Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Kịch bản Ukraina cho Việt Nam

Vài suy nghĩ về vụ án Trương Duy Nhất

Blogger Trương Duy Nhất tại phiên tòa ở Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng số 374 đường Núi Thành Quận Hải Châu Đà Nẵng sáng hôm 4 tháng 3 năm 2014.
Ở Việt Nam ngày nay, chúng ta thường nghe thấy rất nhiều cái động từ "lợi dụng". Ví dụ như: "lợi dụng chức vụ quyền hạn", "lợi dụng tín nhiệm", "lợi dụng tình cảm", và "lợi dụng các quyền tự do dân chủ"... Phần lớn trường hợp "lợi dụng" vừa nêu trên là thực tế xã hội, ngoại trừ vấn đề "lợi dụng các quyền tự do dân chủ". Bởi lẽ, muốn lợi dụng điều gì đó thì điều ấy phải có tồn tại trong sở hữu chủ thể; thí dụ: như có chức quyền thì mới lợi dụng chức quyền, hay có sở hữu tình cảm, có được tín nhiệm mới lợi dụng được những thứ ấy. Trong ý nghĩa này, những vụ án cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" là hoàn toàn không hợp lý, vì muốn lợi dụng các quyền tự do dân chủ thì trước hết người ta phải có được thứ quyền ấy trong hiến định.

Hiến pháp năm 1992 có minh định quyền Tự Do Ngôn Luận của người dân (điều 69), trong đó có quyền bày tỏ hoặc nói lên quan điểm chính kiến riêng của mình trong mọi lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế... Nhưng trong thục tế, các thứ quyền ấy đã bị tước đoạt bởi thể chế đảng trị từ lâu. Cụ thể là quyền Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí. Hai quyền này không thể xem là đang được thực thi khi Đảng CS không cho phép báo chí tư nhân hoạt động. Ngược lại, cái gọi là "Tự do Báo chí" hiện nay là tự do trong khuôn phép chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Đảng, phục vụ cho quyền lợi của đảng cầm quyền.

Do vậy, nếu ai phê phán những tiêu cực hay chỉ trích chính sách sai lầm của đảng hay lãnh đạo đảng, hay đưa tin theo quan điểm riêng, không theo chỉ đạo của Tuyên huấn, thì sẽ bị qui kết, ghép tội hình sự: "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" hay "tội tuyên truyền chống phá, âm mưu lật đổ chính quyền “ để bỏ tù. Nhà báo Trương Duy Nhất và nhiều Bloggers, nhà báo, nhà đấu tranh dân chủ... đã phải vào tù bởi các điều luật hình sự mơ hồ như điều 88, 79 hay điều 258 BLHS; trong khi họ tin rằng mình đang thực thi những thứ quyền mà HP năm 1992 qui định cho công dân VN.

Phát biểu ngày pháp luật đầu tiên 9-11-2013 của TT Nguyễn Tấn Dũng: ”Quyền tự do là quyền được làm mọi việc mà pháp luật không cấm“. Nhưng điều mâu thuẫn là Hiến pháp không ngăn cấm, nhưng nhà nước lại cấm bằng những thứ luật bất thành văn, và công dân chỉ được làm những việc mà nhà nước cho phép. Đơn cử là Điều 4 HP năm 1992 khẳng định: ”Đảng CS là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội“, nhưng toàn bộ bản HP cũng như trong mọi bộ luật của VN đều không hề có điều khoản nào cấm thành lập hội hoặc thành lập đảng. Nhưng trong thực tế, chỉ có đảng CS được quyền lập hội đoàn làm tổ chức ngoại vi, như Hội PNVN, Hội CCB, Hội NDT, v.v... Nếu có ai lập hội đoàn, đảng phái khác thì bị nhà nước của Đảng khép tội và xử tù.

Phiên tòa xét xử nhà báo Trương Duy Nhất ngày 4-3-2014 tại TP Đà Nẳng rõ ràng phi tự do, phi dân chủ, vì được thông báo đưa ra xét xử công khai tại Tòa án Nhân dân nhưng phiên tòa được nhà nước tổ chức như đặc biệt xử kín. Bên ngoài, lực lượng công an canh gác, tuần tra ngăn cấm không cho ai chụp hình, quay phim. Trước cổng thì canh giữ chặt chẽ không cho người thân gia đình “bị cáo“ vào tham dự, đồng thời hạn chế một số phóng viên tác nghiệp. Một tòa án nhân dân mà không cho người dân được vào tham dự, và một phiên tòa gọi là công khai xét xử mà lại xử kín, thì hỏi người dân lấy đâu ra chút quyền tự do dân chủ mà thực thi, chớ đừng nói dư cho nhiều để có mà "lợi dụng" thứ quyền ấy.

Nhà báo Trương Duy Nhất, không tham gia vào đảng phái, hội đoàn nào để hoạt động chính trị, và chỉ đơn thuần là nhà báo có lương tâm trách nhiệm với vận mệnh đất nước. Anh có thể cúi đầu làm cổ máy viết theo ý lịnh chỉ đạo của cấp trên như những tay bồi bút khác để được hưởng lợi và thăng tiến trên đường báo nghiệp. Nhưng không, anh đã khẳng khái, dũng cảm, hy sinh hạnh phúc riêng tư, dùng ngòi bút mình để viết cho ích lợi của đời, của người.

Nhà báo Trương Duy Nhất là một biểu tượng đẹp để các đồng nghiệp của anh noi theo. Theo qui định HP năm 1992, anh Trương Duy Nhất là vô tội và phiên tòa phúc thẩm sắp tới nên phóng thích anh ngay tại tòa.

Nếu xã hội nước ta vẫn đầy dẫy bất công, nhà nước vẫn tiếp tục phạm phải vô số sai lầm, và đảng cầm quyền vẫn không cho người dân được quyền Tự do Ngôn luận đúng nghĩa, vì chắc chắn là sau vụ án này phi lý này sẽ còn nhiều nhiều Trương Duy Nhất khác nữa đứng lên tranh đấu.

Nếu nhà nước VN tiếp tục đàn áp, cầm tù những người yêu công lý dám đứng lên cất cao tiếng nói cho nhân quyền, thì đó cũng sẽ là những yếu tố khẳng định thêm tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam -- một vấn đề nhức nhối mà đảng và nhà nước VN đang phải vất vả để biện luận trước công luận quốc tế và sự phán xét của nhân dân.

Viết từ Gia-Lai ngày 06-03-2014
Mục sư Hồng Trung
(Thành viên ĐVDVN)
www.dangvidan.net

Kịch bản Ukraina cho Việt Nam

Tình hình chính trị Ukraina đang diễn biến phức tạp. Bài viết này mạnh dạn nêu một số nhận định, phỏng đóan và liên hệ với Việt Nam.


Những biến cố lịch sử Ukraina 

Ukraina là một quốc gia thuộc khu vực Đông Âu, có chung biên giới với Liên bang Nga ở phía đông. Hình thành từ thế kỷ 9 sau công nguyên, năm 1922 Ukraina trở thành một nước cộng hòa theo thể chế xã hội chủ nghĩa nằm trong Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết. Năm 1991, Liên Xô sụp đổ, Ukraina tách ra thành một quốc gia độc lập gồm 24 tỉnh, một nước cộng hòa tự trị Crimea và hai thành phố đặc biệt không thuộc trung ương: Kiev và Sevastopol.

Cách mạng Cam lẽ ra đã có thể đưa Ukraina vào buớc ngoặt lịch sử để tiến mạnh trên đường dân chủ hóa. Tiếc rằng do đấu đá tranh giành quyền lực giữa ông Viktor Yanukovych, ông Viktor Yushchenko và bà Yulia Tymoshenko, chính trường Ukraina đã trở nên rối loạn.

Năm 2004, thủ tướng Viktor Yanukovych tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử để trở thành Tổng thống. Dựa vào phán xét kết quả bầu cử là gian lận của Toà án Tối cao Ukraina, Viktor Yushchenko đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Cam và cùng bà Yulia Tymoshenko lên nắm quyền, biến Viktor Yanukovych thành phe đối lập. Cuộc đấu đá tiếp diễn, năm 2006 Yanukovych được trở lại làm Thủ tướng cho tới cuộc bầu cử đột xuất vào tháng 9 năm 2007 thì phải nhường ghế cho Tymoshenko. Đến cuộc bầu cử 2010, Viktor Yanukovych lại đánh bại Tymoshenko để trở lại ghế tổng thống.

Nắm được quyền lực, không chăm lo xây dựng chính quyền do dân, vì dân mà V. Yanukovych tha hóa biến chất rất nhanh. Bất mãn trước một chính quyền độc tài, độc đoán với nạn tham nhũng tràn lan làm cho kinh tế sa sút và chênh lệch giầu nghèo dõang rất xa, hàng loạt cuộc biểu tình nổi lên ngày một nhiều nhưng chính quyền đã không những không biết soi vào đấy để chỉnh đốn, cải tạo mà ra tay đàn áp. Cuộc đàn áp dã man sinh viên biểu tình ở thủ đô Kiev đầu tháng 2 năm 2014 đã như đổ dầu vào lửa làm bùng phát quyết liệt tinh thần phản kháng uy hiếp mạnh đến mức Tổng thống phải bỏ dinh thự chạy trốn rồi chuồn khỏi đất nước.

Ông Yanukovych đã bị Quốc hội Ukraina bỏ phiếu bãi chức tổng thống vào ngày 22 tháng 2 năm 2014 với tỷ lệ phiếu thuận là 328 trên 340.

Nguyên nhân sụp đổ chính quyền Yanukovych 

Mâu thuẫn xã hội đã âm ỷ trong nhiều tháng, nhiều năm nhưng nó chỉ bùng phát dữ dội đủ làm cho chính quyền Yanukovych sụp đổ tuồng như bất ngờ khi Tổng thống từ chối ký kết hiệp định liên kết giữa Ukraina và EU (Ukraine–European Union Association Agreement) để quay sang tìm sự trợ giúp từ phía Nga.

Ukraina như tấm bản lề giữa Nga và Cộng đồng châu Âu. Nếu Ukraine tham gia vào Cộng đồng châu Âu, hoặc nghiêng hẳn về châu Âu, biên giới của châu Âu sẽ tiến sát vào cạnh sườn của Nga. Đó là điều rất kiêng cữ đối với Nga. Ukraina lại có bờ biển chung với Nga tại Bắc Hải, nơi được xem là cửa ngõ của hải quân và hàng hải Nga.

Trong bán đảo Crimea, Nga có căn cứ hải quân đóng tại Sébastopol. Tại đây lực lượng hải quân Nga có ba đường thông ra biển lớn:

1/ từ căn cứ Crimée qua eo biển Bosphore (Thổ) để vào Địa Trung Hải.

2/ Từ St Pétersbourg qua các eo biển trong vùng Baltique để ra Đại Tây Dương.

3/ Từ căn cứ Vladivostock trong biển Nhật Bản thông qua các eo biển thuộc Nhật để ra Thái Bình dương.

Nga đã gia hạn sử dụng căn cứ hải quân ở Crimea tới 2042.Hợp đồng thuê cảng Sevastopol ở Crimea của Nga đáng ra hết hạn năm 2017 nhưng dưới thời ông Yanukovych đã được gia hạn thêm 25 năm cho tới 2042 với giá chưa đến 100 triệu USD/ năm.

Để mua chuộc và “gìn giữ” Ukraina, năm 2013, tổng thống Nga Vladimir Putin đã hứa bỏ ra 15 tỉ Mỹ kim để mua trái phiếu của Ukraina như một cách giúp đỡ nước này vực dậy nền kinh tế đã kiệt quệ. Không chỉ “cứu đói”, Nga còn ra tay “cứu rét” cho Ukraina khi tuyên bố sẽ giảm giá khí đốt 30%. Cử chỉ nghĩa hiệp - như bầy trải bữa cơm thịnh soạn trước cơn đói lòng như vậy - nhẽ ra phải được nhân dân Ukraina hồ hởi đón nhận nhưng không ngờ cánh tay người biểu tình càng giơ cao hơn, tiếng thét càng lớn hơn cả khi người dân Ukraina gia nhập vào các đoàn biểu tình chống tham nhũng từng nổ ra. Phóng viên các hãng thông tấn quốc tế nghe rất rõ ở đây những khẩu hiệu thiêng liêng đòi Tự do, Độc lập, Dân chủ.

Các nước xung quanh trước kia xem Nga như trung tâm của nền văn minh Chính Thống Giáo để rồi từ đấy họ bị Nga lôi kéo vào chủ nghĩa Mác. Hậu quả mà họ được nếm trải là một xã hội độc tài, bất công; tình trạng tham nhũng lan tràn; khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn; tài nguyên môi trường trong nước bị phung phí hủy hoại; kinh tế kém phát triển; đời sống khó khăn.

Để khống chế “con tin”, một mặt Nga dùng mọi phương kế ngăn chận ảnh hưởng của Phương Tây với những giá trị tinh thần nhân bản cao cả; một mặt dùng con bài năng lượng cùng với bộ máy quân sự hùng mạnh để đe doạ lân bang.

Những diễn biến bên trong Ucraina hoàn toàn là vấn đề nội bộ. Chưa ai cầu mà tổng thống Putin đã khẩn trương ra lệnh cho 150.000 binh sĩ với khoảng 600 chiếc xe tăng áp sát biên giới Ukraina. Ông lại yêu cầu Quốc Hội thông qua nghị quyết cho phép ông được quyền sử dụng quân đội để tấn công nước láng giềng. 15.000 lính Nga đã tràn vào bán đảo Crimea. Truyền hình Ukraine vào tối 4/3 cho biết nhiều tay súng đã tìm cách chiếm một căn cứ tên lửa phòng không ở phía Bắc thành phố Sevastopol.

Liên hệ với Việt Nam

Sau Chiến tranh Thế giới II (1939–1945), cuộc Chiến tranh Lạnh đã dấy lên chủ yếu giữa Liên bang Xô viết và các quốc gia vệ tinh của nó với các cường quốc thuộc thế giới phương Tây, gồm cả Hoa Kỳ. Sau khi Liên Xô sụp đổ, 1991, Chiến tranh Lạnh biến tướng và tiếp diễn trong cuộc chạy đua vươn tới bá chủ của ba đại cường quốc: Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc. Ba đại cường quốc này thi nhau thành lập các liên minh liên kết và ép buộc các nước nhỏ, đặc biệt là các lân bang trở thành chư hầu để tăng cường thanh thế, mở rộng tầm ảnh hưởng, áp đảo đối phương.

Một số nước nhỏ bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh này. Tại đây, việc chọn nước nào trong ba nước trên làm đối tác chiến lược ưu tiên số một có ý nghĩa trọng đại và nhiều khi trở thành mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ.

Ở Ukraina, như đã thấy, việc chọn Nga hay Phương Tây đã trở thành yếu tố quyết định để nhân dân ủng hộ hay phế truất lãnh đạo. Miếng mồi thơm 15 tỷ USD của ông Putin không xua tan được nỗi cay cực của nhân dân Ucraina vì đã ghi sâu trong tâm khảm rằng chính họ là nạn nhân của Stalin khi bị dùng làm thí nghiệm chương trình tập thể hóa nông nghiệp vào những năm 1930-34, khiến hàng chục triệu người chết đói.

Tất nhiên, yếu tố quyết định đó không phài là duy nhất. Bên cạnh đó còn nhiều nhiều yếu tố khác thuộc các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đặc biệt là tham nhũng.

Việt Nam cũng đang chất chứa trong lòng nhiều yếu tố Ukraina khuếch đại.

Tuy lâm cảnh nghèo khó nhưng Ukraine có thu nhập bình quân đầu người hồi năm 2012 theo thống kê của Ngân hàng Thế giới là hơn 3.800 USD so với con số 1.800 của Việt Nam.

Cả Việt Nam và Ukraine đều nằm trong danh sách 100 nước tham nhũng nhất thế giới. Trong bảng xếp hạng của Minh bạch Quốc tế tính cho năm 2013, nếu Ukraine đứng thứ 144 trên tổng số 175 nước thì thứ hạng của Việt Nam cũng đến 116.

Tuy nhiên, cuộc Chiến tranh Lạnh đang diễn ra ở Việt Nam quyết liệt hơn ở Ucraina rất nhiều. Nó thường trực. Nó thiên biến vạn hóa, xẩy ra mọi chốn mọi nơi. ĐCSVN gọi nó là cuộc đấu tranh “Chống Diễn biến Hòa bình” và là nỗi ám ảnh gây bệnh tâm thần, đến nỗi Đảng nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.

Chọn hướng ưu tiên ở phía Hoa Kỳ hay Trung Quốc đang là mâu thuẫn dễ dãn đến xung đột ngày càng lớn giữa nhân dân Việt Nam, đại đa số đảng viên CSVN với một bộ phận lãnh đạo ĐCSVN. (Hy vọng rằng không phải tất cả, chỉ một bộ phận thôi, mà bộ phận này cũng đang nhỏ dần).

Rước Trung Quốc vào Tây Nguyên khai thác Bauxite đã là tội lỗi tầy đình thời Nông Đức Mạnh. Sao lại tiếp tục bán rừng đầu nguồn cho họ và kéo họ vào Khu kinh tế Vũng Áng-Formosa, Nhiệt điện, Xi măng Hải Phòng ... để mọc lên nhan nhản những làng Trung Quốc, những phố đèn lồng đỏ ở Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Dương …!

Có thể biểu dương thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi hôm qua (11-3-2014), trong buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về vấn đề bảo vệ quyền lợi người lao động ông đã đặc biệt nhấn mạnh đến lực lượng lao động ngoài Biển Đông.

Nhưng, sao những biểu hiện dù chỉ dè dặt như vậy còn hiếm hoi quá. Nhiều nhà lãnh đạo quan trọng mà miệng như ngậm hột thị, hầu như không thấy hé răng đề cập đến vấn đề hệ trọng hàng đầu của đất nước hiện nay bao giờ.

Tệ đến mức, khi Trung Quốc đã ngang ngược thành lập thành phố Tam Sa trên đảo Hoàng Sa và trên biển của ta, Quốc hội yêu cầu cho nghe báo cáo tình hình thì ông Chủ tịch Quốc hội dám trâng tráo tuyên bố “Biển Đông không có gì mới”.

Càng tệ haị hơn khi TBT ĐCSVN chủ trương mở đường cho Trung Quốc vào Việt Nam dẹp loạn.

(Văn bản ký kết giữa Nguyễn Phú Trọng với Hồ Cẩm Đào ngày 15-10-2011 ghi: “Năm là, đi sâu hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thi hành pháp luật và an ninh … cùng phòng ngừa và tấn công các hoạt động vi phạm pháp luật, tội phạm xuyên biên giới; tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong việc giữ gìn ổn định trong nước của mình. Và tôi đã chất vấn: “Ai cho phép ông Trọng đem tài sản và xương máu của công an Việt Nam sang tăng cường phối hợp để giữ gìn ổn định trong nước Trung Quốc? Ai cho phép ông Trọng mở đường cho Trung Quốc vào Việt Nam để “tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau” trong cái gọi là “giũ gìn ổn định trong nước” của ta?).

Giữa nhân dân và một bộ phận trong lãnh đạo Đảng, những nhận định và chủ trương ứng phó với Trung Quốc dường như khác biệt nhau đến mức đối nghịch. Các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn đều bị ngăn trở hoặc đàn áp dã man. Dẫu sao chắc chắn sẽ không thể nào dập tắt được ý chí đấu tranh vì nền độc lập và sự toàn vẹn của tổ quốc.

So với các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi, chống tham nhũng, chống lợi ích phe nhóm, chống thu hồi ruộng đất bất minh …, đấu tranh vì nền độc lập và sự toàn vẹn của tổ quốc có sức khích động và khả năng quy tụ lớn hơn nhiều vì nó dễ đưa đấu tranh từ tự phát đến tự giác.

Hãy sẵn sàng xuống đường rầm rộ cho đến lúc có thể tóm cổ hết những “con rệp”, những “con ong trong tay áo” và lật nhào bọn Lê Chiêu Thống, Trân Ích Tắc đặng hiện thực hóa kịch bản Ukraina ở Việt Nam.
Hà Nội ngày 12 tháng 3 năm 2014
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Hotline: 0984 724 185

Tại sao Trung Quốc – nhất thời – sẽ không dân chủ

Khi một đất nước cứ tăng trưởng và tăng trưởng thì đến một lúc nào đó có một lớp trung lưu thành hình. Và những người này không chỉ muốn tiêu thụ mà cũng muốn cùng quyết định, tức là yêu cầu các quyền chính trị và tự do.

Trên lý thuyết là như vậy. Nó được nhà xã hội học người Mỹ Seymour Martin Lipset đưa ra lần đầu tiên vào cuối những năm 50 mà đối với ông thì rõ ràng là có một mối liên quan giữa thịnh vượng và dân chủ. Qua đó, ông đã thành lập thuyết Hiện đại hóa.

Nhưng người ta đo thịnh vượng ra sao? Tốt nhất và đơn giản nhất là qua thu nhập trên đầu người, Seymour và những người biện hộ cho ông nói. Nhưng bắt đầu từ mức thu nhập nào thì một đất nước sẽ trở nên dân chủ? Các nhà khoa học tranh cãi nhau về điều này. Khoảng cách của các quan điểm là từ 1000 cho tới 6000 dollar.

Và có thật sự là đơn giản như thế không?
Tượng "nữ thần dân chủ" trên Quảng trường Thiên An Môn. Hình: Corbis
Tượng “nữ thần dân chủ” trên Quảng trường Thiên An Môn. Hình: Corbis
Liệu một đất nước có trở nên dân chủ khi thu nhập trên đầu người bắt đầu từ 3000 dollar – chúng ta cứ nói như vậy đi – hay không? Không, chính trị và một sự thay đổi hệ thống không hoạt động đơn giản tới như vậy. “Mối quan hệ giữa hiện đại hóa kinh tế và dân chủ là một mối quan hệ nhân quả, nhưng không đơn nhân quả”, nhà chính trị học Wolfang Merkel giải thích trong tác phẩm kinh điển Systemtransformation [Chuyển đổi hệ thống] của ông. Tức có nghĩa là: Còn phải có thêm những điều kiện khác nữa. Ví dụ như một mức học vấn tương đối cao.

Bây giờ thì Trung Quốc có cả hai – một thu nhập trên đầu người trên 3000 dollar và một hệ thống giáo dục tốt mà nhiều người Trung Quốc hưởng lợi từ đó. Nhưng mặc dù vậy Trung Quốc vẫn chưa dân chủ và trong thời gian sắp tới đây cũng sẽ không. Tại sao lại như vậy?

Vì cả tôn giáo và văn hóa cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc một nhà nước được tổ chức trong hình thái và hiến pháp nào. Max Weber đã chỉ đến mối liên quan này ngay từ đầu thế kỷ 19. Nhà xã hội học người Mỹ Samuel Huntington nắm lấy luận điểm này một lần nữa vào đầu những năm 90. Trong đó, ông bàn trực tiếp về Trung Quốc.

Trung Quốc rõ ràng là một xã hội theo đạo Khổng. Đạo Khổng không phải là một tôn giáo như nhiều người ở Phương Tây tin là thế. Nó – khác với Thiên Chúa giáo hay đạo Hồi – không đưa ra những lời giải thích và hứa hẹn cho thế giới bên kia. Nó gắn kết chặt chẽ với thế giới ở bên này và giảng giải những giá trị như hài hòa, tôn trọng người có quyền lực (đặc biệt là cha mẹ) và học tập liên tục. Vì vậy mà trong các xã hội theo đạo Khổng, tập thể đứng trên cá nhân, quyền lực đứng trên tự do, những cái không nhất thiết phải khuyến khích lối suy nghĩ và các cấu trúc dân chủ. Do đó, Huntington đi tới kết luận. “Một nền dân chủ Khổng giáo tự nó là một mâu thuẫn.”

Giáo sư Harvard Francis Kukuyama phản bác giáo sư Harvard Huntington đã qua đời. Đạo Khổng tương đối khoan dung và bình đẳng. Ngoài ta, ông nhấn mạnh tới giáo dục và đào tạo. Tất cả những cái đó là những thành phần khuyến khích dân chủ. Vì vậy mà Trung Quốc không miễn nhiễm trước một sự dẫn nhập dân chủ. Câu hỏi chỉ là khi nào thì nó có thể xảy ra. Thế nào đi nữa thì trong thời gian tới đây cũng không.

Và ở đây có thêm một – cựu – giáo sư Harvard thứ ba bước vào cuộc hơi: Alexander Gerschenkron. Ông nói, tầng lớp trung lưu hưởng lợi từ một hệ thống chuyên quyền. Họ hàm ơn lần trỗi dậy của hệ thống. Vì vậy mà họ quan tâm tới sự ổn định của hệ thống.

Đảng Cộng sản biết điều đó và vì vậy mà cộng tác với giới trung lưu. Họ tiến hành một chiến thuật ôm ấp khéo léo và bước vào một mối quan hệ với những người buôn bán một mình, doanh nhân và trí thức. Họ làm cho nhiều nhóm, những nhóm có thể chống lại chính quyền, trở thành đồng minh với họ – trí thức, sinh viên và tầng lớp trung lưu.

Ví như 80% sinh viên – đây là một con số chính thức – muốn gia nhập Đảng sau khi tốt nghiệp. Họ làm điều đó không phải vì họ là những người nhiệt tình đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản, mà vì họ hứa hẹn cho mình các cơ hội thăng tiến tốt hơn – dù đó là trong hành chính hay trong các công ty nhà nước.

Đó là một cuộc kinh doanh có qua có lại. Tầng lớp trung lưu nhận được những gì họ muốn, tức khả năng thăng tiến và làm giàu. Đổi lại, Đảng đang thống trị cũng nhận được cái mà họ muốn – bảo toàn quyền lực. Tầng lớp trung lưu vì vậy mà có tác động làm ổn định hệ thống nhiều hơn là gây nguy hại đến hệ thống.

Một nhận định cũng được ủng hộ qua thực tiễn. Giáo sư người Mỹ Jie Chen trong quyển sách Allies of the State: China’s Private Entrepreneurs and Democratic Change của ông đã khảo sát quan điểm của giới trung lưu Trung Quốc về một thay đổi hệ thống có thể. Kết luận của ông sau hơn 2000 cuộc trao đổi: “Tầng lớp trung lưu Trung Quốc sẽ không xuất hiện như là những người ủng hộ cho một sự dân chủ hóa.”

Họ sẽ không tiếp nhận vai trò cách mạng của giới tư sản giống như những người này đã đóng trong châu Âu của thế kỷ 18 và 19. Richard McGregor: “Họ có nhiều thứ để mất.” Giả sử như có những cuộc bầu cử theo mẫu mực Phương Tây One Man – One Vote. Nếu như người ta ước lượng giới trung lưu Trung Quốc ở 200 tới 300 triệu, thì họ rõ ràng là thiểu số trong một cuộc bầu cử.

Người nông dân sẽ có quyền quyết định. Và chắc chắn là họ sẽ muốn một chính sách hoàn toàn khác hẳn với tầng lớp trung lưu thành thị, tức là tái phân phối có lợi cho họ, trước thế bất lợi trong những thập niên vừa qua cũng là điểu dễ hiểu. Những người chịu thiệt thòi của một chính sách như vậy là giới trung lưu thành thị. Tức là trong giai đoạn – tôi nhấn mạnh – hiện tại của sự phát triển Trung Quốc, những người này không thể có một mối quan tâm tới việc người dân ở nông thôn có thể nắm lấy quyền lực một cách dân chủ.

Tức là sẽ không có một sự chuyển tiếp nhanh chóng sang dân chủ ở Trung Quốc, nhưng ít ra thì cũng có những bước tiến cải cách chậm chạp.
(Còn tiếp)
Wolfgang Hirn
Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” ["Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp - Trung Quốc chống Phương Tây"]
  (Blog Phan Ba)

Vũ Duy Phú - Thế giới và hiện tượng Ukraine

(chưa đọc bài nào "NG..." như bài này!)

Tình hình xẩy ra ở nhiều nước trên thế giới hiện nay, trong đó điền hình nhất là hiện tượng Ukraine, rất đáng để chúng ta phận tích kỹ rút ra bài học chung. Nếu không cẩn thận, mà chỉ đơn thuần bồng bột đấu tranh vì yêu tự do dân chủ bình đẳng công bằng, tiến bộ và văn minh, hoặc vì để văn minh hơn nữa - đó là một điều rất đúng đắn, hợp quy luật tự nhiên và xu thế của thời đại - nhưng vì quá vội vàng, thiếu cân nhắc, chưa nắm được thông tin đầy đủ và chính xác, thiếu đầu óc thực tế và khôn ngoan, thiếu nghiên cứu lợi hại toàn diện, để cho tư tưởng manh động, hiếu thắng, bất mãn cá nhân, đầu óc dân tộc cực đoan, đại bá hay thủ cựu v.v. . .xen vào,lại thiếu một thủ lĩnh hay một nhóm lãnh đạo dầy dạn kinh nghiệm dẫn đầu. . .nên đã dẫn đến đấu tranh quyết liệt lợi ít hại nhiều, cho cả cái chung, lẫn mục đích riêng: Trước hết, ít nhất là đã làm rối ren cả xã hội, có thể để cho những thế lực kém trí tuệ, thiếu hiểu biết, thậm chí tham lam, bất chính xen lẫn vào lợi dụng sự hỗn loạn nhằm đạt được ý đồ xấu xa của riêng mình, thậm chí còn gây đổ máu, tàn sát lẫn nhau không kìm hãm được, gây ra hận thù lâu dài trong lòng dân tộc, cho lân bang, và nguy hại cho hoà bình phát triển khu vực và thế giới.
Để có cơ sở bàn sâu, ta cần lưu ý mấy vấn đề mấu chốt ngắn gọn sau đây:
Một là, sự tiến hoá của Loài người là được pha trộn, lồng ghép, đan xen bởi nhiều nội dung chính: Mọi dung tiến hoá từ CON thành NGƯỜI, được giới trí thức nói gọn lại trong cụm từ Trí tuệ xúc cảm (Emotional intelligence, ET ), đánh giá chủ yếu về tiến hoá trong phạm trù nhân văn, đạo đức, tình yêu thương, tình đoàn kết hữu ái giữa con người với nhau, và giữa các dân tộc... Nội dung tiến hoá thứ hai được gọi là tiến hoá về Trí tuệ lý trí (Intelligence quotient, IQ ), đặc trưng cho tiến bộ văn minh trong công cụ tìm kiếm và nâng cao cuộc sống, trong khoa học, kỹ thuật, công nghệ, chinh phục tự nhiên, vũ trụ . . . . Hai nội dung này thường tiển triển đồng thời, cái nọ hỗ trợ cái kia. Nhưng tốc độ tiến triển tại những khu vực cư dân khác nhau trên Trái Đất, thậm chí ngay từng nước, nhiều khi chúng diễn ra rất khác nhau và không đồng bộ, đấy là do ảnh hưởng mang tính quyết định của nội dung thứ 3, tức là thể chế chính trị xã hội sau đây.
Nhân tố thứ 3 là nội dung tiến hoá về Thể chế chính trị xã hội, tức sự lựa chọn của cộng đồng (gia đình, làng bản, quốc gia, khu vực...) cách thức tổ chức quản lý và chỉ đạo sự sinh sống, làm ăn và phát triển của toàn thể cộng đồng. Chúng ta đã biết: Có sự thống nhất quy ước theo chiều hướng tiến lên, cái sau hay hơn, tiến bộ hơn cái trước, của các Thể chế: Nô lệ, Phong kiến, Tư bản, và ...Hậu tư bản...
Trên cái “sơ đồ” tiến hoá khái quát như vậy, theo Ông Các Mác, thì các nước Tư bản tiên tiến nhất sẽ tiến trước lên Thể chế chính trị xã hội Hậu tư bản, và trên thực tế quá trình tiến hoá đó nó đang diễn ra. Tôi cho rằng tiên đoán đó của ông Mác là rất đúng.
Hai là, nói về động lực thúc đẩy sự tiến hoá, hay là nói về phương thức tiến hoá (hay phương thức cách mạng) tạo ra và hình thành các thể chế chính trị khác nhau:
Trường phái thứ nhất, qua đúc kết lịch sử thấy rằng sự tiến hoá lên văn minh hiện đại sẽ tự diễn ra dần dần một cách tự nhiên, phụ thuộc vào kết quả sự tương tác và trưởng thành của ba nội dung tiến hoá nói trên (Trí tuệ cảm xúc, Trí tuệ lý trí, và thể chế chính trị) của Loài người. Sau khi đã trải qua không biết bao cuộc đấu tranh gian khổ, chống bóc lột, đàn áp, chết tróc, chiến tranh tàn phá . . .những nước đi trước đã đi đến kết luận là cần phải và có thể tiến hoá một cách hoà bình, trong tự do dân chủ cạnh tranh bình đẳng trong vòng pháp luật . . .Theo trường phái này: Động lực phát triển là Tự do Dân chủ và Trí tuệ. Từ đó hình thành thể chế chính trị Đa nguyên đa đảng toàn trị với ba cái kiềng trụ cột là: Nhà nước pháp quyền, thị trường tự do và xã hội dân sự.
Trường phái thứ hai, xuất hiện qua sự nghiên cứu và sáng tạo tư duy, cho rằng, động lực tiến hoá (cách mạng) nhất thiết phải là “đấu tranh giai cấp một mất, một còn”, “phải chủ động đập tạn cái cũ lạc hậu, mới xây được cái mới”, không thể “cải lương”, “nửa vời”...Đây là tư duy của những người nhiệt tình thay cũ đổi mới, đôi khi bị bắt buộc, không còn con đường nào khác (chống chế độ thực dân, đề quốc, phát xít, độc tài , đại bá. . .), song cuộc đấu tranh cũng thường bị biến dạng, mò mẫm chệch mục tiêu. Điển hình nhất là muốn “Thay cái cũ, xấu xa, bằng cái mới, tốt đẹp hơn”, song sau khi đập tan cái cũ đi rồi, do không biết cách làm nào (thể chế nào) hay hơn những người đi trước (thể chế trước), nên không đạt mục tiêu, thậm chí thất bại, hoặc bị kẻ xấu lợi dụng, hầu hết là phải trả giá quá đắt (không đáng làm), hoặc hiệu quả thấp, thậm chí không hiệu quả! (các cuộc cách mạng chuyên chính vô sản đổ máu trước đây, các cuộc cách mạng mầu mất phương hướng gần đây là những ví dụ nóng hổi). Điển hình nhất trong trường phái “đấu tranh vũ trang”, “lật đổ” này là những cộng đồng đã chọn Chủ nghĩa hỗn tạp Mác – Lênin (tự nghiên cứu, sáng tạo ra) làm học thuyết dẫn đường để tạo ra “cái mới tốt đẹp hơn”. Nhưng vì cái mới đó là “độc đảng toàn trị” mất dân chủ, là Nhà nước chuyên chính vô sản, là công hữu tư liệu sản xuất, vì họ ảo tưởng, cho rằng, người nào lên lãnh đạo cách mạng trong trường phái này, và cả người dân của thể chế mới này, cũng “vì dân, vì nước”, cũng trong sạch, liêm khiết, thông minh .. . như các lãnh tụ khởi xướng ra học thuyết, ra cuộc cách mạng này, và vì quan điểm cốt lõi ngộ nhận, cho rằng cần trao quyền lãnh đạo thế giới cho giai cấp công nhân vì “chỉ có giai cấp công nhân mới đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến nhất”, nên cuối cùng đã thất bại từng phần, hoặc tan rã hẳn.
Chúng ta đã biết, thể chế XHCN (kiểu cũ) chính là kết quả chính của trường phái phát triển “đột phá”: Kiên trì đấu tranh giai cấp, “khác ta là địch”, kinh tế tập trung vào tay nhà nước, lãnh đạo xã hội theo chế độ tập trung độc đảng toàn trị. Đây có thể coi là kết quả của sự tìm tòi độc đáo nhân tạo của một bộ phận rất năng động, dũng cảm, nhưng đã sai lầm, của Nhân loại, nên đã và đang thất bại như đã thấy, do đó những nước này đã phải “chuyển đổi”.
Gần đây đã xuất hiện phổ biến trên thế giới các Chế độ chuyển đổi: Đây có thể nói là xu thế tất yếu của tất cả những nước đã từ bỏ chế độ tập trung mất dân chủ các kiểu để chuyển sang chế độ dân chủ (không chỉ các nước XHCN cũ) mà tôi đã mạo muội nhận định là kết quả của quá trình Toàn cầu hoá TBCN. Từ các nước XHCN kiểu cũ đến những nước theo chế độ độc tài gia đình trị hay độc tài cá nhân, do áp lực đấu tranh của nhân dân buộc các chế độ cũ phải chuyển đổi sang chế độ dân chủ và hội nhập với thế giới theo mô hình nhà nước pháp quyền, thị trường do và xã hội dân sự, với vai trò lãnh đạo, hoặc vẫn là độc đảng tập trung toàn trị, hay đã là đa đảng tập trung toàn trị. Đậy là sự hoà vào trào lưu tiến hoá tự nhiên của Loài người (bắt đầu đi từ tiền TBCN), nhưng với đặc điểm là sự tiến hoá xẩy ra “Đột biến”. Chính sự “đột biến”, nhẩy cóc, hoặc thay đổi không đồng bô về chính trị xã hội này đã tạo ra rất nhiều sự kiện không mong đợi trên thế giới, trong đó nguyên nhân chính là Dân trí, Quan trí và Đảng trí, nói tổng quát hơn là tập quán chính trị xã hội nói chung chưa theo kịp và thích nghi đầy đủ với những thay đổi về thể chế bắt đầu có tiến bộ về dân chủ, từ độc đảng toàn trị sang đa đảng toàn trị
Phần nhiều những lãnh đạo mới (của các nước chuyển đổi) chưa đổi mới kịp về phương pháp lãnh đạo và đạo đức cầm quyền theo thể chế từng bước Dân chủ; người dân thì bản thân chưa biết thụ hưởng trong trật tự và pháp luật những sự đổi mới, Dân chủ, hoặc chưa có đủ điều kiện pháp luật tiến bộ để lựa chọn lãnh đạo mới vừa ý; trong khi đó không ít những người bị thiệt hại địa vị và quyền lợi do đổi mới thì đấu tranh bằng mọi cách chống lại quá trình “đột biến’; còn một số thế lực không chân chính trong nước và nước ngoài đã lợi dụng những khó khăn khó tránh khỏi của những nước chuyển đổi “đột biến” để tìm mọi cách trục lợi trước mắt cũng như lâu dài; và có thể là cuối cùng, là những người thiếu thông tin chính xác, thiếu cân nhắc hậu quả toàn cục, chưa có phương án tổ chức quản trị xã hội nào khá hơn...nhưng đã nóng vội, thiếu cân nhắc,...bất bình đấu tranh quyết liệt muốn lại thay đổi “đột biến” lần nữa ngay lập tức theo ý nguyện của bản thân, của nhóm, hoặc cộng đồng của mình, rồi muốn ra sao thì ra!. Nói khác đi, đó chính là thể hiện, ít hay nhiều, một phần hơi hướng kém văn minh trí tuệ của những xã hội đang bước vào giai đoạn tiền tư bản chủ nghĩa vẫn vấp phải trước kia, mà các nước mới chuyển đổi tất yếu ít nhiều cũng phải trải qua, không thể đốt cháy giai đoạn được, nhất là về Dân trí, Quan trí và Đảng trí!
Nói lại như vậy, có nghĩa là các công dân cấp tiến, cũng như các nước tiên tiến cần thông cảm, bình tĩnh, suy ngẫm cân nhắc sâu sắc trước sau, trong ngoài, để góp phần trợ giúp những nước đang có Thể chế chuyển đổi vượt qua được giai đoạn “lột xác” chập choạng khó khăn, không nên lửa cháy đổ dầu thêm, hơn nữa, như nhiều quốc gia đang thể hiện, còn trợ giúp đắc lực cho quá trình vươn tới văn minh dân chủ hơn của những nước này diễn ra thuận lợi. Ngưới ta cũng rất dễ dàng nhận ra những động cơ, và những lực lượng “lợi gió bẻ măng”, “đục nước béo cò”, chỉ kiếm lợi ích cục bộ trước mắt mà bỏ qua lợi ích lâu dài của chính mình, của nước mình và của toàn thể cộng đồng nhân loại.
Chúng ta hy vọng, những nước tư bản tiên tiến đi trước, sẽ từng bước từ bỏ được Thể chế đa đảng toàn trị hiện nay, để tiến dần lên Thể chế đa đảng dân chủ, hay Thể chế Dân trị thực sự, như tư tưởng của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, trân trọng, liên kết, vận dụng các khác biệt, kể cả đối lập”để tiến tới Chế độ Hậu tư bản, hay cũng có thể gọi là Chế độ XHCN đích thực, đem lại hoà bình, hạnh phúc thực sự lâu bền cho toàn Nhân
Vũ Duy Phú
(Viện những vấn đề phát triển)

Nói dối và khỏa thân

Có hai cô gái đẹp đang bị các cơ quan “truyền thông chính thống”, và một số “cư dân mạng” bề hội đồng. Một cô mang tội “nói dối” và một cô vì “khỏa thân” chụp ảnh với một con ngựa. Thiệt nực cười khi những kẻ mạnh miệng kêu gọi “đạo đức” kia lại là những kẻ nói dối leo lẻo, hằng giờ, hằng ngày, năm này qua năm khác mà không hề biết xấu hỗ.

Nói dối? Không ai cổ vũ chuyện này nhưng ai trong chúng ta không nói dối? Cô hoa hậu có nói dối rằng “tôi chưa chồng” để đi thi hoa hậu thì ảnh hưởng đến bao nhiêu phần trăm “đạo đức” của một đất nước hiện đang nói dối hằng ngày, từ dưới lên trên. Các thầy cô giáo, ví dụ môn Sử, có phải đang nói dối với học sinh mình hay không khi, ví dụ nhỏ thôi, Lê Văn Tám là một nhân vật hư cấu lại được dạy như một anh hùng?


Người tham gia giao thông “tự té”, tự va vào gậy cảnh sát, nghi can tự thắt cổ, tự đập đầu vô tường cho đến chết. Ngành nào đang nói dối? “Lương tôi 7 triệu tháng nhưng tôi xây nhà hằng chục tỷ là do… em gái nuôi tặng! Ai nói vậy? Nước chúng ta có dân chủ triệu lần hơn Pháp, Nhật, Mỹ? Câu “nói thật” này ai nói? Còn trên truyền hình trung ương, hằng ngày nếu có mở tivi, ta sẽ thấy một cô vừa ăn cắp siêu thị nước ngoài vừa nói dối leo lẻo về văn hóa xã hội là cô Kiều Trinh. Sao không dùng đạo đức của quí vị ném đá cô ta?

Chuyện khỏa thân thì sao? Cô người mẫu chụp hình kia có khỏa thân thì cô ta cũng đưa hình lên trang cá nhân của mình, ảnh tuy chưa đẹp lắm (so với tiêu chuẩn Angelina Jolie) thì cô ta cũng đâu gửi đến nhà ai trong một đất nước mà từ sex được tìm kiếm hàng đầu trên google! Ảnh chụp của cô có ảnh hưởng gì đến nồi cơm nhà bạn? Suy đồi đạo đức ư? Nỗi cùng khổ, oan ức của người dân vô tội, họa xâm lăng rập rình trước cửa mà không dám nói một lời thật mới phô bày cái suy đồi tột cùng của những cái gọi là “giá trị đạo đức” ngày hôm nay.

Hãy thôi làm nhà đạo đức giả đi nếu bạn không nằm trong cái guồng máy vô luân sản sinh hằng ngày những kẻ cỡi truồng lương tâm và nói dối đã trở thành tiêu chuẩn bình chọn sự thăng tiến. Nếu bạn là người cho rằng mình tự do, đừng đứng vào cái bầy đàn hôi thối của nền truyền thông dối trá!
Nguyễn Đình Bổn
Theo FB Nguyễn Đình Bổn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét