Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

“Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm là chủ yếu” & Lan man về chuyện lãng phí…

Về sự ra đời của Bản tuyên ngôn phổ quát về quyền làm người (10-12-1948)

Nguyễn Ngọc Lanh

Hoàn cảnh đòi hỏi

Đại chiến II sắp kết thúc, phe Trục sắp đầu hàng, do vậy các nước chủ chốt thuộc phe Đồng Minh là Anh, Mỹ, Nga đã dự kiến xây dựng một nền hòa bình lâu dài cho nhân loại. Muốn vậy, mọi người phải sống trong một thế giới có tổ chức. Đó là cơ sở để năm 1945 Liên Hiệp Quốc được thành lập và Hiến Chương của nó ra đời.
Để vĩnh viễn loại trừ thảm họa chiến tranh, điều tiên quyết là phải tôn trọng phẩm giá từng con người, đồng nghĩa với phải bảo vệ và mở rộng QUYỀN LÀM NGƯỜI (human rights) của mỗi cá nhân.
Rốt cuộc phải có một Bản Tuyên Ngôn phổ quát về QUYỀN LÀM NGƯỜI.
Dưới đây xin gọi tắt là Bản Tuyên Ngôn
- Chúng ta thường dịch Human Rights là “nhân quyền” hoặc “quyền con người”. Chẳng qua chỉ là chuyện chọn từ ngữ. Tôi mạn phép dùng “quyền làm người” do tình hình thực thi các quyền này trên thực tế.
- Từ ngữ cũng quan trọng, nhưng quan trọng nhất là quan niệm: Đây là các quyền bẩm sinh của mỗi con người (đó là quyền tự do, khiến một con người khác một con vật), chứ không phải quyền của toàn khối dân tộc này không chịu phụ thuộc vào dân tộc khác (tức quyền độc lập).
- Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ 1946 đã phân biệt rất rõ điều này, với câu nói đến nay nhắc lại, vẫn thấy tính thời sự: Nước độc lập mà dân chưa tự do thì độc lập cũng không có ý nghĩa.
Ngay thời đó, các quốc gia trong Liên Hợp Quốc đã thống nhất quan điểm: Bản Tuyên Ngôn về QUYỀN LÀM NGƯỜI khi được công bố phải chiếm một vị trí cao cả, phải có giá trị vĩnh hằng và phổ quát; nội dung phải tương xứng với thiên chức của nó: Là minh triết của nhân loại.
Do những đòi hỏi trên, Liên Hợp Quốc ở buổi sơ khai đã tốn gần 4 năm bàn bạc, xây dựng, để có thể công bố văn kiện lịch sử này vào khuya ngày 10-12-1948. Và đến nay nó đã được chính thức dịch ra 360 ngôn ngữ để bất cứ dân tộc nào, dù hết sức thiểu số, cũng có thể tiếp cận - trừ khi bị cố ý che dấu.
Quan niệm, triết lý và tính phổ quát
Tập thể 50 luật gia hàng đầu thế giới sẽ mãi mãi tự hào vì đã đóng góp trí tuệ uyên thâm để soạn thảo ra văn bản ban đầu. Để nó thật sự mang tính phổ quát (universal), các quyền trong Bản Tuyên Ngôn phải được mỗi cá nhân trong số 2 tỷ người (hồi đó) thừa nhận rằng: 1) Đây là các quyền tối thiểu để một con người xứng đáng là một NGƯỜI; 2) Đây là quyền bẩm sinh: Nếu đã sinh ra là kiếp người, đương nhiên phải có các quyền này; 3) Chúng đều khả thi ở mọi nước dân chủ; 4) Một chính quyền tự nhận là dân chủ có nghĩa vụ thực thi các quyền này như con cái tỏ lòng biết ơn với các đấng sinh thành ra mình.
Với đòi hỏi như trên, tập thể luật gia phải tham khảo đầy đủ các triết lý, cả phương Đông lẫn phương Tây, vì dự kiến sẽ có những thế lực nại ra sự khác biệt để không (hoặc hạn chế) thực thi Bản Tuyên Ngôn. Thật may mắn và đáng kinh ngạc, có hai câu châm ngôn của hai phương trời, vừa tỏ ra trường tồn nhất, phổ quát nhất, lại vừa có nội hàm và ý nghĩa trùng khớp đến tuyệt đối. Chúng xứng đáng được coi là kim chỉ nam trong cả quá trình soạn thảo.
- Phương Đông có câu "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân" của đạo Khổng. Nghĩa: Điều gì mình không muốn thì chớ thi hành cho người khác.
- Phương Tây từ cổ xưa có câu rất phổ cập "Ne fais pas à un autre ce que tu ne veux pas qu’il soit te fait". Nghĩa: Anh chớ làm cho người khác cái điều mà anh không muốn người đó làm cho mình.
Đây chính là nền tảng triết lý của Bản Tuyên Ngôn phổ quát Đông-Tây.
Nay, sau 60 năm, đọc lại Bản Tuyên Ngôn, chúng ta phải thừa nhận tập thể soạn thảo đã hết sức trung thành với triết lý rất nhân bản này. Quả thật, đó là triết lý ứng xử không bao giờ cũ giữa người với người, kể từ khi con người biết chung sống trong xã hội. Có lẽ, chúng ta sẽ ứng xử như vậy với “người” của hành tinh khác.
Quá trình soạn thảo và thông qua
Văn bản ban đầu đã rất nhiều lần được trao đổi tại LHQ để sửa chữa, bổ sung toàn diện, trong suốt mấy năm trời. Cuối cùng, tới giữa năm 1946, nó được giao cho một Ủy ban đặc biệt gồm 9 vị, do LHQ cử ra, xem xét tiếp. Đây là các thành viên thuộc nhiều quốc tịch (Mỹ, Âu, Á, Trung đông...) với nhiều dị biệt về văn hóa. Dẫu vậy, còn có cả sự đóng góp của nhiều tổ chức phi chính phủ, rồi của những nhân vật xuất chúng, như: giáo sư luật khoa René Cassin (Pháp), tiến sĩ Giáo Dục học - rất am hiểu về Khổng học - P.C. Chang (Trung Quốc), bà quả phụ E. Roosevelt (phu nhân cố Tổng thống FD Roosevelt), giáo sư Triết học Charles H. Malik (Liban) v.v...
clip_image001
Bà E. Roosevelt và bản Tuyên ngôn Nhân quyền
Tóm lại, sau khi dung hòa và tổng hợp, văn bản được coi là đã mang tính phổ quát, có thể công bổ phổ quát. Nó đáp ứng được câu hỏi: Nếu bỏ đi một quyền, thì liệu một con người có còn là “con người trọn nghĩa” hay không (?).
Khi văn bản được Ủy ban soạn thảo trình ra trước Liên Hiệp Quốc, vẫn còn có nhiều cuộc họp với sự thảo luận sôi nổi, để các quốc gia đối chiếu rộng rãi với nhiều quan điểm triết học, chính tri, văn hóa giữa các dân tộc, giữa phương Đông và phương Tây. Buổi họp cuối cùng kéo dài tới gần nửa đêm 10-12-1948, để Đại Hội Đồng bỏ phiếu. Đó là phiên họp toàn thể lần thứ 183 tại cung điện Chaillot ở thủ đô nước Pháp. Chỉ có 2 quốc gia vắng mặt nên không bỏ phiếu; còn lại 48 quốc gia, thì không có một phiếu chống nào, mà chỉ có 8 phiếu trắng. Tóm lại, Bản Tuyên Ngôn về Quyền Làm Người được thông qua với 100% phiếu “thuận”.
Sự kiện này đánh dấu thời đại dân chủ toàn cầu của nhân loại. Vấn đề toàn cầu nổi lên là mỗi nước khi đã có độc lập, sẽ thực thi Quyền Làm Người cho mỗi người dân nước mình như thế nào.
Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền con người
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã khẳng định những giá trị vượt thời đại của Tuyên ngôn nhân quyền thế giới, ra đời ngày 10/12/1948. Đó là 30 Điều, Khoản của Tuyên ngôn đã xác lập một cách toàn diện những giá trị quyền con người phổ biến, trong đó có quyền bình đẳng và không bị phân biệt đối xử vì bất cứ lý do gì.
Ông cho biết, việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người luôn được Nhà nước Việt Nam xác định là trọng tâm của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Điều này được thể hiện trong các bản Hiến pháp từ năm 1946 đến năm 1992 cũng như hàng loạt văn bản chính sách pháp luật khác.
Tính ràng buộc: Không quá chặt chẽ, nhưng…
Thế giới sau 1945: chế độ phong kiến đã lùi sâu vào quá khứ; nền dân chủ đã được xác lập ở hầu hết các nước, dù nước này có thể khoe dân chủ của mình gấp triệu lần nước khác - nhưng đều là dân chủ.
Tuy vậy, không phải hễ một Nhà Nước dân chủ gia nhập Liên Hợp Quốc thì nó buộc phải ký ngay cam kết thực hiện Bản Tuyên Ngôn này. Gia nhập là một bước, nhưng có thể không đồng thời với bước thừa nhận và cam kết thực thi nhân quyền. Tuy nhiên, nếu không ký sẽ ngày càng khó lý giải với dân nước mình. Nếu còn liêm sỉ, hẳn ít nhiều phải ngượng khi kể lể công ơn với dân – là người sinh ra và nuôi mình.
Và khi đã ký, cũng không nhất thiết phải thực hiện đầy đủ ngay mọi điều khoản của nó, trừ điều khoản cuối cùng (thứ 30). Thời nay, đây là điều dự phòng không thừa.
Dù chưa thể thực hiện trên thực tế, nhưng một khi đã ký, Nhà Nước vẫn phải thể hiện sự thành tâm, thật thà và tôn trọng chữ ký: Công bố rộng rãi cho quốc dân biết rõ việc ký kết, công bố rộng rãi nội dung Bản Tuyên Ngôn, giúp cho thế hệ trẻ học tập đầy đủ… Tiếp đó, các luật của đất nước không được trái với tinh thần và nội dung ghi trong Bản Tuyên Ngôn. Cuối cùng, vấn đề là tình trạng thực hiện Quyền Con Người phải được cải thiện sau từng thời gian, theo một lộ trình cụ thể, được công bố công khai như tờ giấy nợ, có hẹn những thời điểm trả nợ.
Không phải vô cớ mà người ta đánh giá một nghị viện là “bù nhìn” nhiều hay ít căn cứ vào thái độ đòi giới cai trị thực thi nhân quyền, trước hết là quyền ghi trong hiến pháp.
Dẫu sao, Bản Tuyên Ngôn đã phát huy ảnh hưởng. Chỉ sau 1-2 thập niên kể từ khi nó ra đời, hầu hết các nước thuộc địa đã được trao trả độc lập trong hoà bình, muộn nhất là từ 50 năm trước. Nhiều nước quanh ta đã độc lập sớm hơn ta.
Hôm nay, hầu như rất hiếm còn Nhà Nước nào vô duyên tới mức vin vào thành tích giành độc lập (từ nửa thế kỷ trước) để che dấu khiếm khuyết về thực thi nhân quyền ở thế kỷ XXI này.
Đến nay, không một hiến pháp nước nào dám lờ các quyền tự do. Tuy vậy, chuyện thực thi lại dựa vào những văn bản “có thể trí trá” dưới luật. Kinh nghiệm đã có đủ, nhưng chẳng cần kinh nghiệm cũng suy được rằng chính quyền của dân rất ham thực hiện nhân quyền, vì sự thực hiện này giúp chính quyền thêm bền vững. Và ngược lại, nếu thực hiện nhân quyền khiến nó mất địa vị cai trị.
Sẽ càng chặt chẽ
Do sự tiến triển của trào lưu dân chủ đòi hỏi phải thế.
Hiện nay, lần lượt cứ 4 năm một lần, mỗi nước phải báo cáo tình hình nhân quyền nước mình và văn bản phải được các nước góp ý, sau đó tình hình phải được “chốt lại” - gọi là “thông qua” - coi là thực trạng nhân quyền hiện tại của nước đó. Để 4 năm sau coi thử nó tiến triển ra sao.
Việt Nam đã báo cáo về nhân quyền tại Liên hợp quốc. Báo cáo của nước ta đã được một nhóm chuyên viên của cơ quan Nhân Quyền LHQ thông qua vào tháng 5-2009. Hy vọng sẽ có tiến bộ lớn khi nước ta lại đến lượt báo cáo vào năm 2013.
Nhà Nước ta ký vào Bản Tuyên Ngôn là chuyện đương nhiên
Ngày 30-4-1975: Giang sơn Việt Nam quy về một mối.
Ngày 25-4-1976: Nhân dân cả nước đã bầu ra Quốc Hội.
Ngày 02-7-1976: Quốc Hội đổi tên nước thành Cộng hoà XHCN Việt Nam.
Ngày 18-12-1980: Quốc Hội thông qua Hiến pháp XHCN đầu tiên. Điều 2 Hiến pháp 1980 của nước ta ghi rõ: Sứ mệnh lịch sử của Nhà nước đó là thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động…
Như vậy, hoàn toàn không muộn, năm 1982 Nhà nước XHCN Việt Nam đã long trọng ký vào Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát về Nhân Quyền (The Universal Declaration of Human Rights) - là văn bản quan trọng bậc nhất của của Liên Hợp Quốc kể từ khi nó được thành lập (1945) đến nay.
Trước thế giới, và trước nhân dân ta, đây là sự cam kết danh dự và nghiêm trang của Nhà Nước Việt Nam về thực hiện một văn bản quốc tế xác định các quyền để một con người xứng đáng là CON NGƯỜI; hơn nữa, đó là con người XHCN.
Thật ra, 18 năm trước khi có Tuyên Ngôn Nhân Quyền, Đảng Cộng Sản Việt Nam ngay khi mới thành lập (1930) đã công bố theo đuổi mục tiêu độc lập cho toàn dân tộc và Dân Quyền toàn diện cho mỗi người dân. Điều này cắt nghĩa vì sao dân Việt Nam nô nức hưởng ứng mọi lời kêu gọi của đảng, đặt trọn niềm tin vào đảng.
Việc ký cam kết thực hiện Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Nhà Nước XHCN Việt Nam là việc đương nhiên, tất yếu. Nhà Nước XHCN của ta đương nhiên phải khác Nhà Nước TBCN. Cũng như con người đương nhiên, tất yếu phải khác con vật.
N.N.L.
Nguồn: chungta.com
Phụ lục

TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN (1948)

LỜI MỞ ĐẦU
Xét rằng việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hoà bình thế giới,
Xét rằng việc coi thường và khinh miệt nhân quyền đã đưa tới những hành động dã man làm phẫn nộ lương tâm nhân loại, và việc đạt tới một thế giới trong đó mọi người được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, được giải thoát khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, được tuyên xưng là nguyện vọng cao cả nhất của con người,
Xét rằng điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng, phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền,
Xét rằng điều cốt yếu là phải phát triển những tương quan hữu nghị giữa các quốc gia,
Xét rằng, trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, các dân tộc đã tái xác nhận niềm tin vào những nhân quyền căn bản, vào phẩm cách và giá trị của con người, vào quyền bình đẳng nam nữ, cùng quyết tâm thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao mức sống trong một môi trường tự do hơn,
Xét rằng các quốc gia hội viên đã cam kết hợp tác với Liên Hiệp Quốc để phát huy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do căn bản,
Xét rằng một quan niệm chung về tự do và nhân quyền là điều tối quan trọng để thực hiện trọn vẹn cam kết ấy.
Vì vậy,
ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN HIỆP QUỐC
Công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn nhớ tới bản tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục, và bằng những biện pháp lũy tiến trên bình diện quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do này cho các dân tộc thuộc các quốc gia hội viên hay thuộc các lãnh thổ bị giám hộ.
Điều 1: Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái.
Điều 2: Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.
Ngoài ra không được phân biệt về quy chế chính trị, pháp lý hay quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ mà người đó trực thuộc, dù là nước độc lập, bị giám hộ, mất chủ quyền hay bị hạn chế chủ quyền.
Điều 3: Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể.
Điều 4: Không ai có thể bị bắt làm nô lệ hay nô dịch; chế độ nô lệ và sự mua bán nô lệ dưới mọi hình thức đều bị cấm chỉ.
Điều 5: Không ai có thể bị tra tấn hay bị những hình phạt hoặc những đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp nhân phẩm.
Điều 6: Ai cũng có quyền được công nhận là con người trước pháp luật bất cứ tại đâu.
Điều 7: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị. Mọi người đều được bảo vệ chống lại mọi kỳ thị hay xúi giục kỳ thị trái với Tuyên Ngôn này.
Điều 8: Ai cũng có quyền yêu cầu tòa án quốc gia có thẩm quyền can thiệp chống lại những hành động vi phạm những quyền căn bản được hiến pháp và luật pháp thừa nhận.
Điều 9: Không ai có thể bị bắt giữ, giam cầm hay lưu đầy một cách độc đoán.
Điều 10: Ai cũng có quyền, trên căn bản hoàn toàn bình đẳng, được một tòa án độc lập và vô tư xét xử một cách công khai và công bằng để phán xử về những quyền lợi và nghĩa vụ của mình, hay về những tội trạng hình sự mà mình bị cáo buộc.
Điều 11:
1) Bị cáo về một tội hình sự được suy đoán là vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp trong một phiên xử công khai với đầy đủ bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ.
2) Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế hiện hành; mà cũng không bị tuyên phạt một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian phạm pháp.
Điều 12: Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy.
Điều 13:
1) Ai cũng có quyền tự do đi lại và cư trú trong quản hạt quốc gia.
2) Ai cũng có quyền rời khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả quốc gia của mình, và có quyền hồi hương.
Điều 14:
1) Khi bị đàn áp, ai cũng có quyền tìm nơi tị nạn và được hưởng quyền tị nạn tại các quốc gia khác.
2) Quyền này không được viện dẫn trong trường hợp sự truy tố thực sự chỉ căn cứ vào những tội trạng không có tính cách chính trị hay vào những hành động trái với mục đích và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.
Điều 15:
1) Ai cũng có quyền có quốc tịch.
2) Không ai có thể bị tước quốc tịch hay tước quyền thay đổi quốc tịch một cách độc đoán.
Điều 16:
1) Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia đình mà không bị ngăn cấm vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú cũng như khi ly hôn.
2) Hôn thú chỉ có giá trị nếu có sự thuận tình hoàn toàn tự do của những người kết hôn.
3) Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và phải được xã hội và quốc gia bảo vệ.
Điều 17:
1) Ai cũng có quyền sở hữu, hoặc riêng tư hoặc hùn hạp với người khác.
2) Không ai có thể bị tước đoạt tài sản một cách độc đoán.
Điều 18: Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.
Điều 19: Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.
Điều 20:
1) Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hòa bình.
2) Không ai bị bắt buộc phải gia nhập một hội đoàn.
Điều 21:
1) Ai cũng có quyền tham gia chính quyền của quốc gia mình, hoặc trực tiếp hoặc qua các đại biểu do mình tự do lựa chọn.
2) Ai cũng có quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước.
3) Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia; ý nguyện này phải được biểu lộ qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực, theo phương thức phổ thông đầu phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự do tương tự.
Điều 22: Với tư cách là một thành viên của xã hội, ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội, cũng như có quyền đòi được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cần thiết cho nhân phẩm và sự tự do phát huy cá tính của mình, nhờ những nỗ lực quốc gia, sự hợp tác quốc tế, và theo cách tổ chức cùng tài nguyên của quốc gia.
Điều 23:
1) Ai cũng có quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống thất nghiệp.
2) Cùng làm việc ngang nhau, mọi người được trả lương ngang nhau, không phân biệt đối xử.
3) Người làm việc được trả lương tương xứng và công bằng, đủ để bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống xứng đáng với nhân phẩm, và nếu cần, sẽ được bổ sung bằng những biện pháp bảo trợ xã hội khác.
4) Ai cũng có quyền thành lập nghiệp đoàn hay gia nhập nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.
Điều 24: Ai cũng có quyền nghỉ ngơi và giải trí, được hưởng sự hạn định hợp lý số giờ làm việc và những ngày nghỉ định kỳ có trả lương.
Điều 25:
1) Ai cũng có quyền được hưởng một mức sống khả quan về phương diện sức khỏe và an lạc cho bản thân và gia đình kể cả thức ăn, quần áo, nhà ở, y tế và những dịch vụ cần thiết; ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tật nguyền, góa bụa, già yếu, hay thiếu phương kế sinh nhai do những hoàn cảnh ngoài ý muốn.
2) Sản phụ và trẻ em được đặc biệt săn sóc và giúp đỡ. Tất cả các con, dầu là chính thức hay ngoại hôn, đều được hưởng bảo trợ xã hội như nhau.
Điều 26:
1) Ai cũng có quyền được hưởng giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí ít nhất ở cấp sơ đẳng và căn bản. Giáo dục sơ đẳng có tính cách cưỡng bách. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải được phổ cập. Giáo dục cao đẳng phải được phổ cập cho mọi sinh viên trên căn bản bình đẳng, lấy thành tích làm tiêu chuẩn.
2) Giáo dục phải nhằm phát huy đầy đủ nhân cách, tăng cường sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản; phải đề cao sự thông cảm, bao dung và hữu nghị giữa các quốc gia, các cộng đồng sắc tộc hay tôn giáo, đồng thời yểm trợ những hoạt động của Liên Hiệp Quốc trong việc duy trì hòa bình.
3) Cha mẹ có quyền ưu tiên lựa chọn giáo dục cho các con.
Điều 27:
1) Ai cũng có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, thưởng ngoạn nghệ thuật, được hưởng các tiến bộ khoa học và lợi ích của những tiến bộ ấy.
2) Ai cũng được bảo vệ bởi những quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ những sản phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật của mình.
Điều 28: Ai cũng có quyền được hưởng một trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này có thể được thực hiện đầy đủ.
Điều 29:
1) Ai cũng có nghĩa vụ đối với cộng đồng trong đó nhân cách của mình có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ.
2) Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn.
3) Trong mọi trường hợp, những quyền tự do này không thể hành xử trái với những mục tiêu và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.
Điều 30: Không một điều khoản nào trong Tuyên Ngôn này có thể giải thích để cho phép một quốc gia, một đoàn thể, hay một cá nhân nào được quyền hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu hủy những quyền tự do liệt kê trong Tuyên Ngôn này.
PHỤ ĐÍNH 1:
CÁC ĐIỀU KHOẢN NHÂN QUYỀN TRONG HIẾN CHƯƠNG LIÊN HIỆP QUỐC (1945)
Điều 1: Những mục tiêu của Liên Hiệp Quốc là:
1. Duy trì hòa bình và an ninh thế giới.
2. Phát triển tương quan hữu nghị giữa các quốc gia đặt căn bản trên sự tôn trọng nguyên tắc bình đẳng quyền lợi và quyền dân tộc tự quyết, cùng thi hành mọi biện pháp thích nghi để củng cố hòa bình thế giới.
3. Đạt tới sự hợp tác quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, hay nhân đạo, và phát huy, khuyến khích sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hay tôn giáo.
Điều 55: Nhằm mục đích đạt được những điều kiện về ổn định và phúc lợi cần thiết cho việc thiết lập những tương quan hòa bình và hữu nghị giữa các quốc gia đặt căn bản trên sự bình đẳng quyền lợi và quyền dân tộc tự quyết, Liên Hiệp Quốc đề xướng thực thi:
a. Một mức sống cao hơn, sự toàn dụng nhân công và tạo những điều kiện tiến bộ và phát triển về kinh tế xã hội.
b. Tìm kiếm những giải pháp cho những vấn đề kinh tế xã hội và văn hóa, thực thi sự hợp tác quốc tế về văn hóa và giáo dục, và.
c. Tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do căn bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hay tôn giáo.
Điều 56: Các Quốc Gia Hội Viên cam kết, bằng những hành động riêng rẽ hay phối hợp, sẽ cộng tác với Liên Hiệp Quốc trong việc thực hiện những mục tiêu ghi trong điều 55 nói trên.

Cộng đồng quốc tế muốn VN đối diện với áp lực nhân quyền khi ngồi vào ghế UNHRC


VRNs (14.11.2013) – Sài Gòn – Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ (UNHRC) khu vực Á Châu, cho nhiệm kỳ 2014 – 2016, vào ngày 12.11.2013. Việt Nam có số phiếu tín nhiệm cao nhất trong số các nước được bầu kỳ này.
Trả lời với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng: “Điều này cho thấy sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong công cuộc Đổi mới toàn diện, trong đó có việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân.”
Lsư Nguyễn Văn Đài nhận xét: “NHÂN QUYỀN HAY TRÒ CHƠI CHÍNH TRỊ? Trong khu vực Đông Nam Á, sau khi Miến Điện tiến hành cải cách chính trị, dân chủ hóa xã hội. VN trở thành nước có thành tích nhân quyền kém nhất khu vực Đông Nam Á và thế giới. 100% các tổ chức bảo vệ nhân quyền có uy tín nhất thế giới thường xuyên lên án chính phủ VN vi phạm nhân quyền trong các lĩnh vực như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, lập hội, quyền tự do đi lại, internet, …. Tổ chức Phóng viên không biên giới còn xếp Chính phủ VN là kẻ thù số 1 của internet và tự do báo chí. Ngày 12/11 VN đã giành được 184/192 phiều để trở thành viên của Hội đồng NQ của LHQ. Việc VN giành số phiếu cao không thể hiện sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế với VN về thành tích nhân quyền. Mà cộng đồng quốc tế muốn VN vào Hội đồng NQ để phải chịu áp lực cải thiện tình trạng nhân quyền và tôn trọng các quyền con người. Nhân dân VN cũng mong muốn rằng, đây là cơ hội và thách thức để chính phủ và đảng CSVN thực tâm cải thiện tình trạng nhân quyền, trả tự do cho tù chính trị, tôn trọng các quyền con người của nhân dân VN.”
Ngay sau khi VN trở thành thành viên của UNHRC thì nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới như Human Rights Watch, UN Watch… tỏ ra bất bình và thất vọng.
1311148
Theo báo Người Việt cho biết: “Tuần trước, nhiều tổ chức quốc tế và dân biểu các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, đã đồng loạt ký tên vào một kháng thư, phản đối Việt Nam tham gia UNHRC.”
Trên báo Thông tấn xã VN, Ông Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định: “Việc Việt Nam được bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền với số phiếu rất cao, thể hiện sự tín nhiệm mà đông đảo các quốc gia thành viên Liên hợp quốc dành cho Việt Nam, có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt.”
Nhật ký yêu nước mong rằng: “Việc VN tham gia UNHRC là một lợi thế để nhân quyền ở VN được bảo đảm hơn. Điều này đồng nghĩa với việc VN sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực và cách diễn giải của quốc tế về nhân quyền đặc biệt là các quyền dân sự chính trị. Trong suốt nhiệm kỳ 3 năm (2014-2016), có thể các tiếng nói đối lập ôn hòa trong nước sẽ được nới lỏng kiểm soát hơn, các cuộc tụ tập biểu tình phản đối trong ôn hòa sẽ công khai hơn,…. Ngồi vào ghế hội đồng này, VN sẽ không thể giải thích luật quốc tế theo cách của mình mà phải tôn thủ gắt gao các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền.”
Thông tấn xã VN cho biết thêm, Ông Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói: “Trong sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu của đất nước là sửa đổi Hiến pháp, vấn đề quyền con người cũng được chú trọng, theo hướng vừa thể hiện chính xác hơn chức năng cơ bản của Hiến pháp trong việc ghi nhận, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời hiến định một số nguyên tắc và quyền con người cụ thể trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên.”
Tuy nhiên, vào ngày 11.11 vừa qua, Nhóm Kiến Nghị 72 đưa ra Bản dự thảo Lời kêu gọi dừng việc thông qua Dự thảo Hiến pháp nước CHXHCNVN năm 1992 (sửa đổi 2013). Bởi “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, như đang được thảo luận và chuẩn bị thông qua tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII, về cơ bản vẫn như Hiến pháp hiện hành, thậm chí có một số điểm còn thụt lùi hơn trước.”
Khi VN là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ liệu nhà cầm quyền cs VN có tôn trọng nhân quyền nếu như Hiến pháp VN sửa đổi năm 2013 vẫn không tam quyền phân lập, không sở hữu đất đai toàn dân và phi chính trị hóa quân đội hay không?
Huyền Trang, VRNs
 
FBThùy Linh - CHÚNG TA LÀ CON NGƯỜI - ĐƯƠNG NHIÊN

Có bạn hỏi nghĩ gì về sự kiện Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc? Nói bầu bán cho sang chứ cần 4 xuất mà có 4 nước ứng cử thì còn bầu bán nỗi gì? Mất hoàn toàn tính cạnh tranh. Trong tôi luôn có hai suy nghĩ mâu thuẫn và trái ngược về sự kiện này.

1. Việt Nam không xứng đáng ngồi vào Hội đồng nhân quyền của LHQ vì nhiều quyền cơ bản của con người chưa được đáp ứng như nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng. Biểu hiện rõ rệt nhất là nhiều người phải ngồi tù chỉ vì nói thật suy nghĩ của mình một cách ôn hòa. Chúng ta có thể kể tên nhiều người: Điếu Cày; Trần Huỳnh Duy Thức; Nguyễn Tiến Trung; Lê Công Định; Tạ Phong Tần; Nguyễn Xuân Nghĩa; Đinh Đăng Định…Họ thực sự là những tù nhân lương tâm không chỉ của VN mà còn là của nhân loại: đó là khát vọng cất lên tiếng nói chống lại cái xấu, ác vì một tương lai tốt đẹp hơn…
Và tôi tìm cách biện hộ rằng, nhìn vào lịch sử của Hội đồng nhân quyền (trước đây là Ủy ban nhân quyền) thì thấy vắng mặt khá nhiều những nước văn minh, tiến bộ. Hầu như là những nước đang gặp nhiều sự chỉ trích về nhân quyền có mặt tại Hội đồng này. Quyền con người đã được luật hóa khiến công dân được bảo vệ tối đa chống lại tất cả những gì phi nhân tính nên các nước văn minh, tiến bộ không cần quan tâm đến những hội đồng giúp công dân họ xem xét lại những bất cập của chính phủ trong vi phạm nhân quyền. Nhân quyền vốn như hơi thở, có thiếu vắng bao giờ mà phải cần đến sự trợ giúp của bình ô xy dưỡng khí từ bên ngoài? Cho nên nơi nào ngột ngạt tự do, dân chủ thì mới cần sự đánh giá, xem xét, trợ giúp…của ngoại lực. Hội đồng nhân quyền vì thế rất cần cho những nước như Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba, Arap Saudi…Thế nên mới có cảnh bầu bán không có cạnh tranh như vừa qua: 4 nước châu Á ứng cử thì chọn cả 4, trong đó có Việt Nam.

Qua đây cũng có thể thấy tính hình thức, chiếu lệ, thậm chí là bất lực của Liên Hiệp Quốc nói riêng và Hội đồng nhân quyền nói riêng. Thế mới có chuyện, xưa nay chưa khi nào các giám sát viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc có thể vào VN để thăm và điều tra về các vụ bị cho là có tình trạng lạm dụng.

2. Nếu nghĩ theo cách tích cực thì tôi nghĩ, có thể áp dụng quan điểm giáo dục hiện đại là, thay vì tiêu diệt, đả kích thói độc ác, xấu xa, con người nên được khêu gợi khuyến khích những mầm tốt, hướng thiện để họ tự giáo dục và cải tạo bản thân mình…

Việc VN đã ở trong Hội đồng nhân quyền thì chắc chắn không thể nói là nhân quyền của VN khác với các nước do tính đặc thù về văn hóa, truyền thống, như xưa nay các quan chức có trách nhiệm vẫn hay phát biểu. Anh không thể đem quả bóng do anh thiết kế vào đá chung sân với các cầu thủ khác và nói rằng, tôi chỉ hợp với loại bóng này (để đỡ đau chân tôi)…Đây cũng là thời gian để chính quyền nhìn lại Tuyên ngôn nhân quyền của LHQ đã được luật hóa và thực thi như thế nào trong cuộc sống? Người dân từ nay có Tuyên ngôn nhân quyền làm tham chiếu cho việc giám sát thực thi quyền con người của chính quyền Việt Nam với tư cách là chính phủ của mình, vừa với tư cách là hội viên trong Hội đồng nhân quyền LHQ. Khi Việt Nam đã tự đứng soi trước một tấm gương thì mọi xấu tốt sẽ được phô bày trước bàn dân thiên hạ. Còn nếu Việt Nam tự lấy tấm vải đen che gương để khỏi thấy mặt mình nhọ nhem thì lại là chuyện khác - câu chuyện về văn hóa và liêm sỷ.

Thế nên bước vào Hội đồng nhân quyền dễ hơn là ở lại đó, ghi dấu ấn chứng tỏ về một đất nước đã trưởng thành, nói và làm không trái ngược như ngày với đêm.

Chưa khi nào người Việt Nam có được vận hội chứng tỏ với thế giới là chúng ta có nhân quyền như thời điểm này…
Và bất kỳ người Việt Nam nào cũng nên nằm lòng, thực hiện đầy đủ về Tuyên ngôn nhân quyền mà Liên hiệp quốc đã đưa ra từ năm 1948…

Lan man về chuyện lãng phí…

Thằng Lượm (Danlambao) - (Dân quê bàn chuyện chính trị)
Hiện nay, sau đề tài sửa đổi Hiến pháp, luật Đất đai thì đề tài chống lãng phí cũng là một đề tài nhức nhối trong XH nước ta.
Ông Ngô Minh nói về “kính thưa các loại lãng phí” ở VN như thế này: “Trong xã hội ta hiện nay có quá nhiều loại lãng phí rất “xót tiền dân”: Lãng phí vốn đầu tư vào các công trình không mang lại hiệu quả; lãng phí đất đai, lãng phí điện nước, điện thoại, xe con, lãng phí lao động, lãng phí chất xám...v.v... Mỗi năm nếu cất công tính toán số lãng phí sẽ lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, hơn thu ngân sách hàng năm của tất cả các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên! Trong lãng phí lao động, có một sự lãng phí đau xót nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp đi dự các cuộc họp hiếu hỷ nhiều quá.”. Đọc nghe thất kinh!
Ông Minh chỉ mới nói về lãng phí lãnh đạo trong việc đi họp và dự các loại lễ lạc. Theo tui, lãng phí lãnh đạo không chỉ vậy, mà còn lãng phí về số lượng lãnh đạo từ Chính phủ, các bộ ngành, đoàn thể, quân đội, công an và UBND các cấp nữa.
Có người cho rằng:lãng phí còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng. Bởi tham nhũng còn có con số để xem và thực ra cũng không khó chống, còn lãng phí thì hơi khó nhận biết, nó như một thứ văn hóa XHCN ở nước ta, được mặc nhiên thừa nhận và coi như “chuyện thường ngày” nên không bị phản ứng như tham nhũng. Nó muôn hình vạn trạng trong đời sống XH, trong đó có lãng phí số lần họp và số lượng lãnh đạo.
Lãng phí họp thì ai làm cán bộ nhà nước từ cấp xã trở lên đều biết, “họp ngày, họp đêm, họp thêm giờ nghỉ”. Ở nước ta, không ai thống kê một năm có bao nhiêu cuộc họp, nếu có chắc được ghi vào sổ “Kỷ lục thế giới”. Một đồng chí lãnh đạo tỉnh tâm sự rằng, ông không đủ thời gian để đi họp! Làm cán bộ là chấp nhận làm “cán họp”, chẳng còn thì giờ đâu mà nghiên cứu, tìm hiểu thực tế.
Lãng phí lãnh đạo thì thấy rõ: cấp phó đông như kiến. Từ cơ quan Chính phủ cũng đã có tới 5 phó Thủ tướng!(một phó Thủ tướng được bầu thêm trong tháng 11/2013) Các bộ (và cơ quan ngang bộ) thì bộ ít nhất cũng có 5 thứ trưởng, nhiều nhất là 9. TP Hà Nội có tới 6 phó Chủ tịch, TP HCM có 5, các tỉnh thành khác từ 3 đến 4 phó Chủ tịch. Lại nghe ở Hà Nội, nhiều Sở có lúc tới 13 phó Giám đốc (theo báo vietq.vn ngày 10/01/2013) có nhiều phòng ban không có nhân viên, chỉ toàn trưởng, phó phòng. Nghe phát hoảng, chẳng biết trên thế giới có nước nào cán bộ cấp phó đông như ta không.
Ở nước Mỹ, chỉ thấy một phó Tổng thống. Bộ Ngoại giao (bộ quan trọng trong nội các) chỉ có 2 thứ trưởng, bộ Quốc phòng với tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới chỉ có 1 phó bộ trưởng, các bộ còn lại đa số chỉ 1 thứ trưởng (theo vi. wikipedia, ngày 12/11/2013). Một đất nước rộng lớn gấp vài chục lần nước ta, dân số trên 320 triệu nhưng sao lãnh đạo gọn nhẹ làm vậy, nhiều khi thấy lo và tội nghiệp cho họ quá. Ít lãnh đạo như vậy thảo nào bị liệt vào thành phần “đang giãy chết”. Thấy mà thương!
Nhưng tại sao chế độ do đảng “thiên tài” lãnh đạo mà phải cần đến lực lượng lãnh đạo đông như vậy? Ở các nước không có “đảng thiên tài” lãnh đạo nên họ không cần nhiều lãnh đạo? Vậy “thiên tài” là do số lượng lãnh đạo đông như thế này sao? Chỉ mới “thiên tài” mà số lượng lãnh đạo đã đông như vậy rồi, nếu “đại thiên tài” thì số lượng lãnh đạo gấp bao nhiêu lần cho xứng?
Làm lãnh đạo chắc chắn không phải để cho vui mà phải có chế độ lương bổng và các khoản phụ cấp khác như xe con, văn phòng, thư ký, trà nước, điện thoại, máy tính xịn, lính tráng để sai vặt cho oai… Cấp trưởng tiêu chuẩn được 10, cấp phó cũng được 7, chả lẽ như thằng lính quèn coi sao được. Mỗi bộ có từ 5 đến 9 thứ trưởng thì tiêu chuẩn bằng mấy ông bộ trưởng? Thế mới biết chi phí cho lãnh đạo cấp phó không phải ít!
Trong khi đó, theo nghị định của Chính phủ “Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ” được ban hành ngày 18/4/2012 thì “số lượng thứ trưởng ở mỗi bộ không quá bốn người. Đối với bộ quản lý nhà nước nhiều ngành, lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp, số lượng thứ trưởng có thể nhiều hơn bốn người do Thủ tướng Chính phủ quyết định”. (Quy định về cấp phó của Sở cũng tương tự như vậy)
“Chính phủ quy định rõ như ban ngày, dân ngu như tui đọc cũng hiểu liền. Nhưng Chính phủ cũng là “Chú phỉnh” nên nghe theo hay không còn tùy…”
Nhưng tốn kém cho lãnh đạo đông đảo không quan trọng lắm. Bởi tiền nuôi mấy ông/bà này do dân nộp thuế để nuôi. “Đảng ta” đã có kinh nghiệm xài tiền của dân “khó vạn lần dân liệu cũng xong”, còn nguồn tiền thì “của dân làm, do dân nộp, vì dân nuôi”, nếu không đủ thì vay mượn xài trước cho đủ rồi “dân đời sau” tiếp tục trả, có mất tiền ông. bà nào đâu mà sợ đông với đủ?

Tính sơ sơ, cả nước hiện có 135 thứ trưởng ở 22 bộ và cơ quan ngang bộ, trong đó đứng đầu số lượng thứ trưởng là bộ Tài Chính với 9 người. (tính đến ngày 01/11/2013). Kinh!
Đó là ở lãnh vực Nhà nước, còn bên đảng thì có 16 vị UV BCT, 175 UV TƯ đảng, rồi thì các ban bệ cũng không thua kém gì bên Nhà nước. Cũng văn phòng, trụ sở nguy nga như cung điện; cũng xe cộ, nhân viên, bổng lộc đủ kiểu. Ngặt nỗi bên đảng cũng xài ngân sách do dân đóng thuế nhưng không công bố nên chỉ đoán mò, không biết bao nhiêu, cứ tạm cho là bằng 2/3 bên Nhà nước thì cũng đủ chết “cái đất nước này rồi”!
Lãnh đạo đông như vậy nhưng nhìn vào lãnh vực quản lý, phụ trách nào cũng bê bết, toàn là “sâu” và “bộ phận không nhỏ” nhưng chẳng có lãnh đạo nào chịu trách nhiệm. Thế mới tài! “Đảng ta” “lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách” nên càng đông càng vui, lỡ có chuyện gì xảy ra thì cùng chịu trách nhiệm, không cá nhân nào chịu riêng cả. Luật Hình sự nước ta không ai bắt tội “tập thể” bao giờ nên cứ vô tư chịu “trách nhiệm tập thể”, cùng lắm thì coi thằng nào không hợp “rơ” đẩy ra chịu trận, kiểm điểm rồi cho hạ cánh an toàn….
Có người cho rằng, do đặc điểm nước ta có quá nhiều hội họp và hội thảo (loạn họp), cộng với nhiều lễ lạc như: kỷ niệm, khởi công, khánh thành, thành lập cty, hiếu hỷ cho các cụ lớn… nên không đủ lãnh đạo để đi dự họp và dự lễ. Vậy té ra chúng ta cần nhiều lãnh đạo chỉ để đủ đi dự họp (dự lễ) thôi sao? Có người la hoảng: “họp gì mà lắm thế?”. Hỏi thế là hỏi cho vui chứ cán bộ họp cũng cực khổ lắm, chả ích sướng gì. Họp (dự lễ) xong, nhận phong bì, nhậu nhẹt “binh thiên”, “em út” chút chút cũng hao tốn sức khỏe lắm chứ. Nhưng muốn không đi họp, không nhận phong bì, không đi tăng hai, ba thì làm sao giữ được ghế? Thời buổi “ghế nhiều, đít không biết bao nhiêu”, sơ xểnh là mất ghế như chơi. Thôi thì cứ chịu khó đi họp. Trên bảo sao, dưới làm vậy, cải lại có nước “cạp đất mà ăn”!
Lãnh đạo đông để đủ người dự họp! Họp, họp nữa, họp mãi! Lâu dần lãnh đạo thành “cái máy họp”. Cái máy thì làm gì có lương tri nên lãnh đạo dần dần trở nên vô cảm, xử lý mọi việc như cái máy. Hậu quả là dân oan khắp nơi, án oan đủ kiểu. “Máy” lãnh đạo do đảng lập trình sẵn: “dân oan là thế lực thù địch, âm mưu diễn biến hòa bình-án oan thì lấy tiền Nhà nước( của dân nộp) ra bồi thường rồi tính sau”. Cuối cùng thì dân đành “tự xử”, không còn tin vào một đám “người máy” lãnh đạo nữa. Thế mới biết trong hệ thống luật ở nước ta, “luật rừng” cũng quan trọng không kém luật pháp. Ông Dương Tự Trọng (em Dương Chí Dũng) là đại tá, phó Giám đốc Công an Hải Phòng cũng dùng “luật rừng” để “tự xử” khi tìm cách đưa ông anh đi trốn (nhờ dân giang hồ cộm cán, kể cả tội phạm có lệnh truy nã) thì trách sao người dân không tìm cách “tự xử” như trường hợp của Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết. ?
Ở nước ta, làm lãnh đạo (đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp Nhà nước) đều do một tay đảng quy hoạch, chọn, phân công. Việc bầu bán chỉ là hình thức. “đảng ta” cho phép chọn lãnh đạo đông quá mức và sử dụng một cách lãng phí, tốn kém như vậy rồi bắt dân è cổ ra nuôi, muốn hay không muốn không được. Không muốn thì bị đảng đem Điều 258: “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”hoặc Điều 88: “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN” chụp vào đầu, còng tay đưa vào tù. Ở tù thì chẳng ai muốn nên thôi thì ráng cắn răng mà chịu. Dân không dám nói thì đảng nói dân “đồng thuận” với đảng nên tiếp tục cho tay chân thân tín làm lãnh đạo. Để đủ chỗ cho lãnh đạo ngày càng đông thì phải tăng biên chế, chia tách huyện xã, , lập thêm hoặc khôi phục ban bệ trước đây đã giải tán (như hai ban Nội chính và Kinh tế TƯ).
Chính phủ nợ công ngập tới mũi, kinh tế Nhà nước đụng đâu lỗ đó, tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, nhân công rẻ mạt, nhân tài bị bạc đãi nên thất nghiệp tràn lan. Tướng tá, lãnh đạo ngày càng đông lúc nhúc vậy mà “đảng ta” cứ nhắm mắt nói bừa: “Xây dựng nước ta đến năm 2020 cơ bản thành một nước công nghiệp hiện đại”. Không biết đảng lấy nguyên vật liệu gì để xây được mô hình này. Đọc câu này mà ngỡ mắt bị mù màu, phát sốt. Hoang tưởng kinh người!
Thôi, không biết thì “dựa cột mà nghe”. Ai biết thì chỉ ra dùm để tui còn “củng cố niềm tin chiến lược” cho vào nồi cơm sống đỡ qua ngày…
Vẫn biết chỉ là chuyện lan man, nhưng sao càng “lan” càng tức chịu không thấu…
Mùa đông Quý Tỵ

12/11/2013 

Nhân dân làm là chủ yếu



Cho đến giờ này, có lẽ ai cũng đã hiểu cái nền dân chủ mà đảng Cộng Sản ban phát cho dân tộc Việt Nam là thế nào rồi. Nó oái ăm, tức anh ách, ngược đời và...ngẹn ngào lắm. Câu khẩu hiệu này đã nổi tiếng từ lâu “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Mới nghe qua đã thấy rõ cái “quyền làm chủ” của nhân dân là hữu danh vô thực. Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, còn nhân dân thì chẳng nắm quyền gì cả, nhưng lại là người...làm chủ? Liệu có ai tin được điều đó không?
 Đảng đưa ra các chủ trương chính sách. Nhà nước điều hành và quản lý. Còn thì nhân dân là người phải nai lưng ra làm. Vậy thành ra người dân  phải nuôi toàn một lũ ăn hại sao, đã thế chúng còn cướp bóc và tham nhũng nữa? Chưa đủ, nếu nhân dân mà lên tiếng phản đối thì lập tức sẽ bị những kẻ ăn bám đó đàn áp và bỏ tù. Hỏi có còn nghịch lý nào lớn hơn không?

Lịch sử đảng Cộng Sản mấy chục năm nay chỉ thấy toàn vĩ đại, còn phần thấp hèn ngu dốt thì người dân gánh chịu cả. Đảng tiến hành hai cuộc chiến tranh đẫm máu, nhân dân là người chịu hy sinh gian khổ, phần vĩ đại vinh quang thì đương nhiên là của đảng rồi. Mọi chủ trương chính sách ngu dốt và sai lầm của đảng, dân là người thực hiện và chịu thiệt hại, đảng thì đâu có liên quan? Vì đảng vĩ đại và sáng suốt như vậy thì mấy khi mắc sai lầm? Có chăng thì cũng rất ít, nhỏ như một hạt bụi mà thôi, không đáng kể. Xưa nay, tất cả những gì sai trái và mất mát đảng đều đổ thừa cho nhân dân và thiên tai cả.
Trong cơn khổ đau túng quẫn, người dân tìm mãi cũng không thấy cái phần “làm chủ” mà đảng quy định cho mình nằm ở chỗ nào cả. Hỏi thì không dám, vì sợ đảng không yêu, đấu tranh lại càng không dám nữa, vì sợ đảng cho là phản động và bỏ tù. Chỉ thấy nhân dân nai lưng ra làm hết ngày này qua tháng khác bởi cái sự “đảng lãnh đạo” và “nhà nước quản lý” ấy. Mấy chục năm đảng Cộng Sản cầm quyền, phần thắng và vinh quang chưa bao giờ thuộc về người dân, có chăng chỉ là trên khẩu hiệu mà thôi.
Nếu vậy thì câu khẩu hiệu “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” đâu có đúng nữa? Vì người dân có bao giờ được làm chủ đâu? Vậy nay nên sửa lại là: “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm là chủ yếu” mới đúng với thực tế sinh động ở Việt Nam chúng ta.

ĐẤU THẦU VIỆC LÀM

* BÙI VĂN BỒNG 
Trong kinh tế học, thất nghiệp là tình trạng người lao động muốn có việc làm mà không tìm được việc làm (từ Hán-Việt thất: mất mát; nghiệp: việc làm). Tỷ lệ thất nghiệp là phần trăm số người lao động không có việc làm trên tổng số lực lượng lao động xã hội.
Vấn nạn thất nghiệp trong xã hội đã rất bức xúc, nhức nhối, là gánh nặng, nỗi lo không dứt. Nhưng riêng tình trạng sinh viên đã tốt nghiệp đại học mà không có công ăn việc làm càng nhức nhối hơn. Có sinh viên tốt nghiệp 3 trường đại học, nhưng loay hoay chạy chọt, tốn nhiều tiền và công sức, vẫn không có việc làm.
Nhiều sinh viên đã có bằng tốt nghiệp đại học, nhưng phải chạy bàn cà phê, phục vụ các nhà hàng ăn uống, làm phụ bếp, làm gia sư, osin, dịch vụ, chạy quảng cáo sản phẩm hàng hoá, đi bỏ hàng sỉ, hàng lẻ kiếm tiền sinh sống.
Kỹ sư Đại học xây dựng Nguyễn Anh Tú, quận 6, T.p Hồ Chí Minh ca cẩm: “Cháu tốt nghiệp đại học đã 4 năm, mất cả gần trăm triệu chạy cửa này cửa nọ, vẫn không có việc làm. Nay chẳng lẽ để cha mẹ bán đồ, bán đất chạy việc làm hoặc ‘nuôi báo cô” hay sao? Cháu đành chấp nhận lao động thủ công thời vụ, ngồi khâu giày da bên cạnh một thanh niên đồng trang lứa mới học lớp 6!”.
Tôi về quê, cô em con đằng dì có con trai tốt nghiệp đại học sư phạm Vinh, sau đó học thêm lấy tấm bằng Quản trị – Kinh doanh ở Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá), thế mà chạy hết 80 triệu vẫn chưa có việc làm.
Cái thời kỳ xin việc làm chỉ cần có chút quà “miếng tràu đầu câu chuyện” với người có quyền tuyển dung nhân sự đã qua lâu rồi. Đến thời kỳ đi mua việc làm, tức là tuỳ việc làm mà giá cả khác nhau, dù có bằng tốt nghiệp đại học vẫn phải chạy tiền, tìm gõ đúng cửa mua mới may ra mua được vệc làm.

Nhưng nay mua việc làm cũng khó. Đến thời kỳ mới, model mới, phải đấu thầu việc làm (cùng coi như kiểu đấu giá) mà cũng khó, tiền vẫn mất khá nhiều, tón đậm, mà vẫn đành cất tấm bằng tốt nghiệp vào tủ, chờ…
Đấu thầu việc làm, ai nhiều tiền hơn thì người đó được tuyển dụng. Ông bạn cựu chiến bình có đứa cháu đích tôn, quý hoá, cả nhà lo cho ăn học, tốt nghiệp đại học loại khá, nhưng chạy nhiều nơi nhiều cửa, hết 120 triệu đồng. Với số tiền như thế, “nhà tuyển dụng” hứa chắc chắn sẽ có việc làm. Nhưng chờ mãi chẳng  thấy có giấy gọi đi làm. Hỏi ra, mới biết ‘cái ghế sinh nhai’ ấy đã bị người đến sau nẫng mất. Vì gia đình anh ta chạy đến 160 triệu. Thế là mất tiền vẫn thất nghiệp, vì “bò tiền thầu’ kém hơn người ta. Biết kêu ai? Ai lấy đâu ra sự sòng phẳng, ngu gì trả lại cho? Kiện ai, chứng cứ đâu? Có khi còn can tội ‘đưa hối lộ’ !?
Đấu thầu việc làm, ngôn từ mới trong kinh tế thị trường và xã hội tràn lan tiêu cực tham nhũng mọi ngõ ngách hiện nay chưa có trong từ điển. Nhưng người dân cả nước đang nhức nhối vì nạn ‘đấu thầu việc làm’. Đó là kể ra những việc làm giá rẻ, có những việc làm mà trúng vào đó sẽ nhanh chóng thu hồi vốn, lại dễ bề ‘ăn’ lớn, thì phải ‘bỏ tiền thầu’ cả mấy trăm triệu mới’nhảy’ vào được, Người nghèo, dù  con có tài năng, học giỏi, nhưng ít tiền thì khó đấu thầu lắm. Đảng ơi, nhà nước ơi, cứu dân nghèo với!
BVB

Quốc hội Hoa Kỳ chuẩn bị báo cáo mới về tiềm năng quân sự của Trung Quốc

http://3mv.ru/_pu/209/38498887.jpg

США готовят новый доклад о военном потенциале КНР

Kichbu theo: 3mv.ru

Lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước, lực lượng chiến lược răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc đang tiến gần đến chỗ đạt được khả năng sẵn sàng chiến  đấu ban đầu, trong báo cáo sắp tới của Ủy ban Quốc hội Mỹ về Trung Quốc nói,  Defense News đưa tin  ngày 11 tháng tháng Mười một.

Vào cuối năm nay dự kiến ​​sẽ triển khai nhanh chóng tàu ngầm SLBMs JL-2 chạy bằng nhiên liệu rắn có tầm bắn 4.000 hải lý (7.400 km), cho phép Trung Quốc tấn công hạt nhân vào phần lục địa của Hoa Kỳ. Các tên lửa sẽ được triển khai trên hai trong số ba tàu ngầm SSBN kiểu 094 "Jin" mới được xây dựng. Đến năm 2020, Hải quân Trung Quốc sẽ được trang bị thêm hai loại tàu ngầm mới lớp này. Trung Quốc cũng triển khai hai tàu ngầm nguyên tử - đa mục tiêu kiểu 095 và chiến lược kiểu 096. Nhận thấy rằng các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam nằm trong tầm với của tên lửa thông thường của Trung Quốc.

Vào tháng Sáu năm nay, Không quân của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đã trang bị 15 máy bay ném bom H-6K mới với tầm bay được tăng lên (ảnh), có thể mang theo các tên lửa hành trình tầm xa. Ngoài ra, Trung Quốc đang nghiên cứu nâng tầm bắn của tên lửa đạn đạo chống hạm kiểu DF-21D từ 810 hải lý (1.500 km) đến 1.600 hải lý (3.000 km). Những tên lửa này có thể đe dọa tàu chiến Mỹ trên toàn bộ vùng biển Tây Thái Bình Dương.

Trung Quốc đã tiến hành cất cánh và hạ cánh thành công máy bay chiến đấu J-15 của Hải quân trên tàu sân bay "Liêu Ninh". Vào tháng Mười một năm 2012, đã đào tạo nhóm phi công chiến đấu đầu tiên. Theo dự kiến, trung đoàn không quân J-15 đầu tiên sẽ bắt đầu hoạt động trong giai đoạn những năm 2015-2016.

Trong báo cáo đề cập đến "những thành tựu ấn tượng" khác của Trung Quốc trong việc xây dựng các chiến hạm. Vào năm 2012, đã hạ thủy hai lớp tàu mới - khu trục hạm tên lửa 052D «Lyuyyang-3" và tàu hộ tống 056 "Jiangdao". Đang tiến hành xây dựng các khu trục hạm tên lửa 052S "Lyuyyang-2" và chiến hạmc tên lửa 054A "Tszyankay-2".

Có lẽ,  vào năm 2015, Trung Quốc sẽ chiếm vị trí thứ hai vững chắc trên thế giới về số lượng các tàu chiến được xây dựng và đưa vào hoạt động sau khi kết thúc chiến tranh Lạnh. Đến năm 2020, nếu Hoa Kỳ không đẩy mạnh chương trình hải quân của họ, Trung Quốc có thể chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới trong việc xây dựng các tàu ngầm, tàu nổi và tàu xuồng.

Một trong những kết luận đáng lo ngại của báo cáo này là ý kiến ​​cho rằng Trung Quốc trong vòng 5-10 năm có thể thay đổi sự cân bằng chiến lược ở châu Á có lợi cho họ sau nhiều thập kỷ Hoa Kỳ chiếm ưu thế quân sự. Trong khi các tướng lĩnh và các nhà ngoại giao của Mỹ "đang ráo riết làm việc" để cải thiện quan hệ Trung-Mỹ, Pekin nhanh chóng tăng cường khả năng của họ để tấn công vào Hoa Kỳ và các đồng minh của của nó.
-----

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét