Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Xã hội dân sự đang mở rộng hay thu hẹp ở Việt Nam? - Hành pháp đừng buồn - LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM – CÁCH CỦA VIỆT NAM

Hành pháp đừng buồn

 Nguyễn Quang A
Người ta bàn tán về chuyện Quốc hội tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm, xin ghi lại đây mấy trăm chữ viết ngày 14-6-2013 và đã đăng trên báo Nông thôn ngày nay.

Ngày 11-6-2013 Quốc hội công bố công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm 47 vị quan chức cao cấp được Quốc hội tổ chức hôm trước. Số phiếu “tín nhiệm cao” của các vị bên Chính phủ không cao, còn số phiếu “tín nhiệm thấp” lại khá cao so với các vị lãnh đạo Quốc hội. Báo chí trong nước và nước ngoài đã rầm rộ đưa tin về sự kiện chưa từng có này ở Việt Nam. Dưới đây chỉ bàn về sự so sánh kết quả.
Báo chí đưa tin nhiều vị Bộ trưởng cảm thấy rất buồn vì nhận được nhiều phiếu “tín nhiệm thấp”, thậm chí nhiều người trong ngành cũng rất buồn vì kết quả không thật tốt cho thủ trưởng ngành mình. Các vị hãy đừng buồn! Có ai bị cách chức vì kết quả lấy phiếu tín nhiệm này đâu!
Việc bỏ phiếu (bất) tín nhiệm một thành viên của Chính phủ hay cả Chính phủ lẽ ra phải là chuyện bình thường và người bị truất khỏi chức vì sự bất tín nhiệm của Quốc hội cũng chưa hẳn đã nên buồn. Đấy là chuyện ở các nước dân chủ. Và Việt Nam cũng nên học càng nhanh càng tốt và tôi khuyên các vị đừng buồn. Đã có bản lĩnh làm quan to thì chắc phải đủ bản lĩnh để học và vượt qua chuyện như vậy.
Không ở đâu người ta bỏ phiếu tín nhiệm Tổng thống và các quan chức quốc hội cả. Tổng thống có thể bị phế truất, nhưng không bị lấy phiếu tín nhiệm. Các đại biểu quốc hội là các đại biểu dân bầu. Các quan chức quốc hội, kể cả chủ tịch, không có quyền quyết định hơn một đại biểu thường. Họ không phải là cấp trên của đại biểu quốc hội khác và tuyệt nhiên không là cấp trên của bất kỳ ai. Thế nhưng ở ta người ta vẫn quan niệm sai rằng họ là cấp trên. Tập quán ấy cũng phải thay đổi nếu muốn đất nước phát triển.
Sở dĩ không cần bỏ phiếu tín nhiệm các quan chức quốc hội vì người dân đánh giá họ bằng lá phiếu của mình và có sự chế ngự của các nhánh quyền lực khác và báo giới. Họ mà bỏ phiếu tín nhiệm cho chính họ thì cũng chẳng khác chi vừa đá bóng vừa thổi còi, lấn sân việc đánh giá của dân. Nhưng muốn dân thực hành quyền đánh giá ấy thì mọi hoạt động tại Quốc hội của từng đại biểu quốc hội phải được công khai và báo giới hay bất kỳ cử tri nào đều có quyền tiếp cận tất cả thông tin đó, từ ý kiến của mỗi đại biểu về mỗi vấn đề, phiếu ủng hộ hay phản đối của họ trong mọi quyết định. Có thông tin ấy người dân sẽ tự đánh giá xem đại biểu ấy có xứng đáng không hay cử tri đã chọn nhầm. Và đến kỳ bầu cử tiếp theo những đại biểu không xứng đáng chắc bị cử tri loại bỏ với lá phiếu của mình. Muốn thế, phải có bầu cử thật sự tự do.
Việc các đại biểu quốc hội bỏ phiếu “tín nhiệm cao” cho các quan chức quốc hội như thế là điều dễ hiểu. Đó là chưa nói đến chuyện họ ít khi phải đối mặt trực tiếp, chịu trách nhiệm trực tiếp về các vấn đề nóng của xã hội như các thành viên chính phủ.
Như thế, không cần lấy phiếu tín nhiệm các quan chức quốc hội, như Bộ trưởng Bộ tư pháp cũng đã nhận ra.
Nếu không lấy phiếu tín nhiệm các quan chức quốc hội, thì chẳng có chuyện so sánh giữa người này và người nọ, bên hành pháp và bên lập pháp. Ngay cả bên trong chính phủ cũng không thể so sánh bộ trưởng này và bộ trưởng khác.
Việc bỏ phiếu (bất) tín nhiệm các thành viên chính phủ hay bản thân chính phủ cũng chỉ được tiến hành khá hãn hữu. Đánh giá chủ yếu phải diễn ra tại các cuộc điều trần ở các ủy ban và chỉ trong trường hợp đặc biệt mới đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đại trà chưa hẳn là hay. Người được cao phiếu hãy đừng vội mừng vì rất có thể chỉ là người tròn trĩnh vô thưởng vô phạt, và người được phiếu thấp hãy đừng buồn.

LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM – CÁCH CỦA VIỆT NAM

Nguyễn Khắc Mai
ông Nguyễn Khắc Mai
ông Nguyễn Khắc Mai =>
 
Đọc báo Tuổi trẻ hôm nay thứ Hai 24-2-2014,có mục “Lấy phiếu tín nhiệm cho thực chất,”. Thấy mấy nghị sĩ quốc hội hăm hở bàn. Họ có mấy ý: 1. Dừng là phải,vì để bàn cách làm cho thực chất. 2. Tập trung cho đối tượng hành pháp. 3. Chỉ nên có hai tiêu chí,tin nhiệm và không tín nhiệm,không nên có tiêu chí thứ ba như đã làm. 4. Nên làm cho giống như thế giới.
​Làm cho thực chất,tôi đồng ý. Chỉ hai tiêu chí Tín và không tín, tôi cũng nhất trí. Duy có làm như thiên hạ, tôi thấy không được. Các nghị sĩ bàn chưa ra nhẽ. Tôi xin góp ý như sau.
​Không thể làm như thế giới. Thế giới, nhất là thế giới văn minh hiện đại, họ khẳng định Tam quyền phân lập. Ba nghành Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp của họ có triết lý và cấu trúc phân lập khá rõ ràng. Còn ở ta phân lập nữa vời và đánh tráo khái niệm thành ra chỉ là sự phân công giữa ba cơ quan hành, tư, lập, thậm chí cũng không phải là phân công giữa ba nghành. Từ phân lập đến phân công là sự khác nhau như đỉnh cao và vực sâu.  Chế độ chính trị của ta là “tiến lên chủ nghĩa xã hội” mặc dầu CNXH một trăm năm nữa cũng chưa có. Một thể chế vừa hư vừa thật, vừa nghiêm túc vừa đùa bỡn, làm sao giống thiên hạ được. Hơn nữa cái cấu trúc hệ thống chính trị của VN hiện nay là chế độ Đảng Cọng sản cầm quyền, toàn trị, độc đảng, độc quyền mà Hiến pháp mới đã tái khẳng định.
​Phải làm khác thế giới. Không thể làm giống. Đó là luật chơi. Dù có muốn chơi luật khác cũng không được!. Có một lần, một nghị sĩ nêu vấn đề từ chức với Thủ Tướng. Thủ tướng trả lời rành mạch, đúng với luật chơi không chê được. Rằng tôi làm thủ tướng do Đảng phân công. Đảng bảo làm tôi làm. Đảng bảo thôi tôi thôi. Không úp mở,rõ ràng như thế là cùng. Cho nên muốn giống thiên hạ phải đổi luật chơi.
​Trong khi chưa đổi luật chơi, phải làm theo cách Việt Nam.
​Cách đó như sau:
1.- Phải lấy phiếu tín nhiệm đối với Đảng CSVN. Chủ yếu là đối với Tổng Bí thư và Bộ chính trị. Vì cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nội dung là tư cách, năng lực và chủ trương. Ví dụ, cho đến nay, Đảng vẫn  giữ quyền quyết định về bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức.Bộ máy và đội ngũ hư hỏng cũ kỹ tuyệt đối, tác hại vô cùng nặng nề.Có hai cá nhân phải chịu trách nhiệm,là Tổng Bí thư và Trưởng ban Tổ chức TƯ.Có một tập thể là bộ Chính trị. Hay là cái chủ trương Tập đoàn kinh tế chẳng hạn. Phải làm cho cái câu trong điều 4 của HP là Đảng chịu trách nhiệm có nội hàm pháp quyền cụ thể, mới giúp Đảng cố gắng sữa chữa sai lầm khuyết điểm đặng tiến lên.
​Phải lấy phiếu tín nhiệm từ trong Đảng một cách có thực chất, không hình thức vô trách nhiệm. Thật sự dân chủ trong Đảng. Lấy phiếu tín nhiệm trong toàn đảng, có thể theo cách điều tra xã hội học về tin nhiệm. Do một hệ thống độc lập với các cấp ủy, may ra có thể có hiệu quả tích cực, kết hợp với lấy phiếu của các cấp ủy từ địa phương,nghành và TƯ.
​Ở VN nếu gạt Đảng ra ngoài mọi cuộc lấy phiếu tín nhiệm đều vô nghĩa. Hiện nay sự tín nhiệm đối với Đảng và ban lãnh đạo của Đảng đã xuống đến mức thấp nhất chưa từng có. Những dư luận, những lời đồn xấu không ai có thể cải chính nổi. Đảng đang thả nổi tín nhiệm của mình trước nhân dân và Dân tộc.
2.- Phải lấy phiếu tín nhiệm của cả ba nghành quyền lực. Vì sao. Vì Luật lệ như hiên nay, thiếu đồng bộ, có nhiều điều ông chằng bà chuột, một người đứng đầu Hành pháp có ba đầu sáu tay cũng khó làm gì cho tử tế.
Tất nhiên cách và nội dung lấy phiếu tín nhiệm của mỗi nghành phải khác nhau.
Chúng ta đang đứng trước cuộc tổng kết 30 năm đổi mới (cho nó được như cũ) thì nội dung tín nhiệm không thể chỉ là tín nhiệm hay không tín nhiệm. Mà là tín nhiêm về cái gì. Như Hàn quốc chẵng hạn. Trong vòng 30 năm họ xây dựng xong hạ tầng luật lệ,định hướng đàng hoàng cho sự phát triển tự nhiên, hợp quy luật thời đại. Họ quản lý Đất nước, hình thành những nghành, lĩnh vực kinh tế sử dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, bước hẵn vào sân chơi sánh với những nền kinh tế ở top teen của thế giới. Họ xây dựng xong cơ sở hạ tầng của văn hóa và trí tuệ, với nền khoa học, công nghệ và giáo dục hiện đại, tiên tiến. Điều đáng nói hơn nữa là họ đã sử dụng một khối lượng giá trị vật chất”econome” (tiết kiệm) hơn hẵn chúng ta rất nhiều. Còn, chúng ta, cả bốn nghành quyền lực vĩ đại của Dân tộc là Đáng, Quốc hội, Chính phủ và Tư pháp đã làm như thế nào trong một thời gian lịch sử như họ với một nhân dân anh hùng, văn hiến,với một khối lượng vật chất và tài chính khổng lồ, với một môi trường thế giới và khu vực hết sức thuận lợi chưa bao giờ có.? ? ?!
Nếu có lấy phiếu tín nhiệm xin các Nghị sĩ hãy tính đến những vấn dề như vậy. Xin đừng sờ soạng bên ngoài như những kẻ bất lực, khiến VN như một cô gái có đến bốn đời chồng mà chẳng thể sinh đẻ gì.
3.- Để có thể làm được như thiên hạ,hãy chú ý tạo tiền đề,có mặt bằng và sân chơi như thiên hạ,có thể không giống y chang,nhưng cốt lõi của cấu trúc, tức cơ chế phải tương đồng. Xin lưu ý, giới trí thức nước ta rất dễ bằng lòng với đánh tráo khái niệm, và hạ thấp ý nghĩa của khái niêm, hoặc pham trù. Chẳng hạn như đem khái niệm bao cấp để thay thế cho cái chế dộ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ Nghĩa Xã Hội. Như với khái niệm cơ chế, chúng ta chỉ sử dụng một cái nghĩa rất hình thức, bề ngoài,nội hàm rất hẹp,nó chỉ như là một số hình thức,phương thức thể hiện hiện tượng hay sự vât. Trong khi cơ chế chính là cái “me’canisme”(cái cốt lõi của sự vận hành-tồn tại của sự vât,hiên tượng). Chẳng hạn cái gọi là thể chế chính trị của một Đất Nước hiện đai,phù hợp, tương đồng với luật chơi của thế giới ngày nay là gì. Chắc chắn cái mê ca nixm của nó phải là dân quyền. tam quyền phân lập,tự do công dân…Không có cái mê ca nixm ấy chắc chắn cái thể chế mà anh hình dung và cố xây dựng, nếu không là “sự tráo trở của Phương pháp luận”(tên một tiểu thuyết của Mỹ Latinh), thì cũng là một vật quái dị hổ lốn một chút văn minh, với chất quân quyền lạc hậu, với những nhân cách chúa phong kiến cướp giật, ăn trên ngồi trốc.Và như thế thì đục nước béo cò,lũ gian manh lợi ích nư kiểu Yanoukovisch xuất hiện, chứ không thể có người tử tế, đàng hoàng xuất hiện.Thần thoại Hy lạp có câu chuyện chiếc lọ Pandora, khi mở nắp tưởng là thánh thần xuất hiện, hóa ra là một lũ ma quỹ. Thể chế hiện nay của chúng ta thật sự đã được Các Mác dự báo. Ông nói một khi giai cấp công nhân giành được chính quyền họ sẽ được tạo ra một chế độ ủy quyền, người ta sẽ phó thác cho một nhóm người tự ứng cử và bầu cử, đặng đại diện, cai trị họ (CN). Điều đó khiến cho họ không tránh khỏi bị rơi tõm vào mọi sự dối trá và lệ thuộc. Sau một hồi hưng phấn cách mạng trong một Nhà Nước kiểu mới, họ lập tức bừng tỉnh thấy mình là nô lệ, là con rối, là con mồi (nạn nhân) của những tham vọng mới (dẫn theo Marx sa vie et son oeuvre, Jean Eleinstein). Như thế ngay giai cấp Công nhân hiện đại,  họ cũng chỉ có thể cải thiện số phận của mình trong một nền dân quyền phát triển, đích thực.
4.-Nên tìm tòi sự mách bảo của Minh Triết
​Thomas Jefferson (Mỹ): Nếu biết hòa nhập minh triết vào quyền lực, sẽ ít dùng quyền lực mà hiệu quả lớn.
​Triết gia Fichte: Minh Triết là nghệ thuật chọn lựa những vấn đề liên quan đến lợi ích của con người.
​Stuart Mill (Anh quốc): Nếu cả nhân loại, trừ một người, có cùng một ý kiến,và chỉ người đó có ý kiến đối lập,thì nhân loại cũng không có lý do gì chính đáng để bắt người ấy im tiếng,mà người đó dẫu có quyền lực cũng không có quyền chính đáng bắt nhân loại im tiếng…
​Phan Bội Châu: Phàm là Dân nước ta không cứ sang hèn, giàu nghèo,lớn bé,đều có quyền bỏ phiếu bầu cử.Trên là vua, nên để hay truất,dưới là quan nên thăng hay dáng, Dân ta đều có quyền quyết đoán cả.
A. Einstein: Những khó khăn mà chúng ta đang gặp phải hôm nay,sẽ không thể nào giải quyết được ở trình độ tư duy, mà trước đây chúng ta tạo ra chúng.
N.K.M
Theo Tễu’Blog

Xã hội dân sự đang mở rộng hay thu hẹp ở Việt Nam?

Nếu nhìn về xu thế phát triển, dù có lúc lên lúc xuống, nhưng trong 10 năm qua không gian xã hội dân sự ở Việt Nam ngày càng được mở rộng, tạo điều kiện cho người dân bày tỏ ý kiến của mình. Xã hội dân sự ở đây được hiểu đơn giản bao gồm các tổ chức phi chính phủ có đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước (NGO), các tổ chức cộng đồng hoặc cá nhân hoạt động tự do, và các diễn đàn trên internet.

Ảnh: lễ trao giải báo chí


Minh chứng cụ thể cho sự phát triển này là ngày càng có nhiều các tổ chức xã hội dân sự được khởi xướng và hoạt động độc lập như “Cơm có thịt”, “Mạng lưới ung thư vú BCN” hoặc các nhóm thanh niên làm về môi trường, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, etc. Họ thực sự tạo ra một không gian mới để người dân tham gia giải quyết các vấn đề của cộng đồng xã hội không cần sự cho phép của nhà nước. Các tổ chức phi chính phủ trong những năm vừa qua cũng bắt đầu có những thay đổi về chất trong hoạt động của mình. Hoạt động nghiên cứu, vận động quyền con người, phản hồi chính sách của nhà nước ngày càng rõ nét hơn. Điển hình cho quá trình này là việc các tổ chức NGO góp ý cho Hiến pháp Việt Nam, Luật đất đai sửa đổi, lần đầu tiên viết báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam trong tiến trình Kiểm định định kỳ nhân quyền (UPR), vận động quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBTI) đã tạo ra những thay đổi trong xã hội và luật pháp Việt Nam.

Nhưng có lẽ, sự mở rộng không gian dân sự lớn nhất, mạnh nhất là các diễn đàn trực tuyến do sự phát triển bùng nổ của internet mang lại, đặc biệt nhờ các mạng xã hội như facebook hay các blog cá nhân. Nhiều trang mạng như Quê Choa, Diễn đàn xã hội dân sự, hay Triết học đường phố có số lượng độc giả truy cập thường xuyên rất lớn. Bên cạnh đó, nhiều bloger có những trang mạng cá nhân hay nhóm cá nhân với số lượng người theo dõi lên đến hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người như Trang Hạ, Nguyễn Ngọc Long Blackmoon, Tôi đồng ý, hay Robbey. Các trang Google hay Youtube đã tạo điều kiện cho các nhóm công dân như BB&BG, Jvevermind hay đơn giản là cá nhân tạo ra những sản phẩm truyền thông có hàng triệu lượt truy cập. Dù loại thông tin và độc giả khác nhau, nhưng các trang mạng cá nhân, diễn đàn hay sản phẩm truyền thông trên mạng đã tạo ra một không gian thông tin tự do chưa từng có ở Việt Nam. Nó tạo điều kiện cho người dân nêu quan điểm độc lập của mình, gây sức ép lên báo chí chính thống do nhà nước quản lý.
.
Có nhiều yếu tố khác nhau tạo ra sự phát triển nhanh chóng của xã hội dân sự Việt Nam trong  thời gian qua nhưng phải kể đến ba yếu tố chính sau. Thứ nhất, đó là sự phát triển của kinh tế và xã hội đã tạo điều kiện để nhiều người sống và hoạt động độc lập. Họ có nhu cầu trao đổi, giao lưu và chia sẻ thông tin dẫn đến sự tạo lập các không gian dân sự ngoài nhà nước phục vụ cho lợi ích của mình và cộng đồng. Thứ hai đó là công nghệ, đặc biệt sự phát triển của internet và các mạng xã hội như facebook, blog và điện thoại thông minh đã cho phép người dân kết nối dễ dàng hơn. Công nghệ đã giúp cho việc tìm những người cùng chí hướng, cùng mối quan tâm được thực hiện dễ dàng hơn và nhanh hơn. Thứ ba, đó là ngày càng có nhiều người dân quan tâm đến các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị của Việt nam. Nhiều người hiểu và muốn hành động vì công lý, quyền của mình, có trách nhiệm tham gia vào quản trị đất nước, giải quyết các vấn đề chung, và bảo vệ quyền của người thiểu số, thiệt thòi.

Không phủ nhận vai trò của nhà nước và các nhà tài trợ quốc tế, nhưng vai trò của họ chỉ là thứ yếu hoặc gián tiếp trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân sự. Về nhà nước, có hai việc họ làm được. Một là tạo khung pháp lý, dù chưa hoàn thiện cho các tổ chức phi chính phủ đăng ký và hoạt động. Thứ hai, đó là tăng dần sự lắng nghe những phản biện chính sách, và “chịu đựng” những tiếng nói trái chiều của người dân, đặc biệt trên internet chứ không “đóng cửa” và “cấm đoán” thô bạo. Đây chính là những điều kiện giúp cho xã hội dân sự phát triển hơn. Còn đối với các nhà tài trợ quốc tế và các nước đối tác, họ đã hỗ trợ cho sự phát triển của các tổ chức phi chính phủ trong nước, tạo kênh để các tổ chức phi chính phủ tham gia đối thoại chính sách, hội thảo, và tọa đàm chính thức với các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, họ cũng vận động và hỗ trợ chính phủ Việt Nam tôn trọng và thực thi các công ước quốc tế, tạo chuẩn mực quốc tế cho sự phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam.

Có lẽ, một trong những cản trở lớn cho sự phát triển của xã hội dân sự Việt Nam đó là sự thiếu vắng Luật về hội. Dù có người cho rằng “không có luật về hội còn tốt hơn có một luật về hội tồi” nhưng thực tế hiện nay ở Việt Nam đòi hỏi phải có một Luật về hội. Thứ nhất, đó là quyền của người dân được quy đinh trong Hiến pháp. Thứ hai, nó tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các tổ chức xã hội dân sự hoạt động minh bạch và được công chúng thừa nhận. Thứ ba, nó giúp xã hội dân sự hoạt động có tổ chức hơn, có chất lượng hơn, và ở vị trí bình đẳng với nhà nước và thị trường. Chất lượng Luật tốt hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào quá trình vận động của các chuyên gia, các tổ chức xã hội dân sự, và thậm chí của các tổ chức quốc tế. Hơn nữa, bản thân quá trình trình thảo luận xã hội về quyền lập hội cũng là cơ hội nâng cao ý thức của người dân về quyền của mình, nâng cao nhận thức của nhà nước về nhu cầu của Việt Nam có xã hội dân sự mạnh, và điều này cần thiết cho sự phát triển của xã hội dân sự.

Như vậy, quá trình phát triển của xã hội dân sự Việt Nam trong những năm qua là ấn tượng. Nó được thúc đẩy chủ yếu bởi nhu cầu nội tại của xã hội Việt Nam, và bởi những con người và tổ chức dân sự cụ thể, ngày đêm tìm kiếm nguồn lực, mở rộng hợp tác và thực thi các hoạt động có ích cho người dân. Nó là một quá trình không thể đảo ngược, nhưng nhanh hay chậm, hữu ích nhiều hay hữu ích ít, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khung luật pháp mà Việt Nam sẽ phải xây dựng để bảo vệ tự do của người dân, đặc biệt quyền tự do hội họp (luật về hội) và quyền tự do tiếp cận thông tin (luật tiếp cận thông tin) sau khi hiến pháp đã được thông qua.

Sập cầu ở Lai Châu: Bộ trưởng Thăng bay lên, Bộ trưởng Tiến … bò tới?

"Tớ bay rồi! Nhưng sẽ chiếu cố cấp bò cho Tiến để cưỡi lên Lai Châu cấp cứu bệnh nhân. Hề hề!"
“Tớ bay rồi! Nhưng sẽ chiếu cố cấp bò cho Tiến để cưỡi lên Lai Châu cấp cứu bệnh nhân. Hề hề!”
Có lẽ theo phong cách lãnh đạo sát sao lâu nay, thượng vàng hạ cám việc gì cũng có thể (phải?) có chỉ đạo của Thủ tướng, thì vụ sập cầu treo ở Lai Châu, Thủ tướng phải đích thân chỉ … định bộ trưởng nào là người … được bay tới hiện trường.

Bộ trưởng Công an có thể bảo: vừa xong đám tang tướng Ngọ được bảo vệ chặt chẽ nên không có sự cố, thì lại có ngay tai nạn thảm khốc trong đám tang khác, có âm mưu phá hoại gì đây? Bộ trưởng thấy cần bay gấp lên thị sát.
Bộ tưởng Giao thông thì cho là vụ việc liên quan tới cầu, tới giao thông đường bộ, ngành giao thông liên đới trách nhiệm, ông phải nhanh chóng biết.
Bộ trưởng Y tế có thể cãi lại: chuyện “thăm hỏi nạn nhân, tìm hiểu nguyên nhân” sập cầu (*) không phải là bức thiết. Sinh mạnh, sức khỏe con người là trên hết, một tỉnh nghèo, quá nhiều người bị thương nặng trong một lúc rất cần có giải pháp và
"Thật quá đáng!"
“Thật quá đáng!”
điều kiện cấp cứu gấp. Vậy Bộ trưởng Y tế cần bay lên ngay để chỉ đạo các bác sĩ bệnh viện, và kết hợp đưa bác sĩ mổ lên cùng.
Bộ trưởng … nào nữa có thể có lý lẽ riêng để bay gấp lên đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm với dân?
Nhưng rất may là Bộ trưởng Giao thông đã nhanh chân nhất, thể hiện được năng lực có thể kiêm cả chức Bộ trưởng Y tế trong tương lai. Có nghĩa ông vừa đóng vai trò lãnh đạo một ngành “mạnh vì gạo bạo vì tiền”, lại vốn nhanh nhạy, vừa biết “chẩn bệnh”, nên sau khi bay lên, đã quyết ngay cho 2 chiếc trực thăng đưa bác sĩ lên hỗ trợ. Lãnh đạo, bác sĩ bệnh viện bận thế (mới mổ được cho một phần ba số nạn nhân) mà vẫn cố báo cáo tình hình cho Bộ trưởng Thăng để giúp ông “chẩn bệnh”. Sáng nay 25/2 Bộ trưởng Thăng sẽ xuống tận hiện trường nữa, biết đâu các bác sĩ cũng đành phải bỏ nạn nhân đó để cùng xuống, giúp ông nghiên cứu hiện trường để nghĩ ra … “phác độ điều trị” cho các nạn nhân?
Vậy thì Bộ trưởng Y tế Kim Tiến khỏi cần bay nữa, “bò” lên cũng được; bảo là: có anh Thăng lo rồi, với lại ngành Y bọn em nghèo quá, chả có trực thăng.
Có lẽ cũng nhờ có sự xuất hiện của Bộ trưởng Thăng cùng chiếc trực thăng, mà sáng nay, qua điện thoại trực tiếp được VTV1 đưa tin, bác sĩ kíp mổ cho các nạn nhân đã 2 lần khẩn khoản đề nghị chính phủ cho xây sân bay ở Lai Châu, để nhỡ có vụ việc tương tự còn đưa bệnh nhân, nạn nhân lên tuyến trên.
Xem ra Bộ trưởng Thăng đã bớt được cho Thủ tướng một việc phải chỉ đạo, lại chứng tỏ thêm ngày càng nhiều phong cách “chính trị gia” lão luyện mà lâu nay chỉ có Thủ tướng là người nổi trội.
Kiến nghị đưa Bộ trưởng Thăng vào vị trí ứng viên chức Thủ tướng trong Đại hội đảng 12!

* Xem: –  Bộ trưởng Thăng đáp máy bay đến hiện trường vụ sập cầu treo (VTC);  - Điều 2 trực thăng chở bác sỹ lên cấp cứu nạn nhân sập cầu treo (GTVT).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét