Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

"Ăn cây nào, rào cây ấy" - Nuớc Nga và cuộc khủng hoảng tại Ucraina - Chiến Tranh là gì? - Mười xu thế định hình châu Á trong năm 2014

Vị đại sứ 99 tuổi kể 3 lần làm cứng họng Bộ Ngoại giao Trung Quốc

(Soha.vn) - Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh nói: "Cảng TP. Hồ Chí Minh và cảng Hải Phòng đâu phải là cái ao nhà của Trung Quốc mà họ tự ý quyết định đưa tàu vào được”.

LTS: Là một vị tướng quân đội nhưng ông đã có “cú tạt ngang” sang ngành ngoại giao cực kỳ ấn tượng khi đã có 13 năm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Trung Quốc trong những khoảng thời gian đặc biệt căng thẳng giữa hai nước (giai đoạn 1974 – 1987). Đã có lần, khi gặp người tiền nhiệm của mình là ông Ngô Thuyền, ông đã nói rằng: “Anh thì sang Trung Quốc uống rượu, tôi thì sang cãi nhau!”. Quả thật với những gì đã thể hiện tại Trung Quốc trong thời kỳ mối quan hệ giữa hai nước có những trục trặc thì lời nói đùa đó quả không ngoa. Chính phần thắng của những lần cãi nhau đó luôn thuộc về phía Đại sứ Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc giữ trọn Quốc thể của Việt Nam tại Trung Quốc. Ông chính là Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng đoàn ngoại giao tại Trung Quốc - nhân vật chính trong câu đối: Làm cố vấn miền Tây, nhớ lời Bác, không làm “lão Toàn quyền”, luôn nhớ chữ “chủ quyền của Bạn”/ Đi đại sứ nước Tàu, theo ý Đảng, chẳng ngại “người Đại quốc”, giữ trọn điều “Quốc thể về ta”.

Chúng tôi tìm đến nhà Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (SN 1916) vào một ngày giữa tháng 2 rét buốt. Năm nay đã 99 tuổi nhưng ông vẫn giữ được sức khỏe và sự minh mẫn. Khi biết về ý định của chúng tôi muốn khai thác những câu chuyện về cách ứng xử của Đại sứ Việt Nam trước cách ứng xử của phía Trung Quốc trong thời kỳ quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc không còn được nồng ấm như dưới thời Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1974 – 1987), ông cười và nói ông rất sẵn lòng.

“Số là, đầu năm 1974, tôi kết thúc nhiệm kỳ làm trưởng đoàn cố vấn giúp nước bạn Lào, tôi trở về nước. Trong khi thấy tôi chưa nhận nhiệm vụ nào mới, trong khi đồng chí Ngô Thuyền vốn là Đại sứ của Việt Nam bên Trung Quốc đau ốm xin về nên Trung ương Đảng quyết định cử tôi sang làm Đại sứ bên Trung Quốc”, ông bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một sự giải thích như thế.

Trong quan hệ ngoại giao giữa các nước, việc cử một ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng sang làm Đại sứ ở một nước khác là một điều khá đặc biệt. Vị “lão” Đại sứ giải thích về sự đặc biệt đó: Hồi đó, Việt Nam coi trọng Liên Xô là anh cả và Trung Quốc là anh hai nên Trung ương Đảng cử một Ủy viên Trung ương Đảng sang Liên Xô và cử một ủy viên dự khuyết (cấp thấp hơn) sang “anh hai”.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh - nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc (Ảnh: Tuấn Nam)
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh - nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc (Ảnh: Tuấn Nam)

“Ông có biết tiếng Trung khi bắt đầu sang làm Đại sứ bên Trung Quốc không ,thưa Thiếu tướng?”. “Không, tôi không biết”. “Vậy, hẳn là ông sẽ có cảm thấy bối rối, lo lắng khi nhận nhiệm vụ như thế?”. “Không, tôi chẳng có gì phải bối rối cả. Sang bên đó, thời gian đầu có nhờ phiên dịch. Sau đó, tôi tự học và bây giờ cũng chỉ nói được chứ chưa thành thạo lắm”. Trước khi kể lại quãng thời gian là Đại sứ bên Trung Quốc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh sang làm Đại sứ bên Trung Quốc được một thời gian, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Trung Quốc có những dấu hiệu “lạnh đi”. Và những người ở Đại sứ quán Việt Nam cũng có thể cảm nhận được những thay đổi đó qua cách đối xử của nước bạn đối với mình. Và chính trong hoàn cảnh đó, qua câu chuyện với vị “lão” Đại sứ ở tuổi 99, chúng tôi có thể cảm nhận được niềm vui của ông sau các cuộc đấu lý với phía nước bạn.

Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh nhớ lại: “Khi tôi cho trưng bày hình ảnh Pol – Pot đánh phá biên giới Tây Nam nước ta ở bảng thông tin của Sứ quán (đặt ngoài hàng rào) thì phía Trung Quốc đã mời tôi lên Bộ Ngoại giao Trung Quốc để gặp Thứ trưởng Hàn Niệm Long. Tại đây, ông ta lên tiếng phản đối, đòi ta phải dỡ bỏ những hình ảnh và những lời tố cáo đó.

Khi đó, tôi đã đáp lại rằng: “Những việc mà tôi trưng bày ra, đó đều là sự thật. Chẳng lẽ Trung Quốc lại sợ sự thật? Hơn nữa, cái bảng thông tin mà chúng tôi treo ảnh trên hàng rào Sứ quán đó là nằm trong phạm vi chủ quyền của nước tôi, tôi không dỡ bỏ”. Ông ta nói: “Trung Quốc không cho phép nước nào nói xấu nước thứ 3 trong lãnh thổ nước Công hòa nhân dân Trung Hoa”.

Nghe thấy vậy, tôi liền đáp lại: “Đồng chí nói sai rồi, cách đây 3 hôm, tôi thấy đồng chí còn giúp cho Đại sứ của Pol – Pot họp báo nói xấu Việt Nam chúng tôi và cuộc họp báo đó có nhiều cán bộ Trung Quốc làm phiên dịch cho họ”.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cho hay: “Nói xong tôi ra về mà phía Trung Quốc không nói thêm được một lời nào”.

Một trong những vấn đề được Trung Quốc đưa ra để làm cái cớ khiêu khích ta là vấn đề về Hoa kiều. Họ luôn cho rằng chúng ta “bức hại Hoa Kiều” nhưng sự thực thì không có chuyện đó.

Ông Vĩnh nhớ lại: “Trong năm 1976, Trung Quốc mời tôi lên rồi tranh cãi về vấn đề Hoa kiều và người Hoa. Hai bên đều nhất quyết bảo vệ ý kiến của mình, không bên nào chịu bên nào. Sau khi đấu khẩu như vậy, Trọng Hi Đông – thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (nguyên là tướng trong quân đội) nói: “Sống hòa bình với nhau thì tốt hơn, chiến tranh thì phức tạp đấy” với hàm ý đe dọa. Nhưng tôi cũng nói lại rằng: “Tôi cũng đã là tướng, tôi cũng biết thế nào là chiến tranh. Và chúng tôi đã thắng Pháp và thắng Mỹ”. Vậy là ông ta im lặng, không nói được gì nữa”.

Có lẽ, bởi ông xuất thân là một vị tướng nên những đối đáp của ông vừa có sự mềm mỏng của một nhà ngoại giao nhưng cũng rất quyết liệt của một vị tướng. Điều đó cũng được thể hiện trong cách ứng xử của ông khi ở vào một tình thế khác.

“Một lần khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại mời tôi lên gặp một Thứ trưởng Ngoại giao. Ông ta nhờ tôi gửi công hàm về cho Chính phủ ta, đồng thời thông báo: “Do Chính phủ Việt Nam bức hại Hoa kiều nên Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã quyết định đưa hai tàu Trường Lực và Minh Hoa vào cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn để đón nạn kiều của chúng tôi”. Tôi nói: “Tôi sẽ chuyển công hàm về cho Chính phủ. Nhưng trước hết tôi nói ở Việt Nam không có nạn kiều. Và Chính phủ chúng tôi còn xem xét, tàu Trường Lực và Minh Hoa có được phép vào Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh hay không đã, vì hai cảng đó thuộc chủ quyền của Việt Nam, không ai được tự tiện vào”.

Khi tôi từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra về, các phóng viên báo chí quốc tế xúm lại hỏi tôi, tôi nói lại sự việc vừa rồi và nói thêm: “Cảng TP. Hồ Chí Minh và cảng Hải Phòng đâu phải là cái ao nhà của Trung Quốc mà họ tự ý quyết định đưa tàu vào được”. Sau đó các phóng viên đã đưa tin ra thế giới và tỏ ý thú vị với cách ông Đại sứ nói “cảng Việt Nam không phải là cái ao nhà của Trung Quốc””, ông Vĩnh kể .
(còn nữa)

GS. Nguyễn Văn Tuấn - "Ăn cây nào, rào cây ấy"

Cảnh sát Ukraina quì xin lỗi người biểu tình

Tôi cảm thấy không thoải mái và khó chấp nhận khi người ta vin vào câu “Ăn cây nào, rào cây ấy” để biện minh cho những hành động sai trái của những người mà họ từng chịu ân huệ. Báo Điện tử ĐCSVN giải thích câu này rằng: “Đây là lời khuyên về đạo đức, lối sống, đề cập đến quyền lợi và trách nhiệm của người được hưởng lợi ích. Hễ nơi nào hoặc ai cho ta hưởng quyền lợi gì thì ta phải phục vụ cho người ấy, nơi ấy”. Có lẽ lí giải này (hay quan điểm?) giải thích tại sao vài quan chức VN – có thể họ từng được đào tạo ở Nga – có xu hướng ủng hộ Nga trong tranh chấp với Ukraina. Nhưng theo tôi thấy, đó là một thái độ mù quáng và nguy hiểm.

Hình như người Việt có xu hướng “Ăn cây nào, rào cây ấy” rất mạnh. Có lần tôi tường thuật những hành động thô của vài du khách Nga ở Nha Trang và kèm theo câu nói đùa (tôi nói rõ là ‘nói đùa’) rằng họ xuất phát từ thế giới man rợ, và thế là có người phản đối kịch liệt. Họ viện dẫn rằng họ hiểu về văn hoá Nga vì từng đi học bên Nga, nên tin rằng người Nga không có hành động thiếu văn minh như thế. Tôi phải khâm phục tính chung thuỷ của họ đối với nước Nga. Việt kiều Mĩ cũng thế, họ lúc nào cũng nghĩ Mĩ là số 1 trên thế giới, và sẵn sàng bảo vệ cho nước Mĩ, giá trị Mĩ, bất kể Mĩ làm đúng hay sai. Ở Úc cũng vậy, nói chuyện với đồng hương ở Úc tôi dễ nhận ra rằng lúc nào họ cũng nghĩ Úc là thiên đàng, và tất cả những gì Úc làm là chuẩn mực. Dù hải quan Sydney hành hạ và kì thị khách Việt Nam cỡ nào, họ cũng tìm lí do để biện minh cho hải quan Úc. Tôi ngạc nhiên là ngay cả người Úc sinh đẻ ở Úc cũng không mù quáng như người Việt ở Úc. Tất cả chỉ vì câu “ăn cây nào rào cây ấy”.

Một thái độ mù quáng như thế rất nguy hiểm. Giả dụ rằng quân đội Nga xâm lăng các nước trong khối XHCN cũ như Hung, Ba Lan, Tiệp, Ukraina, Latvia, v.v. thì thái độ của VN như thế nào? Có lẽ nhiều người từng được giáo dục ở Nga sẽ ủng hộ Nga, và họ sẽ viện dẫn nhiều lí do lịch sử (bất kể vô lí cỡ nào), nhưng có lẽ trong tiềm thức họ cảm thấy có nghĩa vụ phải ủng hộ cái đất nước đã dạy dỗ mình. Thế có phải là nguy hiểm không. Để cho cảm tình chi phối và ủng hộ một cách mù quáng như thế thì có khác gì mình là người thiếu suy nghĩ và không phân biệt được đúng với sai. Tôi có thể so sánh với một động vật khác, nhưng e rằng như thế thì quá đáng, nên xin ngừng ở đây.

Dĩ nhiên, tôi chỉ nói số đông, chứ không phải ai cũng thế, vì có người vẫn bình tĩnh không chạy theo tâm lí bầy đàn. Tôi có quen và từng giúp một em nghiên cứu sinh ở Hà Nội, em này làm luận án tiến sĩ ở China và đạt kết quả xuất sắc. Khi tôi gặp em ở Hà Nội, em kéo tôi ra ngoài nói: Nói để thầy yên tâm, em học với họ nhưng em lúc nào cũng cảnh giác họ, chứ không phải “ăn cây nào, rào cây ấy” đâu. Tôi thích em bác sĩ này vì em là người Việt Nam đích thức và không chạy theo đám đông. Riêng cá nhân tôi thì tôi biết mình chung thuỷ với ai: đó là Việt Nam. Cho dù tôi đã ở xứ này hơn nửa đời người, cho dù xứ này đã cưu mang tôi trong lúc khó khăn và đã cho tôi một sự nghiệp, nhưng tôi không bao giờ xem đây là tổ quốc. Có lẽ con tôi xem đây là tổ quốc, là quê hương của nó, nhưng tôi thì không. Tôi có nghĩa vụ đóng góp cho đất nước này như là một lời cảm ơn, nhưng tôi không bao giờ ủng hộ một cách mù quáng bất cứ chính sách gì của họ đối với VN. Tôi cũng không thể nào ủng hộ VN nếu VN đi xâm lăng nước khác.

“Ăn cây nào rào cây ấy” theo tôi hiểu là xuất phát từ Tàu (食树护树), với hàm ý chịu ơn ai thì phải bênh vực người đó. Người Tàu còn sáng chế ra câu "Ai cháo đái bát" để hạ thấp người có tính khẳng khái. Người Tàu họ “sáng chế” ra quan điểm đó để điều khiển thần dân. Có lẽ chính vì quan điểm này mà bao nhiêu người trong hệ thống công quyền sẵn sàng đánh đập dân chúng nhân danh trung thành với cái nhà nước mà họ được hưởng lợi. Họ muốn "ăn cây nào rào cây đó" và không muốn bị chê là "ăn cháo đái bát". Họ bị tư duy của Tàu điểu khiển và trở thành nô lệ. Đúng như tác giả Đào Hiếu viết (và tôi xin trích):

“Ăn cây nào rào cây nấy trở thành lá bùa hộ mạng cho nhiều loại người: anh công an xua đuổi những người biểu tình đòi trả ruộng vườn đất đai bị “quy hoạch” để chia lô bán cho các công ty nước ngoài, anh công an còng tay người xuống đường chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, anh bộ đội xả thân ngoài chiến tuyến, anh công chức suốt đời im lặng trước những âm mưu tham nhũng, hối lộ, chạy chức chạy quyền trong cơ quan nhà nước, thầy giáo cô giáo ‘hô khẩu hiệu’ trong lớp học, sinh viên nhai đi nhai lại những sáo ngữ trong triết học Mác Lê-nin, nhà văn nhà báo uốn cong ngòi bút vẽ rắn thành rồng vẽ gà thành phượng, anh công nhân miệt mài trong nhà máy đầy khói bụi với đồng lương chết đói… tất cả chỉ vì đạo lý 'ăn cây nào rào cây nấy”.

Nhiều người Việt Nam được đào tạo từ nhiều nước trên thế giới. Trước đây ở miền Nam thì các nước có công đào tạo chuyên gia Việt Nam là Pháp, Mĩ, và Úc; còn miền Bắc thì Nga và các nước trong khối XHCN. Sau này thì danh sách mở rộng hơn, và con số có thể lên đến cả trăm nước. Với lí giải của Báo Điện tử ĐCSVN, khi thế giới có tranh chấp thì người được đào tạo từ nước nào sẽ có nghĩa vụ ủng hộ nước đó. Nếu cứ chiếu theo quan điểm “ăn cây nào rào cây ấy” thì có lẽ Trịnh Công Sơn phải đội mồ sống lại để ca bài “Gia tài của mẹ / một bọn lai căng / một lũ bội tình”.
Nên dẹp bỏ thói "ăn cây nào rào cây nấy", mà nên tôn trọng lẽ phải, bình đẳng và công lí.
GS Nguyễn Văn Tuấn 
Theo FB GS Nguyễn Văn Tuấn

Nuớc Nga và cuộc khủng hoảng tại Ucraina

Viet nguyen Trung FB

Gửi các bạn của tôi
Thực sự thì tôi không có ý định viết bài này, nhưng sau khi đọc những thông tin từ Việt Nam tôi quyết định phải viết, viết để ít nhất là những người bạn của tôi, những người đã có một thời gắn bó với nước Nga có một cái nhìn khác với cái nhìn của truyền thông Nga đưa lại.
1. Nước Nga và Putin trong mắt tôi.
Putin có lượng cử tri ủng hộ trong nước rất lớn. Ở Việt Nam cũng vậy, rất nhiều người cho Putin là nhà lãnh đạo toàn tài, người phục hưng nước Đại Nga trên thế giới.
Đối với tôi Putin sinh ra gặp thời . Thời kỳ của Putin là thời kỳ giá dầu và giá gas cao kỷ lục . Ngân sách của nước Nga được xây dựng trên 80% là dựa vào nguồn thu từ bán dầu và gas . Chỉ cần giá dầu tụt xuống dưới 100$/ thùng thì ngân sách Nga đã có vấn đề .Dựa vào nguồn thu này Nga có thể chi rất nhiều tiền vào quân đội và trả lương cho các công chức nhà nước ( cũng nói thêm rằng bộ máy hành chính vô cùng cồng kềnh, quan liêu , tham nhũng , phần lớn là những nguời làm việc không hiệu quả kiểu ” uống nước chè”  nhưng Putin không cải cách để tạo ra tầng lớp ủng hộ mình ) . Lượng cử tri  ủng hộ Putin lớn chính vì vậy. Nếu giá dầu như năm 1998(giá dầu vào  năm 1998 đã xuống 11$/thùng) thì vị thế của Putin cũng không khác mấy với Elsin đâu . Hình ảnh Putin lúc đó sẽ giống như độc tài Lukasenko của Bạch Nga . Không có gì mạnh mẽ bằng vị thế của những kẻ gặp thời .Những kẻ gặp thời thừơng hay phát biểu kiểu đao to búa lớn.Xưa kia, thời Xô Viết sau khi Liên Xô có vũ khí hạt nhân ,Tổng Bí Thư đảng cộng sản Liên Xô giữa cuộc họp Liên Hiệp Quốc đã rút giầy ra để gõ lên bàn . Có thể ở đâu đó người ta khâm phục hành động của ông ta, còn thế giới văn minh người ta cho đó là hành động không xứng đáng.Thái độ của thế giới văn minh truớc những phát biểu của Putin cũng như vậy thôi.Thiên thời  không thể ủng hộ Putin mãi nếu ông ta làm những việc trái với ĐẠO NGUỜI.
Từ khi Putin lên nắm quyền,ông ta đã tìm mọi cách để đưa tất cả hệ thống truyền thông Nga vào tay mình . Mọi thủ đoạn đã được dùng đến ( bắt bớ, doạ nạt để đuổi các chủ sở hữu những kênh truyền hình ra nước ngoài, mua chuộc, đe dọa các nhà báo…. ) . Kết quả là gần như 100 % phương tiện thông tin đại chúng ( có lẽ trừ kênh Dozd) nằm trong sự kiểm soát của Putin. Ở 1 đất nước mà internet còn chưa thông dụng như ở Nga thì điều đó có nghĩa là Putin hầu như đã nắm được tư tưởng của người Nga. Khoảng 80 % thông tin liên quan đến chính trị trên phương tiện thông tin đại chúng của Nga là không đúng, có lợi cho chính quyền . Phương tiện thông tin này biến Putin thành 1 siêu nhân : Putin lái tầu ngầm, Putin cởi trần thuần hoá hổ, Putin lái máy bay tiêm kích , Putin lặn xuống hồ Baical…. Các bạn có thấy giống những thông tin trước đây của truyền thông Irak về độc tài Sadam mỗi đầu năm bơi qua sông trong nước lạnh không? Có liên tưởng nào đến chuyện khi nhà lãnh đạo Triều Tiên chết làm chim cũng khóc và núi thì lở không? Trong quan niệm của tôi chỉ những chế độ độc tài mới cần những lãnh tụ siêu nhân . Trong một nhà nước hiện đại, các nguyên thủ Quốc gia họ phải như những CEO của các công ty văn minh: dân bầu lên làm việc,làm đúng trách nhiệm , đúng pháp luật, hưởng đúng như hợp đồng, và không làm tốt thì từ chức . Họ làm việc cần mẫn, không ồn ào,không khoa trương nhưng hiệu quả và quan trọng là vì dân tộc, đất nước . Dân Nga có cần 1 Tổng thống thuần hoá hổ, giỏi võ….. khi đại bộ phận dân chúng sống nghèo khổ , đất nước lạc hậu còn ông ta là người giàu nhất thế giới với tài sản 120 tỷ $ và đeo những đồng hồ giá 500000 $ khi lương chính thức là hơn 100000 $ / năm không ?
Nước Nga bây giờ tư tưởng bị bóp nghẹt . Đúng, có thể dân Nga sống không tồi về vật chất do những nguồn lợi do bán tài nguyên . Nhưng ở thế kỷ này cuộc sống đâu chỉ có cơm ăn, áo mặc, nghỉ ngơi… Cuộc đời còn những giá trị con người , quyền tự do tư tưởng mà nước Nga không có cho những công dân của mình. Con đường của nước Nga phải là cải cách kinh tế, phát triển những nghành khác để không phụ thuộc vào bán tài nguyên ,cải cách hành chính, phải thay đổi hoàn toàn hệ tư tưởng và những quan niệm trước đây. Rất nhiều người Nga ( trong đó có cả Putin ) vẫn có sự nuối tiếc với một đất nước rộng lớn như Liên Xô ngày xưa . Họ không thể sống được với ý nghĩ một Đại Nga không còn, chỉ có nước Nga lạc hậu về công nghệ, tư duy….. vì vậy đôi khi họ muốn chửng tỏ sự vĩ đại của nước Nga bằng việc tổ chức 1 Olimpic đắt đỏ nhất trong lịch sử ( chi hết 51 tỷ $ trong khi đó Olimpic Vancouver lần trước chỉ hết có 8 tỷ $ . Các chuyên gia tính rằng những công trình đó xây nên sẽ khó khai thác sau này, và sẽ cần 7 tỷ $ để bảo dưỡng trong 3 năm tới) . Những người dân bình thường đâu biết 35 % số tiền 51 tỷ$ đó đã bị các quan chức ăn cắp. Họ muốn chứng tỏ sự vĩ đại của nước Nga bằng việc xâm lược 2 vùng đất ( Abkhazia và Nam Osetia) của Gruzia ( 1 nước anh em thuộc Liên Xô cũ ) , đưa quân vào 1 nước anh em như Ukraine hay bảo vệ chế độ độc tài cha truyền con nối của Sirya, Triều Tiên mặc dù chế độ này đã dùng vũ khí hoá học giết hàng nghìn người trong đó có cả trẻ em .
Muốn trở thành một nước lớn anh phải sử xự như MỘT CƯỜNG QUỐC chứ không phải như một kẻ cướp dùng vũ lực. Bản thân anh phải là nước mạnh về kinh tế, công nghệ, tư tưởng , cấu trúc, con người… Lúc đó tự khắc các nước sẽ  coi anh là thủ lĩnh . Chúng ta coi Mỹ là cường quốc không phải bởi chỉ vì Mỹ có tầu sân bay …. mà bởi cơ cấu chính trị, tư tưởng, bởi công nghệ, bởi nhưng Bill Gates hay Warent Buffett , Steven Jobs… bởi Facebook và Google…. , có thể bởi Coca- cola , M’acdonalds  hay quần bò….Cách hành xử như Nga cũng giống  Trung quốc thôi và theo tôi họ sẽ mãi mãi không là cường quốc thực sự.
Nước Nga rộng lớn mêng mông, con người cũng rất khác nhau. Nước Nga có một tầng lớp nhỏ là trí thức có kiến thức sâu rộng, hiểu biết siêu phàm… Chính từ đây sinh ra những nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học vĩ đại.Nhưng cũng rất nhiều người trong dân chúng Nga  hiểu biết kém, ý thức chính trị lệch lạc, có những giá trị tinh thần không cao nhưng lại mang tư tuởng nuớc lớn. Nếu đọc kỹ những tác phẩm nghệ thuật của Nga chúng ta thấy rõ điều này,nhiều tác giả  như bị ngập vào cái vũng bùn tăm tối của xã hội Nga ,họ rất muốn tìm một giải pháp , 1 con đường ra. Không phải bỗng dưng 1 nhà văn vĩ đại của nước Nga đã nói : Nước Nga nổi tiếng bởi hai thứ : những thằng ngu và những con đường ! Và vì vậy không có gì lạ là uy tín của Putin cao nhất sau khi đánh Grudia và  khi đưa quân vào Ukraine mới đây. Hoàng đế của Nga không phải là Hoàng đế mà là Sa Hoàng . Mỗi dân tộc có lẽ xứng đáng với người thủ lĩnh của mình . Tôi thì nghĩ rằng Putin muốn đi vào lịch sử. Khi mọi thứ đã đủ rồi ông ta muốn lưu danh muôn thủa . Lịch sử Nga thường nhớ đến Ivan hung bạo, Piot đệ nhất, Ekaterina 2 , Stalin … Có lẽ tổ chức Olimpic đắt giá nhất trong lịch sử cũng vì điều đó, có lẽ xâm lược Ucraine cũng vì điều đó . Trong suy nghĩ của Putin, sẽ tuyệt vời làm sao khi sách lịch sử Nga sau này viết rằng :Putin là  Tổng thống đã trả lai Crimea cho Đại Nga ! Nhưng điều này cũng thật thảm hại chăng? Thế giới ( nhất là những người hiểu biết ) yêu và kính trọng nước Nga không phải vì Ivan hung bạo hay Stalin …. mà vì Lep Tolstoi và Puskin, Esenhin, Blok, Dostoevski, Mendeleep , ……
2. Xâm lược Ukraine
Cuộc xâm lược Ukraine là một chiến dịch được chuẩn bị chu đáo nhiều năm nay . Từ khi cuộc biểu tình hoà bình ở Kiev bắt đầu diễn ra truyền thông Nga tiến hành một chiến dịch tuyên truyền nhằm bóp méo mọi thứ ( 80 % thông tin sai sự thực trắng trợn ) . Các vùng miền Đông và miền nam Ukraine người ta thường xem các kênh truyền hình bằng tiếng Nga nên thông tin cũng sai lệch.Nga muốn dùng những nguời dân Ukraina ở miền Đông và miền Nam để chống lại chính những nguời đồng bào mình.
Truyền thông Nga gọi những người biểu tình ở Kiev là những kẻ khủng bố , những kẻ quá khích cực hữu , những kẻ phát xít . Tôi đã đến Maidan(nơi nguời biểu tình tập trung) rất nhiều lần và vô cùng khâm phục sự tổ chức và ý thức chính trị của họ . Họ là những sinh viên, cựu binh , những doanh nhân , hoạ sĩ,  …..  đến từ khắp mọi miền của Ukraine ( phần nhiều hơn là miền Tây ) . Đây là  bác sĩ nổi tiếng Olga Bogomoles , cháu của bác sĩ Aleksandr Bogomoles(nguyên phó chủ tịch viện hàn lâm khoa học Liên Xô) , bà phụ trách trạm y tế ở Maidan. Đây là những cô sinh viên đến từ miền Tây. Đây là một người bà hơn 50 tuổi làm y tá, trên áo có ghi số điện thoại của người thân để nhờ thông báo nếu bà hy sinh, 2 bố con ông viện sĩ Hàn Lâm Ukraine Kuznesov đến từ Kiev, Những cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở Afganistan….    Không phải chỉ vì chính quyền không ký hiệp ước với châu Âu mà họ họ phản đối . Họ đứng dậy đấu tranh vì một cuộc sống và tương lai tươi sáng hơn , khi không có tham nhũng trắng trợn ở mọi tầng lớp quan chức, khi quan toà hay công an không bị mua bán , khi chính quyền không coi nhân dân như cỏ rác , một xã hội mà phẩm giá con người được tôn trọng, những giá trị tinh thần cao cả được đánh giá, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật , thế hệ trẻ được đánh giá theo tài năng thực sự của mình chứ không phải vì con ông cháu cha . Maidan tổ chức như 1 công xã , có bếp ăn , toilet, chỗ tắm gội …. cho hàng trăm nghìn người , wifi miễn phí…. Họ biểu tình như vậy 3 tháng trời mùa đông, có lúc nhiệt độ ban đêm – 25, -26 độ C . Hàng đêm, cứ vào lúc nửa đêm họ đồng thanh hát Quốc ca Ukraine , mỗi chủ nhật họ tập trung “Đại hội nhân dân” có lúc lên đến hàng triệu người, và cái cảnh trong bóng đêm tất cả mọi người đều bật đèn điện thoại và hát Quốc ca thật bi tráng . Qua rồi cái thời kỳ người ta làm cách mạng vì miếng cơm , manh áo. Có lẽ bây giờ là thời kỳ những cuộc cách mạng vì phẩm giá con người. Có rất nhiều ý kiến cho rằng đằng sau Maidanlà các thế lực nuớc ngoài. Điều đó cũng có thể,ở vị trí như Ukraine đôi khi phải lựa chọn: thế lực nuớc ngoài văn minh tiên tiến hay nuớc Nga lạc hậu và chuyên chế.
Có biết bao những cảnh cảm động trong 3 tháng đó : những người cựu binh tóc bạc nói với các cô gái ” các con lui xuống đi, việc của các con là sinh con , để việc đánh nhau này cho các chú ! ” , một người phụ nữ Kiev lấy thân mình che cho 1 bà già ở Donhesk , bị lựu đạn nổ mất cả mảng lưng, những người bảo vệ Maidan cầm mộc bằng gỗ xông lên , 1 người bị lính bắn tỉa bắn gục , 3 người cầm mộc che để cấp cứu , còn  người khác vẫn xông lên , những  cha đạo cầm thánh giá đứng giữa hai làn đạn …… khi cảnh sát tấn công vào ban đêm , tiếng chuông báo động nhà thờ Mikhailovski vang lên lúc 4 h sáng y như hồi Trung cổ , và dân chúng người đi xe, người chạy bộ… vài tiếng sau đã tập trung mấy chục nghìn người….. Và đến hôm nay 100 người đã hy sinh. Người ta gọi họ là 100 chiến binh Thần Thánh. Trên con phố trung tâm , nơi họ đã hy sinh ở mốĩ gốc cây có ảnh của họ. Họ là những người rất bình thường : một sinh viên 17 tuổi đến từ Ternopol, một hoạ sĩ nổi tiếng , một nhà báo, một công nhân , một nhà giáo, một cựu binh…..Máu đổ bao giờ cũng là điều đáng sợ , nhưng NHỮNG NGƯỜI ANH HÙNG không bao giờ chết , bởi vì rất đơn giản họ đã đoàn kết được dân tộc, dân tộc Ukraine như đuợc tái sinh ( các bạn xem video cảnh người ta tiễn đưa những anh hùng về với đất mẹ Ukraine ở video phía dưới). Con phố này hôm nay ngày nào cũng có hàng đoàn người đi viếng những người anh hùng, cả phố ngập trong hoa . Giữa mùa đông , hoa đắt đỏ như vậy, những người dân bình thường giành những đồng tiền cuối cùng của mình mua hoa đi viếng họ. Hy sinh vì Dân Tộc mình, vì lý tưởng của mình, để lại bao tiếc thương cho những đồng bào của mình , chẳng phải họ đã sống cuộc sống xứng đáng lắm sao!
Hôm qua chế độ của Yanukovich còn vững chắc đến mức tưởng không thể sụp đổ, mọi thứ đã sụp đổ trong một ngày nhờ sự dũng cảm và ý thức người dân Ukraine . Dân tộc Ukraine  chứng tỏ họ là một DÂN TỘC đáng được kính trọng . Mọi thứ bắt đầu xây mới. Cuộc sống phía trước còn vô vàn khó khăn, không ai bảo đảm rằng chính quyền mới sẽ hoàn toàn tốt đẹp , nhưng có một điều rõ ràng rằng với 1 Dân Tộc như vậy các chính trị gia cũng phải thay đổi.
      Đúng lúc con đường Tự Do và Dân Chủ hình thành thì xuất hiện Putin cùng quân đội của mình. Aleksandr 3(một Sa hoàng của đế quốc Nga) đã từng nói ” đồng minh của chúng ta chỉ là quân đội và hạm đội” , Putin thật xứng đáng là hậu duệ của các vị Sa Hoàng hiếu chiến. Nga không làm bạn với ai cả mà chỉ muốn dùng vũ lực.  Truyền thông Nga đưa tin rằng khắp nơi trên Ukraine , đặc biệt là Kiev đầy bọn phát xít, khắp nơi là bạo lực, trấn lột, vi phạm quyền của những người nói tiếng Nga. Tôi tự hỏi rằng  những người tham gia vào hệ thống truyền thông Nga , chả lẽ họ cam tâm bán linh hồn cho quỉ dữ chăng?( Thực sự thì họ cũng khó vì một số nhà báo Nga đã bị khởi tố vì dám nói sự thật về Ukraine). Chính truyền thông ” bán mình ” của Nga đã làm cho dân Nga và những vùng miền Đông và miền Nam Ukraina tin vào những điều bịa đặt để chính quyền Putin có thể đạt được mục đích của mình tại Ukraine.
    12000 quân đặc biệt tinh nhuệ của Nga đổ bộ vào Crimea với lý do bảo vệ người nói tiếng Nga , bao vây các sân bay, doanh trại quân đội, các vị trí trọng yếu với yêu cầu quân đội Ukraine phải đầu hàng và giao nộp vũ khí ( trên mảnh đất của Tổ Quốc mình!). Quân đội Nga bao vây quốc hội để lập nên Quốc Hội và Chính Phủ mới do người của Nga lãnh đạo . Không có gì lạ khi Quốc hội này quyết định sát nhập lãnh thổ vào Nga và quyết định trưng cầu dân ý về việc này. 12000 quân lính Nga mặc quân phục Nga không có các ký hiệu , nhưng dùng vũ khí tối tân của Nga, đi xe biển số Nga …. , các quân nhân không ngại trả lời phỏng vấn nói mình từ Nga tới và tung ảnh lên các mạng xã hội trong đó thấy rõ họ đang ở Crimea. Trong khi đó truyền thông Nga khi đưa tin và Putin khi trả lời phỏng vấn gọi họ (12000 lính Nga) là những đội ” Tự vệ Crimea” , ông ta còn nói thêm rằng ” còn quân phục thì mua trong cửa hàng bán đầy!”(khi giải thích về việc các tự vệ binh này sử dụng quân trang của Nga) . Xin nhắc các bạn là đây là câu trả lời cho thế giới của một nguyên thủ quốc gia một đất nước muốn thế giới coi mình là cường quốc!!!! Nếu lấy lý do bảo vệ dân nói tiếng quốc gia mình để đưa quân vào lãnh thổ nuớc khác thì Trung Quốc có thể chiếm nhiều nước châu Á, Tây ban nha có thể chiếm nửa châu Mỹ , còn nước Anh thì chiếm nửa thế giới luôn .
   Truyền thông Nga và Việt Nam đưa tin quân đội Ukraine chống đỡ yếu ớt hoặc đã đầu hàng . Không có đơn vị nào đầu hàng cả trừ 1 chuẩn đô đốc thực ra là người của Nga . Binh sĩ Ukraine rất anh hùng . Họ không được quyền nổ súng trên đất mình để phiá Nga không tạo cớ , vì vậy đôi khi họ dùng tay không và những lá cờ để chống lại quân Nga. Khắp nơi trên Ukraine các điểm tòng quân đều xếp hàng dài , những ông già hết tuổi , những chàng thanh niên không đủ điều kiện sức khoẻ nài nỉ để được tòng quân bảo vệ Tổ Quốc.
 3. Tương lai
     Tôi chỉ muốn nói với các bạn 1 điều như thế này thôi : có lẽ chúng ta đang sống ở một thời khắc lịch sử . Thời bây giờ thế giới nhỏ bé lắm , thế giới phải chung tay để dẹp bỏ những điều ác , tránh tình trạng 1 kẻ độc tài, lãnh đạo nước lớn gật đầu một cái làm biết bao gia đình có thể ly tán, bao triệu người đau khổ!
     Quân Nga vẫn không rút khỏi Crime , các vùng miền Đông Ukraina cũng đang căng thẳng . Có lẽ Ukraine sẽ mất Crime .Có thể những vùng miền Đông , Nam khác cũng lâm nguy. Nhưng có lẽ người Ukraine và thế giới cần một cú sốc như thế này để hiểu nước Nga ( ít nhất là thời Putin) :
     Người Ukraine sẽ phải chọn con đường của mình là châu Âu , càng tách khỏi Nga càng tốt . Con đường vào châu Âu đã rõ ràng, phải phấn đấu và làm ngay. Nếu trước đây 1 bộ phận dân chúng Ukraine còn không muốn vào NATO thì bây giờ không còn con đường nào khác . Putin luôn muốn thấy Ukraine lục đục nhưng bây giờ Ukraine đoàn kết hơn bao giờ hết. Ukraine sẽ không bao giờ còn làm một nước trung lập, ảo tưởng về một nước Nga anh em thời Putin tan biến như bong bóng xà phòng.
     Trước năm 1994 Ucraine là cường quốc hạt nhân thứ 3 thế giới sau Nga, Mỹ .Năm 1994 đã có Hiệp uớc Budapes được ký , trong đó nói rõ Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân với điều kiện Nga, Anh, Mỹ sẽ là những nước bảo đảm cho an ninh, chủ quyền lãnh thổ …. của Ukraine. Năm 1997 Ucraine còn có hiệp ướp không xâm phạm lãnh thổ với Nga.  Nga hôm nay với tư cách là nước bảo đảm lại đem quân chiếm đất của Ukraine. Thời xưa thủ lĩnh của nước Đức Otto Bismark ( người thống nhất nước Đức) đã nói rằng : ” Bất kỳ thoả thuận nào với người Nga đều không có giá trị bằng tờ giấy mà trên đó ghi thoả thuận” . Thật đáng buồn nhưng thế giới phải nhớ đến lời của Bismark khi có việc với nước Nga thời Putin . Nếu thế giới để yên cho Nga xâm chiếm đất Ukraine thì sẽ có sự thay đổi lớn trên toàn thế giới . Bất kỳ một nước lớn nào cũng cho mình quyền được vi phạm các hiệp định quốc tế mà thế giới đã bỏ bao năm nay để đạt được. Những năm 30 của thế kỷ trước, Hitle lấy cớ bảo vệ người nói tiếng Đức đã đem quân xâm chiếm Áo và Tiệp Khắc. Cộng đồng thế giới đã nhắm mắt làm ngơ . Những gì xảy ra sau đó ai cũng biết. Thế giới hôm nay với vũ khí hạt nhân nếu xảy ra chiến tranh có thể là một thảm hoạ khủng khiếp.
    Sự việc này nếu không giải quyết thỏa đáng các nước trên thế giới sẽ thấy rằng : con đường duy nhất để tự bảo vệ mình là phải có vũ khí hạt nhân . Thế giới cứ thử đi thuyết phục Iran, Triều Tiên …… từ bỏ con đường chế tạo vũ khí hạt nhân đi. Thế giới sẽ đứng trước một cuộc chạy đua hạt nhân mới , đáng sợ hơn là có cả những nước Hồi giáo tham gia.
    Nuớc Nga muốn gửi thông điệp gì cho các nước trên thế giới , đặc biệt vùng Liên Xô cũ ?- Nếu anh muốn hướng tới xã hội dân chủ thì anh hãy nhìn gương Gruzia và Ukraine !
    Các bạn của tôi, những người đã gắn bó với tiếng Nga , văn hoá Nga , tôi rất hiểu các bạn. Các bạn coi nước Nga thân thuộc như bạn bè , và điều đương nhiên các bạn có cảm tình với những gì liên quan đến nước Nga, trong đó có Putin . Rất nhiều tầng lớp trí thức Nga đang phản đối chiến tranh với Ukraine . Chúng ta biết nước Nga thời chúng ta rất trẻ , sau khi chúng ta sống ở Việt Nam thời rất khó khăn , tình cảm như mối tình đầu. Nhưng khi các bạn đã đi khắp nơi trên thế giới thì hãy đến Nga sống một thời gian thôi, các bạn sẽ thấy đầy  thất vọng . Tôi thì tôi yêu nước Nga của Puskin và Tolstoi, của Levitan và Chaikovski,…… của những người Nga bình dị với tâm hồn hiếu khách, của những cô gái Nga xinh đẹp ….. chứ không phải nước Nga của Stalin hay Putin….
     Còn một vấn đề nữa : chúng ta là một nước nhỏ nằm ở vị trí nhạy cảm , biết bao cuộc chiến tranh đã trải qua , bao máu đã đổ. Tôi thường nói rằng : nếu máu đổ để cuộc sống tốt hơn thì chúng ta đã ở Thiên Đường từ lâu rồi! Chúng ta muốn xây dựng một cuộc sống để con em chúng ta không bao giờ còn phải nhìn thấy cảnh chiến tranh, chia lìa, máu đổ. Nhưng nếu thế giới này còn cảnh nước to hơn, mạnh hơn có thể dễ dàng xâm chiếm nước khác thì chiến tranh, xung đột là không tránh khỏi. Hôm nay nếu chúng ta thờ ơ để trộm cuớp vào nhà hàng xóm thì ngày mai sẽ đến lượt nhà ta thôi. Cách đây mấy hôm Trung Quốc phát biểu rằng : quyền độc lập, nguyên vẹn lãnh thổ của Ucraine cần được tôn trọng . Hôm qua Trung Quốc đã có những lập trường khác , chả lẽ lại có những trò chơi : anh nợ tôi và ngày mai anh phải ủng hộ tôi chăng?  Nếu thế giới để Nga xâm lược Ucraine thì ngày mai có thể thế giới tỉnh dậy với các tin tức như sau : Trung Quốc cho lực lượng gìn giữ hoà bình vào quần đảo Trường Sa , Việt Nam tuyên bố tổng động viên ….. hoặc Trung Quốc và Philipin giao tranh dữ dội ở biển Đông ….
Các bạn hãy hiểu vấn đề như nó có , hãy truyền thông điệp cho những người bạn hiểu biết khác. Biết đâu những cố gắng của chúng ta sẽ làm cho những kẻ thích gây chiến phải chùn tay , và thế giới mà chúng ta đang sống khỏi phải trải qua một cuộc chiến hoang tàn nữa.
Trong đuờng link chia sẻ duới đây,các bạn có thể nhìn thấy guơng mặt của những nguời đã hi sinh,trong đó có hai video clip rất cảm động
http://news.bigmir.net/ukraine/795271-Nebesnaja-sotnja-Majdana–v-Kieve-poprocshalis–s-pogibshimi

Ông Putin vs. Tây Phương

Lê Phan -Nguoiviet
Phải nói là cuộc khủng hoảng ở bán đảo Crimea thuộc Ukraine là một cuộc khủng hoảng giữa Tổng Thống Vladimir Putin và Tây phương.

Ðiều đó lộ rõ trong suốt cuộc họp báo kéo dài, lan man của ông Putin hôm Thứ Ba, 4 tháng 3. Tất cả những sự tức giận, uất ức thầm kín nhất của ông đối với Tây phương đã được phô bày. Trước toàn thể các nhà báo hiện diện, tổng thống Nga tức tối nói, “Ðây không phải lần đầu tiên mà các partners Tây phương của chúng ta làm vậy ở Ukraine. Họ ngồi bên kia cái ao… một đôi khi có vẻ như họ cảm thấy là họ đang trong một cái phòng thí nghiệm và họ thử đủ cuộc thí nghiệm đối với những con chuột mà không hiểu rõ hậu quả.” Ý hẳn ông nói chuyện gì đã xảy ra ở Kiev chỉ là một cố gắng nguy hiểm mới của Hoa Kỳ trong việc thay đổi xã hội.
Dĩ nhiên là qua việc xâm lăng (lén lút mà lại công khai) Crimea vào cuối tuần trước, ông Putin đã tạo cho chính phủ Obama một cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất và cũng hóc búa nhất. Trong khi đạt được điều đó, ông đồng thời đã tạo nên một thử nghiệm xem liệu cái “Tây phương” mà ông tức tối nguyền rủa đó có phải là một thực thể hay không. Cuộc khủng hoảng này sẽ chứng minh là liệu có một liên minh bất biến nối giữa Hoa Kỳ và Âu Châu mà một tổng thống Hoa Kỳ có thể vận động để đối phó một cách quyết liệt với các đe dọa, mà trong hiện nay lại là cho chính các quốc gia Âu Châu.
Có vẻ như Ðiện Kremlin đã giả định rằng Hoa Kỳ, mệt mỏi sau gần 13 năm chiến tranh và một Liên Hiệp Âu Châu vốn suýt gục ngã vì một cuộc khủng hoảng kinh tế, không thể có nổi đoàn kết hay tài nguyên để chống cự lại một cách thực sự vụ chiếm đất ở Ukraine của chính quyền Nga. Ðiều ông Putin thực sự cá độ là nay “Tây phương” chỉ là một huyền thoại.
Trên website Politico tuần này, ông Ben Judah viết, “Nga nghĩ là Tây phương không còn là một liên minh thánh chiến nữa. Nga nghĩ là điều quan trọng nhất đối với Tây phương nay chỉ còn có tiền. Ðiện Kremlin nghĩ là nay họ biết hết những bí mật bẩn thỉu của Âu Châu.”
Những đụng độ nhỏ về ngoại giao vào lúc đầu của cuộc khủng hoảng này cho ông Putin cảm thấy là bản năng của ông đúng. Ðã có những dấu hiệu bất hòa giữa Hoa Kỳ một bên và Ðức và Anh một bên về loại trừng phạt nào cần phải được thi hành để trừng trị Nga. Chả thế mà một tài liệu của Anh, nay đã thành bia miệng cho thiên hạ, khi một phóng viên chụp hình được hôm Thứ Hai trong đó hứa hẹn, “Sẽ không đóng cửa trung tâm tài chánh Luân Ðôn đối với người Nga.”
Ngay cả nếu cuộc khủng hoảng không leo thang, sẽ có những vấn đề khó khăn giữa Hoa Kỳ và Âu Châu nếu ông Putin quyết định chiếm vùng Crimea. Thật dễ có thể tưởng tượng một kịch bản trong đó một số các quốc gia Âu Châu tuyên bố hủy cấm vận và kết thúc tình trạng khẩn trương rồi tìm cách tiếp tục “business as usual.” Trong khi đó ở bờ bên kia của “cái ao Ðại Tây Dương” hẳn là lời chỉ trích “đầu hàng” vang vọng vòng quanh thủ đô DC.
Ngược lại, nếu những chiến dịch của ông đi theo đúng hướng dự trù, ông Putin sẽ thấy là ông đã cung ứng một dịch vụ hữu ích tập trung chiến lược đằng sau hậu trường của nhiều phe nhóm trong khối Tây phương.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã bùng lên vào tháng 11 khi người lúc đó là Tổng Thống Viktor Yanukovich của Ukraine đột ngột từ chối ký vào “một thỏa thuận liên kết” với Liên Hiệp Âu Châu bao gồm một thỏa thuận mậu dịch tự do “sâu đậm và toàn diện.” Căn bản, Liên Hiệp đã đề nghị nới rộng thị trường chung của họ cho Ukraine, chỉ ngừng lại ở việc cho Ukraine tham gia Liên Hiệp. Những người ủng hộ Tây phương xuống đường ở Kiev. Nhiều tuần lễ đối đầu và đụng độ kết thúc hôm cuối tháng rồi khi những tay thiện xạ bắn những người biểu tình, và ông Yanukovich bỏ trốn ngay khi mà ông vừa đạt được một dàn xếp với các ngoại trưởng Âu Châu để tổ chức bầu cử sớm vào cuối năm nay.
Khi phe đối lập lên nắm quyền, Liên Hiệp ngần ngại muốn chờ cho có các cuộc bầu cử và một chính phủ thực sự được thành lập trước khi ký vào thỏa thuận mà họ đã năn nỉ ông Yanukovich ký. Ðiều mỉa mai là vì họ đã hứa cho ông Yanukovich, họ thật khó từ chối thỏa thuận đó cho những người đã bỏ mình vì phất lá cờ Liên Hiệp. Sự nghi ngờ của họ đối với hàng lãnh đạo mới của Ukraine, đặc biệt là với những người biểu tình ở Quảng trường Maidan, đã lộ rõ trong câu chuyện mới tiết lộ tuần này, lần này là giữa ngoại trưởng Estonia và bà Catherine Ashton, ngoại trưởng của Liên Hiệp. Hai người được nghe bàn luận về một lý thuyết âm mưu (conspiracy theory) trong số những người biểu tình ở Maidan là những tay thiện xạ này bắn cả vào người biểu tình lẫn cảnh sát và đã được thuê bởi các đảng lúc đó là đối lập chứ không phải là do ông Yanukovich.
Trong cái bầu không khí nghi kỵ đó, ông Putin đã thành công trong việc thuyết phục Liên Hiệp chấp nhận tân chính phủ và người mà Thứ Trưởng Victoria Nuland của Hoa Kỳ gọi là “Yats,” tức Thủ tướng lâm thời Arseniy Yatseniuk, nay đã trở thành bạn của Liên Hiệp và có lẽ thay vì chờ đến chính phủ thực sự, Liên Hiệp sẽ ký với chính phủ lâm thời thỏa thuận mậu dịch.
Ông Putin còn cho Liên Minh Bắc Ðại Tây Dương NATO một cái lý do để tồn tại. Với cuộc chiến ở Afghanistan sắp chấm dứt, NATO nay phải đối diện với lại một cuộc khủng hoảng niềm tin và hiện hữu mới. Triển vọng của một nước Nga bành trướng sẽ giúp cho liên minh có được một lý do để tiếp tục tồn tại. Và các thành viên mới của NATO ở Ðông Âu hẳn sẽ không bao giờ nghi ngờ sự quan trọng của liên minh này.
Hòa đàm mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu có thể vẫn tiếp tục dầu cho khập khiễng. Dĩ nhiên chuyện đó thường xảy ra trong các cuộc hòa đàm mậu dịch, nhưng ít nhất cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ giúp cung cấp một lý do chiến thuật cho đề nghị mậu dịch Mỹ Âu này.
Những diễn biến mới này cũng sẽ tạo ồn ào thêm trong cuộc tranh cãi ở Hoa Kỳ về liệu có nên bán khí đốt rẻ tiền cho Âu Châu hay không. Hôm Thứ Ba, chủ tịch Hạ Viện thuộc bên đảng Cộng Hòa khẳng định là hủy lệnh cấm xuất cảng, mà bên chính phủ Obama đang tính toán, là “một bước rõ ràng cho thấy Hoa Kỳ ủng hộ bạn bè và chống lại sự hung hăng của Nga.” Việc này sẽ có hậu quả lâu dài là làm giảm áp lực kinh tế mà Nga hiện nay có đối với Âu Châu.
Và dầu kết quả có làm sao chăng nữa, cuộc khủng hoảng này sẽ thay đổi đường hướng của chính sách ngoại giao của Tổng Thống Barack Obama. Giữa sự “chuyển hướng” sang Á Châu đến những cố gắng liên miên chữa cháy cho vùng Trung Ðông, ông Obama đã bị đổ cho là bỏ quên Âu Châu. Người Ba Lan, Tiệp và các quốc gia Ðông Âu khác đặc biệt cảm thấy điều này khi họ chứng kiến việc chính phủ Hoa Kỳ tìm cách xây dựng một liên hệ tốt với Moscow. Nhưng trong ba năm còn lại của chính phủ của ông, tổng thống hẳn nay sẽ phải tập trung vào Ðông Âu và sự lo âu của các đồng minh của Hoa Kỳ trong vùng.
Cũng phải nói là cuộc khủng hoảng này, với hết chuyển hướng này sang chuyển hướng khác, ngay cả chỉ trong tuần qua, thành ra thật khó tiên đoán. Có thể ông Putin hiểu rõ tim đen của Tây phương. Một cuộc đối đầu kéo dài giữa Tây phương và Nga sẽ thúc đẩy Moscow tiến gần đến với Trung Quốc hơn. Chả thế mà một nhà bình luận trên báo The Nation của Thái Lan đã nói thực sự thừa nước đục thả câu lúc này chính là Trung Quốc.
Nhưng ít nhất là ông Putin đã thành công trong việc hồi sinh cái liên minh xuyên Ðại Tây Dương mà ông thù ghét.

Tuấn Khanh - Chiến Tranh là gì?


Một ngày xế trưa của Saigon lười biếng và thinh lặng. Ngồi cùng với một đứa học trò nhỏ, sinh vào giữa thập niên 90, khi cả hai đang chăm chú đọc tin tức về chuyện quân Nga tràn vào Ukraine. Bất chợt tôi nghe hỏi: “Thầy ơi, chiến tranh ra sao?”.

Đó là một câu hỏi thành thật. Lặng đi trong một giây lát, tôi chợt hiểu rằng không chỉ đứa học trò này, mà còn có hàng triệu thanh niên khác ở xứ Việt vẫn đang ngơ ngác về chiến tranh. Câu chuyện con người dùng vũ khí tiêu diệt nhau, lâu nay, với nhiều người trẻ, có lẽ vẫn chỉ quen những điều ly kỳ từ Hollywood.

Câu hỏi rơi vào những ngày, mà gần 40 năm trước, chung quanh chỗ tôi ngồi, và xa hơn nữa, là đạn bom vô tình. Câu hỏi nhắc rất nhiều thứ về tiếng súng đã ngừng trên quê hương Việt Nam, được đổi lại bằng các vết thương hoà bình không bao giờ thôi mưng mủ.

Vết thương đau đến mức nó cắt lìa hàng triệu linh hồn và niềm tin ra khỏi nhau. Nó làm dị dạng trái tim con người khi cùng nhau cố tập hát bài ca thống nhất. Trong lời hát mong manh đó, tâm linh cũng trở thành một thứ nghệ thuật xếp đặt: có nơi Phật linh thiêng nhờ tiền giấy nhét vào tượng, còn ở nơi khác thì Phật được cấp giấy cư trú khi chia sẻ chỗ nằm với một lãnh tụ cộng sản.

Thật khó mà giải thích chiến tranh ở xứ sở này là gì với một đứa trẻ lớn lên trong thế kỷ có xã hội được coi là bình yên, có những người cai quản thích miền não phẳng, thích tuân lệnh và thích lịch sử có những đoạn cần phải bị tô đen. Chiến tranh hiện hình bằng tiếng gõ cửa hỏi hộ khẩu, chiến tranh hiện hình là hơi thở dài cam chịu sự khác biệt. Chiến tranh không cần lên đạn báo hiệu, chiến tranh không cần chiến trường.

Đứa học trò im lặng suy nghĩ hồi lâu, lại chợt hỏi “Vậy mình sẽ chọn ai để chống khi chiến tranh xảy ra?”.

À, chiến tranh hôm nay trong mắt đứa học trò của tôi là sự phân vân kẻ thù, người thân. Chiến tranh đến ở đâu, cũng kéo theo sự ngẩn ngơ về chỗ đứng của mình. Không ít người Ukraine bây giờ cũng đang phân vân, trước tiên, là phải nhằm bắn vào kẻ xâm lược hay kẻ phản bội quê hương.

Cảm giác một cuộc chiến tranh thật trên đất nước này cũng rất gần. Chuyện giặc phương Bắc lăm le tràn xuống vẫn là đề tài được bàn tán không ngừng. Đã có người hô lên những điều đó, và cũng đã có người chịu tù đày vì cảnh báo điều đó, dù chỉ là tiếng hát.

Quả thật bi đát nếu có một cuộc xâm lược như vậy từ Trung Quốc, một quốc gia cộng sản từ phía Bắc. Nhưng còn bi đát hơn nữa nếu như có những tên phản bội đang nằm sâu trong lòng dân tộc Việt Nam và giang tay đón kẻ cộng sản xâm lược, không khác gì câu chuyện ở Ukraine.

Tôi chỉ biết gợi ý với chú nhóc học trò rằng, về phần mình nếu phải chọn, tôi sẽ chọn chống kẻ xâm lược trước.

Kẻ thù bên ngoài là mối hoạ lớn nhưng không quá đáng sợ, tổ tiên chúng ta đã dặn. Điều lớn hơn là cuộc chiến tranh trong lòng đất nước và có thể chúng ta có phải sẽ phải giành giật đến chết, đến đời con cháu mới tìm lại được sự tự do trọn vẹn và không còn những vết thương mưng mủ. Lịch sử ngàn năm của đất Việt cũng đã ghi lại nỗi đau nhức này.

Tôi tìm trên internet và nhìn thấy tấm ảnh những người Ukraine tóc đã bạc đang cầm súng, tự biến mình thành dân quân để cản bước quân Nga lẫn những kẻ thân Nga đang bán đứng tổ quốc. Trái tim tôi rúng động: Họ run sợ nhưng không hề muốn lùi bước trước kẻ ác.

Thầy xin lỗi vì đã không thể trả lời con một cách đơn giản, do quê hương chúng mình đầy phức tạp. Thôi thì nếu không may chiến tranh ập đến, chúng ta nên bắt đầu từ việc chống lại kẻ ác.

Và con cũng đừng bao giờ quên, xâm lược một dân tộc hay bán đứng một dân tộc, tất cả đều là kẻ ác.
TUẤN KHANH
Diễn Đàn Thế Kỷ

Mười xu thế định hình châu Á trong năm 2014

Phiatruoc

ASEAN full
Thùy Dương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Evan A. Feigenbaum,
Carnegie Endowment/EAF
Một năm 2014 đầy thách thức đang chờ đợi châu Á ở phía trước. Rủi ro chính trị sẽ tăng lên, căng thẳng an ninh sẽ gia tăng và sự hoài nghi sẽ tiếp tục bùng phát về việc liệu các chính phủ lớn ở châu Á có đủ quyết tâm đối với các chính sách cải cách tăng trưởng hay không. Mười xu hướng này sẽ định hình một châu Á đầy biến động trong mười hai tháng tới và thậm chí còn xa hơn nữa.
Đầu tiên, tin tốt là: Mối quan hệ của châu Á với nền kinh tế thế giới đang thay đổi theo cách kịch tính và tích cực.  Trong nhiều thập kỷ qua, các nước G7 đã thành công bước cửa ngõ của châu Á – bao gồm việc mua hàng hóa xuất khẩu từ châu Á và đầu tư mạnh vào các nền kinh tế ở châu lục này. Nhưng châu Á hiện đang trở thành một nhân tố chính trong những câu chuyện tăng trưởng của các nền kinh tế tiên tiến. Và tại những một số nước khác đã tiêu thụ hàng hóa từ châu Á, chính người châu Á đang đầu tư và tiêu thụ nhiều hơn từ hải ngoại. Lấy Hoa Kỳ làm một dẫn chứng: Hiện nay, người châu Á là những người tiêu thụ chính các sản phẩm ngô và đậu tương của Mỹ (dùng làm thức ăn cho gia súc), thịt lợn (dùng làm thức ăn), và khí tự nhiên (cho các nhà máy điện). Không những vậy, họ cũng đang mua cổ phần trong các công ty và các nguồn lực của Hoa Kỳ.
Nhưng đây là tin xấu: Những thách thức chiến lược trọng tâm của châu Á ngày nay là cú va chạm giữa kinh tế và an ninh. Các nước tương tự đang cùng nhau kinh doanh, đầu tư và phát triển bị bủa vây bởi những căng thẳng an ninh và các mối quan hệ ngoại giao bất thường. Một trong những yếu tố chính là Trung Quốc. Vấn đề này được nêu ra một cách thẳng thừng, rằng ý đồ chiến lược lâu dài của Bắc Kinh đang gây không ít lo ngại đối với nhiều nước trong khu vực. Vì vậy, như một hàng rào chống lại chiến lược phát triển của Trung Quốc, nhiều nước châu Á đang tăng cường chính sách phòng thủ đồng thời phối hợp sâu sắc với phía Hoa Kỳ trong mặt trận chính trị. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu đối với nhiều nền kinh tế lớn của châu Á. Tuy nhiên, chỉ riêng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế thì không thể giúpgiảm nhẹ cơ chế xung đột.
Những căng thẳng có thể sẽ diễn ra trong các vấn đề chung mang tính toàn cầu. Tuyên bố hồi tháng Mười một của Bắc Kinh về Khu vực Nhận diện Phòng không ở Hoa Đông đã đặt ra những câu hỏi sâu rộng hơn về việc cạnh tranh tuyên bố chủ quyền ở châu Á. Điều này có thể động chạm tới hàng hóa công cộng và tài sản chung toàn cầu – bao gồm không phận, không gian mạng và các đại dương. Bắc Kinh và Washington nói riêng dường như đang nói chuyện qua lại với nhau – Trung Quốc nói chủ yếu về chủ quyền và các tuyên bố lãnh thổ trong khi Hoa Kỳ phần lớn đặt nặng về quyền lợi và thông lệ quốc tế. Tranh chấp sẽ tăng lên vượt quá các thông điệp về tự do hàng hải và những diễn giải phân kỳ của luật pháp quốc tế.
Bằng con mắt cạnh tranh với Trung Quốc, Tokyo được trông đợi sẽ tiếp tục phục hồi lại năng lực ngoại giao với các nước châu Á trong năm 2014. Chỉ một năm bắt đầu lại nhiệm kỳ, Thủ tướng Shinzo Abe đã đi châu Á không ngừng, lôi kéo Ấn Độ và cam kết khoản viện trợ 20 tỷ USD cho các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tokyo có lịch sử lâu dài trong việc ngoại giao mạnh mẽ với người bạn châu Á. Nhưng nỗ lực của ông Abe sẽ kích thích sự cộng hưởng, đặc biệt khi đối mặt với chiến lược tăng cường cảnh giác giữa Tokyo và Bắc Kinh. Tokyo sẽ xem xét việc mở rộng công cụ của mình, tận dụng những dự án tài chính, thương mại, viện trợ, sự trao đổi người với người và thậm chí hợp tác an ninh. Tuy nhiên, tiếng vang này sẽ duy trì được bao lâu tại các nước Đông Nam Á –  những đất nước  từ lâu đã tìm cách thúc đẩy sự cân bằng giữa Bắc Kinh và Tokyo –  lại là một câu hỏi khác. Điều này sẽ đặc biệt trả lời cho việc liệu ông Abe có thành công trong nỗ lực biến Trung Quốc trở thành một lá chắn để thúc đẩy mối quan hệ giữa Tokyo với các nước trong khu vực châu Á hay không.
Quyết định hành xử ông Jang Song-thaek hồi tháng Mười hai – người dượng của Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un – và sự thanh lọc trong chính quyền độc tài này đã đặt ra câu hỏi cơ bản về sự ổn định của chế độ Bình Nhưỡng. Và không loại bỏ nguy cơ sẽ tiếp tục gia tăng tại đây trong năm 2014. Bình Nhưỡng có thiên hướng hành động khiêu khích vì họ cho rằng nếu làm như vậy thì sẽ đặt ra sự lựa chọn khó khăn đối với tất cả các nước ở Đông Bắc Á. Thời gian qua, Trung Quốc đã cho thấy họ cố gắng ra sức cưỡng chế Bắc Triều Tiên trong khi Seoul và Washington đặt cược rằng đòn bẩy Trung Quốc có thể hạn chế hành vi của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, những bóng ma của lịch sử đã làm điêu đứng nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc khuyến khích hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Cái bóng Trung Quốc đang dần trỗi dậy phía sau Seoul nhưng Nam Hàn cũng đã cẩn thận để không dựa quá nhiều về phía Tokyo. Và nếu các biến động ở Bắc Triều Tiên không thể mang hai đồng minh của Mỹ lại để cùng phối hợp trong lĩnh vực an ninh và kế hoạch dự phòng thì điều gì khác sẽ mang hai nước này lại với nhau?
Trong khi đó về  phần mình thì Washington phải đưa ra những lựa chọn trong năm 2014 nhằm kiểm định vai trò truyền thống của Hoa Kỳ ở châu Á. Trong những năm gần đây, vai trò an ninh chính ở châu Á của Hoa Kỳ cũng được tăng cường, nhưng các đồng minh của Washington nói riêng sẽ tiếp tục lo lắng và theo dõi xem liệu Hoa Kỳ có đảo ngược được những ảnh hưởng suy yếu trong thế trận quốc phòng và liệu nước này có tạo ra các khoản đầu tư dài hạn trong hoàn cảnh thách thức mới ở khu vực châu Á hay không. Vì sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ đã phần nào suy giảm nên cho đến nay vẫn chưa rõ liệu vai trò của họ có bền vững khi hay không.
Một thử nghiệm khác cho thấy phương pháp lãnh đạo cũng không kém phần quan trọng trong việc giúp mang lại hiệp định thương mại toàn cầu và khu vực. Một loạt các hiệp định thương mại ưu đãi trong khu vực hiện cũng trở nên cạnh tranh hơn vì châu Á trở nên ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng bao gồm Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ hậu thuẫn và Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực châu Á (RCEP), trong đó không bao gồm Hoa Kỳ. Nhiều người xem TPP và RCEP là đối thủ cạnh tranh hiện nay. Và trong những năm gần đây, một số người ở Bắc Kinh đã xem xét TPP một cách thận trọng và cho đó như một phần trong chiến lược ngăn chặn [Trung Quốc] của Hoa Kỳ. Nhưng mọi thứ có thể thay đổi vào năm 2014 khi Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm đến TPP. Điều này cho thấy đây không phải là cuộc cạnh tranh giữa các mô hình có tầm nhìn ngắn hạn. Chỉ ó điều khoảng cách giữa yêu cầu của TPP và các thoả thuận nội địa của Trung Quốc hiện rất lớn. Nhưng nếu TPP được ký kết vào năm 2014 thì nó sẽ thiết lập một tiêu chuẩn cạnh tranh mới ở châu Á.
Nỗ lực cải cách của Trung Quốc đã trở nên mạnh mẽ hơn vì mô hình tăng trưởng của nước này đã bắt đầu suy yếu. Bắc Kinh kết thúc năm 2013 bằng việc thông qua một chương trình cải cách kinh tế sâu rộng gồm các cam kết tự do hóa tài chính, sửa chữa mạng lưới an toàn xã hội của Trung Quốc, bảo vệ quyền sở hữu tại nông thôn và đặt nặng năng lực lượng thị trường. Nhưng những cải cách nhằm mục đích cung cấp cho thị trường một vai trò quyết định hơn không thể thành công trừ khi nhà nước bắt đầu giảm một số chức năng chủ chốt trong nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên chiến với ‘quyền lợi’ đó vốn là điều đang cản trở cải cách thị trường phát triển. Tuy nhiên, quyền lợi lớn nhất trong nền kinh tế Trung Quốc là bản thân nhà nước có vai trò quá lớn trong khu vực, như kiểm soát giá cả, và điều đó sẽ tốt hơn nếu để cho thị trường tự quyết. Những thay đổi lớn nhất có khả năng xảy ra là hướng tới giá thị trường và đẩy mạnh các bước tự do hóa lãi suất. Trong khi đó, các cuộc cạnh tranh lớn nhất sẽ vượt trên những hạn chế về di cư trong nước và các khoản trợ cấp cung cấp cho các công ty nhà nước.
Các nhà đầu tư toàn cầu thiếu kiên nhẫn và sự phẫn nộ của các cử tri trong nước sẽ đẩy và kéo một số chính phủ ở châu Á theo hướng cạnh tranh trong năm 2014. Ở Ấn Độ, cải cách thuế, bảo hiểm và mua lại đất đai đã bị đình trệ, niềm tin đã bị đánh chìm, và một cuộc bầu cử quốc gia cấp phát có vẻ như không mang lại bất kỳ viễn cảnh có lợi nào cho các sáng kiến ​​táo bạo hơn. Tokyo phải đối mặt với thái độ hoài nghi rằng chương trình nghị sự kinh tế của Thủ tướng Abe  có thể cung cấp một chiến lược phát triển dài hạn – chiến lược có thể đưa Nhật Bản trở lại một nền kinh tế bền vững. Niềm tin của các nhà đầu tư cũng sẽ được mang thử nghiệm ở Thái Lan, nơi mà xung đột chính trị vẫn tiếp diễn. Trong khi đó tại Indonesia, nơi tăng trưởng chậm lại đã được quản lý chủ yếu thông qua chính sách tiền tệ chứ không phải bằng cải cách chính sách. Ở Malaysia, chính phủ đã ghi điểm nhờ cắt giảm trợ cấp, tăng giá thuế quan và di chuyển để giới thiệu các loại thuế tiêu thụ mới nhằm giải quyết vốn thâm hụt ngân sách của nước này.
Áp lực kinh tế và chiến lược mới cũng sẽ xuất hiện ở lục địa châu Á trong năm 2014. Nền kinh tế Trung Á sẽ gặp thêm một số thử thách trong bối cảnh Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan, các sáng kiến ​​đầu tư và cơ sở hạ tầng mới của Trung Quốc, những nỗ lực của Nga trong việc mở rộng liên minh thuế quan ưu đãi của mình, và quỹ đạo không chắc chắn của Iran. Cho đến nay, sự hợp tác kinh tế đã lớn hơn nhiều so với bên ngoài khu vực giữa bản thân các quốc gia Trung Á với nhau. Tuy nhiên, việc hợp tác hiện rất quan trọng bởi các nền kinh tế đất liền dựa vào quyền hạn xung quanh để trao đổi hàng hoá và tài nguyên. Và áp lực ngày càng tăng đối với các chính phủ ở Trung Á để đổi lấy những lợi ích kinh tế lâu dài hơn.
Hai thập kỷ qua, châu Á đã bất chấp những dự báo ảm đạm của những người tin rằng tương lai của khu vực sẽ giống như các cuộc xung đột trong quá khứ của châu Âu. Nhưng các nước châu Á đã thành công trong suốt thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh để phát triển và thịnh vượng cùng nhau trong khi vẫn giữ các tranh chấp của họ trong tầm kiểm soát. Câu hỏi đặt ra là quỹ đạo tích cực đó sẽ kéo dài được bao lâu. Nếu các nước châu Á thử đặt ra những thử nghiệm khó khăn mới này để nỗ lực xây dựng một tương lai chung thì trong năm tới đây cả khu vực sẽ chứng kiến nhiều sự mới lạ.
Evan A. Feigenbaum là Cộng tác viên không thường trú của Chương trình Châu Á, Quỹ nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment.
© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 
 

Quả bom nợ ở Trung Quốc

Ngô Nhân Dụng – Nguoiviet

Ngày hôm qua, Thứ Sáu, 7 Tháng Ba, 2014, công ty Siêu Nhật Thái Dương ở Thượng Hải đã thú nhận không thể trả đủ số tiền lãi gần 90 triệu được Nguyên (14.6 triệu đô la Mỹ) cho các trái khoán mới phát hành hai năm trước. Ngày Thứ Ba, công ty này đã loan báo họ không thể đi vay nợ thêm để trả tiền lãi, sau khi cố gắng kiếm được khoảng 4 triệu đồng Nguyên.
Siêu Nhật Thái Dương thành lập năm 2003, chuyên bán các bản kính biến năng lượng mặt trời thành điện bán ra khắp thế giới, thuộc một ngành đã phát triển rất nhanh trong mươi năm gần đây. Ðây là công ty đầu tiên khai vỡ nợ trong thị trường nội địa Trung Quốc mà không được chính quyền ra tay cứu. Trước đó, có những công ty Trung Quốc đã khai vỡ nợ trên các trái khoán vay bằng đô la Mỹ, ở nước ngoài; như công ty Trại Duy Thái Dương ghi danh ở Cayman Islands, và công ty Suntech Power Holdings Co khai phá sản tại tòa án ở Mỹ.
Siêu Nhật Thái Dương phá sản, cho thấy Ðảng Cộng sản Trung Quốc đang làm đúng lời hứa hẹn gần đây, là để cho thị trường đóng vai trò quyết định trong sinh hoạt kinh tế, ít nhất đối với một công ty nhỏ và một món nợ nhỏ. Cho đến Tháng Giêng vừa qua, một quỹ đầu tư lớn là Trung Thành Tín Thác đã được nhà nước bỏ tiền ra cứu sau khi không có tiền trả nợ cho các trái chủ. Lý do khiến đảng Cộng sản phải cứu các trái phiếu này, không để cho vỡ nợ là vì những trái chủ mua nhiều phiếu nhất chính là các ngân hàng lớn do nhà nước làm chủ. Nếu để cho công ty phát hành khai phá sản thì cả hệ thống ngân hàng đều lâm nạn!
Các xí nghiệp nhà nước ở Trung Quốc thường vay nợ của các ngân hàng, vì bên cho vay và bên đi vay đều thuộc quyền đảng cộng sản; nếu không trả được nợ cũng xí xóa! Thị trường trái phiếu mới phát triển gần đây, khác với giao dịch ngân hàng, cho phép các xí nghiệp phát hành “giấy nợ” (trái phiếu), cho công chúng. Thị trường này đã lớn lên rất nhanh, hiện nay tổng số nợ đã có trị giá trên giấy tờ khoảng 4,200 tỷ đô la Mỹ; tương đương với số ngoại tệ dự trữ tại ngân hàng trung ương. Vụ vỡ nợ của Chaori Solar còn rất nhỏ, nhưng cho thấy thị trường trái phiếu trong nước Tầu đang bị đe dọa với nhiều vụ phá sản khác. Các công ty sản xuất khí cụ biến ánh sáng mặt trời thành điện đua nhau ra đời nhờ nhu cầu lớn trên thế giới, kỹ thuật dễ bắt chước các nước tiên tiến và tiền lương công nhân tương đối vẫn thấp.
Nhưng số xí nghiệp bước vào ngành này nhiều quá, vay tiền để phát triển khả năng sản xuất rất nhanh trong khi nhu cầu trên thế giới bắt đầu giảm dần. Chaori Solar là công ty đầu tiên bị vỡ nợ vì không bán được hàng, nhưng chắc không phải là công ty chót phá sản. Trong năm 2014 này sẽ có nhiều công ty cùng ngành điện mặt trời phải trả đến tiền vốn đã vay, tổng số vốn phải trả cho các trái phiếu đáo hạn lên tới gần 8 tỷ đô la.
Ngành điện mặt trời cũng tương đối nhỏ. Các món nợ, vay qua ngân hàng hoặc vay bằng trái phiếu, của các ngành khác cũng đang lo ngại khó trả được, thuộc công nghiệp luyện thép, nhôm, làm tàu thủy, và khai thác than. Tất cả đều do cùng một nguyên nhân là vay nợ để phát triển khả năng sản xuất trong khi nhu cầu trong nước và trên thế giới không tăng mà lại giảm.
Nợ đang là một mối lo lớn của nền kinh tế Trung Quốc. Nó có thể bùng nổ khi các công ty không thể trả được nợ cho các ngân hàng hay trái chủ, và các ngân hàng chứa quá nhiều “nợ xấu” không thể tiếp tục cho vay, cả nền kinh tế vì thế sẽ đình trệ, giống như cơn khủng hoảng bắt đầu năm 2007 ở Mỹ, khi quá nhiều người vay tiền mua nhà rồi không trả được nợ. Ngày Thứ Tư vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Trường đọc báo cáo trước 2,900 đại biểu quốc Hội đã tuyên bố chính phủ ông hứa sẽ “tháo gỡ quả bom nợ” không cho nó bùng nổ!
Công ty nghiên cứu Thomson thuộc hãng Reuters cho biết tổng số nợ của 945 công ty ghi danh trên các thị trường chứng khoán ở Trung Quốc đã tăng từ 1,820 tỷ được Nguyên năm 2008 lên tới 4,740 tỷ trong năm 2013, tức là tăng hơn hai lần trong năm năm. Trong năm năm vừa qua, tổng số nợ đã gia tăng, từ 120% Tổng Sản lượng Nội địa (GDP) lên tới 215% GDP. Hầu hết các món nợ chồng chất và sẽ thiếu khả năng trả tiền vốn và lãi cho các ngân hàng chính là các doanh nghiệp nhà nước lớn và các chính quyền địa phương. Năm 2007, thị trường trái phiếu của các doanh nghiệp trị giá tổng công an 800 tỷ đồng nguyên, năm 2013 đã tăng hơn 10 lần, thành 8,700 tỷ. Tỷ số nợ trên tài sản của các xí nghiệp Trung Quốc đã lên tới 93%, trong khi ở các nước Châu Á khác trong mười năm qua chỉ lên tới tỷ số trung bình là 70%.
Quả bom nợ tại Trung Quốc đã đe dọa bùng nổ từ ba bốn năm qua, nhưng được trì hoãn vì chính quyền trung ương vừa bỏ tiền ra cứu, vừa ra lệnh giảm bớt việc cho vay. Trong nền kinh tế nửa thị trường, nửa chỉ huy, đảng Cộng sản vừa đóng vai chủ nợ, qua các ngân hàng của nhà nước, vừa đóng vai con nợ, qua các công ty quốc doanh và cơ quan chính quyền địa phương.
Giống như tay phải rút tiền từ trong túi ra cho tay trái vay vậy. Khi số nợ xấu gia tăng đến mức đe dọa, đảng cộng sản có thể ra lệnh cho tay phải giảm bớt, không cho tay trái vay nữa. Họ đã từng tăng lãi suất, tăng số dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, để ban lệnh ngưng bớt việc gia tăng tín dựng. Khi số nợ xấu của các ngân hàng lên quá cao, nhà nước bèn bỏ tiền ra, lập ra một cơ quan đứng mua các món nợ xấu đó. Số nợ xấu trong sổ sách của các ngân hàng thương mại giảm ngay lập tức, vì đảng cộng sản lấy công quỹ “mua” các món nợ xấu đó; tức là lấy tiền của dân chúng bù lỗ cho việc làm ăn thất bại của cả hệ thống, từ các doanh nghiệp nhà nước đến các chính quyền địa phương, và các ngân hàng.
Tất nhiên, tình trạng đó gây ra một tâm lý “ỷ y” của tất cả các cán bộ trong hệ thống, trong ngôn ngữ kinh tế học gọi là “moral hazard” (mối rủi ro vì tinh thần ỷ lại). Nếu biết mình không bao giờ lo vỡ nợ, có thất bại cũng không lo mất chức, thì ai còn thấy cần phải cố gắng làm việc có hiệu quả hơn?
Cho nên trước đây hai tháng, Trung Ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố trong thời gian tới sẽ để cho thị trường đóng vai quyết định, thay vì để cho nhà nước quyết định tất cả. Muốn vậy, phải ra lệnh cho các ngân hàng giảm bớt số tín dụng, không được cho vay nhiều như trước nữa. Nhưng tuyên bố thì dễ, thực hiện mới khó.
Cũng trong ngày Thứ Tư vừa qua, ông Lý Khắc Cường đã nói trước quốc hội rằng sẽ đặt mục tiêu phát triển kinh tế trong năm nay là 7.5%. Con số này khiến nhiều người nghi ngờ khả năng kiềm chế tín dụng của chính quyền Bắc Kinh. Bởi vì muốn kinh tế phát triển ở mức 7.5%, kinh tế Trung Quốc không thể dựa vào người tiêu thụ tiêu tiền, như ở các nước tiên tiến. Thúc đẩy người dân tiêu thụ khó hơn, vì cơ cấu kinh tế vẫn không nâng đỡ người tiêu thụ. Dễ dàng hơn cả, là chính quyền Trung Quốc cứ tiếp tục đổ tiền cho các doanh nghiệp nhà nước và các chính quyền địa phương, cho họ đầu tư mở mang thêm những nhà máy sản xuất ra rồi không bán được hàng, và xây dựng thêm những xa lộ, phi cảng không cần thiết, và dựng những khu gia cư xây lên không ai mua ở.
Quả bom nợ vẫn tiếp tục đe dọa nặng nề trong năm nay. Số tiền nợ các ngân hàng không đáng lo bằng số tiền mà các quỹ tín thác (trust) cho vay. Ðây là một hệ thống “ngân hàng nửa sáng nửa tối,” vì họ có thể gây vốn, cho vay, nhưng không phải tuân theo luật lệ ngân hàng bình thường. Những quỹ tín thác là một phương tiện làm tiền của các đại gia, trong đó có cả các người quản lý các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng nhà nước lớn. Họ có thể vay tiền của chính xí nghiệp hay ngân hàng của họ, đem góp vốn, rồi cho vay với lãi suất cao hơn, kiếm lời dễ dàng. Ðại đa số các xí nghiệp tư nhân không thể đi vay ngân hàng, đều đến vay các quỹ tín thác. Tổng số nợ mà các quỹ tín thác cho vay năm nay đã lên tới 4,600 tỷ đồng nguyên, tương đương với 750 tỷ đô la Mỹ. Trong năm 2014, một phần ba số nợ đó đáo hạn, mà rất nhiều công ty đứng vay nợ đang gặp khó khăn.
Số nợ của các chính quyền địa phương đã tăng 67% từ năm 2010, lên tới 17,900 tỷ đồng nguyên, khoảng 300 tỷ đô la trong năm 2013, theo số thống kê của nhà nước cộng sản. Trong năm nay, một nửa số nợ đó cũng đáo hạn. Theo ước tính của chuyên gia Ngân hàng Standard Chartered thì một nửa số nợ đó sẽ không trả được.
Theo cuộc nghiên cứu khác của ngân hàng JP Morgan thì tổng số nợ của các quỹ tín thác đã tăng gấp đôi trong ba năm, 2010 đến 2012, lên tới gần 6,000 tỷ Mỹ kim, lớn bằng 70% tổng sản lượng nội địa Trung Quốc. Trong năm 2013, tổng số đó đả tăng thêm 46% nữa. Ðiều nguy hiểm là hệ thống “ngân hàng nửa sáng nửa tối” này nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng trung ương.
Trung Quốc đang ngồi trên một quả bom nợ. Không biết bao giờ thì bom sẽ nổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét