Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Đừng đánh mất quyền độc lập của dân tộc! - Lãnh đạo từ sau lưng quần chúng

Đừng đánh mất quyền độc lập của dân tộc!

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. ảnh vietbao.vn
Chiều ngày 19-2-2014, trong hội nghị giữa chính phủ với UBTƯ/MTTQVN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của đồng bào chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống xâm lược ngày 17/2/1979”. Song ông biện luận cho sự kiện nhà nước không tổ chức tưởng niệm bằng câu nói: “Chúng ta làm gì cũng phải tính lợi ích cao nhất của đất nước”. Lời phát biểu của ông chắc chắn không đáp ứng được lòng mong ước của cử tri cả nước, và bất nhất với lời phát biểu trước đây của ông trước công chúng.

Những hoạt động tưởng niệm là một hoạt động mang tính nhân văn, đạo đức, lịch sử và văn hóa của một quốc gia có chủ quyền độc lập thì tại sao lại không có tính lợi ích cho đất nước?!! Ngoại trừ là sức ép áp đặt từ "thiên triều" Trung Quốc lên trên Bộ chính trị trung ương Đảng CSVN và được cho là không có lợi cho giới cầm quyền hiện nay.

Tấm gương Nhật Bản và Mỹ thì khác. Tuy hai nước này là đồng minh cùng ký kết hợp tác an ninh quân sự, nhưng hằng năm Nhật Bản vẫn tổ chức lễ tưởng niệm và đưa vào lịch sử về trận quyết tử Trân Châu Cảng - ngày tang thương Mỹ ném bom nguyên tử tại Na-Ga-Sa-Ki và Hi-Ro-Si-Ma. Lịch sử bắt buộc Mỹ, Nhật và cả thế giới phải thừa nhận sự thật không thể chối cãi. Và người Mỹ còn dựng lại bộ phim điện ảnh trận đánh Trân Châu Cảng với một cách nhìn khách quan dù đó là thất bại bi thảm đối với họ.

Nhìn lại lịch sử nước ta, “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu“ - một khoảng thời gian thật dài mà cả dân tộc phải thống khổ dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy đánh đuổi giặc ngoại xâm gìn giữ giang sơn xây dựng nhà nước có Quốc hiệu Văn Lang, Vạn Xuân nhưng vẫn không có được độc lập chủ quyền thật sự. Lịch sử gọi đó là thời kỳ Bắc thuộc. Ngàn năm về trước, nước Tàu vẫn xem Việt Nam là là một đơn vị hành chính và cử các quan Thái thú qua cai trị, khai thác bóc lột của cải đem về nước. Mãi cho đến năm 938, khi Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, xây dựng triều vương, thì thời kỳ Bắc thuộc mới kết thúc và mở ra kỷ nguyên mới cho nền độc lập chủ quyền của nước ta.

Từ đó về sau, song song bên cạnh các triều đại Tống, Mông Nguyên, Minh, Mãn Thanh của Trung Quốc là triều đại nhà Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, hậu Lê. Trước sức mạnh quân sự và âm mưu xâm chiếm của Tàu, các vua nước ta vẫn giữ sự hiếu hòa, đối ngoại mềm dẽo nhưng không đánh mất chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Toàn dân vẫn đồng lòng hợp sức phù Vua đánh bại các cuộc xâm lược của kẻ thù. Chủ quyền đất nước và độc lập dân tộc vẫn được bảo tồn trước sức mạnh của Trung Quốc trãi qua các triều đại phong kiến. Đó cũng là di sản quí báu mà các bậc tiền nhân cha ông ta hy sinh máu xương để lại cho hậu thế. Lịch sử bắt buộc phải ghi nhận. Trong tinh thần đó, cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988 và cuộc chiến biên giới Việt- Trung 1979 cũng không thể ngoại lệ vì đó cũng là ba cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.

Nhưng bài học lịch sử đó hiện không được giảng dạy một cách trung thực và đầy đủ ở Việt Nam.

Con tôi là học sinh lớp 7 nhưng rất mơ hồ về lịch sử Việt Nam qua các triều đại phong kiến. Có một lần bé hỏi tôi: ”Ba ơi! Tại sao ba gọi nhà Đường, Hán, Tống, Nguyên, Minh, Mãn Thanh là giặc Tàu? Thế Tàu, Trung Quốc với các nhà Đường, Hán... liên quan gì với nhau? “. Đó cũng là một trong những lý do tại sao các em học sinh xé đề cương ăn mừng ngay tại trường khi nghe tin môn lịch sử không đưa vào đề thi tốt nghiệp PTTH ngày 29-3-2013 tại Trường THPT Nguyễn Hiền – Sài Gòn (http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/video/hoc-sinh-xe-giay-mung-khong-thi-tot-nghiep-mon-su-2652946.html). Nếu không vì những quyền lợi chính trị chi phối, lịch sử luôn là môn học được coi là ưa thích đối với học sinh, nếu viết đúng chính sử. Nhưng nay, môn lịch sử trở thành bộ công cụ tuyên truyền có định hướng của Đảng như cố tình xóa nhòa đi những danh nhân, chứng tích hào hùng của bề dày lịch sử chống giặc Tàu!??

Chủ quyền độc lập của một quốc gia là không những chủ quyền biên cương, lãnh hải về địa lý mà còn chủ quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, dựa trên các hiệp ước quốc tế, hiến chương liên hiệp quốc. Mỗi quốc gia có quyền hành xử quyền hạn của riêng mình, trong đó có quyền bảo vệ sự thật lịch sử của mình.

Nếu Bộ chính trị trung ương Đảng CS vì sợ ảnh hưởng của Trung Quốc trên phương diện ngoại giao hoặc bị lệ thuộc mà cấm đoán, hoặc không dám hoạt động tưởng niệm ngày 17-2-1979, không dám đưa sự kiện đó vào bộ môn lịch sử nhà trường thì xem như tự đánh mất dần một phần chủ quyền độc lập trước bá quyền Trung Quốc. Lợi ích đất nước, không thể dựa trên sự nhượng bộ yếu hèn khiếp nhược như thế, vì sự nhượng bộ lần này sẽ kéo theo nhiều lần nhượng bộ khác để rồi mất dần dần. Và cuối cùng, Đảng CS sẽ trở thành tội đồ bán nước.

Viết từ Gia-Lai ngày 23-2-2014
Hồng Trung
(Thành viên ĐVDVN)
www.vidan.info

Nghĩ từ những căn biệt thự của quan chức

(Dân trí) - Tuần qua, dư luận ồn ào khi một tờ báo đưa hình ảnh về biệt thự của một cựu Ủy viên Trung ương Đảng và là quan chức của Chính phủ. Không cần phải bình luận gì nhiều, khi nhìn vào dinh thự đó, người xem sẽ nghĩ rằng, quan chức lấy tiền đâu ra và xây nhà to vậy?
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 (Minh họa: Ngọc Diệp)
Tất nhiên, trong tâm trí của mỗi người, sẽ liên hệ ngay đến hai chữ “tham nhũng”. Quan chức mà đi xe hơi đắt tiền, xây biệt thự hoành tráng, thì khó lòng để thuyết phục với xã hội rằng, đồng tiền của tôi hoàn toàn trong sạch. Mặc dù, cũng có trường hợp, do tích lũy nhiều năm hoặc gia đình có hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận.
Vị cựu quan chức báo chí vừa nêu đã giải thích cụ thể từ việc mua miếng đất đến tài sản trong biệt thự, không kinh khủng như báo chí nêu. Đó là tài sản tích lũy nhiều năm, bạn bè người thân gom góp cho. Nếu đúng như thế thì ông ta đã chịu tiếng, mang lời bởi dư luận.
Nhưng còn nhiều dinh thự, biệt thự to lớn khác thì sao?
Trên thực tế, còn rất nhiều quan chức có nhà cửa to lớn vô cùng, sống trong xa hoa xa xỉ, chỉ có đều chưa có “dịp” lên báo mà thôi.  Nếu như ghi hình lại hết nhà cửa của quan chức Việt Nam sở hữu (đứng tên hoặc nhờ người đứng tên) hiện nay, tổng giá trị tài sản là con số khủng khiếp. Đó là chưa kể tiền chìm đâu đó trong ngân hàng, cổ phiếu và két sắt.
Dù cố gắng bào chữa bằng nhiều cách, cũng khó có thể nói rằng, tất cả tài sản đó đều minh bạch. Một vị quan thực sự thanh liêm, với đồng lương ít ỏi của nhà nước, không thể có tài sản như một đại gia được. Có ý kiến cho rằng, quan chức phải giàu có và có quyền giàu có, không thể cứ quan chức là phải nghèo mới là quan tốt. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng làm cách nào để trở nên giàu có mới là quan trọng.
Một người làm quan tất nhiên không thể nghèo, nhưng quan chức giàu có đến mức sở hữu tài sản tiền triệu đến chục triệu đô la Mỹ thì dân có quyền hoài nghi về sự thanh liêm của họ.
Liên hệ với câu chuyện mới nhất là tư dinh của Tổng thống Ukraine, ông Viktor Yanukovych. Sự xa hoa hết mức của vị tổng thống này làm cho dân chúng nổi giận, bởi vì không ai có thể tin được số tài sản đó được làm ra bằng chính tài năng của vị tổng thống này.
Xa hơn, cựu tổng thống Lybia - ông MuammarGadaffi - có một đống tài sản khổng lồ. Và có lẽ, cơn giận dữ của dân chúng trút xuống gia đình ông vì nhiều nguyên nhân, nhưng  trong đó có nguyên nhân từ việc bòn rút của cải đất nước để làm nên kho tài sản đó.
Bất cứ đất nước nào, người làm quan lấy tiền của dân chúng, của quốc gia về làm tài sản riêng càng nhiều, thì đất nước đó chỉ có tàn mạt. Mặc dù quan tham chưa đến mức dữ dằn như Gadaffi hay Viktor Yanukovych, nhưng có hàng ngàn ông quan tham nhũng cộng lại thì hậu quả mà đất nước gánh chịu cũng chẳng kém gì nhau.
Lê Chân Nhân

Lãnh đạo từ sau lưng quần chúng

Một hình ảnh khác về nước Mỹ trong vụ Ukraine

Nguyễn-Xuân Nghĩa – Nguoiviet

Tổng Thống Barack Obama vừa bay qua Âu Châu. Trên chuyến bay xuyên đại dương, từ Air Force One, tổng thống Mỹ đã điện thoại cho Tổng Thống Vladimir Putin của liên bang Nga.
Trước hết, ông chúc mừng Thế Vận Hội Mùa Ðông đã hoàn thành mỹ mãn tại Sochi và nước Nga đạt kỷ lục về huy chương cho một thế vận hội tốn kém nhất lịch sử thế vận, hơn 51 tỷ đô la so với 47 tỷ của Trung Quốc cho thế vận hội mùa Hè tại Bắc Kinh năm 2008. Sau đó, lãnh đạo hai nước trao đổi về tình hình Ukraine, mục tiêu của chuyến bay bất ngờ của tổng thống Hoa Kỳ.
Ông Obama tới Thủ Ðô Bruxelles của liên hiệp Âu Châu và là trụ sở của minh ước NATO để thảo luận với lãnh đạo Âu Châu và giới quân sự về nhu cầu ổn định Ukraine theo nguyên tắc tự do, dân chủ, độc lập và thống nhất. Ông cũng kêu gọi các định chế quốc tế và liên bang Nga cùng hợp tác để giải quyết vụ khủng hoảng kinh tế của Ukraine.
Giới bình luận quốc tế đánh giá chuyến Âu du chớp nhoáng này là một hành động quả quyết hiếm hoi của tổng thống Hoa Kỳ….
Tất nhiên, cho tới khi báo lên khuôn thì cả đoạn trên chỉ là tin vịt.
***
Hôm Chủ Nhật 23, quả thật là cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice có cảnh báo Nga là không nên đưa quân vào Ukraine để cứu vãn một chính quyền dễ bảo của họ. Ðiều ấy, khiến ta nhớ tới một tiền lệ… thế vận. Khi Thế Vận Hội Bắc Kinh khai mạc vào Ngày Tám Tháng Tám năm 2008 thì Putin đưa quân vào chiếm đóng hai khu vực tự trị của Cộng Hòa Georgia. Và nay vẫn chưa rút. Bây giờ, bán đảo Crimea của Ukraine lại có sẵn hạm đội Nga bên bờ Hắc hải, tại quân cảng Sevastopol!
Nhưng lời cảnh báo của nàng Rice trên truyền hình Mỹ lại bị nhiễu âm đến độ khó nghe, vì cùng dịp đó, nàng khẳng định là không ân hận khi phát biểu về vụ thảm sát Benghazi tại Libya vào ngày 11 Tháng Chín năm 2012. Thực tế thì đấy là chuỗi phát biểu sai lạc trong một ngày Chủ Nhật 16 Tháng Chín trên năm đài truyền hình. Vừa sai vừa lạc.
Vì khi ấy Susan Rice là đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, không có thẩm quyền về an ninh. Mà lại chỉ nói như vẹt về những lý do không đúng của vụ thảm sát, để tránh hậu quả bất lợi cho cuộc tranh cử tổng thống vào Tháng Mười Một. “Nhà ngoại giao là người nói dối cho chế độ”, ta có thể đồng ý như vậy. Nhưng vì lộ liễu quá nên Susan Rice không thể lên làm ngoại trưởng mà đành về làm cố vấn an ninh quốc gia, là chức vụ không cần được Quốc Hội phê chuẩn. Từ một tay cố vấn loại tay mơ như vậy, lời cảnh báo của Hoa Kỳ không đủ trọng lượng cho một lãnh tụ lạnh lùng gian ác như Putin.
Vì vậy, đáng lẽ Obama nên tấu lên một khúc hùng ca về cái thế của Hoa Kỳ trên đại lục địa Âu Á và khẳng định hậu thuẫn của mình với lãnh đạo Âu Châu.
***
Hãy nói về quan hệ Mỹ-Âu đã.
Ngày 29 Tháng Giêng, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ là Victoria Nuland có lời phát biểu rất tục (”F. the E.U.” – xin miễn dịch!) qua điện thoại với đại sứ Mỹ tại Ukraine về sự nhu nhược của Liên Âu trước cục diện Ukraine – sau khi nhục mạ một lãnh tụ đối lập của Ukraine là Vitali Klitschko. Cuộc đàm thoại bị tình báo Nga nghe lén, thu được và phóng lên YouTube để gây khó chịu cho các đồng minh Âu Châu của Hoa Kỳ!
Ít ra, vụ đó cũng chứng minh rằng Hoa Kỳ không là xứ duy nhất nghe lén chuyện thiên hạ….
Nói khí oan, khi cục diện Ukraine đi vào khúc quanh đầy nguy hiểm vào tuần qua thì Phó Tổng Thống Joe Biden có điện thoại cho tổng thống Ukraine là Viktor Yanukovich trước khi ông này bị truất phế, lẩn trốn và đang bị truy nã. Cùng ngày 20 đó, Tổng Thống Obama cũng điện thoại cho thủ tướng Ðức Angela Merkel về chuyện Ukraine.
Ðấy là phong cách “lãnh đạo từ sau lưng” của Chính Quyền Obama.
Ở tại chỗ, ba ngoại trưởng Ðức, Pháp và Ba Lan đã bay thẳng vào thủ đô nghi ngút của Ukraine để gặp các lãnh tụ đối lập và Tổng Thống Yanukovich. Họ làm con thoi dàn xếp giải pháp nhượng bộ với Yanukovich, cho tới khi ông ta lùi dần khỏi ghế, bị đảng của chính mình đả kích là hèn nhát bất lực và cùng phe đối lập bỏ phiếu truất phế theo tỷ lệ 328-0. Còn Ngoại Trưởng John Kerry của Mỹ thì bận cảnh báo thế giới về nguy cơ nhiệt hóa địa cầu.
Trong vụ Ukraine, các đồng minh Âu Châu của Hoa Kỳ có quyền trông đợi một thái độ tích cực hơn về cả ngoại giao, chính trị, kinh tế và quân sự, từ Chính Quyền Barack Obama.
Nhưng họ nên thông cảm, nếu nhìn vào bên trong.
***
Chì vì hôm Thứ Năm 19, khi khói lửa đã mịt mù tại Kiev và nhiều khu vực khác của Ukraine thì tổng thống Hoa Kỳ bận tham dự thượng đỉnh với hai nước láng giềng tại Toluca của xứ Mexico.
Cùng Thủ Tướng Stephen Harper của Canada và Tổng Thống Enrique Pena Nieto của Mexico, ông Obama đã có dịp phân trần.
Với xứ Canada, Thủ Tướng Harper nên thông cảm là Obama chưa thể có quyết định gì về dự án thiết lập ống dẫn dầu khí Keystone XL rất có lợi cho hai nước về năng lượng và nhân dụng. Lý do là sự chống đối của phe bảo vệ môi sinh, một thành phần rộng chi cho Obama. Với xứ Mexico, Tổng Thống Pena Nieto nên thông cảm là Obama chưa thể đẩy mạnh dự án cải tổ chế độ di trú và quyết định về số phận của 11 triệu người Mễ nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ. Lý do là sự chống đối của bọn Cộng Hòa phản động!
Thế còn TPP, hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương, với triển vọng đẩy mạnh ngoại thương giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico cùng 11 quốc gia khác của vành cung Thái Bình Dương mà ông Obama đã đưa tiêu chí là phải hoàn tất trong năm 2013?
Cũng xin thông cảm cho. Vì tổng thống Mỹ gặp hai con kỳ đà nặng ký của Ðảng Dân Chủ, là Nghị Sĩ Harry Reid, trưởng Khối Ða Số tại Thượng Viện, và Dân Biểu Nancy Pelosi, trưởng Khối Thiểu Số tại Hạ viện. Họ lãnh đạo phe bảo hộ mậu dịch để lấy lòng các nghiệp đoàn và không cho hành pháp rộng quyền thương thuyết về ngoại thương theo thủ tục gọn nhẹ là “fast track”.
Ta hãy lùi lại một chút mà nhìn vào sân sau, hay ao nhà, của nước Mỹ, để khỏi nhắc tới Ukraine.
Hai chục năm trước, Tổng Thống Bill Clinton vận động được sự hợp tác của Ðảng Cộng Hòa để vượt qua rào cản Dân Chủ mà thông qua Hiệp Ðịnh Tự Do Ngoại Thương Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico. Kết quả là hàng năm ba nước buôn bán với nhau một lượng hàng trị giá cả ngàn tỷ và tạo ra cả triệu việc làm, với mỗi ngày một tỷ bảy chảy qua biên giới Hoa Kỳ – Gia Nã Ðại và một tỷ tư qua biên giới Mỹ-Mễ. Ðấy là hai nước đồng minh và bạn hàng cần thiết nhất của Hoa Kỳ.
Vậy mà thượng đỉnh tay ba vừa qua tại Toluca, nơi có hai nhà máy lớn nhất của Chrysler, đã “tan theo ngày nắng vội”! Nếu mình than thì đã có người nhắc, rằng Chrysler là hãng xe của… Ý, được tập đoàn Fiat mua lại năm 2011 và từ ngày 29 Tháng Giêng vừa qua đã hoàn toàn do Fiat làm chủ, với hội sở đặt tại Âu Châu.
Lãnh đạo từ sau lưng là như vậy?
Chuyện Chỉ Có Tại Nước Mỹ
Charles Lee Warren vừa thoát một án tù có thể lên tới ba năm. Anh ta bị truy tố vì gửi hình dương vật của mình có xâm chữ khá thô tục cho một phụ nữ có con, mà không được sự đồng ý trước của bà ta. Nhưng hôm Thứ Hai 23, Tối Cao Pháp Viện của tiểu bang Georgia đã bác lời cáo buộc của biện lý Quận Cherokee. Lý do là luật lệ tiểu bang không bao hàm hình ảnh gửi qua máy điện thoại lên không gian điện tử! Khi kỹ thuật chạy nhanh hơn luật lệ thì kẻ gian vẫn tràn trề hy vọng!…

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét