Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Việt Nam: Hành trình bất định đến CNXH

Người ta vẫn còn chờ xem liệu các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam có hay không có một kế hoạch dài hạn cho đất nước. Tuy nhiên, nếu năm 2013 sắp qua này gợi lên điều gì thì đấy chính là con đường phía trước xem ra vẫn còn đầy bất trắc.
“… Xây dựng Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” – đó là tâm trạng đầy “trăn trở” của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN, trong một phiên họp tổ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII mới đây.
Câu nói đó phơi bày một sự thật là các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam chẳng có lấy một kế hoạch nào cho đất nước này cả. Thay vì thế, người ta hy vọng là đến một lúc nào đó, rốt cuộc, Việt Nam cũng có thể đạt được mục tiêu mà họ mong muốn.
Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là lớp trẻ, không bàng quan trước những thất bại của chính phủ. Tuy nhiên, những tiếng nói phản đối đảng cộng sản và/hoặc nỗ lực tập hợp lực lượng chính trị đa nguyên đối lập với Đảng Cộng sản đều nhanh chóng bị bóp nghẹt, mầm mống của bất đồng chính kiến nhanh chóng bị vùi dập trước khi kịp nên hình hài.
Hệ quả là người dân tiếp tục mòn mỏi chịu đựng những bất cập của hệ thống chính trị, khi tình thế chưa đạt tới điểm đỉnh để người dân bị dồn đến chỗ phải ra tay hành động.
Dĩ nhiên, điều này không phải là muốn nói rằng chính phủ Việt Nam đã hoàn toàn không may mắn. Những cải cách kinh tế cuối thập niên 1980 đã cứu Việt Nam khỏi đói kém và sụp đổ.
Cuộc cải cách này không chỉ là một biện pháp cần thiết trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với một thảm hoạ quốc gia tiềm tàng, mà còn có thể được ghi nhận một cách chính đáng như là nguồn gốc của tăng trưởng và thịnh vượng ở Việt Nam cho đến cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu gần đây – một diễn biến giúp phơi bày năng lực quản lý kinh tế rất yếu kém của chính phủ.
Thay đổi dường như là phương sách duy nhất mà Việt Nam lựa chọn mỗi khi quốc gia này rơi vào khủng hoảng. Khi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc vạch ra một đường hướng mới, ĐCSVN đã hành xử như vậy, nếu muốn duy trì ảo tưởng về tính chính danh của họ với người dân.
Còn nếu không thì thông thường nhà cầm quyền bằng lòng với hiện trạng, khi mà quyền lực nằm trong tay Đảng và người dân thì cần mãi mãi biết ơn.
Sự cần thiết phải cải cách là điều hiển nhiên, nhưng ngay cả một sự quá độ hợp lý từ chủ nghĩa cộng sản (hay bất kỳ phương diện nào của chủ nghĩa cộng sản vẫn còn tồn tại) sang chủ nghĩa xã hội cũng sẽ không đủ – không đủ một khi cấu trúc chính trị vẫn y nguyên. Thay đổi phải diễn ra ở gốc chứ không phải ở ngọn.
Bầu cử Quốc hội
Người dân hy vọng được thực thi dân chủ

Ở Hoa Kỳ, “rào cản vô hình” (glass ceiling) là khái niệm được mô tả như một rào cản không nhìn thấy và không thể phá vỡ đối với phụ nữ và các nhóm thiểu số khi họ muốn leo lên những nấc thang cao hơn trong các tập đoàn công ty. Ở Việt Nam, rào cản vô hình này đã ngăn cản người dân khỏi nỗ lực thúc đẩy dân chủ và nhân quyền trên đất nước của mình.
Tuy nhiên, vấn đề với việc phá vỡ rào cản là người ta phải đối phó với những mảnh vỡ bắn vào mình. Thách thức chính quyền đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro bị tù đày và/hoặc bị phạt tiền.

Một đất nước trẻ trung hơn

Cấu trúc chính trị ở Việt Nam phải thay đổi nếu đất nước này muốn tiến về phía trước. Đây không phải là lời kêu gọi cho một cuộc cách mạng vũ trang mà là một cuộc cách mạng chính trị. Trên 60% trong số hơn 90 triệu dân Việt Nam ra đời sau ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Nói cách khác, hơn 60% người dân Việt Nam (ít nhất là hai thế hệ) đã phải nếm trải những gian truân của cuộc thử nghiệm thất bại về chủ nghĩa cộng sản, chứng kiến nền thịnh vượng mới le lói vào thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ, rồi lại phải gánh chịu hậu quả của một chính phủ quản lý kinh tế yếu kém.
Đa phần người dân Việt Nam không sống qua hay vẫn còn hoài niệm về chiến tranh. Đây là một thế hệ người Việt Nam mới, và họ muốn thứ gì đó khác, thứ gì đó mà họ bị khước từ bởi một đảng vốn ra đời trong một không gian và thời gian khác.
Các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam chắc chắn đều ý thức được những nguy hiểm của một cuộc chuyển giao quyền lực không êm ả (như ở Lybia hay Ai Cập chẳng hạn). Sự chuyển tiếp từ nhà nước độc đảng sang một chính thể đa đảng phải diễn ra một cách ôn hoà và minh bạch.
“Cộng đồng quốc tế không thể tiếp tục phản ứng trước những vi phạm của Việt Nam với một cái nhún vai bàng quan, bởi như thế là họ đã làm xói mòn bất kỳ nỗ lực cải cách nào diễn ra trên đất nước này.”
Vì thế, người ta chỉ có thể hy vọng rằng các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam sẽ thuận theo công luận và thực thi những bước cải cách dân chủ vốn đã trở nên rất cần thiết, bắt đầu với bản Hiến pháp của đất nước.
Thật không may, ngay cả một sự sửa đổi Hiến pháp khiêm tốn nhất thể hiện mong muốn của nhân dân cũng đã là quá nhiều để cho người ta hy vọng. Bất chấp việc cho phép công chúng tham gia vào quá trình sửa đổi, nhà cầm quyền cho thấy là họ ít quan tâm đến chuyện lắng nghe những quan ngại của người dân.
Thay vì để Việt Nam tiếp nhận chủ nghĩa đa nguyên chính trị, Quốc hội lại củng cố Điều 4 Hiến pháp, vốn khẳng định đảng cộng sản nắm độc quyền chính trị ở Việt Nam.
Với việc chủ nghĩa đa nguyên chính trị không tìm thấy chỗ đứng và đòi hỏi của công chúng về những cải cách cơ bản bị bóp nghẹt, cũng như tình trạng thiếu một tầm nhìn dài hạn cho Việt Nam, tương lai của đất nước này vẫn bất định.
Rõ ràng là người dân Việt Nam phải tiếp tục gây áp lực lên nhà cầm quyền để có thay đổi. Tuy nhiên, gánh nặng cải cách không phải chỉ dồn lên vai họ.
Cộng đồng quốc tế không thể tiếp tục phản ứng trước những vi phạm của Việt Nam với một cái nhún vai bàng quan, bởi như thế là họ đã làm xói mòn bất kỳ nỗ lực cải cách nào diễn ra trên đất nước này.
THEO BBC

Miền Trung tan hoang trong lũ: 26 người chết, 6 người mất tích, 16 người bị thương


KonTum-THUYDIEN1
Cảnh đường đứt gãy tại QL24 đoạn qua Kon Tum

Quảng Ngãi: Vượt đỉnh lũ năm 1999

Tại Quảng Ngãi, tối 15.11, lượng mưa từ thượng nguồn đổ về quá lớn làm mực nước sông Trà Khúc, sông Vệ vượt đỉnh lũ năm 1999 từ 0,1 – 0,4 m nhấn chìm nhiều ngôi nhà của người dân ở ven sông. Càng về khuya, mực nước sông Vệ càng lên nhanh, nhiều ngôi nhà của người dân ở các xã Hành Thiện, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây (H.Nghĩa Hành) nước lũ gần chạm tới nóc nhà.
Cũng tối 15.11, nước sông Trà Khúc vượt qua đê bao sông Trà Khúc tấn công vào TP.Quảng Ngãi. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại một số xã ở H.Ba Tơ xuất hiện lũ quét khiến nhiều gia đình không kịp trở tay, bỏ nhà cửa chạy thoát thân. Chưa dừng lại ở đó, tại H.Ba Tơ còn xảy ra nhiều vụ sạt lở núi kinh hoàng khiến QL24 bị sạt lở nghiêm trọng tại 3 điểm thuộc địa phận xã Ba Động, gây ách tắc giao thông hoàn toàn, đến chiều 16.11 mới được thông tuyến tạm thời. Tại điểm sạt lở ở địa bàn thôn Tân Long, xã Ba Động, hàng chục ngàn mét khối đất đá từ trên núi cao đổ sập xuống mặt đường.
Tỉnh Quảng Ngãi đã cử nhiều đoàn công tác sử dụng ca nô tiếp cận các vùng bị lũ cô lập để cứu trợ khẩn cấp mì tôm và nước uống cho người dân. Tính đến tối 16.11, mưa lũ tại Quảng Ngãi làm 9 người chết, 4 người mất tích và 15 người bị thương.

Bình Định: Trắng đêm cứu dân trong lũ

QL1A-THUYDIEN4
Cầu Bình Định trên QL1 (ở TX.An Nhơn, Bình Định) bị sạt lở mố cầu

Số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN H.Tây Sơn reo liên tục trong đêm 15.11, khắp nơi người dân gọi điện cầu cứu. Dù đã có chuẩn bị nhưng do lũ lớn quá bất thường khiến nhiều người dân và chính quyền không kịp trở tay. Tại cầu Bàu Sen (thị trấn Phú Phong) có 2 người ngồi trên cabin xe tải gọi điện thông báo sắp bị cuốn trôi, nhiều hộ dân ở thôn Tả Giảng 2 (xã Tây Giang) sống ven sông Côn gọi điện yêu cầu được di dời khẩn cấp; ông Dương Đông Phong (ở khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong) cùng nhiều người khác đang ngồi trên nóc trụ sở khối Phú Xuân liên tục gọi điện hối thúc; 4 người ngồi trên xe cẩu ở xã Bình Nghi thông báo nước ngập đến chân… Gần 22 giờ đêm, khu vực xóm Đông, xã Tây Giang có 30 người dân đang leo lên nóc nhà để kêu cứu…
Vào rạng sáng 16.11, công tác sơ tán dân tại H.Tây Sơn mới hoàn thành. Cùng lúc đó, hàng ngàn người dân ở TX.An Nhơn (Bình Định) ở vùng hạ lưu sông Côn lại đang leo lên nóc nhà, gọi điện đến các cơ quan chức năng cầu cứu. Phường Nhơn Hòa, xã Nhơn Thọ, Nhơn Lộc, Nhơn Phong… đều có người gọi điện yêu cầu cứu hộ khẩn cấp. Đến chiều tối qua, toàn bộ lực lượng này được tăng cường xuống các xã phía đông H.Tuy Phước để tiếp tục sơ tán khẩn cấp dân trong đêm. Ngay trong tối 16.11, các cơ quan chức năng cũng đã sơ tán khoảng 300 hộ dân các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn (H.Tuy Phước) về nơi an toàn.
Trong khi đó, sáng 16.11, mố cầu Bình Định (còn gọi là cầu Liêm Trực, ở P.Bình Định, TX.An Nhơn) bị xói lở nặng và đứt một đoạn đường đầu cầu 50 m; mố cầu Huỳnh Kim (P.Nhơn Hòa, TX.An Nhơn) bị sạt lở nặng và nhiều nơi bị ngập sâu hơn 1 m khiến giao thông trên QL1 bị ách tắc hoàn toàn. Đến chiều 16.11, nước lũ đã rút, mố cầu Huỳnh Kim đã được gia cố, việc lưu thông trên QL1 đoạn qua tỉnh Bình Định đã được giải tỏa bằng cách cho các xe đi vào QL1A cũ nằm trong địa bàn P.Bình Định. Tuy nhiên, đến gần 19 giờ, việc lưu thông trên QL1 đoạn từ thị trấn Diêu Trì (H.Tuy Phước) đến TX.An Nhơn vẫn rất khó khăn, lượng xe bị ách tắc vẫn còn nhiều.
Tính đến cuối ngày 16.11, Bình Định có 12 người chết, 2 người bị mất tích, 1 người bị thương do mưa lũ; gần 100.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, nhiều phòng học bị hư hỏng nặng, hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị chết, nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng với tổng thiệt hại trên 1.336 tỉ đồng.

Các xã Đông Trường Sơn bị cô lập


Sơ tán dân trong lũ, ảnh chụp chiều 16.11 tại Hòa Vang, Đà Nẵng

Tại Kon Tum, đến chiều 16.11, tuyến QL24 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum đã tắc nghẽn bởi một đoạn đường khoảng 20 m đã bị đứt gãy. Giám đốc Sở GTVT Kon Tum Huỳnh Tấn Phục cho biết ít nhất đến chiều 17.11, QL24 mới thông được. Với nhiều ô tô khách, ô tô tải đang bị kẹt trên QL24, chính quyền H.Kon Plong đã tổ chức cấp phát lương thực và nước uống. Do nhiều tuyến tỉnh lộ bị sạt lở nghiêm trọng, cầu bị lũ cuốn trôi nên nhiều vùng phía đông Trường Sơn thuộc tỉnh Kon Tum bị cô lập hoàn toàn. Hệ thống điện lưới tại 4 xã Đăk Tăng, Đăk Ring, Măng Bút và Đăk Nên thuộc H.Kon Plong bị hư hỏng, mất điện hoàn toàn.
Thiệt hại do lũ gây ra đợt này ở Kon Tum một phần là do thủy điện Plei Krông xả lũ với lưu lượng 602 m3/giây và thủy điện Yaly xả lũ 2.000 m3/giây; tổng thiệt hại ước tính trên địa bàn Kon Tum gần 60 tỉ đồng.
Trong khi đó tại Gia Lai, mưa lớn và lũ thượng nguồn từ các sông suối đổ về khiến nước sông Ba lên nhanh; đã vậy hồ An Khê xả nước với hơn 2.100 m3/giây, hồ Kanak xả trên 700 m3/giây nên đã gây ngập lụt trên diện rộng ở TX.An Khê và các huyện: Kbang, Đăk Pơ. Hàng ngàn héc ta cây trồng, nhiều tuyến đường ở khu vực này bị ngập sâu trong nước. Nhiều hộ dân phải di tản đồ đạc, nhà cửa.

Quảng Nam: 5 người chết do lũ cuốn


Người dân xã Thủy Phù, TX.Hương Thủy đi lại trong dòng nước lũ chiều 16.11

Ngày 16.11, nước lũ trên sông Vu Gia (H.Đại Lộc) đã đạt đỉnh 10 m, gây ngập 80% các khu dân cư ở huyện này. Suốt ngày hôm qua, PV Thanh Niên đã cố gắng tiếp cận những vùng bị cô lập phía bắc tỉnh Quảng Nam, nhưng khi vào đến thị trấn Vĩnh Điện (H.Điện Bàn) thì bị mắc kẹt do nước lũ quá lớn. Tại thị trấn Vĩnh Điện, khoảng 8 giờ sáng, nước từ thượng nguồn đổ về với tốc độ khủng khiếp. Nhiều người dân cho biết chỉ trong 2 giờ đồng hồ, mực nước đã dâng lên 0,6 m. Cụ Lê Thị Thua (95 tuổi, trú tại khối 4, thị trấn Vĩnh Điện) cho biết: “Nước lên nhanh quá, tôi phát hoảng nên lên gác xép để tránh. Còn lại nhờ con cháu kê giường, bàn lên cao. Phải 4 năm rồi, tôi mới chứng kiến trận lũ to như trận này”.
Ông Phan Đức Tính, Phó chủ tịch UBND H.Đại Lộc, cho biết có khoảng 34.000 hộ dân có nhà cửa ngập sâu trong nước lũ. Đặc biệt, có khoảng 1.200 căn nhà ngập từ 2 m trở lên. Trong đó, xã Đại Lãnh là địa phương ngập sâu nhất, có nơi ngập đến 3 m. Nhiều địa phương khác như: Nông Sơn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Hội An… nước lũ đã chia cắt nhiều xã, người dân phải dùng ghe thuyền mới đi lại được.
Ngày 16.11, nước lũ dâng cao đã khiến tuyến QL1 qua Quảng Nam ngập sâu trong nước. Đặc biệt, đoạn qua thị trấn Nam Phước (H.Duy Xuyên) nước dâng hơn 0,6 m khiến giao thông bị ách tắc. Đến 18 giờ cùng ngày, nước lũ rút chậm và còn ở mức khoảng 0,4 m.
Đến 16 giờ cùng ngày, Ban Chỉ huy PCLB Quảng Nam cho biết để ứng phó với trận “đại hồng thủy” này, các huyện Đại Lộc, Nam Giang, Duy Xuyên, TP.Hội An đã sơ tán được gần 17.000 người dân (gần 4.300 hộ) đến nơi tránh lũ an toàn. Đến cuối giờ chiều qua, tại Quảng Nam đã ghi nhận 5 người chết do nước lũ.

Thừa Thiên-Huế: Giao thông bị chia cắt

Ngày 16.11, dù lượng mưa đã giảm nhẹ so với đêm hôm trước nhưng nhiều vùng miền tại Thừa Thiên-Huế vẫn còn bị cô lập, nhiều nhà dân vẫn còn sống chung với lũ.
Theo ghi nhận PV Thanh Niên tại xã Thủy Phù (TX.Hương Thủy) – địa phương nằm hạ nguồn hồ chứa nước Phù Bài 2 đã bị ngập lũ nặng sau khi nước lũ vượt tràn hồ 1,2 m kể từ 21 giờ 30 ngày 15.11. Đến sáng 16.11, có 6/12 thôn gồm 8B, 8A, 9, 6, 7 và 4 với khoảng 1.600 hộ dân vẫn còn bị ngập lũ. Phần lớn các thôn này đều bị cô lập do lũ với mức độ ngập từ 0,3 – 0,5 m (tính đến 17 giờ hôm qua). Đáng chú ý, dù nước dâng nhanh và gây ngập sâu trong đêm nhưng không gây thiệt hại về người do người dân xã Thủy Phù chủ động trong việc phòng tránh lũ.
Còn tại H.Phong Điền, đến sáng 16.11 vẫn còn 1.240 ngôi nhà bị ngập. Các địa phương của huyện này đã tổ chức di dời 84 hộ dân sống dọc sông Bồ và sông Ô Lâu đi tránh lũ trong đêm. Đến chiều qua 16.11, các tuyến quốc lộ 49B, tuyến đường xã Phong An đi Phong Xuân, tuyến đường xã Phong Thu đi Phong Chương, đoạn qua Khúc Lý ngập sâu từ 0,5 đến 1 m gây chia cắt giao thông.
Trong khi đó tại H.Quảng Điền, đến chiều qua phần lớn các tuyến giao thông về trung tâm huyện và các xã vùng thấp trũng còn bị ngập sâu và chia cắt hoàn toàn, trong đó có nơi ngập sâu 1,5 m.

Đà Nẵng: Ngập 2 – 3 m nước

Lũ thượng nguồn đổ về đã làm 9/11 xã của H.Hòa Vang ngập lụt. Trong đó, các xã Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Tiến ngập nặng 2 – 3 m nước, mưa lớn cũng gây ngập 10 phường ở quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn. Tổng cộng đã có 4.500 hộ và 16.000 dân phải di dời tránh lũ. Ngoài ra, một số tuyến đường chính ở trung tâm thành phố như Hàm Nghi, Quang Trung, khu vực Đầm Rong, Huỳnh Ngọc Huệ cũng đã biến thành sông sau trận mưa lớn kéo dài.

Vẫn tổ chức liên hoan, ăn nhậu

Tại P.Thủy Châu (TX.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế), một cảnh tượng rất phản cảm diễn ra trong thời điểm cả thị xã oằn mình chống chọi với lũ lụt. Cụ thể, vào ngày 16.11, phường lại tổ chức liên hoan ăn nhậu, hát hò với lý do là “ngày hội đại đoàn kết”. Khi PV Thanh Niên đề nghị được làm việc với lãnh đạo phường hoặc ban chỉ huy PCLB phường thì một số người mặc comple, áo quần lịch sự không cho gặp và “mời” ra khỏi trụ sở phường với lý do ngày thứ bảy không làm việc ?!.

15 thủy điện xả lũ

Theo Trung tâm phòng chống lụt bão miền Trung – Tây nguyên, trong ngày 16.11 đã có 15 thủy điện xả lũ. Mưa lớn trên diện rộng kèm nước lũ đổ về nhiều khiến nhiều thủy điện xả lũ lưu lượng lớn trong đó 9 hồ xả lũ với lưu lượng lớn hơn 400 m3/giây. Có 22/59 hồ chứa thủy lợi khác ở miền Trung – Tây nguyên cũng đã xả tràn.
Số liệu thủy điện xả lũ tính đến 6 giờ ngày 16.11 – Ảnh: trung tâm phòng chống lụt bão miền trung – tây nguyên



THEO Thanh Niên

Ông Nguyễn Thanh Chấn có đối mặt với tội danh vu khống mới?

Việc ông Nguyễn Thanh Chấn được tha đặt ra một loạt những vấn đề rất khác nhau, thậm chí trái ngược.
Ví như nguyên chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển thì cho rằng phải xử giám đốc thẩm. Còn viện trưởng viện kiểm sát nhân dân Nguyễn Hòa Bình thì lại quyết định xử tái thẩm. Giám đốc thẩm và tái thẩm là hai việc rất khác nhau, hoàn toàn có thể có những kết quả không giống nhau.
Ông Vũ Đức Khiển cho rằng, đưa ra tái thẩm là các cơ quan tố tụng đang cố tình lấp liếm đi cái sai của mình trước đó, dễ bề phủi trách nhiệm đã gây oan cho ông Chấn.
Tái thẩm hay giám đốc thẩm vẫn là vấn đề đang bàn cãi xôn xao trong dư luận. Thế nhưng dư luận hầu như đồng tình với ý kiến của ông Vũ Đức Khiển rằng vụ án cần phải giám đốc thẩm. Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình thì cho rằng vụ án Nguyễn Thanh Chấn chưa chấm dứt mà chỉ nảy sinh tình tiết mới nên cần phải tái thẩm.
Với các điều tra viên, theo lời của ông Chấn thì ông bị nhục hình, ép cung nhưng cả 6 điều tra viên tham gia vụ án đều khẳng định không có chuyện đó. Lãnh đạo CA TP. Bắc Giang còn khẳng định không có sai sót gì và đúng quy trình… Nhà báo Như Thổ, một người nhiều năm gắn bó với ngành công an đã đặt ra một tiêu đề bài báo rất hay về vụ việc này: Tất nhiên là phải chối!.
Ông Nguyễn Thanh Chấn nói rằng mình bị nhục hình, tra khảo, ép cung bằng các biện pháp dã man như thời trung cổ, còn các điều tra viên thì nói rằng họ đã làm đúng quy trình và không có chuyện như ông Chấn nói. Việc trong tù lao vốn là chuyện hơn cả “thâm cung bí sử”, điều tra viên biết, phạm nhân biết, còn chẳng ai biết nữa. Nên câu hỏi đặt ra: chứng cứ đâu là câu hỏi và cũng là câu trả lời. Mà cũng chẳng làm gì có chứng cứ.
Thế là cùng một sự việc, một vị nguyên ở Ủy ban pháp luật của Quốc hội nói giám đốc thẩm, còn vị đương nhiệm lại nói cho tái thẩm, đã là ý kiến khác nhau. Thì người bị án oan nói rằng mình bị tra tấn, nhục hình, ép cung trong khi những cán bộ điều tra lại nói rằng họ không làm điều đó – cũng là chuyện thường tình. Ở đây đặt ra hai trường hợp, một là ông Vũ Đức Khiển đúng thì ông Nguyễn Hòa Bình sai; ông Bình đúng thì ông Khiển sai.
Trong vụ việc tra tấn, nhục hình, ép cung cũng tương tự. Nếu ông Chấn đúng thì các cán bộ điều tra đã sai, cố lấp liếm tội của mình. Còn nếu ông Chấn sai thì ông Chấn sẽ phải tiếp tục ra trước vành móng ngựa thêm một tội là vu khống.
Tất nhiên, quần chúng nhân dân có thể sai, các đại biểu Quốc hội những người đại diện cho dân không thể không phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Hy vọng cuộc chất vấn đại biểu Quốc hội lần này, người trả lời là Chánh án tòa án nhân dân tối cao (tiếc là không có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình) sẽ phải trả lời dứt khoát 2 câu hỏi: 1 là tái thẩm hay giám đốc thẩm đúng và 2 là có hay không sự nhục hình, ép cung đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.
Giờ đây dư luận cũng đang đặt 2 câu hỏi, một là tái thẩm hay giám đốc thẩm đúng? Và 2 là có hay không việc nhục hình, ép cung?
THEO GIA ĐÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét