Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Thế nào là vượt Trung?

Phạm Gia Minh - Thế nào là vượt Trung?

Phẩm chất quyết định tính vượt trội

Đối với một nước nhỏ như Việt Nam mà dám bàn tới đề tài “ vượt Trung “ thì e rằng có cái gì đó duy ý chí , thậm chí là nghịch lý và viển vông chăng ?

Thế nhưng thực tế cuộc sống với nhiều minh chứng sinh động lại cho thấy cái sự vượt này không phải là điều gì quá lạ lẫm. Trong Kinh Thánh có sự tích chàng David bé nhỏ đánh bại người khổng lồ Goliath ,  văn hóa dân gian Việt Nam từ lâu đã có câu “ tuy bé , nhưng là bé hạt tiêu “, “ nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” v.v… . Còn văn hóa Trung Hoa cũng từng khẳng định “ quý hồ tinh , bất quý hồ đa” tức là sự đời ăn nhau ở độ tinh xảo, thà có ít cái chất lượng cao còn hơn có nhiều cái phẩm cấp thấp. Với tinh thần này Bia Sài gòn ( loại chai nhỏ) có đoạn quảng cáo rất ấn tượng :” Tôi tuy không cao lớn nhưng nhiều người phải ngước nhìn”.

Vậy là trong cái vòng tuần hoàn muôn thuở Lượng chuyển hóa thành Chất của Tạo hóa thì Chất luôn ở  “ chiếu trên “ ( hay trạng thái mục tiêu ) mà Lượng cần nhắm tới để đạt được . Chất hay độ tinh nhuệ, tinh xảo tới mức nào đó hoàn toàn có thể khống chế được Lượng, dù Lượng rất đông , rất to , rất rộng và rất nhiều…

Phải có cách tiếp cận như vậy thì mới không  bị “ ngợp” để rồi  rơi vào trạng thái bi quan dẫn đến thái độ nhu nhược, đầu hàng trước chính sách bành trướng hung hăng ngày càng gia tăng của những kẻ xâm lược vốn lắm tiền , nhiều mưu mô thủ đoạn và quân đội hùng hậu. Một khi có được bản lĩnh như vậy thì mới đủ sự tự tin ,bình tĩnh và sáng suốt để phán xét một cách căn cơ, sâu sắc , toàn diện và khách quan những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân cũng như của đối phương và đề ra đối sách phù hợp.

Muốn vượt Trung cần phải hiểu Trung

Đối với bên ngoài, Trung Hoa luôn là một thế giới bí hiểm, khó lường rất khác với Thiên hạ và có lẽ không quá tự phụ khi nhận định rằng ít có ai hiểu Trung Quốc cặn kẽ như người Việt Nam. Cái sự hiểu này đôi khi đã phải trả giá bằng núi xương, sông máu và cả những thời kỳ dài đằng đẵng bị xâm chiếm, bị lệ thuộc , bị ô nhục khôn xiết . Tuy nhiên dường như kiến thức và kinh nghiệm lịch sử phong phú của chúng ta trong giao lưu và cọ sát với Trung Hoa vẫn thiếu một nền tảng khoa học mang tính khách quan và hệ thống , do đó gần như mang tính chu kỳ, quan hệ Việt – Trung hết thăng lại trầm khiến chúng ta nhiều khi bị dồn vào thế bị động, thế yếu mà lẽ ra không đáng có. Nói cách khác là chúng ta giống như một người ốm chưa có cách nào để đoạn tuyệt với con bệnh kinh niên cứ dai dẳng đeo bám gần như suốt cuộc đời. Phải chăng đây chính là cơ sở thực tiễn đầy bức xúc và trăn trở cho những cuộc tọa đàm về “thoát Trung”hiện nay ?

Khách quan mà nói không chỉ có riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng đã hoặc đang chịu thảm cảnh tương tự khi họ “ trót” ở cạnh những người hàng xóm khổng lồ , nham hiểm và tham lam. Tuy nhiên những tấm gương của các nước nhỏ vẫn có thể tồn tại trong tư thế độc lập và thịnh vượng bên cạnh những đối thủ to lớn,  đồng thời biết hóa giải mối quan hệ xung khắc thành quan hệ bình đẳng hơn giữa các đối tác là điều đáng để chúng ta quan tâm đặc biệt.

Trong bất kỳ một cuộc chơi nào cũng đều hiện diện 2 thành phần không thể thiếu đó là người chơi và luật chơi. Ở đây luật chơi là các quy định, quy ước hành vi , các ràng buộc thành văn và bất thành văn đối với nội bộ các đội chơi cùng mối tương tác giữa các đội chơi . Khi một cuộc chơi thiếu tính công bằng , lẽ thường, người ta phải thay đổi Luật chơi và thành phần người chơi.

Trong lịch sử mấy ngàn năm, cuộc chơi Việt- Trung chỉ có 2 kẻ tham dự và Luật chơi ở đây luôn dành thế thượng phong cho kẻ mạnh là Trung Hoa cho nên người chơi yếu thế là Việt Nam dù có hiểu chân tơ kẽ tóc kẻ ăn hiếp mình thì cũng đành chịu thiệt và miễn cưỡng chấp nhận thứ Luật chơi bất bình đẳng đó.

Đây là thứ Luật chơi của chế độ toàn trị Trung Hoa nơi quyền lực chính trị chi phối mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội . Thứ Luật chơi này chính là sản phẩm của mô thức phát triển kiểu phong kiến Á Châu lại được kết hợp với văn hóa đặc thù Trung Hoa mang đậm nét Đại Hán, đại bá , mưu lược thâm hậu như đã nêu trên.

Một khi phải chấp nhận Luật chơi Trung Hoa suốt mấy ngàn năm lịch sử dù miễn cưỡng, lẽ tự nhiên cách ứng xử trong nội bộ của kẻ tham gia cuộc chơi là Việt Nam cũng bị điều chỉnh cho phù hợp với thể chế toàn trị Phương Bắc.

Đây là nguyên nhân chủ yếu vì sao dù không ưa Tàu nhưng dường như chúng ta chưa bao giờ “ thoát Trung” chứ chưa nói là đã “ vượt Trung” thành công.

Do vậy, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập của thế kỷ XXI   “ thoát Trung” hay mục tiêu cao hơn nữa là “ vượt Trung” phải là áp dụng Luật chơi phổ biến của thế giới văn minh với thành phần người chơi là cả cộng đồng Quốc tế.

 Với bản chất Đại Hán, bá quyền và mưu mô thâm hậu không bao giờ chúng ta có thể thu lợi được gì khi tự giam hãm mình vào một phe “ cùng ý thức hệ” với Trung Quốc ( phe này hiện nay chỉ còn vẻn vẹn vài người chơi , chẳng hạn như Bắc Triều Tiên ). Ngày xưa khi chưa nổi lên vai trò của Quốc tế thì ông , cha ta đành cam chịu bó hẹp trong quan hệ chỉ với Thiên triều , nhưng ngày nay mà vẫn tự trói tay, nộp mình như trước thì quả là hành động thiếu tầm nhìn  không chấp nhận được !.

Vượt Trung theo diện hay theo điểm ?

Vượt theo diện tức là một sự bứt phá trên cả một phương diện nào đó và bao giờ cũng mang ý nghĩa to lớn , sâu sắc,  còn vượt theo từng điểm cụ thể tuy chỉ diễn ra trong một lĩnh vực hẹp hơn nhưng có liên hệ khăng khít và hữu cơ với vượt theo diện.

Để vượt theo diện phải cải cách thể chế chính trị- kinh tế - xã hội.

Mặc dù đạt được những thành tựu rất to lớn trong hơn 30 năm qua nhưng nền

kinh tế Trung Quốc vẫn là một thị trường với tiêu chuẩn phân phối bị méo mó do thiếu động lực sáng tạo, đổi mới thực sự vì các doanh nghiệp thấy có lợi khi chạy chọt để có quan hệ tốt với các quan chức chính quyền hơn là tập trung tạo đột phá trong công nghệ và phương pháp kinh doanh. Liên quan tới tình trạng này là nạn tham nhũng thâm căn cố đế ở mọi cấp chính quyền , sự cách biệt giàu nghèo và suy đồi đạo đức xã hội.

Thể chế kinh tế toàn trị , nơi mà nhà nước vẫn nắm phần lớn các nguồn lực và ưu tiên phân bổ cho các doanh nghiệp nhà nước , đồng thời ủy quyền quản lý sở hữu đất đai cho các đại diện của mình ( thường là không do Dân trực tiếp bầu ra ) cũng là nguyên nhân của tình trạng sử dụng vốn xã hội kém hiệu quả khiến sản sinh tham nhũng lớn và hình thành các nhóm lợi ích làm khuynh đảo đời sống chính trị- xã hội Trung Quốc ngày nay. Chính sách một con, hệ thống hộ khẩu ở các thành phố  là những tảng băng trôi ngáng đường con tàu cải cách kinh tế nhằm mở rộng thị trường tiêu dùng nội địa và thị trường lao động trong tương lai gần.

Sửa đổi những khiếm khuyết hệ thống này gần như là nhiệm vụ bất khả thi ( mission impossible ) nếu như không tiến hành cải cách sâu rộng thể chế chính trị. Đối với một đất nước đông dân và rộng lớn như Trung Hoa , cộng thêm sức ỳ của lịch sử  và thực trạng không đồng nhất về dân tộc, tín ngưỡng thì  công cuộc cải cách sẽ rất khó khăn, kéo dài và chứa đầy những rủi ro khó lường. Trong khi đó,  một yếu tố quan trọng có vai trò hỗ trợ đắc lực cho quá trình cải cách thể chế chính trị diễn ra êm thấm, tránh tối đa bạo lực và tạo nền tảng xã hội bền vững cho thể chế mới sau này là các tổ chức xã hội dân sự ở Trung Quốc lại bị bóp nghẹt .

Tiến hành cải cách toàn diện thể chế chính trị- xã hội theo hướng dân chủ hóa và hội nhập theo các tiêu chuẩn Quốc tế mà Việt nam đã ký kết tham gia chắc chắn sẽ đem lại sự vượt trội về diện so với Trung Quốc. Tầm cỡ nhỏ của chúng ta trong trường hợp này lại chính là một lợi thế rõ nét . 

Những sáng kiến trong kinh doanh, sản xuất với mục tiêu nâng cao chất lượng hàng Việt Nam, hoàn thiện hệ thống cung ứng nguyên vật liệu, phân phối hàng hóa v.v… trong định hướng xây dựng khu vực dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường  và đổi mới công nghệ, phương pháp kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường nhằm củng cố năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ tạo nên những hướng vượt trội về điểm .

Vượt trội về diện chắc chắn sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sự vượt trội về điểm . Cũng trong ý nghĩa này thì chính sự vượt trội về thể chế sẽ là tiền đề cho những cuộc vượt trội đáng khích lệ của muôn vàn điểm sáng trong kinh tế, văn hóa, khoa học- công nghệ, giáo dục, thể thao , nghệ thuật…Ngược lại , những thành công trong vượt trội về điểm cụ thể sẽ củng cố cho tiến trình vượt trội về diện nói chung.

Tuy hiện nay hàng Trung Quốc đang tràn ngập thị trường, bóp chết nhiều ngành sản xuất trong nước nhưng vẫn có những điểm riêng biệt hàng Việt Nam đã đẩy lùi thành công hàng Trung Quốc, ví dụ như bia Vạn Lực của TQ, xe máy TQ ngày nay gần như vắng mặt ở Việt Nam . Những thành công này cần được mổ xẻ , rút ra bài học để nhân rộng.

Trong khi phân tích quá trình phát triển của Trung Quốc để định ra phương hướng vượt theo diện và vượt theo điểm rõ ràng chúng ta cần nhận thức rằng:

Vượt Trung không loại trừ  việc học hỏi có chọn lọc những cái hay của Trung Quốc nhưng không bị sa  vào những cái bẫy chính sách và lặp lại mù quáng những sai lầm của Trung Quốc.

Vượt Trung là không bị lệ thuộc về hệ tư tưởng và thể chế chính trị- xã hội của Trung Quốc tuy vẫn chấp nhận sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế nhưng phải vạch ra được lằn ranh đỏ hay một hành lang an toàn cho nền kinh tế Việt Nam.


Thực hiện được quá trình vượt Trung như vậy cũng chính là đã thoát Trung một cách có định hướng nhằm hội nhập hàng ngũ các quốc gia văn minh và dân chủ hiện nay.

Con đường đi đã sáng tỏ , lòng dân đã thuận nhưng cần có quyết tâm và bản lĩnh của những người lãnh đạo
Thăng long- Hà nội 26/8/2014
Phạm Gia Minh
 Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

  (Quê Choa)

Ai đưa Nguyễn Tấn Dũng lên đỉnh quyền lực?

Trong một chuyến viếng thăm tỉnh Kiên Giang vào hai ngày 6 và 7 tháng 4 năm 2006, ông Seth Winnick, tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, đã tìm hiểu qua giới chức địa phương về thân thế một nhân vật từng có thời niên thiếu ở vùng này, đó là ông Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là phó thủ tướng Việt Nam.

Những dữ kiện thu thập trong chuyến đi được ông Seth Winnick tường trình trong công điện ngày 13 tháng 4 năm 2006, gửi về cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Ðốn, vẽ nên chân dung ông Dũng như một người con yêu của Kiên Giang, và giải thích lý do tại sao sự nghiệp chính trị của ông Dũng chỉ trong một thời gian ngắn đã lên như diều gặp gió.

Theo một công điện của Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ Sài Gòn gửi về Hoa Thịnh Ðốn, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là người có sự nghiệp chính trị rất thuận buồm xuôi gió, vì được sự hậu thuẫn của cả Lê Ðức Anh, cựu chủ tịch nước, thuộc thành phần bảo thủ, và Võ Văn Kiệt, cựu thủ tướng và là nhân vật có khuynh hướng cải tổ nặng ký nhất. (Hình: HoangDinhNam/AFP/Getty Images)

'Người con Kiên Giang'

Công điện cho biết, theo lời ông Bùi Ngọc Sương, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Kiên Giang, ông Dũng ra đời tháng 11 năm 1949 ở tỉnh Cà Mau, và sau đó theo gia đình dọn hẳn về Kiên Giang.
Ông Sương cho hay, cha của ông Dũng là một lãnh đạo cao cấp của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN), bị giết chết khi ông Dũng còn tấm bé. Sau cái chết của cha, ông Dũng cũng gia nhập MTGPMN. (Lý lịch của ông Dũng ghi rằng ông gia nhập Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam vào năm 1961, khi mới được khoảng mười hai, mười ba tuổi, và gia nhập đảng Cộng Sản vào năm 1967.)
Vẫn theo lời chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Kiên Giang, ông Dũng từng là y tá cứu thương cho MTGPMN, và trong thời kỳ chiến tranh, được lên chức đội trưởng đội phẫu thuật Kiên Giang. Ðịa bàn hoạt động của ông Dũng lúc đó là rừng U Minh, nơi một thời là thành trì vững chắc của MTGPMN.
Sau 20 năm phục vụ trong quân đội, ông Dũng giải ngũ năm 1981 với chức vụ thiếu tá, rồi được đưa về đào tạo ở Học Viện Chính Trị Nguyễn Ái Quốc của đảng CSVN tại Hà Nội, nơi ông đã lấy được bằng cử nhân luật và bằng tốt nghiệp về nghiên cứu chính trị.
Sau khi tốt nghiệp Học Viện Chính Trị, ông Dũng được bổ nhiệm làm phó Trưởng Ban Cán Bộ và Tổ Chức Tỉnh Ủy Kiên Giang.
Một đoạn trong công điện viết:
“Dũng nhanh chóng thăng quan tiến tiến chức trong hàng ngũ đảng cấp tỉnh. Chỉ trong vòng một thập niên, ông được bổ nhiệm làm bí thư Tỉnh Ủy Kiên Giang, đồng thời là thành viên Ðảng Ủy Quân Khu 9.
Năm 1986, tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ 6, Dũng được bầu là ủy viên của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng. Cuối năm 1994, ông được chuyển về Hà Nội để nhận chức thứ trưởng Bộ Nội Vụ (sau này được đổi tên thành Bộ Công An).”
Công điện cũng cho biết, với Kiên Giang, ông Dũng luôn là người con gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn.
Theo giới chức tỉnh Kiên Giang, ông Dũng thường xuyên về thăm quê và cắt cử nhiều người gốc Kiên Giang, hay thuộc đồng bằng Sông Cửu Long vào những vai trò quan trọng tại Hà Nội.
Công điện tiết lộ:
“Một nguồn tin đáng tin cậy tại Kiên Giang nói với Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ rằng, Ủy viên Bộ Chính Trị kiêm Bộ Trưởng Bộ Công An Lê Hồng Anh cũng là người được Dũng đỡ đầu và giúp trở thành người kế nhiệm ông làm bí thư tỉnh Kiên Giang, rồi sau đó ra Hà Nội.”
Cũng theo công điện, một vài người Kiên Giang khác được ông Dũng nâng đỡ.
“Dũng còn bổ nhiệm ông Huỳnh Vĩnh Ái, cựu phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Kiên Giang vào chức phó chủ tịch của Ủy Ban Thể Dục Thể Thao quốc gia, một chức tương đương với Thứ trưởng. Ở chức vụ này, Ái được trao trách nhiệm điều hành việc hợp pháp hóa một số những hình thức cá cược thể thao. Ngoài ra, Dũng cũng đưa cựu giám đốc Sở Y Tế tỉnh Kiên Giang là ông Trần Chí Liêm ra Hà Nội, và giờ đây Liêm là thứ trưởng Bộ Y Tế.”
Tả phù hữu bật
Giải thích con đường quan lộ thuận lợi của Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Lãnh Sự Seth Winnick dùng những cụm từ như “Ties of Blood” hay “Blood Debt” để mô tả thâm tình giữa Nguyễn Tấn Dũng với cả hai cánh tả lẫn hữu của đảng CSVN.
Ông Seth Winnick viết trong công điện:
“Một nguồn tin ở đồng bằng sông Cửu Long cho biết, cha của Nguyễn Tấn Dũng tử nạn vì bị Hoa Kỳ hay quân đội VNCH tấn công ngay giữa lúc đang họp với hai lãnh đạo của lực lượng nổi dậy lúc đó là Lê Ðức Anh và Võ Văn Kiệt.”
Công điện giải thích:
“Vẫn theo nguồn tin này, cả Lê Ðức Anh và Võ Văn Kiệt tin rằng họ nợ Dũng một món ‘ân oán’, và có bổn phận phải đền bù cho Dũng.
Ðó là lý do tại sao, dù có lập trường đối nghịch nhau, cả hai, Lê Ðức Anh thuộc thành phần bảo thủ, từng giữ chức chủ tịch nước từ năm 1992 đến 1997, và sau khi về hưu vẫn có rất nhiều thế lực; và Võ Văn Kiệt, cựu Thủ Tướng và là nhân vật có khuynh hướng cải tổ nặng ký nhất, đều cùng tiếp tay hỗ trợ cho sự nghiệp chính trị của Dũng.”
Công điện còn cho biết các giới chức đồng bằng sông Cửu Long, “dù không lạm bàn về khuynh hướng chính trị của Dũng,” tỏ ra “rất hãnh diện về người con yêu xứ Kiên Giang.”
Công điện ghi rõ nhận xét của người Kiên Giang về Nguyễn Tấn Dũng: “Dũng là một người bộc trực thẳng thắn, dám nói, dám làm, không ngại có những quyết định táo bạo. Thí dụ, ông là người đầu tiên trong nhóm lãnh đạo cao cấp dám gửi con qua học đại học tại Hoa Kỳ.”
Các viên chức Kiên Giang cũng đánh giá rằng, liên hệ của ông Dũng với cả cựu Chủ Tịch nước Lê Ðức Anh và cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt “giúp ông có thế để chống chỏi với áp lực từ cả hai phía bảo thủ và cấp tiến.”
Ngoài thân thế của Nguyễn Tấn Dũng, một công điện khác, từ tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, gửi về cho Bộ Ngoại Giao, ngày 5 tháng 6, năm 2009, cho thấy rõ hơn về con người này, khi mô tả việc Nguyễn Tấn Dũng từng chiếm độc quyền trang nhất của các tờ báo in cũng như báo mạng lớn, để dành cho bài ai điếu của ông, viết trong dịp giỗ đầu của cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt.
Giành giựt chức thừa kế
Công điện cho biết, “chỉ một năm sau cái chết của vị cựu Thủ Tướng cấp tiến Võ Văn Kiệt, giới ủng hộ ông Kiệt than phiền là lãnh đạo đảng cộng sản đương thời hoàn toàn phớt lờ những cải tổ mà ông Kiệt đề nghị, dù muốn bảo vệ di sản của ông.”
Cũng theo công điện, thì mặc dù tỏ ra không mấy tin tưởng vào viễn ảnh của việc cải tổ, giới trí thức Sài Gòn, kể cả những người đã dấy lên phong trào phản đối rầm rộ chính sách khai thác Bô Xít của đảng, cũng công nhận rằng “chủ trương cởi mở và sự thẳng thắn của Kiệt tiếp tục tạo cho họ nguồn cảm hứng để tiếp tục con đường cải cách, và dân chủ hóa Việt Nam mà ông đã vạch ra.”
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ đánh giá cao nỗ lực của Nguyễn Tấn Dũng trong việc “dùng hoài niệm Võ Văn Kiệt” để “làm hồi sinh hình ảnh của mình như một nhà lãnh đạo có khuynh hướng cải tổ.”
Thay vào đó, công điện nhận định rằng, người ta (giới trí thức Sài Gòn) “nói về một khoảng trống trong phe cải cách, bởi vì ngày nay, ngoài ông Kiệt ra, không ai hội đủ cả tinh thần cách mạng lẫn uy tín về cải tổ.”
Một đoạn trong công điện viết:
“Ở Việt Nam, ngày giỗ là một cột mốc quan trọng, và theo truyền thống, trách nhiệm cử hành nghi lễ giỗ hàng năm được trao cho người thừa kế.”
Vì vậy, công điện cho biết, vào ngày 28 tháng 5, giới quan tâm tại Sài Gòn đã “chau mày” trước việc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ra chỉ thị cho tất cả những báo in và các trang báo điện tử lớn, hai ngày trước ngày giỗ của Võ Văn Kiệt, phải đăng một bài viết của Dũng nhân dịp này.
Công điện nêu rõ:
“Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn được cho biết là giới truyền thông nhận chỉ thị trực tiếp từ phủ Thủ Tướng, là bài điếu văn của ông phải được đăng ở trang nhất, và không bài viết nào được đi trước bài của ông.”
Theo nhận định của đại diện Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bài viết của thủ tướng “chẳng đặc sắc gì hơn một bài tán dương lãnh đạo tiêu biểu, ca tụng ông Kiệt như một chiến sĩ giải phóng nhiệt thành, nhiều sáng kiến, đi tiên phong trong việc hòa giải dân tộc và cải cách kinh tế.”
Thế nhưng, sau khi bài viết của Dũng được công bố, “một loạt các bài viết khác đua nhau xuất hiện.”
Và, “rất nhiều bài viết cả trên báo 'lề phải' lẫn cộng đồng blog, mô tả ông Kiệt là vị lãnh đạo cuối cùng của ‘thế hệ đổi mới’: một nhà cải cách vĩ đại, hòa giải; nhưng trên tất cả, là một người ủng hộ dân chủ ở một vị trí độc đáo, có nhiều uy tín và dám công khai kêu gọi cải cách.”
Công điện cho biết thêm là những nhà quan sát chính trị tại Sài Gòn nói với tòa lãnh sự Hoa Kỳ là họ “đánh giá hành động của Dũng là một nỗ lực “khôi phục lại hình ảnh của mình như là một người ủng hộ cải cách.” Và, đặc biệt là để “thu hút sự ủng hộ của giới trí thức cổ xúy cải cách, trong thời gian gần đây đã liên tục chỉ trích chính sách khai thác bauxite tại Tây Nguyên của chính quyền.”
Tuy nhiên, công điện kết luận:
“Trong bối cảnh mà ước nguyện và tư tưởng của Võ Văn Kiệt không được mấy tôn trọng trong năm qua, mánh khóe của Dũng không những đã chẳng giúp ông kiếm được tí điểm nào trong giới trí thức mà còn phản tác dụng.”
Hà Giang
(Người Việt)

Tuyên phạt Bùi Hằng 3 năm tù giam

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/lawyer-met-bhang-first-time-ml-03312014092028.html/image.jpg/image

Ngày 26/8/2014, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 3 bị cáo: Bùi Thị Minh Hằng (sinh năm 1964) cư trú tại TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (sinh năm 1986) cư trú tại TP.Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1980) cư trú tại huyện An Phú, tỉnh An Giang về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 Bộ Luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tin kết quả phiên tòa: Tòa tuyên án

Bùi Thị Minh Hằng: 3 năm tù giam
Nguyễn Văn Minh: 2,5 năm tù giam
Nguyễn Thị Thúy Quỳnh: 2 năm tù giam

Tránh Xa 12 Tật Xấu, Thể Hiện Của Trì Trệ

business-hero Lãnh Đạo Phải Lo Tránh Xa 12 Tật Xấu, Thể Hiện Của Trì Trệ
Là một doanh nhân giỏi không chỉ có cần có sức khỏe về mặt thể chất; mà sức khỏe về mặt tinh thần là cực kỳ quan trọng. Sau đây là 12 điều mà những doanh nhân có tinh thần thép không bao giờ làm.
1. Than phiền về số phận
Những người có tâm lý vững chắc không bao giờ than phiền về hoàn cảnh của họ. Họ luôn chịu trách nhiệm về hành động và kết quả hành động của mình. Họ thấu hiểu rằng cuộc sống là không công bằng cho nên họ luôn cố gắng học hỏi từ những vấp ngã thông qua khả năng nhận thức và lòng biết ơn thay vì ngồi một chỗ “than thân trách phận”.

2. Trao quyền cho người khác

Những người có tâm lý vững rất kỵ trao quyền quyết định cho người khác. Họ luôn muốn tự mình kiểm soát và không ai khác có thể có quyền điều khiển hành động và cảm xúc của họ.

3. Né tránh sự thay đổi
Họ luôn chấp nhận sự thay đổi và sẵn sàng đương đầu với những thách thức. Nỗi sợ lớn nhất của họ là sự tự mãn và trì trệ. Một môi trường đòi hỏi sự thay đổi, thậm chí không an toàn là động lực lớn để họ làm việc có hiệu quả nhất.

4. Tiêu tốn năng lượng vào những thứ không thể kiểm soát

Họ không bao giở phàn nàn về tình trạng kẹt xe, mất hành lý, đặc biệt là về những người xung quanh khi tất cả những điều này đều nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Trong một tình huống ngoài ý muốn, họ nhận ra rằng điều mà họ có thể kiểm soát được chính là cách họ phản ứng với sự việc.

5. Làm hài lòng mọi người

Những người có tinh thần thép không bao giờ cố gắng làm hài lòng tất cả những ai họ gặp. Họ hành xử tử tế và công bằng và làm hài lòng những người xung quanh một cách thích hợp, nhưng không ngại lên tiếng mặc dù họ biết làm thế có thể khiến người khác không hài lòng.

6. Sợ rủi ro

Chấp nhận rủi ro hoàn toàn khác với “lao đầu” vào rủi ro một cách ngu ngốc. Và những người có “tinh thần thép” là những người biết chấp nhận, tính toán kỹ càng các rủi ro và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra khi làm việc.

7. Sống trong quá khứ

Họ không để mình chìm đắm trong những thất bại hoặc ngủ quên trên “thời hoàng kim” của quá khứ. Thay vào đó, họ tập trung và bỏ công sức vào hiện tại và tương lai.

8. Lập lại sai lầm

Định nghĩa về “sự điên rồ” là làm đi làm lại một việc nhiều lần mà lại mong đợi một kết quả khác và tốt hơn. Những người “tinh thần thép” không ngại học hỏi và rút kinh nghiệm từ sai lầm. Nghiên cứu cho thấy khả năng biết tự nhận ra lỗi lầm và điểm yếu của bản thân là một trong những điểm mạnh lớn nhất của các doanh nhân.

9. Ganh tỵ với sự thành công của người khác

Không phải dễ để có thể vui và mừng cho thành công của người khác một cách thật lòng, nhưng những người có tinh thần thép lại có được khả năng ấy. Họ không ganh tỵ hay ganh ghét khi người khác đạt được thành công. Thay vào đó, họ sẽ xem xét và học hỏi những gì người khác đã làm để thành công như thế. Rồi từ đó họ làm việc thật chăm chỉ để tạo cơ hội cho chính mình.

10. Bỏ cuộc khi thất bại

Mỗi một thất bại một cơ hội để phát triển. Ngay cả những doanh nhân nổi tiếng cũng phải thừa nhận rằng những nỗ lực ban đầu của họ mang lại rất nhiều thất bại. Những cá nhân có tâm lý vững chắc không né tránh thất bại. Họ sẵn sàng chấp nhận thất bại khi cần thiết, miễn là những bài học từ sự vấp ngã giúp họ bước thêm để đến gần hơn mục tiêu.

11. Sợ cô đơn

Họ trân trọng những khoảng thời gian một mình để đánh giá bản thân và lập kế hoạch. Quan trọng nhất là họ không phụ thuộc vào người khác để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chính mình. Họ vui vẻ khi ở bên những người khác nhưng họ cũng có thể làm thế khi chỉ có một mình.

12. Mong đợi có kết quả ngay

Cho dù đó là một kế hoạch tập luyện thể dục, chế độ dinh dưỡng hay bắt đầu một kế hoạch kinh doanh, những người có tinh thần thép sẽ kiên trì cho đến cùng. Họ không hề mong đợi nhận được thành quả ngay lập tức. Họ hiểu, muốn có thành quả lớn sẽ phải mất thời gian.
Kristen Nguyen
(Blog Alan Phan) 

Nghi Ngờ Có Vụ Thảm Sát Người Hồi Giáo ở Miền Tây Trung Quốc

 Những lãnh đạo người Duy Ngô Nhĩ bên ngoài Trung Quốc nói rằng hàng ngàn người đã thiệt mạng trong hành động trả thù này.
Nhân viên cảnh sát bán quân sự Trung Quốc được trang bị vũ khí, đứng gác dọc theo một đường phố ở Urumqi, thủ phủ quê hương của Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương ,Trung Quốc, vào ngày 23/05/2014 tình trạng bạo lực và bắt bớ ở Tân Cương tiếp tục trong suốt tháng Ramadan, có hơn 100 và có thể là hàng ngàn người chết ở Kashgar vào ngày cuối cùng của tháng lễ. (Goh Chai Hin / Getty Images)
 Các lãnh đạo người Duy Ngô Nhĩ  bên ngoài Trung Quốc đã khẳng định rằng có một vụ thảm sát với con số thương vong lên đến hàng ngàn người diễn ra tại tỉnh Tân Cương  phía Tây Trung Quốc, quê hương của dân tộc thiểu số Hồi giáo.
Sự việc xảy ra ngày 28 tháng 7 vào những ngày cuối của lễ hội Hồi giáo Ramadan và được cho là một sự trả đũa cho những hành động bạo lực của người Duy Ngô Nhĩ chống lại chính quyền Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc cho biết họ đã bắn chết những người Duy Ngô Nhĩ đang cầm dao và rìu một cách hung hăng. Theo báo cáo chính thức, số người chết đã tăng từ 59 đến gần 100 người sau khi vụ việc xảy ra.
Nguồn tin từ người Duy Ngô Nhĩ cho biết chính quyền cộng sản có thể đã đánh bom ba ngôi làng và gửi các đội SWAT đến để tiêu diệt những người sống sót, theo báo cáo chưa được xác minh.
Ngày 5 tháng 8, bà Rebiya Kadeer, lãnh đạo Duy Ngô Nhĩ lưu vong và là chủ tịch của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Á Châu Tự Do: “Chúng tôi có bằng chứng trong tay ít nhất 2.000 người Duy Ngô Nhĩ trong khu phố của thị trấn Elishku đã bị giết bởi lực lượng an ninh Trung Quốc vào ngày đầu tiên [của sự việc] và họ đã ‘dọn sạch’ các xác chết vào ngày thứ hai và thứ ba trong giờ giới nghiêm đã được áp đặt”. Vụ tàn sát được cho là đã diễn ra vào ngày 28 tháng Bảy.
Bà cho biết các bằng chứng bao gồm “tin nhắn thoại được ghi âm từ những người trong khu phố và lời khai được viết lại chính xác về những gì đã xảy ra tại thị trấn Elishku của quận Yarkand trong vụ thảm sát này.”
Ông Alim Seytoff, Chủ tịch Hiệp hội Duy Ngô Nhĩ Mỹ cho biết, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Chúng tôi đã nghe những câu chuyện khác nhau từ những người dân khác nhau”.
“Chúng tôi biết các lực lượng an ninh Trung Quốc sử dụng vũ lực ngoài vòng pháp luật trong cuộc tấn công và giết người này… họ đã hạ thấp con số người chết. Chúng tôi đã được nghe con số này vài lần và thực tế nó cao hơn rất nhiều so với con số báo cáo của chính phủ Trung Quốc. Rõ ràng là chúng tôi không thể gửi người vào đó để xác minh số người chết là bao nhiêu”.
Ông nói thêm: “Chính phủ Trung Quốc về cơ bản đã tiến hành một vụ thảm sát trong khu vực này, khả năng này khá chắc chắn”.
Việc sử dụng Internet, tin nhắn văn bản, và điện thoại di động trong khu vực đã bị chặn. “Chúng tôi đang nghĩ đến việc chính phủ Trung Quốc muốn phi tang sạch các chứng cứ, đảm bảo không có gì lọt ra ngoài từ những gì họ đã làm, và đồng thời đổ lỗi cho người Duy Ngô Nhĩ.”
Một nguồn tin địa phương, là một người phụ nữ kinh doanh, nói với RFA trong một báo cáo riêng biệt “Cảnh sát, côn đồ, và thường dân đã chết có thể lên đến hơn một ngàn người”.
“Tổ chức này [chỉ những kẻ tấn công] có bom và súng. Họ làm nổ bất cứ nơi nào họ muốn. Họ đâm người bằng dao lớn. Một số trong số đó là người Tân Cương địa phương và một số là từ bên ngoài đất nước. Các doanh nghiệp của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “
“Nơi chúng tôi ở đây cũng giống như Iraq bây giờ” cô nói, “Internet thì lúc được lúc không. Điện thoại di động của tôi bây giờ thậm chí còn không thể gửi tin”.
Bà cũng chỉ ra rằng số người Ngô Duy Nhĩ thiệt mạng là vài trăm. “Các nhà chức trách sẽ không báo cáo số người chết đầy đủ, bởi vì một khi số người chết vượt quá một số lượng nhất định, đội gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc sẽ đến đây.”
Ngày lễ Ramadan bị đàn áp
Trong suốt tháng Ramadan, một tháng lễ thiêng liêng đối với các tín đồ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ thuộc vùng Tân Cương, một cuộc đàn áp ngày càng leo thang được ban hành bởi chính quyền và đã ban hành một lệnh cấm việc nhịn ăn và các nghi lễ tôn giáo khác, theo đó là những hạn chế về ăn mặc, đi lại và tụ họp.
Theo lời một nhà phê bình, để ngăn chặn bạo lực ở vùng Tân Cương, nhiều luật lệ hà khắc – bắt nguồn từ sau cuộc tấn công vào một ngôi chợ ở Urumqi làm 43 người thiệt mạng vào tháng năm – đã làm gia tăng sự  phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ trước sự cai trị của Trung Quốc.
Trong suốt tháng Ramadan, học sinh và các quan chức chính phủ bị cấm nhịn ăn. Một vài học sinh kể rằng họ đã bị bắt phải ăn sáng.
Chính quyền đã cấm trẻ em dưới 18 tuổi đi vào nhà thờ Hồi Giáo và biến việc truyền giáo thành một việc làm trái pháp luật. Các nhóm nhân quyền cáo buộc chính quyền Trung Quốc cố gắng xóa bỏ bản sắc Hồi giáo hàng năm trong khu vực trong thời gian của lễ hội Ramadan.
Đài phát thanh Á Châu Tự Do cho biết, người dân đã thấy có sự gia tăng tuần tra vũ trang đường phố và cảnh sát đã bắt hàng trăm nghi phạm và giam giữ 40 “nhóm khủng bố”.
Tòa án khu vực trong khu vực Kashgar tổ chức các phiên tòa mở vào ngày 30 tháng 6, một ngày sau khi bắt đầu tháng lễ Ramadan và 113 tù nhân đã bị kết án. Bốn người đã được thả về cuộc sống bình thường. Trong một phiên tòa bí mật, hơn 17 người đã bị kết án vào cuối tháng vì phản đối việc bắn chết một thiếu niên.
Một phụ nữ nói với RFA: “Gần đây, có 17 người bị giam giữ, trong đó có hai anh em của tôi và các họ hàng khác – đã bị đưa tới một “phiên tòa khép kín” ở Kelpin, chính quyền kết án họ về tội chống nhà nước “.
Các vụ ám sát
Vào ngày 30, một vị Imam người Duy Ngô Nhĩ được chính phủ chỉ định, người đứng đầu nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở Trung Quốc, đã bị đâm chết ở Kashgar.
Một giáo viên địa phương nói với RFA rằng nhiều người Duy Ngô Nhĩ không thích vị Imam bởi vì ông ta ủng hộ chế độ trong các cuộc bạo loạn của người Duy Ngô Nhĩ và hay phê bình sự kháng cự của người Duy Ngô Nhĩ đối với sự cai trị của Trung Quốc. Tân Hoa Xã nói rằng cảnh sát đã giết chết hai nghi phạm và bắt giữ kẻ tình nghi thứ ba trong cái chết của Imam.
Đã xảy ra một vụ ám sát người vợ chính thức của một Đảng viên người Duy Ngô Nhĩ vào 19 tháng 7, đây rõ ràng là để trả thù việc một cảnh sát đột kích trong một buổi thờ cầu nguyện Hồi giáo ngày hôm trước, trong đó có vị Đảng viên đó chính thức tham gia. Vị quan chức này bị thương nặng.
Sáu nông dân người Hán đã bị đâm chết vào ngày 9 tháng 7 và cảnh sát đã giết chết một kẻ tấn công Duy Ngô Nhĩ bị nghi ngờ, trong khi ba nghi phạm khác bị bắt. Những người này đã mua những khu đất lớn và được coi là những người giàu có trong khu vực, RFA cho biết.
Các quan chức cộng sản đã đề ra các quy định hạn chế đi lại cứng nhắc khi sử dụng xe buýt và hàng không ở Tân Cương, cấm hành khách xe buýt mang bật lửa và thậm chí với những lệnh cấm khắt khe hơn đối với các thùng chứa sữa chua ở Urumqi. Các nhà chức trách lo sợ các thùng đựng sữa chua có thể được sử dụng cho những quả bom tự chế.
Carol Wickenkamp, Epoch Times
(Đại Kỷ Nguyên) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét