Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Bạo hành trẻ em, S.Freud nghĩ gì? & Tham ô là lỗi cơ chế: Muốn chấm dứt, phải giải thể chế độ!

Tham ô là lỗi cơ chế: Muốn chấm dứt, phải giải thể chế độ!

VRNs (19.12.2013) – Sài Gòn – Ngày 16/12/2013, Tòa án TP. Hà Nội xử đại án tham ô Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thật rầm rộ và nặng nề. Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc tất nhiên có tội nhưng bản án tử hình dành cho hai phạm nhân này không đủ để thể hiện quyết tâm bài trừ tham nhũng. Tương tự như các vụ án tham ô lớn trước đây, mọi người thừa hiểu rằng: Tham nhũng ở nước ta là do cơ chế gây ra. Đối với các nước dân chủ thì cách thức giải quyết thông thường là thay đổi nội các, và có thể điều chỉnh luật pháp; nhưng với bộ máy độc tài toàn trị đương quyền, muốn giải quyết tình trạng tham ô một cách rốt ráo thì giải pháp duy nhất là phải giải thể chế độ.

Trong những năm qua, đảng và nhà nước CSVN đã chính thức công nhận sự hiện hữu của quốc nạn tham nhũng. Do đó, vụ án Vinalines xử Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc cùng tám đồng phạm không gây ngạc nhiên cho ai. Nhưng dù vậy, một lần nữa, nó gây ra thêm bao xót xa, phẩn uất trong công luận.
Theo tin báo Tuổi Trẻ Online về vụ án Vinalines: “Chiều 16-12, sau ba ngày xét xử, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án đối với 10 bị cáo trong đại án tham nhũng tại Vinalines. Hội đồng xét xử đã tuyên án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc…. Theo hội đồng xét xử, Viện kiểm sát truy tố các bị cáo về hành vi tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là có cơ sở. Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát cho nhà nước hơn 366 tỉ đồng.” (XEM TIN NGUỒN)
Con số “thất thoát cho nhà nước hơn 366 tỉ đồng” tương đương với hơn 100.000 lần lương tháng trung bình của một giáo viên hay công nhân lao động (khoảng $3.500.000 đồng/tháng). Nhưng đây chỉ là một vụ tham ô không may bị đổ bể, trong vô số những vụ tham ô đã và đang xảy ra nhan nhản ở nước ta. Vụ án này là thêm một bằng cứ để minh chứng tình trạng tham ô đang xảy ra trong hầu hết các lãnh vực.
Có thể nói, nếu có điều kiện để thành hình một cơ quan độc lập có thẩm quyền điều tra và truy tố đúng người, đúng tội, thì bộ máy cầm quyền hiện nay sẽ bị tê liệt hoàn toàn, vì không còn đủ người làm việc trong mỗi bộ phận, kể cả ngành Tư pháp.
Nếu bộ phận Tư Pháp có thể xử án một  cách công tâm, độc lập với đảng CSVN, thì dù là theo luật lệ hiện hành, vấn đề tham ô cũng sẽ được ngăn chận một cách đáng kể. Nếu đảng CSVN thật sự muốn thanh lọc bộ máy chính quyền, họ phải trả lại quyền tự do ngôn luận cho xã hội để người dân có thể yểm trợ trực tiếp cho việc tố giác kẻ gian tham. Họ đồng thời phải gỡ bỏ sự kềm kẹp đối với giới báo chí, dù tất cả đều là cơ quan truyền thông nhà nước. Nếu giải tỏa đi sự kềm chế khắc nghiệt đang có, các ký giả có lương tâm nghề nghiệp sẽ giúp phanh phui thực trạng lạm dụng quyền lực, tham ô của công và cưỡng chiếm của dân trong một thời gian không lâu.
Nhưng tất cả giả thiết nêu trên sẽ không bao giờ trở thành hiện thực trong chế độ độc đảng thối nát hiện nay. Bởi lẽ, khi nhà cầm quyền thật sự giải quyết nạn tham ô, thì có thể là đa số viên chức của bộ máy cầm quyền hiện nay đều phải lãnh án tù và không ít người phải bị xử tử.
Xử Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc cùng đồng phạm và tuyên án nặng nề là điều tất nhiên song vụ án này không thể chứng tỏ là Việt Nam có công lý, khi mà vô số cá nhân, cơ quan khác đang tiếp tục ăn cắp của công và ăn cướp của dân một cách có hệ thống. Việt Nam không phải là nước duy nhất bị khủng hoảng bởi quốc nạn tham ô, vì đó là một căn bệnh chung của các chế độ độc tài tòan trị, dù có là Cộng sản hay không. Nhưng thảm trạng tham ô ở Việt Nam đã trở nên nghiêm trọng khi tự nó chứng tỏ rằng nó là quốc nạn mang tính hệ thống của một cơ chế hoàn toàn KHÔNG có ba quyền phân lập như ở các nước phát triển khác. Hơn nữa, nó còn được đảng cầm quyền có tình dung dưỡng, bao che.
Nạn tham ô không phải là một tội cá biệt của những cá nhân phạm tội nên vụ Vinalines vừa rồi không thể hiện sự công bằng của bộ máy cầm quyền. Những vụ án “tế thần” có thể sẽ tiếp tục xảy ra khi sự va chạm giữ các nhóm quyền lợi cao cấp đã đến mức vượt khỏi giới hạn bình thường. Nhưng phía sau hậu trường chính trị và kinh tế là một bộ máy tham ô đang tiếp tục vận hành một cách quy mô, tàn bạo và có hệ thống. Những gì bị phanh phui chỉ là một phần trăm nhỏ trong hiện trạng quốc nạn tham nhũng ở nước ta.
Vấn đề tham ô đáng lên án nạn độc tài, tham ô gây thiệt hại vất chất và tinh thần một cách lớn lao cho toàn thể thành phần lao động nghèo. Nó đồng thời cũng phá hoại tiềm năng và tiến trình phát triển lành mạnh tự nhiên của một đất nước, bao gồm tất cả lãnh vực quan yếu trong xã hội. Mặt khác, điều đáng tiếc khác là những người liêm chính trong bộ máy cầm quyền cũng phải chịu ảnh hưởng liên đới từ các thành phần bất hảo trong đảng và nhà nước CSVN.
Tài sản khổng lồ của mỗi gia đình các quan chức là bằng chứng mặc nhiên. Mức độ giàu sang bất chính của các cán bộ cao cấp tự nó là biểu hiện mặc nhiên của quốc nạn tham nhũng ở Việt Nam. Nó là hậu quả tất nhiên của cơ chế độc tài toàn trị, là biểu hiện thực tế của một bộ máy cầm quyền không có cơ cấu giám sát độc lập.
Đất nước và nhân dân Việt Nam đang bị cấu xé, tàn hại bởi đảng Cộng sản Việt Nam. Hậu quả không phải chỉ là vấn đề nhân quyền thuần túy qua chuỗi bắt bớ, giam tù những người đấu tranh ôn hòa một cách phi lý. Cơ chế độc tài toàn trị đã dẫn đến tình trạng mất lãnh thổ và nguy cơ chủ quyền bị đe dọa nặng nề. Nó đồng thời gây ra bao cảnh thương tâm cho đa số quần chúng, kể cả với những gia đình đã có nhiều đóng góp, hy sinh to lớn cho giai đoạn cướp chính quyền của đảng CSVN. Vì quốc nạn tham nhũng xuất phát từ hậu quả mặc nhiên của bộ máy cầm quyền độc tài toàn trị nên chỉ có một chính thể dân chủ đa đảng đúng nghĩa mới có điều kiện và khả năng để giải trừ nó. Nói cách khác, chỉ có một chế độ chính trị cho phép xã hội, đặc biệt là các cơ quan truyền thông độc lập và những đoàn thể xã hội dân sự, được quyền tố giác những sự lạm dụng quyền lực và tham ô thì tình trạng nguy hại này mới có thể được ngăn chận, hóa giải dần. Do vậy, vấn đề tham ô ở Việt Nam sẽ tiếp tục là một quốc nạn nghiêm trọng cho đến khi chế độ cầm quyền độc tài bị giải thể.
Muốn giải quyết một cách hiệu quả và rốt ráo các vấn nạn lớn của đất nước, Việt Nam phải thay đổi cơ chế chính trị và thành phần lãnh đạo quốc gia một cách dứt khoát.  Những cái gọi là “cải cách” chính trị, kinh tế, xã hội… vá víu nửa vời không thể được chấp nhận vì những thay đổi này, cho dù có được thực hiện, cũng không thể giải quyết tận gốc rễ các quốc nạn. Nếu đảng CSVN thật sự có thiện chí hoàn lương và đổi mới, họ phải nhanh chóng trả lại quyền lãnh đạo đất nước cho toàn dân.
Đã đến lúc để khẳng định rằng: Chỉ với trọng tội gây ra và dung dưỡng quốc nạn tham nhũng hoành hành một cách có hệ thống từ trên xuống dưới, chế độ đương quyền đã xứng đáng để bị giải thể!
Giải thể một chế độ độc tài theo tinh thần nhân bản thời nay KHÔNG phải là lật đổ chế độ và tiêu diệt toàn thể viên chức chính quyền, quân đội, công an. Chủ trương “Giải Thể” theo tinh thần dân chủ là chấm dứt tình trạng lãnh đạo độc tài, thiết lập một cơ chế chính trị dân chủ bằng Hiến Pháp mới, và thành hình một chính phủ dân cử qua cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do thật sự công bằng và tự do. Theo đó, nhiệm vụ các bộ phận chính quyền, quân đội, công an trong chính phủ mới là phục vụ quốc gia, thay vì chỉ là đảng hay liên minh cầm quyền, dù là không Cộng sản.
Tóm lại, muốn có điều kiện giải quyết quốc nạn tham nhũng ở nước ta, con đường duy nhất là chấm dứt chế độ độc tài toàn trị và thiết lập một chính thể dân chủ đa đảng. Chỉ có một chính phủ với tam quyền phân lập mới có thể ngăn chận hữu hiệu sự hoành hành của nạn tham ô và lạm dụng quyền lực.
Lê Nguyên Bình  (ĐVDVN)

Bạo hành trẻ em, S.Freud nghĩ gì?

1387274236-giet-treChu Mộng Long – Bạo hành trẻ em đang nóng lên không phải lần đầu mà đã nhiều lần, mặc dù có hàng loạt vụ án đã truy tố hình sự. Tôi nghĩ, không phải pháp luật chưa nghiêm ở loại hình tội phạm này mà do ở chiều sâu thuộc một vấn đề tinh tế khác mà pháp luật hay kể cả đạo đức cũng không thể can thiệp.
Pháp luật, đạo đức đã không đủ sức răn đe thì đến lúc phải có một cách nghĩ khác.
Xem kĩ Clip về vụ bạo hành trẻ em ở Cơ sở mầm non Phương Anh, tôi quan tâm đến 2 chi tiết: 1) Bảo mẫu mặc áo xanh lá chuối, đeo kính trắng 3 lần vừa đánh vừa dúi đầu em bé vào chỗ kín của mình, có lúc còn vạch áo lên và day đầu em bé vào chỗ ấy một cách hứng thú. 2) Em bé bị bảo mẫu mặc áo hoa xanh đánh tới tấp đã tỏ ra không còn khiếp sợ mà còn vung tay phản kháng, đôi mắt lạnh lùng và chất chứa căm thù.
Hai chi tiết ấy chứa đựng cả một thảm kịch của giáo dục Việt Nam.
Chi tiết thứ nhất, nếu nhìn hời hợt có thể bị xem là vô tình do tiện tay hoặc cố tình bảo mẫu muốn làm nhục bé. Nhưng nếu quan sát ở cái hành vi kéo áo lên và động tác bất thường ở bàn tay vỗ thúc mông em bé và các ngón tay sau khi vạch áo, rõ ràng tâm thần của cô ta có vấn đề. S.Freud sẽ không suy diễn ở hành vi này, nếu nói đó là trạng thái của dục tính bộc phát biến thành bạo hành theo nguyên lí “dịch chuyển”.
Untitled-4Untitled-3
Tôi liên hệ đến vụ án mẹ ruột và bố dượng (ngoài giá thú) bạo hành bé Như Ý ở Đồng Tháp. Người bố dượng bạo hành với đứa con riêng của vợ có thể giải thích đơn giản vì “khác máu tanh lòng” chứ mẹ ruột tại sao lại đồng lõa với hành vi tàn bạo của người bố dượng? Nhìn người mẹ với gương mặt sáng sủa, xinh đẹp lúc bồng con, không ai nghĩ chị ta lại là ác quỷ. Nhưng lời khai trước tòa, rằng chị ta đồng tình cho và tiếp tay bố dượng hành hạ em bé để “trừ tà” rõ ràng chứa trong đó ẩn mật của tâm lí chứ không đơn thuần là mê tín dị đoan. Bé Như Ý đã hay khóc “không như ý”, tức không đúng lúc, gây ức chế cho đôi gian phu dâm phụ kia nên mới ra nông nỗi cơn dục tính biến thành bạo hành.
1304729494-be-nhu-y-1
So sánh 2 trường hợp này có thể khập khiễng, nhưng bản chất vấn đề có khi chỉ là một.
Bản chất dục tính, kéo theo thú tính ở con người là một vấn đề cần nghiên cứu nghiêm túc. Trong điều kiện cuộc sống khắc nghiệt, những trạng thái ức chế, kìm nén làm cho mọi sự nổi loạn của bản năng thú vật đều có thể xảy ra.
Nhìn đôi gian phu dâm phụ ở vụ án kia hành hạ cháu bé đến mức thương tật 20%, rõ ràng họ muốn tiêu diệt cái vật cản cho ham muốn thú vật của mình khi nó đã nổi loạn không thể kiểm soát được.
Hai bảo mẫu của nhà trẻ Phương Anh còn rất trẻ, trẻ như chính những sinh viên của chúng tôi, nên những nhà giáo có lương tâm nhìn thấy không khỏi chạnh lòng. Các em sinh viên vì thế cũng đừng vội trách 2 cô bảo mẫu kia mà phải luôn tự lo và tự nhắc nhở mình vì tương lai còn dài. Cuộc sống sau khi ra trường với giáo viên mầm non thật khắc nghiệt. Ngày làm việc trên 8 tiếng chăm sóc cả đàn trẻ, tối lo làm đồ chơi, đồ dùng dạy học, không có thời gian nghỉ ngơi, thời gian yêu đương, trong khi lương không đủ sống. Trong điều kiện làm việc ở trường mẫu giáo quy mô với những ràng buộc của tổ chức, đoàn thể, chắc chắn những ham muốn, dục vọng có thể sẽ bị kiểm soát hay “diệt” dần. Nhưng với những nhà trẻ tư nhân kín cổng cao tường, lấy gì kiểm soát để phần thú tính không nổi loạn như những vụ vừa rồi?
Tôi không “đổ hết lỗi cho người lãnh đạo, người quản lý”, vì trường mầm non tư thục đang mọc lên như nấm làm sao quản lí xuể. Nhưng trả lời như bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non là không ổn: “Trách nhiệm của người phụ huynh tại sao họ không chọn chỗ gửi con cho an toàn để gửi. Vì con là tài sản quý giá nhất của gia đình thì phải quan tâm, tài sản thì phải tìm nơi mà gửi gắm chứ đừng mang gửi bừa phứa như vậy”. Nói vậy khác gì chuyện hài về một quan chức khi đi thăm vùng lũ lụt đã trách dân nghèo sao không biết xây nhà lầu tránh lũ!? Thưa bà, không có phụ huynh nào ngu như bà nghĩ, trừ phụ huynh cũng bị tâm thần. Bà thừa biết, nơi an toàn nhất để gửi con là các trường mầm non quy mô của Nhà nước, nhưng muốn xin được con vào các trường này phải xếp hàng từ hơn một năm trước, còn khó hơn thi tiến sĩ, và khó hơn leo lên cái ghế… như của bà!!!
Không có lỗi thì cũng phải có trách nhiệm, trách nhiệm phòng xa. Cái Vụ của bà sinh ra là để chăm lo và quản lí ngành giáo dục mầm non. Sao không tập trung mở rộng quy mô trường mầm non phục vụ kịp thời cho nhu cầu ngày một gia tăng của trẻ em, kéo theo giảm tải áp lực làm việc của các cô bảo mẫu bằng cách tăng lương giảm giờ làm cho họ, trong khi lại ném hàng tỉ vào các đại dự án gọi là cải cách giáo dục, dự án này chưa xong đã chồng lên dự án khác mà con tàu giáo dục thì vẫn cứ chới với bên bờ vực thẳm của sự sa đọa!
Với định mức làm việc như cô giáo mầm non hiện nay, vài cô suốt ngày vật vã chăm sóc, dạy dỗ một lúc từ 30 đến 40 trẻ đã là một sự hy sinh vĩ đại, họ còn phải có thời gian yêu đương, lấy chồng sinh con chứ có phải là các xơ ở trường dòng hay ni cô nhà Phật phải chấp nhận diệt dục để cho lãnh đạo các người thi nhau nhận lấy các loại danh hiệu cao quý của nhà giáo đâu!
Các bảo mẫu đã là nạn nhân của một nền giáo dục vô trách nhiệm!
Trẻ em đã, đang và còn là nạn nhân của một nền giáo dục vô trách nhiệm!
Và lâu dài hơn, hãy nhìn vào cái chi tiết thứ hai trong clip, hình ảnh em bé vung tay phản kháng lại bảo mẫu với ánh mắt lạnh lùng và chất chứa căm thù ấy nói lên điều gì. Sự chấn thương tâm lí ở giai đoạn đầu đời sẽ tạo ra các ức chế và kìm nén là nguyên nhân sinh ra bạo lực và thú tính về sau chứ không đơn thuần chỉ là sự sợ hãi và bấn loạn như các nhà tâm lí rởm đã tưởng tượng một cách hời hợt để minh họa cho thứ tâm lí học sáo rỗng của sách giáo khoa hiện hành!
Untitled-1Untitled-2
Bạo lực chồng lên bạo lực khi quyền lực không có cơ chế kiểm soát. Trong khung cửa kín của nhà giam, công an sở hữu quyền lực thì nghi can hiển nhiên bị tra tấn dẫn đến oan sai. Và tình trạng không khác khi nhà trẻ kín cổng cao tường, cô giáo sở hữu quyền lực tối cao thì trẻ con thành nạn nhân. Đến lượt báo chí được sử dụng quyền lực không giới hạn của mình thì những phạm nhân như hai cô giáo kia bị mang ra làm nhục. Có ai ngờ rằng hai con sói vừa bạo hành trẻ em trước đó lại trở thành hai con cừu non rúm ró trước đàn sói lớn hơn là đám nhà báo đánh hôi???
1482828_555770581184304_4604653_n
Quyền lực chính là giá đỡ cho sự nổi loạn đầy hứng thú của bản năng dục tính lẫn thú tính, dù là quyền lực ở cấp nào, gia đình hay xã hội. Đối với dư luận, tôi khuyên theo cách của Chúa, ai chưa một lần đánh trẻ em thì hãy ném đá vào những cô giáo này!
Đối với ngành giáo dục, cách phòng chống bạo lực nói chung và bạo hành trẻ em nói riêng là tạo ra một môi trường làm việc hòa lạc cho chính người lao động, hơn là tạo ra các dự án chỉ mang lại hứng thú cho một nhóm người quyền thế. Với số tiền hàng nghìn tỉ thay vì đã chi cho các dự án, tôi nghĩ, đem ra làm được điều nói trên không khó, nếu lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có cách nghĩ… theo Freud!

Triều Tiên: Thiếu nữ xinh đẹp chết không nhắm mắt vì cực hình

Trung Phạm - theo Trí Thức Trẻ

(Soha.vn) - Cha bị xử tử với cáo buộc làm gián điệp. Mẹ chết đói trong tù. Cô gái cũng ra đi không nhắm mắt sau những đòn tra tấn dã man bằng rắn và sắt nung.

Là tù nhân thì không còn là người
Mùa đông năm 1986, tại Trại tù Số 13 ở Triều Tiên, nữ tù nhân 26 tuổi tên là Pok Tok Kim bị tra tấn dã man vì bị phát hiện lén lút viết thư gửi ra bên ngoài. Người ta ép cô phải khai ra người đã cung cấp giấy bút cho mình.
Ban đầu, cô từ chối khai nhận. Giám thị trại giam quyết định tra tấn cô bằng rắn. Cô ngất đi. Họ té nước để cô tỉnh lại. Vừa mở mắt ra, cô tiếp tục bị sốc khi thấy con rắn vẫn đang trườn trên cơ thể mình. Quá hoảng sợ, cô buộc phải nói ra cái tên mà mình muốn giấu kín: Hạ sĩ Choi.
"Sôi tiết" vì một trong những cán bộ của mình dính líu đến việc tày đình này, viên giám thị tiếp tục tra tấn, buộc cô phải nhận hai người đã có quan hệ tình dục.
Ở Triều Tiên, chỉ riêng việc giúp đỡ tù nhân đã là một tội rất nghiêm trọng chứ chưa nói tới việc quan hệ tình dục, bởi lúc đó nghĩa là tù nhân đã được “như một con người”.
Ban đầu, cô kịch liệt phủ nhận việc mình có "quan hệ" với Choi. Cuộc tra tấn tiếp tục diễn ra nhiều ngày sau đó trước sự chứng kiến của một đại tá Phó chính ủy và một thiếu tá chính trị. Họ dùng một thanh sắt nung nóng đâm vào "vùng kín" của cô. Mỗi lần cô nói “Không”, thanh sắt sẽ chọc sâu thêm một chút. Chịu đựng cảnh tra tấn như thế trong khoảng hai giờ đồng hồ, cuối cùng Kim phải thốt lên: “Có, 5 lần”.
Viên giám thị Trại tù Số 13 rất bối rối trước sự hiện diện của các sĩ quan khác khi chính một trong những thuộc cấp của mình lại có quan hệ tình dục với tù nhân. Do đó, ông ta đã thọc mạnh thanh sắt nóng vào cơ thể cô, ngập sâu đến 70 cm. Kim chết mà đôi mắt vẫn mở trừng trừng.

 Ảnh minh họa về những cuộc tra tấn dã man đối với Pok Tok Kim trên Nhật báo Daily NK
Ảnh minh họa về những cuộc tra tấn dã man đối với Pok Tok Kim trên báo Daily NK (Hàn Quốc)
Sống cảnh khốn khó, đày đọa vì làm phúc
Pok Tok Kim rời Nhật Bản về Triều Tiên cùng cha mẹ năm 1962. Sau khi cha Kim bị xử tử vì bị cáo buộc tội làm gián điệp, cô và mẹ bị đưa tới Trại tù Số 13. Lúc đó, Kim mới 17 tuổi và rất xinh đẹp. Để nhường thêm thức ăn cho con, mẹ cô ngày càng ăn ít đi. Cuối cùng, bà chết đói trong chính nhà tù này.
Kim còn lại một mình. Một ngày nọ, cô cầu xin với chính quyền Triều Tiên rằng mình vô tội. Hậu quả là, Kim đã bị bắt giam vì tội “suy thoái ý thức hệ”. Cô bị đánh đập tàn nhẫn và bị bỏ đói trong tù.
Cảm thông với số phận của Kim, Hạ sĩ Chul Nam Choi, quản giáo trại giam, đã bí mật mang thức ăn từ nhà vào cho cô. Một ngày vào tháng 10/1986, Kim hỏi mượn Choi một ít giấy và một cây bút để viết thư cho thân nhân giàu có của mình tại Nhật Bản nhờ giúp đỡ. Choi đã mủi lòng.
Một quản giáo khác đã sinh nghi khi thấy da dẻ Kim hồng hào hơn hẳn những tù nhân gần như chỉ còn da bọc xương khác. Anh ta đã bí mật theo dõi Kim và cuối cùng bắt gặp cô viết thư.
Choi không hề biết những gì đang xảy ra với Kim. Một ngày nọ, Choi mang vào trại giam một con rắn lớn mà anh bắt được từ vườn cây ăn quả, định ngâm rượu, nhưng viên giám thị đã tước lấy của anh. Mỗi ngày, khi Choi hết giờ làm việc trở về nhà là lúc ông này sử dụng chính con rắn đó để tra tấn Kim.
Sau vụ việc, một loạt các buổi giáo dục cải tạo ý thức hệ đã được tổ chức cho các nhân viên an ninh và quản giáo ở Trại tù Số 13. Hạ sĩ Choi bị sa thải, khai trừ khỏi đảng và bị đưa đi làm thợ mỏ ở một hầm lò xa xôi.
Sau này, một số đồng nghiệp cũ từng gặp Choi kể lại rằng anh đã phải sống cuộc sống khốn khó không khác gì một người ăn mày vô gia cư.

"Vòng quanh thế giới" xem trẻ Việt học ở mẫu giáo Tây

Vào dịp lễ, bố mẹ Đậu muốn tặng quà mà còn băn khoăn rằng có nên tặng các cô của con một… tấm bưu thiếp không, vì sợ, việc tặng bất cứ cái gì cho các cô cũng trở thành một hành động vô cùng khiếm nhã.

Trong lúc vụ việc bạo hành trẻ tại trường mầm non tư thục Phương Anh đang tràn ngập các trang tin và mạng xã hội. Rất nhiều bà mẹ Việt đang sống tại Việt Nam đã tỏ ra lo lắng không biết con mình đi học thì sẽ thế nào? Liệu có môi trường giáo dục nào thực sự đáng tin tưởng để họ gửi con em mình vào học?
Bên cạnh đó, các mẹ đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài cũng thể hiện sự phẫn nộ khi thấy những em bé bằng tuổi con mình bị hành hạ dã man tại các trường mầm non không đảm bảo. Nhiều mẹ đã kể lại câu chuyện “cho con đi bộ đội” tại trời Tây như một cách  so sánh để nhấn mạnh về độ “dã man” của các bảo mẫu không có tâm, chẳng có tầm trong sự việc vừa qua.
"Vòng quanh thế giới" xem trẻ Việt học ở mẫu giáo Tây 1Trẻ nhỏ vẫn tự bốc ăn, giáo viên Bỉ chỉ hỗ trợ khi cần thiết và rất nhẹ nhàng
Ở Bỉ, hư thì phạt, nhưng không đánh
Chị Lê Thị Hoa, hiện đang sinh sống tại Leuven, Bỉ cho hay: Tại Bỉ, trẻ con không bao giờ bị ép ăn. Nếu trẻ khỏe mạnh bình thường và không ăn thì thôi, bữa sau ăn bù. Nếu bữa sau trẻ vẫn không chịu ăn thì nhịn nốt. Con chị Hoa là trường hợp cá biệt, thường xuyên nhịn ăn ở trường hơn 1 năm trời, có hôm nhịn ăn từ 9h sáng đến 5h chiều. Mẹ muốn mang đồ ăn cho con thì bị các cô cản. Vì theo các cô, trẻ cần hiểu không ăn sẽ bị đói và phải thích nghi với chế độ ăn uống ở trường. Quan trọng là gia đình mình luôn thống nhất quan điểm với nhà trường. Vậy nên mọi việc cũng xong.
"Vòng quanh thế giới" xem trẻ Việt học ở mẫu giáo Tây 2
Bé Minh (tóc đen, con chị Hoa) cùng các bạn trong giờ ăn súp
Ngoài ra, các giáo viên bên này cũng ít khi quát mắng, dọa nạt trẻ, đánh thì tuyệt đối không. Vì trẻ có quấy khóc đến đâu, cô cũng không dỗ dành quá nhiều. Nếu trẻ cứ ăn vạ thì cô sẽ để trẻ khóc, khóc hết thì thôi. Trẻ hư thì bị phạt ngồi một chỗ, không được chơi với ai. Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Trẻ em bên Bỉ ít được nuông chiều nên ít có thói ăn vạ. Và trẻ rất tự lập. Điều này cũng giảm tải gánh nặng cho giáo viên rất nhiều.
 Nhật, trẻ tự lập, giáo viên năng động đến kinh ngạc
Chị Trang Nhung, đang định cư ở Nhật Bản thì cho rằng: Giáo viên mầm non ở Việt Nam không hẳn là vất vả, mà có vất vả thì cũng là do không biết cách tổ chức, không có kỹ năng sư phạm để dạy dỗ trẻ đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó các vị phụ huynh Việt Nam ít rèn kỹ năng tự phục vụ cho con nên mới có việc ngồi đút ăn đáng buồn như vậy.
"Vòng quanh thế giới" xem trẻ Việt học ở mẫu giáo Tây 3
Trẻ con Nhật Bản tự lập từ bé.
Như con chị Nhung từ 10 tháng đã được tập xúc ăn. Lúc đầu nhoe nhoét hết nhưng sau thành thạo. Đến khi con 15 tháng chị cho đi nhà trẻ thì bé đã biết xúc ăn tương đối. Chị Nhung cũng dạy con tự đi vệ sinh từ sớm nên bé cũng rất chủ động. Ít có chuyện tè dầm hay ị đùn ở lớp. Cô giáo lúc đó, chỉ hỗ trợ khi con thực sự cần.
Ở bên Nhật, như những gì chị Nhung quan sát thì các giáo viên có sức lao động “phi thường”. Lớp học của con chị có 25 học sinh và chỉ một giáo viên. Thế mà cô có thể tổ chức cho trẻ ăn ngủ nề nếp, vui chơi, văn nghệ… Tất cả đều quy củ và không hề căng thẳng. Thậm chí các cô còn dành thời gian tự làm đồ chơi cho các bé.
"Vòng quanh thế giới" xem trẻ Việt học ở mẫu giáo Tây 4
Trẻ nhỏ hay được ra ngoài dạo chơi.
"Vòng quanh thế giới" xem trẻ Việt học ở mẫu giáo Tây 5
Trẻ chơi rất có kỷ luật dưới sự tổ chức khoa học của giáo viên.
Ở Úc, trẻ con bất khả xâm phạm
Mẹ Đậu (Úc) là người có nhiều ý kiến nhất. Chị cho rằng thật ra, mọi sự so sánh đều là khập khiễng vì mỗi đất nước đều có những chuẩn mực riêng về giá trị xã hội. Tuy nhiên việc bạo hành trẻ thì không thể chấp nhận được. 
Bé Đậu đi học từ 9 tháng tuổi, là trẻ Việt mới sang Úc nên bé lạ và sợ, không chịu ăn uống. Mẹ Đậu thương con cả ngày phải ở nhà trẻ, có thể bị đói bụng do không chịu ăn. Nhưng chưa bao giờ mẹ phải lo lắng là các cô ép hoặc cố tình bỏ đói con, các cô bạo hành hoặc đối xử với con khác biệt. Vì không chỉ các cô mà các bà mẹ Úc cũng không bao giờ ép con ăn.

Khi trẻ quấy khóc, các cô còn tùy từng lý do của việc quấy khóc mà xử lý, đói thì cho ăn, khát thì cho uống, buồn ngủ thì cho đi ngủ. Có nghĩa là các cô cố gắng hiểu tâm lý của trẻ nhỏ. Nếu trong trường hợp con khóc vì tranh giành đồ chơi với bạn thì các cô sẽ phân xử kiểu bé nào đụng vào cái đồ chơi ấy trước thì là của bé ấy rất công bằng, song phẳng. Đồng thời, các cô sẽ khuyến khích trẻ đến sau lấy đồ tương tự hoặc nếu không có đồ tương tự thì chơi chung, hết lượt bạn này đến bạn kia.
"Vòng quanh thế giới" xem trẻ Việt học ở mẫu giáo Tây 6
Trẻ Úc cũng được rèn kỹ năng tự phục vụ từ bé.
Vào dịp lễ, bố mẹ Đậu muốn tặng quà mà còn đang băn khoăn mãi là có nên tặng các cô của con một…tấm bưu thiếp không, vì sợ, việc tặng bất cứ cái gì cho các cô cũng trở thành một hành động vô cùng khiếm nhã. Ở Úc họ không có văn hóa "phong bì". Nhưng không phải thế mà các giáo viên "hậm hực" với trẻ. Bất cứ hành động xâm phạm trẻ nào cũng bị pháp luật xử lý nghiêm.
Tại các trường mầm non ở Úc, tùy vào nhiều yếu tố để quy định mỗi lớp có bao nhiêu bé như diện tích của lớp học, diện tích sân chơi, đồ dùng học cụ... Từ những tiêu chuẩn cơ bản đó mới có bao nhiêu bé/ lớp học. Từ số lượng bé/lớp mới quy định ra số lượng giáo viên cần có. Với độ tuổi 0-2 tuổi thì cơ bản là 1 cô không chăm sóc quá 4 trẻ.
Cơ mà, cũng phải nói ngược lại, các bố mẹ Việt bớt kỳ vọng các con đi trường phải tăng cân, phải ngoan, phải ăn nhiều thì tốt biết mấy. Rồi các con ở nhà 3, 4 tuổi vẫn phải được xúc cho ăn như vậy thì các giáo viên cũng rất vất vả.
Giống như ba vị phụ huynh trên, hầu hết cả bà mẹ Việt đang sinh sống ở nước ngoài đều tỏ ra bức xúc và đặt câu hỏi: Tại sao vẫn có những trường mầm non chui và những nhân viên không đủ trình độ đứng ra tổ chức nuôi dạy trẻ? Liệu sau những trường hợp như thế này, các vị phụ huynh có nên cẩn thận hơn khi chọn trường có giấy phép hoạt động cho con? Đồng thời về phía các vị phụ huynh Việt, họ có cần thay đổi lại phương pháp giáo dục sao cho con cái tự lập hơn, tránh ỷ lại vào giáo viên hơn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét