Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

GIỚI THIỆU TÓM TẮT HỆ LÝ LUẬN CHỦ NGHĨA CỘNG ĐỒNG & Các vị có còn là con người?

Khi “liệt sĩ trở về” muốn tự tử!

(LĐ) - Số 290 Đỗ Doãn Hoàng 
Ông Hào trong căn nhà rách nát cùng giấy tờ 30 năm tuổi Đảng của bố và bằng công nhận liệt sĩ của mình.
Ông Lê Xuân Hào, một cựu binh nhập ngũ tại thôn An Hòa (xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, nay thuộc thủ đô Hà Nội) từ 28 năm trước đi làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn Campuchia. Năm 1992, đơn vị đã gửi giấy báo tử, bằng “Tổ quốc ghi công” để tri ân “liệt sĩ Lê Xuân Hào”. Nghĩa trang xã Trầm Lộng, chùa trong xã đều có tên “liệt sĩ” Hào, bàn thờ trong nhà cụ Lê Đức Mạnh (bố ông Hào) có “di ảnh” và bát nhang thờ người quá cố Lê Xuân Hào. Đùng một cái, sau hơn 27 năm được thờ cúng, Lê Xuân Hào đen đúa, rách rưới, ốm o, sầu tủi trở về, anh dắt theo 1 đứa con gái với cái tên “vọng cố hương” là Lê Thị Thùy Dương.
Bên Campuchia, xứ sở mà anh lưu lạc hơn 20 năm qua, còn 4 người con gọi bằng “bố Hào” nữa. Nếu chuyện chỉ dừng ở đoạn này, thì đã đau đớn, chua xót, ám ảnh nỗi đau chiến tranh và thời hậu chiến lắm rồi. Và cái mô típ “liệt sĩ” trở về cũng đã diễn ra nhiều, khá quen thuộc trên cả nước.
Tuy nhiên, người viết bài này và bà con Trầm Lộng lại đang day dứt, xôn xao bởi một chủ đề khác: Liệt sĩ trở về Lê Xuân Hào đã uất ức muốn mua xăng về tự tử vì “thủ tục làm người còn sống”, con gái ông cũng vì “vướng thủ tục” đó mà không thể đăng ký kết hôn, cháu đã chính thức… uống thuốc ngủ để chết. May mà Bệnh viện Bạch Mai rửa ruột cứu mạng kịp thời.
Tờ giấy in công văn gửi cho gia đình liệt sĩ giá bao nhiêu tiền?
Nghe những gì ông Hào và cháu Thùy Dương nói, chúng tôi thật sự sốc. Sau khi xác tín “tin dữ” từ gia đình, xóm mạc, cả trưởng thôn An Hòa, cả Phó Chủ tịch UBND xã, rồi cả Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội, Trung đoàn Thủ đô, tôi mới ngã ngửa: Hóa ra thủ tục làm người còn sống khó thật.
Thủ tục “hành là… chính” với quan niệm của không ít cán bộ thời này là gì? Có lẽ là “chuyện dễ mà không làm cho khó, thì làm gì có thịt… chó mà ăn”. Hành là chính với công dân bình thường đã là đau đớn, đằng này lại “hành” cả một cựu binh cống hiến cả tuổi trẻ, cả máu xương, sẵn sàng “vị quốc vong thân” như ông Hào thì quá khó hiểu!
Ông Hào và bữa cơm nấu ở góc sân. 
Sau khi trở về, gỡ tấm ảnh thờ của mình ra khỏi bàn thờ ẩm mốc trong ngôi nhà cũ rách nát, ông Hào lập cập leo xuống, nằm góc nhà cứ rúc lên từng hồi. Bà nội chết, mẹ chết, bố chết. Lúc anh đi lính, bà và bố vẫn khỏe lắm. Ngôi nhà xưa thuộc quyền sở hữu của ông anh trai sống tít mãi Sơn La, đã bỏ không, rêu mốc.
“Chỗ này, là nơi đặt hòm gỗ, phủ cờ đỏ sao vàng, cử hành lễ truy điệu mày đây, Hào ạ. Bằng tổ quốc ghi công, giấy báo tử của mày đây. Tao phải dẫn bố mày lên huyện dò hỏi mãi mới biết mày đã “hy sinh” đấy”. Chứ cứ để yên thì bây giờ mày vẫn vào loại mất tích trong im lặng” - cậu ruột Lê Xuân Hào rành rọt.
Than ôi, cái giấy tờ của Sở LĐTBXH Hà Tây (cũ), do ông Phó Giám đốc ký về chuyện Hào hy sinh, rồi gia đình hưởng chế độ “mai táng phí” gì đó, sao mà nó thê thảm thế. Giấy về một tử sĩ, gửi cho bố của liệt sĩ, mà gạch xóa nham nhở. Thậm chí “phôi” giấy cũ mèm, có từ thời Hà Tây còn thuộc về tỉnh cũ Hà Sơn Bình, người ta cứ bừa phứa gạch xoẹt chữ “Hà Sơn Bình”, viết đè đen thui lên đó một chữ “Hà Tây” (4 lần gạch xóa viết đè trong một văn bản vô cùng quan trọng), rồi chỗ nào cần xóa là xóa, cần đè là đè.
Một tờ giấy và công viết một công văn về liệt sĩ, gửi cho gia đình liệt sĩ nó đắt đỏ và khó khăn thế ư? Thế mà Phó Giám đốc sở cũng nỡ đặt bút ký và… đóng giấu vào đấy được ư? Mà có phải thời chiến tranh hay bao cấp đói nghèo gì, cái giấy về lễ tang với “mai táng phí” ấy mới được ký và gửi vào ngày 25.5.1993!
Trốn trong hang đá, ngủ ngoài bìa rừng, chui trong bồ đựng thóc
Chưa hết. Lê Xuân Hào nhập ngũ năm 1983, sau khi huấn luyện kỹ, được “phiên” vào tiểu đội 2, trung đội 4, đại đội 12, tiểu đoàn 4, đoàn 7704, mặt trận 497, Campuchia. Tháng 3 năm 1984, trong một lần đi hái rau phục vụ đơn vị thì bị lọt vào ổ phục kích, bị địch bắn trọng thương ở đùi, mảnh đạn pháo văng vào đầu bất tỉnh. Anh từ cõi chết tỉnh lại thì thấy mình nằm trên nhà sàn, trong nhà một gia đình ở miền núi Campuchia.
Họ dùng lá rừng, nước muối và cháo loãng chăm sóc anh hồi phục. Khi đang tập tễnh lên da non các vết thương, Hào đã đòi các ân nhân cứu mạng đưa mình về nơi đóng quân để tiếp tục chiến đấu. Nhưng đến nơi thì đơn vị đã chuyển đi từ lâu. Rừng núi điệp trùng, trọng thương chưa lành, lại không biết tiếng Campuchia, ở đó cũng không ai nói được tiếng Việt, lại không một xu dính túi, không một tấc sắt trong tay.

Ông Hào với chiếc xe cải tiến đi mua phế liệu và đàn gà công nghiệp sắp chết rét 
Gia đình ân nhân cũng cực kỳ nghèo khó. Giữa thời nước bạn còn tàn quân Pôn Pốt tung hoành dã man đó, anh bộ đội Việt Nam cũng không dễ gì an toàn khi xuất hiện ở chỗ đông người. Không còn cách nào khác, Hào tạm ở lại bản làng hẻo lánh. Thế rồi anh phải lòng cô con gái chủ nhà.
Cô này đã một đời chồng, có một đứa con riêng. Họ ở với nhau, có thêm 4 đứa con chung. Ông Hào kể, để sống sót, nuôi được bà vợ bệnh trọng (ung thư vú, đã chết) và đàn con nheo nhóc, ông thường đi đánh cá thuê lênh đênh trên Biển Hồ với nhiều lần dông gió lật thuyền, tưởng như mất xác trong gang tấc.
Anh cũng đi làm rẫy thuê, sống lẩn trốn tàn quân Pôn Pốt với hàng chục lần chết hụt. Suốt nhiều năm phải di chuyển nhà, cứ trời rim rỉm tối là phải trốn khỏi nhà đi ngủ ngoài rừng, vì binh lính lùng sục tìm giết. Có đêm phải trốn trong bồ thóc, nhiều ngày sống như khỉ vượn, ăn quả xanh, uống nước suối, ngủ hang đá khi bị truy đuổi, anh vẫn đau đáu một ngày được trở về quê hương, vì thế, các con anh, bên cạnh tên Campuchia, anh vẫn đặt cho nó một cái tên việt: Thi, Nga, rồi Lê Thị Thùy Dương.
Bị trọng thương, “lúc nhớ lúc quên”, lạc đơn vị từ năm 1984, mãi hơn 27 năm sau, tình cờ có người cùng quê Ứng Hòa sang Campuchia đốn gỗ trong rừng già, gặp ông Hào đang đi làm thuê ngoài rẫy. Đen đúa, rách rưới, ngơ ngẩn.
Người đồng hương rớt nước mắt giao nhiệm vụ cho Lâm, một đứa cháu của ông ta về quê báo tin cho gia đình ông Hào. Sau 2 lần thuê xe, dò hỏi, thuê người dẫn đường và “bảo vệ” để vào vùng hẻo lánh đó, một người em của Lê Xuân Hào đã đưa được anh hồi hương.
Hai bố con “liệt sĩ”: Người định tự thiêu, người đã tự tử đang dở câu chuyện “thủ tục làm người còn sống”
Về đến nhà, xã nghe tin “liệt sĩ” Lê Xuân Hào còn sống, họ cắt luôn tiền chế độ thờ cúng liệt sĩ của Lê Xuân Vui - em trai ông Hào. Không “được” là “liệt sĩ”, nhưng suốt mấy trăm ngày qua đi lo thủ tục, chạy vạy đủ đường, ông Hào và con gái, cùng gia đình vẫn phải phẫn uất, chán nản, thậm chí ông Hào định tự tử còn con gái ông thì tự tử rồi. Chỉ vì sự nhiêu khê. Ông Hào có đi bộ đội không? Có.
Có khổ sở 27 năm qua vì nhiệm vụ thiêng liêng cho tổ quốc và tình hữu nghị quốc tế không? Có. Giấy tờ còn nguyên vẹn đó. Thế tại sao mấy trăm ngày qua, cơ quan chức năng không lo cho ông ta nhập hộ khẩu, có chứng minh thư? Tại sao con ông ta đến tận khi tôi ngồi viết những dòng này, cháu Dương vẫn khóc, gia đình vẫn lo cháu tiếp tục tự tử, vì không có hộ khẩu, không có chứng minh thư để đăng ký kết hôn?
Sao người cán bộ không đặt mình trong tâm trạng của người trở về sau 27 năm được “cúng” trên bàn thờ như thế - để chia sẻ, cảm thông và nỗ lực vì họ? Nếu ai đó vì làm nhiệm vụ cho non sông mà bị thất lạc gia đình, quê hương suốt 27 năm tận cùng khổ sở, khi trở về, bố đã chết, bà nội đã chết, thì họ nghĩ gì?
Họ nghĩ gì thì nghĩ, nhưng, chắc chắn họ không thể tin được là mất hơn 600 ngày chạy vạy lo lắng mà Quê Hương không nhập khẩu, cấp chứng minh thư cho họ - Người Lính Đã Ra Đi Vì Tiếng Gọi Non Sông!
Sau khi các nhà báo “vạch trần” bi kịch tàn nhẫn này: Lần đầu tiên sau mấy trăm ngày hồi hương trong nước mắt, ông Hào đã được trân trọng đón tiếp cán bộ địa phương đến thăm. Rồi vài gói quà, cái chăn ấm có gắn các tờ giấy trắng in dòng chữ diêm dúa “nơi nọ nơi kia kính tặng”. Rồi xã, huyện và cấp cao hơn một tí cùng nhận lỗi. Phòng LĐTBXH thì thanh minh là mình không hiểu thủ tục.
Xã thì mắc lỗi không báo cáo lên huyện bằng văn bản, dù có gọi điện và báo cáo… mồm chuyện ông Hào bỗng dưng “từ cõi chết” tìm về. Các đoàn “thăm hỏi” tới tấp. Họ “thăm” vì tình cảm với ông, vì tri ân một người đã xông pha vệ quốc và chịu quá nhiều thiệt thòi sau 27 năm “ngự” trên bàn thờ, hay họ lo sợ trách nhiệm khi bị tố vô cảm với “liệt sĩ trở về”? Ông Hào bảo:
“Tôi không biết nói gì”. Rồi ông khóc. Một lời cảm ơn đoàn cán bộ sở do ông Phó Giám đốc dẫn đầu đến thăm, ông Hào cũng không nói. Ông cứ ngồi yên như pho tượng đá. Gia đình phải
đỡ lời.
Đợi khách về hết, ông Hào mới thở dài với nhà báo: “Tôi đau lắm. Tôi đi nhặt phế liệu kiếm sống. Tôi cóp tiền. Tôi từng định bỏ 300.000 đồng ra mua xăng về tự tử. Đốt cái là hết. Con gái tôi thì uất quá tự tử, vì không có hộ khẩu, không có chứng minh thư. Trong khi nó phải lấy chồng.
Nhà chồng nó có người thân làm lãnh đạo xã sở tại, ông ấy khá kiên quyết “gương mẫu”, rằng là: Cháu dâu mình phải về nhà mình với giấy đăng ký kết hôn đàng hoàng. Thế rồi các cháu vẫn quyết cưới, nhưng xích mích đã xảy ra khi không thể đăng ký kết hôn. Cháu Dương đã tự tử”.
Ông Hào khóc. Khóc lặng đi rất lâu rồi lại khóc. Cậu ruột ông Hào đỡ lời: Hồi “thằng” Hào đi bội đội, tôi đang làm xã đội trưởng, giao cháu tôi cho cán bộ đem đi làm nhiệm vụ lớn. Vậy mà năm tháng trôi qua, không ai cho biết nó sống chết thế nào. Lúc già yếu, anh tôi (bố ông Hào, người cán bộ 30 năm tuổi Đảng), lọm khọm lên huyện hỏi tin tức rất nhiều lần. Mãi rồi họ mới gửi… giấy báo tử.
Giờ “nó” trở về, khổ quá là khổ. Rồi ông cậu cũng lại rơi nước mắt.
Anh Lê Xuân Vui - em ruột, người bao năm thờ cúng “liệt sĩ Lê Xuân Hào” - bèn đỡ lời, kể: Tôi đưa anh Hào lên công an huyện, đưa đi lo thủ tục nhiều lần lắm. Vào phòng của công an, “khai” cả buổi sáng, khai nhiều lần. Nhưng người ta không cấp cho anh ấy hộ khẩu và chứng minh thư. Có lần, đi lại mãi, họ cấp hộ khẩu một quyển đàng hoàng, có tên anh Hào và cháu Dương hẳn hoi.
Tuy nhiên, chiều hôm trước cấp thì sáng hôm sau Công an xã được cử đến… thu lại. Mãi đến tháng 8 năm 2013 vừa rồi, tức là sau hơn 2 năm anh Hào trở về, họ mới cấp hộ khẩu và làm chứng minh thư cho anh Hào. Riêng con gái anh, cháu Lê Thị Thùy Dương thì bây giờ vẫn “lưu lạc”, chưa nhập khẩu, chưa có chứng mình thư. Cháu đi làm dâu bên Sóc Sơn, sau vụ tự tử, mỗi lần về thăm bố nó đều khóc, buồn lắm.
Ông Hào đi hỏi tiếp, thì họ bảo lên “cơ sở hai” gì đó, ông chả biết ở đâu. Và người đi nhặt phế liệu kiếm sống lần hồi với bao vết thương trên thịt da và trong tâm khảm như ông, lấy đâu ra sức lực, tiền của để mà đi?
Xã bảo: Cắt chế độ liệt sĩ là việc của xã, còn lo chế độ cho “liệt sĩ trở về” là việc của cấp trên. Cấp trên thì bảo xã không báo cáo bằng văn bản nên không… biết. Hoặc biết nhưng không biết thủ tục phải làm thế nào. Hơn 2 năm đằng đẵng trôi qua. Và, thế là, ông Hào, vì sự gào réo của cái dạ dày, mới bèn đóng cái xe cải tiến đi thu mua phế liệu kiếm sống hằng ngày.
Người đàn bà quá lứa lỡ thì đến gá nghĩa với ông, chăm sóc ông lúc ốm đau bệnh tật một thân một mình ấy, gặp nhà báo, cứ rầu rĩ vuốt nước mắt nhìn chồng như van xin: “Em lấy chồng là để nương tựa vào chồng. Anh mà tự tử, thì anh giết em đi cho xong!”. Đứa con gái Thùy Dương thương nhớ của ông Hào đi làm dâu nhà người ta rồi, vẫn nói tiếng Việt bằng giọng Campuchia lơ lớ, khó nhọc.
Nó nhắn tin qua điện thoại cho nhà báo, cũng ngọng và sai chính tả chi chít như khi nói: Em đau buồn lắm, bao giờ em mới có hộ khẩu và chứng minh thư? Em tự tử vì không được đăng ký kết hôn anh ạ. Bố em định tự tử vì… cái hôm lên huyện xin thủ tục cho em cưới chồng mà không được ấy. Có người bảo bố em là phải… phải… thì người ta mới cho!
Lời thật thà của Thùy Dương làm chúng tôi có cảm giác ai đó dùng cật nứa cứa vào lục phủ ngũ tạng mình. Nó đã tự tử và đã đi xe cấp cứu lên Bạch Mai rửa ruột rành rành. Nếu ông Hào mua xăng tự thiêu thì tôi sẽ không mấy bất ngờ nữa. Lỗi là do ai? Không lẽ cứ nhận lỗi là xong? “
Thủ tục làm người còn sống” của một cựu binh làm nhiệm vụ vì non sông gấm vóc mà còn khó thế - đủ biết các thủ tục “hành là chính” khác nó chông gai đến mức nào! Tự hỏi: Không lẽ chúng ta cứ chấp nhận chung sống với sự rầy rà vô cảm đó mãi ư?

Công an Hà Nội – Vinh sợ dân xác nhận Hoàng Sa Trường Sa là của VN


VRNs (15.12.2013) – Sài Gòn - “11 thành viên của Đội bóng Hoàng Sa – FC vào Vinh, để tham gia trận đấu giao hữu với No – U Vinh, nhưng trên đường đi đã bị công an bắt và đưa về đồn công an xã Diện Hồng, huyện Diễn Châu, Nghệ An làm việc”. Anh Ngô Quỳnh, một trong những thành viên của đội bóng Hoàng Sa – FC cho hay.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi đi đấu giao hữu xa nhưng họ lại chặn chúng tôi trên đường đi nên tôi hơi buồn một chút. Tôi nghĩ rằng, họ muốn thể hiện quyền lực của họ còn chúng tôi, là người công dân không có quyền gì hết, ngay cả cái quyền đi đá bóng cũng không có”. Anh Ngô Quỳnh nhận xét.
Anh Ngô Quỳnh kể lại cuộc làm việc với công an: “Tại đồn công an, họ nói rằng, họ được lệnh của công an Hà Nội báo là có 11 người đi vào Vinh gây mất trật tự, nên họ đã giữ chúng tôi lại để kiểm tra. Sau khi kiểm tra xong, họ thu quần áo và bản đồ ‘Hoàng Sa Trường Sa là của VN’ của chúng tôi và họ thả chúng tôi về. Chúng tôi ra khỏi đồn công an với lưng trần. Trời đang mưa và rất lạnh. Các công an này nói là công an Hà Nội yêu cầu họ làm nhưng họ không muốn làm điều này”.
Anh Ngô Quỳnh cho biết tiếp: “Công an bắt chuyến xe dừng khá lâu. Có 30 hành khách cùng đi với chúng tôi nhưng các hành khách này không biết chuyện gì đã xảy ra cho chúng tôi”.
Đồn công an, thuộc xã Diện Hồng, huyện Diễn Châu, Nghệ An cách thành phố Vinh khoảng 45km.
Mục tiêu của nhóm Hoàng Sa – FC là “Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam. Xoá đường lưỡi bò – bảo vệ Tổ Quốc!”
Một thông tin khác cũng liên quan đến việc nhà nước VN không dám công khai xác nhận với quốc tế Hoàng sa Trường Sa là của VN trên các bản đồ của các đối tác đang làm việc với VN.
Học giả Vũ Sinh Hiên, tường trình như sau:
“Trên chuyến bay của Hãng Hàng Không Pháp từ Paris về TP. Hồ Chí Minh ngày 10 – 12 – 2013 vừa qua, chiếc màn hình nhỏ đặt trước mỗi hành khách vẽ lộ trình của chuyến bay để tiện bề theo dõi. Chiếc máy bay rời Tây Âu theo hướng Đông Âu, Trung Đông rồi vào không phận Châu Á, Nam Trung Hoa rồi Miến Điện Thái Lan. Cả bầu trời Đông Nam Á hiện rõ mồn một, dải đất chữ S của quê hương đẹp thần tiên bên bờ Thái Bình Dương. Một hàng chữ rất rõ nét đập vào mắt tôi ngay dưới mũi Cà Mau của Tổ Quốc dấu yêu: South China Sea (Tiếng Anh) Mer de Chine Méridionale (Tiếng Pháp) có nghĩa là Biển Nam Trung Hoa. Nam Trung Hoa nào ở đây? Hàng chữ này phải được đưa lên bên dưới đảo Hải Nam của Trung Quốc mới hợp lý. Sử sách của người Trung Hoa từ ngàn đời vẫn công nhận ranh giới của người Hán là đảo Hải Nam cơ mà. Không được tùy tiện đưa đường lưỡi bò xuống sát ranh giới phía Nam của Tổ Quốc ta. Người Tàu đã ngang ngược trên biên giới đất liền của họ với các nước láng giềng cắn răng chịu đựng vì yếu thế. Nhưng người Tàu không được phép ngang ngược như vậy với Châu Á phía Nam, với Việt Nam, trong hiện tình Thế Giới hôm nay.
Tôi chắc rằng đã có lần Bộ Trưởng Ngoại Giao và các viên chức của Bộ đã từng đáp những chuyến bay Air France đi công tác đó đây, chẳng lẽ các vị lại không nhìn thấy hàng chữ này? Tôi không thể hiểu được Hãng Hàng Không Việt Nam vẫn thản nhiên liên doanh với Air France trong  các chuyến bay TP. Hồ Chí Minh – Paris – TP. Hồ Chí Minh mà không một chút áy náy và can thiệp vào sự thiếu hiểu biết (cố tình hay hữu ý đây?) của Hãng Hàng Không Pháp.
Tôi yêu cầu hai Hãng Hàng Không Việt Nam và Pháp phải sửa sai chi tiết này ngay lập tức, vì chỗ có hàng chữ ấy trên bản đồ của Air France, là Biển Việt Nam đấy”.
PV. VRNs

Năm của châu Á liên thủ và đua tranh

- Hàng loạt diễn biến địa chính trị, quân sự mới tại châu Á trong năm 2013 khiến cho khu vực này nổi lên hai đặc điểm cơ bản: vừa cạnh tranh (chạy đua vũ trang, tranh giành ảnh hưởng) lại vừa liên thủ hợp tác (tăng cường liên minh kinh tế, quân sự, ngoại giao, quốc phòng) với từng chiến lược, kế hoạch riêng của mỗi quốc gia.


Cuộc chiến giành ưu thế

Châu Á, Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ, Đông Nam Á
Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ, châu Á chi tiêu quân sự đã vượt châu Âu.Bắc Kinh tuyên bố tăng 11,2% ngân sách quốc phòng trong năm.
Ấn Độ tăng gấp ba chi tiêu quân sự trong 10 năm qua, công bố chi tiêu tăng 14%. Nhật cũng tuyên bố tăng cường chi tiêu quân sự trong năm 2013 - lần tăng ngân sách quốc phòng đầu tiên của nước này trong 11 năm.
Australia, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và một số nước Đông Nam Á khác đều đang rất mạnh tay đầu tư quốc phòng.
Nước Mỹ trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu ngân sách cũng khẳng định rằng, chi tiêu quân sự Mỹ ở Châu Á - TBD sẽ "miễn nhiễm" khỏi việc cắt giảm của Lầu Năm Góc.
Các chính phủ châu Á liên tục thông tin về việc nâng cấp, mua sắm và trang bị hệ thống vũ khí hiện đại, tên lửa đạn đạo, hạt nhân, tàu ngầm, tàu chiến, tàu sân bay cùng nhiều khí tài khác. Trong khi các nước lớn thì lo khuếch trương ảnh hưởng, kiềm chế lẫn nhau. Những quốc gia nhỏ hơn thì không ngừng "rào giậu" trước sức ép láng giềng.
Điển hình cuộc chạy đua vũ trang châu Á nổi lên với thế "chân kiềng" Trung - Nhật - Ấn Độ. Khi Ấn Độ và Nhật Bản hạ thuỷ tàu sân bay thì Trung Quốc cũng dày đặc tin đồn đang đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên.
Tàu Nhật Bản là tàu khu trục lớn lớp Izumo, với sân bay ngoại cỡ, là tàu chiến lớn nhất của nước này kể từ Thế chiến II. Như vậy là, các xưởng đóng tàu Nhật, sau nhiều thập niên sản xuất các tàu thương mại lớn, phức tạp nay đã có thể đi vào làm thêm nhiều tàu chiến thậm chí là tàu sân bay đích thực. Điều này khiến giới quan sát nhìn nhận có thể giảm thiểu thách thức của Trung Quốc đối với quyền kiểm soát của Nhật về quần đảo tranh chấp ở Hoa Đông.
Ngay sau đó, Ấn Độ tổ chức lễ hạ thuỷ hoành tráng tàu Vikrant 37.500 tấn - tàu sân bay “bản địa” đầu tiên, với toàn bộ thiết kế và sản xuất tại Ấn Độ. Nước này chưa từng được biết tới là quốc gia đóng tàu cho dù sở hữu đường bờ biển dài. Việc hạ thuỷ tàu Vikrant là biểu tượng của niềm tự hào cho dù con đường phía trước còn dài.
Trung Quốc sau khi hạ thủy tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh - nâng cấp từ tàu mua của Ukraine lại tràn ngập thông tin đã bắt tay vào đóng tàu sân bay nội địa. Và trên thực tế, động thái này đã được dự báo trước khi trong vài thập niên qua, Trung Quốc đã mua nhiều tàu sân bay “bỏ đi” trong một nỗ lực tìm hiểu động cơ, máy móc thiết bị và công nghệ phức tạp của nó để nắm bắt và làm chủ con tàu nổi mang tính biểu tượng về sức mạnh này.
Ở phần còn lại của châu Á, theo thống kê của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế tại Stockholm (SIPRI) thì những quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong 5 năm qua tất cả đều ở châu Á, đó là: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Hàn Quốc và Singapore.
Lý do cho một cuộc đua vũ trang ngày càng tăng tốc tại châu Á đó là: lợi ích quốc gia trỗi dậy cùng với sức mạnh kinh tế và thịnh vượng đã khiến cho nhiều chính phủ trong khu vực không ngừng nỗ lực bảo vệ phạm vi ảnh hưởng của họ bằng cách rộng tay mua sắm nhiều vũ khí trang thiết bị quân sự hiện đại. Tiếp đến là một "cảm giác chung về bất ổn chiến lược trong khu vực" do sự trỗi dậy của Trung Quốc và những nghi ngờ về khả năng Mỹ duy trì hiện diện quân sự ở châu Á.
Liên minh và hợp tác

Châu Á, Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ, Đông Nam Á
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Philippines Aquino tại Manila. Ảnh: Getty Images
Xuất phát từ nhiều lý do và động lực, trong đó nhiều người nhấn mạnh tới yếu tố trỗi dậy của Trung Quốc, mà châu Á năm 2013 chứng kiến một chiến lược xuyên suốt của hầu khắp nước lớn nhỏ là củng cố liên minh cũ, tăng cường bạn bè mới.
Nhật ngoài củng cố và mở rộng liên minh quân sự với Mỹ thì đang rộng đường tiếp cận với các quốc gia khác ở châu Á. Mới nhậm chức được 7 tháng, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có 3 lần công du Đông Nam Á. Theo đánh giá của giới quan sát quốc tế, mục tiêu của ông trong những chuyến thăm này là tăng cường vị thế của Tokyo tại Đông Nam Á, theo đó hạn chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh về mọi mặt tại khu vực này.
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, ông Abe tuyên bố Nhật sẽ cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần duyên, giúp Manila tăng cường khả năng phòng thủ biển đảo. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ông Abe tuyên bố, Nhật Bản và Đông Nam Á nhất trí về sự cần thiết phải “đảm bảo rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương được cai trị bởi luật pháp, thay vì sự áp đặt và đe dọa”.
Philippines trong khi thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản, Australia, cũng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ đồng minh thân thiết với Mỹ. Họ đã đạt được thỏa thuận để lực lượng Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự tại Philippines.
Ấn Độ có nhiều động thái để củng cố chính sách hướng Đông, trong đó có việc không ngừng mở rộng hợp tác, đề xuất tài trợ cho một số quốc gia Đông Nam Á, nhất là tăng cường khả năng phòng thủ hàng hải. Tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony đã thăm Singapore để tái khẳng định quan hệ quốc phòng song phương lâu dài giữa hai nước.
Cuối tháng 5, Thủ tướng Manmohan Singh đến Thái Lan, hai nước cam kết làm việc hướng tới một thoả thuận tự do thương mại. Bộ trưởng Antony cũng tới vương quốc này trong tháng 6. Ông đã đề xuất mở rộng sản xuất quốc phòng chung, Ấn Độ cũng sẽ gia tăng tiêu thụ vũ khí sang Thái.
Giữa điểm dừng chân Thái Lan và Singapore, ông Antony còn đến thăm Australia. Đây là lần đầu tiên một bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ tới thăm Úc - quốc gia có vị trí chiến lược và đồng minh hải quân tiềm năng. Ấn Độ cũng đã chấp thuận yêu cầu lâu nay của Myanmar giúp họ xây dựng các tàu tuần tra ngoài khơi.
Bản thân Trung Quốc cũng không ngừng vận dụng tiềm lực kinh tế, viện trợ, đầu tư, thương mại để củng cố ảnh hưởng tại khu vực. Bắc Kinh đẩy mạnh xúc tiến các thỏa thuận thương mại với Nhật và Hàn Quốc, tích cực mở rộng quan hệ thương mại với các quốc gia Đông Nam Á như Lào và Myanmar. Tuy nhiên, việc mở rộng sức mạnh mềm ở khu vực của Trung Quốc gặp cản trở do có các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ căng thẳng với một số quốc gia.
Trung Quốc đã đề xuất hợp tác an ninh nhưng chưa thực sự thuyết phục hay trấn an nổi láng giềng. Bắc Kinh hiện tiến hành đối thoại quốc phòng và an ninh hàng năm với Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar.
Việc này tỏ ra hữu ích trong nỗ lực gia tăng lòng tin cũng như hợp tác quân sự song phương. Trong lúc đó, quân đội Trung Quốc còn thực hiện các cuộc tập trận quân sự với Thái Lan, Singapore và Indonesia như diễn tập đặc nhiệm, chống khủng bố và hải quân.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội khẳng định yêu sách chủ quyền đã khiến các nước châu Á khác lo lắng và đề phòng. Dù tích cực thực hiện chính sách ngoại giao quân sự, nhưng việc "thâm hụt lòng tin" vào Trung Quốc đã tạo ra rào cản với chính Bắc Kinh trong hợp tác khu vực.
Thái An

Trương Duy Nhất , Phạm Viết Đào - Miếng xương hóc cổ họng Hà nội

Như thường lệ, trước lúc xét xử một người bất đồng chính kiến những tờ báo tự đứng tên Nhân Dân như QĐND, CAND...và một số tờ báo khác lại diễn trò kết tội trước phiên tòa để trấn áp dư luận trước.
Mới đây tờ báo CAND có đăng bài của phóng viên nặc danh với nội dung hàm hồ buộc tội cựu nhà báo Trương Duy Nhất bằng những luận điệu tạp nham , rẻ tiền.
Trong một đống hổ lốn luận điệu kết tội Trương Duy Nhất của bài báo này, người ta không biết đâu là điểm mấu chốt để kết tội Trương Duy Nhất về mặt pháp lý. Đâu là thứ trò cãi vã, chửi bới, buộc tội của mụ hàng xóm mất gà. Từ luận điệu '' phủ nhận xương máu '' cho đến '' gây hoang mang quần chúng '' rồi sai lệch trong việc gọi chủ tịch ủy ban nhân dân TP thành thị trưởng, sai lệch khi gọi ngày 30 -4 là quốc hận...đến một đống lôm côm khác là '' boi nhọ chính phủ, cá nhân, tổ chức...''  và '' đưa ra hình ảnh không đúng về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam ''...
Tất cả những thứ bát nháo này, có thể kết tội gì cho Trương Duy Nhất.? Ngoài cái mục đích để cô lập dư luận ủng hộ hay bênh vực cá nhân Trương Duy Nhất. Dễ dàng có thể thấy người viết bài báo này chỉ có mục đích là làm sao nhét thật nhiều tội danh, nhiều suy luận kết tội lên người cựu nhà báo Trương Duy Nhất.
Cuối cùng thì phần kết bài báo cũng nhắc đến tội danh của Trương Duy Nhất , đó là '' lợi dụng quyền tự do ngôn luận, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà Nước, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà Nước.."
Đến đây thì người ta mới rõ bài viết '' chấm điểm bộ tứ '' hay việc Trương Duy Nhất xếp hạng tín nhiệm cho quan chức chính phủ mới thực sự là lý do khiến anh bị bắt. Và tội chính thức của anh ta trong cái mớ bòng bòng, hỗn độn mà tờ báo đưa ra là '' bôi nhọ lãnh đạo ''.
Nhìn chung thì vụ án Trương Duy Nhất và Cù Huy Hà Vũ đều có một điểm giống nhau là cùng một đối tượng '' lãnh đạo '' bị bôi nhọ trong bài viết của hai người.
 Bức ảnh Trương Duy Nhất được đánh dâu X to tướng không phải có hàm ý gì không. Hay là lời cảnh cáo bất cứ ai nhắc tới đồng chí X nào đó trong BCT mà ông Trương Tấn Sang đã nói.
Dù sao thì Trương Duy Nhất  cũng thể hiện một cá tính bất khuất hơn nhiều những tên bồi bút chỉ trích anh về lương tâm, đạo đức của người cầm bút. Liệu những kẻ cầm bút chỉ trích anh có đủ can đảm khi đối diện với án tù mà vẫn bảo vệ chính kiến trong bài viết của mình như chính bài báo phải công nhận. Trương Duy Nhất khảng khái nhận mình là tác giả bài viết, nhưng anh không nhận đó là sai lầm hay phạm tội. Điều đó chứng tỏ anh là một người viết có trách nhiệm lương tâm với phát ngôn của mình, trả giá để bảo vệ những gì mình nói. Một con người cầm bút phải có nội tâm và niềm tin , tri thức lớn mới dám bảo vệ quan điểm của mình trước những đe dọa tù đầy. Thời gian 7 tháng tù giam đã không khuất phục được Trương Duy Nhất, việc phải đưa anh ra tòa xét xử là một thất bại của những kẻ muốn hăm dọa anh.
Một con người cứng rắn và hiểu biết như thế, sao phải cần một đứa nặc danh nào khuyên uốn lưỡi năm hay bảy lần cơ chứ.? Họ dám viết và dám trả giá để khẳng định nội dung bài viết của mình là đúng với lương tri, hiểu biết của họ. Đó mới chính là cái tát vào những kẻ bồi bút, nặc danh không dám nhìn thẳng vào sự thật xã hội, kinh tế , chính trị mà vì chút bổng lộc cơm thừa, canh cặn đã uốn bút để tâng bốc, vẽ mầu mè nên một thực trạng xã hội be bét. Những kẻ như thế chắc cũng uốn lưỡi năm bảy lần khi viết , để đến khi cuối bài còn biết dấu tên ký bút danh ất ơ nào đó. Tiếc rằng cái cân nhắc năm bảy lần của kẻ ấy không phải là viết đúng sự thật mà để chọn bút danh dấu tên thật mình.
Uốn lưỡi bảy lần để viết sự thật là một chuyện. Còn uốn lưỡi bảy lần để cân nhắc lợi cho mình, tránh cái hại, mặc sự thật ra sao thì ra thì rõ là cái uốn lưỡi của bọn tiểu nhân, bồi bút.
Thế mà cũng bày đặt dạy người.

GIỚI THIỆU TÓM TẮT HỆ LÝ LUẬN CHỦ NGHĨA CỘNG ĐỒNG

Lê Thăng Long
Kính gửi:
1- Toàn thể đồng bào Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.
2- Toàn thể nhân dân các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thế giới.
3- Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc
4- Hội đồng các quốc gia ASEAN

5- Chính phủ các quốc gia trên thế giới
6- Đảng Cộng sản Việt Nam và quốc hội Việt Nam, nhà nước Việt Nam, chính phủ Việt Nam
7- Các tu sỹ, các tín đồ các tổ chức tôn giáo của tất cả mọi tôn giáo trên toàn thế giới
8- Phóng viên báo chí và tất cả các cơ quan truyền thông: báo chí, phát thanh, truyền hình Việt Nam, các quốc gia ASEAN và toàn thế giới
9- Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, ASEAN và thế giới
10- Các tổ chức phi chính phủ, nhân đạo, xã hội, chính trị toàn thế giới
Tôi là Lê Thăng Long, tên bí danh là Lincoln Lê, sinh năm 1967, công dân Việt Nam, công dân ASEAN, công dân thế giới, là một trí thức, là một doanh nhân, là một nhà hoạt động về quyền con người cho Việt Nam và nhân loại, là nhà nghiên cứu về khoa học tự nhiên và xã hội. Nay tôi xin thay mặt nhóm trí thức người Việt Nam viết bài này công bố tóm tắt nội dung hệ lý luận chủ nghĩa Cộng đồng.
Chủ nghĩa Cộng đồng (CNCĐ) kế thừa toàn bộ tinh hoa của chủ nghĩa Cộng sản Mác – Lê Nin và rất nhiều chủ thuyết khác trên thế giới. Trong hệ lý luận của CNCĐ đã có sự kế thừa đầy đủ tinh hoa của hầu hết triết lý của các tôn giáo trên thế giới. Hệ lý luận CNCĐ do một nhóm trí thức siêu cao cấp người Việt Nam nghiên cứu trong nhiều năm. Có rất nhiều sự sáng tạo mới về lý luận chưa từng có trong lịch sử xã hội loài người được viết trong hệ lý luận CNCĐ. Tôi may mắn được ở trong nhóm nghiên cứu hệ lý luận CNCĐ khi sự nghiên cứu ở vào giai đoạn gần hoàn thiện. Tôi có được vinh dự lớn lao được quyền chấp bút viết lời giới thiệu công bố công trình nghiên cứu về hệ lý luận CNCĐ.
CHỦ THUYẾT TỐT CHO NHÂN LOẠI
Chủ nghĩa Cộng sản Mác – Lê Nin (CNCS M-L) ngay từ khi ra đời đã muốn trở thành một hệ lý luận chuẩn mực cho toàn nhân loại sử dụng làm tư duy định hướng cho sự phát triển loài người. Sáng lập hệ lý luận chủ nghĩa Cộng sản (CNCS) chủ yếu do Các Mác người nước Đức và có thêm sự cộng tác của Ăng Gen người nước Anh. Hệ lý luận CNCS lần đầu tiên được Lê Nin ứng dụng thành công tại nước Nga năm 1917. Do vậy từ năm 1917 đến nay toàn thế giới quen gọi tên là hệ lý luận CNCS M-L gồm có một số mảng lý luận chính như sau:
1-    Kinh tế học Mác – Lê Nin
2-    Chính trị học Mác – Lê Nin
3-    Triết học Mác – Lê Nin
4-    Xã hội học Mác – Lê Nin
Hệ lý luận CNCS M-L nghiên cứu tổng thể mọi vấn đề về loài người và thế giới vật chất kể từ khi chưa có loài người, quá trình phát triển loài người trong quá khứ, trong hiện tại, trong tương lai gần và mãi mãi. Trong thế kỷ 20 đã có khỏang 30 quốc gia trên thế giới trở thành các quốc gia theo đường lối kinh tế và chính trị CNCS. Nhưng vào khoảng năm 1989 đến 1991 đồng loạt hơn 20 quốc gia Cộng sản châu Âu đã giã từ đường lối kinh tế và chính trị CNCS. Trung Quốc từ năm 1978 đến nay, Việt Nam từ năm 1986 đến nay đã tiến hành cải cách kinh tế. Rất nhiều nhân dân, chính phủ các quốc gia đã nhận ra những sai lầm và thiếu sót của hệ lý luận CNCS M-L. Do vậy họ đã từ bỏ hoàn toàn hoặc tiến hành cải cách.
Đã có rất nhiều sự phản biện của nhiều trí thức các quốc gia trên thế giới về CNCS. Chúng tôi đã sưu tầm, ghi nhận, biên tập lại thành hệ thống. Trong tinh thần khoa học, khách quan, chúng tôi đã đánh giá lại nghiêm túc, đúng mức sự đúng, sự sai, sự ưu việt thiếu sót của hệ lý luận CNCS M-L. Đến nay chúng tôi kết luận là hệ lý luận CNCS M-L sai lầm và thiếu sót hơn 90%. Chúng tôi đã chắt lọc toàn bộ các tinh hoa và loại bỏ toàn bộ các sai lầm của hệ lý luận CNCS M-L để viết ra hệ lý luận CNCĐ. Tuy nhiên các tinh hoa của hệ lý luận CNCS M-L còn thiếu rất nhiều chưa đủ cho chúng tôi viết ra hệ lý luận CNCĐ. Chúng tôi đã nghiên cứu triết lý của nhiều tôn giáo và chắt lọc các tinh hoa các triết lý của nhiều tôn giáo để viết ra hệ lý luận CNCĐ. Rất nhiều tinh hoa của hàng loạt chủ thuyết về xã hội, khoa học tự nhiên của nhiều học giả các quốc gia trên thế giới cũng được chắt lọc để viết thành hệ lý luận CNCĐ. Trong hệ lý luận CNCĐ có rất nhiều các tinh hoa về khoa học luật pháp được chắt lọc từ luật pháp Liên Hiệp Quốc, ASEAN, EU và hầu hết mọi quốc gia trên thế giới. Rất nhiều tinh hoa về tri thức quân sự của nhiều quốc gia trên thế giới cũng được chắt lọc để viết ra hệ lý luận CNCĐ. Ngoài kế thừa tinh hoa đã có của toàn thể nhân loại chúng tôi có rất nhiều các tư duy sáng tạo lớn mang tính đột phá bổ sung vào để viết ra hệ lý luận CNCĐ.
Nhân loại chúng ta rất cần có một chủ thuyết tốt để tư duy định hướng cho sự phát triển của nhân loại trong hiện tại, tương lai gần và mãi mãi. Để đáp ứng sự mong mỏi đó nhóm chúng tôi đã dành ra nhiều năm liên tục miệt mài, nỗ lực hết mình để nghiên cứu ra hệ lý luận CNCĐ. Về tri thức hệ lý luận CNCĐ sẽ là hệ lý luận có lượng tri thức lớn đồ sộ nhất trong tất cả các chủ thuyết từng có từ khi có loài người trên trái đất tới nay. Tri thức tinh hoa của toàn bộ hệ lý luận CNCS M-L và các tôn giáo lớn trên thế giới như: Phật giáo, Tin Lành giáo, Công giáo cùng nhiều tôn giáo khác đã có trong đồng thời chỉ là một phần của hệ lý luận CNCĐ. Tuy ngay từ khi mới ra đời hệ lý luận CNCĐ đã trở thành một hệ lý luận lớn đồ sộ bậc nhất trong mọi chủ thuyết từng có trong lịch sử nhân loại từ khi có loài người trên trái đất đến nay nhưng đó cũng mới chỉ là những phác thảo khái quát ban đầu về một hệ lý luận mới. Nhóm chúng tôi là những người tiên phong đặt viên đá nền móng ban đầu để xây dựng nên một hệ lý luận mới là hệ lý luận CNCĐ. Chúng tôi kế thừa tinh hoa nhân loại trong quá khứ đến hiện tại và chúng tôi mong muốn toàn nhân loại luôn biết kế thừa tinh hoa, loại bỏ sai lầm trong quá khứ và nỗ lực sáng tạo không ngừng để không ngừng phát triển hơn về mọi mặt. Hệ lý luận CNCĐ sẽ được nhóm chúng tôi công bố công khai trên toàn thế giới trong tương lai gần. Nhóm chúng tôi không hề thu phí bản quyền mà xin tặng cho toàn thể nhân dân và chính phủ mọi quốc gia trên toàn thế giới. Chính phủ và nhân dân các quốc gia trên toàn thế giới được toàn quyền sử dụng hệ lý luận CNCĐ. Chúng tôi mong toàn thể nhân loại sẽ tham gia góp ý, phản biện, sáng tạo thêm để giúp cho hệ lý luận CNCĐ mỗi ngày một hoàn thiện hơn. Trong toàn bộ các tinh hoa của hệ lý luận CNCS M-L chỉ bằng khoảng 1/100 lượng tri thức lớn viết trong hệ lý luận CNCĐ nhưng chúng tôi rất trân trọng bởi vì đó là một phần quan trọng của hệ lý luận mới. Hệ lý luận CNCĐ có tính ứng dụng thực tế rất cao. Kèm theo việc công bố lý thuyết chúng tôi cũng sẽ công bố kế hoạch cụ thể về những sự ứng dụng ở thực tế hệ lý luận CNCĐ trong tương lai gần. Toàn bộ hệ lý luận CNCĐ đã được nhóm chúng tôi viết xong, nhưng vì rủi ro bất khả kháng đến với các thành viên trong nhóm chúng tôi vì vậy tài liệu đã bị thất lạc mất gần toàn bộ. Nay nhóm chúng tôi đang từng bước viết lại toàn bộ hệ lý luận CNCĐ. Hệ lý luận CNCĐ sẽ có ý nghĩa vô cùng lớn đối với nhân loại vì vậy cần được giới thiệu rộng rãi công khai ra toàn thế giới càng sớm càng tốt. Nhóm chúng tôi sẽ viết giới thiệu từng phần, viết xong phần nào sẽ giới thiệu luôn phần đó về hệ lý luận CNCĐ. Hệ lý luận CNCĐ ra đời là để nhằm thực hiện các sứ mệnh thiết thực cho đời sống nhân loại và tương lai trên sự cống hiến cơ bản như sau:
1-    Loại bỏ hoàn toàn chiến tranh, khủng bố ra khỏi đời sống của nhân loại để mưu cầu hòa bình toàn diện cho toàn thế giới.
2-    Xóa bỏ hoàn toàn sự nghèo đói trong đời sống nhân loại và xây dựng một nhân loại thịnh vượng, hạnh phúc.
3-    Nâng cao tri thức cho toàn nhân loại ở mức cao.
4-    Xây dựng một nhân loại sống có đạo đức cao, có tình yêu thương, bình đẳng, công bằng, bác ái.
5-    Nâng cao sự giao lưu, hợp tác, hội nhập mật thiết và toàn diện giữa các dân tộc, quốc gia trên toàn thế giới.
6-    Rất nhiều cống hiến lớn nữa cho xã hội loài người trong hiện tại và tương lai.
CẦN SỬA CHỮA SAI LẦM
Tôi rất yêu thương dân tộc Việt Nam và nhân loại. Trong nhiều năm qua đến nay tôi đã rất nỗ lực hành động để cống hiến nhiều lợi ích cho dân tộc Việt Nam. Thật đáng tiếc chính quyền Việt Nam đã bắt giam tù và xử án tôi 5 năm tù giam. Chính quyền Việt Nam (CQVN) còn bắt giam tù oan, xét xử sai 3 trí thức, doanh nhân yêu nước Việt Nam nữa là:
-       Doanh nhân yêu nước Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm từ giam, 5 năm quản chế.
-       Luật sư nhân quyền yêu nước Lê Công Định 5 năm tù giam, 3 năm quản chế.
-       Trí thức yêu nước trẻ Nguyễn Tiến Trung, 7 năm tù giam, 3 năm quản chế.
Tôi và luật sư nhân quyền yêu nước Lê Công Định đã được ra tù vì mãn hạn tù. Hiện nay doanh nhân yêu nước Trần Huỳnh Duy Thức và trí thức yêu nước trẻ Nguyễn Tiến Trung vẫn chưa được ra tù. Tuy ra tù nhưng tôi và luật sư nhân quyền yêu nước Lê Công Định vẫn chưa hoàn toàn được tự do bởi hai chúng tôi bị chính quyền quản chế 3 năm. Trong thời gian bị quản chế chúng tôi bị hạn chế một số quyền công dân quan trọng như:
1-    Không được tham gia bầu cử, ứng cử các chức vụ trong bộ máy chính quyền.
2-    Tuyệt đối không được tự do đi lại ngoài khu vực phường chúng tôi đang sống.
3-    Một số vấn đề khác công khai hoặc bí mật chính quyền Việt Nam hạn chế, ngăn cản chúng tôi.
Ở Việt Nam (VN) đã từng có ông Nguyễn Kim Ngọc nguyên là bí thư tỉnh ủy của ĐCSVN thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đã bị chính quyền VN xử lý oan sai. Chính ông Nguyễn Kim Ngọc là người đầu tiên thực hiện cải cách kinh tế thành công ở quy mô nhỏ ở VN nhưng không được chính quyền VN thừa nhận thành công, cống hiến của ông ấy. Thay vì tặng thưởng huân chương thì CQVN đã kết tội ông Nguyễn Kim Ngọc rất nặng nề. Sau này cố tổng bí thư ĐCSVN là Nguyễn Văn Linh đã lấy kế sách sáng tạo của ông Nguyễn Kim Ngọc để thực hiện cải cách nền kinh tế Việt Nam từ năm 1986 đến nay. Về sau này ĐCSVN và CQVN đã truy tặng ông Nguyễn Kim Ngọc nhiều huân chương cao quý sau khi ông ấy đã mất. Tôi hy vọng, mong đợi một ngày nào đó ĐCSVN & CQVN sẽ minh oan cho tôi cùng các bạn tôi tựa như sự đã minh oan cho ông Nguyễn Kim Ngọc.
Thành quả của cuộc cải cách kinh tế VN từ năm 1986 đến nay là lớn nhưng đó vẫn còn là cuộc cải cách thiếu triệt để, thiếu toàn diện. Nếu VN cải cách triệt để hơn, toàn diện hơn thì sẽ gặt hái được nhiều thành tựu phát triển hơn nữa. Tôi muốn giúp cho ĐCSVN và CQVN tiếp tục cải cách triệt để hơn, toàn diện hơnCải cách tư duy mới là cải cách ở phần gốc rễ, cải cách ở hành động chỉ là cải cách ở phần ngọn. ĐCSVN lãnh đạo toàn diện xã hội VN. ĐCSVN lấy hệ lý luận CNCS M-L làm nền tảng lý luận chủ yếu cơ bản để tư duy lãnh đạo toàn diện xã hội VN. Khi hệ lý luận CNCS M-L sai lầm hơn 90% và có rất nhiều thiếu sót thì tất yếu phải dẫn đến nhiều hậu quả xấu cho xã hội VN.
Bản thân tôi vốn dĩ không có một thù oán nào cho dù là nhỏ nhất đối với ĐCSVN và CQVN. Ông ngoại tôi là liệt sỹ cách mạng thời kháng chiến chống Pháp. Cha và mẹ đẻ của tôi đều là đảng viên ĐCSVN. Cha và mẹ đẻ của tôi đều là những nhà cách mạng tham gia tích cực cống hiến trong cuộc kháng chiến chống các thế lực xâm lược Pháp, Mỹ và bành trướng Trung Quốc của dân tộc Việt Nam. Gia đình tôi có công rất lớn cống hiến cho ĐCSVN và CQVN. Nhưng tôi nhận thấy ĐCSVN và CQVN có quá nhiều sai lầm, thiếu sót lớn cho nên tôi đành phải góp ý nhằm giúp cho ĐCSVN và CQVN sửa chữa sai lầm, thiếu sót. Nếu ĐCSVN và CQVN sớm nhận ra sai lầm, thiếu sót để sửa chữa và minh oan cho tôi thì mới thể hiện được sự văn minh, đạo đức công bằng của ĐCSVN cùng CQVN. Tôi hoàn toàn không có ý chỉ trích ĐCSVN và CQVN. Tôi chỉ muốn chân thành góp ý và nói lên sự thật mà thôi.
Sau đây tôi xin chỉ ra một số sai lầm, thiếu sót lớn của hệ lý luận CNCS M-L để giúp cho ĐCSVN và CQVN sớm sửa đổi lại nhận thức, tư duy để lãnh đạo xã hội VN được tốt hơn.
Trong phần kinh tế học và chính trị học của hệ lý luận CNCS M-L có một lý thuyết đặc biệt quan trọng mang tính tiên đề là lý thuyết giá trị thặng dư sức lao động. Thật tiếc là lý thuyết giá trị thặng dư sức lao động do Các Mác viết ra sai lầm, thiếu sót hơn 90%. Trong lý thuyết giá trị thặng dư sức lao động do Các Mác là ông tổ của CNCS đã chứng minh những nhận định rằng:
1-    Toàn bộ các doanh nhân thuộc khối kinh tế tư nhân là thuộc về giai cấp tư bản. Tư bản trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ còn có tên gọi khác là tư sản. Tư bản trong lĩnh vực nông nghiệp còn có tên gọi khác là địa chủ. Các Mác coi tư bản là bóc lột có nghĩa là tất cả những ai là doanh nhân thuộc sở hữu kinh tế tư nhân thì đều thuộc những người bóc lột sức lao động của người lao động làm thuê.
2-    Toàn bộ những người lao động đi làm việc tại các cơ sở kinh tế tư nhân thì thuộc về giai cấp bị bóc lột.
3-    Giai cấp tiểu tư sản tức là giai cấp bóc lột nhỏ, gồm có các thành phần là: trí thức, tiểu thương, tiểu chủ, văn nghệ sỹ, giáo viên, học sinh, sinh viên.
4-    Các Mác đề ra cách thức xóa bỏ sự bóc lột để mưu cầu sự công bằng, bình đẳng cho xã hội là buộc phải sử dụng bạo lực để cưỡng đoạt tài sản tư hữu tư nhân trở thành tài sản sở hữu công cộng toàn dân.
5-    Các Mác chủ trương tiến tới xóa bỏ kinh tế tư nhân trên toàn thế giới để thực hiện thế giới đại đồng. Thế giới đại đồng tức là CNXH & CNCS toàn cầu. CNXH là giai đoạn thấp đầu tiên của CNCS.
Sau đây tôi xin phân tích một chút về những điều Các Mác nhận định mà tôi vừa nêu. Để quý vị và các bạn dễ hiểu tôi xin đưa ra những ví dụ cụ thể ở thực tiễn để chứng minh cho lý thuyết.
TƯ BẢN VÀ CỘNG SẢN
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được thành lập năm 1776. Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ là cố tổng thống Washington, làm tổng thống từ năm 1776 đến năm 1784. Tiếp theo tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ là cố tổng thống Abraham Lincoln, làm tổng thống từ năm 1785 đến năm 1792. Ngay trong thời gian ngài Abraham Lincoln làm tổng thống thì quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành luật xóa bỏ việc cưỡng bức, sử dụng nô lệ đối với người da màu và tất cả mọi con người sống trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Kể từ đó mọi công dân lao động Hoa Kỳ được bình đẳng quyền con người với giới doanh nhân.
Khi có sự cưỡng bức của doanh nhân đối với người lao động, khi người lao động không có quyền con người bình đẳng với doanh nhân, khi người lao động bị doanh nhân trả lương thấp hơn sự cống hiến hữu ích của họ cho doanh nghiệp thì khi đó doanh nhân trở thành giai cấp bóc lột và người lao động trở thành người thuộc giai cấp bị bóc lột. Ngược lại khi người lao động được quyền bình đẳng quyền con người với doanh nhân, người lao động được quyền thỏa thuận mức thu nhập và sự làm việc cho doanh nghiệp, người lao động được doanh nhân trả thu nhập thỏa đáng bằng với sự cống hiến của người lao động cho doanh nghiệp thì khi ấy doanh nhân không phải thuộc về giai cấp bóc lột và người lao động không thuộc về giai cấp bị bóc lột.
Như vậy có hai hình thái đối với kinh tế tư nhân là kinh tế tư nhân có bóc lột và kinh tế tư nhân không có bóc lột. Thật đáng tiếc là Các Mác đã hoàn toàn không viết gì về kinh tế tư nhân không có bóc lột. Các Mác đã gộp tất cả kinh tế tư nhân không có bóc lột trở thành kinh tế tư nhân có bóc lột. Từ hơn 200 năm qua đến nay cả thế giới vẫn quen theo quán tính gọi Hoa Kỳ là quốc gia tư bản tức là quốc gia có bóc lột. Nhận thức như vậy là sai lầm, thiếu sót. Thật sự là giữa nhiệm kỳ của cố tổng thống Abraham Lincoln trở về trước Hoa Kỳ là quốc gia tư bản còn từ giữa nhiệm kỳ của cố tổng thống Abraham Lincoln tới sau này đến tận nay thì Hoa Kỳ không còn là quốc gia tư bản nữa. Nhóm chúng tôi đặt tên cho là hình thái kinh tế tư nhân không có bóc lột gọi là kinh tế cộng đồng. Như vậy từ thời ngài Abraham Lincoln làm tổng thống đến nay Hoa Kỳ đã chính thức trở thành quốc gia cộng đồng chứ không còn là quốc gia tư bản. Để tỏ lòng ngưỡng mộ cố tổng thống Abraham Lincoln tôi đã tự đặt tên cho mình là Lincoln Lê. Những thành phần trong xã hội như: trí thức, giáo viên, học sinh, sinh viên, văn nghệ sỹ, tiểu thương, tiểu chủ họ không hề tham gia bóc lột ai vì không có ai làm thuê cho họ. Cho dù là bóc lột rất nhỏ cũng không hề có. Do vậy Các Mác kết tội các thành phần xã hội thuộc về giai cấp tiểu tư sản là hoàn toàn sai lầm.
Định nghĩa bóc lột là gì?! Khi một người hưởng thu nhập hơn sự cống hiến hữu ích của họ, họ hưởng lợi vào phần lợi ích chính đáng của người khác bằng mọi hình thức thì đều là bóc lột. Như vậy những quan chức chính quyền tham nhũng chính là những người thuộc về giai cấp bóc lột hay còn gọi là giai cấp tư bản. Tham nhũng là sự hưởng thu nhập ngoài lương, thu nhập không chính đáng. Chúng tôi gọi những quan chức tham nhũng ở các quốc gia cộng sản là những nhà tư bản đỏ, họ thuộc về giai cấp tư bản đỏ. Những quan chức tham nhũng trong quốc gia dân chủ chúng tôi đặt tên họ là những nhà tư bản xanh, họ thuộc về giai cấp tư bản xanh. Những doanh nhân tham gia cưỡng bức, bóc lột sức lao động của người lao động chúng tôi đặt tên cho họ là tư bản đen, họ thuộc về giai cấp tư bản đen. Khi doanh nhân trả lương cho người lao động xứng đáng với cống hiến hữu ích của họ và tôn trọng người lao động thì khi đó doanh nhân không thuộc về giai cấp bóc lột, doanh nhân cũng là người lao động chân chính. Doanh nhân lao động chân chính là khi họ bỏ công sức, thời gian, trí tuệ, trách nhiệm, bỏ vốn đầu tư để điều hành, quản lý doanh nghiệp. Đó là lao động cao cấp, lao động trí tuệ.
DUY TÂM VÀ DUY VẬT
Triết học của hệ lý luận CNCS M-L là hệ triết học duy vật biện chứng. Triết học của CNCS đưa ra lý luận bác bỏ hoàn toàn mọi giá trị, mọi triết lý của các tôn giáo. Triết học của các tôn giáo thuộc về hệ triết học duy tâm. Triết lý cốt lõi của hệ triết học duy vật biện chứng là coi vật chất có trước, ý thức có sau. Triết học duy vật biện chứng không thừa nhận có tâm linh, có Thượng đế, có Tạo hóa, có thánh thần, có Phật, có linh hồn. Triết học duy tâm thừa nhận có tâm linh, có Thượng đế, có Tạo hóa, có thánh thần, có Phật, có linh hồn, có ý thức có trước, vật chất có sau.
Trong triết lý duy vật biện chứng có khái niệm (phạm trù) rất quan trọng là phủ định, khẳng định, khẳng định và phủ định. Có nghĩa là theo Các Mác cho rằng cái này đúng thì cái kia phải sai và ngược lại. Như vậy nếu triết học duy vật biện chứng đúng thì mọi triết học duy tâm của các tôn giáo buộc phải sai. Các Mác cho rằng mọi triết lý của các tôn giáo đều là sai, là mê tín dị đoan, do vậy cần phải bài trừ tôn giáo ra khỏi đời sống của nhân loại. Trên thực tế đã có hàng chục quốc gia CS trên thế giới đã từng thực hiện cấm đoán, cản trở hoạt động tôn giáo ở tùy mức độ ít hay nhiều. Vậy chúng ta nên hiểu thế nào cho đúng?!
Chúng ta ủng hộ triết học duy vật biện chứng của CNCS hay là ủng hộ triết học duy tâm của các tôn giáo?! Tôi xin chia sẻ, phân tích giúp quý vị và các bạn một chút như sau:
Có một thực tế rất dễ nhận thấy mà hàng tỷ người trên trái đất đều hiểu đó là vũ trụ hình thành từ đa nguyên, hiện tại là đa nguyên, tiếp tục tồn tại trong tương lai vẫn là đa nguyên. Đa nguyên về nhiều phương diện vật chất và phi vật chất. Tôi ví dụ về nguyên tử tức là vật chất đơn chất thì đến nay các nhà khoa học trên thế giới đã tìm ra có hơn 100 nguyên tố, nguyên tử khác nhau. Về hợp chất thì có hàng vạn loại hợp chất khác nhau. Nguyên tử chưa phải là nhỏ nhất, có nhiều loại vật chất nhỏ hơn nguyên tử để tạo thành các nguyên tử. Nhiều nguyên tử kết hợp lại thành hợp chất. Trong một cánh rừng nguyên sinh có hàng vạn loài cây, hàng ngàn loài chim, hàng trăm loại thú. Côn trùng có hàng ngàn loài. Cá nước ngọt, nước lợ, nước mặn có hàng ngàn loài khác nhau. Con người sống trên trái đất có nhiều màu da: trắng, vàng, nâu, đen, đỏ … Hiện nay thế giới có khoảng 7,2 tỷ người tất cả mọi người đều khác nhau, không có ai giống nhau đến mức tuyệt đối về thể xác và tâm hồn. Bằng mắt thường chúng ta nhìn thấy các anh, chị em sinh đôi, sinh ba cùng trứng giống nhau như là giọt nước. Nhưng các nhà khoa học hình sự cho biết rằng hình dáng bộ vân tay của người sinh đôi, sinh ba cũng có không ít những chỗ khác nhau. Tâm hồn của người sinh đôi, sinh ba cũng có nhiều sự khác nhau. Như vậy về tâm hồn và vật chất hình thành, tồn tại trong vũ trụ thực tế là đa nguyên chứ hoàn toàn không phải là sự nhất nguyên. Có một thực tế rất phổ biến là thế giới vật chất và phi vật chất tức là tinh thần thường tồn tại trong hai mặt đối lập nhưng lại cùng chung một vấn đề thống nhất. Tôi xin ví dụ về sự tồn tại phổ biến hai vế đối lập nhưng lại tồn tại trong cùng một vấn đề thống nhất như sau:
1-    Trong loài người có một nửa là nam giới, một nửa là nữ giới.
2-    Đồng tiền có hai mặt.
3-    Mỗi nguyên tử có hạt nhân mang điện tích dương và điện tử mang điện tích âm.
4-    Trong một dòng điện có một dây nóng và một dây nguội.
5-    Bên cạnh núi cao thường là vực sâu.
6-    Loài thú, chim, cá, côn trùng có giống đực và giống cái.
7-    Có mặt trời nóng nhưng lại có mặt trăng lạnh.
8-    Có triết lý duy vật và có triết lý duy tâm
9-    Trong một trục số có nửa trục số là số âm từ 0 đến âm vô cùng, có nửa trục số là số dương từ 0 đến dương vô cùng.
10- Rất nhiều sự khác nữa luôn tồn tại hai vế đối lập trong cùng một vấn đề thống nhất.
Bóng tối và ánh sáng hoàn toàn đối lập nhau. Nhưng ánh sáng và bóng tối đều có ý nghĩa đối với đời sống con người. Ánh sáng mặt trời ban cho nhân loại năng lượng sống. Ban đêm để cho con người được nghỉ ngơi. Nếu chỉ có ban ngày mà không có ban đêm thì con người chỉ biết có làm việc, ít có nghỉ ngơi. Ánh trăng ban cho nhân loại sự lãng mạn, thơ mộng. Nếu nhân loại chỉ có toàn nam giới hoặc toàn nữ giới thì thế giới thật đơn điệu, kém hạnh phúc. Sự tồn tại đa nguyên, tồn tại hai vế đối lập làm cho xã hội loài người thêm phong phú và hạnh phúc.
Nếu có ai đó nói mặt trời đúng, mặt trăng sai, nam giới đúng, nữ giới sai, bóng tối đúng, ánh sáng sai … thì quý vị và các bạn nghĩ sao?! Theo chúng tôi những thứ khác nhau đều có thể là đúng, mỗi thứ đúng theo hình thái của mình. Thế giới vũ trụ không phải là nhất nguyên. Do vậy không chỉ có một lẽ phải mà có rất nhiều lẽ phải. Mặt trời tốt và mặt trăng cũng tuyệt vời. Nam giới đáng yêu và phụ nữ cũng đáng yêu. Theo chúng tôi triết học duy vật và triết học duy tâm đều hữu ích với cuộc sống của nhân loại. Bởi vậy mà trong hệ lý luận CNCĐ chúng tôi tiếp thu, kế thừa mọi tinh hoa của hệ lý luận CNCS M-L đồng thời cũng tiếp thu, kế thừa mọi tinh hoa triết lý của các tôn giáo.

LỜI KẾT
Để viết lại đầy đủ, chi tiết hệ lý luận CNCĐ chúng tôi cần thời gian ít nhất là 10 năm. Trong bài viết này tôi xin thay mặt nhóm nghiên cứu chỉ mới có thể giới thiệu một chút ít khái quát về hệ lý luận CNCĐ. Sau bài viết này tôi và các thành viên trong nhóm của tôi sẽ từng bước viết từng phần để công bố toàn bộ hệ lý luận CNCĐ. Rất mong quý vị và các bạn quan tâm. Tôi ngỏ lời tha thiết xin được làm cố vấn cải cách hoàn toàn miễn phí cho ĐCSVN và CQVN. Hệ lý luận CNCĐ sẽ có ý nghĩa lớn với mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới không phân biệt chế độ kinh tế, chính trị.
Lời cuối bài viết này tôi xin chúc quý vị và các bạn luôn nhiều sức khỏe, bình an, thành công, may mắn, hạnh phúc! Tôi có thể sử dụng thành thạo ngôn ngữ Việt Nam và khá tiếng Anh. Nhưng vì tôi cần dành nhiều thời gian cho việc viết thêm nhiều bài viết khác nữa cho nên tôi ít có thời gian dành vào việc dịch các bài viết của tôi sang tiếng Anh. Tôi xin nhờ cậy quý vị và các bạn hãy giúp tôi dịch bài viết này sang ngôn ngữ tiếng Anh và nhiều ngoại ngữ khác của các dân tộc rồi sau đó phổ biến giúp tôi quảng bá rộng rãi bài viết này
Quý vị và các bạn có thể liên lạc với tôi theo địa chỉ nhà riêng: 80 Nguyễn Thái Bình, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Điện thoại di động: +84-967375886. Email: ltlong.cdvn@gmail.com.
Sài Gòn, Việt Nam, ngày 13/12/2013.
Lê Thăng Long – Lincoln Lê
Thành viên sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam

Các vị có còn là con người?

Yên Tử
clip_image001
clip_image003
Chú thích tấm hình này từ đài BBC: “Nhiều người ngăn cản vụ cưỡng chế đã bị bắt giữ”
Đọc qua bài báo này trên trang BBC và rồi nhìn mấy tấm hình thì sự thật là những gì tôi thấy lại không như những gì hiện lên ở những tấm hình do BBC đăng tải.
Tôi thấy rằng bản năng của những loài ác thú là sinh ra, lớn lên, săn mồi, ăn, sinh sản, rồi chết. Bản năng của nó chỉ có thế. Nó không có mơ mộng nhà lầu xe hơi. Ăn no là được chứ không hề có cái khái niệm tham lam tích trữ. Nhưng ở loài ác thú lại còn có cái đặc biệt và hơn hẳn loài người nữa, ở chỗ là nó chỉ săn mồi, giành giật mồi, thậm chí cướp giật nhau song chỉ là những khi nó đói. Một khi nó đã no cái bụng rồi thì nó chẳng muốn động chạm hay phiền hà gì ai. Còn con người thì lại khác, lòng tham vô đáy. Không ít những kẻ từ lúc hai bàn tay trắng, thậm chí ở trong rừng trong rú sống cũng được, nay thì nhà cao cửa rộng, tiền chồng bạc chứa có thể ăn dăm bảy đời chưa chắc hết nhưng vẫn không chịu ngừng những hành động còn tệ hơn những loài ác thú, vẫn muốn xa hoa hơn nữa trên những đau khổ của những người mà không có họ thì chẳng thể nào có được mình.
Người trong hình bị còng tay và khiêng đi! Nhìn vào thấy đau lòng lắm!
Đến thời đại này rồi mà con người Việt Nam dưới mắt của người Cộng sản vẫn chẳng hơn gì một con vật! Người Cộng sản có thể hành xử với người Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào họ muốn. Vì sao thế?
Nét mặt của người bị còng tay khiêng đi nhìn thấy khác hoàn toàn với những vẻ mặt của những kẻ khiêng người.
Những người khiêng người, nét mặt rất là điềm nhiên, vui vẻ, … và hớn hở nữa.
Tại sao thế?
Đọc cái đề của bài báo đã thấy đau đớn và nhức nhối lắm rồi.
Người bị còng tay khiêng đi đó đã phạm tội gì?
Mỗi người trong chúng ta thử hình dung rằng một người nông dân đã bao đời nay chỉ biết cày sâu cuốc bẩm, nay bỗng dưng hoặc thì phải chấp nhận bị cướp sạch tất cả để bắt đầu một cuộc sống vô định hoặc phải chịu tội danh “chống người thi hành công vụ”, thì mình sẽ cảm thấy như thế nào?
Nhìn vào tấm hình với đôi tay bị còng và gương mặt phủ đầy nét khắc khổ, tôi nhớ đến một không gian của ai đó: “ Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.”
Nhìn vào tấm hình, có lúc thì tôi thấy người bị còng tay khiêng đi là cha tôi, có lúc lại thấy đó là mẹ tôi, có lúc lại là ông nội rồi bà nội, rồi ông ngoại, bà ngoại… tôi.
Nếu người đó là cha, mẹ, vợ, anh chị, hoặc ông bà của những người mặc sắc phục công an thì họ có tươi tắn hớn hở như vậy không? Họ có khiêng đi như vậy được không?
Ai bảo điều đó không thể nào xảy ra đối với chính bản thân họ?
Những người trước đây đã từng sống trong cái chết từng giờ qua hàng mấy chục năm để nuôi quân, để che giấu những người Cộng sản hoạt động ở miền Nam, họ có ngờ được rằng kết quả của ngày hôm nay là chính họ cũng bị đuổi khỏi mảnh đất mà họ đã từng ở bao đời, thậm chí đã từng là nơi họ che giấu những người Cộng sản?
Ở miền Bắc có bà Nguyễn Thị Năm, còn được gọi là bà Cát Hanh Long, người đã từng tốn không biết bao nhiêu của cải để nuôi cả cái chính phủ Cộng sản Việt Nam từ lúc còn phôi thai trứng nước. Nhưng nếu bà biết rằng khi cái chính phủ đó chỉ vừa có chút lông cánh thì nó sẽ đem bà ta ra làm thịt trước tiên như vậy thì liệu bà có bỏ công bỏ của ra để nuôi dưỡng cho nó nên hình nên hài vậy không?
Những người trong những bộ sắc phục của công an Cộng sản đó là cái gì nếu so với ông Trung tướng Trần Độ? Có một ai trong số họ biết ông Trần Độ về cuối đời đã bị Cộng Sản đối xử như thế nào? Có bao giờ họ chịu nghĩ đến hoặc tìm hiểu những điều như vậy để biết thân phận và số phận của họ ở ngày mai sẽ như thế nào khi họ vẫn như kẻ đui mù mà hớn hở nhúng tay vào những việc làm đầy tội ác như vậy?
Quý vị nào đó không cần thiết phải tin Luật Nhân Quả. Nhưng không tin Luật Nhân Quả không có nghĩa rằng nó sẽ chừa mình ra hoặc là mình sẽ vô can với những gì mình đã làm.
Nếu có ai đó cho rằng hành động của mình chỉ là thi hành nhiệm vụ hoặc chỉ làm theo lệnh cấp trên thì đó lại là một sai lầm tệ hại hơn nữa.
Một người ra lệnh giết một con gà và người trực tiếp cầm dao giết gà tội ác và nghiệp báo chẳng khác nhau. Mười người rủ nhau giết một con vịt để nhậu thì dù chỉ một người cầm dao nhưng Nghiệp Báo là mỗi người giết một con vịt chứ không phải tội ác đó chia ra làm mười. Người giết vịt ăn thịt, vịt chết làm người, người chết làm vịt… cứ thay phiên, đổi chủ rồi giết nhau và ăn thịt nhau… liên miên bất tận. Tôi không có ý khuyến khích hay khuyên bảo ai nên tin vào Luật Nhân Quả hoặc Luân Hồi, Nghiệp Báo. Một khi đã không muốn tin thì chẳng có lý do gì để tin và cũng đừng nên tin làm gì. Nhưng không tin những Quy Luật đó không có nghĩa là mình sống ngoài những cái Luật như vậy được. Gieo một hạt mít thì sẽ hái cả hàng trăm trái mít; gieo một mầm xương rồng thì sẽ nhận cả một rừng xương rồng. Thời gian càng lâu thì số quả sinh sôi nảy nở càng nhiều thêm ra.
Ta không cần phải tin Luật Nhân Quả. Nhưng liệu ta có thể trả lời hoặc giải thích được tại sao hạt mít lại mọc lên thành cây mít? Tại sao một mầm xương rồng lại phát triển thảnh cả rừng xương rồng? Luật của Tự Nhiên, khả năng loài người không thể nghĩ hoặc bàn đến được! Trong vũ trụ này con người cũng chỉ như một cây sậy biết suy nghĩ chứ đâu phải là vạn năng! Mình không hoặc chưa có khả năng để nhận ra Luật Nhân Quả không có nghĩa là Luật Nhân Quả không có hoặc không tồn tại! Nếu cái gì cũng cần phải thấy mới tin thì con người từ lúc sinh ra đã hít thở và sống giữa lòng không khí cho đến lúc chết nhưng có ai để ý hay nhìn thấy không khí bao giờ! Tuy nhiên, chuyện Nhân Quả đâu phải là không có để thấy đâu. Hãy để ý xem chung quanh mình đã có bao nhiêu kẻ chức quyền đã chết bất đắc kỳ tử hay gia đình con cái bị những tai nạn này kia.
Quá đau đớn, quá khốn nạn cho người Việt Nam hiện nay! Sống trên mảnh đất của ông cha từ bao đời để lại nhưng có thể bị cướp và trở thành kẻ phạm tội “chống người thi hành công vụ” bất cứ khi nào! Còn gì đau khổ hơn? Còn gì khốn nạn hơn? Sống trên chính quê hương mình, đất nước mình, xứ sở mình mà không sở hữu được một mảnh đất để yên thân thì có cái gì để có thể gọi là của mình được? Giả sử có muốn trở lại đời sống du mục của thời xa xưa nào đó thì cũng không thể được bởi sự trói buộc của cái hộ khẩu khốn kiếp kia, đâu thể nay đây mai đó được. Người Việt Nam, nhất là những người nông dân hiện nay phải sống như thế nào đây? Những ai chưa lâm vào hoàn cảnh đó nhưng có chút lương tri cũng có thể hình dung được phần nào thân phận và cảnh sống của những con người nghiệt ngã này.
Lấy đất nông nghiệp của người nông dân khốn khổ để làm sân golf cho bọn lắm bạc nhiều tiền nhởn nhơ, không nói lên điều gì khác hơn ngoài cái những cái Ngu Xuẩn, Phi Nhân, Thất Đức từ những cái óc tham lam vô độ và Dốt Nát của đám tà quyền.
Nhìn tấm hình dưới đây tôi lại thấy khủng khiếp hơn.
Trong một cơn tức giận vì oán thù gì đó người ta có thể có những hành động nóng nảy nhất thời gây tổn hại cho nhau, thậm chí có kẻ giết cả đối phương, nhưng cũng còn có thể có lý do để hiểu hoặc thông cảm. Còn những con người trong tấm hình dưới đây dứt khoát họ phải biết rằng là họ đang ngồi chờ để làm gì. Có khủng khiếp không khi mình phải trang bị những công cụ như vậy và ngồi chờ cho đến giờ để nhận lệnh mà đi xua đuổi những người nông dân khốn khổ ra khỏi nơi sinh sống đã bao đời của họ.
Tại sao những con người này (trong hình) lại trở thành những thứ gì đó giống như là những công cụ để sai khiến chứ không còn chút lý trí hoặc lương tâm nào vậy?
Ngay cả những mảnh đất mà đã cướp từ những người nông dân khốn khổ đó cũng trở thành những nơi mang lại những oan nghiệt và quả báo thảm khốc cho những kẻ nào vào đó để mua vui dù bất cứ hình thức nào.
Các vị có còn là con người?
clip_image005
clip_image007
Y. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

VIỆT - ĐỨC ALUMNITALK: "CẢI CÁCH HIẾN PHÁP Ở VIỆT NAM - NHỮNG KẾT QUẢ VÀ BÌNH LUẬN"

Nguồn (Quelle):
Website của GS.TS. Thomas Schmitz,
truy cập đường link gốc tại địa chỉ:
http://www.thomas-schmitz-hanoi.vn/

Hơn hai thập niên sau khi ban hành Hiến pháp năm 1992, Việt Nam mong muốn hóa giải những thách thức phải đối diện trong thế kỷ XXI trước tiên bằng việc cải cách toàn diện Hiến pháp. Việc làm này nhằm tạo ra những cơ sở tốt hơn nữa cho việc phát triển một nhà nước pháp quyền, nhà nước hợp hiến, ổn định và bền vững. Đầu năm 2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã chính thức công bố dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Từ thời điểm đó đến mùa thu năm nay đã có nhiều cuộc thảo luận sôi nổi, rộng rãi, công khai và dân chủ về sửa đổi Hiến pháp. Vào ngày 28 tháng 11 năm 2013, Quốc hội Việt Nam đã thông qua bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp, mà về cơ bản dựa trên cơ sở của bản dự thảo công bố ngày 17 tháng 10 năm 2013. Vậy đợt sửa đổi Hiến pháp này đã có những điểm mới quan trọng nào và những vấn đề gì vẫn chưa được ghi nhận? Liệu những sửa đổi này đã đáp ứng được kỳ vọng của các cuộc thảo luận về sửa đổi Hiến pháp? Đây chính là nội dung trọng tâm của cuộc Hội thảo Việt - Đức dành cho các cựu lưu học sinh đã từng học tập tại Đức vào ngày 12 tháng 12 năm 2013 tại Viện Goethe, Hà Nội. 
Tại hội thảo có phiên dịch cabin Việt-Đức và Đức-Việt.
Cuối chương trình, phần tiệc nhỏ trong sân Viện Goethe cũng sẽ là cơ hội thêm để trao đổi và giao lưu.
Sự góp mặt của các bạn là niềm vui lớn của chúng tôi!
Chương trình
  1. Khai mạc và phát biểu
    TS. Almuth Meyer-Zollitsch
    , Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội
    Anke Stahl
    , Trưởng đại diện Văn phòng DAAD Hà Nội
  2. Cải cách Hiến pháp ở Việt Nam - những kết quả và bình luận TS. Nguyễn Minh Tuấn, Khoa Luật, Đại học Quốc gia, Hà Nội
  3. Cải cách Hiến pháp ở Việt Nam - một số ý kiến nhìn từ giác độ học thuyết về hiến pháp của châu Âu GS. TS. Thomas Schmitz, Giảng viên dài hạn của DAAD, TTPL Đức - Trường Đại học Luật Hà Nội
  4. Thảo luận
Phần dẫn chương trình sẽ do ông David Frogier de Ponlevoy, nhà báo và tư vấn truyền thông đảm nhận
Downloads (PDF files)
Liên kết

Aufzählung
Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, đã sửa đổi ngày 28/11/2013 (văn bản hiến pháp mới): tiếng Việt  (Quốc hội/TTXVA/Phú Yên Online/Duthaoonline)
Aufzählung
Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001): tiếng Việt (Quốc hội/Chinh phu), tiếng Anh (Quốc hội/Chinh phu)
Aufzählung
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ngày 2/1/2013: văn bản hiến pháp mới tiếng Việt (Chinh phu/Duthaoonline/Thanhnien), bảng so sánh (HCMC), tổng quan (Vietnamplus)
Aufzählung
Dự thảo tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của nhân dân và ĐBQH, ngày 17/10/2013: văn bản hiến pháp mới tiếng Việt (Duthaoonline/Constitutionnet)
Aufzählung
Cuộc tranh luận về cải cách hiến pháp năm 2012: Nguyen Thi Huong: Pursuing Constitutional Dialogue within Socialist Vietnam: The 2010 Debate, Australian Journal of Asian Law 2012, 13/1
Aufzählung
Cuộc tranh luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 năm 2013: nghị quyết số 38/2012/QH13 tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Hội thảo DAAD dành cho cựu sinh viên: Cải cách hiến pháp nhìn từ giác độ khoa học pháp lý – thảo luận giữa các cựu sinh viên, ngày 11/5/2013; reports about the discussion (VOV5/nwasianweekly); reports about the alternative draft "Petition 72" and reactions; see also the discussion in the edition 03/2013 of Law & Development / Pháp Luật và phát triển
-----------------------------------------------------
Một số hình ảnh về buổi Gặp mặt Việt Đức Alumnitalk
Khai mạc và phát biểu
TS. Almuth Meyer-Zollitsch, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội
Anke Stahl, Trưởng đại diện Văn phòng DAAD Hà Nội




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét