Nỗi đau nước Việt
Nhân chuyển đi công tác, dự hội thảo ở Đài Loan. Sau khi kết thúc hội
nghị, tranh thủ một vài ngày còn lại ở hòn đảo này, người viết có đi
tham quan một vài nơi.
Hôm nay, thử đi ra biển Đạm Thủy, nơi địa đầu của Đài Bắc, thủ phủ
của Đài Loan. Vài nhận xét chung thì biển ở đây không có đẹp, nước không
có xanh và cát không có trắng mịn như biển Việt Nam nhưng người ta làm
quy hoạch rất tốt và không khí rất trong lành.
Đi lang thang một mình trên khu du lịch, cảm thấy xa lạ và lạc lõng ở
hòn đảo này. Bên cạnh người bản xứ còn có rất nhiều du khách nước
ngoài, những sinh viên du học tại xứ này, người nước ngoài tới công tác,
lao động, làm việc và đặc biệt là có thể nghe thấy tiếng Việt Nam ở
khắp nơi. Vì hôm nay là ngày cuối tuần cho nên có rất nhiều thanh niên
trẻ tuổi Việt Nam qua đây làm công nhân xuất khẩu lao động tranh thủ
thời gian nghỉ đi chơi. Họ thường đi theo đôi theo cặp, họ ngồi ăn thịt,
uống bia trên bãi cỏ, họ cười đùa nói chuyện, ôm hôn nhau và chụp ảnh,
rất vô tư và đôi khi tự nhiên thái quá … tới mức không cần biết thái độ
của người dân bản xứ lẫn những người xung quanh ở mảnh đất này.
Theo số liệu đọc được ở trên mạng thì ở Đài Loan có hơn 80.000 thanh
niên (trai, gái) Việt Nam sang xuất khẩu lao động, gần 100.000 cô dâu
Việt Nam kết hôn với người Đài Loan và hơn 160,000 đứa trẻ lai Việt Đài
và một con số không hề nhỏ, nhưng khá khiêm tốn so với hai nhóm trên là
gần 4000 sinh viên du học. Đây gần như là một cộng đồng người nước ngoài
lớn nhất tại Đài Loan nhưng dường như giữa những nhóm này không có
nhiều sự tương tác, liên hệ, tương trợ và bản thân họ cũng không nhận
được nhiều sự giúp đỡ từ cơ quan hữu trách Việt Nam tại Đài Loan.
Đang cô đơn lạc lõng thì nhìn thấy một nhóm ba người công nhân Việt
đang ngồi ăn uống trên thảm cỏ, một trai và hai gái, họ rất trẻ, chỉ ở
trong độ tuổi 20. Thử ngồi gần lại và bắt chuyện với họ nhã nhặn và lịch
sự:
“Các bạn từ Việt Nam qua đây phải không?”
Họ cũng lịch sự và thân thiện đáp lại:
“Vâng ! Anh ngồi đây ăn với chúng em!” Rồi đưa một xiên thịt nướng ra
mời. Trong lòng cảm thấy rất vui, ấm áp và cảm động, một chút thân
thiện vì dù sao cũng được gặp đồng bào Việt Nam của mình ở cái xứ sở
này.
Thế rồi qua câu chuyện, họ trở nên thân thiện, rất tin cậy và chia sẻ
rất nhiều điều. Đa phần những người bạn trẻ này sinh tại những vùng quê
nghèo ở Việt Nam: Nghệ An, Hưng Yên, Thái Nguyên, vv … Họ không có điều
kiện học hành nhiều hay khi còn đi học thì rất chểnh mảng nên phải nghỉ
học sớm, chưa tốt nghiệp Phổ Thông Trung Học, họ cũng đã đi làm thuê
nhiều nơi nhưng thu nhập không đủ sống và giúp đỡ gia đình nên lo lót
tiền bạc, nộp cho các công ty Môi giới Xuất Khẩu Lao Động để qua Đài
Loan làm việc trong các công ty, nhà xưởng theo hợp đồng với chủ thuê,
những mong có một khoản vốn để giành để về giúp đỡ gia đình và làm ăn.
Số tiền mà họ phải nộp cho môi giới để được sang Đài Loan tương đối lớn,
từ 6000 – 8000 USD một suất đi lao động, đa phần họ không thể có số
tiền này ở Việt Nam mà phải vay mượn hay bán nhà cửa ruộng vườn. Khi qua
tới Đài Loan, họ bị chủ thuê lao động và công ty môi giới giữ giấy tờ,
hộ chiếu và hợp đồng thì soạn bằng cái chữ tượng hình mà họ không tài
nào hiểu nổi (tiếng Trung), và mức lương tối thiểu mà họ được trả theo
quy định của Luật lao động tại Đài Loan là rất thấp, chỉ quãng 600 USD,
họ phải làm thêm giờ, tăng ca rất nhiều mới có thêm thu nhập, nhưng cũng
bị chủ thuê cắt xén, thêm bớt và bóc lột rất thậm tệ. Thu nhập của họ
thật sự không bõ bèn gì với sức lao động hao phí mà họ đã bỏ ra. Một em
gái tháng sau là phải về Việt Nam sau khi hết hợp đồng lao động, ở đây
làm việc tới 6 năm rồi, cho biết rằng: lần này về em chỉ để giành được
có hơn 1000 USD, chỉ đủ mua quà cho gia đình. Trời ơi !
Tâm sự với những bạn trẻ này, hỏi vì sao không ở nhà cố gắng làm ăn:
làm nông nghiệp chẳng hạn? Ở những nước phát triển như Nhật, Úc, nông
nghiệp rất phát triển và nông dân rất giàu cỏ. Tất nhiên để đời sống
người nông dân sung túc hơn thì cần có khoa học, kĩ thuật và giáo dục,
để định hướng cho người nông dân cách làm ăn và để gia tăng giá trị nông
sản … nhưng điều kiện thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp của Việt Nam
rất tốt, tốt hơn cả Đài Loan … rồi khuyên các em sau khi hết thời gian
lao động tại đây hãy trở về Việt Nam, đừng sang đây lại nữa … nên quay
về làm nông nghiệp, rồi cuộc sống cũng sẽ khấm khá hơn. Họ nói rằng: ở
quê em bây giờ cũng không ai làm ruộng nữa. Được biết, ở nông thôn Việt
Nam ngày nay, người nông dân thật sự cũng không muốn làm ruộng nữa, họ
mong nhà nước thu hồi đất rồi có tiền đền bù, xây được cái nhà to, mua
sắm xe cộ, vật dụng rồi còn lại một khoản tiền thì đem gửi vào ngân hàng
hay đưa con cái đi lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,
Nga hay Trung Đông, vv … Vậy là đủ. Người viết vốn có hiểu biết chút ít
về kinh tế, về sự trượt giá và sự lãng phí nguồn vốn, nhân lực ở Việt
Nam nên cảm thấy xót xa.
Như những người bạn, người viết đi cùng ba em đi thuyền máy ra bán
đảo chơi, nơi đó hình như tên là Bắc Đẩu. Dưới đây là một vài tấm hình
chụp cho các em, những nam thanh nữ tú, rất dễ mến, hiền lành và chất
phác.
Không thể cầm nổi nước mắt. Chính đất nước nghèo đói, lạc hậu và số
phận nghiệt ngã đã đẩy các em phải xa xứ theo cái cách như thế này.
Giá như đất nước giàu có, tốt đẹp hơn,
họ và rất nhiều người như họ có điều kiện được chăm lo y tế, giáo dục,
được đầu tư tăng cường cái vốn con người (human capital) cho bản thân
thì họ sẽ làm được nhiều việc hơn, đóng góp được cho Việt Nam nhiều hơn
chứ không phải qua xứ người cho chủ thuê bản xứ bóc lột, vv … và ngày
hôm nay thân phận người Việt ở trên khắp thế giới này đang bị coi
thường, khinh rẻ … và hộ chiếu của Việt Nam xin visa đi đâu cũng khó
khăn. Bây giờ khắp nơi trên thế giới này, đâu đâu có người Việt cũng
thấy tệ nạn: buôn lậu, trồng cần sa, buôn bán cả người … và người Việt
Nam lại bị chính tòa đại sứ, cơ quan ngoại giao Việt Nam ở khắp nơi làm
tiền. Vì sao đất nước Việt Nam ngày hôm nay lại bi thảm và nhục nhã đến
như vậy ?
Chúng ta thường tự hào là con Hồng cháu
Lạc, là 4000 năm văn hiến đậm đà bản sắc dân tộc, truyền thống bất khuất
chống ngoại xâm … chúng ta tự hào là đánh thắng bốn đế quốc to trên thế
giới này , là nước duy nhất trên thế giới thắng được Mỹ. Nhưng sau gần
40 năm, người chiến thắng vẫn lẹt đẹt cầm đèn đỏ trên hầu như tất cả các
lĩnh vưc: kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa … lẫn những giá trị phổ quát
của nhân loại như Tự do, dân chủ và nhân quyền bị chà đạp. Trúng cử vào
Ủy ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc có làm cho tình hình tốt đẹp hơn
được không … khi mà chính chúng ta đang buôn bán đồng bào của mình ?
Xuất khẩu lao động không phải là một hình thức buôn người thì là cái gì ?
‘Khi nào những thanh niên Việt Nam còn
phải xếp hàng chờ đi xuất khẩu lao động và phụ nữ Việt Nam phải chờ thi
tuyển để lấy chồng ngoại quốc, những sinh viên giỏi của Việt Nam phải bỏ
đi du học và tìm cách ở lại làm việc không về nữa thì đất nước làm gì
có Độc Lập – Tự Do với Hạnh Phúc như Hồ Chí Minh từng nói.
Tất cả người Việt trên toàn thế giới này, những ai còn tự hào về dòng
giống Việt Nam của mình và thấy mình còn mắc nợ, có trách nhiệm với dân
tộc cần phải thức tỉnh, cần phải làm một cái gì đó để làm thay đổi đất
nước.
Trong thể ký 20, Việt Nam đã mất quá nhiều. Những thế hệ trước đã
lãng phí mồ hôi, xương máu và nhân mạng cho những cuộc chiến ý thức hệ
tàn khốc, huynh đệ tương tàn … và ngày nay Việt Nam là một trong những
nước bị chia rẽ, phân tán nhiều nhất trên thế giới này. Cho đến hôm nay,
người Việt Nam chúng ta trên khắp thế giới vẫn còn đang vướng vào những
tranh cãi, hiềm khích và thù hận, vẫn chưa có sự đồng lòng, cùng nhìn
về một hướng cho tương lai của dân tộc. Để rồi chính những thế hệ sau
vốn vô tội lại phải chịu đựng đau khổ vì những điều hèn kém mà chúng ta
gây ra.
Một giáo sư Việt kiều đã từng nói với sinh viên một câu cay đắng:
“Ở Việt Nam mình, người lớn toàn làm bậy để đám nhỏ phải khổ, đi tha phương cầu thực”
Hỡi người Việt yêu nước trên toàn thế giới này ! Những ai còn tâm
huyết, nặng lòng và trăn trở với dân tộc thì hãy cùng nhau ngồi lại, làm
hết khả năng có thể, hay với 200% khả năng của mình để cứu lấy tương
lai của nước Việt Nam và con cháu Lạc Hồng. Chúng ta quyết không thể để
những thế hệ tương lai và con cháu đời sau phải qua xứ người làm cu li
lao động, đi thi tuyển đi lấy chồng ngoại hay đau đớn hơn là bị bán vào
nhà điếm, động mại dâm.
Đó là Quốc Nhục mà
kẻ gây tội lỗi lớn nhất chính là chúng ta, những kẻ may may mắn được học
hành, có tri thức và cơ hội hơn rất nhiều đồng bào của mình, vì căn
bệnh vô cảm của chúng ta !
Đâu rồi:
Việt Nam gấm hoa ?
Đâu rồi:
Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm
Mau mau thức tỉnh và làm một cái gì đó,
Nếu không sẽ quá trễ và tất cả chúng ta đều là những kẻ thất bại !
Nỗi đau sân bay
19 h30 ngày 22/11/2013
VTV1 phát tin nói về việc tất yếu phải xây sân bay Long Thành. Bản tin
là phát ngôn của nhóm lợi ích xuyên tạc sự thật để lừa dư luận. Nay tôi
xin đăng lại bài này đã đăng cách đây cả tháng để ai quan tâm tham khảo.
Nguyễn Đình Ấm
|
Những năm gần đây nhiều sân bay ở Việt Nam đã và nằm trong kế hoạch di dời ra chỗ khác ngốn
những khoản tiền khổng lồ: sân bay Nha Trang chuyển
qua Cam Ranh, sân bay Phú Quốc cũ (SB Dương Đông) chuyển qua Dương Tơ,
sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chuyển qua Long Thành (Đồng Nai), sân bay Cát Bi
(Hải Phòng) sẽ thay bằng sân bay Tiên Lãng, sân bay Cà Mau cũng có đề
nghị chuyển ra chỗ khác… Lý do di chuyển tất cả là “sân bay cũ chật hẹp
không phát triển được, bị dân cư bao quanh, ô nhiễm…”…
Một câu hỏi đặt ra: Sân bay là những công trình lớn,
vĩnh cửu được các quốc gia chọn địa điểm, quy hoạch rất cẩn thận, kỹ
càng cho cả hiện tại và tương lai, trên thế giới rất ít bị thay đổi địa
điểm nhưng tại sao ở Việt Nam lại diễn ra “cấp tập” như thế? Những sự di
dời hối hả ấy có hoàn toàn theo nhu cầu khách quan hay bị cái gì nữa
chi phối?
Sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) được Pháp xây dựng năm
1930 ở quận Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận cách TP hơn 10km (nay là 8 km).
Thời chế độ Việt Nam Cộng hoà, lớp ngoài cùng sân bay là đường công vụ
tuần tra, phía trong là hàng chục lớp rào kẽm gai, trong cùng là hào
sâu, mỗi đoạn có tháp cảnh giới, trong cùng lại có đường tuần tra an
ninh khép kín. Theo người đã làm việc ở TSN trước năm 1975 thì tính theo
chu vi ngoài cùng TSN rộng không dưới 2.500 ha, diện tính “lõi” sau lớp
hào trong cùng hơn 1.250 ha. Với quỹ đất này TSN đáp ứng sự phát triển
“vô thời hạn”…
Thế nhưng, từ sau giải phóng, nhất là từ những năm
1987-2008 khi giá đất lên cao, các cơ quan của bộ quốc phòng, ngành Hàng
không Việt Nam, cư dân phá các lớp rào, “thanh lý” các nhà công vụ,
dùng một số ít làm văn phòng, cơ sở sản xuất kinh doanh, còn các vi la,
những diện tích đất lưu không cây cổ thụ rộng mênh mông chia cho sĩ
quan, cán bộ, dân làm nhà ở, nhà hàng, khách sạn, bán chác… Nhiều sếp
bỗng dưng thành triệu phú đôla… Do các cuộc “đại đô thị hóa” với chiêu
“phạt cho tồn tại” của chính quyền mà đến nay TSN chỉ còn 1.150 ha.
Trong quỹ đất đó khi hàng không dân dụng (HKDD) hàng năm phát triển 2
con số thì chỉ được quản lý, sử dụng 205 ha còn đơn vị không quân hoạt
động rất ít thì lại sở hữu tới 545 ha (400 ha khu bay dùng chung). Với
205 ha ấy HKDD TSN chỉ xây được hơn 30 điểm đỗ máy bay nên từ nhiều năm
nay TSN bị quá tải chỗ đỗ, nhiều chuyến bay của Việt Nam và nước ngoài
đến không còn chỗ đỗ phải bay vòng chờ lãng phí nhiên liệu, ô nhiễm môi
trường, uy hiếp an toàn.
Trước năm 1975 do vị trí tối ưu TSN là một trong
những HUB (điểm trung chuyển hàng không) ở Đông Nam Á, ga hàng không Đon
Muang ở Bangkok (Thái Lan) chỉ như “ga xép”. Sau giải phóng chế độ bao
cấp lại bị cấm vận, nền kinh tế Việt Nam lụn bại nên TSN phải nhường chỗ
cho Don Muang (nay là Suvarnabhumi). Từ những năm 1990 nền kinh tế hồi
phục thị trường TSN phát triển nhanh, đang lấy lại vị trí huy hoàng
trước kia nhưng nay lại bị nạn quá tải sân đỗ chặn lại. Theo ông Nguyễn
Thành Trung, nguyên P.TGĐ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam thì do chỗ đỗ
khó khăn nhiều hãng HK nước ngoài đã chuyển căn cứ transit đi
Singapore, Hongkong… Rồi đây dù TSN hay Long Thành rộng mở thì họ cũng
khó mà quay trở lại. Chiến lược HUB của TSN đang phá sản.
Cuối năm 2007 chính phủ cho TSN quy hoạch mở rộng sân
bay theo hướng tăng thêm 30 ha đất sang phía quân sự nhàn rỗi để làm
thêm 30 chỗ đỗ nữa nhưng bên quân sự “không thỏa thuận”. Tại sao đất đai
quân sự cũng là của nhà nước, nếu đem làm sân đỗ thì vừa khỏi lãng phí,
góp phần phát triển ngành hàng không Việt Nam, đất nước, TPHCM mà khi
“vạn nhất” xảy ra chuyện gì thì có ngay hạ tầng phục vụ chiến đấu… mà
sao lại không thực hiện được để TSN dù có nhà ga mới với tổng công suất
20 triệu khách/năm trở thành “cọc cạch”? Chỉ đến khi dự án sân golf do
doanh nghiệp quân đội “vì nhân dân quên mình” hình thành trái luật với
diện tích 157 ha trong sân bay thì người ta mới vỡ lẽ. Năm 2011 báo chí
đăng dồn dập nói lên sự vô lý của sân golf trong sân bay TSN và Gia Lâm
nhưng chỉ được vài bữa phải câm bặt để hai sân golf tăng tốc độ thi công
“chóng mặt”.
Những ngày gần đây dư luận lại rộ chuyện có nên xây
sân bay Long Thành (Đồng Nai) thay cho sân bay Tân Sơn Nhất hay không.
Cử tri thành phố HCM, nhiều lão thành tâm huyết yêu cầu chính phủ không
nên xây sân bay LT mà hủy bỏ dự án sân golf rồi mở rộng TSN để tiết kiệm
chi phí, giữ gìn một thương hiệu “vàng” gắn với lịch sử… Tuy nhiên, xem
ra những lập luận của cử tri, những người tâm huyết… bị “lép vế” trước
tiếng nói của chủ dự án, Bộ Giao thông Vận tải, một số sếp ngành hàng
không Việt Nam (dư luận gọi là “cái loa của các đại gia”?)… Họ đưa ra
những con số “tào lao” bịp bợm dư luận. Ví dụ, thổi phồng tốc độ tăng
trưởng khách, theo quy hoạch của Cục Hàng không Việt Nam năm 2010 sân
bay TSN rộng 1.150 ha (theo dư luận ở ngành Hàng không Việt Nam, việc đo
đạc diện tích TSN chưa thể tin cậy do có sự can thiệp của hai bên HKDD
và quân sự, đến nay sân bay này vẫn chưa có quy hoạch chính thức) nhưng
khi công khai họ đưa ra nếu mở rộng TSN phải giải phóng mặt bằng 641 ha,
tức phải nâng diện tích TSN từ 1.150 ha lên đến 1.791 ha, lớn hơn cả
quy hoạch Long Thành (1.688 ha), hoặc không tính 157 ha làm sân golf ở
TSN. Do phải giải phóng những 641 ha, tái định cư nên phải chi 16,1 tỷ
USD tiền giải phóng mặt bằng nếu mở rộng TSN so với chỉ 0,730 USD nếu
chuyển về Long Thành… Bất cứ ai nghe thông tin này cũng phải toát mồ hôi
mà ủng hộ Long Thành vì nó quá tiết kiệm! Đặc biệt, đại gia cũng tuyên
bố liều lĩnh: “…các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…đều phải xây sân
bay ra xa thành phố ít nhất 100km” là hoàn toàn bịp bợm. Thực tế, các
nước này chỉ có Hàn Quốc xây sân bay quốc tế Incheon cách Seoul 70km do
không tìm đâu ra khu đất bằng phẳng để làm sân bay trong vùng toàn đồi
núi ở thủ đô Seoul, còn sân bay quốc tế Tokyo (Haneda) công suất 70
triệu khách/năm của Nhật cũng gần thành phố như TSN…
Như vậy, chỉ cần hủy dự án sân golf tận dụng cả 1.150
ha hiện có của TSN phục vụ cho hoạt động hàng không (dân dụng và quân
sự) thì sân bay sẽ đáp ứng mọi phát triển ít nhất vài chục năm nữa, dân
không phải chi khoản tiền thuế đến hàng chục tỷ USD trong lúc khó khăn.
Sân bay Check Lap Kok của Hongkong có công suất hiện tại 45 triệu
khách/năm và có thể phát triển lên 80 triệu cũng chỉ có quỹ đất 12 km2
tức 1.200 ha. Ngược lại, nếu các đại gia không tính 157 ha làm sân golf
vào sân bay thì việc thực hiện ngay dự án chuyển TSN về Long Thành cũng
là muộn (vì phải ít nhất 5 năm trong khi TSN đã quá tải sân đỗ từ năm
2005).
Theo nhiều chuyên gia hàng không thì phương án tối ưu
là chuyển căn cứ không quân TSN đến Biên Hòa, “giải tán” sân golf, dành
toàn bộ 1.150 ha cho hàng không dân dụng. Khi ấy sẽ giải quyết được 50%
ô nhiễm môi trường (máy bay quân sự ồn và khí thải gấp nhiều lần máy
bay dân dụng) lại tách được mục tiêu số một khi có chiến tranh ra khỏi
thành phố, giải tỏa mọi quá tải cho HKDD…Với phương án này nhà nước chỉ
cần bỏ ra chừng 2-3 tỷ USD (thay vì hàng chục tỷ đô chỉ cho riêng Long
Thành) là thừa mở mang TSN, trang bị hạ tầng cho Biên Hòa. Dăm bảy chục
năm nữa nếu TSN quá tải (rất khó xảy ra vì tốc độ tăng trưởng khách,
hàng của TSN đang chậm lại, hơn nữa, từ 2015 tự do hóa hàng không ASEAN
các hãng hàng không nước ngoài sẽ được bay thẳng đến hàng chục sân bay
quốc tế khác ở Việt Nam thì TSN, Nội Bài, Đà Nẵng sẽ càng giảm mức tăng
trưởng…), kinh tế nước nhà khấm khá hơn mới chuyển về Long Thành. Khi ấy
1.150 ha đất vàng kia để TPHCM sẽ làm công viên, quảng trường, sân bay
thể thao, cấp cứu HK… Không có lý gì một TP lớn như HCM lại không có
những công trình “phổ quát” ấy.
Tuy nhiên, tình hình chắc không thể đảo ngược vì nếu
xây Long Thành thì sẽ “nhất cử, lưỡng tiện” cho các đại gia: Người ta
vừa có sân golf 157 ha đất “vàng” ngay trong thành phố, “người ta” khác
lại được “giải ngân” hàng chục tỷ đô dự án Long Thành, còn nếu ngược lại
thì… gần như không có gì! Cách đây cỡ dăm năm ở ngành hàng không Việt
Nam đàm tiếu sôi nổi về cuộc “chạy đua vũ trang” quyết liệt giành giật
dự án Long Thành của các đại gia. Muốn nhà nước triển khai các dự án
thật lớn, thật nhiều tiền để mình làm chủ đầu tư là đặc điểm của họ.
Thời gian qua các sân bay Phú Quốc, Cần Thơ, Chu Lai… được đầu tư những
khoản tiền khổng lồ để phát triển “mạng sân bay quốc tế” nhưng đã nhiều
năm qua ngoài Cam Ranh các “sân bay quốc tế” kia chỉ èo uột ít chuyến
bay nội địa…
Càng khó nữa, khi dự án sân golf ở TSN, Gia Lâm vượt
qua cả quyết định 1946/ 2009 của Thủ tướng: “các dự án sân golf không
được sử dụng đất lúa, đất màu và đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp;
các khu đô thị, đất rừng… địa điểm quy hoạch sân golf chủ yếu ở vùng
trung du, miền núi…”… thì mọi ý kiến cản trở Long Thành vào được tai ai?
Có một câu chuyện như đùa: Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc
phòng khi nào nhà nước lấy lại đất (sân golf) thì không được yêu cầu bồi
thường…. Ai có thể tin hàng bao nhiêu năm nữa khi cháu chắt nhà đầu tư,
lãnh đạo TP HCM, bộ, ngành, chính phủ… nắm quyền thì vẫn còn nhớ và
trung thành với lời hứa của cụ, kỵ mình?… Hơn nữa, dân Việt Nam đâu cần
số tiền “không phải bồi thường” của các đại gia khi cả cửa ngõ hàng
không lớn nhất của quốc gia phải lận đận?
Cũng theo “quy luật” này, sân bay Gia Lâm (SBGL) ở Hà
Nội cũng gần như chung số phận như TSN. Do “cái tội” chỉ cách hồ Hoàn
Kiếm 10 phút xe, “tấc đất tấc vàng” nên những năm gần đây SBGL bị thu
hẹp “không thương tiếc”. Hàng trăm ha đất phía nam sân bay biến thành
nhà xưởng của doanh nghiệp, chia làm nhà ở, bán chác đẩy hàng loạt nhà
công vụ đến sát phía nam khu bay. Ở phía bắc một sân golf nhỏ ép đến lề
bảo hiểm đường băng, phía nam sân bay là sân golf 117 ha cũng của doanh
nghiệp “vì nhân dân quên mình” tiến sát khu bay. Ngoài 75 ha đất quốc
phòng, người dân phường Phúc Đồng, Gia Thụy (Q Long Biên) còn phải “hy
sinh” 40 ha đất lúa hai vụ màu mỡ cho sân golf này. Do bị lấp hết hồ
điều hòa, hệ thống thoát nước bị xâm phạm nên trong khi sân golf hoành
tránh hình thành thì hạ tầng sân bay xuống cấp thảm hại. Đường băng,
đường lăn thấm nước sụt, lún tứ tung. Chỉ một cơn mưa đường băng biến
thành hồ…
Năm 2010, 2011 ngành hàng không Việt Nam đã thương
thảo với bên quân sự để chuyển các chuyến bay nội địa ngắn ở Nội Bài về
Gia Lâm thuận tiện cho hành khách giải tỏa sự quá tải cho Nội Bài nhưng
cũng không thành. Một cán bộ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đứng trên
tầng cao trụ sở nhìn xuống sân golf sân bay Gia Lâm mênh mông tiến sát
đường băng thở dài:
- Nước quân đội mạnh hơn nước Việt Nam rồi…
Sân bay Gia Lâm được chính phủ quy hoạch trong mạng
sân bay quốc gia đáng lẽ ngày càng phát triển nhưng cũng như với TSN,
Bạch Mai, Cát Bi… thì ngược lại do giá trị đất của nó. Tất cả mang một
nỗi đau giống như con tê giác chết vì cái sừng!
Nguồn FB Nguyễn Đình Ấm
Bùn đỏ rất tốt cho cây trồng!
Chuyện khôn, dại của nông dân qua sự kiện ông Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan 10 năm và sự kiện vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Bình Thuận.
Nông dân ta luôn được tiếng chất phác thật thà. Nhưng cũng có người
dại, tức là không được khôn ngoan cho lắm. Xin dẫn chứng một vài việc:
Ngày 18.11 hồ chứa bùn đỏ là chất thải do khai thác titan ở Bình
Thuận bị vỡ tràn ngập cả một vùng rộng lớn. Du khách tắm biển chạy loạn
xạ như gặp sóng thần. Hai phụ nữ bị cuốn đi suýt chết. Xe khách “nín
thở” qua suối bùn, chỉ sợ bị trôi. Một vùng bờ biển xã Thuận Quý bị biến
dạng, cát trên bờ, nước dưới biển đỏ ngầu chết chóc. Cây cối trong vùng
ảnh hưởng bị bùn vây kín gốc rễ…
Nông dân trong vùng không biết mô tê, thấy bùn đỏ gây ra những chuyện
tai hại như thế liền gọi điện, phản ứng, kêu toáng lên cầu cứu. Tưởng
thế là khôn, nhưng sau mới biết là dại.
Bởi vì, ngay sau đó ông Tô Tài
Tích – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình
Thuận đã giải thích rõ ràng rằng: “Do trong hồ có bùn đỏ, khi vỡ thì
nước cuốn cát bùn trong khai thác chảy ra ngoài, có gì lạ!”. Và vị lãnh
đạo nhiều trí tuệ ấy đưa ra một tin “mật”: “Bùn này rất tốt cho cây
trồng” (theo báo Đất Việt 19.11).
Thì ra, “bùn này rất tốt cho cây trồng”, chắc là lâu nay công ty tích
trữ để tính bán ra lấy tiền hay sản xuất phân bón xuất khẩu, giấu nhẹm
sợ người ta đến múc trộm. Nay không may vỡ ra, đành chịu thiệt bón cho
đồng ruộng, rừng cây, miễn phí. Vậy mà nông dân không biết tận dụng, như
gánh về nhà tích trữ dùng dần rồi cảm ơn công ty, lại còn kêu ca ầm ĩ,
thế không phải dại thì là gì?
Dại như anh Nguyễn Thanh Chấn, người vừa được thả sau 10 năm lao lý
oan gia khai rằng do anh bị ép cung, bức cung, bị bắt tập giết người
trước khi thực nghiệm hiện trường, đóng giả tội phạm cho đến khi thành
thục nên mới ra người có tội.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang bèn tra cứu, hỏi những người có liên quan,
nay đều là quan chức cả, yêu cầu họ trình bày thực hư lời tố của anh
Chấn đúng sai ra sao. Tất cả có tới 6 người. Tất tật họ đều đồng thanh:
“Làm gì có chuyện đó. Xem lại kỹ rồi, trong vụ này chẳng có vấn đề gì!”.
Nghĩa là không hề có chuyện ép cung, bức cung, tất nhiên nhục hình càng
không!
Chúng khẩu đồng từ, cả 6 vị quyền cao chức trọng nói như thế thì ai
hồ nghi mấy cũng phải tin! Không tin họ thì tin ai, mất “niềm tin” sao?
Vậy thì, lòi ra cái ông Chấn dại. Không ai bức cung, ép cung, người
ta ngọt ngào để ông tự giác khai báo đàng hoàng, vô tội thì cứ nói mình
vô tội có sao đâu! Vậy mà ông lại nhẹ dạ cả tin, tự nguyện nhận tội giết
người tầy đình, tưởng thế là hay. May có bố là liệt sĩ, nếu không đã
phải “dựa cột” từ lâu. Sao dại thế ông Chấn ơi? Họ không bức cung ông mà
ông tự gánh tội vào thân, bây giờ gỡ sao đây? Có ai dại như ông không
chứ?
Khôn dại là chuyện khó lường. Mong rằng nông dân nơi có bùn đỏ chảy
tràn hãy chớ vội tin vào vị tổng giám đốc trí tuệ mà nên hỏi các nhà
khoa học xem cái thứ bùn ấy nó tốt xấu thế nào rồi hẵng hay, để khỏi mắc
dại lần nữa.
Còn ông Chấn, ông đang được cả nước chú ý, làm nóng cả nghị trường,
quyết làm rõ thực hư chứ đâu có nhẹ dạ mà giao cho Bắc Giang. Cả nghi
phạm giết người trước khi đầu thú cũng đặt điều kiện đừng giao nó cho
tỉnh này kia mà. Xin ông yên tâm và đừng có “dại” nữa. Có gì nói nấy, có
gì khai nấy, thủ phạm đã đầu thú rồi, lật ngược thế cờ đâu có dễ, nhiều
phần chắc là ông gỡ được án oan.
Mong ông bảo trọng.
THEO DÂN VIỆT
Chứng minh sự thật 30% công chức ngồi chơi
Trước thông tin Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra vào đầu
năm 2013 về tình trạng 30% công chức ngồi chơi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Nguyễn Thái Bình nói rằng đó chỉ là “dư luận”. Vậy thực tế, có bao nhiêu
% công chức không làm được việc mà vẫn hưởng tiền thuế của dân?
Nói 30% công chức ngồi chơi là có căn cứ
Theo ĐBQH Lê Nam – Trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa: con số 30% cách đây
khoảng hai năm, được các nhà khoa học đưa ra tại một hội thảo của Học
viện Chính trị – hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, đây là con số công bố
dựa trên kết quả điều tra, khảo sát.
Ông Nam cho biết thêm, con số 30% công chức ngồi chơi được dư luận
quan tâm bởi chính Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến đầu tiên.
“Có thể không phải là 30% mà là 25% hay 28%, nhưng có một điều ai
cũng phải thừa nhận là có một số lượng rất lớn cán bộ, công chức không
làm được việc, chắc chắn không phải là 1%”, ông Nam khẳng định.
Còn PGS.TS Võ Kim Sơn – Học viện Chính trị Quốc gia cho rằng con số
1% công chức không làm việc chỉ là “đáp số giả” vì chỉ dựa vào báo cáo
chung chung của cả cơ quan chứ không phải riêng cá nhân mỗi công chức.
PGS.TS Võ Kim Sơn nói rằng, nghiên cứu về hiệu quả sử dung công chức
của Bộ Nội vụ 2 năm về trước sẽ không bao giờ tìm ra con số trung thực
vì chưa ó phương pháp nghiên cứu tối ưu nào để cho ra kết quả chính xác
bao nhiêu phần trăm công chức không làm được việc.
Nếu điều tra theo cách này thì có thể 30-50% công chức không làm được
việc, nhưng theo cách khác tỉ lệ lại tụt xuống không tưởng.
Trong khi đó, ông Châu Minh Tỷ – nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho rằng: Có thể giảm ngay 20% số lượng công chức hiện nay.
Ông Tỷ chỉ ra rằng, nhiều thủ trưởng nói có khoảng 30% cán bộ, công
chức không đáp ứng được nhu cầu công việc. Những người này, thủ trưởng
có phân công việc nhưng chỉ là những việc đơn giản, tránh để họ ngồi
không.
Nhược điểm lớn nhất của cán bộ, công chức của ta hiện nay là chưa làm
việc hết lòng. Những người làm việc tốt chưa được đánh giá đúng, chưa
được hưởng thù lao tương xứng. Nhiều khi người làm việc tích cực, hết
mình còn bị cô lập trong tập thể. Tại không ít cơ quan chỉ có khoảng 30%
công chức làm việc tích cực, 40% làm việc trung bình và 30% làm việc
yếu.
Gánh nặng mang tên “bộ máy hành chính”
Theo thống kê, bình quân 12 năm (2001 – 2012) chi cho hoạt động của bộ máy hành chính là 55,37% tổng chi ngân sách nhà nước.
Đó là lý do, hầu hết các hiến kế chống thâm hụt ngân sách cho năm
2014 đều nhấn mạnh việc phải tinh gọn bộ máy hành chính, cắt giảm biên
chế. Nhưng muốn làm được việc này, phải biết chính xác chỗ nào cồng
kềnh, chỗ nào dư thừa, người nào làm việc thiếu hiệu quả để cắt giảm.
Nếu là 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” thì sẽ có khoảng
700.000 người buộc phải cho thôi việc, tiết kiệm 17.000 tỉ đồng như đại
biểu Chu Sơn Hà tính toán tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn
Thái Bình ngày 20/11.
Còn nếu chỉ 1% thì con số cần cho thôi việc tương ứng là 2.400 người,
số tiền tiết kiệm cũng sẽ ít hơn. Nhưng sự thật, tới lúc này chúng ta
vẫn không biết chính xác bộ máy công chức đang “phình” ở chỗ nào thì rất
khó để thực hiện việc tinh giản như mục tiêu của QH.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói rằng “giờ nói con số là bao nhiêu thì
không có cơ sở”. Đồng thời, ông Bình phủ nhận độ chính xác về con số 1%
công chức không làm được việc do chính mình công bố vào tháng 9/2013.
Và câu trả lời cuối cùng theo Bộ trưởng là “đến thời điểm nhất định,
có thể tạo được tiếng nói chung về tỷ lệ này”. Với cách làm việc này, có
thể hiểu tại sao, sau 5 năm thực hiện tinh giản biên chế, cán bộ công
chức đã tăng trên 20%.
Có bộ có tới… 9, thậm chí 11 thứ trưởng; hàng chục cục phó; Các cấp –
ngành “vẽ” ra quá nhiều ghế khiến ngân sách phải “giật gấu vá vai”… Đó
là những điều mà các đại biểu QH nêu cụ thể ngay lại kỳ họp này và đó
cũng chính là thực trạng nhức nhối của bộ máy công chức cồng kềnh, tạo
gánh nặng cho ngân sách hiện nay.
Vậy thì việc xác định tỷ lệ công chức ngồi chơi hưởng lương là 1%,
30% hay bao nhiêu phần trăm liệu có quá khó khăn đối với Bộ Nội vụ?
Theo Báo Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét