Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Ngày 26/11/2013 - WikiLeaks vạch trần về bẫy giá thuốc trong TPP

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Chính sách quan trọng về bất động sản có hiệu lực từ 29/11

Dư luận đang chờ đợi mức phạt nghiêm khắc từ Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, bất động sản vừa được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến nhằm hạn chế tình trạng xây dựng không phép, sai phép tràn lan trong nhiều năm qua.

Nghị định về xử phạt hành chính xây dựng, bất động sản

Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng và bất động sản. Có nhiều điểm trong Nghị định khiến dự luận đặc biệt chú ý xung quanh việc xử phạt các công trình sai phép, không phép.
Theo đó, Nghị định đưa ra mức phạt từ 500.000 đồng tới 40 triệu đồng với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng.
Tương tự, với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, mức phạt chỉ từ 3 – 40 triệu đồng. Mức tối đa 40 triệu đồng được áp dụng với trường hợp xây dựng công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng.
Đối với hành vi vi phạm xây dựng sai phép, không phép, nếu sau khi có quyết định đình chỉ thi công của cấp có thẩm quyền mà chủ đầu tư vẫn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm bị xử phạt từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (nếu có).
Ngoài ra phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện cắt điện, cắt nước của công trình vi phạm trật tự xây dựng khi có quyết định đình chỉ thi công.
Mặt khác, một điểm đáng chú ý khác tại Nghị định này nằm ở chỗ: Ngoài việc xử phạt hành chính thì cũng tăng thêm chế tài cho các dự án xây dựng sai phép và không phép.
Đối với các hành vi gian lận trong mua bán, chuyển nhượng nhà ở xã hội, dự thảo chỉ rõ: Hành vi bán, cho thuê nhà ở xã hội không đúng đối tượng hoặc không đúng điều kiện sẽ bị phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng.
Mức phạt tương tự cũng áp dụng với người được thuê, thuê mua nhà ở nhưng không sử dụng mà chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê lại, cho mượn không được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà ở.
Đối với hành vi cơi nới, sửa chữa, cải tạo nhà ở không được sự đồng ý của cơ quan quản lý còn bị phạt nặng hơn, với mức tiền từ 60 – 70 triệu đồng.
Được biết, Nghị định 121/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính xây dựng, bất động sản sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 30/11/2013.

Đơn giản hóa thêm thủ tục hành chính

Thời gian qua, không ít địa phương trong cả nước rơi vào cảnh “tồn kho” hàng chục ngàn sổ hồng, sổ đỏ do công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị tắc nghẽn ở nhiều khâu bởi các thủ tục hành chính rườm rà.
Trước thực trạng trên, Bộ Tài nguyên Môi trường vừa có Thông tư số 30/2013/TT-BTNMT về việc quy định thực hiện lồng ghép việc đo đạc lập hoặc chỉnh lý bản đồ địa chính và đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xây dựng hồ sơ địa chính.
Theo đó, trong thời gian tới, các công đoạn đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, đo đạc chi tiết bản đồ địa chính ở thực địa, xác định ranh giới thửa đất … sẽ được lồng ghép với nhiều công việc khác để rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Các dự án đầu tư hoặc luận chứng kinh tế kỹ thuật và dự toán được duyệt phải bao gồm tất cả công đoạn cần thực hiện theo các quy định của pháp luật: đo đạc lập hoặc chỉnh lý bản đồ địa chính, đăng ký đất đai hoặc tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính.
Kế hoạch thực thi phải được xây dựng, thực hiện thống nhất đối với tất cả các lực lượng tham gia gồm: Cơ quan tài nguyên môi trường, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp, UBND cấp xã và đơn vị tư vấn (nếu có).
Đồng thời, các lực lượng trực tiếp tham gia thực hiện ở các địa phương phải được tổ chức thành một lực lượng thống nhất trong một tổ công tác ở mỗi xã, huyện; phân công trách nhiệm cụ thể và phải ký cam kết thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo thời gian theo đúng kế hoạch đã được thống nhất.
Thông tư 30/2013/TT-BTNMT chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 29/11/2013.
THEO BIZLIVE

Đại án ở Tây Nguyên: Các ĐẠI GIA câu kết RÚT TIỀN ngân hàng


Vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Đắk Lắk – Đắk Nông (VDB Đắk Lắk – Đắk Nông) và các ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Nam Á, sắp đưa ra xét xử theo pháp luật. Đây được xem là một trong 10 “đại án” mà Ban Phòng chống tham nhũng Trung ương đặc biệt quan tâm chỉ đạo sâu sát để đem hết những con “sâu mọt” ra ánh sáng công lý…

“Đại gia” Cao Bạch Mai, bà chị mệnh danh người…”biết điều”.

Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Nhật (Công ty Minh Nhật) trụ sở chính tại huyện Cư Jút, Đắk Nông, thành lập từ năm 2004 đến nay đã qua 8 lần thay đổi đăng ký kinh doanh và 11 lần tăng vốn điều lệ từ 3 tỷ đồng lên 25 tỷ đồng. Nữ “chúa” Cao Bạch Mai (64 tuổi) giữ 90% vốn góp với 22,5 tỷ đồng, làm giám đốc công ty, còn lại Bùi Minh Khánh góp 10% vốn. Tuy danh nghĩa 2 thành viên góp vốn nhưng thực chất, mọi hoạt động và nguồn tài chính của Công ty Minh Nhật đều do Cao Bạch Mai lo liệu và quyết định.
Từ khi thành lập đến 10/2008, Công ty Minh Nhật chủ yếu thu mua, sơ chế, kinh doanh mủ cao su nội địa và xuất khẩu Trung Quốc. Cuối năm 2008, khi biết nhà nước có chính sách cho vay vốn tín dụng xuất khẩu lãi suất thấp với các mặt hàng nông sản cà phê, sắn lát, nhân hạt điều… nên Cao Bạch Mai chủ động gặp Vũ Việt Hùng (56 tuổi),- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển (VDB) khu vực Đắk Lắk – Đắk Nông đặt vấn đề vay vốn tín dụng xuất khẩu.
Vũ Việt Hùng chỉ đạo Cao Văn Hải- Trưởng phòng Tài chính Kế toán Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Khu vực Đắk Lắk-Đắk Nông làm thủ tục. Để đủ điều kiện pháp lý cho vay, Cao Văn Hải sửa báo cáo tài chính Công ty Minh Nhật từ 2 năm kinh doanh lỗ thành kinh doanh lãi, sau đó chuyển hồ sơ lên Phòng Tín dụng xuất khẩu. Giám đốc Vũ Việt Hùng chỉ đạo cho Trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu, Trần Xuân Lộc cùng các cán bộ chuyên môn ngân hàng làm thủ tục cho Công ty Minh Nhật vay hai hợp đồng tín dụng xuất khẩu ban đầu 10 tỷ đồng.
Đến tháng 12/2008, Công ty Minh Nhật đã vay được 8 hợp đồng tín dụng xuất khẩu, số tiền 80 tỷ đồng, sử dụng mục đích cá nhân. Tuy không kiểm tra việc sử dụng vốn vay của Công ty Minh Nhật có đúng mục đích không nhưng các cán bộ Ngân hàng Phát triển vẫn tiếp tục giải quyết hồ sơ cho Công ty Minh Nhật vay tiếp hàng chục hợp đồng tín dụng xuất khẩu trong tháng 2 và 3/2009, với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Số tiền vay này Cao Bạch Mai sử dụng trả nợ đến hạn 130 tỷ đồng, trả tiền lãi hơn 3,7 tỷ đồng, và sử dụng mục đích cá nhân khác hơn 46 tỷ đồng. Cao Bạch Mai khai có đưa tiền phần trăm theo thỏa thuận cho Giám đốc Vũ Việt Hùng nên đã được sếp ngân hàng này ký cho vay như điên, tuy nhiên không chứng minh được việc sử dụng tiền cụ thể.
Cuối tháng 3/2009, Cao Bạch Mai tiếp tục gặp Giám đốc Vũ Việt Hùng xin vay thêm vốn. Vì bà chị chơi đẹp nên Giám đốc Vũ Việt Hùng đồng ý hạn mức tín dụng của Công ty Minh Nhật trong quý 2/2009 là 350 tỷ đồng. Để có thủ tục hồ sơ, Cao Bạch Mai tiếp tục lệnh các nhân viên khẩn trương làm thêm nhiều hợp đồng kinh tế xuất khẩu khống.
Khi cán bộ ngân hàng đi kiểm tra tài sản thì chỉ xem qua loa rồi ký biên bản nên sau đó tiếp tục cho Cao Bạch Mai vay thêm nhiều trăm tỷ đồng. Để hợp lý hóa hồ sơ, Cao Bạch Mai còn thông qua Trần Thị Nga (53 tuổi) ở quận 10, TP.HCM nhờ làm tờ khai hải quan khống với giá 100 triệu đồng/tờ khai. Tháng 8/2010, khi Công an Đắk Nông đến thu thập hồ sơ vay vốn ngân hàng của Công ty Minh Nhật thì Cao Bạch Mai đã tìm cách đến ngân hàng mượn bản gốc 13 tờ khai hải quan giả về đốt phi tang…
Từ tháng 10/2008 đến 7/2010, Cao Bạch Mai đã làm khống hợp đồng xuất khẩu, vay tiền tín dụng xuất khẩu ưu đãi tổng cộng 940 tỷ đồng và sử dụng 6 hợp đồng kinh tế xuất khẩu cà phê vay 65 tỷ đồng nhưng sử dụng vốn không đúng mục đích. Tổng số vốn mà Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Khu vực Đắk Lắk-Đắk Nông đã “trút” cho Công ty Minh Nhật qua 70 hợp đồng tín dụng xuất khẩu lên đến 1.005 tỷ đồng. Số tiền này Cao Bạch Mai khai đã sử dụng trả nợ đáo hạn vay hơn 760 tỷ đồng, mua xe ôtô BMW 3,2 tỷ đồng tặng Giám đốc Vũ Việt Hùng và chi phí cho việc làm khống hồ sơ vay vốn, trích phần trăm cho lãnh đạo ngân hàng và tiêu xài cá nhân khác…
Cùng với Cao Bạch Mai, còn có Trần Thị Xuân (49 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Nhật Tân (Công ty Nhật Tân), trụ sở ở số 80, quốc lộ 14, Cư Jút, Đắk Nông, cũng trải qua 7 lần tăng vốn điều lệ, từ khi thành lập ban đầu có 5 tỷ, sau tăng lên 20 tỷ. Khi Trần Thị Xuân biết Cao Bạch Mai có cách vay tiền lãi suất thấp nên đã nhờ bà chị giúp đỡ gặp Giám đốc Vũ Việt Hùng để cấu kết làm ăn.
Mặc dù biết Công ty Nhật Tân không đủ điều kiện vay vốn ưu đãi xuất khẩu nhưng “lệnh” của Giám đốc Vũ Việt Hùng nên các cán bộ ngân hàng vẫn tìm mọi cách hợp lý hóa hồ sơ để giải ngân. Cũng bằng các thủ thuật “biến hóa” như đã làm cho Công ty Minh Nhật trước đó, các cán bộ Ngân hàng Phát triển cũng đã giúp Trần Thị Xuân-Giám đốc Công ty Nhật Tân từ 12/2008 đến 5/2010 được vay vốn tín dụng xuất khẩu tổng số 938,5 tỷ đồng. Trần Thị Xuân khai trong số đó đã trả nợ đáo hạn vay trên 658 tỷ đồng, chi phí hối lộ cán bộ ngân hàng, làm hồ sơ khống và chi tiêu cá nhân khác…
Như vậy, nhờ sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng và các thủ thuật “biến hóa”, Cao Bạch Mai đã vay 1.005 tỉ đồng (đến khi bị bắt đã mất khả năng thanh toán 244,9 tỉ đồng); Trần Thị Xuân vay 938,5 tỉ đồng (đến khi bị bắt đã mất khả năng thanh toán 279,8 tỉ đồng). Phần lớn vốn vay được sử dụng để mua sắm tài sản, đứng tên các đối tượng và nhiều người thân, dẫn đến mất khả năng trả nợ…
Thủ đoạn đáng chú ý ở vụ án này là để có tài sản thế chấp (bằng 15% tổng dư nợ), Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân thông đồng với lãnh đạo VDB Đắk Lắk – Đắk Nông cho giải ngân tiền vay trước vào tài khoản của doanh nghiệp tại một ngân hàng thương mại rồi sau đó rút tiền, doanh nghiệp nộp lại vào VDB Đắk Lắk – Đắk Nông. Việc rút tiền sau giải ngân, nộp tiền vào tài khoản thế chấp diễn ra cùng một ngày nên cán bộ ngân hàng đã để trống phần ghi thời gian trên các chứng từ…
Theo Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân khai, đầu tháng 9/2009, Giám đốc Vũ Việt Hùng dọa cắt giảm hạn mức tín dụng cho vay đối với Công ty Nhật Tân và Minh Nhật nên Mai và Xuân đã đến gặp Hùng thương lượng, ngoài việc chi phần trăm cho lãnh đạo ngân hàng theo “luật” riêng, hai giám đốc này còn góp thêm tiền mua cho Hùng một chiếc xe ô tô.
Sau khi biết không thể tiếp tục cho Công ty Nhật Tân và Minh Nhật vay đáo hạn như những năm trước, nên Giám đốc VDB Đắk Lắk – Đắk Nông đã giúp sức cho các nữ giám đốc doanh nghiệp ở Đắk Nông chiếm đoạt của Sở giao dịch TP.HCM thuộc Ngân hàng TMCP Phương Đông và Chi nhánh Ngân hàng Nam Á tại Hà Nội. Cuối năm 2010, thông qua một số “cò” tín dụng tại nhiều địa phương, các “con nợ” quá hạn của VDB Đắk Lắk – Đắk Nông là Cao Bạch Mai, Trần Thị Xuân, Nguyễn Thị Vân, Đặng Thị Ngân đã liên hệ vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Vũ Việt Hùng đã ký khống vào các hợp đồng tiền gửi tại VDB Đắk Lắk – Đắk Nông, ký khống các thông báo hạn mức cho vay để các đối tượng trên làm cơ sở vay vốn ngân hàng thương mại.
Để có tiền trả các khoản nợ đến hạn cho VDB Đắk Lắk – Đắk Nông, Nguyễn Thị Vân, Chủ nhiệm HTX Sông Cầu; Đặng Thị Ngân, Giám đốc Công ty Thủy Ngân (cùng ở Đắk Nông) đã cấu kết với Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân nhờ Nguyễn Thị Kim Loan, Giám đốc Công ty Phát Long sử dụng pháp nhân doanh nghiệp đứng ra vay cho Xuân và Vân 200 tỷ đồng để trả nợ. Trương Đình Hải, Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á, Chi nhánh Hà Nội giải quyết cho Nguyễn Thị Vân, Chủ nhiệm HTX Sông Cầu (Đắk Nông) vay 50 tỷ đồng; Lâm Hữu Hạnh và Võ Tiến Đạt – nguyên Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông, Sở Giao dịch TP.HCM, cho Trần Thị Xuân-Giám đốc Công ty Nhật Tân vay 150 tỷ đồng; Nguyễn Thị Kim Loan – Giám đốc Công ty Phát Long vay 200 tỷ đồng; Cao Bạch Mai – Giám đốc Công ty Minh Nhật vay 100 tỷ đồng và Đặng Thị Ngân – Giám đốc Công ty Thủy Ngân vay 30 tỷ đồng để trả nợ quá hạn cho VDB Đắk Lắk – Đắk Nông…
Trong vụ án này, Công an Đắk Nông đã làm rõ hành vi đưa nhận hối lộ chỉ một chiếc xe ôtô trị giá 3,2 tỷ đồng, còn lại tiền phần trăm chung chi như các bị can khai chưa chứng minh được.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông đã đề nghị truy tố các bị can Cao Bạch Mai – Giám Đốc Công ty Minh Nhật, Trần Thị Xuân-Giám đốc Công ty Nhật Tân, Đặng Thị Ngân – Giám đốc Công ty Thủy Ngân, Nguyễn Thị Vân – Chủ nhiệm HTX Sông Cầu (đều ở tỉnh Đắk Nông) và Nguyễn Thị Kim Loan – Giám đốc Công ty Phát Long ở tỉnh Đắk Lắk, Nguyễn Văn Khánh, “cò” tín dụng ở TP HCM về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Truy tố các bị can Vũ Việt Hùng, nguyên Giám đốc, Trần Xuân Lộc- nguyên Trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu, Nguyễn Thị Hồng Liên – nguyên cán bộ tín dụng Ngân hàng Phát triển Chi nhánh Đắk Lắk, Đắk Nông; Lâm Hữu Hạnh – Phó TGĐ, kiêm GĐ Sở Giao dịch TPHCM, Võ Tiến Đạt – GĐ Sở Giao dịch TPHCM, Tạ Thị Xuân Ý – cán bộ tín dụng Ngân hàng TMCP Phương Đông và Trương Đình Hải – GĐ Ngân hàng TMCP Nam Á, Chi nhánh Hà Nội, cùng về tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Riêng Vũ Việt Hùng – nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển, Khu vực Đắk Lắk – Đắk Nông còn bị truy tố thêm về tội “Nhận hối lộ”; Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân còn bị truy tố thêm về tội “Đưa hối lộ”.
Trong vụ án này, công lớn của Công an Đắk Nông còn đã thu giữ và phong tỏa nhiều tài sản tổng số tiền 687 tỷ đồng của các bị can để thu hồi cho nhà nước…
Tuy nhiên, khó khăn còn ẩn khuất trong vụ án này chưa được làm rõ là các đối tượng trong đường dây làm giả tờ khai hải quan, số tiền phần trăm chung chi cho lãnh đạo ngân hàng mỗi khi giải ngân vốn là bao nhiêu và những ai đứng sau các chi nhánh, giám đốc ngân hàng(?)
THEO CÔNG AN NHÂN DÂN

EVN được tự quyết nếu giá điện tăng dưới 10%

Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa 2 lần liên tiếp tối thiểu là 6 tháng.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định số 69/2013/QĐ-TTg quy định về cơ cấu điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; có hiệu lực từ ngày 10/1/2014.
Theo đó, giá bán điện bình quân được điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định và chỉ được điều chỉnh ở mức từ 7% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 6 tháng.
Về cơ chế điều chỉnh giá điện, Quyết định nêu rõ: Trường hợp các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán biến động từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Từ 10% trở lên hoặc giá bán điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định, EVN lập hồ sơ phương án giá, báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá của EVN, Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định và gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản đến Bộ Công Thương. Sau khi tổng hợp ý kiến, hai bộ sẽ trình Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Theo quyết định 69: Trong trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng và báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Hằng năm, sau khi có báo cáo quyết toán chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối-bán lẻ điện, điều hành-quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá bán điện bình quân của năm tài chính. Hằng năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng phương án giá bán điện trình Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, hiện Chính phủ chưa quy định cụ thể giá điện cơ sở thấp hơn giá bán lẻ bao nhiêu sẽ phải yêu cầu EVN giảm giá./.
THEO VOV

Tập Cận Bình không phải Gorbachev


Giới phân tích phương Tây có vẻ đang bối rối khi phác họa chân dung vị chủ tịch mới của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, người được gắn mác “nhà cải cách”, đóng vai trò lãnh đạo trong cuộc cải cách kinh tế – chính trị “sâu sắc và toàn diện” tại Trung Quốc hiện nay.
Các chính sách mới mà ông hứa hẹn là sẽ đóng cửa các trại cải tạo lao động, nới lỏng quy định một con và nhập cư vào các thành phố lớn, trao quyền sở hữu tài sản cho nông dân, mở thêm nhiều vùng kinh tế mới đóng vai trò “quyết định” trên thị trường. Đồng thời, tăng cường sự kiểm soát của Đảng Cộng sản, tập trung quyền lực vào trung tâm nhiều hơn, giữ vững tư tưởng chính thống và siết hoạt động của các blogger gây ồn ào.
Để biết cái mà Trung Quốc muốn hướng đến trong thập kỷ tiếp theo, tốt nhất không nên nhìn qua lăng kính của người phương Tây mà hãy nhìn chiến lược của Tập Cận Bình từ vị trí của người đứng đầu Đảng Cộng sản hiện tại – ngay khi các thành viên của Hội nghị Hội đồng thế kỷ 21 tại Bắc Kinh hồi đầu tháng 11 hội ngộ Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và nhiều nước lớn khác trước thềm Hội nghị Trung ương 3 – Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không cho rằng có sự mâu thuẫn giữa tự do hóa xã hội, tự do hóa nền kinh tế với tăng cường kiểm soát chính trị. Trên thực tế, họ nghĩ, kiểm soát chính trị là điều kiện cho tự do hóa xã hội và kinh tế. Theo họ, nới lỏng và siết chặt là 2 mặt của một vấn đề.

Một “môn đệ” của Đặng Tiểu Bình

Chỉ một đảng cầm quyền mạnh mới có thể đón đầu và giải quyết được các xung đột đến từ bên ngoài đất nước và thúc đẩy cải cách tại các doanh nghiệp nhà nước, các vị lãnh đạo đảng ở địa phương và các “cỗ máy tạo ra sự lộn xộn” ảo trên Internet. Về khía cạnh này, Tập Cận Bình thực sự là một người kế nhiệm xứng đáng của cố Chủ tịch Đặng Tiểu Bình. Ông Đặng – một người theo chủ nghĩa thực dụng – từng liên tục điều chỉnh các chính sách mở và siết nhằm vừa thực hiện cải cách vừa duy trì sự ổn định. Chính sách kích thích kinh tế của ông đã giúp hàng trăm triệu người thoát nghèo, trong khi chiến dịch “bàn tay sắt” nổi tiếng mang dấu ấn ông đã dẹp yên đám đông biểu tình hỗn loạn tại quảng trường Thiên An Môn.
Trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, Tập Cận Bình rất thoải mái và cởi mở. Ông không có cái vẻ chậm chạp mà đôi khi chúng ta vẫn thấy ở một vài nhà lãnh đạo thập kỷ trước, thay vào đó là sự năng động, không ngại đương đầu với những thách thức mà nhiều người khác phải dè chừng.
Cũng giống như cố Chủ tịch Đặng hay Mao Trạch Đông, thế hệ trước của ông, các nhận xét của ông rất sâu cay và thường đi kèm với những hình ảnh ẩn dụ. “Hiểu về Trung Quốc,” ông trầm ngâm, “giống như nhìn lên đỉnh núi Lộc Sơn. Cái mà chúng ta thấy phụ thuộc vào góc độ chúng ta nhìn. Nếu ta đứng ngay trên núi, rất khó để nhìn được bức tranh toàn cảnh núi.” Ông Tập viện dẫn rất nhiều ví dụ từ cố Chủ tịch Đặng và không giấu giếm mình đang đi theo con đường của vị chủ tịch tiền bối, nhấn mạnh Trung Quốc hiện vẫn đang tiếp tục công cuộc cải cách của Đặng, mà ông nói có thể sẽ “kéo dài 100 năm”.
Trả lời câu hỏi của Bloomberg về việc liệu Trung Quốc có thoát được “bẫy thu nhập trung bình” và từ bỏ được hình ảnh nền kinh tế xuất khẩu lớn của thế giới nhưng mức lương lại rất thấp, ông Tập bày tỏ sự tự tin – rằng công cuộc cải cách mới theo định hướng thị trường và tốc độ đô thị hóa nhanh sẽ giúp Trung Quốc tăng trưởng ở mức 7%/năm, ít nhất là trong ngắn hạn. Cần lưu ý là mọi vấn đề của Trung Quốc đều có quan hệ với những vấn đề khác và chúng ta không chủ trương giải quyết dần dần từng thứ một. Ông Tập cũng nhấn mạnh công cuộc cải cách lấy “nhân dân làm trọng tâm” mà ông đề ra sẽ là “cuộc cải cách kinh tế, xã hội, chính trị toàn diện”.
Ông Tập nói tăng GDP không đơn thuần là một mục tiêu, ông biết rằng cần phải thu hẹp khoảng cách về sự bất bình đẳng. Tập Cận Bình tham vọng chấm dứt tình trạng đói nghèo cho hơn 170 triệu dân, những người bị bỏ lại đằng sau trong suốt những thập kỷ tăng trưởng nóng.
Lặp lại lời Thủ tướng Lý Khắc Cường, ông nói con đường phát triển của Trung Quốc cần phải chuyển từ số lượng sang chất lượng, nâng cao mức sống, và cả trong lĩnh vực cứu vãn môi trường.
Hiện thực hóa những tham vọng trên, đồng nghĩa với Trung Quốc phải gắn kết nhiều hơn nữa với cộng đồng quốc tế. “Trung Quốc càng phát triển, thì càng cần phải cởi mở hơn với thế giới. Không thể đóng lại cánh cửa mà chúng ta đang mở ra với mọi người.”

Không phải một “Gorbachev Trung Quốc”

Mặc dù các nhà lãnh đạo hàng đầu dường như khá điềm tĩnh trước những nghi ngờ đến từ bên ngoài, một số nhân vật quan trọng khác của Trung Quốc lại bày tỏ sự thất vọng trước sự bất lực của phương Tây khi đứng nhìn Trung Quốc bước đi trên con đường cải cách do chính Trung Quốc khởi xướng, trong khi đáng lẽ phải hành động như thể những vị “quân sư” cho Trung Quốc trên con đường tìm kiếm sự hoàn thiện. Trương Đức Giang, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc từng gây shock với câu nói: “Phương Tây sẽ chẳng bao giờ tin rằng Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đi lên, trừ khi chúng ta sản sinh ra một Gorbachev khác.”
Trung tâm của cuộc tranh cãi là sự thiếu thiện chí của phương Tây đối với hệ thống chính trị một đảng vốn được xem là mô hình chính thống của Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều những thành phần tự do đặt câu hỏi rằng chế độ đa đảng hay dân chủ mỗi người một phiếu liệu có phải là mô hình tốt nhất để kiểm soát một xã hội lớn và phức tạp như Trung Quốc. Trong khi chính phủ muốn chấm dứt tệ tham nhũng và lạm dụng quyền lực ở các cơ quan nhà nước, thì một số khác ngược lại dường như cố tình muốn tái hiện sự bế tắc, bất bình thường mà họ nhìn thấy ở 3 tượng đài dân chủ phương Tây nổi tiếng trong lịch sử là Athens, Rome và Washington.
Trong con mắt của phần đông chúng ta, Đảng Cộng sản (Trung Quốc) – vốn rất phiền muộn với vấn nạn tham nhũng và đặc quyền, đặc lợi của những “ông vua con” – không phải là một nhà độc tài. Với họ, một tổ chức của 78 triệu Đảng viên đồng lòng với nhau là một hậu thuẫn lớn cho các chính sách dài hạn và thứ quyền lực tập thể này sẽ giúp Đảng hiện thực hóa các tham vọng của mình.
Tìm sự đoàn kết nội bộ từ các cuộc thảo luận, tranh cãi liên tục giữa các bên liên quan thay vì tự chia nhỏ và mở cửa cho sự phân cực hóa như cách làm của phương Tây, là một cách làm ưu việt để quản lý Đảng. Chừng nào còn sự cạnh tranh giữa các quan điểm và cá nhân dựa trên thành tích và hiệu quả làm việc thật thay vì bào chữa cho những lợi ích đặc biệt, Đảng sẽ vẫn vững vàng.
Một học giả tại Đại học Bắc Kinh nói: “Nguyên tắc cạnh tranh trong lựa chọn nhân tài giữ một vai trò trung tâm trong lịch sử Trung Quốc, cũng giống như nguyên tắc đa số trong bầu cử của nền dân chủ phương Tây.”
Điều mà mọi người chưa chắc chắn là làm sao mà một hệ thống chính trị đơn nguyên duy trì được tinh thần lãnh đạo của họ trong thời kỳ bùng nổ tự do ngôn luận trên truyền thông xã hội và những hình thức truyền thông như tiểu blog.

Tự do cho công luận

Sina Weibo – một trang web tiểu blog có tới 600 triệu người dùng lên tiếng phàn nàn về sữa bẩn, tai nạn tàu hỏa, ăn cắp đất và quan chức tham nhũng – đã đặt lại tên cho sự kiện đàn áp tại quảng trường Thiên An Môn của Đặng Tiểu Bình năm nào là sự kiện “tự do cho công luận kiểu Trung Quốc” trong thời hiện đại. Câu hỏi lớn ở đây là Đảng có kiểm soát và giám sát Weibo, hay là ngược lại Weibo đang nắm quyền kiểm soát Đảng.
Lo ngại nguy cơ xảy ra hậu quả như những gì xảy ra với Đảng Cộng sản Liên xô, vốn đã sụp đổ dưới thời Mikhail Gorbachev, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố kiềm chế cái mà hồi đó người Nga gọi là “glasnost” – hay chúng ta gọi là minh bạch – mà Weibo đang làm nhờ vin vào cớ tự do ngôn luận. Bằng cách như vậy, thật ngược đời, vô hình chung họ lại tạo ra cái nguy cơ mà họ muốn tránh. Hồi đó, khi tấm màn được nâng lên, sự giả dối của Gorbachev cũng bị phơi bày.
Nhưng với Trung Quốc có thể khác một chút, mọi người đều biết điều gì đang xảy ra trong cuộc sống của họ và chia sẻ nó với người khác. Cố gắng kiềm chế “sự minh bạch” sẽ chỉ dẫn đến những rắc rối, chứ không làm cho tổ chức Đảng mạnh thêm. Trên thực tế, nếu Đảng Cộng sản cho phép công luận được tự do bày tỏ mọi băn khoăn, thắc mắc để tìm cách giải quyết tốt nhất, thì cái “glasnost mang màu sắc Trung Quốc” này sẽ tăng cường sức mạnh cho hệ thống chính trị chứ không phải là làm suy yếu nó. Sự khéo léo của Tập Cận Bình đối với vấn đề này sẽ quyết định ông có được xem như một nhà cải cách đích thực của Trung Quốc hay không.
Theo Bloomberg/BIZLIVE

Cả trăm DN mắc thuế như… Nhựa Bình Minh



Thị trường đang đặt câu hỏi, liệu VNM, SJS, DHG, VC2, HRC… và cả trăm doanh nghiệp khác cũng mắc thuế như BMP có bị truy thu thuế?
Bộ Tài chính chưa thể hiện rõ quan điểm trong việc truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại CTCP Nhựa Bình Minh, nhưng từ thị trường, dư luận đang đặt ra câu hỏi, cả trăm DN niêm yết giai đoạn 2006 – 2008 liệu có bị truy thu thuế? ĐTCK xin điểm tên một số DN niêm yết lớn có thể cũng gặp những vướng mắc này.
Nhựa Bình Minh bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp và phạt chậm nộp trên 100 tỷ đồng

Vinamilk

Năm 2003, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) chính thức chuyển đổi mô hình sang CTCP bằng cách cổ phần hóa. Năm 2006, cổ phiếu VNM của Vinamilk niêm yết trên Trung tâm GDCK TP. HCM, nay là Sở GDCK TP. HCM (HOSE). Với những diễn biến này, trong 2 năm 2006, 2007, Vinamilk gộp 2 chính sách ưu đãi giảm 50% thuế TNDN thành miễn thuế TNDN. Điều này được phản ánh trong thuyết minh báo cáo tài chính (BCTC) năm 2006, 2007.
Trong BCTC năm 2006, 2007 của Vinamilk viết rõ: Tổng cục Thuế đã cho phép Công ty cộng gộp hai mức thuế suất ưu đãi trên bằng Công văn số 1591/TCT-CST ngày 4/5/2006, điều này đưa đến Công ty được miễn hoàn toàn thuế TNDN trong năm 2006, 2007.
Tài liệu họp ĐHCĐ thường niên năm 2009 cho thấy, ngày 22/5/2008, Cục Thuế TP. HCM đã có công văn thông báo việc Vinamilk không được gộp 2 ưu đãi thuế (ưu đãi cổ phần hóa và ưu đãi do niêm yết lần đầu trên HOSE), nên Công ty chỉ được giảm 50% thuế trong hai năm 2006, 2007, thay vì được miễn thuế hoàn toàn như Công ty đã hạch toán.
Nếu câu chuyện liên quan đến Vinamilk chỉ dừng ở đây, Vinamilk cũng không nằm ngoài khả năng bị truy thu thuế như Nhựa Bình Minh. Khi đó, với lợi nhuận trước thuế của Vinamilk là 662,774 tỷ đồng năm 2006, 955,431 tỷ đồng năm 2007, số thuế mà Vinamilk bị truy thu không hề nhỏ.
Với mức thuế suất TNDN phải nộp (nếu không ưu đãi) là từ 15% đến 28%, tùy từng nhà máy, theo tính toán của Vinamilk, nếu bị truy thu 50% thuế TNDN, số tiền mà Công ty phải nộp có thể lên tới xấp xỉ 226 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Vinamilk là câu chuyện dài kỳ thú vị. Trong lúc Nhựa Bình Minh phải thay đổi cách hạch toán thuế (dẫn đến bị phạt như hiện nay), Vinamilk lại… chờ đợi.
Ngày 25/7/2008, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Vinamilk phải kê khai và nộp khoản tiền gần 226 tỷ đồng thuế nói trên.
Nhưng đến ngày 20/3/2009, Vinamilk nhận được bản sao công điện của Tổng cục Thuế gửi Cục Thuế TP. HCM liên quan đến số thuế này. Công điện yêu cầu Cục Thuế TP. HCM không tạm thu, nhưng vẫn phải chờ quyết định cuối cùng của Thủ tướng.
Theo BCTC năm 2009, ngày 14/1/2010, Tổng cục Thuế mới có Công văn số 149/TCT-PC về việc ưu đãi thuế TNDN đối với DN niêm yết chứng khoán lần đầu giai đoạn 2004 – 2006, cho phép gộp 2 mức ưu đãi 50% thành miễn thuế. Nhận được công văn này, Vinamilk coi như… thoát truy thu thuế.
Như vậy, cùng một cách hạch toán trong cùng khoảng thời gian giống nhau, tại một cục thuế, nhưng Vinamilk đến thời điểm này khá “xuôi chèo, mát mái”, còn Nhựa Bình Minh thì gặp nhiều trở ngại. Có hay không sự khác biệt trong cách thu thuế của Cục Thuế TP. HCM giữa Vinamilk và Nhựa Bình Minh?

Sudico

Năm 2003, Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã SJS) – doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng công ty Sông Đà, chuyển đổi mô hình thành CTCP.
Với việc thay đổi mô hình hoạt động, Công ty được hưởng chính sách ưu đãi miễn thuế TNDN trong 2 năm 2004, 2005. Trong 3 năm tiếp theo, từ 2006 – 2008, Công ty được hưởng chính sách ưu đãi giảm 50% thuế TNDN.
Ngày 11/5/2006, Sudico niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Với việc niêm yết trong giai đoạn 2004 – 2006, Sudico được giảm 50% thuế TNDN trong 2 năm 2006, 2007. Thuyết minh BCTC năm 2007 cho thấy, do đồng thời được hưởng 2 chính sách ưu đãi thuế này, Sudico đã gộp 2 ưu đãi năm 2006 – 2007 thành miễn 100% thuế TNDN 2 năm này.
Câu chuyện của Sudico có nét tương tự như Nhựa Bình Minh. BCTC năm 2007 của Sudico cho thấy, trong 2 năm 2006, 2007, tổng lợi nhuận trước thuế của Sudico (cũng là lợi nhuận sau thuế) lên tới hơn 479 tỷ đồng. Sang năm 2008, số thuế được miễn, giảm của Sudico giai đoạn 2006, 2007 có chút thay đổi.
Cụ thể, đối với những khoản thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Dự án Nam An Khánh – Hoài Đức – Hà Tây cũ và Dự án Bắc Trần Hưng Đạo – Hòa Bình, Công ty không được hưởng ưu đãi miễn thuế. Riêng với nội dung này, Sudico đã phải kê khai thêm 54,8 tỷ đồng tiền thuế, điều chỉnh hồi tố vào BCTC năm 2007.
Như vậy, thực tế Sudico vẫn được miễn thuế TNDN trong 2 năm 2006, 2007 thông qua gộp ưu đãi thuế, trừ khoản thu tại một số dự án kể trên. Cách kê khai hưởng ưu đãi thuế TNDN này được Nhựa Bình Minh áp dụng cùng thời điểm, nhưng không được Cục Thuế TP. HCM chấp nhận.

Horuco

CTCP Cao su Hòa Bình (Horuco, mã HRC), niêm yết cổ phiếu năm 2006. Theo quy định, Công ty được giảm 50% thuế TNDN trong 2 năm sau đó.
Tuy nhiên, do ngành nghề hoạt động đặc thù, Horuco còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khác. Đó là, áp dụng thuế suất 15% trên thu nhập chịu thuế trong 12 năm đầu đối với hoạt động sản xuất cao su, thuế suất 20% trong 10 năm tiếp theo, sau đó là thuế suất 25% đối với thuế TNDN.
Horuco cũng đồng thời được miễn thuế TNDN trong 3 năm kể từ năm bắt đầu kinh doanh có lãi; giảm 50% trong trong 8 năm tiếp theo đối với sản xuất cao su; miễn thuế TNDN trong 2 năm kể từ năm có lãi và giảm 50% trong 6 năm tiếp theo đối với các hoạt động kinh doanh còn lại.
Công ty bắt đầu có lãi từ năm 2004. Điều này có nghĩa, việc miễn thuế TNDN theo một chính sách chỉ được áp dụng đến năm 2006. Nhưng 2 năm 2007, 2008, Công ty vẫn không tính đến khoản thuế TNDN phải nộp. Việc này có thể giải thích là, Horuco đã áp dụng gộp 2 chính sách ưu đãi 50% thuế TNDN thành miến thuế.
Câu chuyện của Horuco là 1 ví dụ nữa cho thấy, chuyện gộp chính sách ưu đãi thành công đã có. Chỉ có điều, nó đã không đúng với Nhựa Bình Minh.

Dược Hậu Giang, Vinaconex 2

CTCP Dược Hậu Giang (DHG) chính thức đi vào hoạt động với mô hình CTCP từ 9/2004 và niêm yết ngày 21/12/2006. Với việc cổ phần hóa năm 2004, Công ty được miễn thuế TNDN trong 2 năm 2005, 2006. Từ năm 2007 – 2011, Dược Hậu Giang được giảm 50% thuế TNDN theo chính sách này.
Do được hưởng chính sách giảm 50% thuế TNDN vì niêm yết giai đoạn 2004 – 2006, Dược Hậu Giang đã gộp 2 chính sách này. Đây là lý do vì sao, năm 2007, Công ty không hạch toán thuế TNDN trong BCTC.
Tuy nhiên, từ BCTC năm 2008, Dược Hậu Giang ghi rõ: Công ty sẽ áp dụng ưu đãi giảm 50% thuế TNDN do niêm yết sau khi hưởng hết các ưu đãi do cổ phần hóa nói trên. Vì thế, Công ty đã hạch toán chi phí thuế như bình thường.
Cách làm của Dược Hậu Giang cũng được CTCP Xây dựng số 2 (Vinaconex 2, mã VC2) áp dụng. Mặc dù niêm yết năm 2006, nhưng đến năm 2009, 2010, Vinaconex 2 mới áp dụng chính sách giảm 50% thuế TNDN từ niêm yết, do các năm trước hưởng ưu đãi thuế do cổ phần hóa.
Thời điểm mà Vinaconex 2 áp dụng chế độ hưởng ưu đãi thuế giống hệt Nhựa Bình Minh. Vì thế, câu hỏi đặt ra là không biết khi nào đến lượt DN này bị truy thu thuế, hay sẽ có một cách hiểu khác?
Rà soát của Báo Đầu tư Chứng khoán về các kê khai thuế TNDN các DN như Vinamilk, Sudico, Dược Hậu Giang, Vinaconex 2 cho thấy, có sự bất nhất trong áp dụng chính chính sách thuế của Việt Nam nói chung, tại một số địa phương (Hà Nội, TP. HCM) nói riêng, tại cùng 1 thời điểm cũng khác nhau, chứ không chỉ khác nhau ở các giai đoạn.
Nhựa Bình Minh, bên cạnh số thuế bị truy thu, còn có thể bị phạt hơn 40 tỷ đồng. Cùng với Nhựa Bình Minh và một số đơn vị đã bị truy thu khác như CII, PAC, SCD, còn gần 100 DN cổ phần hóa, niêm yết trong giai đoạn 2004 – 2008, trong đó nhiều DN đã hạch toán gộp chính sách ưu đãi như trên. Các DN này liệu có bị truy thu thuế hay không? Câu trả lời đang chờ quan điểm cuối cùng của Bộ Tài chính.
THEO ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN


WikiLeaks vạch trần về bẫy giá thuốc trong TPP


Các quốc gia đang phát triển tham gia đàm phán TPP đều phản đối quyết liệt các động thái của Mỹ.

WikiLeaks tung ra những tài liệu mật mới, hé lộ nguy cơ về giá thuốc từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đối với các nước đang phát triển.
Người dân các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đối diện nguy cơ chịu giá thuốc ngày càng đắt hơn nếu Mỹ không nhượng bộ về các tiêu chuẩn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Vừa qua, WikiLeaks tiết lộ bản dự thảo nguyên vẹn về SHTT trong đàm phán TPP tính tới ngày kết thúc vòng đàm phán thứ 19 tại Brunei (30.8.2013). Theo giới quan sát, bản dự thảo một lần nữa khẳng định ý định và động thái của Mỹ nhằm kéo dài thời gian bảo hộ sáng chế, mở rộng đối tượng bảo hộ và tăng cường tính độc quyền cho các tập đoàn dược thuộc loại “cá mập” của nước này.
Trả lời Thanh Niên, các chuyên gia đều quan ngại nếu đề xuất này được thông qua sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiếp cận với thuốc gốc giá rẻ của các nước đang phát triển tham gia TPP, bao gồm cả Việt Nam. Thuốc gốc là thuật ngữ chỉ thuốc có tính chất tương đương sinh học với biệt dược, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn nên thường có giá rẻ hơn.

Người nghèo lãnh đủ

Theo tiết lộ do Wikileaks công bố, trong số hàng loạt các biện pháp nhằm tăng cường tính độc quyền cho ngành công nghiệp dược của mình, Mỹ muốn kéo dài thời hạn bảo hộ sáng chế lên hơn 20 năm (tiêu chuẩn hiện nay của Tổ chức Thương mại thế giới) đối với một số lĩnh vực y tế nhất định.
Điều này sẽ trì hoãn thêm quá trình tiếp cận thuốc gốc giá rẻ của các loại thuốc được bảo hộ và càng làm tăng giá thuốc, đẩy gánh nặng cho người dân và chính phủ các nước đang phát triển.
Giáo sư Brook Baker, một chuyên gia về lĩnh vực này thuộc dự án Global Health Access (Mỹ), nói với Thanh Niên: “Điều này sẽ ngăn chặn các nước sản xuất thuốc gốc giá rẻ như Ấn Độ tiếp tục bán cho các nước thu nhập trung bình và thấp. Dần dà, ngành công nghiệp thuốc giá rẻ sẽ kiệt quệ. Người dân nghèo các nước, trong đó có Việt Nam, đã khó khăn sẽ còn khó khăn hơn”.
Vì thế, các tài liệu mật cho thấy hầu hết các quốc gia đang phát triển tham gia đàm phán TPP đều phản đối quyết liệt các động thái của Mỹ nhưng nước này đến nay vẫn bảo lưu ý định.
Theo Ngân hàng Thế giới, người dân Việt Nam đang phải gánh giá thuốc rất cao và chuyên gia Stephanie Burgos của Tổ chức Oxfam America nhận định với Thanh Niên rằng: “Tình hình thậm chí sẽ còn tệ hơn nếu các tiêu chuẩn bảo vệ quyền SHTT này được thông qua trong TPP. Người nghèo tại Việt Nam sẽ càng có ít lựa chọn hơn nếu giá thuốc lại tăng”.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, gia tăng quyền SHTT cho các công ty dược Mỹ cũng sẽ đẩy giá thuốc viện trợ Việt Nam nhận được từ các tổ chức quốc tế trong chương trình phòng chống HIV/AIDS lên rất cao, từ 10 – 20 lần.

“Không thể nhượng bộ”

Ông Mark Grayson, người phát ngôn cho Tổ chức PhRMA (một nhóm vận động chính sách cho các công ty dược rất có ảnh hưởng tại Mỹ), phủ nhận chương SHTT trong TPP sẽ ảnh hưởng việc tiếp cận thuốc giá rẻ ở các nước nghèo.
Trong khi đó, các công ty dược viện dẫn lý do cần có các tiêu chuẩn SHTT cứng rắn hơn nhằm “phát kiến” ra sản phẩm mới. Thế nhưng, các chuyên gia quyết liệt phản bác điều này. Giáo sư Baker nói: “Các công ty dược luôn ưu tiên ngân sách cho quảng cáo tiếp thị hơn là nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Rất nhiều nghiên cứu và điều tra đã xác nhận điều này”.
Theo các chuyên gia độc lập, các nước đang phát triển tham gia đàm phán TPP cần liên kết với nhau để loại bỏ hoàn toàn các điều khoản bảo hộ về thuốc ra khỏi hiệp định trước khi quá muộn. Giáo sư Baker kết luận: “Trong quá trình đàm phán một hiệp định thương mại, có những điều khoản buộc phải chấp nhận để gia nhập cuộc chơi chung.
Thế nhưng đây là lĩnh vực không thể nhượng bộ. Sẽ có người nói một nước nghèo sẽ không phát triển nếu không chấp nhận các điều khoản SHTT khắt khe. Nhưng trong lĩnh vực thuốc và y tế, đó hoàn toàn là một lời lừa phỉnh. Không một quốc gia nào có thể phát triển mà người dân và chính phủ không đủ tiền trả chi phí thuốc men”.
Theo Thanh Niên Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét