Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Pháp luật không nghiêm minh, đừng đòi người dân phải tốt & Thông tin đa chiều

Ông Trương Duy Nhất ‘khó hưởng án nhẹ’

BBC

Blogger Trương Duy Nhất bị di lý ra Hà Nội hôm 26/5
Báo Người Lao động phiên bản online trong tin đăng ngày 18/12 cho biết Bộ Công an đã có kết luận điều tra ban đầu đối với blogger Trương Duy Nhất.
Tờ này dẫn kết luận điều tra ban đầu của phía công an nói từ năm 2009 đến tháng 5 năm 2013, blogger Trương Duy Nhất đã đăng tải lên mạng hơn 1000 bài viết.
“Trong đó có 12 bài viết mang nội dung sai lệch, tuyên truyền xuyên tác đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo Đảng Nhà nước,” trích kết luận điều tra.
Bên canh đó, ông Nhất còn bị buộc tội đã “đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Tuy nhiên, bản kết luận này cũng nói ông Nhất đã “không thừa nhận đó là hành vi phạm tội”.
Từ những kết luận này, Bộ Công an đã quyết định truy tố ông Nhất về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại điều 258 Bộ Luật Hình sự, Người Lao Động cho biết thêm.

‘Khó hưởng án nhẹ’

Vấn đề bài viết tôi cho chỉ là bề nổi. Từ khi bắt giữ Trương Duy Nhất, tôi nghĩ vấn đề người ta muốn biết đầu tiên đó là nguồn tin ở đâu
Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng
Trả lời BBC ngày 19/12, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng cho rằng blogger Trương Duy Nhất bị bắt để điều tra nguồn cung cấp thông tin.
“Vấn đề bài viết tôi cho chỉ là bề nổi. Từ khi bắt giữ Trương Duy Nhất, tôi nghĩ vấn đề người ta muốn biết đầu tiên đó là nguồn tin ở đâu,” ông nói.
“Nhưng sau môt thời gian giam giữ Trương Duy Nhất và với bản kết luận như thế này, tôi có cảm giác như là công tác điều tra đã không thành công … Họ không biết ai cung cấp tin cho Trương Duy Nhất để có thể đưa ra những bản tin thời sự nóng bỏng và thu hút bạn đọc đến như vậy về Hội nghị Trung ương 6 vào giữa năm nay.”
Liên quan đến mức án mà ông Trương Duy Nhất có thể phải lãnh, ông Dũng nói “tôi e ngại rằng đó là mức án không thật nhẹ nhàng”.
“Trước đây tôi có nghe thông tin về việc Trương Duy Nhất tỏ ra cứng rắn trong việc đối đầu với cơ quan điều tra và không chịu nhận tội …”
“Thậm chí có thông tin cho biết Trương Duy Nhất cứng rắn đến mới nói ở tù 20 năm cũng được”.
“Với cách kết luận của cơ quan điều tra kỳ này thì tôi có cảm giác sắp tới nhiều khả năng Trương Duy Nhất sẽ phải lãnh án tù giam không nhẹ lắm mà nếu theo Điều 258 thì có thể là từ 2 năm rưỡi-3 năm.
Một số bloggers cho rằng bài “Bấm Bỏ phiếu cùng quốc hội” (bài cuối cùng của Trương Duy Nhất) là bài dẫn tới việc nhà chức trách Việt Nam quyết định bắt ông.
“Cuộc bỏ phiếu dành cho bạn đọc trên website Một góc nhìn khác chỉ tiến hành với 12 chức danh gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch quốc hội, các Phó Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng và các Phó thủ tướng.
“Quốc hội chỉ bỏ phiếu theo 3 khung: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Không có mức “không tín nhiệm”. Vì thế, để công bằng, cuộc bỏ phiếu trên “thùng phiếu điện tử” của Một góc nhìn khác sẽ gồm 4 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp và không tín nhiệm,” blogger Nhất viết.
Kết quả “thùng phiếu điện tử” của Trương Duy Nhất thu thập từ các bạn đọc cho thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đạt mức “Không tín nhiệm” cao nhất.

‘Căng thẳng hơn vụ Đinh Nhật Uy’


Ông Đinh Nhật Uy bị truy tố theo điều 258 Bộ Luật hình sự nhận án treo
Hồi 29/10 vừa qua, Tòa án tỉnh Long An đã tuyên án Đinh Nhật Uy, anh trai của Đinh Nguyên Kha, 1 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo vì tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự
Bên cạnh đó, Đinh Nhật Uy cũng phải trải qua một năm thử thách.
Khi được hỏi so sánh giữa vụ Đinh Nhật Uy với trường hợp của blogger Trương Duy Nhất, ông Dũng cho rằng “vấn đề của Trương Duy Nhất căng thẳng hơn nhiều so với Đinh Nhật Uy.”
“Uy không phải là blogger có tiếng, không trực tiếp viết bài, và cũng chỉ đưa ra những quan điểm mà nhà nước cho là không phù hợp vì vụ Uyên-Kha,” ông nói.
“Thế nhưng Trương Duy Nhất là một blogger, nhà báo chuyên nghiệp. Nội dung của Trương Duy Nhất đưa ra lại liên quan đến một số cá nhân lãnh đạo và đó là vấn đề nghiêm trọng nhất, khiến người ta phải tìm hiểu xem Trương Duy Nhất lấy những tin ấy ở đâu để đăng trên blog của mình”.
Trong cuộc phỏng vấn cùng ngày, luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội nói với BBC rằng “bản án rất có thể khác nhau, tùy vào mức ảnh hưởng.”
“Viết bài với phạm vi nhỏ thì khác, còn những bài bị cho là chống Đảng, Nhà nước đã lan trên diện rộng thì chắc chắn sẽ nặng hơn”, ông Hướng nói.

Tác động từ quốc tế?


Ông Phạm Chí Dũng nói chuyến thăm của John Kerry sẽ ‘không có ảnh hưởng’ đến bản án Trương Duy Nhất
Mặc dù phán đoán ông Nhất sẽ phải chịu một bản án nặng, ông Phạm Chí Dũng cũng cho rằng vì Việt Nam vừa vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nên “các lãnh đạo trung ương có thể xem xét lại bản án của Trương Duy Nhất”.
Trả lời câu hỏi của BBC về ảnh hưởng của chuyến công du mới đây của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tới Việt Nam đối với bản án của ông Trương Duy Nhất, ông Dũng cho rằng chuyến đi này không đặt vấn đề nhân quyền lên hàng đầu và vì vậy, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến vụ án.
“Tôi cho rằng vấn đề nhân quyền mà ông Kerry đặt ra với Hà Nội chỉ có hiệu dụng khi mà ông bỏ ít nhất là một ngày rưỡi tới hai ngày để đàm phán với giới chức Hà Nội về dân chủ và nhân quyền và kèm theo ít nhất là một bản danh sách các tù nhân lương tâm muốn yêu cầu Việt Nam trả tự do,” ông nói.
“Trong khi đó ông Kerry lại có thừa thời gian thăm Nhà thờ Đức Bà, đi xuống Đồng Bằng Sông Cửu Long và những nơi khác.”
“Tôi cho rằng vấn đề nhân quyền Việt Nam trong chuyến đi tuần này của ngoại trưởng Mỹ không phải là vấn đề ưu tiên, và do đó vấn đề Trương Duy Nhất lại càng mờ nhạt hơn nữa.”
“Thế nên tôi cho rằng chuyện Trương Duy Nhất sẽ ít chịu tác động từ quốc tế trong lần này”.
Ông Nhất, năm nay 49 tuổi, bị bắt hôm 26/5 ở Đà Nẵng và bị chuyển ra Hà Nọi trong cùng ngày.
Hiện cho đến nay vẫn chưa rõ khi nào ông sẽ bị đưa ra xét xử.

Tấm vé số ở VN và ‘sự vô cảm’

Hồng Hạnh

Theo báo cáo hoạt động ba tháng đầu năm 2013 của 21 tỉnh, thành Nam Bộ, các công ty xổ số nộp ngân sách trên 5.100 tỷ đồng cùng với tăng trưởng rất khả quan.
Có công ty đã được giải thưởng Nhân Ái Việt Nam, Trung ương Hội Chữ Thập đỏ tặng bằng khen và Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Nhưng đó là bề nổi, còn mặt trái thì sao?
Doanh số phát hành hầu hết các công ty xổ số kiến thiết chính là nhờ lực lượng lao động trẻ em, người già và những người tàn tật thông qua các đại lý đi bán lẻ khắp nơi, từ thôn quê đến thành phố, từ quán ăn quán nước đến bến phà bến xe… không kể ngày hay đêm.
Tỷ lệ tiêu thụ vé số gặt hái nhiều thành công đa số chính là nhờ khơi dậy tấm lòng thương cảm của người Việt, thậm chí nhiều người muốn mua sự bình yên hơn là thật sự mong chờ vận may.
Ngoài ra cũng có một số người mua vé số để mong hy vọng đổi đời nhưng không nhiều.
Dễ dàng nhìn thấy một người khỏe mạnh đẩy một người tàn tật trên chiếc xe lăn tay cầm xấp vé số mời mọc miệt mài.
Nhiều em bé đầu đội trời, chân đạp đất đi khắp phố phường, ghé mọi nơi có thể với nắm vé số trên tay.
Người phụ nữ bồng đứa con còn đang đỏ hỏn, tay cầm nón che nắng cho con, tay chào mời mua vé số. Người mù, người già, tay cầm chiếc gậy tay kia cầm xấp vé số thều thào mời gọi.
Ngồi trong quán ăn, quán nước, công viên, bến phà… không dưới vài lần khách được mời mua vé số, dù tìm lời thật ý tứ để từ chối nhưng với những lời nỉ non quá dài, quá dai, quá thảm của họ thì kết quả khách cũng không nỡ chối từ.
Thậm chí một số người còn tự tạo cho mình hoặc trẻ em dẫn dắt theo, những thương tích, băng bó để gợi lòng thương hại mọi người không ngoài mục đích tăng “huê hồng” từ số lượng tiêu thụ vé số.

Trách nhiệm

Trên mạng cộng đồng, báo chí Việt nam không ít lần đề cập đến bao nỗi khổ từ hệ lụy bán vé số.
Trẻ em bị ép buộc, đánh đập, người già, người mù lang thang, người lợi dụng trẻ tàn tật, bé gái bị hiếp dâm, bị cướp vé số cũng chỉ dừng ở mức độ chia sẻ chứ không đề cập đến nguyên nhân và trách nhiệm từ đâu.
Trách nhiệm đầu tiên, cao nhất chính là từ các công ty phát hành vé số kiến thiết trên cả nước, sản phẩm của họ được tiêu thụ đến người tiêu dùng dưới nhiều hình thức.
Họ quá hiểu luật pháp về quy định sử dụng lao động, họ biết rõ đối tượng nào đang là nguồn lao động chủ yếu phục vụ cho doanh thu.
Họ chạy theo lợi nhuận, thành tích, chối phủi trách nhiệm pháp luật với cộng đồng, lách luật một cách rất hồn nhiên. Cho dù cuộc chơi này chính họ là người chọn quyền quy định, ràng buộc và áp đặt.
Các cơ quan hành pháp đã và đang vô tình hay cố ý làm ngơ vi phạm của các công ty xổ số kiến thiết trước sáu mươi điều “ Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”, Luật lao động? Chưa kể các điều ước quốc tế về Luật Nhân quyền.
Thực tế với hoàn cảnh đa số người nghèo ở Việt nam, trẻ em bị cha mẹ buộc hành nghề bán vé số lại có ý nghĩa thiết thực đến cuộc sống hàng ngày và kinh tế gia đình hơn là dành thời gian đi học dài hơi.
Người già, trẻ tàn tật tham gia bán vé số cũng ít nhiều giảm gánh nặng cho gia đình hoặc để tồn tại, không kể các trường hợp chăn dắt.
Đã đến lúc phải chọn tôn ti trật tự, thượng tôn pháp luật hay thành tích, lợi nhuận nộp ngân sách, hay lợi ích cá nhân dựa vào gia cảnh của người nghèo, trẻ em bất hạnh, người khuyết tật, người già neo đơn.
Chính phủ cần phải quan tâm cụ thể hơn nữa về quỹ phúc lợi, cơ sở hạ tầng dành cho người già, trẻ em, người khuyết tật. Có biện pháp cứng rắn về các tổ chức, cá nhân lợi dụng, sử dụng lao động trực tiếp các đối tượng trên.
Phải chấm dứt việc lạm dụng lòng đồng cảm của công đồng vô tình góp phần làm tăng thêm sự vô cảm đối với xã hội. Đừng biến sự vô cảm thành tội ác.
Nên chăng phải in câu “Người tiêu thụ vé số kiến thiết từ trẻ em, người già, người tàn tật là tiếp tay với vi phạm pháp luật” trên từng tờ vé số kiến thiết giống như quy định cảnh báo về sức khỏe in ở bao thuốc lá.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, gửi từ Hà Nội. BBC Tiếng Việt mong nhận được các ý kiến đóng góp của độc giả về các vấn đề xã hội.

Pháp luật không nghiêm minh, đừng đòi người dân phải tốt

Sau khi đăng tải bài Cái xấu và năng khiếu ngụy biện của người Việt của tác giả Lương Hoài Nam, mục Tôi viết đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, phản biện, khai triển... Dưới đây là bài phản biện của một blogger đang sống tại TP.HCM.


Chỉ khi pháp luật thực sự nghiêm minh, những kẻ tham nhũng bị lôi hết ra ánh sáng và chịu sự trừng trị thích đáng thì mới có khả năng ngăn chặn được loại tội phạm này. Trong ảnh là Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc tại tòa trước khi nghe tuyên án trong vụ tham nhũng ở Vinalines - Ảnh: Hoàng Trang chụp qua màn hình

Mục Tôi viết vừa đăng tải bài viết của tác giả Lương Hoài Nam Cái xấu và năng khiếu ngụy biện của người Việt, trình bày cách tiếp cận từ học thuyết của Maslow và quy nạp rằng những thói xấu của người Việt được dung dưỡng bởi thói ngụy biện.

Đồng thời tác giả cũng cho rằng không thể “bắt những người tuổi 20, 30, 40, 50 quay lại học lại từ lớp vỡ lòng và các môn học đạo đức công dân có chất lượng tốt hơn” và “mọi thứ xấu xa đổ hết cho chính sách, cơ chế, thể chế là xong”.

Tôi đồng tình với tác giả Lương Hoài Nam về những thói hư, tật xấu của người Việt đang được “ngụy biện” một cách hợp lý trong một cơ chế hợp lý. Và sự ngụy biện cho những cái xấu này đang được dung dưỡng trong xã hội, được “một bộ phận không nhỏ” người Việt coi đó là sự khôn ngoan, thức thời.

Tuy nhiên, tôi không đồng tình với việc đổ lỗi toàn bộ cho nhận thức của con người. Tác giả cho rằng “người lớn” - những “sản phẩm tồn kho” của xã hội - không thể thay đổi được nhận thức và đạo đức xã hội nên họ sẵn sàng ngụy biện. Tôi cũng không đồng tình với việc tác giả xem nhẹ vai trò của pháp luật trong xã hội, cho rằng những “sản phẩm tồn kho” vin vào sự thiếu khuyết của cơ chế, chính sách để ngụy biện.

Có thể nói, học thuyết Maslow không sai khi cho rằng “để thay đổi hành vi con người và giảm bớt những thứ xấu xa trong xã hội” cần phải “thay đổi nhận thức của con người, làm cho mỗi một người ý thức đầy đủ các rủi ro, hậu quả từ mỗi hành động của bản thân”. Nhưng học thuyết Maslow sẽ không áp dụng được khi một xã hội yếu kém về thể chế, và thiếu sự công bằng trong mối quan hệ giữa người với người, đặc biệt là mối quan hệ giữa công bộc và người dân.

Vì vậy, chính tác giả Lương Hoài Nam cũng đang ngụy biện cho quan điểm của ông dựa trên một học thuyết khi mà nền tảng cơ sở lẫn các điều kiện biên chưa đáp ứng được yêu cầu áp dụng học thuyết đó. Hay nói một cách đơn giản, là một sự suy diễn và áp đặt thiếu thực tiễn.

Người viết sẽ phản biện với 2 ý kiến không đồng tình với quan điểm của tác giả Lương Hoài Nam.

Nhận thức là sản phẩm của quá trình giáo dục liên tục

V.I. Lenin có câu nói nổi tiếng “Học, học nữa, học mãi”. Điều này nói lên sự học không có giới hạn về kiến thức và tuổi tác, và học không bao giờ thừa.

Ông cha ta cũng có câu nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Điều này cũng cho thấy, kiến thức trong xã hội vô cùng lớn. Chúng ta càng đi xa, chúng ta càng học được nhiều điều mới. Và những gì chúng ta học được, sẽ hình thành nên tri thức. Khi con người có vốn tri thức lớn, thì sẽ giải thích được sự vật hiện tượng một cách hợp lý, thậm chí còn hình thành nên các hệ tư tưởng.

Tri thức được hình thành từ những kiến thức trong quá trình đào tạo và trong thực tiễn cuộc sống. Không phải học hết một cuốn sách dày là đã có tri thức, cũng như không phải những điều nhỏ nhặt học được trong cuộc sống không phải là tri thức.

Quay lại chủ đề tác giả Lương Hoài Nam cho rằng không thể bắt những người ngoài tuổi đi học quay lại học vỡ lòng về đạo đức để chất lượng tốt hơn. Người viết cho rằng đây là một sự ngụy biện thiếu cơ sở.

Như những gì đã nêu một cách sơ lược về sự học cũng như sự hình thành tri thức con người ở trên, có thể thấy những điều hay, điều tốt con người chúng ta đều có thể học hỏi mà không giới hạn tuổi tác. Có thể lấy ví dụ đơn giản, một người dân nông thôn, miền núi hoàn toàn có thể tự học hỏi những văn minh của đô thị khi họ chuyển khu vực sống từ nông thôn, miền núi ra thành thị.

Hay lấy một ví dụ khác, những người lớn sống vô cảm với xã hội hoàn toàn học được sự nhân ái và trách nhiệm xã hội từ việc một em bé đánh giày dắt một người già cả đi sang đường. Sự việc "hôi bia" ở Biên Hòa vừa qua cũng cho thấy điều đó, những người đã “trót” hôi bia vì lòng tham vô thức tự cảm thấy xấu hổ và qua đó họ có một bài học để biết tự xấu hổ với hành vi vô thức đó, như câu chuyện của người mẹ bị con gái chất vấn rằng “Mẹ lấy bia làm gì khi nhà mình không ai uống?”.

Như vậy có thể thấy, kết luận những “sản phẩm tồn kho” của xã hội không thể học lại được bài học vỡ lòng về đạo đức của ông Nam là một sự áp đặt duy ý chí, một sự ngụy biện để giải thích tính hợp lý của một sự vật hiện tượng đã và đang tồn tại trong xã hội.

Vậy tại sao những “sản phẩm tồn kho” của xã hội vẫn học hỏi được những điều tốt trong xã hội mà họ lại cố tình “ngụy biện” để đồng lõa với những điều sai trái, những điều chưa văn minh trong xã hội? Vấn đề này liên quan đến vế sau mà người viết sẽ phản biện ở ý thứ hai dưới đây.

Pháp luật không nghiêm minh, đừng đòi người dân phải tốt

Hàn Phi Tử nói: “Pháp luật không hùa theo người sang. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu”.

Có thể thấy, nếu pháp luật nghiêm minh thì con người sẽ tự thay đổi nhận thức để sống đúng pháp luật. Những cái xấu, cái sai sẽ bị xã hội lên án, phê phán và tẩy chay. Sẽ không còn cơ hội cho những kẻ làm việc xấu, việc sai ngụy biện cho hành vi của họ.

Tham nhũng là quốc nạn, chúng ta ai ai cũng biết và lên án. Đảng và Nhà nước đang kêu gọi tất cả người dân chung tay phòng chống tham nhũng. Những bản án nghiêm khắc trong hai vụ tham nhũng nghiêm trọng tại Công ty Cho thuê Tài chính II và Vinalines đã cho thấy sự quyết tâm đẩy lùi tệ nạn tham nhũng.

Thế nhưng, đây mới chỉ là những kẻ “bị lộ”, còn những kẻ “chưa lộ” sẽ như thế nào? Chúng ta đang sống trong một xã hội đâu đâu cũng có tham nhũng. Từ tệ nạn phong bì khi làm việc ở các cơ quan công quyền, trong ngành giáo dục, y tế, cảnh sát giao thông,… đến sự chia chác hoa hồng trong việc thực hiện các dự án, sự tham ô bòn rút tài sản công. Và chính chúng ta đang tiếp tay cho sự tham nhũng đó.

Có thể kêu gọi những kẻ tham nhũng thay đổi nhận thức để không tham nhũng được không? Điều này rất khó, thậm chí là không thể. Vì khi họ đã có lòng tham, và sống trong một xã hội đâu cũng nhìn thấy tham nhũng thì không thể lấy sự giáo dục để thay đổi nhận thức. Chỉ khi pháp luật thực sự nghiêm minh, những kẻ tham nhũng bị lôi hết ra ánh sáng và chịu sự trừng trị thích đáng thì mới có khả năng ngăn chặn được.

Pháp luật ở đâu khi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Giang có văn bản đề nghị cơ quan điều tra không xử lý hình sự những kẻ đã nhẫn tâm tham ô những đồng tiền tài trợ của trẻ em khuyết tật? Pháp luật ở đâu khi ông giám đốc sở khẳng định sẽ xử lý kỷ luật người tố cáo tham nhũng? Khi những kẻ có chức, có quyền như vậy, có còn làm gương để người dân không còn hôi của?


Khi pháp luật đã nghiêm minh, thì nhận thức của con người sẽ thay đổi. Sự nghiêm minh của pháp luật không cho phép những kẻ làm sai ngụy biện cái sai của họ. Sự nghiêm minh của pháp luật khiến con người không thể đánh đổi cái sai, cái xấu của mình bằng mạng sống, nhà tù và tiền phạt




Nếu y tá, bác sĩ không nhận phong bì, mà ưu tiên cho những kẻ đến sau khám trước, thì có hay không sự chen lấn, xô đẩy khi đi khám bệnh? Khi chúng ta phê phán người dân chen lấn, thì có pháp luật nào ngăn chặn được tình trạng “ăn” phong bì và sự sòng phẳng trong xếp hàng của người dân không?

Cảnh sát giao thông có nhiệm vụ hướng dẫn người dân tuân thủ đúng luật giao thông, đảm bảo trật tự và an toàn giao thông. Nếu họ đứng ở vị trí điều khiển giao thông, thì có phương tiện nào dám vượt đèn đỏ? Hành vi “núp” của họ đã và đang bị xã hội lên án có bao nhiêu trường hợp bị lộ? Và có pháp luật nào quy định họ được “núp” để bắt những người dân thiếu ý thức giao thông không?

Lực lượng dân phòng có vai trò tham gia cùng lực lượng công an phường trong việc giữ gìn trật tự trị an khu phố. Có pháp luật nào quy định họ được giữ xe, thu tài sản của dân và đánh dân không?

Những người dân từ nông thôn, miền núi tràn về các đô thị lớn buôn thúng bán mẹt, lấn chiếm vỉa hè, làm nhếch nhác bộ mặt của đô thị. Nhưng họ sẽ sống thế nào khi mà làm nông nghiệp luôn bị lỗ, không đủ tiền để nuôi sống gia đình họ, kèm theo hàng chục loại phí do địa phương quy định. Pháp luật nào sẽ xử lý những kẻ đầu cơ nông sản, những kẻ quy định các mức phí bất hợp lý?

Cấm xe máy là một việc làm cần thiết trong các đô thị lớn. Không đề cập đến những người nghèo từ nông thôn lên thành phố sử dụng xe máy như một phương tiện kiếm sống, thử hỏi đã có giải pháp gì để cho những người sống trong thành phố, làm việc ở thành phố có thể di chuyển để làm việc hằng ngày mà không cần xe máy? Có pháp luật nào nghiêm trị các quan chức chỉ quen hô hào và phê phán, mà cả nhiệm kỳ không có bất kỳ giải pháp nào khả thi hay không?

Trên đây chỉ là một vài ví dụ về việc pháp luật không nghiêm để xảy ra những tiêu cực trong các hoạt động quản lý hành chính, xã hội. Và dĩ nhiên, khi có những tiêu cực đó, thì người dân phải chấp nhận sống trong sự tiêu cực đó. Họ không học tập những tấm gương xấu của những đối tượng tiêu cực, mà họ phải chấp nhận sống tiêu cực trong một xã hội tiêu cực, và họ có quyền ngụy biện cho những hành vi của họ vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo của gia đình họ. Nếu họ không làm thế, có pháp luật nào bênh vực và xử lý kịp thời để họ có thể sống bình thường không?

Bên cạnh sự yếu kém của hệ thống pháp luật dẫn đến những tiêu cực của xã hội, còn xảy ra việc thiếu chế tài xử phạt để phát sinh những cái ác, cái xấu trong xã hội. Mà hiện nay chúng ta đang bất lực nhìn những các ác, cái xấu đang từng ngày xảy ra.

Chúng ta đều biết hành vi đua xe rất nguy hiểm, không những gây mất an ninh trật tự, mà còn có thể gây tai nạn chết người. Tại sao chúng ta không có một biện pháp cứng rắn để nghiêm trị, như cho phép lực lượng cảnh sát bắn những kẻ đua xe, tịch thu phương tiện sung công quỹ? Và nếu làm được điều này, còn ai dám đua xe nữa không? Hay là chúng ta mãi tranh cãi tịch thu phương tiện là vi phạm quyền sở hữu?

Chúng ta đều biết hành vi rải đinh rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn chết người. Tại sao không có một bản án nghiêm khắc ở mức chung thân cho các đối tượng này? Và nếu có mức án như vậy, liệu còn kẻ nào dám rải đinh? Hay chúng ta cứ mãi đổ lỗi cho thiếu chế tài xử phạt.

Chúng ta đều biết hành vi bạo hành với trẻ em như vụ việc tại Cơ sở mầm non tư thục Phương Anh (TP.HCM) vừa qua và các vụ việc trước đó là một việc làm vô nhân đạo, phi giáo dục của những kẻ được gọi là cô giáo, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tâm sinh lý của thế hệ tương lai đất nước. Vậy tại sao không có một bản án chung thân cho những kẻ thiếu nhân tính này? Nếu có thì có còn xảy ra những sự việc khiến cả xã hội căm phẫn này nữa không? Hay chúng ta còn mãi tranh cãi như thế là vi phạm quyền con người?

Có thể những quan điểm về xử phạt như trên là quá cực đoan. Nhưng pháp luật cần phải thực sự nghiêm minh mới nghiêm trị được cái ác, cái xấu đã và đang tồn tại trong xã hội. Những cái ác, cái xấu này đang đẩy lùi sự phát triển văn minh và tiến bộ của xã hội, nhưng lại nhận được sự đồng lõa của xã hội.

Pháp luật (kể cả Hiến pháp) là do con người tạo ra, và con người có thể sửa đổi, thay thế cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Vậy tại sao chúng ta lại cứ “lấn bấn” trong vấn đề này, để những tiêu cực trong xã hội phát sinh rồi lại đổ lỗi cho cơ chế? Phải chăng là sự ngụy biện để thỏa mãn lợi ích cá nhân của những kẻ tiêu cực, và lớn hơn nữa là lợi ích của nhóm tiêu cực?

Khi pháp luật đã nghiêm minh, thì nhận thức của con người sẽ thay đổi. Sự nghiêm minh của pháp luật không cho phép những kẻ làm sai ngụy biện cái sai của họ. Sự nghiêm minh của pháp luật khiến con người không thể đánh đổi cái sai, cái xấu của mình bằng mạng sống, nhà tù và tiền phạt.

Có thể rất nhiều độc giả sẽ cho rằng, người viết lại “ngụy biện” để dung túng thói hư tật xấu của người Việt. Nhưng người viết mong muốn rằng, chúng ta hãy nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề và không nên suy nghĩ một cách áp đặt duy ý chí từ những sự vật hiện tượng của xã hội.

Ai cũng mong muốn sống trong một xã hội văn minh, hiện đại, đầy tính nhân ái và trách nhiệm xã hội. Để làm được việc đó, từng cá nhân hãy sống tốt hơn với chính bản thân mình và với xã hội, không a dua và đồng lõa với cái ác, cái xấu.

Đồng thời, chúng ta cần góp tiếng nói để cải cách thể chế theo hướng tích cực, lấy con người là trung tâm của xã hội, lấy pháp luật làm công cụ. Bài trừ những tệ nạn tiêu cực tham nhũng trong bộ máy quản lý và sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với dân tộc.
 Trường Yên
* Bài viết thể hiện góc nhìn và văn phong của tác giả, là một giảng viên đại học, blogger sống và làm việc tại TP.HCM
(Thanh niên)

Đào Tuấn - U23 để lời xin lỗi mà nhắm rượu tự trọng

Một câu chuyện thật: U23 Việt Nam đã không mua được vé bay thẳng tới Nay Pyi Taw. Và để các tuyển thủ ngôi sao mày râu khỏi phải vất vả, vòng vèo, người ta đã lấy suất bay thẳng từ đội tuyển nữ. Đúng là xách vali lên là bay.
Đừng trách các anh í mất lịch sự. Các anh í còn phải dành sức đá cho ra trò, đá lấy vàng, đá để phụng sự tổ quốc. Chí ít là bóng đá nam cũng là môn thể thao vua. Vua thì phải hơn hoàng hậu rồi.
Thế rồi, người ta khiến cả nước xúc động khi những hình ảnh U23 khổ sở khi phải “họp” ngoài hành lang, không phải do thiếu phòng họp mà vì các anh chê nó bé, chê nó bí.
Thế rồi, cái khách sạn “khốn nạn” Golden Guest nấu nướng thế nào mà anh nào anh í cũng kêu ít đồ ăn, khó nuốt, không hợp khẩu vị để các ngôi sao phải ăn mì tôm.
Thế rồi, các anh í thờ ơ với “2 tỷ bọ” mà VFF hứa thưởng nếu vô địch.
U23, như một đứa em chã, la thảm với “Me” ngay cả khi bị một con muỗi đốt.
Và thằng em chã đó đã thua thảm.

HLV Hoàng Văn Phúc sau trận đấu đã nói lời xin lỗi vì “đã thua do kém may mắn”, do “không đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ”.
Ông Phúc việc gì phải xin lỗi.
U23 may mắn đấy chứ. Có người bảo “Từ chỗ là ứng cử viên bị loại, chúng ta chỉ chịu xách vali về nước sau trận đấu cuối cùng của vòng bảng. Thậm chí chỉ để thua có hai bàn mà không cần ghi bàn nào vào lưới đối phương. Qua đó chúng ta đã giành huy chương đồng môn bóng đá nam ở bảng A”. U23 cũng hoành tráng đấy chứ. Thắng Brunei, cái rổ hứng bóng tennis. Thắng Lào những 5 trái.
Còn kỳ vọng của người hâm mộ ư? Chúng tôi chẳng kỳ vọng gì cả ở một cái kỳ đại hội mà người Thái đá hòa với Campuchia, không phải vì họ “kém may mắn” mà vì họ không muốn tắm mãi trong cái ao làng. Hoặc nếu có kỳ vọng, thì đó chỉ giản dị là niềm tin là U23 sẽ về nước sớm. Và ở giác độ này, hóa ra U23 đã đáp ứng được niềm tin của người hâm mộ.
Ông Phúc không phải xin lỗi. Không biết các quan chức VFF, ông Phúc cũng như các ngôi sao U23 có bao giờ nghe người dân nói. Họ bảo U23 Việt Nam về nước sớm thật ra lại là cái phúc do dân. Phúc vì đỡ phải bực mình vì phải xem bóng đá. Phúc vì VFF đỡ mất “2 tỷ bọ”. Phúc vì nhân dân đỡ tốn thêm tiền cho các anh ăn nghỉ (đỡ được ngày nào rõ ràng hay ngày ấy). Phúc vì ngay cả đến Brasil, Tây Ban Nha, Pháp, Ý cũng đã bao giờ vô địch SEA Games. Phúc vì thực ra VN cũng đã đoạt, mà tận những 2 cup vô địch: Cúp điện và cúp nước.
Và thậm chí, trong một gợi ý không tồi, cư dân mạng còn khuyên tuyển U23 nên sang thi đấu môn bóng đá nữ nếu còn mơ tới chuyện đoạt huy chương.
Chỉ có điều, không ai cười nổi với những cái phúc ấy.
Ông Phúc xin lỗi mà làm gì khi mà lời xin lỗi đó được nói ra quá dễ dàng, nói ra như là để stop trước các phản ứng của dư luận.
Chỉ có một người có thể nhếch mép cất tiếng cười: Ông Hỷ, cựu Chủ tịch VFF đã bất ngờ từ chức “vì lý do sức khỏe” ngay trước thềm SEA Games. Một cú từ chức nói là tự trọng cũng đúng mà bảo khôn vặt cũng chẳng hề sai.
Những chai rượu tự trọng năm nay sẽ được gửi cho ai nhỉ?!
Đào Tuấn
Theo báo Lao Động
 

AFR Dân Nguyễn - Thông tin đa chiều

Cách đây ít ngày, VTV đưa một khuôn mặt đẹp trai, thông minh vào loại nhất của mình-BTV Quang Minh lên màn hình nhỏ để quảng cáo về một chương trình nói về Bình Nhưỡng, thủ đô Bắc Hàn. (Cũng chính BTV này làm MC cho chương trình quảng cáo về “Sự thành công của việc thông qua HP sửa đổi” tại Nhà hát lớn HN). Chỉ nghe qua lời quảng cáo của BTV này trong chừng 30 giây, cũng hiểu cái chương trình đó sẽ nhằm ca ngợi chế độ độc tài khát máu vào loại bậc nhất trong lịch sử loài người chứ không riêng gì của Bắc Hàn mà người ta từng thấy. Trong lúc biên tập viên nói, người ta tranh thủ show lên màn hình những thành tựu của chế độ khát máu: Nhà cao tầng, đường phố rộng rãi, sạch đẹp, ô tô nhiều như xe máy trên phố HN của VN… chứ không hề thấy hình ảnh đói rách tả tơi của người dân nơi các trang trại…

Vẫn biết VTV, cùng với hệ thống truyền thông to lớn với trên 700 đầu báo, là nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền của đảng
Vẫn biết vừa qua VTV được hiện đại hóa với số tiền mua sắm trang thiết bị hiện đại không hề nhỏ, trong khi cả nước buộc phải giảm thiểu đầu tư công tới mức thấp nhất. Đó là sự ưu tiên đặc biệt, vì đảng ta, hơn ai hết, hiểu rất rõ rằng thông tin cực kỳ quan trọng. Chẳng thế mà khi chiếm được SG 40 năm về trước, một trong những công việc đầu tiên là phải chiếm đài phát thanh. Chẳng thế mà đảng quyết không chia xẻ quyền tự do thông tin cho bất cứ ai, tìm mọi cách hạn chế thông tin internet….
Để xem trong cái phóng sự tối mai (20/12)VTV sẽ ngợi ca những gì về chế độ XHCN tươi đẹp ở Bình Nhưỡng. Liệu sẽ có mấy người tin về một đất nước Bắc Hàn, nơi mà nền chính trị “Không giống ai” được thiết lập trên nửa bán đảo Triều Tiên hơn 60 năm qua là tốt đẹp, cho dù VTV có quay toàn cảnh xe hơi nhà cao tầng ở thủ đô Bình Nhưỡng rồi nói rằng đó là một thị trấn vùng sâu vùng xa, hay gí ống kính vào bữa dạ yến cung đình của Ủn họ Kim rồi bảo rằng, đây là bữa ăn trưa của công nhân nông trại…(Ai chứ VTV dám lắm. Cứ xem cách họ chế biến ra cái phóng sự vấy bẩn LM Ngô Quang Kiệt, hay phóng sự về việc công an nhân dân hiền như đất, ngồi chụm lại lấy khiên che chắn cho nhau tránh bị “Giáo dân” ném đá ở Nghệ An…).
Hơn tuần nay, trong nước có Dũng đại diện cho “Quả đấm thép” ra tòa, làm thông tin truyền thông trong nước được ăn tiệc đứng tiệc ngồi với đủ món từ khai vị đoán già đoán non về cách xử tử hình, đến món chính với những bình luận và các câu hỏi “Liệu ai đứng sau Dũng”…
Cũng hơn tuần nay “Cả nước hướng về Bình Nhưỡng” vì những thông tin chính trường của nước bạn, nơi có nhà nước “Dân chủ nhân dân” tươi đẹp!
Nơi mà một vị quan đầu triều, kẻ dưới một người, trên muôn người vừa bị xử tử hình. Cái cách kết tội cũng như cách hành tội chóng vánh và đặc biệt không giống ở đâu, không giống thời kỳ nào của lịch sử nhân loại. Không có xử sơ thẩm phúc thẩm. Không có kháng cáo. Dĩ nhiên làm gì có luật sư bào chữa. Cách hành tội cũng đặc biệt. Nghe nói Jang Song Taek (Nhân vật số hai sau Kim jong Un) bị hành quyết bằng …súng máy và súng phun lửa!? Nếu đúng như thế, sẽ hết sức ấn tượng nếu VTV có thước phim hay đoạn video clip về cảnh đó để chưng cho khán giả cả nước xem!
Ở một đất nước mà tính mạng con người mong manh đến dễ sợ.
Ở một đất nước mà ngay cả những kẻ tưởng mình có quyền uy tối cao, cũng có thể bị gí súng vào lưng, hay xốc nách lôi ra khỏi phòng họp, rồi không còn đủ thời gian chăng trối với gia quyến bạn bè.
Ở một đất nước mà, chỉ cần sơ xảy một chút trong cư xử với lãnh đạo tối cao, cũng có thể bị “Nâng quan điểm” khép tội phản bội, tạo phản hay phản quốc…(Giống bọn côn đồ bắt lỗi “Nhìn đểu” cho bất cứ ai..).
Vậy mà VTV vẫn có thể tìm được ra những điều cần nói (về những gì là tốt đẹp?), vì chắc chắn VTV không có ý nói xấu hay “Bôi nhọ” lãnh đạo xứ Bắc Hàn.
Về sự bất công của chế độ tư bản, nơi người bóc lột người, truyền thông của đảng đã ra rả suốt mấy mươi năm qua.
Nay cần cổ súy, tô đẹp cho thành tựu của phe XHCN, trong đó có nước bạn Bắc Triều Tiên- một quốc gia cực nghèo nhưng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Thế mới đa chiều!
Dec/19th/2013
AFR Dân Nguyễn
(Quê choa)

Trung Quốc nhận viện trợ từ Anh

Thủ tướng Cameron gần đây thăm TQ.
Tựa đề lớn trên trang nhất của tờ Daily Mail – một trong những nhật báo quan trọng tại Anh – số ra ngày thứ Hai (16/12) là ‘Why Are We Giving China £27m in Aid?’ tạm dịch là ‘Tại sao chúng ta lại viện trợ Trung quốc 27 triệu bảng?’ khi quốc gia này vừa mới ‘phóng vệ tinh lên mặt trăng và là một siêu cường kinh tế’?

Theo số liệu mà tờ Daily Mail có được, năm 2012, Anh đã viện trợ Trung Quốc đến 27.4 triệu bảng (Anh) và Việt Nam – một trong số 15 nước vẫn còn nhận viện trợ từ Anh – 51.5 triệu bảng.

Nhưng trong số các quốc gia nhận viện trợ Anh, Trung Quốc là nước làm tác giả của bài viết ấy là Jason Groves thắc mắc và đặt câu hỏi tại sao Anh lại đi viện trợ cho quốc gia Cộng sản giàu có và vừa thành công phóng vệ tinh lên mặt trăng này?

Giàu vẫn nhận viện trợ

Bài viết đã trích dẫn ông Peter Bone, một dân biểu thuộc đảng Bảo thủ và là người đã kêu gọi bà Justine Greening, Bộ trưởng Phát triển quốc tế của Anh, phải giải thích tại sao Anh vẫn viện trợ cho Trung Quốc.

Hệ thống tàu cao tốc của TQ được phát triển mạnh và nhanh trong nhiều năm qua.
Ông Peter Bone được trích dẫn nói rằng: ‘Công luận có lý khi kinh tởm về việc chúng ta vẫn tiếp tục lãng phí tiền viện trợ cho Trung Quốc. Thật là bất thường khi chúng ta làm việc đó họ lại đi gửi tàu thăm dò lên mặt trăng’.

Một dân biểu khác thuộc đảng Bảo thủ và là thành viên của ủy ban phát triển quốc tế của Hạ viện Anh, bà Pauline Latham, cũng được trích dẫn nói rằng bà rất ngạc nhiên về tiết lộ ấy và cho rằng khi Trung Quốc đã phóng vệ tinh lên mặt trăng ‘rõ ràng họ không cần sự giúp đỡ của chúng ta nữa’.

Theo tác giả của bài viết Trung Quốc hiện có gần 2000 tỷ bảng tiền dự trữ, đang đổ hàng tỷ vào chương trình không gian của mình và có đến 1.4 tỷ người Trung Quốc xem trực tiếp trên truyền hình chương trình phóng Jade Rabbit (Thỏ Ngọc) lên mặt trăng vừa rồi của nước này.

Có thể nói phóng viên Jason Groves, các dân biểu như Peter Bone và Pauline Latham cũng như người dân Anh có lý khi hỏi tại sao chính phủ của họ lại bỏ ra một số tiền lớn như vậy để viện trợ cho Bắc Kinh.

Trung Quốc hiện là nước có kích cỡ kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo Ngân hàng thế giới (World Bank), sản lượng quốc gia (GDP) của nước này năm 2012 là 8,358 tỷ đôla Mỹ – sau Mỹ (15,680 tỷ) và trước Nhật (5,969 tỷ) – trong khi đó GDP của Anh chỉ là 2,435 tỷ. Như vậy, tính theo GDP, Trung Quốc ‘giàu’ hơn Anh gần đến bốn lần.

Về thương mại, Trung Quốc cũng vượt trội Anh. Theo Tổ chức mậu dịch thế giới (WTO), năm 2012, với việc chiếm đến 10.45% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thế giới, Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ (10.5%) và vượt xa Anh (3,15%).

Điều đáng nói hơn, Trung Quốc hiện là nước đứng đầu về xuất khẩu (chiếm đến 11.1% tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới), trong khi đó Anh xếp thứ 11 (với chỉ 2.6% tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới).

TQ phát tăng đầu tư cho hải quân và không quân.
Trung Quốc hiện cũng là quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới. Theo số liệu của Stockholm International Peace Research Institute, chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc năm 2013 là 166 tỷ, trong khi đó Anh chỉ dành cho quốc phòng 60.8 tỷ.

Về thu nhập đầu người, Trung Quốc vẫn còn thua xa các nước phát triển khác như Anh. Theo số liệu của World Bank, trong khi thu nhập đầu người của Trung Quốc năm 2012 chỉ có 5,680 đôla Mỹ, thu nhập đầu người ở Anh là 38,250.

Nhưng tính theo các chỉ số khác, như GDP, thương mại hay chi phí cho quốc phòng, Trung Quốc không còn là một nước nghèo. Trái lại, quốc gia này đang trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự.

Thậm chí xét về thu nhập đầu người, Trung Quốc cũng giàu hơn nhiều quốc gia châu Á khác như Ấn Độ (1,530 đôla/người), Indonesia (3,420 đôla/người), Philippines (2,470 đôla/người) hay Việt Nam (1,400 đôla/người).

Tuy vậy, xem ra Trung Quốc vẫn cảm thấy ‘nghèo’ và đi nhận viện trợ từ một quốc gia khác như Anh. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng vào đầu tháng 12 này, Thủ tướng Anh David Cameron đã có chuyến công du tới Trung Quốc và trong khi ông còn đang ở đây, một số báo chí nước này đã lên tiếng chê bai nước Anh và cho rằng nước Anh không còn là ‘một nước lớn’.

'Giàu nhưng hơi keo kiệt'?

Một điều đáng nói là nữa là dù tương đối ‘giàu’ và sẵn sàng đi nhận viện trợ từ các chính phủ khác, chính quyền Trung Quốc lại tỏ ra keo kiệt đối với những quốc gia, nạn nhân bị thiên tai.

Chẳng hạn, Bắc Kinh chỉ viện trợ cho Philippines 100 nghìn đôla tiền mặt sau khi quốc gia này bị bão Haiyan tàn phá nặng nề vào tháng 11. Với số tiền ít ỏi ấy (bằng Việt Nam và chỉ bằng 1/200 tổng giá trị gói viện trợ 20 triệu đôla của Mỹ), Trung Quốc xếp chót bảng các nước viện trợ Philippines.

Thái độ ti tiện này của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của báo chí và dư luận thế giới. Ngay cả Hoàn cầu Thời báo (Global Times) – một tờ báo của Trung Quốc có xu hướng diều hâu, nặng chủ nghĩa dân tộc – cũng phải lên tiếng về khoản viện trợ quá khiêm tốn ấy và cho rằng làm như thế sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới.




Tại sao một quốc gia đang trở nên giàu mạnh, đang lên như thế lại không có lòng tự trọng, chấp nhận đi nhận viện trợ từ một quốc gia khác."
Sau khi bị công luận quốc tế và truyền thông trong nước chỉ trích về khoản viện trợ bằng tiền mặt quá ít ỏi ấy, chính phủ Trung Quốc mới quyết định viện trợ thêm cho Philippines 1,4 triệu đôla.

Một cường quốc kinh tế chỉ bỏ ra 100 ngàn đôla để cứu trợ một nước láng giềng đang bị thảm họa – với việc hàng ngàn người bị thiệt mạng và hàng chục ngàn người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất – trong khi những quốc gia xa xôi lại đồng loạt đưa ra những khoản viện trợ lớn và kịp thời cho thấy Trung Quốc rất keo kiệt, ti tiện.

Dù sau đó Trung Quốc cung cấp thêm gói viện trợ trị giá 1,4 triệu đôla, khoản viện trợ ấy cũng thua xa rất nhiều các nước khác, trong đó có Anh – quốc gia đã tăng gấp đôi viện trợ từ khoảng hơn 20 triệu đôla ban đầu lên 80 triệu trong khi người dân Anh cũng đóng góp khoảng hơn 53 triệu.

Chuyện Trung Quốc giàu nhưng vẫn đi nhận viện trợ từ Anh hay việc quốc gia này chỉ dành một gói viện trợ quá khiêm tốn cho Philippines sau bão Haiyan chứng tỏ dù đang trở thành cường quốc kinh tế của thế giới Trung Quốc vẫn chưa cư xử như là một nước lớn và có trách nhiệm. Và chắc chắn những chuyện đó cũng làm ảnh hưởng đến vị thế, uy tín của Trung Quốc.

Trong một thế giới mà sức mạnh mềm đóng một vài trò quan trọng, việc Trung Quốc đi nhận viện trợ từ Anh như tờ Daily Mail tường thuật sẽ làm không ít người đặt câu hỏi tại sao một quốc gia đang trở nên giàu mạnh, đang lên như thế lại không có lòng tự trọng, chấp nhận đi nhận viện trợ từ một quốc gia khác.

Có thể nói, nếu việc Trung Quốc phóng thành công vệ tinh lên mặt trăng làm nhiều người thán phục, nể sợ Trung Quốc bao nhiêu, chuyện nước này nhận một số tiền viện trợ như vậy từ Anh lại làm cho công luận coi thường Trung Quốc và nghi ngờ sức mạnh của quốc gia này bấy nhiêu.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nghiên cứu viên tại tổ chức Global Resarch Institute tại Anh Quốc.

TS Đoàn Xuân Lộc
Theo BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét