Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Ngày 10/10/2013 - tiếp theo

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Có bao nhiêu tên cho Biển Ðông?


Một trong những điểm gây tranh cãi khi thảo luận về tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông là nên gọi vùng biển này bằng cái tên nào.
Vùng biển này thường được quốc tế biết tới với cái tên tiếng Anh là biển Nam Trung Hoa, nhưng Philippines gọi là Biển Tây Philippines, Việt Nam gọi là Biển Ðông, và Trung Quốc gọi là Nam Hải.
Tuy nhiên, trong phần phát biểu hôm thứ Tư trước các nhà lãnh đạo quốc gia ASEAN tại Brunei, Tổng thống Philippines Benigno Aquino chọn gọi vùng biển này là “biển nhiều tên.” Ông còn nêu cụ thể vị trí địa lý của vùng biển nằm ở “phía tây của Philippines, phía đông Việt Nam, phía bắc Malaysia, phía nam của Trung Quốc.”
Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc trong vùng biển này, cách gọi của ông Aquino dường như có ý xoa dịu nhằm tránh khơi lên căng thẳng giữa các bên. Nhưng trước cuộc họp của các nước ASEAN với Trung Quốc, ông Aquino là gửi đi một thông điệp rõ ràng: Philippines mong muốn thiết lập Bộ Quy tắc Ứng xử cho việc giải quyết các tuyên bố chủ quyền chồng chéo. Ông nói:
“Sự phát triển của khu vực chúng ta không thể được hiện thực hóa trong một môi trường quốc tế thiếu vắng sự tồn tại của pháp trị”, ông Aquino nói trong một bản ký lục được chính phủ Philippines công bố. “Biển này, được gọi bằng nhiều cái tên, tạo cơ hội cho các nước ASEAN và các bên khác cùng thực thi việc chấp hành luật pháp.”
Mặt khác, Philippines hiện đang tìm kiếm một phán quyết từ Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc về tính hợp pháp của những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc sau những vụ đối đầu căng thẳng vào năm ngoái.
Tuy nhiên, một số tiến bộ dường như đã đạt được trong việc giải quyết tranh chấp. Ông Aquino đã hoan nghênh các cuộc tham vấn chính thức đầu tiên về việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc hồi tháng trước ở Tô Châu và nói rằng nước ông “mong muốn sớm kết thúc.”
Nguồn: VOA, Wall Street Journal, ABC News

Điều chuyển 1.023 vị trí công tác để ngừa tham nhũng



Đây là số cán bộ, công chức, viên chức tại 36 cơ quan, đơn vị tại TP.HCM được điều chuyển công tác, nhằm ngăn ngừa tham nhũng, trong 9 tháng đầu năm 2013, theo báo cáo mới nhất của UBND TP.HCM về phòng chống tham nhũng.
UBND TP cũng cho biết trong 9 tháng đầu năm 2013, TP có hai trường hợp cán bộ, công chức, viên chức trả lại quả tặng. Một trường hợp tại Sở Y tế TP với giá trị 600 ngàn đồng và một trường hợp tại huyện Bình Chánh với giá trị hơn 422 triệu đồng.
Cũng trong báo cáo này, đề xuất với các cơ quan trung ương về phòng chống tham nhũng, UBND TP cho rằng cần có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc lực lượng làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố có sự  bao che hoặc kết luận quá nhẹ đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân đã để xảy ra tham nhũng, lãng phí.
Kiến nghị với Quốc hội, UBND TP cũng nêu trong quá trình ban hành, sửa đổi luật về phòng chống tham nhũng Quốc hội cần mở rộng và xác định rõ chủ thể của nhóm tội phạm về tham nhũng.
Vì qua thực tế xét xử, có những bị cáo không phải là người có chức vụ quyền hạn nhưng giữ vai trò chủ mưu, vạch kế hoạch phạm tội. Do vậy, không nên bó hẹp phạm vi chủ thể của nhóm tội phạm này là người có chức vụ quyền hạn.
Đồng thời kiến nghị, trong giai đoạn hiện nay chưa nên bỏ mức án tử hình với nhóm phạm về tham nhũng.
THEO TUỔI TRẺ

“Cái kim” lòi ra


Từ trước đến nay, điều khiến dư luận bức xúc là giá điện không minh bạch. Nhiều quan chức Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và Bộ Công thương luôn giải thích theo hướng giá điện đã minh bạch rồi. Nay qua kết luận của Thanh tra Chính phủ mới giật mình, cứ như “cái kim trong bọc lâu ngày lòi ra”.
Một tập đoàn hàng đầu có thể nhầm lẫn đến như thế? Cơ chế hiện nay cho thấy cần có cơ quan quản lý độc lập, kiểm soát tốt và khách quan hơn…
EVN mua ôtô vượt định mức, làm định mức lao động chưa chính xác, khiến số lao động theo định mức vượt tới trên 50% số lao động thực đang sử dụng… nếu đúng là sai phạm như Thanh tra Chính phủ nêu, sẽ giúp “đánh” giá thành điện lên, tạo điều kiện để EVN “kêu” lỗ, để tăng giá. Chưa hết, trong lúc người dân khó khăn, doanh nghiệp phá sản nhiều do chi phí đầu vào cao, việc EVN và Bộ Công thương đồng ý cho làm biệt thự, bể bơi, sân tennis… rồi đẩy vào mục “khu nhà quản lý, vận hành, sửa chữa”… là phản cảm. EVN tại sao không chủ động thông tin, để khi Thanh tra Chính phủ nêu, dễ khiến người ta thấy EVN chưa minh bạch, không trung thực.
Là tập đoàn lớn, nắm ngành độc quyền, kiểu gì dân cũng phải mua điện, EVN cần phải gương mẫu với vai trò đầu tàu kinh tế. Bộ Công thương với vai trò quản lý ngành, đáng ra cũng phải phát hiện những vấn đề của EVN từ lâu, trước khi các cơ quan khác nhập cuộc. Thế nhưng dù kiểm toán nhiều lần, Bộ Công thương có nhiều cơ quan chức năng để kiểm soát, nhưng đến nay dư luận vẫn phải… giật mình. Hàng loạt câu hỏi mang tính cảnh báo đang được đặt ra cần nghiên cứu, trả lời, đó là: cơ chế kiểm soát các tập đoàn hiện nay có hữu hiệu? Các bộ với các tập đoàn có đủ sự trong sáng, độc lập hay thực chất là trong mối quan hệ “một nhà”? Cơ chế trách nhiệm và xử lý sẽ ra sao khi “phát lộ” câu chuyện như của EVN?
Dù các câu hỏi trên được trả lời thế nào thì điều đầu tiên cần làm là khi thanh tra đã kết luận, cần rà soát loại trừ những khoản tiền EVN đưa vào giá thành, “ăn theo” không đúng, từ đó giảm giá thành điện, giảm gánh nặng cho người dân, nền kinh tế. Ngoài ra, không thể không xem xét trách nhiệm những cá nhân liên quan đến thời kỳ phát sinh sai phạm, tránh đùn đẩy trách nhiệm hay “chìm xuồng” cả. EVN đã có chủ tịch mới, không liên quan đến thời điểm thanh tra năm 2011. EVN cần nhanh chóng xử lý kết luận thanh tra và thông báo kết quả xử lý để người dân biết.
Trong lúc đất nước khó khăn như hiện nay, cũng cần xem lại cơ chế quản lý không để thanh tra phải kết luận những sai phạm tương tự, hay thanh tra kết luận nặng nề, nhưng doanh nghiệp giải thích lại cho là hợp lý. Nhiều cảnh báo của các chuyên gia về giá điện chưa minh bạch nay đã đúng. Vì vậy, cũng cần nghiêm túc xem xét và xúc tiến việc đưa Cục Điều tiết điện lực, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia… tách khỏi Bộ Công thương, thành một cơ quan độc lập, chịu trách nhiệm sòng phẳng về sự giám sát của mình trước pháp luật. Chỉ khi cơ chế quản lý, giám sát hiệu quả, người dân và đất nước mới không bị bất ngờ bởi… chính các doanh nghiệp nhà nước.
THEO TUỔI TRẺ

Vĩnh biệt một thời đại

Ông là đại diện cuối cùng của một thế hệ mà chúng ta chỉ còn gặp lại trên những trang hồi kí, Thế hệ Vàng của cuộc Cách mạng Giải phóng Dân tộc, trong sáng, lãng mạn, tràn đầy lí tưởng. Qua mỗi thế hệ đến sau, vàng dần biến thành đồng thau và thế hệ hiện đang lãnh đạo đất nước này trông không khác gì đất sét. Người ta thương tiếc ông như rỏ nước mắt cho những phẩm chất đẹp đẽ cũng theo ông về bên kia, để lại bên này một thế giới chân không về giá trị.

Ông là một trong hai nhà lãnh đạo Việt Nam tắm trong một hào quang quốc tế. Người kia đã khuất từ chính xác 44 năm trước. Trong cái bóng của ông, các chính khách đương thời của chúng ta trông không khác các vĩ nhân tỉnh lẻ. Gắn với tên ông, chế độ cộng sản ở đất nước này dường như dễ gây thiện cảm hơn, thậm chí lung linh hơn trong mắt thế giới. Hào quang ấy hẳn cũng đã giúp ông tránh được số phận của nhiều đồng chí và cộng sự thân thiết từng bị nuốt chửng trong chiếc hộp đen của quyền lực đỏ đến nay còn khép kín. Những ngày này, khi hào quang ấy cũng theo ông ra đi, người ta bám vào nó như vầng sáng cuối cùng hắt lại từ dĩ vãng.
Theo ông ra đi là thiên tài quân sự mà huyền thoại đã từ lâu bịt kín mọi ngả nhận thức khác. Thiên tài cầm quân của ông đồng hóa thành thiên tài chống ngoại xâm của Đảng Cộng sản, điều sẽ trở thành biện minh số một cho độc quyền thống trị vĩnh cửu của tập đoàn chính trị mà ông suốt đời trung thành này. Thành tích của vị “Napoléon Đỏ” đã đứng cao hơn núi máu xương chiến trường. Những ngày này hoài niệm đạn bom lên tiếng để hiện thực lặng im, rằng đất nước của vị tướng vĩ đại đã thắng trong chiến tranh và thua trong hòa bình. Gần nửa cuộc đời sau của ông là bằng chứng lặng lẽ của hiện thực ấy.
Theo ông ra đi là những hi vọng tìm một điểm tựa tầm cỡ khai quốc công thần cho một hành trình cứu quốc mới, đưa Việt Nam ra khỏi vòng tròn ma quái của nghèo hèn, lạc hậu, băng hoại, phụ thuộc, chuyên chế và hỗn loạn. Dù chỉ lên tiếng một số lần, có thể là quá thưa thớt và yếu ớt so với mong đợi, và không bao giờ chạm lằn ranh cho phép của thể chế, ông đã là một biểu tượng, một chỗ dựa tinh thần, một uy quyền đạo đức trong một khung cảnh thiếu vắng mọi điểm tựa. Dù chưa từng có một ảnh hưởng quyết định nào với nền chính trị Việt Nam và quá khiêm nhẫn để đột phá và cách tân, ông đã là một địa chỉ của hi vọng cải cách.
Theo ông ra đi là thời đại đã thành cổ điển của những đại tự sự giải phóng dân tộc, chống thực dân, chống đế quốc, chống phong kiến, cách mạng vô sản và chủ nghĩa cộng sản như nấc thang tiến hóa cuối cùng của nhân loại. Một thời đại đầy xung đột, lầm than, bạo lực. Một thời đại đầy ấu trĩ, cuồng tín, u mê. Song cũng đầy những vẻ đẹp của niềm tin giản dị và hùng tráng bởi những nhân cách và tầm vóc phi thường. Thời đại ấy đã cáo chung ngay khi ông còn sống. Bây giờ ông có thể cùng thời đại của mình yên nghỉ. Một cuộc đời dài có thể vắt qua hai thế kỉ, song không một vĩ nhân nào trong lịch sử đóng được dấu ấn lên hai thời đại kề nhau.
Kính cẩn vĩnh biệt ông. Vĩnh biệt một thời đại. Cầu cho thời đại hôm nay không còn cần đến những vị tướng và những chiến trường.
© 2013 pro&contra

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét