Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Kẻ thù quá đản

Nguyễn Văn Tuấn - Kẻ thù quá đản

Tôi nghĩ trong tất cả các đối thủ của VN trong quá khứ, Tàu là kẻ thù quái đản nhất. Đối với Pháp và Mĩ là những nước văn minh, sòng phẳng, quân tử, nên đối phó với họ không đến nỗi khó khăn. Nhưng với Tàu thì hoàn toàn khác: đó là một kẻ thù nham hiểm, tráo trở, tiểu nhân, và lưu manh. Do đó, rất khó đối phó với một kẻ thù như Tàu trong thế giới văn minh.

Về tính nham hiểm của Tàu thì không nói ra có lẽ tất cả người Việt đều biết. Chúng chọn thời điểm bất lợi nhất của VN để tấn công VN vào năm 1979. Đến lần này, họ chọn thời điểm mà thế giới đang bận tâm đến tình hình bên Ukraina, họ đem giàn khoan đến vùng đặc quyền kinh tế của VN để xâm lấn. Ngoài biển thì vậy, còn trong đất liền thì chúng ra sức chiếm các hợp đồng xây dựng, cho thương lái vào mua vét nông sản, hải sản của VN. Họ còn cho công nhân của họ sang VN giả bộ (?) làm việc, nhưng sau đó thì định cư luôn, lấy người VN và sinh con đẻ cái để tạo nên một thế hệ người Tàu mới ở VN. Do đó, khi có chiến tranh, đây là một lực lượng nội địa đáng kể của họ. Sự nham hiểm của Tàu dĩ nhiên đều được tính toán cẩn thận. Mặc dù giới trí thức VN đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, nhưng chính quyền VN không lắng nghe. Đến khi sự việc xảy ra thì đã quá muộn,

Tính tráo trở của Tàu thì phải nói là quán quân trên thế giới. Họ là những kẻ có thể biến đen thành trắng (và trắng thành đen). Họ cho tàu quân sự hay bán quân sự của họ húc thẳng vào tàu VN, thế nhưng họ lên báo chí tuyên bố rằng tàu VN đâm vào tàu họ. Mặc dù có những video clip chứng minh phát biểu của VN là đúng với thực tế, nhưng các quan chức Tàu vẫn nói ngược lại. Ai có thể nói những tàu gọi là "hải cảnh" hay "hải giám" của họ không phải là tàu quân sự? Tính tráo trở của họ làm cho chúng ta không tin bất cứ điều gì họ tuyên bố. Còn cuộc chiến 1979 thì họ xâm lược và chiếm đóng VN, vậy mà họ nói đó là chiến tranh tự vệ! Thật chưa thấy một chính quyền nào trên thế giới mà tráo trở, trơ mặt như chính phủ Tàu cộng. Sự trơ tráo và đổi trắng thay đen của họ làm cho cả thế giới phải lắc đầu khinh bỉ. Nhưng hình như họ chẳng còn biết khinh bỉ có nghĩa là gì.

Tính tiểu nhân của Tàu thì quá nổi tiếng. Giới quan sát quốc tế xem Tàu là một nước lớn, nhưng chính quyền Tàu là một chính quyền tiểu nhân. Hành động tiểu nhân hiển nhiên nhất là việc cho Tàu vào biển VN để cắt cáp tàu VN. Cách Tàu cộng đối xử với ngư dân VN ngoài biển chỉ có thể mô tả là hành động của những tên cướp biển. Hành động cho tàu đâm vào tàu người khác cũng là việc làm của kẻ tiểu nhân và lưu manh. Họ không dám đối đầu VN tay đôi, mà dùng chiến thuật "lấy thịt đè người", cho hàng ngàn tàu cá (?) xuống chiếm biển VN. Oái ăm một điều là văn hoá Trung Hoa đề cao tính quân tử, nhưng trong thực tế Nhà nước và đảng CS Tàu hành xử rất tiểu nhân, đặc biệt là tiểu nhân với VN. Tính tiểu nhân của Tàu làm cho Tàu mãi mãi là một tiểu quốc.

Tính lưu manh của Tàu cộng hình như mang tính di truyền. Các quan chức Tàu công khai bàn về cuộc chiến với những lời lẽ [như thường lệ] rất… vô giáo dục. Họ vẫn xem VN như là một tên học trò mà họ từng dạy hồi nào đến giờ. Cái gien kẻ cả, với đặc tính lưu manh vô giáo dục này đã qua cả ngàn năm mà vẫn chưa đột biến. Thử đọc qua những văn bản vua chúa Tàu viết cho vua chúa ta thì biết cái tính vô giáo dục này nó đã có rất lâu đời. Những kẻ cầm quyền hiện nay cũng chỉ thừa hưởng cái gien đã có từ thời ông cha của họ trong các triều đình phong kiến. Ấy thế mà phía VN không có một lời phản ứng. Chẳng hạn như trước cuộc chiến 1979, Đặng Tiểu Bình tuyên bố một cách cực kì vô giáo dục rằng “Việt Nam là một côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học”. Thử hỏi, một lãnh tụ cao nhất của chúng mà còn ăn nói như thế, thì chúng ta không thể kì vọng tính văn hoá nào của các quan chức cấp thấp hơn. Sự lưu manh của các quan chức Tàu cộng nổi tiếng đến nỗi Philippines phải cấm cửa đại sứ Tàu không cho tiếp xúc với tổng thống Philippines.

Điều trớ trêu là dù Tàu cộng nham hiểm, tráo trở, tiểu nhân, và lưu manh như thế, vậy mà vẫn có không ít người VN vẫn dựa vào Tàu, thần tượng Tàu và thậm chí thần phục Tàu. Báo chí và truyền thông Tàu ra rả chửi VN đủ điều, vậy mà vẫn có người hay dựa vào báo chí Tàu. Hôm qua, tôi đọc một bài báo phê bình về tình trạng nhân quyền bên Mĩ, nhưng những phê phán này lại xuất phát từ một báo cáo của “Văn phòng thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc”. Tôi nghĩ Mĩ chẳng sạch sẽ gì về chuyện nhân quyền, nhưng chắc chắn họ minh bạch hơn Tàu. Một kẻ tráo trở, nham hiểm, tiểu nhân, giết hàng chục triệu dân mình, mà lớn tiếng nói chuyện nhân quyền của người khác, có buồn cười không? Vậy mà trong lúc kẻ đó nó đang đánh mình, mà mình lại trích dẫn báo cáo của nó! Thật khó hiểu.

Sự thần phục Tàu có một lịch sử khá dài. Từ hơn 50 năm trước, ở ngoài Bắc đã có người đã từng viết thơ ca ngợi hai nước VN – Tàu như là anh em, thậm chí chẳng cần biên giới: "Bên này biên giới là nhà / Bên kia biên giới cũng là quê hương"! Thi sĩ này mà còn sống và biết VN mất đất cho kẻ thù, ông có hối hận khi viết ra những câu thơ đó? Tàu cộng tấn công VN, giết người VN, nhưng vẫn có quan chức cao cấp VN nói rằng “tuy Trung Quốc nó đánh ta nhưng nó cùng là cộng sản”. Mới đây, còn có ý kiến của một cựu quan chức trung cấp cho rằng việc Tàu đặt giàn khoan ở Biển Đông như là một … đầu tư (để hai bên cùng chia lợi)! Hôm nay, cho dù một ông tướng Tàu tuyên bố ở Mĩ rằng họ sẽ không lùi giàn khoan một inch, thì ở VN một ông cựu quan chức cao cấp mong muốn giữa được pháp lí và đạo lí. Thú thật, tôi không hiểu ông ấy muốn nói gì ở đây.

Như Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói VN thật là không may mắn vì ở bên một kẻ hàng xóm xấu tính. Xấu tính là nói nhẹ, phải nói đúng là nham hiểm, tráo trở, tiểu nhân, và lưu manh. Trong thế giới văn minh, VN dùng ngôn từ có văn hoá thì kẻ tiểu nhân đó không hiểu hay không muốn hiểu. Còn nếu hạ mình để như nó thì mình chẳng khác gì nó! Cái khó khăn trong việc đối phó với kẻ thù là ở chỗ đó. Nhưng càng khó khăn hơn khi ngay trong VN vẫn còn không ít người sẵn sàng bảo vệ kẻ hàng xóm lưu manh đó.
Nguyễn Văn Tuấn
(FB Nguyễn Văn Tuấn)

Dù Việt Nam có giải Nobel cũng... không ích gì

Sự xuất hiện của một "siêu sao", cho dù đó là "sao" Nobel, liệu có giúp ích gì cho nền giáo dục, khoa học Việt Nam?

Từ "sao" Olympic đến "siêu sao" Nobel
 
Quan sát nền giáo dục VN hiện nay, tôi thấy có một vấn đề, đó là tình trạng chuộng chạy theo "sao". Giáo dục trung học thì chạy theo huy chương Olympic quốc tế. Giáo dục đại học thì mơ có tên trong các bảng xếp hạng đại học hàng đầu thế giới. Khoa học thì mơ đến giải Nobel.

Các kiểu "sao" như huy chương Olympic thường được các nhà chức trách đưa ra để đối phó với ý kiến phê phán thành tích giáo dục của VN. Thế nhưng trong thực tế, mối tương quan giữa số lượng huy chương Olympic và thành tựu của một nền giáo dục là rất yếu. Dù đoạt ít huy chương Olympic hơn VN, nền giáo dục các nước phương Tây lại là điểm đến mà nhiều học sinh VN mong đợi.

Vô vàn nỗ lực, đầu tư được đổ ra để mang về giải thưởng Olympic, đến mức trở thành một loại kĩ nghệ: kĩ nghệ luyện "gà chọi". Nhưng được giải xong làm gì thì chưa rõ ràng. Một số em sau khi đoạt huy chương thú nhận là phải đổi ngành nghề học, chứ cũng không theo đuổi môn học đã được luyện thành "gà chọi".

Gần đây người ta đang nhắc đến tình trạng "tị nạn giáo dục", khi những gia đình có khả năng kinh tế gửi con em sang học các nước phương Tây, những nước không có kĩ nghệ luyện "gà chọi". Kĩ nghệ gà chọi có thể giúp ích cho một thiểu số học sinh, nhưng không giúp gì cho đại đa số học sinh trung học và tiểu học.

Xu hướng theo đuổi "sao" cũng rất rõ nét trong giáo dục đại học. Có thời gian, đi đâu cũng nghe người ta nói đến giấc mơ có một vài đại học đẳng cấp thế giới. Nhà nước thậm chí còn có kế hoạch chọn vài đại học để xây dựng thành đại học đẳng cấp thế giới.

Chẳng những chạy theo sao "đẳng cấp quốc tế", VN còn chạy "sao"... Nobel. Vì một trong những tiêu chuẩn cao để có tên trong bảng xếp hạng đại học đẳng cấp thế giới là giáo sư được trao giải Nobel.

Thế là một đại học lớn kí hợp đồng với một tập đoàn kinh tế để xây dựng kế hoạch có giải Nobel. Tuy nhiên, sự có mặt của một "siêu sao", cho dù đó là sao Nobel, có thể giúp gây tiếng vang, cũng không thể nào vực dậy một nền giáo dục.
Olympic, Nobel, giáo dục VN, gà chọi, giải thưởng, bệnh thành tích, Nguyễn Văn Tuấn, giáo sư, tiến sĩ
Lễ trao giải Nobel năm 2001. Ảnh: Nobelprize.org
Nhiều "sao" giúp gì cho phát triển bền vững?

Do đó, đã đến lúc phải đặt câu hỏi một cách nghiêm túc: có cần chạy theo "sao"? Có cần xây dựng một kĩ nghệ luyện "gà chọi" chỉ để có huy chương Olympic? Có cần chạy theo bảng xếp hạng các đại học hàng đầu thế giới? Có cần phải chạy theo giải Nobel?

Tại sao không đặt câu hỏi thực tế hơn và căn bản hơn: làm gì để xây dựng một nền tảng vững vàng và một cái đà (momentum) để phát triển lâu dài một cách bền vững? Theo thiển ý cá nhân, tôi cho rằng chính sách chạy theo sao không giúp gì cho những mục tiêu này.

Để minh hoạ, thử tưởng tượng chúng ta có 2 dãy số liệu của 2 nước A, B, thể hiện số bài báo khoa học công bố quốc tế của 6 trường đại học tại mỗi nước:

Nước A:    1,  1,   1,    2,    2,   53

Nước B:    8,  9,  10,  10,  11,  12

Cả hai nước đều có trung bình là 10 và tổng số là 60. Nhưng hai dãy số rất khác nhau về phẩm chất. Tại nước A, có một đại học có số công bố quốc tế rất lớn, có thể xem là ngoại vi (53). Nếu bỏ giá trị này, số trung bình của nước A chỉ còn 1,4, chứng tỏ sự phát triển của nước A không ổn định.

Trong khi đó, tại nước B, tất cả số liệu đều trong phạm vi kì vọng, loại bỏ một giá trị trong dãy số liệu cũng không làm thay đổi đáng kể giá trị trung bình. Do đó, rõ ràng nước B có phẩm chất cao và ổn định hơn nhiều so với nước A.

Hình dung tương tự, nếu đại đa số các trường đại học đều "làng nhàng" và chỉ có một trường đạt đẳng cấp thế giới, thì đó là một trường hợp ngoại vi. Nếu loại bỏ trường hợp ngoại vi kia, tất cả sẽ quay lại thực chất là "đẳng cấp" làng nhàng.

Hàm ý của phát biểu trên là tập trung vào phát triển một đại học thành sao đẳng cấp quốc tế mà bỏ bê các đại học khác không giúp gì trong việc phát triển động lực (momentum) cho nền giáo dục.

Cũng như vậy, nếu VN có 1 (hay "rộng rãi" hơn, có 2) nhà khoa học được giải Nobel thì cũng không giúp ích gì cho khoa học nước nhà. Bởi điều đó không giúp thay đổi tình trạng có 24.000 tiến sĩ và hơn 10.000 giáo sư và phó giáo sư, nhưng năng suất khoa học lại thua kém cả các nước trong khu vực. Đáng lẽ chúng ta cần có một nội lực như nước B trong ví dụ trên.

Xây dựng nội lực thay vì chạy theo sao

Xét cho cùng, chính sách hay xu hướng "đuổi theo sao" thể hiện tư duy nặng hình thức hơn là thực chất. Song nghiên cứu của những nhà khoa học chạy theo danh hiệu, thay vì từ mong đóng góp cho tri thức cho nhân loại, sẽ khó có được phẩm chất cao. Giải Nobel không có được từ hợp đồng nào cả, mà từ nghiên cứu khoa học có phẩm chất cao.

Sự xuất hiện của một hay vài ngôi sao giáo dục và khoa học không chỉ là "món ăn" tuyệt vời cho truyền thông, mà còn là một liều thuốc "an thần" cho cộng đồng đang hoài nghi hiệu quả của nền giáo dục và đẳng cấp của nền khoa học. Có vài ngôi sao, cộng thêm sức mạnh của truyền thông, người ta sẽ an tâm rằng người Việt cũng thông minh và tài ba chẳng thua kém ai. Nhưng nếu bình tĩnh nhìn bức tranh lớn thì những sao đó chỉ là những "giá trị ngoại vi", có hay không có họ cũng không làm thay đổi cục diện chung.

Có một câu trong bóng đá: "Phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi". Một quốc gia có thể có 1 đại học đẳng cấp quốc tế, nhưng không giữ được vị trí đó thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Cho dù có giữ được vị trí đó, nhưng 99% các đại học còn lại đều làng nhàng thì cũng không có gì đáng tự hào.

Một phép tính đơn giản về công bố quốc tế. Chúng ta chọn phương án (a) tập trung vào một đại học "sao" để công bố 2.000 bài mỗi năm, và 9 trường đại học khác mỗi trường công bố 50 bài; hay (b) xây dựng năng lực để mỗi đại học công bố được trung bình 300 bài mỗi năm? Dĩ nhiên chúng ta chọn phương án 2 vì tính bền vững và nội lực cao. Sức mạnh của đám đông lúc nào cũng hơn sức mạnh của một cá thể, cho dù cá thể đó đẳng cấp "sao".

Do đó, tôi nghĩ rằng thay vì mải mê theo đuổi những ngôi sao, hay những "giá trị ngoại vi", VN cần tập trung tài lực để (a) xây dựng cơ sở vật chất và nội lực để làm "bệ phóng" cho phát triển trong tương lai; và (b) xây dựng động lực và năng lực nghiên cứu khoa học để có khả năng duy trì sự phát triển một cách ổn định và bền vững.
Nguyễn Văn Tuấn
(Tuần Việt Nam)

Peter Arnett: Kết thúc của Ngô Đình Diệm (1963)

Peter Arnett đứng cạnh một chiếc A 1 Skyraider đã cháy rụi vào ngày 12 tháng Mười 1965 ở gần Biên Hòa
Peter Arnett đứng cạnh một chiếc A 1 Skyraider đã cháy rụi vào ngày 12 tháng Mười 1965 ở gần Biên Hòa
Peter Arnett làm việc cho hãng thông tấn Associated Press (AP) từ 1962 cho tới 1975 ở Việt Nam và qua đó là phóng viên lâu năm nhất ở tại chỗ. Các bài viết mang nhiều tính phê phán của ông thường không làm cho giới quân đội Mỹ và chính phủ Nam Việt Nam hài lòng. Đối với nhiều người, ông là thông tính viên tốt nhất của Chiến tranh Việt Nam. Mới đây, ông cũng nổi tiếng qua những bài tường thuật riêng cho CNN từ Chiến tranh vùng Vịnh chống Iraq.
 
Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ tương đối kiêu ngạo khi tới Việt Nam. Lúc đầu, người Pháp đã thất bại ở đất nước này. Chính sách của họ, chính sách mà với nó, họ muốn tái chiếm vương quốc thuộc địa của họ sau Đệ nhị Thế chiến, đã thất bại. Họ đã thua một loạt các trận đánh lớn. Nhưng Hoa Kỳ không vì vậy mà e sợ. Các sĩ quan Mỹ mà tôi gặp vào đầu những năm sáu mươi gọi nổ lực của người Pháp là nửa vời. Lời bình của họ: “Chúng tôi đã cứu thoát người Pháp hai lần trong thế kỷ này rồi, trong Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến, và chúng tôi chắc chắn là chúng tôi có thể cứu thoát họ thêm một lần nữa. Chúng tôi đi vào đó. Chúng tôi có thể chiến thắng xung đột này.” Tức là người Mỹ không những quên bài học từ chiến bại của người Pháp. Không, họ lao vào sự việc và tin rằng: Nếu anh nhét đủ tiền vào trong đó thì anh đã thắng rồi! Vì Hoa Kỳ cho rằng họ cần phải làm tròn một nhiệm vụ trên khắp thế giới và cứu thoát nhân loại ra khỏi chủ nghĩa cộng sản. Họ thật sự tin như vậy. Và họ bước vào cuộc xung đột với niềm tin này. Họ không nhìn thấy tài tổ chức của phe cộng sản, không chú ý tới tình hình quân sự đang đi tới khủng hoảng, không cảm nhận được nhiệt tình đấu tranh của người cộng sản. Tính toán rất đơn giản: “Chủ nghĩa cộng sản là xấu xa, chúng ta chiến đấu cho một sự việc tốt hơn, tức là chúng ta sẽ chiến thắng.”

Người Mỹ nhận ra quá muộn, rằng tự hào quốc gia đóng vai trò quyết định ở bên phía Việt Cộng. Đó hoàn toàn không phải là về chủ nghĩa cộng sản. Người Bắc Việt không hề nghĩ tới việc đó khi họ chiến đấu chống tổng thống Diệm. Họ nhìn người Mỹ như là những ông chủ thuộc địa mới. Những người này thì lại nói ngược lại: “Chúng tôi không phải là thế lực thuộc địa! Chúng tôi muốn xây dựng một nền dân chủ ở đây!” Các nhà chiến lược chính trị Mỹ hoàn toàn không hiểu đối phương muốn gì. Chính họ cũng không biết gì về Việt Nam, không nhìn người Việt như là một quốc gia độc lập, ở bên ngoài của chủ nghĩa cộng sản và dân chủ. 2000 năm trời, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam hoàn toàn không quan tâm tới những ý thức hệ khác ở bên ngoài. Họ là người Việt, có là người cộng sản hay người dân chủ cũng thế, trước hết thảy, họ là người Việt.

Thế nhưng tôi vẫn chưa có được những nhận định đó khi tôi được hãng thông tấn Associated Press (AP) gửi sang Việt Nam năm 1962. Đã xảy ra một vài vụ việc mà trong đó có người Mỹ bị giết chết – bởi những người mà Hoa Kỳ gọi là những kẻ khủng bố và người cộng sản gọi là những người chiến đấu cho hòa bình. Tình hình ngày một nóng lên. Tổng thống John F. Kennedy tuyên bố rằng Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ phải chiến đấu chống lại bất cứ sự hung hãn nào và bảo vệ bất cứ người bạn nào, và Nam Việt Nam được xem là bạn, và điều đó tất nhiên đẩy mạnh sự tham gia của Mỹ. Dường như đã đến lúc phải tường thuật nhiều hơn.
Địa hình khó đi lại của Việt Nam nhanh chóng trở thành một thách thức cho quân khí hiện đại cao của Mỹ
Địa hình khó đi lại của Việt Nam nhanh chóng trở thành một thách thức cho quân khí hiện đại cao của Mỹ
Thời đó, điều thú vị đối với tôi và các phóng viên trẻ tuổi khác là việc Hoa Kỳ bước dần vào cuộc chiến như thế nào. Giữa 1962, họ có khoảng 8000 tới 10.000 cố vấn quân sự tại chỗ, đưa ra những lời khuyên bảo cho người Nam Việt, cũng cùng đi chiến đấu với họ, nhưng không có quyền chỉ huy những lực lượng này. Rồi 1962/1963 người Mỹ ngày càng đi theo hướng chiến trường. Nhưng ở ngoài đó, bất thình thình họ bị tổn thất. Ví dụ như 100 lính Mỹ bị giết chết năm 1964 trong một trận đánh.

Sự phát triển mà giới nhà báo chúng tôi tập trung vào là việc Hoa Kỳ thật sự tiếp nhận lấy quyền chỉ huy trong cuộc chiến này ra sao mà giới công chúng không biết tới. Chính phủ Kennedy ở Washington và sứ quán Mỹ ở Sài Gòn rất tức giận về những câu chuyện chúng tôi viết, nói về sự phản bội niềm tin. Ở một mặt, người ta có những thông báo chính thức về tình hình, mặt khác là những tuyên bố mà ví dụ như “New York Times”, “Washington Post” và AP đưa ra, và hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố của chính phủ. Vì thế mà ngay từ đầu đã có cuộc tranh luận, điều gì đã xảy ra thật sự ở Việt Nam.

Mặc dù vậy, đó là một cuộc chiến mà báo chí không bị bịt miệng. Nhà báo chúng tôi có thể bay cùng trong trực thăng, tháp tùng các đơn vị Mỹ hay Nam Việt, đi xe xuyên qua đất nước và tường thuật về tất cả. Nhưng cũng khó nói thật ra đó là một loại chiến tranh gì. Có rất ít những trận đánh lớn. Trong hầu hết thời gian của cuộc chiến, quân đội lùng sục trong rừng rậm để tìm các đơn vị cộng sản. Trong lúc đó đã xảy ra những trận chiến tự phát ở trên vùng rừng núi, rất khó mà quan sát được. Tức là tướng Westmoreland chỉ huy và tổng thống Johnson có thể quả quyết: Chúng ta chiến thắng!, mặt khác, phóng viên chúng tôi đi ra chiến trường và nói: Chúng ta thua trận! Rất khó đánh giá tình hình, vì không có vùng đất nào được chiếm lấy hay bị mất đi. Trong Đệ nhị Thế chiến, ngay ở Triều Tiên, người ta có thể xác định được diễn tiến của cuộc chiến qua những vùng đất chiếm được: Có được một thành phố, một làng, một đất nước không? Nhưng ở Việt Nam thì tất cả chỉ diễn ra ở trong rừng.

Đánh giá tình hình chiến sự là một việc rất khó khăn. Chúng ta thua hay chúng ta thắng? Khó mà nói được. Thời đó, một vài khái niệm không được ưa chuộng đã trở nên quen thuộc: “bodycount” (con số xác chết) và “killration” (tỷ số giết chết). “Bodycount” xuất hiện rất sớm trong cuộc chiến, như là một cố gắng để chứng tỏ tiến bộ. Phía Mỹ không thể xác định thành công của họ qua đất đai chiếm được. Thế là người ta đếm xác chết, để đo đạc ưu thế. Nhưng tại một cuộc chiến tranh trong rừng rậm thì điều đó là không thực tế, vì người cộng sản luôn luôn mang những người đã hy sinh của họ ra khỏi chiến trường với kỷ luật thật cao; không thể đếm họ được. Thế là quân đội Mỹ phát triển quy tắc để ước đoán một cách chung chung con số người chết theo số lượng đạn được bắn đi. Theo công thức đếm xác chết này thì sau hai năm, toàn bộ chiến binh của đối phương đã bị giết chết hết. Tức là hoàn toàn không đúng. “Killratio” là một cố gắng khác để thể hiện thành công trong chiến cuộc. Cứ nói là có 100 người lính Mỹ đã hy sinh trên cao nguyên đi, người sĩ quan Mỹ sẽ thể hiện điều đó như thế này: “Okay, chúng tôi đã mất 100 người, nhưng bù vào đó thì chúng tôi đã giết chết 4000 người cộng sản. Tức lỷ lệ giết chết là…” Cả nó cũng là một phương pháp không thực tế. Mặc dù vậy, cả hai vẫn được sử dụng cho tới khi chiến tranh kết thúc.

Khi tôi sang Việt Nam năm 1962, tình hình rất căng thẳng vì Việt Cộng đã tăng cường mạnh quân đội của họ; có khủng bố ở Sài Gòn, nhà hàng bị cho nổ tung, rất nhiều vị trí quân sự có bao cát bảo vệ được thiết lập, dây kẽm gai ở khắp nơi. Một tổ chức chính trị Phật giáo tấn công chính phủ Công giáo La Mã của tổng thống Ngô Đình Diệm, tố cáo họ ngược đãi bất cứ ai không phải là người Công giáo. Nhiều vụ việc mà trong đó có những người biểu tình Phật giáo tử vong đã khiến cho sự lộn xộn trở nên hoàn hảo. Thường có biểu tình ở Sài Gòn và đàn áp công khai. Qua đó, một tình huống đã thành hình mà Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ phải hành động.
Bom nổ trước Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn vào ngày 30 tháng 3 năm 1965. Ảnh: AP/Horst Faas
Bom nổ trước Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn vào ngày 30 tháng 3 năm 1965. Ảnh: AP/Horst Faas
Trong mùa hè 1963, thái độ của Mỹ đã rõ: hoặc là Diệm phải thích ứng hoặc là người ta phải bỏ ông, vì những sự tàn bạo của ông đối với người Phật giáo đang có nguy cơ phát triển thành những dòng tít báo ở khắp nơi trên thế giới. Đã có những vi phạm đối với người dân thường, nhà sư tự thiêu công khai. Việt Nam gây sự chú ý nhiều hơn là chính phủ Hoa Kỳ muốn. Họ không muốn cả thế giới nói về Việt Nam, họ muốn tiến hành những chiến dịch của họ trong sự im lặng. Thế là đại sứ Henry Cabot Lodge sang để quở trách tổng thống Diệm. Ông nói với ông ấy: “Anh đã hành xử như một thằng ngốc. Anh phải thỏa thuận như thế nào đó với người Phật giáo.” Thế nhưng người này thì lại cứng đầu, từ chối và cho phép người của ông, tức là người em trai của ông, tiếp tục tiến hành những điều tàn bạo nhất; không thể khép ông ấy vào kỷ luật được.

Điều này là giọt nước làm tràn cái ly đầy: “Chúng ta không thể cứ chiều theo gã này mãi được. Hắn khiến cho cả thế giới chống lại chúng ta. Chúng ta phải bỏ hắn!” Qua đó thì đã rõ là cần phải làm gì. Các cơ quan quân sự ở Sài Gòn thông báo cho các phóng viên, rằng câu trả lời có thể là một cuộc đảo chánh – lúc nào đó. Rồi trong đầu mùa thu, những tiếng nói chống Diệm trong giới truyền thông bắt đầu lớn hơn, và một vài người hiểu điều đó như là một sự khuyến khích cho giới quân đội hãy đứng dậy chống lại ông ấy. Chính cuộc nổi dậy thì lại là một việc bí mật. Ngày nay, chúng ta biết rằng tổng thống Kennedy đã chấp thuận cuộc đảo chánh, nhưng không đồng ý giết chết Diệm và người em trai của ông; ông tương đối bị sốc khi biết được điều đó. Nhưng các viên tướng Việt Nam thì nghĩ rằng họ không có sự lựa chọn. Không giết chết Diệm có nghĩa là thêm một xung đột chính trị nữa. Tất nhiên là họ không muốn cho phép điều đó, họ muốn có một sự kết thúc dứt khoát.

Lúc đó, tôi ở trong một nhóm dự án nhỏ của AP, văn phòng của chúng tôi nằm đối diện với dinh tổng thống Sài Gòn. Vào trưa ngày 1 tháng Mười một 1963, chúng tôi nghe tiếng súng nổ ở ngay trước cửa sổ của chúng tôi. Sau một giờ thì đã rõ rằng đó là cuộc tấn công chính. Chúng tôi rời văn phòng của chúng tôi, vì nó nằm trong tầm đạn, và ngụ tại một khách sạn cách đó ba con đường. Vào sáng ngày hôm sau, khi hết tiếng súng bắn, chúng tôi đi vào dinh và phỏng vấn các viên tướng đã tổ chức cuộc đảo chánh. Tất cả đều diễn ra trên một vùng khoảng một dặm vuông, người ta có thể đi bộ tới tất cả các điểm nóng.

Cuộc đảo chánh Diệm nhận được sự đồng tình lớn ở Sài Gòn và trong các thành phố lớn khác, vì chính quyền này đã khiến cho đa số Phật giáo của người dân chống lại nó. Người dân nhảy múa trên đường phố, rất hạnh phúc, vì họ cảm nhận được là vị tổng thống đã muốn ép buộc Công giáo lên đất nước họ. Họ cũng không ưa cách làm việc tham nhũng của Diệm; ông ta đã trao quyền lực cho người của ông ở khắp nơi. Đó là một cuộc đảo chánh rất được lòng dân. Những viên tướng thực hiện nó đã được chào mừng như những người anh hùng của dân tộc. Thật không may là họ không thể thỏa thuận với nhau rằng ai cần phải nắm lấy quyền lực. Thế là có cả một loạt đảo chánh tiếp theo trong năm sau đó, những cái đã đẩy đất nước vào trong sự hỗn loạn.

Sau khi Diệm không còn nữa, phải cần tới hai năm mới tạo được một tình hình chính trị ổn định ở Nam Việt Nam. Đó là khi một giới lãnh đạo quân đội dưới sự chỉ huy của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thành hình. Ông nắm quyền từ 1966 cho tới khi chiến tranh chấm dứt, có được sự ủng hộ của quân đội do là một viên tướng lãnh. Nguyễn Cao Kỳ, một người nổi tiếng của Không lực Nam Việt Nam, tham gia chính phủ của ông. Nhưng cả chính quyền này cũng không có tham vọng nào về dân chủ và bầu cử tự do.
 
Peter Arnett Phan Ba trích dịch từ “Apokalypse Vietnam”
Đọc những bài phỏng vấn khác ở trang Chiến tranh Đông Dương
(Blog Phan Ba)

Nước chảy ngược

Học tài, thi phận. Học đến tiến sĩ ở nước ngoài, thi làm giáo viên dạy phổ thông ở trong nước vẫn cứ trượt. Cái phận có vẻ đã át cái tài không chỉ trong đợt thi tuyển viên chức vừa qua ở Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, mà còn trong nhiều cuộc thi tuyển một chọi trăm, chọi ngàn để vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.
Sẽ có rất nhiều điều đáng nói liên quan đến cách thức tổ chức thi tuyển, đến tiêu chí đánh giá năng lực của các ứng cử viên dự tuyển, đến nghĩa lý của chuyện thi tuyển mà người giỏi hơn lại bị loại ra ngoài… Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả lại là việc sức hút ngày càng tăng của “nghề làm quan” ở nước ta.
Từ xa xưa, truyền thống của người Việt là miệt mài đèn sách để thi đậu làm quan. Truyền thống này không biết tốt đẹp đến đâu, nhưng nó phản ánh một thực tế là đậu làm quan thì danh giá và sung túc hơn cả. Con đường tiến thân vì vậy đã từng rất chật hẹp lại đầy bon chen. Mọi chuyện có vẻ đã bắt đầu thay đổi trong quá trình đổi mới đất nước. Quyền tự do kinh doanh và nền kinh tế thị trường đã mở ra cơ hội ngày càng nhiều hơn cho tất cả mọi người.
Trong những năm kinh tế phát triển mạnh, thị trường bất động sản sôi động, thị trường chứng khoán khởi sắc mạnh mẽ, chuyện làm quan đã mất dần sức hút vốn có của nó. Rất nhiều người thậm chí đã từ bỏ vị trí, chức tước trong bộ máy nhà nước để ra ngoài làm ăn. Họ thành lập công ty, tham gia kinh doanh, buôn bán, làm việc cho các công ty nước ngoài... Rất nhiều người đã thành đạt và trở nên giàu có.
Đây là một sự giàu có hoàn toàn hợp pháp và chính danh. Trong thời gian này, nhiều quan chức nhà nước cũng khuyến khích con cháu ra làm ngoài để có thể thành đạt và giàu có một cách dễ dàng hơn, hợp pháp hơn. Đây là một xu thế hết sức lành mạnh. Nếu xu thế này tiếp tục được củng cố và nhân rộng, cuộc sống của chúng ta sẽ giàu có hơn và tốt đẹp hơn rất nhiều lần.
Rất đáng tiếc là trong mấy năm trở lại đây có vẻ như nước lại đang bắt đầu chảy ngược. Công việc làm ăn của người dân, của các doanh nghiệp đang trở nên rất khó khăn. Rủi ro bị đổ vỡ, bị thua lỗ đe dọa rất nhiều người. Trong lúc đó, làm việc cho Nhà nước lại trở nên hấp dẫn hơn. “Sáng cắp ô đi, tối cắp về” vừa đỡ vất vả, lại vừa an toàn… và, trong không ít trường hợp, vừa kiếm được nhiều hơn. Thế là xu hướng “phấn đấu để làm quan” lại quay trở lại. Nhà nhà đua nhau thi tuyển, người người đua nhau thi tuyển để làm công chức, viên chức. Với xu thế này, con đường tiến thân của cả dân tộc đang bị thu hẹp lại như xưa.
Trong bối cảnh này, những cố gắng của Chính phủ nhằm cải tiến môi trường kinh doanh, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân làm ăn không chỉ quan trọng đối với nền kinh tế, mà còn đối với cả việc khắc phục tâm lý thích làm quan.
TS Nguyễn Sĩ Dũng
(Lao Động)

“80% người dân hài lòng dịch vụ công thì cần gì cải cách hành chính!”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu thực sự như vậy thì mọi thứ đã khác, xã hội đã khác nhiều rồi. Rõ ràng làm gì có chuyện tỷ lệ cao đến như vậy được!

 “Bất cứ ai đi giải quyết thủ tục hành chính đều gặp phải đủ thứ rắc rối, phiền hà. Do đó, bản thân tôi không tin vào kết quả điều tra, bởi dịch vụ công mà có tới 80% người dân hài lòng thì cần gì cải cách hành chính”, bà Phạm Chi Lan nói.

Con số trên 80% người dân được điều tra cho rằng họ hài lòng và rất hài lòng đối với các dịch vụ công, vừa được Bộ Nội vụ cùng Ngân hàng Thế giới đưa ra khiến nhiều người bất ngờ và đặt dấu chấm hỏi. Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, kết quả đó không phải ánh đúng những bất cập trong bộ máy hành chính công hiện nay.
Bà Phạm Chi Lan không tin có tới 80% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công
Bà Phạm Chi Lan không tin có tới 80% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công
Cá nhân bà và người thân có bao giờ bị gây khó dễ khi đi giải quyết thủ tục hành chính công không?

Không ít thì nhiều, ai cũng phải đi giải quyết thủ tục hành chính công. Mà đã đụng đến, trong rất nhiều trường hợp khó tránh khỏi đủ thứ rắc rối, phiều hà. Còn một vài trường hợp “gặp may” giải quyết thủ tục thuận lợi đem lại sự ngạc nhiên cho người đi làm. Điều đó làm cho người dân bất ngờ không hiểu tại sao tự nhiên mình lại được thuận lợi như vậy!

Khi đi giải quyết thủ tục hành chính, bà nhận thấy thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức thế nào?

Thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức chỉ là một phần, cái chính ở đây là cung cách làm việc và cách giải quyết vấn đề của họ. Thái độ ở đây, nếu không cho người ta cáu gắt với dân thì người ta cũng cười, nói năng nhã nhặn được ngay. Thế nhưng, liệu người ta có giải quyết công việc cho dân thuận lợi hay không là vấn đề chính.

Tôi nói thật, ngay cả một số dịch vụ của doanh nghiệp đôi khi người ta cứ gọi điện hỏi tôi có hài lòng với dịch vụ đó không, rồi thì thái độ phục vụ dịch vụ đó thế nào. Theo tôi cái đó không quan trọng bằng chất lượng dịch vụ được cung cấp cho người dân.
Cá nhân tôi cũng không muốn mất thời gian đi lại, chờ đợi nên khi phải làm thủ tục hành chính thường nhờ người khác hoặc có những việc thuê được thì tôi thuê người khác làm cho nhanh. Người ta làm dịch vụ đôi khi có cách thức riêng nên giải quyết nhanh hơn mình rất nhiều.

Tất nhiên, trong đó cũng hình thành đội ngũ “cò”. Mà sở dĩ đội ngũ “cò” phát triển được cũng là vì hành chính công có những bất cập. Điều đó làm cho những người như tôi thà mất tiền cho “cò” còn hơn là tự mình đi làm lấy rất mất thời gian.

Vậy bà có tin vào con số "trên 80% người dân được điều tra đều cho rằng họ hài lòng và rất hài lòng đối với các dịch vụ công hiện nay" vừa được Bộ Nội vụ cùng Ngân hàng Thế giới đưa ra hay không?

Bản thân tôi cũng như nhiều người không tin vào kết quả điều tra như vậy. Kết quả điều tra như thế nào đôi khi phụ thuộc rất nhiều vào cách thức điều tra. Điều tra mà cố tình chọn đối tượng điều tra sẽ trả lời chuẩn cho mình hay gắn một chút lợi ích kinh tế vào đó thì kết quả chắc chắn sẽ bị méo mó.

Theo tôi dịch vụ công mà có tới 80% người dân hài lòng thì cần gì cải cách hành chính nữa. Nếu thực sự như vậy thì mọi thứ đã khác, xã hội đã khác nhiều rồi. Rõ ràng làm gì có chuyện tỷ lệ cao đến như vậy được!

Bà có cho rằng kết quả điều tra đưa ra như vậy là một phần của căn bệnh chạy theo thành tích trong cải cách hành chính?

Điều tra mà ra kết quả như vậy không những làm tốn kém tiền của xã hội mà còn làm mất uy tín của các cơ quan điều tra. Vì căn bệnh chạy theo thành tích, chúng ta đưa ra thành tích ảo như vậy càng làm mất niềm tin ở xã hội. Ở đây là nhân danh người dân mà lại đi nói dối như vậy là không thể chấp nhận được.

Vậy theo bà kết quả điều tra đó là không đáng tin?

Kết quả điều tra đó không phản ánh thực chất. Bản thân kết quả không đáng tin cậy thì những gì báo cáo lên là không thể dùng được.

Với kết quả điều tra được bà cho là không trung thực, chạy theo thành tích như vậy, liệu những nỗ lực cải cách hành chính mà nhiều bộ ngành, cũng như địa phương cả nước đang thực hiện thì sao?

Tôi nghĩ là nếu muốn cải cách thực sự thì phải điều tra một cách nghiêm túc, phải lắng nghe người dân một cách thực chất. Còn nếu cứ giả vờ như thế về cách điều tra thì nó không giúp gì cho cải cách.

Vậy theo bà làm cách nào để điều tra có kết quả trung thực nhất?

Bây giờ muốn điều tra thực sự thì nhà nước nên bỏ tiền thuê những tổ chức chuyên điều tra xã hội học làm một cách khách quan để đưa ra kết quả phản ánh đúng dịch vụ công hiện nay như thế nào.
Xin cảm ơn bà!
Quang Phong (thực hiện)
(Nông Nghiệp)
 

Phạm Đình Trọng - Hai ngày đối mặt với công an

Nhà văn Phạm Đình Trọng

NGÀY THỨ NHẤT

(VNTB) - Chợ nhà đất đìu hiu nên khu căn hộ cao tầng nơi tôi ở còn dải đất rộng bỏ hoang. Người dân ở trong những cái hộp bê tông chồng lên nhau cao chót vót, ít khi được đặt chân xuống mặt đất liền xin mượn mảnh đất hoang, chia nhau mỗi nhà một vạt đất con con trồng rau, vừa có thêm rau sạch cho bữa ăn, vừa có dịp tiếp xúc với đất cát, cỏ cây, vừa có dịp vận động chân tay, cân bằng lại trạng thái hoạt động của cơ thể.

Quần lửng, áo may ô, đầu đội mũ vải rộng vành, sáng thứ bảy cuối tháng tám thất thường mưa nắng, mùa mưa và mùa khô còn đang dùng dằng tranh chấp này tôi vừa xuống mảnh vườn nhỏ của tôi cuối bãi đất, xa đường nhất, đang lúi húi cắm mấy ngọn rau lang thì người đàn ông ngoài ba mươi tuổi áo sơ mi dài tay bỏ trong quần phẳng phiu, nghiêm chỉnh, đến đầu luống đất tôi đang làm hỏi tôi những câu vu vơ. Nhìn khuôn mặt lạ, tôi hỏi: Anh không phải người trong khu nhà này? Đáp: Vâng. Cháu đi qua thấy vườn rau xanh vào xem. Tôi hỏi ngay: Anh là công an phải không? Vâng. Cháu là công an.

Nhắc đến công an tôi nhớ ngay đến mới ba tháng trước, trong buổi sáng tháng Năm rất đẹp, những tia nắng rực rỡ hình rẻ quạt, xuyên qua vòm lá lao xao, lọc trong sương sớm bảng lảng, rải những vạt sáng lung linh xuống thảm cỏ, xuống lối đi trong vườn cây cổ thụ lớn và đẹp ở trung tâm Sài Gòn. Chân thong thả bước, mắt đắm nhìn thiên nhiên, tôi đang thả hồn trong buổi sớm trong lành và bình yên đó thì hai cánh tay như hai gọng thép từ phía sau thọc vào hai nách tôi và bàn tay nung núc chắc nịch bịt chặt miệng tôi, lôi tôi từ cuối vườn cây đẹp ra đường Lê Duẩn trước dinh Độc Lập, tống tôi vào ô tô, chạy ra Cần Giờ. Trong ô tô, hai thanh niên trẻ khỏe kẹp chặt hai bên sườn tôi. Tay họ thọc vào túi quần tôi lấy điện thoại và máy ảnh của tôi. Miệng họ quát tháo thóa mạ và đe dọa tôi. Bằng lời nói họ tự nhận là công an, cấm tôi ra khỏi nhà tham gia biểu tình chống Tàu cộng xâm lược. Nhưng ngôn ngữ họ dùng là thứ ngôn ngữ anh chị, răn đe, dằn mặt, khủng bố và hành xử của họ là của xã hội đen. Sự việc này tôi đã viết trong bài Đẹp Lòng Kẻ Xâm Lược, Nỗi Đau Của Nhân Dân, Của Lịch Sử Việt Nam đã đăng trên nhiều trang mạng lề Dân.

Nhớ đến những công an hành xử phi pháp, vô lối với tôi như vậy, tôi bừng bừng phẫn nộ, căng giọng nói: Người dân đóng thuế nuôi công an để công an bảo vệ pháp luật, bảo vệ cuộc sống bình yên, bảo đảm quyền con người, quyền công dân của người dân. Nhưng công an lại chỉ biết có đảng. Công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình. Đảng chỉ có ba triệu người, chỉ nhất thời. Nhân dân là chín mươi triệu người làm nên dân tộc Việt Nam, làm nên lịch sử Việt Nam, làm nên sự vĩnh hằng Việt Nam. Tự đặt mình là công cụ của đảng phái, công an đã coi người dân trung thực nói lên sự thật khác biệt với tiếng nói của đảng đều là thế lực thù địch và thẳng tay trấn áp, ngang nhiên tước đoạt quyền con người, quyền công dân của người dân.

Không hiểu sao viên công an trẻ lại mang gia đình ra kể: Gia đình cháu là gia đình cách mạng. Bố cháu tham gia cách mạng từ năm mười bốn tuổi, đã có đóng góp… Tôi ngắt lời: Tôi không cách mạng à? Gia đình tôi không cách mạng à? Cả tuổi trẻ của tôi đã chiến đấu cho sự sống còn của nhà nước này, không là đóng góp à? Máu của người dân đã dựng lên nhà nước này nhưng có chính quyền, có nhà nước trong tay, đảng cộng sản đã phản bội lại những dòng máu ơn nghĩa đó, đã tước đoạt những giá trị làm người của người dân. Cả những quyền con người, quyền công dân bình thường, người dân cũng không có. Một đảng chính trị chỉ có thể tồn tại bởi hai lẽ. Một là có lí tưởng đúng. Hai là mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Chủ nghĩa Mác Lê nin, lí tưởng Xã hội chủ nghĩa của đảng cộng sản đã sụp đổ, đã bị thực tế chứng minh là sai trái, đã bị lịch sử loại bỏ. Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa nhân dân Việt Nam đi qua chặng đường đầy máu và nước mắt. Bây giờ đảng cộng sản Việt Nam đang kìm hãm, cản trở sự phát triển đất nước, làm cho đất nước càng ngày càng tụt lại phía sau trong sự phát triển của thế giới. Vì thế đảng cộng sản chỉ còn tồn tại bằng bạo lực của công an các anh, bạo lực chuyên chính vô sản.

Chợt nhận ra vì sao công an theo chân tôi ra tận mảnh vườn này, tôi nói: Tôi biết từ nay đến ngày phiên tòa xử chị Bùi Minh Hằng, các anh sẽ theo sát tôi từng bước. Viên công an hỏi: Chú thấy bà Hằng là người thế nào? Đó là người phụ nữ Việt Nam đẹp, con cháu của bà Trưng bà Triệu. Chú có biết năm chín mốt (1991) bà ấy quan hệ bất chính. Năm chín bảy (1997) bà ấy chiếm đoạt tài sản của người khác không? Quan hệ tình cảm là chuyện riêng tư. Chiếm đoạt tài sản của người khác là tội hình sự phải do tòa án xét xử và định tội. Tôi không thấy có phiên tòa nào xử chị Hằng tội chiếm đoạt tài sản. Chỉ có chuyện chị Hằng kiện đòi lại tài sản mà thôi. Không có phiên tòa định tội chị Hằng chiếm đoạt tài sản mà nói như vậy là vu khống.

Viên công an lại khoe rằng vẫn đọc facebook của tôi và bảo: Hôm nào mời chú đi uống cà phê với cháu. Cảm ơn anh, tôi bận lắm không có thời gian ngồi uống cà phê với anh. Tôi tỏ ra không muốn tiếp tục câu chuyện bằng cách không trả lời những câu hỏi chỉ để có chuyện thì người thứ hai cũng mặc đồ dân sự và trẻ hơn người thứ nhất, đến. Người thứ nhất nói năng nhẹ nhàng, từ tốn bao nhiêu thì người thứ hai hùng hổ bấy nhiêu. Vừa đến, anh ta nói ngay: Tôi nói cho chú biết. Chú không được đi đâu ra khỏi nhà. Tôi nhìn anh ta: Với tư cách gì mà anh nói với tôi như vậy? Buông ra câu: Tư cách người dân rồi anh ta bước theo người thứ nhất rời khỏi mảnh vườn.

Đi qua mảnh sân trở về nhà, tôi thấy hai người vừa ra vườn rau gặp tôi đang cùng người thứ ba túm tụm cạnh chốt thường trực của nhân viên bảo vệ tòa nhà. người đứng, người ngồi trên yên xe máy.


NGÀY THỨ HAI

Chỉ gặp hai ông công an một lúc nhưng bóng công an chỉ biết còn đảng còn mình, không biết đến pháp luật đã đè nặng cả ngày thứ bảy cuối tuần của tôi. Ngày chủ nhật mấy ông bạn trẻ đã qua, già đang tới chúng tôi thường hẹn nhau đi ăn sáng để điểm mặt nhau, dông dài chuyện gần chuyện xa. Tưởng sẽ có buổi sáng chủ nhật thong thả, êm đềm, vui vẻ xóa đi ngày thứ bảy u ám. Ngồi trên xe máy, tôi vừa đi cách nhà hơn trăm mét thì bốn, năm chiếc xe máy ập đến chặn đầu xe tôi cùng tiếng quát: Đi đâu! Quay về!

Biết rằng lại gặp những hung thần không cần biết đến pháp luật, tôi lùi xe, vì phía trước đã bị chặn, để quay về thì đụng vào chiếc ô tô du lịch đã khóa lối về của tôi. Một bàn tay nhanh như chớp rút chìa khóa xe máy của tôi. Những bàn tay thành thạo nắn túi áo, túi quần tôi lấy điện thoại và máy ảnh của tôi. Những nắm tay cứng như gọng kìm lôi tôi rời khỏi xe máy, tống tôi vào ghế sau chiếc ô tô du lịch. Đến trụ sở công an xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, tôi bị dẫn vào một phòng nhỏ với bốn chiếc tủ sắt đựng hồ sơ chiếm mất nửa diện tích phòng, với ba chiếc ghế bụi bặm.

Ở đây tôi gặp lại những gương mặt đã từng tiếp xúc với tôi. Ông Sang đã làm việc với tôi về những bài viết của tôi. Ông Tâm, người chỉ huy nhóm công an bắt tôi ở vườn cây trước dinh Độc Lập rồi nhét tôi vào ô tô chạy ra Cần Giờ ba tháng trước. Và viên công an trẻ ngồi kè bên tôi trên chiếc ô tô đó. Tên Sang, tên Tâm là họ tự giới thiệu với tôi nhưng tôi không tin rằng đó là tên thật của họ. Có đến sáu, bảy gương mặt lần đầu tôi gặp, trong đó có ba người trẻ, cơ bấp chắc nịch, vẻ mặt lầm lì.

Ông Tâm chỉ thoáng vào phòng hỏi tôi một câu rồi mất hút luôn. Những người khác lần lượt vào phòng mạt sát, răn đe tôi rồi vô lối đưa ra cái lệnh phi pháp: Cấm tôi không được đi đâu. Tôi nói với họ rằng người dân chỉ có thể bị bắt khi phạm pháp quả tang hoặc là bị can trong vụ án đã có lệnh truy tố và lệnh bắt giam. Vô cớ tước đoạt quyền tự do của tôi là phi pháp và họ đang vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Họ liền lớn tiếng át lời tôi và đe đánh tôi. Một ông còn trẻ mắng tôi già rồi còn sống được bao lâu nữa, không biết thân ở nhà nghỉ ngơi mà cứ xông xáo cho khổ. Tôi nói với ông ta rằng con người không phải chỉ biết sống cho bản thân mình mà còn có trách nhiệm với xã hội, với đất nước, quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách… Tôi vừa nhắc đến câu thành ngữ Hán Việt rất hay và rất quen thuộc đó, ông công an trẻ liền cắt lời tôi: Thơ của chú là thơ con cóc, lủng củng những hữu trách với vô trách!

Người duy nhất chuyện trò bình thường với tôi là ông Thành, phó ban an ninh ấp Ba, xã Phước Kiển, địa bàn có khu căn hộ tôi ở. Ông nói quê ông ở Long An. Từ năm 1955, bố ông ra Sài Gòn làm thợ. Mảnh đất Phước Kiển là quê ngoại của ông. Ông đã có hơn mười năm sống trong quân ngũ. Năm 1980, đang có cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc, đơn vị ông được điều ra Bắc. Nhưng ra đến Nam Hà lại được lệnh quay về. Vợ ông là em ruột nhà thơ Từ Kế Tường. Nhà thơ họ Từ thứ ba và vợ ông thứ Năm.

Đầu giờ làm việc buổi chiều ông Thành trở lại gặp tôi. Thấy trên chiếc bàn con cạnh chỗ tôi ngồi suất cơm hộp và chai nước La Vie còn nguyên, ông Thanh giục tôi ăn cơm kẻo đói, mệt. Tôi bảo rằng tôi không ăn để phản đối họ bắt tôi phi pháp. Họ bắt giữ tôi một ngày, tôi không ăn cơm một ngày. Họ bắt giữ tôi cả tháng, tôi sẽ tuyệt thực cả tháng. Ông Thành nói: Các anh đó vừa nói với tôi rằng nếu anh hứa không đi đâu ra khỏi nhà, các anh sẽ đưa tôi về nhà ngay. Tôi bảo: Quyền đi lại cũng như quyền được sống, quyền cư trú là quyền đương nhiên, cơ bản của con người. Quyền đó đã được ghi rõ trong Hiến pháp: Công dân có quyền tự do cư trú, tự do đi lại trên lãnh thổ Việt Nam. Tôi không thể từ bỏ quyền con người đương nhiên đó được. Đi dự phiên tòa công khai cũng là quyền hợp pháp của tôi. Tuy nhiên với sự phong tỏa dày đặc, sự ngăn cản quyết liệt một cách phi pháp của công an đối với tôi, tôi có muốn đi Cao Lãnh dự phiên tòa công khai xử người phụ nữ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Minh Hằng, tôi cũng không thể đi được. Vì thế tôi chỉ có thể xác định rằng tôi sẽ không đi Cao Lãnh dự phiên tòa đó. Còn tôi không thể hứa không đi đâu ra khỏi nhà. Tôi không thể tự tước bỏ quyền con người chính đáng của tôi.

Ông Thành bắt tay tôi rồi lui ra. Lúc đó là 13 giờ 40. Từ đó không ai đến sừng sộ, răn đe tôi nữa. 15 giờ 35 tôi được dẫn ra ô tô. Chiếc ô chạy ngược lại hướng chạy ban sáng. Người nói giọng Thanh Hóa ngồi kè cạnh tôi lớn tiếng: Ông già rồi, sống vài năm nữa rồi chết. Nhưng việc ông làm để lụy cho dòng họ, để lụy cho con cháu. Con cháu khổ vì ông, ông biết không? Tôi bảo: Mọi việc tôi làm đều đúng pháp luật, không có gì sai. Chỉ có các anh làm sai. Giọng Thanh Hóa quát cùng cánh tay rắn chắc ấn vào sườn tôi: Ông im đi. Ông nói nữa tôi đánh. Ông muốn thay đổi chế độ này à? Một ngàn năm mới có cuộc sống này. Chế độ này sẽ còn mãi cho con cháu mai sau!

Chiếc ô tô dừng lại trước khối nhà tôi ở. Họ đưa trả lại tôi điện thoại, máy ảnh. Tôi hỏi chiếc xe máy của tôi, họ bảo đã đưa xuống hầm để xe. Kiểm tra những thứ họ thu giữ của tôi thì máy ảnh bật lên, màn hình đen thui. Bánh sau xe máy hết kiệt hơi. Sáng tôi đi, xe còn căng hơi và tôi mới đi được hơn trăm mét thì bị bắt.

Hôm nay 26.8.2014, tỉnh Đồng Tháp đã mở phiên tòa xử khí phách anh hùng Bùi Thị Minh Hằng nhưng vẫn có đến năm công an phong tỏa trước khu nhà tôi ở suốt từ sáng sớm đến tối khuya!
  Phạm Đình Trọng
(Việt Nam Thời Báo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét