Đặc phái viên Lê Hồng Anh nói gì với quan chức Trung Quốc?
Trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn lời ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ
chính trị, nói như vậy trong cuộc gặp với ông Vương Gia Thụy, Phó Chủ
tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại
Trung ương Trung Quốc, ở Bắc Kinh.
Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính Trị và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được trích lời nói rằng
việc hai bên ‘tăng cường hợp tác, duy trì quan hệ phát triển lành mạnh,
ổn định là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế
hiện nay và tình hình Biển Đông có những diễn biến căng thẳng, phức
tạp’.
Ông Lê Hồng Anh cũng ‘đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ trong thời gian
qua giữa Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Việt Nam với Ban Liên lạc Đối
ngoại Trung ương Trung Quốc’.
Trang web của Bộ Ngoại giao cũng dẫn lời ông Thụy nói rằng Trung Quốc
‘rất coi trọng chuyến thăm’ của ông Lê Hồng Anh, và ‘tin rằng chuyến
thăm sẽ góp phần giải quyết thỏa đáng tranh chấp, bất đồng đang tồn tại
giữa hai nước’.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã không đưa tin chi tiết về cuộc gặp giữa ông Lê Hồng Anh và ông Vương Gia Thụy.
Bản tin ngắn của cơ quan thông tấn của nhà nước Trung Quốc chỉ đưa tin
chung chung về cuộc tiếp kiến đầu tiên của ông Lê Hồng Anh với quan chức
nước chủ nhà, đồng thời dẫn lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt
Nam Lê Hải Bình nói hôm qua, rằng ‘chuyến thăm của đặc sứ Việt Nam tới
Trung Quốc để thảo luận các biện pháp nhằm làm dịu tình hình, không để
tái diễn các vụ việc căng thẳng như vừa qua’.
Giáo sư Tương Lai, một nhà quan sát mối quan hệ Việt – Trung, cho VOA
Việt Ngữ biết rằng ông đặt dấu hỏi lớn về hai từ ‘khôi phục’ của ông Lê
Hồng Anh.
Nhà nghiên cứu này nói: “Khôi phục cái gì? Khôi phục mối quan hệ mà
Trung Quốc đã đưa ra những lời bịp bợm 4 tốt và phương châm 16 chữ? Tất
cả những cái đó đã bị lột trần với hành động kẻ cướp của giàn khoan
981. Và giàn khoan ấy, tôi đã viết bài cám ơn cái giàn khoan, chữ cám ơn
trong ngoặc kép. Vì sao? Nó như một tờ giấy quỳ, nhúng vào dung dịch để
nó hiện lên cái màu gì nó ra màu ấy, màu tím, màu đỏ, hay màu xanh. Với
hình giàn khoan ấy, nó lột trần bộ mặt xâm lược của bọn hiếu chiến
trong thế lực cầm quyền Bắc Kinh, đồng thời nó cũng lột mặt nạ của những
kẻ lâu nay ăn phải bả của Trung Quốc, ra rả nói lên 4 tốt và 16 chữ
[láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới
tương lai]”.
Tháng trước, giáo sư Tương Lai cùng hàng chục đảng viên lão thành là các
nhân sỹ, trí thức có tiếng ở trong nước mới viết một bức thư ngỏ gửi
Ban chấp hành trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam,
trong đó kêu gọi “nhanh chóng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhằm
phát huy thế mạnh chính nghĩa” của Việt Nam.
Ông Lê Hồng Anh, được coi là nhân vật quyền lực thứ 5 trong Bộ Chính Trị
Đảng Cộng Sản Việt Nam, tới thăm Trung Quốc trong hai ngày từ 26 tới
27/8.
Chưa rõ là vị đặc phái viên này sẽ gặp quan chức cao cấp nào của Trung
Quốc trong ngày thứ hai ở thăm quốc gia láng giềng phương Bắc.
Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên của một giới chức cấp cao của Việt Nam với
chính quyền Bắc Kinh sau chuyến công du Hà Nội của Ủy viên Quốc Vụ Viện
Trung Quốc Dương Khiết Trì hồi tháng 6.
Mối bang giao Việt – Trung đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập
kỷ sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố
chủ quyền hồi tháng Năm, dẫn tới đối đầu nhiều ngày trên biển Đông.
Nguồn: MOFA, Xinhua, VOA
Đoan Trang - Lại chuyện chụp ảnh công an
Đứng cùng với mình trong ảnh là một anh cảnh sát ở thành New York. Nói
theo ngôn ngữ của công an ta, anh được trên phân công nhiệm vụ trực
chiến ở khu vực tượng Con Trâu (Charging Bull) gần Phố Wall. Địa bàn này
rất phức tạp, vì nằm gần trung tâm tài chính lớn của tư bản Mỹ, trong
khu Manhattan vốn là nơi hết sức mất trật tự trị an.
Tuy nhiên, có lẽ do đời sống đô thị ở đây yên bình quá cho nên công việc
trên thực tế của anh cảnh sát ấy – như mình thấy – là chỉ đường cho
khách bộ hành và tạo dáng, chụp ảnh với khách du lịch.
Hôm đó mình chỉ đứng ở đấy có 5 phút mà đã có tới 2-3 người hỏi đường và
cả chục du khách (chủ yếu là nữ) xô vào xin chụp ảnh cùng, làm anh bận
tíu tít. Nhưng anh vẫn chỉ đường tận tình, giữ nụ cười thật cine và “cảm
ơn, chúc một ngày tốt lành” cho tất cả mọi người. Có du khách (trông
mặt thì châu Á đấy nhưng chắc chắn không phải đến từ Việt Nam hay Trung
Quốc) còn hỏi: “Tôi có thể chụp một mình anh thôi được không?”. Anh cảnh
sát hớn hở: “Certainly. Why not?” (Tất nhiên rồi, tại sao lại không
chứ?). Rõ cái thằng thích chụp ảnh!
Nhưng mà nhìn anh, lại nghĩ chuyện quê nhà. Ở Việt Nam ta, bác nào mà
đang đi đường, tự nhiên lại đi tới xin chụp ảnh cùng mấy đồng chí công
an giao thông nhỉ, không biết điều gì sẽ xảy ra? Nếu lại còn táo gan
hơn, xin ghi hình một mình đồng chí ấy thôi, thì không chừng tan luôn cả
cái máy ấy chứ, híc híc.
* * *
Lại nhớ chuyện luật sư “phản động”, Việt kiều Mỹ Vi K. Tran kể: Cách đây
mấy năm nàng về thăm quê hương Việt Nam, cũng thấy có anh công an giao
thông trẻ đang đứng đủng đỉnh ở một ngã tư vắng. Tưởng anh rảnh rỗi và
hiếu khách, lại quen thói “xì tin dâu”, nữ luật sư lon ton chạy lại gần
xin chụp ảnh cùng bạn của dân.
Anh công an giương mắt lên, nhìn thẳng vào mặt Vi K. Trần. Ánh mắt gườm
gườm và đầy tinh thần cảnh giác cách mạng ấy như thay lời muốn nói: “Bố
con dở hơi!”.
Rồi anh quay đít đi tạt qua chỗ khác.
Vi K. Trần cụt hứng, đành tự chụp hình mình với cái gáy, lưng và mông của anh công an nọ. (ảnh dưới)
Bài học rút ra là: “Đừng có đem quan niệm của nước ngoài áp đặt vào Việt
Nam”. Thấy cảnh sát Mỹ thân thiện mà tưởng công an Việt Nam cũng thế
hả, đừng hòng nhá, đây rất là kiên định cách mạng nhá.
* * *
Nhân đây xin nói thêm: Nhiều bạn dư luận viên hoặc có tư duy của dư luận
viên hay đưa chuyện cảnh sát Mỹ hành hung dân thường (đặc biệt là người
da đen, người thuộc các sắc dân thiểu số) ra để nói, đại ý: “Đấy, rân
trủ đâu rồi, không qua đấy mà đấu tranh? Ở Mỹ mà lơ tơ mơ thì cảnh sát
nó cũng đánh cho hỏng người đấy nhé các con giời ạ”.
Lập luận này của các bạn hết sức nực cười, vì vài lẽ: Thứ nhất là,
chuyện cảnh sát lạm quyền thì đúng là ở đâu trên thế giới này cũng có,
vì bản chất của những cái nghề có gắn hai từ “công vụ” vào là như thế.
Mỹ chẳng phải hình mẫu hoàn hảo để toàn thế giới phải noi theo, nên tại
sao các bạn cứ lôi Mỹ ra làm gì nhỉ?
Chính vì bản chất của nghề là dễ lạm dụng quyền lực, nên lại càng phải
có cơ chế giám sát độc lập, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc, triệt để các
trường hợp cảnh sát bạo quyền.
Thứ hai là, tất cả các vụ cảnh sát lạm quyền ở Mỹ đều được điều tra độc
lập và bị đưa ra xét xử, trừng phạt thích đáng bởi tòa án (đương nhiên
là độc lập). Cảnh sát Mỹ mà vớ vẩn, dân kiện cho thì vỡ mặt. Và trên
thực tế là trong các vụ dân kiện cảnh sát từ trước tới nay, cảnh sát Mỹ
thua rất nhiều, te tua vì thua kiện, đã thế còn bị báo chí-truyền thông
cho lên thớt mà “băm” tơi tả.
Quay trở lại chuyện Việt Nam, thì ta thử xem có vụ nào công an đánh dân,
giết dân, mà bị xử thích đáng không? Hay là toàn thấy dân tự tử trong
đồn, tự đập mặt vào giày và dùi cui của công an, còn báo chí thì cứ phải
vừa đưa tin vừa ngóng chừng xem ý Ban Tuyên giáo thế nào…
Ảnh: Ian Timberlake/ AFP (2011) |
(Blog Đoan Trang)
Mỹ ‘quan ngại sâu sắc’ về bản án của 3 nhà hoạt động ở Đồng Tháp
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết họ "quan ngại sâu sắc" về việc
chính phủ Việt Nam kết án và phạt tù nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng và
hai người khác, nói rằng việc chính quyền Việt Nam sử dụng luật về trật
tự công cộng để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì bày tỏ quan
điểm chính trị một cách ôn hòa là "đáng báo động."
“Việc kết án này dường như không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và
những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và
Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền
Quốc tế,” tuyên bố nói.
Hôm thứ Ba, Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Tháp tuyên án tù 3 năm cho bà Bùi
Thị Minh Hằng, một nhà hoạt động dân chủ có tiếng hay sử dụng Facebook
để thu hút sự quan tâm về những vấn đề từ quyền sở hữu đất cho tới tự do
chính trị và tôn giáo.
Cùng bị tuyên án còn có hai người khác là bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và
ông Nguyễn Văn Minh, theo thứ tự 24 tháng và 30 tháng tù giam.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của tổ chức
Theo dõi Nhân quyền (HRW), nói rằng hai nhà hoạt động nói trên bị nhắm
mục tiêu để đánh lạc hướng chú ý khỏi bà Hằng:
"Cuối cùng thì họ quyết định rõ ràng rằng bà ấy là người mà họ phải truy
tội. Tôi suy đoán có lẽ những người khác bị giam giữ cùng với bà ấy là
những người mà cơ quan chức năng có thể dựa vào mà tuyên bố rằng họ
không chỉ truy tội bà ấy mà còn truy tội những người khác nữa," ông
Robertson cho VOA biết.
Ông Robertson cho biết cáo trạng buộc tội bà Hằng “cản trở giao thông “ là một nỗ lực nhằm tránh bị quốc tế chỉ trích.
"Đây là những cáo buộc mà chính quyền đưa ra để xét xử và tôi nghĩ chúng
giúp giảm bớt sự lên án của quốc tế. Nói gây rối rật tự công cộng thì
dễ hơn là nói sử dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà
nước," ông Robertson phát biểu.
Theo HRW, năm 2013 chứng kiến ít nhất 63 người bị giam giữ vì bày tỏ
chính kiến ôn hòa tại Việt Nam. Hà Nội cho biết không có ai bị giam giữ
vì bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa, mà chỉ có những người vi
phạm pháp luật.
(VOA)
Nguyễn Hưng Quốc - Hãy cám ơn Trung Quốc
Việc Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 đến thăm dò dầu khí trên vùng
biển thuộc chủ quyền Việt Nam vào đầu tháng 5 vừa qua gợi lên rất nhiều
phẫn nộ từ dân chúng Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại, tôi nghĩ, chúng ta
nên cám ơn Trung Quốc.
Cám ơn về nhiều việc, nhưng việc quan trọng nhất là nó làm cho người dân
Việt Nam cũng như giới quan sát quốc tế thấy rõ là chính quyền Việt Nam
hoàn toàn lúng túng trong việc đối đầu với những thử thách như thế. Sự
lúng túng ấy thể hiện ở hai điểm: Một, họ không có tầm nhìn chiến lược
đủ để có thể tiên đoán các hành động xâm lấn của Trung Quốc trên lãnh
hải Việt Nam; và hai, trong nội bộ của họ, ngay cả ở những cấp lãnh đạo
cao nhất, vẫn bị phân hoá với hậu quả là sau mấy tháng bị Trung Quốc
quấy nhiễu, họ vẫn không tìm ra được một sách lược chung nào cả.
Cám
ơn Trung Quốc còn vì lý do này nữa: Việc gây hấn ấy dập tắt ảo tưởng về
người bạn “4 tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác
tốt) với “16 chữ vàng” (Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định
lâu dài, hướng tới tương lai) của khá nhiều người, kể cả các đảng viên.
Người ta thấy rõ một điều, cái điều trên thế giới đã có rất nhiều người
thấy từ lâu: Trong quan hệ quốc tế, sự tương đồng về ý thức hệ không
quan trọng bằng lợi ích quốc gia. Điều này đã được chứng minh một lần
qua cuộc chiến tranh trên biên giới Việt Trung năm 1979. Giới lãnh đạo,
nếu chưa mở mắt hẳn, có lẽ cũng thấy ngượng ngập khi phải nhắc đến những
khẩu hiệu ngu xuẩn ấy. Hệ quả là phương cách cũng như khẩu khí của họ
khi tuyên truyền sẽ đổi khác. Đổi khác ở mức độ nào thì chúng ta chưa
rõ.
Lý do thứ ba để cám ơn Trung Quốc là sự gây hấn của họ khiến hầu hết các
quốc gia ở Đông Nam Á giật mình. Trước đó, tuy ai cũng nghe rõ lời
công bố ngang ngược của Trung Quốc về con đường lưỡi bò bao trùm phần
lớn Biển Đông, nhưng nhiều quốc gia vẫn còn chút ảo tưởng là Trung Quốc
chỉ đánh võ mồm, do đó, họ dễ đâm ra ỷ y. Nay thì người ta biết rõ là
Trung Quốc không chỉ nói suông. Sự thức tỉnh ấy là một lợi thế cho Việt
Nam nếu Việt Nam muốn tranh thủ sự hậu thuẫn của các nước trong khu vực
để thành lập một trận tuyến chung nhằm kháng cự lại Trung Quốc, ít nhất
về mặt pháp lý và chính trị.
Hơn nữa, ở khía cạnh này, có lẽ Mỹ cũng cần phải cám ơn Trung Quốc. Mấy
chục năm trước, quan hệ giữa Mỹ với vùng châu Á Thái Bình Dương tuy cũng
tốt nhưng rõ ràng là không mặn mà lắm. Chính phủ Philippines đóng cửa
căn cứ hải quân và không quân của Mỹ trên đất nước họ. Dân chúng Nhật
Bản cũng đòi đóng cửa các căn cứ của Mỹ tại Nhật. Bây giờ thì khác. Cả
Nhật Bản lẫn Philippines đều cố gắng mời mọc Mỹ trở lại. Hầu hết các
quốc gia khác trong khu vực cũng có một thái độ giống nhau: hoan nghênh
quyết định quay lại với châu Á của Mỹ. Có thể nói, chưa bao giờ các quốc
gia châu Á, từ Nhật Bản đến Nam Triều Tiên, từ Philippines đến Miến
Điện, từ Malaysia đến Thái Lan lại cần Mỹ đến như vậy.
Lý do thứ tư để cám ơn Trung Quốc là, sau sự gây hấn của Trung Quốc
với Việt Nam, Mỹ càng có quyết tâm quay lại với châu Á Thái Bình Dương
hơn. Trong một bài báo viết vào giữa năm 2012, Thượng nghị sĩ John
McCain nêu lên hai tâm điểm chính phủ Mỹ cần chú ý một cách đặc biệt:
Biển Đông và Miến Điện.
Tình hình Miến Điện đến nay diễn tiến tương đối tốt. Mặc dù có một số
mâu thuẫn về sắc tộc và tôn giáo thỉnh thoảng bùng nổ thành bạo động
nhưng xu hướng dân chủ hoá tại đất nước ấy có vẻ thuận lợi. Chỉ còn Biển
Đông, một tuyến đường hàng hải quan trọng của Mỹ, nơi mỗi năm, Mỹ
chuyên chở một lượng hàng hoá lên đến 1.2 ngàn tỉ (1.2 trillion). Việc
bảo vệ Biển Đông, do đó, là một trong những nhiệm vụ chiến lược của Mỹ.
Nhưng để bảo vệ Biển Đông, Mỹ cần sự hợp tác của nhiều quốc gia trong
khu vực, từ Philippines đến Brunei, Indonesia, Malaysia và Việt Nam,
trong đó, quan trọng nhất là Việt Nam, nước có vùng biển và đảo bị tranh
chấp lớn nhất. Nếu Việt Nam thần phục Trung Quốc và chấp nhận con đường
lưỡi bò của Trung Quốc thì Trung Quốc đã thành công gần một nửa.
Chính ở điểm này quyền lợi của Việt Nam và Mỹ gặp nhau. Nói cách khác,
Mỹ không cần gì ở Việt Nam ngoài mục tiêu chung là ngăn chận sự bành
trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong khi đó, Việt Nam cần Mỹ trên
rất nhiều phương diện, từ kinh tế đến quốc phòng; về quốc phòng, nổi
bật nhất là cuộc tranh chấp trên Biển Đông. Nhu cầu hợp tác giữa Mỹ và
Việt Nam trở thành bức thiết nhất là sau vụ Trung Quốc mang giàn khoan
HD-981 đến thềm lục địa Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà sau biến cố
ấy, các cuộc thăm viếng giữa hai bên tăng lên dồn dập. Đó là lý do cuối
cùng khiến chúng ta nên cám ơn Trung Quốc.
Tuy nhiên, Việt Nam có nắm bắt được cơ hội tăng cường hợp tác với Mỹ hay
không là một vấn đề khác. Hai nguyên tắc quan trọng nhất trong chính
sách ngoại giao của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama là, một, họ
không chiến đấu giùm cho ai cả mà chỉ giúp những quốc gia có quyết tâm
chiến đấu để tự bảo vệ mình; và hai, họ chỉ giúp đỡ những nơi chia sẻ
với họ một số điểm trong bảng giá trị chung: dân chủ và nhân quyền. Điểm
thứ hai rất quan trọng đối với trường hợp của Việt Nam với lý do là,
đến nay, còn rất nhiều công dân Mỹ vẫn mang vết thương thời chiến tranh
trước năm 1975. Chính phủ Mỹ chỉ có thể hợp tác sâu đậm với Việt Nam nếu
họ thuyết phục được dân chúng Mỹ là Việt Nam xứng đáng nhận được sự
giúp đỡ của Mỹ.
Nguyễn Hưng Quốc
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết
trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh
quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)
Tướng Mỹ gốc Việt đầu tiên trả lời báo Mỹ: “Sống ở Mỹ không dễ!...“
Tướng Mỹ, gốc Việt, Lương Xuân Việt nhận chức |
Hồi đầu tháng 8, quân đội Mỹ tổ chức lễ phong hàm Chuẩn tướng cho đại tá Lương Xuân Việt (Viet Xuan Luong). Ông Việt trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên được phong tướng trong lịch sử quân đội Mỹ...
Ông Việt theo gia đình sang Mỹ năm 1975, bắt đầu sự nghiệp trong quân đội Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học Nam California năm 1987, nơi ông nhận được bằng cử nhân sinh học, thạc sĩ khoa học nghệ thuật quân sự.
Ông Việt từng theo học tại trường đào tạo chỉ huy, phục vụ Lực lượng tác chiến ở Nam Âu, đóng quân ở Ý.
Ông cũng tham gia vài chiến dịch ở Kosovo, Bosnia-Herzegovina rồi Iraq và Afghanistan.
Về chức vụ, ông Việt từng là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 82 biệt kích dù, trung đoàn trưởng sư đoàn 101 không kỵ, sau đó là tư lệnh phó sư đoàn thiết kỵ số 1 cho đến nay. Chức vụ này thường phải do sỹ quan cấp tướng đảm nhiệm.
Sau khi trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên được phong tướng, ông Việt vừa có bài trả lời phỏng vấn trên một trang của Orange County. Báo Một Thế Giới trích dịch giới thiệu cùng bạn đọc bài này.
Phóng viên Orange County: Việc chuyển từ Việt Nam sang Mỹ sống có khó khăn gì cho gia đình ông không?
Tướng Lương Xuân Việt: Lúc đầu, chúng tôi rất lạc quan vì nghĩ rằng có thể tiếp tục học và sống với giấc mơ Mỹ. Nhưng trên thực tế, những gì xảy ra giống như hầu hết những người nhập cư đến đất nước này, cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chúng tôi ra khỏi nhà một người bạn ở Los Angeles chỉ với 200 USD. Chúng tôi phải tới một khu vực rất nghèo khó ở Los Angeles, gần Echo Park.
Bố mẹ tôi phải bắt đầu làm việc ngay lập tức và chị em tôi (ông Việt có 6 chị em) cũng vậy để mưu sinh. Tất cả gom góp hết tiền lương để nuôi sống gia đình. Nhưng mọi thứ không hề tuyệt vời.
Chị cả của tôi đã phải làm việc theo kiểu bị bóc lột ở Chinatown (khu người Hoa) và chị ấy chẳng làm được những gì mà người ta mong muốn. Chị thứ hai làm việc tại một trạm xăng dù họ đều đã học đại học tại Việt Nam (miền nam Việt Nam trước 1975).
Sau khi chị hai của tôi đã bị cướp dùng súng dọa, cha tôi nói với chúng tôi thế là đủ rồi và chúng tôi cần phải trở lại trường học, còn chuyện làm việc để cha mẹ tôi lo.
Vì vậy, cha tôi đã làm việc quần quật và đưa tất cả chúng tôi đến trường. Chúng tôi đều đi học đại học. Một nửa đến UCLA (Đại học Los Angeles) và một nửa đến USC (Đại học nam California)
Tại sao ông chọn USC thay vì UCLA?
- Tôi được cả 2 trường nhận và các chị em của tôi cũng vậy. Nhưng tôi đã định hướng tới USC để có thể trở thành một sĩ quan dự bị theo chương trình ROTC (một chương trình giữa Bộ quốc phòng Mỹ với các trường nhằm tuyển dụng sĩ quan). Tôi nhận được một suất học bổng bốn năm. Hai mươi năm sau, tôi thấy không có gì phải hối tiếc.
Có khó khăn gì khi không sinh trưởng, hội nhập vào nền văn hóa Mỹ?
- Nhiều lần khác nhau trước đây tôi gặp rắc rối với tệ bắt nạt và phân biệt chủng tộc, không giống như thời buổi bây giờ. Thật thú vị khi con tôi không bị ám ảnh bởi sự phân biệt.
Chúng hoàn toàn vô tư và bạn bè của chúng nghĩ rằng chúng thật dễ thương khi nói tiếng Việt. Còn thời của tôi thì khác. Đối với tôi, ngôn ngữ là một vấn đề sống còn, tôi phải cố gắng học tiếng Anh nhanh nhất có thể. Tôi lớn lên trong một môi trường khắc nghiệt. Tôi đã trải qua một số thời điểm khó khăn.
Ba điều ông đã học về lãnh đạo trong quân đội là gì?
- Thứ nhất là đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng và lòng khoan dung. Đó là một trong những triết lý sống của tôi.
Thư hai là khiêm tốn. Rất nhiều người trong chúng tôi đạt đến cấp bậc này đã phải trải qua một số giai đoạn sàng lọc kỹ càng với tỷ lệ cạnh tranh cao. Nhưng đã có rất nhiều người hy sinh để chúng tôi có được vị trí như hôm nay. Tôi sẽ không bao giờ quên điều đó.
Thứ ba, luôn giúp đỡ. Trong quá trình thành công, bạn luôn nhận được giúp đỡ của mọi người không chỉ từ cấp trên, đồng đội mà còn cả từ gia đình. Do vậy, tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ những người xung quanh tôi đạt được thành công.
Quá trình chỉ huy chiến đấu ở Afghanistan của ông thế nào?
- Tôi có khoảng 6.000 binh sĩ dưới quyền chỉ huy tại một khu vực nhiều biến động ở gần biên giới với Pakistan.
Vào những ngày cuối, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có thể đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy (sự tự chủ) chính quyền địa phương như giúp người Afghanistan xây dựng một số cơ sở hạ tầng ở đó, giúp lực lượng vệ binh quốc gia và chính quyền địa phương có một khoảng thời gian và không gian để ổn định môi trường (trước khi Mỹ rút quân).
Ông thấy sự nghiệp của ông sẽ thăng tiến đâu?
- ôi nghĩ rằng tôi đã vượt quá mong đợi của tất cả mọi người và chính bản thân tôi. Còn giờ, tôi sẽ cống hiến cho tới khi nghỉ hưu
Việc là người Mỹ gốc Việt đầu tiên lên lon tướng có ý nghĩ gì về ông?
- Khi bạn là người đầu tiên của bất cứ điều gì, nhiệm vụ của bạn là phải làm một ví dụ tuyệt vời cho tất cả những người phía sau bạn noi theo.
Anh Tú (lược dịch)
(Một Thế Giới)
Đoàn Viết Hoạt - Nước Việt mới đầu thế kỷ 20
“Hiệp Lực” Pháp-Nam
Năm 1919, Albert Sarraut, trước khi rời Đông Dương chấm dứt nhiệm vụ
Toàn quyền, đã đọc một bài diễn văn đáng ghi nhớ tại Văn Miếu Hà Nội,
trung tâm văn hóa giáo dục của nước Việt thời kỳ Hán học. Bài diễn văn
này có thể coi như mở đầu cho một giai đoạn mới trong lịch sử Việt, giai
đoạn của một nước Viêt dưới ảnh hưởng Tây Phương, tạm thời thoát khỏi
ảnh hưởng của Trung Hoa. Nói tạm thời, vì như chúng ta thấy, vào cuối
thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, dưới sự thống trị của chủ nghĩa duy vật và của
chế độ Cộng sản, Việt Nam lại trở thành thuộc quốc của Trung Hoa, một
Đại Hán mới.
Buổi nói chuyện của Sarraut do Hội Khai Trí Tiến Đức, vừa thành lập một
năm trước đó ở Hà Nội, tổ chức ngày 27 tháng 4 năm 1919, có đến “ngót ba
nghìn người” tham dự, theo bài tường thuật của báo Nam Phong. Bài diễn
văn quan trọng này của Sarraut được đăng nguyên văn (bản dịch ra quốc
ngữ) trên Nam Phong tạp chí. Mở đầu, nhận mình là “đại biểu của một nước
lớn xưa nay vẫn làm thầy dạy học cho loài người” (tr. 277), Albert
Sarraut nói: “Tôi thương dân như người cha thương con” (Nam Phong, tháng
4, 1919, tr. 260). Rồi Sarraut cho biết có ý định về Pháp để vận động
cải cách chế độ cai trị ở Đông dương, cho phép chính quyền ở Đông dương
được có thêm nhiều quyền hạn hơn để thực hiện chính sách Pháp-Nam “hiệp
lực” cùng phát triển Đông dương. Ông phủ dụ người nghe, thành phần
thượng lưu Bắc Hà, về “cái lý tưởng về công quyền của nhân loại” (l’idée
des droits supérieurs de l’humanité), vốn là tư tưởng của nước Pháp”,
để “thế giới phải tiệt cho hết cái mầm áp chế (tyrannie)”. Ông tự hào đã
đề xướng ra và thực hiện chính sách “khai hóa” cho dân “bản xứ”, và
bênh vực cái lý chính đáng của việc bảo hộ “An Nam”. Ông coi nước Pháp
như “người anh lớn đến giúp đỡ che chở cho người em nhỏ”. Nước Pháp “vì
văn minh tiến bộ hơn” nên “có quyền chúa tể đối với dân xứ này”, có
quyền “bắt các dân bảo hộ phải tôn trong cái chủ quyền” của Pháp ở Đông
dương.
Sarraut thuyết giảng rằng công cuộc bảo hộ của Pháp đã đem đến cho dân
bản xứ nhiều điều mới lạ, mà điều thứ nhất là “cái tư tưởng về nhân
quyền (le droit de l’homme)”. Đây có lẽ là điều chua chát, mỉa mai nhất
trong bài diễn văn của Sarraut nói riêng và trong chính sách thực dân
của Pháp tại Đông dương nói chung – khiến cho hơn 20 năm sau, Lý Đông A
đã phải thốt lên hai câu thơ: “Đạo nghĩa gớm cho quân lợm khẩu (Tầu).
Nhân quyền khiếp cả lũ xanh ngươi (Pháp)” (Đạo Trường Ngâm, 1943).
Sarraut còn đưa ra luận điệu nửa đe dọa nửa phủ dụ. “Các ông cũng biết
cái oai quyền lẫm liệt của quân binh Pháp” nên có muốn đánh đổ quyền cai
trị của nước Pháp cũng không được. Hơn thế nữa, “giả thiết nước Pháp tự
bỏ xứ này mà đi” thì lúc đó “trong nước rối loạn, sức nước suy vi tiêu
tán đi mất cả… bấy giờ… nhớ đến cái ơn huệ của chúng tôi ngày nay mà
khóc ra máu được.” (tr. 270). Để thuyết phục giới thượng lưu trí thức
mới, Sarraut liệt kê ra những công việc mà nước Pháp đã làm để tạo dựng
ra một nước Việt mới.
Ông ta nhắc lại một đoạn trong bài nói chuyện của ông sáu năm trước
(1913) trong đó liệt kê những thành tích kiến thiết Đông dương của thực
dân Pháp: “Này người dân kia, thử đem so sánh cái tình cảnh của người
ngày nay với cái tình cảnh ngày xưa trước khi nước Đại Pháp sang đây…
Thử cúi đầu xuống nhìn cái mỏ sâu kia… Thử nhìn những dải đường rộng,
những con đường sắt kia… lại nhìn những cái cầu cao… cái nhà học đường
sáng sủa kia… cái nước máy nước giếng trong mát kia… những chốn nhà
thương kia… mà tự hỏi… còn có nước nào làm ơn cho ngươi được hơn nữa
không, và chính ngươi tự lực có thể gây dựng được những sự tốt đẹp như
thế không?”.
Ngày nay đọc lại bài diễn văn của Saraut tại Văn Miếu năm 1919, nhất là
đoạn trên đây, khoe khoang thành tích của chính quyền thống trị, chúng
ta nghe phảng phất giống những gì người dân Việt hiện nay đang hàng ngày
phải nghe, phải đọc. Chúng ta không biết hàng trăm thân hào nhân sĩ,
trí thức Việt có mặt lúc đó nghĩ gì và phản ứng (ngầm) thế nào, nhất là
khi nghe đoạn Sarraut mạt sát “bọn cách mệnh An Nam ở ngoại quốc… muốn
đòi cho nước Nam được độc lập” mà “sao dốt nát như vậy, sao cái óc nghèo
nàn đến thế”.
Đúng là ngôn từ “nhân nghĩa” của kẻ thống trị thời nào cũng thế. Có khác
chăng vào đầu thế kỷ 20, kẻ thống trị dân tộc là ngoại chủng, da trắng,
nói ngoại ngữ, còn giờ đây, kẻ thống trị dân chúng là người đồng chủng,
nói cùng ngôn ngữ. Cái giống nhau, trớ trêu thay, lại là cả hai thành
phần thống trị đều vận dụng những sản phẩm văn hóa tư tưởng và khoa học
của phương Tây, dù từ hai hướng tả-hữu tương phản nhau. Những kẻ thống
trị đồng chủng Việt hiện nay cũng du nhập một chủ nghĩa ngoại lai từ
phương Tây về áp đặt lên toàn dân, chưa hề có được một sáng tạo văn hóa
tư tưởng, chính trị-xã hội độc lập nào cho dân tộc. Họ cũng thẳng tay
ngăn chặn, áp chế mọi cố gắng sáng tạo tư tưởng – một sáng tạo cần có để
có thể xây dựng được một nước Việt mới vừa đặc thù Việt vừa thâu hóa
tiến bộ chung của toàn nhân loại. Bầu khí quyển văn hóa chính trị “độc
tôn và nô dịch” tại Văn Miếu năm 1919 vẫn đang bao phủ bầu trời văn hóa
chính trị Việt đầu thế kỷ 21 này!
Nhưng cũng như ngày nay, từ cuối chân trời, vừng đông vẫn luôn hé lộ.
Trong khi người Pháp muốn áp đặt lên dân Việt một nền Tây học nô lệ,
trong tầng lớp trí thức mới vẫn có những người yêu nước. Nếu không thể
hoặc không muốn tham gia cách mạng bạo động giành độc lập, tầng lớp trí
thức Tây học mới ra đời tìm mọi cách vận dụng các cơ hội hợp pháp có
được để đấu tranh ôn hòa,vừa đòi tự do độc lập vừa đưa đất nước hòa nhập
nền văn minh chung của thế giới. Họ nhìn ra được ba yếu tố mới có thể
giúp họ thực hiện được ý định này. Đó là báo chí, chữ quốc ngữ, và nền
giáo dục mới. Cả chính quyền thực dân và giới “thượng lưu trí thức” mới
đều vận dụng ba yếu tố này để đạt mục đích riêng của mình – những mục
đích lúc đầu, tuy khác nhau, còn có thể cộng tồn, nhưng càng về sau càng
tương phản và đối nghịch nhau vì bản chất khác nhau, để cuối cùng dẫn
đến va chạm, làm sụp đổ chế độ Pháp thuộc.
Báo Quốc Ngữ
Ở phương tây, báo chí xuất hiện sớm nhất tại Đức, từ đầu thế kỷ 17. Đó
là tờ Relation aller Fürnemmen und gedenckwürdigen Historien, ra đời năm
1605 tại Strasbourg. Tại Pháp, tờ La Gazette, ra đời năm 1631, là tờ
báo Pháp ngữ đầu tiên. Tại Á châu, tờ báo đầu tiên xuất hiện năm 1780
tại Calcutta nhưng bằng Anh ngữ. Báo chữ Hán xuất hiện đầu tiên tại
Trung Hoa năm 1833. Tờ báo Nhật ngữ đầu tiên ra đời năm 1862 tại Tokyo.
Tại Việt Nam, năm 1865, Trương Vĩnh Ký du học từ Pháp trở về nước, làm
đơn xin phép ra báo quốc ngữ, và được chấp thuận. Gia Định báo ra số đầu
tiên ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn, chỉ 3 năm sau tờ báo Nhật
ngữ đầu tiên tại Tokyo. Về nội dung, ngoài phần công vụ như một công
báo, Gia Định báo còn có phần tin tức xã hội, kinh tế, tôn giáo, và phần
văn thơ, nghiên cứu, dịch thuật.
Khi Trương Vĩnh Ký được trực tiếp điều hành tờ báo, ông đề ra cho tờ báo
3 mục đích rõ ràng: truyền bá quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học
trong dân. Sau Gia Định báo, tại Nam Kỳ lần lượt xuất hiện nhiều tờ báo
khác như Nông Cổ Mín Đàm (về kinh tế thương mại, 1901), Lục Tỉnh Tân Văn
(1907), đặc biệt còn có tờ báo riêng cho nữ giới, Nữ Giới Chung (1918)
do con gái của nhà nho yêu nước Nguyễn Đình Chiểu là Sương Nguyệt Anh
làm chủ bút.
Tại Bắc Kỳ, Đại Nam Đồng văn Nhật báo là tờ báo đầu tiên, ra mắt năm
1892 nhưng là báo chữ Nho. Đại Việt Tân báo là tờ báo bằng chữ Quốc ngữ
đầu tiên ở Hà Nội, phát hành năm 1905, có cả phần Hán văn. Trung kỳ phát
triển báo chí chậm hơn. Năm 1927 mới có tờ báo đầu tiên, tờ Tiếng Dân,
do Huỳnh Thúc Kháng chủ trương, phản ảnh quan điểm chính trị của ông,
qua chính tên gọi của tờ báo.
Như vậy cho đến đầu thập niên thứ nhất của thế kỷ 20, báo chí quốc ngữ
đã trở thành một hiện tượng thật mới lạ chưa từng có tại Việt Nam trước
đây. Nó vừa góp phần phát triển chữ quốc ngữ, vừa truyền bá nền văn học,
văn hóa, chính trị-xã hội phương tây. Lúc đó phong trào kháng Pháp cũng
đang bước vào một giai đoạn mới, sau khi phong trào Duy Tân và Đông Du
bị tan rã. Nhiều tổ chức chống Pháp ra đời, theo phương thức cách mạng
bí mật, mở đầu bằng tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội (VNQP Hội) do nhà
cách mạng Phan Bội Châu thành lập năm 1912 tại Hoa Nam. Những tổ chức
này cũng sử dụng chữ quốc ngữ và kỹ thuât in báo để in ấn truyền đơn
chống Pháp. Hai dòng văn hóa chính trị đối nghịch nhau, của chính quyền
thực dân Pháp và của những người Việt yêu nước, đều vận dụng quốc ngữ và
hai công cụ truyền thông mới là báo chí và in ấn để phát huy ảnh hưởng
của mình trong quần chúng, nhất là giới trẻ tại các thành thị mới.
Người Pháp tìm cách ngăn chặn sự phát triển của các phong trào cách mạng
bằng việc tăng cường đào tạo một tầng lớp trí thức Tây học, tạo điều
kiện cho họ tham gia vào việc phát triển giáo dục, báo chí, in và dịch
sách tiếng Pháp để truyền bá nền văn hóa chính trị Pháp. Họ cũng vận
dụng báo chí để đạt mục tiêu này. Đông Dương tạp chí ra đời ngày 15
tháng 5 năm 1913 tại Hà Nội, trong bối cảnh đó, ngay sau vụ ném bom ngày
26 tháng 3 do VNQP Hội thực hiện. Tờ báo nêu rõ mục đích “đem văn
chương học thuật, đem ân huệ văn minh của nhà nước Lang Sa mà khua sáo
cho lấp được những lời gây loạn”.
Nhưng người Pháp không thể kiểm soát hoàn toàn được báo chí quốc ngữ
cũng như không thể triệt tiêu được tinh thần yêu nước của thanh niên trí
thức Việt. Một nền báo chí yêu nước cũng được dịp ra đời, vận dụng được
sự phát triển của giáo dục và chữ quốc ngữ, để tuyên truyền vừa công
khai vừa bí mật những tư tưởng chống Pháp đòi độc lập. Việc dịch và ấn
hành rộng rãi các tác phẩm văn học và chính trị của Pháp nói riêng và
phương tây nói chung, cũng giúp nhiều trí thức trẻ tiếp cận được với các
luồng tư tưởng dân chủ, tiến bộ mới, kích thích họ tham gia vào các
hoạt động đòi tự do, giành quyền tự chủ cho người Việt.
Nền giáo dục mới và phong trào chống Pháp
Năm 1907, Toàn quyền Paul Beau cho mở trường Đại Học Đông Dương tại Hà
Nội đúng vào lúc mà Đông Kinh Nghĩa Thục đang tạo ảnh hưởng rộng lớn
trong giới trí thức trẻ Bắc Hà. Nhưng chỉ một năm sau, Toàn quyền
Klobukowski, kế nhiệm Paul Beau, ra lệnh đóng cửa trường đại học này
cùng với trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Có hai nguyên nhân dẫn đến quyết
định này. Một là không có đủ sinh viên, các lớp đại học phải mở vào
chiều tối, sau giờ tan sở, vì sinh viên đa số lấy từ những người biết
tiếng Pháp và làm tại các công sở. Hai là sinh viên lợi dụng môi trường
đại học để tuyên truyền chống thực dân Pháp.
Klobukowski cho rằng phong trào chống Pháp này do các “phần tử trí thức
giả yêu nước”, những nho sĩ Hán học “thất nghiệp” và những trí thức “nửa
mùa” mới, gây ra. Klobukowski cũng giải tán Tổng Nha Học Chánh Đông
Dương do Paul Beau lập ra, và chỉ giữ lại Nha Thanh Tra Học chánh.
Klobukowski chủ trương giáo dục chỉ được phát triển nếu nó phục vụ được
nhu cầu và quyền lợi khai thác thuộc địa của Pháp ở Đông dương. Ông ta
lo ngại rằng giáo dục càng phát triển sẽ càng nuôi dưỡng lòng yêu nước
và tạo điều kiện cho học sinh sinh viên chống lại sự cai trị của nước
Pháp.
Sự lo ngại của Klonukowski không phải là không có cơ sở. Năm 1908, cũng
là năm nổ ra nhiều cuộc nổi dậy chống Pháp tại Bắc và Trung Kỳ. Ngay
trước và sau khi trường Đại học Đông dương bị đóng cửa, tại nhiều nơi đã
xẩy ra các cuộc biểu tình chống Pháp, chống sưu cao thuế nặng. Có những
nơi ở miền Trung nông dân biểu tình kéo dài nhiều tuần lễ trong suốt
hai tháng 3 và 4 năm 1908, khiến chính quyền Pháp phải bắn thẳng vào
đoàn biểu tình làm chết nhiều người. Tại Hà Nội, chính quyền Pháp đã phá
vỡ một âm mưu đầu độc binh lính Pháp ngày 27 tháng 6 năm 1908. Trong
báo cáo gửi về Paris, phủ Toàn quyền Đông dương tin rằng âm mưu này do
một số nhân sĩ Bắc Hà chủ trương. Ở Huế, một âm mưu tương tự cũng bị
khám phá. Chính quyền Pháp bắt giữ một số sinh viên du học Nhật trở về
liên can đến các vụ đầu độc này.
Nước Việt Mới: Các Góc Cạnh Khác Nhau
Như vậy, vào đầu thập niên 1920, sau 60 năm cai trị ở Nam Kỳ và hơn 30
năm ở Bắc và Trung kỳ, người Pháp đã tạo ra một nước Việt mới cả về vật
thể lẫn tinh thần.
Về mặt vật thể, người Pháp đã xây dụng được những công trình giao thông
vận tải nối liền các thành phố, các vùng quê, và cả hai miền Nam Bắc,
với những con đường xe hơi và xe lửa xuyên Việt, các cầu bắc qua các
sông lớn như cầu Long Biên, khánh thành năm 1903, cầu Hàm Rồng, năm
1904. Tuyến xe lửa xuyên Việt là công trình giao thông chắc chắn gây ấn
tượng mạnh mẽ nhất cho người dân Việt lúc đó. Tuyến đầu tiên, Sài Gòn-Mỹ
Tho hoàn thành ngay từ năm 1885, tuyến Hà Nội-Lạng Sơn năm 1902, Hà
Nội-Hải Phòng năm 1903. Toàn tuyến xuyên Việt khánh thành ngày 2 tháng
10 năm 1936 nối liền Sài Gòn-Hà Nội, dài 1730 km. Giao thông vận tải
thuận tiện hơn, chắc chắn là một trong những yếu tố quan trọng tác động
vào toàn bộ đời sống của người dân nói chung và của thành phần tiên tiến
tại Việt Nam nói riêng. Nó cũng giúp đẩy nhanh sự phát triển kinh tế,
thương mại, và các sinh hoạt khác của xã hội. Nó tạo ra điều mà ngày nay
người ta thường gọi là “sự di động xã hội” (social mobility), cần thiết
cho phát triển – điều mà Việt Nam của thế kỷ 19 trở về trước chưa có
hay có nhưng với tốc độ di động quá chậm.
Về mặt tinh thần, một tầng lớp trí thức trẻ Tây học đã xuất hiện ,nhất
là tại các thành phố lớn. Môi trường kinh tế, văn hóa và xã hội mới cũng
tạo điều kiện cho một số trí thức từ Pháp trở về, và một số du học sinh
của Phong trào Đông Du lén lút về nước hoạt động. Ngay cả thành phần
nho sĩ cũ, dù chống Pháp nhưng cũng thấy cần canh tân xứ sở nên cũng
tích cực gây dựng phong trào Duy Tân và các công cuộc văn hóa, giáo dục,
xã hội mới.
Thành phần du học từ nước ngoài trở về, được trực tiếp sống trong những
xã hội tự do và phát triển ở Pháp và ở Nhật, đều muốn đất nước phải được
tự do hơn, tiến bộ hơn. Họ thực hiện ước muốn này theo hai cách khác
nhau: hoặc hoạt động bí mật để lật đổ chính quyền thực dân, giành lại tự
do, độc lập cho dân tộc, hoặc vận động công khai, vừa nhằm “nâng cao
dân trí, chấn hưng dân khí” vừa đòi hỏi quyền tự do tự chủ cho đất nước.
Trong tầng lớp trí thức Tây học còn có những người xuất phát từ Nam kỳ,
đất thuộc Pháp, hưởng quy chế chính trị của Pháp. Đây cũng chính là nơi
có tờ báo quốc ngữ đầu tiên, và các tổ chức chính trị hoạt động công
khai đầu tiên, như Phong Trào Minh Tân (chủ trương như Duy tân sau này)
của Trần Chánh Chiếu, ra đời năm 1901, và đảng Lập Hiến do Bùi Quang
Chiêu, cùng với Nguyễn Phan Long, Phan Văn Trường, thành lập năm 1923 ở
Sài Gòn.
Nước Việt mới ra đời như thế, như một bức tranh với nhiều mảng mầu,
nhiều góc cạnh tương khắc và xung đột. Ngay cả với những mảng mầu và góc
cạnh, mới xem tưởng như hòa hợp, nhưng trong bản chất không thể cùng
tồn tại lâu bền. Sự “hiệp lực” Pháp-Nam mà Albert Sarraut cố công gây
dựng, thường là bằng bạo quyền, chỉ dẫn đến tình trạng “đồng sàng dị
mộng” và mau chóng tan rã. Chỉ những gì thực sự mang tính nhân bản, phục
vụ cho đời sống của người dân, của con người, là còn tồn tại mãi mãi.
Như đường xe lửa xuyên Viêt. Như khoa học kỹ thuật hiện đại. Như chữ
quốc ngữ. Như cà phê, phim ảnh, hội họa và âm nhạc cổ điển Tây phương.
Những cái đó đã gắn liền với người Việt và nước Việt không bao giờ phai
tàn, dù chế độ thực dân đã tiêu vong.
Đoàn Viết Hoạt
23/8/2014
(Đàn Chim Việt)
Vì sao đến Năm Cam cũng phải ngồi "chiếu dưới" trùm Minh "Sâm"?
(trình non thì đừng ngồi chém gió nhận xét về "giang hồ"....)
(ĐSPL)- Trùm xã hội đen Năm Cam- ông vua không ngai của thế giới ngầm Sài Gòn thuở nào dù từng thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ từ các hoạt động phạm tội, song xét về độ chơi thì mãi chỉ thuộc hàng “chiếu dưới” của Minh “Sâm”- ông trùm gỗ đất Bắc Ninh.
Nói cách khác, Năm Cam chưa bao giờ “đủ tuổi” nếu xét về góc độ ăn chơi, hưởng thụ khi đặt cạnh ông trùm gỗ đất Bắc Ninh Minh "Sâm".
Nếu xét về độ ăn chơi, trùm xã hội đen Năm Cam chưa bao giờ đủ đẳng cấp khi so với Minh "Sâm". |
Thời
hoàng kim kéo dài hàng chục năm của Năm Cam giúp ông trùm và tập đoàn
tội phạm của mình thu về số lợi nhuận khổng lồ. Tuy nhiên, chưa bao giờ
Năm Cam được liệt vào dạng "đại gia" thứ thiệt.
Một
phần bởi hoạt động kinh doanh của ông trùm phần lớn là các hoạt động
phi pháp, phần khác bởi đội ngũ đàn em quá đông đảo cũng "ngốn" hết một
phần rất lớn tiền bạc của ông trùm. Không chỉ vậy, để mua lấy sự an toàn
cho bản thân, Năm Cam cũng đã phải cắn răng "chi đậm" cho hàng loạt
quan chức thoái hóa, nhằm tạo vỏ bọc an toàn cho những phi vụ "kinh
doanh" tội ác.
Ngoài sự tốn kém
để nuôi của một bộ máy cồng kềnh bao gồm cả xã hội đen và quan chức, còn
một yếu tố quan trọng khiến Năm Cam không bao giờ trở thành một "dân
chơi": Tính “keo” bẩm sinh của "ông trùm".
Hàng loạt chiếc siêu xe của Minh "Sâm". |
Xuất
thân nghèo khổ từ vùng quê "chó ăn đá, gà ăn sỏi" đã tôi luyện cho Năm
Cam bản lĩnh "rắn hơn sắt", mỗi khi phải đụng chạm tới tiền. Ngay người
vợ ăn ở với ông trùm mấy chục năm trời còn ngao ngán: "Tiền ổng kiếm
được, đâu bao giờ ổng đưa cho tôi lấy một xu", thì những thú vui tao nhã
ngốn tiền làm sao có cửa lọt vào mắt của ông trùm?
Không
chỉ vợ, ngay cả đứa con bí mật chưa từng được thừa nhận của ông trùm -
Trương Văn Hùng - cũng là nạn nhân của thói "sắt đá" từ cha. Là một kẻ
bất tài vô dụng, tuy nhiên Hùng cũng đừng hòng "ăn bám" được người cha
đang ngồi ở cương vị "ông hoàng" của thế giới ngầm.
Không
sử dụng được con vào bất kì hoạt động nào do quá bất tài, nhưng Trương
Văn Hùng vẫn phải đảm nhận một chân ... giữ xe tại nhà hàng sang trọng
của Năm Cam để tự kiếm lấy tiền tiêu. Cách dạy con tự lập như vậy cũng
tốt, tuy nhiên có lẽ do rèn luyện quá đà nên khi bị bắt, ông trùm cũng
quên bẵng mất việc chưa kịp dành cho con một khoản tiền nào từ số lợi
nhuận khổng lồ mình làm ra được.
Chính
vì vậy, chỉ ít lâu sau khi ông trùm xộ khám, tới lượt ông con cũng "nối
gót" cha vào tù với tội danh lãng xẹt: vận chuyển thuê vài tép ma túy
cho đám giang hồ cò con, kiếm lấy mấy đồng sống qua ngày!
Chiếc Chiếc Maybach 57S của Minh "Sâm" có giá hàng chục tỷ đồng. |
So
với Năm Cam, Minh "Sâm" khôn ngoan hơn khi biết sử dụng đồng tiền để
thỏa mãn mọi thú vui, đam mê của mình. Không chỉ vậy, ông trùm khét
tiếng này còn tính toán xa xôi khi lo lắng khá đầy đủ cho vợ con một
cuộc sống dư dả ngay tại Thủ đô. Căn chung cư mà vợ con Minh "sâm" hiện
đang sống trên Hà Nội thuộc dạng top đầu, với đầy đủ tiện nghi, dịch vụ
và an toàn tuyệt đối. Với cách xài tiền như nước của mình, hẳn vợ con
của ông trùm gỗ cũng được "thơm lây" chẳng ít suốt quãng thời gian Minh
"Sâm" độc bá thị trường gỗ đất Bắc Ninh.
Tiền nhiều, biết chơi và chịu chơi, có lẽ sẽ khiến quãng thời gian còn lại của Minh "Sâm" trong tù không có quá nhiều nuối tiếc. Dù sao thì trong quãng thời gian hoàng kim của mình, những lạc thú mà ông trùm này được hưởng cũng đã quá đủ so với một đời người. Chỉ riêng về khoản biết hưởng thụ và cách tiêu tiền, những ông trùm khét tiếng khác khi đặt cạnh Minh "Sâm" hẳn sẽ có ít nhiều ... tự ti và mặc cảm, khi mà cách hưởng thụ của họ chẳng khác gì những anh nông dân vừa bán đất xong!
Tùng Lâm
Ngày 13/8 vừa qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy
- Bộ Công an phối hợp với công an các đơn vị, địa phương điều tra băng
tội phạm hoạt động có tổ chức tại Bắc Ninh, bắt giữ 10 đối tượng về hành
vi cưỡng đoạt tài sản; thu 1 quả lựu đạn, 6 khẩu súng quân dụng và súng
bắn đạn hoa cải, 7 ôtô cùng nhiều tang vật, tài liệu liên quan đến vụ
án.
Cầm đầu ổ nhóm tội phạm này là Nguyễn Ngọc Minh (biệt danh Minh “Sâm”), Giám đốc Công ty TNHH Đại An.
Ngay
sau khi các đối tượng trong vụ án bị bắt giữ, Đại tướng Trần Đại Quang,
Bộ trưởng Bộ Công an đã có thư gửi Tổng cục trưởng các Tổng cục I, III,
VI và Tư lệnh Cảnh sát cơ động, khen ngợi các đơn vị tham gia phá án,
bắt nhóm đối tượng hoạt động có tổ chức tại Bắc Ninh; coi đây là chiến
công xuất sắc, thiết thực chào mừng 69 năm Ngày truyền thống Công an
nhân dân và Quốc khánh 2/9 của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tham gia
chuyên án. Bộ trưởng đã quyết định thưởng cho các đơn vị: Cục Cảnh sát
điều tra tội phạm về ma túy, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng
công nghệ cao, Cục Ngoại tuyến, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ và Bộ Tư lệnh
Cảnh sát cơ động, mỗi đơn vị 10 triệu đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét