Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Kinh tế và Thể chế & “CÁI GIÁO PHÁI” NẦY LÀ GIÁO PHÁI GÌ ?

Hiến pháp: Khoa học, lợi ích và thực tế

TS Nguyễn Sỹ Phương CHLB Đức

Những tiền đề khoa học, lợi ích nào được dùng để đo lường mức độ phù hợp của một văn bản Hiến pháp?
Thước đo nào cho một văn bản Hiến pháp?

Một con sói xuống uống nước phía thượng nguồn, nhác thấy một con cừu uống nước phía hạ nguồn liền quát, sao mày dám làm đục dòng nước ta uống, ta sẽ ăn thịt mày. Câu chuyện ngụ ngôn chân lý thuộc về kẻ mạnh của phương Tây trên cho một hình ảnh giữa khoa học (ở đây là quy luật dòng chảy) và cách thức xử sự đối với khoa học đó tùy thuộc lợi ích sử dụng nó (ăn thịt con cừu). Khác với loài vật chỉ hành động bản năng theo lợi ích, loài người có ý thức, lợi ích chỉ mới là điều kiện cần đạt tới, muốn thành công phải bảo đảm khoa học tức điều kiện đủ, không thể bất chấp khoa học như sói coi nước chảy ngược được. Hậu hoạ có thể rút ra từ câu chuyện cổ tích “Bộ quần áo mới của Hoàng đế“. Để đạt được lợi ích buộc ai cũng phải thừa nhận bộ quần áo mới, Hoàng Đế dựa vào “học thuyết“, chỉ những ai trung thành hoặc không trễ nại mới có thể nhìn thấy nó. Học thuyết đó bị phá sản làm lợi ích bộ quần áo mới cũng mất nốt, khi trẻ em vốn không bị chi phối bởi lợi ích nào cả, trông thấy, reo lên, “Hoàng Đế cởi truồng“ bác bỏ học thuyết trên. Ý nghĩa câu chuyện này còn minh chứng cho nguyên lý, thực tế là thước đo của khoa học, chứ không phải quyền lực hay lợi ích.

Vậy những tiền đề khoa học nào, lợi ích nào được dùng làm thước đo, đo lường một văn bản Hiến pháp, để xem nó đúng sai chỗ nào, mức độ ra sao?

Tiền đề khoa học hiến pháp

Một văn bản Hiến pháp khoa học hay không, trước hết phải đối chiếu với những tiền đề, nguyên lý, phạm trù khái niệm của bộ môn khoa học Hiến pháp. Tuy nhiên khoa học luôn phát triển, như quang học khởi đầu đưa ra tiền đề sóng ánh sáng, tiếp theo lại khẳng định hạt ánh sáng, và ngày nay thì thống nhất ánh sáng vừa tính sóng vừa tính hạt. Khoa học Hiến pháp cũng vậy, lịch sử khởi nguồn từ năm 2300 trước Công Nguyên, khi vua Urukagina ở thành phố Lagash, nước Sumer ban hành một văn bản luật lần đầu tiên trong lịch sử nhà nước nhân loại, được coi là Hiến pháp xưa nhất, qua cả một quá trình phát triển hàng ngàn năm cho ta kiến thức khoa học Hiến pháp hiện đại, được dùng làm thước đo đo lường một bản hiến pháp ban hành ngày nay có tính khoa học hay không. Theo đó, ngoại diên và nội hàm khái niệm Hiến pháp ngày nay, bao gồm các dấu hiệu:

1- Là văn bản luật. Tức mang tính chế tài, nghiã là: Được cơ quan dân cử ban hành; Khi vi phạm được xét xử; Án quyết phải được thi hành, ngoại trừ bất khả kháng. Là thước đo pháp lý, nên nó phải đưa ra được những chuẩn mực, quy tắc xử sự, có khả năng định lượng.

Thiếu một trong bốn dấu hiệu trên không phải là một văn bản luật, một văn bản hiến pháp như vậy thiếu tính khoa học.

2- Không phải tất cả văn bản luật thoả mãn bốn dấu hiệu trên đều là hiến pháp mà chỉ văn bản luật gốc, tức thoả mãn các dấu hiệu: Các luật khác phải phù hợp với nó, hay dẫn xuất từ nó; được dùng làm thước đo để đo lường các văn bản luật khác và hành xử của cơ quan công quyền có đúng với nó hay không. Đây chính là giá trị sử dụng pháp lý của Hiến pháp.

Theo Mác “Đường tầu không có tầu chạy thì gọi là thanh sắt“; hiến pháp cũng vậy, nếu không bao giờ được sử dụng làm thước đo trên, thì cũng có nghĩa không có giá trị sử dụng pháp lý, chỉ mang ý nghĩa tư tưởng của một bản tuyên ngôn hay nghị quyết của một tổ chức, không được coi là Hiến pháp về mặt khoa học. Do chứa đựng những dấu hiệu kể trên mà Hiến pháp Đức đã được sử dụng để xét xử 80.046 vụ bị cáo buộc sai Hiến pháp trong vòng 40 năm 1951-1990 và lên gấp đôi 151.424 vụ trong 15 năm nước Đức thống nhất 1990-2005.

3- Đối tượng điều chỉnh của nó là các mối quan hệ pháp lý về cơ cấu tổ chức nhà nước, giữa các nhánh quyền lực và các cấp, những quyền và trách nhiệm quan trọng nhất của chúng, các chuẩn mực quy tắc xử sự cả nội dung lẫn thủ tục phải thực hiện khi ra quyết định, những giới hạn quyền lực không được phép vượt qua. Xuất phát từ những dấu hiệu trên, nên hiến pháp: chỉ có thể sửa khi điều khoản đó bị thực tế chống lại tới mức, không thay đổi không thể được, thông thường do quốc hội thực hiện, và chỉ có thể thay hoàn toàn thông qua hội nghị đại biểu hay quốc hội lập pháp, khi thay đổi thể chế (bằng hoà bình hay bạo lực).

Tiền đề khoa học về chính trị, nhà nước

Đối tượng điều chỉnh liên quan tới nhà nước, nên một văn bản hiến pháp khoa học hay không còn phải xem xét dưới góc độ khoa học chính trị, nhà nước. Gần 200 quốc gia trên thế giới, được khoa học chính trị phân loại theo hình thức hiến định (constitutional form), thành nhóm Cộng hòa (republic) 137 nước (trong đó có Việt Nam), 38 nước Quân chủ lập hiến (constitutional monarchy), 6 nước Quân chủ chuyên chế (absolute monarchy). Phân loại theo nguồn gốc quyền lực (power source) có bốn loại hình: Dân chủ (rule of the people – Democracy, gồm 25 quốc gia dân chủ đầy đủ, 53 dân chủ khiếm khuyết Flawed democracy, chiếm chừng 1/3 thế giới), Quân quyền (monarchy), Thần quyền (theocracy), Chuyên quyền (authoritarianism).

Phân loại theo ý thức hệ, sẽ có loại hình nhà nước Xã hội Chủ nghĩa và không Xã hội Chủ nghĩa.

1- Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa dựa trên tiền đề: Về chính trị, nhà nước với cả 3 nhánh quyền lực cùng toàn xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; về kinh tế theo mô hình quản lý tập trung trên nền tảng công hữu tư liệu sản xuất; về tư tưởng, văn hóa lấy học thuyết Mác Lê Nin làm nền tảng chính trị. Hiến pháp Xã hội Chủ nghĩa được coi là đúng với tiền đề khoa học chính trị, khi đáp ứng đầy đủ các dấu hiệu trên.

2- Nhà nước dân chủ đầy đủ ngược lại xây dựng và hoạt động trên tiền đề: Các đảng không nằm trên xã hội hay nhà nước để lãnh đạo nó, mà chỉ là những bộ phận khác nhau trong nhân dân, phản ảnh ý nguyện chính trị của nhân dân, nhằm tham chính (được bầu vào quốc hội), chấp chính (được lập chính phủ, gọi là cầm quyền); kinh tế thị trường; tư tưởng đa nguyên; hiến pháp họ vì vậy, có chức năng kép: Một mặt tạo dựng nhà nước theo mô hình tam quyền phân lập với các chuẩn mực, quy tắc xử sự cho từng cơ quan quyền lực; mặt khác phải đưa ra những quy phạm bảo đảm quyền lực đó được giới hạn bởi quyền cơ bản. Áp dụng cơ chế bảo hiến nhằm bảo đảm chức năng tối thượng của hiến pháp, trên cơ sở những chuẩn mực quy tắc xử sự trong hiến pháp, tuyên phán một văn bản luật vi phạm hiến pháp phải đình chỉ, hay sửa đổi hiến pháp sai không có hiệu lực. Quyền lập hiến thuộc về nhân dân. Vì vậy, bản hiến pháp đầu tiên hay thay hoàn toàn phải thông qua hội nghị đại biểu hay quốc hội lập hiến và cần được dân phúc quyết hoặc hình thức tương đương. Sửa điều luật cần được thông qua cơ quan lập hiến với đa số áp đảo.

Để dẫn chứng cho phân loại trên, có thể tham khảo các quốc gia điển hình: 1- Ở các quốc gia Hồi giáo như Afghanistan, Iran, Mauritania, Sudan, Pakistan…, hiến pháp đều dựa trên nền tảng kinh Koran (loại hình thần quyền). Như “Hiến pháp Cộng hoà Hồi giáo Iran phấn đấu tạo dựng các định chế văn hoá, xã hội, chính trị và kinh tế Iran theo các nguyên tắc cơ bản và quy ước đạo Hồi“. Định chế đó thừa nhận vai trò lãnh đạo tinh thần của giáo chủ, nhà nước nhân danh Hồi giáo quyết định trực tiếp mọi hoạt động văn hoá xã hội chính trị kinh tế, và người dân có bổn phận chấp hành. 2- Hiến pháp Mỹ, loại hình dân chủ, chỉ thừa nhận hai chủ thể, theo nguyên lý, người dân chứ không phải đảng phái hay tôn giáo hay vua chúa, là chủ nhân nhà nước, có toàn quyền định đoạt nhà nước, chứ không phải ngược lại. “Chính phủ lập ra được trao quyền lực chính đáng dựa trên ý chí nhân dân; bất cứ lúc nào nếu chính quyền phá vỡ những mục tiêu trên, nhân dân đều có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó lập nên chính quyền mới“. 3- Thụy Điển là một Vương quốc, quan chủ lập hiến. Nhưng nguyên lý “tất cả quyền lực nhà nước đều từ nhân dân“ được hiến pháp họ quy phạm hoá chi tiết, hơn bất kỳ nhà nước dân chủ nào, đứng số một thế giới, “Quyền lực người dân Thụy Điển (chứ không phải nhân dân chung chung) được hình thành từ tập hợp các ý kiến biểu đạt tự do, quyền biểu quyết ngang nhau, nhà nước trung ương và cơ quan hành chính điạ phương phải biến thành hiện thực (chứ không phải chung chung dân chủ gián tiếp và trực tiếp) “. 4- Hiến pháp Liên Xô 1977 sửa lần cuối năm 1990 được xây dựng dựa trên nền tảng ý thức hệ: “Cách mạng tháng 10 đã tạo dựng được nền chuyên chính vô sản, lập ra nhà nước kiểu mới Xô-viết là công cụ chính bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội“, “đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đội tiên phong của nhân dân“. 5- Hiến pháp Trung Quốc năm 1982, sửa đổi ngày 14.3.2004, cũng dựa trên ý thức hệ như Liên Xô, bổ sung đặc thù Trung Quốc: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, được dẫn dắt bởi chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, học thuyết Đặng Tiểu Bình, và thuyết Ba Đại diện...“. Mỗi loại nhà nước trên xây dựng trên tiền đề chính trị đặc trưng cho loại nhà nước đó, không thể lấy tiền đề loại nhà nước này để làm thước đo đánh giá nhà nước khác và theo đó hiến pháp họ, có đúng khoa học về chính trị nhà nước hay không.

Tiền đề khoa học logic

Hiến pháp được thể hiện bằng văn bản, vì vậy phải bảo đảm khoa học logic hình thức. Logic học đòi hỏi các phạm trù khái niệm sử dụng phải mang tính phổ quát, nghĩa là nằm trong hệ thống khoa học thế giới, không thể thay đổi nội hàm và ngoại diên của nó, càng không thể mâu thuẫn với các khái niệm phổ quát hiện có, như Hà Tây gọi “tép là tôm“, hay Nghi Lộc Nghệ An phát âm thường mất dấu, gọi cà là “ca có cuống“ và cá là “ca có đuôi“. Đặc biệt không được phép vi phạm nguyên lý “bài trung“: chỉ hoặc đúng hoặc sai, không thể vừa đúng vừa sai, hay đánh tráo khái niệm, không thể lấy nội hàm dân chủ đưa vào khái niệm phi dân chủ và ngược lại chẳng hạn.

Tiền đề lợi ích

 Khoa học hiến pháp đã chỉ ra có nhiều loại hiến pháp. Câu hỏi được đặt ra tại sao các quốc gia lại chọn loại hiến pháp này mà không chọn loại hiến pháp khác? Câu trả lời: do lợi ích quyết định. Chính vì thế, lời mở đầu Hiến pháp Iran khẳng định: “nó phù hợp với tâm niệm cộng đồng Hồi giáo“. Hiến pháp Trung Quốc cũng vậy, “quần chúng nhân dân các dân tộc Trung Quốc tiếp tục giữ vững chuyên chính vô sản, biến Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa. Lợi ích (từng được Mác sử dụng làm tiền đề giải thích quy luật vận động của các hình thái kinh tế xã hội nhân loại đã qua, từ chiếm hữu nô lệ tới phong kiến, tư bản) không phải một khái niệm bất biến, mà luôn phát triển, từ chế độ nô lệ, phong kiến, lợi ích chỉ dành cho thiểu số (vua bảo thần tử thần bất tử bất trung) đến ngày nay cho tất cả (mọi công dân đều bình đẳng), từ khởi thủy chỉ mang nghĩa tồn tại (mọi người sinh ra đều có quyền sống) tới ngày nay bao gồm tổng hợp mọi lợi ích kinh tế, văn hoá, tinh thần, dân sự, chính trị... Vì vậy khi dùng để đo lường hiến pháp, khái niệm lợi ích phải được hiểu theo kiến thức khoa học ngày nay, cho tất cả mọi người và trên mọi lĩnh vực.


Kỳ tới: Chế độ chính trị nhìn dưới góc độ khoa học và lợi ích

Ước mong ngày nào cũng là Ngày Pháp luật

TS. Nguyễn Minh Tuấn

Năm nay ở Việt Nam lần đầu tiên có một ngày có tên là “Ngày Pháp luật”.1 Một trong những khẩu hiểu của “Ngày Pháp luật” năm nay là: "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật"2.
Cá nhân tôi trộm nghĩ: "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" là việc đương nhiên, tại sao lại cần phải có khẩu hiệu? Phải chăng, nêu khẩu hiệu như vậy có nghĩa rằng việc “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” còn chưa có hoặc đang ở rất xa?

Hơn nữa, mục đích của “Ngày Pháp luật” là “nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.3 Nhưng hãy cùng suy nghĩ: Thượng tôn pháp luật là thượng tôn cái gì?

Nếu pháp luật hợp lẽ phải, hợp qui luật, đem lại lợi ích thiết thực cho con người, thì thiết nghĩ không cần hô khẩu hiệu, người dân sẽ tự nhận thấy tính thiết thực, tự tìm đến, tự bảo vệ nó như “chốn nương thân của mình”. Thượng tôn pháp luật là thượng tôn lẽ phải, lẽ công bằng, cái nhân văn cao cả, hợp lẽ sống ở đời ngay trong chính pháp luật. Thượng tôn pháp luật là không có ai ở trên pháp luật và không có ai không được pháp luật bảo vệ.

Nhiều nước trên thế giới họ có Ngày Hiến pháp (Constitution Day) , để nhắc nhở công quyền tôn trọng Hiến pháp. Vì vậy, theo thiển ý của tôi trong Nhà nước pháp quyền thì không có ngày nào không phải là Ngày Pháp luật cả. Nếu có, chỉ nên lấy ngày này là “Ngày Hiến Pháp”  theo đúng ý nghĩa là Ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam – Hiến pháp năm 1946, để cùng dựng xây một Chủ nghĩa Hiến pháp ở Việt Nam và nhắc nhở những công bộc của dân buộc phải nghiêm chỉnh thực thi Hiến pháp.

Tôi ước mong có một “Ngày Hiến pháp” và ngày nào cũng là “Ngày Pháp luật”!

---

1 Theo quy định tại Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2013, ngày 09 tháng 11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ đề của Ngày Pháp luật năm nay được xác định là “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

2 Xem Công văn số 6902/BTP-PBGDPL ngày 25/9/2013 của Bộ Tư Pháp về việc tổ chức thực hiện "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" năm 2013.
 Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

Không phải riêng Việt Nam, tại nhiều nước trên thế giới cũng có “Ngày Hiến pháp” hoặc “Ngày Pháp luật”. Chẳng hạn, ở Đức thì từ năm 1860 họ đã tổ chức diễn đàn của các nhà luật học thường niên (Juristentag) và vẫn duy trì đến ngày nay. Mỹ từ năm 1961 cũng vậy, họ lấy ngày 1/5 hàng năm là Ngày Pháp luật (Law Day). Nhiều nước có Ngày Hiến Pháp, chẳng hạn từ năm 1947, Nhật Bản chọn ngày mồng 3/5 là Ngày Hiến pháp hay từ năm 1949, Hàn Quốc cũng chọn ngày 17/7 là “Ngày Hiến pháp”.
 
3 Xét dưới góc độ lịch sử, ngày 9/11 là ngày ban hành Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập. Cho nên việc lấy ngày này là Ngày Hiến Pháp là rất hợp lý.

Suy ngẫm giữa tuần – Kinh tế và Thể chế

Bài này viết cho 'Hội Những Người Đam Mê và Yêu Thích Kinh Tế' vào ngày hôm nay.

-----

Trong các năm qua, tình trạng kinh tế chung của cả xã hội đã dẫn tới những cách nhìn, những quan điểm, những tiếng nói, nhất là từ những thành viên Quốc hội, về việc cần phải thay đổi thể chế. Song song, vẫn còn rất nhiều tiếng nói cho rằng thể chế rất ổn, chí có những con người yếu kém, chỉ có những “con sâu” tham nhũng, chỉ có thiếu “trách nhiệm” và khả năng “kiểm tra, kiểm soát”, v.v… bên cạnh, những câu như “vì chiến tranh nên cần có thời gian”, “mọi sự thay đổi lớn cần thời gian”, v.v…

Những cách nhìn khác nhau này làm khá nhiều anh em quan tâm đến kinh tế và kinh doanh rất hoang mang, không biết đâu là đúng, đâu là sai, những giá phải trả cho cách nhìn này hoặc cách nhìn kia là gì…

Từ góc độ kinh tế, tôi kể một câu chuyện nhỏ xảy ra gần đây giữa một anh bạn trẻ và cá nhân tôi tại Sydney để anh em cùng suy ngẫm nhé.

-----

Bạn: Anh ơi, trong môi trường làm việc của em, em tiếp xúc với nhiều sắc dân lắm, từ Trung Đông đến Á Đông, từ Phi Châu đến Nam Mỹ, phần lớn họ đều nghĩ rằng các nước phương Tây đã có một quá trình tinh hoa của khoa học đi trước phần còn lại của thế giới làm cho họ hùng mạnh hơn, rồi từ đó họ đã luôn cố tình bóc lột và luôn làm rối loạn các khu vực như Trung Đông, Đông Á và Đông Nam Á, Châu Phi, Nam Mỹ, v.v… để họ thu lợi về cho họ kéo dài bao nhiêu thế kỷ qua. Và điều này dẫn tới sự loạn lạc, nghèo đói của phần lớn các nước trong những khu vực này. Họ cho rằng chỉ cần phương Tây để yên cho những khu vực này tự quyết thì mọi chuyện sẽ tốt ra thôi.

Tôi: Khi họ nói như vậy thì mình phải đưa ra được cái điểm của lịch sử trước, vì rõ ràng trước khi phương Tây mạnh thì Trung Hoa đã đi trước khá xa, Ấn Độ cũng là cái nôi của triết học, rồi Thành Cát Tư Hãn đã chiếm lĩnh phần lớn Châu Á và phương Tây, v.v… Như vậy, ngay cả nếu chúng ta lấy cái mốc thời điểm là sự phát triển khoa học của phương Tây làm gốc thì chúng ta cũng phải nhìn xem điều gì để khoa học phát triển vào thời kỳ đó chứ, đúng không? Và nếu truy lại thì họ sẽ thấy những tư tưởng bắt nguồn từ Socrates, Aristotle… lại là nền tảng của cách tiếp cận khoa học của phương Tây mà từ đó “thể chế” xã hội là một yếu tố quan trọng như là cấu trúc cốt lõi cho sự phồn thịnh của xã hội đó em.

Bạn: Vâng, nhưng rõ ràng là phương Tây có một thời làm thực dân đi khắp thế giới mà anh?

Tôi: Đúng vậy. Cùng như trước đó cũng có những đợt thực dân khác đã càn quét phương Tây vậy. Hơn nữa, việc bọn thực dân đi càn quét thì cũng lại là một góc độ khác. Trong khi Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha chẳng hạn là những bọn thực dân vô cùng mạnh nếu so với Anh và Pháp, nhưng sau khi Thế chiến thứ 2 thì gần như những hoạt động thực dân này không còn nữa (vì tới giữa thập niên 1950s mới thực sự chấm dứt chủ nghĩa thực dân), thế mà cho tới nay thì Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha lại hoàn toàn khác với Anh và Pháp! Tại sao như vậy?

Bạn: Nếu anh nhìn như vậy thì đâu là mốc thời gian tốt nhất để dựa vào mà nhận định cho tốt và hợp lý nhất?

Tôi: Theo anh là hai mốc thời gian cận đại là hợp lý nhất như sau:

A. Kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến. Khi đó, ngoại trừ châu Mỹ, nhất là Bắc Mỹ, thì mọi khu vực trên thế giới đều vô cũng tang thương. Mọi cường quốc ở Âu Châu và Nhật đều kiệt quệ, và trong vòng 10 năm sau đó một số nước bị chia hai (như Đức, Hàn Quốc, Việt Nam vì ý thức hệ chính trị), hoặc bị chuyển đổi, xâm chiếm bởi khối Liên Xô (như Hungary, Romany, Poland, Bulgaria, Tiệp Khắc, v.v…). Hầu hết mọi quốc gia này đều bắt đầu xây dựng lại từ sự đổ nát gần như trắng tay sau đợt thế chiến này.

B. Và gần đây nhất là sự sụp đổ của chủ nghĩa CS từ Liên Xô. Mốc thời gian chúng ta có thể lấy là năm 1992.

Nếu em nhìn cho thật kỹ thì em sẽ thấy những nước nào thiết lập được thể chế dân chủ với hệ thống tam quyền phân lập có thật (cho dù có một số nước vẫn cứ duy trì vua, hoàng hậu, như là sức mạnh và hình ảnh của “lương tâm”), thì họ trở thành phồn thịnh. Những nước nào không thực hiện thể chế dân chủ hoặc tạo dựng các loại dân chủ trá hình, thì họ cứ tiếp tục bị ngự trị bởi nghèo đói, tham nhũng, thối nát.

Ngay cả Hàn Quốc bị chia 2, nhưng sau khi Nam Hàn thoát ra khỏi sự độc tài của Pak Chung Hee thì chỉ trong vòng hơn 10 năm họ đã gượng dậy, và chỉ 10 năm nữa họ lại trở thành phồn thịnh.

Ở Trung Đông, phần lớn là vì sự ảnh hưởng quá sâu của tôn giáo, và tôn giáo trở thành sức mạnh của quyền lực tập trung, vì vậy cho đến nay vẫn cứ không thể có tình trạng dân chủ và điều này làm cho họ vẫn cứ loạn lạc và bất công. Ở Ấn Độ, cho dù họ áp dụng “dân chủ” nhưng chính người dân Ấn Độ vẫn còn bị ảnh hưởng quá nặng về tính giai cấp kéo dài từ ngàn xưa cho đến nay, và chính sự phân hoá của tính giai cấp đã biến cái thể chế “dân chủ” thành một loại nguỵ dân chủ.

Với các nước Đông Âu, thì nước nào đưa vào thể chế dân chủ, chẳng hạn như Poland, Tiệp Khắc, Hungary, thì họ đã thoát nghèo rồi. Nhưng bất kỳ nước nào là dân chủ trá hình, chẳng hạn như Nga, Bulgary, Romany, Ukrania, v.v... đều vẫn bị loạn lạc và tham nhũng hoành hành!

Bạn: Nhưng như vậy thì tại sao Singapore nằm giữa Đông Nam Á và độc tài thì lại rất phồn thịnh vậy?

Tôi: Có hai lý do: (a) Lý Quang Diệu chỉ độc tài trong một thời gian rất ngắn nhằm diệt bỏ những thế lực tham nhũng đối nghịch và ngay sau đó ông ta thiết lập được một hệ thống quản lý rất minh bạch và tạo lập một môi trường dân chủ đủ bình đẳng để mọi người dân có thể cùng đóng góp và phát triển; (b) quan trọng hơn, Singapore quá nhỏ bé, còn nhỏ hơn thành phố Sài Gòn, cho nên việc tập trung điều phối Singapore vô cùng đơn giản không như những đất nước rộng lớn và đông vài chục triệu dân trở lên.

-----

Vậy đó, trong giai đoạn lịch sử cận và hiện đại của cả thế giới, nhất là vào sau thế chiến thứ hai, mọi xã hội phát triển và phồn thịnh đều có các điểm chung như sau:

1. Quản lý minh bạch. Luật pháp rõ ràng, nghiêm chỉnh.

2. Mọi con người đều được cơ hội như nhau, tài giỏi là được trọng dụng.

3. Không có tình trạng quyền lực tập trung vào một đảng phái, một triều đại một cách lâu dài, mà luôn có sự phản biện, chỉ trích bởi những sức mạnh đối lập và xã hội. Và khi cần thiết thì đảng phái cầm quyền hoặc triều đại đó sẽ phải bị truất quyền ngay.

Để tạo dựng được môi trường đạt được những điểm trên thì cho tới nay chỉ có một thể chế duy nhất: dân chủ với tam quyền phân lập.

-----

Còn bất kỳ các loại lý luận nào khác để biện giải cho những thể chế nào khác nhằm duy trì quyền lực tập trung độc tài thì nhất định xã hội đó phải xảy ra tình trạng lạm quyền, lộng quyền, tham nhũng, người tài đức bị mai một, bọn xu nịnh lường đảo được trọng dụng... dẫn tới sự đói nghèo, lạc hậu và loạn lạc mà thôi.

Vì vậy, chúng ta có thể đơn giản hoá bằng cách so sánh “thể chế” của một xã hội như là một “hệ điều hành” của một chiếc máy tính. Khi “hệ điều hành” của một xã hội hỗ trợ đắc lực cho mọi “ứng dụng” và “hoạt động” đa chiều đa cấp (“ứng dụng” như là những cá thể, những nhóm người của xã hội đó), thì những “ứng dụng” này sẽ giúp xã hội một cách hiệu quả, những “hoạt động” từ những ứng dụng này trở thành những lợi ích, còn nếu “hệ điều hành” của xã hội mà bị lỗi, thì cho dù các “ứng dụng” và “hoạt động” có tốt đến cách nào đi nữa cũng sẽ bị giới hạn hay ngay cả bị... crash cả.

Từ đó, đừng bao giờ quên là “thể chế” quyết định mọi vấn đề trọng yếu nhất, quan trọng nhất của cả xã hội, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

“CÁI GIÁO PHÁI” NẦY LÀ GIÁO PHÁI GÌ ? (Bài 1)

Đôi lời: Không thể có lời nào hơn để nói thêm, rằng đây đích thị là một BẢN ÁN cho chế độ của thứ “giáo phái quái dị”, là những nhát dao sắc lẹm phanh thây con quái vật mà không nói ra, ai cũng biểt cái tên ghê rợn của nó. Bản án cũng đã nói thay cho bao uất hận ngút trời của nhân dân trong bao nhiêu năm qua!
BT

Bài 1: Những cái nhất của “cái giáo phái”

1Hồ Ngọc Nhuận
“Cái giáo phái” nầy viết  trong ngoặc kép và với chữ “cái” đứng đầu.
Để phân biệt nó với các giáo phái thông thường.
 “Cái giáo phái” nầy nó không tự nhận ra mình là một giáo phái. Mà nếu có ai nhận ra thì chắc nó phải lộn gan lên đầu.

Nó lại tự nhận là một tổ chức chánh trị. Nhưng người dân dứt khoát không ai coi nó là một tổ chức chánh trỊ  đúng nghĩa. Bởi không có một tổ chức chánh trị nào xứng đáng với tên gọi nầy, trong một nền dân chủ đáng gọi là dân chủ, mà  lại vỗ ngực tự phong mình là lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, vĩnh viễn một nhân dân lẽ ra phải đứng trên đầu mình. Lại bắt người dân ngày đêm phải nuốt những giáo điều do nó tụng, phải  hứng những đòn phép ác liệt nó giáng xuống nếu trái mệnh.
Thứ chánh trị của “cái giáo phái” tự nhận là một tổ chức chánh trị nầy là tối kỵ hai chữ “chánh trị”. Các tổ chức chánh trị trước sau, cũ mới, cả những tổ chức một thời làm tay chân cho nó , đều bị nó diệt. Không  được tự do có những hoạt động chánh trị, người dân như vậy đã bị nó tước mất ít nhất phân nửa quyền làm dân, làm người. Ngay cả khi các  lãnh đạo tối cao nối tiếp của nó giựt mình thấy  rằng nó  “phải đổi mới hay là chết”, thì nó vẫn dứt khoát không đổi mới về chánh trị, dù biết rằng không đổi  mới chánh trị thì người dân sẽ phải chết, đất nước sẽ phải mất. Nhưng  dân chết, nước mất, mà nó vẫn hy vọng mãi mãi còn thì nó hý hửng gật ngay!
Người dân từ lâu đã ngán đến tận cổ cái trò hề lố lăng “treo đầu heo bán thịt chó” dưới mấy cái chiêu bài giả hiệu tự do, dân chủ, pháp quyền và nhiều chiêu bài tương tự khác của nó.
Tự nhận là một tổ chức chánh trị mà đi ngăn cấm, không cho bất cứ một  tổ chức chánh trị nào  hoạt động để cùng chung lo việc nước thì đích thị nó phải  là một tổ chức chánh trị mạo danh.
Cướp hết các quyền  con người, quyền công dân, áp đặt một chế độ ngu dân chưa từng thấy trong lịch sử thì đích thị nó phải là một tổ chức chánh trị tiếm danh.
Độc quyền nắm hết báo chí, nó kềm cặp không cho người dân có tiếng nói độc lập tự do. Nhưng khi người dân buộc phải tự tìm diễn đàn để nói, kể cả để có kiến nghị thẳng thắn với nó, thì  bị nó chụp mũ là cùng phe với các thế lực thù địch, để đưa ra xử tội. Hành động  đó  cùng nhiều chủ trương hành động tương tự khác của nó dứt khoát không là của một tổ chức chánh trị xứng danh, mà ít nhất cũng là  của một thứ “Taliban đột biến”.
Nó  tự nhận là một tổ chức chánh trị, mà từ  tổ chức, suy nghĩ, rao giảng, hành động, phản  ứng, đối xử , sinh hoạt, kỷ luật…nhất nhất đều theo những khuôn mẫu lề luật riêng của một  giáo phái  thuộc loại quá khích nhất. Cho đến  các tập quán hay quan hệ xã hội, như hôn lễ, tang ma, tưởng nhớ tổ tiên ông bà …nó cũng có những nghi thức ràng buộc riêng, thường là bị tổ chức của nó theo dõi kiểm tra rất  gắt. Vốn bản tính độc tôn nó rất dị ứng với các tôn  giáo và các vấn đề tôn giáo. Đặc biệt các phần tử  ở trong các ngành nhạy cảm của bộ máy  cầm quyền dưới sự lãnh đạo tuyệt  đối toàn diện của nó thì đừng hòng có người yêu, cưới vợ lấy chồng là người có đạo.
Một  hệ thống  cầm quyền ở một nước dân chủ với nhiều tổ chức chánh trị, văn hóa, xã hội, kinh tế… đa dạng  cùng vận hành, ở bất cứ đâu, đều có thể có tốt và có xấu, với nhiều mức độ khác nhau, tùy nhiều góc độ khác nhau. Nhưng cái hệ thống cầm quyền với một tổ chức chính trị duy nhất của “cái giáo phái”, do “cái giáo phái” chủ trương ngu dân đang làm chủ, là chỉ có xấu, và ngày càng xấu xa hơn. Toàn dân ai cũng chán ngán nhận thấy các thế hệ nối tiếp  trong cái guồng máy cầm quyền toàn trị do “cái giáo phái” độc tôn áp đặt trong nhiều chục năm qua, là có nhiều đối tượng thiếu học nhất, mà thừa bằng cấp nhất, so với suốt quá trình lịch sử dân tộc. Chỉ riêng cái nhứt kép nầy đã  là một mối nguy tiềm tàng không nhỏ đối với đất nước. Huống hồ lại có quá nhiều cái nhất khác trong quá nhiều  đối tượng của “cái giáo phái”. Như  thiếu lương thiện nhất, mà thừa tham lam nhất. Như “điếc” nhất mà  nói láo nhiều nhất. Như thiếu trung thành với dân với nước nhất, và thừa phản bội nhất.
Danh sách những cái thiếu nhất và thừa nhất của nhiều thế hệ nối tiếp trong hệ thống cầm quyền do “cái giáo phái” áp đặt lên dân còn dài, kể hoài không hết. Như  thiếu minh bạch nhất mà thừa  đen tối nhất . Như thiếu khoan dung độ lương nhất, mà thừa thâm độc gian ác nhất. Hay như đớn hèn nhất mà nhiều tước vị nhất trong nhiều đối tượng nhất, so với suốt quá trình lịch sử dân tộc.
Tất cả các đối tượng nầy thường được các ông bà lãnh đạo của “cái giáo phái” luôn miệng gọi là những phần tử “thoái hóa biến chất”. Và gọi đó là một  “thành phần không nhỏ”, chỉ  là “không nhỏ” thôi chớ không gọi là lớn, theo đánh giá trước sau như một, trong nhiều chục năm liền,  của chính các ông bà nầy. Mặc dầu các ông bà thừa biết, trong tiếng nước ta, có nhiều thứ lúc nhỏ gọi  khác, lúc lớn gọi khác. Như con trâu lúc nhỏ gọi là con nghé, con bê khi lớn gọi là con bò. Còn cái “thành phần không nhỏ” nầy của các ông bà là cái thứ gì mà sau nhiều  chục năm nó vẫn cứ  mãi là cái  lùn nhùn “không nhỏ không lớn”?
Như vậy là phải cộng  thêm một cái nhất kép nữa cho “cái giáo phái”: giả nai nhất mà cũng trâng tráo nhất. Cứ gọi mãi là  “một thành phần không nhỏ” khi nó đã phình to đến độ chiếm hết cả không gian, không có nơi nào cấp nào mà không bị nó chiếm. Cứ “giảng” mãi  là biến chất  bộ phận, khi đó chính là bản chất toàn phần. Người dân, vì phải triền miên ngạt thở với những thứ thoái hóa biến chất đã trở thành phổ biến, sau cùng cũng nhận ra cái “bản mặt” của chế độ.
Chỉ cần một lần gặp nhau giữa hai cái nhất nêu trên đây, trong một thời gian ngắn, cũng đủ gây tai họa cho đất nước. Huống hồ là nhiều lần gặp giữa nhiều cái “nhất”, triền miên trong nhiều chục năm dài, thì thảm họa diệt vong làm sao tránh khỏi ?
Lịch sử cổ kim đông tây đã từng nêu danh muôn thuở nhiều nhà chép sử ở nhiều nơi đã can đảm nói lên sự thật lịch sử hay chân lý khoa học, dù phải đón nhận cái chết vô cùng tàn nhẫn từ những tên hôn quân bạo chúa vô đạo nhất. Còn ở đây thì ngược lại. Ở đây   là sự gặp nhau giữa hai cái nhất, mà một cái là đớn hèn nhất, trong cổ máy cầm quyền có nhiều tước vị nhất của “cái giáo phái” độc tôn toàn trị. Do sự gặp gỡ nầy mà lịch sử dân tộc chẳng những không được trung thực ghi chép, mà còn bị cưỡng ép, vò bóp không thương tiếc, cả với những trang ràng ràng thời đại rạng ngời nhất. Lịch sử mấy ngàn năm của đất nước hầu như đã bị thu tóm lại  trong mấy mươi năm lịch sử của “cái giáo phái”, lại còn trắng trợn bỏ đi mấy ngày giỗ lớn của dân tộc tưởng nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc trong mấy cuộc chiến gần đây chống giặc bá quyền bành trướng phương Bắc. Đó chẳng những là âm mưu bịt mắt nhân dân, mà còn là nhẫn tâm đầu độc nhiều thế hệ trẻ, không trừ con cháu họ. Đó là chưa kể đến sự gặp nhau giữa  hai cái nhất  khác, tự mãn nhất  và trơ trẽn nhất, với  những bộ mặt nhơn nhơn,  với những tiếng cười hềnh hệch, trên cùng một trang sử, trên nhiều trang sử bị đánh cắp.
Đó là chưa kể các loại sách sử của “cái giáo phái”, do “cái giáo phái”viết , dùng làm “sách  thánh” bắt buộc cho mọi người, kể cả cho các nạn nhân nhiều đợt, nhiều đời, nhiều loại của nó, thì đành chờ… một ngày nào đó, như  các ngày  đã diễn ra ở …đâu đó không xa lắm, vào cuối  những năm 80, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi những tấm màn đen u ám  che khuất  đất nước vạn vật  bị xé toạc, để sự thật lịch sử hiện nguyên hình, để các nhà chép sử chân chính trong ngoài nước được trung thực làm nhiệm vụ của họ.
Quyết định xây dựng đường xe điện ngầm (metro) ở Saigon, trong khi vẫn không ngừng ồ ạt biến miền Nam và cả nước  thành  một “nền văn minh xe gắn máy” lệ thuộc ngày càng chặt  vào các nước sản xuất, quyết định thành lập nhà máy điện hạt nhân ở Phan Rang, trong những điều kiện khí hậu môi trường địa lý bất trắc luôn  đe dọa cả khu vực với  những tai họa khó lường … cũng  là kết quả của sự gặp nhau giữa hai cái nhất, mà  một là  tham lam nhất,  trong giới  lãnh đạo “cái giáo phái” cầm quyền mà  vật tổ là “đồng  tiền nặng”. Đăc biệt dự án nhà máy điện hạt nhân  ở Phan Rang, trong những năm trước mắt,  sẽ là sự sống chung ép uổng giữa các phế tích trăm năm ở địa phương  với  các phế phẩm độc hại ngàn năm của các nhà máy điện hạt nhân lạc hậu được người của “cái giáo phái” mua mảo đem về  từ đâu đó, mà không cần giám định, hay có  giám định cũng đố biết. Kế đến sẽ là sự hẹn hò dành sẵn  cho các thế hệ tương lai với một cuộc phiêu lưu hạt nhân vô định, lành dữ không ai biết, cũng không cần biết…
Với những cái nhất như nêu trên, cùng với quyền lực độc tôn trùm thiên hạ trong nhiều chục năm qua, “cái giáo phái” ngày càng có những đường lối, chủ trương, chiến lược, quyết sách, hành động,  âm mưu, thủ đoạn, dự án… đi ngược  lại các quyền lợi của đất nước, dân tộc. Trên tất cả các lãnh vực. Về giáo dục, về văn hóa, về tài chánh, về kinh tế, về y tế xã hội, về môi trường…Đặc biệt về an ninh quốc phòng. Hãy nhìn về thảm cảnh quê hương biên giới phía Bắc đã bị buông tay cho quân thù tha hồ ngoạm nuốt. Hảy nhớ đến nỗi nhục các quần đảo quê hương  trên biển đã bị bọn giặc biến thành quận huyện của chúng. Hãy lặng nghe vùng  đất Tây Nguyên chiến lược quê ta đang gồng lên nổi giận dưới những nhát cuốc, nhát rìu báng bổ của bọn lính Tàu đội lốt thợ mỏ và vợ con chúng…
Mặc dầu “cái giáo phái” luôn miệng khoe khoang câu thần chú “phê và tự phê” của nó là một thứ phép mầu vạn năng dùng để khống chế “cái thành phần không nhỏ” có nhiều cái nhất của nó. Nhưng kỳ thật ai cũng biết đó chính là cái thứ phù phép  đặc truyền quen thuộc mà  cả “cái giáo phái”, cả “cái bộ phận không nhỏ” của nó thường dùng chung để cùng hóa giải, hòa giải, dung dưỡng, nuôi dưỡng lẫn nhau.
Người dân từ lâu đã biết tỏng “cái giáo phái” nó không thể, cũng không muốn, làm cho  “cái bộ phận không nhỏ” có nhiều cái nhất của nó biến mất. Tại sao ?
Trước hết là vì nó cần âm binh, nên người dân thường xuyên phải chịu cảnh loạn âm binh. Để giữ được và giữ mãi vị trí độc tôn, một mình ngồi trên tất cả, “cái giáo phái” đã không ngừng vận dụng bùa phép, “sái đậu thành binh”. Để tiện sử dụng, sai khiến, làm rào bảo vệ. Không  ai  là không biết cái giống âm binh chúng phá phách như thế nào.Nhất là những âm binh các pháp sư thả ra mà không thu về.Không thu về vì nhiều lý do : một là quên ; hai là vì để mất “tay ấn” do ăn chơi sa đà quá độ, bị đám âm binh đàn em chúng lờn ; ba là bị chúng nắm thóp “ăn” gấp nhiều lần hơn bọn chúng, hoặc  là tiếp tay nối giáo cho một thế lực giấu mặt nào đó; bốn là vì mãi bận lo đấu phép với nhau để tranh giành ảnh hưởng bên trong “cái giáo phái”,khiến đám âm binh được thể đi phá làng phá xóm ; năm là, _ và đây có lẽ là lý do chủ yếu _, do chủ trương để mặc. Bởi nếu diệt hết âm binh thì lấy gì làm tay chân vây cánh , làm bảo vệ ?
Kế đến là vì kẻ muốn làm Trời thường hay làm quỷ…“Cái giáo phái” luôn tự vỗ ngực mình là bực thầy của phép biện chứng, nó thừa biết hễ là con người thì có tốt và có xấu. Chỉ có Trời mới hoàn toàn tốt. Nó không là trời, mà là người. Nhưng thứ người này luôn muốn làm Trời, ngồi trên trị vì thiên hạ cho đến muôn đời, mà nó gọi là lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, và bắt mọi người phải tuân phục như tuân mệnh trời. Như vậy thì nó cũng không phải là người bình thường. Vậy nó là cái thứ gì ? Được biết thế gian xưa nay có một loài  thụ sinh có nhiệm vụ phù hộ con người, nhưng không chịu làm, lại muốn làm trời. Theo đức tin của những tín đồ  một số tôn giáo lớn trên thế giới thì đó là loài quỷ.
Kế đến nữa, theo sách sử có ghi, thì con người cũng có thể tự biến thành quỷ đối với đồng loại, khi ỷ công cậy quyền. Từng cậy thế một thời góp công loại trừ yêu quỷ cỡi cổ dân lành, kẻ cậy công đắc thời cứ tự tung tự tác rồi tự biến mình thành yêu quỷ hồi nào không hay. Ỷ công càng lớn, cậy quyền càng nhiều thì lộng hành hơn cả quỷ sứ, và hết thuốc chữa.
Không phải là thầy bói, hay thầy pháp, nhưng ai  cũng có thể đánh cược được rằng không sớm cắt đứt với đám âm binh, với đám yêu quái là con đẻ của chính  mình thì ngày tàn của  kẻ “sái đậu thành binh” ắt phải đến  sớm .
Chính “cái giáo phái” cũng biết vậy, mà làm sao ? Khi mà tất cả  bọn họ trước sau vẫn chỉ là một ? Chính “cái giáo phái” cũng biết vậy nên cơ ngơi các thứ, tương lai các đời…đã được nó lo thủ sẵn các nơi an toàn ở đâu đó, từ lâu./. 
26-10-2013
Hồ ngọc Nhuận

CÁI GIÁO PHÁI” NẦY LÀ GIÁO PHÁI GÌ ? (Bài 2)

Bauxite Việt Nam
Bài 2: VƯỜN ĐỊA ĐÀNG CỦA “CÁI GIÁO PHÁI” (*)
Hồ Ngọc Nhuận
Bây giờ người ta ta ít nói tới “vườn địa đàng”, mà chỉ nói tới thiên đàng hay niết bàn. Theo một vài truyền thuyết thì “vườn địa đàng” là có thật hồi mới tạo thiên lập địa, nhưng đã bị tổ tiên loài người phạm tội đánh mất, nên con người từ đó phải biết lo tu thân để mong sau khi chết được lên thiên đàng mà hưởng phước đời đời, không phải xuống địa ngục.
Vậy thiên đàng là ở đâu?
Người ta có thói quen chỉ lên trời, còn địa ngục thì chỉ xuống đất. Mà quên rằng trái đất sau ông Galilée là không vuông, mà tròn. Bên kia trái đất cũng là trời, nếu chỉ như vậy thì thiên đàng và hỏa ngục cùng ở một nơi sao?
Theo một số người thì điều này là cũng có thể và có lý lắm. Theo họ, thiên đàng không ở một nơi nào hết, mà là một trạng thái hưởng thụ, vật chất hay tinh thần. Người ta không từng nói đã lên thiên đàng, đã gặp thiên đàng khi đạt được một điều gì vui sướng nhất, sảng khoái nhất trần gian đó sao? Không thiếu người trong đời đã khoe là đã từng được dịp lên đến “chín tầng mây”. Mà “chín tầng mây” tức là một thứ thiên đàng rồi. Vậy thiên đàng nó ở ngay trong lòng mình. Đi bộ cả buổi mà gặp một ly trà đá thì đúng là gặp thiên đàng.
Nhưng nếu cứ muốn nó phải ở một nơi cụ thể nào đó, thì ở đâu mà tình trạng hưởng thụ được cho là tuyệt vời lý tưởng nhất thì ở đó là thiên đàng. Một triền đồi, một mái nhà tranh, một doi đất bên bờ biển vắng trên mảnh đất quê hương có thể là một thiên đàng cho ai đó. Có nhiều vùng thiên nhiên tuyệt đẹp trên thế giới cũng được người ta tôn vinh là thiên đường, như thiên đường trắng của các dãy núi tuyết vĩnh cữu. Và Tình Yêu. Và cả những giấc mơ nữa. Có người vì vậy mà suốt đời bị cả những người thân của mình cho là mãi sống trên mây. Kỳ thật là họ đang sống trong những giấc mộng của mình, mà không phải là ác mộng hay mộng ác.
Ngược lại thì hỏa ngục cũng vậy. Ngược lại thì không thiếu người tội nghiệp đã gặp phải hỏa ngục ngay trong nhà mình. Nhân loại cũng không thiếu cảnh một dân tộc phải sống trong chế độ gông kìm của một địa ngục trần thế. Nếu địa ngục thật sự có nhiều tầng, thì chế độ của bọn Khmer Đỏ Pol Pot không biết ở tầng thứ mấy, mà người dân Campuchia, không trừ các vị sư sải của đạo Phật, đã phải kéo lê kiếp sống hãi hùng trong đó suốt 4 năm dài. Cả những chú khỉ hoang ở Angkor Vat cũng đến phải chết đói. Chế độ cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông cũng là một tầng địa ngục, hay tất cả các tầng địa ngục gộp lại cũng nên.
Nhưng xin trở lại chuyện cái thiên đàng của “cái giáo phái”. Nó không giống với thiên đàng trong niềm tin của một giáo phái nào khác.
Như giáo phái Aum Shinrikyo ở Nhật chẳng hạn. Báo chí thế giới đã từng nói đến cái gọi là “giáo phái của giới tinh hoa” này rất nhiều vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Giáo phái Aum, nói tóm tắt, cũng rao giảng về việc cứu nhân độ thế, về ngày tận thế. Nhưng cái khác căn bản của nó là khi rao giảng về ngày tận thế, nó lại tin nó có khả năng thúc đẩy ngày tận thế mau đến bằng lợi dụng chiến tranh. Tận thế, nhưng Aum vẫn còn, và ai tin theo nó thì vẫn tồn tại để cùng với nó ngự trị trên thiên hạ đời đời. “Nổi tiếng” nhất là cái lần nó góp phần “thúc đẩy ngày tận thế” tới sớm bằng cuộc tấn công tàu điện ngầm ở Tokyo với chất độc sarin vào sáng ngày 20-3-1995, giết chết 13 người, làm bị thương nặng 54 người và 980 người nhẹ, theo con số chính thức. Cảnh sát còn khám phá ở tổng hành dinh của giáo phái dưới chân núi Phú Sĩ hằng kho chất nổ, vũ khí hóa học, vũ khí vi trùng… ước tính có khả năng giết hại ít nhất 4 triệu người, và các phòng bào chế các chất gây nghiện, như LSD… Sau cùng, giáo chủ của Aum là Shoko Asahara và mấy môn đệ hàng đầu cũng đã bị bắt và bị chung thẩm kết án tử hình vào ngày 15–9-2006.
Khác với Aum, giáo phái Đền Mặt Trời ở Thụy Sĩ và Canada thì lại gởi gắm đức tin vào một thiên đàng ở thế giới khác, ở một hành tinh khác. Và muốn đến đó thật sớm bằng cách tự sát và giúp nhau tự sát tập thể. Trước sau, từ tháng 9-1994 đến tháng 3-1997 có tất cả 4 vụ thảm sát hay tự sát tập thể làm xôn xao dư luận ở châu Âu và Bắc Mỹ, mà vụ có nạn nhân đông nhất là vụ xảy ra ngày 05-10-1994, tại 2 nơi ở Thụy Sĩ, với tổng cộng 53 mạng người, trong đó có cả một giáo chủ sáng lập giáo phái, cùng người bạn đời và con gái… Mọi chuyện rồi cũng chìm vào quên lãng sau phiên tòa năm 2006, trả tự do cho nghi can duy nhất còn lại trong nội vụ…
Hoàn toàn không giống với hai giáo phái điển hình kể trên, “cái giáo phái” nói ở đây nó thừa biết không có ai qua đời mà trở lại để cho biết thiên đàng hay hỏa ngục nó ra làm sao. Nếu có thì chắc tội ác loài người không đến nổi tràn ngập thế gian như xưa nay. Nhất là tội ác đối với con người. Là tội nặng nhất, vì chống lại Tình Yêu.
Cho nên “cái giáo phái” nó không chờ ngày tận thế, cũng không chờ kiếp sau, mà chủ trương xây dựng một thiên đàng ngay ở trái đất này, một vườn địa đàng.
Có thể được không?
Từ trước tới nay, lâu lâu người ta cũng nghe ai đó nói qua về một điều tương tự. Nhưng vừa rồi, qua tin các báo chính thức, có một ông lãnh đạo cao ngất đã chính thức tuyên bố về việc ông cũng đang xây dựng một “cái na ná”, mà ông lo không biết “cái na ná” của ông đến cuối thế kỷ 21 này có xong hay không?!
Trong khi đó thì có một cố tướng lãnh anh hùng, một nhà tình báo thượng thặng vừa là một nhà báo nổi tiếng, lúc sinh tiền đã từng tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp làm báo trong ngoài nước, về một “cái na ná” như cái mà ông lãnh đạo cao ngất nói trên tuyên bố đang lo xây dựng. Theo ông tướng nhà báo, cái vườn địa đàng, hay “cái na ná”, nếu có thật, thì phải chờ ít nhất một ngàn năm nữa may ra mới đến đó được. Còn nếu ai sốt ruột, muốn có nó ngay, thì nên vô rừng mà sống như Tarzan, với Tarzan, nếu đâu đó thật sự còn rừng. Ông bạn nhà báo anh hùng này nói vậy là vì ông tham gia hoạt động vì lòng yêu nước yêu dân, như nhiều đồng bào bạn hữu khác của ông, chớ không hề có chút ảo tưởng về cái thiên đàng hay “cái na ná” nào do “cái giáo phái” nào hứa hẹn. Và ngày nay, nếu ông nghe được cái ông lãnh đạo cao ngất tuyên bố như trên kia, và chắc là ông nghe được, thì ông phải đến thét lên là cái ông cao ngất đó lại tiếp tục “nói theo các báo Sự Thật”.
Còn người dân ở đây, đứng trên nhiều góc độ khác nhau, thì mỗi người đều từng chứng kiến mỗi ngày cái vườn địa đàng của “cái giáo phái” đó từ rất lâu rồi. Người dân ở đây đã thấy hàng hàng lớp lớp các đội tiên phong của “cái giáo phái”, rồi toàn bộ “cái phần không nhỏ” của “cái giáo phái”, đã “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc”… vào cái vườn địa đàng của nó từ lâu rồi. Chớ không cần chờ đến cuối thế kỷ để được thấy “cái sự thật thế kỷ” của cái ông lãnh đạo cao ngất trên kia nó ra làm sao.
Vậy cái vườn địa đàng hay thiên đàng dưới thế của “cái giáo phái” nó là cái gì, như thế nào? Và nó ở đâu, theo người dân?
Theo người dân thì nó cũng ở trên cùng mặt đất với dân đen, nhưng mọi thứ của nó đều như trong một hành tinh khác, với cuộc sống, nếp sống, mức sống, với tất cả mọi thứ đều hoàn toàn khác với kiếp sống của người dân. Mà một trời một vực.
Nó là cái thứ được “cái giáo phái” sinh ra để tha hồ hưởng thụ và không hề bị trừng phạt. Thiên đàng thì làm gì có phạt. Chỉ có “điều chuyển” qua lại, lên xuống trong cái hệ thống tổ chức của “cái giáo phái” để mãi mãi tiếp tục hưởng.
Dân đen phải đổ mồ hôi, phải lao động mới có ăn. Dân trong vườn địa đàng của “cái giáo phái” không phải đổ mồ hôi mà có sẵn đủ thứ để ăn. Hằng núi đủ thứ để ăn, bao nhiêu đời con cháu ăn hoài không hết.
Dân trong vườn địa đàng của “cái giáo phái” không cần lao động, chỉ cần biết ký tên. Ký ở góc đường, ký ở lầu cao, ở các ngân hàng, dưới các giấy phép, dưới các dự án, các gói thầu, các hợp đồng; dưới quỹ lương, quỹ vay, quỹ viện trợ; dưới các chính sách, nghị quyết… Hãy nhìn những thứ ngồn ngộn nó thãi ra, và chừa ra, để chôn làm nền cho cái vườn địa đàng của nó trên cả nước thì biết sức ăn của nó khủng khiếp đến nhường nào.
Nó hơn là một thứ ôn dịch, hơn là một đại nạn hay quốc nạn, trăm năm hay ngàn năm. Vì trăm hay ngàn thì cũng qua, mà cái này, ở đây, theo chủ trương của nó, là muôn đời.
Muôn đời trên lưng người dân. Trừ phi tới ngày nó quyết định bán mảo từng gói, hay trọn gói để bỏ đi làm ăn nơi khác…
Cái ông lãnh đạo cao ngất trên kia tuyên bố đang lo xây dựng “cái na ná” của ông trước cuối thế kỷ là tung hỏa mù. Để bao giấu cái vườn địa đàng mà “cái thành phần không nhỏ” của “cái giáo phái” đã làm ổ trong đó từ lâu.
Ông nói vậy là nói xạo, vì không ai đi xây dựng một cái đã sập cách đây chỉ mới hơn 20 năm, ở chính cái nơi mà nó cũng chỉ sống vỏn vẹn có 74 năm. Không ai đi xây dựng những cái đã sập ở nhiều nơi cách đây cũng chỉ mới vài mươi năm, sau khi chỉ sống vỏn vẹn có 44 năm.
Và cái sớm muộn cũng sẽ sập là ở cái xứ nổi tiếng người ăn thịt người, nổi tiếng đốt sách chôn học trò, đập tượng ông Khổng rồi lại bày trò bịp bợm đi dựng lại ở khắp nơi trong ngoài nước. Cái xứ có truyền thống bá quyền chuyên đàn áp các dân tộc thiểu số, luôn âm mưu xâm lấn, thôn tính các nước chúng gọi là man di chung quanh.
Cát sa mạc đang lấn sâu vào nội địa cái xứ đó, bụi cát sa mạc định kỳ phủ trùm thủ đô cái xứ đó, nạn ô nhiễm môi trường kinh niên trên các thành phố đông dân, sóng di dân ồ ạt lòng vòng trong nước và ra ngoài nước… là những điềm báo trước ngày tàn của bọn bành trướng đó.
Vậy thiên đàng của “cái giáo phái” ở đây nó là cái gì, ở đâu?
Chưa nói ra hết, nhưng bà con ở đây ai cũng biết. Nó chính là chế độ tham nhũng, là tham nhũng đã trở thành chế độ.
04-11-2013
H.N.N.

Làm theo năng lực hưởng theo cái gì?

Từ những thập niên 80 của thế kỷ trước, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được nghe đi nghe lại các thầy các cô dạy rằng: “Chủ nghĩa Tư bản đang giãy chết và tự đào hố chôn mình, còn Chủ nghĩa Cộng sản đang trên đà phát triển và tiến lên Thế giới đại đồng”.
 
Tôi cứ chăm chú lắng nghe và vô cùng thích thú mặc dù đã được nghe nhiều lần. Lúc đó tôi vô cùng tự hào vì gia đình tôi cũng đã có nhiều người đóng góp xương máu cùng với nhân dân Miền Bắc để giúp Đảng Cộng sản có được “hòa bình” và “thống nhất đất nước”. Tôi lại còn nghĩ rằng rất may mà Việt nam đã có một vị lãnh tụ tài ba như Hồ Chí Minh, người đã bôn ba để tìm ra và đưa về cho dân tộc Việt Nam một chủ nghĩa tuyệt vời. Tôi, như nhiều đứa trẻ khác, tin rằng chẳng bao lâu nữa Việt Nam sẽ tiến thẳng lên Chủ nghĩa Xã hội mà không cần phải đi qua Tư bản chủ nghĩa. Rồi đây người dân Việt Nam sẽ tha hồ hưởng thụ những thành quả cách mạnh mà Đảng và Bác đem lại. Và các ước mơ cũng tràn lan: Người dân chúng tôi sẽ thực sự làm chủ đất nước của mình; Việt Nam sẽ trở nên lớn mạnh, sánh vai với các cường quốc; và dĩ nhiên nhân dân sẽ đạt tới lằn mức thiên đường của “Làm theo năng lực – Hưởng theo nhu cầu”.
 
Niềm tin đó cứ ấp ủ trong tôi suốt thời gian còn là học sinh cho tới năm 1990 khi tôi bước vào quân ngũ. Đó cũng là thời điểm Liên Bang Xô Viết và cả Khối Đông Âu bắt đầu xụp đổ. Nhưng quái lạ là ngay trong thời gian đó, tại những buổi học chính trị của đơn vị, tôi vẫn nghe các chính trị viên đơn vị tiếp tục giảng lại những gì tôi đã được nghe trong thời còn học phổ thông về chủ nghĩa  Cộng sản, chủ nghĩ Xã hội. Nhưng lúc này tôi đã lớn hơn nhiều nên suy nghĩ cũng khác. Tôi không còn tin những gì đảng Cộng sản và hệ thống tuyên truyền của đảng rêu rao nữa. Tôi chán đến độ không muốn trở thành đảng viên, và đó cũng là lần đầu tiên tôi không còn cảm thấy tự hào về những hy sinh đóng góp của những người thân mình cho Cộng sản  nữa. Có lẽ nhờ môi trường bộ đội mà tôi đã nhận ra sự bịp bợm dối lừa của cái chủ nghĩa nói thì hay nhưng làm lại ngược hẳn lại.
 
Từ đó tới nay khi phải chứng kiến những bất công trong xã hội, những nghịch lý trong cuộc sống tôi lại được nhắc nhở về nụ cười mếu máo của lời hứa: một thế giới đại đồng được xây dựng bởi bàn tay của những người Cộng sản.
 
Chỉ cần nhìn vào một số sự kiện liên tiếp xảy ra gần đây, như các tập đoàn kinh tế nhà nước  Vinashin, Vinalines, Vina…x, Vina…y bị những người Cộng sản ăn ruỗng đến tận xương; hay nhìn vào cảnh người dân oan bị những người cộng sản cướp đất cướp nhà cướp mọi phương kế sinh sống; hay nhìn những cháu bé chết chẳng kịp “ giãy” vì những người cộng sản vẫn tự hào “chích cho là phúc rồi!”; hay nhìn mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Xuân ở Thiệu Hóa Thanh Hóa chết ngay trên bàn mổ vì những người cộng sản chưa nhận được phong bì; hay nhìn xác người dân tại các tỉnh miền Trung bị những người cộng sản bất ngờ xả lũ xuống đầu chết phình chết nổi hàng loạt; hay nhìn xác thân những liệt sĩ nay được những người cộng sản chuyển sang thành xương trâu xương lợn để kiếm lợi nhưng đổ hết tội lên đầu các nhà ngoại cảm; v.v… Nhiều người nay đã tự hỏi: Làm theo năng lực – Chết theo nhu cầu?
 
Còn lời tiên đoán về “Tư bản giãy chết” thì không hiểu tại sao không những họ vẫn còn tồn tại mà ngay cả các nước XHCN cũng bắt chước làm theo để sống sót? Theo tôi nghĩ thì một trong những lý do mà họ sống hùng sống mạnh là vì đã biết cột Tư Bản với Dân Chủ. Nhờ đó nói và làm của họ đi đôi với nhau. Nếu không làm được như đã nói thì người dân thay ngay bằng người khác. Họ có cơ cấu xã hội dân sự; nền chính trị của họ có tam quyền phân lập rõ ràng; kinh tế của họ phát triển vì khả năng trí tuệ của người dân được tôn trọng và có môi trường thuận lợi để phát huy; mọi đảng phái chính trị tự do hoạt động; các tổ chức dân sự được khuyến khích góp phần chăm sóc xã hội; …
 
Ngược lại, tại Việt nam, Tư Bản (với tên mới là Kinh tế Thị trường) lại bị cột với đối thủ truyền kiếp là chủ nghĩa Cộng sản để làm nền tảng cai trị bên dưới các lãnh tụ “tài tình” của Đảng Cộng sản. Hệ quả là những người có chức có quyền hầu hết là những người rất tài giỏi … trong ngành đấu đá nội bộ, gian xảo rất tinh vi với tất cả mọi cấp, và biết tận dụng khổ đau của người chung quanh làm vũ khí. Khi đạt đến mức này thì họ trở thành giai cấp được thực sự “Làm theo năng lực – Hưởng theo nhu cầu”. Họ không cần học hành đỗ đạt hay kiến thức gì cả. Năng lực tới đâu thì làm tới đó. Nếu có sai thì cứ “sai đâu sửa đấy” hoặc “đó là lỗi của cô thư ký, cậu đánh máy”. Nhưng nhu cầu của họ rất lớn nên phải ra sức hưởng nhiều, không những cho mình mà còn nặng gánh cho gia đình nữa. Đặc biệt trong 10 năm qua, nhu cầu đất của lãnh đạo ngày càng lớn nên đảng đã phải giải quyết trên căn bản: Một vài cá nhân chỉ được phép xử dụng đất đai mà thôi chứ toàn dân mới là chủ; Và đảng có trách nhiệm quản lý tài sản của toàn dân, bao gồm cả đất đai; Và đại diện cho quyền lợi và tiêu chí của toàn đảng là các lãnh tụ ở thượng tầng; Do đó lãnh đạo cưỡng chế đất từ tay một vài cá nhân là hoàn toàn đúng lôgích xã hội XHCN.
 
Điều đáng nói là các chế độ độc tài, đặc biệt độc tài cộng sản, từng “giãy” chết đều đã áp dụng cùng loại lôgích như vậy.
Nguyễn Trung Tôn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét