Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa bước vào giai đoạn cuối của chế độ? & Tù chính trị: Chết vẫn còn bị "giam"

Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa bước vào giai đoạn cuối của chế độ?


Ngày 28/11/2013 được tiên đoán sẽ là ngày đẹp, ngày vui đối với lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam như ông Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố sau khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua bản dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992. Tuy nhiên, đối với dư luận chung thì kể từ ngày 28/11 trở đi, đảng CSVN sẽ bắt đầu tiến trình phân hóa do hậu quả chấn thương từ cuộc bỏ phiếu này.

Hai Hội Nghị Rối Trí

Trong hai tháng 10 và 11 năm 2013, đảng Cộng sản Việt Nam đã có hai Hội nghị thu hút nhiều sự chú ý của dư luận. Hội nghị Trung ương đảng 8 khóa 11 từ ngày 30/9 đến 9/10 và kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 từ ngày 21/10 kéo dài đến đầu tháng 12.

Tuy bản chất của hai Hội nghị có khác nhau, nhưng mục đích chính vẫn là tập trung vào việc tìm ra những giải pháp để cứu nguy tình trạng xuống cấp nhanh chóng của bộ máy lãnh đạo đảng và nhà nước.

Qua hai cuộc họp nói trên, người ta thấy là thành phần ưu tú nhất đang nắm trong tay vận mệnh của đảng Cộng sản và đất nước Việt Nam hoàn toàn hết sáng kiến, loay hoay và rối trí.

Rối trí là vì lãnh đạo đã không dự kiến được những bước chuyển hóa quá nhanh của thời cuộc, chỉ lo đến số phận của riêng họ trên hết, không dám tin vào bất kỳ mô thức nào, và vì thế chỉ biết cố kiềm chế xã hội đi theo khuôn khổ của những chủ trương đã lỗi thời.

Chỉ cần nhìn vào cách lãnh đạo Hà Nội hành xử lúng túng trong việc để các đại biểu Quốc hội thảo luận và thông qua bản dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992, đã biểu hiện một sự cực kỳ lo lắng của bộ chính trị về kết quả bỏ phiếu.

Mặc dù ai cũng biết là nội dung dự thảo hiến pháp sẽ được thông qua vào ngày 28 tháng 11 tới đây, nhưng tỷ số bỏ phiếu sẽ không còn “nhất trí” như những lần tu sửa trước.

Tác động tạo ra hiện trạng này chính là nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam đã không còn là một khối. Nó đã bị chấn thương trầm trọng từ khi Hà Nội đưa ra việc kêu gọi góp ý dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 vào đầu năm nay rồi lại tung ra các mẹo vặt để chận đứng và phỉ báng các đóng góp nghiêm chỉnh là "suy đồi đạo đức chính trị". Họ thẳng tay ném bỏ những tiếng nói chung đầy tâm huyết vì tương lai đất nước, trong đó, có bản lên tiếng yêu cầu quốc hội hoãn bỏ phiếu thông qua của thành phần trí thức, cựu cán bộ khởi xướng Kiến nghị 72. Chính thái độ khinh thường này đã làm giao động tinh thần của khá nhiều đảng viên vốn thờ ơ trước đây.

Đây là nguy cơ mà lãnh đạo Hà Nội đang rất lo ngại cho sự tồn vong của chế độ hiện nay.

Nguy Cơ Bùng Vỡ Nội Bộ

Cách đây hơn 2 thập niên, sau khi khối Liên Xô tan rã vào năm 1991, đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra bốn nguy cơ làm thước đo sự tồn vong của chế độ.

1/ Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

2/ Nguy cơ sai lầm về đường lối, đi chệch định hướng XHCN.

3/ Nguy cơ về sự suy thoái, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

4/ Nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Cứ mỗi 10 năm, Hà Nội lại lượng duyệt các nguy cơ này một lần. Tại Hội nghị 8 khóa IX vào tháng 7 năm 2003, Trung ương đảng dưới thời ông Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư đã dành ra nhiều ngày đánh giá về cái gọi là chiến lược bảo vệ tổ quốc và bốn nguy cơ nói trên.

Mặc dù lúc đó vấn đề tham nhũng, sự lên tiếng cổ súy dân chủ hóa của một số đảng viên có tạo ra sự nhức nhối cho chế độ, nhưng lãnh đạo lại coi sự tụt hậu kinh tế là nguy hiểm nhất nên đã tập trung vào việc xây dựng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty với ước mơ đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp tiên tiến vào năm 2020.

Mười năm sau, Hội nghị 8 vào đầu tháng 10 năm 2013 vừa qua, cục diện đã hoàn toàn thay đổi. Mặc dù kinh tế đang gặp khó khăn vì những khuynh loát của các nhóm lợi ích, nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu lúc bế mạc Hội nghị 8, nguy cơ sinh tử nhất của chế độ hiện nay, không phải là kinh tế mà chính là hiện tượng tự diễn biến trong nội bộ.

Ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng chính nó là chỗ dựa để cho bên ngoài tấn công vào đảng CSVN và là mảnh đất để thế lực thù địch gieo mầm diễn biến hòa bình.

Tuy lãnh đạo Hà Nội xem đó là vấn đề, nhưng giải pháp chọn lựa của họ cũng lại tiếp tục loay hoay giống như 10 năm trước.

Thay vì chấp nhận một số cải cách chính trị theo trào lưu dân chủ hóa toàn cầu, Hà Nội lại cương quyết ngăn chận mọi xu hướng hình thành tổ chức chính trị đối lập, tiếp tục cố thủ trong lô cốt độc tài bằng hai biện pháp phòng và chống tham nhũng, phê và tự phê hoàn toàn mang tính hình thức.

Hai biến cố lớn xảy ra trong lúc Hà Nội kêu gọi góp ý tu sửa hiến pháp là sự kiện ông Lê Hiếu Đằng, một đảng viên cao cấp có 45 năm tuổi đảng kêu gọi bỏ đảng Cộng sản, tham gia lập đảng đối lập, và sự kiện một số trí thức tuyên bố thành lập diễn đàn xã hội dân sự để làm cầu nối cổ súy cho sự phát triển các đoàn thể xã hội dân sự tại Việt Nam, vốn bị chế độ coi là điều cấm kỵ trong nhiều thập niên qua.

Tự thân hai biến cố nói trên là những chuyển biến bình thường trong một xã hội mở; nhưng vì Hà Nội cố tình kiềm chế, thậm chí còn phơi bày những chủ trương phi lý và độc đoán qua việc dùng bộ máy truyền thông của đảng tấn công vào các đoàn thể xã hội, khiến cho nhiều đảng viên chán nản và sẽ lặng lẽ bỏ đảng Cộng sản ra đi.

Ba Kịch Bản Của Nội Bộ Đảng.

Ngày 18 tháng 11 vừa qua, sau khi nghe ông Phạm Trung Lý, trưởng ban soạn thảo dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 trình bày về cách tiếp thu, chỉnh lý những ý kiến đóng góp của các đại biểu, ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội tuyên bố rằng ngày 28 tháng 11 sẽ là “ngày đẹp”.

Ông Nguyễn Sinh Hùng cho đây là “ngày đẹp” vì nghĩ rằng chính ông và bộ chính trị sẽ không còn phải sống trong tâm trạng hồi hộp khi “hộp giun” của bản hiến pháp đã được đóng lại. Nhưng muốn biết viễn cảnh của “ngày đẹp” 28 tháng 11 và tương lai đảng Cộng sản Việt Nam ra sao, chỉ cần nhìn vào sự biến thái về nội dung của các Hội nghị Trung ương đảng trong 2 năm 2012 và 2013 sẽ thấy.

Hội nghị Trung ương 5 và 6 tập trung vào những xung đột thượng tầng lãnh đạo với sự tấn công nhằm triệt hạ uy tín lẫn nhau giữa hai người đứng đầu đảng và chính phủ. Kết quả là bất phân thắng bại.

Hội nghị Trung ương 7 và 8 tập trung vào các vấn đề nội bộ, qua đó các phe tạm thời ngưng chiến để tập trung vào việc củng cố lô cốt độc đảng hầu có thể chuẩn bị suông sẻ đại hội đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016.

Chính vào lúc Bộ chính trị muốn kiềm chế xã hội để tổ chức thành công đại hội đảng kỳ 12 trong hai năm tới, thì sự kiềm chế này đang dẫn đảng Cộng sản Việt Nam vào một trong ba kịch bản.

Tức Nước Vỡ Bờ: Đây là hiện tượng nhiều hỗn loạn nhất khi mà các phe nhóm lãnh đạo vì những kèn cựa quyền lực mà không dám lấy những quyết định quan trọng, thả nổi và tạo ra tình trạng bùng vỡ từ trong đảng ra ngoài xã hội. Đây là tình huống bùng nổ như Tunisia, Ai Cập khi mà người dân và các đảng viên xé rào, bất chấp lệnh lạc từ trung ương.

Đảo Chánh Nội Bộ: Đây là hiện tượng mà một phe tìm cách liên kết với các thế lực bên trong hay bên ngoài đảng, tạo phản bằng một cuộc truất phế phe đang nắm quyền để giành lấy quyền lực. Ngay lúc này còn nhiều người cho rằng xác suất đảo chánh khó xảy ra vì phe nhóm nào cũng quá yếu, chưa đủ điều kiện ra tay. Nhưng tình hình này sẽ thay đổi nhanh sau vụ bỏ phiếu thông qua Hiến Pháp nói trên.

Chấp Nhận Thay Đổi: Đây là hiện tượng mà lãnh đạo CSVN phải thoái lui, chấp nhận một số thay đổi trước các đòi hỏi của lực lượng dân chủ. Dư luận cho rằng việc Hà Nội cử ông Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên bộ chính trị sang nắm Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc là chuẩn bị cho thế vớt vát để vẫn kiểm soát các đoàn thể quần chúng dù phải chấp nhận nhượng bộ. Dấu hiệu rõ nhất là khi họ bị đẩy vào thế chấp nhận sự hình thành và hiện hữu công khai của xã hội dân sự.

Trong ba kịch bản nói trên, kịch bản chấp nhận thay đổi mang tính "hạ cánh an toàn" nhiều nhất cho giới lãnh đạo Hà Nội; nhưng với bản chất độc tài toàn trị, CSVN vẫn không muốn tiến hành vì vẫn ôm tham vọng độc tài vĩnh viễn. Họ biết là khi có thay đổi chính là lúc khởi đầu của sự sụp đổ.

Tóm lại, đảng Cộng sản Liên Xô đã tan rã sau 70 năm thống trị (1921-1991), và đã tan rã từ bên trong sau cuộc đảo chánh bất thành của phe giáo điều vào mùa hè năm 1991. Năm 2015 tới đây, đánh dấu đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền thống trị cũng vừa đúng 70 năm (1945- 2015).

Đảng CSVN đã có nhiều cơ hội thay đổi để cứu chính họ và cứu đất nước nhưng họ đã không làm. Những suy thoái trong nội bộ đảng, cùng với sự xung đột giữa các phe nhóm trong bộ chính trị hiện nay, cho chúng ta thấy là đảng CSVN khó tránh khỏi cuộc đổ vỡ từ bên trong nếu họ tiếp tục cố thủ trong lô cốt độc tài, tiếp tục quay lưng lại với tất cả những áp suất thay đổi cấp thời của xã hội bên ngoài lẫn hàng ngũ đảng viên bên trong.

Lý Thái Hùng
Ngày 24/11/2013 (Dân luận) 

AFR Dân Nguyễn - Bao giờ QH hết bận?

Kỳ họp thứ 6, QH khóa 13 sắp kết thúc. Sau cả tháng ăn ngủ và họp hành ở thủ đô của nửa nghìn con người, sắp tới ngày trở về địa phương để chờ “Đến hẹn lại lên” cho các kỳ họp dài ngày tiếp theo với những định kỳ bất tận…
Một trong những vấn đề mà đại biểu QH chất vấn là đầu tư công dàn trải, không hiệu quả; Nhưng nếu cử tri nêu câu hỏi chất vấn đại biểu QH rằng, liệu các kỳ họp của QH có nằm trong những cái “Đầu tư công dàn trải và kém hiệu quả” kia không, thì họ sẽ nhận được câu trả lời sao đây? Câu trả lời từ đại biểu QH có “Vòng vo tam quốc”, có “Dàn trải” như những câu trả lời mà chính đại biểu QH vẫn phải nghe từ những người bị QH chất vấn?

Còn nhớ kỳ họp trước QH đã gác lại việc bàn thảo và thông qua Luật biểu tình, với lý do “Ngắn gọn và súc tích”: QH còn bận thảo luận nhiều vấn đề quan trọng!
Và kỳ họp này sắp kết thúc, nhưng cử tri cả nước chưa thấy cái Luật biểu tình được đưa vào chương trình nghị sự. (Có nghĩa kỳ họp này QH vẫn chưa hết “bận”, vẫn còn phải thảo luận nhiều vấn đề quan trọng hơn?).
Hôm nay QH thảo luận về luật môi trường.
Như vậy, những luật mà QH :Bận” thảo luận tại phiên họp này, trong đó có cái Luật về môi trường kia là quan trọng hơn Luật biểu tình?
Rất nhiều khi những người bị chất vấn cắt nghĩa nguyên nhân nảy sinh nạn tham nhũng là “Mặt trái của kinh tế thị trường”. Đổ cho kinh tế thị trường làm nảy sinh tham nhũng, là việc giống như đổ cho nền kinh tế yếu kém là do hậu quả chiến tranh. Hôm nay, người ta lại được nghe một quan chức hàng đầu của chính phủ-Bộ trưởng Bộ GDĐT, Phạm vũ Luận lặp lại cái gọi là “Mặt trái của kinh tế thị trường”, khi ông bộ trưởng đáng kính được phóng viên làm khó dễ với câu hỏi: Bộ trưởng nghĩ gì về thực trạng những cuốn sách giáo khoa có những câu toán đố như Em bốn tuổi, số tuổi bố em gấp ba số tuổi em,(!) hỏi bố em bao nhiêu tuổi. Hay như câu đố, bàn tay em có lăm ngón, chặt đi mất một ngón, hỏi còn lại mấy ngón. (Thật tức cười!). Ông BT Phạm vũ Luận mở đầu câu trả lời phóng viên thế này: Trước hết, phải nói đây là nguyên nhân của “Mặt trái của nền kinh tế thị trường”(!?).
Thật tội nghiệp cho Kinh tế thị trường. Nếu “Kinh tế thị trường” biết cãi, hẳn nó sẽ bảo cho những ai “Hắt tội vào nó” rằng, nếu tôi xấu thế, sao các ông, mỗi khi ra nước ngoài đều nài nỉ người ta công nhận VN có nền kinh tế thị trường?...
Nếu nền kinh tế XHCN, với đặc trưng là sản xuất tập trung, kế hoạch hóa, là ngăn sông cấm chợ, mọi thứ từ cái kim sợi chỉ đều phải “Phân phối”, là người người xắp hàng chầu chực mua gạo mốc thịt thiu,… thì “Mặt trái” kinh tế thị trường là nền sản xuất theo luật cung cầu, là nhà cao tầng san sát, là cầu cống hiện đại, là xe hơi sang trọng, là internet, tv màu đa hệ, là smart phone…Và chính các ông, những kẻ đang đổ “Tiếng ác” cho kinh tế thị trường, lại đang là những kẻ thụ hưởng cái “Mặt trái” của kinh tế thị trường trước tiên!
Nếu các ông quả quyết Tham nhũng là “Mặt trái của kinh tế thị trường”, thì các ông giải thích thế nào, khi chính trên quê hương của kinh tế thị trường, lại hầu như tuyệt đối không có tham nhũng?
Như vậy, những ai không ưa lừa dối, phải đi tìm câu trả lời về nguyên nhân của nạn tham nhũng ở chỗ khác có tính thuyết phục hơn…
Một số kẻ tỏ ra thành khẩn hơn, đã nhìn nhận tham nhũng là biểu hiện của suy thoái về đạo đức, lối sống của “Một bộ phận” cán bộ, đảng viên. Tuy đã “Thành khẩn” thừa nhận là bộ phận này không nhỏ, nhưng xem ra, đó vẫn là câu trả lời về một hiện tượng, hơn là lý giải nguyên nhân nảy nòi Quốc nạn tham nhũng…
Và nếu kinh tế thị trường cứ nhất thiết phải có tham nhũng song hành, thì đó là cái giá quá đắt cho quê hương của Cách mạng tháng tám…
QH phải có nghĩa vụ làm rõ về nguyên nhân sản sinh nạn tham nhũng.
Chừng nào QH chưa làm rõ Quốc nạn tham nhũng đang gây nhức nhối và nghèo khó hóa Dân Tộc do đâu mà có, thì đó được xem như một món nợ của QH trước cử tri cả nước.
Món nợ này, cùng với những quyền hết sức căn bản, thiêng liêng mà có thể coi như đương nhiên phải có của Nhân Dân, như quyền biểu tình, quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội…cho đến giờ vẫn chưa được đưa lên bàn hội nghị của QH để “Luật hóa”, dù nó đã được minh định trong HP từ lâu lắm rồi, phải được xem như những “món nợ xấu” mà QH đang “Nợ” cử tri cả nước!
Phải chăng QH đang “Bận” bịu cùng với đảng để ngày 28 tới đây thông qua Luật đất đai sửa đổi, và thông qua Bản HP 1992 sửa đổi? Mà dù chưa “Thông qua”, người ta đã biết ngay cái Luật đất đai sửa gì thì vẫn là Sở hữu toàn dân, và Bản HP sửa gì thì vẫn khẳng định quyền lãnh đạo (Mà thực chất là thống trị) của đảng lên toàn Dân Tộc?…
Bao giờ thì QH mới hết “Bận” để bàn thảo về những vấn đề bức thiết trên đây?
Hay QH cũng “Nhất trí cao” với đảng, rằng đó chưa phải là những vấn đề quan trọng!?
Nov/25th/2013
AFR Dân Nguyễn
(Quê choa) 

Tù chính trị: Chết vẫn còn bị "giam"

Bên ngoài một trại tù ở VN, ảnh minh họa.AFP photo
Số phận của những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm ở VN hiện nay gây nhiều quan ngại trong công luận, nhất là họ bị phân biệt đối xử với tù thường phạm, gặp khó khăn trong vấn đề chữa bệnh khiến “chỉ có thể chờ chết” để rồi khi qua đời, thân nhân không được đem xác về an táng ở quê nhà, như trường hợp mới đây nhất của tù nhân Bùi Đăng Thủy.


∇ Nghe tường trình
Sau khi tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Trại qua đời tại trại tù Xuân Lộc, Đồng Nai hồi tháng Bảy năm 2011 và bị chôn tại đó dù trước khi mất, ông mong mỏi được về nhà chết bên cạnh người thân và dù gia đình xin đưa thi hài ông về an táng ở quê nhà nhưng trại giam bảo rằng “ông Nguyễn Văn Trại là một tù nhân chính trị chứ không phải là người”; sau khi người tù thế kỷ Trương Văn Sương qua đời tại trại giam Nam Hà hồi tháng 9 năm 2011 và cũng bị chôn cất tại chỗ dù thân nhân xin được hỏa tang để mang tro cốt ông về quê quán Sóc Trăng, thì hôm 24 tháng 11 vừa rồi, tù nhân chính trị Bùi Đăng Thủy, cựu sĩ quan không quân VNCH, đã qua đời trong lặng lẽ tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai; và gia đình cũng không được mang xác ông về quê chôn cất !




Điều đó thể hiện sự man rợ của nhà nước này, tức là đến chết mà người ta vẫn còn giam cầm. Hành động đó không phải là con người nữa. Tôi đọc tôi ức nghẹn lên. Họ cư xử như vậy, nó không còn là con người nữa.

» Nhà văn Phạm Đình Trọng
Trước tình cảnh như vậy, từ Sàigòn, nhà văn Phạm Đình Trọng, cựu Đại tá quân đội Nhân dân VN, lên tiếng:

Điều đó thể hiện sự man rợ của nhà nước này, tức là đến chết mà người ta vẫn còn giam cầm. Hành động đó không phải là con người nữa. Tôi đọc tôi ức nghẹn lên. Họ cư xử như vậy, nó không còn là con người nữa.

Ký giả Trương Minh Đức cũng từ Saigòn nhận xét:

Tôi cũng là một tù nhân lương tâm, từng ở tù chung với ông Bùi Đăng Thủy, ông Nguyễn Văn Trại… Ngoài ra, hiện cũng có những tù nhân lương tâm khác đang bệnh rất nặng trong trại giam. Đối với nhà cầm quyền CSVN, nói về chính sách nhân đạo hoặc luật lệ thi hành án của họ cũng có cụ thể, nhưng đó là những luật để họ lừa bịp quốc tế thôi. Chứ đối với những tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo, thì họ cư xử rất độc ác; có nghĩa là từ lúc những người tù này bị bệnh cũng như khi qua đời, giới cầm quyền hành xử khác biệt với những tù nhân thường phạm, ngược lại với chính luật lệ mà họ đề ra. Tôi nghĩ luật pháp VN, họ nói một đường làm một nẻo. Họ đối xử tàn tệ với những người đối lập, bất đồng chính kiến.

Cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển giải thích rằng theo quy định thi hành án phạt tù thì người tù sau khi qua đời ở trong trại giam có thể được đem thi hài trở về với gia đình an táng. Tuy nhiên, đối với tù nhân chính trị cũng như tù nhân lương tâm thì điều này sẽ không xảy ra! Trại giam luôn luôn giữ thi hài đó lại và an táng trong phạm vi trại giam, nơi người tù đó ở. LS Nguyễn Bắc Truyển lưu ý:

Tôi nghĩ rằng đó là một sự phân biệt đối xử giữa người tù thường phạm và người tù chính trị, cũng như đó là một sự không nhân đạo. Bởi vì người VN mình có câu nói “nghĩa tử là nghĩa tận”. Nhưng đối với tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm thì nhà cầm quyền CSVN luôn luôn phân biệt đối xử như vậy. Họ không dựa trên cơ sở nhân đạo để giải quyết vấn đề  mà dựa trên cơ sở trừng phạt, trả thù để giải quyết vấn đề của những người đang thi hành án bị qua đời trong trại giam.

Ký giả Trương Minh Đức lưu ý rằng giới cầm quyền viện dẫn nhiều lý do, nhất là an ninh, nhưng, ký giả Trương Minh Đức nhấn mạnh, một người đã quá cố rồi, thì “nghĩa tử là nghĩa tận” mà họ cũng không cho thân nhân mang xác về, trong khi “ đâu có gì gọi là nguy hiểm cho xã hội ?”. Ký giả Trương Minh Đức cho rằng tính cách nhân đạo của họ quả “có vấn đề !”. Nhà văn Phạm Đình Trọng khẳng định rằng:

Có một sự thật như thế này, tức là rõ ràng những người tù như Trương Văn Sương, như tù nhân (Bùi Đăng Thủy) vừa mất trong trại giam…, thực sự họ đều là những người tù chính trị cả. Nhưng nhà nước này không công nhận họ là tù chính trị, vẫn trốn tránh, tức là nhà nước này không dám nhìn thẳng vào sự thật. Điều đó cũng thể hiện một sự không trung thực của nhà nước này. Thực sự những người như Cù Huy Hà Vũ… đều là tù chính trị cả, nhưng nhà cầm quyền trốn tránh bởi vì vấn đề tù chính trị lại liên quan đến Công ước Quốc tế, những quy định quốc tế…Thành ra họ không dám công nhận. Mà họ coi tất cả những người đó là tù thường phạm.

Nhắc đến cái chết của những tù nhân chính trị trong cảnh lao lý nghiệt  ngã, FB Tin Không Lề không quên lưu ý rằng “những người tù chính trị dưới chế độ CS đã bị đối xử còn tệ hơn trong nhà tù đế quốc, thực dân”. Nhà văn Phạm Đình Trọng đề cập đến vấn đề này:




Họ không dựa trên cơ sở nhân đạo để giải quyết vấn đề mà dựa trên cơ sở trừng phạt, trả thù để giải quyết vấn đề của những người đang thi hành án bị qua đời trong trại giam.

» LS Nguyễn Bắc Truyển
Qua những sách vở tôi đọc được, thí dụ như Tướng Trần Độ nói rằng nếu thực dân Pháp cũng giam những người CS như bây giờ thì chẳng ai còn sống để làm cách mạng nữa. Chính ông Trần Độ đã nói như vậy, bởi vì ông đã trải qua nhà tù thời Pháp thuộc, rồi cũng kinh qua thời CS.

Theo cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển thì nhà cầm quyền VN luôn mô tả tình trạng giam giữ trong thời Pháp thuộc rất tàn ác, thô bạo, nhưng ông nhận thấy “thực dân Pháp xử tù những người gọi là yêu nước, kháng Pháp, vẫn có những người viết sách, viết truyện gởi ra đăng bên ngòai”. Và LS Nguyễn Bắc Truyển tin rằng “trường hợp khắc nghiệt lúc đó cũng không như bây giờ”.

Tù nhân chính trị VN hiện nay bị đối xử rất là tàn tệ. Ngoài chuyện họ bị đày đi xa gia đình hàng ngàn cây số như trường hợp bà Mai Thị Dung và Đỗ Thị Minh Hạnh, như Điếu Cày, Tạ Phong Tần cùng rất nhiều người khác. Họ bị đày đi rất xa để việc thăm nuôi ngày càng khó khăn bởi vì đa số gia đình tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm là những người nghèo, không có được đủ phương tiện, điều kiện thăm nuôi thường xuyên. Giới cầm quyền muốn cắt đi những tù nhân đó ra khỏi gia đình, làm cho họ khó khăn trong việc tái hòa nhập với xã hội sau này.

Rồi nhà cầm quyền CSVN áp dụng những hình thức như biệt giam tù nhân chính trị trong điều kiện khắc nghiệt; giam tù nhân chính trị trong những phòng giam nhỏ, chật hẹp, rất nóng bức như hiện đang xảy ra ở phân trại 2, trại giam Xuân Lộc. Ngoài ra, họ còn bị ép buộc phải nhận tội, nếu không sẽ bị đối xử như một hình thức vi phạm kỷ luật, như trường hợp anh Điếu Cày, bà Mai Thị Dung không “nhận tội” cũng không được cho đi chữa bệnh trong điều kiện đang bị bệnh rất nặng. Hay như trường hợp ông Nguyễn Tuấn Nam đang bị giam giữ ở trại số 2, Xuân Lộc.

Cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển nhân tiện lưu ý rằng từ năm 2000 đến nay, có ít nhất 10 tù nhân chính trị đã chết tại trại giam Xuân Lộc. Số phận của tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm VN – nói theo lời ký gia Trương Minh Đức - bị “để cho kéo dài tình trạng bệnh tật trong trại giam mà không được chữa trị đến nơi đến chốn chỉ có thể chờ chết thôi” khiến người ta lo ngại cho những người tù hiện nay, từ sinh viên Đỗ Thị Minh Hạnh, nhà giáo Đinh Đăng Định cho tới người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu.

Theo cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển thì cách hành xử của nhà cầm quyền VN như vậy là không thể hiện tinh thần giam giữ nhân đạo theo Công ước về Quyền Dân sự và Chính trị, Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, hay Công ước Chống Tra Tấn Tù nhân hoặc Hội đồng Nhân quyền LHQ mà chính VN đã gia nhập.
Thanh Quang,
phóng viên RFA
theo RFA

Xã hội dân sự: Cuộc triển lãm “thiên nhiên trong tôi”

Sếu về tổ, ảnh tham gia triển lãm của Tang A Pau. Photo by Tang A Pau
Cuộc vận động bảo vệ môi trường cần có nhiều hoạt động dân sự để hỗ trợ vai trò của nhà nước. Trong thời gian qua, các hoạt động dân sự như vậy, dù không được nhà nước chính thức công nhận, góp phần rất lớn vào việc bảo vệ môi trường cũng như nâng cao ý thức về môi trường của người dân. Kính Hòa trình bày.

Thông điệp môi trường


∇ Nghe tường trình
Một cuộc triển lãm về thiên nhiên Việt nam được tổ chức tại số 4 Phạm Ngọc Thạch, trong khuông viên nhà văn hóa Thanh niên từ ngày 23 đến 26 tháng 11 đang thu hút hàng ngàn lượt người xem. Điều đặc biệt là cuộc triễn lãm không phải do một trường Đại học, một cơ quan nhà nước,…hay những tổ chức …chính thống tương tự, mà bởi một nhóm người. Nhóm người đó là nhóm những người yêu quý rừng Nam Cát Tiên và những ủng hộ viên của họ.

Ông Nguyễn Huỳnh Thuật, sáng lập viên của nhóm SavingCattien cho chúng tôi biết,

Lần đầu tiên trong lịch sử, có những bức ảnh về thiên nhiên chân thực và quý hiếm thế này. Điều thứ hai mà mọi người ngạc nhiên là không có bất cứ tài trợ nào cho cuộc triễn lãm này. Họ tìm hiểu ai có thể làm chuyện này, và họ được biết rằng có những người yêu quý thiên nhiên chung tay vì những mục tiêu tốt đẹp như thế này.

Khu vực triễn lãm nhìn từ xa. Courtesy Saving Cat Tien NP
Hơn 100 bức ảnh có ba chủ đề. Thứ nhất là các di sản thắng cảnh thiên nhiên cũng như văn hóa. Thứ hai là về các động thực vật quý hiếm của Việt nam. Thứ ba là các tác động xấu của rừng bị phá do các công trình thủy điện. Ba chủ đề này nhằm đánh thức sự vô ý thức của con người làm tàn phá thiên nhiên và môi trường.”

Ngoài những người chụp ảnh Việt Nam, có nhiều tác giả quốc tế cũng gửi ảnh đến để triễn lãm, như nhà nhiếp ảnh chuyên chụp ảnh về thiên nhiên là ông Aladin Thayer người Áo, hay như Giáo sư Gebhard Schueler chuyên gia về rừng và làm việc tại Việt Nam hơn 15 năm. Các bức ảnh này được bán để lấy tiền bù cho chi phí tổ chức triễn lãm, và giúp đỡ cho những nạn nhân của lũ lụt vừa qua tại miền Trung mà một trong những nguyên nhân chính là các hồ chứa nước của những nhà máy thủy điện xả nước lũ giữa mùa mưa bão.




Lần đầu tiên trong lịch sử, có những bức ảnh về thiên nhiên chân thực và quý hiếm thế này. Điều thứ hai mà mọi người ngạc nhiên là không có bất cứ tài trợ nào cho cuộc triễn lãm này. Họ tìm hiểu ai có thể làm chuyện này, và họ được biết rằng có những người yêu quý thiên nhiên chung tay vì những mục tiêu tốt đẹp

» Ông Nguyễn Huỳnh Thuật
Một người dân trung niên đến xem triển lãm nói với chúng tôi,

“Những bức ảnh rất sống động. Tôi thấy người ta xem nhiều và hiểu nguyên nhân của các tận lũ lụt vừa qua.”

Cuộc triễn lãm cũng cuốn hút nhiều bạn trẻ, thậm chí có bạn chỉ biết cuộc triễn lãm qua truyền thông xã hội mà đã lặn lội từ xa đến để xem triễn lãm. Một bạn sinh viên đến từ Trường Đại học Cần thơ nói với chúng tôi,

“Em biết cuộc triễn lãm qua Facebook, em đến xem triễn lãm và phụ giúp các anh chị của nhóm Saving Cat Tiên chung tay bảo vệ môi trường. Sự tàn phá của con người sẽ gây ra các hậu quả đáng tiếc như lũ lụt vừa qua ở miền Trung.”

Rừng nhiệt đới, ảnh của Prof. Dr. Gebhard Schueler
Nhà nước nhìn nhận như thế nào về hoạt động dân sự?

Những người tổ chức buổi triễn lãm này cũng chính là những người đã vận động để hủy bỏ hai dự án thủy điện lớn trên sông Đồng Nai là Đồng Nai 6 và 6A. Nhờ sự vận động này mà Chủ tịch nước đã biết đến mối nguy hại của hai con đập ấy đối với di sản thiên nhiên vô cùng quý giá của Việt nam là rừng nam Cát tiên, cũng như những tác động tiêu cực đối với cả vùng hạ du miền Đông Nam bộ nói chung. Và cuối cùng thì chính phủ Việt nam đã chính thức loại bỏ hai dự án Đồng nai 6 và 6A.

Hiện nay nhóm người này vẫn không có …tư cách pháp nhân dù rằng các hoạt động dân sự của họ đã đóng góp vô cùng lớn vào việc cất lên tiếng nói phản biện, đưa những lợi ích xã hội vượt lên tiền bạc và quyền lực của các công ty tư nhân chủ hai dự án kể trên.




Một số blogger ở ta đang tuyên truyền cho “xã hội dân sự”, vẫn giữ nguyên khái niệm nhưng mang hàm nghĩa tiêu cực: Đòi thành lập những tổ chức đối trọng với nhà nước với mục đích làm giảm, khuynh loát vai trò, dẫn đến làm tan rã Nhà nước

» Thanh Nguyên/báo QĐND
Khi chúng tôi đang viết những dòng này thì có một bài báo xuất hiện trên báo Quân đội nhân dân bàn về xã hội dân sự. Trong bài báo này tác giả Thanh Nguyên trình bày một cái nhìn đầy nghi ngại về xã hội dân sự qua đoạn văn sau đây,

Một số blogger ở ta đang tuyên truyền cho “xã hội dân sự”, vẫn giữ nguyên khái niệm nhưng mang hàm nghĩa tiêu cực: Đòi thành lập những tổ chức đối trọng với nhà nước với mục đích làm giảm, khuynh loát vai trò, dẫn đến làm tan rã Nhà nước.

Khách xem triễn lãm. Courtesy Saving Cat Tien NP
Trên thực tế thì không thấy hoạt động dân sự nào nhằm làm tan rã nhà nước cả. Chẳng lẽ việc dừng lại các dự án kinh tế nguy hại như Đồng Nai 6 và 6A lại nhằm mục đích làm tan rã nhà nước? Hay phản biện dự án bauxite Tây Nguyên lại khuynh loát vai trò của Nhà nước?

Bài báo cũng cho rằng nếu xã hội dân sự là tốt đẹp thì Việt nam đã có rồi, tác giả viết,
Nếu cái gì tốt đẹp, tích cực của cái gọi là “xã hội dân sự” thì xã hội ta đang có. Ví dụ chúng ta có tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của người lao động. Tương tự là các tổ chức Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi… Các tổ chức này cũng là cầu nối giữa Nhà nước với hội viên…




Như bạn sinh viên đến từ Cần Thơ mà chúng tôi có nói chuyện, sống ngay giữa đồng bằng sông Cửu Long mà lại hoàn toàn không biết gì về các đập nước đã và đang được xây dựng trên thượng nguồn sẽ giết dần giết mòn quê hương của bạn ấy
Không rõ hàng trăm cuộc biểu tình của công nhân và các vụ đòi đất của nông dân có nằm trong các hoạt động dân sự mà bài báo cho rằng đã có những tổ chức hoạt động dưới sự lãnh đạo của đảng đảm nhận hay không? Nhưng riêng trong lĩnh vực môi trường thì còn rất nhiều khiếm khuyết.

Ông Nguyễn Huỳnh Thuật nói với chúng tôi rằng sau cuộc triễn lãm này, nhóm của ông tiếp tục dấn thân vào việc bảo vệ môi trường thiên nhiên và văn hóa, và quan trọng nhất là hợp tác với các trường Đại học nhằm thực hiện việc giáo dục ý thức về môi trường, góp phần lan tỏa đến cộng đồng những vấn đề phải quan tâm về môi trường của đất nước,…và còn rất nhiều việc phải làm. Ngay như bạn sinh viên đến từ Cần Thơ mà chúng tôi có nói chuyện, sống ngay giữa đồng bằng sông Cửu Long mà lại hoàn toàn không biết gì về các đập nước đã và đang được xây dựng trên thượng nguồn sẽ giết dần giết mòn quê hương của bạn ấy.

Ông Thuật cũng có nói rằng chính hoạt động của các nhóm dân sự sẽ gánh bớt gánh nặng của nhà nước. Các nhóm dân sự sẽ góp phần cất lên tiếng nói phản biện từ dân chúng, giúp cho việc cân bằng các lợi ích khác nhau giữa các nhóm người trong xã hội. Điều ấy chỉ làm cho Nhà nước mạnh lên, trở thành Nhà nước do dân và vì dân như chính phủ Việt nam vẫn hàng tuyên bố.


Kính Hòa,
phóng viên RFA
Theo RFA

=======
Nghe bài này

Người biểu tình Thái Lan chiếm thêm 4 bộ của chính phủ

Thủ tướng Thái lan, bà Yingluck Shinnawatra đã xuất hiện trên đài truyền hình và trước báo chí thông báo quyết định tăng cường đạo luật an ninh đối phó với lực lượng biểu tình. AFP photo
Bất chấp Thủ tướng Thái lan, bà Yingluck Shinnawatra đã quyết định tăng cường đạo luật an ninh ở Bangkok và vùng lân cận. Trưa nay 26.11.2013 lực lượng biểu tình chống chính phủ đã chiếm giữ thêm trụ sở làm việc 04 bộ ở thủ đô Bangkok.


∇ Nghe tường trình
Ngày 25.11.2013, lực lượng biểu tình chống chính phủ Thái lan đã chiếm trụ sở làm việc của Bộ Tài chính, Cục Ngân sách nhà nước, Tổng cục thông tin tuyên truyền và Bộ Ngoại giao tại thủ đô Bangkok.

Vào lúc 21h34’ cùng ngày, Thủ tướng Thái lan, bà Yingluck Shinnawatra đã xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia, để thông báo quyết định tăng cường phạm vi và thời gian áp dụng đạo luật an ninh để đối phó với lực lượng biểu tình chống chính phủ. Theo đó, đạo luật an ninh được áp dụng ở toàn bộ thủ đô Bangkok, tỉnh Nonthburi và cộng thêm 02 huyện ở hai tỉnh lân cận là Pathumthani và Samutpakal cho đến hết ngày 31.12.2013.

Được biết trước đó, cũng vì lý do biểu tình chính phủ Thái lan cũng đã ban bố đạo luật an ninh ở 3 quận trung tâm Bangkok, nơi có các trụ sở nhà nước quan trọng, như Phủ Thủ tướng, Trụ sở Quốc hội…




Những gì đã diễn ra là hành động biểu thị ý chí của quảng đại quần chúng. Còn chúng tôi chỉ là những người tạm thời thay mặt nhân dân, để thúc đẩy cho mục tiêu cuối cùng đạt được thành công

» ông Suthep Thaugsuban
Sáng sớm hôm nay 26.11.2013, từ trụ sở của Bộ Tài chính Thái lan, ông Suthep Thaugsuban cựu phó Thủ tướng, lãnh tụ của phong trào biểu tình cho biết “Những gì đã diễn ra là hành động biểu thị ý chí của quảng đại quần chúng. Còn chúng tôi chỉ là những người tạm thời thay mặt nhân dân, để thúc đẩy cho mục tiêu cuối cùng đạt được thành công. Đêm qua, cả một khối người khổng lồ với hơn một triệu người đã đứng lên thể hiện ý chí, là không để cho cơ chế của Thackshin tiếp tục tồn tại trên đất nước Thái”

Số người tham gia biểu tình chống chính phủ Thái Lan tăng ngày một đông có dự đoán lên gần nửa triệu. Ngày 25 tháng 11, 2013. AFP
Bất chấp lệnh của chính phủ trưa nay ngày 26.11.2013 lực lượng biểu tình đã tiến hành chiếm giữ thêm trụ sở của các bộ Giao thông, Thể thao – Du lịch, Nông nghiệp và Bộ Nội vụ. Người biểu tình đã chiếm giữ bằng cách thuyết phục viên chức ở các bộ này nghỉ việc và trở về nhà, sau đó họ cắt điện nước và khóa trụ sở một số bộ nhằm vô hiệu hóa bộ máy của chính phủ. Việc làm của họ được sự đồng thuận của các viên chức các bộ nên diễn ra hết sức nhanh chóng. Đến cuối giờ chiều riêng trụ sở của Bộ Nội vụ đã bị người biểu tình vây chặt.

Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinnawatra đã mất uy tín nghiêm trọng đối với dân chúng. Sau việc Quốc hội Thái lan đã thông qua Dự luật ân xá chính trị. Một dự luật được coi là nhằm xóa tội để hoàn lại số tiền gần 2 tỷ USD đã bị tịch thu xung công cho anh trai của bà là cựu Thủ tướng Thackshin Shinnawatra đã bị Thượng viện Thái lan bác bỏ. Và đây là ngòi nổ của cuộc biểu tình rầm rộ chưa từng có từ năm 2010 trở lại đây, đẩy chính phủ của bà Yingluck vào khả năng đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Ông Bunrot Miengkham một người tham gia biểu tình từ tỉnh Nongkhai đến đã nói với chúng tôi suy nghĩ của mình “Họ (chính phủ) đã suy nghĩ không tốt đối với đất nước, nếu suy nghĩ tốt họ đã không làm như vậy. Nếu họ tốt thì đa số nhân dân đã chấp nhận. Bây giờ họ cứ bảo họ do nhân dân lựa chọn nên họ có quyền. Nhưng thử hỏi nhân dân họ chọn lựa ra để làm như họ đã làm hay không? Nên nhớ chúng tôi lựa chọn họ để lãnh đạo đất nước này có hạnh phúc ”

Được biết, sau một ngày việc lực lượng biểu tình chống chính phủ chiếm trụ sở của Bộ Tài chính bước đầu đã gây những trở ngại cho công việc thu chi ngân sách của chính phủ. Tuy nhiên 13h00 chiều hôm nay, tòa án Thái lan cũng đã phê chuẩn lệnh bắt giữ đối với lãnh tụ biểu tình, ông Suthep Thaugsuban với tội danh chiếm giữ bất hợp pháp trụ sở hành chính của nhà nước và kích động quần chúng.

Tuy vậy, tin cho biết lãnh đạo biểu tình đã kêu gọi tổ chức một cuộc tổng biểu tình lớn trên toàn quốc vào ngày mai 27.11.2013. Để tạo áp lực nhằm buộc bà Yingluck Shinnawatra và nội các tuyên bố từ chức để mở đường cho một cuộc cải cách chính trị toàn diện ở Thái lan.

Anh Vũ,
thông tín viên RFA
Theo RFA

=======
Nghe bài này  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét