Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Hỡi các ông "nghị", các vị đang ngủ hay thức?

Dương Hoài Linh - Hỡi các ông "nghị", các vị đang ngủ hay thức?

Hôm nay đọc bài "Khi sinh viên chất vấn đại biểu quốc hội" (Dân Trí) mà thấy buồn cho cơ quan quyền lực cao nhất nước mình. Không hiểu các vị định lừa dân tộc này đến khi nào?Các vị nói đang "giật mình "trước các câu hỏi của sinh viên?Các vị bây giờ vẫn còn có khả năng "giật mình"sao?
Chúng tôi không nói đến việc 97% trong các vị bỏ phiếu tán thành thông qua bản hiến pháp sửa đổi, trong đó tồn tại điều 4 thừa nhận quyền lãnh đạo của Đảng CSVN như một nghịch lý đáng hổ thẹn của nhà nước mà các vị vẫn tung hô là dân chủ, vì điều đó thuộc về cơ chế, các vị vốn là "con sâu cái kiến" chẳng thể làm gì để thay đổi cái cơ chế ấy. Chúng tôi cũng không nói đến việc các dự án khai thác tài nguyên đất nước một cách cạn kiệt như dự án bauxit, phá rừng, điện hạt nhân, bán đất, bán biển... gây thiệt hại cho nguyên khí quốc gia, vì các chuyện ấy thuộc về sự lũng đoạn của các tập đoàn quyền lực, nhóm lợi ích, mafia tầm cỡ quốc gia, các vị "hèn" cũng đúng vì dù sao cũng phải để dành chỗ đội nón...
Chúng tôi chỉ nói đến việc các vị nghĩ gì khi trong mỗi kỳ họp quốc hội lại có thể thản nhiên giơ cao cái thẻ mà dân trao cho quý vị để biểu quyết tán thành những điều luật vô lý như 79, 88, 258... để bỏ tù những người "bất đồng chính kiến". Nên nhớ rằng các vị hèn nhưng còn nhiều người khác không hèn. Các vị không dám nói thì hãy để người khác có dũng khí nói thay, hà cớ gì lại "bịt miệng "họ?
Dân trao cho các vị chức năng "đại biểu quốc hội" để chứng tỏ sức mạnh của một nền dân chủ tập trung,các vị là đại diện cho một cơ quan quyền lực cao nhất nước. Nhưng các vị đã biến nó thành những tính từ mang hàm ý mỉa mai. Mỗi lần họp quốc hội của các vị chỉ là mỗi lần hội diễn của các vở nhạc kịch,trong đó đã được phân vai, lĩnh xướng các bè trầm, bè cao... Đa số là ngủ gật,một số ít có tên tuổi khi báo chí hỏi tới thì nặng về phô diễn trí tuệ hoặc nói lấy được. Văn phòng tiếp dân thì mỗi tuần không mở cửa quá 2 ngày.Dân gặp chuyện thì chẳng bao giờ nghe thấy tiếng nói của đại biểu quốc hội.
Chúng tôi không thể so sánh quốc hội của các vị với quốc hội Mỹ, vì như thế là khập khiễng. Quốc hội Mỹ có 100 thượng nghị sĩ, mỗi người có 40 trợ lý, và 435 hạ nghị sĩ, mỗi người lại có 25 phụ tá. Họ được tổ chức thành 42 ủy ban và 182 tiểu ban, có nghĩa có lúc nào cũng có 224 cuộc đàm thoại diễn ra cùng một lúc. Và nhóm hơn 15.000 người này (100×40 + 435×25 ) không phải là nhóm duy nhất.
Trước mặt họ là khoảng 22.000 nhà vận động hành lang có đăng ký, với nhiệm vụ (cùng với những mục đích khác) là ngồi với các nhà lập pháp và đưa ra dự thảo luật lệ. Các vị có bao nhiêu đại biểu chuyên trách và không chuyên trách? Quá trình gần dân, nắm nguyện vọng của dân để làm luật, để tác động vào chính sách như thế nào mà dân oan ngày càng đầy rẫy. Các vị chắc cũng chẳng nhọc công về các vùng xa xôi, hẻo lánh để nắm ý dân. Họ bây giờ đã có sẵn ở các vườn hoa các thành phố lớn trong những ngày lễ lớn. Các vị cũng chẳng cần phỏng vấn họ thêm phí công bởi khẩu hiệu họ mang theo cũng đã nói hết cả rồi.

Điều chúng tôi muốn nói là lòng tự trọng và lương tâm các vị để ở đâu khi để lực lượng chấp chính lộng quyền, coi thường người dân. Công an ngang nhiên tra tấn người dân vô tội đến chết mà vẫn được đề nghị án treo, cán bộ có chức quyền cướp đất, đền bù không thỏa đáng khiến nhiều phụ nữ phải trần truồng để giữ đất, nhiều người phải hy sinh tính mạng mình như Đặng Ngọc Viết để nói lên tiếng nói của lẽ phải, của công bằng. Nếu ở các nước khác, các nghị viên đều tự thấy xấu hổ mà từ chức. Nhưng thực tế các vị có mấy ai từ chức hay đây chỉ là thứ văn hóa xa xỉ?

Chưa kể là với tư duy "bịt lỗ rò", "mất bò mới lo làm chuồng" các vị cũng chỉ lên tiếng khi học sinh phải đến trường bằng đu dây, qua sông bằng túi ni-lông, phụ nữ phải làm trâu thay người, ăn cắp, làm điếm ở nước ngoài... chứ không bao giờ tác động tới chính sách của chính phủ bằng những kế hoạch dài hơi. Chắc các vị nghĩ đó chẳng phải là trách nhiệm của mình? Như vậy các vị sẽ để lại cho sinh viên, các thế hệ tương lai những kinh nghiệm gì? Có chăng chỉ là thái độ bạc nhược, yếu hèn, bất lực của một cơ quan quyền lực cao nhất nhưng thực chất lại là cơ quan hèn nhất.

Nói các vị chỉ là "bù nhìn" thì thật tội cho mấy con "bù nhìn" vì ít ra chúng cũng còn làm được việc có ích là đuổi chim chóc, gà vịt... giữ thóc cho người dân. Còn các vị, ngay đến việc này cũng không đủ sức.
  Dương Hoài Linh
  (Dân luận)

Người dân nổi giận là tất yếu

Ở nước ta, rất nhiều quan chức lại có quan niệm coi tài sản, nhà cửa, đất đai là chuyện cá nhân, pháp luật phải có trách nhiệm "bảo mật". Vậy thì làm sao dân có thể tin? LTS: Quan chức có nên/được/phải giàu hơn người dân không? Tài sản của những người đang/đã là lãnh đạo có cần được công khai minh bạch về nguồn gốc tài chính, người dân cần được tạo điều kiện hơn để thực hiện quyền giám sát của  mình... là nội dung trao đổi của GS.TS Đặng Hùng Võ với Tuần Việt Nam.

Người dân nổi giận là tất yếu

Có một thực tế là suốt thời gian qua, mỗi khi truyền thông đưa tin hình ảnh đất đai, nhà cửa, tài sản lớn của quan chức, người dân thường bày tỏ thái độ phản ứng. Ông lý giải ra sao về sự giận dữ đó?

Trên thực tế, chúng ta vẫn thấy nhân dân rất giận dữ mỗi khi nghe thông tin về sự giàu có của quan chức này hay quan chức khác, ngay cả khi họ chưa hiểu rõ ngọn ngành sự giàu có đó. Người dân ngay lập tức đã kết luận đó là do tham nhũng mà có.

Xét về lô-gíc tư duy, sự giận dữ đó là thiếu cơ sở. Việc ông lãnh đạo A hoặc B có ngần này cái nhà nhưng những cái nhà đó có thể do bố mẹ ông ta để lại; hoặc đó cũng có thể là tài sản mà ông ta tạo dựng được trước khi trở thành quan chức.

Nếu vậy thì việc ông ta có khối tài sản đó cũng có gì là sai đâu nhưng nhiều gười không bao giờ nghĩ như vậy, vẫn mỉa mai, vẫn ác cảm. Đó cũng là quy luật tất yếu thôi, vì người ta thấy cứ làm quan chức là giàu. Người dân mong đợi quan chức phải lo cho dân ngày càng giầu hơn nhưng họ nhìn thấy trên thực tế những hình ảnh khác với lý tưởng chính trị của chế độ ta: cán bộ là công bộc của dân.

Cứ nhìn các cán bộ ăn tiêu xa hoa thì họ bực mình là đương nhiên. Trên giấy tờ thì thu nhập chính thức của cán bộ không hơn người lao động bình thường bao nhiêu. Nhưng trên thực tế thì người lao động bình thường chỉ dám ăn bát bún dăm nghìn, nhưng một quan chức lại có thể đàng hoàng đi ô-tô xịn, ăn bát phở đặc biệt vài trăm nghìn.

Khi người dân nhìn thấy sự chi tiêu nhiều quá so với sự tằn tiện, eo hẹp của họ mà lại không được biết căn nguyên của sự giàu sang đó, thì việc họ nổi giận là tất yếu.

tài sản, quan chức, công khai, minh bạch
Một trong những căn hộ mà ông Dương Chí Dũng mua cho bồ nhí tại văn phòng cao cấp Pacific Place, số 83 Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo . Ảnh: Một thế giới
Như vậy, người dân phản ứng không phải vì nhìn thấy sự giàu sang của các quan chức mà vì họ không được (quyền) biết căn nguyên sự giàu sang đó?

Đúng thế! Các nước khác, như ở Nga hay ở Mỹ, cứ đầu năm Tổng thống và các quan chức cấp cao của họ đều công khai toàn bộ tài sản của mình cho mọi người dân được biết qua các phương tiện thông tin đại chúng: thu nhập một năm bao nhiêu, từ những nguồn nào, bất động sản đang có ở đâu? Thế mà ở nước ta, rất nhiều quan chức lại có quan niệm coi tài sản, nhà cửa, đất đai là chuyện cá nhân, pháp luật phải có trách nhiệm "bảo mật". Vậy thì làm sao dân có thể tin?

Ngay khi thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi) vừa qua, Điều quy định về công khai thông tin đất đai cũng không quyết định được có công khai về chủ sử dụng của thửa đất hay không? Nhiều cán bộ giải thích là chỉ công khai về thửa đất, còn chủ là ai thì cần "bảo mật".

Gần đây các nước đều công kích Thuỵ Sỹ về việc không công khai minh bạch hồ sơ khách hàng gửi tiền ở các ngân hàng. Bao nhiêu năm nay, đó vốn là thế mạnh của các ngân hàng Thuỵ Sỹ trong việc thu hút tiền gửi của những người giàu có trên thế giới, đặc biệt là những người có tài sản không minh bạch. Thế nhưng trước áp lực từ cộng đồng thế giới trong việc chống rửa tiền và tham nhũng, một số ngân hàng Thuỵ Sỹ đang dần phải thay đổi cung cách hoạt động truyền thống của mình.

Việc chúng ta e ngại, dè dặt trong những quy định về minh bạch, công khai đang mâu thuẫn ghê gớm với quyết tâm phòng, chống tham nhũng mà chúng ta vẫn thường xuyên nói tới.

Căn bệnh này chính là nguồn cơn của tình trạng mà chúng ta đang chứng kiến: nhân dân thì tò mò tìm hiểu quan chức giàu có thế nào, nhà đất ở những đâu? Còn nhiều quan chức thì cũng lúng túng, bối rối và tìm cách "hợp lý" khi phải công khai toàn bộ tài sản trước dân. Đó là ngữ cảnh của mối quan hệ không hay, là những dấu hiệu không tốt trong mối quan hệ giữa nhân dân với cán bộ.

tài sản, quan chức, công khai, minh bạch
GS Đặng Hùng Võ. Ảnh: Lan Hương
 Nếu như bây giờ, chúng ta học được cách mà các nước trên thế giới đang làm, học được cách mà ông Tổng thống của nước Mỹ hay nước Nga  hay thậm chí láng giềng Singapo đã làm, có lẽ niềm tin của người dân sẽ trở lại.

Còn nếu chúng ta không làm được điều đó thì đừng trách nhân dân. Đừng bắt dân phải hiểu khi mà lãnh đạo không cho dân cơ hội để hiểu.

Tôi tự tin về sự minh bạch


Xin hỏi ông câu này: nếu báo chí công khai toàn bộ tài sản bao gồm bất động sản, thu nhập và tiền gửi ngân hàng mà ông đang sở hữu, ông có lúng túng không?

Tôi đã tự công khai trên phương tiện thông tin đại chúng trước đây lâu rồi: nhà đất, thu nhập, tiền gửi, v.v. dù không ai bắt. Tôi tự tin vào sự minh bạch của mình.

Khi tôi còn làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính, Bộ Xây dựng đã phân cho tôi một mảnh đất khoảng hơn 100m2 ngay gần mặt đường Khuất Duy Tiến, với một mức tiền phải trả thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Tiêu chí là đợt cuối cùng phân đất cho các  cán bộ cấp cao của các bộ, ngành chưa có nhà, nhưng tôi thì đã có nhà rồi. Tôi không nhận. Sau đó, ngôi nhà được phân cho người khác và được bán ngay lập tức.

Thật ra, chuyện nhắm mắt lại trong trường hợp đó mà nhận đất được phân cũng không ai trách cứ hay giận dữ tôi, nhưng tôi không thể nhắm mắt như vậy được. Phải bước qua được những ham muốn vật chất là cách tôi giữ cho mình sảng khoái, tự tin.

Để bước qua những ham muốn đó, có dễ không thưa ông?


Đó là sự khổ luyện. Bản năng con người là bị dục vọng chi phối hành vi. Người dễ dàng loại bỏ được dục vọng chỉ có thể là những bậc chân tu. Khi tiền lương không đủ cho những chi dùng cá nhân, người ta rất dễ tặc lưỡi.

Có những thời điểm, trước những món lợi, tôi cũng đắn đo chứ, nhưng tôi chỉ tâm niệm một nguyên tắc sống: mình không cầm bất cứ đồng tiền nào không do mình làm ra. Đó là cách tôi luyện tập và giúp tôi đến giờ có thể sống thong dong, tự tin khi nói về tiền của mình.

Khi hình ảnh quan chức trong mắt dân được mặc định như vậy liệu ông có thấy chạnh lòng?

Tôi chạnh lòng chứ. Nhưng nghĩ sâu hơn, đó là quy luật tất yếu, là lẽ đời thường.

Nếu người dân có vơ đũa cả nắm thì cũng đừng giận họ. Khi mà chúng ta không cung cấp được cho dân cơ sở để phân biệt phải hay trái, trắng hay đen thì đừng bắt người dân phải tự phân biệt, và cũng đừng trách người dân khi họ kết tội mình thiếu căn cứ.

Tôi đã từng đọc những lời bình luận ở dưới nhiều bài báo về tôi, có nhiều người nói tốt, cũng có người nói xấu theo kiểu "vơ đũa" như vậy. Ví dụ như "Ôi xời, cũng là quan chức cả thôi, sao ngày xưa không nói, giờ về hưu rồi mới nói, đồ hèn"..v.v...

Sự thực, tôi nói như bây giờ kể từ khi đang là cán bộ cấp Tổng cục, cấp Bộ, bị gọi là đồ hèn thì hơi buồn, nhưng tôi cũng không giận họ.

(Còn nữa)
Lan Hương (thực hiện)

Việt Nam – Philippines khó lập liên minh quân sự do sức ép của Trung Quốc

Đức Tâm  -RFI

Trong những năm qua, trước thái độ hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông, Việt Nam và Philippines đã gia tăng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, thậm chí, có những chính khách Philippines cho rằng giữa Hà Nội và Manila đang tiến tới việc thành lập một liên minh quân sự. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, triển vọng này là xa vời. Dưới sức ép của Bắc Kinh, liên minh quân sự Việt Nam – Philippines khó trở thành hiện thực.

Trên trang web Foreign Policy in Focus, ngày 18/03 vừa qua, dân biểu Philippines Walden Bellow, thuộc Đảng Hành động Công dân, cho rằng một liên minh quân sự đang hình thành giữa Việt Nam và Philippines để đối đầu với Trung Quốc. Theo ông, hai nước là đồng minh tự nhiên trong cuộc chiến chung chống lại xu hướng bá quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Cùng là thành viên ASEAN, hai nước lại càng tăng cường quan hệ trước việc Trung Quốc ngang nhiên khẳng định có chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông.
Thực tế cho thấy là trong hồ sơ này, Philippines và Việt Nam thường chia sẽ những lo ngại chung về sự quyết đoán của Trung Quốc. Hai bên đẩy mạnh quan hệ ngoại giao và phối hợp lập trường tại các diễn đàn đa phương, như trong ASEAN.
Nhưng, theo chuyên gia Carld Thayer, nếu nhìn lại quá trình hợp tác quân sự song phương trong 5 năm qua, một số tiến bộ đã đạt được, tuy vậy, viễn cảnh hình thành liên minh giữa hai nước còn rất mờ mịt.
Khởi đầu cho sự hợp tác quân sự song phương là vào năm 2010, Việt Nam và Philippines đã ký biên bản ghi nhớ về Thỏa thuận hợp tác quốc phòng, bao gồm trao đổi các phái đoàn quân sự, chia sẻ thông tin chống khủng bố, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, huấn luyện, phối hợp tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, cộng tác phát triển thiết bị và công nghệ.
Trong các năm sau, quân đội hai nước có nhiều động thái gia tăng quan hệ như ký thỏa thuận hợp tác giữa cảnh sát biển hai nước, tổ chức hội thảo, thỏa thuận chia sẻ thông tin giữa các lực lượng hải quân, lập đường dây nóng giữa các đơn vị bảo vệ bờ biển để giám sát các sự cố trên biển. Hai bên còn nêu ra khả năng hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu.
Đi xa hơn một chút, vào tháng 03/2012, Việt Nam và Philippines đã đồng ý là hải quân hai nước tổ chức tập trận và tuần tra chung dọc theo biên giới hàng hải ở Biển Đông, ký thỏa thuận về quy trình chuẩn đối phó với mối đe dọa, giảm thiểu rủi ro (standard operating procedure – SOP).
Ngay lập tức, Trung Quốc lên tiếng phản đối, chống lại các cuộc tập trận giữa Việt Nam và Philipipnes tại Biển Đông. Cả Hà Nội và Manila đều lùi bước, các cuộc tập trận được thay thế bằng các cuộc giao lưu, đấu bóng giữa thủy thủ hai nước đóng trên các đảo ở Trường Sa.
Cho dù trong các năm 2013 và 2014, hai bên có những trao đổi phái đoàn quân sự cấp cao, họp ủy ban hỗn hợp, nhưng hợp tác quân sự giữa hai nước, kể từ năm 2010 đến nay, vẫn chỉ dừng lại ở mức rất thấp. Chưa có một cuộc tập trận chung nào được tổ chức. Trong lúc đó, Philippines chuẩn bị ký kết một thỏa thuận hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. Còn Việt Nam tỏ ra ngần ngại trong việc tham gia tập trận chung để nâng cao kỹ năng tác chiến.
Theo chuyên gia Carl Thayer, Việt Nam và Philippines sẽ phát triển và thắt chặt quan hệ ngoại giao để đối phó với các hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng không có triển vọng là mối quan hệ hợp tác quốc phòng hiện nay giữa hai nước sẽ phát triển thành một liên minh quân sự không chính thức để chống lại Trung Quốc.

Thủ tướng Malaysia đi Việt Nam: Cơ hội phối hợp hành động về Biển Đông

Thủ tướng Malaysia Najib Razak chuẩn bị công du Việt Nam trong ba ngày, kể từ 03/04 - Reuters / B. Muhammad
Thủ tướng Malaysia Najib Razak chuẩn bị công du Việt Nam trong ba ngày, kể từ 03/04 – Reuters / B. Muhammad

Trọng Nghĩa  -RFI

Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã đến thành phố Perth, ở miền Tây Nam nước Úc và hôm nay 02/04/2014. Theo chương trình dự kiến, được báo chí Malaysia tiết lộ, ngay vào tối mai, 03/04, ông Najib Razak sẽ rời Úc để dẫn đầu một phái đoàn chính thức công du Việt Nam trong ba ngày.
Trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng thị uy tại Biển Đông, kể cả với Malaysia, liệu lãnh đạo hai nước Đông Nam Á có tìm cách phối hợp hành động với nhau hay không ?

Theo nhật báo Malaysia The New Straits Times, tháp tùng theo Thủ tướng Najib Razak có Ngoại trưởng Anifah Aman, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Mustapa Mohamed và Bộ trưởng Nông nghiệp Ismail Sabri Yaakob, cùng với quan chức cấp cao từ các bộ này.
Mục tiêu kinh tế của chuyên thăm như vậy rất rõ nét. Thủ tướng Malaysia dự kiến ​​sẽ chứng kiến ​​lễ ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nông nghiệp, có tác dụng tăng cường hợp tác giữa Malaysia và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.
Về các cuộc tiếp xúc cấp cao, ngoài cuộc hội đàm với đồng nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Malaysia sẽ thăm xã giao Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Bên cạnh chương trình chính thức kể trên, theo các nhà quan sát, có hai vấn đề thời sự nóng bỏng sẽ được lãnh đạo Malaysia gợi lên với nước chủ nhà. Trước hết là việc Việt Nam đã hết sức nỗ lực góp sức vào công cuộc tìm kiếm chiếc phi cơ bị nạn tại vùng Biển Đông trong thời gian đầu, một nỗ lực sau đó đã trở thành lãng phí khi Malaysia xác định là phi cơ của họ đã chuyển ngược hướng bay và rơi ở vùng Nam Ấn Độ Dương.
Một hồ sơ thứ hai quan trọng hơn là tranh chấp Biển Đông, với việc cả Malaysia lẫn Việt Nam đều bị Trung Quốc dọa nạt trong thời gian gần đây. Đối với Malaysia, việc một đội tàu chiến Trung Quốc hùng hậu vào tháng giêng vừa qua, đến tuyên bố chủ quyền trên bãi James Shoal ở nam Biển Đông, gần sát Malaysia, là một lời cảnh tỉnh cho Kuala Lumpur, thúc đẩy nước này xích lại gần Việt Nam và Philippines hơn trong việc phối hợp hành động chống lại sức ép của Trung Quốc.
Chuyến đi thăm Việt Nam của người đứng đầu chính phủ Malaysia sẽ là dịp tốt để hai bên bàn thảo về mối quan ngại chung đó, một tháng trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức công du Malaysia và Philippines, với hồ sơ Biển Đông chắc chắn nằm trong chương trình nghị sự của người đứng đầu Nhà Trắng.

Ba mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự đề nghị chấp thuận các khuyến nghị về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam sau UPR


GPAR (Nhóm Hợp tác Thúc đẩy quản trị và Cải cách hành chính công)
GENCOMNET (Mạng Giới và Phát triển cộng đồng)
CIFPEN (Mạng lưới An ninh lương thực và Giảm nghèo)
Hà Nội ngày 02/4/2014
V/v: Đề nghị chấp thuận các khuyến nghị về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam từ Phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) tại Hội đồng Nhân quyền, tháng 2/2014.

Kính thưa Chủ tọa, thưa Quý vị Đại biểu,

Đầu tiên, thay mặt ba mạng lưới của các tổ chức xã hội dân sự trong nước tham gia và quan tâm đền tiến trình UPR, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Bộ Ngoại giao và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc đã mời chúng tôi tham gia hội thảo hôm nay.

Chúng tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam về những thành công ở Phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc trong tháng Hai vừa qua. Số lượng kỷ lục các quốc gia tham gia đối thoại với Việt Nam về nhân quyền cùng những khuyến khích, chia sẻ và khuyến nghị là một bằng chứng rõ ràng về sự chú ý của cộng đồng quốc tế với những nỗ lực và vị thế của Việt Nam. Mặc dù không trực tiếp tham dự phiên kiểm điểm ở Geneva, chúng tôi, cùng nhiều người dân Việt Nam có quan tâm, đã theo dõi sát tiến trình UPR. Chúng tôi cũng tìm hiểu và phân tích 227 khuyến nghị Việt Nam đã nhận được theo báo cáo do Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền công bố.

Trong những năm qua, các tổ chức xã hội dân sự trong nước đã tích cực đóng góp vào quá trình đổi mới và phát triển của đất nước. Các tổ chức xã hội dân sự thường làm việc ở cấp cơ sở với các nhóm được coi là yếu thế. Chúng tôi nhận thấy rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, luôn có những thách thức để thực hiện đầy đủ tất cả các quyền con người, dù ở hoàn cảnh một đất nước đang phát triển như Việt Nam hay ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nhận thức được sự tất yếu đó và luôn luôn nỗ lực hơn để cải thiện tình hình là một tiền đề quan trọng để hiện thực hóa mong muốn chung của tất cả chúng ta ở đây và những người không có cơ hội tham gia hội thảo này về một tổ quốc Việt Nam độc lập, tự do và hạnh phúc, nơi mọi người sinh ra bình đẳng và sống bình đẳng trong sự tôn trọng tất cả các quyền và phẩm giá của tất cả mọi người mà không có bất kỳ phân biệt đối xử nào.

Với 227 khuyến nghị UPR cần được phúc đáp tại Hội đồng Nhân quyền vào tháng 6 tới, chúng tôi có những đề nghị sau đây:

Thứ nhất, các khuyến nghị rất rộng và đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau, đòi hỏi nhiều biện pháp và nguồn lực để thực thi trong thực tế. Chúng tôi sẵn sàng đóng góp năng lực chuyên môn và công sức để cùng Nhà nước thực thi các khuyến nghị này, trên cơ sở nhận thức rằng việc thực hiện hiệu quả các khuyến nghị không chỉ là để đảm bảo uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế mà quan trọng hơn là để đảm bảo một cách thực chất các quyền con người của mỗi cá nhân trong xã hội chúng ta.

Thứ hai, chúng tôi đề nghị cần có một tiến trình tham vấn sâu rộng và công khai đối với các khuyến nghị UPR. Các cuộc tham vấn có thể được tiến hành theo cụm chủ đề, với các ngành dọc. Một khuyến nghị được chấp thuận hay không cần dựa trên đánh giá tính khả thi của khuyến nghị cũng như các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền mà Nhà nước Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ. Từ việc chấp thuận một khuyến nghị, cần có chương trình hành động cũng như các chỉ số để có thể đo đếm kết quả. Quá trình thảo luận và thực hiện khuyến nghị đó cần có sự tham gia rộng rãi của các tổ chức xã hội dân sự và giới báo chí. Nếu làm được như vậy, chắc chắn tiến trình UPR ở Việt Nam sẽ đạt được những kết quả thực chất và được hoan nghênh như một điển hình tốt trên toàn cầu.

Thứ ba, chúng tôi đặc biệt quan tâm và đề nghị chấp thuận đối với một số khuyến nghị cụ thể sau đây:

a) Các khuyến nghị liên quan đến việc áp dụng những biện pháp cụ thể để bảo vệ và thúc đẩy quyền của người yếu thế như nông dân, trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT), xóa bỏ những định kiến và phân biệt đối xử trong xã hội. (Một số khuyến nghị như số 33-Bolivia, 47 và 49-Madagascar, 48-Myanmar, 54-Triều Tiên, 55-Kazakhstan, 56-Nga, 57-Venezuela, 84-Slovenia, 85-Trung Quốc, 86-Serbia, 87-Hà Lan). Đặc biệt là khuyến nghị số 88 của Chile về xây dựng một Luật chống phân biệt đối xử. Luật chống phân biệt đối xử là một công cụ pháp lý đã chứng tỏ là rất hiệu quả và là một công cụ căn bản trong khuôn khổ pháp lý của nhiều nước để xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử trong xã hội.

b) Chúng tôi đặc biệt coi trọng và ủng hộ các khuyến nghị về nâng cao hiểu biết về quyền con người của người dân nói chung, và quan trọng hơn là với các cán bộ thực thi công vụ. Các khuyến nghị số 52-54 của Triều Tiên, 58-Mali, 59-Ai Cập, 60-Uzbekistan, 61- Venezuela, 62-Belarus, 63-Djibouti, 64-Myanmar, 65-Morocco, 81-Cambodia, 82-Ethiopia, 83-Liechtenstein, nếu được chấp thuận và thực thi hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng một Nhà nước Việt Nam thượng tôn pháp luật và lấy con người làm trung tâm. Các tổ chức xã hội dân sự cũng sẵn sàng cùng Nhà nước thực hiện những khuyến nghị này. Chúng tôi đề nghị Chính phủ ủng hộ và tạo điều kiện cho sự tham gia chủ động của xã hội dân sự vào các hoạt động giáo dục về quyền con người một cách rộng rãi.

c) Chúng tôi cũng kêu gọi Chính phủ chấp thuận và thực thi các khuyến nghị về thực thi đầy đủ nghĩa vụ tôn trọng và đảm bảo các quyền và tự do căn bản, đặc biệt là các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội và hội họp hòa bình. Đặc biệt chúng tôi đề nghị chấp thuận và thực hiện khuyến nghị số 169 của Tây Ban Nha và 174 của Cộng hòa Séc về xây dựng một môi trường pháp lý và thực tế tốt cho sự công nhận, đăng ký và tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động.

d) Chúng tôi nhận thấy việc thực thi đầy đủ các quyền con người ở Việt Nam sẽ còn phải vượt qua nhiều thách thức chủ quan và khách quan. Vì vậy, Việt Nam cần có một cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập để thúc đẩy quá trình này một cách hiệu quả nhất. Các nguyên tắc Paris hướng dẫn việc thành lập và hoạt động cơ quan nhân quyền quốc gia này là một công cụ có ích và được áp dụng ở những mức độ khác nhau ở nhiều quốc gia trên thế giới và ngay trong khu vực ASEAN. Vì vậy, chúng tôi đề nghị chính phủ cân nhắc tích cực những khuyến nghị liên quan đến vấn đề này, cũng như cân nhắc việc hợp tác sâu rộng và cởi mở hơn với các cơ chế chuyên gia độc lập trong bộ máy Nhân quyền của Liên Hợp Quốc.

Xin chân thành cảm ơn quý vị đã chú ý lắng nghe!
(Dân luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét