Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Ngày 20/12/2013 - Điểm 0, ông chủ tịch và nàng siêu mẫu & DN Nhà nước góp phần “giết chết” DN tư nhân

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Điểm 0, ông chủ tịch và nàng siêu mẫu

Có thể diện nào lại giữ bằng những lời lẽ, câu chữ không có thể diện. Có hình ảnh nào xấu xí hơn hình ảnh của một người nói dối không đỏ mặt.
“Ba đã bao giờ thấy một bài văn bị điểm 0 chưa, ba?
Đề khó lắm sao con ?
Không. Cô chỉ yêu cầu “Tả bố em đang đọc báo.” Có đứa bạn con bảo ba nó không đọc báo nhưng rồi nó bịa ra, cũng được 6 điểm…
Còn đứa bị  điểm không, nó tả thế nào?
Nó không tả, không viết gì hết. Nó nộp giấy trắng cho cô. Hôm trả bài, cô giận lắm. Cô hỏi: “Sao trò không chịu làm bài?”. Nó cứ làm thinh, mãi sau nó mới bảo: “Thưa cô, con không có ba”… Té ra ba nó hi sinh từ lúc nó mới sanh… Lúc ra về, có đứa hỏi: “Sao mày không tả ba đứa khác?” Nó chỉ cúi đầu”.
Đây là đoạn lược “Bài văn bị điểm 0” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4.
Câu chuyện được nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết năm 1985, sau này ông có lần tâm sự câu chuyện của cậu học trò có bài văn bị điểm 0 đã để lại cho ông một nỗi đau, nhưng cũng là một bài học lớn về lòng trung thực.
Nói như Luther King: “Trung thực là bước đệm đầu tiên thậm chí khi mà bạn không thấy tất cả các bậc cầu thang”. Tôi thực sự buồn khi hôm nay phải chép lại câu chuyện trong sách giao khoa lớp 4 cho người lớn xem. Khi trước mắt chúng ta, rành rành những chuyện chướng tai gai mắt mà người lớn nói dối không đỏ mặt.
Gần đây nhất, một vị chủ tịch phường giải thích người dân về vụ một anh bán hàng rong bị dân phòng còng giật cánh khuỷu nằm bên đường là do anh này đang bị đánh thì lăn ra…ngủ chứ không phải bất tỉnh. Mới hôm qua, ông chủ tịch phường lại mở ngoặc thêm là “có dấu hiệu trúng gió”. Rằng chính anh bán hàng rong đã tấn công tổ công tác 9 người.
Hay câu chuyện, một siêu mẫu say “driff” xe chổng vó lên trời mà vẫn điềm nhiên nói rằng: “Không nhớ gì cả”, “ Tôi không phải người lái xe”.
Không lẽ chính tôi hay bạn là người lái xe? Không lẽ cái xe tự driff  lộn ngược vì trúng gió.
Bạn có thể gọi đó là không trung thực. Tôi thì khẳng định đó là sự dối trá.
Có thể, lời giải thích của ông chủ tịch là nhằm giữ thể diện cho chính quyền. Có thể lời nói dối của nàng siêu mẫu là để bảo vệ hình ảnh bản thân. Nhưng, có thể diện nào lại giữ bằng những lời lẽ, câu chữ không có thể diện. Có hình ảnh nào xấu xí hơn hình ảnh của một người nói dối không đỏ mặt.
Điều nguy hiểm nhất mà chúng ta đang chứng kiến là sự dối trá đang mặc nhiên hiện hữu.
Bao nhiêu bức ảnh, đoạn phim, con mắt nhân dân xác nhận 5 anh dân phòng lao vào người bán hàng rong. Để rồi có khi chúng ta lại phải chấp nhận một báo cáo “không đỏ mặt” của ông Chủ tịch chuyện “nạn nhân trúng gió”, nói theo kiểu dân gian thời @ là “tự lao cổ vào tay anh dân phòng”.
Công an phạt tiền, giữ giấy phép lái xe của nàng siêu mẫu, nhưng có khi chỉ ngày mai, cô ấy lại lên tiếng trên một sân khấu này, trả lời phỏng vấn tờ báo nọ, lại với chính chủ đề “trung thực”.
Có lẽ, chúng ta phải học lại “Bài văn bị điểm không” đi thôi, kể cả chủ tịch, siêu mẫu và tất cả mọi người.
THEO Đào Tuấn

Danh gia ra nhà nát


Qua ba ngày xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt tử hình Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng hàng hải Việt Nam về tội cố ý làm trái và tội tham nhũng. Rồi sắp tới, Dương Tự Trọng, nguyên đại tá Cục phó Cục quản lý hành chính trật tự xã hội Bộ công an sẽ phải ra trước vành móng ngựa. Cái nhân quả nhãn tiền đã đến với danh gia họ Dương.
Tội trạng Dương Chí Dũng tòa đã luận rồi , còn Dương Tự Trọng thì sao?
Theo lời khai của Dương Chí Dũng, khoảng 18 giờ ngày 17-5-2012, một người quen gọi điện mật báo cho Dũng: “Chú tránh đi!”. Ngay sau khi nhận được cuộc điện thoại như sét đánh đó, Dũng gọi điện cho em trai là Dương Tự Trọng, và Trọng đã gấp rút tổ chức cho Dương Chí Dũng chạy trốn ra nước ngoài. Dương Tự Trọng lựa chọn những người thân cận nhất trong lực lượng công an và ngoài xã hội vào tổ chức này. Đó là thượng tá Vũ Tiến Sơn, biệt danh “Sơn tép”, Phó phòng Cảnh sát Điều tra về tội phạm trật tự xã hội, trung tá Hoàng Văn Thắng, Đội trưởng đội 3 phòng chống tội phạm, Nguyễn Trọng Ánh cán bộ CP45, Đồng Xuân Phong, nguyên cán bộ phòng chống buôn lậu Cục hải quan Hài phòng , Trần Văn Dũng, tức “ Dũng Bắc cạn” trùm xã hội đen…
Trọng, Sơn, Thắng đã vận dụng nghiệp vụ điều tra truy bắt tội phạm được đào tạo và rèn luyện trong ngành công an vào việc tổ chức cho tội phạm chạy trốn. Từ việc đặt mật khẩu liên lạc , sử dụng sim rác, thay đổi số điện thoại, phương tiện đi lại, địa điềm đưa đón đến việc sử dụng giấy tờ giả đều được thực hiện một cách rất chi tiết, bài bản.
Theo kết hoạch, lộ trình đào tẩu của Dương Chí Dũng từ Hà Nội vào Sài Gòn, sang Campuchia , qua Singapore . Từ đây bay thằng đến Cộng hòa liên bang Đức rồi tới đích cuối cùng là Hoa Kỳ.
Nhờ tổ chức chu đáo, có nhiều mối quan hệ và nhiều tiền , chỉ trong 10 ngày, Dương Tự Trọng và đồng bọn đã đưa Dương Chí Dũng vượt qua gần trót lọt lộ trình đào tẩu đó. Dương Chí Dũng chỉ bị chặn lại khi đặt chân đến New York, vì cảnh sát Mỹ không cho nhập cảnh, đành phải quay lại Campuchia .
Không cam chịu thất bại, Dương Tự Trong lệnh cho Vũ Tiến Sơn cử Đồng Xuân Phong, biệt danh “Gió”, mang tiền sang Phnonpenh cùng với Trần Văn Dũng , biệt danh “ Cạn”, đưa Dương Chí Dũng đi Biển Hồ lẩn trốn lệnh truy nã. Nhưng lưới trời lồng lộng, Dương Chí Dũng không qua được tai mắt nhân dân nên đã bị bắt giải về nước.
Trong cuộc tồ chức cho anh trai chạy trốn , Dương Tự Trọng khai đã bỏ ra 30.000 đô la, nhưng bọn Phong, Sơn khai chỉ nhận 20.000. Thì ra lũ sâu bọ chẳng những đục khoét dân mà sẵn sàng đục khoét lẫn nhau, dù miệng lưỡi thề sinh tử !
Với việc làm thất thoát của Nhà nước hơn 500 tỷ đồng , tham ô 10 tỷ , lại định trốn ra nước ngoài , mà Dương Chí Dũng chỉ thừa nhận một cách rất khiêm tốn là “Dù sao cũng có khuyết điểm”, trong khi vẫn phơi phới tự hào : “ Bị cáo sinh ra trong một gia đình cách mạng, bị cáo cũng phấn đấu trong sự nghiệp của gia đình, có hai bằng đại học, là tiến sỹ kinh thế, là Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ 11”, và vẫn quyết tâm : “ Dưới cờ Đảng nguyện cùng đưa, con tàu hàng hải đến bờ vinh quang!”
Dương Tự Trọng chưa được nói lời sau cùng một cách hùng hồn như anh trai, nhưng đã có người nói hộ rồi.
Báo Tiền Phong sau khi đề cao thành tịch phá án của Dương Tự Trọng đã viết : “ Nhưng khi anh trai bị điều tra liên quan đến những sai phạm tại Vinalines , dù là người hiểu biết pháp luật , nguyên phó giám đốc công an thành phố Hải Phòng đã buộc nhúng tay vảo chàm. Tất cả đều là lụy một chữ tình!”
Một số nhà báo khác cũng không tiếc lời ca ngợi tài năng và phẩm chất đạo tức của Dương Tự Trọng. Nào là “khắc tinh của tội phạm đất cảng”, nào là dũng cảm, mưu trí, giản dị khiêm tốn, trung thực. Đặc biệt tất cả những tờ báo đó đều ca ngợi truyền thống gia đình Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng. Một tờ báo viết : “ cụ Dương Khắc Thụ , thân sinh ra Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng, quê ở Hải Dương , dòng dõi nho giáo, là một lão thành cách mạng. Cụ từng làm giám đốc công an Hải Phòng những năm 80 thế kỷ trước , là tấm gương tiêu biểu về đạo đức…”
Hình như những bài bài báo ấy muốn “nói” với mọi người rằng, Dương Tự Trọng là một người rất tốt, rất nhiều công trạng, chỉ nhất thời “vị một chữ tình” mà lỡ phạm tội. Cái động cơ phạm tội như vậy đáng được tha thứ. Và với truyền thống gia đình như thế thì nên giảm nhẹ hình phạt tối đa cho Dương Tự Trọng và tha chết cho Dương Chí Dũng.
Nhà triết học Aristote viết : “ Tội lỗi không ngẫu nhiên sinh ra!”
Tội lỗi của anh em họ Dương cũng phải không ngẫu nhiên mà phát sinh từ bản chất tham lam dối trá . Cái gọi là : “ Tấm gương tiêu biểu về đạo đức ” không trong như ca ngợi mà hoen ố lâu rồi! Cái gọi là : “ Danh gia đất cảng” chỉ là danh hão, lừa thiên hạ và tự lừa cả chính mình.
Trên trang Google Tienlang, nhà báo Nguyễn An Ninh kể : “ Khi còn làm cán bộ công an ở phường, đã có lần Dương Tự Trọng làm mất súng trong ca trực. Nhưng lúc đó Dương Khắc Thụ đương chức giám đốc công an Hải Phòng nên cho qua ”. Cũng theo tác giả, ông giám đốc công an đáng kính này “ còn có một cậu quý tử dính vào vụ giết người ở nước ngoài, nhưng nhờ ông Thụ và em vợ ông Thụ… mà đã được di lý về nước rồi bỏ qua…”
Việc Dương Tự Trọng sử dụng Trần Văn Dũng và Đồng Xuân Phong trong bộ máy tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài đã chứng tỏ viên đại tá này chẳng những không phải là “Khắc tinh của bọn tội phạm”, mà ngược lại, là một kẻ bảo kê tội phạm. Trần Văn Dũng tức “Dũng Bắc Cạn” , một trùm du đãng ở Hải Phòng, từng dính dáng với Năm Cam, Dung Hà , còn Đồng Xuân Phong đã bị Công an thành phố Hồ Chí Minh phát lệnh truy nã từ tháng 8-2009 tội buôn lậu. Dương Tự Trọng chẳng những đã để cho chúng nhơn nhơn sống ngoài vòng pháp luật trên đất cảng, còn sử dụng chúng vào bộ máy đưa người trốn ra nước ngoài. Vậy không bảo kê thì là gì? Phải nói đây là sự tồi tệ nhất đối với một cán bộ cao cấp trong ngành công an.
Về sinh hoạt, Dương Tự Trọng cũng ăn chơi sa đọa không thua anh trai mình . Dương Chí Dũng có con với bồ nhí là P TT , ăn cắp của nhà nước 10 tỷ mua hai căn hộ cao cấp cho cô này, thì Dương Tự Trọng cũng có con với bồ nhí là Hoàng Kim N, một sinh viên , nhưng vẫn lên mặt cao đạo với vợ con và mọi người. Chiếc mặt nạ da người ấy chỉ bị xé toạc ra khi bị khởi tố hình sự vụ tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài, nếu không , vẫn hiển hiện là một tấm gương đạo đức lối sống!
Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng đã phải trả giá.
Cái gọi là: “Danh gia họ Dương đất cảng” đã thành “nhà nát”.
Đấy không phải là trường hợp cá biệt. Từ lâu đã hiện nhiều danh hão thần tượng giả, gắn cho những kẻ bất lương , bất tài, giúp chúng thâu tóm quyền lực và của cải. Giờ đã đến lúc trật tự được lập lại. Của cải, danh vọng được tạo bằng lòng tham và dối trá càng nhanh, càng nhiểu sự trả giá càng sớm, càng đắt. Những “danh gia” như họ Dương bỗng chốc biến thành ‘nhà nát’chỉ là chuyện thường tình.
Minh Diện
THEO BLOG BÙI VĂN BỒNG

DN Nhà nước góp phần “giết chết” DN tư nhân

 Theo CIEM, từ kết quả phân tích định lượng cho thấy, khối doanh nghiệp (DN) Nhà nước và FDI đang làm suy yếu năng suất của khối DN tư nhân.
Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), khối doanh nghiệp FDI trực tiếp tạo vốn cho xuất khẩu, cho tăng trưởng, ngân sách và sản phẩm mới… Ngoài ra, FDI còn có thể lan tỏa về năng suất.
“Do đó, nó kích thích, triệt tiêu năng suất của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, làm suy yếu khu vực này”, một nghiên cứu của CIEM phân tích.
Sự triệt tiêu năng suất này có thể diễn ra cả ở các doanh nghiệp hoạt động trong ngành lẫn ngoài ngành, đặc biệt là các ngành phụ trợ.
Còn đối với khối doanh nghiệp Nhà nước trong tương quan với khối doanh nghiệp tư nhân, nghiên cứu cho thấy, tác động này còn lớn hơn, gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
Như vậy, kết luận trong một nghiên cứu định lượng của CIEM nhận định, xét trong một vài khía cạnh nào đó, cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước đều có tác động làm giảm khả năng sống sót của doanh nghiệp tư nhân.
TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, đây là một kết quả không ai mong muốn trong bối cảnh Việt Nam cần thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để cùng với DN trong nước góp phần tăng trưởng kinh tế.
Nhận định về thực trạng, hiệu quả đầu tư nước ngoài, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cho rằng, FDI không góp phần chuyển dịch công nghệ ở Việt Nam, bởi các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam đa phần có quy mô vừa và nhỏ, có tỷ trọng công nghệ thấp, tập trung chủ yếu ở gia công, lắp ráp.
Cụ thể, giai đoạn 1988 – 2010 trung bình chỉ ở mức 15,4 triệu USD/dự án; năm 2011 trung bình giảm xuống còn 13,47 triệu USD/dự án; năm 2012 chỉ còn 6,68 triệu USD/dự án.
Tuy vậy, theo CIEM, FDI vẫn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế. “Việc khu vực FDI tăng dần tỷ trọng đóng góp vào GDP đã và đang có tác động đến chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế ở Việt Nam”, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh nhấn mạnh.
L.Nguyễn
THEO TỔ QUỐC

Nợ xấu nguy cơ tăng gấp đôi


Các chuyên gia cho rằng không nên trì hoãn thêm một lần nữa việc áp dụng chuẩn phân loại nợ xấu mới, cho dù điều này có thể khiến thống kê nợ xấu tăng vọt.
Theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/6/2014, các ngân hàng sẽ phải phân loại nợ xấu theo những chuẩn mực mới tại Thông tư 02 với hàng loạt các quy định chặt chẽ hơn. Với quy định mới được kỳ vọng là tiệm cận với quốc tế này, nhiều khoản tín dụng của doanh nghiệp, cá nhân sẽ bị liệt vào các nhóm nợ xấu hơn trước đây. Khả năng tiếp cận vốn mới của khách hàng, theo đó, sẽ rất khó khăn.
Tại hội nghị tổng kết ngành sáng 18/12, đại diện các ngân hàng đều khẩn thiết xin lùi thời điểm triển khai. “Thông tư 02 Thống đốc đã cho hoãn tới 1/6/2014. Song trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, sức khoẻ của ngành ngân hàng cũng như nền kinh tế và các doanh nghiệp vẫn đang rất yếu, nếu áp dụng từ giữa năm sau sẽ gây khó khăn hơn cho ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Tôi mạnh dạn đề nghị với Thủ tướng và Thống đốc suy nghĩ chọn thời điểm áp dụng cho phù hợp hơn”, Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội Lê Công nói.
Chung quan điểm, Chủ tịch Ngân hàng Công Thương Phạm Huy Hùng đề xuất lùi tới năm 2015, vì theo ông “nợ xấu bày ra hết lúc này cũng không xử lý được”.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội – ước tính tỷ lệ nợ xấu có thể tăng gấp đôi nếu các ngân hàng đồng loạt áp dụng phân loại mới. Mặc dù vậy, vị chuyên gia này vẫn cho rằng không nên lùi thêm nữa thời hạn thực hiện quy định này. “Trì hoãn thì sẽ lại tạo thêm khó khăn cho những năm sau mà thôi. Nếu không làm thì chính ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong một, hai năm tới”, ông Kiên nói.
Trả lời VnExpress tại họp báo hôm 16/12, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận nợ xấu chắc chắn sẽ tăng lên khi toàn hệ thống đồng loạt áp chuẩn phân loại mới. Ông Đặng Văn Thảo – Phó chánh Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết đã tính toán mức độ tăng nhưng từ chối đưa ra con số cụ thể. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào số khoản nợ đã được cơ cấu lại nhờ QĐ780 và hoãn thực hiện Thông tư 02 lên tới gần 320.000 tỷ – xấp xỉ 10% tổng dư nợ – cũng phần nào thấy nguy cơ “cục máu đông” có thể phình lên không ít sau 1/6/2014.
Theo dự kiến ban đầu, Thông tư 02 đáng lẽ được đi vào thực tế từ tháng 6 năm nay nhưng Ngân hàng Nhà nước buộc phải hoãn thêm một năm vì sợ doanh nghiệp thêm khó tiếp cận vốn trong khi đang khó khăn trăm bề. Mặc dù vậy, đến nay nhiều ngân hàng vẫn ngỏ ý xin “chậm thêm” với lý lẽ doanh nghiệp sẽ thêm đổ vỡ khi chuẩn mới có thể làm họ bị nhảy nhóm nợ xấu và càng thêm khó khăn khi đi vay.
Bình luận về việc này, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, nếu nói vì Thông tư 02 mà tình hình kinh tế thêm xấu đi thì chưa thực sự thuyết phục. “Phải thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng, dù áp dụng Thông tư 02 hay không thì nợ của doanh nghiệp vẫn tồn tại đó từ trước. Chỉ có điều, khi phân loại theo chuẩn mới ta thấy rõ hơn là doanh nghiệp thực ra có những khoản nợ xấu như vậy chứ không phải vì thực hiện mà phát sinh”, ông nói.
Hôm 16/12, ông Đặng Văn Thảo đã khẳng định với báo chí sẽ không có chuyện hoãn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02 bởi dù sao, việc cơ cấu lại nợ đã hoàn thành xong “vai trò lịch sử” – theo cách nói của vị lãnh đạo này – là hỗ trợ doanh nghiệp khi khó khăn. Đến nay, ở góc độ cơ quan tham mưu cho Thống đốc, ông Thảo cho biết không thể gia hạn thêm.
Để tình hình không quá xấu đi và hỗ trợ cho ngân hàng – doanh nghiệp, cơ quan Thanh tra Giám sát của Ngân hàng Nhà nước đang tính đến phương án cho phép phân nợ xấu thành 3 nhóm để dễ xử lý. Cụ thể, với nhóm khách hàng đã giải thể, phá sản thì buộc phải dùng nguồn dự phòng để xóa nợ. Nhưng với nhóm đang hoạt động mà có khó khăn có thể tìm biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi. Nhóm thứ 3 là các khách hàng đã phá sản nhưng có tài sản bảo đảm thì thực hiện phát mại. “Có thể mở lại cơ chế cho phép các ngân hàng lập trung tâm đấu giá để có thể xử lý nhanh hơn”, Phó Chánh Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước nói.
Một trong những điểm mới của Thông tư 02 là các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng, phân loại nợ xấu với cả các khoản vay là trái phiếu chưa niêm yết và thẻ tín dụng. Trên thực tế, một năm trở lại, thẻ tín dụng tại Việt Nam tăng trưởng với tốc độ khá nhanh, đặc biệt trong bối cảnh mảng cho vay doanh nghiệp không còn nhộn nhịp và khởi sắc như trước. Do đó, không ít ý kiến lo ngại nợ xấu từ các khoản vay tín chấp qua thẻ sẽ gia tăng, đặc biệt sau khi áp chuẩn phân loại mới.
Ngược lại, ông Nguyễn Đức Kiên lại bác bỏ khả năng này. Ông Kiên lập luận, tỷ lệ phát hành thẻ có thể tăng nhưng hạn mức của mỗi khách hàng cá nhân trên thẻ tín dụng không lớn và không đáng kể nếu so với dư nợ của các doanh nghiệp. “Nước nào cũng vậy, sẽ có một tỷ lệ nợ xấu nhất định từ thẻ tín dụng nhưng mức này rất thấp và chưa đáng lo lắm. Trong khi đó, chỉ một doanh nghiệp vay hàng chục tỷ đầu tư vướng nợ xấu mới khiến tỷ lệ tăng lên”, ông Kiên lý giải.
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo thêm, không nên hãm việc phát triển thị trường thẻ tín dụng trong bối cảnh hiện nay. Ngược lại, theo ông cần vận động mọi người chi tiêu qua thẻ nhiều thay vì thanh toán bằng tiền mặt. “Có như vậy thì mới dễ dàng cho công tác giám sát thị trường tài chính về sau này”, ông nói.
“Một số điểm mới của Thông tư 02:
– Yêu cầu các tổ chức tín dụng phân loại nợ theo thời gian quá hạn (tuổi nợ) thay vì chất lượng nợ
– Yêu cầu phân loại những tài sản có vi phạm vào nhóm nợ có rủi ro cao
– Buộc các ngân hàng phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để đánh giá khách hàng
– Bổ sung quy định về nguyên tắc phân loại nợ đối với các khoản mua nợ, bán nợ, khoản cho vay, đầu tư theo ủy thác…”
THEO VNEXPRESS

Thế trận 2014


Thế trận kinh doanh của năm 2014 và những năm tiếp theo đã rõ: hội nhập. Và cùng với đó là những áp lực từ dòng chảy hội nhập ngày càng mạnh, cũng như cơ hội tuyệt vời cho những ai biết nắm bắt.
Chiến lược thỏ và rùa
Vinamit đang có những bước đi đáng chú ý. Trong nước, công ty bắt tay với siêu thị Co.opmart, và hàng hóa sản xuất ra mặt trước ghi tên Vinamit, mặt sau ghi tên Co.opmart.
Ngoài nước, Vinamit bắt tay với hai doanh nghiệp khác, một là Dole của Mỹ và một là “đại gia” gạo của Trung Quốc. Các chiến lược này được ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, ví là đi trên vai người khổng lồ, hay nói một cách khác hình tượng hơn là thỏ cõng rùa.
Nhưng vì sao phải liên kết? “Tình thế buộc ta phải khôn ngoan, đi mượn lực bên ngoài để cõng mình”, ông Viên giải thích. Chẳng hạn, với Co.opmart, ông Viên cho rằng đây là một nhà phân phối chuyên nghiệp, còn ông là nhà sản xuất sản phẩm mít sấy hàng đầu. Hai cái mạnh cùng kết hợp và bổ sung cho nhau, chứ không cạnh tranh nhau, càng tạo ra sức mạnh. Kết quả, hàng vừa chất lên kệ siêu thị, doanh số bán ra đã bằng của Vinamit tự bán. Ông Viên rất vui vì doanh số tăng lên gấp đôi.
Còn với Dole, ông nghĩ, nếu không hợp tác, dù có cố lắm, doanh số chỉ lên tới vài ngàn tỉ đồng là hết sức. Nhưng nếu hợp tác, tham vọng vài tỉ đô la Mỹ cũng không phải là quá. Hiện Dole, chỉ bán chuối và mít, nhưng doanh số hàng năm đã lên tới 7 tỉ đô la Mỹ. Còn Vinamit, ở một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp như Việt Nam, nhưng doanh số chỉ chừng vài trăm tỉ đồng. “Đó chính là mượn lưng thỏ cõng trên vai để mình tiến nhanh hơn. Nhưng thỏ cũng cần rùa trên những đoạn đường sông chẳng hạn”, ông Viên ví von.
Dĩ nhiên, hợp tác, nhưng phải thủ thế. Bài toán đặt ra là làm sao để hợp tác có lợi mà không bị nuốt chửng. “Chúng tôi cũng có những tính toán kỹ càng, để con thỏ cõng mình đi không biến thành con bò cạp quay lại cắn mình”, ông Viên nói.
Mượn lực cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện, từ chuyện liên doanh liên kết, tìm đối tác chiến lược đến bán cả công ty.
Như Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng quốc tế ICP đã bán đến 85% cổ phần cho một công ty Ấn Độ. Nhưng bù lại, trong lúc nhiều doanh nghiệp khó khăn, tốc độ tăng trưởng của ICP luôn hơn 30%/năm.
Dù bức tranh kinh tế vĩ mô chưa thật rõ ràng, buộc các doanh nghiệp phải thận trọng, thì liên doanh liên kết có lẽ là thế trận của năm 2014 và những năm tới. Tổng giám đốc ICP Phan Quốc Công nhận định, nếu không hợp tác mà chỉ giữ như ngày đầu, công ty của ông sẽ không khác với số phận của nhiều doanh nghiệp đang khó khăn khác, và cũng chỉ là một doanh nghiệp nhỏ mà thôi.
Thế trận nào cho năm 2014?
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng năm 2014 “cũng không có gì khác biệt nhiều so với năm 2013 khi sự phục hồi vẫn còn yếu”. Ông Thành cho hay Chính phủ sẽ có một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng như mở rộng các kênh đầu tư thông qua phát hành trái phiếu, nhưng nhìn chung khó khăn vẫn còn đeo đẳng. Vì thế, ông khuyên các doanh nghiệp trước mắt phải tiếp tục “sống sót” bằng cách tái cấu trúc, tiết giảm chi phí, tìm kiếm thị trường mới… Nhưng trong thời gian đó doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị cho một cái nhìn dài hơi hơn để có thể phát triển.
Có thể nhận thấy áp lực của dòng chảy hội nhập kinh tế quốc tế ngày một mạnh lên. Ở trong nước, chính sách của Chính phủ ngày một mở rộng cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, vì thế, để có thể “sống sót và phát triển” như ông Thành nói, không còn con đường nào khác là cạnh tranh và tiến lên. “Hội nhập mang lại những rủi ro, nhưng kèm với đó là cơ hội có thêm thị trường, cạnh tranh và chuyển giao công nghệ”, ông Thành nói.
Vấn đề là phải biết cách tận dụng các lợi thế đó. Như trong chuyển giao công nghệ chẳng hạn, các chuyên gia cho rằng trong rất nhiều năm thu hút FDI, vấn đề này cho đến nay vẫn là một sự thất bại. Một phần lớn trong đó là do các doanh nghiệp Việt Nam dường như không muốn, mà nếu muốn cũng không có khả năng tiếp nhận công nghệ.
Trong khi đó, nhìn sang Trung Quốc, chính sách thu hút đầu tư FDI của nước này luôn kèm theo điều kiện chuyển giao công nghệ, và người Trung Quốc phải được nhận vào làm trong các khâu quan trọng. Từ đó, Trung Quốc, một mặt được chuyển giao, một mặt học được các công nghệ quan trọng và trở thành đối thủ cạnh tranh của các tập đoàn từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
Đâu đó đã vang lên những lời cảnh báo về sự lệ thuộc của nền kinh tế. Theo các chuyên gia, một trong những nhân tố quan trọng trong cuộc chơi mới là các tập đoàn đa quốc gia. Các doanh nghiệp cũng đã nhìn thấy được sức mạnh của các tập đoàn này. Những chiếc chốt cuối cùng của cánh cửa đang được tháo dần ra cũng là lúc lần lượt những cái tên nước ngoài thay thế dần những nhà sản xuất trong nước. Trên kệ hàng hóa ở siêu thị, hàng Việt Nam chiếm đến hơn 90%, nhưng đó là hàng của các tập đoàn nước ngoài, đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam. Còn hàng Việt thực thụ, đang bị dồn vào các ngóc ngách, đang lên bờ xuống ruộng.
Thế trận của năm 2014 và những năm tới “nhìn phát bực”, như lời của một tổng giám đốc công ty. Theo ông này, các chính sách của Chính phủ dường như chưa gãi đúng chỗ ngứa, không giúp doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp cứ lo trong thì mất ngoài, lo ngoài thì mất trong. Tìm ra được một đại dương xanh không khó, nhưng bơi ra đến được đó mới hay đại dương thấm đỏ máu đào. Đến khi quay về sân nhà thì đã hụt chân. Thị trường ASEAN, rồi ASEAN + Trung Quốc dù rộng hóa ra vẫn không đủ chỗ. Chỉ hàng hóa Trung Quốc thôi đã tràn ngập thị trường. Thêm TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), rồi vài FTA (hiệp định thương mại tự do) nữa, tưởng thị trường lớn hơn, nhưng niềm vui vẫn không lấn át được nỗi lo vỡ trận.
Và vẫn còn đó những mối bận tâm khác về một chính sách ổn định, không thay đổi xoành xoạch để doanh nghiệp có một chiến lược làm ăn lâu dài.
Rất nhiều cảm xúc trong bức tranh năm 2014. Nhưng nói gì thì nói, Việt Nam không thể đóng cửa hay bảo hộ mãi được. Đâu đó nhiều doanh nhân đã tin vào học thuyết tiến hóa của Darwin về sự thích nghi với môi trường mới có thể tồn tại và phát triển.
“Cái thú vị trên đường đời là không phải kẻ mạnh mới thắng mà kẻ thắng mới là kẻ mạnh. Hãy vững bước và đừng đổ thừa cho môi trường”, ông Đinh Văn Phước, Tổng giám đốc Công ty Tsubaki Yamakyu ở Nhật Bản, nhận định trong lần về Việt Nam tuần trước. Ông Phước là người Việt Nam đầu tiên đảm nhận chức tổng giám đốc của một công ty lớn tại Nhật Bản.
Phi Tuấn
THEO THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

“Nếu có tiền tôi cũng không mua bất động sản”



TS. Alan Phan: “Nhu cầu về bất động sản tại Việt Nam là rất lớn, song phần lớn các sản phẩm hiện nay vẫn chưa phù hợp với túi tiền thì người dân chưa mua mà thôi”.
Một khi giá bất động sản vẫn chưa phù hợp với túi tiền của đại bộ phận người dân thì chừng đó thị trường vẫn chưa thể chuyển biến tốt lên được, quan điểm của TS. Alan Phan – chuyên gia kinh tế, khi nói về triển vọng của thị trường bất động sản trong năm tới, đặc biệt là trước những bình luận lẫn các động thái trái chiều của các nhà quản lý lẫn doanh nghiệp, chủ đầu tư trong thời gian qua.
Trao đổi với VnEconomy, TS. Alan Phan nói:
- Thị trường bất động sản Việt Nam luôn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Vấn đề quan trọng và cũng là câu hỏi mấu chốt đó là “giá bất động sản có phù hợp với túi tiền của người dân hay không?”
Ngày nào mà mức giá chưa phù hợp thì bất động sản chưa thể chuyển động được. Còn chuyện người này nói thị trường sẽ lên hay có người nói nên thoát khỏi thị trường… thì tôi chỉ khuyên những ai quan tâm, cần phải coi lại đằng sau những ẩn ý của các phát ngôn đó. Tại sao người ta nói như vậy… Hiểu được điều đó sẽ hiểu được thị trường.
Tôi có thể khẳng định rằng, nhu cầu về bất động sản tại Việt Nam là rất lớn, song phần lớn các sản phẩm hiện nay vẫn chưa phù hợp với túi tiền thì người dân chưa mua mà thôi.
Nhưng thưa ông, khá nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay đều khẳng định giá bán đã xuống mức thấp nhất, ngang bằng với 6 – 7 năm về trước, nhưng họ vẫn không bán được và có thể phải đối diện với phá sản?
Xin nhớ rằng, giá thị trường không phải là giá do doanh nghiệp định đoạt. Giá đó là mức mà người dân có đủ tiền để mua. Trong quan hệ mua bán, làm thế nào để người ta chịu móc tiền túi ra mới là điều quan trọng.
Chẳng hạn, một chiếc iPhone được làm ra hết 100 USD, nếu doanh nghiệp bán 500 USD mà người dân thấy có thể mua được thì họ vẫn mua. Còn nếu chi phí làm đến 800 USD và người dân không thể mua được thì bắt buộc phải bán 500 USD và chịu lỗ thôi.
“Nếu có tiền tôi cũng không mua bất động sản” 1Còn chuyện người này nói thị trường sẽ lên hay có người nói nên thoát khỏi thị trường… thì tôi chỉ khuyên những ai quan tâm, cần phải coi lại đằng sau những ẩn ý của các phát ngôn đó. TS. Alan Phan

Vậy theo ông, làm thế nào để giải được bài toán giằng co về lợi ích khá nan giải này?

Trong tương lai, thị trường bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng của hai yếu tố quan trọng.
Thứ nhất, nếu lạm phát cao, đồng tiền của người dân giảm giá trị và tài sản bất động sản cũng giảm tương ứng thì có thể phù hợp với túi tiền.
Thứ hai, nếu lãi suất xuống thấp trong nhiều năm tới thì người dân có thể vay hoặc mua trả góp thì cũng có thể mua được nhà. Khi đó thị trường có thể chuyển động tích cực.
Nhưng, nếu không có hai đột biến nói trên mà tình trạng như hiện nay vẫn tiếp tục kéo dài, thì tôi không tin thị trường sẽ có chuyển động gì thực sự có ý nghĩa.
Ngoài ra, trong trường hợp thu nhập của người dân tăng cao hoặc là có một tác động gì lớn lao về kinh tế có thể tạo ra một cú hích đang kể để có thể thay đổi việc làm, thu nhập cho người dân thì mới tạo ra chuyển động cho thị trường được.
Vừa qua, một doanh nhân có tiếng tăm trong làng bất động sản Việt Nam là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, đã có những phát ngôn  và hành động cho thấy doanh nghiệp này sẽ rút lui dần khỏi bất động sản tại Việt Nam, phải chăng là thị trường sẽ tiếp tục diễn tiến xấu trong thời gian tới?
Nhận xét và quyết định của cá nhân ông Đức và Hoàng Anh Gia Lai cũng chỉ là một phần trong tổng thể. Tất nhiên, vì ông ấy làm về bất động sản thì có thể sẽ hiểu biết hơn nhiều người khác. Nhưng, như tôi đã nói ở trên, chúng ta đều phải xem kỹ mục đích đằng sau những phát ngôn, tuyên bố đó.
Và quan trọng hơn là phải nhìn vào những việc người ta làm.
Vậy còn nhiều chuyên gia và giới truyền thông quốc tế cho rằng bất động sản Việt Nam đã qua đáy, thì sao?
Thực tế, các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam cũng không hẳn nắm rõ hết thị trường bất động sản Việt Nam. Một số quỹ nước ngoài kêu gọi khách hàng để bán cổ phiếu, cổ phần… tại Việt Nam thì họ cũng chỉ là các trung gian, họ tất nhiên phải ca ngợi sản phẩm mà họ đang bán hoặc tiếp thị. Không ai đi bán hàng mà lại rao rằng hàng tôi hàng ôi, hàng xấu.
Ngay cả những ngân hàng lớn trên thế giới khi đưa ra một dự báo hay một thông điệp nào đó cũng đều có những mục tiêu và lợi ích riêng của họ.

Còn ông, ông có cho rằng, thị trường bất động sản Việt đã qua giai đoạn khó khăn nhất?

Thực sự thì đến thời điểm này tôi vẫn thấy giá bất động sản chưa phù hợp với giá thị trường, nên cần phải làm thế nào để giá phải xuống thấp hơn nữa mới tiêu thụ được. Nó cũng không phải là bài toán gì to tát quá mức không thể giải được.
Tôi không quan tâm đến đáy hay không đáy. Giá thị trường có thể đi ngang, đi lên hoặc đi xuống. Quan trọng là thu nhập của người dân như thế nào, để lúc nào đấy hai yếu tố này gặp nhau, tức thì thị trường sẽ chuyển động.
Tất cả các dự báo, đặc biệt là của các chuyên gia, ngay cả tôi đây thì cũng đều có thể sai hết. Còn thống kê dự báo hiện nay của Việt Nam thì cũng chưa đủ sức thuyết phục.
“Nếu có tiền tôi cũng không mua bất động sản” 2Thực sự thì đến thời điểm này tôi vẫn thấy giá bất động sản chưa phù hợp với giá thị trường, nên cần phải làm thế nào để giá phải xuống thấp hơn nữa mới tiêu thụ được. TS.Alan Phan
Ông nhìn nhận thế nào về tác động của gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đến thị trường bất động sản?
Thực tế nếu chỉ việc đưa tiền cho người dân, doanh nghiệp vay thì xài hết 30.000 tỷ đồng ngay. Còn nếu cứ đòi hỏi điều kiện này, điều kiện kia thì còn lâu mới xài hết.
Thị trường sẽ tốt lên nếu như các thủ tục rườm rà được loại bỏ.
Theo ông, các nhà đầu tư có nên kỳ vọng vào thị trường bất động sản trong năm 2014?
Như tôi đã nói, tôi không tin tưởng vào các số liệu thống kê được công bố. Do đó, tôi không thể có một căn cứ nào để nói thị trường sẽ thế này, thị trường sẽ thế kia trong năm tới.
Tôi cũng hoàn toàn không phê bình tốt, xấu về triển vọng gì của thị trường. Nếu như thị trường bất động sản Việt Nam là một thị trường đúng nghĩa như các nước phát triển thì nó lại khác. Còn hiện nay, mặc dù gọi là thị trường nhưng đằng sau đó là cả một “hậu trường” khiến cho ngay cả những người làm chính sách nhiều khi cũng không thể hiểu nổi.
Nếu có tiền, năm tới ông có chọn bất động sản là kênh đầu tư?
Thực tế thì tôi đã rút khỏi thị trường Việt Nam từ 3 – 4 năm nay rồi, sau khi đã thua lỗ khá lớn trong tài chính, chứng khoán. Tôi cũng xem đó như là một bài học cho mình.
Còn nếu có tiền, trong thời gian tới tôi cũng không bỏ tiền vào bất động sản, vì giá vẫn chưa phù hợp với khả năng của người dân. Khả năng phục hồi của thị trường vẫn là một điều khá mơ hồ.
THEO VNECONOMY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét