Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Cải cách thể chế kinh tế: cần những đột phá - Thế lực thù địch bịa đặt chuyện để bôi nhọ Việt Nam?

Thế lực thù địch bịa đặt chuyện để bôi nhọ Việt Nam?

Một xã hội thiếu vắng lòng tự trọng Một cô gái trẻ mới ngoài 20 tuổi, đi du lịch bụi qua nhiều quốc gia, sau đó viết sách kể lại những trải nghiệm của mình, kiếm được kha khá tiền nhuận bút. Tiếc rằng khi cuốn sách ra đời, rất nhiều độc giả nhận ra sự vô lý, cường điệu, dối trá của một số chi tiết. Chưa kể một số việc làm của cô gái tường thuật lại trong sách có thể bị xem như vi phạm pháp luật của nước khác như đi lậu vé, lao động “chui,” nhập cảnh trái phép vào xứ người…
Cô gái bị dư luận “ném đá,” nhiều người đòi tác giả và nhà xuất bản phải thu hồi cuốn sách, trải lại tiền cho người mua, như một hình thức “xin lỗi” độc giả. Nhưng rồi cuối cùng sự việc cũng qua đi, cuốn sách không bị thu hồi, tác giả cũng chẳng bị gì, và không chừng vài năm sau, cô còn có thể viết thêm vài cuốn sách khác. Cuộc sống ở Việt Nam vốn ngày nào cũng tràn ngập thông tin mới, nhiều chuyện khác lớn hơn, nóng hơn nên mọi người chóng quên
Một biên tập viên khá nổi của đài truyền hình quốc gia VTV, đã từng hai lần, tại hai quốc gia khác nhau, bị bắt quả tang ăn cắp hàng trong siêu thị, nhưng vẫn tiếp tục được làm việc, phụ trách một chương trình thuộc về lĩnh vực văn hóa. Ai biết chuyện thì biết, mà có biết cũng chẳng làm gì được nhau!
Một nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng một thời, do đầu tư làm phim bị thất bại, thua lỗ dẫn đến phá sản, ngôi nhà đang ở bị ngân hàng thu hồi, liền lên báo kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người. Những phát ngôn của nhân vật chính, những sự thật dần dần được tiết lộ xung quanh thông tin vỡ nợ và nhiều chi tiết khác đã khiến dư luận từ sự thương cảm ban đầu chuyển sang những phản ứng trái chiều, thậm chí phẫn nộ.
Câu chuyện đang lùm sùm làm nóng các trang báo lẫn các diễn đàn xã hội. Nhưng chắc chắn, chỉ cần một thời gian ngắn nữa, mọi chuyện sẽ lại bị lấp dưới hàng núi thông tin mới. Người nghệ sĩ dù có ê ẩm vì đã tự đánh mất hình ảnh của chính mình trong lòng người hâm mộ, nhưng cũng đã đạt được điều mà mình mong muốn khi công khai “cởi cả đời tư” (một cụm từ mới trên báo chí trong nước về chuyện này.)
Ðó là được tiếp tục ở lại trong ngôi nhà của mình thêm một thời gian, nhận được sự giúp đỡ từ quần chúng.
Một ví dụ khác, thông tin về những biệt thự “khủng,” nhà đất, tài sản của một ông nguyên tổng thanh tra chính phủ mới đây khiến dư luận xôn xao. Bởi vì ai cũng hiểu rằng với tiền lương của một quan chức, cho dù là tổng thanh tra chính phủ, cả đời cũng không thể có được những tài sản như thế, hơn nữa đây lại là người giữ chức vụ thanh tra các vụ việc tham nhũng, từng có những phát biểu rất hùng hồn về chống tham nhũng.
Nếu nhìn vào mức độ quan tâm của báo chí dư luận lúc thông tin vừa bị lộ ra, cứ ngỡ như ông nguyên tổng thanh tra chính phủ sẽ bị Ban Nội Chính Trung Ương cho điều tra ngay, từ khối tài sản đáng ngờ đến việc ông này ký bổ nhiệm hàng chục người một cách bất thường trong thời gian ngắn trước khi về hưu… Nhưng rồi vài ba bữa sau mọi chuyện lại chìm xuồng.
Nói cho ngay, nếu bây giờ mà truy ra thì quan to quan nhỏ ở nước này mấy ai không tham nhũng, không có biệt thự “khủng,” tài sản “khủng” trong và ngoài nước, biết bỏ tù bao nhiêu cho hết? Còn nói theo kiểu ông Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng trước đây tại phiên chất vấn của Quốc Hội sáng 12 tháng Sáu, 2010: “Hôm nay thấy sai một chút chỗ này xử lý, ‘cách chức đi, kỷ luật đi,’ ngày mai thấy sai chỗ kia, ‘cách chức đi, kỷ luật đi,’ lấy ai mà làm việc các đồng chí ?”
Từ sự dối trá, thiếu đi lòng tự trọng cho đến tình trạng tham nhũng trong xã hội đã trở thành… phổ biến, bình thường. Khi bất cứ một sự việc, một cá nhân cụ thể nào bị “lộ sáng,” dư luận chĩa mũi dùi, phẫn nộ, “ném đá“…tưng bừng, nhưng chỉ vài bữa, mọi chuyện lại lắng xuống, nhường chỗ cho sự việc tiêu cực khác lại vừa xảy ra.
Những cá nhân bị lôi ra mổ xẻ kia chỉ cần “nín thở chịu đựng” một chút, mặt dày một chút là qua, ai còn nhớ nữa, trong một đất nước có quá nhiều điều tệ hại? Lòng tự trọng, nỗi xấu hổ lâu dần trở thành của hiếm, cứ dày mặt mà sống để đạt/giữ được điều mình muốn, nhìn quanh có ai tốt đẹp hơn ai?
* Nỗi buồn người Việt “xấu xí”
Dường như lâu lắm rồi những thông tin về Việt Nam trên các cơ quan truyền thông quốc tế, trong con mắt người nước ngoài chả mấy khi tốt đẹp, mà ngược lại. Về phía nhà cầm quyền, thì chỉ thấy những “thành tích” tệ hại về điều hành kinh tế, về nhân quyền, tình trạng đàn áp tôn giáo, đàn áp tự do ngôn luận, với số blogger, nhà báo bị bắt vì bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa chỉ thua Trung Quốc trong khu vực Ðông Á, hiện tượng công an sử dụng nhục hình khi điều tra xét hỏi dẫn đến chết người trở thành phổ biến v.v…
Quan chức Việt Nam thì “nổi tiếng” nhũng nhiễu, đòi hối lộ khi làm ăn với các đối tác nước ngoài. Mấy ngày nay báo chí Nhật, báo chí Việt Nam đang “nóng” nghi án
một số quan chức lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam nhận hối lộ 16 tỷ Việt Nam đồng, tức hơn 780,000 USD, từ công ty Tư Vấn Giao Thông Nhật Bản (JTC) để họ được trúng thầu thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật.
Ðây không phải lần đầu tiên. Năm 2008 báo chí Nhật đã khui ra vụ công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương của Nhật (gọi tắt là PCI) đưa hối lộ 820,000 USD cho nguyên phó giám đốc Sở Giao Thông-Vận Tải thành phố HCM, ông Huỳnh Ngọc Sỹ, để thắng thầu dự án đại lộ Ðông-Tây ở TP.HCM, từ vốn ODA. Vụ việc này bị Việt Nam “ngâm tôm” suốt một thời gian dài, mãi cho tới khi phía Nhật tức giận, tuyên bố tạm ngưng cấp vốn viện trợ, nhà cầm quyền Việt Nam mới đem ông Huỳnh Ngọc Sỹ ra xử.
Còn trong vụ hối lộ các quan chức Việt Nam có liên quan đến việc in ấn tiền polymer của công ty Securency, Úc, bị báo chí Úc khui ra từ năm 2009, với số tiền lên đến 10 triệu USD, và nhân vật cao cấp nhất dính tới vụ việc là thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam lúc đó là Lê Ðức Thúy thì hoàn toàn chìm xuồng cho tới nay.
Nhà cầm quyền thì như vậy, số đông quan chức thì như vậy, còn hình ảnh người dân Việt Nam?
Cũng lại liên quan đến Nhật. Thông tin nóng hổi về việc một tiếp viên hàng không Vietnam Airlines bị bắt tại Nhật cùng một số tiếp viên, cơ phó khác đang bị điều tra vì vận chuyển, mua bán hàng hóa có nguồn gốc ăn cắp, làm người Việt cảm thấy hết sức xấu hổ. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên, đội ngũ tiếp viên, kể cả phi công Vietnam Airlines bị dính vào những vụ buôn lậu, tiêu thụ hàng ăn cắp tại Nhật.
Rồi nào câu chuyện về một số cửa hàng, siêu thị ở Nhật, Ðài Loan, Thái Lan có gắn bản thông báo bằng tiếng bản xứ và tiếng Việt để cảnh báo nạn ăn cắp vặt của người Việt, bức tâm thư của một du học sinh Nhật về những điểm chưa hay trong văn hóa Việt… chỉ là những ví dụ gần đây nhất.
Ðối với dân Anh và một số quốc gia Ðông Âu thì cộng đồng người Việt nổi tiếng bởi nạn trồng “cỏ” tức cần sa, bị cảnh sát sở tại bắt nhiều vụ, hoặc vượt biên trái phép, ở lậu trên xứ người… Với Hàn Quốc, Ðài Loan là tình trạng cô dâu Việt bằng mọi giá lấy chồng xứ họ, với Thái Lan, Cambodia lại là hình ảnh những cô gái Việt, thậm chí cả trẻ em gái, chấp nhận bán phấn buôn hương ở xứ người v.v…
Nên đừng trách vì sao đôi khi người Việt có cảm giác không muốn nhận mình là người Việt khi đi ra nước ngoài. Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt từng phát biểu ông cảm thấy nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, câu nói đã bị cắt ra khỏi ngữ cảnh, bị chỉ trích dữ dội bởi báo chí Việt Nam lúc đó, trong khi ai cũng biết đây là một sự thật và lẽ ra chúng ta phải nhìn vào đó để sửa đổi.
Nhưng có lẽ, cũng như những câu chuyện đáng buồn về việc thiếu lòng tự trọng, nạn tham lam, tham nhũng ở trong nước, những sự việc đáng xấu hổ, làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt bè bạn quốc tế rồi cũng sẽ qua đi, sau vài ngày gợi lên đủ trạng thái giận dữ, nhục nhã, buồn rầu trong chúng ta. Sẽ lại có thêm những chuyện khác. Và mọi thứ cứ thế tiếp tục tồn tại.
Chỉ cần 40 năm, kể từ khi Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng cộng sản, đã quá đủ để biến đất nước này thành một quốc gia lạc hậu thua xa lắc các nước láng giềng về mọi mặt và người dân thì trở nên “xấu xí” như vậy!
THEO BLOG SONG CHI

Cải cách thể chế kinh tế: cần những đột phá

Tầm quan trọng có ý nghĩa quyết định của thể chế đối với sự phát triển của một đất nước đã được thực tiễn của nhiều nước trên thế giới cũng như nước ta khẳng định.
Trong những năm gần đây, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, chất lượng kém, cơ cấu chuyển dịch chậm… nguyên nhân chính là hệ thống thể chế chậm được đổi mới. Trong bài này xin bàn về những đột phá cần thiết trong thể chế kinh tế.
Không thể chậm trễ hơn nữa
Yêu cầu cải cách thể chế kinh tế – coi như một đột phá chiến lược đã được đề ra từ nhiều năm nay. Trước những khó khăn của nền kinh tế, trong bài viết đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển.
Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”. Như vậy, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế là một yêu cầu cấp bách không thể chậm trễ hơn nữa.
Mục tiêu cuối cùng của thể chế kinh tế là bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa lại càng phải quán triệt mục tiêu ấy. Từ thực tiễn của nước ta, có thể thấy có ba nội dung cốt lõi liên quan đến quyền của dân mà thể chế kinh tế phải tạo bước đột phá, đó là quyền sở hữu tài sản; quyền tự do kinh doanh và quyền tự do cạnh tranh.
Đây chính là những vấn đề rất thuận lòng dân, là điều kiện tạo ra đồng thuận xã hội, để có động lực mới thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ đó nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế vì sự phát triển của đất nước và trước yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ba nội dung cần đột phá
Trước hết, là quyền sở hữu tài sản.
Phải thừa nhận rằng từ chỗ coi đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng là “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” chuyển sang “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” như Đại hội lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2011) đã quyết định là một bước đột phá quan trọng (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr. 70).
Đáng tiếc là tư duy này chậm đi vào cuộc sống. Thực tế cho thấy vẫn cần xác định rõ hơn nữa “quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” được thể hiện bằng các hình thức nào; hoặc như sở hữu nhà nước cần thiết duy trì đến mức nào, trong những lĩnh vực nào. Đồng thời, cần có thêm những chủ trương, chính sách để thực sự khuyến khích mạnh mẽ kinh tế tư nhân trong sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, cũng cần có những chủ trương để thực hiện liên doanh, liên kết giữa các loại hình sở hữu để tạo nên sức mạnh tổng thể của nền kinh tế. Gần đây, Điều 32 Hiến pháp 2013 của nước ta đã quy định: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”. Cần có những quy định phù hợp để thực thi điều này trong thực tế.
Đáng quan tâm là quyền sở hữu về đất đai chưa phù hợp vẫn là một vấn đề nóng bỏng đã gây ra nhiều tiêu cực, những vụ khiếu kiện thậm chí xung đột giữa người dân và chính quyền địa phương. Không chấp nhận chế độ đa sở hữu, Luật Đất đai 2013 vẫn quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” (Điều 5) và giao cho cơ quan chính quyền các cấp quyền “Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Đây là một quyền rất lớn.
Vì vậy, rất cần đề ra những quy định chặt chẽ về quy hoạch, thu hồi, định giá đất, v.v… bảo đảm quyền của người dân đối với đất đai, hạn chế những can thiệp hành chính dễ tạo cơ hội cho tham nhũng. Đồng thời, rất cần các giải pháp cần thiết về thời hạn sử dụng đất, tích tụ ruộng đất,… để mở rộng quy mô canh tác, phát triển trang trại, khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ, góp phần cơ cấu lại nông nghiệp.
Thứ hai là quyền tự do kinh doanh.
Qua nhiều năm đổi mới, cho đến Luật Doanh nghiệp 2005, thủ tục thành lập doanh nghiệp ở nước ta đã được cải thiện khá nhiều. Tuy vậy, nếu so với nhiều nước trên thế giới và khu vực, thủ tục thành lập doanh nghiệp ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí.
Vấn đề đặt ra là cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, thực hiện đúng quy định tại Điều 33 Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Gần đây, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã có những quy định khẳng định quyền tự chủ đăng ký và kinh doanh của doanh nghiệp, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp; bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, v.v… Đó là những đổi mới rất đáng hoan nghênh.
Đồng thời, để bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, cũng rất cần thiết giám sát chặt chẽ việc các cơ quan chức năng bày vẽ thêm nhiều quy định, thủ tục trong các lĩnh vực như: thuế má, hải quan, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường, v.v… chấm dứt những tiêu cực trong các ngành này kéo dài từ nhiều năm nay đang gây phiền hà, tốn kém, tăng thêm chi phí trong quá trình kinh doanh của doanh nghiêp.
Thứ ba là quyền tự do cạnh tranh.
Không có cạnh tranh thì không có kinh tế thị trường, không có động lực của phát triển, điều này đã rõ. Trong nhiều năm nay, chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, thực hiện việc quản lý giá, thúc đẩy cạnh tranh và kiểm soát độc quyền trong kinh doanh.
Tuy vậy, dễ thấy là Nhà nước vẫn có vai trò can thiệp trực tiếp quá lớn vào nền kinh tế với tư cách là chủ đầu tư công và chủ sở hữu doanh nghiệp đã hạn chế cạnh tranh, làm méo mó thị trường. Vấn đề hàng đầu hiện nay là phải đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác, loại bỏ các hình thức ưu đãi và bao cấp đối với doanh nghiệp nhà nước. Cần tách bạch nhiệm vụ kinh doanh với trách nhiệm chính trị – xã hội của doanh nghiệp nhà nước.
Về giá cả, phải tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời phải có công cụ điều tiết và chính sách phân phối để bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội. Thời gian tới, cần thực hiện giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng. Như vậy, chính giá cả sẽ phân bổ nguồn lực, xóa bỏ độc quyền, tạo ra thu nhập chính đáng cho nhà đầu tư và người lao động.
Những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước đang định giá phải tính đúng, tính đủ chi phí, công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá. Tiền lương là giá cả sức lao động cần được quan tâm xử lý thỏa đáng, dù đã qua sáu lần tăng lương tối thiểu, song trong thực tế, lương vẫn chưa đủ bù đắp sức lao động, dẫn đến không tạo lập được thị trường lao động và đây cũng là một nguyên nhân khiến cơ quan quản lý nhà nước không tuyển được và không giữ được người giỏi, ảnh hưởng đến chất lượng của thể chế, chính sách.
Trên đây chỉ là một số ý kiến ngắn gọn về những nội dung cần đột phá trong cải cách thể chế kinh tế. Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy việc này có nhiều khó khăn, gặp nhiều lực cản, kể cả tác động tiêu cực của các nhóm lợi ích, nhưng đây là vấn đề cấp bách, càng để chậm, nền kinh tế càng phái trả giá nhiều hơn.
Vì vậy, để cải cách thể chế kinh tế thành công, trước hết là phải đổi mới tư duy, quán triệt những quy luật của kinh tế thị trường, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên, khắc phục tư duy giáo điều, bảo thủ, đồng thời nâng cao năng lực chỉ đạo của những người có trách nhiệm, không những trong quyết định thể chế mà quan trọng hơn nữa là trong thực hiện thể chế.
THEO DNSG

Bài 1: Nhận diện “cuộc chiến mềm”

QĐND - Văn hóa là gốc rễ, là cội nguồn bồi đắp, làm nên sức mạnh nội sinh của dân tộc. Để làm mọt ruỗng, suy yếu sức mạnh nội sinh, các thế lực thù địch vừa âm thầm, vừa ráo riết thực hiện nhiều hoạt động “xâm lăng văn hóa” với những thủ đoạn xâm nhập, chuyển hóa vô cùng tinh vi, nham hiểm.

 “Đế quốc thông tin” trong thế giới phẳng

Thực hiện phương châm “Đầu tư 1 USD cho mặt trận tư tưởng - văn hóa hiệu quả hơn đầu tư 10 USD cho mặt trận quân sự”, những năm qua, các cơ quan truyền thông phương Tây đã tiêu tốn hàng triệu USD vào việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và đào tạo nhân lực để hình thành “đế quốc thông tin” chĩa thẳng vào Việt Nam hòng làm chuyển biến hệ tư tưởng, thay đổi hệ giá trị văn hóa, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội ở nước ta, trong đó họ lấy thế hệ trẻ làm “trọng tâm”, coi trí thức và văn nghệ sĩ (nhất là những người có quan điểm phức tạp, cực đoan) làm “trọng điểm”, xác định một số cán bộ (cả hưu trí và đương chức) có quan điểm đa chiều làm “mũi nhọn”.
Nhiều thanh, thiếu niên ngày càng bị lôi cuốn vào các trò chơi bạo lực và những sản phẩm văn hóa độc hại từ internet. Ảnh: P.V
Theo cơ quan chức năng, đến nay đã có 62 đài phát thanh của nước ngoài có chương trình tiếng Việt, 390 báo, tạp chí, 88 nhà xuất bản và 397 website, trang mạng xã hội có máy chủ ở nước ngoài thường xuyên cung cấp, đăng tải thông tin chống phá Việt Nam. Riêng năm 2013 đã có 475 trang mạng đăng tải hàng nghìn bài viết có nội dung xuyên tạc, nói xấu chế độ, bôi đen hình ảnh đất nước; 250 website, blog, diễn đàn đăng tải các bài viết chống phá quyết liệt việc sửa đổi Hiến pháp 1992; 245 trang web, blog có nội dung phản động. Đấy là chưa kể gần 58.000 tài liệu thuộc diện “chiến tranh tâm lý” mà các lực lượng an ninh của ta đã phát hiện, thu thập được trong năm 2013 (tăng hơn 5.200 tài liệu so với năm 2012), trong đó có hơn 7.100 tài liệu phản động.

Đại diện Phòng An ninh thông tin (Cục A87, Bộ Công an) cho biết: Một trong những thủ đoạn tinh vi, thâm độc mà các thế lực thù địch tiến hành thời gian gần đây là triệt để lợi dụng internet, thư điện tử, tin nhắn SMS… để chuyển tải thông tin trái chiều vào một số cán bộ cao cấp nhằm gây nhiễu thông tin, gây mất đoàn kết nội bộ, nhất là vào những thời điểm nhạy cảm như lựa chọn, bầu cử nhân sự. Đáng nói hơn, đến nay đã phát hiện được gần 400 website, blog mạo danh các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy và cán bộ cao cấp của các ban, bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể Trung ương. Trong số đó, đã phát hiện được hơn 130 bài viết, clip, video có nội dung xấu. Những hình ảnh, bài viết này nếu không được ngăn chặn, xử lý kịp thời, triệt để sẽ bị phát tán cực nhanh, gây ra mối hoài nghi lớn trong nhân dân, làm xã hội phân tâm tư tưởng, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

“Internet hóa” hoạt động xuất bản

Có nhiều cách truyền bá thông tin độc hại, trong đó việc tổ chức xuất bản, phát tán các cuốn sách, tài liệu, tác phẩm văn học nghệ thuật có nội dung xấu trên mạng internet. Các thế lực thù địch coi là một cách thâm nhập “chi phí thấp” mà vẫn có thể đạt được “hiệu quả tối đa”.

Mấy năm gần đây, xu hướng “internet hóa” hoạt động xuất bản ngày càng gia tăng với quy mô không ngừng mở rộng. Theo ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), nếu như trước đây, các thế lực bên ngoài xuất bản những ấn phẩm có nội dung phản động, đồi trụy, độc hại rồi thông qua con đường nhập lậu (đường biên, cửa khẩu, hải cảng, hàng không) để tuồn vào nước ta, thì gần đây, phương thức truyền thống này có chiều hướng giảm. Thay vào đó là phương thức “internet hóa” hoạt động xuất bản với tính chất tinh vi hơn, tác hại cũng ghê gớm hơn.

Hiện tại, trên mạng internet đã xuất hiện một số “nhà xuất bản ảo” chuyên đăng tải những ẩn phẩm có nội dung phức tạp, nhạy cảm, thực hư lẫn lộn nhằm “tung hỏa mù”, gây nhiễu thông tin dư luận. Chỉ cần thông qua những cái tên của các nhà xuất bản ảo như “Tùy tiện”, “Vỉa hè”, “Giấy vụn”, “Gió”, “Cửa”, “Phía chúng ta”… cũng thấy phần nào ý đồ của họ. Trước đây, nếu một cuốn sách xuất bản bằng giấy thì “tốc độ” đến tay người đọc chậm hơn. Nhưng hiện nay, nếu sách được tung lên mạng thì chỉ cần một “cú nhấp chuột”, có thể có sách trong tay. Nội dung sách càng nhạy cảm, phức tạp, càng gây tò mò cho độc giả, nhất là giới trẻ. Những ai không có bản lĩnh, nhận thức chính trị non kém, không đủ trình độ phân biệt đúng - sai, tốt - xấu, thật - giả, phải - trái… sẽ dễ bị “nhiễm độc” tư tưởng, trái tim. Sự nguy hại của thủ đoạn tăng tốc “internet hóa” hoạt động xuất bản chính là ở chỗ này.

Không dừng lại ở đó, các thế lực bên ngoài còn lợi dụng con đường hợp tác xuất bản như thông qua học tập, hội thảo, đầu tư, liên kết để móc nối, lôi kéo, mua chuộc, chuyển hóa một bộ phận cán bộ, biên tập viên (nhất là số người có tư tưởng cơ hội, thực dụng) nhằm “phi chính trị hóa” hoạt động xuất bản. Năm 2013, cơ quan an ninh của ta đã phát hiện một tổ chức hải ngoại tài trợ 12.000USD cho một biên tập viên dưới “danh nghĩa cộng tác viên” của một nhà xuất bản lớn ở nước ta nhằm mục đích viết bài, xuất bản ấn phẩm với dụng ý xấu. Ngoài ra, một số cơ quan báo chí của người Việt lưu vong ở hải ngoại còn hỗ trợ kinh phí cho những kẻ cơ hội, bất mãn xuất bản những cuốn sách phản động. Ở trong nước, một số trí thức, văn nghệ sĩ có quan điểm phức tạp, cực đoan đã tập hợp tài liệu hoặc tự sáng tác, truyền bá những tác phẩm thiếu lành mạnh, thậm chí cấu kết với các đối tượng phản động bên ngoài để liên kết xuất bản những tác phẩm độc hại rồi phát tán trên mạng internet, trên blog, trang web cá nhân.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và dịch vụ internet, cuộc “xâm lăng văn hóa” diễn ra vô cùng khốc liệt trên “thế giới phẳng”. Thông tin xấu độc trên mạng đang làm ô nhiễm môi trường văn hóa và xâm hại nghiêm trọng an ninh tư tưởng - văn hóa quốc gia.
THIỆN VĂN
Bài 2: "Gió lành" chưa thổi bạt "gió độc" 
(QĐND)

Tiểu thuyết Gửi người yêu và tin của Nguyễn Thị Từ Huy

Tác phẩm Gửi Người Yêu và Tin và tác giả Nguyễn Thị Từ Huy (Hình: RFA)
Tiểu thuyết Gửi người yêu và tin của Nguyễn Thị Từ Huy vừa được nhà xuất bản Người Việt phát hành tại hải ngoại với lời giới thiệu đầy trân trọng của ba ngòi viết uy tín là Hoàng Ngọc Tuấn, Đỗ Quý Toàn và Phan Huy Đường.

Nhà thơ Đỗ Quý Toàn viết rằng Nguyễn Thị Từ Huy kể chuyện một nhân vật hư cấu để mượn cớ viết bản cáo trạng lối sống giả dối bao trùm trên xã hội hiện tại. Không cần nói ra, ai cũng biết, tác giả muốn mọi người thức tỉnh, từ chối cách sống đó.
Nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Tuấn thì viết: Từ Huy đã viết cuốn tiểu thuyết Gửi người yêu và tin với một ngòi bút tỉnh táo và sắc bén của một nhà phân tích tâm lý và một nhà phê phán xã hội và, dưới ngòi bút ấy, nhân vật chính trong tác phẩm - một nhân vật hư cấu nhưng đích thực là điển hình của loại người đang làm mục ruỗng xã hội và đạo đức ở Việt Nam hiện nay -  tự phơi bày bản chất qua nhiều chặng biến đổi khác nhau từ trang sách đầu tiên cho đến trang sách cuối cùng.
Chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn với tác giả Nguyễn Thị Từ Huy hy vọng sẽ mở ra thêm những trang sách mà tác giả còn ấp ủ chưa thể viết ra mời quý vị theo dõi.
Mặc Lâm: Thưa bà, “Gửi người yêu và tin”. Cái tựa có vẻ đánh đố người đọc lắm. Chữ tin có phải bắt đầu cho một loạt câu hỏi về sự bất tín của nhân vật trong tiểu thuyết hay chỉ đơn giản như nó vốn có?
Nguyễn Thị Từ Huy: Biết nói như thế nào ? Có một thời điểm, hai chữ “tin” và “yêu” gần như đi tới chỗ mất hết trọng lượng, và tôi cần phải làm gì đó để giữ lại một chút sức nặng của hai chữ đó, cho tôi. Hoặc nói cách khác, đó là thời điểm mà tôi cảm nhận một cách rõ rệt đời sống đang bị sa mạc hóa xung quanh tôi, đến mức chữ “tin” và chữ “yêu” bị khô quắt lại. Chúng ta đều biết một số trường hợp thực tế: chữ “yêu” càng được sử dụng nhiều bao nhiêu, thì đối tượng “được yêu” càng bị tàn phá, bị hủy hoại bấy nhiêu. Các diễn từ viết về lòng tin càng đẹp bao nhiêu, càng long lanh bao nhiêu thì trong thực tế niềm tin càng bị đánh mất bấy nhiêu. Hai chữ “tin” và “yêu” dường như chỉ còn lại vỏ chữ mà thôi.
Anh đọc truyện này 5 lần, thấy như sống lại cái cảm giác những ngày tuyệt vọng ở Việt Nam những năm 70, 80, trước khi phải vào tù nhiều lần, rồi phải liều chết vượt biển ra đi...Đọc lại 5 lần, và lần nào cũng thế, không thể không rơi nước mắt... - Hoàng Ngọc-Tuấn
Giữa lúc đó, tôi nhận thấy phần của ba tôi vẫn tiếp tục chảy trong tôi, phần của yêu tin, là thứ mà ba tôi lúc còn sống luôn giữ tràn đầy nơi trái tim ông, trong cái hình hài lúc nào cũng khô gầy của ông, là thứ mà trước lúc mất đi, ông để lại cho chúng tôi, và nó chảy thành cuốn sách này. Yêu và tin phải chảy qua những thử thách của thác ghềnh bất tín, đôi khi phải bị hút khô như cát trên sa mạc, để có thể chảy ra thành chữ.
Và khi tôi gửi lá thư đầu tiên trong cả série này cho Hoàng Ngọc-Tuấn, anh ấy trả lời rằng: “Anh đọc truyện này 5 lần, thấy như sống lại cái cảm giác những ngày tuyệt vọng ở Việt Nam những năm 70, 80, trước khi phải vào tù nhiều lần, rồi phải liều chết vượt biển ra đi... Đọc lại 5 lần, và lần nào cũng thế, không thể không rơi nước mắt... ”. Lúc đó anh ấy không biết rằng nước mắt của anh đã làm cho sa mạc nở hoa trong lòng tôi.
Ở đây, con người đang bị biến thành những búi cỏ khô trên sa mạc. Tôi mượn lối nói của Milovan Djilas, bởi nó quá chính xác. Từng ngày từng giờ, con người bị đe dọa bị khủng bố và bị mua chuộc, cả hai cách đó đều dẫn tới chỗ sa mạc hóa xã hội người, biến con người thành bụi, thành cỏ khô hoặc thành thú dữ.
Vậy, còn lại là, mỗi người có chịu để cho người ta biến mình thành cỏ khô hoặc thành công cụ hay không. Vấn đề chỉ còn là như vậy mà thôi. Mỗi cá nhân có tự bảo vệ được mình trước sự sa mạc hóa của chế độ hậu toàn trị này hay không mà thôi.
Mặc Lâm: Nhân vật nam trong tiểu thuyết phản ảnh trần trụi một nền giáo dục tha hóa đến tận cùng, có phải là kinh nghiệm đau xót của chính tác giả vốn là người làm việc lâu năm trong môi trường đại học hay không?
Nguyễn Thị Từ Huy: Thế nào là phản ảnh trần trụi? Không. Tôi không cạnh tranh với thực tế. Vì không cạnh tranh nổi. Thực tế khủng khiếp hơn rất nhiều so với những gì tôi có thể viết. Đó cũng chẳng phải là kinh nghiệm của riêng tôi. Chẳng cần phải làm trong ngành giáo dục cũng biết được mức độ tha hóa của những hiệu trưởng như Sầm Đức Xương, của những giáo sư đại học hay hiệu trưởng đánh bạc, đạo văn, đăng đầy trên các báo chính thống. Nhân vật của tôi cũng không ăn hối lộ của chỉ một người thôi mà lên đến 1,5 triệu đô la như tướng Phạm Quý Ngọ, mà khắp các báo đều nói đến. Thực tế là thứ mà văn chương của tôi không chạy theo nổi.
Không phải chỉ là lừa dối người khác, mà kẻ tự lừa dối bản thân đến một mức nào đó tin luôn vào những gì do chính mình bịa ra, đồng thời lại vẫn biết rõ đó là những thứ bịa đặt. Địa ngục không chỉ là tha nhân, địa ngục là chính mình - Nguyễn Thị Từ Huy
Nỗi đau xót cũng là nỗi đau xót chung, của tất cả mọi người. Tuy nhiên, điều mà tôi băn khoăn là : làm sao một hiện thực như thế lại có thể trở nên bình thường trong mắt chính những người làm giáo dục ?  “ Ở đây người ta làm như mọi việc đều bình thường, trong khi chẳng bình thường tí nào, nhiều chuyện bất thường xảy ra mà người ta cố tình không nhìn thấy, như thế thật nguy hiểm”, một người Pháp nói với tôi như vậy.
Tôi không viết để phản ánh. Hoàng Ngọc Tuấn nói một cách chính xác về “ niềm hy vọng mong manh ” trước khả năng thức tỉnh của con người.  Niềm hy vọng mong manh ấy đứng ở cuối con đường mà các chữ phải đi qua, nó là động lực khiến cho các chữ phải bước vào cuộc hành trình của những bức thư này.
Mặc Lâm: Sự giả dối, hèn nhát, lừa lọc và đạp lên nhau mà sống dường như đã không còn cứu chữa được nữa. Hình ảnh địa ngục ấy phải chăng chỉ dễ chia sẻ trong một giới nào đó vì xã hội hình như không có cùng cách nhìn như vậy?
Nguyễn Thị Từ Huy: Điều mà tôi nhìn thấy, Phan Huy Đường đã diễn tả trong mấy chữ đó : “sự giả dối với chính mình”. Đỗ Quý Toàn cũng có lý khi nói rằng sự dối trá đã trở thành một thứ “ hệ thống điều hành ”của não trạng cá nhân và não trạng xã hội. Không phải chỉ là lừa dối người khác, mà kẻ tự lừa dối bản thân đến một mức nào đó tin luôn vào những gì do chính mình bịa ra, đồng thời lại vẫn biết rõ đó là những thứ bịa đặt. Địa ngục không chỉ là tha nhân, địa ngục là chính mình. Vì thế, không còn có thể nhìn vào chính mình được nữa. Nội tâm trở thành một khoảng trống, một khoảng trắng. Nội tâm là thứ người ta không đụng đến, người ta nhìn vào người khác, để khỏi phải nhìn vào bản thân mình. Chỉ cần tự nhìn mình, tự vấn mình, chỉ cần có chút ít gì đó cựa quậy trong nội tâm, người ta sẽ khó mà trở thành độc ác đến như thế, khó mà có thể vô cảm đến như thế, khó mà phạm tội được. Vì cái nội tâm ấy trống rỗng nên dẫn đến sự nghèo nàn tinh thần và thiếu vắng nhân tính. Tôi chỉ tìm cách lấp đầy một khoảng trống thôi, cấp cho nội tâm trắng hếu của một người bất kỳ nào đó cái  nội dung tinh thần do tôi tưởng tượng ra.
Tôi nghĩ, chỉ có thể cứu chữa được, một khi con người quyết định nhìn thẳng vào nội tâm của chính mình. Chỉ khi đó mà thôi.
Mặc Lâm: Trong 16 bức thư ấy bà thấy bức nào cần phải đọc ít nhất hai lần mới chạm được những ẩn ý chôn sâu mà ngôn ngữ tiểu thuyết cũng không chuyên chở nổi?
Nguyễn Thị Từ Huy: Câu hỏi này có lẽ nên dành cho độc giả chăng…
Mặc Lâm: Tác phẩm được viết dưới hình thức các bức thư, nó tước mất những thói quen của người đọc và có khi làm cho họ bỏ dở các trang sách để hít thở không khí bên ngoài cuốn sách. Bà có gì nói thêm khi chọn cách viết rất khó này?
Nguyễn Thị Từ Huy: Tôi không nghĩ rằng cách viết này là khó đối với người viết. Hình thức thư tín đến với tôi một cách tự nhiên, như nó phải vậy, như thể nó là hình thức cần thiết cho tác phẩm này.
Nhưng có thể nó buồn chán với người đọc, như anh nói, để họ phải bỏ giữa chừng mà ra đứng cửa sổ chăng. Điều ấy còn tùy độc giả.
Vì sao tôi đã nghĩ đến việc dùng những lá thư để kết nối các cá nhân với nhau, và để kết nối các mảnh tưởng chừng như không thể tương hợp trong một con người ?
Thư đang là một hình thức được sử dụng khá thường xuyên trong đời sống hàng ngày của chúng ta hiện nay. Có biết bao nhiêu văn bản được viết dưới hình thức thư !  Từ trao đổi giữa hai cá nhân, đến các đề nghị gửi một nhân vật lãnh đạo nào đó, hay gửi một tập thể nào đó. Chúng ta cứ đọc báo mạng mà xem, thư đang là một phương tiện hiệu quả để trình bày những yêu cầu chung của cộng đồng. Nhiều khi người ta cũng công bố những thư riêng có ý nghĩa xã hội. Trong số đó có những bức thư rất hay, đó là những thư của Trần Huỳnh Duy Thức gửi con, viết ở Xuyên Mộc, từ ngày 3 đến ngày 6/11/2013. Tôi thấy những bức thư của anh Thức giống như một tác phẩm văn học vậy đó. Những thư đó không chỉ là câu chuyện giữa người cha và các con của mình, đó là câu chuyện của cả dân tộc này.
Cũng tương tự như thế, nhà văn Hoàng Ngọc Biên đã nhận ra rằng những bức thư của tôi không chỉ là câu chuyện giữa hai người yêu nhau, đó là câu chuyện của cả đất nước này, vì thế ông đã dùng bức tranh “ Đất & Nước ” của ông để trình bày bìa cho cuốn sách.
Chúng ta, ai nấy đều biết rằng hầu như tất cả những thư trình bày nguyện vọng của người dân sau khi được gửi đi đều bị rơi vào im lặng. Nhưng mọi người vẫn tiếp tục viết thư. Tôi cũng biết thế, nhưng tôi vẫn viết những bức thư này.
Vừa qua là cuộc trao đổi ngắn giữa chúng tôi và TS Nguyễn Thị Từ Huy tác giả tiểu thuyết Gửi người yêu và tin. Chúng tôi xin một lần nữa trích đoạn giới thiệu của Hoàng Ngọc Tuấn nói về tác phẩm này để giới thiệu đến người yêu sách :
“Đọc xong Gửi người yêu và tin của Từ Huy, tôi chợt có thêm một thoáng hy vọng nữa, một thoáng hy vọng cũng vô cùng mong manh, rằng tác phẩm này sẽ có cơ hội được đọc bởi chính những con người mà nó phản ảnh, và biết đâu có một giây phút tự phản tỉnh sẽ xảy ra trong lòng những con người ấy.”
 
Mặc Lâm
 
(RFA)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét