Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

Ba quả lừa đầu năm - Chém gió hay chém người? - Nhìn Ukraine, nghĩ về Việt Nam

Bùi Tín - Ba quả lừa đầu năm

Trong thông điệp dài đầu năm 2014 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tô đậm ý định dân chủ hóa và xây dựng nền pháp trị nghiêm minh
Các cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam gần đây đều nói đến niềm tin của nhân dân đối với đảng CS đã giảm sút đến mức báo động và ý định của lãnh đạo là khôi phục niềm tin ấy, coi đó là ‘’vấn đề cực kỳ hệ trọng, có quan hệ đến sự tồn vong của chế độ’’, như Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng từng nhấn mạnh.

Cuối năm năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công khai tuyên bố đã giao cho Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục lên phương án kỷ niệm 35 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới (tháng 2 và tháng 3/1979) và đưa cuộc chiến tranh chống xâm lược ấy vào nội dung giáo dục trong môn sử của các trường phổ thông, nhưng sau đó lời hứa đó đã rơi vào câm lặng. Một quả lừa to đùng xúc phạm lòng yêu nước của toàn dân, xúc phạm anh linh hàng chục ngàn chiến sỹ và nhân dân bỏ mình vì Tổ quốc.

Trong thông điệp dài đầu năm 2014 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tô đậm ý định dân chủ hóa và xây dựng nền pháp trị nghiêm minh, coi đó là «cặp song sinh trong một thể chế chính trị hiện đại‘’. Thật là quý hóa khi những lời vàng ngọc ấy được thốt ra từ miệng một người đứng đầu chế độ độc đảng. Ông cũng đưa ra một phương châm tuyệt vời :’’Người dân có quyền làm tất cả những gì luật pháp không cấm và xử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan Nhà nước và cán bộ viên chức chỉ được làm những gì luật pháp cho phép‘’. Phương châm vàng ngọc này rất nên được kẻ thật đẹp treo cao tại cổng các cơ quan công quyền, các trụ sở Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân, Tòa án nhân dân, trại giam các cấp…để thực hiện thật đúng, thì sẽ là hạnh phúc cho toàn dân. Nhưng thực tế người ta vẫn làm trái ngược thông điệp này khi dở trò hành hung vợ chồng anh Nguyễn Bắc Truyển , khủng bố chị Bùi Minh Hằng, chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và anh Nguyễn Văn Minh khi 3 người này đến thăm vợ chồng anh Truyển ở Đồng Tháp, và vẫn bỏ tù anh Lê Quốc Quân với một bản án kinh tế ‘’trốn thuế‘’ thô bạo, bất chấp sự can thiệp của thế giới văn minh. Vậy thì luật pháp Việt Nam có điều khoản nào cấm công dân không được yêu nước, chống bành trướng, thương yêu đùm bọc nhau trong cơn hoạn nạn, và Nhà nước VN có cho phép tòa án xử theo luật rừng công dân của mình hay không? Hoá ra bản thông điệp đầu năm hay ho đẹp đẽ đến tuyệt đỉnh của ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ là một quả lừa to đùng nữa của ngài thủ tướng hay sao ?

Và quả lừa thứ 3 nữa là lời hứa ngày 5/2/2014 tại Geneva của Chính quyền Việt Nam là sẽ thật sự cải tiến, thúc đẩy việc tôn trọng nhân quyền, thì chính những chiến sỹ nhân quyền của Việt Nam khi trở về nước đã bị hành hung và trả thù, khi nhà báo tự do Phạm Chí Dũng được Human Rights Watch mời sang Thụy Sỹ bị chặn lại một cách thô bạo ở sân bay. Và tại Hải Phòng công an đã phá đám, gây rối loạn lễ tang của Cụ Nguyễn Thị Lợi, thân mẫu của cô Phạm Thanh Nghiên, một chiến sỹ nhân quyền - dân chủ yêu nước chống bành trướng Trung Quốc kiên cường. Một quả lừa to đùng nữa cho nhân dân VN, cho toàn thế giới về thực thi và cải thiện nhân quyền của nhà nước độc đảng chuyên nói một đàng làm một nẻo.

Sự bất quá tam. Ba quả lừa to đùng đầu năm là quá đáng, quá nhiều rồi, quá sức chịu đựng của nhân dân và công luận.

Khôi phục niềm tin bằng những quả lừa hoành tráng liên tiếp từ đầu năm như thế thật là một thái độ nguy hiểm, tự mình giáng những tảng đá xuống chân mình, vì ‘’dối trá không thể đi xa’’ là câu châm ngôn dân dã rất thâm thúy và chuẩn xác.
Bùi Tín
Blog Bùi Tín

Người Buôn Gió - Tản mạn chuyện anh Vũ, anh Nhất

Thế là tôi xa quê hương đã gần 1 năm, xa Tí Hớn của tôi.
Ngày tôi cầm visa bước chân từ đại sứ quán Đức ở đường Trần Phú ra ngoài, nắng chói chang rạng rỡ, cái nắng rất hiếm khi có ở xử sở này. Tôi bước sang bên kia đường bấm chuông nhà chị Dương Hà. Chị mở cửa, khuôn mặt vẫn buồn rười rượi từ khi chồng bị bắt. Cái ngày anh chưa bị bắt, thỉnh thoảng tôi qua chơi, thấy chị cưởi phớ lớ lắm, lần nào cũng toe toét đủ thứ chuyện. Rồi anh bị bắt, chị trở nên âu ầu, vẻ tươi tắn không còn nữa, thay vào đó là nỗi u buồn nặng trĩu trên gương mặt trắng trẻo đầy đặn và hiền hậu của chị.
Tôi năng qua nhà chị khi anh đi. Có lúc chỉ là giúp chị việc gia đình như cái bàn, cái cửa hay lo lặt vặt trong chuyện cưới xin, ma chay. Và tất nhiên là những chuyện khác nữa mà không kể được lúc này.
Lần này tôi đến chào từ giã. Chị buồn bã nói.
- Em đi cũng mừng cho em, chị không có em chạy qua lại cũng vất vả hơn. Em ở đây có gì chị còn ới em qua giúp chị.
Tôi nghẹn lòng, tôi rất thương chị, có thể quãng thời gian qua lại tôi hiểu hoàn cảnh chị nhiều hơn. Đủ thứ phải đối phó từ chuyện con cái, dòng họ và hơn cả là chuyện của anh Vũ. Tôi nhìn chị nói.
- Em nghĩ Tết này (2014) anh ấy có lẽ sẽ ra thôi.
Khuôn mặt chị bừng sáng, chị hỏi gấp gáp.
- Em tin thế sao?
- Vâng em tin thế.
- Em dựa vào đâu?
Tôi lắc đầu.
- Em nghĩ thế thôi.
Chị lại cúi xuống ngậm ngùi. Tôi chào chị rồi ra về.
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ mang bệnh tim mạch thật sự. Nếu ai không biết nhìn bề ngoài của anh to béo tưởng anh khỏe mạnh. Nhưng nếu gặp anh lâu, chỉ cần anh đi lại nói một hồi là anh ngồi thở gấp, mặt đỏ gay. Dáng người to béo đó thực ra là sự béo phì, triệu chứng của bệnh tim mạch, huyết áp. Không phải tôi viết những dòng này để biện minh, mà sự thực là vậy. Anh Vũ tính cao ngạo không bao giờ muốn thổ lộ những điều về sức khỏe bản thân.
Anh Vũ đang có tin sẽ đi Mỹ chữa bệnh. Tôi xác quyết tin này là thật (cứ cho bằng niềm tin mơ hồ). Mọi việc đáng nhẽ xảy ra từ trước đây vài tháng, nhưng anh Vũ không chấp nhận chuyện đi tới nước khác, cộng với bối cảnh quan hệ quốc tế và nội tình Việt Nam là những điều kiện khiến việc anh đi chưa rõ ràng.
Anh Vũ là con trưởng một dòng họ danh tiếng, anh có cơ ngơi và gia sản đủ để anh sống ở Hà Nội sung sướng hơn ở nước khác. Đánh đổi chưa đầy nửa quãng thời gian còn lại, để phải xa những điều thiêng liêng và điều kiện mình sẵn có ở nhà như thế. Cất chân đi đến đất khách quê người xa lạ, người như Cù Huy Hà Vũ chẳng bao giờ làm. Nếu biết tính toán thiệt hơn như người đời, anh Vũ chỉ cần im ắng sẽ tuần tự có được chức vụ cao trong bộ máy nhà nước. Lên tiếng phản kháng tiếng được, tiếng mất. Ngay trong hàng ngũ gọi là đấu tranh cũng nhiều người lúc đó gọi anh là "chim mồi" là "giả tạo"...người khác gọi anh là "dở hơi, ngông cuồng". Đấy là từ những người cũng gọi là đấu tranh cho tự do, đừng nói đến báo chí, dư luận viên và đảng viên về hưu quanh nhà anh.
Nhưng bây giờ thì chắc anh Vũ không còn lựa chọn để ở lại, thứ nhất bệnh tật trong mình rất trầm trọng. Thứ hai là vợ anh, chị Dương Hà, một người thương chồng con hơn chính bản thân mình, đã quyết định thuyết phục anh phải đi chữa bệnh. Tôi nghĩ tất cả những phụ nữ là mẹ, là vợ trong hoàn cảnh chị Dương Hà tất đều phải làm như vậy. Thời gian hơn 3 năm còn lại trong tù của một người bệnh tim mạch tuổi gần 60 thì không thể chắc điều gì xấu không đến. Quyết định khiến anh phải đi có lẽ là quyết định từ phía của một người vợ chung thủy, hết mực thương chồng chứ anh không hề muốn đi một chút nào như lời anh tuyên bố.
Chuyện anh Vũ nếu đi Mỹ, đó là điều cực chẳng đã với anh.
Nhưng tôi thì ủng hộ quyết định của chị Dương Hà. Anh phải đi để bảo đảm sức khỏe của mình, một bối cảnh Việt Nam đang đầy sự quyết liệt trong nhân sự nội bộ. Người như anh ở lại không biết may rủi thế nào.
Một số người nghe tin anh đi tỏ vẻ không bằng lòng, họ cho rằng như thế ảnh hưởng đến phong trào. Tôi không biết số người này có nằm trong những người quý mến anh Vũ khi anh lên tiếng, và họ có hành động thiết thực khi anh bị bắt hay không. Nhưng tôi cam chắc nếu có thì họ chiếm số ít trong những người đã ủng hộ anh lúc đầu, và bênh vực cho anh khi anh bị giam cầm.
Ngày còn lại trước hôm đi. Tôi nhắn tin cho anh Trương Duy Nhất. Đó là lần đầu tiên tôi và anh trao đổi với nhau. Trước đó chúng tôi không bao giờ nói với nhau câu nào, đường ai nấy đi, việc ai nấy làm. Tôi chỉ chào anh, nói là mình đi, xin anh bảo trọng. Tôi muốn nói với anh nhiều hơn để nhắc nhở gì đó, nhưng chúng tôi chưa nói chuyện với nhau bao giờ, anh là người lớn tuổi, từng trải và cũng khảng khái như anh Vũ. Tôi chỉ dành thời gian ít ỏi để chào anh đi với lời khuyên anh bảo trọng. Tôi khâm phục bản lĩnh trong cái nhìn khác chiều của anh, dù đôi lúc anh có làm tổn thương đến chị Hằng. Nhưng tôi không phải là người mù quáng bênh bạn mình mà coi người xúc phạm là kẻ thù. Trái lại tôi rất quý mến anh.
Trong một năm trời làm việc liên miên với an ninh, tôi nhận thấy Tom Cát (một cái nick bí ẩn) có những lời không phải là không đáng nghĩ. Nghĩ đây không phải là sợ, mà nghĩ để lường trước những cơn giông tố mà mình có thể tránh được. Tránh được cơn giông tố vẫn tốt hơn, vì biết đâu khi cơn giông tố đến, mình không bản lĩnh chịu trận lại cầu xin, lại hợp tác thì còn tệ hại hơn ngàn lần. Tôi không bản lĩnh bằng được hai anh, không để lại cho đời những hình ảnh anh hùng, bất khuất với cử chỉ hiên ngang trước tòa, trong những tuyên bố can trường chắc chắn sẽ còn lưu mãi trong lịch sử.
Dù sao tôi so với các anh cũng chỉ là tôm tép, một sự khó hiểu nào đó mà con mèo Tom Cát đưa tôi vào danh sách cùng các anh. Tôi chỉ là người ham viết, tôi đi để giữ cho mình được viết tiếp tục cho mấy ông già thích đọc bài tôi (có ông tình cờ gặp tôi ở hàng cháo lòng, nhận ra và trả tiền cháo cho tôi). Đơn giản mục đích của tôi chỉ có vậy thôi, không cao xa gì hơn.
Bản án 2 năm của anh Nhất là điều mà tôi đã hình dung, mặc dù khung hình phạt từ 2 đến 7 năm. Nhưng trên 2 năm là điều không lợi cho Việt Nam bây giờ, dưới 2 năm là điều cũng không phải họ muốn. Phân tích chuyện này ra có những nguyên nhân khác nhau, rất đa dạng và phức tạp. Nhưng bản án đã thế rồi, phân tích cũng chả thay đổi được gì.
Nhưng tôi tin anh Nhất sẽ không ở trọn trong tù đến khi hết án.
Xin đừng hỏi tôi bằng chứng, tôi sẽ nói là cảm giác, ai tin hay không tùy.
Nói gì thì nói, phải công nhận Trương Duy Nhất là một người khảng khái, chí khí. Dù quan điểm của anh có thế nào đi nữa. Chúng ta không ghét Tần Vương, không yêu thái tử Đan nhưng lòng quả cảm của Kinh Kha luôn khiến chúng ta phải khâm phục.
Với tôi, Trương Duy Nhất và Cù Huy Hà Vũ đều là những tráng sĩ.
Người Buôn Gió
(Blog Người Buôn Gió)

Chém gió hay chém người?

Canhco -RFA

Tôi đọc bài viết của Thiếu tướng Lê Văn Cương bàn về chính sự Ukraine mà cảm thấy băn khoăn không biết mình chậm hiểu hay có một lý do gì đó khiến cả buổi chiều đầy nỗi bất an. Có cái gì đó chấp chới trong lòng vừa tức giận vừa dặn lòng phải tự kềm chế.
Phải nói thật, ông Cương là một trong số rất ít người mà tôi thích khi đọc các bài viết hay trả lời phỏng vấn của ông trên báo.
Không phải tôi thích vì lập luận sắc bén hay lời lẽ cứng rắn của ông trong các vấn đề chính trị mà tôi thích vì đề tài của ông chọn để đưa ra: Vấn đề Biển Đông và Trung Quốc.
Trong khi nói về nỗi lo mà cả nước gọi là nhạy cảm này ông Thiếu tướng nguyên Viện trưởng Viện chiến lược của Bộ Công an Lê Văn Cương xem ra có lợi thế hơn hẳn người khác. Có lẻ ông không bị ánh mắt theo dõi của đồng nghiệp vốn thường khiến cho người khác e dè, hai nữa với vị trí quan trọng như thế ông có thẩm quyền nói về những tham vọng của Trung Quốc đối với đất nước, một chủ đề mà ngay đến cấp cao hơn ông chục lần cũng không dám công khai nói tới.
Tôi đã đọc những bài của ông như: “Khi Việt Nam vững vàng, Trung Quốc không thể lấn tới”; “Khó cũng phải đòi lại Hoàng Sa”; “Hành động của Sam Rainsy là vô liêm sỉ!”; “Tại sao Việt Nam mạnh? Tại sao Việt Nam yếu?”; “Việt Nam phải tiếp tục lên tiếng phản đối”; “Việt Nam đã 5 lần bị bán đứng”…và có thể còn nhiều bài khác tôi không có dịp đọc và lưu trữ.
Những cái tựa ấy gây cảm tình của tôi đối với ông nhưng cũng vì vậy chúng lại làm tôi hụt hẫng, bực tức và gần sát với ý nghĩ mình bị phản bội khi đọc bài: Tuyên bố của Obama và phương Tây chỉ là “chém gió” đăng trên tờ Dân Việt cũng của ông!
Bài viết này đang bị “dày xéo” trên mạng bởi những ngòi bút đứng đắn. Tôi buồn cho ông và tự nghĩ về mình rất nhiều.
Từ Trung Quốc ông lấn sang Nga đầy tự tin. Ông phân tích việc Putin mang quân đội tiến vào Crimea là một việc làm đúng đằn và hợp lẽ thường. Ông nói: “chúng ta phải hiểu rằng, mục đích của Nga khi triển khai quân là bảo vệ lợi ích của Nga, bao gồm về con người, kinh tế và an ninh quốc phòng, đặc biệt là căn cứ hải quân ở Sevastopol.”
Xin được hỏi ông, một quốc gia vì lợi ích của mình mà mang quân vào nước khác một cách ngang nhiên với chiêu bài bảo vệ lợi ích thì thế giới này đang ở vào thế kỷ nào? Cái lợi ích ấy nếu có, chỉ giá trị khi không vi phạm vào chủ quyền lãnh thổ hay quyền lợi chính đáng được quốc tế công nhận của một quốc gia khác, ngoài ra mọi chống chế ngụy biện đều vô ích trước công luận quốc tế.
Ông nói: “Việc điều quân của Nga vào Crimea, theo tôi Nga muốn gửi 3 thông điệp: Thứ nhất là để cảnh báo chính quyền Kiev phải cẩn thận; thứ hai là để bảo vệ lợi ích của Nga; thứ ba là để gieo lòng tin cho những người dân nói tiếng Nga ở Ukraine”.
Tôi thật hụt hẫng với lập luận này của ông. Điều thứ hai thì tôi đã nói, còn điều mà ông gọi là cảnh báo chính quyền Kiev làm tôi đau lòng không thể tả. Đâu đó cái câu “dạy cho Việt Nam một bài học” lại vang vang trong óc tôi khi Trung Quốc cũng kéo quân sang biên giới cảnh báo Việt Nam. Còn gieo lòng tin vào người dân nói tiếng Nga thì rất trùng hợp với lòng tin của nạn kiều nói tiếng Hoa vào thập niên 80 sau chiến tranh biên giới.
Tôi cố nhịn để không bật ra tiếng thét khi đọc những giòng chữ ghi lại những điều ông nói: “…trong khi đó, chính quyền Ukraine đang suy sụp, nhận viện trợ từ Nga và đang nợ tiền khí đốt của Nga. Tình hình thực tế đã cho thấy rằng, bài toán kinh tế của Ukraine gắn chặt với Nga như “anh em sinh đôi”. Vì thế, mọi hành động chống lại Nga của Kiev đều khiến cho Mátxơcơva khó chấp nhận”.
Vâng, sự thật đó đang xảy ra tại Việt Nam ngày nay chứ không đâu khác. Khác chăng là cái tên “Việt Nam Trung Quốc là anh em sinh đôi” mà thôi. Nợ Trung Quốc trong các dự án, nhập siêu hàng năm đã thành cái thước đo lòng trung thành của Việt Nam đối với mẫu quốc. Bài toán kinh tế Việt Nam đang gắn chặt với Trung Quốc hơn bao giờ hết và vì vậy mọi hành động chống lại Trung Quốc của Việt Nam không thể nào khiến Bắc Kinh chấp nhận.
Nếu ai đó đặt hai đoạn văn liền nhau ông nghĩ rằng ai là người đã viết đoạn văn thứ hai thưa ông?
Và đây cái vấn đề mà mọi người đang giận dữ:
Ông nói: “Còn việc quân đội Nga vẫn cứ hiện diện ở Crimea là chuyện hoàn toàn bình thường vì họ có quyền đó, theo một Hiệp ước họ đã ký với Ukraine thì sự hiện diện này là hợp pháp cho đến khi thời hạn ký kết thúc vào năm 2042”.
Cái hiệp ước mà ông nói là Nga đã ký với Ukraine có tương tự với hiệp ước bí mật Hội nghị Thành Đô của Việt Nam với Trung Quốc hay không thưa ông? Và nếu sự thật đúng như vậy thì còn gì phải bàn cãi khi Trung Quốc tiến vào Việt Nam, ở lại hợp pháp và bình thường cho đến cái thời hạn mà không một người dân Việt Nam nào biết?
Người dân Việt thì lo sợ như vậy nhưng tụi Tây, những nước mà ông gọi là chém gió thì họ không lo lắng như chúng tôi. Họ có sách vở chứng từ và lời nói của họ là chém vào ông Putin chứ không chém gió.
Bà Angela Merkel thủ tướng Đức nói thẳng với Putin rằng sự tiến quân của Nga vào Crimea là một vi phạm nặng nể bản ghi nhớ Budapest năm 1994 về đảm bảo an ninh, đã được Anh, Ukraine, Nga và Mỹ ký kết với nhau, trong đó Nga đã cam kết tôn trọng độc lập và chủ quyền của Ukraine ở các biên giới đang có. Bà Merkel cũng nhấn mạnh đến hiệp ước năm 1997 về Hạm đội Biển Đen của Nga, đang đóng quân tại Crimea.
Bà thủ tướng Merkel đã yêu cầu ông Putin phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Tôi không tin rằng ông biết nhiều hơn bà Thủ tướng Đức mặc dù ông đã lên tới cấp tướng và vì vậy những lời phát biểu của ông chỉ là suy diễn.
Tin mới nhất mà tờ Thanh Niên vừa loan tải cho biết: “Tại cuộc họp báo ngày 4/3 ở Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói về vấn đề các đơn vị vũ trang đã kiểm soát chính quyền tại Crưm, nói rằng đó chỉ là những “lực lượng tự vệ địa phương” đồng thời bác bỏ tin cho rằng đó là binh sỹ Nga.
Tổng thống Putin cho biết ông đã ra lệnh cho Chính phủ Nga duy trì quan hệ với chính phủ tạm quyền Ukraine, mà cụ thể là các ông Yatsenyuk và Turchynov.
Về số phận của cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga ở khu vực miền Tây Ukraine, ông Putin nhấn mạnh: “Chính phủ tạm quyền Ukraine phải đảm bảo an ninh cho tất cả các công dân của đất nước”.
Những tuyên bố không còn gai góc của ông Putin hình như bác bỏ hoàn toàn thuyết “bình thường” của ông và như vậy phương Tây và Eu đã chém trúng chứ đâu phải chém gió?
Nhưng trúng gió hay trúng người không phải là vấn đề của tôi và rất nhiều người nữa quan tâm đến bài phỏng vấn của ông với báo chí.
Sự bênh vực một cách nhiệt tình tổng thống Vladimir Putin của ông có thể giải thích được. Nó tích lũy từ chuyên môn tuyên huấn mà ông từng dạy cho học viên cộng với sự hâm mộ một nước Nga vĩ đại từ thời Lenin đã ăn sâu vào tâm trí những ai được Liên Xô đào tạo. Nhiệt thành và hết lòng với quá khứ là một đức tính tốt nếu lòng nhiệt thành tận tụy ấy không mù quáng cộng thói quen nâng quan điểm một cách bất thường.
Hơn nữa lòng nhiệt thành này không kém chút nào với những bài đả kích Trung Quốc như ông từng viết.
Sự ca tụng Putin là dễ hiểu và cũng dễ bỏ qua nếu nó không phản ảnh một thực tế khác mà lòng dân đang đau đáu lo âu về một sự xâm lăng được báo trước.
Là một chính khách nhưng ông đã quên sự liên kết có tính logic khi bênh vực cho sự xâm lăng của Nga đối với Crimea và sẽ tiến tới “giải thoát người Nga tại Ukraine”. Trường hợp này sẽ rất giống với hoàn cảnh của Việt Nam và Trung Quốc.
Một ngày nào đó không xa, khi Biển Đông thật sự dậy sóng và Trung Quốc kéo quân vào Việt Nam để bảo vệ Hoa kiều như từng làm trước đây, thì lúc ấy tôi tin rằng với một người yêu nước như ông sẽ không gì đau hơn khi bọn người ấy lấy ngay bài viết này tới tận nhà ông yêu cầu ông đọc trên đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam như một lời hiệu triệu quần chúng nhân dân thì ông nghĩ sao?
Lúc ấy tôi e rằng ông rất ân hận về sự chém gió của mình và điều bất hạnh nhất đối với ông và cả dân tộc này: cái sự tưởng là chém gió ấy lại là lưỡi gươm bén chém vào thân xác đớn đau của đất nước.

Nguyễn Hưng Quốc - Nhìn Ukraine, nghĩ về Việt Nam

Người biểu tình chống chính phủ tại thủ đô Kyiv, ngày 27/2/2014.
Mấy tuần vừa qua, biến cố gây chấn động và thu hút sự chú ý của mọi người trên khắp thế giới nhiều nhất chắc chắn là cuộc cách mạng tại Ukraine. Báo ngoại quốc viết. Báo tiếng Việt viết. Sáng, thức dậy, vào internet, mở các trang báo mạng khắp nơi, đều thấy tin tức về Ukraine nằm ở trên cùng.
Các bài tường thuật trên báo chí thường tập trung vào bốn khía cạnh chính:
Một, sự đoàn kết và can đảm tuyệt vời của dân chúng Ukraine, những người sẵn sàng chấp nhận hy sinh, kiên trì theo đuổi cuộc đấu tranh bất bạo động chống lại nhà cầm quyền độc tài có khuynh hướng đi ngược lại lịch sử nhằm biến Ukraine thành một chư hầu của Nga. Cuối cùng, họ đã thắng: Tổng thống Viktor Yanukovych phải bỏ trốn.
Hai, sau khi Viktor Yanukovych chạy trốn, người ta mới phát hiện ra sự giàu có và xa hoa vô độ của ông. Với số lương chính thức của một Tổng thống trên 20.000 Mỹ kim một năm, ở một đất nước thu nhập bình quân của dân chúng chỉ có khoảng từ 3000 đến 6000 Mỹ kim, Yanukovych lại sở hữu những ngôi nhà giống như cung điện của vua chúa ngày xưa: tất cả các vòi nước trong phòng tắm và nhà vệ sinh đều nạm vàng rực rỡ; riêng bộ sưu tập xe hơi và xe gắn máy của ông đã lên đến mấy triệu Mỹ kim. Sự giàu có và xa hóa ấy đến từ đâu? Chỉ có một câu trả lời duy nhất: tham nhũng!
Ba, sự thức tỉnh của giới cai trị tại Ukraine thể hiện qua việc Quốc Hội thông qua lời kêu gọi công an ngưng bắn giết những người biểu tình, sau đó, đồng ý truất phế Tổng thống Yanukovych; việc các công an quỳ gối xin lỗi đã nổ súng vào các đám biểu tình trước đó.
Bốn, gần đây nhất, người ta bàn tán rất nhiều về nguy cơ đổ máu tại Ukraine sau cuộc cách mạng vừa qua. Liên quan đến nguy cơ đổ máu, có hai khả năng: thứ nhất là nội chiến giữa các phe phái và sắc tộc tại Ukraine; và thứ hai là khả năng Tổng thống Putin của Nga sẽ xua quân tràn qua biên giới xâm lược Ukraine với lý do là để bảo vệ cộng đồng người Nga đang sống tại Ukraine. Hai khả năng này, thật ra, song hành với nhau: Khi quân độ Nga đã tràn vào lãnh thổ Ukraine, chắc chắn họ sẽ sử dụng yếu tố sắc tộc làm một thứ vũ khí chính để làm suy yếu sức kháng cự của Ukraine.
Xuyên suốt bốn khía cạnh nêu trên là một số vấn đề quan trọng. Thứ nhất là chiến thắng của đám đông, của những người dân không có vũ khí nào khác ngoài sự can đảm và quyết tâm. Giới bình luận chính trị quốc tế cho đó là một chiến thắng vang dội, không thua bất kỳ chiến thắng nào trong các cuộc cách mạng màu trước đây cũng như cách mạng mùa xuân ở Ả Rập. Gắn liền với chiến thắng ấy là sự thất bại của các thế lực chính trị đầy quyền uy. Trước hết là của cựu Tổng thống Yanukovych, người tìm mọi cách để duy trì chiếc ghế của mình: cuối cùng, ông đã thất bại. Tổng thống Putin, người muốn duy trì ảnh hưởng của Nga tại Ukraine, cho đến nay, đã thất bại. Các nước Tây phương trước đây từng khuyên dân chúng chấp nhận chính phủ của họ cũng thất bại. Thứ hai, cũng giống mọi cuộc cách mạng khác, cuộc cách mạng mới bùng nổ tại Ukraine cũng chứa rất nhiều bất trắc. Không ai dám chắc nó sẽ kết thúc một cách êm thắm với một nền dân chủ và thịnh vượng như một số quốc gia Đông Âu hậu-cộng sản khác.
Ẩn giấu đằng sau tính chất bất trắc trong tình hình chính trị tại Ukraine hiện nay là một yếu tố rất đáng quan tâm: địa chính trị (geopolitics). Có thể nói, một cách đơn giản, số phận của Ukraine hiện nay tùy thuộc phần lớn vào yếu tố địa chính trị ấy. Không chú ý đến yếu tố địa chính trị, mọi sự lạc quan của chúng ta đều dễ trở thành lạc quan tếu. Sự thật sẽ phức tạp hơn nhiều. Với tư cách người Việt Nam, quan sát các xung đột chính trị tại Ukraine, chúng ta càng cần phải suy nghĩ về yếu tố địa chính trị vì đó chính là một trong những điểm tương đồng quan trọng nhất giữa hai nước.
Nhìn trên bản đồ thế giới, chúng ta dễ thấy ngay địa thế chiến lược của Ukraine: Nó nằm ngay ở bản lề giữa Nga và Cộng đồng châu Âu. Một bên, nó giáp biên giới với Nga; bên kia, với Romania, Hungary, Slovakia, Ba Lan và Belarus (bốn nước đầu thuộc khối NATO). So với Belarus, vị trí của Ukraine đối với Nga quan trọng hơn nhiều: Nó đông dân hơn (khoảng 45 triệu so với dân số của Belarus chỉ có gần 10 triệu); hơn nữa, nó có một bờ biển chung với Nga tại Bắc Hải, vốn được xem là cửa ngõ của hải quân và hàng hải của Nga. Với châu Âu, Ukraine cũng rất cần thiết: Khoảng 25% số lượng khí đốt tại Châu Âu được nhập cảng từ Nga, và 60% số đó đi ngang qua lãnh thổ Ukraine.
Nếu Ukraine tham gia vào Cộng đồng châu Âu, hoặc nghiêng hẳn về châu Âu, biên giới của châu Âu sẽ tiến sát vào cạnh sườn của Nga. Đó là điều Nga tuyệt đối không muốn. Chính vì vậy, năm 2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hứa bỏ ra 15 tỉ Mỹ kim để mua trái phiếu của Ukraine như một cách giúp đỡ nước này và cũng là một cách mua chuộc Tổng thống Yanukovych để ông đừng ngả sang châu Âu. Sự mềm lòng của Yanukovych trước số tiền lớn lao ấy đã gây phẫn nộ cho dân chúng Ukraine, cuối cùng dẫn đến sụ sụp đổ của chính phủ do ông lãnh đạo và bản thân ông phải chạy sang Nga trốn.
Vấn đề gai góc nhất hiện nay là: Liệu Putin có chấp nhận thua cuộc?
Hiện nay, không ai biết các tính toán của Putin: Về phương diện ngoại giao, với Tây phương, ông vẫn giữ giọng hòa hoãn; nhưng về phương diện đối nội, ông lại ra lệnh cho 150.000 binh sĩ với khoảng 600 chiếc xe tăng áp sát biên giới Ukraine; ông lại yêu cầu Quốc Hội thông qua nghị quyết cho phép ông được quyền sử dụng quân đội để tấn công Ukraine; và mới đây, 15.000 lính Nga đã tràn vào bán đảo Crimea mà không gặp bất cứ một sự chống cự nào.
Nằm giữa châu Âu và Nga là một bất hạnh cho Ukraine. Nước này lại có thêm một bất hạnh khác: sự phân hóa trầm trọng về sắc tộc, lịch sử và chính trị trong nội bộ. Phần lớn dân chúng ở phía đông Ukraine - đa số theo Chính thống giáo và nói tiếng Nga - có truyền thống gắn bó với Nga trong khi phần lớn dân chúng ở phía Tây - đa số theo Thiên Chúa giáo và nói tiếng Ukraine - vốn chỉ bị nhập vào khối Liên Xô từ năm 1939 lại có khuynh hướng ngả về châu Âu.
Sự phân hóa về sắc tộc, lịch sử, văn hóa và chính trị ấy rất dễ bị Nga khai thác, từ đó, Ukraine hoặc có nguy cơ bị chia làm hai hoặc không đủ sức mạnh thống nhất để chống cự lại sự xâm lược của Nga.
Trong khi đó, sự giúp đỡ của Mỹ và Cộng đồng Âu châu đối với chính phủ lâm thời tại Ukraine còn khá dè dặt, chủ yếu là những lời hứa hẹn. Điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên: Về phương diện địa chính trị, Ukraine còn nằm ngoài sự quan tâm của châu Âu. Vẫn còn đang khủng hoảng cả về tài chính lẫn về bản sắc, Cộng đồng Âu châu hiện đang bận tâm với việc phục hồi kinh tế và củng cố các thành viên mới vốn là các quốc gia hậu – cộng sản như Bulgaria, Romania, Hungary... Việc mở rộng biên giới sang tận Nga, tuy rất hấp dẫn, nhưng còn khá xa. Không ai dám chấp nhận rủi ro cho một tương lai xa như vậy cả. Nếu, sau khi chiếm bán đảo Crimea, Nga liều lĩnh mở rộng cuộc tấn công vào Ukraine, tất cả những gì Mỹ, và cùng với Mỹ, Cộng đồng Châu Âu, có thể làm được là tẩy chay hội nghị thượng đỉnh dự định được tổ chức tại Nga vào tháng 6 sắp tới, trì hoãn một số hiệp định thương mại với Nga, loại trừ Nga ra khỏi khối Bát đại cường (Group of 8), v.v... Nhưng tất cả các việc làm ấy đều không thể ngăn cản được tham vọng của Nga.
Chính vì vậy, mọi người đều biết rõ Ukraine đang đối diện với rất nhiều thử thách nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ở đây, tôi không muốn đi sâu vào tình hình hay viễn ảnh chính trị của Ukraine. Tôi chỉ muốn nêu lên một vấn đề: Về phương diện địa chính trị, Việt Nam rất giống Ukraine. Cũng chia sẻ một biên giới với một quốc gia lớn và đầy tham vọng: Trung Quốc. Năm 1949, vừa mới giành chính quyền ở lục địa, Trung Quốc đã quyết định giúp đỡ Việt Minh trong chiến tranh chống Pháp không hẳn vì vấn đề ý thức hệ mà chủ yếu là vì yếu tố địa chính trị: Dùng Việt Nam như một hàng rào tốt để phòng thủ ở biên giới phía Nam nước họ. Sau năm 1975, Trung Quốc xúi Khmer Đỏ tấn công Việt Nam cũng vì lý do địa chính trị. Năm 1979, họ tấn công Việt Nam cũng lại vì lý do địa chính trị.
Để tự bảo vệ mình, những gì Trung Quốc cần ở Việt Nam, theo ưu tiên là: Một, sự lệ thuộc; hai, nghèo; và ba, độc tài.
Mọi nỗ lực phá vỡ ba yếu tố trên đều trở thành một thách thức đối với Trung Quốc.
Và mọi thách thức đối với Trung Quốc đều là một thủ thách gay gắt đối với Việt Nam.

Nguyễn Hưng Quốc
Blog Nguyễn Hưng Quốc
Nguyễn Hưng Quốc
Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt

Bắt quả tang Phó bí thư xã nằm với vợ người khác

Khi ông Phó bí thư xã đang "thân mật" với vợ người khác, người dân ập vào bắt quả tang.

http://img.v3.news.zdn.vn/w660/Uploaded/mtfuc/2014_03_04/vo.jpg

Chiều 4/3, ông Trịnh Văn Súy, Phó bí thư huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) cho biết, đang xem xét hình thức kỷ luật ông Đỗ Tuấn Nam (43 tuổi, Phó bí thư xã Thiệu Thành, Thiệu Hóa) về hành vi quan hệ bất chính với vợ người khác.

Theo ông Súy, tối 25/2, ông Nam đến nhà chị Lê (34 tuổi ở thôn Thành Thiện) chơi. Tại đây, 2 người có hành vi "thân mật" đã bị người dân ập vào bắt quả tang.

Bức xúc trước hành động của vị Phó bí thư xã, hàng chục người dân xông vào đánh ông Nam. Công an xã xuống hiện trường lập biên bản và lấy lời khai.

"Việc ông Nam bị người dân bắt quả tang khi đang nằm với chị Lê là đúng sự thật. Ông Nam đã tường trình bằng văn bản, thuật lại quá trình vi phạm", ông Súy nói.

Chị Lê đã có 3 con, chồng đi làm ăn xa. Trước khi vụ việc bị bắt quả tang, người dân nơi đây từng bàn ra tán vào việc ông Nam có quan hệ bất chính với chị Lê.

 * Tên người phụ nữ trong bài đã thay đổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét