Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

"Ông Nguyễn Bá Thanh nên vào cuộc vụ tài sản ông Truyền" - Vì sao sự thật lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam không được tôn trọng?

Vì sao sự thật lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam không được tôn trọng?


Những tháng ngày nầy 35 năm trước, quân ta mở cuộc tổng phản công đánh chiến Phnom Penh – sào huyệt Khmer Đỏ, kết thúc cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cũng là kỷ niệm 35 năm ngày Trung Quốc xua quân xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc. Với cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, năm nay cũng như mọi năm, báo chí chính thống và trên các diển đàn không nghe nhắc đến, như cuộc chiến tranh nầy không hề có vậy! Đầu tháng giêng vừa rồi, tôi viết bài “Không bao giờ quên tội ác diệt chủng bọn Khmer Đỏ trên biên giới quê hương ta” gởi đăng báo An Giang, hôm sau gặp Tân Văn Ngữ, Tổng biên tập ngồi cạnh tôi trong buổi tiệc liên hoan mừng Xuân nói với tôi:“Chú Tư ơi, bài của chú cháu không đăng được, chú để cháu làm vài năm nghỉ hưu chú ơi, xin lỗi chú đừng buồn tụi cháu!” – Tôi nói:“Đăng hay không là quyền của tổng biên tập chú đâu dám buồn!” – Ngữ nói và đưa mặt cho tôi: “Chú không buồn hôn cháu đi!”. Tôi hôn Ngữ, hai chú cháu cùng cười vui! – Chú nói chuyện nầy với sự cãm thông, chia sẻ Ngữ những khó khăn, vướng mắc trong trách nhiệm làm báo chính thống ở tỉnh nhà, chớ không có ý gì khác Ngữ nhé!
Tháng trước, tôi đọc bài “Cần “giải mật” cuộc chiến biên giới Tây Nam” trên báo Tuổi Trẻ, ghi cuộc trò chuyện báo Tuổi Trẻ với đạo diển Lê Phong Lan. Là người con quê hương An Giang, cuộc chiến tranh nầy để lại trong tôi ký ức đau buồn không thể nào quên, với những gì tôi chứng kiến trước, trong và sau cuộc chiến tranh, tôi muốn trao đổi với đạo diển Lê Phong Lan tham khảo, qua bài tôi viết cùng tên bài của báo Tuổi Trẻ, gởi đạo diển Lê Phong Lan nhờ báo Tuổi Trẻ chuyển.[*] Nhưng đến nay tôi không nhận được hồi âm của báo Tuổi Trẻ và đạo diển Lê Phong Lan. Biết nói sao đây, cách hành xử của một tờ báo lớn như Tuổi Trẻ và người đạo diển tên tuổi như bà Lê Phong Lan với một độc giả?!
Đọc báo An Giang số ra ngày 18/2, chuyên mục “Vấn đề hôm nay” có bài “Sự thật lịch sử phải được tôn trọng” của Ngô Hoàng, trích dẫn bài viết của giáo sư Vũ Minh Giang, Ngô Hoàng viết: “Đã lâu lắm rồi chúng ta mới được nghe một ý kiến chính thống về cuộc chiến diễn ra cách nay tròn 35 năm…”, Đoạn cuối Ngô Hoàng viết: “Giấu giếm lịch sử là một hành động có tội với dân tộc, có tội với các liệt sĩ, những người đã đổ xương máu bảo vệ đất nước…”. Cám ơn Ngô Hoàng nói thay tôi điều tôi muốn nói và hoan nghinh báo An Giang đăng bài viết nầy!
Kỷ niệm 35 năm Trung Quốc gây chiến tranh biên giới phía Bắc, một số tờ báo chính thống có những bài viết lay động lòng người, như loạt ba bài “Hoa đào biên viễn” của Đào Tuấn trên báo điện tử Một Thế Giới, hay bài trả lời phỏng vấn báo Lao Động điện tử của giáo sư Vũ Minh Giang, báo Tuổi Trẻ có một bài ngày 16/2 “Không thể bỏ qua một giai đoạn đau thương”, đăng trang nhất ảnh hai chị em cháu bé cỏng nhau cùng bà con thị xã Cao Bằng chạy giặc Trung Quốc sáng ngày 17-2-1979… nhưng dường như các bài trên báo điện tử bị gở bỏ; trong khi đó các trang mạng “lề trái” có nhiều bài đáng đọc đánh dấu ngày kỷ niệm đau buồn nầy!
Cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam do Khmer Đỏ gây ra thời gian không dài, nhưng tổn thất về người và của quân dân ta các tỉnh vùng biên giới Tây Nam, trong đó có An Giang vô cùng to lớn, gây mất mát đau thương hàng vạn gia đình, để lại những hậu quả nặng nề trong đời sống xã hội kéo dài nhiều năm, nhưng đến nay chưa được tổng kết nghiêm túc và báo chí gần như quên lãng! Vì sao sự thật lịch sử cuộc chiến tranh nầy không được tôn trọng, chẳng lẽ ta sợ bọn Pôn Pốt đội mồ sống lại trả thù, hay vì duyên cớ nào?! Dù bất cứ lý do gì cũng không thể chấp nhận, vì trái với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Đảng thường khuyên bảo!? Nếu người chết có linh hồn, thì linh hồn các liệt sĩ ngã xuống để bảo vệ toàn vẹn từng tất đất biên cương của Tổ quốc, cho chúng ta có cuộc sống bình yên hôm nay sẽ hờn trách biết bao!! Cách hành xử vô tình bạc nghĩa như vậy, thử hỏi nếu một mai vùng biên cương của Tổ quốc tái diển thãm họa chiến tranh xâm lược của ngoại bang như 35 năm trước – điều đó có ai dám chắc không xảy ra, thì Đảng và Nhà nước ta nói gì để động viên toàn dân cầm súng hy sinh chiến đấu bảo vệ một lần nữa!
Long Xuyên, tháng Hai Buồn – 2014
Nguyễn Minh Đào
---------------------------------------
[*] Kính gởi: Đạo diển Lê Phong Lan – Nhờ Tòa soạn báo Tuổi Trẻ chuyển giao, cám ơm!
Tôi là Nguyễn Minh Đào, cán bộ hưu trí ở An Giang xin được làm quen với chị.Tôi có đọc bài ghi cuộc trò chuyện của Tuổi Trẻ với chị về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Tôi rất vui khi biết chị quan tâm đến cuộc chiến này, rất hiếm có người như chị. Tôi cũng như chị rất day dứt về cuộc chiến vô nghĩa nầy, có biết bao người ngã xuống mà ngày nay gần như người ta quên lãng. Tôi có bài viết lấy tên bài báo cho tên bài viết của tôi, vì chắc rằng các báo chính thống không đăng, nên tôi gởi đăng trang viet-studies của Trần Hữu Dũng, xin chị mở trang này sẽ thấy, tôi cũng có gởi báo Tuổi Trẻ để tham khảo, chị đọc có ý kiến gì cần trao đổi, xin gởi đến tôi qua địa chỉ email: minhdaoag@gmail.com. Năm mới chúc chị mạnh khỏe, thành đạt và có nhiều niềm vui trong cuộc sống. Thân ái chào chị.
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 19-2-14

Từ Ukraina, Việt Nam sẽ học hỏi và cải cách những gì?

000_TS-Par7803470-600.jpg
Bà Catherine Ashton, đại diện ngoại giao châu Âu đang chụp hình tại khu tưởng niệm tạm thời những người thiệt mạng do biểu tình chống chính phủ tại Quảng trường Độc lập, Kiev hôm 24/2/2014 - AFP photo
Khi giới cầm súng của Ukraina từ chối không tiếp tục bắn vào người dân theo lệnh của Tổng thống Viktor Yanukovych nữa thì cuộc cờ giữa dân chúng và chính phủ coi như kết thúc. Người luôn luôn chấp nhận những yêu cầu của Nga trước khi lắng nghe nguyện vọng của dân chúng đã phải rời bỏ dinh thự riêng cực kỳ xa hoa của mình để chạy trốn người dân. Viktor Yanukovych biết rõ nếu bị bắt sinh mạng của ông sẽ không ai bảo đảm, kể cả mẫu quốc Nga hay người bạn Putin.

Sự chọn lựa Nga, khước từ liên minh EU của Viktor Yanukovych đã dấy lên lòng căm phẫn của người dân Ukraina vốn luôn rất nhạy cảm với Nga, đất nước từng chôn vùi dân chúng Ukraina trong triểu đại Stalin qua cuộc tắm máu người dân nước này vào thập niên 30 đã làm cho dân chúng không còn sợ hãi họng súng của chính phủ.

Ba tháng kéo dài tranh đấu trong băng giá đã tôi luyện ý chí dân chúng cho thành quả hôm nay: độc tài phải ra đi nhường sân chơi lại cho những người yêu tự do dân chủ.

Những hứa hẹn về kinh tế của Nga không mê hoặc được dân chúng Ukraina vì họ biết rằng trong thế giới toàn cầu ngày nay đất nước này sẽ được vực dậy nếu có quyết tâm chuyển đổi nền kinh tế một cách khôn ngoan và Nga không phải là nước duy nhất có thể làm bạn với Ukraina khi bên cạnh nó một khối EU hùng mạnh sẵn sàng đưa tay nắm chặt người láng giềng đang tự cô lập mình bởi những món tiền mà tổng thống Viktor Yanukovych nhận được.

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu nhận xét biến cố này qua so sánh Ukraina với Việt Nam, một đất nước theo ông đang từ chối cơ hội tốt hơn để nhận về phần quà cho một thiểu số cầm quyền:

Đúng là vấn đề Ukcraina với Việt Nam là khá giống nhau. Chính quyền đi thân với mẫu quốc chứ còn nhân dân thì người ta lại muốn tự do đi với phương tây thế cho nên hai bên mâu thuẫn, Việt Nam cũng đang y như thế. Tóm lại mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam mà đại diện là những tầng lớp dân chủ, trí thức, giới trẻ và giới tiến bộ trong nhân dân với đảng. Nhân dân ở đây phải được hiểu là giới tiên tiến chứ số đông thì chỉ là con số chưa có định hướng.

Người ta bảo nhân dân là một dãy số 0 nhưng khi nó đứng sau một con số có nghĩa thì những số 0 ấy trở thành có nghĩa. Rõ ràng có mâu thuẫn giữa nhân dân và đảng. Cái quyết tâm giữ cho kỳ được cái độc tài, đặc quyền đặc lợi của Việt Nam nó còn mạnh hơn cả Ukraina nữa.

Blogger Mẹ Nấm cùng quan điểm với TS Hà Sĩ Phu khi chị cho rằng Việt Nam không hề cô độc sao phải tự lừa dối mình bằng chính sách ổn định chính trị, chị nói:

Việt Nam có rất nhiều sự lựa chọn chứ không phải chỉ có một con đường là ngả về phía Trung Quốc vì thật sự ngả về phía Trung Quốc không còn là lợi ích nhà nước hay quốc gia nữa mà là lợi ích và sự tồn vong của đảng cộng sản. Với cái thế cân bằng hiện nay mà Mỹ và các nước khác đã mở ra cho Việt Nam thì không thể dùng lý luận là nước yếu hay nhỏ đề mà thần phục Trung Quốc. Phải có thái độ dứt khoát và rõ ràng các vấn đề trên Biển Đông, biên giới hay vấn đề tiểu ngạch hay mậu dịch. Đừng sử dụng tiểu xảo với thế giới, cứ làm đàng hoàng thì Việt Nam chắc chắn sẽ có cửa đề thấy sự thay đổi.

Yều tố Trung Quốc đã và đang chia cắt chính quyền với người dân, tuy nhiên đối với nông dân thì mối quan ngại của họ vẫn là đất đai và hy vọng đó đã tiêu tan khi bản hiến pháp mới vẫn không thay đổi những lề luật cơ bản khi viết rằng “đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý”.

Ông Trần Văn Huỳnh, cha của người tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức cho rằng sai lầm quan trọng của nhà nước rất nhiều tuy nhiên làm yên dân trước tiên thì không gì tốt hơn là cải tổ luật đất đai, ông nói:

Rõ ràng là có những sai lầm trong vấn đề quản lý nhà nước và sửa đổi những sai lầm đó thì tôi thấy rằng đó là việc cần phải làm còn nếu không thì hậu quả thế nào thì không biết đò là quy luật. Hiện giờ trong nội bộ đảng cầm quyền ai cũng thấy điều đó. Tôi cho rằng nếu mà khắc phục những sai lầm đó thì sẽ tránh được tình trạng Ukraina. Phải thấy cái nào lớn hơn, cái nào liên quan đến lợi ích tối thượng của đất nước và dân tộc. Tôi cho rằng khi luật đất đai được thông qua thì sẽ có thể giảm tệ nạn tham nhũng mà chính tệ nạn đó là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ tất yếu không thể tránh khỏi.
Đừng xem thường tiếng nói người dân 
 
000_Par7803599-250.jpg
Người dân Ukraine mang một cây thánh giá lớn tưởng niệm cho các nạn nhân của cuộc xung đột gần đây giữa người biểu tình và cảnh sát tại Kiev. Ảnh chụp hôm 24/2/2014. AFP photo
Blogger Mẹ Nấm người từng được hãng tin CNN phỏng vấn vì các hoạt động dân chủ, nhân quyền thì cho rằng bên cạnh yếu tố Trung Quốc việc nhà nước cần làm hiện nay là lắng nghe tiếng nói của người dân thông qua các cá nhân bất đồng chính kiến. Lắng nghe sẽ tránh được bài học của Tổng thống Viktor Yanukovych khi xem thường tiếng nói của người dân:

Tôi nghĩ việc đầu tiên dễ nhất mà nhà nước có thể làm đó là tránh việc chụp mũ và bắt những người bất đồng chính kiến vì những lý do khác nhau. Có sửa đổi hay không thì nó phải bắt nguồn từ sự lắng nghe. Cách dễ nhất có thể học được tù Ukraina đó là lắng nghe nguyện vọng của người dân.

Riêng luật sư Lê Thị Công Nhân qua kinh nghiệm đấu tranh của mình cho rằng báo chí tư nhân xuất hiện trong lúc này sẽ phần nào rút bớt những bức xúc trong dư luận quần chúng, LS cho biết:

Cộng sản Việt Nam hiện nay chắc chắn không thể cùng một lúc giải quyết được nhiều việc đúng như anh nói tại vì đảng quá bừa bộn và trên mọi lĩnh vực chúng ta đều thấy. Theo tôi nghĩ thì trước mắt phải thả bớt áp lực tinh thần người dân đã bị dồn nén suốt nhiều năm qua bằng cách thực hiện việc tự do ngôn luận mà cụ thể là cho Việt Nam có được nền báo chí tư nhân. Tuy chỉ là tinh thần thôi nhưng các diễn biến trong đời sống của đất nước nó sẽ bộc lộ hết bản chất thật.

Bên cạnh tự do ngôn luận thì kinh tế Việt Nam cũng phải được nhìn lại một cách khách quan đúng theo quy luật phát triển của một nền kinh tế lành mạnh. Theo LS Lê Thị Công Nhân muốn thế thì Việt Nam phải can đảm triệt bỏ các doanh nghiệp quốc doanh vốn đang giết chết dần nền kinh tế Việt Nam qua sự bòn rút, thâm lạm và đặt lợi ích nhóm cao hơn lợi ích quốc gia của các tống công ty, tập đoàn nhà nước

Khía cạnh thứ hai đó là buông tất cả những doanh nghiệp nhà nước dưới mọi hình thức dù là tổng công ty, hay là tập đoàn như là cái đài truyền hình Việt Nam chằng hạn. Buông tất cả những cái đó để cho giới tư nhân người ta làm mà ở Việt Nam người ta gọi là cổ phần hóa chính là tư nhân hóa tất cả lĩnh vực kinh tế mà hiện nay nhà nước sống chết nắm lấy một cách hết sức mù quáng.

Doanh nghiệp nhà nước đã bóp chết nền kinh tế bởi vì đã giao cho doanh nghiệp nhà nước quá nhiều đặc quyền, đặc lợi trong khi hiệu quả kinh tế gần như là thấp kém thậm chí là âm trong rất nhiều doanh nghiệp nhà nước.

Sau khi Liên sô sụp đổ, Việt Nam đổi mới để tồn tại. Với cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập Việt Nam siết chặt mạng lưới Internet, bắt giam blogger, nhà báo, dân oan, những người đấu tranh đòi dân chủ và nhân quyền.

Ukraina là lần thứ ba và người dân Việt Nam lại rất tin câu nói của ông bà để lại “nhất quá tam ba bận”.

Liệu bận thứ ba Việt Nam sẽ có quyết định như thế nào và người dân Việt Nam có xứng đáng để được lãnh đạo lắng nghe thực sự?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA 
2014-02-24
 

"Ông Nguyễn Bá Thanh nên vào cuộc vụ tài sản ông Truyền"

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng: Trưởng Ban nội chính trung ương, ông Nguyễn Bá Thanh nên vào cuộc vụ báo chí nêu về tài sản ông Trần Văn Truyền...
 
 
Tướng Thước cho rằng đã kê khai tài sản thì phải công bố tài sản ra công chúng (Biệt thự trong ảnh được một số tờ báo cho là của ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng thanh tra Chính phủ)

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu IV, ĐBQH các khóa VIII, IX) đặt câu hỏi khi chia sẻ với phóng viên báo điện tử Infonet, nhân sự việc báo chí phản ánh về số tài sản “khủng” của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.

Gặp tướng Thước tại ngôi nhà riêng rộng rãi khang trang, ông hỏi vui: “Nhà báo có biết căn nhà này trị giá bao nhiêu tỷ không?” Rồi ông giải thích, căn nhà rộng 400 m2, trong đó 120 mét được cấp theo chế độ, còn 280 mét ông mua từ năm 1997, theo chính sách bằng tiền lương mấy chục năm tích cóp được.

“Sống trong ngôi nhà rộng rãi như vậy, nhưng với mức lương 10 triệu đồng mỗi tháng, cũng chỉ đủ để trang trải sinh hoạt thường ngày thôi” – tướng Thước nói.

Mấy ngày qua báo chí và dư luận đang đề cập đến số tài sản “khủng” của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Cũng qua báo chí, ông Truyền đã lên tiếng thanh minh về số tài sản này. Cá nhân ông nhìn nhận đánh giá thế nào về vấn đề này? 

Ngày tôi còn làm ĐBQH có khi ông Truyền còn làm ở huyện, hay ở đâu đó. Nói vậy để thấy tôi không quen, không biết ông Truyền. Nhưng qua tài liệu và các diễn đàn ông trả lời, tôi thấy ông Truyền cũng là người đáng tin tưởng.

Tuy nhiên trước phản ánh của báo chí, cá nhân tôi cũng thấy phân vân. Khi một cán bộ cao cấp của Đảng mà có vấn đề (hoặc có phản ánh như vậy) thì hết sức nghiêm trọng. Nếu đúng như vậy thì cần phải làm cho đến nơi đến chốn, điều tra một cách thận trọng xem thông tin báo chí nêu như thế có chính xác không.

Điều này cũng giống như câu chuyện về số tài sản “khủng” của con trai, con rể Bí Thư tỉnh ủy Hải Dương trước đây. Nhưng sau khi thẩm tra xong thì hóa ra lại không phải như vậy.

Những sự việc phản ánh về quan chức như vậy cần phải tiến hành kiểm tra sớm, nếu đúng thì xử lý trách nhiệm, còn nếu sai cũng phải minh oan cho người ta.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trò chuyện với phóng viên báo điện tử Infonet về việc thực hiện kê khai tài sản. Ảnh Nguyễn Dũng

Vậy để làm rõ thực chất vấn đề, theo ông việc kiểm tra phải được tiến hành như thế nào? Cơ quan nào sẽ kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc này?

Theo tôi cần làm rõ một số vấn đề: Đầu tiên phải làm rõ số tài sản đó có đúng của ông Trần Văn Truyền không? Nếu đúng thì có hợp pháp không? Có đúng số tài sản đó “khủng” như báo chí nêu không?...  Tôi đã vào Phú Mỹ Hưng, người ta bảo nhà ở đó thấp nhất cũng từ 1 – 2 triệu đô, thậm chí còn có căn lên tới 4 – 5 triệu đô.

Nếu có thật và chứng minh được lúc còn làm Uỷ viên trung ương Đảng, mà có tài sản đó hợp pháp thì không sao. Nhưng nếu không giải trình được thì rõ ràng có vấn đề. Bởi chỉ trong vài ba năm, từ khi ông Truyền nghỉ hưu, thôi giữ chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ, dù tài giỏi đến mấy cũng không thể có được số tài sản như vậy. Nghĩa là tài sản đó phải có từ khi còn đương chức.

Trong việc này, Nhà nước và cơ quan Thanh tra Chính phủ phải làm, mà Thanh tra Chính phủ phải là người chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng,  và Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng – Trưởng Ban nội chính trung ương, ông Nguyễn Bá Thanh cũng phải vào cuộc.

Thanh tra Chính phủ là trung tâm của công tác phòng chống tham nhũng, mà Tổng Thanh tra lại càng gây chú ý hơn. Vì thế cần phải làm chặt chẽ, công tâm.

Nhiều người cho rằng việc kê khai tài sản của cán bộ Đảng viên lâu nay vẫn còn mang tính hình thức. Ông quan niệm thế nào về việc này?

Nói hình thức vẫn còn nhẹ. Tôi cho rằng, đây là việc buộc phải làm nhưng trong bụng thì không muốn, hay nói cách khác chúng ta không muốn làm, nhưng vì áp lực mà phải làm.

Riêng kê khai tài sản đã hình thức, không thực chất nhưng kê khai xong mà lại giấu kín trong tủ, không công bố cho ai biết gì về tải sản đó cả thì càng vô nghĩa. Từ lâu nay chúng ta đã thấy công khai tài sản của ai chưa? Chưa hề có! Đến anh em trong cơ quan còn chẳng ai biết, thử hỏi dân làm sao biết được?

Mục đích, ý nghĩa của việc kê khai tài sản là hoàn toàn chính đáng. Để cấp ủy Đảng giám sát là đúng, nhưng đã là Đảng viên thì phải để cho Đảng viên giám sát, dân giám sát. Chúng ta giấu ai chứ không thể giấu được con mắt của hàng triệu người. Anh không kê khai tôi cũng biết anh có bao nhiêu căn nhà rồi.

Vậy theo ông việc thực hiện kê khai tài sản cần phải triển khai thế nào cho thực sự hiệu quả, minh bạch?

Kê khai tài sản xong, anh cứ cho công khai toàn bộ. Quan trọng nhất là vấn đề công khai. Đã kê khai thì phải công khai. Nhưng việc công khai không phải chỉ dừng lại ở nội bộ cơ quan nơi cán bộ Đảng viên công tác, mà cần công bố rộng rãi cho người dân biết.

Khi tôi đang làm ĐBQH, trong mấy nhiệm kỳ đều kê khai tài sản rồi. Tôi đã nói kê khai thì phải tiến hành công khai. Nếu kê khai mà không công khai thì chẳng ý nghĩa gì cả. Muốn việc kê khai chính xác không thì phải công khai để có sự giám sát của người dân.

Nếu không công khai người dân càng nghi ngờ, đặt câu hỏi phải chăng ông có vấn đề gì đó nên mới không dám công khai tài sản? Còn nếu công khai rành mạch thì chẳng ai nghi ngờ gì cả. Làm như vậy sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Theo ông nếu làm vậy, việc công khai tài sản nên bắt đầu từ đâu?

Nên bắt đầu từ cấp trung ương, rồi sau đó mới xuống cấp tỉnh, cấp huyện. Chúng ta phải làm từ trên xuống chứ không nên làm từ dưới lên. Nếu chức năng phạm vi của ông trên phạm vi toàn quốc thì công khai rõ tài sản ra trên toàn quốc. Nếu ông ở phạm vi tỉnh thì công khai trong toàn tỉnh. Với cấp huyện, xã cũng tương tự.

Ngược lại nếu không công khai tài sản ra, ông chỉ có một trăm triệu nhưng người ta sẽ nghĩ ông có…một nghìn triệu. Vì thế công khai cũng là để giữ uy tín cho Đảng, cho những người trong sạch thật.

Chúng ta phải làm cho ra một vài vụ để làm bài học răn đe, cảnh tỉnh. Nhưng đáng tiếc việc này chúng ta lại chưa làm được.

Ông có cho rằng nếu làm tốt chủ trương này sẽ góp phần đẩy lùi được nạn tham nhũng vốn đang trở nên nhức nhối hiện nay?

Kê khai tài sản chỉ là một phần, muốn ngăn ngừa tham nhũng cần phải có hàng loạt các biện pháp. Con người đã có lòng tham thì không dễ quản lý được. Nhưng chúng ta cần hạn chế đến mức thấp nhất có thể, để đưa bộ máy ngày càng trong sạch hơn. Đừng để tham nhũng trở thành hệ thống, thành bộ máy tước đoạt của dân. Vì có muôn vàn cách để người ta tham nhũng.

Tôi lấy ví dụ câu chuyện tặng quà, biếu xén cấp trên xưa kia xuất phát từ tình cảm và rất thiêng liêng. Nhưng bây giờ chuyện biếu xén đã trở nên rất bình thường, thậm chí đã biến tướng thành xin cho, hối lộ, tham nhũng.

Người ta đã quan niệm, cho nhiều là tình cảm nhiều, cho ít tình cảm ít, mà không cho thì chẳng có tình cảm gì.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Dũng 
 
(Infonet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét