Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Đề xuất bỏ phiếu kín vấn đề còn khác nhau về Hiến pháp & Ở Việt Nam, có tài sản thì khỏi cần... tài

Đề xuất bỏ phiếu kín vấn đề còn khác nhau về Hiến pháp

Đề xuất bỏ phiếu kín về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trước khi thông qua Hiến pháp là quan điểm được tập hợp tại báo cáo ý kiến thảo luận tại tổ của Quốc hội ngày 23/10 về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo nghị trình, bắt đầu từ sáng 5/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cùng dự thảo nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Báo cáo tập hợp ý kiến thảo luận tại tổ về hai nội dung trên vào sáng 23/10 cũng sẽ được trình bày tại phiên thảo luận toàn thể.
Đoàn thư ký kỳ họp cho biết, đã có 247 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại tổ. Nhìn chung, các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và cho rằng, dự thảo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, có nhiều điểm mới so với bản trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Nên đổi tên
Bản tập hợp gần 18 nghìn chữ thể hiện khá chi tiết các ý kiến từ lời nói đầu cho đến cơ chế bảo vệ Hiến pháp.
Theo đó có 68 ý kiến ở 19 tổ tán thành với tên gọi, nội dung cơ bản của dự thảo và báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
8 ý kiến đề nghị lấy tên gọi là Hiến pháp sửa đổi 2013 vì nội dung của dự thảo sửa đổi rất nhiều so với Hiến pháp năm 1992 (chỉ giữ lại 7 điều).
Bên cạnh 10 ý kiến ở 8 tổ nhất trí với quy định của điều 4, một số vị đề nghị bổ sung mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ, quy định về trách nhiệm của Đảng trước nhân dân và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật vào điều này.
Cơ bản tán thành với chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, song cũng có ý kiến đề nghị giải trình rõ hơn việc bỏ một số quyền con người, quyền công dân tại dự thảo.
Liên quan tới việc hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, báo cáo cho biết có 14 ý kiến ở 9 tổ nhất trí với khoản 1 điều 51: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Tuy nhiên, 10 ý kiến ở 7 tổ còn băn khoăn về quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” vì quy định như vậy mâu thuẫn với quy định “các thành phần kinh tế bình đẳng” tại khoản 2 điều này.
Hơn nữa, thực tế vừa qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện được vai trò chủ đạo và đã có nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả .
Có vị đại biểu đề nghị sửa lại khoản này như sau: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, có định hướng, quản lý và điều tiết của nhà nước, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Kinh tế nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, tài nguyên quốc gia, tài sản nhà nước và doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo”

Băn khoăn thu hồi đất
Với điều 53, dự thảo Hiến pháp quy định “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.
Kết quả thảo luận tại tổ cho thấy có 7 vị nhất trí quy định về hình thức sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Một ý kiến đề nghị quy định đa sở hữu về đất đai hoặc quy định có sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể về đất đai.
Còn nhiều băn khoăn là hiến định thu hồi đất tại điều 54. Khoản 3 điều này quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Ngoài 11 ý kiến tán thành, 4 vị cho rằng việc quy định cụ thể đối với các trường hợp thu hồi đất cần được quy định chi tiết trong luật.
4 vị đại biểu cho rằng vấn đề thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều ý kiến khác nhau và không có tính ổn định. Vì vậy, đề nghị cân nhắc không quy định trong dự thảo Hiến pháp. Và có 8 ý kiến khác đề nghị bỏ quy định “phát triển kinh tế - xã hội”.
Với khoản 3 điều 55: “Đơn vị tiền tệ quốc gia là Đồng Việt Nam. Nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia, có ý kiến phân tích quy định Nhà nước bảo đảm ổn định, giá trị đồng tiền quốc gia là không hợp lý vì vấn đề này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Đề nghị bỏ quy định Nhà nước bảo đảm ổn định, giá trị đồng tiền quốc gia.
Ai giới thiệu Chủ tịch nước?
Liên quan đến các nội dung về nhân sự cấp cao, có ý kiến đề nghị quy định rõ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội do ai giới thiệu để bầu, vì các chức danh khác đều có người giới thiệu.
Theo 6 ý kiến ở 5 tổ cần cân nhắc quy định Quốc hội phê chuẩn chức danh Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao vì đây là chức danh nghề nghiệp, chỉ nên quy định trong luật.
Về quy định bỏ phiếu tín nhiệm có 3 ý kiến ở 3 tổ tán thành, 1 vị cho rằng vấn đề này cần phải làm thận trọng, ý kiến khác đề nghị quy định Quốc hội “bỏ phiếu bất tín nhiệm”.
Không tán thành quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, 12 ý kiến ở 7 tổ đề nghị quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng, các ủy ban để nâng cao vị thế của các cơ quan này. Đồng thời cần quy định vị thế độc lập của các cơ quan đó trong Hiến pháp.
Về cơ chế bảo vệ Hiến pháp, 28 vị tán thành không quy định Hội đồng Hiến pháp trong Hiến pháp nhưng cần tăng cường trách nhiệm giám sát việc thi hành Hiến pháp của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Chỉ có 2 ý kiến đề nghị thành lập Hội đồng Hiến pháp để có cơ chế bảo vệ Hiến pháp độc lập và hiệu quả hơn
Bản tập hợp ý kiến thảo luận tại tổ cũng phản ánh ý kiến đề nghị Quốc hội cần dành thời gian để các đại biểu Quốc hội góp ý trực tiếp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau đó gửi lại cơ quan soạn thảo để tiếp thu và bỏ phiếu kín về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trước khi thông qua Hiến pháp.
* VnEconomy xin mời độc giả xem toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (dự thảo mới nhất). 
(VnEconomy)

Tướng Giáp, người anh hùng của độc lập Việt Nam, đã qua đời

Jean-Claude Pomonti, Le Monde, số ra ngày 4 tháng mười 2013
Đào Hùng dịch
Những tưởng BVN đã khép lại đề tài Võ Nguyên Giáp sau hơn mười ngày liên tục đưa tin kể từ khi vị Đại tướng nằm xuống. Nhưng tự trong sâu thẳm, chủ đề Võ Nguyên Giáp vẫn thôi thúc một sự suy nghĩ có tính chất phản tỉnh về nhiều mặt, ở mọi người trí thức tỉnh táo của thời đại. Công lao thì rõ rồi song cũng đâu đã được soi tỏ hết, vì nhiều luồng thông tin quá phức tạp chồng phủ lên con người ấy kể từ khi ông thất sủng mãi đến khi qua đời. Và trách nhiệm của vị tướng về hậu quả của hai cuộc chiến giành thắng lợi gian nan chật vật suốt 20 năm ròng nhằm bảo đảm cho sự lên ngôi toàn vẹn của một chính thể chuyên chế ngày càng lộ diện hà khắc, dẫn đến tình trạng bi thảm của một nước Việt Nam ngổn ngang đổ vỡ, một dân tộc bị xé nát – cả chính trị kinh tế văn hóa xã hội, cả khủng hoảng phần sống hiện thực lẫn phần sống tâm linh ở mỗi con người – trong hiện tại, chẳng lẽ ông không dự phần?
Có những người tỏ ý chế giễu cái đám đông đã lũ lượt kéo đến hầu như dài vô tận để kính viếng hương hồn vị tướng trong suốt những ngày lễ tang ông diễn ra và ngay giờ đây ở khu mộ của ông ở Vũng Chùa ngày ngày vẫn có đến 4, 5000 người khói hương không dứt; họ cho rằng đây là một hiện tượng “lên đồng” chẳng khác gì đám đông người dân Bắc Triều Tiên khóc như mưa như gió trước cái chết của Kim Il Sung. Tôi không tin lắm vào điều này. Ít ra thì có đến hai phần ba những người đến nghiêng mình trước di ảnh hoặc thi hài ông đủ khả năng chiêm ngẫm về cái chết của ông.
Không phải vì người Việt Nam không từng bị nhồi sọ đến mê muội một thời gian dài và vẫn còn tiếp tục bị nhồi sọ, nhưng người Việt Nam ra mặt “phù suy” như vừa qua là một sự kiện khó lòng tưởng tượng. Một cuộc biểu tình hiền lành nhưng lại có ý nghĩa thách thức công khai khiến những kẻ nào đó nếu còn chút hiểu biết phải hết sức choáng ngợp. Có thể là cái chết đã góp phần tạo nên một sự “thanh lọc”, mong thế lắm, có giá trị đánh thức những lương thức chưa ngủ hẳn, để giữa hai lớp người ngày càng xa cách nhau trong quan điểm may ra cùng tìm được chút ánh sáng chung phía cuối con đường hầm. Kỳ thực, phải nói ngay, đấy chỉ là huyễn vọng, khi mà nhiều chuyện xảy ra từ đó đến nay hình như lại có chỉ dấu rằng, cái chết làm cho trắng đen càng tách bạch hơn. Cái chết của một người bị chính thành tích chói lọi của mình bắt phải trả giá, bị đẩy xuống thân phận một người nằm trên bờ vực “chính” và “phản” trong gang tấc, thì không thể có giá trị hàn gắn như ở những trường hợp khác, mà chỉ báo hiệu sự phân liệt mạnh mẽ giữa một bên là những quyền lợi phe nhóm ích kỷ không thể sửa chữa và một bên là dân tộc và nhân dân. Giải tỏa tấn bi kịch vô hình khủng khiếp đè lên con người đó, bỏ qua mọi thứ “công tội” do chính cái chủ nghĩa mà con người đó theo đuổi, trả lại cho con người đó cái giá trị đích thực của một vị tướng đánh trận tài năng, phải nói chính là vòng tay ân nghĩa của nhân dân. Người viết mấy dòng này, cũng do cơ duyên dun dủi, đã từng được gián tiếp nghe một lời khuyên vị tướng của chúng ta từ nửa cuối những năm 1970, đại khái: “Về nghỉ là thượng sách. Thử điểm lại lịch sử xưa nay có tướng nào giành được chiến công lẫm liệt mà không đi kèm thân bại danh liệt hay không?”.
BVN tuy đã đăng nhiều bài về tướng Giáp nhưng vẫn còn thiếu một vài bài mở thêm cái nhìn từ thế giới bên ngoài soi vào. “Cờ ngoài bài trong” người ngoài cuộc thì thường rõ hơn một số ngóc ngách nào đấy mà người trong cuộc dễ bị khuất lấp. Bài viết đăng dưới đây của Jean-Claude Pomonti phóng viên báo Le Monde tại Đông Nam Á từ năm 1968 đến 1974 và tái xuất hiện tại Việt Nam từ 1987 rồi sau đó còn trở lại nhiều lần ít nhiều có thể bù vào chỗ thiếu khuyết nói trên.
Nguyễn Huệ Chi
clip_image001
Trong lịch sử ông vẫn là một trong những vị chỉ huy chiến trận lớn của thế kỷ XX, người duy nhất đã lần lượt đánh bại Pháp và đương đầu với Hoa Kỳ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời hôm thứ sáu 4 tháng mười ở tuổi 103.
Sự chiếm lĩnh cứ điểm Pháp ở Điện Biên Phủ tháng năm 1954 và sự sụp đổ của Sài Gòn tháng tư 1975 là những chiến tích của vị chỉ huy tầm cỡ đặc biệt này: uy tín cá nhân, thiên tài hậu cần, chiến thuật gia vô song. Những thắng lợi không thể chối cãi đó, đã khiến tướng Võ Nguyên Giáp trở thành người cuối cùng của một loạt các nhà chiến lược vĩ đại Việt Nam, trải qua bao thế kỷ, đã thành công trong việc chặn đứng con đường xuống phương Nam của Trung Quốc sau khi đuổi chúng ra khỏi đất nước mình. Về phần mình, tướng Giáp đã góp phần vào việc làm thất bại cuộc quay trở lại Việt Nam của Pháp, và trên đà đó, giữa lúc diễn ra chiến tranh lạnh, đã bẻ gãy sự thay thế mà người Mỹ muốn thực hiện.
Sinh ngày 25 tháng tám 1911 ở một làng miền Trung Việt Nam, trong một gia đình nhà nho khiêm tốn, Võ Nguyên Giáp đã trải qua tuổi trẻ trong một môi trường đấu tranh dân tộc: bị lôi thôi với Mật thám Pháp, hai lần ngồi tù năm 1930 và 1932. Ông đỗ tú tài (Pháp) năm 1934, rồi dạy lịch sử và tiếng Pháp ở Hà Nội, trường Thăng Long, lò hun đúc các chiến sĩ chống thực dân. Năm 1937, vào thời kỳ Mặt trận Bình dân, ông tham gia Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó đang ở trong vòng bí mật.
Từ đó, hành trình của ông đã được vạch ra. Tháng năm 1940, cùng với Phạm Văn Đồng, vị thủ tướng tương lai (1954-1986), Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc để lần đầu tiên, gặp Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng Cộng sản năm 1930. Năm 1939, ông kết hôn cùng với một nữ chiến sĩ cùng quê với ông, sinh được một đứa con năm 1940. Ông không bao giờ gặp lại vợ: ít lâu sau khi ông ra đi, bà bị Mật thám Pháp bắt. Bị tra tấn dã man, bà chết trong tù, theo người ta nói, là tự vẫn. Ông Giáp chỉ được tin mấy năm sau.
Say mê Bonaparte
Ở trường trung học Thăng Long, vào đêm trước Thế chiến hai, học sinh đã mệnh danh ông là “ông tướng”, hay cụ thể hơn là “Napoléon”. Nếu ông Giáp vẫn học hỏi những kinh nghiệm của các bậc tiền bối, qua bao thế kỷ, đã giáng cho bọn xâm lược Trung Quốc những đòn thảm bại, thì ông cũng nghiên cứu chi tiết các chiến dịch của Bonaparte. Những bậc tiền bối đã dạy cho ông nghệ thuật vận dụng địa hình, dựa lưng vào dãy Trường Sơn, củng cố hậu phương, lôi kéo đối phương vào cạm bẫy.
clip_image002
Trong các chiến thuật của Bonaparte, ông Giáp đặc biệt ghi nhớ “yếu tố bất ngờ”. Về Điện Biên Phủ, một nửa thế kỷ sau ông đã kể lại với chúng tôi, “người đứng đầu các cố vấn của chúng tôi chủ trương tấn công nhanh” vào cứ điểm Pháp nằm trên một cánh đồng giáp Lào. Cuộc tấn công ấn định vào ngày 25 tháng một 1954, lúc 17 giờ, tức trước khi đêm xuống ít lâu. Vào phút cuối, tướng Giáp kéo dài thời hạn thêm 24 giờ đồng hồ. Rồi ông “ra lệnh rút quân, kể cả pháo”. “Đấy là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tổng chỉ huy của tôi”.
Tại sao? Ông đã giải thích “Để tấn công, tôi chờ nghe trên đài phát thanh tướng Navarre tuyên bố rằng làn sóng Việt Minh đã chựng lại…”. Navarre lúc đó là chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương và chính ông ta đã quyết định lập cứ điểm gần biên giới giữa Lào và Việt Nam để thu hút các sư đoàn Việt Minh. “Chựng lại”, ông Giáp mỉm cười nhắc lại. “Và tôi đã hành động ngay!” Ngày 23 tháng ba. Chỉ huy sở của tướng de Castries, chỉ huy cứ điểm, bị chiếm ngày 7 tháng năm, chưa đầy hai tháng sau.
Ông Giáp còn nói về những diễn biến sau đây. Vài tuần trước ngày “tổng tiến công cuối cùng” của Việt Cộng kết thúc bằng cuộc đầu hàng của Sài Gòn ngày 30 tháng tư 1975, hải cảng chiến lược Đà Nẵng ở miền Trung, đã bị quân đội cộng sản bao vây. “Chính quyền Sài Gòn của Nguyễn Văn Thiệu, ra lệnh cho chỉ huy địa phương, tướng Ngô Quang Trưởng phải “tử thủ”. Tôi lệnh cho sư đoàn 312 tấn công Đà Nẵng. Viên chỉ huy trả lời tôi: “Quân địch khá mạnh, tôi xin 7 ngày”. Tôi hỏi: “Tôi cho rằng Ngô Quang Trưởng sẽ rút bằng đường biển. Hắn ta phải mất bao nhiêu lâu?” “Ít ra là ba ngày”, viên chỉ huy 312 trả lời bằng điện báo. “Vậy thì tôi cho anh ba ngày. Lệnh cho các đơn vị hành tiến giữa ban ngày, xuống Quốc lộ 1. Các anh sẽ bị pháo hải quân đối phương oanh kích, nhưng không sao”, ông Giáp nói. “Như vậy, ông nói tiếp, không những cái túi Đà Nẵng bị tiêu diệt mà chúng tôi còn có thêm nhiều sư đoàn dự bị để mở cuộc tấn công cuối cùng vào Sài Gòn”. “Tôi chỉ nói đơn giản: “Tiến vào Sài Gòn!”” Một lần nữa, yếu tố bất ngờ, sự “tập trung quân”, sự “táo bạo”, đó là những gì mà ông Giáp còn ghi lại khi phân tích những chiến dịch của Bonaparte (ông không nói Napoléon đệ nhất, hoàng đế, rõ ràng khía cạnh chính trị không hấp dẫn ông).
Hoàn toàn tin tưởng các phụ tá
Chỉ được thành lập vào cuối Thế chiến hai, quân đội Việt Minh thực hiện nhiệm vụ không ngần ngại. Năm 2004, tôi rất ngạc nhiên khi ông Giáp thốt lên: “Cuộc trở về từ đảo Elbe, thật kỳ diệu!”, khi nói về việc quân đội hoàng gia do Louis XVIII điều đến để chặn đường hoàng đế và đáng lẽ phải đối đầu, thì đã gia nhập vào quân của hoàng đế Napoléon. Đối với ông Giáp, đó là một cái nháy mắt về mối quan hệ ông thiết lập với các phụ tá của mình: họ tuân lệnh ông một cách vô điều kiện, họ hoàn toàn tin tưởng ông.
Ông Giáp còn là một thiên tài về hậu cần. Một hôm ông nhắc lại với chúng tôi công thức mà Bonaparte đã sử dụng trong chiến dịch Italia: “Nơi một con dê đi qua lọt, thì một người có thể qua; nơi một người có thể qua, thì một tiểu đoàn có thể qua”. “Ở Điện Biên Phủ, ông nói tiếp, để đem một kilô gạo đến cho binh sĩ đang thiết lập vòng vây, phải tiêu thụ bốn kilô khi vận chuyển. chúng tôi đã dùng 260.000 người mang vác, hơn 20 nghìn chiếc xe đạp, 11.800 chiếc mảng, 400 xe vận tải và 500 con ngựa”. Dưới sự che chở của rừng dày, các bộ phận pháo của Việt Minh được tháo rời để khuân vác lên đồi bao quanh cứ điểm, rồi được lắp ghép lại.
Dù sao, trên lĩnh vực hậu cần, sự thực hiện đáng kinh ngạc nhất, trong những năm 60, là “con đường Hồ Chí Minh”, một hệ thống đường mòn được rừng rậm che phủ chạy từ bắc đến nam, dựa vào đất nam Lào và đông-bắc Campuchia để tránh các thiết bị phòng ngự của quân Mỹ ở miền Nam. Một con đường “đi một chiều”, mà sau này bộ đội Việt Nam nói như vậy. Nhưng người Mỹ không bao giờ chặt đứt được con đường tiếp vận đó – người, đạn dược, khí tài, xe tăng, thiết giáp – dù phải dùng đến thả bom ồ ạt, chất diệt cỏ, thả dù hàng trăm nghìn quả mìn và bẫy chống cá nhân.
Quyền uy của Hồ Chí Minh bị pha loãng
clip_image003
Dù sao, không ai có thể trở thành tiên tri, và ông Giáp phải nếm trải kinh nghiệm chua xót. Hồ Chí Minh, người cha của nền độc lập đã tuyên bố trước đám đông một triệu người dân Hà Nội ngày 2 tháng chín 1945, vẫn phải cơ cấu với những phần tử không khoan nhượng chiếm số đông trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ giữa những năm 60, uy quyền của ông bị pha loãng. Ông trở thành một thần tượng không có ảnh hưởng gì lớn nhiều năm trước khi ông mất năm 1969. Tướng Giáp mất chỗ dựa chính của mình.
Giữa Võ Nguyên Giáp và Lê Duẩn, người Tổng Bí thư vĩnh viễn của Đảng Cộng sản, sự lục đục đã xảy ra từ năm 1966, đến mức khi Việt cộng tấn công một số thành phố miền Nam năm 1968 – cuộc tấn công Tết Mậu Thân nổi tiếng – ông Giáp được điều sang Đông Âu. Ông chỉ được gọi về vị trí tổng chỉ huy, với mọi quyền hành trong tay năm 1972, để tổ chức thắng lợi công cuộc bảo vệ miền Bắc, cụ thể là Hà Nội, chống cuộc oanh kích khủng khiếp của Mỹ có pháo đài bay B-52 tham gia.
Thắng lợi năm 1975 đã đưa ông Giáp trở thành mục tiêu, giống như các nhà chiến lược Việt Nam khác, ông được đánh giá là quá xuất sắc và có ảnh hưởng quá lớn để trở thành nguy hiểm. Cụ thể đó là trường hợp của Nguyễn Trãi, nhà nho tinh tế và nhà chỉ huy vĩ đại, đầu thế kỷ XV đã bị lưu đày trong nội địa để không che mờ hình ảnh nhà vua Lê Lợi.
Năm 1976, năm thống nhất chính thức Việt Nam, ông Giáp mất chức chỉ huy quân đội. Bốn năm sau, ông bị rút khỏi Bộ Quốc phòng. Trong Đại hội V Đảng Cộng sản năm 1982, ông không được bầu lại vào Bộ Chính trị. Trước công chúng, ông Giáp không nói gì và tiếp tục dùng lời lẽ công thức cứng nhắc của người cộng sản có kỷ luật. Người ta cho ông ra mắt trong những ngày kỷ niệm chiến thắng và lời nói của ông bị kiểm duyệt. Có khi hàng tháng ông không xuất hiện trước công chúng. Luận điệu tuyên truyền chính thống còn không thừa nhận vai trò quyết định của ông trong chiến thắng năm 1975, và biến đổi một cách tài tình thành sự tháo chạy của quân đội miền Nam.
Khi Lê Đức Thọ – một trong những tiếng nói chủ chốt của hạt nhân cứng rắn trong Đảng Cộng sản và là người đối thoại với Henry Kissinger trong cuộc thương thuyết ở Paris – qua đời năm 1990, ông Giáp có ý định nắm lại Đảng. Nhưng ý đồ của ông, vào thời buổi bức tường Berlin sụp đổ, đã không thành công. Trong một cuộc họp kín của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, một đại biểu còn giật micro khỏi tay ông, theo lời kể của Phạm Xuân Ẩn (1927-2006). Năm 1996, ông Giáp bị đuổi khỏi Ban Chấp hành Trung ương và 6 tháng sau, mất luôn vị trí Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế.
Trở lại chính trường
Rồi thời gian đã làm nên chuyện, một thế hệ lãnh đạo mới vào vị trí, thông tin chuyển tải tự do hơn với sự phát triển theo cấp số nhân của bối cảnh. Ông Giáp vẫn ở đó. Ông được hành động tự do hơn. Vì ông vẫn tỉnh táo, ông tranh thủ để phát biểu kịp thời vào lúc này hay lúc khác. Đấy là trường hợp khi nổ ra tranh cãi năm 2009 về việc khai thác của người Trung Quốc đối với những mỏ lộ thiên bô xít trên cao nguyên phía nam.
Người Pháp, rồi người Xô Viết, đã từ chối không làm, vì sợ gây nên thảm họa môi trường. Ông Giáp đã hai lần viết thư cho Bộ Chính trị để bày tỏ sự phản đối của mình. Ông biết rõ hồ sơ: ông vẫn còn là Bộ trưởng phụ trách kinh tế, khi vào đầu những năm 90, các chuyên gia Xô Viết đến để lập báo cáo. Chiến dịch chống khai thác bô xít đặt chính phủ vào thế phòng vệ và buộc họ phải đưa ra những tham vọng khiêm tốn hơn.
Đạt đến 100 tuổi năm 2011, cơ thể rất yếu, đôi khi phải nhập bệnh viện, trên thực tế ông Giáp không xuất hiện nữa. Thời gian đó, giống như mọi người Việt Nam đã sống một cuộc đời mẫu mực, ngay từ khi còn sống, ông Giáp đã bắt đầu trở thành một thần tượng. Ông đã là thành hoàng. Để không bị tụt hậu, năm 2012 chính phủ phải quyết định lập cho ông một bảo tàng.
Ông Hồ Chí Minh đã có một phản xạ thiên tài. Khi đến gặp ông tháng sáu 1940 ở miền nam Trung Quốc, Võ Nguyên Giáp chỉ mới 29 tuổi và không được đào tạo tí gì về quân sự. Làm sao một nhà cách mạng từng trải – Bác Hồ lúc đó đã 50 tuổi – lại dám phán đoán rằng người chiến sĩ trẻ tuổi đó có cốt cách của một nhà chỉ huy lớn? Ông Hồ đã giao cho ông Giáp việc tổ chức lực lượng tự vệ, rồi thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ năm 1949, ông đã phong ông Giáp làm Đại tướng, cấp bậc ông giữ cho đến khi qua đời.
J.-C. P.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Cánh Cò - Dân hỏi, đại biểu trả lời đi


Trong lần họp Quốc hội vào tháng 10 năm 2013 này, là người dân có quan tâm và hiểu biết ít nhiều về chức năng, trách nhiệm và quyền hạn của Quốc hội tôi cảm thấy có bổn phận đưa ra mấy điều mà hàng xóm, nơi tôi làm việc cũng như những cộng đồng nhỏ thân cận với gia đình chúng tôi quan tâm. Những điều này gói lại trong vài câu hỏi mà tôi tin rằng có hàng triệu cử tri muốn hỏi như tôi.
Là người được bầu lên, không ít thì nhiều đại biểu đã ý thức được tầm quan trọng của mình trước lá phiếu cử tri và từ ý thức đó chúng tôi tin rằng lời nói của các ông bà đại biểu trong nghị trường quốc hội biểu hiện năng lực, tư duy, trình độ kể cả lòng tự trọng, phẩm giá đạo đức và nhiều khi là sự can đảm.
Từ khi Quốc hội khai mạc, cử tri chúng tôi nhận thấy một đề tài cực kỳ quan trọng được trình lên đại biểu xem xét đó là Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992. Dự thảo này được ông Phan Trung Lý đại diện ngầm cho đảng đưa lên mà khi xem tường thuật qua báo chí, truyền hình cử tri hết sức bất mãn nếu không muốn nói là tuyệt vọng. Chúng tôi cảm thấy bị phản bội, bị lừa như những đứa trẻ con lớn tuổi.
Đại biểu quốc hội và hiến pháp là một ràng buộc hết sức ý nghĩa, bởi người làm luật chính là các đại biểu trực tiếp bỏ phiếu thông qua nó. Hiến pháp sẽ không cần sửa đổi nếu người dân thấy nó phục vụ đắt lực cho đất nước, con người nếu nó hướng dẫn và hoàn thiện xã hội bằng những quy định hợp lý không thể thay thế. Khi xuất hiện một vấn đề lỗi thời cần cập nhật trong bản hiến pháp thì sự sửa đổi là cần thiết và lúc ấy đại biểu một lần nữa sẽ là người xem xét để bản hiến pháp của quốc gia hoàn thiện và hiệu quả hơn.
Người có quyền bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp không ai khác hơn là toàn bộ đại biểu Quốc hội. Không phải chỉ có các ông Tổng Bí thư hay ông Thủ tướng, Chủ tịch nước, mặc dù các ông ấy cũng kiêm luôn đại biểu Quốc hội. Đã bao năm nay các ông ấy đã nhiều lần vượt tuyến, lấn áp lá phiếu của đại biểu Quốc hội một cách vô tư thông qua lời lời nói hay lệnh ngầm.
Hiến pháp 1992 lần này được chú ý vì nó đã tỏ ra quá lỗi thời ở nhiều điều và người dân khi nghe tin nó sẽ được sửa đổi thì làn sóng phấn khích nổi lên khắp nơi, chứng tỏ rằng đất nước không phải lúc nào cũng trầm tư trong tư thế cam chịu như nhiều người vẫn nghĩ. Nổi bật hơn hết là kiến nghị 72 mà tôi tin không đại biểu Quốc hội nào mà không biết đến.
Kiến nghị 72 ấy đã thực sự làm một cuộc cách mạng trả lại cho người dân ý thức quyền lực trong một bản hiến pháp. Nó chỉ ra các sai sót mà trước đây nhiều năm do hoàn cảnh ý thức hệ, do chiến tranh và do cả sự chiếm hữu của chủ thuyết cộng sản đã khiến Hiến pháp trở thành tấm khiên che chở những sai lầm cho nhà nước hơn là giúp cho nhà nước thi hành bổn phận của mình trong khuôn khổ pháp luật mà hiến pháp quy định.
Hiến pháp ấy phải thay đổi là tất yếu, bởi thay đổi là sự vận động của một nền chính trị đặt nền tảng dân chủ làm hướng đi và khó thể nói rằng lúc này chưa thích hợp hay lúc kia sẽ xem xét.
Ông Tổng bí thư đã nói như thế khi Quốc hội chưa khai mạc và sau khi khai mạc, ông Phan Trung Lý một lần nữa nói theo ông Tổng.
Còn các đại biểu Quốc hội thì sao?
Các vị đều biết rằng trong kiến nghị 72 đó đã đề nghị sửa đổi hầu như tất cả những vấn đề hệ trọng đang trói buộc đất nước trên con đường phát triển. Chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ sở hữu toàn dân cùng một số vấn đề cấp bách khác. Từ bản Dự thảo sửa đổi hiến pháp do kiến nghị 72 đề nghị người dân có quyền hy vọng rằng một chế độ thực sự vì mình mà làm việc sẽ xuất hiện.
Theo báo chí tường thuật thì ở các buổi thảo luận nhóm về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của ông Phan Trung Lý chuyển đạt lên hoàn toàn không có nội dung nào của kiến nghị 72 và thái độ của đại biểu là ‘đa số tán thành’ hoặc ‘không còn nhiều vấn đề lớn gây tranh cãi’.
Ông Phan Trung Lý thay cho đảng nói: Về tên nước thì ủy ban sửa Hiến pháp thấy rằng cần giữ lại quốc hiệu hiện nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì ‘nhất quán với con đường mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn’ và ‘đã thân quen với nhân dân ta’.
Câu hỏi thứ nhất cho đại biểu: Có ai hỏi ông Lý giúp cử tri chúng tôi rằng nhân dân nào lựa chọn tên nước với cái đầu đề vô nghĩa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa, khi chính ông Nguyễn Phú Trọng mới đây đã buột miệng thừa nhận là đến cuối thế kỷ này chưa chắc đã thấy cái chủ nghĩa hư vô ấy. Vậy cử tri chúng tôi phải nhắm mắt làm lừa chở cái hệ thống nặng nề ấy trên lưng cả trăm năm nữa thì có phí phạm quá hay không?
Ngay cả nếu chúng tôi có ngu ngốc chọn nó đi chăng nữa thì lần sửa đổi hiến pháp này phải cho chúng tôi tự nguyện sửa lại theo đúng tinh thần tỉnh thức. Nhà nước không có quyền lợi dụng sự u mê của chúng tôi trong quá khứ để buộc cổ người dân vào cỗ xe cọc cạch này mãi. Đó là chưa nói sự u mê ấy do chính nhà nước chỉ đạo, khuynh loát và thực hiện.
Câu thứ hai, dân hỏi: Vai trò lãnh đạo của đảng là tuyệt đối thông qua điều 4 vẫn không bị gạt ra lần này và đại biểu tán thành cho nó là vì sao?
Nếu bỏ phiếu cho điều 4 hiến pháp tồn tại có nghĩa là bỏ phiếu thuận cho vai trò của đại biểu tuột xuống hàng thứ cấp, tiếp tục chịu sự sai khiến của đảng như từ bao lâu nay và cơ hội này sẽ không bao giờ tới nữa, ngoại trừ một cuộc cách mạng nổ ra tẩy chay đảng lẫn người chịu sự chi phối của nó là đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.
Câu thứ ba, dân hỏi: Chế độ sở hữu toàn dân có phải là công cụ hữu hiệu và hợp lý nhất trong vấn đề đất đai hay không? và nếu hợp lý hợp tình tại sao người dân khiếu kiện đất đai khắp nước vẫn ngày một nhiều hơn, mức độ trưng thu đất của dân ngày một dày dặc hơn và biểu ngữ treo trước quốc hội ngay trong khóa này đang làm xốn xang mọi cặp mắt khi nhìn thấy nó?
Nó đây: "Quốc hội phản bội lại dân, vô trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, làm ngơ cho chính quyền cướp đất của dân Dương Nội Hà Đông".
Chỉ cần bước ra khỏi hội trường vài con đường là tấm biều ngữ màu đen chữ trắng này sẽ nói cho đại biểu biết tại sao nó được viết ra, treo lên và làm chứng cho những gì mà người dân muốn nói: sự vô trách nhiệm của các đại biểu quốc hội khiến người nông dân mất đất đã không ngần ngại gọi các đại biểu là những kẻ phản bội. Cách gọi này có khi quá lời nhưng nếu so với mất mát của họ thì vẫn không thấm vào đâu.
Muốn không mang tiếng phản bội họ thì đại biểu chỉ cần bỏ phiếu chống lại Dự thảo sửa đổi hiến pháp của ông Phan Trung Lý và đòi hỏi hiến pháp phải được viết lại theo đúng tinh thần vì dân, thay vì vì đảng mà phục vụ.
Hãy xem kỹ cái dự thảo này từng chữ để biết rằng họ đang phù phép ngôn ngữ để đánh lận những đại biểu có tầm nhìn dưới thắt lưng. Về luật đất đai, trong dự thảo sửa đổi họ viết: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Đại biểu thấy gì ở cụm từ phát triển kinh tế-xã hội núp sau cái bóng quốc gia?
Nếu có đại biểu nào lên tiếng cho rằng mình đã phát biểu mạnh mẽ về nhiều vấn đề kinh tế - xã hội đặc biệt là các biểu hiện xuống cấp đạo đức hồi gần đây thì xin thưa ngay với những vị ấy: Đại biểu đang lấy rổ múc nước. Dù nước có đọng lại trong rổ chút ít thì cũng chỉ lấp lánh, làm dáng chứ không hề giải quyết được gì nếu điều 4 hiến pháp và đất đai sở hữu toàn dân vẫn còn nằm đó thách thức cả nước vì sự thiếu can đảm của đại biểu.
Dân hỏi, các đại biểu khóa này trả lời đi đừng tránh né bằng các tuyên bố mang tính chất "câu view".
Cánh cò
(Blog Cánh Cò)

Ở Việt Nam, có tài sản thì khỏi cần... tài

Nếu không thay đổi các chính sách thuế cho phù hợp, nhà nước không điều tiết được công bằng về cơ hội, dân sẽ có chỗ giàu, chỗ nghèo, nhưng chỗ nào cũng thiếu động lực.
>>Từ 'Ngôi sao Việt Nam đến 'Vì sao, Việt Nam'?
Đất đai - chuyện nước Mỹ và Việt Nam
Năm ngoái, dư luận Việt Nam xôn xao trước tin doanh nhân Phạm Đình Nguyên mua được cả một thị trấn của Mỹ với giá chỉ khoảng 900.000 USD.
Người viết bài này cũng từng có dịp đi nghiên cứu tại Mỹ, thấy nhà cửa, đất đai rẻ quá, nổi máu "tư hữu", cũng định mua chơi. Nghiên cứu lại luật Mỹ, hoảng, bỏ của chạy lấy người.
Một người lười, từ bất cứ nơi nào, sang Mỹ nếu có tài sản bắt buộc phải chăm chỉ trở lại, không phải vì chuyển biến về đạo đức mà chỉ đơn giản là vì... thuế. Kể từ ngày có tài sản, người chủ sẽ phải nai lưng ra làm việc để nộp thuế cho ngân khố quốc gia, nếu không sẽ lại phải chuyển nhượng cho người khác hoặc phá sản.
Thuế bất động sản, thuế môi trường và nhiều, rất nhiều phiền toái, nghĩa vụ khác khi có nhà "của mình". Có thừa nhà, không ở, mà không có ai thuê thì còn lo hơn nhiều, vì thuế đánh vào nhà bỏ hoang cao hơn nhà có người ở.
Những tỷ phú Mỹ sở hữu các vùng đất rộng lớn thật là những người yêu đất nước vì đã phải thay chính phủ quản lý, duy trì phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường và nộp thuế đầy đủ. Không phải ai cũng có đủ tiềm lực kinh tế và dũng khí để gánh vác.
So sánh mới thấy, ở Mỹ, đất đai, nhà cửa mua rẻ, nhưng chi phí sử dụng đắt. Còn ở Việt Nam, ngược lại, do chi phí sử dụng quá rẻ (không thuế hoặc thuế quá thấp) nên lại phải mua đắt.
Dân Mỹ càng không thích giá bất động sản cao, cơ hội có nhà càng xa vời, cơ hội phá sản lại hiện hữu. Còn đầu cơ thì có lúc thắng lúc thua nhưng lúc nào cũng "béo" nhà nước, ai cũng ngại.
Còn ở Việt Nam, nếu có tài sản thì không cần phải tài, không phải chăm chỉ nữa. Mở mắt ra là có tiền. Đóng góp vào ngân khố hầu như bằng không, thậm chí còn muốn "véo" vào ngân sách, muốn thêm nhiều ưu đãi, nhiều hơn nữa để nuôi tài sản cho mình!
Do đó, nếu không thay đổi các chính sách thuế cho phù hợp, nhà nước không điều tiết được công bằng về cơ hội, dân sẽ có chỗ giàu, chỗ nghèo, nhưng chỗ nào cũng thiếu động lực. Vì người giàu thì lười, người nghèo thì chán, nước sẽ không mạnh còn quốc gia cứ nghèo, nghèo mãi.
đất đai, luật đất đai, trưng thu, trưng mua, biệt thự, tỷ phú, đại gia, Hiến pháp, quyền định đoạt
Đất đai ở VN mua đắt, phí sử dụng rẻ. Ảnh minh họa
Hệ lụy từ thiếu minh bạch
Trên thế giới, đất đai công thổ là chuyện đương nhiên, ghi danh thế nào thì cũng cùng một nguyên tắc. Chủ đất (tư hữu hay công hữu), dù gọi bằng tên gì, về chủ quyền (quản lý, sở hữu hay sử dụng) cũng phải tuân thủ luật pháp mà bảo tồn cương vực, lãnh thổ quốc gia, không có tổ chức cá nhân nào được tùy tiện bán, cho, chuyển nhượng sang quốc gia khác, vì đó là tội phản quốc.
Xem xét một cách công bằng, quyền sử dụng đất của ta đã tương đương với các quyền sở hữu tài sản (quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất)[1] theo nghĩa phổ biến tại các quốc gia khác.
Riêng quyền định đoạt thì ở quốc gia nào cũng chỉ có nghĩa tượng trưng, không ở đâu người dân lại có quyền tùy ý muốn làm gì thì làm. Các nước đều có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất do nhà nước phê duyệt.
Thủ tục quy hoạch ở các nước tiên tiến (cộng hòa, dân chủ) còn chặt chẽ hơn ở ta vì ngay chính quyền cũng không được tùy thích làm theo ý mình mà chỉ cộng đồng mới có quyền quyết định có hay không.
Việc thu hồi, đền bù, giá đất, khiếu kiện, cùng những hệ lụy khác ở Việt Nam tiếc thay không phải từ chuyện sở hữu toàn dân hay đa sở hữu, mà ở chuyện khác.
Hiện tượng lạm quyền, thiếu minh bạch, thiếu công khai, dân chủ (hay còn gọi là dân chủ cho có); Chất lượng quy hoạch thấp, thiếu luận cứ, thiếu thực tiễn, duy ý chí, tùy tiện áp đặt theo ý kiến chủ quan của một số cá nhân có chức có quyền, xa dân mới là nguyên nhân chủ yếu.
Trong xu thế hiện đại hóa nông nghiệp, càng ngày số lao động dành cho nông nghiệp sẽ giảm dần. Tại Đông Âu, đã có hiện tượng phổ biến là đất đai nông nghiệp bỏ hoang, nông thôn không có người ở, giới trẻ bỏ ra thành phố hết. Đất đai nông nghiệp, nông thôn muốn cho muốn tặng cũng không ai mặn mà.
Tại Hoa Kỳ, hiện có khoảng 83 % dân số sống trong 361 vùng đô thị và nền nông nghiệp nước này sử dụng chưa đến 1% số lao động của cả nước.
Tại Việt Nam, tỷ lệ đô thị hóa vào năm 2010 là 30,4%; năm 2025 dự báo là 40,5%; đến năm 2050 là 59,0%, tức gần gấp đôi sau 40 năm [2].
Trong xu thế chung về hiện đại hóa nông nghiệp, lượng lao động nông nghiệp sẽ được giải phóng, trong vòng 40 năm tới phải tạo ra tối thiểu khoảng 30 triệu chỗ ở trong đô thị, 15 triệu việc làm phi nông nghiệp. Như vậy, mỗi năm cần khoảng 1 triệu chỗ ở đô thị và khoảng 500 ngàn việc làm phi nông nghiệp. Đô thị hóa, công nghiệp hóa là đương nhiên.
Đây là một thách thức song cũng là một thực tế phát triển. Không thể lảng tránh việc sẽ phải trưng thu, trưng dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Phát triển, song phải làm sao dân có hạnh phúc, "xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" thì ngay trong Hiến pháp và luật đất đai đã phải thể hiện được điều này.
Giải pháp nào cho vấn đề đất đai?
Những đề xuất mà chúng tôi nêu ra ở đây trên cơ sở tham khảo các bản hiến pháp của các nước trong "Tuyển tập hiến pháp một số nước trên thế giới" - Trung tâm thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học, Văn phòng Quốc hội. Kế thừa và tiếp nhận những kỹ thuật viết hiến pháp cho phù hợp, trong các nội dung về tài nguyên đất đai cần chú ý ba nội dung sau đây:
Một là: Hiến pháp đã khẳng định việc sở hữu toàn dân thì trong việc thể hiện tương ứng các quyền định đoạt (thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất), quyền có cơ hội tiếp cận, giám sát việc sử dụng đất đai của (chủ nhân) toàn dân một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, công khai và minh bạch;
Hai là: Nhà nướccó thể trưng thu, trưng dụng đất đai trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. (Chúng tôi dùng cụm từ "trưng thu", "trưng dụng" thay cho "thu hồi", đảo lại mệnh đề, đưa cụm từ "vì lợi ích quốc gia", "công cộng" làm chủ thể tối thượng);
Ba là: Sau khi hiến pháp sửa đổi có hiệu lực, cần phải bổ sung các đạo luật về thuế tài nguyên, thuế tài sản, thuế bất động sản theo thông lệ quốc tế để đảm bảo sự công bằng, chống đầu cơ, khuyến khích người dân chăm chỉ làm việc, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu chủ đạo, tăng cường sức mạnh quốc gia bền vững, dài lâu.
Ngô Đồng Thu
Nguyên văn dự thảo (mới) :
Điều 54 (sửa đổi, bổ sung Điều 18)
1. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo quy hoạch và pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.
3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.
4. Việc Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp đặc biệt do luật định.
Góp ý vào dự thảo Hiến pháp, điều chỉnh thành:
Điều 54 (sửa đổi, bổ sung Điều 18),
1. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật và quy hoạch được quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp chuẩn thuận.
2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.
3. Nhà nước có thể trưng thu, trưng dụng đất đai trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc trưng thu, trưng dụng đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.
4. Toàn dân có quyền bình đẳng trong cơ hội sử dụng đất đai, thực hiện quyền giám sát việc sử dụng đất đai trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
----
Tham khảo:
[1] Theo Điều168, Dự thảo Luật đất đai sửa đổi (http://duthaoonline.quochoi.vn ).
[2] Nguồn: World urbanization Prospectives: The 2009 Revision Population Database

‘Vương quốc Rùa’ – Trông rùa mà nghĩ đến ta

Tác giả: TS Dương Xuân Thành
Chủ nhật 03/11/2013 08:11
(GDVN) - Gần 70 năm kể từ khi cách mạng thành công, sau ba lần cải cách giáo dục (1950, 1956, 1981), đến hôm nay, trong dự thảo đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…” trình Hội nghị TW 10 vẫn buộc phải nhận định: “Giáo dục vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu, chưa được ưu tiên nhất trong các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, chưa được coi là nhân tố quyết định của phát triển đất nước”.


Nói đến rùa, người Việt ai chẳng nghĩ ngay đến rùa Hồ Gươm. Một số ý kiến còn cho rằng nên công nhận rùa Hồ Gươm là bảo vật quốc gia. Hình tượng rùa không chỉ gắn với lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc như chuyện nỏ thần của An Dương Vương Thục Phán, chuyện vua Lê Lợi  trả lại gươm thần cho rùa trên hồ Lục Thủy mà còn gắn với truyền thống khoa bảng, truyền thống hiếu học như rùa đội bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Có lẽ vì thế mà ở thời hiện đại, “truyền thống Rùa” càng ngày càng trở nên sâu sắc và lan tỏa khiến cho không ít người hài hước cho rằng: “Có lẽ chúng ta đang sống trong “Vương quốc của Rùa”? Vậy thì đâu là những nét đặc trưng của “Vương quốc” mà những người không thích đùa này muốn mọi người cùng xuy ngẫm?

Tư duy “rùa”

Loài rùa có một đặc điểm sinh học mà các nhà khoa học chưa thể giải thích, đó là sinh ra ở đâu thì hàng chục, vài chục năm sau nó vẫn quay trở lại nơi đó để sinh sản, duy trì nòi giống.

Gần 70 năm kể từ khi cách mạng thành công, sau ba lần cải cách giáo dục (1950, 1956, 1981), đến hôm nay, trong dự thảo đề án “Đổi mới  căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…” trình Hội nghị TW 10 vẫn buộc phải nhận định: “Giáo dục vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu, chưa được ưu tiên nhất trong các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, chưa được coi là nhân tố quyết định của phát triển đất nước”.

Nhận định như vậy có nghĩa là mấy chục năm qua, giáo dục tuy có đạt được những thành tựu nhất định nhưng rồi vẫn chỉ quanh đi quẩn lại vẫn trở về điểm xuất phát của năm 1945, chủ yếu là xóa nạn mù chữ? Vì sao dù đã tốn quá nhiều giấy mực cho các văn bản, nghị quyết kể cả phải ghi trong Hiến pháp mà giáo dục vẫn “chưa thực sự là quốc sách hàng đầu”? Rõ ràng không phải lỗi của người dân, đó là lỗi của kiểu “tư duy Rùa”, “dù có đi bốn phương trời” thì lòng vẫn hướng về “bao cấp”. Chẳng lẽ cắt bao cấp thì giáo dục sẽ “còi xương chậm nhớn?”

Lối sống “rùa”

Rùa không sống theo bầy đàn, chúng là những sinh vật đơn độc giữa đại dương, chúng chỉ biết sống cho bản thân mình, chính “lối sống rùa” đang ngự trị trong mỗi con người chúng ta mà không ít người chỉ biết vun vén lợi ích cho bản thân, gia đình mình, cao hơn một chút là lợi ích của nhóm mình mặc kệ xã hội tiến hay lùi.

Có một phát biểu rất hay được nhiều người tâm đắc: “những đỉnh cao muôn trượng, chỉ có chim ưng và loài bò sát là có thể vươn tới”. Rùa tuy đẻ trứng như loài chim nhưng không phải là chim, tuy có chân để bò như bò sát nhưng lại không phải là bò sát vì chủ yếu bơi trong nước. Không thể vươn tới những đỉnh cao muôn trượng nhưng đổi lại rùa lại sống rất lâu, chẳng thế mà rùa là một trong những loài vật tồn tại lâu nhất trong quá trình tiến hóa trên hành tinh này?. Với  “lối sống rùa” sẽ là rất khó để “Vương quốc” vươn tới “tầm thường” của Đông Nam Á chứ chưa nói “tầm cao” của Âu, Mỹ. Có chăng chỉ là sự tồn tại cùng với sự tồn tại của muôn loài.

Tốc độ “rùa”

Tại Hà Nội, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết: “Nhân Lễ Quốc khánh của Việt Nam, lãnh đạo thành phố Viêng Chăn (Lào) gửi thư chúc mừng tới Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, thư đến chậm một tháng, hỏi ra mới biết thư đến chậm vì Văn phòng UBND thành phố chậm 22 ngày, Sở Ngoại vụ chậm 8 ngày! “ [1].

Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg về chính sách cho trẻ em, giáo viên và chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non được Chính phủ ban và chính thức có hiệu lực vào ngày 15/12/2012. Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ nỗ lực để sớm ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định. Tuy nhiên 14 tháng sau vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thi hành [2]. Hai sự kiện, một ở Thủ đô, một ở cơ quan thuộc Chính phủ cho thấy bức tranh toàn cảnh, trung thực không chỉ các cư dân mà cả các quan chức cấp cao nhất của “Vương quốc” đang hàng ngày chứng kiến, chịu đựng.

Hãy nghe ý kiến của Quốc hội: Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH, hiện nay, còn gần 67% số văn bản cần quy định chi tiết nhưng chưa được ban hành. Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành quá lớn, làm cho nhiều quy định của luật, pháp lệnh chưa được thực thi. Ðoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH kiến nghị Chính phủ tiến hành rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết  [3].

Tốc độ ban hành các văn bản pháp luật chậm như rùa, bên cạnh đó tốc độ bãi bỏ các thủ tục lỗi thời lại “rùa” không kém. Thượng tầng là như thế, hạ tầng còn khốn khổ gấp nhiều lần, vnexpress.net  ngày 4/12/2012 đưa tin: “cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50 Km được đầu tư gần 9.000 tỷ đồng theo hình thức BOT… Để kịp thông xe toàn tuyến, khu vực này đã được khai thác và cắm biển tối đa 40 km/h”.

Di chuyển chậm chạp, ăn tạp và sống lâu, đặc điểm sinh học của rùa đã thể hiện rõ nét trong đội ngũ “đầy tớ nhân dân” hiện tại. Đến cơ quan công quyền, việc người dân phải chờ đợi là nét đặc trưng phổ biến, muốn nhanh thì phong bì và “chưa có bằng chứng cụ thể” nào cho thấy các công bộc chê phong bì là “bẩn”, là không thể “ăn” được.

Tốc độ “rùa” có thể thấy ở bất kỳ ngõ ngách nào của cuộc sống xã hội, từ giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân đến các dự án cấp quốc gia. Chẳng thế mà báo Người lao động ngày 17/5/2012 phải chạy cái tít: “Sau 30 năm triển khai chương trình thực nghiệm, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có đánh giá khoa học cụ thể về chất lượng chương trình này”. Nói tóm lại sau 30 năm, chương trình thực nghiệm vẫn tiếp tục… thực nghiệm. Nếu biết rằng 30 năm là gần trọn “một đời nghề” của người thầy giáo thì mới thấy không đâu trên thế giới này “tốc độ rùa” lại “rùa” như ở nước ta.

Thần tượng rùa

Tìm hiểu kho tàng văn học dân gian chẳng thấy chỗ nào người ta gọi rùa là “cụ”, thế mà ngày nay khối người, khối bài báo thần tượng hóa rùa, gọi một cách kính cẩn là “Cụ Rùa”. Rùa hồ Gươm có lẽ thọ vài trăm tuổi, so với cây Chò ngàn năm ở rừng Cúc Phương thì chẳng bõ bèn gì nhưng lại chẳng thấy ai gọi “Cụ Chò” cả. Bên cạnh “thần tượng rùa”  có thể thấy nhan nhản các loại thần tượng khác, ví dụ điển hình cho loại thần tượng này ca sĩ nọ, sau khi ngửa mặt phun lên trời một mớ hỗn xược với người bằng tuổi bố mình thì lại mang hoa đến xin lỗi, hoặc như mấy hoa khôi, người mẫu chỉ nhăm nhe “tụt, cởi” khoe chỗ nhạy cảm.

Một “nhóm thần tượng” khác có thể thấy rất rõ trong những hội nghị, hội đồng, hội…, ở đó nếu không cùng “nhóm” thì dù có cao siêu đến mấy cũng chỉ là dân dự thính, còn lâu mới được ngồi ở vị trí danh dự. Tài giỏi, sống “xưa nay hiếm” như cố nghệ sĩ Văn Hiệp, đến lúc chết cũng chỉ là nghệ sĩ “của nhân dân”, không biết vong linh ông có biết bây giờ ông đã là nghệ sĩ ưu tú?

Điểm mặt các loại thần tượng sẽ thấy một điều “thú vị”, ấy là gần như vắng bóng các “thần tượng trí tuệ”, “thần tượng liêm khiết” song lại đầy rẫy các thần tượng kiểu như “thần tượng bóng đá”, “thần tượng dao kéo”, “thần tượng nhí”… thậm chí gần đây còn có cả một loạt truyện tranh cho thiếu nhi với cái tên “ Thần tượng … mua bán”.

Phong cách rùa

Vào đình, vào chùa thế nào cũng thấy rùa. Một vài cư dân, trong nhà ở vị trí trang trọng nhất, dễ đập vào mắt khách nhất là những bức ảnh chụp chung với ông X, ông Y nào đó, dẫu phải đứng cách xa một chút cũng chả sao. Nhìn một cái đã thấy phong thái ấy thật ‘kiêu hãnh”, thật xứng để lưu truyền cho con cháu mai sau.

Không chỉ dáng đứng, dáng ngồi cũng rất đặc biệt, hễ có cánh phóng viên phỏng vấn thì chéo bên chỗ ngồi thể nào cũng có cái màn hình máy tính mở sẵn, biết sử dụng máy tính (bất kể để làm gì) là thuộc đẳng cấp cao, đâu có như mấy anh giáo “nhà quê” chẳng bao giờ sờ đến cái bàn phím, mà dù có muốn “sờ” thì  tiết kiệm mấy năm chưa chắc mua nổi cái máy “secondhand”.

Trong quá trình tiến hóa, loài rùa vừa chậm chạp lại không có nọc độc, vuốt nhọn để chiến đấu nhưng vẫn không bị tuyệt chủng vì chúng có cái mai dầy che chắn, nhưng quan trọng hơn là chúng biết rụt đầu. Giữ được cái đầu là điều kiện tiên quyết để bảo vệ mạng sống. Nếu để ý trên truyền hình, mười cuộc trả lời phỏng vấn liên quan đến các vụ  tiêu cực, tham nhũng thì bảy tám là do cấp phó thực hiện, còn cấp trưởng, tội gì mà “thò đầu” ra. Mai rùa giống như cái ô, cài dù che nắng che mưa, và một khi đã trở thành ô dù thì nó cũng trở thành “công cụ hỗ trợ”.

Chuyện đến trẻ con cũng biết, hễ vi phạm luật giao thông là mở di động gọi cho ai đó. Ở Tiền Giang “thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của giám đốc công an tỉnh, lực lượng CSGT công an tỉnh khi làm nhiệm vụ không được nghe điện thoại di động” (Tuổi trẻ Online 16/4/2013). Nghe điện thoại thể nào cũng nhận được “một khúc tâm tình” từ cái “mai này”, “mai khác”, thôi thì xin bác, xin chú em quên máy ở nhà.

Kết cục rùa

Dân gian có câu ca dao:
Thương thay thân phận con rùa,
Lên đình cõng hạc, xuống chùa đội bia.

Kể ra thì các cụ ngày xưa cũng thật hóm, rùa được đặt vào hàng thứ ba trong tứ quý: long ly, quy, phượng. Thế nhưng các loại rùa đều được tận dụng để kê chân, đỡ  cột, phổ biến là chân cột đình, chân bia, để ngày nay lũ trẻ đi thi tranh thủ sờ đầu một tí, may mắn chả thấy đâu nhưng được cái yên dạ, thêm chút tự tin. Dẫu sao văn hóa “sờ đầu rùa” cũng  cho thấy cái sự “phi văn hóa” của người “sờ” và sự khinh bạc đối với rùa chỉ có ở Việt Nam.

Không biết mai sau, cái loại “Rùa ca vát” hôm nay có được chọn để làm chân bàn, chân ghế chứ cầm chắc không thể đội bia trong đình, trong chùa, có chăng chỉ là “bia miệng”. 


Tài liệu tham khảo:


[1] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/619932/Qua-ba-so-nha-thu-di-mot-thang-tpp.html
[2]http://dantri.com.vn/dien-dan/cham-ban-hanh-thong-tu-huong-dan-bo-gddt-can-thang-than-nhan-trach-nhiem-702029.htm
[3] http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/21257802-.html

Thông tin mới về xây nhà máy điện hạt nhân Việt Nam

(Doanh nghiệp) - Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư Quy định nội dung, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân. Trong khi đó các chuyên gia về điện hạt nhân cho rằng, Việt Nam chưa thể xây dựng nhà máy, phía Nhật cũng lùi tiến độ hỗ trợ công nghệ hạt nhân cho Việt Nam.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/12/2013, quy định thiết kế cơ sở phải theo quy định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử về nhà máy điện hạt nhân. 
 
Căn cứ lập thiết kế cơ sở, các phương án liên quan đến việc cung cấp nhiên liệu và quản lý, lưu giữ nhiên liệu đã qua sử dụng; đấu nối với hệ thống điện quốc gia; cung cấp nước kỹ thuật và nước làm mát; khối lượng xây dựng và lắp đặt chủ yếu; khương án tổ chức xây dựng sơ bộ...
 
Thiết kế kỹ thuật phải phù hợp với thiết kế cơ sở và dự án đầu tư được duyệt, gồm các nội dung cơ bản như: Đặc tính kỹ thuật của hệ thống kỹ thuật và các thiết bị; giải pháp kiến trúc, kết cấu và vật liệu xây dựng, tổ chức và tổng tiến độ xây dựng, các bản vẽ, tổng dự toán. 
 
Thiết kế bản vẽ thi công sẽ do nhà thầu thực hiện theo thông lệ quốc tế và phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
 
Chuyên gia Việt “chưa yên tâm” 
 
Trước đó, các chuyên gia về điện hạt nhân ở Việt Nam vẫn giữ quan điểm về việc Việt Nam chưa thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Họ cũng đặt nhiều giả thiết về các sự cố nếu nhà máy điện hạt nhân vận hành. 
 
GS Nguyễn Khắc Nhẫn, Nguyên cố vấn chiến lược Tập đoàn Điện quốc gia Pháp (EDF), cho rằng Việt Nam có thể sẽ bị chia cắt ra làm đôi, trong khi xuất khẩu, kinh tế bị tê liệt ngay tức khắc và toàn bộ dải đất miền Trung sẽ bị ô nhiễm phóng xạ bao trùm trong nhiều năm nếu xảy ra một thảm họa hạt nhân như vụ Tchernobyl hay Fukushima.
 
Mô hình nhà máy điện hạt nhân tại xã Phước Dinh, Ninh Phước, Ninh Thuận
Mô hình nhà máy điện hạt nhân tại xã Phước Dinh, Ninh Phước, Ninh Thuận
 
GS Trần Hữu Phát, Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ và đào tạo Viện Năng lượng Nguyên tử Hạt nhân cho rằng ý kiến này cũng cần được quan tâm đúng mức. Vấn đề là Chính phủ phải chỉ đạo để không để xảy ra sự cố hạt nhân đáng tiếc tại Ninh Thuận. “Bản thân cá nhân tôi cũng chưa thực sự yên tâm với cách điều hành dự án ĐHN hiện nay”, GS Phát nói.
 
TS Võ Văn Thuận, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học & Kỹ thuật Hạt nhân, nay là cố vấn Chương trình Năng lượng hạt nhân thì lo ngại: “chúng ta còn nhiều vấn đề khó khăn phải giải quyết trước khi có thể yên tâm là Việt Nam có đủ năng lực sử dụng ĐHN, trong đó có vấn đề thiếu nhân lực, thiếu kiến thức, kinh nghiệm.
 
Mặc dù Việt Nam và Nhật Bản đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 từ tháng 9/2011 nhưng truyền thông Nhật mới đây đã công bố thông tin và đưa ra khả năng thực hiện tiến độ dự án trên sẽ bị chậm do nhiều yếu tố khách quan. 
 
Lý do được Tokyo đưa ra là nước này đang thiếu một cơ quan hệ thống quản lý về vấn đề xuất khẩu công nghệ hạt nhân và xử lý các vấn đề thủ tục liên quan trong trường hợp xảy ra những cuộc khủng hoảng hạt nhân ngoài dự kiến.
 
Về tiến trình dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, trả lời báo chí hồi cuối tháng 8/2013, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó giám đốc BQL dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết, dự kiến năm 2014 sẽ khởi công xây dựng hạ tầng phục vụ việc xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, 2.
 
Nguyên Thảo

Pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia của Việt Nam phù hợp với điều ước quốc tế


QĐND - Trong những năm qua, dựa trên sự phát triển của internet, của nền dân chủ XHCN và sự cởi mở của xã hội ta, ở ngoài nước, các tổ chức chính trị thù địch đã tăng cường các thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc, tạo dựng dư luận để cô lập Việt Nam. Họ tìm cách thúc đẩy các lực lượng chống đối, tự xưng là “chiến sĩ” đấu tranh cho “dân chủ” và “nhân quyền”, phá hoại ổn định chính trị ở Việt Nam. Họ khuyến khích những người này phát tán trên mạng những thông tin về sai lầm khuyết điểm của Đảng và Nhà nước ta trong những thời kỳ lịch sử đã qua, những khó khăn trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, tình trạng quan liêu, tham nhũng, sự suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đặc biệt là họ vu cáo Đảng, Nhà nước ta vi phạm các quyền công dân và quyền con người. Từ đó họ quy kết tất cả nguyên nhân của mọi tiêu cực, khó khăn đều bắt nguồn từ sự “chuyên quyền, độc đoán” của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ hệ tư tưởng của Đảng, từ chế độ XHCN.
Những năm gần đây, các thế lực chống đối trong và ngoài nước còn trắng trợn đòi Nhà nước ta phải hủy bỏ nhiều điều luật về tội phạm an ninh quốc gia, trật tự công cộng trong Bộ luật Hình sự 1999. Trong những đòi hỏi vô lý đó có Điều 88 (Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Điều 79 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 258 (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân).
Cách đây không lâu, được biết Nhà nước ta chính thức thông báo với cộng đồng quốc tế, Việt Nam tham gia ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền khóa 2014-2016, một nhóm chống đối đã mưu toan cản trở Việt Nam tham gia Hội đồng nhân quyền. Họ ra tuyên bố đòi “Chính quyền Việt Nam và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc xem xét lại Điều 258 của Bộ luật Hình sự 1999 (BLHS 1999), sửa đổi năm 2009”. Họ vu cáo: “Chính quyền Việt Nam đã sử dụng Điều 258 để bắt giam những người đi phân phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, bắt giam những người viết blog bộc lộ chính kiến của họ, họ “yêu cầu Việt Nam thực hiện các cam kết về nhân quyền”, cho rằng "Việt Nam không xứng đáng là thành viên của cơ quan bảo vệ nhân quyền của Liên hợp quốc...".
Trước hết phải nói rằng, nếu chỉ muốn “phân phát” bản “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” thì người ta hoàn toàn không phải mất công làm cái việc “Dã ngoại nhân quyền” làm gì. Bản Tuyên ngôn này sẵn có trên mạng. Thực chất cái gọi là “Dã ngoại nhân quyền" là một hình thức tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, là một hình thức vận động, tập hợp, rèn luyện lực lượng chính trị chống đối và đương nhiên điều này là mầm mống của bất ổn xã hội.
Còn điều vu cáo “người viết blog bị bắt bớ” thì sao? Theo số liệu công bố cuộc khảo sát mới nhất của WeAreSocial, một tổ chức có trụ sở chính ở Anh nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu vào tháng 10-2012, hiện nay, Việt Nam có tới 30,8 triệu người sử dụng internet. Trong số đó hẳn có tới hàng vạn blogger. Nếu chỉ vì viết blog mà bị bắt thì thử hỏi liệu Việt Nam có đủ nhà tù cho các blogger không? Trên thực tế, những blogger bị bắt, xét xử, cầm tù là vì họ đã vi phạm quy định của pháp luật, trong đó có Điều 258 BLHS 1999.
Bây giờ xin được nói về những “quy định mù mờ” mà người ta nói về Điều 258, trong BLHS 1999 như thế nào? Cơ sở chính trị và pháp lý mà họ lấy làm chỗ dựa để đòi hủy bỏ điều này là gì?
Bộ luật Hình sự 1999 được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua ngày 21-12-1999, ra đời đến nay đã hơn 10 năm (1999-2013). Bộ luật này ra đời trong tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc “chiến tranh lạnh” đã kết thúc, các thế lực thù địch đẩy tới chiến lược “diễn biến hòa bình” thay cho các cuộc chiến tranh xâm lược đối với các nước đi theo con đường XHCN, trong đó có Việt Nam.
Pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam không có gì khác biệt so với các quốc gia khác trên thế giới. Về mục tiêu đó là quy định của pháp luật nhằm bảo đảm ổn định xã hội, bảo vệ chế độ, nhất là về chính trị; là bảo vệ thành quả của cách mạng; bảo vệ các quyền công dân và quyền con người; thiết lập trật tự, kỷ cương trên tất cả các mặt của đời sống. Về nội dung, pháp luật thể hiện sự kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm với phương châm giáo dục, phòng ngừa là chính, kết hợp với răn đe, giữ nghiêm kỷ cương, đề cao tính nhân đạo. Về nguyên tắc xử lý tội phạm là nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố chống đối, người phạm tội có tổ chức, có tính chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; khoan hồng đối với người tự thú, khai báo trung thực, biết ăn năn hối lỗi. Pháp luật nói chung, BLHS của Việt Nam nói riêng luôn luôn tôn trọng nghĩa vụ tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Dựa trên chính sách bảo vệ an ninh của Nhà nước ta, các Điều 88, Điều 79, Điều 258 của BLHS đã phản ánh đúng những đòi hỏi của cách mạng trong bối cảnh tội phạm đã có những diễn biến mới sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Chiến lược chống phá của các thế lực thù địch dựa trên thủ đoạn chiến tranh “không khói súng”, thủ đoạn “ôn hòa”, “bất bạo động”.
Điều 88 BLHS 1999 quy định về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…” nhằm, một mặt nghiêm trị những hành vi tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, mặt khác nhằm chủ động phòng ngừa các hành vi tương tự gây tổn hại đến Nhà nước và chế độ xã hội.
Điều 258 BLHS 1999 quy định về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” nhằm một mặt nghiêm trị những hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, mặt khác nhằm chủ động phòng ngừa những hành vi tương tự gây tổn hại đến Nhà nước và chế độ xã hội.
Trong khái niệm “tội phạm” của BLHS 1999, không loại trừ cái gọi là những hoạt động "ôn hòa", “bất bạo động”. Khái niệm tội phạm trong Bộ luật này quy định, đó là “những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự,… thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa” (Chương III-Tội phạm, BLHS, 1999).
Thực tế đời sống chính trị trên thế giới cho thấy, những bất ổn về chính trị, bạo loạn xã hội thường bắt đầu từ những hành vi “ôn hòa”, “bất bạo động”. Đối với Việt Nam, trong nhiều vụ án xét xử theo các Điều 88, Điều 79, Điều 258 BLHS 1999, nhiều bị can, bị cáo đã thừa nhận trước tòa - họ đã từng được đưa ra nước ngoài để đào tạo về hoạt động “ôn hòa”, “bất bạo động”. Họ cũng đã thừa nhận có mối liên hệ với tổ chức chính trị chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và tổ chức khủng bố “Việt Tân”, hoặc tổ chức “Fulro” lưu vong. Bởi vậy, những luận điệu tuyên truyền rằng, Điều 88, Điều 258 là những quy định “mù mờ”, là “vi phạm quyền tự do ngôn luận, báo chí ” được quy định trong Điều 19, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị là vô lối. Điều 1 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị quy định rằng: “Mọi người có quyền giữ quan điểm của mình mà không ai có quyền can thiệp. Mọi người có quyền tự do ngôn luận”… “Việc thực hiện những quyền… này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt… do đó phải chịu một số hạn chế theo luật định, để: Tôn trọng các quyền và uy tín của người khác; Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”[1]. Như vậy, Điều 88, Điều 258 BLHS 1999 quy định về các tội phạm nhằm bảo vệ an ninh quốc gia là hoàn toàn phù hợp với Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị 1966.
Con đường phát triển của dân tộc ta, của chế độ xã hội XHCN của chúng ta phải do nhân dân ta tự quyết định. Những ảo tưởng áp đặt mô hình dân chủ nhân quyền “ngoại nhập” - như có người nói, hoặc sử dụng những hành vi “ lách luật”, phi pháp nhằm thực hiện những ý đồ đen tối đó chắc chắn sẽ thất bại.
VỌNG ĐỨC - LINH NGHĨA
-------------------------
[1]- Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”. HN, 2002, tr.258, 259. 
(QĐND)_

Vết chân những con sói đơn độc

Vụ tấn công khủng bố tại Quảng trường Thiên An Môn - biểu tượng của thủ đô Bắc Kinh và đất nướác Trung Hoa - đầu tuần đã bộc lộ những kẽ hở trong hệ thống tình báo. Theo giới phân tích nước ngoài, sự việc này thêm một lần nữa khẳng định mối đe dọa an ninh lớn từ những khủng bố đơn lẻ - được thế giới biết đến với tên gọi “con sói đơn độc”.

Bên phải - 4 trong số 5 nghi phạm bị bắt giữ trong vụ khủng bố
Theo Tân Hoa xã, cảnh sát Trung Quốc đã xác định vụ đâm ôtô tại Quảng trường Thiên An Môn là một vụ tấn công khủng bố. Lực lượng cảnh sát thành phố phối hợp với các cơ quan cảnh sát khu vực khác, trong đó có cảnh sát Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương ở Tây Bắc Trung Quốc, đã bắt giữ 5 đối tượng tình nghi. Thông tin ban đầu cho biết đối tượng Usem Hasan cùng với mẹ và vợ của y đã lái chiếc xe Jeep mang biển số vùng Tân Cương lao vào một đám đông trên Quảng trường Thiên An Môn vào trưa 28.10 làm 2 người thiệt mạng và 40 người bị thương. Ba đối tượng trên xe này đã chết sau khi châm lửa đốt xe.
Hiện vẫn chưa rõ động cơ chính xác của vụ tấn công vừa qua, song giới chuyên gia đã cảnh báo về hệ quả tiêu cực của các kết luận vội vã liên quan đến bản chất của vụ tấn công. Chuyên gia về Trung Quốc John Delury, tại Đại học Yonsei, Seoul, nói: “Vụ việc vừa qua đã xảy ra tại Quảng trường Thiên An Môn, nơi tất cả các diễn biến đặc biệt đều dễ khiến người ta liên tưởng đến khía cạnh chính trị”. Tuy nhiên, chưa vội bàn tới vấn đề này, các nhà phân tích lưu ý tới khía cạnh an ninh nhiều hơn do Quảng trường Thiên An Môn nằm ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh và luôn được đặt trong tình trạng an ninh nghiêm ngặt với sự giám sát của nhiều cảnh sát để đề phòng mọi diễn biến phức tạp. Vì thế, vụ tấn công vừa qua đã làm dấy lên không ít lo ngại.
David Tobin, một chuyên gia nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại Đại học Glassgow nhận định rằng, vụ tấn công gây thương vong này đã khiến dư luận trong và ngoài nước bất ngờ. Người ta khó có thể tưởng tượng một vụ việc như vậy lại xảy ra tại đây. Trong khi đó, theo Willy Lam - một chuyên gia thuộc Đại học Hong Kong Trung Quốc - vụ việc cho thấy dường như các biện pháp an ninh áp dụng tại đây vẫn còn kẽ hở và điều này sẽ buộc giới chức an ninh Trung Quốc phải xem xét lại chiến lược lâu nay.
Ông Tobin cho rằng, rõ ràng vụ việc vừa qua không giống những diễn biến tại Trung Đông, vốn thường do các kẻ khủng bố tiến hành với các công nghệ tinh vi và được lên kế hoạch chi tiết. Vụ tấn công tại Thiên An Môn có vẻ khá vụng về. Các nghi phạm lái một chiếc xe jeep nhằm vào người dân và sau đó làm cho chiếc xe phát nổ. Vì thế, khó có khả năng đây là một hành vi có liên quan đến một mạng lưới khủng bố toàn cầu nào đó, mà chỉ có thể mang tính chất nhỏ lẻ. Nếu nhận định này là chính xác, thì thực tế sẽ càng nguy hiểm hơn vì khủng bố đơn độc là mối hiểm họa khôn lường vì khả năng hoạt động độc lập. Nên lực lượng an ninh rất khó phát hiện.
Sau ngày 11.9.2001, khái niệm về khủng bố được hiểu là một nhóm người có tư tưởng cực đoan, thường là theo đạo Hồi, tập hợp với nhau và được huấn luyện cách sử dụng bom, chất nổ… nhằm mục đích thánh chiến, gây phương hại tới các lợi ích của Mỹ và phương Tây, không quan tâm tới tính mạng dân thường. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ cùng cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Mỹ phát động, bức tranh đã thay đổi. Chủ nghĩa khủng bố đã khoác lên mình một bộ mặt mới đáng sợ hơn - đó là những cá nhân theo chủ nghĩa cực đoan, phân biệt chủng tộc, âm thầm sống trong một môi trường chung và có khả năng hành động đơn lẻ. Từ đây xuất hiện cụm từ “chủ nghĩa khủng bố đơn lẻ” - mà những ngườâi theo chủ nghĩa này được ví von với hình ảnh của “những con sói đơn độc”.
Ứng dụng khoa học công nghệ và internet đã gây không ít khó khăn cho lực lượng an ninh trong phát hiện và ngăn chặn khủng bố. Những chiến binh thời hiện đại còn sử dụng các hình ảnh, bản đồ có sẵn trên Google Earth để cùng lên kế hoạch khủng bố. Dù khó khăn, song lực lượng đặc nhiệm các nước vẫn có thể lần được manh mối của chúng và ngăn chặn khá hiệu quả các vụ tấn công. Nhưng với những “con sói đơn độc” thì không đơn giản như vậy. Họ có thể tiếp nhận các luồng thông tin, tự mình sàng lọc và lên kế hoạch.
Trở lại với vụ tấn công tại Thiên An Môn, dù phương thức hành động có phần đơn giản, song đây thực sự là hồi chuông cảnh báo rằng không một quốc gia nào có thể miễn nhiễm với khủng bố, và khủng bố có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức để qua mắt lực lượng an ninh.
Thành An

Bộ Quốc phòng Trung Quốc: " Thái độ hiếu chiến dẫn đến diệt vong"



Минобороны КНР: "воинственность ведет к погибели"


Kichbu theo: russian.people.com.cn

Pekin, ngày 31 tháng Mười (Tân Hoa Xã). Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng CHDCND Trung Hoa Yang Yujun hôm  nay đã  sử dụng câu thành ngữ   xưa củaTrung Quốc "Thái độ hiếu chiến dẫn đến sự  diệt vong"  để cảnh báo phía Nhật Bản về sự cần thiết phải đi  theo con đường phát triển hòa bình. Đồng thời, ông viện dẫn đến thành ngữ khác "Không sẵn sàng cho chiến tranh gây nên các mối đe dọa" để khẳng định rằng các lực lượng vũ trang của Trung Quốc sẽ không gây chiến tranh theo chủ ý của mình, nhưng cũng không sợ chiến tranh.

Yang Yujun, khi trả lời câu hỏi của các phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ, nói rằng tại thời điểm này là "thủ phạm" của sự gia tăng các yếu tố tiêu cực liên qua đến an ninh trong khu vực là Nhật Bản. Gần đây, phía Nhật Bản liên tục cường điệu sự hiện diện của mối đe dọa quân sự từ các nước khác như một cái cớ để tăng cường lực lượng vũ trang của họ, không muốn suy tính lịch sử một cách sâu sắc.

 Новость на Newsland: Минобороны КНР:

"Ở Trung Quốc có một thành ngữ cổ: "Thái độ hiếu chiến sẽ dẫn đến diệt vong", - ông nói. - Chúng tôi hy vọng phía Nhật Bản sẽ nhìn nhận lịch sử một cách đúng đắn, có những bước đi thiết thực để thực sự đi theo con đường phát triển hòa bình".

Theo lời của Yang Yujun, tất cả đều biết rằng Trung Quốc kiên quyết theo đuổi con đường phát triển hòa bình, tiến hành chính sách quốc phòng phòng thủ, Trung Quốc sẽ không bao giờ tiến hành xâm lược chống lại các nước khác và sẽ không gây nên tình hình căng thẳng trong khu vực. "Nhưng ở Trung Quốc còn có một thành ngữ lâu đời khác - Không sẵn sàng cho chiến tranh gây nên những mối đe dọa". Trung Quốc sẽ không bao giờ gây chiến tranh theo chủ ý của mình, nhưng không bao giờ sợ chiến tranh",- ông nói.

"Tôi hy vọng rằng sẽ không ai có thể đánh giá đầy đủ sự quyết tâm, ý chí, khả năng, lòng dũng cảm và trí thông minh của Trung Quốc trong việc  bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ," - Yang Yujun nhấn mạnh.
China's impossible contradiction

Những mâu thuẫn không thể giải quyết của Trung Quốc
 
Ambrose Evans-Pritchard
 
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sắp tiết lộ kế hoạch cải tổ kinh tế trên quy mô rộng lớn tại Hội Nghị Trung Ương 3 của Đảng vào tháng tới. Kế hoạch này sẽ tấn công vào con khủng long doanh nghiệp nhà nước và bộ máy xin cho của Đảng.
Tuy nhiên, ông ta vẫn muốn tăng cường sự kiểm soát chặt chẽ của một nhà nước độc tài một đảng, một hệ tư tưởng. Sau đây là bài tường thuật đáng chú ý của Hoàng Tương Duy trên tờ Tin Sáng Hoa Nam (South China Morning Post).
Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nhà nước (TTNCPTNN) vừa đưa ra lộ trình của các biện pháp cải tổ kinh tế. Đề xuất này được nghiên cứu, xem xét một cách nghiêm túc vì nó được chấp bút bởi không ai khác ngoài chính người có chủ trương cải tổ Lưu Vĩ cùng cánh tay phải của Chủ tịch Tập về các vấn đề kinh tế, ông Lưu Hạc.
Vấn đề ở đây là các đề nghị này mâu thuẫn với các phát hiện cốt lõi trong bản thông cáo chung của TTNCPTNN và Ngân Hàng Thế Giới. Bản đệ trình này chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ không thành công khi nhảy vào giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo và sẽ suy thoái trong cái “bẫy lợi tức trung lưu” trừ khi Trung Quốc chấp nhận toàn bộ lối tư duy tự do hiện đại. Bản kiến nghị không nhắc trực tiếp đến vấn đề dân chủ, nhưng rõ ràng là có hàm ý như vậy.
Bản tường trình năm 2012 đã cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ có nguy cơ chạm mức trần vô hình giống trường hợp Mỹ Latinh và Trung Đông sau thời kỳ phát triển vượt bậc trong hai thập niên 1960 và 1970. Trung Quốc sẽ không được như Nhật Bản, Hàn Quốc, là những nước hiếm hoi đã thoát khỏi tình trạng “đụng trần”. Bản báo cáo nêu rõ: “Khi mà các nước không có khả năng tăng năng suất lao động bằng cách đổi mới, họ sẽ rơi vào bẫy. Trung Quốc không phải chịu chung số phận đó (nếu áp dụng các chính sách đổi mới).”
Tất cả các lập luận đến nay đều trở nên rõ ràng. Lực lượng lao động rẻ từ khu vực nông thôn của Trung Quốc đang cạn kiệt. Bản báo cáo của TTNCPTNN đã chỉ ra rằng Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thay đổi nhân chủng trệch hướng, khi mà tỉ lệ người già sống phụ thuộc cao gấp đôi tỉ lệ ở Bắc Âu trong vòng 20 năm.
Bản báo cáo tiếp tục nói rằng Trung Quốc đã gặt hái thành quả từ nhân công rẻ sẵn có và sự phát triển dựa vào đầu tư, xuất cảng và sự tăng trưởng mang tính rượt đuổi. Trung Quốc còn có thể dựa vào nền kỹ thuật nhập cảng để tiếp tục đẩ

Chuyên gia Nga: TQ có thể "thua nhục nhã" nếu đấu súng với Nhật Bản

Đông Bình
Thứ hai 04/11/2013 09:07
(GDVN) - Bài viết so sánh cán cân sức mạnh quân sự Trung-Nhật, dự báo thắng-thua nếu xảy ra xung đột quân sự, có hoặc không có sự can thiệp của Mỹ. Theo đánh giá, trong 1-2 tuần sau khi Mỹ tham chiến, lực lượng hàng không Trung Quốc sẽ cơ bản bị tiêu diệt. Tên lửa hành trình Tomahawk tiến hành tấn công đối với các sân bay của Trung Quốc, tiêu diệt phần lớn trang bị hàng không.
Tàu ngầm Kokyryu số hiệu SS-506 lớp Soryu Nhật Bản hạ thủy sáng ngày 31 tháng 10 năm 2013
Mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 3 tháng 11 đăng bài viết nhan đề "Chuyên gia Nga dự đoán chiến tranh Trung-Nhật: Trung Quốc rất có thể bại trận một cách nhục nhã". Sau đây là nguyên văn nội dung bài viết:
Cán cân binh lực hai bên Trung-Nhật
Vasilii Cashin, Chủ nhiệm Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga, chủ biên tờ "Tin vắn quốc phòng Moscow" trả lời phỏng vấn tờ "Quan điểm" cho rằng, về hải quân, Trung Quốc tạm thời còn có ưu thế số lượng mang tính áp đảo, về chất lượng, tạm thời lạc hậu xa so với Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Cashin cho rằng: "Vào khoảng năm 2007, người Trung Quốc bắt đầu chế tạo tàu chiến không tồi. Tất cả tàu chiến chế tạo trước đó cơ bản đều không thích hợp; tàu ngầm của họ tương đối nguy hiểm đối với Nhật Bản, nhưng trọng điểm xây dựng ban đầu của Hạm đội Nhật Bản chính là tác chiến chống tàu ngầm, hơn nữa đối tượng là Hải quân Liên Xô.
Tôi từng nghe đến bình luận của chuyên gia Mỹ về chiến tranh trên biển, cho rằng, về kinh nghiệm, thiết bị và phương pháp trong chiến tranh săn ngầm, Hạm đội Nhật Bản thậm chí mạnh hơn Hải quân Mỹ. Thủy thủ tàu ngầm Nhật Bản cũng được huấn luyện chiến đấu trên biển rất tốt.
Tàu ngầm Kokyryu số hiệu SS-506 lớp Soryu thứ 6 của Nhật Bản hạ thủy sáng ngày 31 tháng 10 năm 2013
Tình hình hiện nay của Trung Quốc tương tự Liên Xô vào cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, bắt đầu xây dựng hạm đội tầm xa quy mô lớn. Nhưng, thứ nhất, cần đột phá vô số vấn đề công nghệ nhỏ trên phương diện này; Thứ hai, TQ sẽ tiến hành đột phá trên các phương diện huấn luyện tác chiến, chiến thuật và tổ chức.
Hải quân Liên Xô trước đây ban đầu cũng là hải quân biển gần, không thể rời xa bờ biển để độc lập hành động, nhưng trong mấy chục năm đã phát triển trở thành hải quân tầm xa. Trung Quốc hiện nay đang ở điểm xuất phát của con đường này.

Điểm xuất phát xây dựng Hải quân Trung Quốc vào thập niên 80 là chiến lược phòng thủ biển gần (duyên hải), tức là một lực lượng hải quân tầm gần, số lượng tàu chiến cỡ lớn rất ít, chủ yếu là thuyền máy và rất nhiều pháo bờ biển.
Sự phát triển thực sự của Hải quân Trung Quốc bắt đầu từ giữa thập niên 90, mãi đến vài năm trước mới có chất lượng, hiệu quả. Nhưng, họ căn bản không thể giúp bản thân xây dựng được tư tưởng và kinh nghiệm tự tin".
Tàu ngầm Kokuyru lớp Soryu thứ 6 Nhật Bản hạ thủy
Thượng tá Sivkov, Phó viện trưởng Học viện các vấn đề địa-chính trị Nga đánh giá khá cao năng lực của Hải quân và Không quân Trung Quốc, cho rằng: "Về số lượng, sức mạnh quân sự của Trung Quốc chiếm ưu thế tương đối lớn so với Nhật Bản.

Trong thời bình, quân số của Quân đội Trung Quốc là 2,5 triệu quân, Nhật Bản khoảng 250.000 quân. Nhưng, chiến tranh đảo sẽ chủ yếu được triển khai giữa lực lượng hải quân và không quân.
Để tranh đảo, Trung Quốc có thể điều 400-500 máy bay tác chiến, ít nhất 20 tàu ngầm diesel, có thể sẽ sử dụng 3 tàu ngầm hạt nhân. Do đảo Senkaku cách đất liền Trung Quốc không xa, vì vậy còn có thể sử dụng tàu tên lửa và tàu khu trục tên lửa có số lượng tương đối.
Để đối phó Trung Quốc, Nhật Bản có thể sử dụng khoảng 150 máy bay tiêm kích, khoảng 10 tàu ngầm diesel, 5-10 tàu khu trục tên lửa và tàu hộ vệ. Biên chế tác chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản chỉ khoảng 1/3 binh lực của Trung Quốc.
Nhưng, lực lượng hàng không của Trung Quốc chủ yếu trang bị máy bay cũ kỹ, ưu thế chất lượng của Nhật Bản sẽ mang tính áp đảo.

Trung Quốc không có máy bay cảnh báo sớm, Nhật Bản có loại máy bay này, có thể bảo đảm năng lực theo dõi trên không và chỉ huy không chiến, từ đó giúp cho lực lượng hàng không tiêm kích Nhật Bản chiếm ưu  thế tương đối lớn.
Tàu ngầm AIP lớp Soryu thứ 6 Nhật Bản
Về tổng thể có thể nói, trong lĩnh vực không chiến, thực lực giữa Trung-Nhật ngang sức với nhau, cho dù Trung Quốc chiếm ưu thế số lượng; còn về sức mạnh hải quân, tàu ngầm Trung Quốc có trình độ tương đương trình độ (Hải quân Liên Xô) đầu thập niên 70 về tính năng kỹ chiến thuật và công nghệ sản xuất, tiếng ồn tương đối lớn.
Người Nhật Bản có tàu ngầm tiên tiến hơn, mức độ tiếng ồn nhỏ hơn, có thể triển khai chiến đấu có hiệu quả với tàu ngầm Trung Quốc. Nhưng, thực lực tàu chiến mặt nước của Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt Nhật Bản, hai bên cơ bản tương đương về số lượng và tầm phóng của vũ khí tên lửa".
Nếu xảy ra chiến tranh
Cashin suy đoán cho rằng, nếu Trung-Nhật nổ ra xung đột quân sự do tranh chấp đảo, rất có thể sẽ kết thúc với sự thất bại mang tính nhục nhã của Trung Quốc. Ông cho rằng: "Nếu xảy ra giao chiến với lực lượng cơ bản tương đồng, thì Trung Quốc sẽ bị tổn thất nghiêm trọng, hơn nữa chưa chắc có thể gây ra tốt thất tương đương cho người Nhật Bản.
Tàu ngầm AIP Kokuryu
Hiện nay, Nhật Bản có ưu thế quan trọng về trang bị công nghệ, có ưu thế to lớn về huấn luyện nhân viên. Tất cả các hệ thống vũ khí mới của Trung Quốc đều chưa có kinh nghiệm dùng thử, trình độ huấn luyện nhân viên có vấn đề rất lớn.
Hơn nữa, vũ khí của họ lạc hậu so với Nhật Bản, không thể hoàn toàn thực hiện được tiềm năng của mình. Chiến tranh có thể sẽ kết thúc với sự thất bại mang tính nhục nhã của Trung Quốc, đây sẽ là điều vô cùng đau đớn đối với họ.
Hạm đội Nhật Bản là một lực lượng rất mạnh, cho dù Trung Quốc giành được thành tích to lớn, nhưng muốn đạt tới trình độ của Nhật Bản, trước hết là chiến thuật và huấn luyện nhân viên, cần phải mất rất nhiều thời gian".
Sivkov không đồng ý với dự đoán Nhật Bản sẽ chiến thắng Trung Quốc của Cashin, cho rằng, sự tổn thất của Trung Quốc thực sự sẽ rất lớn, nhưng, người Nhật Bản cũng sẽ bị tổn thất to lớn tương tự.

Ông nói: "Một khi nổ ra xung đột, Trung quốc sẽ áp dụng chiến lược tấn công ở mức độ tương đối lớn, khi đó Nhật Bản sẽ dựa vào phòng thủ. Nếu xảy ra xung đột trực tiếp, Trung Quốc có cơ hội tương đối lớn giành chiến thắng.
Tàu ngầm Kokuryu hạ thủy
Trung Quốc có ưu thế khá lớn về lực lượng tên lửa gọn nhẹ và tàu khu trục tên lửa, có thể hoàn thành nhiệm vụ đánh bại cụm chiến đấu tàu chiến Nhật Bản và đổ bộ lên đảo. Xét tới ưu thế số lượng tương đối lớn của lực lượng hàng không Trung Quốc, và quân dự bị tương đối mạnh, thực lực trên không tổng thể của Trung Quốc vượt Nhật Bản một cấp.
Trình độ huấn luyện của quân nhân Trung Quốc hoàn toàn không thua Nhật Bản, phần nào còn có ưu thế hơn Nhật Bản. Khác với Nhật Bản, Trung Quốc rất tích cực, thường xuyên tổ chức diễn tập. Họ đã đầu tư rất nhiều cho công việc này.
Vì vậy, với trình độ huấn luyện ngang nhau, Trung Quốc có thể hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cụm chiến đấu hàng không Nhật Bản tại lãnh thổ Nhật Bản, cho dù phải trả giá thương vong rất lớn. Nhưng, chỉ cần có thể hoàn thành nhiệm vụ này, thì có thể hoàn thành nhiệm vụ đoạt lấy quyền kiểm soát trên không khu vực đổ bộ".
Tàu ngầm Kokuryu số hiệu SS-506 Nhật Bản hạ thủy
Lực lượng bên thứ ba
Các chuyên gia Nga nhất trí cho rằng, mặc dù Lượng lượng Phòng vệ Nhật Bản không bằng 1/10 Quân đội Trung Quốc về số lượng, nhưng họ có ưu thế to lớn là có thể dựa vào Mỹ - một siêu đồng minh.

Khi Nhật Bản bị xâm lược,  Mỹ có nghĩa vụ căn cứ vào Hiệp ước phòng thủ chung để can dự cuộc xung đột. Nếu Trung Quốc đối đầu với liên quân Mỹ-Nhật, cuối cùng chắc chắn sẽ bị thất bại.
Sivkov cho rằng, bản thân nhân tố Mỹ đã hoàn toàn loại trừ khả năng Trung Quốc phát động chiến dịch quân sự ở đảo Senkaku. Nếu như Trung Quốc xung đột trực diện với hải quân Mỹ-Nhật, cho dù Không quân Trung Quốc có ưu thế số lượng, lực lượng hàng không trên tàu chiến của Hải quân Mỹ và lực lượng hàng không chiến thuật quân Mỹ đóng ở Okinawa vẫn sẽ có yêu cầu số lượng tương đối cao, có thể hoàn thành nhiệm vụ đánh bại lực lượng hàng không tấn công của Trung Quốc và gây ra tổn thất mà họ không thể chịu đựng được.
Không còn nghi ngờ gì nữa, quân Mỹ cũng sẽ sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk tiến hành tấn công đối với các sân bay của Trung Quốc, tiêu diệt phần lớn trang bị hàng không của Trung Quốc và cơ sở hạ  tầng. Trong 1-2 tuần sau khi Mỹ tham chiến, lực lượng hàng không Trung Quốc sẽ cơ bản bị tiêu diệt.
Căn cứ Futenma của quân Mỹ tại Nhật Bản
Chắc chắn, Hải quân Trung Quốc cũng sẽ bị tiêu diệt, bởi vì, tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles có thể thoải mái tấn công Hải quân Trung Quốc. Vũ khí trên tàu chiến Trung Quốc mặc dù tương dối mạnh, nhưng phòng thủ tương đối yếu, vì vậy tàu chiến Trung Quốc sẽ bị tên lửa hành trình của đối thủ (phóng bên ngoài tầm phóng của tên lửa Trung Quốc) tiêu diệt.
Nếu tinh thần của Trung Quốc tăng cao, tiến tới phát triển đến mức xung đột quân sự với Nhật Bản, thì tất cả đều sẽ giới hạn ở xung đột trên biển-trên không quy mô không lớn. Sau đó, Mỹ sẽ răn đe tham chiến, Trung Quốc rất có thể chấm dứt hành động quân sự, chuyển sang sử dụng thủ đoạn kinh tế mạnh.
Nếu không có sự ủng hộ của Mỹ, một khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định đánh chiếm đảo Senkaku mà không sợ phải trả giá, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cơ bản không thể giữ được đảo Senkaku. Trên phương diện này, lực lượng hàng không Trung Quốc sẽ bị tổn thất 150 máy bay, lực lượng hàng không Nhật Bản sẽ bị tổn thất vài chục máy bay.
Nhưng, nếu Mỹ toàn lực tham chiến, Quân đội Trung Quốc sẽ bị đập tan. Cashin cho rằng, Mỹ sẽ không có bất kỳ lập trường rõ ràng nào trong tranh chấp lãnh thổ giữa Trung-Nhật. Nhưng, nếu đã xảy ra sự kiện tấn công Nhật Bản, Mỹ sẽ điều quân can thiệp.
Tàu sân bay USS George Washington của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ, triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Cụm chiến đấu của Mỹ ở khu vực Đông Á gồm có tàu sân bay USS George Washington, lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ, lực lượng hàng không đóng ở Okinawa và quân Mỹ đóng tại Hàn Quốc.
Điều này có nghĩa là, Mỹ triển khải rất nhiều lực lượng ở khu vực trực tiếp áp sát đảo tranh chấp, trong đó có cụm chiến đấu tàu sân bay, một khi bị đe dọa xung đột, trong vài tiếng có thể tiến vào khu vực tác chiến tham chiến.

Một khi nổ ra xung đột, cán cân lực lượng không có lợi cho Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc cơ bản không thể xâm phạm Nhật Bản, muốn tạo ra mối đe dọa to lớn cho Nhật Bản, Trung Quốc còn phải đi một con đường dài.
y mạnh phát triển (trung bình 10%/năm kể từ khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu cuộc đột phá mở cửa kinh tế vào năm 1978). Bản phúc trình cho hay: “Trung Quốc đã đi đến một khúc ngoặt khác của con đường phát triển. Nó đòi hỏi một sự thay đổi chiến lược mới mang tính nền tảng.”
Như tôi đã từng trình bày, TTNCPTNN cho biết mức phát triển của Trung Quốc sẽ chậm xuống còn 7% vào cuối thập niên này và 5% vào cuối thập niên 2020 ngay cả nếu Trung Quốc cải tổ sâu rộng. Sự trì trệ sẽ xảy ra nếu Trung Quốc tiếp tục bám vào mô hình kinh tế và xã hội do nhà nước kiểm soát. TTNCPTNN cho rằng: “Những lực hỗ trợ cho sự tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc đang yếu dần. Sự kiểm soát tuyệt đối của chính quyền trong một số lãnh vực chính, trong giai đoạn đầu là lợi thế, tuy nhiên trong tương lai rất có thể trở thành hàng rào cản trở sự sáng tạo. Vai trò của khu vực tư nhân rất quan trọng vì sự sáng tạo trong lĩnh vực kỹ thuật hoàn toàn khác biệt về bản chất so với giai đoạn chạy đua để bắt kịp công nghệ thế giới. Đây không phải việc có thể hoàn thành bằng sự kế hoạch hóa của chính phủ.”
Xem ra ông Tập Cập Bình nghĩ rằng ông có thể loại bỏ một nửa những thứ này, và lựa chọn một số cải tổ thuận lợi nhất mà ông nghĩ có thể tạo ra phát triển trong khi bóp nghẹt báo chí, Internet, tự do khoa học, và làm sống lại các cuộc “tự phê bình” theo kiểu Mao-ít để kiểm soát chặt chẽ toàn bộ đảng. Người ta nhìn thấy rõ rệt sự tái hồi của chủ nghĩa Lê-nin. Vụ xử lý một nhà báo của Tin Nhanh Quảng Châu (Guangzhou Express) trong tuần này, khi người đó buộc phải thốt ra những lời ngớ ngẩn trong một màn thú tội được thu hình có công an theo dõi kèm theo những thủ tục truy tố bị lên án, đã mang mầu sắc Cách Mạng Văn Hóa nặng nề.
Chắc chắn phải có sự đánh đổi: hoặc Đảng Cộng Sản Trung Quốc phải từ bỏ bớt sự kiểm soát về các mặt chính trị xã hội để cho phép “tinh thần sáng tạo” phát triển; hoặc những cuộc cải tổ sẽ bị thoái hóa thành những bùa phép vô nghĩa và những lời phát biểu khoa trương nhảm nhí, khiến Trung Quốc rơi vào cái bẫy “lợi tức trung lưu”. Chúng ta đang ở thời điểm mà Trung Quốc phải đưa ra quyết định. Hãy dõi theo sát những thông tin từ Hội nghị Trung Ương 3.
 
TRẦN NGỌC ANH dịch
PHONG VỆ nhuận sắc
 

Vì sao hạm đội tàu ngầm Trung Quốc thèm muốn Biển Đông

(Tin Nóng) Dù vừa khoa trương lần đầu về hạm đội tàu ngầm hùng hậu, nhưng tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc chỉ có thể vùng vẫy ở Biển Đông để thực hiện chiến lược “chuỗi đảo thứ nhất”, vì hạm đội ở Bắc Hải và Đông Hải bị Nhật, Đài Loan và Mỹ khóa chặt, theo tạp chí phân tích quốc phòng Stratfor (Mỹ) ngày 31.10.


Hạm đội tàu ngầm Trung Quốc rầm rộ tập luyện trên biển, hình ảnh lần đầu tiên được đăng trên truyền thông Trung Quốc - Ảnh: Xinhua

Tham vọng răn đe từ biển

Trong những ngày cuối tháng 10.2013, Tân Hoa Xã và báo đài Trung Quốc lần đầu tiên đăng ảnh và video clip về hạm đội tàu ngầm hùng hậu, cả tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân lẫn tàu ngầm điện - diesel.
Vào năm 2012, Bộ Quốc phòng Mỹ có báo cáo ghi nhận về sự tiến bộ quân sự của Trung Quốc, kể cả việc dự báo nước này sẽ có tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới vào năm 2014.
Tuy vậy, những hạn chế về công nghệ và địa lý vẫn còn với Trung Quốc. Hiện tại Trung Quốc phải lệ thuộc vào các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân bố trí trên đất liền để đối phó Phương Tây.
Tham vọng của Trung Quốc xây dựng bộ ba vũ khí chiến lược (tên lửa đạn đạo hạt nhân, máy bay ném bom hạt nhân, tàu ngầm phóng tên lửa hạt nhân), đặc biệt là tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân, gắn với mong muốn gia tăng khả năng răn đe đối với các cường quốc hạt nhân khác, đặc biệt là Mỹ, Nga và Ấn Độ.
Duy trì được lực lượng hạt nhân trên biển sẽ gia tăng khả năng của Trung Quốc trong việc giáng trả đối với đòn tấn công hạt nhân đầu tiên (hoặc thứ hai). Khả năng răn đe từ biển cũng là vấn đề uy tín đối với Bắc Kinh vì chỉ có một vài nước mới có thể làm như vậy.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Hạ (092) - Ảnh: AFP

Hạn chế công nghệ

Trung Quốc đã có những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển vũ khí hạt nhân chiến lược trên biển, nhưng vẫn còn đứng sau nhiều cường quốc, đặc biệt là Mỹ.
Loại tên lửa đạn đạo hạt nhân phóng từ tàu ngầm JL-1A của Trung Quốc có tầm bắn 2.500 km được xem là vũ khí chính của các tàu ngầm hạt nhân. Trong khi đó các tên lửa đạn đạo của tàu ngầm Mỹ có tầm bắn xa gấp hơn 4 lần. Trung Quốc gần đây đang phát triển tên lửa loại JL-2 mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm được cho có tầm bắn 7.000 - 8.000 km, nhưng người ta nghi ngờ chúng chỉ có thể đi vào hoạt động hạn chế từ năm 2014.
Công nghệ tàu ngầm của Trung Quốc cũng là vấn đề khi còn đi sau các nước. Bên cạnh tàu ngầm hạt nhân lớp Hạ (Type 092) được sử dụng rộng rãi, Trung Quốc đang phát triển tàu ngầm lớp Tấn (Type 094) và đã có khoảng 3-4 chiếc đi vào hoạt động kể từ khi chiếc đầu tiên hạ thủy năm 2004. Tấn thực ra chỉ là tàu ngầm lớp Hạ được cải tiến nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là thiếu công nghệ giúp tàu chạy êm, điều quan trọng giúp tăng khả năng sống sót của tàu ngầm.
Và thậm chí theo một báo cáo của Tình báo Hải quân Mỹ, tàu ngầm lớp Tấn còn dễ bị phát hiện hơn tàu ngầm lớp Delta III của Liên Xô hồi những năm 1970.

Chiếc máy bay chống ngầm P-3C đầu tiên của Đài Loan, tại buổi lễ đón nhận ngày 31.10. Đài Loan đã đặt mua 12 chiếc máy bay này từ Mỹ, trị giá gần 2 tỉ USD - Ảnh: CAN

Hạn chế về địa lý

Dù đã có nhiều cải thiện về công nghệ, các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc vẫn cần vượt qua một cách an toàn “chuỗi đảo thứ nhất” để tiến ra vùng biển Philippines (Thái Bình Dương) để thực sự trở thành lực lượng răn đe hạt nhân trên biển tầm cỡ toàn cầu. Ngay cả khi Trung Quốc có được tên lửa JL-2 cho các tàu ngầm hạt nhân của họ, tàu ngầm Trung Quốc đang hoạt động trên biển Hoa Đông hay trong chuỗi đảo thứ nhất cũng khó mà tiếp cận được các mục tiêu ở lục địa Mỹ hay Tây Âu.
Tuyến đường gần nhất để tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương là qua eo biển Luzon, nằm giữa Philippines và đảo Đài Loan, và eo biển đó dẫn ra biển Philippines.
Eo biển này được xem là cửa ngõ ra Thái Bình Dương an toàn hơn vùng biển giữa Đài Loan và Nhật Bản, vì Philippines không có lực lượng chống ngầm, còn khả năng chống tàu ngầm của Đài Loan thì có hạn, nhất là so với Nhật. Hơn nữa, quân đội Mỹ không có mặt tại Đài Loan hay Philippines như họ có tại Nhật hay Hàn Quốc.
Tuy nhiên băng qua eo biển Luzon cũng không thực sự an toàn tuyệt đối cho tàu ngầm Trung Quốc, đặc biệt là khi xảy ra xung đột với Mỹ. Thứ nhất, Đài Loan đang gia tăng khả năng chống ngầm. Vào tháng 8.2015 Đài Loan sẽ nhận đủ 12 chiếc máy bay chống tàu ngầm P-3C Orion, đủ sức giám sát eo biển Luzon.
Và do tàu ngầm lớp Tấn của Trung Quốc rất ồn ào khi chạy, các tàu ngầm tấn công của Mỹ tuần tiễu ở eo biển Luzon sẽ dễ dàng phát hiện.

Biển Đông: Khu vực an toàn của tàu ngầm Trung Quốc

Những hạn chế về mặt địa lý như vậy là lý do chính khiến Hải quân Trung Quốc chọn chiến lược xây pháo đài ở quanh Biển Đông.
Lâu nay Hải quân Trung Quốc bố trí các tàu ngầm hạt nhân tại Hạm đội Bắc Hải và Nam Hải. Hạm đội Bắc Hải có các tàu ngầm hạt nhân lớp Hạ và gần đây là lớp Tấn, hạm đội Nam Hải cũng có tàu lớp Tấn. Việc xây căn cứ tàu ngầm ở Tam Á trên đảo Hải Nam đồng nghĩa việc giúp mở rộng hoạt động của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc ở Biển Đông.

Một chiến hạm thuộc Hạm đội Đông Hải tập bắn đạn thật trong cuộc huấn luyện ngày 29.9 trên biển Đông Hải - Ảnh: Reuters

Tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn (094) được cho là bản cải tiến của lớp Hạ nhưng vẫn còn chạy rất ồn, thậm chí dễ bị phát hiện hơn tàu lớp Delta III của Liên Xô hồi những năm 1970 - Ảnh: Xinhua
Hoạt động của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc trên Biển Đông có nhiều thuận lợi. Thứ nhất, không như ở biển Đông Hải hay Hoàng Hải, Biển Đông là khá xa so với khả năng tác chiến của lực lượng chống ngầm của Hàn Quốc, Nhật Bản và cả của lực lượng Mỹ đồn trú ở hai nước đó.
Biển Đông còn cung cấp không gian hoạt động cơ động hơn cho tàu ngầm Trung Quốc so với vùng biển hẹp ở phía đông Trung Quốc.
Cuối cùng, khác với biển Đông Hải, Biển Đông cung cấp nhiều lối tiến ra các đại dương hơn. Hay nói cách khác, trong khi Biển Đông có thể cung cấp khu vực hoạt động một cách an toàn hợp lý cho hải quân Trung Quốc, vùng biển này cũng cung cấp tiềm năng đáng kể cho các hoạt động đột phá trong tương lai của hải quân Trung Quốc, cho dù phải đi qua eo biển Luzon hoặc lối khác như biển Sulu hoặc eo biển Karimata.
Hoạt động từ biển Đông Hải, Biển Đông hay Hoàng Hải, tàu ngầm Trung Quốc sẽ sớm có khả năng răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy chống lại Nga và Ấn Độ. Nhưng hạm đội tàu ngầm Trung Quốc vẫn cần tiến ra các vùng biển mở ngoài chuỗi đảo thứ nhất để duy trì sức mạnh răn đe trên biển đối với Tây Âu và Mỹ.
Cho đến khi Trung Quốc xây dựng được một hạm đội tàu ngầm hạt nhân (với thủy thủ đoàn được đào tạo tốt và hậu cần tốt) đủ êm ái để thường xuyên ra vào biển Philippines, hoặc có tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đủ sức bắn đến các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ, Trung Quốc vẫn phải dựa vào lực lượng hạt nhân đặt trên đất liền như là vũ khí răn đe chính để chống lại Mỹ.
Anh Sơn

Vì sao chỉ có ACB và "bầu" Kiên bị sờ gáy?

(PetroTimes) - Một loạt các ngân hàng đã vì hám lợi mà làm trái quy định về tiền tệ, mắc bẫy siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như. Nhưng vì sao mới chỉ có Ngân hàng ACB và Nguyễn Đức Kiên bị xử lý?  
Bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố Huỳnh Thị Huyền Như đã hé mở rất nhiều tình tiết đáng quan tâm. Đó là không chỉ có "bầu" Kiên và Ngân hàng ACB mà còn có một loạt các ngân hàng khác vì hám lợi mà bất chấp các quy định về tiền tệ, khiến cho cổ đông thất thu hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỉ đồng. Điều này đã góp phần tạo ra cơn bão tài chính, tiền tệ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta trong một thời gian dài.
Thật bất ngờ, con số 718,9 tỉ "dắt" Nguyễn Đức Kiên và bộ sậu gồm Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang... vào vòng lao lý chưa là gì so với con số thiệt hại của nhiều ngân hàng khác.
"Bầu" Kiên và nhiều ngân hàng đã mắc bẫy Huỳnh Thị Huyền Như.
Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) thông qua 14 nhân viên để gửi tổng số tiền 1.543 tỉ đồng vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh với lãi suất từ 16,5 – 22,5%/năm theo thỏa thuận với Huỳnh Thị Huyền Như và bị Như lừa đảo chiếm đoạt 200 tỉ đồng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông qua 19 nhân viên để gửi tổng số tiền 718,9 tỉ đồng vào Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh và Vietinbank chi nhánh Nhà Bè với lãi suất từ 17,8 – 18,5%/năm theo thoả thuận với Như và bị Như lừa đảo chiếm đoạt toàn bộ...
Ngoài ra, còn một số ngân hàng khác cũng nằm trong bản danh sách này. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ mới có Ngân hàng ACB mà cụ thể là "bầu" Kiên và một số người cầm đầu "nhập kho".
Ngoài ra, theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thì bên cạnh yếu tố lãi suất, trong quá trình thực hiện các giao dịch với Như, các ngân hàng cũng bộc lộ không ít sơ hở. Trong quá trình thực hiện giao dịch với Như, nhiều ngân hàng đã thiếu kiểm tra các hợp đồng dòng tiền gửi. Khi tiền về tài khoản thì Như được tự trích nên đã bị Như và đồng phạm lợi dụng lập hợp đồng giả, gửi tiền vào Vietinbank (chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP Hồ Chí Minh).
Trong quá trình thực hiện việc gửi tiền, ban lãnh đạo ngân hàng ACB đã không quản lý tốt cán bộ để một số cán bộ lợi dụng chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền của ACB tại Vietinbank và hưởng tiền chênh lệch lãi suất.
Trong quá trình thực hiện việc gửi tiền, ban lãnh đạo ngân hàng Navibank đã không quản lý tốt cán bộ để những cán bộ này lợi dụng tư lợi cá nhân, hưởng tiền chênh lệch lãi suất với số tiền trên 20 tỉ đồng.
Cơ quan công tố cũng khẳng định: Hành vi của các đối tượng ở nhiều ngân hàng đã nêu là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc xử lý thì mới thấy nói đến việc xử lý các cán bộ ở Ngân hàng ACB, mặc dù thủ đoạn, hành vi vi phạm của các đối tượng này là tương đối giống nhau.
Công luận chờ đợi sự vào cuộc mạnh mẽ và công tâm của các cơ quan thực thi pháp luật. PetroTimes sẽ tiếp tục mổ xẻ, phân tích hành vi "luồn lách" của một số ngân hàng để chứng minh quan điểm: Về thực chất, sai phạm của các ngân hàng này không khác nhiều so với sai phạm của Ngân hàng ACB và Nguyễn Đức Kiên!
Nhóm phóng viên PetroTimes

Kinh tế màu gì?


'Nghe báo cáo của Chính phủ thấy màu hồng nhưng nghe báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách thấy màu xám, còn nhân dân thì nói là màu tối' - ví von của Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền đang khiến nhiều người đặt câu hỏi gam màu thật sự của bức tranh kinh tế hiện nay là gì.
Trước đó chưa lâu, dư luận cũng hoang mang về sự chính xác của các chỉ số vĩ mô khi tăng trưởng GDP đạt 5,4%, chỉ kém chỉ tiêu 5,5% một chút nhưng ngân sách lại hụt thu rất lớn, trên 63.000 tỉ đồng. Những giải thích sau đó hầu hết đều cho rằng nghịch lý này chủ yếu do tình trạng gian lận thuế, nợ thuế nhưng trên tất cả là sự nghi ngờ về độ chính xác trong cách tính GDP. Nghi ngờ này là có cơ sở khi thống kê mới nhất cho thấy gần 70% doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và trên 42.000 doanh nghiệp phá sản trong 9 tháng đầu năm. Rõ ràng, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đang ở gam màu tối, khá phù hợp với kết quả hụt thu thuế nói trên. Gam màu hồng của tăng trưởng, có lẽ cần phải được đánh giá lại chính xác và khách quan hơn.
Sự tương phản giữa các mảng màu cũng thể hiện trong chỉ số CPI. Từ tháng 1 đến tháng 10, CPI tăng 5,14% nên lạm phát năm nay gần như chắc chắn được kiềm chế theo đúng mục tiêu Chính phủ đề ra. Nhưng với người dân, CPI không "hồng" như vậy khi giá các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như điện, xăng, nước, dịch vụ y tế, giáo dục và gần đây nhất là vé máy bay, vé tàu tết đều tăng mạnh. Đó là chưa kể, chỉ số lạm phát giảm hiện nay không đơn thuần là do giá giảm mà còn do sản xuất suy giảm, sức cầu trên thị trường giảm, tồn kho chưa giải quyết được... Như vậy, bản chất của việc lạm phát giảm là đáng lo ngại chứ không hẳn đáng mừng.
Tương tự, xuất khẩu năm nay cũng là điểm sáng của nền kinh tế và chắc chắn sẽ vượt chỉ tiêu đề ra khi 10 tháng qua kim ngạch tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thành tích này chủ yếu do đóng góp của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với mức tăng 22,3% trong khi mức tăng của các DN trong nước chỉ là 3%. Đặc biệt, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,3 tỉ USD thì khu vực FDI xuất siêu 10,1 tỉ USD. Những con số này cho thấy xuất khẩu của ta đang phụ thuộc lớn vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Họ cũng đang quyết liệt mở rộng đầu tư để đón đầu cơ hội khi VN tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP), tận dụng khó khăn để ép mua lại giá rẻ nhiều công ty trong nước... Ngược lại, các DN trong nước ngày càng co cụm. Rồi lãi suất giảm nhưng thực tế nhiều DN vẫn phải vay cao; vốn được báo cáo là vào sản xuất nhưng hơn 80% trái phiếu chính phủ do các ngân hàng mua; nợ xấu được xử lý nhưng thực tế chỉ là chuyển nhà từ ngân hàng sang Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC)...
Giữa những con số với nhau, giữa con số và thực tế, giữa hiện tượng và bản chất... còn quá nhiều sự khập khiễng dẫn tới các mảng màu đối lập của bức tranh kinh tế mà các ĐBQH nêu lên. Đáng lo ngại hơn là nếu chúng ta không biết chính xác bức tranh kinh tế đang màu gì thì những giải pháp, kế hoạch, chiến lược cho năm tới liệu có khả thi?
Nguyên Hằng
(Thanh niên)

GÁI ĐĨ GIÀ MỒM.

Trả lời đại biểu cử tri
Mồm mép tép nhảy như ri thế này:
Nào là sẽ khất nợ vay
Một năm sau trả xong ngay, lo gì!
Tái cơ cấu, nợ giảm đi
Nợ lương trăm tỷ – tí ti thôi mà
Sang năm tàu được bán ra
Cho “Thằng Ma Rốc”… có mà bộn tiêu!
Trước đây “hơi” bị quan liêu
Giờ, lãnh đạo đã hồn xiêu phách rời!
Chỉ đạo trục vớt kịp thời
Cẩu con tầu đã đắm rồi… trồi lên!
Năm mươi ngàn công nhân viên
Hăng hái lại vắt chân lên sóng cồn…
Đúng là gái đĩ già mồm
Cãi chày cãi cối coi thường dân ta!
Trước thì ghẻ lở tiêm la
Giờ khoe đẹp tựa Tiên sa… mới hài
Chắc nó giống ải giống ai
Lên gân chuẩn bị thượng đài so găng?
Càng gần ngày Hội càng hăng
Gái đĩ thất thế thua thằng này thôi…
.
Thanh Sơn

Cảnh giác với thủ thuật chính trị phá hoại việc thông qua Hiến pháp sửa đổi

Có thể nói, kiến nghị “chưa thông qua Hiến pháp sửa đổi” là một thủ thuật chính trị, “lách luật”, lấy cớ góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục công khai tuyên truyền các quan điểm chống Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một quốc gia. Hiến pháp thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân trong một thời kỳ lịch sử được dẫn dắt bởi một lực lượng lãnh đạo nhất định. Ở nước ta, Hiến pháp chỉ ra đời từ khi cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo giành được thắng lợi. Cũng như Hiến pháp của các quốc gia, Hiến pháp Việt Nam không chỉ là những quy định cơ bản về chế độ chính trị, thể chế Quốc gia, quyền và nghĩa vụ công dân trên các lĩnh vực của cuộc sống mà còn là sự ghi nhận thành quả của cách mạng, hơn nữa còn là một giá trị văn hóa của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng như chủ trương công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lấy ý kiến toàn dân do Đảng ta khởi xướng. Hội nghị TW 8 của Đảng vừa qua, đã dành một chủ đề cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và giao cho Đảng đoàn Quốc hội thực hiện thông qua trong kỳ họp thứ VI (Quốc hội XIII).
Có thể nói, chủ trương tổ chức lấy ý kiến toàn dân góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Quốc hội đã được toàn dân đón nhận một cách hồ hởi. Chủ trương này đã thu hút được sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Có thể nói, cả hệ thống chính trị đã “vào cuộc”, các tổ chức chính trị, các cấp chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều sáng kiến tạo thuận lợi để nhân dân tham gia ý kiến. Đồng thời, Dự thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm cao của các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành năm phiên họp để thảo luận, tiếp thu các nội dung góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
So với Hiến pháp 1992 hiện hành, cho đến nay, Dự thảo sửa đổi đã có những sửa đổi quan trọng. Chẳng hạn về Chế độ chính trị, Chương I, Dự thảo đã bổ sung nguyên tắc “kiểm soát” quyền lực: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2). Nội dung này chưa có trong Hiến pháp 1992. Tuy chỉ với 2 chữ (“kiểm soát”) nhưng đây là một nội dung cực kỳ quan trọng trong việc bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân, nhất là trong điều kiện thể chế của Nhà nước ta không theo nguyên tắc “tam quyền phân lập”.
Về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, (Điều 4) Dự thảo cũng đã bổ sung nhiều nội dung quan trọng: Thứ nhất, Dự thảo bổ sung - Đảng không chỉ được xem là đội tiên phong của giai cấp công nhân mà đồng thời còn là “đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam”. Thứ hai, Dự thảo bổ sung quy định “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Thứ ba, Dự thảo bổ sung - không chỉ các tổ chức của Đảng mà “Đảng viên (cũng phải) hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Về việc nhân dân sử dụng quyền lực của mình (Điều 6), Dự thảo đã bổ sung quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Với quy định nhân dân thực hiện quyền lực thông qua cả hình thức “dân chủ trực tiếp”, rồi đây quy định này sẽ được thể chế hóa trong các pháp luật, và những cơ chế, chính sách khác,… điều này sẽ mở ra một bước phát triển mới cho nền dân chủ của chúng ta.
Trong buổi khai mạc, kỳ họp thứ VI vừa qua, Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân về Dự thảo Hiến pháp, 1992 trước Quốc hội. Báo cáo khẳng định: “Cử tri và nhân dân bày tỏ mong muốn Quốc hội chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý; những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây; tiếp tục khẳng định: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Trong khi tuyệt đại cử tri và đại biểu Quốc hội đã và đang thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý thức xây dựng, nghiêm túc tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, thì trên một số trang mạng, người ta lại phủ nhận tất cả. Chẳng hạn, người ta cho rằng Dự thảo đã “không có những thay đổi cơ bản”, vẫn với “vai trò lãnh đạo độc tôn” của Đảng Cộng sản, vẫn giữ “nguyên tắc chuyên chính vô sản”... trong khi đó, nhiều ý kiến “phản biện” của cộng đồng Việt Nam trong nước và hải ngoại cho rằng những nội dung như “Tòa bảo Hiến”, “Luật về đảng” đã không được đưa vào Hiến pháp. Thậm chí có người còn kiến nghị “xuất bỏ tên nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thay bằng quốc hiệu “Việt Nam” và thiết lập chức vụ “Tổng thống”, thực hiện “đa đảng chính trị”, “tam quyền phân lập”. Diễn đàn xã hội dân sự thì, “còn nước còn tát”, kiến nghị: “yêu cầu Quốc hội dừng việc thông qua bản Hiến pháp sửa đổi, kéo dài thời gian thảo luận về Hiến pháp”. Vậy thực chất những ý kiến “tâm huyết” của người ta ở đây là gì? Đâu là “ý tưởng” dừng thông qua Hiến pháp sửa đổi?
Có thể nói, mọi người dễ nhận thấy thông qua những “góp ý”, “kiến nghị” như trên, người ta vận động cho một sự thay đổi căn bản chế độ xã hội hiện nay. Đây là ý đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện một cuộc đảo lộn chế độ chính trị từ Hiến pháp và pháp luật. Còn kiến nghị “chưa thông qua Hiến pháp sửa đổi” là một thủ thuật chính trị, “lách luật”, lấy cớ góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục công khai tuyên truyền các quan điểm chống Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bởi vậy có thể nói, văn bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cho đến nay “là đủ” với những ai mong muốn củng cố, duy trì chế độ xã hội hiện hữu; và không bao giờ “là đủ” đối với những ai có tham vọng thay đổi bản chất của xã hội hiện nay!
Nguyện vọng chung của nhân dân ta trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là tiếp tục hoàn thiện chế độ xã hội XHCN, Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng ta lãnh đạo; là xây dựng hành lang pháp lý cơ bản nhằm tôn trọng và bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của nhân dân; đồng thời ngăn ngừa mọi hành vi lợi dụng những sơ hở của luật pháp để xâm hại lợi ích hợp pháp của nhân dân; để phòng, chống tình trạng quan liêu, tham nhũng, thoái hóa của cán bộ công chức, hướng đến xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”
Linh Nghĩa
(CAND)

Nỗi buồn mang tên “Bình Thống đốc”

Khai mở loạt bài này có lẽ bắt đầu từ thông cáo báo chí của bà Christine Largarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhân buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 9/2013 với các tổ chức tài chính quốc tế, Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF ở Washington DC.

“Chúng tôi đã thảo luận hiệu quả về tiến bộ Việt Nam đã đạt được trong việc khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô trong năm vừa qua và về các chính sách củng cố những thành tựu này và thúc đẩy hơn nữa thành tích giảm nghèo đáng ngợi khen của Việt Nam. Tôi hoan nghênh nỗ lực của các cơ quan Chính phủ trong việc duy trì củng cố tài khóa và đạt được mục tiêu về thâm hụt ngân sách trong năm nay, điều này cùng với chính sách tiền tệ hiện tại, sẽ góp phần giúp kiềm chế lạm phát.

Tôi chúc mừng Thủ tướng Dũng đã chỉ đạo xây dựng chương trình cải cách của Việt Nam để bắt đầu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tăng cường quản trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp nhà nước và đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp này, và cải cách đầu tư công. Trong bối cảnh môi trường quốc tế hiện nay, tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến triển nhanh chóng trong thời gian tới, để đảm bảo ổn định tài chính và tạo cơ sở để tăng trưởng mạnh và bền vững trên diện rộng”

Kỳ I: Nỗi buồn mang tên “Bình Thống đốc”

Thông cáo báo chí trên ghi nhận: Chỉ đạo xây dựng chương trình...

Vậy, còn người thực hiện? Thống đốc Nguyễn Văn Bình đang ngồi kia. Trước những lời ghi nhận của Chủ tịch WB và IMF, gương mặt ông bình thản, lặng lẽ...

Tôi chợt nhớ vẻ bình tĩnh, nói đúng hơn là bình thản của ông Thống đốc thời điểm tới tấp những câu hỏi chất vấn. Không còn là câu hỏi mà là búa là rìu của những đại diện cử tri trong các phiên chất vấn kỳ họp thứ hai và thứ 4 Quốc hội khóa XIII này.

Chưa hết, tháng 8 năm 2012, Tạp chí Global Finance xếp Thống đốc Nguyễn Văn Bình vào 20 thống đốc ngân hàng nhà nước kém nhất.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình.

Về việc này, có người kể lại câu chuyện vui. Khi gia đình ông Bình chuyển hộ khẩu đến địa bàn phường khác được ít ngày thì vợ ông sinh con, mà sinh ba. Lúc làm thủ tục đăng ký hộ khẩu không được. Phường ấy đề nghị ông phải quay lại phường cũ để giải quyết vì việc thụ thai lẫn thai nghén được thực hiện và diễn ra trên địa bàn nơi cư trú cũ chứ phường mới không chịu trách nhiệm!? Ý người kể chuyện muốn nói tạp chí Global Finance chưa được khách quan, nợ xấu và những hệ lụy này khác của ngân hàng Việt Nam có nguồn gốc bởi lỗi hệ thống đã tích tụ qua nhiều năm, qua nhiều đời Thống đốc và đến khi ông Nguyễn Văn Bình nhậm chức thì vấn đề mới bắt đầu phát tác?.

Tới tấp những búa rìu trong Quốc hội lẫn rìu búa dư luận. Nặng chùy hơn là những cảnh báo sốt sắng rằng, sắp tới Việt Nam sẽ có một cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế, hay còn gọi là “suy thoái kép” bùng phát! Mà khởi nguồn từ hiệu ứng domino trong giới ngân hàng và tiếp tới dắt dây, lan tỏa ra toàn bộ huyết mạch kinh tế.
Nội dung trình cùng giải ấy của ông Bình, nó lạ và mới. Lại khúc chiết lọt tai bởi được truyền tải bằng một cung cách có phần duyên dáng lẫn tự tin. Duyên dáng chưa phải là mái tóc rẽ ngôi giữa và cũng lạ, ông Thống đốc có cái lúm đồng tiền!
Rồi người ta rầm lên dư luận Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình không phải là một gương mặt may mắn với giới tài chính ngân hàng!? Bởi dưới trào của ông, chưa bao giờ số lãnh đạo, từ cấp cao đến lãnh đạo chi nhánh ngân hàng lại bị khởi tố bị bắt, người lẫn tiền bị thất thoát nhiều như thế? Hàng chục vị, cộm cán có Bầu Kiên và dàn lãnh đạo ngân hàng ACB; Loại tép riu nhưng có sức hủy hoại nhiều tỷ đồng như dàn bộ sậu của VietinBank Trà Vinh cũng có.
Trên diễn đàn chất vấn của QH, cử tri đã quá quen với một số tư lệnh ngành, những vị bộ trưởng khôn khéo ẩn nhẫn với những lời nói khiêm nhường quen thuộc nhưng khá lọt tai chúng tôi xin chân thành tiếp thu và khẩn trương xem xét chấn chỉnh kịp thời!

Ông Bình có lặp lại điệp khúc ấy không? Có! Và không chỉ một lần. Ở các phiên điều trần trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Rồi trước ĐBQH cùng cử tri trong các phiên chất vấn công khai tại hHội trường có truyền hình trực tiếp. Và ông cũng theo, cũng học được phương pháp gần như đánh đố và ... thách thức ngầm của một vài tư lệnh ngành rằng xin các ĐBQH cung cấp cho chúng tôi ngay ra đây những địa chỉ cụ thể, những cá nhân, đơn vị nào tiêu cực để chúng tôi xử lý! Tương tự như thế, ông xin chỉ cho ngành những doanh nghiệp nào tốt hoặc tương đối sạch sẽ thôi, nhưng vì lý do nào đó chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, chúng tôi sẽ khẩn trương xem xét ngay!

Nhưng vị tư lệnh Ngân hàng này, như nhiều nhận xét rằng khôn đấy nhưng chưa ngoan? (Ngoan là na ná việc thành khẩn nhận khuyết điểm, chân thành tiếp thu và hứa tích cực sửa chữa vv...). Bằng cớ, ông đã nhiệt thành làm cái việc là giải trình, giải trình và... giải trình. Giải trình, tóm lại là giải thích cùng trình bày để bàn dân thiên hạ không những mang máng mà tường sâu thêm những khó khăn và hệ lụy của một hệ thống tiền tệ không nhịp bước và song hành với nền kinh tế. Rằng tại sao NHNN lại không mấy mặn mà và chậm trễ với việc kéo giá vàng trong nước cho sát giá vàng quốc tế? vv... và vv...

Lại nữa, nếu giải trình theo kiểu thích đến đâu thì giải đến đấy theo kiểu thô mộc dài dòng, mất thời gian thì ngay tức khắc, người điều hành phiên họp sẽ rung chuông nhắc nhở thậm chí cắt ngang. Nhưng chết cái, có thể ông chưa được khôn ngoan nhưng lại khéo?

Dường như vẻ tự tin của ông không phải là cố? Như một thứ bản năng? Tự tin vào kiến thức vào cung cách tháo gỡ. Vẻ tự tin của ông như truyền đi thông điệp rằng, cái đúng bao giờ cũng có sự lan tỏa. Người ta đồ rằng ông này có khiếu hùng biện chứ chả chơi?

Ngẫm thêm, nếu ông Bình thử lập cập, thử lúng túng thậm chí... nghẹn ngào một chút, có lẽ hiệu ứng sẽ khác? Nhưng với ông, liền mạch trên diễn đàn như thế là âm hưởng chủ đạo xuyên suốt của sự bình tĩnh tự tin và duyên dáng lọt tai.

Rằng hay thì thật là hay. Hay nhưng cốt lõi của cuộc chất vấn là doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn, rằng chỉ số lạm phát cao sẽ được điều chỉnh như thế nào? Rồi giá vàng trong nước cứ vùn vụt tăng. Cái rổ, cái giỏ của các bà nội trợ dường như có cả thỏi vàng độc quyền SJC của ngân hàng trong đó? Sinh hoạt của quốc gia này đang trong tình trạng vàng hóa. Rồi nợ xấu liên tục phát sinh vv...

Thẳng thắn, thêm chút bức xúc và cả mỉa mai, có ĐBQH bộc trực theo kiểu bực mình rằng Thống đốc nói thì hay đấy nhưng đừng tưởng dân chúng tôi không biết gì? Rằng dường như Thống đốc trình bày theo logic của Thống đốc chứ không trình bày theo logic của cuộc sống!

Cái gì cũng có giá của nó? Thôi thì tất tật đồ ăn vật dụng cùng vô khối những sinh hoạt thường nhật, nói nhẹ thì có hình ảnh ông thủ lĩnh ngành ngân hàng bảng lảng thấp thoáng, nói nặng thì “chường mặt” trong đó.

Sự kiện ngày 11/6/2013, khi 489 ĐBQH bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt do QH bầu hoặc phê chuẩn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp cao nhất, với 209 phiếu. (Cụ thể ông được 88 phiếu tín nhiệm cao, 194 phiếu tín nhiệm và 209 phiếu tín nhiệm thấp).

Bây giờ thiên hạ đang sục sôi sự kiện tay bác sĩ bất lương ở Thẩm mỹ viện Cát Tường ném xác bệnh nhân xuống sông cùng chuyện ngành y tế đang hứng chịu những búa rìu này khác. Rồi rầm lên cái ý kiến bà Bộ trưởng Y tế nên từ chức.

Tôi chợt nhớ buổi họp báo thường kỳ (chứ không phải bất thường) của Chính phủ về nhiều sự kiện khác, nhân có người hỏi về việc này, ông Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã bình tĩnh: “Không phải cứ mỗi khi xảy ra một sự việc cụ thể thì một bộ trưởng phải nghĩ ngay đến việc từ chức hay không từ chức. Điều đầu tiên phải nghĩ là tại sao tình hình lại như vậy, do chủ quan của ngành mình hay do khách quan, do thời kì mình chỉ đạo hay do nhiều thời kì dồn lại? Và điều quan trọng nhất là cần có quyết tâm và lộ trình kế hoạch để khắc chế cùng hoá giải tình hình. Tôi tin rằng nếu không phải tất cả thì đại đa số các bộ trưởng đều cho rằng nên như thế”.

Tất nhiên ngành Y tế sẽ có cách làm riêng của họ, trong đó có cả những động thái mất bò mới lo làm chuồng là vội rà soát kiểm tra các cơ sở hành nghề giải phẫu thẩm mỹ. Câu chuyện của ngành Y tế hẳn đương còn dài nhưng có lẽ có lý như ông Đổng lý Văn phòng Chính phủ đã rành rẽ, vấn đề không phải giải thích tình hình mà là cải tạo tình hình. Các cụ nói trong họa có phúc là vậy? Mà vận câu của ông bộ trưởng này vào trường hợp của ông Bình, hình như vẫn không sợ sái?

Cũng sau thời điểm ở Washington DC, nơi có trụ sở WB và IMF phát ra những lời khen tặng cổ võ cho hướng đi kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam thì ở trên Truyền hình quốc gia xứ ta cũng có một cuộc phỏng vấn. Người được phỏng vấn là ông TS Trần Du Lịch, Ủy viên UB Kinh tế Ngân sách của QH (về vị tiến sĩ uyên bác, khắc tinh của những trì trệ yếu kém nền kinh tế, vốn rất kiệm những lời khen tặng này, các phương tiện truyền thông đã đề cập nhiều; và TS cũng chính là tác giả của những rìu búa chắc nịch sắc bén với ngành Ngân hàng thời gian qua). Vậy ông Trần Du Lịch đã đánh giá thế nào?

(Còn nữa)
Cơn choáng sự kiện 11/6 tưởng như lâu lắm vậy mà mới chỉ cách nay chưa tới 5 tháng. Hơn 500 năm trước Nguyễn Trãi đã có câu họa phúc hữu môi phi nhất nhật (cái họa phúc nó có nguồn đâu phải một buổi). Và cái họa rồi phúc của ngành Ngân hàng cũng như với ông Bình cũng có nguồn chứ chẳng phải bất thình lình xuất hiện? Thì ra ngành NH đã âm thầm quyết liệt từ thời điểm ông Bình ngồi vào ghế nóng này. Chuyện đó xin được nói sau.
 

‘Giải tán’ tập đoàn: Tàn giấc mơ còn lại cục nợ Phạm Huyền

Thua lỗ, nợ nần, sai phạm, khởi tố… sau những tai tiếng ấy, Tập đoàn đổi tên, chuyển mô hình. Các tập đoàn được thành lập với kỳ vọng trở thành những ‘quả đấm thép’, trụ cột của nền kinh tế để cạnh tranh và vươn lên tầm quốc tế.
Trong gần một năm qua, đã có ba mô hình tập đoàn chính thức được dừng thí điểm. 

Ngày 12/10/2012, Tập đoàn Công nghiệp xây dựng VNIC (nòng cốt là Tổng công ty Sông Đà) và Tập đoàn đầu tư và phát triển nhà đô thị HUD đã bị giáng cấp. Những “anh” nòng cốt trở về nguyên trạng là Tổng công ty HUD và Tổng công ty Sông Đà. Hàng trăm “anh” khác thì về mái nhà cũ Bộ Xây dựng.
Tuổi thọ của 2 Tập đoàn này được 2 năm.
Gần một năm sau, ngày 21/10/2013, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy - Vinashin cũng chính thức mất áo “Tập đoàn” trở về Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, nhưng với tên giao dịch quốc tế hoàn toàn mới- SBIC.
Cái tên Vinashin với tuổi thọ 7 năm.
Nhìn lại những sự kiện này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chấm dứt có vẻ như nhanh gọn quá. Người ta cũng chưa thấy có tổng kết, đánh giá được công bố một cách công khai… chỉ thấy ầm ĩ những khoản nợ, lỗ và hàng loạt sai phạm đang được xử lý.
Nhớ thời vàng son mới thành lập, những cái tên tập đoàn đều long lanh ngời sáng. Nhắc đến xây dựng, bất động sản là nhắc đến HUD, Sông Đà; nói đên đóng tàu chỉ có Vinashin… như những biểu tượng mới cho nền kinh tế.
Ngày ra mắt, lãnh đạo của VNIC chia sẻ: “VNIC từng bước xây dựng, tiến tới hoàn thiện để trở thành tập đoàn công nghiệp xây dựng hùng mạnh của quốc gia và khu vực, đủ năng lực cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài”.
Năm 2010, trước lời tố “đóng tàu lấn sân sang làm thép chỉ là thùng rỗng kêu to của Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Phạm Thanh Bình, khi đó là Chủ tịch Vinashin “tâm sự” rằng: “Đầu tư có lúc được, lúc mất vì nhiều lý do. Nhưng chắc chắn, cố gắng của chúng tôi là rất lớn.Tôi chỉ muốn làm được điều gì cho đất nước, cho ngành công nghiệp của mình, nhưng làm gì cũng bị cho là đầu tư tràn lan, không tính toán. Quả là hơi oan quá. Nhưng mà thôi, thực tế sẽ trả lời chứ tôi chẳng muốn thanh minh”.
Và thực tế đã có câu trả lời cuối cùng.
Khi tiến lên Tập đoàn, những ông lớn này lại thụt lùi về lợi nhuân. Nếu năm 2009, khi chưa tham gia Tập đoàn thì Tổng công ty Sông Đà có tỷ suất lợi nhuận/vốn sở hữu đạt 9,72%, đến 2011 chỉ còn đạt 0,75%. Công ty mẹ Tổng công ty HUD cũng từng đạt tỷ suất lợi nhuận tới 15,96% năm 2009 - trước khi thành Tập đoàn, tới năm 2011 giảm chỉ còn 4,94%.
Đầu năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã phát sai phạm ở Tập đoàn Sông Đà lên tới 10.700 tỷ đồng. Với HUD, những sai phạm, tai tiếng gắn với nhiều dự án bất động sản cũng liên tục lộ ra.
Thậm chí, đến 6/2012, Bộ Xây dựng còn phải xin Bộ Tài chính ứng cứu cho Tập đoàn Sông Đà tới 437 tỷ đồng để trả nợ năm 2012 cho công ty cổ phần xi măng Hạ Long – dự án Tổng công ty Sông Đà đứng tên vay vốn dưới sự bảo lãnh của Chính phủ.
Tháng 5 vừa qua, HUD khi đã trở về là Tổng công ty vẫn còn đang loay hoay trong đống nợ khủng của Công ty Xi măng Sông Thao nơi HUD chiếm 81% vốn. Và như các Tập đoàn khác, HUD lại cầu cứu Bộ Tài chính trả nợ thay cho 3 kỳ trả nợ tiền gốc và lãi tới 1.9 triệu EUR và 2.9 triệu USD...
Với Vinashin, có lẽ, bất cứ ai cũng thuộc những con số tiêu biểu của Tập đoàn này như nợ hơn 86.000 tỷ đồng, lỗ hàng ngàn tỷ đồng.. Hay mua tàu Hoa sen cũ rích lạc hậu cả nghìn tỷ đồng để rồi bỏ không… rồi cả một đội tàu hùng hậu một thời nay tan tác. Cựu chủ tịch Tập đoàn này này đang phải chấp hành án 20 năm tù vì những sai lầm tỷ đô của mình còn việc tái cơ cấu ở tập đoàn này hiện vẫn còn rất chật vật.
Một thời, đi làm ăn kinh doanh mà xưng danh hai chữ “Tập đoàn”, nghe oách lắm. Ngành ngành ‘sính” Tập đoàn, như thể nhà nhà ‘sính” đồ ngoại, người người sính đồ hiệu. Rõ ràng, Tập đoàn hẳn phải to hơn công ty, Tổng công ty. Kéo theo, “Tập đoàn” cũng phải ‘to’ hơn về tài chính, về kinh nghiệm, về năng lực, về quản trị, về quan hệ… và vì thế Tập đoàn cũng có được nhiều quyền lợi và ưu đãi hơn.
Nhưng mở màn hoành tráng, kết thúc lặng lẽ gắn với 2 chữ ‘Tập đoàn’. Những cái kết buồn cho câu chuyện “Tập đoàn” này có thể chỉ là trang mở đầu cho một công cuộc tái cơ cấu các DN nhà nước, trong đó có cả những Tâp đoàn, Tổng công ty… làm ăn không hiệu quả.
Có điều, liệu thay tên đổi họ rồi, những ông lớn này có “làm mới mình” hơn không hay là vẫn đang còn loay hoay với những vấn đề cũ?. Nhưng có một điều chắc chắn, để xử lý hết những khoản nợ và khó khăn tồn tại, không chỉ các DN này mà các cơ quan quản lý hẳn sẽ còn mất nhiều thời gian và nguồn lực. Đơn giản những con số ngàn tỷ nợ và lỗ không dễ gì sớm dứt điểm được.
(VNN) 

Chính tổng thống Mỹ ủng hộ lật ông Diệm

John F. Kennedy
Chính ông John F. Kennedy đã đồng ý với đảo chính với điều kiện nó phải thành công
Các tài liệu giải mật gần đây cho thấy Tổng thống John F. Kennedy đồng ý phải lật đổ người tương nhiệm tại Sài Gòn, ông Ngô Đình Diệm, hồi năm 1963.
Mặc dù phản đối đảo chính ngay lập tức khi các tướng lĩnh ở Sài Gòn tiếp cận Hoa Kỳ hồi cuối tháng Tám năm 1963, ông Kennedy dần dần cảm thấy rằng không còn lựa chọn nào khác trong cố gắng mang lại thành công cho cuộc chiến chống cộng sản ở nam Việt Nam, theo dẫn chứng từ các băng ghi âm những cuộc họp của Tổng thống Kennedy với các quan chức Hoa Kỳ.

Những phân tích của trang Bấm Lưu trữ An ninh Quốc gia, trang của các nhà báo và học giả lập ra để đảm bảo độ minh bạch của các quyết định chính trị, cho thấy ông Kennedy thực sự quan tâm tới những diễn biến ở Sài Gòn vào thời điểm đó và cố gắng để có những thông tin đầy đủ nhất trước khi đi tới quyết định sẽ làm gì.

Tài liệu mang tên 'Cuộc đảo chính Diệm sau 50 năm, John F. Kennedy và miền Nam Việt Nam, 1963' dựa vào một loạt những băng ghi âm mà chính Tổng thống Kennedy ghi lại và được giải mật trong vài năm gần đây cùng với một số văn bản mật đã được công bố để kết luận ông Kennedy đã không phản đối đảo chính nhưng muốn đảm bảo đảo chính phải thành công.

Vị Tổng thống đã chủ trì nhiều cuộc họp để bàn về chuyện Hoa Kỳ cần ứng phó ra sao trước tình hình phức tạp ở Sài Gòn trong đó có cuộc tấn công của gia đình họ Ngô nhắm vào Phật giáo, phe quân đội muốn lật ông Diệm và cả tin tức Cố vấn Ngô Đình Nhu đã có những liên hệ bí mật với miền bắc cộng sản.

Ông Kennedy đóng vai trò điều phối thay vì áp đặt ý kiến cá nhân khi gặp gỡ các quan chức quốc phòng và ngoại giao hàng đầu để bàn về nam Việt Nam.
Loại bỏ ông Nhu

Cũng như các quan chức Hoa Kỳ khác, ông Kennedy đồng ý rằng cần phải loại bỏ Cố vấn Ngô Đình Nhu, người đứng đằng sau nhiều quyết định bị xem là tai hại của Tổng thống Diệm.

Ông Ngô Đình Diệm duyệt đội danh dự nhân quốc khánh năm 1962
Ông Diệm kiên quyết không loại bỏ em trai khỏi vị trí cố vấn dù Hoa Kỳ gây sức ép

Ngay cả sau khi đã có tin các tướng lĩnh Sài Gòn đang mưu lật ông Diệm, Tổng thống Kennedy vẫn muốn có những hoạt động ngoại giao nhằm thuyết phục ông Diệm gạt bỏ ông Nhu và bà Trần Lệ Xuân, vợ của ông cố vấn.

Nhưng vào thời điểm cuối tháng Tám năm 1963, hai tháng trước cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, ông Kennedy cũng biết rằng tương quan lực lượng giữa phe toan đảo chính và phe trung thành với ông Diệm nghiêng về phía quân ủng hộ gia đình họ Ngô.

Khi đó ông Kennedy cũng nhận thấy Mỹ, theo chính lời ông, đang "ngập tới hông" ở Việt Nam và cuộc chiến chống cộng sản sẽ không đi tới đâu nếu ông Diệm và các ủng hộ viên của ông tiếp tục tại nhiệm.

Vị Tổng thống cũng ý thức được rằng Quốc hội Hoa Kỳ sẽ bất bình nếu biết ông đứng về phía các viên tướng đảo chính nhưng kết luận rằng các dân biểu còn "giận dữ hơn nếu Việt Nam thất bại" trong cố gắng trở thành hình mẫu phi cộng sản ở châu Á.

Ông cũng trực tiếp nghe bàn thảo về các phương thức Hoa Kỳ có thể thực hiện để ủng hộ giới tướng lĩnh muốn đảo chính trong đó có giảm viện trợ của Hoa Kỳ cho lực lượng đặc nhiệm trung thành với ông Diệm, dùng trực thăng của quân đội Hoa Kỳ để giúp chuyển quân cho các viên tướng Sài Gòn và cả kế hoạch di tản người Mỹ nếu đảo chính bất thành.
10 năm đẫm máu

Cuối cùng cuộc đảo chính đã diễn ra hôm 1/11/1963 với sự bật đèn xanh của Mỹ và sau khi các tướng mưu đảo chính hội đủ lực lượng vượt trội so với quân trung thành với ông Diệm.

Lính Hoa Kỳ ở Việt Nam
Nửa triệu lính Hoa Kỳ đã tới Việt Nam trong những năm sau đảo chính

Cả hai ông Diệm và Nhu bị giết hôm 2/11 và miền Nam rơi vào tình trạng bất ổn chính trị từ đó cho tới khi tan rã vào năm 1975.

Hai mươi ngày sau chính Tổng thống Kennedy cũng bị sát hại bởi một tay súng.

Sự can dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam ngày càng tăng sau sự ra đi của cả hai tổng thống.

Trong năm 1965, Hoa Kỳ đưa 200.000 quân tới tham chiến ở Việt Nam và số quân này tăng gấp đôi trong năm sau đó và đạt nửa triệu vào năm 1967.

Tới khi Hiệp ước Paris nhằm chấm dứt Cuộc chiến Việt Nam được ký kết, hơn 58.000 lính Mỹ đã chết trong cuộc chiến tàn khốc vốn cũng cướp đi sinh mạng của hàng triệu người Việt Nam.
(BBC)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét