Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Lượm tin tức

CHÍNH TRỊ-PHÁP LUẬT
- Hề quá! PVV: Bà Tô Linh Hương thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT (CafeF). Vụ nầy có thể nhiều bà con không biết. Đây là con gái rượu của Trưởng ban Tổ chức TƯ Tô Huy Rứa. Mấy tháng trước có thể có tụi “các thế lực … kình địch” nó lừa cháu vô nắm chức vụ quan trọng đó, xa lạ với chuyên môn báo chí của cháu, đề làm ảnh hưởng uy tín bác Rứa giữa lúc bác cần làm gương cho đợt chỉnh đốn đảng. Giờ thì cháu cắn răng “thôi chức” là khôn ngoan rồi. Bữa nào chỉnh đốn xong, thiếu gì chỗ ngon hơn.
KINH TẾ
- Toàn cảnh kinh tế-tài chính 22-6-2012 (VF). VĂN HÓA-THỂ THAO
- Người kể chuyện đồng cảm (SGTT). GIÁO DỤC-KHOA HỌC
XÃ HỘI-MÔI TRƯỜNG
- Người dân vùng ‘bệnh lạ’ được cấp thuốc… lạ (VNN). “…nhiều loại thuốc không có nhãn phụ, bên ngoài ghi toàn tiếng Trung Quốc”. QUỐC TẾ
- Tổng thống Assad sẽ được miễn trừ nếu từ bỏ quyền lực? (MSN News/DT).  – Giới chóp bu Syria sắp “đào tẩu hàng loạt” (NLĐ).  – Tổng thống Assad ‘cấm bay’ để tránh phi công đào ngũ (ĐV). – Nga, Mỹ đua nhau tuồn vũ khí vào Syria? (VnMedia).  – Syria: Đối đầu Đông – Tây (CAND).

MƯỜI LÝ DO KHIẾN CÁC QUỐC GIA TAN RÃ


Viết blog hơn 3 năm, hôm nay mới có một bạn trẻ xung phong dịch bài để mang thông tin đến cộng đồng. Tôi xin thay mặt bạn đọc blog này cảm ơn TRANG LA, người đã dịch bài viết rất có giá trị này.
Bài viết gốc: 10 reasons countries fall apart.
Bài viết của hai tác giả, DARON ACEMOGLU một giáo sự về kinh tế của MIT và  JAMES A. ROBINSON một giáo sư về chính phủ của Harvard trên trang Chính sách Ngoại giao của Hoa Kỳ.
Các nhà nước không thể sụp đổ chỉ trong một đêm. Mà nguyên nhân tan rã nằm ở các tổ chức chính trị của chúng.

Một số quốc gia tan rã một cách nghiêm trọng, do sự sụp đổ hoàn toàn của mọi cơ quan nhà nước, như trường hợp của A Phú Hãn sau khi Liên Xô rút lui, với vụTổng thống Mohammad Najibullah(1) bị treo cổ ở cột đèn, hay như cuộc nội chiến kéo dài cả thập kỷ ở Siera Leone, nơi mà chính phủ hoàn toàn không tồn tại.

Tuy nhiên, đối với phần lớn các đất nước đã sụp đổ, quá trình này không diễn ra ào ạt mà âm ỷ. Không phải bằng thảm họa chiến tranh và bạo lực, mà chúng sụp đổ bởi không còn có thể tăng trưởng bằng cách lợi dụng tiềm năng to lớn của xã hội, đẩy người dân vào cuộc đời nghèo túng. Sự lụn bại một cách chậm chạp và thê thảm này khiến nhiều nước ở vùng cận sa mạc Sahara ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh có mức sống thấp hơn rất nhiều so với các nước phương Tây.

Đáng buồn là sự sụp đổ này được nhìn thấy trước. Các quốc gia sụp đổ vì chúng được điều hành bằng thứ gọi là các thể chế kinh tế “bóc lột”, những thứ phá hủy động lực, không khuyến khích phát minh và làm thui chột nhân tài bằng cách tạo ra sân chơi không công bằng và cướp đi cơ hội của họ. Các thể chế rơi vào tình cảnh này không phải bởi sai lầm mà là do có mục đích là: vì lợi ích của các tầng lớp hưởng lợi phần lớn từ công cuộc “bóc lột” - bất kể là dưới dạng tài nguyên có giá trị, bóc lột sức lao động hay bảo vệ các nhóm độc quyền - làm thiệt hại thuộc về xã hội. Tất nhiên, các tầng lớp này cũng hưởng lợi từ các thể chế chính trị gian lận, giữ quyền điều hành hệ thống sao cho có lợi cho họ.  
Nhưng các quốc gia được xây dựng dựa trên sự bóc lột tất yếu phải sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ hoàn toàn của bộ máy tham nhũng và thường để lại hậu quả nặng nề. Hàng năm chỉ số sụp đổ quốc gia (Failed States Index) cho thấy các số liệu thống kê đáng buồn về quá trình này. Dưới đây là luận giải của chúng tôi về 10 cách mà việc sụp đổ xảy ra.
1. Bắc Triều Tiên: Không có quyền sở hữu tài sản
Các thể chế kinh tế của Bắc Triều Tiên khiến phần lớn mọi người không thể sở hữu tài sản; nhà nước sở hữu tất cả, bao gồm gần như toàn bộ đất đai và vốn (tư bản). Nông nghiệp được tổ chức theo các nông trại tập thể. Mọi người làm việc dưới sự chỉ đạo của Đảng Lao động Triều Tiên, thay vì bản thân họ, điều này triệt tiêu động lực vươn tới thành công của họ.
Bắc Triều Tiên lẽ ra có thể giàu có hơn. Năm 1998, một tổ chức Liên Hợp quốc tìm thấy rất nhiều máy kéo, xe tải và các nông cụ khác của đất nước này đơn giản là không được sử dụng hoặc không được gìn giữ. Bắt đầu từ thập niên 1980, nông dân được phép sở hữu các lô đất nhỏ và được bán các sản phẩm do họ trồng trọt. Nhưng ngay cả điều này cũng không tạo ra nhiều động lực cho họ ở một nơi không có quyền sở hữu tài sản. Năm 2009, chính phủ đưa ra một cuộc đổi tiền và chỉ cho phép người dân được đổi từ 100,000 tới 150,000 won tiền cũ sang đồng tiền mới (số tiền này chỉ còn tương đương với 35-40 đô la Mỹ theo tỷ giá chợ đen). Người dân bắc Hàn đã nhận ra rằng, những khối tài sản tích cóp cả đời lao động nhọc nhằn của họ bỗng chốc trở thành vô giá trị.
Bắc Hàn không chỉ suy tàn về kinh tế - trong khi Nam Hàn tăng trưởng mạnh mẽ - mà cư dân ở đây còn thực sự suy sụp về cả sức khỏe. Bị mắc kẹt trong vòng quay kiệt quệ này, công dân Bắc Hàn chẳng những nghèo hơn rất nhiều so với người Nam Hàn mà còn thấp hơn 3 inches so với chiều cao trung bình của đồng bào mình đã bị chia cắt trong suốt sáu thập kỷ qua.
2. Lao động cưỡng bức ở Uzbekistan
Cưỡng chế là một cách chắc chắn để dẫn đến sụp đổ. Mặc dù cho tới ngày nay, lịch sử nhân loại vẫn ghi nhận phần lớn nền kinh tế đã từng dựa vào sự bóc lột công nhân: chế độ nô lệ, nông nô và các hình thức cưỡng bức lao động khác. Trên thực tế, danh mục các chính sách buộc con người làm việc mà họ không muốn làm cũng dài như danh mục các xã hội dựa trên những chính sách ấy. Việc cưỡng bức lao động cũng là căn nguyên làm vắng bóng phát minh và tiến bộ khoa học công nghệ ở phần lớn các xã hội này, từ La Mã cổ đại cho tới Nam Mỹ. 
Uzbekistan hiện đại là một ví dụ hoàn hảo cho kịch bản kinh điển này. Bông là một trong những hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Uzbekistan. Trong tháng Chín, thời điểm quả bông chín, trường học vắng bóng trẻ em bởi chúng bị buộc phải đi thu hoạch. Thay vì là người giảng dạy, giáo viên lại trở thành nhà tuyển dụng lao động. Trẻ em được đưa ra hạn mức sản lượng hàng ngày từ 20 đến 60 kg bông thu hoạch, tùy vào độ tuổi. Đối tượng hưởng lợi chính từ hệ thống này là Tổng thống Islam Karimov và bè đảng của ông ta, những kẻ kiểm soát việc sản xuất và buôn bán bông. Người chịu thiệt thòi không chỉ là 2.7 triệu trẻ em bị cưỡng bức lao động trong điều kiện khắc nghiệt trên những cánh đồng bông thay vì được đến trường, mà còn là cả xã hội Uzbekistan không thoát khỏi cảnh nghèo đói. Thu nhập đầu người của Uzbekistan ngày nay không khá hơn bao nhiêu so với con số thấp kém kể từ thời Liên bang Xô viết sụp đổ - ngoại trừ thu nhập của gia đình Karimov, nhờ vào kiểm soát lĩnh vực thăm dò khí đốt và dầu nội địa, vẫn đang tăng trưởng tốt.
3. Nam Phi: Một sân chơi bất bình đẳng
Năm 1904 ở Nam Phi, ngành khai khoáng đã tạo ra một hệ thống đặc quyền đặc lợi trong lao động. Kể từ đó, chỉ có người châu Âu mới được làm nghề thợ rèn, thợ đóng gạch, sản xuất nồi hơi - bất kể tay nghề công việc hay chuyên môn như thế nào. “Thước đo màu da” này, theo cách gọi của người Nam Phi, đã được áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế từ năm 1926 và chỉ kết thúc vào thập niên 1980s, nó đã cướp đi của những người da đen Nam Phi mọi cơ hội được sử dụng kỹ năng và tài năng của họ. Họ bị buộc làm việc như những lao động không có tay nghề trong các hầm mỏ và trong ngành nông nghiệp - với mức lương rất thấp, tạo ra lợi nhuận khủng cho giai cấp sở hữu quặng mỏ và nông trại. Không ngạc nhiên gì, Nam Phi dưới chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid đã thất bại trong việc nâng cao mức sống của 80% dân cư suốt gần một thế kỷ. Trong 15 năm trước khi chế độ Apartheid sụp đổ, nền kinh tế Nam Phi tiêu điều. Kể từ năm 1994, với sự ra đời của nhà nước dân chủ, nó đã phát triển bền vững.
4. Ai Cập: Gã khổng lồ tham lam
Một khi đã kiểm soát nền kinh tế, giai cấp lãnh đạo thường dùng quyền lực trong tay để tạo ra độc quyền và ngăn cản sự gia nhập của các cá nhân và tổ chức mới. Đây đích xác là cách mà Ai Cập đã tiến hành suốt ba thập niên dưới sự điều hành của Hosni Mubarak. Chính phủ và quân đội sở hữu phần lớn ruộng đất - theo một số ước tính, khoảng 40%. Thậm chí khi đã tiến hành “tự do hóa”, họ vẫn nắm giữ phần lớn quyền lợi kinh tế trong tay bạn bè của Mubarak và con trai ông ta Gamal. Các thương nhân thân cận với bộ máy cai trị, như Ahmed Ezz (sắt và thép), gia đình Sawiris (truyền thông, đồ uống và viễn thông), và Mohamed Nosseir (đồ uống và viễn thông) nhận được không chỉ sự bảo hộ từ Nhà nước mà còn là các giao kèo với chính phủ, và các món vay ngân hàng lớn mà không cần tài sản thế chấp.
Các tập đoàn nói trên được gọi chung là “những con cá voi”. Sự bóp nghẹt nền kinh tế của chúng tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho các cá nhân bên trong bộ máy cai trị, nhưng ngăn chặn cơ hội cho phần lớn người Ai Cập thoát khỏi cảnh đói nghèo. Trong khi đó, gia đình Mubarak tích lũy được số tài sản ước tính vào khoảng 70 tỷ đô-la Mỹ.
5. Áo và Nga: Lãnh đạo ngăn cấm công nghệ mới
Các công nghệ mới cực kỳ phiền toái. Chúng gạt đi các mô hình kinh doanh lỗi thời và khiến các kỹ năng và tổ chức hiện hành trở nên lạc hậu. Chúng phân phối lại không chỉ thu nhập và tài sản mà còn cả quyền lực chính trị. Bởi vậy các giai cấp cầm quyền có động cơ lớn để ngăn chặn quá trình đó diễn ra. Điều đó tốt cho họ, nhưng không tốt cho xã hội.
Hãy xem xét chuyện gì đã xảy ra trong thế kỷ 19, khi mạng lưới đường sắt phát triển trong khắp nước Anh và Mỹ. Khi bản đề xuất xây đường sắt được trình tới Francis I, hoàng đế Áo, ông ta vẫn còn bị ám ảnh bởi bóng ma của cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789 và ông ta đã trả lời: “Không, không, ta sẽ không làm gì để mà cuộc cách mạng có thể lan tới đất nước này”. Điều tương tự đã xảy ra ở Nga vào những năm 1860. Với việc ngăn cấm công nghệ mới, tầng lớp sa hoàng được an toàn, ít nhất trong một giai đoạn nào đó. Trong khi Anh và Mỹ tăng trưởng nhanh chóng thì Áo và Nga trì trệ. Số liệu minh chứng cho câu chuyện này là những năm 1840, nước Anh bé nhỏ có một hệ thống đường sắt dài hơn 6,000 dặm, trong khi chỉ có một đoạn đường sắt chạy trong cả lục địa Nga. Ngay cả đường ray này cũng không được xây dựng vì lợi ích của nhân dân Nga; mà nó chỉ có chiều dài 17 dặm từ St. Petersbug tới thái ấp của sa hoàng ở Tsarskoe Selo và Pavlovsk.
6. Somalia: Không luật pháp và trật tự
Một điều buộc phải có cho nền kinh tế thành công là một nhà nước kiểm soát tập trung hiệu quả. Nếu không, sẽ không có hy vọng nào cho việc thiết lập trật tự, tạo ra một hệ thống pháp luật hiệu quả, xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp, hoặc cung cấp các hàng hóa công cộng thiết yếu.
Tuy nhiên vẫn còn một phần lớn thế giới ngày nay bị thống trị bởi các xã hội phi thể chế. Mặc dù các quốc gia như Somalia hay quốc gia mới của Nam Sudan có chính phủ được quốc tế công nhận, họ vẫn thực thi rất ít quyền lực bên ngoài thủ đô của họ, thậm chí ngay cả trong phạm vi thủ đô. Cả hai đất nước này đều được xây dựng trên nền tảng xã hội mà trong suốt lịch sử chưa bao giờ có được nhà nước tập quyền mà bị phân tán thành các thị tộc, nơi các quyết định được đưa ra bởi hội đồng những người đàn ông trưởng thành. Không thị tộc nào đủ khả năng để cai trị hoặc tạo ra luật lệ được tuân thủ trong phạm vi cả nước. Không có các vị trí chính trị, không có nhân viên hành chính, không thuế, không chi tiêu chính phủ, không cảnh sát, không luật sư – hay nói cách khác, vô chính phủ.
Tình trạng này tồn tại suốt thời kỳ thuộc địa ở Somalia, khi người Anh thậm chí không thể thu được thuế thân(2), khoản mục tài khóa cơ bản cho thuộc địa châu Phi của họ. Kể từ thời kỳ độc lập vào năm 1960, đã có các nỗ lực để tạo ra chính quyền tập trung hiệu quả, ví dụ dưới thời kỳ độc tài của Mohamed Siad Barre, nhưng sau hơn 5 thập kỷ có thể nói một cách khách quan và rõ ràng rằng họ đã thất bại. Luật của Somalia có thể cô đọng như sau: Không có chính quyền kiểm soát tập trung, dẫn đến không thể có pháp luật hay trật tự; Vì không có pháp luật và trật tự, dẫn đến không thể có nền kinh tế thực; và không có nền kinh tế thực, dẫn đến một quốc gia không tránh khỏi sụp đổ.
7. Colombia: Chính phủ yếu kém
Colombia không phải là Somalia. Nhưng chẳng khác gì nhau, chính quyền trung ương Columbia không thể hoặc không sẵn sàng giữ quyền kiểm soát một nửa đất nước, để chúng rơi vào tay các du kích cánh tả, mà nổi tiếng nhất là phiến quân với cái tên gọi là Lực lượng Vũ trang Cách mạng Columbia [FARC: Revolutionary Armed Forces of Colombia (Fuerzas Armadas Revolucionarias de Colombia - the FARC)], và, những tổ chức bán vũ trang(3) cánh hữu ngày càng lớn mạnh. Các công ty dược phẩm có thể đã sẵn sàng, nhưng sự vắng bóng chính quyền trên phần lớn đất nước dẫn tới việc không chỉ thiếu thốn dịch vụ công cộng như đường xá, chăm sóc sức khỏe mà còn chẳng hề có các quyền sở hữu tài sản được định nghĩa rõ ràng và thể chế hóa.
Hàng ngàn người dân nông thôn Colombia chỉ có sổ đỏ không chính thức hoặc sổ đỏ không có giá trị pháp lý. Mặc dù điều này không làm ngưng trệ việc mua bán đất đai, nhưng nó làm suy giảm động cơ để đầu tư – và sự không chắc chắn thường dẫn tới bạo lực. Ví dụ, trong suốt thập niên 1990s và 2000s, ước tính khoảng 5 triệu ha đất đã bị tước đoạt ở Colombia, thường là bằng súng ống. Tình trạng này trở nên tồi tệ tới mức vào năm 1997, chính phủ trung ương cho phép chính quyền địa phương ngăn cấm giao dịch bất động sản ở các vùng nông thôn. Kết quả? Nhiều nơi ở Colombia không còn tham dự vào các hoạt động kinh tế hiện đại, thay vào đó là sự suy tàn trong đói nghèo, chưa kể đến việc đất đai màu mỡ trở thành nơi ẩn náu cho các phần tử vũ trang nổi dậy và các lực lượng bán vũ trang của cả cánh tả và hữu. 
8. Peru: Dịch vụ công cộng tệ hại
Calca và Acomayo gần đó là hai tỉnh của Peru. Cả hai đều ở trên núi cao, và đều là nơi cư ngụ cho các hậu duệ nói tiếng Quechua của người Inca. Cả hai đều trồng trọt giống nhau, nhưng Acomayo nghèo hơn, với mức tiêu dùng của dân chúng chỉ bằng một phần ba so với người ở Calca. Mọi người biết điều này. Ở Acomayo, họ hỏi những người nước ngoài phiêu lưu tới đây: “Ông có biết rằng người ở đây nghèo hơn người ở Calca không? Tại sao ông lại còn muốn tới đây”?
Thực vậy, tới Acomayo từ thủ phủ vùng Cusco, trung tâm của đế chế Inca cổ đại, khó hơn là tới Calca. Đường tới Calca được trải nhựa, trong khi đường tới Acomayo đang xuống cấp trầm trọng. Để di chuyển ở Acomayo bạn cần ngựa hoặc lừa - không phải do sự khác biệt phong tục, mà bởi ở đây không có đường rải nhựa. Ở Calca, họ bán ngô và đâu ở chợ để có tiền, trong khi ở Acomayo họ chỉ trồng trọt cho chính nhu cầu của mình. Người Acomayo có thu nhập chỉ bằng một phần ba so với người Calca là vì lẽ đó: Vấn đề cơ sở hạ tầng.
9. Bolivia: Lợi dụng chính trị
Bolivia có lịch sử lâu đời với các thể chế bóc lột kể từ thời kỳ Tây Ban Nha trở lại đây - một lịch sử chất chứa oán hận trong nhiều năm qua. Năm 1952, người Bolivia nổi dậy chống lại giai cấp sở hữu đất đai và mỏ quặng truyền thống. Các lãnh đạo của cuộc cách mạng này phần lớn là người dân thị thành, những người đã bị tước quyền lực và trợ cấp từ tầng lớp cai trị trước đây. Một khi đã nắm quyền, những người làm cách mạng đoạt lấy phần lớn đất đai và mỏ quặng và thành lập đảng chính trị mang tên Phong trào Cách mạng Dân tộc (MNR: Revolutionary Nationalist Movement). Sự bất bình đẳng, ban đầu đã giảm mạnh nhờ vào quá trình chiếm hữu đất đai nói trên, cũng như nhờ vào công cuộc cải cách giáo dục của MNR. Nhưng MNR đã thành lập một chính quyền độc đảng và từ từ loại bỏ các quyền chính trị mà nó đã khơi ra vào năm 1952. Vào cuối thập niên 1960, sự bất bình đẳng đã thực sự cao hơn mức trước khi có cách mạng. 
Đối với phần lớn người dân nông thôn Bolivia, giai cấp này đơn giản thay thế giai cấp kia theo cách mà nhà xã hội học người Đức Robert Michels gọi là “luật sắt của đầu sỏ”. Người dân nông thôn vẫn chỉ có quyền tư hữu tài sản rất lỏng lẻo và vẫn phải bán quyền bầu cử của họ để được tiếp cận đất đai, tín dụng hay công việc. Sự khác biệt chính yếu là thay vì làm những việc này với các điền chủ trước kia, giờ họ làm với đảng Phong trào Cách mạng Dân tộc.
10. Sierra Leone: tranh giành chiến lợi phẩm
Sự bóc lột tàn bạo là mầm mống cho bất ổn và sụp đổ bởi vì, cùng với luật sắt của kẻ đầu sỏ, nó tạo ra động lực cho các thế lực khác hạ bệ chế độ hiện tại và tước đoạt quyền lực.
Đây chính xác là những gì đã diễn ra ở Sierra Leone. Siaka Stevens và Đảng Quốc Đại của Toàn dân (APC: All People’s Congress) của ông ta đã điều hành đất nước từ 1967 tới 1985 như một thái ấp cá nhân của họ. Cũng chỉ có một thay đổi nhỏ là khi Stevens nhường ngôi, chuyển giao quyền lực cho người được bảo hộ của ông ta, Joseph Momoh, nối tiếp quá trình bóc lột đó. 
Vấn đề là sự bóc lột này gây ra bất bình sâu sắc và làm khơi dậy cuộc tranh giành quyền lực từ những thế lực khác, hy vọng sẽ giành được quyền sở hữu của cải bị cướp. Tháng Ba năm 1991, đảng Mặt trận Cách mạng Thống nhất của Foday Sankoh (Foday Sankoh's Revolutionary United Front: RUF), tiến vào Siera Leone và dìm đất nước trong một cuộc chiến tranh dân sự tồi tệ kéo dài cả thập kỷ. Sankoh và Taylor chỉ đam mê một thứ duy nhất: quyền lực, để họ có thể sử dụng, giữa các công cụ khác, để trộm cắp kim cương, và họ đã có thể làm như vậy là vì có sự cai trị mà Stevens và Đảng APC của ông ta đã thiết lập. Đất nước sớm rơi vào hỗn loạn, với cuộc chiến dân sự cướp đi mạng sống của 1% dân số và làm bị thương số người không thể đếm được. Nhà nước và các tổ chức của Sierra Leone hoàn toàn sụp đổ. Thu ngân sách giảm từ 15% tổng thu nhập quốc dân xuống còn gần như 0% vào năm 1991. Nhà nước, nói theo cách khác, không phải sụp đổ mà là hoàn toàn mất tích.

Ghi chú của chủ blog:
1. Mohammad Najibullah: là tổng thống bù nhìn của A Phú Hãn thời kỳ Liên Xô rút quân khỏi nơi này, nhưng chi viện kinh tế và vũ khí nhỏ giọt để điều khiển ổ tàn quân al Qedae và Taliban để làm đối trọng với Mỹ và phương Tây ở khu vực Trung Á và Trung Đông. Nhưng ông ta bị buộc phải từ chức vào ngày 10/4/1992, vì Liên Xô tan rã, và nước Nga khi đó không có khả năng chi viện. Taliban tấn công và ông muốn đi lưu vong, mặc dù Nga có triển khai chiến dịch giải cứu ông vào năm 1995. Nhưng vì Pakistan (Hồi Quốc) đã trở cờ sang thân Mỹ và phương Tây, nên chính quyền Pakistan đã tiết lộ thông tin tình báo cho Taliban và bắt ông giao cho nhóm Taliban vào ngày 27/9/1996. Taliban xử tử ông cùng ngày và treo thể xác ông ở cột đèn thuộc quảng trường lớn của thủ đô Kabul.

2. Thuế thân (poll tax): Ở một số nước có nền dân chủ đa nguyên, mỗi công dân phải có nghĩa vụ đóng một loại thuế gọi là thuế thân hằng năm. Thuế này chỉ mang tính tượng trưng để góp phần tài chính vào cho công việc tổ chức bầu cử? Điều này bản thân chủ blog còn mù mờ. Xin bạn đọc bổ sung thêm.

3. Lực lượng bán vũ trang (paramilitary force): là lực lượng dân quân, vừa làm ăn kiếm sống vừa được trang bị vũ khí chiến đấu.
Trang La dịch, BS Hồ Hải hiệu đính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét