Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Chế độ ràng buộc pháp lý mềm

CÔNG BỐ Ý KIẾN MỘT ĐẢNG VIÊN THƯỜNG VỀ VIỆC ÔNG LÊ HỒNG ANH ĐI TRUNG QUỐC

 Boxitvn

Nguyễn Khắc Mai
82 tuổi đời, 55 tuổi đảng
Báo chí trong nước, ngoài nước đưa tin : Ông Lê Hồng Anh UV BCT, phái viên đặc biệt của TBT Nguyễn Phú Trọng, theo lời mời của ĐCSTQ, đến Bắc kinh trong hai ngày 26 và 27 tháng Tám này. Mục đích để làm dịu tình hình, không để tái diễn các vụ việc căng thẳng như vừa qua, phát triển quan hệ lành mạnh, ổn định lâu dài quan hệ giữa hai đảng, hai nước.

1. Thời gian gần đây có nhiều đảng viên thường (để nói họ không ở trong các cấp ủy) lên tiếng công khai bàn công việc của đảng, của Đất nước. Đó là dấu hiệu đáng mừng. Đáng tiếc là trong đảng không có những sinh hoạt, diễn đàn cho bàn luận, đăng công khai các ý kiến đó trên những phương tiện thông tin của đảng. Báo Nhân dân dù có có tiêu ngữ “tiếng nói của Đảng”, nhưng cũng chưa bao giờ đăng ý kiến “khác” của đảng viên, thành ra tiếng nói đó chỉ là của một số nhỏ, chưa thể gọi là của Đảng được. Tôi hy vọng tới đây sẽ được sửa sai. Về điều này quả nhiên là không bình thường trong hệ thống “cộng sản” (tôi phải để trong ngoặc kép là có lý của nó, xin xem ý kiến trong bài Minh triết C. Mác và những nghịch lý cộng sản). Còn nhớ cách đây 25 năm tôi đã ghi lại trong sổ tay câu nói đã bị vùi lấp của F. Ăng ghen, mà tôi cho là một dự báo sâu sắc: “Phải chấm dứt ngay một tình hình tế nhị. Cớ sao những đảng viên thường, thay cho coi các quan chức của mình là “đầy tớ”, để bảo ban, phê bình, lại coi họ như là đám-quan liêu-không bao giờ-mắc sai lầm”. Tôi cho đó là định nghĩa rất xác đáng về những ban lãnh đạo của những đảng cộng sản theo quốc tế III của Lê nin.
2. Đồng chí Lê Hồng Anh đi TQ chủ yếu là với tư cách của đảng. Hai đảng cầm quyền có thể trao đổi với nhau thoải mái. Nhưng những vấn đề “quan hệ giữa hai nước”, nếu đ/c lại cam kết, hứa hẹn, thậm chí ký kết những vấn đề quan hệ giữa hai nước thì đ/c đã lạm quyền, có thể bị kết tội là vi phạm luật pháp. Nói như cụ Hồ, đảng phải văn minh, thì đúng ra những việc của Đất Nước ban lãnh đạo của đảng phải bàn cho kỹ, cho nát nước ra, kết luận rồi giao cho những đảng viên có tư cách nhà nước, như Bộ trưởng ngoại giao, Thủ tướng, Phó thủ tướng… thực hiên. Rồi lại phải đưa về Quốc hội phê duyệt. Cuộc đi này của đ/c chỉ được coi như tiền trạm, sơ bộ bàn với TQ những vấn đề ta muốn giải quyết. Khi về phải đưa ra BCH TW bàn thảo có quyết nghị, rồi trình với QH. Những ký kết gì giữa hai nước, hai nhà nước phải do Chính phủ hoặc Chủ tịch Nhà nước ký kết. Không để lặp lại những sai lầm như từng xảy ra ở Thành Đô. Huống nữa, tôi nghe nói sẽ có một cuộc họp BCH TƯ bàn về những vấn đề quan hệ với TQ, mà chưa thấy họp, thì nội dung của cuộc đi này của đ/c rõ ràng là chưa được chuẩn bị kỹ càng. Khi về đ/c Anh phải báo cáo với BCH TƯ và cho toàn Đảng biết. Sau đó phải đệ trình cho QH, Chủ tịch Nhà nước và Chính phủ để Nhà nước xử lý.
3. Tôi nghe nói đồng chí cũng có nhiệm vụ xin lỗi xin phải, bồi thường nhân đạo cho những doanh nghiệp và công nhân TQ bị thiệt hại do những hành động cực đoan bị kẻ xấu tổ chức và xúi dục. Dư luận nghi rằng chính bọn tay sai nằm vùng của TQ mới là kẻ chủ mưu. Nhưng không biết đ/c có dám “thưa với thiên triều” rằng quân của họ vẫn hành xử như hành động hải tặc, đánh đập, đâm chìm, cướp bóc máy móc, ngư cụ và cả hải sản của ngư dân Việt Nam. Hành động hải tặc của phía TQ thường xảy ra với ngư dân ta là một trong vô vàn hành động gây “căng thẳng” của phía TQ. Liệu đ/c có đòi họ phải chấm dứt những hành động như thế và cũng đòi họ phải bồi thường cho ngư dân VN hay không? Phải chấm dứt những hành động này thì mới giảm căng thẳng được.
4. Để “ổn định”quan hệ hai nước và giảm căng thẳng trên Biển Đông. Đúng. Rất cần. Không chỉ cho VN, cho cả TQ và cả lợi ích quốc tế và khu vực. Vấn đề then chốt là Trung quốc chấm dứt chính sách bá quyền đại Hán, trả lại nguyên trạng cho biển Đông, từ bỏ đường “lưỡi bò” (nhiều chuyên gia quốc tế cho là đã vẽ nên bằng não trạng bò), chấm dứt hành động hải tặc với ngư dân VN. Trung quốc cần thể hiện mình như một cường quốc văn minh, có trách nhiệm với Dân tộc mình và với nhân loại bằng một trình độ văn hóa mới trong nền chính trị khu vực và thế giới. Việt Nam phải học bài học của Thánh Gióng, phải lớn mạnh nhanh lên để có mối quan hệ tốt đẹp với TQ, mà chính TQ cũng sẽ hưởng lợi ích từ điều này, mà cả an ninh, hòa bình khu vực và thế giới cũng đều có lợi.
N.K.M.
Tác giả gửi BVN

Chế độ ràng buộc pháp lý mềm

 Boxitvn

Kirill Rogov
Phạm Nguyên Trường dịch
Lời người dịch: Sở thảo về kinh tế chính trị học của chủ nghĩa tư bản nửa mùa hay là những cạm bẫy vô hình nhưng vô cùng lợi hại mà các nước hậu cộng sản cần phải vượt qua.
Hiện nay có hai luồng ý kiến về chế độ xã hội và thể chế chính trị của nước Nga được nhiều người chia sẻ. Thứ nhất, hiện tượng tham nhũng tràn lan trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội và chất lượng cực kỳ thấp của tất cả các thiết chế hiện hành (mà trước hết là các thiết chế pháp luật). Đấy là ý kiến của những người có những quan điểm chính trị và địa vị xã hội khác nhau, cả người bán hàng, người đối lập chính trị, quan chức cấp thấp lẫn các chính trị gia đều đồng ý như thế. Thứ hai, luồng ý kiến này cũng rất thịnh hành, đấy là: do những nguyên nhân khác nhau, hoàn cảnh này gần như không thể nào thay đổi được. Nói cách khác, việc công nhận tình trạng tồi tệ trong lĩnh vực thực thi pháp luật lại không đi kèm với đòi hỏi phải có những hành động hữu hiệu nhằm chấn chỉnh nó. Nhưng đấy không phải là nghịch lý không thể giải thích được, các nhà kinh tế học gọi nó là bẫy thiết chế. Những định chế tồi tạo ra cho nền kinh tế nhiều thiệt hại to lớn và gây ra nhiều phiền toái cho người dân, nhưng dân chúng sẽ thích nghi; hơn nữa, một số người còn tìm cách lợi dụng những thiết chế tồi tệ, trong khi một số khác thì mất tự tin vào khả năng cạnh tranh của mình vì không thể nào dự đoán được tình huống. Trong hoàn cảnh như thế, người ta dễ nghĩ rằng cải thiện các thiết chế là việc làm quá tốn kém mà lợi ích thì không rõ ràng, và vì thế, mặc dù ai cũng nhận thấy tác hại, nhưng lựa chọn của họ lại là: giữ nguyên hiện trạng.

Dưới đây chúng tôi sẽ cố gắng mô tả cơ chế hoạt động của bẫy thiết chế và tính chất của chế độ đã được tạo ra và đang giữ được ổn định trong giai đoạn hiện nay. Xin được gọi chế độ đặc thù này là chế độ ràng buộc pháp lý mềm. Đây là thuật ngữ cố tình bắt chước thuật ngữ ràng buộc ngân sách mềm của János Kornai, thuật ngữ được ông dùng để mô tả những đặc trưng chủ yếu của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Kornai cho rằng ràng buộc kinh tế mềm là khuyết tật căn bản của nền kinh tế quốc doanh hoạt động theo kế hoạch, nó phản ánh tình trạng: xí nghiệp không phải chịu trách nhiệm kinh tế về những hoạt động, vì có thể được nhà nước lấy tiền ngân sách bao cấp cho các khoản chi phí của mình. Như mọi người đều biết, luận điểm của Kornai có vai trò quan trọng trong việc hình thành quan niệm về cách thức và những hạn chế của công cuộc cải tổ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa hồi cuối những năm 1980. Từ đây nhất định sẽ dẫn đến chu kỳ “tự do hoá – ổn định – tư nhân hoá”, và chắc chắn cũng sẽ dẫn đến việc chuyển từ chế độ ràng buộc kinh tế mềm sang chế độ ràng buộc kinh tế cứng, như là công thức nhằm “đưa” chủ nghĩa tư bản vào những nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Sử dụng thuật ngữ tương tự như thuật ngữ của Kornai là chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng câu chuyện đang được nói tới ở đây – ở khía cạnh nào đó – có thể được áp dụng cho những vấn đề đã được người ta giải quyết trong vòng xoáy quốc doanh hoá nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Nhưng để có thể định nghĩa và giải thích mối quan hệ này, cần phải mô tả chế độ ràng buộc pháp lý mềm trước đã.
***
Nói chung, chế độ ràng buộc pháp lý mềm là chế độ, trong đó các điều luật (luật thành văn) không chỉ để cho người ta tôn trọng mà còn để cho người ta vi phạm; nói cách khác, hành vi vi phạm mang tính hệ thống. Không thể nói rằng luật pháp không vận hành trong hệ thống đó, chúng có vận hành, nhưng vận hành theo một kiểu đặc biệt. Hệt như trong một số kiểu chơi bài với mục đích là thu được càng nhiều quân bài càng tốt, còn kiểu chơi khác thì bỏ được càng nhiều quân bài đi càng tốt, có những chế độ mà giá trị của luật pháp là để người ta tôn trọng, nhưng cũng có những chế độ mà giá trị của luật pháp là vi phạm chúng, tất nhiên là vi phạm theo những luật chơi nhất định. Trong hệ thống này, việc vi phạm luật pháp (xin nhắc lại) là có tính hệ thống, nhưng được thực hiện theo những luật chơi nhất định. Có nghĩa là ở đây việc vi phạm luật pháp chính thức được thực hiện theo những luật chơi phi chính thức, và như thế, chế độ được nói tới ở đây khác hoàn toàn với những tình huống khi mà luật pháp không được tôn trọng là do các định chế cưỡng bức quá yếu, thí dụ như ở nước Nga nửa đầu những năm 1990. Trong chế độ ràng buộc pháp lý mềm, nhà nước không phải không có phương tiện cưỡng bức, còn sự kiện là hiện tượng vi phạm pháp luật trong hệ thống này được thực hiện theo những luật chơi nhất định cho phép ta coi hệ thống này là một hình thức đặc thù của trật tự (tình trạng ổn định), trong nhận thức của xã hội thì trật tự này hoàn toàn không phải là tình trạng vi phạm pháp luật tràn lan, không thể quản lý được.
Những qui định thành văn trong hệ thống này được làm ra là để người ta có thể vi phạm, khi cần. Nghĩa là chúng được tạo ra sao cho việc tuân thủ là khó và khá tốn kém, trong khi khả năng không tuân thủ qui định lại tạo cho người ta lợi ích cạnh tranh đáng kể. Nói các khác, các qui định trong hệ thống này được tạo ra nhằm khuyến khích người ta vi phạm. Kết quả là toàn bộ đời sống của xã hội được hình thành như một cuộc mặc cả bất tận, các thành viên của xã hội mặc cả để có quyền vi phạm những điều luật nhất định, họ sẽ được lợi khi vi phạm những điều luật đó. Nhà nước, mà đại diện là bộ máy quan liêu, hoạt động như một cửa hàng chuyên bán cho các cá nhân quyền vi phạm các điều luật.
Mỗi cấp chính quyền đều có quyền bán quyền vi phạm một số điều luật nhất định và dĩ nhiên là để có thể bán quyền thì cơ quan đó cũng có quyền trừng phạt những vi phạm chưa được cấp phép. Cần phải nhấn mạnh sự khác biệt này: cơ quan quản lý hành chính, quan liêu không giám sát việc tuân thủ luật lệ mà chỉ trừng phạt những hành vi vi phạm chưa được cấp phép mà thôi. Vì vậy mà nó cũng không quan tâm đến việc hoàn thiện những biện pháp quản lý và kiểm tra, kiểm soát; đối với nó, điều quan trọng không phải là giảm thiểu những trường hợp vi phạm và động cơ vi phạm mà là tạo ra khu vực mặc cả quyền vi phạm.
Xin lấy Cảnh sát giao thông làm thí dụ. Cảnh sát giao thông không quan tâm, ai, ở đâu và có bao nhiêu vụ vi phạm luật giao thông; nó cũng không có nhiệm vụ đưa ra những biện pháp có tính hệ thống nhằm giảm số vụ vi phạm, thí dụ như giảm động cơ vi phạm hay sử dụng các hệ thống kiểm tra tự động. Điều quan trọng đối với Cảnh sát giao thông là toàn bộ các nhân viên của nó đều được phân công đến những điểm mà luật giao thông hay bị vi phạm để họ mặc cả về những vi phạm đó. Sự kiện là Cảnh sát giao thông hầu như không tuần tra đường quốc lộ và đường phố như cảnh sát nhiều nước vẫn làm mà thường đứng ở những điểm nhất định là minh chứng cụ thể cho điều đó. Nói cách khác, Cảnh sát rất ít quan tâm đến việc kiểm soát việc giao thông trên đường và theo dõi những vụ vi phạm có thể tạo ra nguy cơ thực sự (thí dụ như lái xe hung hãn và không đúng luật). Không những không tuần tra, Cảnh sát giao thông lại thích sử dụng phương pháp “cổ chai”, tức là đứng ở một chỗ nào đó và kiểm tra một vài qui định chỉ liên quan đến an toàn giao thông một cách gián tiếp (thí dụ như giấy tờ và bằng lái xe, phiếu kiểm định và bảo hiểm).
Nói chung, trong hệ thống mà ta đang nói tới, người ta đồng thời vừa lên án vừa biện hộ cho những vụ vi phạm pháp luật. Cùng với những qui định chính thức, còn có những qui định không chính thức; vi phạm các qui định chính thức được cho là cố ý, nhưng không thể tránh được, được mọi người chấp nhận và tha thứ. Những hành vi vi phạm pháp luật trong hệ thống này không những không bị che dấu đi mà còn được người ta tuyên truyền rộng rãi nữa. Điều kiện quan trọng cho việc chính danh của chế độ này chính là niềm tin của xã hội rằng vi phạm pháp luật xảy ra khắp nơi, có khả năng là trong quan niệm của người dân mức độ vi phạm pháp luật còn cao hơn thực tế nữa. Nhưng quan niệm cho rằng vi phạm pháp luật diễn ra tràn lan lại là biện pháp quan trọng nhằm tạo ra trong đầu óc dân chúng khuôn mẫu mang tính xã hội và tiêu chuẩn hành động: kết quả là những cố gắng nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật hoặc đòi hỏi phải thay đổi đều có vẻ như chẳng ăn nhập gì với cuộc sống hay là những việc vớ vẩn, là những cố gắng vô ích trong cuộc đấu tranh với truyền thống.
Quan niệm cho rằng vi phạm pháp luật diễn ra khắp nơi cũng là một thành tố quan trọng của tổ chức chính trị và tính chính danh chính trị của chế độ mà ta đang nói tới. Nhờ có quan niệm như thế mà về mặt tham nhũng, các giai tầng bên trên không ở thế đối đầu với các giai tầng bên dưới (theo nghĩa rộng của từ này), mà dường như chúng còn liên kết với nhau trong một khuôn khổ thống nhất của những khả năng tham nhũng. Vì vậy mà những câu chuyện bất tận về tham nhũng, việc lên án tham nhũng diễn ra khắp nơi không làm mất tính chính danh của cơ cấu thang bậc đã được thiết lập, mà hơn thế, còn củng cố nó và phục vụ cho mục đích tuyên truyền và củng cố tính chính danh của cái trật tự có thật và không thể khắc phục được này (trong khi trật tự pháp luật lại bắt đầu bị người ta có là bịa đặt và hư ảo).
Luật cho phép vi phạm các điều luật thành văn mỗi lúc, mỗi nơi mỗi khác và đấy cũng là một đặc trưng quan trọng của hệ thống, tạo cho nó sự ổn định, mềm dẻo và thậm chí là cả khả năng cạnh tranh nữa. Thứ nhất, sự biến hóa của luật cho phép vi phạm luật pháp không cho đối tượng đã được ban cho quyền vi phạm luật được quyền tự tung tự tác, hắn phải giữ và thường xuyên cập nhật mối liên hệ với hệ thống và trật tư hiện hành. Ngoài ra, sự biến hóa còn tạo ra hình thức cạnh tranh đặc thù trong hệ thống: những kẻ được lợi và những kẻ giữ vị trí quán quân trong vòng này chưa chắc đã giữ được vị trí đó trong vòng sau. Hơn thế nữa, cách mặc cả quyền vi phạm pháp luật áp dụng thành công nhất trong giai đọan này lại thường bị tuyên bố là cấm trong giai đọan sau.
Thứ hai, sự biến hóa của luật cho phép vi phạm pháp luật là điều kiện quan trọng cho sự hình thành thang bậc của cơ cấu quản lý và tổ chức chính trị của xã hội. Dễ hiểu là trong hệ thống, nơi mà luật pháp bị vi phạm, nhưng luật cho phép vi phạm lại thường xuyên thay đổi thì người kiểm soát được qui trình thay đổi của luật cho phép vi phạm pháp luật chính là kẻ có quyền lực cao nhất. Kết quả là hệ thống sẽ có ba tầng sau đây: 1. Những người mặc cả quyền vi phạm pháp luật (đối tượng được phép/không được phép vi phạm); 2. Những người bán quyền vi phạm điều luật cụ thể nào đó (cơ quan thực hiện); 3. Những người kiểm soát sự thay đổi của luật cho phép vi phạm luật pháp và đấy cũng là những người vi phạm và kẻ bán quyền vi phạm (cấp lãnh đạo chính trị).
Đặc trưng này của chế độ ràng buộc pháp lý mềm giúp ta giải thích vì sao “cuộc chiến đấu trường kỳ với tham nhũng” lại cũng là thành tố củng cố cho sự ổn vững của chế độ. Cũng như các hệ thống kiểm tra kiểm soát khác, mục đích của “cuộc chiến đấu chống tham nhũng” không phải là đào tận gốc, trốc tận rễ nó mà chỉ là giữ cho hệ thống buôn bán quyền vi phạm pháp luật họat động mà thôi, thực chất, “cuộc chiến đấu chống tham nhũng” chính là bộ phận điều tiết họat động tham nhũng được cấp phép, buộc cơ quan thực hiện phải mặc cả với cấp trên, tức là cấp lãnh đạo chính trị, về quyền bán quyền vi phạm pháp luật của mình.
Tóm lại, chế độ ràng buộc pháp lý mềm là chế độ có những qui định pháp luật, nhưng đấy là những qui định có thể vi phạm; chúng hoạt động theo chế độ “tắt/bật” [switch on/ switch off], và đấy chính là chức năng của chúng. Cũng như trong trường hợp ràng buộc ngân sách mềm của Kornai, tính từ mềm ở đây phản ánh tình trạng có tính nguyên tắc là những ràng buộc do luật thành văn qui định chỉ là đối tượng mặc cả theo chiều dọc [vertical bargaining]; còn hệ thống pháp luật thành văn chỉ là cái khung, qui định đối tượng, điều kiện và các thông số của cuộc mặc cả. Nếu việc tham gia vào hệ thống mặc cả theo chiều dọc để mua quyền vi phạm pháp luật trở thành hiện tượng phổ biến thì xã hội sẽ không còn quan tâm đến việc chuyển sang trạnh thái khác nữa. Bất cứ người nào, sau khi nhận được quyền vi phạm pháp luật, đều có một số ưu thế tương đối và vì vậy mà tỏ ra bàng quan, thậm chí không quan tâm tới việc tối ưu hóa hay làm cho các điều luật trở thành bớt nghiêm khắc hơn vì việc đó có thể làm mất giá những lợi thế mà anh ta đã nhận được và làm mất những khỏan đầu tư mà anh ta đã bỏ ra trong cuộc mặc cả trước đó. Điều này càng đặc biệt quan trọng khi ta xem xét tác động của chế độ ràng buộc pháp lý mềm đối với nền kinh tế và chỉ ra cơ chế kinh tế của bẫy thiết chế của chế độ ràng buộc pháp lý mềm.
Nguyên nhân của hiện tượng ràng buộc ngân sách mềm (trong quan niệm của Kornai) là sở hữu nhà nước, chính vì vậy mà ngân sách nhà nước buộc phải bao cấp cho những khỏan chi phí của doanh nghiệp. Có thể giả định rằng việc hình thành và tồn tại của chế độ ràng buộc pháp lý mềm cũng có liên quan với những tính chất đặc thù của quan hệ sở hữu đã định hình cho đến nay.
Trong hệ thống này, sở hữu tư nhân chỉ có tính chất giới hạn: tồn tại về mặt pháp lý nhưng không được xã hội công nhận. Xã hội coi quyền sở hữu như là trường hợp cá biệt và là kết quả của việc sử dụng quyền vi phạm pháp luật, là sự hợp pháp hóa và tiền tệ hóa quyền nói trên. Vì vậy mà việc mất sở hữu vì mất quyền vi phạm pháp luật cũng được xã hội coi là hợp pháp. Kết quả là trong hệ thống đó, sở hữu, một mặt, được quản lý như tài sản tư nhân, theo nghĩa là người chủ sở hữu danh nghĩa có quyền thu và sử dụng lợi tức do tài sản mang lại; nhưng tài sản cũng có thể bị mất không chỉ là do những điều khỏan nào đó của hợp đồng mà vì người chủ đã mất quyền vi phạm pháp luật.
Rõ ràng là hệ thống, trong đó sở hữu được quản lý như sở hữu tư nhân nhưng lại có thể bị tước đọat, đòi hỏi phải có chế độ pháp lý hai mang. Một mặt, cần phải có luật pháp thành văn, bảo đảm cho việc thực hiện các hợp đồng trong khuôn khổ những mối quan hệ theo chiều ngang, liên quan đến việc sử dụng sở hữu (tín dụng, cung ứng, mua bán…), ở đây người chủ sở hữu hành động như người chủ hợp pháp trong quan hệ với đối tác (luật pháp chính thức ở chế độ bật [switch on]). Mặt khác, ở đây sở hữu là thành tố của hệ thống mặc cả theo chiều dọc về quyền vi phạm pháp luật, và trong khuôn khổ của hệ thống này, sở hữu có thể bị tước đọat và đưa vào quá trình phân phối lại quyền sử dụng (luật pháp chính thức ở chế độ tắt [switch off]).
Vấn đề chúng ta phải giải quyết và biện hộ cho việc sử dụng thuật ngữ của Kornai nằm ở câu hỏi sau đây: xí nghiệp sẽ gặp phải chuyện gì nếu ràng buộc ngân sách mềm đã không còn, nghĩa là việc “khởi động” chủ nghĩa tư bản đã được thực hiện, nhưng lại có những ràng buộc pháp lý mềm, nghĩa là về nguyên tắc có thể bỏ qua phần lớn các hạn chế được qui định trong luật thành văn? Ràng buộc ngân sách cứng nghĩa là doanh nghiệp không thể dùng những khỏan tài trợ từ bên ngòai để trang trải cho những chí phí của mình nữa (đúng hơn, về nguyên tắc là không vì trong chế độ ràng buộc pháp lý mềm vẫn có thể có những trường hợp ngọai lệ), nghĩa là doanh nghiệp buộc phải tham gia vào hệ thống quan hệ thị trường theo chiều dọc và tìm mọi cách nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Theo nghĩa này, nhiệm vụ căn bản của quá trình “khởi động” chủ nghĩa tư bản đã được giải quyết xong. Nhưng đồng thời xí nghiệp cũng có thể sử dụng quyền vi phạm pháp luật nhằm giảm bớt quản lý phí và các chi phí gián tiếp khác, tạo ra ưu thế trên thương trường và kết quả là gia tăng được lợi nhuận so với hiệu quả kinh tế thực sự của mình. Hòan tòan có lý khi giả định rằng quản lý phí và các chi phí gián tiếp của các xí nghiệp khác cao hơn xí nghiệp được nói tới bên trên. Nghĩa là lợi nhuận của các xí nghiệp nghiệp đó thấp hơn, đấy là nói khi hiệu quả kinh tế của các xí nghiệp là như nhau. Kết quả là, thứ nhất, lợi nhuận được tái phân phối giữa các xí nghiệp vì quản lý phí và các chi phí gián tiếp được chia không đều; và thứ hai, lợi nhuận và sự thăng giáng của lợi nhuận không phản ánh một cách trực tiếp hiệu quả và sự thăng giáng hiệu quả kinh tế của xí nghiệp.
Về mặt lý thuyết, có thể giả định rằng người chủ doanh nghiệp sẽ cố gắng tìm cách gia tăng lợi nhuận bằng cả hai cách: thứ nhất, giảm quản lý phí và các chi phí gián tiếp và thứ hai, tăng hiệu quả kinh tế. Nhưng những đặc điểm của chế độ mà ta bàn tới bên trên lại làm cho người ta thích cách thứ nhất hơn. Vấn đề là, quyền sở hữu ở đây được định nghĩa như là quyền sử dụng lợi nhuận, còn chính sở hữu thì có thể bị tước đọat. Đầu tư cho việc mua quyền vi phạm pháp luật là đầu tư làm gia tăng ngay lập tức lợi nhuận, còn đầu tư cho việc gia tăng hiệu quả sản xuất lại là đầu tư vào tài sản mà đặc trưng chủ yếu của nó là có thể bị tước đọat bất cứ lúc nào. Đầu tư như thế là quá mạo hiểm vì bạn đang đầu tư cho lợi nhuận trong tương lai mà lúc đó bạn có thể không còn quyền sở hữu khối tài sản đó nữa. Tạo ra doanh nghiệp với hiệu suất quay vòng vốn cao là bạn đang gia tăng nguy cơ bị tước quyền sở hữu và bạn phải đầu tư thêm nhằm bảo vệ quyền sử dụng khối tài sản đó. Trong khi đó, đầu tư cho quyền vi phạm pháp luật là đầu tư không chỉ làm gia tăng lợi nhuận tức thời mà về nguyên tắc khi tài sản bị tước đọat thì nó cũng không tự động chuyển giao cho người chủ mới, như vậy nghĩa là khỏan đầu tư này làm giảm đi nguy cơ bị tước đọat sở hữu của chính bạn. Lợi nhuận của doanh nghiệp càng phụ thuộc vào những điều khỏan đặc biệt trong hợp đồng giữa người chủ và người quản lý thì việc chuyển quyền quản lý càng khó khăn hơn, và ngược lại. Điều đó quyết định cách thức lựa chọn giữa hai biện pháp nhằm tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp.
Như chúng ta đã thấy, mối liên hệ giữa chế độ ràng buộc pháp lý mềm và đặc thù của sở hữu mang tính hai mặt. Đặc thù của sở hữu thúc đẩy người ta đầu tư nhằm tối đa hóa lợi nhuận tức thời và giảm bớt những khỏan đầu tư nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong tương lai. Nhưng, trong khi tìm cách bảo đảm và gia tăng lợi nhuận bằng những biện pháp phi kinh tế (bằng cách vi phạm pháp luật), người chủ sở hữu danh nghĩa cũng đồng thời củng cố chế độ mà quyền sở hữu của anh ta bị hạn chế.
Chuyện đó xảy ra như thế nào? Một mặt, tham gia mặc cả quyền vi phạm pháp luật là anh ta đang đánh mất sự ủng hộ của xã hội đối với quyền sở hữu của mình. Mặt khác, trong tình hình khi mà lợi nhuận không phản ánh trực tiếp hiệu quả kinh tế thì người sở hữu không có khái niệm rõ ràng về hiệu quả kinh tế của công việc kinh doanh của mình. Thí dụ, doanh nghiệp họat động có hiệu quả nếu lợi nhuận tăng 15-20% một năm mà chi phí chỉ tăng 5-7%. Nhưng nếu giả sử rằng ba phần tư khỏan gia tăng lợi nhuận là do những tác nhân ngòai kinh tế (ràng buộc pháp lý mềm) thì hóa ra trên thực tế hiệu quả của doanh nghiệp đã giảm. Kết quả là người chủ sở hữu phụ thuộc vào hệ thống phân phối quyền vi phạm pháp luật: anh ta không biết nếu không có hệ thống này thì anh ta có đủ sức cạnh tranh hay không và có thể bù đắp được chi phí hay không. Thời gian càng kéo dài và doanh nghiệp càng thành công trong chế độ ràng buộc pháp lý mềm thì sắc xuất là anh ta không làm được càng tăng, và chính anh ta cũng tin như thế. Đấy gọi là hiệu ứng “cái lồng vàng”.
Nhưng ta sẽ thấy rõ hậu quả quan trọng nhất của chế độ ràng buộc ngân sách mềm khi xem xét vấn đề không phải từ quan điểm hậu quả đối với doanh nghiệp mà từ quan điểm hậu quả đối với thị trường nói chung. Như chúng ta đã thấy, sự tồn tại và vị trí của doanh nghiệp được quyết định không phải chỉ bởi cân bằng cung – cầu (quan hệ thị trường theo chiều ngang) mà còn bởi những điều kiện của “cuộc mặc cả theo chiều dọc” về quyền vi phạm pháp luật nữa. Việc mua quyền này chỉ có ý nghĩa nếu những người tham gia thương trường khác bị luật thành văn ràng buộc. Nghĩa là hệ thống “mặc cả theo chiều dọc” họat động như một bộ lọc, chỉ cho một số doanh nghiệp nào đó tiếp cận với một số lĩnh vực nào đó của thị trường mà thôi. Trong trường hợp này, đầu tư của danh nghiệp để mua quyền vi phạm pháp luật không còn là chi phí phụ trội nữa vì người tiêu dùng sẽ phải trả.
Trong chế độ ràng buộc ngân sách cứng thì chỉ có người mua mới có thể hòan trả cho doanh nghiệp những chi phí mà họ đã bỏ ra để mua quyền vi phạm pháp luật. Vì vậy, giá bán trong chế độ ràng buộc pháp lý mềm sẽ cao hơn là khi nó được quyết định bởi cung cầu trên thị trường (quyết định bởi những điều kiện “mặc cả theo chiều ngang”). Người tiêu dùng phải trả chi phí mua quyền vi phạm pháp luật của doanh nghiệp cũng như phải trả giá cho hiệu quả ngày càng thấp của doanh nghiệp. Điều đó phần nào giải thích vì sao doanh nhân họat động trong khuôn khổ của hệ thống này không coi chế độ ràng buộc pháp lý mềm là trở ngại đối với quá trình kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp: chi phí cho việc mua quyền vi phạm pháp luật được chuyển sang cho người tiêu thụ. Kết quả là doanh nhân mua được quyền vi phạm pháp luật cảm thấy điều kiện cạnh tranh có vẻ dễ dàng hơn, chỉ cần tập trung vào lợi nhuận tức thời và nếu chấp nhận khả năng bị tước mất quyền sở hữu trong tương lai thì ông ta sẽ là người hòan tòan hạnh phúc. Nếu các cá nhân tham gia vào hệ thống mặc cả để mua quyền vi phạm pháp luật không còn quan tâm đến hệ thống trong đó mọi qui định đều đơn giản và được tuân thủ thì người nắm quyền sở hữu cũng không quan tâm đến việc bảo đảm quyền sở hữu một cách lâu dài, nhưng bù lại, người ta lại thu được lợi nhuận tức thời cao hơn.
***
Trong quan niệm của những nhà cải cách xã hội cách đây hai mươi năm thì việc “khởi động” chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là thông qua cơ chế ràng buộc ngân sách cứng nhất định sẽ biến doanh nghiệp thành chủ thể độc lập trong các quan hệ thị trường (đưa doanh nghiệp ra khỏi hệ thống mặc cả theo chiều dọc). Đến lượt mình, các quan hệ mới sẽ dẫn đến việc hình thành những định chế nhằm duy trì và bảo vệ cạnh tranh vì chỉ có như thế doanh nghiệp mới có thể thu được lợi nhuận tối đa. Trên cái nền như thế, chế độ ràng buộc pháp lý mềm trông sẽ chẳng khác gì cơ chế bù trừ: nó có tác dụng làm giảm hiệu quả của chế độ ràng buộc ngân sách cứng.
Tính cứng rắn của ràng buộc ngân sách đã khởi động cơ chế trách nhiệm của doanh nghiệp và khuyến khích họ tìm kiếm lợi nhuận; đồng thời cơ chế ràng buộc pháp lý mềm lại tạo điều kiện cho người ta phân bố lại lợi nhuận giữa các doanh nghiệp, bất chấp hiệu quả kinh tế của chúng và như vậy cũng có nghĩa là đã giữ lại nguyên tắc mặc cả theo chiều dọc, nhưng lần này không phải là mặc cả về chi phí mà là mặc cả về lợi nhuận. Kết quả là, cơ chế đó cản trở quá trình hình thành quyền sở hữu một cách đầy đủ, làm giảm động cơ đầu tư nhằm nâng cao hiệu suất họat động sản xuất kinh doanh (đặc biệt là làm giảm những khỏan đầu tư dài hạn), giảm hiệu quả của doanh nghiệp trong dài hạn và làm tăng giá trên thị trường.
Vì cơ chế ràng buộc ngân sách cứng vẫn họat động cho nên doanh nghiệp không thể họat động với hiệu suất âm – doanh nghiệp sẽ bị phá sản. Kết quả là “cái chủ nghĩa tư bản nửa vời” này có nhiều khả năng sẽ sống sót và tự tái tạo lại mình mặc dù không có điều kiện phát triển. Từ quan điểm hiệu suất kinh tế, có thể nói rằng doanh nghiệp sẽ tiến đến tình trạng cân bằng “bên trên số không một chút”. Điều này tạo ra nguy cơ là tình trạng “mập mờ” cùng với tiềm lực phát triển thấp sẽ được duy trì trong thời gian dài. Dĩ nhiên là đến một lúc nào đó sự kém hiệu quả của những doanh nghiệp được ưu tiên ưu đãi sẽ biến chúng thành những kẻ “ăn” vào lợi nhuận do nền kinh tế tạo ra. Nhưng hệ thống có thể hi sinh các doanh nghiệp đó. Vì không phải những “ông trùm” (quán quân về quyền vi phạm pháp luật) mà là bộ máy quan liêu có quyền bán quyền vi phạm pháp luật mới là những kẻ được lợi nhất trong hệ thống này. Sức mạnh của nó không chỉ được thể hiện ở sự tồn tại của những “ông trùm” cụ thể, mà trước hết được thể hiện ở quá trình “tạo ra những ông trùm” đang diễn ra liên tục. Tiềm lực của chế độ ràng buộc pháp lý mềm thể hiện đầy đủ nhất trong quá trình “tạo ra các ông trùm” và vì vậy mà một số “ông” sẽ phải biến khỏi vũ đài.
Như vậy là, nói chung, có thể nói rằng chế độ ràng buộc pháp lý mềm tạo điều kiện cho việc hình thành hệ thống, trong đó có hai kiểu lý lẽ cùng song song tồn tại: lý lẽ của những quan hệ thị trường theo chiều ngang và lý lẽ của “mặc cả theo chiều dọc”, giữ vai trò tái phân phối – bên ngòai quan hệ thị trường – các nguồn lực và lợi nhuận giữa các xí nghiệp. Chế độ ràng buộc pháp lý mềm là cái công tắc cho phép người ta chuyển từ lý lẽ này sang lý lẽ kia. Lý lẽ thứ nhất, mà cụ thể là nguyên tắc ràng buộc ngân sách cứng tạo điều kiện cho nền kinh tế tạo ra lợi nhuận, lý lẽ thứ hai giúp người ta tái phân phối lợi nhuận thu được.
K.R.
Dịch từ nguyên bản tiếng Nga, nguồn: http://www.inliberty.ru/blog/krogov/2471/
Dịch giả gửi BVN


“Chính luận 2013” và Phạm Chí Dũng

DCVOnline

Uyên Thao

pcd3Phạm Chí Dũng là cái tên không xa lạ, nhất là với những người lưu tâm tới tình hình Việt Nam. Chỉ từ tháng 3/2013 tới tháng 3/2014, các hệ thống truyền thanh quốc tế VOA, RFA, RFI, BBC đã liên tục truyền tải 150 bài của Phạm Chí Dũng — tức với mức viết đều đặn và bền bỉ mỗi hai ngày một bài.
Bìa Chính Luận 2013. Nguồn: Tủ sách Tiếng Quê Hương.
Phạm Chí Dũng khởi sự cầm bút từ khi 25 tuổi và đã có 11 tác phẩm được ấn hành trong đó có 2 cuốn tiểu thuyết, 1 kịch bản, 1 tác phẩm lý luận về kịch nghệ và 2 tác phẩm nghiên cứu về kinh tế, giáo dục, nhưng không phải cây viết chuyên nghiệp.

Trên thực tế, Phạm Chí Dũng là một chuyên gia với học vị tiến sĩ kinh tế, đảng viên CSVN và sĩ quan quân đội nhân dân công tác tại Ủy Ban Nhân Dân Tp. HCM khi Trương Tấn Sang là chủ tịch cơ quan này. Từ 1996, Phạm Chí Dũng công tác tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy Tp. HCM với nhiệm vụ nghiên cứu các chính sách về an ninh quốc gia.
Tuy nhiên từ năm 1991, Phạm Chí Dũng đã được coi như một nhà văn, nhà báo độc lập gắn bó với cây bút trong tư thế tự do, vì không phải thành viên một cơ chế chính thức nào về văn học và báo chí.
Tư thế cầm bút này giúp Phạm Chí Dũng biểu hiện trung thực suy tư và ý hướng bản thân, đồng thời cũng đặt anh trước một vòng vây tai họa. Bởi những bài viết phản ảnh thực tế và quan điểm không tuân thủ các khuôn mẫu tô đen hay bôi hồng mọi cảnh sống đang phơi bày trước mắt đã trở thành những mũi gai nhọn đối với tập thể đương quyền luôn tự đặt mình ở ngôi vị độc tôn tối thượng.
Do đó, tháng 7/2012, bộ Công An đã ra lệnh khẩn cấp bắt giam Phạm Chí Dũng và sau đó khởi tố theo điều 79 và 88 Luật Hình Sự về tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền”“tuyên truyền chống phá Nhà Nước”. Chứng cứ buộc tội là các bài viết phanh phui tệ trạng tham nhũng và phản biện các chính sách tác hại cho nỗ lực tạo dựng đời sống xã hội an bình, trong khi người bị kết tội “âm mưu lật đổ chính quyền” chỉ là một cá nhân đơn độc.
Hành vi này đã biến thành chứng cứ tố giác chính tập thể đương quyền trước công luận về thủ đoạn lợi dụng quyền thế, mạo danh pháp luật, mặc tình đổi trắng thay đen để trấn áp bạo ngược người bất đồng chính kiến và tước đoạt quyền tự do phát biểu của người dân. Cho nên, trước công luận bất bình, tháng 2/2013, Phạm Chí Dũng đã nhận được lệnh “tạm đình chỉ điều tra” và rời nhà tù sau nửa năm bị giam giữ.
Ngay sau khi rời nhà tù, Phạm Chí Dũng lập tức trở lại với cây bút theo hướng đi đã chọn, và tháng 12/2013, anh quyết định từ bỏ đảng Cộng Sản dù đã có hơn hai mươi tuổi đảng.
Bức tâm thư của Phạm Chí Dũng phổ biến công khai trên mạng Internet khẳng định “Đảng Cộng Sản chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích” khiến “đất nước tàn tạ” nên “không xứng đáng với vị trí lãnh đạo”. Do đó, từ bỏ đảng là “con đường ngắn nhất có thể đưa những đảng viên còn lương tâm đến gần với nhân dân”.
13 ngày sau khi công bố bức tâm thư trên, Phạm Chí Dũng đã trải một cuộc “đấu tố” của đảng ủy Viện Nghiên Cứu Phát Triển Tp. HCM với yêu cầu rút lại ý kiến từ bỏ đảng. Phạm Chí Dũng từ chối đáp ứng nên ngày 25/12/2013, đảng ủy Khối Dân Chính Đảng ra quyết định khai trừ anh — khai trừ một người đã dứt khoát công khai tuyên bố từ bỏ Đảng!
Tất nhiên nhiều cam go đã dồn đến, nhưng Phạm Chí Dũng không rời cây bút và hướng đi đã chọn.
Do đó, tháng 2/2014, tổ chức UN Watch chính thức mời Phạm Chí Dũng đến Geneva, Thụy Sĩ thuyết trình về “nhân quyền và xã hội dân sự” trong buổi hội thảo bên lề cuộc Kiểm Điểm Phổ Quát Về Nhân Quyền Đối Với Việt Nam của Liên Hiệp Quốc. Phạm Chí Dũng không thực hiện được chuyến đi, dù đã có visa và vé máy bay. Vì tại sân bay Tân Sơn Nhất, anh bị công an ngăn chặn và tịch thu hộ chiếu. Ít ngày sau, Phạm Chí Dũng lại lâm cảnh tương tự, không thể lên đường qua Mỹ dự điều trần tại Quốc Hội Mỹ về “tự do truyền thông” và hội thảo tại đài RFA về “tự do báo chí”, theo lời mời của hai dân biểu Mỹ — Loretta Sanchez và Zoe Lofgren.
Các hành vi trấn áp đó đã biến Phạm Chí Dũng thành một tù nhân bị giam lỏng nhưng không thay đổi nổi tính chất những bài viết của Phạm Chí Dũng từ khi rời nhà tù tháng 2/2013 tới tháng 3/2014.
Chính Luận 2013 là tác phẩm gồm những bài viết đó, những bài phân tích thời sự Việt Nam trong thời điểm kể trên. Nội dung chủ yếu của Chính Luận 2013 là ghi lại các sự kiện diễn ra trước mắt và phản ảnh quan điểm người viết về các sự kiện này.
Đặc trưng của thể loại phân tích thời sự là khắc họa chân dung mọi sự kiện đang diễn biến, đồng thời ước định tác động trực tiếp và hệ quả nối dài từ các sự kiện đối với thực tiễn đời sống theo nhận thức của người viết. Từ lâu, người viết thể loại này từng được tặng biệt danh chuyên gia phân tích thời cuộc, nhưng cũng được đặt bên hàng ngũ tiên tri, tức giới hành nghề bói toán. Lý do viện dẫn là nhận thức của chuyên gia phân tích thượng thặng nhất vẫn bị khuôn bó bởi các hạn chế tất yếu, trong khi mọi diễn biễn có thể gặp các bước ngoặt đột ngột tương tự tiếng sét bất ngờ nổ giữa trưa hè nắng gắt. Do đó hầu hết dự đoán về viễn trình một sự kiện cũng như hệ quả của sự kiện đối với thực tế đời sống tương lai thường dễ thiếu chính xác, thậm chí còn có thể sai lạc.
Dù vậy, không ai phủ nhận đóng góp quan trọng của thể loại này trong việc dựng lại các đoạn đường lịch sử. Bởi đặc trưng của thể loại là khắc họa chính xác chân dung các sự kiện được đề cập. Từ đây, một chuyên gia phân tích đúng nghĩa bắt buộc phải quan sát tinh tế, truy cập sâu rộng để cung cấp tối đa đường nét, màu sắc trung thực của mọi diễn biến. Đòi hỏi này là điều kiện tối thiết cho nhận thức của chuyên gia, đồng thời cũng cung ứng chất liệu xác thực giá trị cho mọi sử gia ghi nhận về các diễn biến lịch sử.
Chính Luận 2013 không thể là ngoại lệ nên đã cung cấp nhiều dữ kiện đáp ứng cho 3 câu hỏi về hiện trạng Việt Nam là thực tế đời sống xã hội, bản chất tập thể đương quyền và tương quan giữa người dân với chế độ đảng trị Cộng Sản. Bởi, nhận thức của chuyên gia dù được xác minh hay bị bác bỏ thì các sự kiện được ghi nhắc vẫn luôn khẳng định chân dung thực tế.
Qua diễn tả hết sức giản lược về các diễn biến thời thế, Chính Luận 2013 đã dựng lại hàng loạt sự kiện thực tế đời sống Việt Nam với đường nét và màu sắc đủ sức in hằn dấu vết nơi ký ức người đọc:
“Một nông dân ở Ban Mê Thuột vừa khóc vừa kể cho tôi nghe gia đình anh đang bị cướp đất đến tán gia bại sản, trong khi một người bà con của anh ở Đắc Lắc bị chết trong đợt xả lũ thủy điện tháng 9 vừa qua, nhưng chẳng hề có cấp chính quyền và doanh nghiệp nào đoái hoài, thậm chí một đồng bồi thường cho nạn nhân cũng không có…”
Và:
“Giữa lúc thủ đô đang ngột ngạt trong cơn bức bối thời tiết chực chờ sấm nổ, người Hà Nội lại sôi lên bởi câu chuyện thương tâm đột ngột xảy ra: một người mẹ cùng đứa con trai treo cổ chết trong nhà. Nguyên do quẫn bách về tiền bạc. Sự việc quá đau lòng trên xảy đến ở xóm Chùa, huyện Từ Liêm vào ngày 7/6/2013.”
Khó thể kể hết các cảnh tương tự được ghi trong Chính Luận 2013, những cảnh mà người trong cuộc đã diễn tả
“Cuộc sống không lối thoát, đi đến con đường chết… Xin các cấp chính quyền ấp 5, vì hoàn cảnh gia đình quá khổ không lối thoát, mong các ông giúp cho chồng con tôi được sổ nghèo để sống ngày tháng còn lại trên đời.”
Đó là mấy lời cuối cùng của người phụ nữ 48 tuổi tên Nguyễn Thị Mỹ Nhân tại ấp 5, xã An Xuyên, Cà Mau ghi trên lá thư tuyệt mệnh trước khi treo cổ với mong mỏi cái chết của mình sẽ nhắc mọi người nghĩ đến cảnh khốn cùng của người chồng và 3 đứa con nhỏ giữa lúc cả nước “kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng miền Nam” vào cuối tháng 4/2013.
Thực ra không chỉ có vài vụ trên mà đã có vô số vụ:
“Một bà mẹ xấu số nguyện dùng tiền phúng viếng mình để trả nợ và nộp học phí cho con …Hai cô gái đang tuổi xuân xanh rủ nhau uống thuốc diệt cỏ tự vẫn vì không có tiền nộp phạt vi phạm giao thông… Một chàng trai vừa vào tuổi trưởng thành dùng dây cáp internet treo cổ vì mắc bệnh nan y không có tiền chữa trị… Năm 2012, vợ chồng người con trai của ông Quang ở xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, Phú Yên cùng đứa con mới 5 tuổi ôm nhau trầm mình dưới sông, nguyên nhân bắt nguồn từ quá nghèo khổ…”
Cho nên, Chính Luận 2013 phải ghi lại một nhận định về thực tế đời sống Việt Nam: “Tự tử vì nghèo đã trở thành hiện tượng mãn tính trong xã hội.”
Thảm cảnh không dừng tại đó.
Bởi bên cạnh hàng loạt người tự tìm cái chết vì hết đường sống còn hàng loạt hoạt cảnh trên mọi khía cạnh từ kinh tế sa lầy, đạo đức băng hoại, đến bá quyền bạo ngược… dưới vô vàn hình thức phản ảnh bản chất tham tàn, xảo trá, độc ác tới mức phi nhân của tập thể đang nắm quyền thống trị xã hội mà câu chuyện do Phạm Chí Dũng kể lại sau đây về một quan chức Trung Quốc có thể coi là biểu tượng điển hình:
“Giữa năm 2012, quan chức Trần Văn Á, phó chủ tịch thành phố Mỹ Yển, tỉnh Giang Tô, trong khi phóng xe hơi rất nhanh đã đâm phải một người qua đường. Sau khi gây tai nạn, vị quan chức ‘của dân, do dân và vì dân’ này không hề ngó ngàng tới nạn nhân. Một tay đút túi quần, tay kia gọi điện thoại, chỉ sau vài phút, Trần Văn Á được một xe hơi khác đón đi, bỏ mặc nạn nhân vẫn nằm sóng soài trên vũng máu tươi…”
Phạm Chí Dũng trên trang mạng “100 information heroes”. Nguồn: rsf.org
Những sự kiện này không chỉ trả lời cho câu hỏi về bản chất tập thể đương quyền mà còn giải thích rõ thái độ hiện nay của người dân Việt Nam với chế độ Cộng Sản. Đó là các vụ đối đầu với bộ phận công cụ của chế độ mà tiêu biểu là vụ Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng dùng súng chống lực lượng cưỡng chế đất đai tài sản, vụ Đặng Ngọc Viết tại Thái Bình hướng mũi súng vào các quan chức để nhả đạn …đã vẽ ra viễn ảnh theo ghi nhận của Phạm Chí Dũng:
“Vào thời khắc này, những hình ảnh sống động và chuyển dần từ tự phát sang nhất quán trong các cuộc biểu tình phản đối nạn cướp đất ở Tiên Lãng thuộc Hải Phòng, Văn Giang thuộc Hưng Yên hay đoàn người đưa quan tài kín chật các đường phố Bắc Giang, Vĩnh Yên đang làm cho chính quyền lâm tình thế cực kỳ khó xử: Nếu đến một thời điểm nào đó, nhân dân không chỉ chạm vào mà còn vượt qua cả “giới hạn sợ hãi”…để biến thành phản ứng chính trị, một khi không còn gì có thể kìm nén được…”
Tháng 4/2014 vừa qua, Phạm Chí Dũng đã được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF vinh danh là một trong 100 Anh Hùng Thông Tin trên thế giới.
Công luận đã biểu dương giá trị cây bút phân tích thời cuộc Phạm Chí Dũng.
Nhưng, điều cuối cùng và quan trọng hơn hết là Chính Luận 2013 không chỉ ghi lại các sử liệu chính xác mà còn phản ảnh tâm tư chung của người dân Việt Nam hiện nay trong từng dòng chữ. Đó là ước mong sớm đến phút giây mọi người vượt qua “giới hạn sợ hãi” để tạo một “phản ứng chính trị” phục hồi sự sống cho toàn dân.
Virginia June 30, 2014

Nguồn: Bài do tác  giả gởi. DCVOnline minh hoạ.

Peter Arnett: Kết thúc của Ngô Đình Diệm (1963)

Phan Ba

Peter Arnett đứng cạnh một chiếc A 1 Skyraider đã cháy rụi vào ngày 12 tháng Mười 1965 ở gần Biên Hòa

Peter Arnett làm việc cho hãng thông tấn Associated Press (AP) từ 1962 cho tới 1975 ở Việt Nam và qua đó là phóng viên lâu năm nhất ở tại chỗ. Các bài viết mang nhiều tính phê phán của ông thường không làm cho giới quân đội Mỹ và chính phủ Nam Việt Nam hài lòng. Đối với nhiều người, ông là thông tính viên tốt nhất của Chiến tranh Việt Nam. Mới đây, ông cũng nổi tiếng qua những bài tường thuật riêng cho CNN từ Chiến tranh vùng Vịnh chống Iraq.
<<< ===  Peter Arnett đứng cạnh một chiếc A 1 Skyraider đã cháy rụi vào ngày 12 tháng Mười 1965 ở gần Biên Hòa
Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ tương đối kiêu ngạo khi tới Việt Nam. Lúc đầu, người Pháp đã thất bại ở đất nước này. Chính sách của họ, chính sách mà với nó, họ muốn tái chiếm vương quốc thuộc địa của họ sau Đệ nhị Thế chiến, đã thất bại. Họ đã thua một loạt các trận đánh lớn. Nhưng Hoa Kỳ không vì vậy mà e sợ. Các sĩ quan Mỹ mà tôi gặp vào đầu những năm sáu mươi gọi nổ lực của người Pháp là nửa vời. Lời bình của họ: “Chúng tôi đã cứu thoát người Pháp hai lần trong thế kỷ này rồi, trong Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến, và chúng tôi chắc chắn là chúng tôi có thể cứu thoát họ thêm một lần nữa. Chúng tôi đi vào đó. Chúng tôi có thể chiến thắng xung đột này.” Tức là người Mỹ không những quên bài học từ chiến bại của người Pháp. Không, họ lao vào sự việc và tin rằng: Nếu anh nhét đủ tiền vào trong đó thì anh đã thắng rồi! Vì Hoa Kỳ cho rằng họ cần phải làm tròn một nhiệm vụ trên khắp thế giới và cứu thoát nhân loại ra khỏi chủ nghĩa cộng sản. Họ thật sự tin như vậy. Và họ bước vào cuộc xung đột với niềm tin này. Họ không nhìn thấy tài tổ chức của phe cộng sản, không chú ý tới tình hình quân sự đang đi tới khủng hoảng, không cảm nhận được nhiệt tình đấu tranh của người cộng sản. Tính toán rất đơn giản: “Chủ nghĩa cộng sản là xấu xa, chúng ta chiến đấu cho một sự việc tốt hơn, tức là chúng ta sẽ chiến thắng.”
Người Mỹ nhận ra quá muộn, rằng tự hào quốc gia đóng vai trò quyết định ở bên phía Việt Cộng. Đó hoàn toàn không phải là về chủ nghĩa cộng sản. Người Bắc Việt không hề nghĩ tới việc đó khi họ chiến đấu chống tổng thống Diệm. Họ nhìn người Mỹ như là những ông chủ thuộc địa mới. Những người này thì lại nói ngược lại: “Chúng tôi không phải là thế lực thuộc địa! Chúng tôi muốn xây dựng một nền dân chủ ở đây!” Các nhà chiến lược chính trị Mỹ hoàn toàn không hiểu đối phương muốn gì. Chính họ cũng không biết gì về Việt Nam, không nhìn người Việt như là một quốc gia độc lập, ở bên ngoài của chủ nghĩa cộng sản và dân chủ. 2000 năm trời, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam hoàn toàn không quan tâm tới những ý thức hệ khác ở bên ngoài. Họ là người Việt, có là người cộng sản hay người dân chủ cũng thế, trước hết thảy, họ là người Việt.
Thế nhưng tôi vẫn chưa có được những nhận định đó khi tôi được hãng thông tấn Associated Press (AP) gửi sang Việt Nam năm 1962. Đã xảy ra một vài vụ việc mà trong đó có người Mỹ bị giết chết – bởi những người mà Hoa Kỳ gọi là những kẻ khủng bố và người cộng sản gọi là những người chiến đấu cho hòa bình. Tình hình ngày một nóng lên. Tổng thống John F. Kennedy tuyên bố rằng Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ phải chiến đấu chống lại bất cứ sự hung hãn nào và bảo vệ bất cứ người bạn nào, và Nam Việt Nam được xem là bạn, và điều đó tất nhiên đẩy mạnh sự tham gia của Mỹ. Dường như đã đến lúc phải tường thuật nhiều hơn.

Địa hình khó đi lại của Việt Nam nhanh chóng trở thành một thách thức cho quân khí hiện đại cao của Mỹ
Địa hình khó đi lại của Việt Nam nhanh chóng trở thành một thách thức cho quân khí hiện đại cao của Mỹ
Thời đó, điều thú vị đối với tôi và các phóng viên trẻ tuổi khác là việc Hoa Kỳ bước dần vào cuộc chiến như thế nào. Giữa 1962, họ có khoảng 8000 tới 10.000 cố vấn quân sự tại chỗ, đưa ra những lời khuyên bảo cho người Nam Việt, cũng cùng đi chiến đấu với họ, nhưng không có quyền chỉ huy những lực lượng này. Rồi 1962/1963 người Mỹ ngày càng đi theo hướng chiến trường. Nhưng ở ngoài đó, bất thình thình họ bị tổn thất. Ví dụ như 100 lính Mỹ bị giết chết năm 1964 trong một trận đánh.
Sự phát triển mà giới nhà báo chúng tôi tập trung vào là việc Hoa Kỳ thật sự tiếp nhận lấy quyền chỉ huy trong cuộc chiến này ra sao mà giới công chúng không biết tới. Chính phủ Kennedy ở Washington và sứ quán Mỹ ở Sài Gòn rất tức giận về những câu chuyện chúng tôi viết, nói về sự phản bội niềm tin. Ở một mặt, người ta có những thông báo chính thức về tình hình, mặt khác là những tuyên bố mà ví dụ như “New York Times”, “Washington Post” và AP đưa ra, và hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố của chính phủ. Vì thế mà ngay từ đầu đã có cuộc tranh luận, điều gì đã xảy ra thật sự ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, đó là một cuộc chiến mà báo chí không bị bịt miệng. Nhà báo chúng tôi có thể bay cùng trong trực thăng, tháp tùng các đơn vị Mỹ hay Nam Việt, đi xe xuyên qua đất nước và tường thuật về tất cả. Nhưng cũng khó nói thật ra đó là một loại chiến tranh gì. Có rất ít những trận đánh lớn. Trong hầu hết thời gian của cuộc chiến, quân đội lùng sục trong rừng rậm để tìm các đơn vị cộng sản. Trong lúc đó đã xảy ra những trận chiến tự phát ở trên vùng rừng núi, rất khó mà quan sát được. Tức là tướng Westmoreland chỉ huy và tổng thống Johnson có thể quả quyết: Chúng ta chiến thắng!, mặt khác, phóng viên chúng tôi đi ra chiến trường và nói: Chúng ta thua trận! Rất khó đánh giá tình hình, vì không có vùng đất nào được chiếm lấy hay bị mất đi. Trong Đệ nhị Thế chiến, ngay ở Triều Tiên, người ta có thể xác định được diễn tiến của cuộc chiến qua những vùng đất chiếm được: Có được một thành phố, một làng, một đất nước không? Nhưng ở Việt Nam thì tất cả chỉ diễn ra ở trong rừng.
Đánh giá tình hình chiến sự là một việc rất khó khăn. Chúng ta thua hay chúng ta thắng? Khó mà nói được. Thời đó, một vài khái niệm không được ưa chuộng đã trở nên quen thuộc: “bodycount” (con số xác chết) và “killration” (tỷ số giết chết). “Bodycount” xuất hiện rất sớm trong cuộc chiến, như là một cố gắng để chứng tỏ tiến bộ. Phía Mỹ không thể xác định thành công của họ qua đất đai chiếm được. Thế là người ta đếm xác chết, để đo đạc ưu thế. Nhưng tại một cuộc chiến tranh trong rừng rậm thì điều đó là không thực tế, vì người cộng sản luôn luôn mang những người đã hy sinh của họ ra khỏi chiến trường với kỷ luật thật cao; không thể đếm họ được. Thế là quân đội Mỹ phát triển quy tắc để ước đoán một cách chung chung con số người chết theo số lượng đạn được bắn đi. Theo công thức đếm xác chết này thì sau hai năm, toàn bộ chiến binh của đối phương đã bị giết chết hết. Tức là hoàn toàn không đúng. “Killratio” là một cố gắng khác để thể hiện thành công trong chiến cuộc. Cứ nói là có 100 người lính Mỹ đã hy sinh trên cao nguyên đi, người sĩ quan Mỹ sẽ thể hiện điều đó như thế này: “Okay, chúng tôi đã mất 100 người, nhưng bù vào đó thì chúng tôi đã giết chết 4000 người cộng sản. Tức lỷ lệ giết chết là…” Cả nó cũng là một phương pháp không thực tế. Mặc dù vậy, cả hai vẫn được sử dụng cho tới khi chiến tranh kết thúc.
Khi tôi sang Việt Nam năm 1962, tình hình rất căng thẳng vì Việt Cộng đã tăng cường mạnh quân đội của họ; có khủng bố ở Sài Gòn, nhà hàng bị cho nổ tung, rất nhiều vị trí quân sự có bao cát bảo vệ được thiết lập, dây kẽm gai ở khắp nơi. Một tổ chức chính trị Phật giáo tấn công chính phủ Công giáo La Mã của tổng thống Ngô Đình Diệm, tố cáo họ ngược đãi bất cứ ai không phải là người Công giáo. Nhiều vụ việc mà trong đó có những người biểu tình Phật giáo tử vong đã khiến cho sự lộn xộn trở nên hoàn hảo. Thường có biểu tình ở Sài Gòn và đàn áp công khai. Qua đó, một tình huống đã thành hình mà Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ phải hành động.

Bom nổ trước Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn vào ngày 30 tháng 3 năm 1965. Ảnh: AP/Horst Faas
Bom nổ trước Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn vào ngày 30 tháng 3 năm 1965. Ảnh: AP/Horst Faas
Trong mùa hè 1963, thái độ của Mỹ đã rõ: hoặc là Diệm phải thích ứng hoặc là người ta phải bỏ ông, vì những sự tàn bạo của ông đối với người Phật giáo đang có nguy cơ phát triển thành những dòng tít báo ở khắp nơi trên thế giới. Đã có những vi phạm đối với người dân thường, nhà sư tự thiêu công khai. Việt Nam gây sự chú ý nhiều hơn là chính phủ Hoa Kỳ muốn. Họ không muốn cả thế giới nói về Việt Nam, họ muốn tiến hành những chiến dịch của họ trong sự im lặng. Thế là đại sứ Henry Cabot Lodge sang để quở trách tổng thống Diệm. Ông nói với ông ấy: “Anh đã hành xử như một thằng ngốc. Anh phải thỏa thuận như thế nào đó với người Phật giáo.” Thế nhưng người này thì lại cứng đầu, từ chối và cho phép người của ông, tức là người em trai của ông, tiếp tục tiến hành những điều tàn bạo nhất; không thể khép ông ấy vào kỷ luật được.
Điều này là giọt nước làm tràn cái ly đầy: “Chúng ta không thể cứ chiều theo gã này mãi được. Hắn khiến cho cả thế giới chống lại chúng ta. Chúng ta phải bỏ hắn!” Qua đó thì đã rõ là cần phải làm gì. Các cơ quan quân sự ở Sài Gòn thông báo cho các phóng viên, rằng câu trả lời có thể là một cuộc đảo chánh – lúc nào đó. Rồi trong đầu mùa thu, những tiếng nói chống Diệm trong giới truyền thông bắt đầu lớn hơn, và một vài người hiểu điều đó như là một sự khuyến khích cho giới quân đội hãy đứng dậy chống lại ông ấy. Chính cuộc nổi dậy thì lại là một việc bí mật. Ngày nay, chúng ta biết rằng tổng thống Kennedy đã chấp thuận cuộc đảo chánh, nhưng không đồng ý giết chết Diệm và người em trai của ông; ông tương đối bị sốc khi biết được điều đó. Nhưng các viên tướng Việt Nam thì nghĩ rằng họ không có sự lựa chọn. Không giết chết Diệm có nghĩa là thêm một xung đột chính trị nữa. Tất nhiên là họ không muốn cho phép điều đó, họ muốn có một sự kết thúc dứt khoát.
Lúc đó, tôi ở trong một nhóm dự án nhỏ của AP, văn phòng của chúng tôi nằm đối diện với dinh tổng thống Sài Gòn. Vào trưa ngày 1 tháng Mười một 1963, chúng tôi nghe tiếng súng nổ ở ngay trước cửa sổ của chúng tôi. Sau một giờ thì đã rõ rằng đó là cuộc tấn công chính. Chúng tôi rời văn phòng của chúng tôi, vì nó nằm trong tầm đạn, và ngụ tại một khách sạn cách đó ba con đường. Vào sáng ngày hôm sau, khi hết tiếng súng bắn, chúng tôi đi vào dinh và phỏng vấn các viên tướng đã tổ chức cuộc đảo chánh. Tất cả đều diễn ra trên một vùng khoảng một dặm vuông, người ta có thể đi bộ tới tất cả các điểm nóng.
Cuộc đảo chánh Diệm nhận được sự đồng tình lớn ở Sài Gòn và trong các thành phố lớn khác, vì chính quyền này đã khiến cho đa số Phật giáo của người dân chống lại nó. Người dân nhảy múa trên đường phố, rất hạnh phúc, vì họ cảm nhận được là vị tổng thống đã muốn ép buộc Công giáo lên đất nước họ. Họ cũng không ưa cách làm việc tham nhũng của Diệm; ông ta đã trao quyền lực cho người của ông ở khắp nơi. Đó là một cuộc đảo chánh rất được lòng dân. Những viên tướng thực hiện nó đã được chào mừng như những người anh hùng của dân tộc. Thật không may là họ không thể thỏa thuận với nhau rằng ai cần phải nắm lấy quyền lực. Thế là có cả một loạt đảo chánh tiếp theo trong năm sau đó, những cái đã đẩy đất nước vào trong sự hỗn loạn.
Sau khi Diệm không còn nữa, phải cần tới hai năm mới tạo được một tình hình chính trị ổn định ở Nam Việt Nam. Đó là khi một giới lãnh đạo quân đội dưới sự chỉ huy của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thành hình. Ông nắm quyền từ 1966 cho tới khi chiến tranh chấm dứt, có được sự ủng hộ của quân đội do là một viên tướng lãnh. Nguyễn Cao Kỳ, một người nổi tiếng của Không lực Nam Việt Nam, tham gia chính phủ của ông. Nhưng cả chính quyền này cũng không có tham vọng nào về dân chủ và bầu cử tự do.
Phan Ba trích dịch từ “Apokalypse Vietnam”

Phản ứng của các nhà dân chủ về bản án xử 3 nhà yêu nước

Chân Như, phóng viên RFA

Chị Bùi Thị Minh Hằng chỉ muốn thể hiện lòng yêu nước...
Chị Bùi Thị Minh Hằng chỉ muốn thể hiện lòng yêu nước…  -RFA files
Bản án tổng cộng 7 năm rưỡi dành cho 3 nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh hôm 26 tháng 8 đã khiến cho đa số những người tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ trong cũng như ngoài nước bức xúc và thất vọng. Phóng viên Chân Như đã lấy ý kiến một số nhà hoạt động dân chủ trong nước, những người đã theo dõi sát về phiên xử này.

Ba nhà hoạt động nhân quyền Bùi Thị  Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh với cáo buộc vi phạm điều 245 theo bộ luật hình sự “gây rối trật tự công cộng khiến ách tắc giao thông nghiêm trọng” của chính quyền đã bị tòa án ở Đồng Tháp xử tổng cộng 7 năm rưỡi tù giam. Việc kết án này theo như bản tuyên bố của đại sứ quán hoa kỳ tại VN là “không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế
Đinh Nhật Uy
Chia sẻ với chúng tôi về bản án của Bùi Thị Minh Hằng và 2 người bạn, anh Đinh Nhật Uy, là một trong số các nhà hoạt động đến dự phiên toà này đã cho chúng tôi biết như sau:
Về bản án của Bùi Thị Minh Hằng và hai người bạn, em thấy nó thật sự là vô lý. Họ tuyên án với mức 3 năm đối với Bùi Thị Minh Hằng thì nó quá là nặng.  Toà Đồng Tháp ra được bản án như thế tôi thấy nó rất là nực cười.  Bản thân tôi thấy có tính chất thù hằn đối với chị Bùi Thị Minh Hằng; Còn bản cáo trạng tôi thấy mức án đó rất là khắt khe và mang phần vô lý”.
Tuyên án với mức 3 năm đối với Bùi Thị Minh Hằng thì nó quá là nặng. Toà Đồng Tháp ra được bản án như thế tôi thấy nó rất là nực cười. Bản thân tôi thấy có tính chất thù hằn đối với chị Bùi Thị Minh Hằng
anh Đinh Nhật Uy
JB Nguyễn Hữu Vinh
Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh người cũng có mặt tại Đồng Tháp tham dự  phiên xử Bùi Thị Minh Hằng và 2 người bạn cũng đã cho chúng tôi biết cảm nghĩ của ông sau khi bản án được đưa ra:
“Với bản án của 3 nạn nhân là Bùi Thị Minh Hằng và 2 người bạn của cô ở tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp hôm qua vừa xử, theo tôi đánh giá,đây là một sự chế nhạo vào nền luật pháp mà được gọi là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bởi vì một quá trình người ta theo dõi từ bắt bớ cho đến quá trình điều tra rồi giam giữ và đưa ra xét xử đều vi phạm những tiêu chuẩn cơ bản của nguyên tắc về tố tụng. Tôi cho rằng đây là sự trả thù hèn hạ của cả một hệ thống đối với một người phụ nữ chân yếu tay mềm và tay không: Khi người ta thể hiện tiếng nói của mình, thể hiện lòng yêu nước của mình và thể hiện tiếng nói độc lập của mình trong những vấn đề về lãnh thổ về lãnh hải, về những vấn đề quyền bất khả xâm phạm của con người và những quyền con người khác nhau.  Đây là sự trả thù hèn hạ”.
Với bản án của 3 nạn nhân là Bùi Thị Minh Hằng và 2 người bạn của cô ở tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp hôm qua vừa xử, theo tôi đánh giá,đây là một sự chế nhạo vào nền luật pháp mà được gọi là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh
Blogger Phạm Thanh Nghiên
Blogger Phạm Thanh Nghiên, một nhà tranh đấu cho dân chủ hiện vẫn đang bị quản chế tại gia cũng chia sẻ cảm nghĩ của mình đối với bản án:
Trong phiên toà ngày hôm qua, 7 năm rưỡi một bản án rất nặng nề cho các nhà hoạt động nhân quyề.Một phiên toà kín không khác gì đối với các phiên toà xử các nhà đối kháng khác là những người đang đứng lên đòi công lý hay công khai chỉ trích chế độ.Tôi khẳng định rằng 3 người này hoàn toàn vô tội và nhà cầm quyền đã dàn dựng một vụ việc rất vụng về để trả thù 3 người.  Nó phi lý đến nỗi mà một số các anh chị em viết trên facebook đã ví von đây là vụ án mà hai xe đi hàng ba để nói lên tính chất vô lý đến mức độ không thể tồn tại trong sự thật được.  Và theo tôi cho dù có một vụ vi phạm giao thông chăng nữa thì cùng lắm chỉ nộp hành chính là xong, vài trăm ngàn thôi.  Nhưng đây đã trở thành một vụ án mà tôi cho rằng phiên toà ngày hôm qua là một trong những phiên toà nóng nhất từ trước tới giờ và thu hút đến trên dưới 100 người công khai đến phiên toà để mà bị bắt.
Tôi có thể khẳng định một điều ở Việt Nam không có luật pháp mà chỉ có luật rừng mà thôi; Không có viện kiểm soát, không có toà án, không có công an điều tra, mà chỉ có công cụ; Chỉ có lá chắn và thanh kiếm để bảo vệ chế độ này thôi
Blogger Phạm Thanh Nghiên
Tôi cho rằng đây là một phiên toà rất nóng thể hiện sự quan tâm của rất nhiều người và xã hội bây giờặc biệt người ta đã phần nào bước qua được sự sợ hãi để dám công khai bày tỏ tiếng nói, một khát vọng muốn thay đổi, muốn làm chủ cuộc sống, muốn làm chủ đất nước của mình một cách thật sự. Tôi có thể khẳng định một điều ở Việt Nam không có luật pháp mà chỉ có luật rừng mà thôi;Không có viện kiểm soát, không có toà án, không có công an điều tra, mà chỉ có công cụ; Chỉ có lá chắn và thanh kiếm để bảo vệ chế độ này thôi.  Và qua phiên toà này cũng nói lên một điều rằng ngày càng có nhiều người bước qua sự sợ hãi để đối mt với cường quyền, dám bày tỏ một cách công khai, những khát vọng đổi đời, khát vọng được sống thực sự làm chủ mình trong một đất nước có dân chủ, một đất nước mà nhân quyền, nhân phẩm và giá trị của con người được tôn trọng”.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, là một trong nhiều người có quan tâm đến tình hình chính trị xã hội cũng theo dõi sát phiên toà và cho rằng đây là phiên toà do công an chỉ đạo nên ông cảm thấy bức xúc:
Chính quyền Việt Nam giờ đây đã dùng tới cả lỗi giao thông ngụy tạo để truy tố hình sự các nhà hoạt động” “Đáng lẽ chính quyền Việt Nam nên nhận thấy rằng vụ này không đáng để phải chịu sự chỉ trích của quốc tế mà nó có thể gây ra, và hủy bỏ các cáo buộc ngay lập tức
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Có thể nói bản án kết án 3 người dấu tranh, khiến cho những người dân thường như chúng tôi sau khi theo dõi xong hết sức bức xúc, không thề ngờ được.  Cho đến thời điểm này cả thế giới quan tâm với một công cụ mở là internet, là thời điểm mà Việt Nam cần phải chứng minh với thế giới là Việt Nam ngày càng dân chủ hoá. Phiên toà này lại  hoàn toàn ngược lại, lại chứng minh với thế giới là Việt Nam là một đất nước công an trị, là một đất nước mất dân chủ, là đất nước đàn áp dữ dội những người lên tiếng đấu tranh.  Đấy là điều không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị các tổ chức quốc tế và trong nước gây sức ép với chính quyền yêu cầu thả ngay lập tức những người đó.  Nếu như họ vi phạm pháp luật, thì ở đây tối đa là vi phạm hành chính trong việc tham gia giao thông, mà vi phạm hành chính tối đa xử lý là án hành chính chứ không thể hình sự hóa đến 3 năm tù.Trong khi đó quan chức vi phạm thì chúng lại bao che bảo kê nhau, đấy là điều không thể chấp nhận được ở Việt Nam”.
Được biết tổ chức theo dõi nhân quyền đã lên tiếng yêu cầu chính quyền VN cần hủy bỏ các cáo buộc hình sự đối với 3 nhà hoạt động, đồng thời phóng thích họ ngay lập tức.  Sau khi phiên tòa kết thúc, phó giám đốc phụ trách Châu Á của tổ chức theo dõi nhân quyền phát biểu cho rằng “Chính quyền Việt Nam giờ đây đã dùng tới cả lỗi giao thông ngụy tạo để truy tố hình sự các nhà hoạt động” “Đáng lẽ chính quyền Việt Nam nên nhận thấy rằng vụ này không đáng để phải chịu sự chỉ trích của quốc tế mà nó có thể gây ra, và hủy bỏ các cáo buộc ngay lập tức.”.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đã ra tuyên bố cho rằng họ quan ngại sâu sắc về việc chính phủ VN kết án và phạt tù các nhà hoạt động và cho rằng “việc các cơ quan chức năng Việt Nam sử dụng các điều luật về trật tự công cộng để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hoà là điều đáng báo động”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét