Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Nhập viện cấp cứu vì bị công an ép cung & Mỹ thắng Tàu một bước

Chúng ta phẫn nộ để làm gì?


Mẹ Nấm (Danlambao) - Chúng ta phẫn nộ khi thấy trẻ con bị đánh, người dân bị án oan 10 năm vì bức cung, người lao động nghèo bị bóp cổ, tham nhũng tràn lan trong xã hội… Và chúng ta phẫn nộ trong im lặng bởi nó chưa đụng chạm đến cuộc sống của chúng ta bằng mắt thường. Và mọi thứ cứ lặng lẽ trôi qua như một ấm nước sôi sùng sục rồi trở nguội, không có gì thay đổi. Vậy thì chúng ta phẫn nộ để làm gì?…
Khắp các mặt báo tràn ngập thông tin về việc hai cô bảo mẫu ở Thủ Đức (Sài Gòn) bạo hành trẻ mầm non.
Các phóng viên báo Tuổi Trẻ đã kiên trì theo dõi khá lâu để có một đoạn phóng sự khiến dư luận phẫn nộ.
Trên mạng xã hội hàng loạt status và comment đòi phải trừng trị hai bảo mẫu kia thật nghiêm minh.
Phản ứng thường thấy của những người lớn khi trẻ con bị bạo hành đó là đòi đánh đập, xé xác, bắt những con người dã man kia phải hứng chịu những hình phạt như họ đã làm với con trẻ.
Phản ứng khác hơn một chút có người đưa ra giải pháp khác là nên đưa con đến các nhà trẻ tốt hơn, tin tưởng hơn với giá cao hơn.
Vấn đề chúng ta cần bình tĩnh xem xét nghiêm túc rằng đây không phải là lần đầu tiên vấn nạn trẻ mầm non bị bạo hành nhức nhối trên mặt báo.
Đã có bao nhiêu lần bạo hành xảy ra, đã bao nhiêu lần trẻ con bị ngược đãi?
Hành vi sử dụng bạo lực để nuôi dạy trẻ của mẹ con bà Quản Thị Kim Hoa đã bị phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình Đồng Nai ghi hình và phát sóng vào ngày 15/1/2008, gây bức xúc dư luận cả nước. Kết quả mức án 18 tháng tù giam có làm giảm đi nạn bạo hành trẻ mầm non không?
Xin thưa là không.
Mới nhất là ngày 16/11/2013, cháu bé 18 tháng tuổi Đỗ Ngọc Long đã bị bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ xách ngược lên doạ khi cháu không chịu ăn và làm té xuống sàn, sau đó lại bị đạp liên tiếp vào bụng dẫn đến tử vong.
Chúng ta phẫn nộ, chúng ta sục sôi khi đọc tin nhưng chúng ta ngồi im để sự phẫn nộ ấy trôi qua như một tiếng chặc lưỡi.
Chưa bao giờ chúng ta – những người lớn, những người đã, đang và sẽ làm cha làm mẹ nghĩ đến việc lên tiếng để yêu cầu phải có thay đổi từ hệ thống giáo dục – nguồn gốc chính dẫn đến tình trạng rối ren và ảnh hưởng đến tương lai của con cái chúng ta.
Xem xét kỹ lại các tình huống đã xảy ra những vụ bạo hành thương tâm, đa phần là ở các nhà trẻ tư, nơi có nhiều công nhân nghèo xa quê sinh sống.
Chúng ta – những người lớn, chưa một lần nghiêm túc nghĩ đến việc lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của thế hệ tương lai.
Năm 2008, báo Sài Gòn Tiếp Thị có đăng bài “Khi sữa mẹ còn chảy ròng ròng trên ngực áo” (1) của nhà báo Trung Hồ. Và đến nay lời đề nghị “Thưa ông bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo, xin hãy ra ngay một lệnh buộc các trường mầm non nhận ngay các cháu kể từ bốn tháng tuổi, khó khăn nếu có sẽ cùng tìm ra cách giải quyết” của nhà báo này đã rơi vào quên lãng.
Đã có lúc nào chúng ta, những người lớn nghĩ rằng mình sẽ phải lên tiếng để yêu cầu các cơ quan chức năng phải nghiêm túc giải quyết vấn đề nhận giữ trẻ ngay khi các bà mẹ kết thúc giai đoạn nghỉ thai sản quay lại làm việc chưa?
Chúng ta phẫn nộ vì sự tàn ác của các bảo mẫu nhưng có lúc nào chúng ta thật sự quan tâm đến việc các khu công nghiệp có công nhân nghèo xa quê phải có các nhà trẻ được đăng ký và giám sát chặt chẽ bởi hệ thống công quyền chưa?
Có nhiều cha mẹ quan tâm đến chất lượng và sự quản lý đào tạo ở các nhà trẻ của các cơ sở tôn giáo nhưng ít biết rằng các cơ sở này rất khó khăn khi muốn cấp phép hoạt động bình thường như bao cơ sở khác. Và chúng ta sẽ phải làm gì nếu muốn lựa chọn những trường học như thế này cho con cái chúng ta?
Chúng ta phẫn nộ để làm gì? Cần bao nhiêu lần chúng ta phẫn nộ nữa để chấm dứt tình trạng bạo hành trẻ mầm non?
Chính chúng ta – những người lớn cũng có lỗi vì không bảo vệ được trẻ em khỏi sự bạo hành này.
Chúng ta phẫn nộ mỗi ngày khi có sự việc xảy ra, nhưng lại chấp nhận sống chung với nguyên nhân gây ra sự phẫn nộ ấy chỉ vì nó chưa đụng chạm đến con em mình. Đó là một hình thức dạy dỗ con em chúng ta trở nên ích kỷ với cuộc sống xung quanh.
Chúng ta phẫn nộ khi thấy trẻ con bị đánh, người dân bị án oan 10 năm vì bức cung, người lao động nghèo bị bóp cổ, tham nhũng tràn lan trong xã hội… Và chúng ta phẫn nộ trong im lặng bởi nó chưa đụng chạm đến cuộc sống của chúng ta bằng mắt thường.
Và mọi thứ cứ lặng lẽ trôi qua như một ấm nước sôi sùng sục rồi trở nguội, không có gì thay đổi. Vậy thì chúng ta phẫn nộ để làm gì?
Đã đến lúc đừng để sự phẫn nộ của chúng ta dần trở nên một phản ứng bình thường và vô cảm nếu chúng ta muốn mọi thứ thay đổi thật sự.

Hoa Kỳ nhắm vào Trung Quốc, tăng cường trợ giúp Hải Quân Đông Nam Á


Mathew Lee (Associated Press)/Người dịch: Nguyễn Quốc Khải (Danlambao) - Ông Kerry chỉ trích Trung Quốc, công bố trợ giúp của Hoa Kỳ về an ninh hàng hải cho Đông Nam Á, trong tình trạng căng thẳng.
Ông Kerry tuyên bố Việt Nam cần chứng tỏ tiếp tục tiến bộ về nhân quyền và tự do. Không có những cải tổ như vậy, Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ rất có thể chống lại giao ước với Việt Nam, bao gồm cả việc gia nhập của Việt Nam vào chương trình Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương và việc thi hành hiệp định năng lượng hạt nhân dân sự.
Hình (AP): Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry 
tại buổi họp báo tại Hà Nội vào ngày 16-12-2013.
Hà Nội, Việt Nam – Nhắm rõ ràng vào sự gây gỗ ngày càng gia tăng trong các cuộc tranh chấp về lãnh thổ của Trung Quốc đối với những quốc gia láng giềng nhỏ bé, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ John Kerry tuyên bố vào ngày thứ Hai rằng Hoa Kỳ sẽ tăng cường trợ giúp về an ninh hàng hải cho Đông Nam Á trong tình trạng căng thẳng ngày càng gia tăng với Bắc Kinh.
Trong chuyến viếng thăm Việt Nam đầu tiên với tư cách một nhà ngoại giao cao cấp nhất của Hoa Kỳ, Ông Kerry hứa trợ giúp thêm 32.5 triệu Mỹ kim cho những thành viên của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á để bảo vệ lãnh hải của những nước này và sự tự do lưu thông trong Biển Hoa Nam, nơi mà bốn quốc gia tranh chấp với Trung Quốc. Bao gồm trong trợ giúp mới này là một ngân khoản lên tới 18 triệu Mỹ kim riêng cho Việt Nam để sở hữu năm chiếc tầu tuần tiểu chạy nhanh dành cho Lực Lượng Phòng Vệ Duyên Hải. Ông Kerry nói với sự đóng góp mới, trợ giúp về an ninh hàng hải của Hoa Kỳ dành cho khu vực sẽ vượt quá 156 triệu Mỹ kim trong hai năm tới.
Ông Kerry nói rằng viện trợ mới không phải là một “phản ứng cấp thời đối với bất cứ một biến cố nào ở trong khu vực” nhưng là một trợ giúp “gia tăng dần dần và cân nhắc” nằm trong một quyết định rộng lớn hơn liên quan đến kế hoạch chuyển hướng về Á châu và Thái Bình Dương của chính phủ Obama. Tuy nhiên, Ông Kerry có những lời bình luận này sau khi Washington và Bắc Kinh đã trao đổi những lời lẽ chua cay về việc hai chiến hạm của Hoa Kỳ và Trung Quốc suýt đụng nhau ở Biển Hoa Nam trước đây chỉ có 11 ngày.
Vào cuối tháng 11, Trung Quốc công bố việc thiết lập vùng bảo vệ trên Biển Hoa Đông, khu vực hàng hải giữa Trung Quốc, Đài Loan, Nam Hàn và Nhật Bản. Tất cả những phi cơ bay vào vùng này phải thông báo trước cho giới chức có thẩm quyền, và Trung Quốc sẽ thi hành những biện pháp không nói rõ để chống lại những kẻ không tuân theo. Những quốc gia lân cận và Hoa Kỳ đã nói rằng họ sẽ không công nhận vùng mới – mà mục tiêu là đòi chủ quyền trên vùng tranh chấp – và vùng mới này đã gây ra căng thẳng một cách không cần thiết. Trung Quốc cũng đã xác nhận rằng họ có quyền thiết lập một vùng tương tự trên Biển Hoa Nam, nơi mà Trung Quốc và Phi Luật Tân đang lâm vào một cuộc tranh chấp lãnh thổ lâu dài khác.
Ông Kerry nói với những ký giả tại một cuộc họp báo với Ngoại Trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh rằng “Hòa Bình và ổn định trong Biển Hoa Nam là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ và những quốc gia trong vùng. Chúng tôi rất lo ngại và phản đối mạnh mẽ những chiến thuật ép buộc và gây hấn để tiến hành những đòi hỏi lãnh thổ.”
Trong khi nhấn mạnh lập trường trung lập của Hoa Kỳ về những tranh chấp lãnh thổ, Ông Kerry kêu gọi Trung Quốc và Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) hãy nhanh chóng đồng ý về nguyên tắc ứng xử có tính cách ràng buộc về Biển Hoa Nam và để giải quyết những tranh chấp một cách hòa bình qua những thương thuyết.
Sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc – bao gồm việc thiết lập vùng phòng không ở Biển Hoa Đông – đã làm nhiều nước trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á hoảng sợ, gồm Việt Nam và Phi Luật Tân mà Ông Kerry sẽ viếng thăm vào ngày Thứ Ba.
Ngoài ra, Ông Kerry đã minh xác rằng sự viện trợ nhắm giúp những quốc gia Đông Nam Á bảo vệ lãnh hải của họ chống sự xâm phạm. Sau khi công bố như thế, ông đã sự chỉ trích thẳng thừng Trung Quốc về việc tạo dựng vùng phòng không mới và Trung Quốc có thể làm như thế ở Biển Hoa Nam. Như thế hầu như chắc chắn ông sẽ làm cho Bắc Kinh giận dữ vì cho rằng Hoa Kỳ đã can thiệp vào những lãnh vực liên quan đến những “quyền lợi cốt lõi” của Trung Quốc.
Trung Quốc và Việt Nam tham dự trận chiến biên giới đẫm máu vào 1979 và vào năm 1988 một cuộc hải chiến gần những hòn đảo tranh chấp ngoài biển đã làm 70 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng. Từ đó, những vụ tranh chấp về quyền đánh cá trong vùng đã thỉnh thoảng gây ra những vụ xô xát bạo lực và gia tăng căng thẳng ngoại giao.
Ông Kerry có những lời lẽ gay gắt về khu vực phòng không mới tại Biển Hoa Đông. Ông nói khu vực này “rõ ràng gia tăng rủi ro về một tính toán nhầm lẫn nguy hiểm hay một tai nạn.” Điều này có thể đưa tới cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản về một chuỗi đảo nhỏ mà mỗi nước đều đòi quyền sở hữu.
Ông Kerry tuyên bố Hoa Kỳ “rất lo ngại về những hành động gần đây đã làm sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng và chúng tôi đòi hỏi tăng cường những sự thương lượng và sáng kiến ngoại giao.”
Ông Kerry nói tiếp “Khu vực [phòng không] không nên thực hiện, và Trung Quốc không nên có những hành động đơn phương tương tự ở nơi khác, đặc biệt trong vùng Biển Hoa Nam.” Ông Kerry nhắc lại rằng những biện pháp như thế không ảnh hưởng đến những hoạt động quân sự của Hoa Kỳ ở trong vùng.
Bắc Kinh xem toàn vùng Biển Hoa Nam và những chuỗi đảo trong biển này là của Trung Quốc và giải thích luật quốc tế cho phép Trung Quốc quyền cảnh sát hoạt động của hải quân ngoại quốc ở đây. Hải Quân Trung Quốc hoạt động thường xuyên hơn ở Biển Hoa Nam và quanh Nhật Bản trong chương trình phát triển hải quân cho vùng biển sâu.
Căng thẳng nổi bật lên vào đầu tháng này khi một chiến hạm Trung Quốc gần đụng vào một tuần dương hạm của Hoa Kỳ tại Biển Hoa Nam. Hạm Đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nói chiến hạm USS Cowpens đang hoạt động trong hải phận quốc tế và đã phải vận hành để tránh đụng hàng không mẫu hạm duy nhất Liaoning của Trung Quốc vào ngày 5/12.
Tuy nhiên, báo Global Times của Trung Quốc tường thuật vào ngày Thứ Hai rằng chiến hạm của Hoa Kỳ trước tiên quẫy nhiễu Liaoning và nhóm tầu hộ tống, đến quá gần cuộc diễn tập của Hải Quân Trung Quốc và xâm nhập vào “vùng phòng thủ” 30 dặm (miles) của hạm đội Trung Quốc.
Song song với việc thảo luận về vấn đề an ninh hàng hải, Ông Kerry, trong lần viếng thăm Việt Nam thứ 14 kể từ khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, đã áp lực các viên chức Việt Nam trả tự do cho các tù nhân chính trị và cải thiện hồ sơ nhân quyền, đặc biệt về tự do tôn giáo và Internet. Ông nói Hoa Kỳ hài lòng về những cải thiện giới hạn nhưng “Việt Nam cần chứng tỏ tiếp tục tiến bộ về nhân quyền và tự do, bao gồm tự do tôn giáo, tự do phát biểu và tự do hội họp.”
Ông Kerry nói không có những cải tổ như vậy, những thành viên của Quốc Hội sẽ rất có thể chống lại giao ước với Việt Nam, bao gồm cả việc gia nhập của Việt Nam vào chương trình Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương và việc thi hành hiệp định năng lượng hạt nhân dân sự vừa mới được hoàn tất.
Ông Kerry nói thêm rằng ông đã nêu lên những trường hợp tù nhân chính trị cụ thể và đã có một sự trao đổi “rất thẳng thắn và lành mạnh.”
Ngoại Trưởng Minh nói rằng có những khác biệt giữa Hà Nội và Washington về nhân quyền nhưng những khác biệt này sẽ được bàn đến qua đối thoại.
Ông Kerry nói những cải tổ về kinh tế thị trường tự do cũng sẽ quan trọng đối với quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng như giúp cho Hà Nội tiếp nhận tất cả những lợi ích của chương trình Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đang thương thuyết với 11 nước Á châu và Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam.
Ký giả Chris Brummitt của AP đóng góp vài bài tường thuật này.
16-12-2013
Mathew Lee (Associated Press)

Ngô Nhân Dụng - Mỹ thắng Tàu một bước

Tập Cận Bình đang nhường một nước cờ ngoại giao, để rảnh tay củng cố địa vị qua “trận càn quét” các đối thủ chính trị quy tụ trong “Ðảng Dầu lửa” và “Ðảng An ninh” mà Chu Vĩnh Khang đứng đầu cả hai. Trong lúc Tập Cận Bình lo các nước cờ hạ thủ Chu Vĩnh Khang một cách ngoạn mục, thì John Kerry đã thắng một cuộc cờ ngoại giao ngay trong vùng Ðông Nam Á, nơi Bắc Kinh vẫn coi là “ao nhà” của mình, không muốn cho Mỹ can dự.
John Kerry
Trong cuộc thăm viếng Việt Nam, rồi Philippines, những lời tuyên bố và hành động của ngoại trưởng Mỹ đều công khai nhắm vào Trung Cộng, không úp mở. Về hành động thì những việc làm mới của chính phủ Mỹ thì không có gì đáng coi là nghiêm trọng; nhưng các lời nói thì cố ý gây ảnh hưởng mạnh. Trên trường ngoại giao, người ta chỉ cần tạo ảnh hưởng tâm lý như thế. Chi tiền ít mà vẫn nói được nhiều, rõ ràng là lợi lớn.
Tại Việt Nam, John Kerry chỉ giúp thêm 32.5 triệu Mỹ kim cho các nước ASEAN. Nhưng lời tuyên bố nói rõ mục đích là giúp vùng Ðông Nam Á bảo vệ lãnh hải chống xâm lăng. Số tiền 32 triệu không đáng là bao. Nhưng Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á lo bị ai xâm lăng? Ai cũng biết, chỉ có Trung Cộng. Số tiền 18 triệu Mỹ kim giúp riêng cho Việt Nam cũng không cao. Chắc là các lãnh tụ đảng Cộng sản ở Hà Nội rất thất vọng. Không phải vì ngoại trưởng Mỹ lại lên lớp đặt vấn đề nhân quyền; điều này John Kerry bắt buộc phải làm vì trước khi lên đường đã nhận được thư thúc đẩy của 47 nhà lập pháp Hoa Kỳ yêu cầu. Nỗi thất vọng của các quan chức Hà Nội là chính phủ Mỹ chỉ viện trợ dưới hình thức năm chiếc tầu thủy cho Lực Lượng Phòng Vệ Duyên Hải sử dụng trong việc tuần tiễu. Lính đi tuần tiễu tức là các quan lớn khó nhân cơ hội rút ruột. Trong khi đó thì nhân cơ hội có mặt tại chiến trường mà ông đã đóng vai chiến sĩ Hải quân Mỹ nửa thế kỷ trước, John Kerry lại tấn công ngoại giao nhắm vào Bắc Kinh.
John Kerry nói: “Hòa Bình và ổn định trong Biển Hoa Nam là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ và những quốc gia trong vùng. Chúng tôi rất lo ngại và phản đối mạnh mẽ những chiến thuật ép buộc và gây hấn để tiến hành những đòi hỏi lãnh thổ.” Nước nào gây hấn và ép buộc? Nước nào đã và đang tìm cách bành trướng lãnh thổ? Ai cũng biết, đó là Trung Cộng.
Tại Philippines, John Kerry cũng chỉ đến để kết thúc những cuộc đàm phán giữa các viên chức ngoại giao hai nước. Các hiệp ước xác định thủ tục để quân đội Mỹ, gồm cả máy bay, tầu thủy, và bộ binh được đóng tạm trên đất Philippines. Sau khi Mỹ đóng cửa các căn cứ ở Philippines từ năm 1992, đây là những thỏa hiệp đầu tiên chính thức cho phép quân đội Mỹ trở lại. Nhưng trong thực tế, phi cơ và tàu chiến Mỹ đã tới Philippines rất nhiều lần trong các năm qua, được dư luận dân chúng hoan nghênh nồng nhiệt. Cho nên việc ký kết các thỏa ước mới chỉ là công việc bình thường. Nhưng những lời tuyên bố của cả hai ông ngoại trưởng Albert F. del Rosario và John Kerry thì không bình thường.
John Kerry nói: "Hiệp Chúng Quốc mạnh mẽ chống lại đường lối sử dụng hăm dọa (intimidation), cưỡng bách (coercion) hay hiếu chiến (aggression) của các quốc gia để bành trướng lãnh thổ." Kho tự vựng ngoại giao của các nước Ðông Nam Á trong tương lai sẽ chứa đầy những chữ hăm dọa, cưỡng bách, và hiếu chiến; quà tặng của ông ngoại trưởng Mỹ. Và chắc chắn họ sẽ thong thả đem ra dùng mỗi khi nói đến Trung Cộng (trừ chính quyền hai xứ Camphuchia và Việt Nam).
Món quà mà ông John Kerry đem lại cho chính phủ Philippines chỉ có 40 triệu Mỹ kim, cũng nhắm vào việc tuần tiễu duyên hải. Nhưng quan trọng hơn là lời nói, tuy chỉ nhắc lại những lời mà chính phủ Mỹ vẫn nói: Nước Mỹ cương quyết bảo vệ nền an ninh của Philippines. Ðiều này thực ra không cần nói, vì hai nước vẫn còn hiệp ước phòng thủ hỗ tương; nhưng nhắc lại vẫn tạo thêm ảnh hưởng trước mắt. Nhưng trong khi nhắc lại, Kerry còn nói thêm “và an ninh trong vùng.” Mấy chữ chót này là món quà cho các nước Ðông Nam Á.
Cũng như khi đến Việt Nam, tại Philippines ông Kerry đã nhắc lại những lời chỉ trích chính quyền Bắc Kinh trong việc công bố “vùng phòng không” (ADIZ) trong vùng biển Ðông Bắc. Ông nói chính thức: Nước Mỹ không công nhận vùng ADIZ này. Trong thực tế, chính quyền Mỹ đã cho ngay hai pháo đài bay B52 lượn qua vùng này ngay sau khi Bắc Kinh công bố, mà chẳng sao cả. Nhưng khác với chính quyền Cộng sản Việt Nam, Ngoại trưởng Albert F. del Rosario của Philippines cũng lớn tiếng đả kích Bắc Kinh trong vụ ADIZ. Nhưng lời tuyên bố quan trọng hơn nữa, là cả hai ông ngoại trưởng đã báo trước sẽ không chấp nhận nếu Trung Cộng vẽ ra một vùng ADIZ trong vùng biển Ðông Nam Á. Ðây là điều mọi người vẫn biết là thái độ của chính phủ Mỹ. Nhưng điều đó được công bố, và công bố ngay tại Manila, là một nước cờ ngoạn mục.
Chuyến đi của ông Kerry tại Philippines tình cờ trùng hợp với các công tác cứu trợ nạn nhân bão Haiyan, mà số đóng góp của chính phủ Mỹ đang được người Phi hoan hô. Ngoài số tiền 20 triệu đô la, họ còn gửi tới một mẫu hạm, với một ngàn thủy quân lục chiến đến làm việc. Người Phi ai cũng biết chính phủ Bắc Kinh tuyên bố chỉ giúp 100,000 đô la, bằng một phần tư số tiền do một tổ chức thiện nguyện VOICE của người Việt Nam đóng góp (Luật sư Trịnh Hội cho biết, riêng một ngôi chùa người Việt tại Mỹ đã nhờ chuyển 50 ngàn đô la cứu trợ). Sau khi nghe dư luận thế giới đàm tiếu, Bắc Kinh đã phải nâng số tiền cứu trợ lên hai triệu Mỹ kim. Họ không biết câu tục ngữ Việt Nam: Ðồng tiền đi trước là đồng tiền khôn; đồng tiền đi sau là dại.
Chuyến đi của John Kerry phải đặt trong bối cảnh những xung đột ngoại giao đang diễn ra giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, ở phía Bắc Á Châu.
Sau khi Bắc Kinh tuyên bố lập vùng phòng không ADIZ, nước Nhật đã phản ứng, bằng việc làm. Ngày hôm qua, 17 tháng 12, 2013, chính phủ Nhật Bản đã công bố những chiến lược quốc phòng mới. Thủ tướng Shinzo Abe gọi đây là kế hoạch quốc phòng, nhưng ai cũng thấy tầm quan trọng trong lâu dài. Nhật Bản sẽ mua thêm các máy bay không người lái và các tàu đổ bộ, là những thứ không thể coi là vũ khí “phòng thủ” như bản Hiến pháp Nhật đòi hỏi. Ngân sách quốc phòng Nhật sẽ gia tăng trong mười năm tới, đi ngược lại chiều hướng cắt giảm trong mười năm qua. Chính phủ Nhật cũng sẽ giảm bớt các hạn chế trong việc xuất cảng vũ khí. Các biện pháp đó chắc sẽ được giới tư bản công nghiệp ở Nhật hoan nghênh.
Bản kế hoạch của ông Shinzo Abe công bố hôm qua sẽ tăng ngân sách quốc phòng thêm 12 tỷ trong năm năm tới. Số chi tiêu sẽ lên tới 246 tỷ Mỹ kim. Ngân sách quốc phòng Nhật Bản hiện đứng hàng thứ 5 trên thế giới, mặc dù vẫn bị cấm không được lập quân đội ngoài lực lượng tự vệ. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đứng hàng thứ hai, sau nước Mỹ. Nhưng nếu so sánh lực lượng hải quân và không quân thì Nhật Bản vẫn mạnh hơn Trung Quốc.
Một điểm mới trong kế hoạch mới là việc nghiên cứu sẽ mua các vũ khí tấn công có tầm xa; lý do được nêu lên là đề phòng Bắc Hàn tấn công bằng hỏa tiễn và bom nguyên tử. Ông Abe còn giải thích công việc tự vệ bao gồm cả việc bảo vệ một nước đồng minh bị xâm lăng. Rõ ràng là ông đang giải thích bản Hiến pháp “hòa bình, phi quân sự” của nước ông theo lối mới.
Tất cả là những phản ứng trước thái độ hung hăng của Bắc Kinh trong vùng biển phía Ðông Trung Quốc. Trong khi đó thì đối với nước Mỹ, Bắc Kinh vẫn rất hòa dịu. Cuộc đụng độ với chiến hạm Mỹ USS Cowpens khi đang bám theo quan sát mẫu hạm Liêu Ninh xảy ra ngày 5 tháng 12 đã được Bắc Kinh dìm xuống hàng tin tức không quan trọng. Sau đó, Bắc Kinh cho biết sẽ tiếp tục tham dự một cuộc tập trận lớn, mang tên Rimpac, do bộ chỉ huy hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương tổ chức.
Tập Cận Bình đang lo đối phó với các đối thủ trong đảng, trong nước. Cho nên Ngoại trưởng John Kerry tha hồ múa gậy vườn hoang. Nhưng đối với các nước Ðông Nam Á, cuộc múa gậy này rất ngoạn mục. Dân chúng miền này sẽ ngủ ngon hơn khi biết chính phủ Mỹ vẫn giữ đúng chủ trương “chuyển trục” về Á Châu.
(Diễn đàn Thế kỷ)
 

Nhập viện cấp cứu vì bị công an ép cung

Công an xã bị tố đánh một thanh niên nhập viện cấp cứu  -(NLĐ) – Ở Gia Lai.
Nghi án nam thanh niên nhảy từ tầng 3 vì bị ép cung  -(TP) -  Ở Ninh Bình.

Hoàng – Dũng (Trí Việt 24h) – Không hiểu sao, một số công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) lại cho bắt người vô cớ để tra khảo bằng hình thức đánh đập dã man đối với một chàng trai vô tội. Sau gần 3 ngày “ép cung”, vì không có bằng chứng về tội danh cụ thể, cuối cùng chàng trai được thả. Song, sau những màn ép cung “chỉ có trời mới biết” chàng trai đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng sức khỏe nguy cấp.
Chàng thanh niên vô tình trở thành nạn nhân oan uổng dưới những bàn tay thô bạo của một số công an huyện Thanh Trì ấy là Dương Văn Cao (sinh năm 1990), quê ở thôn Đình Tổ (Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Nội).
Tối ngày 16/12/2013 khi được đưa vào bệnh viện huyện Thanh Oai cấp cứu, không chỉ riêng các bác sĩ trực tiếp cứu chữa cho Cao, mà ngay cả hàng trăm người, từ bệnh nhân ở các phòng, đến người nhà đi chăm bệnh nhân cũng ùa đến xem. Mọi người xì xào bàn tán: “trời ơi thằng bé bị ai đánh mà dã man đến thế nhỉ?”. Có người há hốc miệng thốt lên: “ôi, bị đánh tím tái cả người thế này không biết có sống nổi qua mùa đông nữa không?”.
Có vẻ vì quá đau đớn nên nạn nhân lúc khóc, lúc ngoắc mồm không thể thành tiếng, có lúc gắng mãi mới nói được một từ như kiểu “bút bi tắc mực” chúng tôi phải chắp ghép từng đoạn ngắt quãng mới biết nạn nhân nói rằng: “em.. khó thở, em.…đau lắm anh ạ!”. Rồi nạn nhân lại khóc, lại quằn quại khiến bất cứ ai có mặt lúc đó cũng không cầm được nước mắt. Nhưng cũng có những người bất bình đối với những người đối xử tệ bạc với chàng thanh niên.
Rất may phóng viên đã được “hóa trang” để tận mắt thấy, tận tai nghe, khi Trung tá Đặng Anh Quân, Đội Phó đội Hình sự Công an huyện Thanh Trì trực tiếp đến bệnh viện vào tối ngày 17/12/2013 thăm nạn nhân. Có lẽ vì không biết có mặt phóng viên nên đồng chí công an này đã biểu đạt tính chất xoa dịu kiểu: “sự việc trót lỡ rồi bây giờ phải làm sao?” thì chúng tôi mới dám tin rằng, những người trực tiếp ép cung, nói chính xác hơn là đánh dã man Dương Văn Cao đến trọng thương lại chính là một số các chiến sĩ công an huyện Thanh Trì.
Lời tường trình
Dù có mặt tại bệnh viện huyện Thanh Oai ngay từ những ngày đầu Dương Văn Cao được cấp cứu, nhưng vì tình hình sức khỏe của nạn nhân nhân lúc tỉnh lúc mê, thậm chí có lúc hoảng loạn, cho nên chúng tôi đã phải chờ đến sáng ngày 18/12/2103 thì nạn nhân mới có chút sức lực để phỏng vấn.
Sự việc cụ thể như sau: chiều ngày 13/12/2013 Dương Văn Cao đến hiệu cắt tóc “Minh Tuấn” ở huyện Thường Tín để ngồi chơi. Được biết đây là quán quen nên lúc rảnh rỗi không có việc Cao thường lui tới. Lúc ấy khoảng 15 giờ bỗng có 4 đồng chí công an mặc thường phục đi xe máy đến trước quán cắt tóc rồi dừng xe lại ở bên đường. Và họ sang quán, một đồng chí công an bảo: “Cao à, mày biết tội gì chưa?”. Cao ngơ ngác đáp: “em không biết”. Thế rồi người ta đưa còng số tám còng vào tay Cao, rồi đưa lên xe máy, rồi áp tải đi.
Để xác thực thông tin đa chiều, phóng viên đã tìm đến cửa hiệu cắt tóc “Minh Tuấn” để hỏi một số người có mặt tại sự việc chiều hôm đó. Rõ ràng tình tiết vụ việc đều giống như nạn nhân Dương Văn Cao kể lại, thậm chí khi bắt người, không ai được nghe đọc lệnh bắt, cũng không ai thấy những người lạ mặt giơ thẻ ngành ra.
Thế rồi người ta bắt Cao và đưa về trụ sở tra vấn, tra vấn song người ta chuyển sang hình thức ép cung Cao. Có người trong số đó bảo: “mày đã bao giờ bị treo ba lô chưa?”. Chúng tôi chịu cứng không biết thuật ngữ này là gì nhưng có vẻ là lời lẽ kiểu “hăm dọa”. Rồi Cao kể rằng: “lúc ấy em bị các chú ấy đánh đau quá nên em cứ khai bừa lung tung, khai không khớp là các chú ấy lại đánh”.
Cứ như nạn nhân kể lại thì người ta tra tấn bằng đủ mọi hình thức kinh khủng mà bản thân phóng viên nghe cũng không dám tường thuật lại kẻo có bạn đọc yếu tim sẽ ngất lịm không biết chừng.
Không sợ hồ đồ khi nói rằng, sự tra tấn này quả thực rất dã man, bởi cứ xem những vết tích trên thân thể nạn nhân thì thấy. Rõ ràng có những vết thương như bị ai đó dùng mười đầu móng tay sắc nhọn cào nát vùng ngực. Riêng hai đầu bàn chân bị người ta dùng vật cứng đập rách cả da nước vàng rỉ ra có mùi tanh tanh.
Anh Phạm Đình Chiến, sinh năm 1980 là người anh kết nghĩa với Cao tức tối bảo chúng tôi rằng:“các anh xem, nó vốn trắng trẻo là thế mà mông nó bị người ta đánh cho thâm xì như bôi nhọ nồi thế này thì sống làm sao được”.
Nhưng vất vả nhất mấy hôm nay khi Cao nằm viện chính là chị Kim Anh. Chị Kim Anh vốn là bà chủ bán hàng ăn trong bệnh viện. Hôm Cao nhập viện không có tiền đóng viện phí cũng do chị trả cho. Chỉ bảo: “thằng Cao này nhà nó nghèo, chẳng có tiền, nếu mình tiếc vài đồng tiền mà không bỏ ra cứu em nó thì đến chết mình cũng ân hận đấy”. Thế rồi chị bật khóc khi kể về tình trạng của Cao mấy ngày qua rằng, lúc thì nôn ra máu, đái cũng ra máu. Mấy ngày rồi Cao không ăn được gì hết chỉ có uống sữa cầm hơi.
Quay trở lại câu chuyện, khi Dương Văn Cao bị bắt. Cao nhớ trong số những người đánh Cao có một chú đầu hói, to cao. Sau nhiều lần bị ép cung, vì không chịu được các trận “mưa” đòn, Cao buộc phải khai lung tung. Nhưng vì lời khai trước không đúng với lời khai sau. Rốt cuộc không có chứng cứ cụ thể tội danh gì nên Cao liền được thả về sau ba ngày giam giữ vô lý.
Sau khi được thả ra Cao cảm thấy toàn thân đau đớn vô cùng. Lúc về đến chợ Vồi (tức ga Thường Tín), Cao gọi điện cho anh Trường (quê Hà Đông) nhắn giúp cho anh Chiến (là anh kết nghĩa) rằng: “em chết mất rồi, em bị công an đánh đập dã man chắc không sống nổi nữa”. Anh Trường nghe thế liền chuyển lời cho anh Chiến. Sau đó anh Chiến vì đang ở Hưng Yên xa quá liền gọi cho hai anh em cùng chơi với Cao đến chợ xem sao. Vừa đến nơi thì thấy Cao ngồi khóc rên, thế là mọi người liền đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Chúng tôi chỉ cần công lý
Rất nhiều người, không chỉ gia đình nạn nhân, mà ngay cả những người quen thân, thậm chí kể cả những người không hề biết gì về nạn nhân Dương Văn Cao khi chứng kiến trước sự việc cũng đều hỏi rằng: “liệu công an đánh người có bị xử lý đích đáng không nhà báo?”. Có người lại bảo: “không cẩn thận vụ này không khéo có sự bao che đấy”.
Mọi người đều hỏi nhao nhao cả lên, tất cả cũng chỉ vì một ý nghĩ chung là sợ: “công lý bị bẻ cong đi mà thôi”. Tuy nhiên, riêng chị Kim Anh lại là người rất tin vào công lý. Chị bảo rằng: “dù người ta có chạy chọt thì cũng chẳng ai dám bao che đâu”. Chị vẫn nói đi, nói lại câu đó rất nhiều lần, chị bảo chị nghe dư luận nói rằng, bác Nguyễn Đức Chung, tức Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội là người rất công tâm. Cho nên vấn đề bao che cho cấp dưới thì ở Công an Hà Nội chả bao giờ có.
Thế rồi chị lại càng tin tưởng hơn sau vụ ông Chấn ở Bắc Giang, thì bác Trần Đại Quang (tức Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ Trưởng bộ Công an) từng trả lời trên báo chí rằng, nghiêm cấm hình thức ép cung, nhục hình.
Chị vẫn quen cái giọng thích gọi các vị lãnh đạo với cái lối trìu mến là bác rồi, nên giờ nói về các bác lãnh đạo ấy dù vụ việc chưa được tiến hành làm rõ nhưng chị biết kết quả là công lý luôn ở bên sự thật rồi. Mọi người nghe chị nói đều tán đồng chí phải.
Liệu tình tiết của vụ việc sẽ được giải quyết thế nào? Sức khỏe của nạn nhân Dương Văn Cao có đỡ hay không Trí Việt 24h sẽ tiếp tục thông tin đến các bạn.
Hoàng – Dũng

Có người chống lưng cho Long “rồng đỏ”?

TT - Sáng 18-12, Nguyễn Ngọc Long (biệt danh Long “rồng đỏ”, 36 tuổi, quê Khánh Hòa) và đàn em là Nguyễn Văn Nhí sau khi ra đầu thú đã được lực lượng công an đưa từ Đồng Nai về Bình Thuận.

Đàn em của Long “rồng đỏ” là Nguyễn Văn Nhí cũng theo “đại ca” ra đầu thú trong ngày 18-12 - Ảnh: N.Nam
Long “rồng đỏ” (trái) tại cơ quan công an trưa 18-12 - Ảnh: Nguyễn Nam
Trước đó vào rạng sáng 9-12, đàn em của Long “rồng đỏ” đã tổ chức tấn công Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội (trụ sở tại thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, trực thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội Bình Thuận) giải cứu “đại ca nghiện” thoát ra ngoài như phim hành động.
Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm
Nhận thấy vụ tấn công trung tâm cai nghiện giải cứu “đại ca” Long “rồng đỏ” quá nghiêm trọng, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã họp với các cơ quan liên quan để chỉ đạo xử lý vụ việc. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề nghị lực lượng công an tiến hành truy bắt nhanh các đối tượng côn đồ, xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Ông Đinh Văn Minh, trưởng phòng cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết sau khi thoát khỏi trung tâm cai nghiện, Long “rồng đỏ” và đàn em là Nguyễn Văn Nhí đã lẩn trốn tại nhiều địa điểm ở TP Phan Thiết và tỉnh Đồng Nai. Công an tỉnh Bình Thuận đã tiếp cận vận động để đưa Long “rồng đỏ” ra đầu thú.

Người tình của Long “rồng đỏ” là B.T.H.G. đã dẫn đường để công an chạy xe từ Bình Thuận đi Đồng Nai đưa Long “rồng đỏ” trở về Bình Thuận trong sáng 18-12. Chiều cùng ngày, Long “rồng đỏ” đã được Công an tỉnh Bình Thuận giao cho Công an huyện Hàm Thuận Bắc để tiếp tục điều tra.

Một đàn em khác của Long “rồng đỏ” là Huỳnh Văn Cảnh trước đó đã bị bắt vào ngày 11-12. Cảnh và Nguyễn Văn Nhí đã cùng với Nguyễn Ngọc Long tổ chức tấn công bảo vệ trung tâm cai nghiện để thoát ra ngoài vào ngày 4-12 (đến ngày 7-12 Long bị bắt vào trung tâm trở lại rồi thoát ra vào ngày 9-12).

Theo tìm hiểu, “đại ca nghiện” Long “rồng đỏ” bị bắt vào cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội vào cuối năm 2012. Do trên người của Long có nhiều hình xăm ở chân, tay, mông và có hình xăm con rồng màu đỏ nên Long có biệt danh là “rồng đỏ”.

Long có vợ ở Khánh Hòa và sống chung với người tình B.T.H.G. (nguyên là sĩ quan Công an Bình Thuận đã bị loại ngũ) tại TP Phan Thiết.

Trong trại cai nghiện, Long “nổi tiếng” do chống đối nội quy, quy chế trung tâm, văng chục chửi thề, đe dọa người khác, ngủ không giăng mùng, không tập thể dục, không ăn sáng và không đi lao động. Trong quá trình bị xử lý kỷ luật, “đại ca nghiện” còn nhổ nước bọt vào mặt nhân viên bảo vệ khi bảo vệ đưa cơm vào cho Long. Hồ sơ quản lý học viên cai nghiện cho thấy Long đã bị xử lý cách ly tại phòng kỷ luật bốn lần.

Cai nghiện chưa được bao lâu, Long thèm thuốc nên đến ngày 27-12-2012 “đại ca nghiện” đã đào tường trốn thoát khỏi trung tâm. Vào ngày 8-11-2013, Công an TP Phan Thiết bắt được Long giao lại cho trung tâm nhưng đến ngày 4-12 Long tiếp tục tổ chức tấn công bảo vệ trốn khỏi trung tâm. Đến ngày 7-12, Công an tỉnh Bình Thuận bắt được Long giao lại cho trung tâm thì đến rạng sáng 9-12 Long lại được đàn em giải cứu.

Trong cuộc giải cứu “đại ca nghiện” vào ngày 4-12, Long “rồng đỏ” mặc dù đang chơi thể thao cùng các học viên nhưng luôn dáo dác nhìn về phía hàng rào trung tâm cai nghiện. Bảo vệ trung tâm sau đó thấy Long “rồng đỏ” tiến về phía hàng rào, định ra ngăn cản thì bị Long đánh gục trong nháy mắt (Long “rồng đỏ” từng là võ sư đã thượng đài thi đấu võ thuật). Ngay sau đó, Long “rồng đỏ” và hai đàn em là Nhí và Cảnh hô to ra phía bên ngoài “quăng hàng vào, quăng hàng vào”.

Thấy “đại ca” bên trong ra hiệu, nhóm côn đồ bên ngoài đã quăng mã tấu, búa, kiếm, bình xịt hơi cay vào bên trong và Long “rồng đỏ” đã dùng hung khí tiếp tục tấn công bảo vệ. Khi bảo vệ trung tâm cai nghiện chạy tán loạn thì hai đàn em của Long đã dùng búa phá khóa cổng và hộ tống “đại ca” thoát ra ngoài.

Một bảo vệ trung tâm cai nghiện đã quan sát đám đàn em của Long “rồng đỏ” bên ngoài và nhận thấy sự có mặt của B.T.H.G.. Do có “thế lực ngầm” chống lưng nên khi bị bắt trở lại vào ngày 7-12, Long “rồng đỏ” tỏ vẻ khinh thường các bảo vệ trung tâm. Gặp ai Long “rồng đỏ” cũng đều dọa sẽ “cắt tiết”.

NGUYỄN NAM
(Tuổi trẻ)
 

Một số hình ảnh về phiên họp thanh trừng Jang Song Taek


Ảnh bên:Hình ảnh Kim Jong Un chủ trì Hội nghị  Bộ Chính trị mở rộng của Đảng Lao động Triều Tiên ngày 8/12/2012  (Ảnh: chụp qua màn hình KCTV).
Các phương tiện truyền thông nhà nước CHDCND Triều Tiên đã phát đi tin tức và hình ảnh cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên ngày 09 /12/2013 trong đó Jang Song Taek ( Chang So’ng – t’aek ), nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc CHDCND Triều Tiên, Trưởng ban Quản trị Đảng Lao động Triều Tiên bị cáo buộc đã có những “hành vi bè phái phản cách mạng và chống đảng”, chính thức bị cách chức và bị khai trừ khỏi Đảng Lao động Triều Tiên.
  Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên (KCTV) phát đi một báo cáo dài 11 phút đưa thông tin chi tiết về diễn biến cuộc họp của Bộ Chính trị, cho thấy Thủ tướng CHDCND Triều Tiên Pak Pong Ju và hai quan chức cấp cao khác  lên án Jang một cách nghiêm khắc và cam kết trung thành với Kim Jong Un ( Kim Cho’ng – u’n ) và Jang được thấy bị các sỹ quan thuộc Bộ An ninh nhân dân kéo ra khỏi chỗ ngồi. Mặc dù có những suy đoán rằng Jang đã bị bắt tại cuộc họp, các cảnh quay chỉ cho thấy rằng ông ta đã được hộ tống ra khỏi cuộc họp.
Vợ Jang Song Taek là Kim Kyong Hui ( Kim Kyo’ng – hu’i ), thành viên Bộ Chính trị KWP kiêm bí thư Đảng Lao động Triều Tiên không thấy được nói đến cũng như không được nhìn thấy trong cuộc họp.
Senior DPRK officials observe Jang Song Taek being escorted from the KWP Political Bureau meeting: KWP Finance and Accounting Department Director Han Kwang Sang (1), former Chief of the KPA General Staff and former Minister of the People's Armed Forces Gen. Kim Kyok Sik (2) and KWP Workers' Organizations Department Ri Yong Su (3) (Photo: KCTV screen grab).
Các quan chức cấp cao của CHDCND Triều Tiên quan sát Jang Song Taek khi ông được hộ tống ra khỏi cuộc họp Bộ Chính trị: Trưởng Ban Tài chính Kế toán của Đảng Han Kwang Sang (1), cựu Tổng tham mưu trưởng QĐND Triều Tiên, đồng thời là cựu Bộ trưởng Các Lực lượng vũ trang nhân dân- Tướng Kim Kyok Sik (2), , Trưởng Ban Tổ chức Ri Yong Su (3) và cựu Tổng Tham mưu trưởng QĐND Triều Tiên – Đại tướng Hyon Yong Chol (4) (Ảnh: chụp qua màn hình KCTV).
Senior DPRK officials observe Jang's removal from the 8 December 2013 meeting: Joint Venture and Investment Commission Vice Chairman and Senior Deputy Director of the KWP Organization Guidance Department Ri Chol (1) and Deputy Director of the KWP Organization Guidance Department Hwang Pyong So (2) (Photo: KCTV screen grab).
Các quan chức cấp cao của  CHDCND Triều Tiên quan sát việc đuổi Jang khỏi cuộc họp ngày 08/12/2013:  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đầu tư và Liên doanh kiêm Phó Tổng Trưởng Ban Hướng dẫn Tổ chức của Đảng Ri Chol (1), Phó Trưởng Ban Hướng dẫn Tổ chức Hwang Pyong So (2)  (Ảnh:  chụp qua màn hình KCTV).
Korean Workers' Party Central Committee Headquarters in Pyongyang (Photo: KCTV screengrab).
Tổng hành dinh Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (Ảnh: chụp qua màn hình  KCTV).
Kim Jong Un (2nd R) applauds at the start of a 8 December 2013 expanded KWP Political Bureau meeting (Photo: KCTV screen grab).
Kim Jong Un (thứ 2 từ phải sang) vỗ tay khai mạc hội nghị mở rộng của Bộ Chính trị ngày 08/12/2013 – mức độ nghiêm trọng của Hội nghị có lẽ đã được báo trước bằng hình ảnh viên sỹ quan đeo súng đứng kè kè bên cạnh Kim Jong Un  :( (Ảnh: chụp qua màn hình  KCTV).
View of a conference hall at the KWP Central Committee Office Complex #1 in Pyongyang on 8 December 2013, the venue of an expanded KWP Political Bureau meeting (Photo: KCTV screen grab).
Cảnh hội trường khu Văn phòng số 1 của trung ương Đảng tại Bình Nhưỡng vào ngày 8/12/2013, nơi tổ chức Hội nghị Bộ Chính trị  (Ảnh: chụp qua màn hình  KCTV).
View of the platform (rostrum) of an 8 December 2013 expanded KWP Political Bureau meeting at which Jang Song Taek was removed from office (Photo: KCTV screen grab).
Cảnh lễ đài của Hội nghị  BCT mở rộng ngày 8/12/2013 mà tại đó Jang Song Taek đã bị đuổi khỏi phòng họp  (Ảnh: chụp qua màn hình  KCTV).
Kim Jong Un attends an expanded KWP Political Bureau meeting in Pyongyang on 8 December 2013.  Also seen in attendance is Kim Yong Il (L), KWP Secretary and Director of the International Affairs Department (Photo: KCTV screen grab).
Hình ảnh Kim Jong Un dự Hội nghị ngày 8/12/2013, ngồi hàng ghế sau (phía trái) là Kim Yong Il Trưởng Ban Các vấn đề  Quốc tế của Đảng Lao động Triều Tiên  (Ảnh: chụp qua màn hình  KCTV).
KWP Secretary and Director of the Propaganda and Agitation Department Kim Ki Nam reads an official report on Jang Song Taek's "anti-party counterrevolutionary factional acts" (Photo: KCTV screen grab).
Bí thư Đảng lao động Triều Tiên kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn Kim Ki Nam đọc báo cáo chính thức về “các hành vi phe phái phản động chống đảng” củaa Jang Song Taek  (Ảnh: chụp qua màn hình  KCTV).
Participants with observer status attend an 8 December 2013 expanded meeting of the KWP Political Bureau (Photo: KCTV screen grab).
Các đại biểu tham gia với tư cách quan sát viên trong cuộc họp BCT mở rộng ngày 08/12/2013   (Ảnh: chụp qua màn hình  KCTV).
Overview of an 8 December 2013 expanded meeting of the KWP Political Bureau at which Jang Song Taek was accused of "factional acts" and expelled from the party (Photo: KCTV screen grab).
Toàn cảnh về Hội nghị BCT mở rộng ngày 08/12/2013 tại đó Jang Song Taek bị buộc tội có hành vi phe phái bị khai trừ khỏi đảng  (Ảnh: chụp qua màn hình  KCTV).
Kim Jong Un attends an 8 December 2013 expanded meeting of the KWP Political Bureau.  Also seen in attendance are KWP Secretary and Director of Cadres Affairs Kim P'yo'ng-hae (2nd R) and Chief Secretary of the Pyongyang KWP Committee Mun Kyong Dok (R).  Mun was a protege of Jang Song Taek's (Photo: KCTV screen grab).
Hình ảnh Kim Jong Un tại  Hội nghị BCT mở rộng ngày 8/12/2013, hai người khác là Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên kiêm Trưởng Ban Cán bộ Kim P’yo’ng-hae (thứ hai từ phải sang) Bí thư  Thành ủy Bình Nhưỡng Mun Kyong Dok (bên phải). Mun cũng là một người phò tá cho Jang Song Taek  (Ảnh: chụp qua màn hình  KCTV).
DPRK Premier Pak Pong Ju speaks after a report about Jang Song Taek's "factional activities" were read during an expanded KWP Political Bureau meeting (Photo: KCTV screen grab).
Thủ tướng CHDCND Triều Tiên Pak Pong Ju phát biểu tiếp theo báo cáo về các hoạt động bè phái” của Jang Song Taek được đọc tại Hội nghị BCT mở rộng của Đảng Lao động Triều Tiên  (Ảnh: chụp qua màn hình  KCTV).
KWP Political Bureau members raise their hands during an expanded meeting held in Pyongyang on 8 December 2013.  Among those in attendance are Ministry of State Security Political Bureau Director Col. Gen. Kim Chang Sop, KWP Civil Defense Department and NDC Vice Chairman VMar Kim Yong Chun, SPA Presidium Vice President Yang Hyong Sop, DPRK Vice Premier Kang Sok Ju and Minister of the People's Armed Forces Gen. Jang Jong Nam (Photo: KCTV screen grab).
Các thành viên Bộ Chính trị giơ tay trong Hội nghị ngày 08/12/2013. Trong số những người tham dự có Cục trưởng Cục Chính trị  Bộ An ninh Nhà nướcĐại tướng Kim Chang Sop,  Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ dân sự  của Đảng Lao động Triều Tiên – Phó Nguyên soái Kim Yong Chun, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao (Quốc hội) Yang Hyong Sop, Phó Thủ tướng CHDCND Triều Tiên Kang Sok Ju Bộ trưởng Bộ Các Lực lượng vũ trang nhân dân – Tướng Jang Jong Nam  (Ảnh: chụp qua màn hình  KCTV).
Jang Song Taek is removed from an 8 December 2013 expanded meeting of the KWP Political Bureau after his expulsion from the party (Photos: KCTV screen grabs).
Jang Song Taek bị đưa ra khỏi cuộc họp ngày 08/12/ 2013  sau khi bị khai trừ khỏi đảng (Ảnh: chụp qua màn hình  KCTV).
Kim Jong Un (L) talks to senior KWP and DPRK Government officials after the KWP Political Bureau meeting.  In attendance in this image are: VMar Choe Ryong (2nd L), Kim Yong Nam (3rd L), DPRK Premier Pak Pong Ju (4th L), Kim Ki Nam (5th L), Choe T'ae Bok (6th L) and Pak To Chun (7th L) (Photo: KCTV screengrab).
Kim Jong Un (trái) nói chuyện với các quan chức cấp cao của Đảng và Chính phủ CHDCND Triều Tiên sau cuộc họp Bộ Chính trị. Trong hình ảnh còn có Phó Nguyên soái Choe Ryong (thứ hai từ trái), Kim Yong Nam (thứ ba từ trái), Thủ tướng CHDCND Triều Tiên Pak Pong Ju (thứ tư từ trái, Kim Ki Nam (thứ năm từ trái), Choe T’ae Bok (thứ sáu từ trái) Pak To Chun (thứ bảy từ trái (Ảnh: chụp qua màn hình  KCTV).
Kim Jong Un talks to senior KWP and DPRK Government officials after an 8 December 2012 expanded meeting of the KWP Political Bureau (Photo: KCTV screen grab).
Kim Jong Un nói chuyện với các quan chức cấp cao của Đảng và Chính phủ sau cuộc họp ngày 8/12/2013 của Bộ Chính trị   (Ảnh: chụp qua màn hình  KCTV).
Hà Hiển dịch
(Blog Hà Hiển

 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét