Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Bộ trưởng mắng và… bị mắng? - Thần Quyền - Vương Quyền - Dân Quyền

Bộ trưởng mắng và… bị mắng?

Công luận vỗ tay hoan nghênh khi ông “mắng mỏ” người này, người khác bởi vì ông là con người của hành động. Nhưng rồi công luận cũng hỏi ông đã bị ai… mắng chưa? 
So với thế giới, giao thông nước ta quá nhiều cái nhất, đắt nhất. Chất lượng kém nhất, lâu nhất (thời gian giải phóng mặt bằng). Tham nhũng, thất thoát với những vụ án nổi tiếng cả thế giới (Vinashin, Vinaline , PMU18 vv…) và tai nạn giao thông mỗi năm làm chết khoảng 12 nghìn người.  Và lâu nay, người ta đang rất quan tâm đến lĩnh vực này, vì có ông Bộ trưởng hay… mắng nhất! 
Đã bị ai… mắng chưa?
Ông "nhúng" vào tất cả lĩnh vực, từ anh chậm tiến độ, thi công không đảm bảo chất lượng, làm ăn bê bối (đoạn QL1 mở rộng Hà Nam-Thanh Hóa) đến anh đi chơi golf , nay lại là anh nhà thầu Keangnam (Hàn Quốc) gói thầu A4 cao tốc Nội Bài – Lào Cai vv…
mắng, bị mắng, GTVT, Tô Văn Trường, dự án
Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ảnh: Lê Anh Dũng
 
Kể ra, ông mắng thế cũng phải và nói chung công luận vỗ tay hoan nghênh khi ông “mắng mỏ” người này, người khác bởi vì ông là con người của hành động. Nhưng rồi công luận cũng hỏi ông đã bị ai… mắng chưa? Bởi ông là người đứng đầu cái ngành hay bị công luận than phiền nhiều nhất, tất ông phải liên đới chịu trách nhiệm chứ?

Khách quan mà nói việc Bộ trưởng mắng nhà thầu được ví như “tiếng còi” cần thiết. Người nước ngoài mới đến nước ta thường ngạc nhiên thấy người Việt Nam tham gia giao thông khi tắc đường thường bấm còi inh ỏi, hay cãi nhau om xòm để tìm cách giành đường, chen lấn, vượt ẩu, đôi khi bất chấp cả luật lệ giao thông. Có những tiếng còi có ý “xin đường”, có những tiếng còi mang nghĩa “nạt nộ”!

Cuộc sống vốn đã quá ô nhiễm và bức bách, người ta dị ứng với các tiếng còi nạt nộ, quát mắng, hách dịch, bức hiếp, áp đặt, chụp mũ, chết chóc và trói buộc. Người dân mong sao tiếng còi của Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng giống như người công  an nhằm điều khiển giao thông hay chặn đứng các tay quái xế phóng nhanh, vượt ẩu, đè người chết vv…

Lỗ hổng và sự thay đổi

Mắng người lại ngẫm đến ta!

Trong lĩnh vực GTVT, cần đi sâu phân tích bản chất của sự việc chính là “lỗ hổng”mà giữa quy định của Việt Nam và quốc tế vẫn có độ vênh lớn (lỗi này thuộc về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch  & Đầu tư). Thông thường, nhà thầu nhận tiền ứng trước thường là 10%, có khi đến 15%, giá trị hợp đồng. Mục đích là để nhà thầu có tiền huy động nhân viên, mua vật liệu, thuê máy móc thiết bị vv…

Nhưng thường, công ty mẹ nhận luôn phần này ở "chính quốc" của họ xem như đó là lợi nhuận công ty. Rồi để cho công ty con  ở VN hoặc công ty đối tác VN tự bơi phải lo thi công trước để rồi nhận chi trả sau theo tiến độ hoàn thành. Công ty con nào không có năng lực tài chính thì khó hoàn thành được. Vì các nhà cung cấp vật liệu, cho thuê thiết bị biết rõ tình hình từng anh yếu kém mà không cho thiếu chịu, bắt phải “tiền trao cháo múc”! Tình trạng này cũng xảy ra với các Tổng công ty của VN và công ty con của họ.

Cũng có nhà thầu, chính vì tỉ lệ lợi nhuận kém (sau khi đã chi tiêu nhiều khoản "vô hình" không thể ghi vào sổ kế toán) bèn o ép nhà thầu phụ. Đến phiên nhà thầu phụ o ép công nhân, bắt họ làm việc dài ngày mà không trả lương. Tình trạng này khá phổ biến ở VN.

Trong khi nhẽ ra, là chủ đầu tư họ phải tính toán tỉ lệ thi công của các nhà thầu phụ rồi trả tiền ứng trước trực tiếp cho từng nhà thầu phụ theo tỉ lệ khối lượng. Việc này thì FIDIC (theo quy định của quốc tế) cho phép, có PMU (phía VN) đồng ý nhưng kho bạc không chịu mà PMU không làm gì được. Rồi cũng khó mà thuyết phục kho bạc cho chi trả tạm theo tinh thần FIDIC có thể cho nhà thầu nợ một số chứng từ, trong khi kho bạc đòi phải có chứng từ, từ A đến Z thì mới giải ngân!

Lại trở về chuyện "vũ như cẩn": Quy định VN và thông lệ quốc tế cho đến giờ vẫn chưa hòa hợp được. Chủ đầu tư phải kiểm soát các tài khoản của các nhà thầu chính lẫn phụ để đảm bảo họ chi tiêu đúng mục đích, không lấy tiền ứng trước đi trả nợ! Nhưng có nhiều lấn cấn về quan hệ các bên hoặc quan hệ với cơ quan chủ quản trung ương mà chủ đầu tư ngại có biện pháp quyết liệt!

Vì nhà thầu muốn chạy theo lợi nhuận, họ nhắm hạng mục nào ngon ăn thì bỏ giá khá, hạng mục nào khó xơi thì hạ giá thấp rẻ mạt, cộng lại thì giá bỏ thầu thấp, họ trúng thầu. Sau đó, họ chỉ hoàn tất hạng mục ngon ăn mà thu lợi nhuận, bỏ rơi hạng mục khó xơi, với vô vàn lý do mà một phần cũng do lỗi của chủ đầu tư, như chậm tiến độ bàn giao mặt bằng.

Cũng vì quan hệ "hữu hảo" của nhà thầu ngoại hoặc "con cưng", "sân sau" của nhà thầu nội mà chủ đầu tư không dám có biện pháp gì  vv...Cho nên hành động quyết liệt của Bộ trưởng Bộ GTVT cần được coi là biểu hiện tích cực để làm cơ sở đề xuất thay đổi “lỗi hệ thống”!  

Ở các nước, Bộ trưởng không nhất thiết phải là người am hiểu chuyên môn sâu của tất cả các lĩnh vực trong ngành, mà là người có tầm nhìn, có năng lực điều hành, biết dùng người giỏi kể cả người giỏi hơn mình.

Hy vọng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nước ta cũng là người như thế!
Tô Văn Trường
(Tuần VN)

Lại sắp mắc nợ nữa rồi bà con ơi!

Hổm rày thiệt tình mình cảm thấy buồn bực chịu không nỗi, mấy cái khỏan nợ cũ mà tự nhiên Nhà nước đè ra cả nhà mình gánh phải trả cho nó. Mấy cái vụ Vi na Xin, Vi na Lai gì đó đủ thứ chưa kịp trả xong thì bây giờ nghe nói lại phải gánh thêm mấy cái khỏan nợ lớn của thêm mấy vụ nữa, mà mấy vụ tòan là những chủ trương lớn của đảng và nhà nước mới chết chứ.
Này nhé, sau một thời gian gồng mình lên làm cái vụ khai thác bô-xít ở Tân Rai và Nhân Cơ, trong khi các nhà khoa học, các thành phần nhân dân và cố Đại tướng Võ nguyên Giáp đã có đề nghị không nên làm, và để cố làm cho được với đủ thứ chiêu bài như chủ trương lớn, hiệu quả lớn… thì bây giờ, sau qua một quá trình dài khai thác và kinh doanh, đã lộ ra những yếu kém, đến lúc này, cái anh cầm chịch là Bộ công thương mới đứng ra vật nài xin ưu đãi nhiều thứ kể cả vốn đầu tư, thuế tài nguyên, môi trường…và đã công khai thừa nhận từ nay đến năm 2020, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ lỗ hàng nghìn tỉ đồng. Riêng Tân Rai năm 2013 lỗ hơn 258 tỉ đồng, Nhân Cơ còn nặng nề hơn, dự kiến 2015 sẽ lỗ hơn 671 tỷ đồng vv…

Thế là rõ rồi nhé, từ nay đến năm 2020, hàng nghìn tỉ đồng sẽ đổ xuống sông xuống biển với lời hứa hẹn sau đó sẽ có lãi ( lại hứa theo kiểu lấy có chẳng trên cơ sở nào, vì ai biết đến sau năm này bô xít bán có giá ? ), chưa kể mấy anh còn hứng tình đề nghị làm nhà máy chế biến thành nhôm trong khi nhôm trên thế giới đang ở tình trạng bảo hòa, và nhà máy này nếu thành lập thì nhà nước phải dồn lực ưu đãi như dành hẳn vài nhà máy thủy điện bán giá thấp mặc kệ dân xài giá cao…
Úa mà sao thế nhỉ ? Chuyện các doanh nghiệp làm ăn dù là doanh nghiệp nhà nước đi nữa thì hà cớ gì cái anh đại diện nhà nước quản lý là anh Bộ công thương nhào vào chăm lo thế nhỉ? Rõ ràng cái việc các nhà máy này là những nguy cơ về kinh tế sắp tới đã rõ, chưa kể việc cho giảm làm hồ chứa bùn đỏ đã làm tăng nguy cơ về mội trường trầm trọng ( nhất là nó ở trên vủng cao, có sự cố gì thì cả vùng thấp bên dưới lãnh đũ ).
Mặt khác, trong một đề xuất ưu đãi có việc quỵt tiền nông dân bằng cách không trả tiền đền bù đất mà chuyển sang thuê, mà ai cũng biết ông nhà nước thuê thì giá bèo, để đến khi trả lại sau khi khai thác hết quặng thì chỉ có ngồi ngó, vì theo Ts. Nguyễn Thanh Sơn thì đất này sau đó chỉ có trồng cây keo chứ chẳng trồng được thứ gì.
Đấy, vừa quỵt tiền nông dân, vừa hạn chế xây hồ chứa bùn tức tăng nguy cơ ô nhiểm môi trường, vừa chẳng thấy tương lai ở đâu, tức là mấy ông lấy tiền thuế của nhân dân đầu tư và thay vì sẽ đẻ ra những khoản tăng phúc lợi cho dân cho nước, thì có nguy cơ những thằng dân như tụi tui phải è lưng ra gánh nợ nữa rồi…Ấy, không phải nói quá đâu, ta đã từng thấy nhà nước rất tài ba trong các khoản tái cơ cấu, giãn nợ rồi cắt nợ như trong các vụ Xin, Lai chưa ?
Nhưng chưa hết, cái khỏan nợ đó đã rõ, còn một khỏan chuẩn bị đến từ từ đây bà con ơi! Cái vụ này nay cũng đang nóng sốt, đó là vụ Ông Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hòang Tuấn Anh đang ra sức giải trình cho cái vụ tổ chức Asiad 2019 sắp tới, mà đỉnh cao là cái màn dối lừa với con số tổ chức 150 triệu đô la mà ai cũng biết đó có khi chỉ là chi phí hành chính, tổ chức, còn những chi phí xây dựng, sửa chữa, hoán đổi công năng… thì có giời mới biết được là bao nhiêu?
Làm ăn với và trong nhà nước, ai cũng biết gói thầu hoặc kế họach ban đầu là những con số nhẹ nhàng , dể chịu để tránh gây sốc, đến khi thực hiện thì phát sinh đội trần…Vậy thì, con số này của Ngài Anh chỉ là con số ru ngủ ban đầu, để đến khi lên con số vượt trần … thì chúng ta mang nợ thêm là cái chắc.
Mấy cái vụ này, có anh bạn cắc cớ hỏi tui, trách nhiệm là của ai, thì tui chẳng biết đâu. Nhưng rõ ràng đã nói khai thác bô-xít là chủ trương lớn thì dứt khóat không thể đổ thừa cho cái thằng Than-Khóang sản VN hay Bộ công thương, hoặc cái vụ đăng ký Asiad 2019 thì dứt khóat cái ông Bộ trưởng Anh đâu dám tự tiện đăng cai nếu không có sự đồng thuận của trên nữa ?
Những cái gánh nặng ngày càng đè nặng lên dân, không biết các vị đó nghĩ sao, chứ nhìn những cây cầu treo bị đứt, nguy cơ bị đứt và xem cái clip qua suối bằng bao nylon sao mà thấy đau quá. Hàng ngàn tỉ đó làm được bao nhiêu chiếc cầu ?
Tâm Nguyễn
(Quê Choa)

Cựu chiến binh Hoàng Đức Doanh - Đảng bộ Hà nam có vi phạm Hiến pháp?

Hiến pháp của nước CHXHCN Việt nam kẻ từ năm 1992 tới nay đã qua 2 lần sửa đổi . Điều 4 của HP vẫn giữ 2 nội dung cơ bản:
  1.  Đảng Cộng sản Việt nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội
  2.  Mọi tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật
Kể đã hơn 20 năm qua đảng lãnh đạo và mọi tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ HP và PL vẫn mơ hồ, chấp chới, lấn sân, đôi khi đã bị đánh tráo một cách lộ liễu.

Vừa qua trưyền thông đưa tin Quốc hội ngừng việc lấy phiếu tín nhiệm của hơn 40 chức danh do quốc hội bầu. Nếu người có trách nhiệm phát ngôn rằng Ủy ban thường vụ quốc hội đã hop thông qua nghị quyết ngừng việc lấy phiếu tín nhiệm thì là hợp hiến. Nếu phát ngôn bộ chính trị chỉ đạo việc ngừng lấy phiếu tín nhiệm là vi hiến .

Trước đây tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ có đơn khởi kiện thủ tướng về việc Quốc hội chưa thông qua kế hoạch khai thác Bô xit mà thủ tướng đã ký Quyết định khai thác là phạm pháp vì rằng quốc hội đã quy định những Dự án có tổng đầu tư trên 600 triệu USD thì phải chờ quốc hội thông qua. Lúc đó có ý kiến cho rằng Quốc hội chưa thông qua nhưng đã có sự đồng ý của Bộ chính trị, nếu điều đó là thực tế thi đảng đã vi hiến. Sau đó lại có phát ngôn chỉnh sửa, kế hoạch khai thác Bô xít chia thành 3 Dự án là Tân rai, Nhân cơ, đường vận chuyển cảng Kê gà, như vậy từng Dự án trong 3 Dự án này chưa có Dự án nào vượt ngưỡng quốc hội không chế, do đó thủ tướng đúng, còn T/s Vũ sai nên phải vào tù. Đến nước này thì không thể dùng ngôn ngữ pháp luật mà bàn luận được, chỉ có thể dùng ngôn ngữ dân gian là Cái lưỡi không xương.

Trong Điều 2 HP có ghi : Nhà nước pháp quyền XHCN là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuốc về nhân dân... Điều 6 và 7 cũng nói rõ Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng việc bầu cử đại biểu Quốc hội theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Căn cứ những nội dung trong HP thì quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, Quốc hội do nhân dân bầu trực tiếp thì rõ ràng là đại diện của nhân dân và là quyền lực Nhà nước, căn cứ những điều trên thì Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao, không có tổ chức, đảng phái nào bên trên quốc hội. Vậy thì đảng lãnh đạo thế nào là tùy đảng nhưng không được thay thế quốc hội. Nếu đảng có ý kiến gì cũng phải thông qua quốc hội. Các công việc đại sự của quốc gia mà đảng cứ làm thay quốc hội là vi hiến.

Đó là công việc trên thượng tầng, bây giờ xem xét công viêc ởdưới hạ tầng, bên dưới của 4 cấp chính quyền. Mỗi làng (thôn, bản, xóm, ấp, tổ dân phố tùy theo cách gọi của mỗi địa phương) đều có trưởng thôn và bí thư chi bộ. Theo HP thì bí thư lãnh đạo, trưởng thôn điều hành. Từ việc thu sản phẩm từng vụ đến sửa chữa đường xá, tu bổ đình, chùa, nhà mẫu giáo.v.v.. là công việc của trưởng thôn nhưng công việc không trôi chảy thì cần bí thư triệu tập họp các đoàn thể như thanh niên, Phụ nữ, Hội người cao tuổi để vận động giúp cho trưởng thôn hoàn thành nhiệm vụ đó là hợp hiến, Nhưng có nơi bí thư lấn át trưởng thôn để cho dân chúng cứ đến nhà bí thư , trình bày khó khăn rồi đề nghị thế này thế khác với mục đích mang lợi về mình thì đó là vi hiến. Như vậy giữa hợp hiến và vi hiến có một ranh giới rất khó phân biệt. Chính cái ranh giới mong manh này đôi khi lại dẫn tới vi phạm Pháp luất, kèn cựa, mất đoàn kết, có khi lại thành những vụ kiện. Trách nhiệm này thuộc về cấp xã, vi hiến hay hợp hiến thì cấp xã hiểu rõ hơn ai. Trên thượng tầng thì xăm soi từng con chữ trong hiến pháp, có khi phát ngôn vi hiến mà không biết. Hạ tầng thì không cần biết hiến pháp là gì, hiến pháp không liên quan đến họ, dân chúng chỉ biết đến nơi có lợi, đến với trưởng thôn hay đến với bí thư. đâu có lợi thì đến.

Ba cấp trung gian tỉnh, huyện , xã là sợi dây liên hệ từ thượng tầng đến hạ tầng, cơ cấu tổ chức giống nhau có bí thư, kế đến là phó bí thư . Theo cơ cấu (cái này do đảng đề ra) bí thư kiêm giữ chức chủ tịch HĐND, phó bí thư kiêm giữ chức chủ tịch UBND , Theo luật tổ chức Nhà nước thì 2 ngành Tòa án và Kiểm sát hoạt động độc lập, trong công tác chỉ phối hợp với các cơ quan hành chính để điều tra, viếc xét xử và giám sat xét xử là căn cứ Pháp luật quy định, trong quá trình điều tra và trong các kỳ họp thì lắng nghe ý kiến của HĐND. Hai ngành chỉ tuân thủ luật pháp, vậy thì đảng can thiệp vào công việc thực thi pháp luật liệu có vi hiến hay không ?

Xin được trích dẫn một đoạn văn trong công văn số 513/CV - VKS do Phó viện trưởng Viên kiểm sát tỉnh Hà nam Lại Viết Quang ký ngày 15/6/2011 . Nơi kính gửi : Vụ 1, Vụ 1b Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Bộ công an để báo cáo, Nơi nhận để biết : ông Phạm Văn Đức, ông Nguyễn Hà Thanh vì 2 ông là nguyên đơn vụ kiện, hiện thường trú tại thôn Hồng phú xã Thanh châu Thành phố Phủ lý tỉnh Hà nam . Đây là đoạn trích nguyên văn: "... Đối với Phan Thế Mỹ phạm tội do lỗi vô ý, không có động cơ vụ lợi cá nhân. Trên cơ sở chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hà nam, VKSND tỉnh Hà nam và Thường trực Thành ủy thành phố Phủ lý có quan điểm thống nhất do có sự chuyển biến của tình hình đồng thời để ổn định tình hình chính trị địa phương nên không cần thiết phải truy tố mà đề nghị VKSND tỉnh miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho các bị can trong vụ án. Do vậy ngày 03/2/2010 VKSND tỉnh Hà nam đã ra quyết định đình chỉ vụ án. ..."Thế là đã rõ Thường trực đảng của tỉnh và thành phố đã can thiệp nên VKSND tỉnh ra quyết định đình chỉ vụ án.

Có cái công văn số 513 là do trước đó Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh đã ký quyết định khởi tố bị can đối với Phan thế Mỹ cán bộ Địa chính xã và 5 người dân đã hợp tác khai khống đất để nhận tiền đền bù. Sau khi bắt giam và ra QĐ khởi tố đã thu hồi hơn chín trăm triệu đồng, chưa kể số tiền chưa lĩnh do vụ việc bị lộ tẩy, cộng cả 2 khoản phải là 2 tỷ, những người này tội trạng rõ ràng cần phải áp dụng luật pháp . Riêng việc sử dụng con dấu năm 1998 để đóng vào hồ sơ năm 1993 thì bị ém nhẹm ,( năm 1998 Hà nam tách tỉnh nên có con dấu mới, hồ sơ trước 1993 mới có giá trị đền bù) không công khai, làm rõ, không truy cứu tội sử dụng con dấu giả cho mục đích rút tiền. Vụ việc cứ uẩn khúc nên 2 ông Đức và Thanh vẫn theo đuổi vụ kiện, đến nay 2014 vẫn chưa dừng nhưng các cơ quan đều phớt lờ, 2 ông muốn làm rõ ai sử dụng con dấu đó. Chắc là 2 ông chưa đọc hiến pháp, hoặc có đọc mà chưa hiểu. Tuy vậy 2 ông rất hiểu sự vô lý, nguyên do những người kia phạm tội là bởi sử dụng con dấu để tạo hồ sơ giả rồi sau đó là rút tiền. Một thời gian dài cố tình bưng bít và đến nay thì kiên quyết bưng bít. Pháp luật không cho phép tùy tiện.

Vụ việc thì như vậy, công văn của VKSND tỉnh Hà nam thì như thế, điều đó chứng tỏ VKSND không coi Pháp luật là tối thượng, cách làm việc kiểu này có vi hiến không ? Các cơ quan của đảng can thiệp vào công việc của ngành Kiểm sát có vi phạm pháp luật không ? Không thấy bộ luật nào cho phép đảng can thiệp vào các vụ án . Điều 4 HP quy định : mọi tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật.

Cụm từ " Án bỏ túi" đã khá thịnh hành ở Việt nam. Người ta phát ra 3 từ thế là mọi người đều hiểu có ai đó, trong tổ chức nào đó đã chỉ đạo và quyết định rồi, tranh tụng trong phiên tòa chỉ là thủ tục cho có vẻ là thương tôn pháp luật mà thôi. Một hiện tương vi hiến đến mức người dân nào cũng biết nó là thế nhưng không thể nói ra miệng ví không có căn cứ. Vậy thì nội dung công văn số 513 có là căn cứ để nói rằng Thường trực tỉnh ủy và Thường trưc thành ủy thuộc đảng bộ Hà nam đã vi hiến và ông Phó Viện trưởng vi Pháp nên đã để 2 ông Đức và Thanh mất bao nhiêu thời gian mà vẫn chưa tìm ra thủ phạm dùng con dấu giả dấu thật, dùng sai thời gian nên gọi là giả) với mục đích rút tiền chia nhau ?

Cấp tỉnh còn vậy , nói gì đến cấp huyện và xã, cho nên ở dưới hạ tầng làm thế nào là tùy từng làng, thôn, xóm. Đã cho phép tùy thì người dân đế Ủy ban Xã xin xác minh di chúc mà không được cũng là tùy cả, Di chúc không có xác nhận của chính quyền thì lại xảy ra tranh chấp quyền thừa kế, vậy thì sinh ra Hiến pháp, Luật pháp để làm gì mà các vị đại biểu ngồi trên thượng tầng mất bao công sức xăm soi từng con chữ trong khi dân chúng chẳng ai thấy cần thiết ? Đã đến lúc cần phân biệt rõ cách làm việc vi hiến hay hợp hiến của các cấp bộ đảng !

Ngày 23/3/2014
Hoàng Đức Doanh



Hoàng Đức Doanh
(Cựu chiến binh)

Từ nhỏ đến 19 tuổi đi học, lao động tự do. Năm 20 tuổi (1/1966) đi bộ đội, chiến đấu ở Khe sanh (Quảng trị) 1968 – 1969. Năm 1970 – 1972 chiến đấu ở Xiêng khoảng, Sầm nưa (Lào). Năm 1973 chuyển ngành là cán bộ huyện Thanh liêm - Hà nam đến khi nghỉ hưu. Hiện là một dân oan bị cướp đất  và đang sinh sống tại thành phố Phủ lý tỉnh Hà nam.

Thần Quyền - Vương Quyền - Dân Quyền

Bảo tồn di sản không thể không tham khảo, thậm chí cần phải bảo tồn, thiết thế xã hội đã sinh ra di sản. Tôi có cảm tưởng (có thể do chưa đọc rộng chăng?) quan điểm này chưa được thảo luận ở Việt Nam.

Bài viết tạm giới hạn trong loại di tích, di sản kiến trúc cổ. 
  
Nhiều, phân tán

Theo một thống kê gần nhất hiện chúng ta có chừng 40.000 di tích lịch sử, văn hóa (của nhiều thời kỳ, chế độ, loại hình…) và đã xếp hạng hơn 3000 di tích quốc gia. Trong số đã xếp hạng có tới hơn 2000 di tích thuộc các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng (đình, chùa, đền, miếu…). Vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm tới khoảng 70% di tích cả nước. Đã có ý kiến cho rằng xếp hạng quá nhiều di tích, không cần thiết và không đủ nguồn lực để bảo tồn, tuy nhiên bài này không hướng tới nội dung đó.

Một nghiên cứu của chúng tôi về “Dịch vụ công cộng cổ truyền” nhận thấy mỗi làng Việt thường có chừng 13 không gian công cộng, công trình dịch vụ công cộng là tài sản công của làng (gồm: chợ, chùa, đình, văn từ văn chỉ, đền - miếu, công quán - điếm sở, giếng làng - ao làng, cổng làng, kho nghĩa sương, hệ thống đường làng, nghĩa trang làng và công điền - ruộng công). Tạm tính đến năm 1833 Việt Nam có khoảng 13.000 làng (khi cuộc Nam tiến đã gần trọn vẹn, theo Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú), nếu bình quân 1 làng có 10 công trình, không gian công cộng thì tổng khối vật chất này lên tới hơn 100.000 đơn vị. Theo Pièrre Gourou (nhà địa lý nhân văn kiệt xuất Pháp 1900-1999) vào những năm 1920 vùng châu thổ Bắc Kỳ có khoảng 7000 làng xã (tạm ước chiếm hơn 50% số làng xã cả nước). Riêng đình, Nguyễn Du Chi cho biết khoảng năm 1943-1945 các tỉnh miền Bắc Việt Nam có chừng 504 đình làng niên đại từ thế kỷ 16 - thế kỷ 17 (thuộc hàng những công trình kiến trúc, điêu khắc quý giá nhất của người Việt), nhưng đến năm 1985 chỉ còn 65 đình thuộc các niên đại này. Sự mất mát đó thật khó chịu đựng!

Các số liệu trên có thể chưa hoàn toàn chính xác vẫn cho thấy hệ thống di tích tôn giáo, tín ngưỡng dồi dào của người Việt nằm chủ yếu ở không gian nông thôn, phân tán trong các làng mạc. Nhu cầu tâm linh, tu dưỡng tinh thần là thường xuyên, người trong một làng có thể đến chùa làng bất cứ lúc nào lòng người muốn vậy, mà không phải đi xa (mất chi phí giao thông, thời gian…). Sự phân tán đáp ứng nhu cầu thường xuyên đó, khá thiết thực. Đặc điểm này dễ nhận ra, nhắc lại chỉ nhằm gợi ý nên lựa chọn sử dụng cơ chế nào để có thể bảo tồn, duy trì hoạt động hệ thống nhiều di tích và phân tán ấy? Và xin lưu ý, một kịch bản giao thông phù hợp (tiết kiệm năng lượng) chính là hướng đến một tương lai bền vững.

Quy mô nhỏ

Cũng là một đặc điểm nữa dễ nhận biết nếu so sánh chúng với các công trình kiến trúc tôn giáo quy mô lớn, rất lớn tại những quốc gia châu Âu (các nhà thờ Thiên chúa giáo…), hoặc các nước châu Á khác (đền, tháp ở Ấn Độ, Campuchia, Indonesia…) tương đối gần nhau về niên đại xây dựng. Ngoài số chùa lớn không nhiều (chùa của nước: Yên Tử, Giạm, Keo, Quỳnh, Thầy…, có quốc sư trụ trì, thường là nơi tu hành của tăng ni Phật tử) quy mô tương đối nhỏ của hầu hết các chùa làng Việt còn được thể hiện bằng thời gian thi công không quá dài, với vật liệu chủ yếu là gỗ (dễ thi công, dễ bị thời gian tàn phá hơn đá). “To như cái đình”, thời gian xây dựng cũng chỉ khoảng 10 năm, ví dụ đình Thổ Hà (Bắc Giang) vào loại lớn nhất đồng bằng sông Hồng được làm trong 8 năm (hưng công năm Ất Sửu (1685), năm Nhâm Thân (1692) làm cửa võng hoàn tất công trình).

Theo tôi đây là thêm một ưu điểm nổi trội của người Việt xét từ quan điểm phát triển bền vững. Bởi quy mô công trình được kiến thiết vừa với nhu cầu sử dụng (dân số mỗi làng xưa phổ biến dưới 1.000 người), và hầu hết các công trình đã sử dụng những vật liệu tại chỗ, tái tạo được, không phải khai thác từ xa, không phải hủy hoại môi trường để có được những công trình lớn, siêu lớn (xưa các cụ xài hoang, con cháu hôm nay phỏng còn được mấy tài nguyên mà xây dựng chủ nghĩa xã hội?). Ưu điểm của quy mô nhỏ cho phép dễ sửa chữa, trùng tu, bảo quản. Tức là trong các hoạt động sống, người Việt vốn luôn tìm cách cân bằng với thiên nhiên, điều mà người hôm nay gọi là “thân thiện với môi trường”. Nếu kế thừa tinh thần của tổ tiên, hẳn lũ con cháu bất hiếu ngày nay sẽ không tìm cách “ghi điểm” bằng những công trình tôn giáo, tín ngưỡng “bị hội chứng hoành tráng hành hạ”?

Còn nếu ai đó vẫn áy náy sao tiền nhân ta không làm công trình thật to cho các giống nòi khác khiếp sợ, thì xin thưa, với hơn 3000 km đê sông, đê biển ở đồng bằng Bắc Bộ làm ròng rã nhiều thế kỷ thì: “Nó (đê) nhắc ta nhớ lại nhưng công trình tập thể to lớn mà con người đã thực hiện được: Kim tự tháp Ai Cập, đền tháp Angkor.” (Pièrre Gourou – Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ, tr. 81).

Di sản dân quyền

138 kim tự tháp Ai Cập cũng như Thập tam lăng và Tử Cấm thành Bắc Kinh (Trung quốc)… đều là các công trình được xây dựng bằng sức mạnh vương quyền, lập ra những chỗ trú ngụ cho những vị vua, hoàng hậu lúc sống và sau khi họ chết vẫn “phải tiếp tục được sống vương giả”. Còn Angkor Wat (Campuchia) khổng lồ được xây để dâng lên thần Vishnu, những ai đã từng ghé thăm đều thấy lối kiến trúc đó quyết không cho người ở, không công năng để ở. Nó, một cách cực đoan nhất chỉ dành cho thánh thần trú ngụ, diễn đạt một cách trọn vẹn nhất quyền năng của thần quyền.

Tôi không có ý định so sánh, chỉ chia sẻ sự nhận biết tính chất của mỗi loại không gian di sản, để tự hiểu nguồn cơn lòng tự hào của mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa… Để thấy rằng trong di sản định cư của người Việt, kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng nằm trong đó, thân thiết trong mỗi ngôi làng xưa, cho mình quyền tự tin vào một thiết chế dân quyền đã kiến tạo nên hàng nghìn công trình quý giá ấy.

Thực vậy, như đã nêu ở phần trên, 13 không gian, công trình công cộng phổ biến trong một làng Bắc Bộ xưa là tài sản của cộng đồng làng xã trong đó có đình, chùa… Và cũng như các tài sản khác, đình hay chùa… phần lớn hình thành bằng công sức, tiền của của các thành viên làng. Theo “Thủy tạo đình miếu bi”, đình Thổ Hà (năm 1964 được nhà nước Việt Nam công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, người Pháp đã xếp hạng trong Viện Bảo tàng Bác Cổ Đông Dương từ đầu thế kỷ 20) thì, ngoài 33 vị quan viên, cùng những người giàu có công đức cột lớn, cột nhỏ và thượng lương, tất cả dân làng từ 5-100 tuổi chẳng kể trai, gái từ năm 1685 đã, mỗi người đều đóng góp (chia làm 4 lần) cả thảy hơn 1.000 sử tiền [một loại tiền ngày xưa, xem ở đâyBVN], hàng trăm bát gạo, làm nên ngôi đình của làng họ. Đến hôm nay (sau hơn 300 năm) tôi chẳng thấy một công trình kiến trúc nào lớn hơn nó ở làng này, chưa kể chùa Thổ Hà (dân làng xây năm 1580, trước đình 105 năm) cũng lớn chẳng kém đình, mặc dù dân số bây giờ gấp hơn ba lần dân số thế kỷ 17. Nhân tiện nêu thêm chùa Hà (Từ Liêm - Hà Nội) xây đời vua Lê Hy Tông (1680-1705) do người Thổ Hà đến Thăng Long bán đồ gốm đã góp phần lớn để xây.

Tôi mạnh dạn gọi đó là những tài sản của dân quyền, trong chừng mực nào đó phân biệt với các loại di sản thần quyền, hay vương quyền.

Kế thừa di sản thiết chế

Mấy chục năm qua, hiện tượng các làng “chạy” để được nhà nước “công nhận di tích quốc gia” cho đình làng mình khá phổ biến (chùa ở tình trạng khác, sẽ bàn lúc khác), ngoài việc có được các công cụ pháp lý để lấy lại đất đai, không gian của di tích đã bị lấn chiếm, hoặc ngăn ngừa lấn chiếm… thì, hy vọng xin được chính quyền kinh phí trùng tu là mục đích quan trọng.

Thường có mấy kết cục cho các “cuộc chạy di sản cho đình”: 1- Tốn kha khá tiền làm hồ sơ, tiếp khách…, ngóng vài năm không thấy bằng di tích đâu, hỏi thì, thấy bảo phải bổ sung hồ sơ, hoặc cấp trên đang nghiên cứu, kiên nhẫn đợi nữa. 2- Được bằng rồi, giờ “chạy tiếp” xin tiền trùng tu, có thể mất thêm tiền, mất thêm vài năm. 3- Được bằng, được tiền trùng tu, trùng tu xong, đình khóa cửa, vắng tanh, thỉnh thoảng có khách phương xa thẳm, chạy hết hơi mới tìm được ông “văn hóa” đến mở khóa.

Như thế, với trường hợp may mắn nhất cũng có thể chỉ bảo tồn được kiến trúc của cái đình (nếu việc trùng tu đúng phương pháp). Hiểu theo cách nào đó, bảo tồn được “cái xác” của đình – còn “cái hồn” là những hoạt động của con người làm nên sự gắn bó với nhau diễn ra ở đình, với đình, hầu như không còn nữa. Chính sách “sở hữu nhà nước hay còn gọi sở hữu toàn dân” đã tạo tình trạng từ trước khi đình “có bằng” dân làng đã gần như quên nó, đến lúc đình được nhà nước công nhận là di tích quốc gia, dường như càng có lý do để họ tin rằng đình làng ta đã thuộc về “ông nhà nước” rồi. Tức là (dân làng) từ vai trò của người sáng tạo, chủ nhân của di sản, chuyển sang địa vị của “kẻ chầu rìa” nhìn di sản xuống cấp, ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Nói thật thà, tài sản dân quyền, trong trường hợp đó, đã bị nhà nước hóa.

Trở lại cách hình thành các loại tài sản chung của làng Việt xưa (trong đó có những công trình tôn giáo, tín ngưỡng) là câu chuyện dài, tất nhiên sẽ bao gồm cả cách gìn giữ, sửa chữa, vận hành hoạt động (nếu không, ngày nay còn gì để ta làm kinh tế du lịch?)…, nhưng đại thể đều trông vào sức cả làng, chịu sự kiểm soát của “nền dân chủ làng xã”. Nhà nước không có vai trò tài chính, quản trị ở đấy, vì thế hầu như không cũng có đất tham nhũng cho các ông quan nhà nước kiếm chác bằng các dự án trùng tu hay tôn tạo đình, chùa. Lưu ý rằng, sau khi đã xây dựng được bộ máy cai trị tại Việt Nam, chính quyền Pháp mặc dù đã coi Việt Nam thuộc Pháp (xứ Đông Pháp) nhưng vẫn sử dụng (hay thừa nhận) mô hình tự quản của làng xã như một công cụ tốt để quản trị xã hội nông thôn Việt Nam (có thể giả định người Pháp không thiếu các mô hình quản lý nông thôn hữu dụng ở các thuộc địa của nó). Chí ít cũng do cách hình thành các tài sản này không cần đến tiền bạc chính phủ, chính phủ cũng chẳng cần bỏ tiền nuôi bộ máy cán bộ quản lý đống tài sản ấy (mà, ăn hại và phá hoại là khó tránh). Mặt khác, chính thiết chế xã hội độc đáo đó đã gắn kết các thành viên của làng với nhau. “Tình làng nghĩa xóm” sâu bền của người Việt có căn nguyên từ những đóng góp của mỗi hộ nông dân, đời này qua đời khác làm nên khối tài sản chung của cả cộng đồng, làm nên văn hóa của họ.

Hiển nhiên người Việt đã từng có các thiết chế cổ truyền đã tạo ra, bảo tồn được các di sản văn hóa rất hữu hiệu trong suốt lịch sử định cư của mình.Vậy tại sao người Việt hôm nay lại không muốn học hỏi, kế thừa, phát huy (như khẩu hiệu)… di sản thiết chế dân quyền đẹp đẽ đó trong cuộc bảo tồn di tích, di sản của tổ tiên mình? Xin gửi câu hỏi này trước tiên đến các ông, bà làm quản lý văn hóa. 
 
Trần Trung Chính 
 
(BVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét