Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Cải cách thể chế hay cải thiện thể chế đã lỗi thời?

Cải cách thể chế hay cải thiện thể chế đã lỗi thời?

* Bản đầy đủ (2600 chữ) của bài đã đăng trên VietNamNet (1500 chữ)

Thực trạng kinh tế xã hội ở nước ta đụng vào bất cứ lĩnh vực nào cũng thấy đầy rẫy những tồn tại, bất cập. Riêng ngành nông nghiệp được nhiều người dân quan tâm vì Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, gần 70% dân số là nông dân, tầng lớp hy sinh, chịu đựng thiệt thòi nhiều nhất, cả trong thời chiến lẫn thời bình, đồng thời cũng đóng góp nhiều nhất vào việc ổn định kinh tế xã hội. 



Thực trạng của nền nông nghiệp

Trong hơn chục năm trở lại đây nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng nhưng không bền vững vì chủ yếu dựa vào:

i) Tăng diện tích (cà phê từ 561,9 ngàn ha năm 2000 tăng lên 622,1 ngàn ha năm 2012. Trong cùng thời kỳ cao su tăng từ 413,8 ngàn ha lên 910,5 ngàn ha, hạt tiêu từ 27,9 ngàn ha lên 58,9 ngàn ha, ngô từ 730,2 ngàn ha lên 1118,3 ngàn ha, sắn từ 237,6 ngàn ha lên 550,6 ngàn ha, mặt nước nuôi thủy sản từ 641,9 ngàn ha tăng lên 1038,8 ngàn ha, v.v).

ii) Tăng sử dụng đầu vào như phân bón, thuốc sâu, v.v. (sử dụng phân bón của Việt Nam tăng từ 7,2 triệu tấn năm 2005 lên khoảng 11 triệu tấn hiện tại).

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp suy giảm: (năm 2011 là 4,0%, năm 2012 là 2,68%, năm 2013 khoảng 2,67%) trong khi cầu và giá nhiều nông sản giảm mạnh như giá gạo giảm 18,7%, cà phê giảm 26,6%, cao su giảm 11,7%.

Năng suất lao động nông nghiệp quá thấp, tổn thất sau thu hoạch quá lớn, sản xuất không theo định hướng thị trường. Năng suất cây trồng vật nuôi thấp, một số cây trồng vật nuôi không thay đổi nhiều năm nay như mía đường, đậu tương, bông vải. Khối lượng và giá trị xuất khẩu tăng nhưng giá xuất khẩu thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của các nước khác (gạo của Thái, Ấn Độ, Pakistan, v.v), tham gia phân khúc thấp của thị trường do vấn đề chất lượng, tổ chức sản xuất. Tỷ lệ trả về của nông sản xuất khẩu cao hơn so với các nước xuất khẩu khác. Ngành chế biến nông sản kém phát triển, giá trị gia tăng thấp, ít thương hiệu được thừa nhận.

Tổ chức quản lý nhà nước yếu kém: Hiệu suất, hiệu quả hoạt động kém (ví dụ tổ chức ngành chăn nuôi; ngành kiểm lâm, v.v). Chất lượng của cả đầu vào và đầu ra không kiểm soát được. An toàn thực phẩm ở mức báo động. Thị trường phân bón, thuốc trừ sâu bát nháo, chất lượng kém. Hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan không được kiểm soát, gây thiệt hại cho nông dân và xã hội… Điệp khúc “được mùa mất giá” diễn ra thường xuyên, liên tục hết năm này qua năm khác, điển hình năm nay dưa hấu ứ đọng ở cửa khẩu, bắp cải không bán được phải chặt cho bò ăn hay đổ xuống sông, lúa chất đầy nhà nhưng không tìm được người mua.



Thảm cảnh dưa hấu Tân Thanh. Ảnh: VOV

Xuất khẩu rau quả cũng như nhiều loại hàng hóa khác của Việt Nam qua con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đã, đang và sẽ còn rất phổ biến. Nếu không tổ chức vận chuyển, sơ chế và bảo quản đúng quy trình chắc chắn việc hư hỏng sẽ còn tiếp diễn và người dân sẽ còn phải tiếp tục gánh chịu. Nguy hiểm hơn, tình trạng thương lái Trung Quốc đặt mua giá cao đỉa, móng trâu, lá điều khô, khoai lang tím, dừa non, rễ cây hồ tiêu, v.v rồi bỏ không mua, khiến nông dân điêu đứng.

Tổn thất sau thu hoạch đối với mặt hàng rau quả nước ta hiện nay còn cao, từ 15 – 25%, tuy vậy các nghiên cứu về công nghệ bảo quản chỉ mới được chú trọng 10 năm trở lại đây với mức đầu tư hàng năm cho nghiên cứu còn khiêm tốn. Trong khi đặc thù của mặt hàng rau quả lại khá đa dạng về chủng loại, đặc tính sinh lý và sinh hóa có nhiều khác biệt, nên việc đáp ứng được một công nghệ bảo quản phù hợp cho nhiều đối tượng là không thể. Với nguồn kinh phí hạn hẹp, trong những
năm qua mới tập trung nghiên cứu cho một số loại quả như: Vải thiều, xoài, cam, bưởi, chuối, nhãn và thanh long. Kết quả nghiên cứu trong nước tương ứng với các công nghệ đã được ứng dụng trên Thế giới. Công nghệ có, nhưng việc ứng dụng và nhân rộng lại còn gặp nhiều bất cập, có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản nhất là do chúng ta chưa có sự kết hợp để đầu tư đồng bộ và đúng mức theo chuỗi sản xuất của sản phẩm.

Nút thắt lớn của ngành nông nghiệp

Có 3 nút thắt lớn của ngành nông nghiệp là: i) Hiệu quả thấp nên thu nhập của nông dân thấp; ii) Nông nghiệp là ngành kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào thị trường quốc tế, song chủ yếu xuất/bán thô, tỉ lệ chế biến sâu rất ít nên thực tế phần lớn giá trị gia tăng nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam; và iii) Giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng không được phân phối công bằng giữa các khâu, trong đó nông dân là người sản xuất ra nông sản hàng hóa phục vụ chế biến, xuất khẩu nhưng lại được hưởng lợi thấp nhất và chịu rủi ro nhiều nhất cả về thiên tai, dịch bệnh và giá cả.

Tồn tại trên, theo chúng tôi là do cơ chế quản lý đất đai không phù hợp. Tư duy sản xuất chạy theo số lượng có từ thời còn túng thiếu nên từ giống, kỹ thuật, đầu tư đề hướng vào tăng năng suất, tăng vụ, do đó, muốn chuyển đổi cũng không thể một sớm một chiều. Sản xuất manh mún, qui mô nhỏ ở cấp hộ gia đình cho dù trước đây từng là động lực tăng trưởng do phát huy được lao động phổ thông của mọi lứa tuổi nay đã chứng tỏ không còn phù hợp trong điều kiện mới.

Chúng ta đổ lỗi cho khoa học kỹ thuật yếu kém, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Nếu khoa học kỹ thuật có yếu kém thì trước tiên đó là khoa học quản lý. Bằng chứng là chỉ sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 10 và Chỉ thị 100, Việt Nam đã hoàn toàn đổi khác, từ nước nhập khẩu ròng lương thực đã trở thành nước xuất khẩu đứng hàng nhất nhì thế giới. Hiện tại khoa học kỹ thuật vẫn nằm chờ cơ chế, chính sách và mô hình để bung ra phát triển. Nói cách khác khoa học kinh tế xã hội trong đó có khoa học quản lý không theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước. Điều này thể hiện ở sự mâu thuẫn giữa chủ trương và cách điều hành của lãnh đạo Bộ. Ví dụ chương trình lúa lai của Bộ NN sau hai chục năm thực hiện có thể nói là đã thất bại khi mà sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 25-30% nhu cầu, các giống sản xuất trong nước vẫn thua kém so với giống nhập nội về khả năng thích ứng, năng xuất hạt lai F1 thấp và bấp bênh, các tổ hợp lai 3 dòng vẫn chưa phát triển được, chưa chủ động được giống bố mẹ. Nguyên nhân là do trong khi một mặt nhà nước “hô hào” sản xuất giống trong nước nhưng đồng thời lại thực hiện chính sách “đi tắt đón đầu” trong vấn đề sử dụng lúa lai, cụ thể là cho phép nhập khẩu hạt giống lai F1 và có chính sách trợ giá, bù giá cho việc sử dụng giống lai, do đó kinh doanh lúa lai quá dễ và quá lãi nên người người buôn lúa lai, nhà nhà buôn lúa lai và chẳng còn ai thiết tha, quan tâm đến nghiên cứu, sản xuất trong nước.

Gần đây lãnh đạo Bộ NN thường nói phải tái cơ cấu, phải chuyển từ sản xuất ra nhiều sản phẩm sang sản xuất ra sản phẩm có giá trị nhưng mặt khác vẫn quyết tâm đưa ngô biến đổi gen vào trồng đại trà với lý do Việt Nam hàng năm đang thiếu và phải nhập khẩu ngô làm thức ăn chăn nuôi. Điều này cho thấy có sự mâu thuẫn trong tư duy của lãnh đạo Bộ. Ngô biến đổi gen chỉ có thể trở nên có giá trị khi đạt được ưu thế lai về kinh tế. Có điều để đạt được ưu thế lai về kinh tế là rất khó trong điều kiện canh tác nhỏ lẻ của Việt nam và nhất là khi giá của các đầu vào như giống và phân bón luôn tăng cao hơn giá đầu ra. Nếu chọn cây biến đổi gen thì đó là vì doanh nghiệp bán giống, không phải vì nông dân vì công nghệ đó không phù hợp với nông dân nghèo cũng như nhu cầu của người tiêu dùng. Kế hoạch dành khoảng hơn trăm ngàn ha đất lúa ở ĐBSCL để chuyển sang trồng ngô hay đậu tương là kết quả của sự luẩn quẩn trong tư duy của lãnh đạo được hậu thuẫn bởi những nghiên cứu kém chất lượng, sai về phương pháp, cố ý nắn bóp số liệu theo ý chí chủ quan của lãnh đạo ngành (Xem bài: “Gỡ khó cho nông dân – cần cơ chế Khoán 10 mới”[1]).

Buổi điều trần của Bộ NN&PTNT vừa qua về khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn mới một lần nữa thể hiện sự luẩn quẩn trong tư duy, ngụy biện, không thuyết phục được cử tri. Một số vị đại biểu Quốc hội phải chất vấn Bộ trưởng đến 2-3 lần mà vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Khi hỏi về giải pháp, Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời: “Giải pháp trước mắt phải tìm mọi cách tăng thu nhập nhưng đồng thời tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn có chất lượng”!?

Tư lệnh ngành lẫn lộn, vì đây là mục đích, không phải là giải pháp. Nhiều câu trả lời rất chung chung như “Cần có sự điều chỉnh và tái cơ cấu mạnh mẽ”… Cử tri không thấy đột phá ở đâu? Nhận định của Bộ trưởng về “Nền nông nghiệp nước nhà chủ đạo là hàng chục triệu hộ gia đình nông dân nên chúng ta sẽ phải tiếp tục chấp nhận một nền nông nghiệp như vậy trong nhiều năm tới” lại càng khiến dư luận băn khoăn, lo lắng bởi vì nếu coi là một định đề không cưỡng được thì bó tay hay sao. Khi Quốc dân đảng bị bật ra Đài Loan, đấy là 1 hòn đảo sỏi đá mà sau khoảng 20 năm đảo quốc này đã có 1 nền nông nghiệp tiên tiến. Chúng ta có gần 40 năm rồi, chờ đến bao giờ nữa?

Giải pháp

Theo chúng tôi hiểu để xây dựng lại nền nông nghiệp phải giải quyết các nút thắt nêu trên.

Về quan điểm: Phải coi nông nghiệp là một ngành đa chức năng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh cho trên 90 triệu người. Có quan niệm như vậy thì đầu tư mới tương xứng, mới thực sự được Nhà nước quan tâm.

Về chiến lược: Nếu như quá trình đổi mới trước đây là quá trình đổi mới về thể chế dựa trên 3 trụ cột phát triển chính là: i) Đổi mới chính sách với hộ gia đình là đơn vị kinh tế trọng điểm, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, bỏ chế độ 2 giá; ii) Tăng cường đầu tư (Nhất là thủy lợi và giống) và iii) Phát triển Khoa học công nghệ (Chủ yếu là giống) thì giai đoạn tới phải là: Tiếp tục đổi mới về thể chế dựa trên các trụ cột: i) Nâng cao vai trò, vị thế của nông dân thông qua hỗ trợ phát triển các tổ chức của họ (Tổ hợp tác, Hợp tác xã); ii) Sửa đổi thể chế đất đai, tài chính, tín dụng nhằm tạo ra thị trường mua bán quyền sử dụng đất minh bạch, đảm bảo quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực; iii) Tạo hành lang pháp lý và sân chơi công bằng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản; iv) Tăng cường đầu tư phát triển khoa học nghệ; v) Đổi mới quản lý nhà nước trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là công tác quản lý theo quy chuẩn và công tác dự báo, đẩy mạnh phi tập trung các dịch vụ công; và vi) Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Như vậy, động lực của giai đoạn trước là đầu tư chủ yếu của Nhà nước, nay chuyển cho Doanh nghiệp lo, chỉ có họ bỏ tiền ra họ mới lo hiệu quả và như vậy cần giải tán tất cả các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nông nghiệp.

Về quản lý Nhà nước, phải quán triệt nguyên tắc, ai sản xuất thì người đó bán/xuất khẩu, không có chuyện chỉ thu gom. Hiện tại, công đoạn sản xuất là thu nhập thấp nhất, còn thu gom, chế biến, xuất khẩu là lãi cao và rủi ro thấp. Nếu để như hiện nay thì nông dân không bao giờ được hướng chút nào của chuỗi giá trị và cũng chắng ai quan tâm đến phát triển, ổn định thị trường. Như vậy, toàn bộ chức năng quản lý xuất nhập khẩu nông sản phải chuyển từ Bộ Công thương về Bộ NN & PTNT.

Ở các nước tiên tiến trên thế giới thì khâu bảo quản sau thu hoạch luôn được đầu tư theo chuổi đồng bộ từ quy hoạch vùng nguyên liệu đến sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philipines … đã hình thành được hệ thống các nhà sơ chế, đóng gói, bảo quản (packing house) có mạng lưới kết nối với các siêu thị và các nhà máy chế biến bằng các xe vận tải mát, lạnh chuyên dụng. Vì vậy, để khắc phục được thực trạng hiện nay tại Việt Nam không thể thiếu được vai trò định hướng vĩ mô của các nhà quản lý, đểgắn kết nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học xây dựng các hệ thống packing house có mạng lưới kết nối với các siêu thị và các nhà máy chế biến.

Vĩ thanh

Chúng ta đồng ý là tái cơ cấu hay cấu trúc như nhiều người nói, thậm chí xây dựng lại, tuy nhiên muốn làm được điều đó thì phải thay đổi tư duy trên cơ sở các khái niệm mới, mà tư duy là con người. Vậy làm sao có cơ chế để chọn được con người đủ tầm và tâm để quản lý ngành nông nghiệp mới là điều quan trọng nhất. Nhìn rộng hơn là đất nước muốn phát triển bền vững tiến lên cùng thời đại thì cần phải cải cách thể chế hơn là chỉ loay hoay tìm cách hoàn thiện thể chế đã lỗi thời!
  Tô Văn Trường 
  (BVN)

Cảng Vũng Áng: Sự thật vụ đánh chủ tịch huyện nhập viện

vung-ang-2-305.jpg
Vào sáng 29/3, UBND huyện Kỳ Anh tiến hành tổ chức cưỡng chế 77 kiốt và công trình xây dựng không giấy phép tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi. Citizen photo
Ngày 07/04/2014, trang web của Công an tỉnh Hà Tĩnh, báo Hà Tĩnh và báo Dân trí đồng loạt giật tít “Khởi tố, bắt giam 8 đối tượng hành hung Chủ tịch huyện”.

Báo Dân trí dẫn nguồn trang web của Công an tỉnh Hà Tĩnh có đoạn: “8 đối tượng bị khởi tố về tội “gây rối trật tự công cộng” bao gồm: Chu Văn Hùng, sinh 1982; Chu Văn Phong, sinh 1981; Võ Thành Lâm, sinh 1988; Lê Văn Mỹ, sinh 1980; Võ Đức Quang, sinh 1972; Chu Văn Tiến, sinh 1962; Chu văn Bản, sinh 1973; Chu Văn Khánh, sinh 1978; tất cả đều ở thôn Hải phong, xã Kỳ Lợi.”

Cái lạ là tít bài báo nói rõ là “bắt giam 8 đối tượng hành hung chủ tịch huyện”, nhưng nội dung lại nêu “khởi tố về tội “gây rối trật tự công cộng”…”. Chúng ta cùng đi tìm sự thật về vụ việc này qua cách nhìn và đánh giá của người dân địa phương, nơi kêu trời trời chưa thấu, kêu đất đất chẳng nghe.

Báo Dân trí đưa tin: “Vào sáng 29/3, UBND huyện Kỳ Anh tiến hành tổ chức cưỡng chế 77 kiốt và công trình xây dựng không giấy phép tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi. Các bị can trên cùng nhiều người dân đã mang theo băng-rôn, loa đài cùng nhiều dụng cụ ngăn cản lực lượng cưỡng chế. Một người quá khích đã bao vây đánh bị thương ông Nguyễn Văn Bổng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cùng 6 cán bộ khác, đập hỏng 5 xe ô tô công.”

Phân tích văn từ thì không khỏi oái ăm khi “Một người quá khích đã bao vây đánh bị thương ông Nguyễn Văn Bổng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cùng 6 cán bộ khác, đập hỏng 5 xe ô tô công” ?

vung-ang-1-250.jpg
Bài báo trên trang web báo Dân trí ngày 07/04/2014, giật tít “Khởi tố, bắt giam 8 đối tượng hành hung Chủ tịch huyện”. Screen capture.
Theo tường trình của một người địa phương cho biết: “Hiện toàn dân Hải Phong có 176 ki ốt, dựng lên kinh doanh hai bên Quốc lộ 12. Con đường nối dài từ Quốc lộ 1A xuống đến cảng Vũng Áng, người dân địa phương nơi đây có đời sống ổn định nhờ kinh doanh ở khu vực này. Rồi bỗng một ngày có nhiều công văn giấy tờ rất lạ bắt họ phải tự thóa dỡ, không có đền bù hay chính sách hỗ trợ tháo dỡ, khiến cho họ vô cùng hoang mang vì nhiều hộ vừa đầu tư nhiều tiền xây dựng cơ sở hạ tầng để kinh doanh buôn bán – có hộ lên tới hàng trăm triệu. Người dân không thể tin vì đất đai của họ là do cha ông khai hoang, có hộ từ năm 1968. Chính vì sự mập mờ nguy hại tới miếng cơm manh áo này, nên người dân chúng tôi mới phải chống lại vụ cưỡng chế này. Quá vô lý, quá bức xúc.”

Khi được hỏi về việc có hay không việc người dân đánh chủ tịch huyện và 05 chiếc xe ô tô công, người này cho biết: “Ông Bống thì vì mấy đứa con nít bức xúc quá nên có ném đá, nhưng báo chí không biết lấy tin ở đâu, chứ ô tô bị đập không tới 05 chiếc đâu.”

Công an các loại thường phục, sắc phục liên tục lượn đảo khu vực diễn ra đụng độ với mục đích hăm doạ người dân. Dưới sức ép vô cùng to lớn từ nhà cầm quyền huyện Kỳ Anh nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung, một số người dân nơi đây đã đành phải chấp nhận tự tháo dỡ di dời các công trình và quán ốt trong sự tuyệt vọng.

Những công văn lạ đời, vi phạm hiến pháp

Cũng như vụ việc mở rộng đường Quốc lộ 1A, việc khó tin mà báo Vietnamnet đã đề cập là việc ông Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh ký công văn “giao” một số cơ quan nằm trên huyện Kỳ Anh cho những cán bộ, công nhân viên chức “nghỉ công tác” để vận động các gia đình tháo dỡ các công trình “bị ảnh hưởng bởi dự án”.

Người dân tại Hải Phong cho biết: “Một số người là viên chức cấp thấp cũng phải nghỉ việc để ở nhà tháo dỡ. Có hiệu trưởng mầm non còn nói nếu không về dỡ ốt thì cho nghỉ việc luôn.”

Sai nối tiếp sai:

Ông Chủ tịch xã Kỳ Lợi Lê Xuân Vượng phát Thông báo số 06/TB-UBND ngày 27 tháng 02 năm 2014 đưa ra những căn cứ mơ hồ để yêu cầu các hộ dân tự cưỡng chế. Căn cứ mà ông Chủ tịch xã Kỳ Lợi đưa ra để yêu cầu các hộ dân tự tháo dỡ các công trình, quán ốt gồm:

-Công văn số 49/CV-UBND ngày 06 tháng 01 năm 2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

-Thông báo số 04/TB-KKT ngày 20 tháng 01 năm 2014 của BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh về việc GPMB các công trình trọng điểm Khu kinh tế Vũng Áng.

vung-ang-3-250.jpg
Một trong những công văn lạ đời, vi phạm hiến pháp.
Ông Chủ tịch xã Kỳ Lợi Lê Xuân Vượng căn cứ công văn nào của UBND tỉnh Hà Tĩnh khi thực ra số chính xác văn bản không rõ dạng(Theo Luật ban ) của UBND tỉnh Hà Tĩnh là 49/UBND-CN ngày 06 tháng 01 năm 2014 do ông Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự ký?

Điều này cho thấy cả Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh và Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi đều vi phạm khoản 1, điều 3 – Luật Ban hành văn bản Quy phạm Pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội Khoá XI thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004.

Khoản 01, điều 03 – Luật Ban hành văn bản Quy phạm Pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004 quy định:

“Điều 3. Tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân trong hệ thống pháp luật: Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phải phù hợp với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, bảo đảm tính thống nhất, thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật; văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân còn phải phù hợp với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.”
Bắt giữ người không đúng trình tự pháp luật

Gặp gỡ với vợ của một bị can liên quan tới quyết định khởi tố của Công an huyện Kỳ Anh trong vụ việc chống cưỡng chế này, chị này yêu cầu giấu tên cho biết: “Họ(công an-pv) nhủ(kêu-pv) lên đồn công an Vũng Áng nói chuyện, rồi không thấy chồng về nữa, ngày mai nhận được một tờ thông báo tạm giam của Công an huyện Kỳ Anh gửi về nhà thôi chú ạ”. Được biết, tất cả 8 người đều được gọi lên đồn công an Vũng Áng để làm việc và chỉ có một tờ giấy được gửi về. Một người dân chắc chắn khẳng định có việc đánh đập khi thân nhân của họ ở đồn Công an Vũng Áng.

1.400 người dân thôn biển Hải Phong sẽ phải làm gì khi đối đầu với một thế lực ngầm?

Được biết, ngày 15/04 tới đây, chính quyền sẽ tiếp tục tổ chức cưỡng chế khu vực này. Người dân nơi đây rồi ngày ngày sẽ phải đối mặt với việc đói miếng cơm, lạnh miếng áo khi chính quyền tổ chức thu hồi đất đai của họ mà không có một sự hỗ trợ bồi thường nào.

Việc bắt người không đúng trình tự của pháp luật là hành vi vi phạm quyền cơ bản phải có của một con người, vi phạm hiến pháp, vi phạm bộ luật tố tụng hình sự nghiêm trọng.

Câu nói vô vọng, hơi thô tục của một người dân khi tôi chào ra về làm tôi đau đáu một nỗi niềm khó tả: “Mẹ nó ăn hết tiền đền bù rồi…”

Thiết nghĩ, giờ ngoài việc người dân thôn biển Hải Phong cùng nhau đồng tâm hiệp lực để cùng nhau lên tỉnh hỏi UBND tỉnh Hà Tĩnh để làm rõ những nỗi đau và một lời giải thích thoả đáng về những gì mà chính mình và thân nhân, láng giềng của mình, đã, đang và sẽ trải qua.
Người Xứ Bố Sơn gởi RFA
2014-04-14

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Không có ai thay dân được đâu!”

Tại hội nghị bàn giải pháp, chính sách phát triển thủy sản tổ chức ở Đà Nẵng ngày 15/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Ngư dân có mặt trên biển càng nhiều thì độ vững chắc càng cao. Không có ai thay dân được đâu!"
 
Kinh tế biển là không gian sinh tồn của đất nước!

Sáng 15/4 tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì hội nghị với sự tham dự của các địa phương ven biển, các hiệp hội và các bộ, ngành liên quan nhằm bàn giải pháp và chính sách phát triển thủy sản.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị bàn giải pháp và chính sách phát triển thủy sản tổ chức tại Đà Nẵng ngày 15/4 (Ảnh: HC)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, mục đích của hội nghị lần này nhằm đánh giá thực trạng phát triển ngành thủy, hải sản của Việt Nam – một tiềm năng, lợi thế lớn của đất nước – thời gian qua. Từ đó rà soát, xác định thêm các cơ chế, chính sách để phát triển ngành này nhanh hơn, hiệu quả và bền vững hơn, đóng góp vào tiến trình CNH-HĐH đất nước, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, và góp phần vào hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo hòa bình, ổn định trên biển Đông.

Sau khi nghe báo cáo chung của Bộ NN-PTNT và các ý kiến thảo luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Kinh tế biển là tiềm năng, lợi thế lớn của đất nước chúng ta, là không gian sinh tồn trước mắt và lâu dài của nhân dân ta, để chúng ta CNH-HĐH đất nước, cải thiện đời sống nhân dân, gắn liền với đó là an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia. Không gian biển này cũng là nơi để chúng ta thực hiện chính sách hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế với các nước, gìn giữ và bảo đảm hòa bình để phát triển. Cần nhớ mục tiêu rộng như thế chứ không chỉ là đánh bắt cá!”.

Từ đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, hiệp hội, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và bà con ngư dân tiếp tục bám sát mục tiêu chiến lược biển của Đảng và Nhà nước, cụ thể hóa bằng các biện pháp, bằng các thể chế, cơ chế chính sách với tinh thần huy động sức mạnh của cả Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp để cùng phát triển bền vững hơn, hiệu quả hơn. Coi đây là lĩnh vực kinh tế - quốc phòng – an ninh hết sức quan trọng.

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Ngư dân phải ra biển, bám biển vì cuộc sống, phần CNH- HĐH đất nước và góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhưng không thể thiếu lực lượng nòng cốt. Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm vấn đề này nên tăng cường hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư để làm lực lượng nòng cốt hỗ trợ cho bà con ngư dân yên tâm đánh bắt cá trên biển, lúc gặp thiên tai, rủi ro, bất trắc. Khi gặp cướp biển hoặc cái này, cái kia thì cũng sẽ có lực lượng này bảo vệ.

Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm vấn đề này, Bộ Quốc phòng, Bộ NN-PTNT cần quán triệt cho lực lượng nòng cốt này phải thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, hỗ trợ ngư dân. Ngư dân có mặt trên biển càng nhiều thì độ vững chắc càng cao. Không có ai thay dân được đâu. Những năm lực lượng của ta chưa có, vẫn là ngư dân bám biển. Bây giờ chúng ta xây dựng lực lượng nòng cốt là để tạo điều kiện cho ngư dân phát triển tốt hơn để độ vững chắc ngày càng cao hơn!”.

Hỗ trợ tối đa cho ngư dân bám biển

Với quan điểm “đây hội nghị hành động, hội nghị để làm việc, để quyết định chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ trưởng NN-PTNT trên cơ sở các đề xuất của Bộ và ý kiến thảo luận tại hội nghị hình thành nên sản phẩm thiết thực là Nghị định của Chính phủ, ban hành ngay trong tháng tới với tinh thần “Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân cùng chung sức phát triển hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn, bền vững hơn ngành thủy sản Việt Nam, gắn liền với cải thiện đời sống nhân dân tốt hơn, người làm nghề cá an toàn hơn, gắn chặt với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc”.Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hiện đã có 15 chính sách cho phát triển ngành thủy sản Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu rà soát chính sách nào còn đang phù hợp thì khẳng định lại trong Nghị định; chính sách nào cần sửa đổi, bổ sung thì bổ sung vào Nghị định nhằm mục tiêu hỗ trợ tối đa, tạo thuận lợi nhất trong điều kiện có thể của đất nước để phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả nghề cá Việt Nam.
 
Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý chính sách về tín dụng cho người hiện đang có tàu cũ đóng tàu mới hiện đại hơn, công suất lớn hơn; người có tàu đang tốt thì cải hoán, nâng cấp lên; đóng tàu hậu cần thu mua, chế biến hải sản trên biển; vốn lưu động cho ngư dân ra khơi đánh bắt, không để ngư dân ra khơi mà phải vay nặng lãi và chính sách tín dụng cho người nuôi trồng thủy hải sản (thức ăn, giống, nuôi) với lãi suất và thời gian vay phù hợp; kể cả cho xuất khẩu thủy, hải sản.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) thảo luận thêm để có chính sách tín dụng phù hợp theo hướng được vay đóng mới, cải hoán tàu cá hoặc tàu hậu cần nghề cá với lãi suất 5%, được thế chấp bằng con tàu trong thời hạn 10 năm (thời gian đóng, cải hoán tàu được ân hạn không tính lãi), trong đó địa phương hỗ trợ 2 – 3%, ngư dân chỉ trả lãi 2 – 3% thay vì 10% theo đề nghị của NHNNVN. Đồng thời cho vay, hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và cả tính mạng của ngư dân.
 
Trong khi đó, ngân sách Nhà nước có nhiệm vụ đảm bảo đầu tư hạ tầng nghề cá. Bộ KH-ĐT rà soát, đầu tư xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại các đảo Trường Sa, Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cồn Cỏ, Phú Quý, Côn Đảo…; các cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá; nạo vét cửa sông, cửa biển cho tàu thuyền ra vào thuận lợi và hỗ trợ mạnh hoặc đầu tư cho hệ thống thông tin, định vị để đảm bảo an toàn cho ngư dân trên biển.
 
Về công tác quản lý Nhà nước, Bộ NN-PTNT và các địa phương cần nỗ lực hình thành quan hệ sản xuất mới của nghề cá, thánh lập các tổ, đội, nghiệp đoàn hoặc các hình thức liên kết sản xuất khác để đảm bảo hiệu quả, an toàn và an ninh cho ngư dân. Phát động ngư dân tự nguyện liên kết hình thành chuỗi giá trị để làm ăn có hiệu quả hơn, tránh tình trạng tự làm thiệt hại lẫn nhau.Bên cạnh những nỗ lực ở cấp Chính phủ nhằm mở rộng thêm thị trường xuất khẩu, Thủ tướng Nguyễn Tấm Dũng yêu cầu các Hiệp hội, doanh nghiệp cũng phải “chạy” thị trường, liên kết làm ăn “có bạn, có phường” để đảm bảo sản lượng và giữ vững uy tín hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Bộ Tài chính được yêu cầu nghiên cứu bổ sung ngân sách cho công tác xúc tiến mở thị trường xuất khẩu thủy sản. Các địa phương được yêu cầu đặc biệt quan tâm chính sách xóa đói giảm nghèo cho các hộ ngư dân vùng bãi ngang, hiện số hộ nghèo còn rất lớn.
 
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và tất cả các đại biểu tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi đến đồng bào ngư dân cả nước lời chúc mừng sâu sắc, tốt đẹp nhân kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Nghề cá Việt Nam (1/4/2014).

Theo thông tin tại hội nghị, đến năm 2013, cả nước có 117.998 tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó số tàu có công suất trên 90 CV đạt 28.285 chiếc (chiếm 23,1% tổng số tàu cá); sản lượng khai thác đạt 2,7 triệu tấn. Cả nước có 3.750 tổ, đội sản xuất trên biển với khoảng 22.000 tàu cá (145.000 lao động) tham gia và 50 nghiệp đoàn đã được thành lập và đi vào hoạt động. Hiện Việt Nam đứng thứ 9 thế giới về sản lượng đánh bắt thủy sản; thứ 3 thế giới về nuôi trồng hải sản và thứ 4 thế giới về xuất khẩu thủy, hải sản... Nếu năm 2010 Việt Nam có 5.623 lượt tàu cá Việt Nam hoạt động trên vùng biển Trường Sa thì năm 2013 đã tăng lên trên 20.000 lượt chiếc.
HẢI CHÂU

Các Tổng công ty lương thực lộ vai...con buôn

Việt Nam đang bị tình trạng “vô chính phủ về giống” lúa, còn doanh nghiệp thì thể hiện vai trò con buôn kiếm lời khiến nông dân luôn bị thiệt.
GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam đã nói như vậy và đưa ra những lý giải cho nghịch lý nông dân Việt Nam hay rơi vào tình trạng được mùa, mất giá còn lúa gạo thì khó cạnh tranh.
Theo GS Trần Đình Long, việc tạm trữ lúa gạo cũng chỉ là giải pháp tình thế
Theo GS Trần Đình Long, việc tạm trữ lúa gạo cũng chỉ là giải pháp tình thế
Giống lúa - Bộ NNPTNT không điều khiển được!
PV: - Thưa Tiến sĩ mấy ngày qua thông tin về một cuộc chiến giảm giá gạo trong châu Á đang hiện hữu khiến người dân rất lo ngại, bởi vốn dĩ giá gạo Việt Nam đã rất thấp. Người dân nhiều nơi đã bỏ ruộng nay giá lại thấp hơn nữa thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Là nhà khoa học ông suy nghĩ gì và có hiến kế gì với Nhà nước để giúp người nông dân đứng vững được trên mảnh ruộng của mình?
GS.VS Trần Đình Long: - Hiện gạo của chúng ta không chỉ cạnh tranh Thái Lan mà phải cạnh tranh với cả gạo Ấn Độ nữa. Thêm nữa lượng gạo bị ứ đọng nhiều nên việc giảm giá là tất yếu.
Vừa rồi thì Chính phủ đã đưa ra chính sách thu mua tạm trữ nhưng chính sách này cũng chưa phát huy được hết tác dụng của nó. Hơn nữa tạm trữ cũng chỉ mang tính chất tình thế. Thêm nữa doanh nghiệp cũng không mặn mà nên xu thế cũng giảm dần vì lý do tạm trữ thì sau này trả nợ cũng rất lo ngại.
Hiện nay các giải pháp cũng đang lúng túng cũng không biết cách nào khác. Nhưng do lúa gạo đang nhiều nên không thể bán đổ, bán tháo được. Do vậy trước mắt tạm trữ vẫn là tốt nhất.
Tuy nhiên trừ trước đến nay Nhà nước vẫn hỗ trợ các doanh nghiệp nhảy vào mua rồi dự trữ lúa gạo. Song tôi cho rằng tiền đó nếu hỗ trợ cho nông dân để người ta tự làm kho dự trữ có khi sẽ thuận lợi hơn.
Đây cũng là bài toán nếu nhà nước thực sự muốn xắn tay vào thì cũng phải có giải pháp ngoài các doanh nghiệp thì phải hỗ trợ trực tiếp cho nông dân.
Tiếp đến là bài toán dài hạn. Ngay trước mắt vụ này phải tập trung liên kết nông dân theo vùng nào tập trung vùng đó không phải cứ tràn lan làm kiểu mỗi người một giống nữa.
Cả hai việc này phải làm song song, tức là vừa giữ lúa gạo để tránh bán đổ bán tháo, vừa tìm cách nâng giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo lên. Còn chuyện giảm giá tạm thời là bất khả kháng.
PV: - Thưa ông, có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gạo Việt Nam mất giá là vì ta không có giống lúa tốt. Hiện nay Việt Nam việc cung ứng giống lúa đang gặp rất nhiều vấn đề. Người dân mạnh ai người đó trồng, doanh nghiệp thì chạy theo lợi nhuận, mua giống thương phẩm của Trung Quốc về bán cho nông dân với giá cao và phải phụ thuộc. Trong khi đó các Viện nghiên cứu lại chưa có những giống lúa để tạo được thương hiệu cho gạo Việt Nam, ông có đồng ý với ý kiến này không?
GS.VS Trần Đình Long: - Tôi xin khẳng định là Việt Nam không phải thiếu giống lúa bán giá 600USD/tấn. Trong số hàng trăm giống ở Đồng bằng sông Cửu Long thì ít nhất có tới 4-5 giống đáp ứng được yêu cầu trước mắt về năng suất, chất lượng và giá trị cao.
Nhưng về lâu dài vẫn phải làm tiếp để nâng cao giá trị giống lên. Vấn đề không phải khoa học kỹ thuật ở đây mà là câu chuyện quản lý tổ chức sản xuất. Tức là phải tổ chức từ khâu giống, chế biến sau thu hoạch, thương mại, quy hoạch vùng… để định hướng sản xuất.
Tôi biết có những nông dân cũng muốn trồng giống lúa giá trị cao nhưng khi trồng ra lại không bán được, không ai thu mua. Cho nên bài toán hiện nay là phải tổ chức lại sản xuất từ khâu gì, đưa cán bộ khoa học về với nông thôn cùng làm với nông dân.
Còn về ý kiến cho rằng Việt Nam phụ thuộc vào giống lúa của Trung Quốc thì cũng chỉ là lúa lai. Tỷ lệ lúa lai chiếm khoảng 500-600.000ha (tức là chiếm khoảng 10%) còn giống lúa thuần vẫn phải là giống lúa trong nước. Việt Nam có thể sản xuất một năm một triệu tấn lúa thuần.
Chỉ có điều như tôi đã nói ở trên trong số hàng trăm giống đó thì mỗi tỉnh, mỗi nơi ai muốn trồng giống lúa nào thì tùy chứ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng không điều khiển được.
Các nhà khoa học cứ hay quen gọi là “vô chính phủ về giống”. Thứ hai nữa là tỉ lệ giống tốt chỉ được 30% bởi vì khu vực Đồng bằng Sông cửu Long rất nhiều người dân đã tự làm giống.
Hơn nữa việc tổ chức sản xuất cũng chỉ hô khẩu hiệu trong khi những việc này Việt Nam có thể làm được. Chính vì vậy lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trả lời trên diễn đàn Quốc hội đến 5 năm nay vẫn tình trạng được mùa rớt giá nhưng giải pháp thì không cụ thể.
Tổng công ty Lương thực I và II chỉ là con buôn!
PV: - Thưa Giáo sư nhưng từng người dân thì không thể đứng ra đầu tư kho chứa hay công nghệ sau thu hoạch. Trong khi vai trò này đang được giao cho Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam song họ lại chưa làm tốt vai trò của mình. Theo ông cần phải thay đổi như thế nào?
GS.VS Trần Đình Long: - Chính xác là như vậy. Hiện Tổng công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc đang đóng vai trò con buôn mà chưa nghĩ đến chuyện tạo vùng nguyên liệu, đầu tư tiền vào vật tư, công nghệ… để giải quyết đầu ra cho bài bản.
Đáng ra Nhà nước phải mạnh tay, can thiệp vào để hỗ trợ cho tổ chức sản xuất như thế nào nhưng đến giờ việc này rất mờ nhạt. Chính vì thế mỗi lần đăng đàn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lúng túng không trả lời được.
Sai lầm chiến lược phát triển nông nghiệp của mình là không đúng, không trúng, đầu tư kiểu giật gấu vá vai. Cứ hô chế biến sau thu hoạch nhưng chả có đầu tư gì. Đến nay đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch mới được 6% trong khi đáng ra phải là 20%. Còn các công ty thì nhảy vào đủ thứ để thu lợi nhuận theo kiểu mì ăn liền.
Do vậy phải tái cấu trúc 2 Tổng công ty này như là một doanh nghiệp khoa học kể bao tiêu từ sản xuất đến tiêu thụ chứ không thể làm kiểu đón lõng bán thóc và lấy lãi.
Cái khó là chính sách và cơ chế của ta đang hở sườn, giao quyền nhưng không quy trách nhiệm nên doanh nghiệp mới chỉ nghĩ đến bản thân chứ chưa nghĩ xa hơn.
Cái này là lỗi hệ thống!
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Bích Ngọc (thực hiện)
(Đất Việt)

Chia trung tâm Sài Gòn thành hai phố Ðông, Tây

Sáng ngày 14 tháng 4, 2014, nhà cầm quyền thanh phố Sài Gòn cho hay, sẽ phân chia vùng trung tâm thành phố này thành hai khu vực đối xứng hai bên bờ sông Sài Gòn, gọi là phố Tây và phố Ðông. Qui hoạch tổng thể đã được thủ tướng Việt Nam phê duyệt và được công bố theo hướng phát triển từ nay đến năm 2020. 
 


Sơ đồ qui hoạch trung tâm Sài Gòn. (Hình: báo Dân Trí)


Theo báo Dân Trí, với qui hoạch này, trung tâm thành phố Sài Gòn mở rộng về phía Ðông, nối với khu đô thị Thủ Thiêm. Như vậy là cả hai khu đô thị trung tâm Sài Gòn sẽ rộng khoảng 1,660 ha, với dân số tổng cộng khoảng 400,000 người vào năm 2020.

Cũng theo qui hoạch này, hai khu phố Tây và Ðông sẽ nối liền nhau bằng các cầu đường bộ, cầu dành cho khách bộ hành và đường hầm vượt sông. Dư luận cho rằng qui hoạch trung tâm Sài Gòn được công bố kể trên có thể sẽ làm khuấy động giá cả thị trường bất động sản chút ít, một vài vùng đất có thể nhích giá lên, đặc biệt là khu vực Thủ Thiêm, quận 2. Dẫu vậy, người ta vẫn thấy khó hy vọng vực được một thị trường bất động sản đã đóng băng từ khá lâu, không hứa hẹn tia sáng mong manh nào. 



Khu phố Tây nhìn về phố Ðông. (Hình: báo Dân Trí)

Trong khi đó tại Hà Nội, chính quyền thành phố này cũng đã cho hợp long chiếc cầu dài nhất Hà Nội bắc qua sông Hồng mang tên Nhật Tân. Chiếc cầu này dài 3.7 km, chưa tính đường dẫn vào cầu dài 5.18km, có 8 làn xe, được khởi công từ 5 năm về trước, trị giá 13,626 tỉ đồng, tương đương 690 triệu đô la. Chiếc cầu khi hoàn thành sẽ nối quận Tây Hồ với huyện Ðông Anh, Hà Nội; nối trung tâm thành phố với các khu công nghiệp phía Bắc; rút ngắn khoảng cách từ đường vành đai số 2 đến phi trường Nội Bài.

Báo Tuổi Trẻ cho biết, chiếc cầu được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của phía Việt Nam. Có thể nói, nguồn vốn Việt Nam vay của Nhật Bản thời gian qua gây nhiều tai tiếng, luôn bị truyền thông Nhật Bản soi mói. Ðây là nguồn vốn vay với thuế suất ưu đãi, hoặc không phải trả lãi.


Hợp long cầu Nhật Tân dài nhất Hà Nội. (Hình: báo Tuổi Trẻ)

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy tình trạng thất thoát, lãng phí khi xây dựng các công trình chiến lược từ nguồn vốn vay ODA quá nhiều, khiến Việt Nam luôn lâm vào tình trạng nợ nần. 
(Người Việt)

Vua An Nam

Lời người dịch: Đây là một bài báo cũ trích từ tuần báo Le Monde Illustré [số 1665 ra ngày 23 tháng 2 năm 1889 tại Paris] nhan đề “Le Roi d’Annam” từ trang 118-120 do ký giả Jean Locquart tường thuật về việc người Pháp bắt giữ vua Hàm Nghi và đưa ông sang an trí ở Alger. Tài liệu tuy đơn giản nhưng có đính kèm một số hình ảnh hiếm quí, được vẽ lại và khắc bản vì thời đó sách báo chưa làm được bản kẽm theo lối hiện thời.

Vuahamnghi_1889_LeMonde 1
***

Ông bộ trưởng bộ Hải Quân vừa nhận được tin mới nhất thông báo vua Đồng Khánh nước An Nam đã từ trần ở Huế ngày 27 tháng 1 [năm 1889] sau một cơn bạo bệnh.

Vua Đồng Khánh thọ 25 tuổi, lên kế vị em ông là vua Hàm Nghi ngày 19 tháng 9 năm 1885, người đã được quan phụ chính Thuyết [Tôn Thất] đưa đi khỏi kinh thành sau vụ tấn kích ở Huế ngày mồng 5 tháng 7 năm 1885. Vua Hàm Nghi sau đó bị truất vị đã phải sống một thời gian khó khăn và không chấp nhận những đề nghị thoả hiệp cho đến khi ông bị biệt đội của đại uý Boulangier bắt được. Cũng có tin là ông đã đến Alger và trú ngụ tại một biệt thự ở Mustapha, nơi ông nghe tin về cái chết đột ngột của người kế vị mình.

Tân vương [tức vua Đồng Khánh] được coi là rất thân với người Pháp và để lại một đứa con trai mới lên ba.

Vua-đỒNG-kHÁNH LeMonde 3

Bức điện tín báo tin vua An Nam băng hà cũng cho hay thái hậu mẹ cựu hoàng Hàm Nghi cũng đã chết tại Huế. Việc bắt giữ vua Hàm Nghi cũng đã dập tắt mọi vụ nổi dậy còn tồn tại ở Bắc Kỳ. Người ta nói rằng sau vụ binh biến tháng 7 năm 1885 chống lại thống tướng de Courcy, vua Hàm Nghi đã nhiều lần kêu gọi dân chúng tấn công nhiều lần khác nhau các địa điểm ở Huế và vùng phụ cận.

Nhờ mật báo và tài điều quân của đại uý Boulangier đột kích bắt giữ vua Hàm Nghi nên khu vực này ngày nay mới được trị an. Một buổi chiều binh đội của đại uý được tin là sau khi bị đội lính dõng thiện chiến truy kích liên tục, cựu hoàng lẩn trốn cùng với người tuỳ viên là Than-Tat-Thiep [Tôn Thất Thiệp], con trai cựu phụ chính Thuyết tại một làng hẻo lánh và kín đáo trong rừng núi cao nguyên Giai [?].

Vuahamnghi_1889_LeMonde 2

Binh đoàn của Boulangier liền bao vây nơi nhà vua ở và khi cửa chính bị đạp tung ra thì thấy Thiệp thì đã thức giấc vì tiếng động của vụ tấn công còn vua Hàm Nghi đang ngủ say ở bên cạnh. Cả hai người đều để gươm trần ở bên cạnh và trong tay có khí giới nhưng không chống trả được gì.
Thấy chủ soái thất thế, và để tránh cảnh tủi nhục khi bị bắt đem đi, Thiệp toan đâm chết ông [vua Hàm Nghi], nhưng vì quân Pháp dự tính bắt sống nên lập tức nổ súng hạ gục Thiệp. Sau đó họ chặt đầu Thiệp và đem bêu trên cọc tre ở ngoài chợ Dang-Kha là một nơi sầm uất và còn đang xao động.
Hàm Nghi, từ đó không chống cự gì nữa và theo đoàn quân đến một nơi chính quyền đã định chờ ngày đưa ông đi an trí. Việc này thể theo ý nguyện của vua Đồng Khánh mới qua đời là cựu hoàng phải ra khỏi nước, và Algérie là quốc gia có phong tục và khí hậu thích hợp nhất để tiếp nhận kẻ mới bị bắt.
Vua Hàm Nghi được đưa lên chiến hạm Biên Hoà, do thuyền trưởng Caillard chỉ huy, rời Hải Phòng ngày mồng 7 tháng 12 vừa qua và vào cảng Alger khoảng 3 giờ chiều ngày chủ nhật 13 tháng 1 [1889].
Cựu hoàng đòi cho người nhà của ông được đi theo bao gồm một thông ngôn, một quản gia và người đầu bếp. Hàm Nghi nay đã 19 tuổi có nước da vàng giống như những người đồng chủng khác với đôi mắt tuy hơi nhỏ nhưng sáng và lanh lợi đầy vẻ thông minh.
Lưỡng quyền ông hơi cao tương ứng với khuôn mặt trái soan khá thanh tú. Dáng người nhỏ nhắn còn non nớt và không có râu. Chúng tôi tặng ông một bức chân dung mà bức ảnh này đã rất khó khăn mới có được vì vua Hàm Nghi không chịu chụp hình theo lệnh của viên thống đốc.

Vuahamnghi LeMonde 3

Nhà vua mặc quần dài bằng vải trắng rộng quá khổ trông thấu đôi vớ bằng lụa màu. Ông đi dép bằng da và nhung, trang trí chữ vàng và thêu thùa tỉ mỉ. Khi ở nhà vua Hàm Nghi chỉ mặc áo cánh hay áo dài màu xanh dương, trông tương tự như y phục đàn bà.
Vua Hàm Nghi nay không còn ở khách sạn la Régence là nơi ông tạm trú khi vừa tới Algérie mà được đưa về ngôi biệt thự tráng lệ Pins tại Mustapha gần Alger. Biệt thự này sẽ là cư sở của ông cho đến mãn đời.
Trong nhà ông ở Giai người ta tìm thấy đủ loại giấy tờ trong đó có nhiều ghi chú quan trọng chỉ nơi chôn những của cải của ông trong kinh thành Huế.
Le Monde 4

Ông vua bị bắt không tiếp khách đến thăm và những gì chúng tôi biết được đều qua lòng hảo tâm của viên thông ngôn và vị quản gia. Chúng tôi kèm theo đây một bức hình trung thực của nhà vua và hình toà biệt thự Pins, nơi cư trú của vị hoàng đế nổi loạn bị lưu đày.
Nguyễn Duy Chính dịch
Le Monde Illustré (số 1665 ngày 23 tháng 2, 1998)
Trích lại từ Một góc của tôi
(Tapj chí Phía trước)

Phạm nhân Trại giam K1, Cái Tàu nổi loạn trong đêm


(PL)- Chiều 15-4, một nguồn tin từ Trại giam K1, Cái Tàu (đóng tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cho biết nơi đây vừa xảy ra vụ nhiều phạm nhân nổi loạn.
Gần 600 cảnh sát đã được điều đến trại giam để ổn định trật tự. Trước đó, khoảng 17 giờ ngày 14-4, hàng chục phạm nhân từ các buồng giam của Trại giam K1, Cái Tàu gào thét và đập phá đồ đạc trong buồng giam. Các phạm nhân đưa ra yêu sách không thi hành kỷ luật một phạm nhân tên Mạnh bị phát hiện dùng bồ đà.
Để ổn định trật tự, khoảng 600 cảnh sát từ Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ và Công an tỉnh Cà Mau đã được cử đến trại giam ngay trong đêm. Đến khoảng 0 giờ ngày 15-4, một phạm nhân được đưa đến BV Đa khoa tỉnh Cà Mau để điều trị vết thương ở tay. Hiện cơ quan điều tra Công an tỉnh Cà Mau và VKSND tỉnh đang tiến hành các thủ tục để khởi tố vụ án phạm nhân nổi loạn nói trên. 
(Pháp luật)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét