Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Sửa đổi Hiến pháp: Lời khuyên cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sửa đổi Hiến pháp: Lời khuyên cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Vấn đề Sửa đổi Hiến pháp hình như có một vấn đề gì nghe chừng không ổn, khi chính quyền đang cố gắng rốt ráo thúc đẩy vấn đề trọng đại bậc nhất vào thế sửa cho nó xong. Hẳn mọi người còn nhớ, cách đây gần một năm vào thời điểm cuối năm 2012 chính quyền hết mực hô hào, kêu gọi người dân tích cực đóng góp ý kiến vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trên tinh thần phát huy dân chủ, huy động trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân. Vậy mà ...
Nhìn lại các diễn biến xung quanh việc Sửa đổi Hiến pháp ở giai đoạn thoái trào, đã cho thấy sự lúng túng, nếu không muốn nói là bế tắc không tìm thấy lối ra của chính quyền. Trong tình thế mâu thuẫn giữa các phe nhóm trong đảng đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Một bên là phe muốn sửa và một bên phe bằng mọi cách phá đám, đã khiến việc sửa Hiến pháp có muốn cũng không sửa nổi. Đó chính là lý do cho thấy,đến thời điểm này "toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992" hầu như không có sự thay đổi đáng kể trong các vấn đề hệ trọng như: chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ sở hữu toàn dân… đều không thay đổi so với bản Hiến pháp năm 1992. Điều đó cho thấy vấn đề Sửa đổi Hiến pháp nếu càng để lâu thì việc càng bất lợi cho đảng và chính quyền vì việc Sửa đổi Hiến pháp hiện nay đã ở tình thế miếng "gân gà". Nuốt không trôi, nhả ra cũng không xong kiểu "Bỏ thì thương, vương thì tội".

Theo báo Tuổi trẻ, tại phiên thảo luận ở tổ sáng 23-10 trong phần phát biểu của mình, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại phát biểu ý kiến đi sâu vào Lời nói đầu của bản Dự thảo Hiến pháp và cho rằng “Dự thảo chưa vang vọng như lời hiệu triệu”. Điều mà lẽ ra ông Tổng Bí thư phải nói rằng "Lời nói đầu của bản Dự thảo Hiến pháp chưa vang vọng như lời hiệu triệu" thì mới đúng. Đặc biệt là người ta sửng sốt khi ông Tổng Bí thư thú nhận rằng "Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?"
Bỏ qua những ý kiến cho rằng góp ý bổ xung vào Lời nói đầu bản Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp của người đứng đầu đảng CSVN đã tạo cho người ta cảm giác đó là lời phê của một ông giáo dạy văn nói về sai phạm ngôn từ trong một bài viết mang nội dung chính trị. Vì toàn bộ phát biểu ngắn gọn đó hầu như tập trung vào việc sửa từ ngữ, hình như nó không đúng tầm của một người giữ cương vị hàng đầu của một đảng chính trị duy nhất hợp pháp ở Việt nam lẽ ra phải lên tiếng.  Điều đó cho thấy là ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư cách của một người đứng đầu đảng tự cho mình là lực lượng tiên phong đã hết ý để nói. Có lẽ vì như thế nên ông Tổng Bí thư đã cho rằng "Tôi thấy tất cả nội dung lần này đều đáp ứng yêu cầu đó, tôi cũng tán thành.". Xin được hỏi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ông đã tán thành cái gì? Ông tán thành một bản Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp mà  "toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992" đó hầu như không có sự thay đổi đáng kể trong các vấn đề hệ trọng.  Như: chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ sở hữu toàn dân… đều không thay đổi so với bản Hiến pháp năm 1992 (Sửa đổi năm 2001). Nếu sửa như thế thì bày vẽ việc sửa đổi Hiến pháp để làm gì cho tốn công, tốn của?
Đáng buồn là khi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quan điểm của mình về Sửa đổi Hiến pháp năm 1992, khi ông cho rằng "Với phương châm cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng và tạo được sự thống nhất cao thì chúng ta sửa. Còn nếu chưa rõ, chưa chín, chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn và ý kiến còn khác nhau thì chưa nên sửa. Tôi thấy tất cả nội dung lần này đều đáp ứng yêu cầu đó, tôi cũng tán thành.". Phát biểu này cũng phần nào lý giải thắc mắc vì sao người đứng đầu đảng CSVN lại cho rằng "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng" trong buổi nói chuyện của ông với cử tri hai quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm - Hà nội hôm thứ bảy 28.9.2013.
Ý kiến của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên thảo luận ở tổ sáng 23.10.2013 vừa qua là cơ hội đánh giá uy tín của người đứng đầu đảng CSVN tại thời điểm này. Vì theo nguyên tắc chung của các đảng CS thì ý kiến của  người đứng đầu luôn thể hiện ý chí, nguyện vọng và sẽ là nghị quyết của đảng. Bản Hiến pháp chính thức được Quốc hội thông qua có được sửa như ý kiến đóng góp của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có câu trả lời. Và cũng phần nào cho thấy lý do vì sao ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại chọn mục Lời nói đầu của bản Hiến pháp để góp ý. Có ý kiến cho rằng Lời nói đầu của bản Hiến pháp là phần mở đầu nên có tính tổng quát, chung chung không cụ thể và vô thưởng vô phạt là chỗ ông Tổng Bí thư có thể "nói hươu, nói vượn" mà không sợ phạm húy. Đồng thời nếu các ý kiến đó có được tiếp thu thì cũng dễ chỉnh sửa. Còn các chương, các điều cụ thể liên quan những vấn đề hệ trọng như: chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ sở hữu toàn dân…thì ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thách cũng không dám nói. Cũng vì việc Sửa đổi Hiến pháp đang bế tắc, gỡ rối không xong.
Việc ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng "Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?", đã được nhiều người đánh giá là thể hiện thái độ bi quan và không tin tưởng vào đường lối của đảng CSVN. Vì dẫu sao cũng biết rằng chủ trương của Đảng CSVN theo đuổi là "Xây dựng một nước Việt nam dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng văn minh", đến nay cũng tròm trèm hơn 80 năm. Nay cộng thêm 87 năm còn lại của thế kỷ XXI nữa mà vẫn "...không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?" thì pháp biểu của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lời nói thẳng, nói thật của một người ở trong tình trạng hết lối thoát. Tuy nhiên, nếu tỉnh táo thì chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thấy lối thoát chung của chế độ và của việc Sửa đổi Hiến pháp không khó như ông nghĩ. Tuy nhiên điều đó nó đòi hỏi sự chấp nhận việc hy sinh quyền lợi cá nhân của mỗi cá nhân lãnh đạo đảng CSVN đối với đất nước và dân tộc
1. Phải hiểu khái niệm Hiến pháp cho đúng
Nếu hiểu Hiến pháp là một hệ thống quy đinh những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Đồng thời Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số dân chúng. Người ta cho rằng Hiến pháp là một bản Khế ước xã hội cơ bản nhất, một bản hợp đồng trên đó các thành viên xã hội thống nhất các nguyên tắc để cùng chung sống với nhau và nó là nền tảng cho tất cả các thỏa ước (luật pháp) khác của cộng đồng. Thông qua Hiến pháp, con người sẽ mất một số quyền tự do để trở thành một công dân được sự che chở của xã hội, đại diện bởi luật pháp. Nói về Hiến pháp, Thomas Payne cho rằng "Hiến pháp là một văn bản không phải của chính quyền mà là của dân chúng tạo ra một chính quyền, và một chính quyền không có hiến pháp là một chính quyền không có luật".
Điều đó nếu đem so với các định nghĩa Cương lĩnh của một chính đảng là "Mục tiêu, đường lối và các bước tiến hành trong một thời kì nhất định, được chính thức quy định" và đảng chính trị là "Tập hợp của những người có chung một hệ tư tưởng hay một đường lối nhất định, có mục tiêu thực hiện một nhiệm vụ, lý tưởng chung và bảo vệ quyền lợi của một tầng lớp, một giai cấp đó". Sẽ thấy các chính đảng, dù bất cứ chính đảng nào quyền lợi cũng không thể lớn hơn một quốc gia và Hiến pháp không thể là "... văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng" như lời của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì như vậy có nghĩa là Đảng cộng sản Việt Nam thể hiện nhận thức rằng mình đứng trên pháp luật của quốc gia. Do đó Hiến pháp của một quốc gia thì phải là Hiến pháp một cách đúng nghĩa, Cương lĩnh của một đảng cầm quyền chỉ là văn bản thể hiện nhiệm vụ, lý tưởng chung của một nhóm người và bảo vệ quyền lợi của một tầng lớp, một giai cấp đó. Không thể lầm lẫn và lẫn lộn giữa hai khái niệm đó như chúng ta thấy được thể hiện trong Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp.
2. Phải đột phá từ vấn đề "Chủ nghĩa Xã hội"
Đảng CSVN luôn tự nhận mình là đội tiên phong, là lực lượng ưu tú luôn đi đầu trong mọi hoạt động. Đã dám tự nhận mình là lực lượng tiên phong thì tại sao đảng CSVN không dám có những suy nghĩ mang tính đột phá, mới mẻ hơn kể cả học hỏi các tinh hoa của nhân loại. Vậy mà, với công việc Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thì ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại vẫn cứ cho rằng "Với phương châm cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng và tạo được sự thống nhất cao thì chúng ta sửa. Còn nếu chưa rõ, chưa chín, chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn và ý kiến còn khác nhau thì chưa nên sửa. Tôi thấy tất cả nội dung lần này đều đáp ứng yêu cầu đó, tôi cũng tán thành.". Điều này cho thấy bản thân ông Tổng Bí thư đang tự phủ nhận vai trò của đảng CSVN và thể hiện tư duy giáo điều, bảo thủ.
Thế nào là chưa rõ, chưa chín, chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn và ý kiến còn khác nhau thì chưa nên sửa? Hay là còn muốn khi nào mọi lựa chọn phải là chân lý, kiểu "Trái đất luôn quay tròn" thì mới chịu sửa. Cụ thể là "vấn đề Chủ nghĩa Xã hội"
Đây là vấn đề trọng tâm, then chốt của mọi vấn đề và thực tiễn đã chứng minh rõ, đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn cách mạng Việt nam từ năm 1930 đến nay cho thấy hoàn toàn thất bại. Là tiền đề cho việc cải cách thể chế chính trị, chuyển từ ý thức hệ cộng sản sang ý thức hệ tự do, dân chủ và là việc cần phải tiến hành trước việc Sửa đổi Hiến pháp.
Nền tảng ý thức chính trị của chế độ hiện tại là khái niệm Chủ nghĩa xã hội. Khái niệm này bao gồm các tư tưởng chính trị ủng hộ một hệ thống kinh tế-xã hội mà trong đó các sở hữu và các tài sản là thuộc quyền điều khiển của toàn thể cộng đồng nhằm mục đích tiến đến sự công bằng trong xã hội và trong kinh tế cũng như tiến đến một sự hợp tác tốt hơn. Nhìn theo khía cạnh kinh tế thì chủ nghĩa xã hội có đặc tính là sự sở hữu của các phương tiện sản xuất đã được "cộng đồng hóa"trên cơ sở từ bỏ những ý tưởng của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, hạn chế sở hữu tư nhân và thúc đẩy công bằng xã hội.
Tuy vậy trong suốt giai đoạn từ 1917 đến1991, khái niệm Chủ nghĩa Xã hội đa phần bị lạm dụng thuật ngữ, người ta sử dụng nó để xác định các quốc gia được cai trị bởi các đảng cộng sản. Ở đó Chủ nghĩa xã hội là một hệ thống trong đó các phương tiện sản xuất được xã hội hóa, và nền kinh tế của ý thức hệ Mác-xít đã được thiết lập trên cơ sở phân phối công bằng của cải và sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất được phá bỏ và thay bằng công hữu hóa.
Ở Việt nam và các nước XHCN cái gọi là Chủ nghĩa Xã hội đã thực hiện theo hình thức quốc hữu hoá đất đai, các phương tiện sản xuất và tất cả làm ăn tập thể trong các cơ sở công nghiệp quốc doanh, các hợp tác xã, nông truờng. Đây chính là lý do khiến Liên xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ. Ở Việt nam năm 1986 đảng CSVN phải chấp nhận "cởi trói" hay "đổi mới" cũng chính là việc từ bỏ khái niệm Chủ nghĩa Xã hội của ý thức hệ Mác-xít. Và cải cách đã biến Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất 25 năm trước trở thành một nước có thu nhập trung bình (MIC) (thu nhập bình quân đầu người năm 2011 là 1.260 US$). Số người nghèo giảm từ 58% đầu những năm 1990 xuống còn khoảng 10% năm 2008.
Bỏ qua vấn đề chính trị còn đang luẩn quẩn trong vấn đề ý thức hệ cộng sản, thì phần còn lại của một quốc gia như kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục... tất cả đã phát triển một cách tự do và đã vượt ra khỏi sự kiểm soát của chính quyền. Nghiã là ý thức hệ cộng sản và khái niệm Chủ nghĩa xã hội đã và đang dần dần trở thành khúc ruột thừa của đời sống kinh tế -xã hội. Không những thế nó đang còn là vật cản, đã và đang níu kéo làm chậm đi sự phát triển của đất nước. Đây chính là trở ngại và cũng là vấn đế gây ra những vướng mắc khiến việc Sửa đổi Hiến pháp đã gặp sự bế tắc trong mớ bòng bong vô vàn các quan hệ hữu cơ. Mà sự bế tắc này chỉ có thể giải quyết thông qua việc cải cách chính trị toàn diện đồng thời với việc Sửa đổi Hiến pháp. Đó chính là giải pháp thay đổi toàn diện kể cả vấn đề nền tảng ý thức chính trị, chuyển từ ý thức hệ cộng sản sang ý thức hệ dân chủ tự do. Đó là vấn đề then chốt mang ý nghĩa quyết định.
Ngay cả ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng phải thừa nhận rằng "Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?". Hơn nữa, sự thất bại và phá sản của cái gọi là Chủ nghĩa Xã hội theo học thuyết Marx-Lenine trên toàn cầu,. Mà những cái tàn dư của nó chỉ còn sót lại ở Cuba, Bắc Triều tiên..., kể cả ở Việt nam và Trung quốc trên thực tế đã là Tư bản nhà nước thì cái Chủ nghĩa thối rữa ấy những người cộng sản cũng đã tự tay mình vứt vào sọt rác rồi.
Và một câu hỏi sẽ được đặt ra để ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời, đó là "Thế những cái gì chưa rõ, chưa chín, được thực tiễn chứng minh là hoàn toàn sai và không tạo được sự thống nhất cao thì chúng ta sẽ phải xử lý thế nào? Sửa hay không sửa?". Nếu không sửa có nghĩa là cố ý duy trì những cái sai, những cái bất cập.
Được biết mục tiêu của đảng CSVN là xây dựng Việt nam thành một quốc gia "Dân giàu, nước mạnh. Xã hội công bằng và văn minh", đây là một mục tiêu tuy chưa hoàn chỉnh nhưng mang ý nghĩa tốt đẹp. Song để đạt được mục tiêu đó thì thực tế chứng minh, có nhiều con đường để đạt được với thời gian chỉ vài chục năm. Nhưng chưa có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đến thời điểm này đạt được bằng cách thông qua con đường CNXH theo học thuyết Marx-Lenin. Điều bộc bạch của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi cho rằng "Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?" cho thấy sự hoài nghi của ông Trọng là hoàn toàn có cơ sở.
Một người lãnh đạo thông minh, có kiến thức và có tư duy, một lòng vì nước vì dân thì chắc chắn họ đã biết họ phải làm gì rồi ông Nguyễn Phú Trọng ạ.
Ngày 04 tháng 11 năm 2013
© Kami

Nguyễn Lân Thắng - Lời dặn nhau

Trở về nhà trên xe của bộ Công an sau 18 tiếng "làm việc" cùng cơ quan an ninh, tôi đã có một cuộc tranh luận nho nhỏ ngoài biên bản với các chiến sỹ an ninh về tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, chuyện trao Tuyên bố 258... Chuyện thì cũng vui vui thôi, nhưng đến cuối cùng chị T cục A67* nhắc nhẹ: "...Anh lưu ý, nói là một chuyện, làm là một chuyện khác nhé..."

Lời dặn dò cuối cùng cứ văng vẳng trong đầu làm tôi suy nghĩ mãi, không biết lời dặn này có phải là có ý cho phép tôi cứ nói đi, còn làm nên dè chừng...??! Có một câu chuyện vui thế này: "Cả thế giới đều phải kiêng nể người Mỹ vì người Mỹ đã nói là làm. Nhưng người Mỹ lại sợ người Nhật vì người Nhật làm rồi mới nói. Người Nhật lại sợ Trung Quốc vì Trung Quốc không nói mà làm. Nhưng rồi tất cả chúng nó sợ ai??? Xin thưa, sợ nhất Việt Nam vì Việt Nam nói một đằng làm một nẻo…". 

Nói đùa thì là như vậy, nhưng nói thật, tôi vẫn nhớ như in khẩu hiệu "Người cày có ruộng" năm xưa và hình ảnh đám lính mờ mờ cầm khiên đi cưỡng chế đất trên cánh đồng Văn Giang năm 2012. Tôi không thể quên lời hát "có sách mới áo hoa đây là nhờ ơn..." và hình ảnh đám trẻ con dân oan nheo nhóc ngoài vườn hoa hôm nay. Hôm trước thì trên Facebook có bạn nào đó nhắc lại chuyện năm 2010, một vị "tứ trụ" khẳng định tập đoàn Vinashin năm 2013 sẽ có lãi... Cách đây mươi ngày, tập đoàn này lặng lẽ quay về mô hình tổng công ty, và nợ thì chưa biết sẽ thế nào!


Tôi bối rối lắm, trả lời phỏng vấn mấy đài quốc tế rõ ràng rồi mà nhiều bạn bè Facebook cứ trách móc, sao ông chẳng lên tiếng gì nữa, hay là ông đã có thỏa thuận gì chăng? Hình như họ muốn tôi phải hô to lên để tố cáo chế độ, hét to lên để buộc tội chính quyền cầm tù tôi 18 tiếng đồng hồ. Chuyện của tôi nhỏ lắm, đâu đáng nói bằng bao nhiêu việc oan trái trên đất nước này.

Dù thế nào thì một điều rõ ràng là họ đã sợ. Họ sợ cả những điều tôi và bạn bè đã nói và những việc chúng tôi đã làm. Họ rất quan tâm xem tôi gặp ai, ở đâu, làm gì. Họ có thể tạm chấp nhận thả cho tôi tự do một thời gian vì sức ép của truyền thông quốc tế và hoàn toàn có thể bắt tôi trở lại bất cứ lúc nào mà họ muốn bằng những bản án nặng nề. Vâng, tôi biết... Tôi biết quá rõ những bản án trước đây cho những con người, chỉ vì muốn nói, muốn hát, hay muốn gửi gắm khát vọng vào thơ ca mà phải trả giá bằng cả cuộc đời trong tù ngục. Tôi biết quá rõ những điều tôi nói, những việc tôi làm mà chỉ bị câu lưu thế này là một sự "nhân nhượng" không hề nhẹ... Cảm ơn các anh chị đã lắng nghe và ghi chép tỉ mỉ từng lời nói của tôi, ít ra ta đã được nói với nhau một lần sòng phẳng. Nhưng có lẽ các anh chị vẫn tiếc là bằng ngần ấy thời gian, nhưng chẳng thể thuyết phục gì ở tôi... và tôi thì cũng tiếc, tiếc là tôi nói còn kém quá, chắc là anh chị cũng chẳng thay đổi được chút gì. Tôi biết công việc của các anh chị vất vả vô cùng, phải có một tình yêu và niềm tin mãnh liệt thế nào thì các anh chị mới ngày đêm làm việc như thế được. Nhưng xin các anh chị hãy hiểu, những gì tôi nói, những việc tôi đã làm cũng chỉ vì có những kẻ đáng ra phải làm được những gì như đã nói, đáng ra phải biết xấu hổ trước nhân dân... họ đã tự tước bỏ niềm tin từ tôi và bao nhiêu người khác nữa mất rồi.

Là những người có trọng trách trong ngành an ninh, chắc hẳn các anh chị được đào tạo bài bản và biết rất rõ về Karl Marx. Mộ của Karl Marx nằm trong nghĩa trang Highgate tại London vì ông đã sống lưu vong và qua đời tại đây. Đó là một nghĩa trang rất thanh bình với những kiến trúc Gothic tuyệt đẹp thời Victoria. Là cha đẻ của chủ nghĩa xã hội, trên bia mộ của ông có khắc một dòng chữ rất nổi tiếng: Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!** Nhưng ít người để ý bên dưới tấm bia này còn khắc một dòng chữ khác: Nhà triết học chỉ cố gắng kiến giải thế giới theo nhiều cách khác nhau, nhưng điều quan trọng là phải cải tạo nó.***
 
Tôi thì không có tham vọng cải tạo thế giới. Tôi chỉ muốn làm làm gì đó để người nông dân mình không còn bị mất đất, trẻ em chúng ta không bị tiêm chủng nhầm thuốc co giãn tử cung và ngư dân ra biển của mình đánh cá mà không phải lạy thằng Tàu... Tôi không đánh giá cao kết quả thực tiễn những lý thuyết của ông Marx, nhưng tôi sẽ nghe ông ấy về chuyện là phải hành động. Chỉ nói không thôi chưa đủ giải quyết vấn đề.


Tôi là người vô thần, nhưng tôi tôn trọng niềm tin hay tín ngưỡng của người khác. Nhưng nếu bắt tôi phải tin vào những điều mà tôi không phục, bắt tôi phải yêu những điều mà tôi ghét... thì không bao giờ các anh chị nhé!

Chào thân ái và quyết thắng!

 Nguyễn Lân Thắng
_________________________
* A67: Cục Bảo vệ chính trị VI (Chống khủng bố, phản động trong nước)
** Workers of all lands, unite
*** The philosopher have only interpreted the world in the various ways. The point however is to change it
(Blog Nguyễn Lân Thắng)

Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng báng bổ giáo lý đạo Phật?

Trả lời với báo chí về việc từ chối phản biện ý kiến của bà Phan Thị Bích Hằng, Đại tá, tiến sĩ Đỗ Kiên Cường cho biết " Tôi chỉ phản biện các lý thuyết khoa học và các nhà khoa học. Với tôi “thần tượng ngoại cảm Việt Nam” hoặc là kẻ lừa đảo, hoặc là người tâm thần. Ngoài ra bà ta còn là một kẻ báng bổ giáo lý đạo Phật".
 
Đề nghị cấm "hành nghề ngoại cảm"
 
- Sau khi ông đề nghị cấm giới ngoại cảm hành nghề, nhiều bạn đọc đồng ý với ông, nhưng cũng có không ít bạn đọc phản đối. Vậy ông có suy nghĩ như thế nào?
 
- Trước một vấn đề nhạy cảm như vậy, ý kiến bạn đọc khác nhau là chuyện rất bình thường, nhất là khi lưu tâm tới bản tính sinh học “chúng ta muốn tin” trong mỗi con người.
 
Tuy nhiên tôi đề nghị bạn đọc không cùng quan điểm nên đọc kỹ các nội dung mà tôi đã trình bày. Tôi đề nghị cấm “hành nghề ngoại cảm”, vì đây là một hiện tượng đang gây tranh cãi, chứ không phải là một nghề như các nghề nghiệp khác trong xã hội.
 
Và tôi cũng không hề muốn đóng sập cánh cửa với người ưa thích chuyện lạ, khi đề nghị những ai muốn chứng tỏ khả năng dị thường của mình hãy thực hiện điều đó trước một hội đồng khoa học đủ tư cách chuyên môn. Tôi xin nhấn mạnh lại, đó chỉ là một hoạt động học thuật thuần túy.
 
Đại tá, tiến sĩ Đỗ Kiên Cường
Đại tá, tiến sĩ Đỗ Kiên Cường "Phan Thị Bích Hằng báng bổ giáo lý đạo Phật"
 
- Xin ông cho biết, trên thế giới có nơi nào mà "nhà ngoại cảm" nhiều như nấm sau mưa giống ta hay không?
 
- Hoàn toàn không có chuyện đó. Tôi lại dẫn nước Mỹ, nơi mà cả hai phía ủng hộ và phản đối chuyện lạ đều hoạt động rất năng nổ và sáng tạo. Do chính phủ Mỹ không bao giờ chi tiền thuế của dân cho các hiện tượng đáng ngờ về mặt khoa học, nên toàn bộ kinh phí của cả hai phía đều là đóng góp tư nhân.
 
Tuy nhiên sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với ngoại cảm và tâm linh có vẻ đang nguội đi khi những người ủng hộ không đưa ra được các bằng chứng có tính thuyết phục cao. Một trong tám lý do ngoại cảm bị nghi ngờ là các nghiên cứu về nó không hề tiến bộ sau 130 năm nghiên cứu công phu; mà như chúng ta đều biết, sự tiến bộ không ngừng chính là tiêu chí của một khoa học tốt. 
 
Từ gần 20 năm trước, tôi đã nhiều lần viết sách và báo về những nghiên cứu như vậy, bạn đọc có thể tự tìm hiểu thêm.
 
Một ý kiến đã bình luận trên mạng rằng, chúng ta rất nghèo nếu tính theo thu nhập trên đầu người (đứng khoảng thứ 50 từ dưới lên), nhưng nếu xét về sự “hâm mộ” đối với ngoại cảm và tâm linh thì có lẽ chúng ta vô địch thế giới. Liệu có mối tương quan nào ở đây không? Chúng ta hãy cùng suy ngẫm.
 
- Nhiều bạn đọc phản đối vì ông kết luận tâm linh không có thật. Vậy niềm tin tôn giáo và các hoạt động tín ngưỡng thì sao?
 
- Đúng là có thực tế đó; chẳng hạn một bạn đọc nhận xét, nói tâm linh không có thật phải chăng là phủ nhận các hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo. Theo tôi, đó là sự hiểu lầm.
 
Ở nước ta, thuật ngữ tâm linh không được dùng chính xác trong nhiều hoàn cảnh do chưa có sự đồng thuận về nội hàm của nó. Tôi đã từng viết bài báo mang tựa đề “Tâm linh là gì?” trên tờ Phụ san Văn nghệ Quân đội năm 2000.
 
Nói một cách ngắn gọn, thuật ngữ tâm linh ở đây được dùng theo nghĩa chuyện lạ (psychic phenomena) hoặc hiện tượng dị thường (paranormal phenomena). Nó hoàn toàn khác với khái niệm tâm linh trong tín ngưỡng và tôn giáo.
 
Trong một bài viết năm 2007, tôi đã đề nghị thay “tâm linh” bằng “tinh thần”, theo đúng định nghĩa trong các từ điển tiếng Việt và từ điển Hán Việt (của Đào Duy Anh); chẳng hạn đáng lẽ nói “đời sống tâm linh”, thì nói đơn giản là  “đời sống tinh thần”. 
 
Nếu không ưa thuật ngữ tâm linh, bạn đọc có thể thay bằng thuật ngữ dị thường. Và tôi xin nhấn mạnh lại rằng, các hiện tượng dị thường (hoặc tâm linh) như tiên tri, thấu thị, cầu hồn hoặc áp vong chưa hề có một bằng chứng xác đáng nào ủng hộ cả.
 
Phan Thị Bích Hằng trần tình vụ tìm thủ cấp liệt sĩ Phùng Chí Kiên sau phóng sự
Phan Thị Bích Hằng trần tình vụ tìm thủ cấp liệt sĩ Phùng Chí Kiên sau phóng sự "vạch mặt" của VTV
 
"...bà ta còn là một kẻ báng bổ giáo lý đạo Phật"

- Xin được hỏi tại sao ông không nhận lời phản biện ý kiến của bà Phan Thị Bích Hằng trả lời trực tuyến trên một trang báo sáng 1/11/2013?

- Tôi là nhà nghiên cứu, nên chỉ phản biện các lý thuyết khoa học và các nhà khoa học, chứ không bao giờ phản biện ý kiến của giới ngoại cảm, những người nói mà có vẻ không hiểu mình đang nói gì. Với tôi “thần tượng ngoại cảm Việt Nam” hoặc là kẻ lừa đảo, hoặc là người tâm thần. Ngoài ra bà ta còn là một kẻ báng bổ giáo lý đạo Phật.

- Ông có quá lời không?

Tôi không hề quá lời; và tôi sẽ chứng minh điều đó trong phần hai của cuộc trao đổi.

- Vậy ông nhận xét gì về phản ứng của những người ủng hộ “huyền thoại” Phan Thị Bích Hằng?

Trước những cáo buộc lừa đảo, tất nhiên những ai từng ủng hộ và lăng xê Phan Thị Bích Hằng phải đứng ra bảo vệ “thần tượng” và phản bác lại VTV và những ai không ủng hộ ngoại cảm rồi. Tuy nhiên tôi khá bất ngờ trước sự mất bình tĩnh đến mức hoảng loạn của họ.

Mất bình tĩnh đến mức hoảng loạn? Có thật như vậy hay không? Ông có chứng cớ gì cho nhận định “ghê gớm” đó?

Với tư cách một nhà khoa học thực chứng, tôi luôn “nói có sách mách có chứng”. Để bênh vực “thần tượng”, trên vietnamnet ngày 28-10-2013, ông Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người cho rằng “Nói nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng lừa bịp là một sự xúc phạm”.

Mặc dù VTV biết mười nói một, có đầy đủ vật chứng và nhân chứng, nhưng đối với ông N.P.G.H., đó chỉ là sự xúc phạm không hơn không kém. Tuy nhiên, phản ứng của ông Phó Viện trưởng chưa là gì so với cấp dưới của ông. Trên Tạp chí Đông Nam Á, được trang mạng www.f24.com.vn dẫn lại ngày 28-10-2013, ông Phó Chủ nhiệm Bộ môn Cận Tâm lý tuyên bố phóng sự của VTV là “sự phỉ báng cực kỳ vô luân”.

Sự mất bình tĩnh đến mức hoảng loạn đã khiến ông H.T.V. quy kết một vấn đề học thuật thành vấn đề luân lý và đạo đức!

Ông cho rằng theo cách diễn đạt đó thì chỉ những ai ủng hộ và lăng xê Phan Thị Bích Hằng mới có luân lý và đạo đức; còn những ai phản đối thì bị xem là vô luân lý và thiếu đạo đức?

Chúng ta có thể hiểu khác được không? Điều đó cho thấy một số nhà khoa học tại Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người thuộc Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam đang rất mất bình tĩnh. Chúng ta có thể hiểu sự mất bình tĩnh đó.

Liên quan tới viện nghiên cứu này, một giáo sư rất nổi tiếng viết trên facebook ngày 28-10-2013 rằng, nên rút Hội Toán học ra khỏi Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam, vì không nên để nó cùng chỗ với một cơ sở phản khoa học. Ông suy nghĩ gì về nhận định đó?

Tôi có đọc nhận định đó trên trang cá nhân của nhà toán học đang là niềm tự hào của chúng ta. Và tôi hoàn toàn đồng cảm với ông, khi ông cho rằng, các hội khoa học như Hội Toán học, Hội Vật lý hoặc Hội Sinh học thì làm sao mà “liên hiệp” được với một cơ sở phản khoa học như Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người. Tuy nhiên vị giáo sư khả kính của chúng ta còn chưa biết Trung tâm đã biến thành Viện rất “hoành tráng” rồi!

- Xin ông nói rõ hơn về sự phản khoa học đó.

Trong lúc khoa học hiện đại khẳng định rằng, không có linh hồn như một tồn tại sau cái chết, mà các nhà khoa học tại đó cứ khẳng định “nhà ngoại cảm” tìm mộ bằng cách nhập hồn hoặc áp vong thì đó chính là sự phản khoa học. Giữa Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người  và khoa học hiện đại, chúng ta nên đứng về phía nào?

Rồi cũng trong bài bênh vực nói ở trên, ông Phó Viện trưởng còn cho rằng, nếu được cấp kinh phí để mua thiết bị đo trường sinh học, Viện có thể đánh giá và phân loại các nhà ngoại cảm. Điều đó chứng tỏ ông không biết rằng sinh lực luận, một quan điểm triết học và khoa học xem sự sống xuất phát từ loại sinh khí hoặc vật chất đặc biệt khác với vật chất không sống, đã bị khai tử từ 1828, khi Wohler tổng hợp được urea, và từ sau thí nghiệm Miller 1953, khi Miller thu được nhiều axít amin khi cho tia lửa điện (mô phỏng sét) phóng qua hỗn hợp khí giống khí quyển  Trái đất xưa. Ngay cả khi xem trường sinh học chỉ là trường điện từ (trong bốn tương tác trong tự nhiên, chỉ tương tác điện từ trực tiếp chi phối sự sống), ông Phó Viện trưởng cũng không biết các nghiên cứu trên thế giới nên mới đề nghị được cấp kinh phí để mua máy đo trường sinh học.

Còn một số nguyên do khác buộc nhà toán học đáng kính phải đưa ra nhận định nghiệt ngã nói trên; và tôi sẽ nói kỹ hơn khi có dịp

- Cũng có một cơ sở bảo chứng khác, khi tặng gương Huyền thông để tôn vinh nhiều nhà ngoại cảm?
Đó là Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA do tiến sỹ V.T.Kh làm Tổng Giám đốc. Như tôi đã nói trong bài phỏng vấn trước, tôi vô cùng kinh ngạc khi thấy ông Tổng Giám đốc hoàn toàn không biết ngoại cảm là gì. Do đó ông không biết thử nghiệm đúng cách nên bị giới ngoại cảm qua mặt. Từ 2007, tôi đã buộc phải viết rằng, “mọi nghiên cứu và kết luận với sự tham gia của ông V.T.Kh. và UIA đều mắc sai lầm nghiêm trọng trong quan niệm và trong phương pháp. Cần bác bỏ chúng”.

Xin cảm ơn ông và mong gặp lại ông trong phần trao đổi sau.
 
H.Minh 
  (Nguoiduatin.vn)
 

Phạm Thị Hoài - Văn minh Sicagô

Từ khoảng 1955-1956 trở đi, dưới những bút danh Trần Lực, Chiến Sĩ, D.X., T.L. và C.B., Chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhiều bài trên báo Nhân dân về nước Mỹ [1], đặt nền tảng cho tư duy và cảm nhận của nhiều thế hệ người Việt về cái thế giới kinh hoàng rùng rợn của chủ nghĩa tư bản ở những xứ sở phương Tây bất hạnh trên địa cầu. “Mỹ mà xấu” trở thành một cách nói phổ biến ở miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh và được coi là một phát ngôn châm biếm thành công, một cách chơi chữ độc đáo của ông Hồ. Chúng ta hãy đọc lại một số bài báo đó.

Bài kí tên C.B. sau đây đăng trên Nhân dân số 838, ngày 20-6-1956.

Sicagô và Sài Gòn

Sicagô là một thành phố to hạng nhì ở Mỹ, có độ ba triệu dân và rất nhiều công nghiệp và thương nghiệp. Nó cũng là sào huyệt của những “vua” cướp của, giết người, buôn lậu và các thứ tội ác.

Hiện nay, Mỹ đang đưa “văn minh” Sicagô đến miền Nam Việt Nam ta.

Tối hôm 9-6, hai nhân viên của “phái đoàn viện trợ” Mỹ đã bắn nhau chết ở tiệm rượu “Đồng tiền vàng”. Có lẽ đó mới là bước đầu.


Hôm 12-6, một bọn cướp với súng ống đầy đủ, đã cướp chuyến xe hơi ở Xuân Lộc, cách Sài Gòn 80 cây số.

Các báo miền Nam cho biết: từ 21-5 đến 7-6, ở Sài Gòn và các thành phố xung quanh có 48 vụ trộm cướp và 47 vụ tống tiền. Ở Sài Gòn – Chợ Lớn, ngày nào cũng xảy ra những vụ ăn cắp xe đạp và xe hơi. Có những tên đã đánh cắp hơn 20 chiếc xe hơi.

Tệ hại nhất là “văn minh” Sicagô đã lan rộng đến lớp thanh niên học sinh. Thí dụ: 1 nam học sinh 17 tuổi, ở Tân Sơn Nhất, đã phạm tội giết người, cướp của.

Một nữ học sinh trường luật, 23 tuổi, đã phạm tội tống tiền gần nửa triệu đồng…

Đế quốc Mỹ xúi giục Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Giơnevơ, âm mưu trường kỳ chia cắt đất nước ta. Đó đã là một tội ác tày trời, không thể tha thứ. Chúng lại còn âm mưu phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc ta, đầu độc thanh niên ta – Hai tội chồng chất, càng không thể tha thứ. [2]

*

Bài kí tên Trần Lực sau đây đăng trên Nhân dân số 2051, ngày 28-10-1959.

Mỹ mà phong không thuần, tục không mỹ

Do kết quả của giáo dục và ảnh hưởng của xã hội, số phạm tội trong đám thiếu niên và thanh niên (từ 10 đến 20 tuổi) ngày càng tăng. Trên báo chí Mỹ thường có những tin tức rùng rợn như sau:

Thằng bé E. Pakét, 16 tuổi, đã giết chết cha và một em gái của con bé S. Phrốtxlen, 15 tuổi, là “người yêu” của nó. Mẹ và hai em gái của Phrốtxlen cũng suýt bị Pakét giết chết (14-10-1959).

Tuần báo Tin tức Mỹ và báo cáo thế giới (14-9-1959) viết: Bọn phạm tội trẻ tuổi ngày càng táo bạo. Ở các thành phố to, đi ra đường là có nguy hiểm. Sự khủng bố ở ngoài đường đã trở nên một vấn đề ngày càng nghiêm trọng

Báo Ngôi sao, xuất bản ở thủ đô Mỹ đã đăng những lời khuyên răn của sở cảnh sát đối với phụ nữ, trong đó có mấy điều như sau:

- Khi các bà, các cô ra đường, nên có người đưa đi.

- Nên chọn những đường phố đông người và nhiều đèn sáng.

- Trước khi đi vào ngõ, phố ít đèn, nên để ý có ai theo đuổi mình chăng.

- Nếu có chút đáng ngờ, thì nên vào ngay một nhà gần nhất ở đó để gọi cảnh sát.

- Nên nắm thật chặt cán túi tay của mình.

- Không nên mang trên mình vòng xuyến quý và nhiều tiền bạc.

- Nếu đi xe hơi của mình, thì chỉ nên dừng xe ở những phố đông người. Nên luôn luôn đóng kín cửa sổ xe.

- Không nên tắt máy, để khi cần thì cho xe chạy được ngay.

Và nhiều điều dặn dò khác, để tránh nguy hiểm do bọn du côn trẻ tuổi gây ra.

Đó là một “nếp sống văn minh” mà đế quốc Mỹ muốn đưa ra làm gương cho thiên hạ noi theo! Ngu ngốc thay đế quốc Mỹ vậy! [3]

*

Bài kí tên T.L. sau đây đăng trên Nhân dân số 2003, ngày 30-3-1960.

Chế độ nào, thanh niên ấy

Ngày 17 tháng 1 năm 1960, chiếc thuyền nhỏ chở 4 thủy thủ trẻ tuổi Liên Xô (Digansin, Palốpxki, Criútcốpxki, Phêđôtốp), bón người thuộc ba dân tộc, đều mới vào bộ đội bị bão to cuốn ra khơi Thái Bình Dương. Máy vô tuyến điện hỏng, đứt liên lạc với trên bờ. Trên thuyền chỉ còn lương đủ cho hai ngày và hai mươi kilô khoai. Bốn người lênh đênh xiêu bạt suốt bốn mươi chín ngày đêm. Lương thực hết, họ phải nấu giày ủng để ăn. Ăn hết giày ủng, họ phải nấu cả chiếc đàn gió bằng da. Nước hết, họ phải hứng nước mưa và mỗi người mỗi ngày chỉ được uống nửa cốc. (Để mừng ngày sinh của Criútcốpxki, các bạn tặng anh một cốc nước đầy, nhưng anh không nỡ uống.)

Đói, khát, rét, mệt, nguy hiểm đến cực độ, nhưng bốn thanh niên anh hùng ấy vẫn giữ vững tinh thần, không chút nản chí. Lênh đênh trên mặt biển, không có việc gì làm, họ thay phiên nhau ngâm thơ, đọc sách, kéo đàn (khi chiếc đàn hãy còn) để khuyến khích lẫn nhau.

Cuối ngày thứ bốn mươi chín thì một chiếc tàu binh Mỹ vớt họ lên.

Đó là tiêu biểu của tinh thần đoàn kết và chí khí bất khuất của thế hệ thanh niên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.

Ai cũng biết rằng ở Mỹ, số thiếu niên và thanh niên phạm tội ngày càng nhiều. Nhất là ở những thành phố lớn, ngày nào cũng xảy ra những vụ thiếu niên và thanh niên phạm tội trộm cắp, hãm hiếp, cướp của, giết người. Ví dụ, cách đây không lâu, tên E. Pakê, mười sáu tuổi, đã bắn chết cha và em gái của cô A. Khi bị bắt, nó khai rằng nó đã chuẩn bị kế hoạch từ lâu định giết cả mẹ và hai em gái của cô A. Nhưng “không may” ba người đã chạy thoát [4].

Vừa rồi, chỉ trong mấy ngày (từ 2-2 đến 2-3), tên D. Hoaini, mười bảy tuổi, quê ở Caliphoónia, đã giết chết năm người đàn ông và một người đàn bà. Khi bị bắt, nó thản nhiên nói: “tôi định giết mười hai người. Tiếc rằng tôi chưa làm được như ý muốn.”

Đó là đầu óc hư hỏng và cử chỉ điên cuồng của thế hệ thanh niên dưới chế độ tư bản chủ nghĩa.

Hai chế độ xã hội khác nhau đã giáo dục nên hai thế hệ thanh niên khác nhau? [5]

*

Tôi cũng thuộc những thế hệ lớn lên bằng gạo mốc và lòng tự hào rằng chúng ta còn thiếu thốn, nhưng có thừa những phẩm chất tốt đẹp để vẫy gọi phía bên kia. Rằng ngoài chính nghĩa, lí tưởng, lòng nhân ái và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chúng ta còn lành mạnh. Chúng ta đầy giun sán trong người nhưng không mắc bệnh giang mai. Không cao bồi, đĩ điếm, xì-ke ma túy. Không bệnh hoạn, đồi trụy, dâm ô. Không thần kinh, không tự tử. “Mỹ mà xấu” bao nhiêu, chúng ta tốt đẹp bấy nhiêu.

Có thể cái ưu thế đạo đức ấy từng có thật ở một mức độ nhất định và đóng một vai trò chưa thể đánh giá hết trong hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh. Song từ ấy đến nay chẳng có gì – từ truyền thống và thuần phong mĩ tục đến tín ngưỡng và quốc giáo Mác-Lê-Hồ – chứng tỏ và bảo đảm rằng người Việt thượng đẳng hơn những dân tộc khác về đạo đức. Chẳng có gì để chúng ta phải sững sờ không tin nổi, vì sao một điều khủng khiếp này, một tội ác tày trời nọ lại có thể xảy ra trong “xã hội ta”.

Ngược lại. Sẽ có ích hơn, nếu xuất phát từ tiền đề rằng không có vực thẳm đạo đức nào của nhân loại là quá sâu với người Việt. Tôi từng đinh ninh rằng xâm hại tình dục trẻ em chỉ có thể là sản phẩm của phương Tây. Bây giờ hiếp dâm trẻ em ở Việt Nam đã thành tin nhàm. Một bé gái 8 tuổi. Một bé gái 7 tuổi. Một bé gái 6 tuổi. Một bé gái 5 tuổi. Một bé gái 4 tuổi. Một bé gái 3 tuổi… Không ngưỡng nào là cuối cùng. Chúng ta không là một ngoại lệ nào hết. Cũng đầy đủ khả năng hư hỏng, điên rồ, méo mó, bệnh hoạn, hủy diệt kẻ khác và tự hủy diệt như con người ở bất kì đâu. Xã hội Việt Nam ngày nay cũng tràn ngập những điều rùng rợn kinh hoàng mà Hồ Chí Minh quy về cho xã hội Mỹ, cộng thêm bản sắc dã man mông muội rất riêng của văn hóa Việt Nam.

Muộn nửa thế kỉ, cuối cùng Hà Nội cũng đến kịp với nền “văn minh Sicagô”. Và đang nôn nóng vượt qua, như thường thấy ở kẻ đến muộn. Trước sau Mỹ vẫn dẫn đầu về tỉ lệ tội phạm trong các nước phát triển. Nhưng nếu đi tìm một cái xác trên dòng Chicago River, người ta sẽ không thể trong vỏn vẹn mười ngày ngẫu nhiên gặp luôn sáu thi thể khác, như trên sông Hồng.

Phạm Thị Hoài

© 2013 pro&contra

[1] Những bài này sau được tập hợp thành sách trong Nói chuyện Mỹ…, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1972, 352 trang. Ngoài ra còn một cuốn sách khác, nhan đề Mỹ mà xấu, ghi tên tác giả là Vladimia Pôzônê, Nxb Văn học, Hà Nội, 1964, tái bản năm 1989. Vladimia Pôzônê – hay Vla-đi-mia Pô-dơ-ne – có phải là một trong vô vàn bút danh khác của Hồ Chí Minh không, là một nghi vấn hợp lí.
[2] In lại trong Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000

[3] Sđd, tập 9

[4] Tác giả lặp lại sự việc đã được kể trong bài viết kí tên Trần Lực 5 tháng trước, ngày 28-10-1959, nhưng tên các nhân vật liên quan có chút thay đổi.

[5] Sđd, tập 10

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét