầu Hội.
Theo vanvn.net: Nhận lời mời của nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đoàn đại biểu Hội Nhà văn Trung Quốc do nhà văn Thiết Ngưng dẫn đầu đã sang thăm Việt Nam và làm việc với Hội Nhà văn VN.
Chiều ngày 4/11/2013 đoàn đã đến sân bay Nội Bài. Tiếp đón đoàn nhà văn Trung Quốc tại khách sạn Daewoo có Chủ tịch Hội Nhà văn VN, nhà thơ Hữu Thỉnh, cùng hai Phó Chủ tịch Hội: nhà văn Nguyễn Trí Huân và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều; ngoài ra còn có các ủy viên BCH Hội: nhà văn Phan Trọng Thưởng, Đình Kính, Đào Thắng.
Trong buổi sáng 05/11/2013, đoàn nhà văn Trung Quốc thăm và làm việc tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Trong buổi chiều cùng ngày, đồng chí Đinh Thế Huynh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã tiếp đoàn. Đồng chí Đinh Thế Huynh đã nhiệt liệt chào mừng các nhà văn Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Đồng chí đánh giá việc giao lưu giữa các nhà văn hai nước là rất cần thiết, góp phần củng cố tình hữu nghị giữa hai dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã dày công xây dựng.
Nhà văn Thiết Ngưng – Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc thay mặt đoàn nhà văn cám ơn đồng chí Đinh Thế Huynh. Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này, được chứng kiến sự phát triển của thủ đô Hà Nội, các nhà văn Trung Quốc rất khâm phục và vui mừng. Nhà văn Thiết Ngưng bày tỏ sự cảm kích của bản thân bà và các thành viên trong đoàn trước sự đón tiếp nồng hậu, thân tình của Hội Nhà văn Việt Nam.
Các nhà văn Việt Nam đón chào đoàn nhà văn Trung Quốc
Các nhà văn Việt Nam đón chào đoàn nhà văn Trung Quốc
*

NỒI LẨU

Truyện của THIẾT NGƯNG
Hai người tay trong tay đứng bên cửa sổ ngắm tuyết. Tuyết đã rơi từ sáng sớm, cây lựu trước sân giống như được khoác thêm chiếc áo len trắng vậy, trông vô cùng ấm áp.
Cây lựu đó tuy chỉ cao hơn đầu người tí chút nhưng không vì thế mà ít quả. Thu rồi đếm sơ sơ cũng có hơn bốn chục trái, cành nào cành nấy trĩu cong sát đất. Thời tiết khi đó vẫn còn chưa lạnh. Bà kéo ông ra trước cây lựu, giọng điệu vừa có chút khâm phục vừa mang vẻ cảm khái: Trông nó mệt mỏi quá!
Cứ như cây lựu đó là một bà bầu trong nhà họ vậy.
Ông bảo: “Tôi không nghĩ cây biết mệt mỏi!”.
Bà cãi: “Tôi bảo nó mệt là nó mệt!”.
Ông cười dòm dòm bà: “Bà này!”.
Hôm nay đứng trước cửa sổ, bà lại bảo ông, cây lựu trong tuyết khoác chiếc áo len trắng thật ấm áp.
Ông bảo: “Sao tôi không thấy vậy?”.
Bà cãi: “Tôi lại cứ thấy vậy đấy!”.
Ông cố ý làm như đang tranh luận: “Thân cây phủ đầy tuyết thì sao mà ấm áp được chứ?”.
Bà gấp gáp lắc nhẹ tay ông: “Tôi bảo ấm áp là ấm áp mà!”.
Ông nói vẻ hối lỗi: “Được rồi, được rồi! Bà bảo ấm áp tức là ấm áp!”.
Bà cười, biết là ông sẽ phải nói như thế, và cũng vì biết ông sẽ đáp lại như thế nên trong lòng bà cảm thấy vô cùng ấm áp.
Ông tám mươi bảy.
Bà tám mươi sáu.
Ông là chồng của bà.
Bà là vợ của ông.
Từ khi lấy nhau cho đến nay ông đều nhất nhất chiều theo tính nết của bà. Ông để bà quản lý gia đình, nhường nhịn bà mỗi khi bà giận dỗi, để bà quyết định phong cách ăn mặc cho mình, để bà lau chùi vài thứ đồ đồng, đồ bạc trong nhà gồm vẻn vẹn một đôi bát bạc, một đôi đũa bạc và một cái nồi lẩu bằng đồng đỏ được dùng mỗi dịp tết đến xuân về.
“Tuyết rơi đẹp thế này, chúng ta phải ăn lẩu mới được!”. Bà rời khỏi cửa sổ rồi đề nghị.
“Thế thì ăn thôi!”. Ông nắm tay bà hưởng ứng.
Hai người bèn ngồi xuống chiếc ghế sofa hai chỗ cạnh cửa sổ đợi cô Điền đến.
Cô Điền là người giúp việc theo giờ của gia đình, mỗi tuần đến hai lần để quét dọn nhà cửa và mua thực phẩm. Hôm nay vừa khéo đúng ngày cô Điền sẽ đến làm việc. Tuyết vẫn rơi nhưng ông bà không hề lo cô giúp việc kia vì bị tuyết cản trở mà không đến. Họ biết cô hơn 20 năm rồi. Đó là một quả phụ thật thà và hoạt bát.
Cô Điền đến rồi.
Quả nhiên gió tuyết không làm khó được cô.
Hai ông bà tranh nhau bảo với cô là hôm nay sẽ ăn lẩu.
Cô Điền nói: “Cụ ông cụ bà hôm nay thật là cao hứng!”.
Cô vẫn thường gọi hai người như thế.
Bà bảo: “Cao hứng hay không cũng còn phải xem thời tiết!”.
Cô Điền nói: “Thời tiết sao có thể quyết định tâm tình của con người được chứ? Cứ xem hai cụ đây, từ sáng sớm tinh mơ đã tay trong tay. Thật khiến cho lớp con cháu hậu bối chúng con chẳng biết giấu mặt vào đâu!”.
Quen biết đã quá nhiều năm rồi nên cô Điền cố tình đùa một câu hơi vô phép.
Hai ông bà kệ cho cô giúp việc nói cười vẫn ngồi im trên ghế, tay hai người cũng không vì thế mà rời nhau ra.
Thực ra thì cô Điền sớm đã quen với cảnh hai ông bà già ngồi bên nhau tay không rời tay này rồi. Từ khi biết họ đến nay, đã mười mấy năm rồi họ dường như vẫn ngồi như vậy. Họ ngồi ở đó xem cô lau mặt bàn, lau sàn nhà, hút bụi cho bộ sofa và rèm cửa sổ, phân loại rau dưa thịt cá để cho vào tủ lạnh…Gặp ngày thời tiết tốt, họ có thể sẽ rủ cô cùng họ đi chợ hoặc đi siêu thị. Cụ ông sau một hồi đi tới đi lui sẽ đột nhiên dừng chân bảo với cụ bà: “Gãi gãi chút!”. Đó là vì cụ bị ngứa lưng. Cụ bà cho tới tận khi đó mới tạm rời tay cụ ông, sau đó luồn tay vào áo để giúp ông gãi ngứa. Cô Điền ở bên cạnh chỉ có cười mà thôi. Họ vốn chẳng coi cô như người ngoài nhưng cũng chẳng có ý định mời cô làm việc cả tuần hay mời người khác đến làm gối với cô. Cô biết họ thậm chí cũng chẳng mấy mong mỏi bốn người con và lũ cháu của họ vẫn định kỳ về chơi thăm hỏi. Đó dường như là một sự làm phiền. Làm phiền thói quen tay trong tay ngồi bên nhau không một chút miễn cưỡng và vĩnh viễn không bao giờ biết chán của họ. Mỗi lần lũ con cháu về, họ chỉ muốn mau mau đuổi cổ chúng đi, thái độ không khỏi khiến người ta cảm thấy đôi vợ chồng già này đang giấu giếm mọi người chuyện gì đó. Thật không biết là duyên phận từ đời nào kiếp nào nữa! Cô Điền thở dài, vừa cảm thấy sự cô độc thê lương của bản thân đồng thời lại bị không khí yên lành tràn ngập khắp căn phòng này truyền nhiễm.
Ông giục cô Điền đi mua thịt cừu, bà thì bảo cô mang giấy ra ghi lại các thứ gia vị phụ liệu để khỏi quên. Cô Điền lấy từ trong bếp ra một tờ giấy đã được gấp vuông vắn trải ra bàn rồi nói: “Lần trước đi mua con đã ghi lại rồi. Con đọc để hai cụ nghe nhé, chẳng qua cũng chỉ có tào phớ, nước mắm tôm trong, hoa hẹ, tương ớt, dầu hoa tiêu, tỏi ngâm, rau cải bắp, rau thơm, bánh phở, đậu phụ đông…”. Cô Điền đọc xong, ông thủng thẳng bảo: “Cô quên không ghi dầu mè à?”. Bà chen vào: “Dầu mè ở nhà vẫn còn nửa lọ đấy!”. Ông lại bảo: “Còn tảo biển nữa. Lần trước đã quên rồi!”. Cô Điền vâng lời ghi thêm vào tờ giấy khoản tảo biển.
 Nhúng tảo biển là sáng kiến của ông. Sau khi ăn rồi bà cũng thích luôn.
Tảo biển quả là một món ngon.
Cô Điền nghe dặn dò xong bèn vội vàng ra chợ, trước khi đi vẫn không quên từ trong bếp bê ra một cái nồi lẩu bằng đồng đỏ nặng trịch đem đặt lên chiếc bàn ăn hình vuông trong căn phòng ăn kiêm luôn phòng khách của ông bà, cạnh đó lại để một hộp kem đánh răng và một miếng vải mềm nhỏ. Đó là một thói quen của bà. Cứ cách một khoảng thời gian bà lại phải lau chùi nồi lẩu. Lâu lâu không lau bà sẽ cảm thấy có lỗi với nó. Lần trước ăn lẩu xong bà vẫn còn chưa lau chùi. Cũng có đến non nửa năm rồi còn gì. Lần đó ông bà làm lẩu để chào đón cô cháu dâu mới chưa biết mặt.
Ông thấy bà định đi lau nồi thật bèn ngăn lại nói: “Hôm nay đừng lau nữa, cũng chỉ có hai ông bà già, Cứ nhất thiết phải cầu kỳ thế sao chứ?”.
Bà bảo: “Ờ! Nhất định phải như thế đấy! Hai người ăn cũng phải có cái nồi sáng choang mới được!”. Nói xong bèn rời ghế sofa đến ngồi bên bàn ăn cầm mảnh vải nhỏ lên, lại cầm tuýp thuốc đánh răng bóp vào đó một ít rồi bắt đầu công việc lau chùi quen thuộc.
Ông cũng đi đến ngồi xuống phía đối diện xem bà làm việc. Cái nồi đó quả thật là rất lờ nhờ, mà cũng có thể là mắt ông lờ nhờ. Ông nheo mắt nhìn, cái nồi lẩu trước mắt ông không những không bóng láng mà ngay cả đường nét cái miệng nồi cũng nhập nhèm chẳng rõ. Cả ông và bà đều bị bệnh đục thủy tinh thể. Ông bị hai mắt còn bà bị mắt bên phải. Bác sĩ nói đây là kiểu đục vỏ thủy tinh thể, chờ đến giai đoạn đục chín thì có thể tiến hành phẫu thuật. Ông đã hẹn với bà rồi. Đến lúc đó cả hai vợ chồng sẽ cùng nhập viện.
Bà vừa lau cái nắp nồi vừa nói: “Ông xem! Chỗ lau xong khác hẳn với chỗ chưa lau đấy!”.
Ông cảm nhận được sự hứng khởi của bà bèn phụ họa theo: “Đúng là khác hẳn nhỉ! Thế mới gọi là nồi lẩu chứ!”.
Hai ông bà đều thích ăn lẩu. Cũng nhờ ăn lẩu mà ông bà quen biết nhau. Hồi đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, hai người vẫn còn đang tuổi thanh niên, cuối tuần đi cùng với đồng nghiệp của mình đến DongLaiShun1 ăn bữa lẩu. Những năm đó phổ biến kiểu “Lẩu cộng hòa”, thanh niên nam nữ chưa có gia đình rất yêu thích. Cái gọi là “cộng hòa” tức là một số thực khách không quen biết cùng ngồi ăn chung một nồi lẩu. Nước dùng là của chung. Giữa nồi có dải ngăn cách tượng trưng, giống như ngày nay người ta làm các vách ngăn cách trong văn phòng làm việc vậy. Lúc ăn mỗi người sẽ có một ô trong nồi để tự nhúng thịt cừu và các đồ ăn khác mà mình đã gọi. Tiền nồi lẩu và nước dùng thì bổ theo đầu người ăn nên rất tiết kiệm. Con người và môi trường ngày đó đều rất thuần khiết, không có SARS mà cũng chẳng có H7N9. Những con người xa lạ ngồi chung bàn, ăn chung nồi cũng chẳng e ngại tị hiềm gì, Cảnh mọi người vây quanh một chiếc nồi lớn đó quả có cái không khí bốn bể đều là anh em.
Hôm đó ông ngồi cạnh bà, sau khi ăn hết phần đồ ăn mình đã gọi bèn thò đũa sang gắp đồ ăn trong đĩa của bà. Hai đĩa vốn cũng để cạnh nhau mà. Trông ông khi đó không có vẻ là cố ý nên bà cũng ngại không muốn nói. Có điều khi thấy ông cứ liên tục gắp liền mấy gắp, anh bạn đi cùng bà bèn dùng đũa của mình gõ gõ lên thành nồi lẩu bảo: “Này này đồng chí! Cái nồi này là dùng chung nhưng đĩa thịt đó là của cá nhân người ta đấy!”.
Mọi người trong bàn cười ồ lên.
Lúc đó ông mới như sực tỉnh.
Vậy nhưng bà lại vì thế mà có cảm tình với ông, cũng giống như kiểu cảm tình mà ông dành cho bà vậy. Sau này ông bảo, hôm đó ông vừa ngồi xuống cạnh bà tim liền đập loạn lên. Bà chất vấn, có phải ông cố tình gắp đồ ăn trong đĩa của bà để gây sự chú ý không? Ông thật thà đáp, lúc đó ông chẳng nghĩ được nhiều như thế, mà cũng chẳng biết bản thân đang làm gì nữa. Thế rồi ông bà bắt đầu hẹn hò. Bà thì biết được ông là kỹ sư đường sắt – chả trách trông hơi ngây ngô. Ông thì biết bà là người thuyết minh trong một viện bảo tàng – chả trách mà khéo ăn khéo nói. Rồi hai người trở thành vợ chồng. Trong số đồ hồi môn của bà, ngoài một đôi bát bạc, một đôi đũa bạc ra, còn có cả một cái nồi lẩu bằng đồng đỏ.
Chiếc nồi đồng đó được truyền lại từ đời ông ngoại của bà. Nhà ông ngoại vốn là nghệ nhân làm nồi lẩu. Những nồi lẩu được gia công bằng tay đó chuyên để cung cấp cho hoàng cung. Chiếc nồi đồng đó của bà, đồng thì là loại đổng đỏ thượng đẳng, láng bóng nhưng không chói mắt. Vung cũng như mặt ngoài của nồi đều trang trí bình thường, chỉ có men theo cái cửa lò hình chữ Nhân có chạm khắc những cụm mây bằng đồng thau. Mỗi khi rỗi rãi bà lại mang chiếc nồi ra lau chùi, cắt đoạn tay áo cũ bà đã từng mặc, nặn một ít kem đánh răng hoặc phấn rôm vào mà lau. Bà là người thích sạch sẽ, có thể dùng bì lợn để đánh cho cái mặt kiềng đúc bằng sắt trên miệng bếp than tổ ong trở thành một miếng gương soi. Khi tinh thần của bà chuyên chú vào việc lau chùi nồi lẩu, không khí trong nhà chẳng hiểu sao đột nhiên trở nên rất sinh động, cái sự thèm ăn của ông cũng bị khơi dậy, cứ như sắp sửa được chén một bữa lẩu tại Donglaishun vậy.
Bà vốn đã từng làm lẩu cho ông ăn. Không có thịt. Chỉ có cải bắp và tép khô chấm với xì dầu. Sau khi ông bà kết hôn chính là thời điểm nghèo túng thực phẩm, thiếu thịt thiếu mỡ, ngay cả các loại thực phẩm phụ cũng phải mua bằng tem phiếu. Các gia đình bình thường rất hiếm khi sửa soạn được một nồi lẩu nhúng thịt – đi đâu mà mua thịt cơ chứ? Trong vòng tám năm, ông bà sinh liền 4 người con, quanh năm suốt tháng đều phải tính toán chi li, vá gấu giật vai. Tuy nhiên ông lại rất thích món lẩu tép khô rau cải hay rau cải tép khô đó của bà. Khi ông ngồi gần nồi lẩu nóng hổi đang sôi sùng sục đó, trái tim ông vụt trở nên ấm áp, có cảm giác như làn hơi nóng đang tỏa ra khắp nhà đó đang quyện chặt lấy ông, sưởi ấm cho ông. Trong nhà nhất định phải có nhiệt. Một nồi lẩu đang bốc khói hay một mặt kiềng bếp than tổ ong sáng choang, nơi có thể đặt trực tiếp bánh bao màn thầu lên đó để nướng đều khiến ông cảm thấy vô cùng quyến luyến. Chỉ có điều ông vốn vụng về trong đường ăn nói nên không thể lập tức đem thứ cảm giác đó ra biểu đạt cho bà hiểu. Ông chăm chú thả rau cải vào nồi. Bà thì nhanh tay nhanh mắt mò tép khô trong nồi nước lẩu đang sôi sùng sục cho ông. Cả thảy mới có một nhúm nhỏ tép khô. Cho vào nồi rồi chẳng còn nhìn thấy bóng dáng con nào nữa. Vậy mà bà với kỹ thuật siêu đẳng, hệt như đang mò kim đáy bể vậy, tay nắm chặt đũa tre nhăm nhăm gắp tới, lần nào lần nấy đều trúng đích. Mỗi khi bà với tay qua nồi lẩu để bỏ con tép chỉ bằng cái đầu sợi vào bát cho ông, ông lại đưa mắt nhìn sang bà qua làn hơi nước trắng xóa. Cùng lắm thì có thêm một câu: “Xem bà kìa!”.
Nhiều lúc ông cũng muốn tìm kiếm chút tinh hoa trong nồi lẩu để gắp cho bà cho dù đó chỉ là vài con tép khô ít ỏi. Có điều tay chân ông vụng về, lần nào cũng gắp hụt. Chỉ có một lần, đôi đũa của ông bất ngờ kẹp được một miếng mồi lớn. Nhấc lên khỏi mặt nước nhìn xem thì hóa ra là một quả hồi màu đỏ sậm. Bà bảo ông mau thả nó lại nồi. Cả nồi nước lã đun sôi chỉ có nó để lấy hương thơm đấy. Ông không tranh đua với bà vụ bắt tép trong nồi lẩu nữa, hởi lòng hởi dạ ngồi ăn tép khô bắp cải, đột nhiên ngẩng đầu lên thốt một câu: “Mình đấy!”.
Ông biết cả đời này ông không xa được bà, cũng giống như bà chưa bao giờ nghĩ sẽ rời xa ông vậy. Từ trước đến nay ông bà chỉ rời xa nhau có vài lần ít ỏi, bao gồm cả bốn lần bà nhập viện sinh con. Cũng phải kể đến lần ông bị đưa đến vùng rừng núi hẻo lánh lao động một năm trong cuộc đại cách mạng đó. Sau đó ông và một số đồng nghiệp trở về thành phố trước thời hạn và được biên vào một tổ nghiên cứu khoa học chủ chốt phục vụ cho công tác xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên của Bắc Kinh. Tuy ông còn lâu mới được là nhân vật chính trong công cuộc đó, cũng không thực sự có gì nổi trội, nhưng tất cả những điều đó đều chẳng ngăn được cậu con trai út của ông bà mỗi lần đi tàu hỏa lại lớn tiếng khoe khoang với chúng bạn: “Biết ai thiết kế tuyến đường sắt này không? Bố tớ đấy!”.
Cô Điền đã về. Thịt cừu, rau cỏ nguyên liệu đều đầy đủ cả. cô chui vào bếp, cái gì cần rửa thì rửa, cái gì cần thái thì thái, thoáng một cái đã có khay to đĩa nhỏ để thành một khoảnh. Cô lần lượt bê những khay những đĩa đó ra cái bàn ăn hai cụ đang ngồi rồi xếp chúng vòng quanh cái nồi lầu giống như quần tinh chầu nguyệt vậy. Tiếp đó cô lại phải bê cái nồi lẩu đồng đỏ đó đi – bà cụ lau chùi khiến khắp nồi toàn dấu vết của kem đánh răng – cần phải dùng nước để rửa cho sạch. Có khác gì một người đi tắm đâu, không thể bước ra khỏi nhà tắm khi khắp người còn đầy bọt xà phòng chứ! Cô Điền để cái nồi dưới vòi nước trong bếp rồi xả nước để rửa. Cô phát hiện ra chiếc nồi chẳng sáng bóng như những lần trước bà cụ đã lau, thân nồi chỗ sáng chỗ xỉn còn phần chân thì gần như chẳng lau chùi gì đến, rìa mép còn nguyên những mảng xanh xám của gỉ đồng. Nghĩ đến căn bệnh về mắt của cụ bà, cô bất giác nhủ thầm: “Đúng là đã làm khó cho cụ rồi!”. Bên ngoài bà cụ hỏi với vào: “Nồi lau xong có sáng không?”, giống y đứa trẻ đang chờ đợi người lớn khen thưởng vậy. Cô Điền định bụng sẽ nói dối nên lớn tiếng đáp: “Sáng đến nỗi soi thấy cả bóng của con đây này! Cả cái bớt vàng sậm trên mặt con cũng nhìn thấy!”.
Ông bà nghe cô Điền nói vậy đều cười ha hả.
Cái nồi lẩu nặng trịch đổ đầy nước trắng, sau khi thêm hành, gừng, hồi và một ít tôm nõn lại được cô Điền bê trở lại bàn ăn, chỉ cần đợi nước lục ục sôi lên là bữa lẩu nhúng chính thức được bắt đầu. Ông bà háo hức nhìn cái nồi trên bàn và những chén đĩa bày xung quanh nó. Cho dù trong mắt hai người, chiếc nồi đó tuyệt đối không thể gọi là hào quang tỏa ra tứ phía nhưng sự hình dung của cô Điền khiến ông bà tin rằng chiếc nồi vẫn sáng bóng giống với trước đây vài năm, thậm chí vài chục năm. Cô Điền thì đang theo thói quen nghề nghiệp nghiêng đầu ngó ngó cái cửa lò ở chân nồi lẩu. Than củi phải đỏ rừng rực chứ? Vừa nhìn vào,  “Thôi chết rồi!”. cô thảng thốt kêu lên một tiếng.
Đúng là bận mải quá thành ra tai hại.
Cô quên béng việc mua than củi!
Cái sự quên này khiến ông bà hơi mất hứng, có điều hai người đều không hề định bàn lùi mà chuyển sang phương thức khác – dùng cái nồi lẩu điện mà cô cháu dâu mua tặng. Ông đã từng bảo: “Cái này mà cũng gọi là nồi lẩu sao?”. Cô Điền cũng không định động viên hai cụ dùng nồi lẩu điện. Cho dù là vì cái nồi đồng đỏ chỗ sáng chỗ tối mà cô đã bê ra bàn ăn, cô cũng phải đội tuyết đi một chuyến nữa để mua than. Cho dù là vì tâm tình của cụ ông và cụ bà. Cũng đáng!
“Đợi con nhé! Một lát là về tới thôi!”. Cô Điền nói như đang dỗ dành hai đứa trẻ vậy, sau đó như một cơn gió phóng ra ngoài cửa.
Ông bà nhẫn nại đợi cô Điền về cùng với than củi. Bà đi vào bếp pha dầu mè. Ông đi theo sau, lẩm bẩm vẫn câu đó: “Mình đấy!”.
Cả đời ông chưa nói với bà một câu nói du dương nào. Hình như cũng chưa từng viết qua thư tình. Tuy nhiên bà vẫn còn nhớ một chuyện xảy ra khi cô con gái lớn vừa tròn một tuổi rưỡi. Chủ nhật đó ông bà dẫn con ra công ty bách hóa để mua vải hoa. Lúc đang xếp hàng trả tiền thì cô bé đòi đi tiểu. Ông bế con đi vào nhà vệ sinh còn bà tiếp tục đứng giữ chỗ chờ đến lượt. Một lúc sau bà đột nhiên cảm thấy có người ở đằng sau đang khẽ động lên tóc mình. Bà se sẽ quay đầu lại và nhìn thấy ông đang bế con gái đứng ngay sau lưng, tay cầm bàn tay nhỏ xíu của con vuốt lên tóc vợ. Kể từ đó, mỗi lần nhìn thấy hoặc nghe thấy từ du dương là bà lại nhớ đến lần đứng xếp hàng ở công ty bách hóa ông đã mượn tay con gái để vuốt tóc mình. Đó chính là thứ ngôn từ du dương ông giấu kín để dành cho bà, cũng chính là cách ông công khai thể hiện tình yêu đối với bà. Giờ đây khi mà hai người đều đã già, toàn thân đâu đâu cũng thấy bệnh. Thính giác, vị giác, khứu giác và thị giác đều như nhau, đang dần từng bước lão hóa hết cả, nhưng mỗi lần nhớ lại ngày chủ nhật của hơn nửa thế kỷ trước đó, mái tóc đã lơ thơ bạc trắng và khô xác của bà lại vẫn có thể cảm nhận được sự tung bay thoáng qua, làn da nhăn nheo sau gáy của bà vẫn có thể cảm nhận được luồng tê dại nóng bỏng.
Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau, cô Điền lại trở về, tay xách cái túi đựng đồ của Gia Lạc Phú miệng liến thoắng: “Than đến rồi! Than đến rồi! Của hiếm đấy! Mỗi Gia Lạc Phú có!”.
Nước trắng trong nồi lẩu được sự cổ động của than củi, chẳng bao lâu sau bắt đầu lên tiếng lục ục. Cô Điền mời cụ ông cụ bà nhập tiệc, lại mau mắn giúp hai người nhấc cái vung nồi lẩu nóng rẫy tay đặt sang một bên.
Ông bà ngồi xuống đối diện với nhau rồi không hẹn mà cùng đưa mắt nhìn qua chiếc đồng hồ treo trên tường. Lờ mà lờ mờ! Hình như là 11 rưỡi rồi? Nếu không thì là 12 rưỡi? Hai người trong lòng ái ngại đồng thanh nói: “Thật đã khiến cô phải vất vả rồi!”.
Không có tiếng cô Điền trả lời. Cô sớm đã lén chuồn ra ngoài rồi. Cô biết rõ rằng trong lúc này, đừng nói là bên cạnh hai cụ có thêm một người, cho dù chỉ thêm một cái bát không thôi cũng đủ khiến hai người vướng mắt.
Ông bà yên lặng ngồi ăn lẩu. Cũng giống như trước đây, vẫn là bà tiếp cho ông nhiều hơn. Hai người không còn ăn nhiều được như ngày xưa. Cảm nhận của vị giác đối với miếng thịt nhúng tươi ngon và những chua, chát, mặn, ngọt của gia vị cũng đã giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên nồi lẩu bốc hơi nghi ngút trên bàn kia vẫn khiến ông bà vô cùng hứng khởi. Hai người cùng gắp bỏ vào nồi thịt cừu và đồ ăn trong những khay đĩa nhìn rối cả mắt bốn xung quanh. Bà vớt mấy miếng thịt cừu cho vào bát ông. Ông thì gắp một miếng đậu đông bỏ sang bát bà. Bà lại vớt cho ông một miếng tảo biển. Ông cứ như đang thi đua với bà vậy, cũng chăm chú đi mò tảo biển. Mò một lát, ông đột nhiên cảm thấy đầu đũa đang trầm mình trong nồi nước lẩu mắc phải một thứ gì đó rất đầm bèn vội cắp chặt lấy nó rồi nhấc lên. Một miếng tảo biển! Dài như một quả mướp nhỏ! Ông giơ cao đôi đũa bảo: “Bà ăn đi!”.
Bà nhường nhịn: “Ông ăn!”.
Ông đưa đôi đũa về phía bát bà: ‘Bà ăn đi!”.
Bà giơ tay ngăn lại nói: “Ông ăn! Ông thích ăn mà!”.
Ông đắc ý bỏ miếng tảo biển đang kẹp chặt trên đầu đũa vào bát của bà: “Hôm nay tôi cứ muốn gắp cho bà ăn!”.
Bà cảm thấy trong làn hơi nước nóng hổi đang bao phủ, khóe mắt hơi đỏ của ông ngập tràn vẻ mừng vui hớn hở. Bà cười khẽ rồi cúi xuống cắn một miếng nhỏ tảo biển trong bát. Cắn không được! Bà lại thử một lần nữa. Vẫn không thể cắn được! Bà bèn gắp miếng tảo biển giơ lên sát mặt nhìn kĩ lại.
Nhìn rõ rồi!
Bà đang cắn một mảnh giẻ lau!
Hai người đã gắp miếng vải mà bà vừa lau bỏ vào nồi nước lẩu.
Ông hỏi bà ăn có ngon không?
Bà vội gắp một lá bắp cải to trong khay đậy lên miếng tảo biển: “Ngon! Ngon lắm!”.
Bà mừng vì chính mình chứ không phải ông vớ phải miếng tảo biển đó. Bà còn muốn nói với ông rằng, trong đời bà, đó là thứ hương vị biển tươi ngon nhất mà bà đã từng ăn. Chỉ có điều, một luồng nhiệt nóng bỏng từ tận sâu trong lòng bỗng trào lên khiến bà nghẹn ngào không nói nên lời.
Bà không nói thêm được câu nào nữa.
Ông lại bỏ vào nồi một nhúm mì gạo. Bà không ngăn ông. Lúc húp nước mì, chẳng ai phát giác ra mùi thuốc đánh răng hết.
Bà ôm cái bát bằng cả hai tay. Bà muốn bảo với ông rằng, hôm nào trời đẹp phải đến bệnh viện một chuyến. Bà muốn biết phòng điều trị trong đó có cho nam nữ nằm chung không? Bà mong muốn nhất là được nằm cùng phòng bệnh với ông.
Tuyết vẫn còn rơi. Ngoài cửa sổ trắng xóa một màu. Cây lựu trước sân chắc không còn giống như đang khoác lên mình chiếc áo len trắng nữa. Bà e nó đã mặc áo bông rồi!
Thiên Thai dịch
 ———————
1. DongLaiShun là quán lẩu thịt cừu nổi tiếng có lịch sử  trên 100 năm của Bắc Kinh. Lẩu của họ chỉ dùng thịt cừu của Nội Mông, nồi lẩu bằng đồng và được đun bằng than củi.
Nguồn: báo Văn nghệ

Bàn lại tiểu thuyết Kim Dung: Vẫn cần tỉnh táo, cảnh giác

Bạn có thể hỏi tôi đâu là điều cần cảnh giác trong tiểu thuyết Kim Dung. Có đấy! Tác phẩm võ hiệp của ông đề cao chủ nghĩa Đại Hán một cách quá đáng

Đọc tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, độc giả cảm nhận được nhiều thú vị. Chưa nói đến những chức năng khác của tác phẩm văn học, chỉ riêng giải trí thôi, tiểu thuyết Kim Dung đã tuyệt vời. Điều này cắt nghĩa tại sao trí thức, sinh viên, học sinh và đông đảo độc giả ở miền Nam trước năm 1975 lại say mê tiểu thuyết của ông đến vậy.
Tạm lãng quên mọi thứ
Sống thời chiến tranh, lòng người không yên, chủ nghĩa đế quốc lại đồng thời mang theo một dạng văn hóa ngoại lai tràn vào nước ta. Con người mong có một thế giới nhân văn, trong đó cái ác bị trừng trị, điều thiện được biểu dương. Truyện võ hiệp Kim Dung hư cấu ra được một thế giới phi thực như vậy. Ông xây dựng một bầu trời khác ngoài bầu trời hiện hữu - điều mà mọi người gọi là “Thiên ngoại hữu thiên”.

Một số tác phẩm Kim Dung đã xuất bản tại Việt Nam Ảnh: Hoàng lê
Đọc tiểu thuyết Kim Dung, người ta tạm lãng quên mọi thứ. Đọc vài chương, người ta phải xem hết cả quyển; đọc 1 quyển, người ta phải xem hết cả bộ. Kim Dung đưa độc giả đi vào thế giới phi thường của bọn hào sĩ giang hồ, uống bát rượu to, ăn miếng thịt lớn; chẳng thấy anh nào có nghề ngỗng gì để trở thành giàu sang nhưng ăn xài theo phong cách những tỉ phú hào phóng bậc nhất. Trong thế giới ấy, người ta đi mây về gió, hành hiệp cứu đời. Đám vua quan chộn rộn của chế độ phong kiến kết hợp với quân cường hào ác bá áp bức, đè ép dân thường thì đã có luật giang hồ trừng phạt.
Văn chương tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung tràn đầy thi ca, từ phú. Tác phẩm nào cũng phong phú chất thơ, cũng có thơ. Tác phẩm nào cũng tràn đầy lời ca tiếng hát. Hào sĩ giang hồ tạm gác đao kiếm, cùng cất lời ca với cô gái hái sen bên Thái Hồ. Không khí đấu tranh sát phạt bỗng lặng đi để tiếng hát hòa bình, trung chính trỗi dậy. Thậm chí, nhiều khi đánh nhau, người ta cũng sử dụng tiếng tiêu, tiếng đàn, tiếng hát làm vũ khí chứ không dùng đến đao kiếm.
Đọc văn chương Kim Dung, người ta hiểu thêm về văn hóa Trung Quốc, từ văn hóa ăn mặc, ẩm thực, trà rượu đến văn hóa giao tiếp, lễ nghi. Bọn Thanh Thành từ Tứ Xuyên xuống Phúc Kiến đánh Phước Oai tiêu cục (Tiếu ngạo giang hồ), đầu trộm đuôi cướp là thế nhưng trên đầu vẫn quấn vành khăn trắng. Hóa ra đó là văn hóa Tứ Xuyên đã có 2.000 năm qua. Tứ Xuyên thuộc đất Ba Thục, ai cũng tôn thờ Khổng Minh, dù ông không còn nữa nhưng họ vẫn quấn vành khăn trắng trên đầu.
Đọc văn chương Kim Dung, độc giả đắc thủ những kiến thức về địa lý, lịch sử Trung Quốc. Tác phẩm của ông dẫn người ta đi từ Bắc Kinh xuống vùng Quảng Đông cực Nam, từ phía Đông - sông Tiền Đường - qua đến cực Tây - đất Hồi Hột. Nơi nào con người sống ra sao, có sản vật gì đặc sắc đều được ông lý giải rõ ràng. Chẳng hạn, hoa trà Côn Minh đẹp nhất thiên hạ (Thiên Long bát bộ), ngựa Vân Nam ốm yếu còi cọc nhưng chạy nhanh nhất và bền sức nhất (Lộc Đỉnh ký).
Kim Dung khéo léo gắn tác phẩm của mình vào hoàn cảnh lịch sử Trung Quốc, xây dựng các nhân vật hư cấu bên cạnh nhân vật lịch sử có thật, trích dẫn nhiều văn bản trong lịch sử. Vì vậy, tác phẩm của ông lung linh màu sắc hư cấu bên cạnh màu sắc hiện thực.
Bên ngoài Trung Quốc đều “hủ lậu”(!)
Vậy đâu là điều cần cảnh giác trong tiểu thuyết Kim Dung? Có đấy. Là người Việt Nam, chúng ta luôn đọc văn chương nước ngoài với một thái độ tỉnh táo cần thiết. Tác phẩm Kim Dung đề cao chủ nghĩa Đại Hán (Tahanisme) một cách quá đáng. Cái gì ngoài lãnh thổ Trung Quốc dưới mắt Kim Dung đều bị chê là “hủ lậu”.
Trong Lộc Đỉnh ký, Vi Tiểu Bảo đi qua đất Nga La Tư, thấy điện Khắc Lý Mụ Lâm (Kremlin) bèn chê ngay là kinh thành hủ lậu. Trong cuộc chiến tranh diễn ra bên bờ Hắc Long Giang (sông Amour), Kim Dung đã để cho tư lệnh Vi Tiểu Bảo cùng ba quân cởi quần tiểu vào những nồi nước sôi rồi dùng nước ấy bắn qua thành trì quân Nga và bắt được tư lệnh Đồ Nhĩ Bố Thanh (Tolbusin). Hắn làm nhục địch thủ bằng cách buộc Đồ Nhĩ Bố Thanh cởi trần truồng giữa mùa tuyết lạnh, đưa lên ngựa đi 3 vòng rồi mới thả cho vào thành.
Lộc Đỉnh ký cũng nhắc lại việc ký hòa ước Trung - Nga năm 1684 (năm 22 đời Khang Hy). Vi Tiểu Bảo, trưởng đoàn đàm phán của “thiên triều”, làm mọi cách để dọa nạt, o ép, nghi binh, nhục mạ trưởng đoàn của Nga là công tước Phí Diêu Đa La (Feodore). Hắn chiếm được 2 tỉnh A Mộc Nhĩ và Tân Hải của Nga sát nhập Trung Quốc để “thiên triều” có thêm 800.000 dặm vuông Anh! Theo Vi Tiểu Bảo, đó là một cuộc đàm phán công bằng. Trong lịch sử lấn đất giành dân thì vụ này là lớn hơn tất cả.
Chủ nghĩa Đại Hán thậm chí còn xuất hiện trong tình dục ở tác phẩm Kim Dung. Ông vẫn coi “của quý” của người Trung Quốc là “khủng” và chất lượng nhất thiên hạ. Đời Tần, Lao Ái được Triệu Cơ say mê vì “của quý” của hắn có thể “làm dừng được bánh xe bò”. Thời Khang Hy, “cậu nhỏ” của Vi Tiểu Bảo cũng được công chúa Tô Phi Á (Sophia) nước Nga say mê. Bao nhiêu vương công quý tộc Nga đều bị Tô Phi Á chê bai, chỉ ngày đêm nhớ thương những lần ăn nằm với Vi Tiểu Bảo.
Cuối truyện Lộc Đỉnh ký, Kim Dung đã để cho Vi Tiểu Bảo làm một món quà gửi tặng Tô Phi Á. Quà là một bức tượng Vi Tiểu Bảo trần truồng, to lớn như người thật, riêng... “cậu nhỏ” thì vươn ra kiêu hãnh. Tô Phi Á nhận được quà mở ra xem, phì cười, đá một cái rồi sai quân liệng bỏ. Theo Kim Dung, phụ nữ ở Mạc Tư Khoa (Moscow) hiếm muộn thường đến thờ lạy bức tượng vỡ ấy để mong cầu sinh được con cái!
Nhiều mối tình đẹp
Đọc Kim Dung, ta bắt gặp những mối tình đẹp, những lứa đôi yêu nhau nồng thắm. Trần Gia Lạc - Hương Hương công chúa (Thư kiếm ân cừu lục), Hồ Phỉ - Miêu Nhược Lan (Tuyết sơn phi hồ), Dương Quá - Tiểu Long Nữ (Thần điêu hiệp lữ), Lệnh Hồ Xung - Nhậm Doanh Doanh (Tiếu ngạo giang hồ)... là những mối tình đẹp. Họ có thể xa nhau, cũng có thể được sống bên nhau một đời nhưng quá trình tìm kiếm hạnh phúc tình yêu thì quả là tuyệt vời.
Vũ Đức Sao Biển
 

Nhật Bản - Ngoài tầm kiểm soátSẽ không bao giờ trở lại như xưa nữa

Nhật Bản – Ngoài tầm kiểm soát
Trích từ “Nhật Bản – Ngoài tầm kiểm soát”

Về những cánh đồng ruộng lúa, củ cải và bù nhìn ở một nơi không còn có thể sinh sống được nữa

“Đó là những sự việc nhỏ bé, những cái khiến cho chúng tôi buồn đến như thế khi chúng không còn nữa”, Katsuhiro Ichikawa nói, khi anh quay lại nhìn tôi lúc phim của anh chấm dứt. Nhìn nỗi buồn của tôi.
Anh cẩn thận đưa tay ra cho tôi và nắm lấy tay tôi trong một khoảng khắc; một vài giây mà trong đó tất cả đã được nói ra không cần lời.
Ichikawa nhất định muốn trình chiếu đặc biệt cuốn phim ngắn của anh, chỉ cho một mình tôi, vào buổi chiều mưa này, tại một cái quán ở dưới hầm trong khu phố Minami-Aoyama sang trọng của Tokyo. Đó là lần chuyển thể phim các bức ảnh chụp của anh, kèm theo những lời bình luận ngắn và nhạc của Toshimi Watanabe sinh năm 1966 ở Fukushima, người từ những ngày tháng Ba 2011 đang cố gắng tạo can đảm cho những con người trong thành phố quê hương của anh qua âm nhạc.
Tám phút “ngày thường”. Ngày thường, bao gồm những từ tiếng Nhật cho ngày và bình thường. “Tôi không phô bày đất nước tươi đẹp”, Ichikawa nói, “mà là cuộc sống bình thường ở miền quê.”
Chúng tôi ngồi trong CAY, một nhà hàng với bầu không khí của một quán rượu. CAY thuộc “Xoắn Ốc”, một nơi chốn của nghệ thuật, của thời trang và của sự gặp gỡ sáng tạo. Ảnh của Katsuhiro Ichikawa treo trên tường. Ichikawa sinh năm 1955 ở Shizuoka và học đại học về luật. Năm 1986, anh trở thành nhiếp ảnh gia hoạt động tự do và ngày nay sống ở Tokyo.
“Ngày thường” là những bức ảnh chụp từ miền quê của nước Nhật, từ thị trấn nhỏ bé Naraha trong quận Futaba, tỉnh Fukushima, cách lò số 1 của nhà máy điện nguyên tử Fukushima mười sáu kilômét. Đó là những nơi như nơi này, không có nét thu hút khách du lịch, không có điểm đáng tham quan nào hết, những nơi mà không có gì ngoài đất đai và con người sống nhờ vào đất mà các nhà máy điện nguyên tử đã được xây lên ở cạnh đó. Những nơi này đã được cố tình chọn lựa, Ichikawa nói. Nhà máy điện nguyên tử đã tạo ra việc làm. Làng mạc đã hưởng lợi từ đó. Hạ tầng cơ sở được xây dựng. Đã có tài trợ. Và lời bảo đảm: nhà máy điện nguyên tử không nguy hiểm.
Vợ anh quê ở Naraha. Cho tới ngày 11 tháng Ba năm 2011, cha mẹ vợ của anh cũng đã sống ở đó. Bây giờ họ đang ở trong một chỗ tạm trú tại Tokyo. Họ xây dựng một cuộc sống mới khi nào và ở đâu, họ không biết điều đó. Trên bức ảnh Ichikawa chụp họ, họ đứng trên một con đường làng nhỏ, hơi lạc lõng trong phong cảnh, trước những cánh đồng ruộng lúa.
Từ 1998 cho tới 2006, Ichikawa đã chụp ảnh cuộc sống hoàn toàn bình thường, cuộc sống của những người nông dân, màu sắc biến đổi trong năm, mùa thu hoạch, thành quả, những sự việc nhỏ bé.
Bức ảnh làm tựa cho cuộc triển lãm “Ngày Thường”: một cánh đồng lúa vàng no nê, bông lúa căng tròn. Mây ti trên bầu trời xanh nhạt. Ở phía sau là những người nông dân đang thu hoạch vụ mùa theo lối thủ công. Người nữ nông dân với chiếc nón rơm và giày ủng cao su. Lúa đã tạo nên sự giàu có cho vùng đất này, rất lâu trước khi có nhà máy.
Ruộng lúa, xanh mượt mà, trong mùa Xuân. Cỗ máy bóc vỏ lúa đơn giản trong ngôi nhà nông dân. Lúa, lúc nào cũng là lúa trên những bức ảnh. Toàn bộ vùng Tohoku là “vựa lúa” hay “chén cơm” của Nhật Bản. (Tiêu thụ gạo trên đầu người ở Nhật là tròn sáu mươi kí lô hàng năm.) Nông nghiệp sẽ không còn có nữa trong thời gian có thể nhìn thấy trước được, trong phạm vi ba mươi kilômét quanh nhà máy điện nguyên tử.
Khi Ichikawa chụp những bức ảnh của anh, lúc đó, thế giới ở đây trong miền Bắc của nước Nhật vẫn còn lành lặn, rơm rạ sau khi thu hoạch và đập lấy lúa được cột lại với nhau thành những hình người rơm có tai thỏ. Vùng này đầy những hình người rơm đó trong mùa Thu. Có thể nhìn thấy chúng đứng đơn độc hay thành từng nhóm trên những bức ảnh. Và ở phía sau một nhóm hình người rơm đó, trong khoảng khắc anh bấm máy, có một chiếc xe buýt màu trắng chạy ngang qua, với vạch màu cam ở giữa. Ichikawa thích sự tương phản. Mãi sau này người anh vợ của anh mới nói rằng đó là chiếc xe buýt của nhà máy, chở công nhân trong vùng tới nhà máy. Chiếc xe buýt chạy ra khỏi bức ảnh, lúa đã được thu hoạch. Sau ngày 11 tháng Ba năm 2011, bức ảnh có một ý nghĩa mới.
Bắp cải xanh. Bắp cải trắng. Củ cải, vừa mới được lôi ra khỏi đất. Bí.
Người phụ nữ già ở lối vào nhà, với cái lưng còng gần chín mươi độ, người đã làm việc cả đời mình trên ruộng lúa. Người mẹ già của vợ Ichikawa. Từ nhiều tháng nay, bà, tám mươi tám tuổi, sống trong một chỗ tạm trú ở Tokyo. Ngồi ở đó, tôi tưởng tượng ra như thế, và chờ cho ngày qua đi, hết ngày này đến ngày khác. Nhìn ra cửa sổ của bà, thỉnh thoảng, xuống sa mạc thành phố, và khi bà đi ra khỏi cửa, thì không có ruộng lúa ở đó, ruộng lúa mà bà có thể làm việc một chút, như bà đã rất thích làm, để tiêu khiển. Không có một vườn rau nhỏ mà bà có thể lấy bữa ăn tối của bà từ đó. Bà ngồi đó và chờ đợi và suy nghĩ và biết rằng bà không còn được phép trở về nữa, ngay cả khi bà muốn, vì bà nghĩ rằng bà có thể mặc kệ tia phóng xạ, với tuổi tác của bà.
Bà sẽ còn phải đợi lâu; không có kế hoạch tái xây dựng ngôi làng của bà ở nơi nào cả, và nếu như rồi sẽ có một ngôi làng như vậy, một lúc nào đó, khi sự quan liêu ra được một quyết định, thì rồi sẽ không bao giờ trở lại được như xưa nữa.
Và liệu là bà có trải nghiệm được điều đó không, nói chung.
Những chiếc ủng cao su màu vàng, những chiếc ủng mà người nông dân trở về từ công việc đồng áng đã tháo ra và để ngay ngắn trước lối vào, trước khi họ bước vào gian phòng khách của họ trên tất thô, như thường lệ ở Nhật.
Ichikawa đã giữ lại những chiếc ủng đó trong các bức ảnh của anh, cũng như người phụ nữ trẻ ngồi trong ngôi nhà nông dân trên chiếc chiếu tatami ở trên sàn, ôm một đứa bé sơ sinh. Ở phía sau là một cái tủ com mốt rẻ tiền bằng nhựa, như có thể mua được chúng ở khắp nơi trong nước Nhật, chất đầy đồ đạt cho tới tận trên cao. Đó cũng là một bức ảnh, không thể nào đặc trưng hơn nữa cho ngày thường của nước Nhật.
Không chỉ bà mẹ già, toàn bộ gia đình vợ anh, tổng cộng sáu người, đã chạy trốn ra khỏi vùng cấm. Và ngay từ đầu đã không nhận được thông tin cụ thể nào hết, Ichikawa nói. Nhiều cư dân cũ muốn quay trở về, ít nhất là ở gần những căn nhà đã bị bỏ trống của họ. Bất an và lo âu ở những người có con nhỏ. Lo sợ cho những đứa bé. Vì tương lai của chúng. Tia phóng xạ – người ta không nhìn thấy nó, người ta không ngửi thấy nó. Nó có ở đó, và không ai có thể nói được rằng nó có tác động như thế nào trong một vài năm tới đây, Ichikawa thuật lại tinh thần của những người dân làng đã di tản.
Và thêm vào đó là nỗi lo về tài chính. Nhiều người không biết họ sẽ sống tiếp như thế nào. Một năm tiền bồi thường của chính phủ Nhật Bản, thời gian đầu, một vài tháng, tròn một ngàn euro mỗi tháng, rồi năm trăm euro, và sau đó? Bồi thường từ Tepco? Ichikawa nhún vai: “Chúng tôi không nói về việc đó.”
“Chúng tôi phải thay đổi lối sống của chúng tôi”, anh nói, chống năng lượng nguyên tử là chưa đủ. Hiện bây giờ thì tất cả những người mà anh có quan hệ với họ đều cũng như vậy. Nhất là giới nghệ sĩ, trí thức. Trong mùa Hè 2011, với những biện pháp và chiến dịch tiết kiệm năng lượng mà qua đó nước Nhật đã tiêu thụ năng lượng ít hơn ba mươi phần trăm, người ta đã nhìn thấy rằng điều đó là có thể mà hoàn toàn không có vấn đề. Không một ai phải chấp nhận những hạn chế cá nhân. Phung phí mới là vấn đề lớn và nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu điều đó có thật hay không, cái mà chính phủ và ngành công nghiệp nguyên tử Nhật nói cho tới nay: rằng Nhật bản cần những nhà máy nguyên tử của nó, để mà tồn tại.
Ở lại trong ngôi làng quê hương Naraha cũng là tổ tiên trong những ngôi mộ của họ. Không ai được phép viếng thăm họ nữa. Những người sống không có nơi chốn để cầu nguyện cho họ. Người mẹ già, được cấy ghép vào thành phố lớn từ những cánh đồng lúa của bà, suy nghĩ về việc rồi thì bà có thể tìm thấy nơi an nghỉ cuối cùng ở đâu.
Judith Brandner
Phan Ba dịch
Sách đã được xuất bản trên Amazon: www.amazon.com/dp/B00G3436CG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét