Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Cải cách sách giáo khoa lúc này là cực kỳ phi lý - Tọa đàm "Bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử cùa các cuộc chiến tranh bảovệ biên giới, hải đảo và chủ quyền quốc gia thời hiện đại"

Cải cách sách giáo khoa lúc này là cực kỳ phi lý

“Tôi nghĩ đây là câu chuyện cực kỳ phi lý. Bởi lẽ một sự thật là chúng ta chưa hoàn thành việc xây dựng chương trình sách giáo khoa thì không thể có kế hoạch biên soạn sách giáo khoa…”, giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói với Một Thế Giới.


 
Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng việc đề án xây dựng chương trình sách giáo khoa sau năm 2015 là cực kỳ phi lý.

Ngày 25.2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp của Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. Tại đây, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) cũng đã báo cáo dự thảo đề án chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”; dự thảo đề án xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau 2015.

Theo đó, toàn bộ sách giáo khoa ở các lớp sẽ được biên soạn và cải cách hoàn toàn mới trong thời gian 2014 – 2020. Các công việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cũng được thử nghiệm theo chương trình cải cách này…

Nhân sự kiện này, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng đã có những nhận định và phân tích xung quanh câu chuyện thay sách giáo khoa.

Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng việc đề án xây dựng chương trình sách giáo khoa sau năm 2015 là cực kỳ phi lý.
Thưa giáo sư, ông nhận định như thế nào về dự thảo đề án xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau 2015 mà Bộ GD-ĐT vừa báo cáo tại phiên họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực?

Tôi nghĩ, đây là câu chuyện cực kỳ phi lý. Bởi một sự thật là chúng ta chưa hoàn thành việc xây dựng chương trình sách giáo khoa thì không thể có kế hoạch biên soạn sách giáo khoa.

Chương trình sách giáo khoa phải đáp ứng được ba mục tiêu: Hội nhập quốc tế; Phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam; Có thể sử dụng được lâu dài. Bộ GD-ĐT nói đã có sẵn chương trình của 40 quốc gia khác nhau thì chuyện xây dựng một chương trình sách giáo khoa đáp ứng được ba yêu cầu nói trên không còn là vấn đề quá khó khăn.

Tôi lại nghĩ, tại sao chúng ta không dựa vào các Hội khoa học chuyên ngành (Toán, Vật lý , Hóa học, Sinh học, Ngôn ngữ, Lịch sử, Địa lý, Địa chất). Các Hội này sẽ huy động các chuyên gia giỏi kết hợp với các thầy cô giáo giàu kinh nghiệm dậy bậc phổ thông để biên soạn chương trình, chỉ cần Bộ hỗ trợ thêm các chương trình nước ngoài mà Bộ đang có.

Các chương trình sau khi soạn thảo xong phải được xét duyệt kỹ càng tại một Hội đồng cấp Nhà nước đầy đủ uy tín và với tinh thần trách nhiệm cao. Cần có sự đóng góp ý kiến của Ủy ban Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Đối với việc in sách giáo khoa lại là chuyện của từng nhóm tác giả và từng nhà xuất bản. Bộ sách nào không theo sát chương trình thì không được in nhưng việc trình bày có thể rất khác nhau. Để lựa chọn bộ sách nào để dạy, để học là tùy vào thầy cô giáo và học sinh. Chỉ có sự cạnh tranh như vậy mới mong sớm có được những bộ sách giáo khoa tốt cho học sinh. Đây là một sự cạnh tranh rất khoa học và lành mạnh.

Còn như theo lộ trình của đề án, năm 2015 mới bàn lại chương trình giáo dục phổ thông, sau đó mới làm thí điểm chương trình sách giáo khoa. Tiếp đó là hàng loạt các vấn đề khác như thí điểm viết lại bộ sách giáo khoa, thí điểm sử dụng sách giáo khoa … Theo tôi vừa không có sự khoa học mà sẽ bất cập nhiều vấn đề phát sinh và không đạt được kết quả.

GS có thể dẫn ra những ví dụ cụ thể để minh chứng cho những điều mình khẳng định ở trên?

Tôi có thể dẫn chứng ngay trong bộ môn sinh học là môn tôi nghiên cứu khá sâu. Bộ sách giáo khoa Sinh học là cố gắng rất lớn của nhiều tác giả, nhưng rất tiếc là chương trình lại không hợp lý. Có rất nhiều vấn đề được đưa ra nhưng kiến thức lại dừng ở mức độ rất "nông".

Tôi đã mua trên 70 cuốn sách giáo khoa Sinh học ở bậc phổ thông ở các nước và thấy chương trình ở ta không giống bất kỳ nước nào. Chương trình học quá nặng nhưng kiến thức lại mờ nhạt (có lẽ do chịu ảnh hưởng của sách giáo khoa Sinh học trước đây của Liên Xô).

Hầu như tất cả các môn học ở Khoa Sinh, Trường ĐH Sư phạm đều có trong chương trình phổ thông. Như vậy có thể thấy sách giáo khoa Sinh học trong chương trình phổ thông có quá nhiều nội dung, quá nhiều chi tiết không cần thiết trong khi số giờ lại quá ít.

Tôi đã thử hỏi nhiều em đang học cấp III và thấy các em hiểu biết rất mù mờ và hầu như chả mấy em thích thú với môn Sinh học. Em nào định thi vào Sinh, vào Y, vào Dược thì đi tìm sách Đại học để đọc thêm vì phải cạnh tranh rất cao trong khi sách phổ thông quá sơ lược.

Hơn nữa, ra đề thi Tốt nghiệp THPT nếu theo nguyên tắc không được hỏi trùng các đề đã ra thì vô cùng khó, vì cuốn sách giáo khoa lớp 12 quá... mỏng! Các em đã học quá nhiều chuyên ngành như: động vật không xương, động vật có xương, thực vật bậc thấp, thực vật bậc cao, vi sinh vật học, giải phẫu và sinh lý người, di truyền học, tiến hóa học, sinh thái học..., trong khi số lượng giờ dạy quá ít ỏi mỗi tuần. Vừa khó học, khó nhớ, lại không muốn học thì học sinh sẽ không thể hiểu để tiếp thu.

GS có sáng kiến gì cho việc cải cách sách giáo khoa trong thời gian tới?

Tôi thấy việc thay đổi chương trình sách giáo khoa cần có sự tham khảo chương trình ở các nước. Tôi chú ý đến chương trình của hai nước: Pháp và Nepal.

Pháp là một nước khoa học phát triển nhưng học sinh phổ thông không học Sinh học (Biologie) mà chỉ học môn Khoa học về sự sống và về Trái đất. Đó là cách dạy tích hợp những kiến thức về sự sống và về Trái đất nói chung. Còn ở Nepal, một nước rất nghèo, họ lại coi kiến thức phổ thông hết lớp 10 là đủ. Họ dành hai lớp 11 và 12 để phân ban sâu, chỉ có 4 phân ban: Quản trị & Kinh doanh, Xã hội & Nhân văn, Toán-Lý và Hóa- Sinh.

Các nước Anh, Pháp, Australia... đều dạy môn Sinh học theo phương pháp tích hợp.

Trước đây, ta đã mời chuyên gia Australia sang giúp xây dựng một chương trình sinh học theo hướng tích hợp. Không hiểu vì sao lại không được sử dụng?! Tôi thấy cần sớm thay đổi chương trình Sinh học ở bậc phổ thông để không chênh lệch nhiều với các nước khác trên thế giới. Kiên quyết dạy theo phương pháp tích hợp.

Dạy sao cho học sinh có được hiểu biết chung về sự sống, kể cả những khám phá mới nhất về sự sống (tất nhiên bằng những khái niệm dễ hiểu và dễ nhớ). Chi tiết nào thầy không nhớ nổi thì đừng bắt học sinh phải nhớ. Đừng ngụy tạo ra quan điểm thay đổi như thế thì giáo viên không dạy được. Nếu thấy cần, có thể cho học sinh “rẽ ngang”, không học tiếp đại học thì nên theo hướng phân ban sâu như Nepal. Chuyện này cần thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng. Cần tổ chức các cuộc Hội thảo sâu sắc về nên phân ban sâu hay không phân ban. Bỏ hẳn kiểu phân ban chênh nhau quá ít thời gian như hiện nay.
Hà Thu
(Một thế giới)

Thuê “xã hội đen” đòi nợ, xu hướng đáng lo ngại

Biết là phi pháp, mang lại nhiều rủi ro nhưng vì ngán ngẩm thủ tục thi hành án nên các DN chọn thuê “xã hội đen” đòi nợ.
Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo “Luật thi hành án dân sự - góc nhìn từ doanh nghiệp (DN)” tại Hà Nội. Tại hội thảo này, VCCI đã công bố các khảo sát liên quan và đưa ra những con số khá bất ngờ về tỉ lệ thành công khi DN thuê các lực lượng phi chính thức (được cho là “xã hội đen’’) thu hồi nợ cao đến 90%. Trong khi đó nếu khởi kiện ra tòa và thu nợ qua cơ quan thi hành án (THA) thì hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50%. Để hiểu rõ thực, hư về những con số này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi đầu tuần với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, đơn vị thực hiện cuộc khảo sát này.

"Xã hội đen" đòi nợ hiệu quả hơn?
. Phóng viên: Ông có thể nói cụ thể hơn về cuộc khảo sát này? Cơ sở nào để đưa ra kết quả nói trên?
+ Ông Đậu Anh Tuấn: Hội thảo trên được tổ chức nhằm góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi Luật THADS năm 2008. Để chuẩn bị cho hội thảo này, VCCI tiến hành phỏng vấn sâu với nhiều luật sư, DN thu hồi nợ, chấp hành viên, chuyên gia pháp luật và đặc biệt chúng tôi có tiến hành một khảo sát nhỏ tại 15 DN được THA (10 DN) và phải THA (năm DN) thời gian qua.
Một trong những kết quả của khảo sát này cho thấy nếu có một khoản nợ thông thường thì sẽ có ba hình thức thu nợ phổ biến mà DN sử dụng là khởi kiện ra tòa và thông qua thủ tục THA, sử dụng dịch vụ thu nợ hợp pháp và sử dụng “xã hội đen” đòi nợ. Có sự khác biệt về thời gian, chi phí và tỉ lệ thành công của ba hình thức này. Chẳng hạn, nếu qua quy trình chính thức kiện ra tòa án và THA thì thời gian bình quân đến 400 ngày, chi phí mất khoảng 20%-30% khoản nợ (chưa kể khoản phi chính thức) và tỉ lệ thành công từ 50% đến 60%. Còn nếu qua hình thức “xã hội đen” thì thời gian ngắn hơn (từ 15 đến 30 ngày), chi phí khá cao (40%-70% khoản nợ) và tỉ lệ thành công cũng cao (80%-90%).
. Theo ông, kết quả khảo sát này có phản ánh một cách tương thích với tình hình thực tiễn không?
+ Đây là khảo sát quy mô nhỏ, trong thời gian ngắn với mục tiêu phục vụ cho cuộc thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi Luật THA của VCCI, do vậy việc sử dụng cũng hết sức cẩn trọng. Diện khảo sát chưa lớn, mẫu khảo sát chưa thực sự chuẩn bị tốt nên chúng tôi cũng chưa tự tin để khẳng định nó phản ánh hay đại diện hoàn hảo cho toàn bộ bức tranh hiện nay. Dù rằng những thảo luận tại hội thảo cũng như những phản hồi sau đó được nhiều DN, luật sư và chuyên gia đều ủng hộ kết quả này.

 
Không ít doanh nghiệp tìm đến đòi nợ thuê cho nhanh chóng và đơn giản. Ảnh minh họa: VNN

Tuy nhiên, đây là xu hướng đáng lo ngại. Thủ tục THA nếu quá phức tạp, tốn kém và kém tin cậy thì quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và DN sẽ khó được đảm bảo. Khi nhóm khảo sát của VCCI phỏng vấn, có DN còn than rằng: “Lúc đầu tôi nghĩ là có bản án của tòa thì có thể đòi được tiền rồi. Thế mà vẫn gặp khó khăn khi THA”. Những trở ngại này ảnh hưởng đến lòng tin của DN vào các kênh chính thức và đó là lý do khiến không ít DN có xu hướng chuyển sang sử dụng những kênh phi chính thức.
DN mệt từ tòa đến THA
. Vì sao DN lại tin vào khả năng thu hồi nợ của “xã hội đen” - lực lượng phi chính thức hơn là qua cơ quan THA bằng con đường khởi kiện ra tòa?
+ Theo tôi, lý do chính có lẽ là tính hiệu quả của hệ thống chính thức không cao. Tỉ lệ bản án được thi hành và tỉ lệ THA thành công ở Việt Nam hiện nay quá thấp. Chính báo cáo của Tổng cục THA đã cho thấy điều đó, nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM tỉ lệ THADS thành công chỉ xấp xỉ 30%.
Ngoài tỉ lệ thành công thấp, còn nguyên nhân như đã nói trên đây là thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian. Trong 10 DN đã được THA vừa rồi mà chúng tôi khảo sát thì có đến ba DN cho biết nếu gặp vụ việc tương tự họ sẽ không khởi kiện nữa. Từ trải nghiệm của mình, họ quá ngán ngẩm về thủ tục trong THA. Chắc không DN nào muốn đằng đẵng thời gian dài theo đuổi một vụ kiện, có được bản án rồi lại tiếp tục toát mồ hôi xoay sở để nó được thi hành và khả năng thất bại thì rất lớn.
. Việc DN tin vào khả năng thu hồi nợ của các lực lượng phi pháp hơn kênh chính thống như vậy phản ánh điều gì và có ảnh hưởng như thế nào đến việc xây dựng một xã hội pháp quyền hiện nay?
+ Việc sử dụng dịch vụ thu hồi nợ qua kênh phi chính thức như “xã hội đen” tôi tin chắc không phải là điều nhiều DN mong muốn. Nó không hợp pháp, mang lại rủi ro và thậm chí họ sẽ bị xử lý hình sự nếu để lại hậu quả. Nhìn rộng ra bên ngoài xã hội cũng như vậy, chúng ta đã thấy tình trạng người dân tự xử những kẻ trộm chó một cách man rợ như thế nào, đánh đập những người trộm cắp tài sản nhỏ đến chết mà họ không báo chính quyền, không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tôi tự hỏi liệu tình trạng trên có nguyên nhân từ tính nghiêm minh của pháp luật chưa được đảm bảo hay không? Liệu có phải người dân và DN kém tin vào mức độ hiệu quả, công bằng của hệ thống chính thức hay không?
. Liệu các khoản chi phí bôi trơn trong quá trình kiện tụng, THA cũng là một trong những lý do khiến DN ít nhờ đến tòa án và cơ quan THA hơn?
+ Đúng là các khoản chi phí không chính thức trong quá trình kiện tụng tại tòa án và THA là một nguyên nhân làm giảm hiệu lực và hình ảnh của tòa án và cơ quan THA.
Kết quả một cuộc điều tra hơn 8.000 DN, dân doanh tại 63 tỉnh, thành của VCCI thực hiện năm 2012 cho một kết quả đáng suy nghĩ. Trong phần câu hỏi về tranh chấp, có những DN trong năm gần nhất có tranh chấp nhưng không đưa ra tòa án (761DN), chúng tôi có hỏi lý do gì khiến những DN này không sử dụng tòa án. Hơn 53% DN cho rằng có phương thức giải quyết tranh chấp khác tòa án phù hợp hơn, một số khác cho rằng thời gian giải quyết tại tòa án quá dài, chí phí cao… Con số đáng chú ý là có 16% DN cho rằng họ không sử dụng tòa án vì tình trạng “chạy án” phổ biến. Bản thân kết quả khảo sát 15 DN có liên quan đến việc THA nói trên cũng có DN phản ánh có tình trạng chấp hành viên vòi vĩnh.
. Xin cảm ơn ông.
THU HẰNG thực hiện
(Pháp luật)
Nhiều tín hiệu tích cực ở Luật THA sửa đổi

Tại hội thảo cũng như những ý kiến DN gửi cho VCCI, điều mà DN cần nhất là thủ tục THADS nói riêng và các thủ tục tư pháp khác nói chung phải hiệu quả, nhanh chóng, thuận tiện, chi phí thấp. Ban soạn thảo luật sửa đổi lần này đã nhận thấy rõ điều này. Việc chủ động và cầu thị của ban soạn thảo luật này trong tham vấn DN thời gian qua cho thấy những tín hiệu rất tích cực. Chẳng hạn như quy định về trách nhiệm xác minh về điều kiện THA khi THA của bên nguyên được cho là gánh nặng, tạo nhiều phiền phức khiến DN ngại sử dụng dịch vụ THA đã được sửa đổi theo hướng bãi bỏ thủ tục bắt buộc này trong dự thảo hiện nay.

Ông ĐẬU ANH TUẤN, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Sau gần năm năm thực hiện, Luật THADS năm 2008 đã bộc lộ nhiều bất cập, làm cho việc THA trên thực tế rất khó khăn, tỉ lệ THA chưa cao, thời gian THA kéo dài, gây nhiều tốn kém cho cộng đồng DN và cho cả cơ quan THA, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh và việc bảo đảm thực thi hợp đồng tại Việt Nam. Để khắc phục những bất cập đó, Luật THADS đang được Bộ Tư pháp chủ trì sửa đổi và lấy ý kiến rộng rãi, trong đó những sửa đổi quan trọng như: thẩm quyền ban hành các quyết định trong hoạt động THA; quyền và nghĩa vụ của người được THA và người phải THA; trình tự, thủ tục THA trong một số trường hợp cụ thể.

(Phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng
tại hội thảo trên)

Tọa đàm "Bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử cùa các cuộc chiến tranh bảovệ biên giới, hải đảo và chủ quyền quốc gia thời hiện đại"


TỌA ĐÀM
"Bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử cùa các cuộc chiến tranh bảovệ biên giới, hải đảo và chủ quyền quốc gia thời hiện đại"

Sáng nay, 9.3.2014, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức cuộc tọa đàm chủ đề: "Bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử cùa các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, hải đảo và chủ quyền quốc gia thời hiện đại".
Đến dự có đông đảo các giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia và nhà quản lý và một số phóng viên báo chí: Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang, Trần Đức Cường, Nguyễn Thị Hậu, Bùi Văn Tiếng, Lê Mã Lương, Lê Mậu Hãn, Bùi Đình Thanh, Vũ Dương Ninh, Dương Trung Quốc, Lê Mạnh Hà, Trần Trọng Hà, Trịnh Vương Hồng, Lưu Trần Tiêu, Nguyễn Xuân Diện...Tổng cộng khoảng hơn 30 người.
Chủ tọa cuộc tọa đàm là các vị: Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang, Dương Trung Quốc. Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu mở đầu tọa đàm. GS. Vũ Minh Giang điều khiển tọa đàm.
Lần lượt là các phát biểu của các vị: Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang, Lê Mạnh Hà, Trần Trọng Hà, Nguyễn Thị Hậu, Lê Mã Lương, Bùi Đình Thanh, Vũ Dương Ninh, Bùi Văn Tiếng, Dương Trung Quốc....
GS. Phan Huy Lê phát biểu tổng kết tọa đàm. 
Tọa đàm bắt đầu từ 08h30 đến 12h15 không nghỉ giải lao. Các ý kiến phát biểu rất thẳng thắn, mạnh mẽ. Rất tiếc có 07 ý kiến đã đăng ký mà không được trình bày, trong đó có ý kiến phát biểu của Nguyễn Xuân Diện.   _________
Một số lời phát biểu tại tọa đàm:
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Lịch sử là lịch sử, Lịch sử rất sòng phẳng!
Phải đưa vào SGK, mà đưa cho đàng hoàng.

Tôi rất buồn, trên 6 tỉnh biên giới phía Bắc các di tích về kháng chiến chống Pháp chống Mỹ thì còn nhiều, mà dấu tích chống Trung Quốc thì hầu như không còn gì....
GS.TS Lưu Trần Tiêu : Lịch sừ là sự thật. Cái gì bình thường thì phải cho nó bình thường. Ta đừng làm cho nó bất bình thường....
GS Bùi Đình Thanh: Các nhà lãnh đạo chính trị ngày nay có đủ hào khí Đông A của cha ông ta hay không ? Có xứng đáng với cha ông hay không ?
Đại cục là cái gì? Đại cục của ta chỉ có mười chữ thôi: Độc lập, Chủ quyền, Thống nhất, Toàn vẹn lãnh thổ.  
Tại sao ĐBP thì kỷ niệm huy hoàng vậy? Sao chính thống không có một tuyên bố gì, ko có một kỷ niệm nào cho xứng đáng. Vì sao ?
GS. Vũ Dương Ninh: Đó là cuộc chiến tranh chống xâm lược. Ai xâm lược? Trung Quốc. Ta phải nói rõ như vậy, chỉ mặt kẻ thù của dân tộc ta! 
Các học giả nước ngoài gọi cuộc chiến tranh Biên giới tháng 2/79 là cuộc chiến giữa ba anh em đỏ (cộng sản)
TS. Nguyễn Thị Hậu: Dân là người giữ nước, chứ không phải chỉ chính quyền giữ nước mà được.   

Một số hình ảnh của cuộc tọa đàm:




















Tin và ảnh: Lâm Khang
 
(Blog Tễu)

Một chút tình cho quê hương

Gocomay

IMG_8783_
Nhận được mẩu tin thông báo ngắn trên tờ Tostedter Anzeiger (báo địa phương của Đức) về cuộc Hội thảo nhân kỷ niệm 35 chiến tranh biên giới Việt – Trung do một số chính trị gia của SPD chủ trì, vài anh chị em Người Việt quan tâm tới sự kiện đã tới tham dự. Thú thật trước khi đi, có anh em còn không khỏi băn khoăn:
Lạ thật cho mấy thằng Người Đức này. Chuyện đau lòng của Người Việt Nam mà người ta còn chẳng thèm quan tâm. Đằng này còn mở hội thảo để xem nỗi đau đớn của chiến tranh bị xâm lược đến nhường nào. Đúng là “tư bản giẫy chết”…
Đó là thổ lộ từ đáy lòng của anh bạn thân của tôi trên “Phây” cá nhân của mình như thế.
Sáng thứ Bẩy tuần trước, mới bảnh mắt ra chưa cà phê cà pháo gì, có chú hàng xóm gọi điện sang hỏi: bên nhà anh còn đầu Video VHS không?
Trả lời:
Bây giờ mèng nhất cũng là DVD, ai còn dùng cái đồ cổ ấy làm gì?
Chưa đầy mươi phút sau thấy hắn tò tò vác sang chiếc đầu VHS cũ mèm. Hắn nói, ông anh thử “duyệt” giúp xem tư liệu này có thể mang tới chiếu ở cuộc hội thảo vào tối thứ Sáu tuần tới được không?
Thì ra đây là bản sao phim “Lạng Sơn-Takano” do cố đạo diễn Trần Thịnh (bố đẻ của hắn - Trần Anh Tú) làm cách đây đúng 35 năm. Vừa xem phim hắn vừa thì thầm: “Em phải bỏ ra mấy mấy chỉ vàng để nhờ người quen ở Viện tư liệu phim (Phố Ngọc Khánh – Hà NộI) sao cho đấy… may mà dạo đó phim còn… chứ bây giờ nghe nói, phim 35 mm loại này mốc hỏng hết rồi….”
Xem phim xong, tôi gọi điện ngay cho một ông trong BTC và đăng ký để phim được chiếu trong khuôn khổ cuộc hội thảo. Tôi nói với Tú, đây là cuộc hội thảo của tụi tây, nên mình không hoàn toàn chủ động được. Ta cứ tùy cơ ứng biến nhé!
Trước giờ hội thảo diễn ra (tối 07.03), lúc chúng tôi tới thì BTC còn đang kê bàn ghế. Căn phòng nhỏ xinh xắn chỉ đủ chỗ cho khoảng hai chục người. Trong lúc Đức và Trung Quốc đang làm ăn buôn bán gia tăng với kim ngạch 2 chiều hàng trăm tỷ Euro như hiện nay, lại có chính trị gia của SPD (trong liên minh cầm quyền), bày ra hội thảo hội thiếc về cuộc chiến tranh xâm lược và bành trướng của anh “bạn vàng” nhà mình thế này kể cũng khó coi. Chắc đoán trước được tình huống đó nên căn phòng nhỏ xinh được chọn hôm nay là rất phù hợp với (hoàn) cảnh này!
Cử toạ vừa yên vị xong, đích thân bà Tamara-Booswagner, người chủ trì buổi hội thảo mang tài liệu phát tận tay từng đại biểu một. Thế mới thấy các chính trị gia xứ người ta tận tụy với công việc và “quần chúng” hơn các quan chức ”xứ thiên đường” mình qua từng cử chỉ. Chính những thứ tưởng như vặt vãnh đó đã xóa đi những cách biệt giữa chủ và khách ngay từ lúc ban đầu. Vì thế, tuy chưa đầy hai chục người, không khí đã nóng ngay khi hai người (Bà Booswagner và ông Phạm Công Hoàng) nêu chủ đề chính của cuộc hội thảo. Từ cuộc chiến biên giới Việt Trung (17.02-18.03.1979), cuộc hội thảo còn mổ xẻ cả những vấn đề tranh chấp biển đảo giữa Trung-Nhật trên vùng biển Hoa Đông (đảo đá Senkaku). Đặc biệt những động thái ngày càng táo tợn của Trung Quốc với Việt Nam và các nước Đông Nam Á trên biển Đông (quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa) bằng việc vẽ đường lưỡi bò đòi chủ quyền tới 80% lãnh hải.
Tôi cảm thấy nóng mặt khi có cử toạ (Ông Volker Elstermann – thương gia) cật vấn ông Phạm Công Hoàng: Tôi không thắc mắc tư cách của bà Booswagner – vừa dân biểu vừa đại diện cho SPD ở tiểu bang Niedersachsen. Nhưng tư cách của qúi ông, đại diện cho ai, cho nhà nước Việt Nam hay chỉ tư cách cá nhân?
Ông Hoàng trả lời:
Tôi với tư cách là công dân cũ của Việt Nam Cộng Hòa, muốn đòi lại Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép vào 19.01.1974. Quần đảo đó là thuộc chủ quyền thiêng liêng của nước Việt Nam, lúc đó do VNCH đang cai quản. Hiện nay, tôi là công dân Đức gốc Việt. Tôi là nhà hoạt động tôn giáo. Tôi mong muốn Việt Nam quê hương tôi không còn hiểm hoạ chiến tranh tang tóc như cuộc chiến Việt-Trung đẫm máu cách đây 35 năm. Tôi muốn các quyền con người phổ quát của quốc tế được thực thi ở Việt Nam để những phật tử nói riêng và tất cả người dân Việt nói chung được tự do hành đạo và được hưởng đầy đủ các giá trị cơ bản ấy…
Không biết có phải vì không thỏa mãn với câu trả lời đó mà ông ta đã rất lịch lãm xin phép rút lui. Cáo bận khi phim tư liệu Lạng Sơn – Takano chuẩn bị trình chiếu. Bù lại cử toạ (ông Peter Dörsam - ứng viên chức Thị trưởng của Gemeide Tostedt) cho rằng, những quan điểm khác trong trong đời sống chính trị ở một thể chế dân chủ là rất bình thường. Một xã hội mà không có đối lập thì chả khác nào một con bệnh không có sức đề kháng. Như cuộc tranh luận giữa (cực) tả và (cực) hữu. Luôn tồn tại ở Đức kể từ ngày lập quốc. Vai trò của nhà nước là phải biết điều tiết không cho các xung đột ấy phá vỡ các thiết chế tự do dân chủ của xã hội. Vận dụng vào cuộc tranh chấp Việt-Trung trong qúa khứ cũng như hiện tại, người Đức chúng tôi không quan tâm tới chuyện 2 chế độ cộng sản ấy đánh nhau ra sao. Nhưng chúng tôi quan tâm tới các xung đột đó đã ảnh hưởng ra sao tới sự ổn định của khu vực Đông Nam Á nói riêng và hòa bình thế giới nói chung. Bất ổn ở thị trường quan trọng ấy, một nước có thế mạnh về xuất khẩu như Đức cũng vô cùng quan ngại…
Các hiểm họa từ lối làm ăn chụp giật của Hoa lục trong việc tung ra thị trường những sản phẩm giá rẻ nhưng độc hại cho người tiêu dùng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung cũng được 3 cử toạ (hai chàng trai và một chàng rể xứ Việt) nêu ra đã gây được sự chú ý của khán phòng ở gần cuối buổi hội thảo.
Trước khi bế mạc, bộ phim tư liệu qúi của cố đạo diễn Trần Thịnh (Hãng phim TLKH TW – Hà Nội) cũng gây ấn tượng mạnh cho tất cả người xem. Vừa ăn bánh ngọt vừa xem phim cũng làm cho không khí buổi hội thảo trở nên ấm cúng thân mật hơn!
Chắc các tiền bối (bác Trần Thịnh cũng như các anh hùng liệt sỹ và nạn nhân của cuộc chiến biên giới Việt-Trung 35 năm trước) cũng được an ủi phần nào…
Xin post lên vài hình ảnh tiêu biểu của buổi hội thảo ở Tostedt – 07.03.2014:
Quang cảnh buổi Hội thảo Tostedt - CHLB Đức ngày 07.03.2014
Quang cảnh buổi Hội thảo Tostedt – CHLB Đức ngày 07.03.2014
Bà Tamara-Booswagner và ông Phạm Công Hoàng chủ toạ cuộc hội thảo.
Bà Tamara-Booswagner và ông Phạm Công Hoàng chủ toạ cuộc hội thảo.
Ông Hoàng Mạnh Tiến và ông Trần Anh Tú, cử toạ viên của buổi hội thảo.
Ông Hoàng Mạnh Tiến và ông Trần Anh Tú, cử toạ viên của buổi hội thảo.
Nữ phóng viên Marquat - Reporterin Wochenblatt (Báo địa phương).
Nữ phóng viên Marquat – Reporterin Wochenblatt (Báo địa phương).
Chủ nhà Tamara đi phát tài liệu tới từng cử toạ tham dự hội thảo.
Chủ nhà Tamara đi phát tài liệu tới từng cử toạ tham dự hội thảo.
Một trang thông tin trong tập tài liều hội thảo.
Một trang thông tin trong tập TL hội thảo.
Các cử tọa viên người Đức tham dự hội thảo.
Các cử tọa viên người Đức tham dự hội thảo.
Các cử toạ người Việt...
Các cử toạ người Việt…
Tập tài liệu được đưa ra thảo luận.
Tập tài liệu được đưa ra thảo luận.
Chủ tọa phân tích các nội dung chính của buổi hội thảo.
Chủ tọa phân tích các nội dung chính của buổi hội thảo.
Doanh nhân Volker Elstermann
Doanh nhân Volker Elstermann
Bà Christine Bachmann -  Thành viên của Piraten Partei.
Bà Christine Bachmann – Thành viên của Piraten Partei.
Ông Peter Dörsam - Ứng viên Thị trưởng TP Tostedt.
Ông Peter Dörsam – Ứng viên Thị trưởng Gemeide Tostedt.
Thảo luận sôi nổi quanh các cuộc xung đột ở biển Đông.
Thảo luận sôi nổi quanh các cuộc xung đột ở biển Đông.
Ông Phạm Công Hoàng đang lắng nghe các ý kiến phản biện của cử toạ.
Ông Phạm Công Hoàng đang lắng nghe các ý kiến phản biện của cử toạ.
Tranh luận giữa các cử toạ.
Tranh luận giữa các cử toạ.
Ông Trần Anh Tú đưa ra vấn đề tranh chấp lãnh thổ và hợp tác làm ăn kinh tế.
Ông Trần Anh Tú đưa ra vấn đề tranh chấp lãnh thổ và hợp tác làm ăn kinh tế.
Phản biện của doanh nhân  Elstermann.
Phản biện của doanh nhân Elstermann.
Một góc buổi tọa đàm.
Một góc buổi tọa đàm.
Ông Phạm Công Hoàng đang bảo vệ những luận điểm mà mình đưa ra.
Ông Phạm Công Hoàng đang bảo vệ những luận điểm mà mình đưa ra.
Ông Gurnna Branht, nguyên phụ trách Trung tâm Thanh thiếu niên TP Tostedt phát biểu.
Ông Gurnna Branht, nguyên phụ trách Trung tâm Thanh thiếu niên G. Tostedt phát biểu.
Ứng viên Thị trưởng TP Tostedt đang lắng nghe...
Ứng viên Thị trưởng Gemeide Tostedt đang lắng nghe…
Phần xem phim Lạng Sơn - Takano của cố đạo diễn Trần Thịnh s/x năm 1979.
Phần xem phim Lạng Sơn – Takano của cố đạo diễn Trần Thịnh s/x năm 1979.
Các cử tọa người Việt chăm chú theo dõi màn hình.
Các cử tọa người Việt chăm chú theo dõi màn hình.
Đồng nghiệp Nhật Bản của cố phóng viên Takano đang kể lại sự kiện...
Đồng nghiệp Nhật Bản của cố phóng viên Takano đang kể lại sự kiện…
Mọi người xúc động trước những sự kiện diễn ra cách đây 35 năm...
Mọi người xúc động trước những sự kiện diễn ra cách đây 35 năm…
Hậu duệ của cố đạo diễn Trần Thịnh kể lại câu chuyện làm phim của người cha...
Hậu duệ của cố đạo diễn Trần Thịnh kể lại câu chuyện làm phim của người cha…
Ông Peter Dörsam phát biểu sau khi xem phim...
Ông Peter Dörsam phát biểu sau khi xem phim…
Bà đảng trưởng SPD chụp ảnh lưu niệm với bà con người Việt.
Bà đảng trưởng SPD chụp ảnh lưu niệm với bà con người Việt.
Con bố "Thịnh Râu" cũng không chịu kém miếng...
Con bố “Thịnh Râu” cũng không chịu kém miếng…
Gocomay

Hoàng Đức Doanh - Phỏng vấn viên chức An ninh


Phỏng vấn viên chức An ninh

Anh ăn lương của ai ?
À , hưởng lương nhà nước
Nhà nước đâu có được
Tiền ấy là của Dân !

Nếu cứ tính bình quân
Mỗi ngày bao nhiêu thuế
Mười phần trăm cứ thế
Mọi thứ thu đều đều .

Anh làm việc vì đâu ?
Vì nhân dân là chắc
Người Dân nghèo hẳn khác
Bọn bán nước, buôn dân .

Nếu ăn ở có nhân ,
Chắc là không đàn áp
Những người đang oan ức
Lầm lũi chống nội xâm .

Mong anh chớ có lầm
Tiền nhân dân đóng góp
Tiền Tài nguyên tích cóp
Nuôi nhà nước hiện nay.

Nên phân biệt đúng sai
Quân ăn tàn, phá hại
Bao nhiêu là thất bại
Đều đổ lên đầu Dân.

Chỗ nào cũng có phần
Bọn quan tham nhà nước
Vì đâu chúng kiếm được ?
Vì những người như Anh !

Ngày 10 /3/2014
Hoàng Đức Doanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét