Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Tại sao các dự án thầu ở Trung Quốc không có hiệu quả?

Tại sao các dự án thầu ở Trung Quốc

không có hiệu quả?

Tác giả: WC
Đỗ Quyên dịch
15-12-2011
Nếu bạn đã đọc bài báo hồi đầu tuần của tôi về sự vận hành của các mối quan hệ (guanxi) ở Trung Quốc – thì bạn hẳn biết rằng cá nhân tôi đã từng đắng họng sau một số trải nghiệm cá nhân về chuyện quan hệ này.
Trong bài hôm nay, tôi muốn chia sẻ một câu chuyện về một hợp đồng xây cầu ở Trung Quốc. Hợp đồng này đã về tay Tập đoàn Đường sắt số 9… nhưng điều xảy ra sau khi họ giành được hợp đồng là một điều mà nhiều người nước ngoài chắc chắn sẽ coi là vô đạo đức.
Cách đây vài năm, tỉnh Cát Lâm ở Trung Quốc cần xây một cây cầu. Chi phí cho dự án là 2,3 tỷ nhân dân tệ, tức là gần 360 triệu USD. Cầu dài 74,1km, và sẽ là một dự án lớn của khu vực. Gói thầu được mở, và tên người thắng được công bố. Sau đó một lát, quá trình thi công bắt đầu trên “cây cầu” này.
Cho đến tận lúc đó, câu chuyện có vẻ vẫn giống như kinh doanh bình thường. Nhưng xin bạn hãy nhớ là ở Trung Hoa, không phải mọi thứ đều trông thế nào thì sẽ là như thế.
Nhà thầu phụ của công trình cầu
Ngay khi thắng thầu, Tập đoàn Đường sắt số 9 của Trung Quốc lập tức chuyển công việc ra cho các bên khác. Theo luật Trung Quốc, công ty Đường sắt số 9 chịu trách nhiệm giám sát tất cả quá trình thi công cũng như chất lượng của nhà thầu phụ, một việc mà có lẽ họ đã quên làm.
Câu chuyện tiếp tục theo hướng, một trong các nhà thầu phụ mà công ty Đường sắt số 9 thuê là Công ty Xây dựng Jiangxi Changsha. Thật không may là hãng này không phải là “Công ty Xây dựng Jiangxi Changsha” thật, mà là một nhóm những tên ăn cắp ăn trộm và bịp bợm. Và nó chỉ tồi thêm mà thôi.
Nhóm lừa đảo này đã lại chuyển công việc cho những dân làng và người lao động vãng lai, không có chút kinh nghiệm nào về xây cầu. Một trong những người đứng đầu nhóm lao động vãng lai có tên là Lu, nghề chính của anh ta là nấu bếp.
Ông Lu nói rằng mặc dù ông không có kinh nghiệm gì nhưng chuyện đó không thành vấn đề, vì nhiều phần của cây cầu được xây bởi những nhóm nhân công trình độ cũng hệt như ông. Điều tra đã cho thấy tin này là đúng.
Người dân địa phương cho hay, họ thậm chí còn được thuê chèn đá và sỏi vào các “cột trụ”, sau đấy mới trát một hỗn hợp cát ẩm lên. Cát và đá được sử dụng thay cho bê tông. Ông đầu bếp kia không biết dùng bê tông như thế nào mà cũng không mua được bê tông.
Chuyện vỡ lở
Tờ “Tin Bắc Kinh” (Bejing News) khui câu chuyện ra, nghe nói họ có video máy xúc nhét đá vào các cây cột mỗi khi vắng mặt thanh tra. Dân làng, những người chứng kiến và có tham gia quá trình thi công nói rằng họ không bao giờ dám ngồi trên tàu hỏa đi qua cây cầu đó.
Nghe tin phản ánh về vụ việc, Tập đoàn Đường sắt số 9 nói rằng có thể họ đã chưa làm việc với trách nhiệm cao nhất.
Họ thừa nhận mình thậm chí còn chưa thẩm tra trình độ của tất cả các nhà thầu phụ, kể cả nhà thầu đã thuê ông đầu bếp nọ.
Lý do khiến họ không giám sát kỹ cả nhóm là vì nhóm đó do một ông sếp to của cục đường sắt giới thiệu.
Sự dã man trong câu chuyện này quả thật không thể tin nổi; nó cho thấy mức độ và quy mô tham nhũng ở nơi đây.
Khi các nhà thầu dự án được chọn lựa trên cơ sở người đó có thể hớt váng được bao nhiêu, thì dự án chắc chắn thất bại hoặc thậm chí có thể gây chết người. Khi có bao nhiêu người thò tay ra ngoài và còn nhiều người hơn thế sẵn sàng nhét tiền vào bàn tay thò ra ấy, thì thảo nào mà chất lượng của các dự án ở Trung Quốc lại thường bị nghi ngờ đến thế.
Tại sao ở Trung Quốc, đút lót lại có lợi?
Một cách khác để nhìn nhận sự việc này – là hãy xem bao nhiêu trong số tất cả các dự án đầu tư mới mà Mỹ rót vào Trung Quốc đã bị bóp méo đi so với mục đích ban đầu để rơi vào tay những quan chức sở tại tham nhũng?
Tôi băn khoăn không biết có bao nhiêu trong số 30-40 tỷ USD rót vào các dự án liên quan đến Thế vận hội (Olympics) quả thật đã được dùng đúng mục đích? Ở một xứ sở như Trung Quốc, chẳng ai thật sự biết câu trả lời.
Có lẽ, để nói ở Trung Quốc, đút lót, hối lộ có ý nghĩa như thế nào, tốt nhất là nghe lời tóm tắt của Qiu, một người bạn tôi, cũng làm việc với chính quyền Trung Quốc.
Một phần công việc của cô là điều tra tham nhũng ở nông thôn. Khi tôi hỏi về tham nhũng ở Trung Quốc, cô đáp: “Anh có thể coi đó như là cơ hội, là dịp may…”.
Điều thú vị nữa là, trước khi tôi viết xong bài này, có người đề nghị tôi giới thiệu người làm cho một dự án khác.
Tôi giới thiệu một công ty Trung Quốc tôi có quen. Trong lúc tôi đang tán tụng với họ về vụ kinh doanh mới này, họ mau chóng gửi ngay cho tôi một bức thư nói rằng nếu họ giành được thương vụ, họ sẽ chia lợi nhuận cho tôi theo tỷ lệ 50-50.
Kinh doanh ở Trung Quốc là như thế đó.
Tham khảo:
(1) Đồ hối lộ có thể là bất cứ thứ gì, từ những món quà nhỏ tới nhà cửa, tiền học cho con cái quan chức. Tôi sẽ thảo luận cái này trong một bài viết khác.
(2) Tạp chí Economist.
(3) Thú vị là em trai của ông Liu đã nhận án treo cho tội ra lệnh sát hại người đã buộc tội ông ta tham nhũng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét