Thích Thể Thao - Tui ủng hộ tổ chức Asiad
Nhiễu! Và hỗn! Ai cho phép mấy ông bà dân đen dám can gián quan chức thượng cấp?
Còn tui thì tui giơ cả hai tay ủng hộ tổ chức cấy Asiad này. Lý do thì như ri.
Nhất: Việt Nam ta từ xưa tới nay vốn là nước có uy tín cao trên trường
quốc tế, đã đánh thắng mấy đế quốc to, đã trở thành lương tâm thời đại,
nay lại đã vươn lên thoát nghèo, thành quốc gia thu nhập trung bềnh, và
chỉ dăm năm nữa sẽ thành cường cuốc. Nếu tổ chức được cấy Asiad này thì
thêm phần danh giá, dân ta ra nước ngoài càng có quyền tự hào, khỏi phải
cúi cấy mặt xấu hổ vì cấy bọn ra nước ngoài ăn cắp. Nếu bỏ không tổ
chức thì mất mặt với anh em bè bạn quốc tế, đi mô không dám ngẩng lên
dòm. Ông anh Khựa của ta đã chơi cấy Beijing 2008, bà chị Nga thì chơi
cấy Sochi 2014; ta tuy đàn em nhưng có kém chi lắm! Phải mằn cho xứng
đáng với ông anh bà chị chớ!?
Nhị: Theo quan chức cao cấp của cái bộ chủ quản mô đó thì tổ chức chỉ
tốn chừng chăm năm chục chiệu đô ($150 mln). Chiện nhõ! Bao nhiêu việc
khác ít quan trọng hơn mà chánh phủ ta còn chi gấp mấy lần cái nớ ấy
chớ, 150 triệu đô có đáng chi. Mấy cấy Vina (Sin, Lie,…) phá chơi cũng
gấp mấy chục lần chỗ nớ! Còn nữa, chỉ riêng mần cấy trang mạng xã hội
cho thanh niên ta chơi mà thủ tướng còn chi tới 200 triệu đô, thì cái
Asiad ni ngốn như rứa là quá ít à. Mà dù có chi tới hàng chục tỉ đô thì
càng được nhiều công trình để lại hậu Asiad cho dân ta xài chớ sao! Có
mấy ông bà đa nghi và ghen ăn thì cứ lo tiền chui dzô túi mấy vị quan
chức, nhưng theo tui thì các đồng chí nớ có hưởng cũng xứng đáng thôi.
Suốt đời chăm lo hạnh phúc cho dân, các đồng chí ấy giàu và khỏe mạnh
thì dân càng được nhờ chớ răng?
Tam: Asiad vốn là đại hội thể thao. Thể thao thì khỏe. Tổ chức để cho
cái TTTT (tinh thần thể thao) của cả châu lục nó dồn tụ về đây, về xứ
Vina ta, nó thấm vô con người chúng ta. Rồi sau Asiad, dân ta ai cũng
yêu thể thao, ai cũng tập tành ngày một, rồi gần 100 triệu người VN sẽ
toàn là người khỏe mạnh, quý quá đi chớ. Tui nghe trước đây nhiều người
nói không cái chi quý bằng tiền. Giờ nhiều người già ốm yếu mới phát
minh ra không chi quý bằng sức khỏe. Sức khỏe là vốn quý nhất mà.
Tứ: Quý vị có thấy cái hiệu ứng nước chủ nhà không? Bao giờ tổ chức đại
hội thể thao ở nhà mà chẳng được nhiều huy chương vàng. Không chừng ở
Asiad 2019 VN ta được HCV nhiều nhất nhì đó. Nếu rứa thì tốn bao nhiêu
cũng nên chơi. Tui còn đang tính bán nhà để đi Hà Nội xem Asiad đây.
Ngũ: Xưa nay chuyện chi nói ra cũng lắm lý. Lắm thày thúi ma. Riêng tui,
tui chỉ tin cái lý của các đồng chí lãnh đạo. Các đồng chí í là tinh
hoa dân tộc, nói chi cấm có sai. Cứ nom cấy chiện khai thác bô xít đó,
bao nhiêu ông bà phản biện phản bội, nhưng các đồng chí ta cứ quyết khai
thác nên tương lai tha hồ mà thu lãi, mà lại được cấy tình hữu nghị với
ông anh Khựa thêm bền chặt. Nhất cử lưỡng tiện, tiểu cử đại tiện, he
he!
Vậy nên tổ chức cấy Asiad ấy là đúng rồi, bàn cãi chi nữa!
Thích Thể Thao
(Quê choa)
Đăng cai ASIAD: Lộ thói nói dối, nói bừa của một số quan chức
(Kienthuc.net.vn) - Con số 150 triệu USD chỉ là mồi như ban đầu, là
cách nói bừa của một số quan chức Việt. Đến khi quyết làm, chi phí đội
lên, lúc đó đâm lao thì phải theo lao.
Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 vào năm 2019 nếu tổ chức tại
Việt Nam sẽ là cơ hội lớn giúp Việt Nam thu hút đầu tư, khách du lịch,
tạo niềm tin trong khu vực, thế giới. Tuy nhiên, với bối cảnh tình hình
kinh tế Việt Nam đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, dư luận đang
đặt ra câu hỏi có nên tiếp tục đầu tư cho sự kiện này hay không?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản lý
Kinh tế Trung ương cho rằng, con số chi phí đầu tư cho ASIAD 18 là 150
triệu USD (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra) đã bị Bộ Tài chính
nói rằng không chính xác. Chi phí thực tế sẽ đội lên gấp nhiều lần. Bản
thân Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra con số cụ thể là 150 triệu
USD những cũng không biết rằng nguồn vốn này sẽ được huy động từ những
kênh nào. Bộ này còn đưa ra phương án có thể huy động đến 72% vốn là sự
tham gia của xã hội - của các doanh nghiệp. Tất cả những việc này cho
thấy rằng, số tiền chi phí dự định cho ASIAD cho đến bây giờ vẫn chưa
được tính toán một cách nghiêm túc và sát thực.
Con số 150 triệu USD chi phí đầu tư cho việc đăng cai ASIAD 18 được nhiều chuyên gia cho là quá phi thực tế. Ảnh minh họa. |
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng
phòng nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà
Nội, cho rằng, chưa cần tính toán kỹ, chỉ cần nhìn qua cũng có thể biết
con số 150 triệu USD (tương đương 3.100 tỷ đồng) đầu tư cho ASIAD 18 là
không tưởng. Xem qua chi phí của các lần tổ chức ASIAD tại các quốc gia
khác trên thế giới có thể thấy rõ điều đó. Chẳng hạn, Qatar đã chi 2,8
tỷ USD cho ASIAD năm 2006; Trung Quốc bỏ ra gần 20 tỷ USD xây dựng cơ sở
vật chất và tổ chức ASIAD 2010. Tại ASIAD Incheon 2014, Hàn Quốc cũng
đã chi gần 2,9 tỷ USD… Vì ASIAD là Đại hội quy mô cấp châu lục với nhiều
môn thể thao Olympic bắt buộc nên Việt Nam muốn đăng cai cần phải xây
dựng thêm một loạt cơ sở thi đấu mới như sân xe đạp lòng chảo trong nhà,
nhà thi đấu đa năng sức chứa 10.000 chỗ, trường đua ngựa, sân bóng
chày, hockey trên cỏ, bóng bầu dục, trường bắn súng, tổ hợp sân tennis,
làng vận động viên, trung tâm truyền thông… cùng rất nhiều thiết bị phục
vụ tổ chức thi đấu kèm theo. Những hạng mục này hầu hết đều rất đắt
tiền, chẳng hạn môn đua xe đạp lòng chảo trong nhà chỉ tính riêng phần
sân đã 200 triệu USD, nhà thi đấu đa năng 100 triệu USD, làng VĐV với
12.000 người cũng có giá 100 triệu USD…
“Như vậy, con số 150 triệu USD là điều quá phi thực tế. Đây
chỉ là một con số mồi nhử ban đầu, đến khi quyết làm rồi thì chi phí
đội lên, phát sinh ra, có khi gấp 5 gấp 10 lần ban đầu thì lúc đó đâm
lao rồi phải theo lao chứ dừng làm sao được nữa”, Tiến sĩ Phong nhận định.
Giáo sư Nguyễn Mộng Giao, Hiệu phó Đại học Hùng Vương cũng cho
rằng, con số 150 triệu USD là một cách nói dối, trước tiên cứ nói dối,
nói bừa đi để đề án được duyệt, sau đó lúc triển khai nếu phát sinh thì
kiểu gì chả phải bù vào. Cách nói dối này đã thành bệnh của một số quan
chức Việt Nam rồi.
Để đăng cai ASIAD 18, Việt Nam phải xây sân đua xe đạp lòng chảo trong nhà, tốn khoảng hơn 4.000 tỷ đồng (200 triệu USD), hơn cả con số tổng chi phí ước tính cho ASIAD 18 là 150 triệu USD mà Bộ VH-TT-DL đưa ra. |
Nếu tổ chức ASIAD 18 thì chắc chắn mọi khó khăn sẽ đổ lên đầu người
dân, và chỉ có lợi cho một số cá nhân. Sẽ có một nhóm cá nhân được
hưởng lợi rất nhiều từ việc đăng cai ASIAD 18. Không biết họ có nhận
thức được điều này là vô vị, vô nghĩa hay không? Họ biết, nhưng họ sẽ cố
gắng làm bằng được, vì cái lợi ích riêng của họ. Ai cũng biết đất nước
còn nhiều khó khăn, nghèo đói, chúng ta đang cần đầu tư tiền của, công
sức vào rất nhiều thứ khác, chứ không phải chúng ta cần những cái danh
hảo.
Tại Việt Nam, các phúc lợi xã hội hạn chế, nền kinh tế vĩ mô chưa
thoát khỏi giai đoạn khó khăn, hàng nghìn công ty, doanh nghiệp phá sản,
tỷ lệ người nghèo đói, thất nghiệp còn nhiều… Vì thế, riêng với số tiến
dự toán xây cái vòng chảo để đua xe đạp là 4.000 tỷ đồng chỉ để qua
một vài lần sử dụng thì có thể xây được hàng trăm cái bệnh viện, hàng
trăm cây cầu treo, hàng trăm cái trường học ở các vùng nông thôn… Chăm
lo cho đời sống người dân chất lượng hơn là việc làm thiết thực mà Việt
Nam cần nghĩ đến vào lúc này.
Đề án đăng cai ASIAD 18 đã được
Ủy ban Olympic Việt Nam, Tổng cục TDTT lập ra, đưa lên Bộ VH-TT&DL
để xin Chính phủ về mặt chủ trương cho phép Việt Nam nộp đơn lên Hội
đồng Olympic châu Á (OCA) ứng cử quyền tổ chức.
Người chấp bút chủ đạo cho đề án
và “có công” đưa ASIAD 18 về Việt Nam là ông Hoàng Vĩnh Giang – Phó chủ
tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng
Olympic châu Á – OCA. Ngay sau khi Việt Nam được OCA trao quyền đăng cai
ASIAD vào ngày 8/11/2012, báo chí thể thao bắt đầu tiếp cận được nội
dung chi tiết của đề án tổ chức của Bộ VH-TT&DL.
Theo đề án, ASIAD 18 năm 2019
gồm 36 môn thi đấu với khoảng 13.000 VĐV và HLV tham dự. Địa điểm tổ
chức chính là thành phố Hà Nội và 14 tỉnh thành khác như TP HCM, Đà
Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương…
Kế hoạch ban đầu của Đề án không
phải là 150 triệu USD (3.000 tỷ đồng) mà là 5.155 tỷ đồng (255 triệu
USD) và ngân sách nhà nước góp 4.979 tỷ đồng (96%) được Bộ VH-TT&DL
trình sang cho Văn phòng Chính phủ vào đầu năm 2011 để xin đăng cai
ASIAD. Đề án này đã bị Bộ Tài chính có công văn phản hồi và ngày
9/4/2011 cho biết 4.979 tỷ đồng từ ngân sách là “gánh nặng với nhà
nước”.
Vì Bộ tài chính tỏ ý không đồng
tình với việc tổ chức ASIAD bằng ngân sách nhà nước nên Bộ VH-TT&DL
phải viết lại đề án. Đến giữa năm 2012, đề án mới của Bộ VH-T&DL
giảm số kinh phí tổ xuống còn 3.000 tỷ đồng và ngân sách đóng góp 28%,
còn lại 72% là vốn xã hội hóa.
Tỷ lệ vốn xã hội hóa chỉ có 4%
theo đề án ban đầu đã được Bộ VH-TT&DL "thổi" lên thành 72% một
cách ngoạn mục với quyết tâm kéo bằng được ASIAD 18 về Việt Nam.
Minh Hiếu
Lội về hướng không bờ
Truyện ngắn - Đoàn Hữu Hậuảnh minh họa, nguồn Internet |
- Mẹ tổ cha nó, tao nhứt định không bán đó coi tụi bây làm gì được tao. Của ông cha bây để lại sao mà nói cái giống gì tao cũng phải nghe!
Nét giận ai đó vẫn còn lộ rõ trên khuôn mặt già nua nhăn nheo như những gợn sóng trên mặt sông ít gió, duy chỉ có đôi mắt là còn tinh anh, nhanh nhẹn và trong veo khó tìm ở người cao tuổi. Cách đây mấy tiếng đồng hồ có một cuộc tranh luận quyết liệt giữa bà Năm và mười một thành viên của tổ Tám thuộc ấp Bình Phú cũng là tên cái cồn hình thành và phát triển mấy trăm năm nay. Trưởng ấp Ái mở đầu buổi họp bằng một thông tin nóng hổi:
- Thưa bà con, chắc hôm qua tới nay bà con cũng đã có nghe chút ít về cái tin sắp tới có một công ty nuôi cá tra tới cồn chúng ta để mua đất làm hầm nuôi cá xuất khẩu? Hôm nay, họp mặt tất cả bà con trong tổ Tám, những hộ có phần đất liên quan để bà con cho ý kiến vì đây là một vấn đề quan trọng, cần được sự đồng thuận của tập thể! Thông báo thêm là đất chúng ta bán giá cao gấp bốn lần giá trên thị trường. Vì vậy bà con nên cân nhắc kỹ.
Không khí cuộc họp đang trầm lắng bỗng vỡ oà từ sự hấp dẫn của giá đất mà công ty nuôi cá tra đưa ra. Niềm vui tràn trề ánh lên trên từng gương mặt những người nông dân từ trước tới giờ ít khi được nắm trong tay bạc triệu nên họ bị “sốc” ngay khi tưởng tượng tới số tiền lớn mà họ sắp có. Tiền thu huê lợi hàng năm may mắn trúng mùa trúng giá thì dư dả chút đỉnh, còn không, lúa gạo mắm muối đám tiệc … đã ngốn sạch. Mười hai hộ trong tổ thì đã có tới… mười ba hộ nợ ngân hàng vì có thêm hộ ngoài tổ vay ké! Giá trái cây lại năm trồi bảy sụt, lên đó rồi xuống đó nông dân có biết đường nào đâu mà rờ nên cứ săn quần chạy theo phong trào, hết xoài tới mận, hết mận tới ổi, hết ổi tới cam… mệt đứt hơi vậy mà cứ loanh quanh lẩn quẩn như lạc rừng không đường ra. Bây giờ thầm tính, giá đất hiện tại ở thị trường trên dưới bốn chục triệu một công, công ty nuôi cá tra mua giá gấp bốn lần thì người đất ít nhứt trong tổ là ba công hốt gần nửa tỉ bạc hỏi sao không sướng, hỏi sao không phấn chấn cho được. Trưởng ấp Ái lên tiếng ổn định tình hình.
- Bà con im lặng. Hôm nay có đủ mặt đại diện cho mười hai hộ trong tổ Tám, liên quan tới toàn bộ khu đất mà công ty nuôi cá tra muốn mua để đầu tư khai thác, vậy thì chúng ta cho ý kiến thống nhứt luôn để trả lời sớm với công ty và tiến hành làm hợp đồng và đo đất.
Nãy giờ bà Năm Thiểu ngồi ngoái trầu cồm cộp và lắng tai nghe xôn xao bàn tán. Bây giờ tới lượt bà lụm cục thuốc xỉa trong miệng ra tằng hắng rồi lên tiếng.
- Một cục tao cũng không bán! Bán đất mà tụi bây làm như bán ve chai lông vịt không bằng! Bao nhiêu mồ hôi nước mắt đổ xuống mới có được tất đất, chảy máu con mắt mới trồng được cái cây cho huê lợi, vậy mà hể nói bán là bán, chưa kể mồ mả ông bà cha mẹ nằm đó giờ móc lên dời đi không đau xót cho vong linh người chết à?
Những con mắt liếc ngang liếc dọc, những cái môi trề lên trề xuống, những tiếng xì xầm to nhỏ của “phe” thuận bán làm không khí cuộc họp bắt đầu căng thẳng. Trong đó, tỏ thái độ mạnh nhứt là chị Phấn vợ phó Chủ tịch phụ trách khối kinh tế của xã.
- Trời đất, bà Năm có mấy trăm mét vuông đất thì nói vậy chứ tụi con năm bảy công phải tính thiệt hơn chớ bà Năm! Còn chuyện mồ mả hả, dễ ợt, bây giờ nhà lầu người ta còn dời ngờ ngờ chớ đừng nói mấy cái mả đất này.
Bà Năm vẫn giữ một thái độ bình tĩnh của người già từng trải. Bà kéo ống quần chùi qua miệng, giọng chắt nịt.
- Thì tụi bây cứ bán, tao đâu có cản! Còn tao thì một cục đất đổi một cục vàng tao cũng không đổi!
Chị Hai Lẹ làm công tác mặt trận của ấp có dính ba công đất trong số diện tích đất chuẩn bị bán liền cất giọng… “mặt trận”.
- Bà Năm nói vậy là làm khó tụi tui rồi, người ta mua là mua đứt ba chục công đất ở tổ Tám mình chớ ai mua từng miếng, như vậy mới cần sự đồng lòng của mọi người, mới cần sự đoàn kết…
Bà Năm cắt ngang.
- Mà đất của tao, tao không bán đó, làm gì tao? Tụi bây có huỡn thì đi thưa đi, tao hầu!
Bây giờ thì chị Phấn không còn kềm chế được khi quyền lợi bị đụng chạm, mặt chị đanh lại, giọng nói vừa mỉa mai vừa gay gắt.
- Già cả, sống trụi lủi một mình không để cho người ta thương! Bà sợ chết không chỗ chôn hả, qua đất liền tui cho nửa công đất kìa, mặc sức mà nằm! Còn ở đây, có cơ hội bán đất giá cao như vậy mà có mấy trăm mét vuông bà cũng cản trở. Nè, cái mộ đất trong nhà bà có chôn vàng ở dưới hay sao mà bà lo giữ dữ vậy?
Nhiều người đã đặt câu hỏi như vậy trước khi có việc bán đất xảy ra chớ không phải đợi tới bây giờ. Trong ấp, người ta có thể lãng quên bất cứ chuyện gì chỉ riêng cái ngôi mộ đất nằm thừ lừ trong nhà bà Năm Thiểu thì nó chỉ “xả hơi” trong dư luận một lúc rồi lại bùng dậy bằng đủ thứ nghi vấn, những thêu dệt mang màu sắc huyền bí từ miệng các bà các cô nhưng tới nay vẫn còn là một ẩn số. Mà không nghi ngờ sao được, mấy chục năm nay chính những người già trong ấp cũng chưa từng được biết về tiểu sử của ngôi mộ. Chỉ biết là sau giải phóng, thời kỳ vàng thau lẫn lộn, mọi thứ sau chiến tranh còn ngổn ngang lại thêm thù trong giặc ngoài không ai để ý từ lúc nào mà trong nhà bà Năm “mọc” lên ngôi mộ đất. Nó nằm chình ình ra đó một thời gian người ta mới phát hiện. Lúc đó bà Năm cũng bị mời tới mời lui, bị làm tờ trình, bị thẩm vấn đặc biệt nhưng trăm lần như một bà cứ mỗi một câu:
- Mộ của ai không quan trọng, miễn ở dưới đó là người chết là được rồi! Mà tụi bây biết để làm cái gì, có huỡn thì chui xuống đó mà tìm hiểu!
Nhiều lần như vậy, chính quyền địa phương cũng nãn lòng, hơn nữa, ngôi mộ cũng không có dấu hiệu “đe doạ” an ninh chính trị ở địa phương ngoài cái vị trí không bình thường của nó. Nhưng từ đó, dư luận thỉnh thoảng lại nóng lên bằng những đồn thổi ly kỳ. Có người quả quyết rằng từng “thấy” một người đàn ông mặt bê bết máu ngồi trên ngôi mộ đất cười rủ rượi còn bà Năm thì quì dưới chân khóc thảm thiết. Người khác thì khẳng định cứ tới ngày mười ba âm lịch hàng tháng cỡ mười hai giờ đêm sẽ có một quầng sáng xanh bằng cái mâm bay vòng vòng quanh ngôi mộ đất. Những tin đồn khiến cho ngôi nhà bà Năm vốn lạnh lẽo vì đơn độc càng thêm u tịch. Dư luận nóng lạnh bất thường bà Năm không hơi đâu mà để ý nên riết rồi chỉ những lúc thiên hạ ngứa miệng như lúc này đây mới đem ra mổ xẻ.
- Thôi dẹp, tụi bây đừng diễn cái trò khiêu khích cũ xì đó nữa, có giỏi tụi bây thuốc cho tao chết đi rồi làm gì thì làm.
Thấy tình hình căng thẳng và có nguy cơ bùng nổ một cuộc cãi vả lớn, trưởng ấp Ái lên tiếng giải hoà.
- Bà con lưu ý, đây chỉ là cuộc họp sơ bộ, chưa phải là quyết định cuối cùng và có nhiều điều còn cân nhắc trước khi trả lời dứt khoát cho công ty nuôi cá tra. Tuy nhiên, qua cuộc họp cũng cho thấy gần một trăm phần trăm bà con trong tổ đã thống nhứt, chỉ còn một chút khó khăn nhỏ, Ban nhân dân ấp sẽ có biện pháp sau. Vậy nghen, cuộc họp tới đây là kết thúc và “thành công tốt đẹp”, riêng cô Phấn với cô Lẹ ở lại tôi bàn chút chuyện.
Và ở trụ sở ấp đang có một kế hoạch bí mật giữa ba người không được tiết lộ.
* * *
Bà Năm Thiểu chống gậy đi dọc theo con đường mòn ra phía mé sông. Đối với bà, cái cồn này chỉ bằng cái bàn tay nên bà thuộc làu lạo từng ngóc ngách như ở nhà bà. Chỉ cần nói một vị trí nào đó ở cồn bà sẽ kể vanh vách ngày xưa chỗ đó ra sao không thiếu một chi tiết. Trước giải phóng thì bà chỉ quanh quẫn ở khu vực mình ở. Sau đó, nghề bán bánh dạo tạo điều kiện cho bà có dịp giẫm nát chân trên đất cồn. Dòm lại, ở cồn hiện nay chỉ còn mình bà là mua tấm vé tới cuộc đời này, chơi riết mà không chịu “khư hồi”! Và người có gốc gác chính thức của cồn còn lại cũng không mấy ai. Đa số là người ở đất liền qua cồn mua đất rồi dần dà định cư luôn ở đây. Một số khác mệnh danh “khai thác”, “bảo tồn”… rồi chiếm dụng làm của riêng trong thời kỳ đất đai bị dồn cục với danh nghĩa tập đoàn để một số người có chức vụ ăn xén ăn bớt của dân rồi hợp thức hoá bằng những thuật ngữ mĩ miều. Vì vậy, khu đất ở tổ Tám chỉ có ba căn nhà định cư lâu năm và vài cái mộ đất chôn người nhà của họ. Còn lại là những căn chòi giữ vườn của người bên đất liền có đất ở đây để họ qua lại chăm nom vườn tược.
Con đường từ nhà bà Năm ra mé sông Cái hơn trăm mét và ngày nào bà cũng chống gậy ra đó ngồi nhìn nước chảy, nhìn khách thương hồ ngược xuôi kiếm sống, nhìn những giề lục bình trôi vô định trên sông… Đặc biệt là bà thích ngồi nhìn hoàng hôn tắt nhè nhẹ bên những đụn khói màu xám tro từ những cái ống khói lò gạch phía bên kia sông. Nhưng hôm nay thì bà Năm không ngồi quay ra ngoài sông để ngắm cảnh chiều tàn mà bà ngồi quay ngược vô bờ. Bà lấy gậy gỏ gỏ xuống bờ đê có hàng so đũa trồng dài theo triền đê trổ bông trắng hếu gợi nhớ mùa cá linh non đang về. Bà nhìn con đường mòn bà lui tới hàng ngày hôm nay sao bỗng dưng nó buồn thăm thẳm. Cây ô môi già ven đường mỗi năm tới tháng giêng, tháng hai rụng trụi lá một lần để trổ bông, những chùm bông màu hồng phấn đẹp một cách hoang dại thường không được người đời để ý vì nó không kiêu sa, lãng mạn, không có hương thơm tinh tế, quyến rũ. Cây ô môi này trước đây nó nằm trên một khu đất gò thơi lơi giữa đồng khi cồn còn là ruộng lúa. Là nơi người dân làm đồng đụt mát tạm bợ những lúc nghỉ tay cơm nước. Là nơi đám trẻ chăn trâu bày đủ những trò chơi dân dã để chống lại chuỗi thời gian dài buồn tẻ của kiếp mục đồng nắng mưa nhầy nhụa chốn cồn bãi cheo leo rồi nằm ngữa cổ trên cỏ nghêu ngao: “ Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ…”. Nó còn là nơi nhiều cặp trai gái hẹn hò trong những mùa trăng yên ả thanh bình, những thề non hẹn biển, những dâng hiến ngọt ngào của tuổi trẻ cuồn cuộn sức sống. Trong giai đoạn đất đai gần được “cởi trói”, thời điểm giành giựt quyết liệt giữa bảo thủ và tự do, giữa lạc hậu và phát triển một số người liều lĩnh phá ruộng lên liếp trồng cây ăn trái, bà Năm đấu tranh dữ dội để cây ô môi được tồn tại.
- Tụi bây làm gì thì làm nhưng cũng phải chừa lại một chút dấu tích cổ xưa để người già như tụi tao có chỗ mà hoài niệm chớ!
Vậy là người ta không nỡ tước đoạt niềm vui nho nhỏ của người già nên cây ô môi cổ thụ tiếp tục thăng trầm cùng người dân đất cồn.
Trên con đường mòn từ nhà bà Năm ra mé sông còn có một hàng trâm bầu mùa này qua mùa khác đứng vững chải qua bão giông, có những gốc mai hoang già nua sù sì và cây xoài thanh ca lâu năm tàn lá che mát một khu vực. Ở đó còn có một người con gái đi qua chiến tranh bằng cuộc tình thấm đẫm nước mắt, có gặp gỡ và chia tay, có hận thù và yêu thương và có cả những trắc ẩn đời người mãi mãi bị vùi chôn trong lòng đất.
* * *
Nàng sống một mình trong căn chòi lá gần sông Cái, bao quanh là một bãi bồi với những hàng bần được trồng để giữ đất phù sa. Khu đất này được ông bá hộ Quế mua lại của chủ cồn với giá rẽ mạt. Nàng là đứa con nuôi mà ông bá hộ mua của một người đàn bà cùn khổ nào đó bằng mấy đồng bạc lẻ lúc nàng mới bốn tuổi. Nhưng hai tiếng “con nuôi” cũng chỉ là thứ nguỵ trang để gia đình lão bá hộ che mắt bàn dân thiên hạ chớ thực chất nàng là con ở loại một không hơn không kém. Nàng lớn lên bằng đòn roi miệt thị và những nhọc nhằn trên thân thể bị bòn vét cạn kiệt bởi đám người có phần “con” chiếm ưu thế trong mình! Và nàng lây lất sống, học lóm đám trẻ chăn trâu được vài chữ để “hộ thân” sau này! Rồi nàng dậy thì và nàng trở thành thiếu nữ, một thiếu nữ gầy gò có đôi mắt thẳm sâu nỗi buồn thân phận. Mười bảy tuổi, nàng được ông bá hộ đưa ra cồn để giữ và tôn tạo khu bãi bồi ông mới mua. Ông cất cho nàng một cái chòi, mỗi tuần ông chèo xuồng qua cồn một lần để đem gạo và thức ăn khô cho nàng và chủ yếu là thăm chừng coi nàng có làm hết phần việc ông giao không rồi đem một mớ đồ rẫy nàng trồng về đất liền bán. Một cái cồn với mấy chục ngôi nhà, từ nhà này tới nhà kia hàng cây số nên nàng chỉ lủi thủi với đất, với nước, với tuổi xuân phơi phới, với khát vọng bản năng lòi ra trong mắt, trong môi, trong từng đường nét con gái những đêm nàng nằm trằn trọc thao thức một mình. Lúc nàng bước vào tuổi mười chín, một lần, ông bá hộ chèo xuồng qua cồn khi nàng vừa từ dưới sông lên. Bộ đồ bà ba thấm nước ép sát vào từng đường cong lồ lộ trên cơ thể nàng. Bá hộ Quế nhìn nàng từ đầu tới chân, đôi mắt ông từ ngạc nhiên chuyển dần sang thất thần rồi dại đi. Ông lão ở tuổi thất tuần khi dục vọng trổi dậy nhìn thật đáng sợ. Từng thớ cơ trên đôi gò má nhăn nheo giựt giựt; đôi môi không kèm chế được cứ há hốc ra cùng vài giọt nước trên khoé miệng kịp tém vô bằng cái chót lưỡi có nhiều bợn trắng. Rồi lão chồm tới thều thào.
- Năm… Năm đẹp quá, vậy mà bấy lâu “qua” không để ý.
Phản xạ tự nhiên, nàng lùi lại, đôi tay đánh chéo trước đùi, cặp mắt to tròn nhìn cái đống thịt đang run bây bẩy. Mới đầu thì nàng sợ, rất sợ, nỗi sợ của hầu hết những con mồi bé nhỏ, yếu thế trước những ác vật đang giương nanh đe doạ. Sau cơn khủng hoảng, nàng bắt đầu tò mò, nàng nhìn chòng chọc lại bá hộ Quế, nhìn khắp thân thể ông để ngạc nhiên về cái khối cơ thể khác giới sao không đầy đặn bung nở từng phần lúc gần đàn bà như nàng từng nằm mơ. Rồi bá hộ Quế tràn tới như lũ, lão bấu nàng, dìm nàng bằng chút sức lực ráng gượng còn lại của thằng đàn ông nhiều tuổi. Nàng giẫy giụa chống đở một cách tính toán với tâm trạng vừa sợ vừa tò mò, chịu đựng nhưng luôn ở trong tâm thế phản kháng, quật ngã lão bất cứ lúc nào. Và lão bá hộ trườn trên mình nàng với những cái lắc mình thiếu lực của nột ông già gần đất xa trời. Hai phút… Ba phút… Bốn phút… Chẳng có gì xảy ra cả với nàng và với lão. Nàng dồn hết lực vào đôi tay tống lão sang một bên vùng bỏ chạy và phát hiện cả lão và nàng đều vẫn còn giữ nguyên quần áo. Lão bá hộ Quế trơ mắt nhìn theo nàng uất ức, tuyệt vọng của kẻ đau họng mãn tính ngậm trong miệng miếng mồi ngon mà nuốt không được.
Lão bá hộ còn trườn trên mình nàng vài lần nữa bằng dụ dỗ lẫn đe doạ nhưng mấy lần sau này nàng đã hết sợ vì chẳng có gì xảy ra hay nếu xảy ra thì chỉ có ở nàng. Bởi, khối thịt di động uể oải trên người nàng lúc bấy giờ được tưởng tượng là một thân thể tráng kiện hừng hực sức sống, là một gương mặt chữ điền với đôi mày rặm cùng mái tóc quăn phong trần. Ảo giác tạo cho nàng niềm vui sống trong nỗi đau thân phận và sự hẩm hiu cô quạnh của cô gái đương thì khát thèm bản năng nhưng buộc phải sống tách biệt với thế giới bên ngoài vì mọn hèn giai cấp.
Rồi một biến cố xảy ra làm thay đổi thân phận nàng nhanh như trong phim. Một quả bom rơi trúng nhà lão bá hộ Quế lúc nửa đêm, hai vợ chồng và một mớ gia nhân thân cận được ngủ trong nhà chết không kịp chớp mắt. Không biết bọn giặc khoanh vùng, canh toạ độ cách nào mà thay vì mục tiêu tiêu diệt của chúng là khu vườn hoang cách đó mấy trăm mét, nơi được nghi là chỗ “núp lùm” của mấy ông cộng sản lại nhè nhà lão bá hộ mà thảy bom vào. Người con trai duy nhứt của lão đang đi du học ở nước ngoài bay về cấp tốc để lo hậu sự cho cha mẹ nhưng tất cả đã muộn mằn, ông bà đã được cải tán. Hai vợ chồng lão bá hộ giàu có là vậy nhưng khi chết không có được một chiếc khăn tang đưa tiễn. Nàng tội nghiệp lão định xin quấn cho lão một miếng vải trắng vì dẫu sao nàng cũng với danh nghĩa là con nuôi nhưng người trong họ hàng của lão gạt ngang, thì thôi, chút ơn huệ của kẻ mạt hạng giành cho người chết giàu có không được toại nguyện thì không biết nên buồn cho ai bây giờ? Qua đám, người con lão bá hộ bán tống bán tháo tài sản của cha mẹ để lại, ôm tiền vàng bay khỏi cái xứ sở chinh chiến triền miên để ảo tưởng tự do đâu đó trên quả địa cầu này. Anh ta cũng nghe phong phanh về miếng đất ở cồn nhưng mớ cồn bãi đó chỉ như cái mụn cưa so với số tài sản của một gia đình bá hộ nên anh ta phủi tay cái rẹt.
- Đất đó bây giờ ai giữ thì cho người đó luôn đi, cồn bãi không mà bán được mấy hào!
Và nàng được giải phóng, được sở hữu mớ tài sản thừa thải mà con ông bá hộ đã liệng đi như liệng một cọng rác. Mới thấy, chiến tranh có khi là kẻ thù của người này nhưng lại là ân nhân của người khác! Nàng thoát kiếp nô lệ bằng chính sản phẩm của chiến tranh nhưng lại tiếp tục trầm luân bởi những diễn biến khác của số phận.
*
Không còn những lần bị khối thịt sù sì trườn trên mình một cách nhục nhã, ê chề nhưng ảo giác thì đêm đêm vẫn quay về tràn trề trên thân thể nàng. Ban ngày nàng hì hục móc đất be bờ, đắp đầu này, cơi đầu kia, một mình lẳng lặng xây dựng cho mình một cõi tự do. Đêm đêm nàng nằm mơ về một gia đình nhỏ, một người đàn ông đảm đang gánh vác gia đình và cho nàng những vòng tay ấm áp, vài đứa trẻ bi bô, đùa giỡn vào những buổi hoàng hôn yên bình. Nhưng nàng nghe nói có chiến tranh, có “đánh lộn” nhau đâu đó, có nhiều người đàn ông đứng về hai phía chỉa súng vào nhau nhắm mắt bóp cò bằng phản xạ tồn vong hơn là nóng máu hận thù đồng loại. Trong những nguời đàn ông ngã xuống của cả hai phía đó có thân hình và khuôn mặt nào nàng từng mơ tưởng, có đôi tay nồng nàn, rắn rỏi, tham lam nào từng đưa nàng thăng hoa thể xác? Không biết, nhưng nàng vẫn tiếc rẻ, vẫn bị ám ảnh mỗi khi về đất liền nghe người ta nói về chiến trận, về những cái chết vô lý được bảo hộ bằng các ngôn từ sáo rỗng, hoa hoè; những người phụ nữ mất chồng không dám ước mơ một lần nữa làm đàn bà vì sợ chiền tranh lại cướp mất người đàn ông của họ hoặc, cũng có thể là đạo đức truyền thống ngàn đời đè lên đầu họ nên họ cam chịu bẽ bàng thân xác mà không dám kêu than. Rảnh rang, nàng đi mò cua bắt cá về bán rồi mua tương mắm dự trữ còn đồ ăn thì ốc hến qua ngày. Mỗi tuần nàng cắt đổ rẫy một lần đem về đất liền đổi gạo.
Cứ vậy, cuộc sống tẻ nhạt, buồn tênh trôi đi theo ngày tháng. Nàng lầm lũi vun bồi cho mình một khoảng trời riêng không mùa. Một mẫu đất bãi bồi bằng sự lao động miệt mài cật lực của nàng cả ngày lẫn đêm trong năm năm đã thành hình hài. Nàng mướn người ta gieo mạ trồng lúa. Nàng hì hục với đồng ruộng để quên đi nỗi cô đơn cứ theo đêm mà hành hạ nàng. Rồi anh đến. Đến như lũ cuốn, đến như mưa Nam, đột ngôt, mạnh mẽ, dữ dội. Đêm đó, một đêm mưa tầm tã, anh xuất hiện trước cửa chòi nàng với thân hình ướt sủng. Nàng nhìn anh trân trân và có cảm giác nàng đã gặp anh đâu đó hay chí ít là đã thấy thân hình vạm vỡ này ở đâu rồi? Ừ, có thể là trong những giấc mơ! Và cảm giác lo sợ lẫn tò mò lại lẻn vào người nàng, rọ rạy trong nàng. Nàng đưa cho anh cái khăn lau mình. Anh nhìn nàng bằng đôi mắt không có dấu hiệu đe doạ và nói với nàng rằng nàng đừng sợ, anh là một chiến binh thua trận kịp cởi bộ đồ thường dân của một xác chết để thay rồi từ đất liền ôm chuối lội qua đây để lánh nạn. Nàng hỏi, anh là người phía nào? Anh nói, anh là người Việt Nam. Nàng hỏi, sao ôm súng đánh đấm làm chi cho cực vậy? Anh nói, bởi còn có tham vọng là còn có chiến tranh. Nàng lắc đầu không hiểu. Anh kể hai năm rồi anh ở trong vòng chiến, đánh nhau quyết liệt, sanh tử. Thỉnh thoảng trong lúc hành quân anh có loáng thoáng nhìn thấy phụ nữ xa xa và lúc đó chỉ cần có một làn gió phớt qua hất nhẹ tà áo bà ba lộ ra chút thịt da trắng ngần là ông Trời đã ban cho tụi anh một món quà xa xỉ! Nàng hỏi, sao không bỏ mà về cưới vợ, sinh con sống chi một cuộc đời khổ hạnh như vậy? Anh cười gằn, thứ nụ cười chua chát hơn khóc. Phải chi anh có quyền quyết định số phận mình thì ngay bây giờ anh sẽ quì xuống xin nàng cho anh được một lần làm đàn ông, một lần thôi để rủi anh có tử trận thì còn mang theo mùi vị đàn bà xuống âm phủ mà không hổ thẹn với những người cùng phái. Nàng nói nàng tội nghiệp anh cũng như tội nghiệp nàng dù nàng chưa biết anh đau khổ vì chuyện gì.
Đêm dần tàn, hai chiếc bóng ngồi đối diện nhau trong căn chòi nhỏ với cái đèn dầu cứ rung rinh theo gió. Ngoài trời, những hột mưa sót rỉ rả rớt trên mái lá cùng những ánh chớp muộn loé lên sáng nhợt nhạt trước khi những âm thanh rền rả dội xa xôi từ phía chân trời. Hai người ngồi im lặng thiệt lâu bằng gương mặt mất ngủ đâm chiêu đắn đo suy tính. Thình lình, họ cùng bật dậy chồm vào nhau. Anh run rẩy quấn lấy nàng xiết chặt bằng sự bung vỡ của thèm khát bị dồn nén từ lâu. Còn nàng, nàng tì mình vào anh chờ đợi và quờ đôi tay tìm kiếm. không có? Không có! Lão bá hộ Quế thì có cũng như không còn anh thì không có, không có… Đột nhiên anh xô nàng ra quị xuống nền đất khóc tức tưởi. Ngoài trời, hừng đông ảm đạm dần ló dạng cùng những đám mây mưa báo hiệu có thêm một ngày buồn bã.
Buổi trưa, tạnh mưa, nàng bơi xuồng đưa anh qua sông để trở về với cuộc chiến mà anh buộc phải theo nó nếu như anh không có can đảm tự huỷ hoại mình. Anh nói, anh sẽ ở lại cùng nàng, làm người đàn ông cho nàng nếu như… Và trên xuồng, anh kể cho nàng nghe một câu chuyện buồn nhưng bảo nàng đừng khóc, hãy để anh khóc. Câu chuyện về một người lính, trong một trận đánh anh ta bị trúng đạn và ngất xỉu. Khi tỉnh lại, anh ta nghe người ê ẩm nhứt là vùng dưới bụng. Người bác sĩ quân y nhìn anh ta với ánh mắt lo lắng lẫn thương hại. Ban đầu, anh ta thấy tay chân mặt mày mình còn nguyên vẹn, chỉ xây xát chút đỉnh, anh ta rất mừng. Nhưng rồi bằng linh cảm từ cái nhìn e dè của vị bác sĩ, anh ta đưa tay xuống dưới bụng… Trời ơi! Anh ta khóc rống lên tung người dậy đau nỗi đau thể xác thì ít mà quằn quại, hổn loạn với nỗi đau tinh thần thì khủng khiếp vô cùng. Người bác sĩ quân y nói đã nghĩ đủ cách để giữ lại phần đàn ông cho anh ta nhưng không được, đành chịu! Anh ta giẫy giụa mấy tiếng đồng hồ ở khu chăm sóc đặc biệt, mắng nhiếc chiến tranh và chưởi rủa số phận. Sau khi bình tỉnh trở lại, anh ta nắm tay vị bác sĩ thều thào van nài.
- Có điều này tôi mong bác sĩ giúp tôi, đừng báo cáo tình trạng của tôi lên cấp trên và cũng đừng cho ai biết tôi…
Anh ta bỏ lửng câu nói khóc tấm tức. Cũng may, vị bác sĩ chưa kịp báo lên cấp trên, còn không cho ai biết thì cô y tá chung ca trực với vị bác sĩ đã nghẹn ngào dùm anh ta rồi. Có lẽ không cần dặn, cô ta cũng không rò rỉ với ai vì cô thừa hiểu đó là nỗi đau cực lớn của một người đàn ông. Anh ta sụt sùi với vị bác sĩ.
- Cuộc đời tôi vậy là hết! Bây giờ lãnh đạo mà biết, thảy tôi trở lại đời thường thì tốt hơn là nẻ vào đầu tôi một viên đạn chứ sống làm gì khi người đàn ông trong tôi bị chiến tranh cướp mất! Hãy để tôi ở lại với cuộc chiến này, hãy để cho chiến tranh trả nợ cho chiến tranh. Và, - anh nói với nàng khi xuồng gần cặp bến đất liền – em đừng hỏi tôi ở phía nào, trong cuộc chiến này, phía nào cũng có nỗi đau riêng của nó, có điều, tôi nghi rằng mình sẽ không có mặt trong đoàn quân chiến thắng!
Anh lên bờ nhìn sơ nàng một cái rồi bỏ đi như chạy và nhanh chóng mất hút sau luỹ tre sơ xác bởi cơn mưa dầm đêm qua. Còn nàng, nàng ngồi bó gối gục đầu lên đó đôi vai run nhẹ từng hồi. Nàng khóc. Trong ngữ cảnh này không biết nàng khóc cho ai? Khóc cho nàng hay khóc cho anh? Khóc cho những bi kịch cuộc đời do chiến tranh đẻ ra hay khóc cho số phận nghiệt ngã bị ông Trời “chọi” ngẫu nhiên vào loài người, ai xấu số trúng phải thì gục đầu chấp nhận chứ không được kêu than? Gió trên sông Cái lùa ầm ào vào bờ, những đợt sóng quăng quật vào nhau tung bọt trắng xoá đe doạ một cánh chim đơn độc đang chao luyện mỏng manh trên nền trời u ám như cứ muốn rơi xuống dòng nước đục ngầu đang cuồn cuộn chảy.
* * *
Bà Năm Thiểu ngồi trước mặt hai người phụ nữ mặt hầm hầm thỉnh thoảng đưa mắt dòm bà Năm lom lom chờ đợi. Bà thản nhiên nhai trầu không thèm để ý thái độ của họ làm cho họ càng thêm tức tối. Chị Phấn vợ ông phó chủ tịch xã không còn đủ nhẫn nại để im lặng, chị tằng hắng mấy lần rồi buông giọng nặng nề.
- Sao bà Năm? Tụi tui tính vậy là đã hết sức nhượng bộ rồi, người ta bán có một trăm sáu chục triệu một công, bà có bảy trăm mét vuông mà công ty trả một trăm năm chục triệu còn đòi gì nữa, bà còn đợi ủy ban ra quyết định mới chịu sao, lúc đó bà thiệt thòi thì đừng có trách à nghen!
Bà Năm liếc xéo chị phấn.
- Đất của ông nội bây để lại sao mà tao bán bây phải ra quyết định? Tưởng tụi bây nói sao chớ lên giọng cà chớn vậy, tao để đó không bán coi tụi bây làm gì được tao!
Chị Hai lẹ cán bộ Mặt trận ấp nãy giờ lim dim mắt nghĩ ngợi, tính toán bây giờ mới lên tiếng.
- Đứng về mặt chủ trương mà nói, việc công ty nuôi cá tra quyết định đầu tư vào cồn chúng ta là mang nhiều lợi ích về cho người dân ấp mình, là cơ hội cho ấp ta “nâng lên tầm cao mới!”. Đứng về mặt…
Bà Năm phun phẹp một miếng bã trầu vào lon sữa bò nói mà không nhìn hai người phụ nữ.
- Thôi dẹp! Đừng có ở đây mà chính trị, mười trị với tao. Từ nhỏ tới lớn tụi bây có rờ vô cục đất nào đâu mà thương tiếc, mà đứt ruột! Tụi bây chỉ sẵn ổ đẻ chớ biết cực khổ, trần thân cỡ nào mới có được một tất đất không? Tao già cả rồi một nhúm đất chôn thây lúc cuối đời cũng phải do tụi bây “quyết định” nữa hả?
Hai người đàn bà nhìn nhau mặt sầm xuống là dấu hiệu của một cuộc cãi vã lớn sắp nổ ra. Chị Phấn cầm cái nón lá liệng mạnh xuống đất, đôi mắt long lên giận dữ.
- Bà thương đất lắm mà tại sao thời chiến tranh bán lần bán hồi hết trơn đất vậy? Ai không biết bà không chịu bán đất vì cái mộ trong nhà bà, tài sản lớn gì ở trỏng thì đào lên lấy đi rồi buông miếng đất ra cho tụi này nhờ. Nè, bà đừng tưởng chôn sâu ở dưới thì người ta không biết trong đó chứa cái gì nghen!
Sự điềm tỉnh của người già đã mất dần trên khuôn mặt bà Năm thay vào đó là một đôi mắt ngân ngấn nước và đôi môi run rẫy không kèm nén của sự uất ức không bày tỏ được. Cái thân thể teo gầy đó như có thể đổ sụm xuống bất cứ lúc nào. Hai người phụ nữ bỏ về sau khi chị Hai Lẹ kịp bỏ lại một câu “dân vận”.
- Bà Năm suy nghĩ kỹ nghen. Ở đời mình phải vì mọi người chớ, cũng như thiểu số phải phục tùng đa số, vậy mới là một công dân gương mẫu!
Bà Năm nuốt ngược nước mắt vào trong chống gậy men theo con đường mòn ra ngồi dưới tàng cây ô môi già. Không biết đã bao nhiêu lần rồi bà ra ngồi dưới gốc ô môi để hoài niệm, để nhìn những cái bóng nắng dưới tàng cây ô môi lùi dần về phía ngược chiều mặt trời cho đến khi nó mờ nhạt rồi tắt ngúm. Ngày mai sẽ cũng lập lại cái qui luật đó nhưng với bà thì nó sẽ khác hơn vì mỗi ngày những cái bóng nắng ấy sẽ lệch đi một cự li không dễ mà bắt gặp. Chiều trên đất cồn thỉnh thoảng trổi lên những âm thanh hoang dại như tiếng con bìm bịp, tiếng cu gù hay một tiếng gà cục tác nghe buồn nẫu ruột. Khu đất này ít nhà vì đa số chủ đất đều ở đất liền nên xa xa mới có một cái chòi giữ vườn nằm ẩn khuất trong các vườn cây ăn trái rặm rịt. Cây ô môi này ngày xưa là ranh giới giữa miếng đất cồn đã định hình mấy trăm năm trước và khu vực bãi bồi non trẻ sau này. Là nơi chứng kiến một mối tình đẹp, trong sáng chứ không phải đam mê dục vọng thường tình của bản năng con người.
*
Rồi chiến tranh tràn từ đất liền qua cồn nhưng ở đây không quyết liệt lắm bởi nó vốn không có gì để cho người ta giành giựt! Lâu lâu cũng nghe có súng nổ lai rai, chắc là tình cờ đụng nhau giữa hai nhóm người đối địch trùng hợp cùng chọn cồn làm nơi dừng chân chốc lát. Cuộc sống nửa yên bình nửa chiến tranh trên đất cồn cứ trôi qua một cách nhạt nhẽo thì một hôm nàng đang giặm lúa bỗng ngẩng dậy dõi mắt tìm bởi linh cảm có ai đó đang nhìn mình. Quả vậy, một gương mặt sạm nắng, nét hào hoa trong đôi mắt sâu thẳm và chiếc mũi thẳng cao làm nàng bị “choáng” ngay cái nhìn đầu tiên. Anh đứng dưới tàng cây ô môi miệng cười cười bí ẩn. Nàng chợt nhìn lại mình, quần áo phong phanh, đầu tóc rối bù dơ bẩn, nàng tuyệt nhiên không tìm được chút quyến rũ nào trên người để mong người đối diện để ý. Và nàng lại càng xót xa khi nhận ra thêm một điều: nàng đã già, một “mụ già” chuẩn bị bước vào ngưởng ba mươi tuổi cằn cỗi với mưa nắng, nhăn nheo với gió sương và teo tóp vì những đêm cong mình chịu đựng ảo giác hành hạ. Người đàn ông vẫn đứng dưới tàng ô môi nhìn nàng đăm đắm. Nàng liều lĩnh.
- Nè, chưa từng thấy một “bà già” giặm lúa bao giờ sao? Tưởng đàn ông trên đời này đi tu hết rồi sao còn lọt lại một người? Đàn bà sinh ra là để đàn ông dòm thôi à?
Người đàn ông lại tủm tỉm cười, nụ cười chân thành kèm theo một chút lí lắc của người biết đùa.
- Không, chỉ là không ngờ trên đời lại có một “bà già” vừa đẹp vừa giỏi giang như vậy!
- Ê, dê tôi hả cha nội, đừng để tôi… mừng hụt nghen!
Lâu rồi nàng mới trực tiếp nói chuyện với một người đàn ông, còn lại hầu hết là những người đàn bà ở chợ mỗi lần nàng qua đất liền bán tôm cá hay đồ rẫy. Thật ra, không phải nàng không đẹp mà là nàng không có dịp để làm đẹp cũng như không nhận ra mình đẹp. Sau hai lần bị làm đàn bà hụt, thân hình nàng ngày càng nẫy nở, mắt môi thêm quyến rũ nhưng ở cái cồn thơi lơi này nàng không biết làm đẹp cho ai nhìn nên đêm đêm chỉ trang điểm qua loa để “khoe” với những người đàn ông trong tưởng tượng, để mình có chút hương sắc trong những giấc mơ lúc nào cũng nửa chừng vụt tỉnh dậy trong nuối tiếc, đớn đau, tức tưởi… Nhìn kỹ, nàng đẹp, nét đẹp buồn của những ngày tàn thu như nàng dễ làm người đối diện ngẩn ngơ, xa xót. Đứng trước nàng, phải nhìn thật lâu mới thấy nàng đẹp, một nét đẹp tiềm ẩn sự bùng nổ nếu vô tình chạm vào. Người đàn ông hỏi nàng qua loa mấy câu nữa rồi bỏ đi không hẹn hò nhưng bâng quơ bóng gió.
- Không biết mai mốt trở lại có còn “bà già” nào giặm lúa không ta?
Nàng cũng thừa cơ hội gợi lòng.
- Lúa còn xanh anh không “nhìn” để mai mốt lúa chín vàng mới trở lại người ta cắt mất có tiếc thì đã muộn rồi nghen!
Người đàn ông đã khuất sau mảnh vườn hoang phía chân đồng nhưng nàng vẫn nhìn vói theo giận dỗi, hờn mát vu vơ. Sao ác vậy? Sao không ào vào như bão với người ta như người đàn ông trước? Sao chỉ ném cho người ta chút hy vọng rồi lạnh lùng bỏ đi? Hay là mình đã già? Hay là mình xấu ghê xấu gớm? Những câu hỏi cứ chập chờn trong đầu nàng suốt mấy ngày liền cho tới khi người đàn ông đó quay trở lại. Anh quay trở lại vào một đêm trăng. Anh nói với nàng là hãy ra ngoài tàng cây ô môi ngồi hóng gió. Nàng đi theo anh như bị thôi miên. Con đê đêm sương xuống ướt lạnh trên cỏ mềm. Trăng mười ba rải xuống cánh đồng thứ ánh sáng vàng nhạt hư ảo lồng vào bản “giao hưởng” của đám côn trùng làm cho đêm trên đất cồn càng thêm huyền diệu. Anh chọn một rễ cây ô môi nhô lên trên đất gò ăn dài ra bờ ruộng ra hiệu cho nàng ngồi xuống. Nàng co ro ngồi xuống với hàng loạt xáo trộn xảy ra trong đầu. Ý thức đạo đức truyền thống đấu tranh với bản năng của người phụ nữ xấp xỉ ba mươi tuổi gần đàn ông hai lần nhưng chưa trở thành đàn bà. Ý thức về sự trinh nguyên giành dụm cho người đàn ông duy nhất trong đời đấu tranh với một thân thể đang khát khô khi kề bên là một “diêm quẹt” đang ở trạng thái chuẩn bị châm lửa. Nhưng mọi chuyện vẫn bình thường khi anh cứ im lặng ngồi nhìn đêm trôi dưới bầu trời đầy trăng, đầy sao và những cơn gió lững thững qua đồng. Lâu lắm, khi con trăng leo lên tới tàng cây ô môi anh mới bắt đầu lên tiếng, rất nhỏ rằng anh là người của một tổ chức gì đó đang chống lại đám người của một đất nước xa lạ có nhiều loại vũ khí giết người tới định cướp nước mình, biến mình thành nô lệ của chúng. Rằng, những người như anh nếu không có chiến tranh thì bây giờ sẽ vui vầy bên vợ con, bên mái gia đình yên ấm với mảnh vườn miếng ruộng, đàn heo đàn gà hạnh phúc biết mấy! Chiến tranh không cướp của riêng anh, chiến tranh cướp của tất cả những người tham chiến mà không cần lật mặt coi người đó đứng về phía nào. Vì vậy, anh ghét chiến tranh là ghét tổng thể một cuộc chiến chứ không đơn thuần chỉ căm thù những người trực tiếp ôm súng bắn vào đồng loại mình bằng nét mặt dửng dưng của loài dã thú không được tạo hoá ban cho dây thần kinh cảm.
Nàng ngồi nghe có hiểu chút đỉnh chẳng hạn như hạnh phúc là có vợ, có chồng, có heo có gà thong dong ở một gốc trời quê yên bình. Còn chiến tranh hả? Nàng chỉ biết loáng thoáng là một quả bom rớt trúng nhà bá hộ Quế để nàng thoát kiếp tôi đòi, thoát khỏi những cái trườn mình lì lợm trên người nàng của khối thịt sù sì; là một người đàn ông “không có gì” trong một thân thể tráng kiện, là những người phụ nữ như nàng không dễ để được làm đàn bà! Thế nên, với nàng, người đứng về phía nào của cuộc chiến tranh cũng thật đáng thương. Có điều, anh nói anh bảo vệ cho chính nghĩa, bảo vệ những người cô thế như nàng, bảo vệ những mảnh đất quê không bị bom đạn tàn phá băm vằm nên nàng thích anh. Anh lại nói, anh rất mong mau kết thúc chiến tranh để anh được làm đàn ông, để nàng có hy vọng… Nàng liếc về phía anh, mơ hồ một chút nghi ngại trên thân thể đang toả ra mùi đàn ông lấn sang phía nàng. Nàng lí nhí nói.
- Ừ, giá gì chiến tranh kết thúc ngay bây giờ, hả anh? Mà thôi đi, em sợ cái gọi là hy vọng lắm khi hiện tại đã không có gì chắc chắn…
Anh cúi đầu trầm ngâm. Tiếng con quốc vọng từ đâu đó xa xa nghe buồn tê tái. Rồi anh đứng dậy, một động tác bất ngờ và dứt khoát.
- Anh về! Nhưng anh có một giao ước với em là hàng tháng chúng ta sẽ gặp nhau vào ngày mười ba âm lịch tại gốc ô môi này. Em hiểu cho anh, anh đang đi tìm tự do cho cả em và anh, vì vậy, hãy trân trọng những phút bên nhau thế này để không phải tiếc nuối nếu như…
Anh đi như tan trong đêm, như thể anh tích tụ bằng sương khói rồi cũng tan biến cùng sương khói. Nàng lại ôm gối gục mặt khóc rấm rức. Đêm chỉ còn lại một không gian trống vắng đến rợn người dưới tàng ô môi đơn độc giữa đồng.
*
Nam đúng hẹn. Mười ba âm lịch hàng tháng là anh xuất hiện. Những lúc trời mưa anh cũng dầm mưa đến đứng trước cửa căn chòi nhìn nàng giây lát rồi quày quả ra đi, đi trong mưa gió tả tơi, đi trong nỗi dằn vặt buồn tủi của nàng. Những tháng mùa khô anh đến đều đặn dưới gốc ô môi già rồi bắt đầu cũng như kết thúc bằng những câu chuyện trên trời dưới đất. Riết rồi nàng cũng quen, nỗi đàn bà trong nàng chỉ giẫy giụa khi Nam không có mặt, còn lúc gần anh, nàng chỉ thấy hạnh phúc, thứ hạnh phúc êm ái tinh khiết không gợn chút nhục dục thấp hèn. Điều này có được nhờ vào niềm tin anh tạo ra cho nàng rằng sẽ có ngày kết thúc chiến tranh anh sẽ giành tất cả cho nàng. Nó có được còn nhờ vào tình yêu đích thực mà nàng vun vén cho mình rồi đặt tên cho nó là hy vọng.
Một ngày, Nam đến trong tâm trạng buồn bã. Anh ngồi bất động hàng giờ không lên tiếng. Nỗi lo lắng trên mặt anh lây sang nàng. Nàng hỏi khẽ.
- Anh buồn? Nghiêm trọng lắm à?
Anh lắc đầu kiểu ngầm nói, chuyện của anh rất khó giải quyết. Hồi lâu, anh mới thì thầm, giọng đều đều của người bọc bạch nỗi niềm chứ không phải than vãn.
- Cuộc chiến đã đến hồi quyết liệt rồi, em! Hiện tại, phía chúng ta có rất nhiều thứ, thậm chí dư dã tinh thần yêu nước sự can đảm, ý chí đấu tranh và sức chịu đựng gian khổ. Có điều, chúng ta phải ăn để sống mà đánh giặc, nhưng điều này thì…
Nam kịp dừng lại để tránh bị nàng hiểu lầm là anh bi luỵ, nhục chí khi gặp khó khăn và nhứt là than vãn trước một người con gái. Nhưng nàng hiểu, hiểu những khó khăn của anh cần được chia sẻ nếu muốn cuộc chiến này sớm kết thúc. Mà đó lại là điều nàng đang chờ đợi từng phút từng giây. Nàng an ủi anh.
- Một mình anh gánh sao nổi trọng trách lớn lao như vậy, đây là công việc của nhiều người trong đó có em bởi vì em đứng về phía anh…
Đêm đó họ chia tay trong nặng nề tâm tư của cả hai người. Riêng nàng, về nhà nàng ngã trên giường thức trắng không phải vì nhớ anh mà trằn trọc cân nhắc về một quyết định đang xuất hiện trong đầu.
*
Lần thứ hai anh nói rằng anh không thể nhận tiền của nàng. Hai tháng liền nàng mang tới điểm hẹn một gói tiền, lần sau nhiều hơn lần trước nhưng Nam cương quyết.
- Anh không cần biết xuất xứ số tiền em có nhưng chắc chắn đó là mồ hôi nước mắt của em. Hơn nữa, anh không muốn lôi em vào cuộc chiến tranh này, hãy đứng phía ngoài và chờ đợi…
Nàng nói bằng giọng hờn giận nhưng quyết liệt.
- Em chỉ góp một phần cho sự chờ đợi mau tới, không được sao? Và cũng thẳng thắn mà nói với anh là nếu tính sòng phẳng thì số tiền này thật sự không phải của em, nó có được nhờ sự rủi ro và may mắn của chiến tranh đến cùng một lúc! Nói thì khó hiểu nhưng một ngày nào đó em sẽ giải thích với anh chuyện này và tất nhiên, đồng tiền em đang cầm trong tay là vô cùng trong sạch.
Nam còn ngần ngừ thì nàng nói tiếp.
- Em là người ít học chớ không phải không có học nên em biết, trong hoàn cảnh này, anh nhận tiền của em là nhận cho nhiều người, cho cả một cuộc đấu tranh đang căng thẳng ngoài kia, đừng vì chút sĩ diện cá nhân mà từ chối số tiền của em, như vậy thì trong mắt em anh là một người thiếu trách nhiệm cộng đồng chưa kể anh lại có tội với những đồng chí đang thiếu đói của anh ngoài chiến trường. Bao nhiêu “học thức” em có dồn cho buổi nói chuyện này, còn nhận hay không là tuỳ anh!
Nàng ngừng nói, chưa kịp đè nén cảm xúc thì bất ngờ Nam chồm tới ghị nàng vào lòng. Nàng điếng người đón nhận. Rồi những nụ hôn ào ạt vào mặt nàng, vào tóc nàng, vào cổ nàng… Nàng mềm nhũn người trước vòng tay mạnh mẽ và những nụ hôn cháy bỏng của Nam. Và, nàng phát hiện ra anh có, anh là một người đàn ông đích thực chớ không phải như hai lần trước. Họ quấn vào nhau như muốn mềm rã ra… Chợt anh khựng lại, một tiếng nổ lớn phía đầu cồn. Anh thảng thốt trong đầu: Vậy là chiến tranh đã không chừa một ngõ ngách nào trên đất nước này! Vậy là bọn giặc đã đánh hơi được ở cồn đang tồn tại một tổ chức cách mạng nên nả đại bác qua. Anh buông nàng ra, nuối tiếc khi người đàn ông trong anh bị tiếng nổ vừa rồi uy hiếp đến buông xuôi. Vậy là anh phải đi, anh không có quyền hoan lạc khi kề bên tai là tiếng bom đạn đe doạ của kẻ thù, là đồng đội anh không biết ra sao ở phía đầu cồn. Anh lại tan trong đêm trước sự bàng hoàng rã rượi trong người nàng. Nàng đờ đẫn bước về phía chòi khi bầu trời đang nặng trĩu mây đen báo hiệu cơn mưa đầu mùa sắp đến gần.
*
Nàng còn đưa tiền cho anh hai lần nữa và lần nào cũng vậy, anh chỉ ôm hôn nhẹ vào má nàng rồi đi như chạy. Đã quen, nàng không còn buồn, chỉ lo. Nỗi lo từ sự nhạy cảm đàn bà nhưng nó cứ bám lấy nàng, chặp chờn giày vò nàng trong những giấc mơ. Những giấc mơ không đầu không cuối, giấc mơ có tiếng đạn, tiếng bom, có những thân hình đầy máu. Giấc mơ về thân thể người đàn ông cụt mất phần thân dưới chống hai tay nhảy vào người nàng. Giấc mơ về một cánh đồng lúa đang xanh tốt bỗng héo úa tàn lụi và những người đàn ông mặt nhợt nhạt úp mặt xuống đó giẫy giụa chòi đạp một cách bất lực. Giấc mơ về một khối thịt bầm tím đè lên người nàng rồi bỗng nhẹ hửng, tan đi… Cứ thế, những giấc mơ liên tục hành hạ nàng, nhiều đêm khi giựt mình thức giấc, nàng rời rã thân thể như vừa trải qua một trận đòn nhừ tử. Nàng chịu đựng như vậy cho tới ngày mười ba âm lịch. Lần này, ngồi bên nàng Nam lại thở dài, cái thở dài nhiều nỗi niềm hơn lần trước, nàng hiểu điều đó bởi vì trong tiếng thở dài của Nam có cả sự sợ hãi mà chỉ hai người yêu nhau mới nhận ra.
- Lại có chuyện quan trọng hả, anh?
Anh choàng tay qua người nàng, hơi ấm quen thuộc từ anh làm nàng run nhẹ.
- Ừ. Chiến tranh đang ở giai đoạn sinh tử, em à, chắc anh phải đi xa…
Nàng nhoài người khỏi anh, đôi mắt hoang mang hốt hoảng.
- Đi? Mà đi đâu?
- Không biết, đó là sự sắp sếp của cấp trên, anh chưa được biết nhưng chắc sẽ không gần để gặp em như thời gian qua.
- Vậy chừng nào… – Nàng nghẹn ngào không nói hết câu.
Anh đứng dậy dựa vào gốc ô môi nhìn lên bầu trời đầy sao. Vầng trăng đang ở giai đoạn chuẩn bị viên mãn như cô gái mười bảy tuổi điệu đàng làm dáng trước những cụm mây trắng đang lượn lờ xung quanh; như cái vểnh môi làm nũng của thiếu nữ đang xuân trước những cái nhìn khao khát của cánh thanh niên đa tình. Phải chi đừng có chiến tranh… Câu hỏi trong đầu anh cũng là câu hỏi thường trực trong hầu hết những người bị cuộc chiến này cuốn vào. Rồi anh nhìn nàng, nàng có cái kiểu ngồi của một bức tranh chân dung sầu thảm những lúc có tâm sự, hai tay ôm gối, đầu gục xuống tóc phủ đầy trước trán. Anh thương nàng vô cùng nhưng anh không thể cho nàng bất cứ thứ gì anh có. Bởi vì, sự bất hạnh của người phụ nữ không phải là người ta chưa được “cho” mà là nằm chờ đợi những sự tiếp theo trong mõi mòn. Thà cứ để nàng hy vọng, hy vọng sẽ làm người ta kiên cường đương đầu với thử thách mà tồn tại. Anh là một người đàn ông, anh cũng hôi hổi tuổi thanh xuân, cũng đầy tràn nỗi khao khát đam mê xác thịt, nhưng phía trước anh là sự sống và cái chết không có ranh giới, là một con người nguyên vẹn hay là những miếng thịt nát vụn còn tuỳ thuộc vào những viên đạn, những mảnh bom được tạo ra từ những “kẻ lái buôn chiến tranh”* đang nhởn nhơ ngồi nhìn đồng loại giết nhau mà rung đùi hốt tiền!
Bức tranh chân dung buồn bã vẫn ngồi bất động trước mặt Nam. Lời từ giã muốn thốt ra cứ nghẹn cứng trong cổ họng. Cuối cùng, anh cũng chọn cho mình một thái độ dứt khoát.
- Kêu em đừng buồn là một lời an ủi tầm thường, cho nên, em hãy cứ buồn nhưng buồn ít một chút vì anh, vì lý tưởng của anh. Với lại, chúng ta hãy cố nuôi dưỡng những tia hy vọng dù nhỏ nhứt. Chiến tranh dài hay ngắn không do chúng ta quyết định nhưng chắc chắn nó sẽ có một điểm dừng, lúc đó sự chờ đợi mang một giá trị cực kỳ lớn lao, đúng không em? Ờ, còn chuyện này nữa xém một chút anh quên nói với em. Em nhớ lần đầu tiên anh gặp em không? Đó là ngày anh được cấp trên phân công về đây công tác và cũng là thực hiện di nguyện của một người. Đó là người bạn thân từ nhỏ của anh. Lớn lên, số phận “phân công” cho hai thằng đứng ở hai chuyến tuyến đối địch nhau nhưng thù nhau như giặc thì không có bởi, nó bị nắm áo lôi vào cuộc chiến còn anh thì buộc phải ôm súng vì những lý do chính đáng có, mơ hồ có. Hai thằng biết tin tức nhau qua người thân, bạn bè và ngầm lo lắng cho nhau. Trước hôm anh gặp em mấy ngày, nó liều lĩnh mò đi tìm anh. Nó nói nó không sợ chết vì đó là sự giải thoát ít khốn nạn nhứt trong cuộc đời nó. Nó nhờ anh đem chôn dùm nó một cái chum bằng sành nhưng nhứt thiết là phải chôn ở mảnh đất cồn này, chỗ nào cũng được. Anh hỏi trong đó chứa đựng cái gì mà quan trọng vậy? Nó khóc! Khóc nức nở như bao nhiêu kèm nén được dịp tuôn trào. Rồi nó thổn thức: Đó là hậu quả của chiến tranh, là phần đàn ông của nó bị chiến tranh cướp mất trong một trận đánh được một vị bác sĩ có chuyên môn tranh thủ bảo vệ bằng dược liệu và trao lại cho nó. Nó còn nói rất nhiều nhưng trong câu chuyện, nó nói điều nó ân hận và đau khổ nhứt trong đời là đã tạo bi kịch thân xác với một người phụ nữ… Mà thôi, nói chuyện của nó một hồi mắc ngây, anh chôn cái chum sành ở dưới gốc ô môi này, chỗ chạng ba của rễ cây, nếu… có bề gì, em hãy cố gắng gìn giữ nó như gìn giữ thân xác một con người dù nó có đứng về phía nào của cuộc chiến tranh này. Anh được tin nó tử trận cách đây vài tháng.
Anh ngồi xuống ôm và cọ mình vào người nàng. Nhưng bây giờ, người nàng chỉ còn là một khối thịt đông cứng, các sợi dây thần kinh cảm giác trên người nàng đã bị lời kể của Nam căng ra sơ vữa chỉ còn trái tim là còn đập cầm chừng của một thân thể sống lâm sàng. Cơn mưa đầu mùa được báo hiệu bằng tiếng sấm ầm vang phía góc trời Nam, từng tia chớp loé sáng soi tỏ cây ô môi già đứng trơ trọi giữa đồng như một kẻ độc thân ngơ ngác tìm cố xứ trong buổi chiều tàn.
* * *
Bà Năm Thiểu nằm trên chiếc võng được đan bằng vải vụn đủ loại, đủ màu lâu năm mốc cời. Thỉnh thoảng bà chỏi cây gậy xuống đất cho chiếc võng đong đưa nhẹ nhàng rồi nằm gác tay lên trán suy nghĩ. Tuổi già thường nghĩ về quá khứ một cách bình tỉnh và vị tha. Riêng bà Năm, bà nhấm nháp quá khứ đời mình với nhiều vị giác khác nhau, ngọt có, đắng có, chua có, cay có… Biết là thứ vị nào cũng cần cho cuộc sống nhưng phải hấp thu tổng hợp chứ cứ nuốt mãi một thứ chất đắng như hiện nay thì bà không bị “sốc thuốc” mới là lạ! Suốt nửa tháng nay, hết ấp tới xã, hết vận động tới năn nỉ rồi đe doạ, rồi đòi ra “quyết định”, mọi cách “đấm, xoa” được thực hiện nhịp nhàng, đồng bộ nhưng bà Năm vẫn “lì” ra khiến cho “các bên có liên quan” nhấp nhỏm. Bên mua thì sợ không mua được miếng đất có phong thuỷ tốt, bến bán thì lo bỏ lỡ cơ hội kiếm được một số tiền lớn từ nhà đầu tư biết khai thác triệt để vị trí địa lý thuận lợi trên cồn để người dân đất cồn được “nâng lên tầm cao mới!”. Mấy trăm mét vuông đất của bà năm không ngờ lại trở thành vật cản nặng ký của hai nhóm quyền lợi có thế lực. Vậy hỏi sao không tức, hỏi sao không bằng mọi giá giành ưu thế về mình dù “đối thủ” chỉ là một bà già bứt không đau cọng cỏ! Mới chiều qua, Chị Hai Lẹ còn xách qua cho bà Năm hai hộp sữa bò, một ký đường và bịt bánh ngọt. Thấy chị Lẹ bày quà ra bàn, bà Năm bóc cục thuốc xỉa ra cầm trên tay nói chậm rải.
- Bây đi thăm bịnh tao đó hả Hai? Bịnh tao thì khỏi thuốc men bánh trái gì hết, mua viên Trật đả quờn về để trước mặt là tao hết liền.
Chị Hai Lẹ ngơ ngác.
- Cái đó trị bịnh gì, bà Năm?
- Trị bịnh tức! Dẹp, dẹp đi! Đừng có mà mua chuộc tao một cách trắng trợn như vậy. Tiền mà tao còn không thèm huống hồ gì ba cái thứ lặt vặt này!
Chị hai hơi quê nhưng ráng chống chế bằng bản lĩnh của một cán bộ dân vận khéo.
- Bà Năm nói oan rồi, tụi con có lòng gởi chút quà cho bà Năm dùng lấy thảo chứ có lợi dụng, mua chuộc gì đâu. Còn chuyện bán đất thì mọi việc đã được “quyết định”...
Bà Năm dằn lon cổ trầu xuống bộ vạc cau cái cụp.
- “ Quyết định” rồi thì còn lân la hỏi ý kiến tao làm gì? Ông Trời xuống đây “quyết định” tao cũng không bán chớ đừng nói tụi bây.
Chị Hai Lẹ ậm ờ rồi lỏn lẻn bỏ về. Bà Năm chưa hết bực mình thì chị Phấn lại cầm nón lá quạt quạt đi vào nhà. Đúng là họ tung hứng nhịp nhàng, Bà Năm nói thầm trong bụng.
Chị Phấn ngồi xuống chiếc ghế đẩu đối diện với bà Năm, mặt vác hất nhìn dáo dác rồi hỏi một cách bất ngờ.
- Bà Năm định chừng nào bốc mộ? Chuyện này phải bàn kỹ à nghen. Nếu dưới đó là người của cách mạng thì Ủy ban có hướng xử lý thích hợp, còn… Mà sao Bà Năm cứ che giấu sự thật hoài làm chi cho mệt vậy, hoà bình lâu rồi, mình hay giặc thì cũng được đối xử công bằng hết! Ờ, sẵn tiện báo cho bà Năm tin này luôn, Ủy ban đã đồng ý cho tổ Tám “ mình” được bán đất cho công ty nuôi cá tra rồi, tuần tới họ sẽ vô đo đất và chồng tiền, bà Năm chuẩn bị là vừa. Riêng chuyện chỗ ở của bà Năm thì bà khỏi lo, Ủy ban có kế hoạch cho bà Năm một cái nền nhà ở khu quỹ đất của Ủy ban bên đất liền và xây luôn cho bà ngôi nhà tình thương theo kế hoạch của… năm tới! Vậy là bà Năm sướng rồi nghen, “tự nhiên” được đất được nhà còn đòi gì nữa?
Chị Phấn nói xong cầm nón lá hớn hở bỏ đi. Còn lại, bà Năm đổ sụp xuống như cây cột hàng ba bị mối ăn đứng tạm bợ sở dĩ không ngả vì người ta cố tình tránh nó không đụng vào. Và họ đã đụng! Như vậy sự níu kéo gìn giữ của bà là vô vọng, là trò cười cho những kẻ thực dụng luôn luôn đeo trên ngực hai chữ “chủ trương” để “công nghiệp hoá” bất cứ chỗ nào họ thích ( và có lợi cho họ nữa ) rồi mị dân bằng những thuật ngữ xa lạ với ruộng đồng, cây trái, ao chuồng để người dân ngơ ngác im lặng và họ dịch nghĩa ra là đồng ý! Tiếp tay cho họ là những “ bên có liên quan” như ông bà cha mẹ cậu mợ chú dì anh em con cháu, miễn sao quyền lợi thuộc về gia đình họ thì, ô kê, mặc xác văn hoá truyền thống, mặc xác đất đai được gầy dựng ra sao, mặc xác trên đó là mồ hôi, là nước mắt, là máu xương đổ xuống để giành lấy từng cọng cỏ, từng tất đất cho họ thừa hưởng bây giờ. Bà Năm nằm dài trên bộ vạc cau, bộ vạc mà nhiều lần bà định bỏ đi nhưng cố chắp vá cho nó vì tính tiết kiệm bẩm sinh của bà thì ít mà quan trọng là bà thương cái mùi mốc meo quen thuộc của nó có tác dụng như một liều thuốc ngủ mỗi lúc bà trằn trọc chuyện gì đó. Bà lại bắt đầu hồi tưởng, cái bãi đất cồn được trồng bần để giữ đất hiện ra trong suy nghĩ của bà có thơm mùi bần chín gợi nhớ nồi canh chua cá bông lau, có đàn cò trắng vụt dậy trong hoàng hôn để một đêm thức trắng tìm mồi, có những đêm trăng thức cùng dòng sông để thưởng thức bài hoà tấu đêm của thế giới côn trùng nhiều âm hưởng. Rồi có mùi lúa chín, có những người đàn ông mang bi kịch của chiến tranh chạy qua cồn lánh nạn, có tiếng đại bác nổ rất gần nơi hai thân thể chuẩn bị tan vào nhau…Con chó Phèn chòm lên bộ vạc cau làm bà Năm giựt mình. Nó khều vào tay bà và bà biết là đã tới giờ bà “tập lội” cho nó! Mấy ngày gần đây bà Năm chợt nẫy ra ý tưởng “tập lội” cho con chó Phèn. Loài chó vốn không cần tập lội vì bản năng bẩm sinh là nó đã biết lội rồi, “tập lội” ở đây là nói theo ngôn ngữ giữa bà Năm và nó, lội vớt những đồ vật mà bà Năm quăng ra sông để kích thích phản xạ “giữ của” trong bộ não được các nhà động vật học đánh giá là “có chút phần người” trong đó!? Mỗi ngày bà Năm tập cho con Phèn vớt một thứ, lúc là những cái thau mủ đủ màu, khi thì các chai nhựa bà lụm dài theo mé sông… Nói chung là bà thảy thứ gì xuống sông thì con Phèn lội theo vớt cái đó. Thứ phản xạ có điều kiện này loài chó được coi là cực kỳ nhạy bén. Bà Năm uể oải gượng dậy rồi chống gậy dọ dẫm bước theo con đường mòn quen thuộc để ra mé sông. Con Phèn lẫm đẫm theo sau. Con Phèn tội nghiệp. Nó là một con chó “bôn ba” nhiều nhứt so với đồng loại nó ở vùng châu thổ này. Nó theo người chủ nuôi ong lấy mật của nó đi khắp các tỉnh đồng bằng, nơi nào có nguồn mật dồi dào là ông chủ nó dời tới đó để khai thác. Vì vậy, nó cũng được lân la tứ xứ. Lần ông chủ nó ghé lại cồn này để khai thác mật nhãn và chôm chôm đã đặt trại ong ở miếng vườn gần nhà bà Năm. Con Phèn nhanh chóng làm quen với bà vì với chủ, nó là một thứ công cụ giữ của không hơn không kém. Riêng với bà Năm thì con Phèn cảm nhận được tình thương của bà với nó bằng những cái vuốt ve, những lần đôi tay run run mân mê bắt từng con de, con bọ chét trên mình nó. Nó và bà Năm “thân” dần. Điều này làm ông chủ nó khó chịu nên cột đầu nó lại và chỉ thả ra mỗi ngày một lần cho nó đi vệ sinh. Thời gian ngắn ngủi đó trong ngày, con Phèn tranh thủ chạy tới thăm bà Năm một chút, ngoe ngoẫy cái đuôi dài, le lưỡi liếm vào chân bà Năm ít cái rồi chạy đi như sợ người chủ phát hiện được thì ông ta sẽ tước luôn cái quyền được thảy ra ngoài những thứ ô uế trong người nó như đã tước đi cái quyền nó được làm quen với con người! Hôm trại ong chuẩn bị di chuyển đi chỗ khác để tìm nguồn mật mới, lúc gần rời bến, ông chủ nó cho nó vài phút “tự do” để thực hiện việc phóng thít đồ dơ trong người nó. Con Phèn lấm lét nhìn ông chủ rồi thừa lúc ông chủ nó không để ý, nó chạy một mạch lại nhà bà Năm và lủi biệt tăm. Ông chủ nó bỏ ra gần hai tiếng đống hồ để lùng sục con chó nhưng vô vọng. Cuối cùng, sợ trễ chuyến ghe di chuyển theo thời gian đã định nơi đến, ông quyết định cho lui ghe mà miệng còn vóng lên chưởi như chưởi… chó.
- Đồ cái thứ phản chủ, biết vậy tao mần thịt ăn cho sướng miệng!
Đợi ghe đi thiệt xa con Phèn mới lục đục lỏn lẻn vô nhà bà Năm và bà cũng đang chờ đợi điều đó. Bà Năm ôm con Phèn vào lòng cảm động rưng rưng. Thế là con Phèn được “giải phóng” và “định cư” cùng bà Năm gần mười năm rồi.
Hôm nay bà Năm buồn rầu trong lòng và cũng chưa chuẩn bị vật gì để thảy ra sông cho con phèn lội vớt. Bà ngồi xuống bờ đê thở dài, con Phèn nằm kế bên gác miệng trên đôi tay lim dim chờ đợi. Bà vuốt nhẹ lên bộ lông mượt của con Phèn ngẫm ngợi. Có những thứ loài chó như con Phèn vớt được từ phản xạ “giữ của” trong người nó, còn những thứ khác, bà có quăng đi nó cũng sẽ vô phương vớt lại cho bà! Bà tiện tay lụm một cục đất liệng xuống sông, con Phèn nhanh chống bật dậy phóng theo lội lại chỗ cục đất vừa chìm. Con Phèn cứ xoay trở tìm kiếm nhưng nơi đó chỉ là một mặt sông đục ngầu và những cơn sóng đồng tâm lan dần, lan dần về phía xa bờ.
*
Thủ tục đã hoàn tất. Tiền bạc sòng phẳng, mười một trong mười hai hộ của tổ Tám đã lãnh đủ tiền và phụ làm giàu với ông chủ kinh doanh trang trí nột thất ở xã! Người nào cũng rinh về nhà đủ loại hàng nội thất cao cấp như tủ bàn giường ghế… Rồi xe cộ, vàng vòng, quần áo, nói chung là mười một hộ đó giàu hết trơn. Còn phía bà Năm thì đã có Ủy ban lo. Tạm thời họ đề nghị đưa bà Năm vể ở Nhà xã hội của xã còn tiền thì gởi ngân hàng dùm bà. Hầu hết những hộ bán đất đều có nhà ở đất liền nên nếu có ồn ào, xôm tụ thì chỉ ở bên kia sông. Còn phía cồn, mấy ngày nay giống gì khiến mà trời đất u sầu, ảm đạm. Bà Năm và con chó Phèn hết nằm ủ rũ trong nhà lại ra ngoài mé sông ngồi nhìn vô đất liền. Sự quen thuộc thân thiết sắp mất khiến bà nhói lòng khi nghĩ đến một ngày phải xa từng cục đất, từng cành cây, từng cọng cỏ ở đây. Nhứt là cây ô môi cổ thụ mà chiều nào đi ngang bà cũng ngồi tựa xuống đó vài phút để hoài niệm, mà hoài niệm lại là thứ của cải vô giá của người già!
Bà Năm nhìn khắp lượt mọi thứ xung quanh như muốn thu nó vào tầm mắt mình và “lưu trữ” nó trong bộ nhớ vốn đã đầy ắp dữ kiện! Trong đó, “tư liệu” về cái thời bao cấp sau giải phóng thì bà xếp nó trong một ngăn riêng của ký ức và “soạn” lại mỗi khi nhìn những vườn cây ở đây cho trái ngọt ngào. Đó là lúc khu vực này toàn lúa. Lúa èo uột như một đứa trẻ thiếu tháng nhưng cái “ông tập đoàn” cứ bảo vệ nó như bảo vệ một căn bệnh mãn tính với hy vọng tự miễn! Xung đột xảy ra, kẻ bảo thủ đưa ra ngàn một lý do để chứng minh mình đúng, người có hướng đổi mới liều lỉnh tự “giải phóng’ đất đai của mình phá ruộng lên liếp trồng cây ăn trái. Cuộc đấu tranh này cũng không kém phần quyết liệt cho đến khi những cái đầu bảo thủ nhận ra mình là… “ếch” thì thuật ngữ “chuyền đổi cơ cấu cây trồng” ra đời! Xã hội bung ra, sự “cởi trói” đúng lúc cứu cho người dân thêm một thảm hoạ sau thảm hoạ sâu rầy! Vậy là những mảnh ruộng lúa tàn tạ ngày xưa trên đất cồn dần chuyển thành vườn cây ăn trái đặc sản và là cứu cánh cho những thân phận tưởng đâu tàn lụi theo thời cuộc. Vậy mà, tại đây vài ngày tới sẽ có một cuộc “chuyển đổi’ hoành tráng! Tất nhiên, qui luật phát triển có vai trò của sự phủ định nhưng không phải sự phủ định nào cũng đúng nhứt là khi người ta cố tình phủ định sạch trơn! Bà Năm đưa bàn tay nhăn nheo, sần sùi mân mê từng cục đất trên bờ đê mà nghe xót xa bào bọt trong lòng. Cục đất nào cũng do chính bàn tay chai sạn này móc lên từng chút, từng chút một trô trét đắp bồi mới thành hình một mẫu đất thành khoảnh. Không ai biết bà đã đau tới mức nào khi hồi xưa bà ký vào tờ giấy bán đất đâu. Mỗi nét mực là một giọt máu rớt khỏi tim bà. Nhưng bà đành phải cắt đi phần “thân thể” mình không phải vì hy vọng của riêng bà mà là hy vọng tồn vong của một cộng đồng.
Bà Năm chóng gậy đứng dậy bước dài theo triền đê, con chó Phèn cũng lũn đũn đi theo. Bà vừa đi vừa nhìn về hướng đầu cồn, nơi có mõm đất lòi ra sông. Chính chỗ đó đêm mười ba âm lịch chia tay tức tưởi ngày xưa, người đàn ông trên đường về cứ đã bị địch bắt và dùng cây trâm bầu đập đầu cho tới chết.
*
Vậy là số phận của cồn đã được định đoạt, ba chục công đất trên cồn sẽ lần lượt trả lại cho sông. Ba chiếc xáng cạp đậu ven bờ đã chuẩn bị sẵn sàng với những cái cần cẩu và những cái bàn cạp há miệng như miệng một con quái vật nhe nanh đe doạ từng cục đất trên cồn. Bà Năm không chịu dở nhà. Nhưng điều đó bây giờ không quan trọng vì Ủy ban đã “quyết định” thì bà trước sau gì cũng phải đi khỏi nhà mình nếu không muốn bị cưỡng chế! Trước khi giao đất cho nhà đầu tư, những chủ vườn tận dụng thu hoạch các nguồn lợi còn lại trên đất như cây trái hoa màu. Phần cây thì được bán cho những người buôn củi. Người ta đem tới những chiếc máy cưa bén ngót cứa từng phần các thân cây đang tràn đầy nhựa sống. chúng đổ gục xuống quặt quẹo, đau đớn như nhưng cánh tay bị chặt bằng một cái búa cùn. Bà Năm chống gậy ra ngồi nhìn họ tàn phá những thứ trước đây họ o bế chăm sóc như con mình, những đứa con phải giành giựt từng chút một với những cái đấu bảo thủ mới có được. Sau những mạch cưa là từng dòng nhựa cây nhểu xuống như những giọt máu tức tưởi rời khỏi thân nó. Một nhánh cây rụng xuống là mỗi nhát roi quất vào tim bà Năm. Sự nhẫn tâm được thực hiện một cách bình thản, thờ ơ đến vô cảm. Khi tới lượt cây ô môi già, những thợ cưa chuyên nghiệp nhìn nhau ngán ngẩm và cuối cùng họ để cho đội quân xáng cạp quyết định số phận của nó.
Và công việc móc đất được tiến hành vào một buổi đẹp trời. Tiếng động cơ xáng cạp đồng loạt vang lên sau hiệu lịnh khởi công của đại diện nhà đầu tư và chính quyền địa phương. Từng chiếc bàn cạp há miệng bấu vào đất cồn “táp” nó một cách nhanh, gọn rồi nhẹ nhàng thả nó xuống sông. Hình như có sự giẫy giụa đòi quyền sống trong từng thớ đất khi những chiếc bàn cạp há miệng chuẩn bị nuốt chửng! Công đoạn đầu tiên là tạo ra một cái đê mới để bảo vệ hầm cá tra. Sau đó, để tạo hầm nuôi cá những chiếc bàn cạp bắt đầu hoạt động hết công suất, nó moi móc, nạo vét không thương tiếc thứ gì cản trở trước mặt. Từng miếng đất một bị đào bới nham nhở như miếng thịt tươi bị thẻo từng phần bằng một cái dao lụt. Chỉ mới hơn một tuần lễ mà dải đất sát mé cồn chỉ còn là một mặt sông ngầu đỏ phù sa, đỏ như thứ tiết canh pha loảng trộn vào đó khuấy đều. Bà Năm ngày nào cũng ra ngồi nhìn họ hủy hoại không thương sót từng gốc cây ngọn cỏ, trong đó có bờ đê chỗ bà thường ngồi ngắm sông chiều, ngắm hoàng hôn tắt, ngắm những mảnh đời thăng trầm trên sông mà thương cho kiếp thương hồ mênh mông, lảng đảng. Nếu hàng trăm năm phù sa mới đủ bối lắng cho một mảnh đất cồn thì họ chỉ phá nó trong vài ngày bằng thứ công cụ cơ giới hiện đại.
Họ móc hết ngày tới đêm và bà Năm thì hàng ngày vẫn ra ngồi thụt lùi dần để nhìn từng cục đất bị khai tử. Mỗi nhát cạp của họ là một cái bấu đau nhói vào lòng bà. Rồi họ bươi dần tới cây ô môi, “lão già” mà bọn thợ cưa đã lắc đầu chịu thua vì vừa cứng vừa dai này. Họ bắt đầu tấn công “lão già”. Cái cần cẩu thu cọng dây cáp lên cao hả bàn cạp ra hết cỡ rồi buông nhanh xuống những nhánh ô môi đang trong mùa ra bông; sức nặng của khối sắt hàng tấn kia đè lên ngọn cây làm cho chúng ngã rạp xuống, những bông ô môi màu hồng phấn rơi lã chã theo các nhánh cây đổ gục. Tàn phá trên ngọn xong, họ bắt đầu “xử lý” cái thân cây già nua nhưng bền khoẻ kia. Bàn cạp được đưa lên ngang thân cây rồi de ra lấy thế quất mạnh, quất mạnh liên tục. Những cái quất đầy uy lực kia dần dà làm thân cây lung lay và những chiếc rễ bám chặt, sâu của cây ô môi cuối cùng cũng phải bị khuất phục như một kẻ xuôi tay bất lực trước sự tấn công không khoan nhượng bởi một thế lực mạnh hơn mình rất nhiều lần. Động tác cuối cùng là cái bàn cạp chỉ nhẹ nhàng hả họng rồi bấm vào thân cây mà kéo nó lên quăng ra sông để kết thúc sự níu giữ ráng gượng của loài thực vật già cỗi.
Nửa tháng, ba chiếc xáng cạp đã móc hơn hai chục công đất cho nó thành sông. Bây giờ lại gặp một trở ngại khác, bà Năm cương quyết không chịu đi; mọi thuyết phục, năn nỉ, hù doạ đều không thành công. Thì được, vẫn còn một biện pháp cuối cùng: cưỡng chế!.Trong lúc chờ Ủy ban ra quyết định cưỡng chế, họ tận dụng thời gian này để móc sâu vào diện tích đất đã “qui hoạch”. Khó cho họ là mấy trăm mét vuông đất của bà Năm lại nằm ở trung tâm của ba chục công đất nhà đầu tư đã mua. Ông chủ đầu tư có sáng kiến rất hay là cứ bỏ chỗ đất của bà Năm lại, móc lòn ra phía sau cho tới ranh của diện tích đất đã mua. Không khó để họ làm chuyện này. Thế là, sau mấy ngày moi móc, chỗ đất bà Năm ở bị cô lập và đã biến thành một cái cù lao nhỏ, thơi lơi giữa sông nước. Bà Năm đã thực sự quị gục. Bà không đủ sức để ra ngồi thục lùi nhìn họ biến đất thành sông. Nỗi đau trong bà đã “di căn” đến từng tế bào trong cơ thể, nhứt là ngày bà chứng kiến họ hành hạ cây ô môi mà như hành hạ chính bản thân bà. Và họ móc dần cho tới khi cách nhà bà Năm chừng mười mét thì dừng lại.
*
Ngày thực thi quyết định cưỡng chế. Có mặt tại ngôi nhà lá xập xệ của bà Năm là đại diện Ủy ban xã, nhà đầu tư, bà con trong tổ và nhóm bóc mộ chuyên nghiệp. Sự tò mò lôi kéo rất nhiều người tới tham dự. giở nhà bà Năm là chuyện nhỏ, quan trọng là người ta tò mò dưới ngôi mộ đất trong nhà bà Năm là cái gì? Người ta xôn xao bàn tán. Chị Phấn và chị Lẹ cũng có mặt, mỗi người tưởng tượng một thứ ở dưới đó. Lần cuối cùng, đại diện Ủy ban thuyết phục bà Năm phải thực hiện chủ trương của Nhà nước, nghĩa là hãy giao đất để nhà đầu tư “ công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn”, cũng có nghĩa là móc đất thảy xuống sông mà phát triển nguồn lợi thuỷ sản để xã nhà “nâng lên tầm cao mới!”. Bà Năm vẫn nằm lặng thinh nghe gió từ sông cái lồng lộng thổi vào nhà, nghe từng tiếng mọt ăn trên cây cột hàng ba bằng so đủa chưa chịu ngả vì không có người đụng vào.
Bà Năm được “mời” về Ủy ban xã bằng ba người thanh niên lực lưỡng. Hai người xốc nách bà lôi đi, bà cố tì mình lại ngoái đầu nhìn căn nhà quen thuộc của mình, lùi dần, lùi dần. Bà đưa mắt tìm kiếm con Phèn. Con Phèn đâu rồi? Bà lạc giọng gọi: Phèn… Phèn… Phèn… nhưng chỗ bộ vạc cau, nơi con Phèn thường nằm chèo queo ngủ vẫn trống lổng. Bà Năm giẫy giụa một cách bất lực trước khi họ đưa bà xuống xuồng để vô đất liền.
Lực lượng dân quân xã được giao nhiệm vụ giở nhà bà Năm nhanh chóng bắt tay vào việc. Không đầy một tiếng thì đã xong phần việc của họ. Đến lúc nhóm thợ bóc mộ ra tay. Tất cả những người có mặt bu xung quanh ngôi mộ đất từ giải phóng tới giờ họ mới được nhìn rõ. Trong đầu mỗi người bây giờ có riêng một dự đoán. Sự tò mò tăng theo từng lớp dá đào xuống. Năm tấc… Sáu tấc… Bảy tấc… Một thước… Tất cả chỉ có đất và đất. Nỗi lo âu và thất vọng cùng hiện lên trên gương mặt từng người, nhứt là người đại diện cho Ủy ban. Nhóm thợ bóc mộ vẫn kiên trì từng lớp dá một. Sâu tới một mét rưởi rối mà cũng chưa phát hiện được gì, mọi người nhìn nhau ngán ngẩm. Chợt một người dưới hầm đất la lớn.
- Có rồi! Có một cái chum bằng sành.
Người ta chen lấn nhau để nhìn xuống hầm đất.
- Coi chừng vàng.
- Ừ, có thể bả chôn vàng ở dưới thiệt đó vì trước giải phóng nghe nói bả bán đất hết trơn chắc là sắm vàng rồi chôn ở đây.
- Thì chục công đất này trước đây là của bả chớ ai.
- Trời, cứ đem cái chum sành lên rồi mở ra thì biết chớ gì. Mà từ từ nghen, coi chừng bể.
Cái chum sành được đưa lên khỏi mặt đất bằng một thái độ trân trọng. Đại diện phía Ủy ban yêu cầu mọi người tản ra để anh ta khám phá bí mật trong cái chum sành. Anh ta bưng cái chum sành lại gần mé sông định rửa cho sạch bùn nhưng vừa để xuống thì nó rả ra một miếng. Anh ta cầm cái chum sành lên lắc lắc rồi đưa mắt nhìn sâu vào cái chỗ có mảnh vỡ. Trống trơn. Anh ta lại đưa tay khều vào bên trong, vẫn không có gì ngoài một chút nước đặc quến, sền sệt tanh tanh phả vào mặt anh ta. Bực tức, tiện tay, anh ta chọi mạnh cái chum ra ngoài sông. Cái chum vừa rớt xuống nước chao đảo chưa kịp chìm thì không biết từ đâu đó con Phèn nhảy chồm theo phóng ào xuống sông lội cật lực theo cái chum sành đang bị nước cuốn về phía cuối nguồn. Cái chum chìm dần, chìm dần… Con Phèn cứ cố sức lội theo nhưng dòng nước mạnh đã lôi cái chum sành xuống đáy sông. Con Phèn không biết, nó vẫn bám theo hướng cái chum sành trôi ban đầu mà lội và nó xa mãi, xa mãi về phía không bờ.
© Đoàn Hữu Hậu,
Đoàn Hữu Hậu
Là nhà văn, nhà báo được đào tạo tại Phân viện Báo chí và Tuyên truyền TP Hồ Chí Minh, hiện đang sống và làm việc tại Rạch Giá - Kiên Giang, Việt Nam....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét