Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

Quyền lực cứng, quyền lực mềm, quyền lực thông minh - Ý chí quyết tử của những người giữ đất

Quyền lực cứng, quyền lực mềm, quyền lực thông minh

Nghiencuuquocte
Nguồn: Ernest J. Wilson III (2008). “Hard Power, Soft Power, Smart Power”, The ANNALS of the American Academy of Political and Social Science 2008, pp. 110-124.>>PDF
Biên dịch: Phạm Hương Trà | Hiệu đính: Phạm Thủy Tiên
Bài viết này mở rộng khái niệm quyền lực cứng và quyền lực mềm nhằm giới thiệu khái niệm quyền lực thông minh, được định nghĩa là khả năng một chủ thể kết hợp các thành tố của quyền lực cứng và quyền lực mềm thông qua các phương thức tác động qua lại nhằm đạt được mục đích mình mong muốn một cách hiệu quả. Bài viết lập luận rằng việc phát huy quyền lực thông minh đã trở thành vấn đề cấp thiết đối với an ninh của các quốc gia do tác động của những thay đổi cấu trúc mang tính dài hạn trong các điều kiện quốc tế và những thất bại trong ngắn hạn của chính quyền hiện tại. Những tranh luận hiện nay về ngoại giao công chúng và quyền lực mềm chịu tác động từ những thất bại trong việc xử lý các khía cạnh khái niệm, thể chế và chính trị của thách thức nêu trên. Đây cũng là ba khía cạnh được tác giả phân tích trong bài viết này.

Nhiều ý kiến trong và ngoài nước Mỹ cho rằng nội dung và cách triển khai hiện tại của chính sách đối ngoại Mỹ còn nhiều khiếm khuyết và cần được sửa chữa. Thật không may là bản thân cuộc tranh luận này cũng có khiếm khuyết: những người ủng hộ quyền lực mềm lẫn những người cổ vũ quyền lực cứng đều không tích hợp đầy đủ các lập trường của họ vào một khuôn khổ hợp nhất để thúc đẩy lợi ích quốc gia. Những người ủng hộ quyền lực mềm và ngoại giao công chúng có khuynh hướng trình bày lập luận một cách thiếu thuyết phục, các lập trường của họ thường thể hiện sự ngây thơ về mặt chính trị và yếu kém về mặt thể chế. Trong khi đó, những người ủng hộ quyền lực cứng, vốn nắm giữ sức mạnh về chính trị và thể chế, lại thường đưa ra các lập luận không thỏa đáng. Họ dường như tin rằng có thể yên tâm bỏ qua các yếu tố của sức mạnh quốc gia nằm ngoài phạm vi quan điểm truyền thống hoặc chỉ đơn giản cộng thêm các yếu tố này vào quan điểm vốn có của mình. Kết quả là lợi ích quốc gia đã không được đáp ứng thỏa đáng bởi cuộc tranh luận giữa hai chiều hướng kém hoàn hảo.
Vào giai đoạn chuyển tiếp sang một chính phủ mới, thông thường các cuộc đối thoại quan trọng sẽ diễn ra trong các chiến dịch tranh cử, trong các cuộc họp kín của các đảng, và trong các viện nghiên cứu tư vấn chính sách ở Washington về các ưu tiên chính sách ngoại giao của chính quyền mới. Trong quá khứ, các cuộc đối thoại như vậy sẽ chủ yếu được định hình bởi các mối quan tâm về quyền lực cứng truyền thống. Nhưng khi nhìn về tương lai, các tính toán quyền lực mềm sẽ có dấu ấn mạnh mẽ hơn nhiều trong nội dung các chính sách an ninh quốc gia và đối ngoại của Mỹ.
Bài viết này nhằm mục đích cung cấp một khung lý thuyết về quyền lực thông minh và đóng góp vào cuộc thảo luận các quan điểm đối nghịch nhau như vừa đề cập, để cải thiện hiệu quả của chính sách đối ngoại. Trước tiên bài viết giải thích tại sao các điều kiện chuyển tiếp và cấu trúc mới lại đòi hỏi phải có quyền lực thông minh, sau đó phân tích các thách thức về mặt khái niệm, thể chế và chính trị cần phải giải quyết nhằm thúc đẩy việc đạt được quyền lực thông minh của nước Mỹ. Đây là kết quả của một dự án kéo dài cả năm trời[1] bao gồm một cuộc đối thoại quốc tế trên blog (www.smartpowerblog.org), một chuyên đề nghiên cứu đang tiến hành và một chuỗi hội thảo đang tranh luận sôi nổi về khái niệm này. Bài viết cũng được thực hiện đồng thời với một công trình khác được thực hiện bởi Ủy ban về Quyền lực Thông minh mới thành lập gần đây, do Joseph Nye và Richard Armitage thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế  và Chiến lược (CSIS) điều hành.
Tại sao bây giờ phải quan tâm đến quyền lực thông minh?
Sự quan tâm ngày càng gia tăng đối với quyền lực thông minh phản ánh hai khuynh hướng đương đại, một mang tính cấu trúc và dài hạn, một mang tính ngắn hạn và tình thế, chủ yếu được thúc đẩy bởi các chính sách của chính quyền đương nhiệm. Lý do rõ ràng nhất cần suy xét nghiêm túc về quyền lực thông minh là do các thiếu sót chính sách đã được thừa nhận rộng rãi của chính quyền Mỹ trong 7 năm qua. Có một niềm tin rộng khắp ở Mỹ và trên thế giới rằng chính sách an ninh quốc gia và đối ngoại của chính quyền Bush đã không thông minh, ngay cả khi xét theo tiêu chí của riêng chúng, và kết quả là các chính sách này đã thỏa hiệp (hay phương hại) các lợi ích ngoại giao và an ninh của Mỹ, gây ra sự giận dữ chưa từng có trên toàn cầu, và làm giảm đáng kể vị thế của Mỹ trên thế giới (Kohut and Stokes 2006; Pew Global Attitudes Project 2006; Halper and Clarke 2004).
Trái lại, lãnh đạo của các quốc gia khác lại sử dụng công cụ quyền lực của họ một cách tinh vi hơn. Lấy một ví dụ, các lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) đã triển khai các nguồn lực của nước này một cách rất có chiến lược, mặc dù không có nhiều thể hiện nổi bật. Những lựa chọn chính sách riêng biệt của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và các cố vấn đã phản ánh sự phân tích công phu về tình hình thế giới, và họ đã triển khai một loạt các công cụ cân bằng và có phối hợp nhằm đạt được những mục tiêu chính trị chuyên biệt của mình, cũng như thúc đẩy các mục tiêu quốc gia. Quyết định của Hồ Cẩm Đào về việc phát triển và nhất quán theo đuổi học thuyết “Trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc” rõ ràng là đối trọng với cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ George W. Bush vốn tập trung chủ yếu vào nhu cầu duy trì ưu thế quân sự. Tuy nhiên cả hai cách tiếp cận này đều là ví dụ rõ ràng về những tính toán chính sách do lãnh đạo của các cường quốc đưa ra, có tính tương đối độc lập và không bị gò ép bới các yếu tố cấu trúc. Các lãnh đạo của Trung Quốc đã đưa ra những quyết định hết sức tỉnh táo khi theo đuổi đường lối khéo léo hơn. Lẽ ra họ đã có thể theo đuổi chiến lược “Trỗi dậy cứng rắn của Trung Quốc”. Họ đã có thể có những xáo trộn về mặt ngoại giao trong cách ứng xử với các quốc gia châu Phi, và vụng về trong cách theo đuổi các nguồn tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản; nhưng thay vào đó, họ đã tạo ra điều mà Josh Kurlantzick (2007) gọi là “chiến dịch quyến rũ” đa diện thông qua việc cung cấp viện trợ nước ngoài và dành sự chú ý đặc biệt cho các lãnh đạo châu Phi. Tương tự như vậy, họ đã có thể phớt lờ châu Âu và dựa chủ yếu vào quyền lực cứng trên khắp eo biển Đài Loan. Dù rằng các chiêu thức hấp dẫn của Trung Quốc đã và đang mang lại những kết quả trái ngược nhau, nhưng nó đã được tiến hành dựa trên một quá trình xem xét công phu với hàng loạt các công cụ quyền lực quốc gia.
Tuy nhiên, hiện nay sự khao khát quyền lực thông minh không chỉ đến từ những lựa chọn hay hoặc dở của cá nhân các nhà lãnh đạo. Ngay cả khi chính quyền Mỹ không để lộ quá nhiều điểm yếu, thì các xu hướng thế tục mang tính lâu dài vẫn sẽ khơi dậy những nhu cầu về một cách thức mới trong việc lên ý tưởng và thực thi quyền lực nhà nước. Nói tóm lại, các nước G8 đang tăng tốc quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế hậu công nghiệp, nơi mà quyền lực ngày càng phụ thuộc vào năng lực của quốc gia trong việc tạo ra và vận hành tri thức và thông tin. Khả năng sáng tạo và đổi mới của một quốc gia có thể ưu trội hơn việc sở hữu các sư đoàn thiết giáp hoặc tàu sân bay, và những công cụ công nghệ cao đời mới có thể giúp tăng cường đáng kể tầm ảnh hưởng quân sự và phi quân sự. Các lực lượng quân đội và vũ trang vẫn rất quan trọng, nhưng vai trò tương đối của họ đã thay đổi hoàn toàn, cả về cách thức quân đội tiến hành chiến tranh cũng như sự kết hợp giữa các nguồn lực quân sự và phi quân sự. Thế giới của những cuộc chiến đã được số hóa nhiều hơn, mang tính liên kết và linh động hơn, và các nguồn lực phi quân sự như truyền thông đã nổi lên giữa hàng loạt các công cụ quyền lực nhà nước (Arguilla and Ronfeldt 1999).
Các nước phát triển đang có mọi thứ, từ bom thông minh, điện thoại thông minh đến blog thông minh. Và khi các quốc gia trở nên thông minh hơn trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông trên nhiều nền tảng khác nhau, thì các lực lượng phi quốc gia như Al Qaeda cũng vậy (Brachman 2006; Thomas 2003). Bất kỳ chủ thể nào có tham vọng củng cố vị thế trên trường quốc tế đều phải xây dựng chiến lược xoay quanh những nguyên tắc cơ bản mới về “sự thông minh” này.
Các chiến lược thông minh cũng cần phải tính đến tầm ảnh hưởng đang thay đổi giữa các quốc gia truyền thống, với sự trỗi dậy của Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, và các chủ thể khác trên trường quốc tế kể từ khi hai phe đối địch trong Chiến tranh Lạnh sụp đổ. Sức mạnh mới của các nước này đã tạo nên những trở ngại mới đối với các hành động đơn phương của các quốc gia vốn đã có vị thế của nhóm G8, trong đó có Hoa Kỳ. Việc xây dựng chính sách đối ngoại tập trung vào các tiềm năng mới của công nghệ và các lực lượng mới trên thế giới đòi hỏi mức độ tinh vi hơn so với trước đây.
Nguyên nhân cuối cùng của cuộc săn tìm quyền lực thông minh ngày nay là việc đối tượng dân chúng cũng trở nên “thông minh hơn”. Với sự phổ biến của giáo dục trung học và đại học, cũng như tính khả dụng của các phương tiện thông tin đại chúng, người dân ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh ngày càng trở nên giàu có, sành sỏi và hiểu biết hơn về bản thân và xã hội, và ít bị ảnh hưởng dễ dàng bởi việc thực thi quyền lực mềm hoặc cứng. Tầng lớp người dân có học thức mới này đòi hỏi phải được đối xử khác so với trước đây; khi thế giới quanh họ ngày càng trở nên đô thị hóa và tầng lớp trung lưu ngày càng đông, thì các cá nhân ngày càng có lập trường quyết đoán hơn. Sự lan rộng của các thực tiễn dân chủ này đồng nghĩa với việc các nhà lãnh đạo nước ngoài cũng ít có khả năng hơn so với trong quá khứ trong việc thay mặt Mỹ, đại diện từ xa cho người Mỹ và cho các quyền lực của Mỹ. Chế độ dân chủ đặt ra nhiều khó khăn rõ rệt trong việc xây dựng và thực hiện chính sách đối ngoại của Mỹ tương tự như những cơ hội mà nó đem lại.
Nói tóm lại, thế giới đã và đang trở nên thông minh hơn, và các giới chức ngoại giao cấp cao của Mỹ vẫn chưa thể bắt kịp nhịp độ. Mãi cho đến gần đây, các quan chức chính quyền tổng thống Bush mới thể hiện sự miễn cưỡng hoặc bất lực trong việc hình thành và thực thi quyền lực một cách sáng tạo, phù hợp với thời đại, và tổng hợp sức mạnh của các công cụ quyền lực khác nhau của nhà nước. Điều này đã chứng tỏ vấn đề của cả hai đảng, khi chính quyền đảng Dân Chủ trước đây cũng không phải là hình mẫu về quyền lực thông minh, với nhiều sai lầm nghiêm trọng trong những nỗ lực ban đầu nhằm kết hợp sức mạnh quân sự, kinh tế và các ảnh hưởng ngoại giao.
Đi tìm Quyền lực thông minh
Không có gì ngạc nhiên khi cách sử dụng quyền lực không thông minh đã dẫn đến xu hướng trái ngược là quyền lực thông minh. Tại Mỹ cũng như trên thế giới, người ta liên tục nghe thấy những lời kêu gọi cải cách rộng rãi từ tất cả các nơi trên bản đồ chính trị, xuyên suốt cộng đồng những người ủng hộ quyền lực cứng và mềm, từ những người theo chủ nghĩa tân tự do đến những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ cải cách (Korb, Boorstin, and Center for American Progress 2005; Chomsky 2002; Haas 2005; Halper and Clarke 2004; Nossel 2004; Princeton Project on National Security 2006). Không có gì ngạc nhiên khi những lời chỉ trích gay gắt nhất lại đến từ những người ủng hộ chính sách ngoại giao, cả ngoại giao truyền thống và ngoại giao công chúng, và từ những người ủng hộ những hình thức khác của quyền lực mềm. Tuy nhiên lý lẽ của họ có rất nhiều thiếu sót, cho thấy nhu cầu phải có các yếu tố sau:
  1. định nghĩa và khái niệm hoàn chỉnh hơn về ý nghĩa của quyền lực cứng và quyền lực mềm;
  2. chú trọng nhiều hơn đến những bối cảnh thực tế về thể chế – nhấn mạnh đến những phương thức mà các khái niệm này được thực thi;
  3. nỗ lực có tính hệ thống hơn để hợp nhất các động lực chính trị thực tiễn – gắn liền với những chuyển dịch hướng tới học thuyết quyền lực thông minh, cũng như nỗ lực mạnh mẽ hơn nhằm can dự về mặt chính trị với các vấn đề một cách nhất quán và hiệu quả.
Nhằm nâng cao tính hiệu quả của việc triển khai quyền lực cứng và mềm một cách riêng lẻ, và kết hợp chúng thành quyền lực thông minh, chúng ta phải khắc phục được ba vấn đề như sau: cung cấp các định nghĩa chính xác và chi tiết hơn, phân tích cẩn thận các thể chế của quyền lực cứng và mềm, và nhìn nhận rõ ràng hơn nữa về những động lực chính trị cần thiết để hỗ trợ kết hợp quyền lực cứng và mềm trong việc tạo ra quyền lực thông minh.
Những thách thức về định nghĩa và khái niệm
Trong chính trị quốc tế, có “quyền lực” nghĩa là có khả năng khiến một chủ thể, không còn cách nào khác, phải hành động theo những cách thức mà mình mong muốn. Quyền lực cứng là khả năng ép buộc họ phải làm như vậy. Các chiến lược của quyền lực cứng tập trung vào can thiệp quân sự, ngoại giao cưỡng bức và trừng phạt kinh tế để gia tăng lợi ích quốc gia (Art 1996; Campbell and O’Hanlon 2006; Cooper 2004; Wagner 2005). Theo các bài viết học thuật, cách tiếp cận theo chủ nghĩa tân hiện thực có xu hướng nhấn mạnh vào quyền lực cứng, đặc biệt là quyền lực cứng của các quốc gia, trong khi đó các học giả theo chủ nghĩa tự do lại nhấn mạnh vào quyền lực mềm như là nguồn lực chính trong nghệ thuật quản lý đất nước (cùng với sức mạnh thiết lập luật chơi – yếu tố thường bị bỏ qua một cách kỳ lạ trong những cuộc đối thoại hiện nay về quyền lực cứng và mềm).
Trái với quyền lực cưỡng bức, quyền lực mềm là khả năng thuyết phục người khác làm theo những gì mình muốn. Là khái niệm có ảnh hưởng to lớn được Joseph Nye giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1990 và mở rộng hơn trong những nghiên cứu sau này của ông, thuật ngữ  quyền lực mềm đã trở thành trọng tâm phân tích trong các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại. Nye định nghĩa quyền lực mềm là khả năng đạt được những gì mình muốn thông qua thuyết phục hoặc hấp dẫn thay vì cưỡng bức (Nye 1900). Nó tạo ra sự hấp dẫn và bao gồm hầu hết mọi yếu tố ngoài sức mạnh kinh tế và quân sự (Cooper 2004). Nye (2004) cho rằng: “Xét về mặt các nguồn lực, thì nguồn lực của quyền lực mềm là những thứ tạo nên sức hấp dẫn này”[2]. Thuật ngữ này không phải là chưa từng bị chỉ trích, cũng như gây sự bất mãn về khái niệm hoặc tính ứng dụng của nó. Ví dụ, một tác giả người Canada đã cho rằng khái niệm thông thường về quyền lực cứng và mềm là không phù hợp với Canada; dẫn đến kết quả thất bại khi các nhà phân tích “cố gắng ghép một khái niệm có nguồn gốc từ Mỹ vào bối cảnh chính trị của Canada” (Smith-Windsor 2005). Như đã thấy trong công trình hợp tác giữa Nye và Ủy ban CSIS, ông cũng đã cố gắng tiếp cận ý tưởng về quyền lực thông minh.
Tái định hình vấn đề
Bài viết này định nghĩa quyền lực thông minh là khả năng một chủ thể kết hợp các thành tố quyền lực cứng và quyền lực mềm thông qua các phương thức tác động qua lại nhằm đạt được mục đích mình mong muốn một cách hiệu quả.
Một khuôn khổ cho quyền lực thông minh vững chắc về mặt khái niệm và liên quan chặt chẽ với chính sách cần được xây dựng dựa trên một số xem xét bổ sung mang tính cốt lõi như sau:[3]
  • Mục tiêu mà chủ thể hướng tới khi thực hiện quyền lực – bản chất bên trong và bối cảnh toàn cầu rộng hơn của nó. Quyền lực không thể gọi là thông minh khi những người sử dụng nó không biết gì về nhóm đối tượng và các khu vực mục tiêu.
  • Nhận thức về bản thân của chủ thể, cũng như hiểu biết về những mục đích và khả năng của họ. Quyền lực thông minh đòi hỏi người sử dụng nó phải biết rõ đất nước hoặc cộng đồng của họ đang tìm kiếm điều gì, cũng như ý chí và khả năng đạt được mục tiêu của họ.
  • Bối cảnh khu vực và quốc tế, trong đó hành động sẽ được thực hiện
  • Những công cụ được sử dụng, cũng như khi nào cần tách biệt hoặc kết hợp chúng và bằng cách nào.
Mỗi yếu tố trong số này đều xứng đáng nhận được sự chú ý nhiều hơn là chỉ trong một bài viết, nhưng cũng cần phải thảo luận thêm về vấn đề “công cụ” vì đây là trọng tâm của những cuộc thảo luận hiện nay về quyền lực cứng và mềm – những công cụ nào thích hợp nhất trong những trường hợp nào. Một chủ thể đòi hỏi phải có hiểu biết vững chắc về kho công cụ quản lý nhà nước. Quyền lực thông minh đồng nghĩa với việc hiểu về những điểm mạnh và hạn chế của mỗi công cụ. Quân đội được mong đợi sẽ đạt được những gì? Những chương trình phát sóng có mục đích có thể có tác dụng gì? Những chương trình trao đổi có thể làm được những gì? Hơn nữa, một chủ thể cần có khả năng nhận ra khi nào cần sử dụng loại quyền lực này thay vì loại khác để đạt được mục đích quốc gia, tùy hoàn  cảnh. Điều này liên quan đến sự khôn ngoan khi biết cách kết hợp những yếu tố của quyền lực cưỡng bức với quyền lực thuyết phục và truyền cảm hứng (nói cách khác là kết hợp quyền lực cứng và quyền lực mềm). Sẽ rất có ích nếu có hiểu biết về những trường hợp đã kết hợp hiệu quả giữa quyền lực cứng và mềm trong quá khứ, để từ đó làm định hướng cho hiện tại và tương lai.
Cuối cùng, cách tiếp cận quyền lực thông minh thực sự công phu cần đi cùng nhận thức rằng quyền lực cứng và mềm không chỉ đơn thuần tạo ra những “công cụ” trung tính phục vụ cho một lãnh đạo ý chí sáng suốt, thông thái và độc lập; mà bản thân các công cụ đó cũng tự tạo nên các thể chế riêng biệt và độc lập, kèm theo văn hóa của các thể chế này, tự chúng cũng có thể có những ảnh hưởng riêng mang tính quy phạm với các thành viên trong đó, mỗi cá thể lại có những quan điểm, động cơ và con đường sự nghiệp được tính trước.
Những thách thức về thể chế
Những thách thức chính trị
Kết luận
Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Quyen luc cung, quyen luc mem, quyen luc thong minh.pdf

[1] Dự án “Quyền lực cứng, Quyền lực mềm, Quyền lực thông minh” là một sáng kiến của Trung tâm Ngoại giao Công chúng tại Trường báo chí và Thông tin Annenberg, Đại học Nam California, thành phố Los Angeles. Mục đích của dự án là phát triển một cách tiếp cận tiên tiến về quyền lực quốc gia, cho phép các nhà hoạch định chính sách cấp cao có thể kết hợp tốt hơn các tài sản và công cụ quyền lực cưỡng chế (quyền lực cứng) như hành động quân sự với các nguồn lực của ngoại giao công chúng và truyền thống (quyền lực mềm). Dự án có một trang blog (www.smartpowerblog.org) và một chương trình nghiên cứu nhằm xây dựng một danh mục các thuật ngữ, tài liệu chuyên đề, và một hội thảo quần chúng. Giám đốc Dự án Quyền lực Thông minh chính là tác giả của bài viết này, dựa trên bài diễn văn phiên toàn thể của tác giả tại hội nghị quốc tế về Ngoại giao Công chúng, được tổ chức bởi Bộ Ngoại giao Anh tại Wilton Park năm 2006.
[2] Trong nghiên cứu gần đây của mình, Nye đã giới thiệu thuật ngữ “quyền lực thông minh”, nhưng phát biểu của ông khác với ý kiến được đề cập trong bài này. Trong phân tích chính sách, tôi tin rằng quyền lực thông minh nên là khái niệm khung trọng tâm mà theo đó, quyền lực cứng và quyền lực mềm được kết hợp với nhau. Tuy nhiên độc giả cũng nên tham khảo lại cách dùng thuật ngữ này của Nye, bao gồm cả nhóm “quyền lực thông minh” được tập hợp bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
[3] Tóm lại, những giả thuyết này nhấn mạnh vào tầm quan trọng của bối cảnh của quyền lực. “Thông minh” trong bối cảnh này có thể chưa hẳn là thông minh trong bối cảnh khác. Một chiến lược thông minh ở Afghanistan chưa chắc đã là một chiến lược thông minh ở Iraq. Một chiến lược thông minh trong tháng Tư khi sang tháng Năm có thể trở nên không thông minh nữa. Mỗi công cụ quyền lực có thời gian biểu riêng – quyền lực mềm thường mất nhiều năm mới phát huy tác dụng, trong khi một cuộc không kích quyền lực cứng có thể xảy ra gần như ngay tức khắc. Những nguyên tắc về thời gian và địa lý quyết định phần lớn việc một chiến lược có thông minh hay không. Kết hợp quyền lực cứng và quyền lực mềm một cách hiệu quả đồng nghĩa với việc công nhận những mối tương quan cũng như điểm khác biệt giữa chúng. Những ảnh hưởng này có thể đi theo hai hướng. Ví dụ, quyền lực cứng có khả năng và thường giúp khuếch trương quyền lực mềm. Người ta có xu hướng lắng nghe rất cẩn thận đối với những nước có vũ khí hạt nhân. Pakistan có xu hướng cẩn thận lắng nghe Ấn Độ, một nước láng giềng liền kề với quân đội hùng hậu và vũ khí hạt nhân đa dạng. Cùng lúc, vận dụng quyền lực mềm hiệu quả có thể khuếch trương quyền lực cứng. Quan hệ lâu bền giữa Pháp và các nước châu Phi nói tiếng Pháp từ nhiều thập kỉ nay được dựa trên việc sử dụng quyền lực mềm trong đời sống hàng ngày bao gồm ngôn ngữ, kết hợp với can thiệp quân sự khôn ngoan khi cần thiết để củng cố ảnh hưởng kinh tế và văn hóa.
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2014/03/04/quyen-luc-thong-minh/#more-1098

Ý chí quyết tử của những người giữ đất

Những người quyết tử

Bắc Giang - một địa phương có truyền thống xung đột đất đai giữa người dân với chính quyền, lại vừa vụt hiện một dấu hiệu quyết tử giữ đất, sau đúng hai năm từ cuộc nổi dậy của người nông dân Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng.

Tiếp nối truyền thống o ép và đàn áp dân như đã từng dẫn đến cái chết cho ít nhất một người khiếu kiện và xử tù những người khiếu kiện khác cách đây ba năm, một lực lượng hùng hậu lên đến 137 nhân mạng đã kéo đến khu Lê Duẩn, thị trấn Chũ thuộc huyện Lục Ngạn để cưỡng chế đối với một gia đình không hề nằm trong phần đất phải giải tỏa.


Tại đây, đoàn cưỡng chế trên đã gặp phải sức kháng cự hết sức bất ngờ và quyết liệt của hai anh em Vi Văn Tùng và Vi Văn Thế. Những quả bom xăng tự chế từ bình gas đã được người giữ đất chuẩn bị thật chu đáo để dón tiếp các vị khách không mời. Sau hai năm từ thời điểm nổ ra vụ Cống Rộc ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, suýt chút nữa người ta đã chứng kiến hình ảnh Đoàn Văn Vươn tái hiện ở Bắc Giang cùng cảnh sắc máu đổ giữa những con người từng là đồng bào của nhau.

Câu chuyện trên không khỏi nhắc công luận nhớ lại vụ ba anh em ruột ở Hà Bắc, Trung Quốc, cùng tự thiêu vào giữa năm 2011 như một tâm thế tuyệt vọng trước hành vi cưỡng chế đất bất chấp của chính quyền.

Một bài điều tra mới đây của báo Dân Trí cho thấy vào năm 2007, chính quyền huyện Lục Ngạn đã tống đạt chủ trương thu đất để thực hiện dự án xây dựng công trình “Đường nội thị thị trấn Chũ, tuyến Khí tượng - Bệnh viện Đa khoa Lục Ngạn” với chiều dài 1,7 km. Tuy nhiên, điều khiến nhiều hộ dân kinh ngạc và phẫn nộ là con đường mới không hề đi qua phần đất của người dân nhưng họ lại nhận được thông báo phần đất của gia đình họ cũng sẽ bị thu hồi để “làm đường”.

Cho đến năm 2013, đường mới được hoàn thiện. Lúc này, 17 hộ dân thuộc khu Lê Duẩn liên tục nhận được những thông báo của chính quyền về việc thu hồi đất của gia đình họ dù những phần đất này cách xa con đường mới. Mỗi hộ bị thu hồi hàng trăm mét vuông.

Nhưng đáng công phẫn hơn, các hộ dân ở đây xác quyết rằng chính quyền huyện Lục Ngạn thu hồi những phần đất không hề liên quan đến dự án làm đường để phân lô bán nền với giá cao hơn nhiều so với giá đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân.

Căn nguyên của những bức xúc trên xuất phát từ những lập lờ trong các Quyết định, Thông báo của chính quyền huyện Lục Ngạn. Theo đó, toàn bộ các Quyết định, Thông báo và các văn bản liên quan của Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn từ năm 2007 đến cuối năm 2013 gửi các hộ dân đều ghi rõ, việc thu hồi đất là để “thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường nội thị thị trấn Chũ”. Tuy nhiên, đến thông báo ngày 31/12/2013, các thông báo thu hồi đất lại được “bổ sung” thêm mục đích thu hồi đất là để “thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường nội thị thị trấn Chũ và Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư”.
Tình thế biến hóa của các văn bản trên đã là một minh chứng không thể minh bạch hơn về thói xảo trá của những kẻ đang tuyên xung là “công bộc của dân”.

Những kẻ dung dưỡng

Hai anh em Vi Văn Tùng và Vi Văn Thế đang bị cơ quan cảnh sát điều tra địa phương “củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án”. Điều đó cũng có nghĩa là lại một lần nữa, tương lai của những người dân khiếu kiện và chống cưỡng chế là bốn bức tường đen đúa và tăm tối trong trại giam, cùng những án tù có thể không hề nhẹ nhàng với tội danh “chống người thi hành công vụ”.

Nhưng hệ lụy nhân quả của trời đất chưa hề kết thúc. Tình cảnh đau đớn của người dân luôn bị nhân gấp đôi: một do thái độ hành xử vô lối của chính quyền, và tiếp nối là những kẻ được xem là “công bộc”, ngoài thói quen vun vén tài sản trên máu xương đồng bào, đã không tích góp được bất kỳ kinh nghiệm xương máu nào trong cuộc đối mặt và cả đối đầu với dân chúng.

Hai ngàn bài viết phẫn uất sôi sục trên phần lớn báo chí trong nước về số phận “người nông dân nổi dậy” Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng vào đầu năm 2012 cuối cùng đã chẳng mấy có tác dụng, bởi chính thái độ coi thường dân của rất nhiều quan chức vô cảm. Thậm chí, viên đại tá có tên là Đỗ Hữu Ca, giám đốc Công an Hải Phòng và là tác giả của giai thoại được xem là “trận đánh đẹp” vào gia đình Đoàn Văn Vươn, còn được phong hàm tướng sau sự việc đau buồn đó.

Làng Trịnh Nguyễn, tỉnh Bắc Ninh vào khoảng giữa năm 2013. Đỗ Thị Thiêm, một phụ nữ nông dân chống cưỡng chế đất đai, bị băng trắng phủ kín cả phần ngực và hai bên sườn. Chị đã bị những kẻ giấu mặt tạt axit. Nhiều dân làng Trịnh Nguyễn phải náu mình đòi công lý dưới gầm cầu vượt đã không hề hoài nghi về việc nhóm thủ ác đối với chị Thiêm được chủ đầu tư và cả công an địa phương sai khiến.

Giai tầng nông dân, vốn chiếm đến 60% dân số trong độ tuổi lao động ở Việt Nam, đang lâm vào tình trạng bức bách về kế sinh nhai. Trên khắp mọi vùng đất nước vẫn hàng ngày lê thê hình ảnh những đoàn dân oan lũ lượt kéo nhau đi đòi quyền lợi bị đánh cắp.
Cảnh nạn phân tầng và phân hóa xã hội ở Việt Nam mới đắng chát làm sao! Trong khí buốt tê tái lòng người cùng nỗi bất an cùng cực cho tương lai vẫn siết lấy buồng tim những người nông dân mất đất.

Không khí trì trệ không chỉ não trạng mà cả hành vi trong Đảng càng khiến cho các nhóm lợi ích thừa cơ tung hoành. Vào đầu tháng 10/2013, hàng loạt vụ cưỡng chế đã dồn dập xảy ra ở Văn Giang thuộc Hưng Yên và Trịnh Nguyễn thuộc Bắc Ninh. Không chỉ hiện diện sắc phục công an, hình ảnh tái hiện của những nhóm côn đồ càng khiến lớp dân oan sôi máu.

Cùng tắc biến. Mục ruỗng tư tưởng chế độ đã biến thành hành vi “hồi tố” từ dân chúng. Tháng 9/2013, một nông dân Thái Bình là Đặng Ngọc Viết đã xả súng bắn chết ba quan chức điều hành quỹ đất của tỉnh này. Suy thoái kinh tế kéo dài và bế tắc kéo theo những mầm mống khủng hoảng xã hội đang mau chóng lộ diện và có thể bùng nổ trong vô thức. Phần lớn sự lộ hình này đến từ nông thôn miền Bắc - những địa phương có truyền thống cách mạng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và cả khởi nghĩa nông dân.
Người dân Việt đang tự hỏi sẽ còn xảy ra bao nhiêu vụ Đoàn Văn Vươn và Đặng Ngọc Viết nữa ở nông thôn miền Bắc và dắt dây vào khu vực miền Trung và Nam bộ.

Sẽ phải trả giá

Một khi “sở hữu đất đai toàn dân” vẫn chưa có gì tiến hóa trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013, các nhóm lợi ích vẫn ung dung trục lợi với sự “bảo kê” mới từ bản tân Hiến pháp về cơ chế thu hồi đất.

Trái ngược với mong mỏi của người dân về quyền sở hữu đất cần được quy định trong luật, Hiến pháp 2013 vẫn cho rằng: vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên không đặt vấn đề trưng mua vì tổ chức, cá nhân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu; đặc biệt là vẫn thu hồi đất đối với các dự án kinh tế xã hội.

Một khi Hiến pháp mới vẫn được sao y trọn vẹn tinh thần của “bản gốc” năm 1992, tất nhiên sẽ chẳng có một cuộc đổi thay tinh thần nào cho người dân, cho dù từ đầu năm 2013 đến nay đã có quá nhiều và quá đủ ý kiến từ dân chúng cho rằng nhân dân phải có quyền định đoạt - sở hữu về mảnh đất của chính mình, chứ không thể mãi mãi chỉ vay mượn khái niệm “quyền sử dụng” - một cái cớ để bất cứ một nhóm lợi ích nào cũng có thể lợi dụng nhằm đẩy đuổi dân ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn.

Cho tới thời điểm này, việc giải quyết khiếu tố đất đai vẫn hết sức nóng bỏng ở Việt Nam, với khoảng 80% đơn thư khiếu tố thuộc về lĩnh vực đất đai và hơn 70% trong số đơn thư đó nhằm tố cáo rất nhiều sai phạm của các chính quyền địa phương về công tác bồi thường, cưỡng chế giải tỏa, tái định cư…

Nhưng ngược chiều với tuyên ngôn “công an và thanh tra là bạn của dân”, nhiều vụ khiếu kiện đất đai đã bị quy chụp cho cái mũ “tụ tập mang màu sắc chính trị” và đã bị đàn áp nặng nề.

Trong tận cùng tâm não của mình, dường như Đảng và Quốc hội vẫn chưa nhận ra những sự kiện Ô Khảm ở Trung Quốc vào cuối năm 2011 và Tiên Lãng ở Việt Nam vào đầu năm 2012 đã có thể quá đủ để cấu thành một bài học nhãn tiền cho những gì có tính quả báo thời nay.

Bởi một khi không có ai rút ra được bài học nào từ lịch sử, lịch sử sẽ bắt một ai đó phải trả giá.

Tất cả đang và sẽ phải trả giá, trả giá cho ngày hôm nay và gần như không thể khác cho cả tương lai những tháng năm sắp tới, đối với sự vô cảm quan chức mà xã hội đã lên án quá dày dặn nhưng lại chưa một quan chức trơ lì nào bị kết án.

Không thể nói khác hơn, một quy luật tâm lý xã hội đã hình thành: Não trạng và cách hành xử vô cảm đến mức bất chấp của giới quan chức đã tiếp biến với hành động phản kháng mang tính bất chấp không kém của dân chúng. Nếu vào năm 1997, người dân Thái Bình nổi dậy nhưng chỉ đến mức bắt giữ cán bộ chính quyền trong một thời gian ngắn, còn đến năm 2012 gia đình Đoàn Văn Vươn đã chống trả quyết liệt lực lượng cưỡng chế đất đai tuy chỉ bằng tư thế thụ động, thì nay tâm thế sợ hãi đã biến thành hành vi trả thù chủ động của người dân. Tín hiệu hỗn loạn xã hội cũng từ đó mà nảy nở, mà bùng phát.

Khó có thể khác hơn, nạn thu hồi đất vô lối và thói cai trị dân chúng bằng bạo lực ở nhiều địa phương đang dẫn đến triển vọng bùng nổ phản kháng của nông dân. Không còn là những phản ứng tích tụ ngấm ngầm nhưng không dám bộc phát như những năm trước, giờ đây hành động phản kháng đã có dấu hiệu vượt qua tâm lý sợ sệt và lằn ranh pháp luật, chĩa thẳng mũi công kích vào những cán bộ chính quyền cận kề nhất. Đó cũng là nhận thức “hồi tố”, một dạng tâm lý rất nguy hiểm trong lịch sử xã hội Việt Nam mà không ít lần đã dẫn đến những xáo trộn tự phát và kinh khủng, dẫn tới những cuộc khởi nghĩa có tổ chức của nông dân ở khắp mọi nơi.

Nhà nước Việt Nam đương đại đã từ lâu bỏ quên lời dạy “lấy dân làm gốc” của Nguyễn Trãi. Trong lúc nhiều quan chức cao cấp vẫn ung dung hưởng thụ, tâm lý hồi tố tự phát nơi dân nghèo lại đang có chiều hướng phát lộ ngay trước mắt ở một số vùng nông thôn miền Bắc và miền Trung - những nơi mang sắc thái dã man nhất của các nhóm lợi ích và hành xử mang tính côn đồ và lưu manh nhất của một số viên chức chính quyền.

Giờ đây, rất nhiều nông dân và cả trí thức Việt Nam đang biểu lộ phản ứng có tính đối đầu với lực lượng công quyền. Tâm lý thù ghét người giàu và giới quan chức cai trị ngày càng ăn sâu vào não trạng của lớp nông dân mất đất, bị nghèo hóa và bị đẩy vào cảnh bần cùng. Mối dắt dây liên tục và hầu như không tránh khỏi như thế sẽ có thể khiến cho chế độ cầm quyền lâm vào ngõ cụt chỉ trong 3-4 năm nữa, một khi khủng hoảng kinh tế công khai trưng diện cái thảm cảnh quay quắt của nó.

Khi đó, xã hội và cả nền chính trị Việt Nam sẽ cùng dắt tay nhau xuống hố…
Phạm Chí Dũng
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Phản ứng tứ nước ngoài về phiên tòa Trương Duy Nhất

Bên ngoài Tòa án Nhân dân TP Đà Nẵng tại 374 đường Núi Thành Quận Hải Châu Đà Nẵng nơi diễn ra phiên tòa sơ thẩm xử nhà báo, blogger Trương Duy Nhất sáng hôm 4 tháng 3 năm 2014.
Bản án 2 năm tù giam dành cho chủ trang blog “Một góc nhìn khác” - Trương Duy Nhất, tiếp tục gây quan ngại về tình hình trấn áp tiếng nói đối lập không chỉ cho những người viết blog trong nước; mà cả những người Việt đang ở tại nước ngoài.
Phản ứng

Mặc dù đang sinh sống hay có mặt tại nước ngoài, những người như ông Phạm Ngọc Cương từ Canada hay blogger Người Buôn Gió ở Đức trong thời gian qua tỏ ra hết sức quan tâm đến vụ bắt giữ và đưa blogger Trương Duy Nhất ra xét xử.

Blogger Người Buôn gió tại Đức có bài viết cho rằng “vụ án Trương Duy Nhất là một vụ án tiêu biểu về quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam bị đàn áp dưới con mắt quốc tế”.

Blogger này cũng đưa ra nhận định về hai mức án đối với ông Trương Duy Nhất. Một là dưới 2 năm và hai là từ 3 năm trở lên theo khung hình phạt từ 2 đến 7 năm qui định đối với những ai bị cho là vi phạm khoản 2, điều 258 Bộ Luật Hình sự.

Nguyên văn theo blogger Người Buôn Gió thì “nếu ngày mai phiên tòa kêu mức án dưới 2 năm, tức dưới khung hình phạt thì còn là một điều khiến dư luận chưa nghiêng về phía hoài nghi có thế lực nào đang cố đẩy Việt Nam xa khỏi sự hòa nhập quốc tế. Còn từ 3 năm trở lên. Thì đó là sự cay đắng. Sự kêu gọi ‘thay đổi’ trong bài viết đầu năm của thủ tướng không hề còn lại dấu ấn nào. Việt Nam không thay đổi gì hết về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, Việt Nam sẽ thụt lùi và cô lập với thế giới.”

Sau khi nghe mức án hai năm tuyên với blogger Trương Duy Nhất, blogger Người Buôn Gió từ Đức đưa ra ý kiến:

“Nhận định của tôi về vụ án Trương Duy Nhất của nhà nước Việt Nam mang tính rất đặc trưng về quyền tự do ngôn luận vì anh Trương Duy Nhất không như những người khác bị kết tội về chính trị tham gia các tổ chức, đảng phái; còn anh Trương Duy Nhất viết bài độc lập một mình, qua các bài viết anh thể hiện những quan điểm, cái nhìn của bản thân.

Ngay trong bản cáo trạng đó, nếu chúng ta gạt bỏ những câu chữ rườm rà đi, chúng ta thấy rõ ràng đây là một người bị kết tội vì nói lên những quan điểm, cái nhìn của họ. Họ căn cứ, có thông tin, có phân tích và đưa ra kết luận của họ. Như vậy việc xử như thế là đụng chạm đến và trấn áp quyền tự do ngôn luận!”


Tại Canada, nhóm bốn người trong đó có ông Phạm Ngọc Cương trước khi phiên xử blogger Trương Duy Nhất diễn ra đã có thư khẩn gửi cho ông chánh án tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng. Thư này được viết theo gợi ý từ nhân viên đại sứ quán Việt Nam tại Canada là ông Vũ Trần Phương.

Bức thư nhắc lại 3 điểm: thứ nhất là thắc mắc rằng đó có phải là phiên xử công khai hay xử kín, hai điểm tiếp theo là đề nghị được cấp giấy mời tham dự tòa cũng như cho phép một luật sư nhân quyền của Liên hiệp quốc tham gia quá trình tố tụng tại tòa. Tiếp đến thư nêu ra 5 ý kiến đề nghị ông chánh án tòa án thành phố Đà Nẵng tham khảo.

Đến sau khi phiên xử kết thúc, ông Phạm Ngọc Cương cho biết nhóm của ông không nhận được trả lời từ phía ông chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Blogger Trương Duy Nhất tại phiên tòa ở Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng số 374 đường Núi Thành Quận Hải Châu Đà Nẵng sáng hôm 4 tháng 3 năm 2014.
Và sau khi nghe mức án hai năm tuyên cho blogger Trương Duy Nhất về những bài viết đăng trên blog ‘Một góc nhìn khác’, ông Phạm Ngọc Cương có phản ứng như sau:

“Theo tôi nghĩ vụ xử anh Trương Duy Nhất là một vụ xử hoàn toàn phi lý. Tôi nghĩ, thứ nhất phải gạt bỏ điều đó ra khỏi luật pháp của Việt Nam; thứ hai nếu cố tình đem điều đó ra xử công dân, ép họ vào những điều như vậy thì chỉ làm xấu bộ mặt của Việt Nam và lại càng làm cho lòng dân không yên. Người ta còn cảm thấy không tin tưởng vào thể chế đó.”

Động thái của nhà cầm quyền

Theo blogger Người Buôn Gió, dù mức án đã tuyên là 2 năm tính từ ngày bắt giam ông Trương Duy Nhất, nhưng có thể ông này sẽ được cho về trước thời hạn:

“Từ trước đến giờ, những vụ xử về nói xấu, tuyên truyền, xuyên tạc Nhà nước thì thường mức án rất cao. Nhưng khi họ đưa ra xử vào thời điểm như thế này, theo tôi cân nhắc không xử quá 2 năm.

Từ căn cứ đó tôi thấy vì họ đã bắt anh Nhất rồi; giờ mà thả hay xử nhẹ dưới khung hình phạt đưa ra thì họ cũng ngại, cho nên họ phải xử ở mức 2 năm. Tuy nhiên tôi nghĩ, anh Nhất sẽ không đi tù trọn 2 năm.”


Ngay sau khi có bản án đối với blogger Trương Duy Nhất, đại sứ quán Hoa Kỳ ra thông báo bày tỏ quan ngại và kêu gọi chính quyền Việt nam phải trả tự do cho ông Trương Duy Nhất cũng như tất cả các tù nhân chính trị.

Đối với chất vấn đề tù nhân lương tâm tại Việt Nam, các cấp lãnh đạo Việt Nam lâu nay đều trả lời là tại Việt Nam không có tù nhân lương tâm mà chỉ là những tù hình sự vi phạm pháp luật Việt Nam. Ông Phạm Ngọc Cương có phản bác đối với lập luận đó:

“Tôi nghĩ rằng đó là một sự ngụy biện; tức các chuẩn mực của con người là chuẩn mực chung. Chẳng hạn những năm 30 của thế kỷ trước, không có ai khẳng định mang chủ nghĩa cộng sản về Việt Nam là một sự ngược đời cả.

Không ai nghĩ rằng mang chủ nghĩa cộng sản về Việt Nam là không hợp lý với tình hình của một nước nông nghiệp như vậy, vì chủ nghĩa đó dành cho một nước hậu công nghiệp.

Thế nhưng Việt nam vẫn có chủ nghĩa cộng sản, đúng không? Cuối cùng cũng đi theo con đường chủ nghĩa cộng sản bao nhiêu năm nay!

Thành ra nếu bây giờ những người cộng sản Việt Nam mà không nhận thức ra được thực tế ‘qui luật phát triển là một, nhân quyền là một, quyền của con người và khả năng lãnh đạo, khả năng quản lý quốc gia là một cung cách thôi.

Đó là thành tựu chung của loài người để tiếp thu và phát triển’, thì đó là một sự ngụy biện.”


Hình thức đấu tranh

Theo nhận định thì cứ sau những đợt xử án về tội danh tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, điều 79 âm mưu lật đổ chính quyền, hay xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, công dân theo điều 258… số lượng người nhận thấy sự bất hợp lý của những điều khoản đó chiếu theo Hiến pháp Việt Nam cũng như các chuẩn mực quốc tế ngày càng đông thêm như ý kiến của blogger Người Buôn Gió sau đây:

“Tôi thấy càng ngày càng có nhiều người nhận thức ra điều luật 258 và những điều luật khác về tội tuyên truyền, lật đổ là những điều luật phi lý, và người ta đang đòi dẹp bỏ. Và số lượng người muốn bác bỏ, loại bỏ điều đó thì ngày càng nhiều hơn.”

Ông Phạm Ngọc Cương thì cho rằng mọi người Việt trong và ngoài nước cần lên tiếng và tiếp tục công việc đang làm cho một đất nước phát triển, tự do và dân chủ:

“Cá nhân tôi không muốn chuyện của người Việt cứ phải mang ra cho người nước ngoài, nhờ người nước ngoài can thiệp; và nhờ các tổ chức quốc tế, chính quyền các nước dân chủ lên tiếng can thiệp và gây sức ép với nhà cầm quyền Việt Nam.

Theo cá nhân tôi thì nhà cầm quyền Việt Nam nên biết cách hiểu phương án đối thoại với quần chúng và chấp nhận sự bất đồng về quan điểm, nhưng mục đích chung là để phát triển đất nước cho tốt đẹp lên.

Tôi nghĩ rằng trong tình hình hiện nay, xã hội Việt Nam đang phát triển thành một xã hội dân sự rất đúng xu hướng chung phát triển của nhân loại một cách tự phát. Tất cả các tổ chức đã ra đời, tất cả các tiếng nói đã bắt đầu lên tiếng và lên tiếng ngày càng mạnh mẽ.

Mỗi người đều làm tối đa khả năng của mình, người nào nghĩ đang làm tốt nhất cho Việt Nam thì cứ nên như vậy mà làm, thì sẽ có ngày đất nước Việt Nam có dân chủ, và sẽ có ngày mà những bản án như tòa án vừa kết tội anh Trương Duy Nhất phải mang ra xem xét lại và thấy anh Nhất vô tội, anh Nhất là người hoàn toàn có công với đất nước, có công với sự phát triển.”


Ông Phạm Ngọc Cương cho rằng nhà cầm quyền quyền Hà Nội sợ mất quyền lợi của họ nên vẫn chưa lắng nghe dân. Còn theo blogger Người Buôn Gió thì để bảo vệ quyền lợi đó cả hệ thống thi hành luật pháp cố vận dụng, giải thích tùy tiện các điều khoản luật sao có lợi cho họ nhất.
https://www.youtube.com/watch?v=EMfgRKFFwXI
Gia Minh,
biên tập viên RFA

Tận cùng của sự hèn hạ và bẩn thỉu

Lê diễn Đức – Nguoiviet

Trong hai ngày 27 và 28 Tháng Hai năm 2014 đã diễn ra lễ viếng đám tang của cụ bà Nguyễn Thị Lợi tại Hải Phòng.

Mất tại nhà ở tuổi 77 vì tai biến mạch máu não, cụ Nguyễn Thị Lợi là thân mẫu của cô gái Phạm Thanh Nghiên, một cô gái nhỏ bé nhưng chí lớn và can trường, đã chịu án 4 năm tù giam về việc một cái “tội” lãng nhách. Thanh Nghiên đã toạ kháng tại gia, treo băng rôn “‘Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, phản đối công hàm bán nước 14 tháng 9, 1958”, phản ứng trước hành động xâm lấn của Trung Quốc và dâng biển đảo cho Tàu của Hà Nội. Thanh Nghiên mới ra tù cách đây khoảng hơn một năm, hôm 18 tháng 9 năm 2012 và đang bị quản chế.
Ðiều kiện khắc nghiệt của nhà tù đã huỷ hoại sức khoẻ của Thanh Nghiên, nhưng khi ra tù các điều khoản đi lại hạn chế của lệnh quản chế 3 năm đã ngăn chặn khả năng chữa bệnh của Thanh Nghiên, làm cơ thể cô ngày một suy kiệt hơn, đặc biệt là hai mắt bị cận rất nặng.
Tuy nhiên, Thanh Nghiên vẫn nỗ lực tìm cách có thể để tham gia vào các hoạt động tranh đấu dân chủ, nhân quyền của anh chị em ở Hà Nội, Hải Phòng và Nghiên cũng được mọi người, giới văn sĩ, trí thức quan tâm, thăm hỏi. Thanh Nghiên cũng viết một số bài trên các trang mạng thể hiện khao khát dân chủ, nhân quyền và sự phẫn nộ trước mưu đồ bành trướng, xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc.
Thế thôi. Cô gái nhỏ bé Thanh Nghiên chắc chắn không phải là một mối đe doạ nào cho chế độ. Bản thân Thanh Nhiên cũng ý thức được bản thân đang trong vòng quản chế. Những việc làm của Thanh Nghiên nằm trong khuôn khổ cho phép của luật pháp hiện hành của chế độ, trong mức giới hạn của quyền được tự do phát biểu và cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm của một công dân.
Cụ NguyễnThị Lợi, khi còn sống, qua người con gái đã hiểu được nhiều hơn những điều đúng sai của xã hội. Bà đồng cảm và chia sẻ việc làm của con gái.
Tận tụy chăm sóc con gái những ngày tháng trong tù và đùm bọc yêu thương khi con gái ra tù. Thanh Nghiên đã từng nói “rất tự hào về mẹ”.
Trả lời phỏng vấn của BBC Việt ngữ lúc ra tù, Thanh Nghiên nói:
“Vừa rồi hai mẹ con ngồi ôn lại chuyện cũ trong ngày tôi bị bắt, tôi có hỏi là mẹ có nhớ là khi con bị bắt mẹ nói câu gì không. Mẹ tôi không nhớ, tôi có nhắc lại rằng chính câu nói của mẹ đã là một cái nâng đỡ tinh thần cho con rất lớn mạnh trong bốn năm xa cách. Ðó là khi mà tôi bị còng tay đó, mẹ tôi có nói với tôi là ‘con đã xác định rồi thì cứ đi đi, cố gắng giữ gìn sức khỏe, không phải lo gì cho mẹ’. Mẹ tôi có quay ra nói với những nhân viên an ninh, những kẻ bắt tôi, rằng như vậy ‘các anh đã bắt con tôi vì tội yêu nước’”.
Trong bối cảnh bị nhà cầm quyền cố tình gây khó, hành hạ con gái, bà càng hiểu rõ rằng, nhân quyền là những quyền tự do tối thiểu, đơn giản nhất, bắt đầu từ ngôi nhà của mình.
Cũng chỉ vậy thôi mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cũng đã rất khó chịu, căm ghét, luôn tìm mọi cách cản trở, khủng bố trong sinh hoạt của gia đình bà và đã dở trò hèn hạ trong đám tang của bà.
Bà Nguyễn Thị Lơi không phải là công chức nhà nước, vậy mà cái “nhà nước” nhố nhăng đã xuất hiện, những vị khách không mời mà đến, đã làm áp lực và đưa ra những đòi hỏi vô lý. Các cán bộ của đảng dưới danh nghĩa Hội Phụ Nữ, Phụ lão, Mặt Trận… đã đến đòi làm trưởng ban, lập ban lễ tang với nhân sự toàn người của họ. Họ còn đòi viết và đọc điếu tang! Thật là ngang ngược, phi lý không thể nào tưởng tượng nổi!
Tuy nhiên Phạm Thanh Nghiên đã đấu tranh rất quyết liệt, khước từ mọi yêu cầu của họ. Vậy mà rốt cuộc họ vẫn vác mặt trơ trẽn tới đám tang, không ngoài mục đích giám sát.
Không được tham gia “tổ chức” lễ tang, nhà cầm quyền đã chuyển sang những thủ đoạn hèn hạ khác.
Họ đã lén lút cắt nước sinh hoạt của gia đình Phạm Thanh Nghiên. Theo tin của tờ điện tử Dân Làm Báo, “bên ngoài nhà lúc nào cũng túc trực từ 3 đến 5 xe gắn máy với một đám công an đứng canh, lượn qua lượn lại và theo dõi mọi động tĩnh trong nhà cũng như những ai đến thăm viếng”.
Tờ Dân Làm Báo viết:
“Vào chiều Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014, bà Nguyễn Thị Nga, vợ của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đang bị đảng bỏ tù vì phản đối tàu cộng xâm lược đã đến viếng thăm. Bà mang theo một số vòng hoa phúng điếu của Hội Phụ Nữ Nhân Quyền, Ðài Ðáp Lời Sông Núi nhờ chuyển. Khi xe vừa xuống lập tức công an đã xông đến, giật xé những dòng chữ ghi tên các hội, nhóm – chỉ chừa lại 2 chữ “Kính viếng”.
“Ngay từ chiều ngày 27 Tháng Hai năm 2014 đích thân giám đốc công an thành phố Hải Phòng đã trực tiếp đến chỉ đạo. Lực lượng công an đã triển khai rất nhiều chốt chặn để kiểm tra bất kì những người nào qua lại. Mục đích của họ là kiểm tra những người đến viếng đám tang mẹ chị Nghiên. Khi phát hiện ra người lạ đến viếng, họ lập tức khống chế và dùng những ‘biện pháp nghiệp vụ’ để ngăn chặn, sách nhiễu bạn bè, người quan tâm đến chia buồn”.
Ðám tang bà cụ Nguyễn Thị Lợi gợi lại cho chúng ta những gì đã xảy ra với những đám tang của các nhà bất đồng chính kiến, ông Hoàng Minh Chính, tướng Trần Ðộ và ông Lê Hiếu Ðằng. Những trò đểu giả, đê tiện, phi nhân tính tương tự cũng đã được áp dụng, gây phẫn nộ cho dư luận, bị phê phán và chỉ trích mạnh mẽ.
Thế nhưng, đánh chết cái nết không chừa. Dường như nó là bản chất của một chế độ cai trị độc tài. Ðể tồn tại, chế độ này bất chấp đạo lý, nhân phẩm và cách cư xử tử tế nhỏ nhất của con người.
Vì giữ sự cai trị bằng bạo lực, độc quyền thông tin tuyên truyền, dối trá và mờ ám nên chế độ sợ hãi mọi thứ, tất cả, ai cũng có thể là thế lực thù địch, ai cũng có thể mang lại nguy cơ cho chế độ, thậm chí cả những người đã chết.
Dân gian Việt Nam có câu “nghĩa tử là nghĩa tận”. Nhưng với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, không có chỗ cho sự lòng nhân bản và tận nghĩa của tình người, mà với chúng chỉ có tận ác, tận hèn và tận đểu cáng, bẩn thỉu – những hành vi hạ cấp nhất của lũ côn đồ, lưu manh chuyên nghiệp.
Vì thế, khi biết nhà bị lén lút cúp nuớc, ngay trong lúc tang gia bối rối, cô Phạm Thanh Nghiên đã phải thốt lên: “Hèn bẩn như cộng sản là hết cỡ”.

TỰ DO ĐÂU MIỄN PHÍ -(Thơ)

GS. Phạm ngọc Phương FB -(Sài Gòn)

https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-prn2/t1/p235x350/1926859_10200704237887840_572301932_n.jpg
Cả thế giới khâm phục
Nhân dân Ucraina
Chấp lạnh Đông, đàn áp
Biểu tình lật gian tà

Trăm người bị bắn chết
Mấy trăm người bị thương
Vẫn kiên cường xốc tới
Chó săn sợ, nhường đường
Bọn trùm ác hoảng chạy
Lũ tay sai cuống chuồn
Nhân dân đã thắng lợi
Giành lại quyền dân buông
Xin cầu chúc các bạn
Đường chân cứng đá mềm
Xây khó hơn phá – đập
Phải kiên trì – yêu – tin
Tự do đâu miễn phí
Nhân quyền nào ai ban
Đấu tranh, đổi cả máu
Dân tộc rồi vinh quang
PNP-24/02/2014

Xót xa công nhân nhập viện vì ăn nhiều khi quá đói

http://www.baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xot-xa-cong-nhan-nhap-vien-vi-an-nhieu-khi-qua-doi-3002587/
(Tin tức thời sự) – Qua phân tích, cơ quan chức năng cho biết, 44 công nhân ở Hậu Giang nhập viện không phải ngộ độc thực phẩm mà là do ăn nhiều khi quá đói.
Ngày 3/3, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Hậu Giang công bố chính thức nguyên nhân vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến 44 công nhân công ty Lạc Tỷ 2 (khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) phải nhập viện cấp cứu ngày 1/3.
Các công nhân nằm viện cấp cứu.
Các công nhân nằm viện cấp cứu.
Sau khi xảy ra sự việc, Chi cục ATVSTP tỉnh Hậu Giang đã đến điều tra bếp ăn, tham khảo hồ sơ bệnh án và các triệu chứng lâm sàng của công nhân.
Qua phân tích, cơ quan chức năng xác định 44 công nhân nhập viện cấp cứu không phải ngộ độc thực phẩm mà là do ăn cơm trễ, bị đói, hạ đường huyết và can xi nên ngất xỉu.
Theo ông Võ Hoàng Hận – Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Hậu Giang – khi cơ thể quá yếu mà đưa thức ăn vào với lượng nhiều sẽ làm giãn dạ dày và gây phản xạ nôn. Sau khi nôn, các bệnh nhân cảm thấy đau thượng vị và thành bụng.
Trước đó, trưa ngày 1/3, hàng chục công nhân công ty TNHH Lạc Tỷ 2 (khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, tỉnh Hậu Giang) bất ngờ ngất xỉu hàng loạt, phải nhập viện cấp cứu.
Các công nhân này có triệu chứng mệt mỏi, đau bụng dữ dội, nôn ói. Bệnh viện tiến hành sơ cấp cứu, truyền dịch và điều trị đau bụng, nôn ói. Theo BS Thái, có 44 công nhân nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm, trong đó 2 người bị ngất xỉu trong quá trình hỗ trợ, di chuyển.
“Khoảng 12h15, khoảng 300 công nhân của công ty ăn cơm, có rau, canh và thịt kho thì phát hiện cơm bị sống. Sau đó, những người phụ trách nấu cơm đã mua sữa, bánh mì cho công nhân ăn. Tuy nhiên, khoảng 15 phút sau, nhiều người cảm thấy khó chịu, nôn mửa và bị ngất”, công nhân Lưu Thị Bảo (27 tuổi, quê huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) đang nằm điều trị tại bệnh viện, kể. Sau nhiều giờ điều trị, tối cùng ngày, sức khoẻ các công nhân đã dần ổn định.
Trước đó, liên quan đến chuyện đi vệ sinh của công nhân, đã có nhiều công ty đưa ra nhiều quy định kì quái. Công nhân muốn đi vệ sinh phải kiếm được mũ để đội, nhưng khoảng trên 60 người công ty chỉ phát cho… 4 cái mũ, vì thế công nhân nào dù có nhu cầu đến mấy  nhưng không có mũ thì cũng đành phải “chờ”.
Ngoài ra khi “đi” phải trình diện giám sát, ghi rõ giờ vào, ra khỏi nhà vệ sinh…  Những quy định này đã được Công ty TNHH Daiwa Plastics Việt Nam, KCX Tân Thuận, Quận 7, TPHCM áp dụng khiến CN hết sức phẫn nộ.
Chị Hoàng Thị Thùy Dung – công nhân có thâm niên làm việc 10 năm tại Cty Daiwa tố cáo, vào ngày 28/3/2013 trong khi chị đang làm việc thì bị “tào tháo rượt”, nhưng khổ nỗi theo quy định của Cty thì khi đi vệ sinh phải đội một cái mũ màu vàng, ai không đội là coi như vi phạm.
Chị Dung đến khu vực để mũ thì không còn cái nào, vì cả tổ có 67 người nhưng chỉ có 4 chiếc mũ và các công nhân khác đã dùng hết rồi. Trong lúc tình thế “khẩn cấp” không thể nào “nín” được chị Dung đã “xông” thẳng ra nhà vệ sinh mà không đội mũ theo quy định của Công ty.
Ngay sau khi vừa “xong việc” thì giám sát đã đứng ở cửa, chị Dung giải thích do lúc đó đau bụng quá, vả lại không còn cái mũ nào nên chị mới phải liều như vậy.
Sau đó hai bên đôi co lời qua tiếng lại với nhau… Việc đến tai Tổng giám đốc Công ty và chị Dung bị ông này chỉ đạo lập biên bản với hai loại lỗi vi phạm: “Cãi nhau trong giờ làm việc ảnh hưởng đến mọi người xung quanh” và “Đi vệ vệ sinh không đội mũ”.
Theo phản ánh của công nhân, Công ty Daiwa quy định nếu làm việc công nhân phải đội mũ màu xanh, khi đi vệ sinh thì phải thay mũ màu xanh bằng mũ màu vàng.
Ngoài ra phải đến báo cáo với giám sát, ghi rõ giờ ra, giờ vào nhà vệ sinh tại “Bảng ghi chép nhân viên đi ra ngoài”. Khoảng 20 người sẽ có một cái mũ vàng để thay nhau đội đi vệ sinh. Tùy theo mỗi tổ có bao nhiêu người mà số lượng mũ công ty phát cho mỗi tổ từ 1 đến 5 cái…
Nếu công nhân đi vệ sinh không đội mũ bị giám sát bắt được nhắc nhở 2 lần thì sẽ bị lập phiếu vi phạm, tái phạm sẽ bị cảnh cáo, tái phạm lần nữa sẽ bị kỷ luật, đuổi việc. Và trong khi phản ánh với báo chí, chị Dung cũng đã bị Công ty đình chỉ công việc.
Thảo My (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét