Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Vấn đề sở hữu đất tại Việt Nam và cưỡng chiếm đất trong một nước độc đảng - Những quyết định cực 'hot' ở Hà Nội

Vấn đề sở hữu đất tại Việt Nam và cưỡng chiếm đất trong một nước độc đảng

Land Ownership in Vietnam and Land Seizure in One-party State
Vũ Quốc Ngữ  (5e Forum Mondial des Droits de l’Homme)
Trần Huê chuyển dịch
103/01/2014 – Trong thời gian qua đã có liên tục nhiều tin tức về việc dân oan mất đất biểu tình ở Hà Nội, ở Sài Gòn đòi công lý, đòi ruộng đất (Diễn Đàn Việt Nam 21 đã loan tin trong mục Nhân quyền). Đây là một trong những vấn đề nhức nhối của nước Việt Nam đầu thế kỷ 21, một vấn đề lẽ ra không còn được phép tồn tại, nhưng ai quan tâm đến thời sự luôn bắt gặp hình ảnh những đoàn dân oan kéo nhau đi đòi quyền lợi bị đánh cắp.
Đảng CS độc quyền cai trị bỏ mặc cho nông dân bị cướp đất, đẩy họ ra đường sống chết mặc bây, đất nông dân bị chiếm rồi quy hoạch thành khu kinh tế này, khu du lịch nọ, dự án nhà ở cao cấp kia, và cả những cánh đồng golf để các quan chức đại gia đi đánh golf trước khi đi tắm bùn v.v. …  
Theo thời gian Việt Nam càng ngày càng có rất nhiều quan chức và đại gia tỷ phú với dinh thự nguy nga mà người dân liệt họ vào các “nhóm lợi ích” trong khi con số dân oan mất đất nguời cày mất ruộng không giảm mà tăng. Các “phòng tiếp dân” cũng được dựng lên nhan nhản như một sân khấu bi hài kịch, nơi dân oan chỉ được tụ tập kêu gào khiếu nại chốc lát ở ngoài cửa, còn quan chức vẫn tiếp tục bưng mắt! Chính vì thế mà “Tâm lý thù ghét người giàu và giới quan chức cai trị ngày càng ăn sâu vào não trạng của lớp nông dân mất đất, bị nghèo hóa và bị đẩy vào cảnh bần cùng” như nhà bỏ đảng Phạm Chí Dũng nhận định.
Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu bản dịch tiếng Việt bài của Vũ Quốc Ngữ (Hà Nội) trình bày những sự kiện tiêu biểu về tình trạng cưỡng chiếm đất đai ở Việt Nam ngày nay, nguyên bản Anh ngữ là bài tham luận tại Diễn đàn Nhân quyền Thế giới kỳ 5 (*) tại Pháp vào tháng 5/2013. Hình ảnh do DĐVN21 thêm vào mà trong nguyên bản không có.

Diễn Đàn Việt Nam 21
 —-
Nhà của tôi cũng là lâu đài của tôi. Tại các nước chấp nhận và tôn trọng nền pháp trị thì bất kể người đó là nhân viên chính quyền hay không, nếu ai làm chủ một bất động sản, người đó có quyền làm chủ và trọn quyền tùy tiện sử dụng mảnh đất đó cho bất cứ một mục đích nào.
Tuy nhiên, ở Việt Nam tình trạng hoàn toàn khác hẳn. Trong một nước cộng sản tất cả đất đai đều thuộc về nhà nước, và người dân chỉ được thuê sử dụng có hạn kỳ để canh tác ở cấp hộ. Khi kế hoạch của một quan chức cho khu đất đó thay đổi thì yêu cầu của người công dân về quyền sử dụng mảnh đất ấy có thể trở thành vô nghĩa trong khoảnh khắc.
Sở hữu đất đai ở Việt Nam
Việt Nam trở thành quốc gia độc lập vào năm 1945 sau khi nhân dân nổi dậy chống lại sự chiếm đóng hai tròng của Pháp-Nhật. Là một quốc gia mới thành lập VN phải lao vào trận chiến chống Pháp để giành độc lập, cuộc chiến kết liễu năm 1954 với sự chia đôi đất nước. Miền Bắc dưới sự cai trị của cộng sản có Trung quốc hậu thuẫn trong khi miền Nam theo chế độ cộng hòa và theo Tây phương. 
Ðất nước được thống nhất năm 1975 sau khi cộng sản ở miền Bắc dưới sự hổ trợ kinh tế và quân sự của Liên xô và Trung quốc đánh chiếm Việt Nam Cộng Hòa được Hoa Kỳ và các nước đồng minh viện trợ.
Trở về năm 1946, Việt Nam tổ chức tổng tuyển cử đầu tiên và bầu ra một quốc hội đa đảng. Vài tháng sau đó, quốc hội cho ra đời bản hiến pháp đầu tiên của đất nước mà trong đó không đề cập gì đến vấn đề sở hữu đất đai.
Sau khi nắm quyền ở miền Bắc, người cộng sản dựng lên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và đưa ra một hiến pháp mới gọi là Hiến Pháp 1960 khẳng định tất cả đất vô chủ đều thuộc về nhà nước.
Từ khi thống nhất năm 1975 Việt Nam đã thay đổi hiến pháp hai lần. Bản Hiến Pháp 1980 và bản Hiến Pháp sửa đổi năm 1992 thay đổi sâu rộng quyền sở hữu ruộng đất – trao tất cả đất đai ở Việt Nam vào tay nhà nước và chỉ cho nhân dân quyền sử dụng đất.
Trong bản dự thảo hiến pháp đang thảo luận và dự kiến thông qua vào cuối năm 2013 chính quyền cộng sản cố giữ nguyên quyền sở hữu đất đai như hiến pháp 1992 đã quy định.
Theo luật đất đai hiện nay chính quyền có thể chiếm thu đất để dùng cho các mục tiêu quốc phòng và an ninh quốc gia cũng như để phát triển kinh tế xã hội. Ðiều này cho phép nhà cầm quyền ở nhiều tỉnh và thành phố đuổi dân ra khỏi đất họ đang canh tác hoặc ở và giao khu đất đươc giải tỏa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện các dự án gọi là phát triển ở địa phương.
Tịch thu đất ở Việt Nam ngày nay
Chiến dịch cưỡng chiếm đất lớn nhất xảy ra trong những năm 1954-56 sau khi CSVN nắm chính quyền ở Miền Bắc và thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Cộng sản VN thực hiện chính sách cải cách ruộng đất để khuyến khích người nghèo ủng hộ chế độ xã hội chủ nghĩa của họ và chuẩn bị cuộc xâm chiếm miền Nam. Duới sự giám thị của cố vấn Trung quốc CSVN đã mở một chiến dịch đấu tố tàn bạo, tịch thu ruộng đất của địa chủ để phân chia cho dân làng nghèo. Nhiều phú hào bị buộc tội đã bóc lột nông dân trong làng và làm Việt gian cho Pháp. Hằng chục ngàn người bị kết án và xử tử trong khi những người khác bị đánh đập tàn bạo. Tất cả tài sản của họ, kể cả ruộng đất, bị tịch thu và giao cho nông dân qua các vụ xử án dàn dựng bởi cán bộ nhà nước chưa từng đươc đào tạo gì về các cơ cấu pháp luật. Trong các vụ đấu tố, nhiều địa chủ từng làm ăn chăm chỉ đã bị thân nhân họ vu cáo với sự xúi dục của người CS, để được đền bù bằng một vài thưởng vật nhỏ như mấy thửa đất nhỏ hoăc dụng cụ trong nhà.
Sau đó CS Bắc Việt thừa nhận sai lầm và ngưng chính sách cải cách điền địa cũng như có biện pháp sửa sai. Tuy nhiên, nhiều đia chủ Việt Nam đã không tìm được sự công bằng cho cái chết của họ. Chỉ một số ít bị kết án nhẹ.
Trong những năm 1960 và 70 ở miền Bắc Việt Nam và ở cả miền Nam sau khi CS chiếm miền Nam thống nhất đất nước, VN thành lập các hợp tác xã nông nghiệp và buộc tất cả nông dân phải giao ruộng đất của mình cho vào hợp tác xã nhà nước. Nông dân chỉ đươc giữ một phần nhỏ đất của họ (5%) để canh tác riêng , tự trồng lúa và rau cải.
Mô hình canh tác theo hợp tác xã đã chứng tỏ không có hiệu năng, đưa đến tình trang thiếu thực phẩm trầm trọng và phải lệ thuộc vào viện trợ thực phẩm của nhiều nước, nhất là từ các nước trong khối xã hội chủ nghĩa thuộc Liên xô và từ các nước Ðông Âu trước đây.
Ðến những năm giữa thập niên 1980, CSVN nhận thấy mô hình canh tác hợp tác xã không kết quả nên bỏ đi và phân chia đất cho từng nông dân. Nhưng đất đai vẫn thuộc về nhà nước trong khi nông dân chỉ được quyền canh tác trong một thời gian nhất định (tối đa đến 30 năm).
Việc chiếm hữu đất đai bởi cấp dưới của nhà nước địa phương ở các tỉnh và thành phố bắt đầu xảy ra sau năm 1986 khi VN thi hành chính sách gọi là „Ðổi mới“. Trong tiến trình thành thị hóa và kỹ nghệ hóa đã có nhu cầu lớn về đất đai để thực hiện các dự án kỹ nghệ, bất động sản và giải trí ở các địa phương. Kể từ đó, chính quyền địa phương ở khắp nơi đã chiếm lấy nhiều khu đất canh tác lớn của nông dân cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện các dự án.
Việc chiếm đất đã xảy ra từ Nam ra Trung , ngoài Bắc kể cả tại thủ đô Hà Nội.
Ðể chiếm đất chính quyền địa phương bắt ép nông dân phải giao đất cho họ với giá thật thấp so với giá thị trường và giá bán đất (thật ra quyền xử dụng đất) cho những nhà buôn bán bất động sản thì cao hơn rất nhiều. Lẽ dĩ nhiên, phần lớn lợi nhuận chạy vào túi của các quan chức tham nhũng chứ không vào công quỹ ở địa phương.
Trong vài truờng hợp, nông dân bị cưỡng bách bán đất với giá thật rẻ cho đồ án phát triển thật sự. Sau đó họ phải trả giá gấp trăm lần cao hơn cho một căn hộ được xây ngay trên chính đất của họ trước đây.
Khi chính quyền địa phương thấy chuyện chiếm và bán đất của nông dân cho các nhà khai thác là nguồn lợi thì những nông dân này không có cách gì để từ chối, ngay cả trong trường hợp mảnh đất đó đã là nhà ở qua nhiều đời, nơi đó có mồ mả ông cha và là nguồn sống của họ. Bởi vì trong một nhà nước độc đảng, giới lãnh đạo địa phương nắm cả ba quyền – hành pháp, lập pháp và tư pháp.
Chiếm đất của giáo xứ Cồn Dầu ở trung tâm thành phố Ðà Nẳng
Giáo xứ Cồn Dầu thuộc phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ đã có 135 năm lịch sử, những người dân cư ngụ ở đó là giáo dân Công giáo.
Năm 2010, Ủy ban Nhân dân ở Ðà Nẵng quyết định lấy 440 mẫu đất thuộc giáo xứ Cồn Dầu để làm trung tâm du lịch sinh thái Hòa Xuân. Nhiều ngôi nhà của giáo xứ Cồn Dầu và nghĩa trang địa phương nằm trong khu vực dành cho dự án trung tâm nghỉ mát này.
Bất kể sự phản đối mạnh mẽ của những dân cư trong giáo xứ, chính quyền địa phương bắt phải giải tỏa nghĩa trang đi nơi khác cũng như ra lệnh nhiều ngườì dân ở đó phải dọn ra khỏi khu vực của dự án.
Tiền bồi thường đất bị chiếm chỉ bằng một phần 30 của giá một biệt thự trong khu vực nghỉ mát.
2
Dân chúng Cồn Dầu không muốn giải tán nghĩa trang của họ. Ngày 4 tháng 5 năm 2010 công an cấm không cho dân địa phương an táng bà Maria Ðặng thị Tân tại nghĩa trang của xứ đạo. Một cuộc xô sát giữa nhân viên cảnh sát và dân chúng Cồn Dầu đã xảy ra. Sau sự cố này, cảnh sát đã bắt giữ hằng chục người dân Cồn Dầu, buộc tội họ đã có hành động chống lại chính quyền địa phương. 6 người ở Cồn Dầu bị giam giữ trong khi một số người khác bị tra tấn trong thời gian bị bắt giữ.
Sau đám táng bà Tân một người của ban trợ tang ở Cồn Dầu đã bị đánh đến chết.Trên 70 người dân Cồn Dầu đã chạy sang Thái Lan xin tị nạn, 14 người trong số người này được phép sang định cư ở Hoa Kỳ. 
Những người đã dọn đi chỗ khác được chính quyền địa phương bồi thường một số tiền nhỏ không đủ để mua đất và vật dụng cất nhà nơi chỗ mới.
Mới đây, chính quyền thành phố Ðà Nẳng thông báo sẽ cho dời tất cả mồ mả khỏi nghĩa trang Cồn Dầu vào ngày 10 tháng 4.
Một trường hợp chiếm đất khác xảy ra ở Ðà nẳng đã khiến cho một người dân địa phương tự thiêu để phản đối chính quyền của thành phố. Vào ngày 17.02.2011, kỹ sư Phạm Thanh Sơn 31 tuổi tẩm xăng tự thiêu trước một tòa nhà hành chánh địa phương. Không ai can thiệp và ông Sơn đã tử nạn. Ông này đã phải chịu một quyết định bất công của thành phố Ðà Nẳng vì họ đã chiếm đất của ông ấy mà không đền bù tương xứng. Trước khi tự thiêu ông Sơn đã gửi nhiều đơn khiếu nại đến các cơ quan của thành phố, phản đối việc chiếm đất của ông.
Sự cố này bị bỏ quên sau đó vì giới truyền thông tại chỗ bị địa phương kiểm soát chặt chẽ và trình bày vụ tự thiêu như một tai nạn. Các thân nhân của gia đình ông Sơn đã bị canh chừng một thời gian dài sau khi ông Sơn được an táng.
Chiếm đất dân thiểu số ở cao nguyên miền Trung và miền núi phía bắc
Việt Nam có 54 nhóm sắc tộc. Người Kinh hay Việt chiếm trên 95 % của tổng số 90 triệu dân. Phần lớn các dân sắc tộc sống ở các vùng núi miền bắc và trung VN. 
Bằng cách làm ăn có lợi kinh tế và xã hội, nhiều người Kinh, đặc biệt là giới cán bộ đã chiếm đất đai của người sắc tộc, lấy mất phương tiện cơ bản để sản xuất thực phẩm của họ. Mất đất sống người sắc tộc còn bị người Kinh hiếp đáp, nhiều dân sắc tộc ở cao nguyên miền Trung (1985) và người Hmong ở phía Tây-Bắc của tỉnh Ðiện Biên (2011) đã phản kháng chính quyền ở địa phương. Tuy nhiên, sự chống đối của ho bị lực lượng cảnh sát đặc biệt đàn áp thô bạo. Họ được võ trang nặng nề, trong một vài truờng hơp có cả chiến xa và phi cơ trực thăng.
Cưỡng chế đất ở phía Bắc cảng Hải Phòng
Tháng giêng năm 2012, sau nhiều lần khiếu kiện và đệ trình lên các cơ quan trọng tài để bảo vệ quyền của mình nhung không thấy có trả lời, nông dân Ðoàn Văn Vươn phối hợp một vụ chống đối bằng võ lực. Ông đặt bom tự chế trên khoảnh đất rộng 40,3 mẫu tây ở quận Tiên Lãng thuộc thành phố Hải Phòng. Ông tiến hành biện pháp này để nhằm đẩy lùi 100 công an và quân đội do chính quyền địa phương gửi tới xâm nhập vào khu đất của ông và đẩy ông và gia đình ông ra khỏi khu đất nói trên.
Tốt nghiệp ngành kỹ sư, khi đến Cống Rọc, ông Vuơn được phép thuê một mảnh đất nhỏ ở nơi đó. Về sau, ông ta mở rộng nông trại của ông và biến một vùng đất bỏ hoang thành các ao nuôi tôm và nuôi cá.
Vươn bắt đầu đấp bờ đê, các hệ thống điều hòa mực nước và ao hồ cần thiết để nuôi cá và tôm. Không ai nghĩ Vươn và gia đình ông sẽ thành công. Nhưng sau nhiều năm nổ lực và thí nghiệm nông trại nuôi cá trở nên có mang lời. Những người đi tiên phong khác cũng bắt chườc ông Vươn. Năm 2004, có chừng 20 gia đình ở Tiên Lãng phát triển ngành làm trại nuôi cá có diện tích chừng 250 mẫu tây đất bỏ hoang vô giá trị trước đây. Vươn còn khai thác thêm 11 mẫu tây mặt biển, nâng cao tổng số diện tích ao hồ thuộc công ty gia đình ông lên 40 mẫu tây tất cả.
Năm 1997, ông được chính quyền quận Tiên Lãng cho phép sử dụng đất trong 14 năm.
Vài năm sau đó, VN có chương trình xây phi trường quốc tế ở Tiên Lãng để thay thế phi trường Nội Bài. Phi trường nầy chiếm một diện tích rộng lớn bao gồm cả nông trại nuôi cá của ông Vươn và các nông dân láng giềng. Chính quyền địa phương muốn thu hồi giấy phép canh tác của ông Vươn cũng như của những người cùng cảnh ngộ để lấy bồi thường cao của nhà nuớc khi bắt đầu thực hiện xây phi trường quốc tế.
Năm 2005, những người nuôi cá nhận hung tin từ chính quyền sở tại, theo đó đất đang thuê sẽ bị thu hồi khi hết hạn. Hơn thế nữa, các tân trang và cải tiến thêm trong thời gian qua sẽ không được đền bù.
Như đã nói ở trên, toàn thể đất đai ở CHXHCNVN thuộc về nhà nước. Tuy nhiên, kể từ 1993 cá nhân và công ty được cho quyền sử dụng đất. Cho đa số nông dân, có nghĩa là họ được phân chia một mảnh đất thuộc đất của hơp tác xã.để canh tác trong 20 năm.
Vì lý do gì cũng chưa rõ, Vươn chỉ được thuê đất 14 năm kể từ năm 1993. Ông được lịnh phải dọn đi vào năm 2007. 
Vươn và các nông dân nuôi cá nói rằng theo thói thường ở nhà quê họ vẫn tin là đất họ thuê và canh tác cho tốt hơn sẽ được tự đông gia hạn. Hơn thế nữa, cũng như tất cả nông dân VN đều mong đợi khi chính quyền thu hồi đất để sử dụng cho mục đích công cộng thì nông dân phải được đền bồi thỏa đáng công lao của họ đã làm tốt hơn lên.
Hiểu như vậy nên những nông dân nuôi cá đã chống đối sau khi đòi hỏi của họ không dược giải quyết. Chính quyền quận sở tại vẫn không nhúc nhích. Tòa án quận vẫn giữ nguyên lệnh phải dọn đi. Các nông dân nuôi cá kháng kiện lên tòa án cao hơn của Hải Phòng.
3
Phán quyết của tòa được đồng ý, chính quyền sở tại và Vươn đã ký kết ngay trong toà án. Theo thỏa thuận này, Vươn rút lại đơn tố cáo và chính quyền sở tại sẽ tiếp tục cho thuê sở đất đang tranh cãi. Ngay sau khi đơn cáo kiện được rút đi, chính quyền địa phương đã tiến hành đuổi Vươn khỏi mảnh đất của mình mà không có bồi thường nào.
Ngày 5 tháng giêng 2012 nhà cầm quyền địa phương ở Tiên Lãng đã cho hằng trăm cảnh sát đặc biệt và đơn vị thuộc quân đội tới đuổi Vươn và gia đình ra khỏi đất của Vươn. Các nhân viên gặp sự kháng cự quyết liệt, kết quả là 4 cảnh sát và hai quân nhân bị thương tích phải được điều trị ở bệnh viện.
Vươn và người em bị bắt giam vì tội dùng võ khí chống lại cán bộ nhà nước. Nhà của ông bị chính quyền đập phá vài ngày sau đó, trong khi cá trong ao bị bọn côn đồ vớt đi hết dưới sự đồng tình của nhà nước ở địa phương.
Cách thức nhà nước Hải Phòng xử lý Vươn phản ảnh sự thiếu tôn trọng và khinh thường ra mặt những người nông dân địa phương cũng như tài sản của họ. Nhà cầm quyền CS ở địa phương coi thường sự tranh đấu kiên trì của Vươn để giữ đất của mình mà Vươn đã canh tác thành công như vậy. Thay vì xem cơ sở nuôi cá của Vươn như một tấm gương của sự làm việc chăm chỉ cần cù có thể đem lại cho cộng đồng, nhà cầm quyền VN lại xem nông trại của Vươn là một cách để kiếm nhiều tiền, có triển vọng cho „các dự án phát triển mới“.
Mặc dù thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố lệnh xua đuổi chiếm đất là một hành động bất hợp pháp, Vươn và em ông đã bị giam giữ từ tháng giêng 2012 và bị giam cho đến khi ra tòa ngày 4-5 tháng 4 năm 2013. Mặc dù không làm điều gì trái đạo đức và luật pháp ngoài việc tự vệ cho chính mình, cả hai đã bị kết án 5 năm tù về tội cố sát và chống lại lực lượng thi hành công vụ.
Chiếm đất ở Văn Giang tỉnh Hưng Yên để làm dự án đô thị sinh thái Ecopark
Năm 2004 chính quyền tỉnh Hưng yên phía bắc cấp giấy phép cho một công ty tư để phát triển dự án đô thị sinh thái Ecopark gồm 20000 đơn vị nằm trên 500 mẫu tây ở Xuân Quan, quận Văn Giang, nằm chừng khoảng 30 cây số cách thủ đô Hà Nội. 
Ðể lấy chỗ cho dự án Ecopark 3900 gia đình nông dân, cư dân của tất cả 3 làng được thuyết phục nên rời bỏ đất đai mầu mỡ của họ và dọn đi nơi nào khác.
Chỗ đất dành cho dự án bị tịch thu qua 2 đợt năm 2009 và 2012, nhưng chừng 2000 hộ từ chối không chịu nhận tiền bồi thường của chính phủ cho 5,8 mẫu tây, nói rằng số tiền này quá thấp so với giá trị ở thị trường lúc đó.
4Nông dân tổ chức các vụ phản kháng nhiều lần ở Hà Nội, đòi bồi thường cao hơn cho đất đai của họ hoặc là bãi bỏ dự án trên.
Ngày 24 tháng 4 năm 2012 chính quyền tỉnh Hưng Yên đã cho 3 ngàn cảnh sát có võ trang tới xua đuổi dân làng Xuân Quan khỏi đất của họ. Lực lượng cảnh sát dùng lựu đạn cay tấn công dân làng, đánh đập nhiều người trọng thương và bắt giữ hàng chục người. Trong số những người bị bắt có cả hai phóng viên của đài Tiếng nói VN đến tường thuật việc đuổi đất theo chiều hướng có lợi cho nhà cầm quyền địa phương.
Theo nguồn tin không chính thức, Nguyễn Thanh Phương, con gái của nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người có cổ phần trong đồ án Ecopark.
Chiếm đất ở quận Hà Ðông thuộc Hà Nội: xã Dương Nội ở quận Hà Ðông
Năm 2010 thành phố Hà Nội quyết định phát triển vùng thành phố mới Lê Trọng Tấn và thành phố phải đuổi 337 gia đình khỏi miếng đất rộng 21,5 mẫu tây. Có 155 gia đình đồng ý dọn đi, trong khi 182 gia đình khác từ chối bỏ đất vườn của họ, nói rằng giá mà họ nhận được của chủ thầu thấp hơn giá thị trường rất nhiều.
5Ðể dọn trống khu đất cho dự án xây dựng, chính quyền quận Hà Ðông đã cho dẹp nghĩa trang, dời mồ mả ra ngoài phạm vi dự trù xây khu phố thị mới. Tức giận trước hành động của nhà nước địa phương dân làng Dương Nội đã gửi nhiều thư phản kháng đến các cơ quan trách nhiệm đòi phải can thiệp và ngưng việc lấy đất.
Nhiều người đã túc trực hẳn trên ruộng đất của họ, thay phiên nhau canh gác để ngăn chận chính quyền tịch thu đất đai của họ.
Ngày 17 tháng giêng 2013, chính quyền quận Hà Ðông cho 200 cảnh sát, dân phòng và côn đồ tấn công làng, muốn dùng võ lực đuổi dân làng phải bỏ đất của họ. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát đã gặp sự chống đối mãnh liệt của dân làng và cuối cùng họ buộc phải rút lui. Trường hợp này phải nên chấm dứt.
Chiếm đất ở Ðồng bằng Cửu Long tỉnh Cần Thơ: Bà mẹ và cô con gái cởi áo quần phản đối 
Ðể xây cất khu gia cư mới Hưng Phú, chính quyền quận Cái Răng vùng châu thổ sông Cửu Long thuộc thành phố Cần Thơ quyết định lấy đất của dân làng Hưng Phú để bán cho công ty CP đầu tư xây dựng số 8 có tên là CIC 8. Tuy nhiên, công ty CIC8 chỉ chịu trả cho khu đất lấy đi với giá quá thấp, cả 10 lần ít hơn giá của căn hộ nhà sẽ được xây cất.
6Dưới áp lực của chính quyền nhiều dân cư ở đó đã giao đất cho hãng xây cất, nhưng một số người khác trong đó có bà Pham Thị Lài đã không chịu chuyển nhượng đất của họ với giá rẻ.
Từ năm 2002 gia đình bà Phạm Thị Lài đã gửi đơn kháng kiện đến chính quyền các cấp khác nhau để phản đối quyết định của nhà cầm quyền Cái Răng lấy 3000 thước vuông của gia đình họ với giá rẻ mạt. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Lài đã không nhận hồi đáp nào của nhà nước.
Bà Lài và cô con gái đã cởi áo quần phản đối khi phe khai thác gửi nguời đến giải tỏa khu đất. Tuy nhiên, bảo vệ của công ty CP đầu tư xây dựng số 8 đã lôi hai người đàn bà khỏa thân đi khỏi đất của họ.
Sau đó, chính quyền Cái Răng phạt bà Lài và con gái bà về tội khỏa thân nơi công cộng và như thế đã vi phạm thuần phong mỹ tục.
Chiếm tài sản của giáo hội Thiên chúa giáo
Nhiều nhà thờ Công Giáo là nạn nhân bị chiếm tài sản bởi các cơ quan chính quyền và cán bộ. Cùng với sự can thiệp chính trị ảnh hưởng đến các sinh hoạt tôn giáo của người Công Giáo khắp nước, nhà cầm quyền ở nhiều tỉnh và thành phố đã thu tóm tài sản của giáo hội, gây sự bất mãn trong hàng giáo sĩ và giáo dân.
Trong quá khứ, chính quyền địa phương ở nhiều nơi đã mượn bất động sản và cơ sở của giáo hội Thiên chúa giáo và các cơ sở này thành công sở, bệnh viện, trường học, khách sạn hoặc biến thành nơi giải trí cho người không Công giáo. 
Tại thủ đô Hà Nội nhà cầm quyền đã lấy 95 cơ sở giáo hội Thiên chúa giáo. Họ đã cho cảnh sát đàn áp các vụ phản kháng của tu sĩ và giáo dân thiên chúa giáo.
Chính quyền ở Hà Nội còn muốn lấy đất của giáo xứ Thái Hà để xây nhà cho nhân viên địa phương. Dưới sự chống đối quyết liệt của các tu sĩ và giáo dân nhà cầm quyền phải chuyển qua lấy mảnh đất đó làm công viên.
Thống kê về tranh chấp đất đai ở Việt Nam
Chỉ riêng Hà Nội đã có trên 1000 vụ kháng kiện liên hệ đến tranh chấp đất đai mỗi năm. Những trường hợp này cho thấy rõ sự bất mãn của người dân về các quyết định lấy đất của dân, vấn đề bồi thường và định cư trở lại khi chính quyền chiếm đất của người dân địa phương.
Trên bình diện quốc gia, con số các vụ kháng kiện liên quan đến vấn đề đất đai chiếm đến 70% các vụ kiện tụng về dân sự. Theo sở thanh tra của chính phủ, có tất cả 851000 vụ kiện cáo về tranh chấp đất đai trong thời gian từ 2003 đến 2010, phần lớn liên quan đến vấn đề lấy đất để phát trển kinh tế.
Trong số 31000 vụ kiện về đất đai tường trình trong năm 2007, một cơ quan chính quyền nói có khoảng 70% đã không có sự bồi thường tương xứng cho đất bị tịch thu.
Trong thời gian từ 2001 đến 2006, khoảng 376000 mẫu tây đất trồng lúa đã bị tịch thu, trên 1 triệu nông dân phải dời đi nơi khác. Các tu chỉnh về luật đất đai năm 2003 nhằm đẩy mạnh „phát triển“ bằng cách tạo dễ dàng cho việc khai khẩn nhiều khu đất rộng lớn cho thấy mức độ xua đuổi nông dân đi nơi khác có vẻ đã gia tăng.
Theo ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ, vấn đề kiện cáo đất đai chiếm hết 80% tổng số các vụ tham nhũng nghiêm trọng còn chưa giải quyết.
Ông Lê Ðăng Doanh, một chuyên viên về kinh tế, lập luận rằng nay ban lãnh đạo đã đi lạc hướng và bị trói buột bởi quyền lợi phe nhóm. „Ðảng lấy đất của nông dân với giá rẻ vô lý và bán lại cho các nhà đầu tư với giá cao hơn nhiều, thay vì lấy đất của địa chủ cho nông dân như trước đây“.
Thế giới văn minh có thể làm gì để khuyến cáo chính phủ Việt Nam về vấn đề chiếm đất 
Vấn đề chiếm đất đai đã trở thành hệ thống nơi mà Ðảng CSVN nắm độc quyền về quyền lực. Không có quyền sở hữu đất riêng, người dân địa phương thom thóp lo sợ mất quyền sử dụng đất một khi nhân viên chính quyền quyết định rằng, đất họ đang canh tác có thể sử dụng vào mục tiêu phát triển quốc gia hoặc an ninh công cộng.
Lấy chiêu bài „phát triển xã hội cho ích lợi chung“, chính quyền địa phương đã không do dự cưỡng chiếm đất của dân và giao đất đó cho các nhà doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển. Ðiều này có nghĩa là, nhân dân càng chần chờ không chịu giao đất của họ, thì việc sử dụng các lực lượng võ trang xua đuổi dân càng thô bạo hơn. Thật là kỳ quái, nếu một ai hô hào cho quyền sở hữu đất đai có thể bị phạt nghiêm khắc.
Nhiều chuyên viên cho rằng để ngăn ngừa việc chiếm đất, Việt Nam cần thay đổi luật đất đai bằng cách để tạo ra nhiều hình thức sở hữu đất gồm cả sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân.
Việt Nam cần phải cải tổ luật đất đai đầy mâu thuẫn nếu muốn cứu vãn nền kinh tế ốm yếu, theo lời ông Trần Huy Huỳnh, giám đốc phòng luật pháp thuộc Phòng Thương mại và Kỹ nghệ Việt Nam..
Ông nói, „Nếu quyền sở hữu thuộc về nhà nước thì nông dân không cảm thấy yên ổn bởi vì họ không là chủ của mảnh đất đó, họ sẽ không muốn đầu tư và làm việc tận lực“. 
Với tình trạng đất đai bấp bênh này nông dân không thể phát triển công việc làm ăn của họ, mở rộng ra hoặc đầu tư vào các kỹ thuật cao cấp và vì thế sản phẩm của họ không có khả năng cạnh tranh“.
Ông James Anderson, một chuyên gia hành chánh của Văn phòng Quỹ tiền tệ quốc tế ở VN cho rằng, tình trạng hiện nay thường đưa đến một kết quả thua-thua cho nông dân và cả nhà đầu tư.
„Thay vì tạo điều kiện cho sự thương lượng tự nguyện, nhà nước có vai trò đặc biệt trong vấn đề định con số bồi thường và có uy quyền dùng luật lệ để phân phối lại đất đó. Lẽ tất nhiên, sự kiện nầy có thể dẫn đến nhiều khó khăn cho cả đôi bên, người mất đất không vui với khoản bồi thường và kẻ đầu tư thì phải đương đầu với những sự chậm trễ vì mất thời gian giải tỏa để có chỗ đất trống“, ông Anderson giải thích như vậy.
Các chuyên viên trong ngành nói, chính phủ và nhà cầm quyền địa phương không nên được có quyền cưỡng chiếm đất để tiến hành các dự án phát triển kinh tế xã hội. Ðể có chỗ cho các dự án phát triển kinh tế xã hội, chính quyền địa phương cần thương lượng với người dân có đất ở trong khu vực dự trù và đi đến thỏa thuận bồi thường theo giá của thị trường.
Việt Nam nên từ bỏ chính sách định giá đất cứng nhắt, cho phép thẩm giá nhà đất tùy theo giá của thị trường. Hiện nay, các chính quyền ở tỉnh định giá đất theo tình hình địa phương của họ, một cách thức không cho phép có sự bồi thường thỏa đáng, phản ảnh đúng giá cả trên thị trường và tất nhiên gây sự lỗ lã lớn cho người dân bị đuổi đất trong khi chỉ làm lợi cho cơ quan chính quyền và công ty thực hiện dự án.
Tuy vậy, tranh chấp đất đai ở VN trên căn bản bắt nguồn từ lý do chính trị hơn là từ nguyên do kinh tế – Sự thực không chối cãi là Ðảng CSVN không có ý định từ bỏ chủ trương kiểm soát toàn diện về mọi mặt trong đời sống kể cả vấn đề làm chủ tất cả đất đai. Tuy nhiên, các vụ tranh chấp đất đai đang nổi lên khắp nơi có thể tạo thành một mối đe dọa nghiêm trọng cho chính ÐCSVN, bởi vì cho đến nay nông dân vẫn là thành phần chính yếu ủng hộ đảng. Vì vậy, để giải quyết rốt ráo vấn đề đất đai ở VN, có thể ÐCSVN phải thực sự nới lỏng gọng kìm chính trị.
Pháp quốc và Việt Nam đã đồng ý hợp tác song phương, nhằm nâng cấp mối quan hệ hỗ tương, tiến đến sự hợp tác chiến lược trong tương lai gần đây. Pháp quốc cũng như các quốc gia trong Liên Minh Âu châu nên khuyến cáo chính quyền CSVN nên tôn trọng nhân quyền và quyền tự do ngôn luận.
Cả hai quốc gia cũng mong muốn đẩy mạnh sự hợp tác song phương về phuơng diện luật và hành pháp. Xuyên qua các chương trình hổ trợ, Pháp quốc nên khuyến cáo chính quyền VN, nhất là ÐCSVN, nên có cải cách về hướng của một nền pháp trị, có tự do thông tin báo chí, và đi đến sự phân quyền rõ rệt. Trong đó lập pháp, hành pháp và tư pháp hoạt động độc lập theo thể thức kiểm soát và cân bằng quyền lực.
Cuộc phản kháng của nhà nông Vươn là một thí dụ tiêu biểu cho ta thấy và cảnh báo điều gì có thể xảy ra trong một nước không có một hệ thống xã hội dân chủ và một nền pháp trị.
Những người dân bị thua thiệt nhận thấy toà án CS ít khi có hữu ích gì cho họ, và sự phản kháng ngoài đường phố đã đưa đến sự hà hiếp người dân, tra tấn hoặc cầm tù bởi nhà cầm quyền.
Theo Freedom House quốc tế, ở VN số luật sư không nhiều, và nhiều người nấy thì không muốn bào chữa cho những vụ liên hệ đến nhân quyền hoặc các vấn đế có tính chính trị nhạy cảm khác vì sợ sẽ bị trù đập, trừng phạt kể cả việc ngang nhiên bị bắt giữ của chính quyền.
Không như toà án tại các nước tiền tiến, ngành tư pháp không mang lại nhiều che chở cho người dân Việt Nam.

Tài liệu trích dẫn:
1. Land grabs rile Vietnam´s farmer- Nguyen Phuong Linh Financial Times Apr 11,2013
2. Reports of Vietnam government´s General Inspectorate


(*) Nguyên bản “Land Ownership in Vietnam and Land Seizure in One-party State”, bài tham luận tại 5e Forum Mondial des Droits de l’Homme, Nante, France 22.- 25 Mai 2013 trong Hội luận „Luật pháp và vấn đề chiếm đất tại các nước đang phát triển“ ngày 23/05/2013, Tiểu đề „Luật pháp và vấn đề chiếm đất tại các nước đang phát triển: thí dụ ở các nước Benin, Mali, Papua New Guinea, Vietnam và Costa Rica“. Bản tiếng Việt https://sites.google.com/site/forumvietnam21/tiengviet/tiengviet-bv/bnq20140103_vuquocngu
[Xem nguyên bản tiếng Anh]

Thông không thông mà cứ điệp hoài

Nguyen Tan Dung
Thông điệp đầu năm của ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, có câu: “Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại.”
Câu nói rất chuẩn, rất chính xác, không có gì cần phải bàn cãi!  Nhưng, liệu nội hàm của câu nói nầy có nên hiểu theo cách thông thường như dư luận trong thể chế tự do (?) hay phải hiểu đúng theo truyền thống mà người cộng sản vẫn xử dụng (?)
Thí dụ, chỉ cần thêm vào mấy chữ lờ mờ “theo định hướng CNXH” thì câu trích dẫn trên sẽ là:
Dân chủ (theo định hướng CNXH) và Nhà nước pháp quyền (theo định huớng CNXH) là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại (theo định hướng CNXH)
Nếu đúng như thế thì mọi việc đều khác và trái ngược hoàn toàn!
Do đó việc thực hiện như thế nào, có nghiêm chỉnh hay không, về câu nói đó trong Thông điệp thì chỉ có thời gian mới trả lời!
Vì, lịch sử đã chứng minh giữa lời nói với việc làm của đảng CSVN chẳng những không đi đôi mà thường là đi ngược!
Chỉ vài dẫn chứng đơn sơ:
Khởi đầu “cách mạng” là chủ trương giành lại đất từ địa chủ (thời phong kiến) cho nông dân thì sau đó nổ ra vụ đấu tố giết hàng trăm ngàn người vô tội trong Cải cách Ruộng đất năm 1956 và mãi cho đến bây giờ, ngay thời điểm nầy, lại có thêm “lực lượng dân oan đi khiếu kiện đòi đất” ròng rã từ năm nầy qua năm khác mà không ai giải quyết!
“Chính sách 10 ngày tập trung cải tạo” dành cho quân cán chính VNCH sau 1975 là “khoan hồng nhân đạo” trong các trại cải tạo từ Nam ra Bắc đến hàng chục năm!  Bị đày ải, chết trong tù ngục, chết ở rừng sâu, chết đói, chết lạnh!
“Hòa hợp hòa giải dân tộc” là ca ngợi biến cố Mậu Thân, cô lập nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, đập bia tưởng niệm người vượt biên từ Indonesia, Malaysia.  Tổ chức kỷ niệm 30/4 “hoành tráng” ngày mà ông Võ Văn Kiệt nói là “có triệu người vui cũng có triệu người buồn”!
Câu chữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” kể từ ngày cướp được chính quyền trong thực tế là:
- Về “Độc lập”:  Đảng CSVN tự đặt đất nước VN lệ thuộc hoàn toàn vào Tàu cộng, từ công ước Phạm Văn Đồng về 2 đảo Hoàng-Trường Sa, rồi Hội nghị Thành Đô 1989, đến Hiệp ước về biên giới trên đất đã ký kết từ cuối năm 1999 cho đến nay mà vẫn chưa dám công bố!  Và VN đang phải tâm niệm khẩu hiệu 4 Tốt và 16 Chữ “vàng” !
- Về “Tự do”:  Tất cả truyền thông trong nước chỉ có một Tổng biên tập!  Đàn áp người yêu nước biểu tình đả đảo Tàu cộng xâm lược!  Công an xách nhiễu người mà họ chỉ mới nghi ngờ bằng mọi thủ đoạn từ mắm tôm, sơn, nhớt… quăng vô nhà cho đến khủng bố tinh thần, áp lực chủ nhà đuổi không cho ở trọ, bắt chủ hãng xưởng đuổi việc để nạn nhân hết đường sinh sống!  Mọi quyền căn bản của con người đều bị tước bỏ và đặt dưới sự theo dõi chặt chẽ của công an!
- Về “Hạnh phúc”:  Đánh gục ngay nền kinh tế phồn thịnh miền Nam bằng đủ mọi hình thức, từ đánh “Tư sản mại bản”, đổi tiền, bắt vô Hợp Tác xã đến đày đi Kinh tế mới để thay vào đó bằng tầng lớp đảng viên, cán bộ, tư bản Đỏ!
Bản Thông điệp đầu năm 2014 ra đời trong bối cảnh có nhiều tuyên bố nổi bật của cấp lãnh đạo như:
Ông Nguyễn Phú Trọng, vẫn tôn sùng lý thuyết Mác-Lê và Tư tưởng Hồ cho dù cả thế giới đã quăng họ vào đống rác của lịch sử nhưng với ông Tổng Bí thư thì mọi ý kiến trái chiều đều là “thoái hóa tư tưởng chớ gì nữa?” hay cho dẫu “đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”!
Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội thì nói: “Không tham nhũng lấy tiền đâu chạy chức”!
Ông Phạm Bình Minh, Thứ trưởng ngoại giao, người đặc trách về người Việt hải ngoại, xuất hiện trong một video clip nhận xét về vụ người Việt hải ngoại tham dự biểu tình trước Tòa Bạch ốc phản đối ông Trương Tấn Sang, là “để thêm thu nhập”!
Còn cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng trong diễn văn khi nhận chức nhiệm kỳ đầu, là sẽ ưu tiên diệt tham nhũng nhưng hiện tại từ thượng tầng kiến trúc đến tận làng xã đèo heo hút gió tham nhũng đang hoành hành dữ dội hơn bao giờ hết!  Điều mà Bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan xác nhận: “Ăn của dân không từ một cái gì”!  Ông cũng tâm tình: “Từ ngày nhậm chức đến nay tôi có kỷ luật ai đâu?”!
Tổng quát não trạng của các quan chức cỡ chóp bu mà như thế thì Thông điệp đầu năm 2014 nói lên điều gì?
Giữa lúc cao trào đòi dân chủ nhân quyền đang lan rộng và nhanh.  Giữa lúc việc công khai từ bỏ đảng đang bộc phát qua hành động cụ thể của các đảng viên có tiếng tăm đang râm ran trong dư luận, đặc biệt là trong một số đông đảng viên đã âm thầm bỏ đảng từ lâu hay đang lưng chừng vì sợ hãi!  Cho nên Thông điệp phải nói đến cải cách thể chế như là cách câu giờ để hóa giải tạm thời sự phẫn nộ chung!
Vì, mọi thay đổi không thể đột ngột khi mà não trạng vẫn còn đặc cứng!
Một sự kiện mới nhất, tuy nhỏ nhưng thuộc loại “chuyện thường này ở huyện” của chế độ công an trị, đã cho thấy sự dốt nát đến ngu muội của cán bộ nòng cốt của chế độ ở cấp điạ phương, vừa mới xảy ra ngay tại Hà Nội ngày cuối năm như trong đơn tố cáo của Luật sư Lê Thị Công Nhân đã cho thấy là não trạng của cán bộ đảng viên vẫn còn như thời kỳ ở hang Pác Bó(!)  Nên cứ cho là Thông điệp của ông Thủ tướng là thật lòng đi nữa thì liệu bao lâu mới có thể chuyển hóa được hàng hàng lớp lớp cán bộ như thế?  Cho nên câu nói nổi tiếng của ông cựu Thủ tướng Phan Văn Khải, về cách vận hành guồng máy của nhà nước, vẫn còn nguyên giá trị!  Và câu nói đó đã phổ thông đến nỗi đi vào chuyện tục của quý ông về chăn gối, đó là: “Trên bảo dưới không nghe”!
Thế nhưng Thông điệp đầu năm nầy đang có rất nhiều bình luận, trong số đó có nhận xét cho rằng hy vọng VN sẽ có chuyển biến mới (!)
Đảng CSVN chỉ mong muốn có thế!  Họ đang cần những nhận xét như thế để xoa dịu công luận!  Chính vì vậy mà cuộc giải phóng VN ra khỏi họa CS còn khó khăn vì sự dễ dãi của người Việt, vốn nặng về cảm tính hơn lý trí nên cứ bị CS đánh lừa!
Nhớ lần ông Nguyễn Tấn Dũng thăm Miến Điện, đã “khuyên” Tổng thống Thein Sein, đang lãnh đạo chế độ quân phiệt Myanmar lúc đó, là “nên mở rộng dân chủ”!  Lời khuyên lạ lùng đến quái đản đó chắc rất nhiều người còn nhớ?  Bây giờ, nếu hai ông gặp lại, phần ông Thein Sein sẽ có vô số điều để khoe!  Ông Thein Sein sẽ kể:  Từ lúc ông khuyên tôi cho đến bây giờ đất nước tôi đã đối khác ra sao chắc ông đã biết!  Từ lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, để họ thâu tóm mọi tài nguyên quốc gia… đến bây giờ hoàn toàn thay đổi!  Chúng tôi chuyển đổi từ quân phiệt qua thể chế tự do dân chủ!  Cuối năm vừa rồi cũng đã hoàn tất việc thả tất cả tù nhân chính trị!  Còn hiện tại, tôi đang hậu thuẫn cho việc sửa đổi Hiến pháp để người tài có cơ hội đóng góp vào công việc xây dựng đất nước, như bà Aung San Suu Kyi, một khôi nguyên Nobel Hoà bình từng bị chúng tôi giam cầm mấy mươi năm, nay có cơ hội ra tranh cử Tổng thống!  Còn VN, quý quốc của ông thì mọi chuyện đã đến đâu rồi?
Nếu có trao đổi như thế, không biết ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời ra sao?  Không lẽ ông lại xoa xoa hai tay phân trần:  Nước tôi thì nó khác ông ạ!  Tự do dân chủ hay nhân quyền đều phải đi theo con đường “định hướng CNXH”!  Tài nguyên, đất đai vẫn phải là “sở hữu của toàn dân”.  Kinh tế không để quốc doanh chủ đạo theo định hướng CNXH thì không được!  Nhưng lớn nhất và thành công nhất là vẫn giữ nguyên được điều 4 trong Hiến pháp mới trước tuyên truyền lừa bịp của bọn “diễn biến hoà bình” đòi đa nguyên đa đảng!  Ông có thấy đó là thành quả vĩ đại mà 90% đảng viên đại biểu quốc hội của chúng tôi đạt được không?
Có điều, khi kết thúc Thông điệp đầu năm không nghe ông Nguyễn Tấn Dũng nói câu cửa miệng “Năm mới thắng lợi mới”!  Như thế thì đã rõ ràng, ông tự biết năm cũ của chính phủ do ông lãnh đạo đã chẳng có thắng lợi gì, có nghĩa là thất bại!  Vì thế trong năm mới chắc cũng chẳng khá hơn được!  Ấy thế mà vẫn có người hy vọng!
Thôi thì, “wait and see” vậy!  Hãy đợi xem!
(Jan 3rd, 2014)
© Đàn Chim Việt

Học tập điển hình là thế này sao?

   Tôi cũng đã từng có nhiều phụ huynh học sinh là Ủy viên Trung ương, mỗi khi tiếp xúc họ khiêm nhường, cởi mở. Tôi nghĩ mình là dân nên rất ngại nói chuyện, nhưng chính họ là người chủ động xóa bỏ mặc cảm ấy, họ tâm sự, chia sẻ vui buồn cùng tôi. Nhưng gần đây được giới truyền thông đưa tin, mấy ông Bộ trưởng Ủy viên Trung ương sao mà dốt đến thế, họ là tư lệnh trưởng của ngành mà chẳng hiểu công việc bộ, ngành mình là gì? Mỗi khi đăng đàn nói thao thao bất tuyệt, chẳng hiểu mình nói gì, vì bài đã được viết sẵn, ở dưới người nghe chỉ biết cười. Nhưng đấy là năng lực không đáng trách.
  Hôm qua báo chí đưa tin ông Hồ Xuân Mãn, nguyên ủy viên Trung ương, nguyên Bí thư tỉnh Thừa Thiên Huế. Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo hủy quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đối với ông.
Buổi giao lưu
  Khi còn đương chức Bí thư tỉnh Thừa Thiên Huế, ông làm hồ sơ để phong tặng danh hiệu cao quý. Trong số 17 thành tích của ông, có 8 thành tích báo cáo không đúng, 4 thành tích không đủ cơ sở để xác định, 3 thành tích ông khai mình là người chỉ huy đơn vị lập công nhưng thực tế chỉ là người tham gia phối hợp...
 15 thành tích không đúng thực tế của ông, có nhiều thành tích mà ông này khai man trắng trợn, như ở thành tích thứ 8, ông Mãn khai, từ năm 1969 đến ngày 26/3/1975, ông tổ chức đơn vị đánh gần 100 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 150 tên Mỹ ngụy, phá hủy 1 máy bay, 37 xe quân sự; trong khi thành tích này không có trong thực tế. Hay như ông này bịa thành tích thứ 12 rằng, vào tháng 11/1971, ông đã mưu trí dùng mìn tự tạo nghi binh dụ địch vào ổ phục kích, tiêu diệt gọn 27/28 tên địa phương quân… 
Các cựu CB Thừa Thiên Huế tố cáo ông Mãn
   Hội cựu chiến binh tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có ông Hoàng Phận- một trong những đảng viên đại diện đứng đơn tố cáo hồ sơ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND của ông Hồ Xuân Mãn- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế cho biết, từ khi làm đơn đến nay, ông nhận được một số cuộc điện thoại của người lạ gọi đến dọa dẫm.
   Đau hơn cả tôi đã được xem chương trình: Ông là một trong ba Bí thư Quảng Ninh, Lâm Đồng và Thừa Thiên – Huế được tuyên dương tại Hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến toàn quốc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” diễn ra tối nay (24/1/2010) ở Hà Nội. Ông đại diện cho 144 cá nhân điển hình toàn quốc sau ba năm triển khai cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đọc báo cáo. Theo Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: “Đây là những đại diện  cá nhân điển hình trong phạm vi cả nước. Cuộc vận động đã mang lại ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng nền tảng đạo đức, tinh thần của toàn xã hội, việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác ngày càng trở thành hành động tự giác, tích cực của nhiều cán bộ đảng viên và quần chúng trên mọi miền đất nước”.

  Gần đây nhất ông còn xuất hiện trong buổi kỉ niệm 100 ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Hội đồng kỉ luật nói rằng ông bị bệnh nặng nên chưa đưa vấn đề kỉ luật lúc này. Kỉ luật của đảng mà như vậy sao?
 Chẳng cần bình luận gì hơn.

Bài báo Đại Đoàn Kết

Xung quanh vụ cưỡng chế, thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng: Ông Đoàn Văn Vươn đã sai phạm như thế nào? (15/02/2012)
LTS: Vụ cưỡng chế thu hồi 40,3 ha đầm của ông Đoàn Văn Vươn, tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã có rất nhiều thông tin với nhiều ý kiến nhận định, phân tích vụ việc. Những sai phạm trong giao đất, thu hồi đất và việc phá hủy tài sản của ông Đoàn Văn Vươn đã được lãnh đạo cao nhất của Chính phủ và TP.Hải Phòng kết luận, yêu cầu điều tra, làm rõ cùng với hàng loạt những cán bộ sai phạm bị đình chỉ công tác, chờ xử lý. Tuy vậy, nhiều ý kiến người dân đã tranh luận xung quanh những sai phạm, vi phạm của ông Vươn sẽ phải xử lý như thế nào trước pháp luật? Ngoài hành vi đặt mìn, nổ súng chống người thi hành công vụ, ông Đoàn Văn Vươn đã chấp hành như thế nào các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác, sử dụng đất được giao? Chúng tôi cũng xin nêu thêm những thông tin trong vấn đề trên để góp phần phản ánh một cách đầy đủ, toàn diện điều đúng, việc sai của cả chính quyền và người dân, tránh những cái nhìn phiến diện.

                        Khu đầm của gia đình ông Vươn              
Ảnh: T.L
Ông Đoàn Văn Vươn sinh năm 1963, trú tại xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng. Gia đình ông Vươn gồm bố mẹ, vợ chồng ông Vươn, em gái và cháu ông Vươn được UBND xã Bắc Hưng giao 2.940m2 đất nông nghiệp để sử dụng lâu dài và 1.157m2 đất đứng tên bố ông Vươn là ông Đoàn Văn Thiểu. Như vậy, chưa tính tới diện tích đất được giao tại xã Vinh Quang, gia đình ông Vươn đã có tới hơn 4.200m2 đất để sử dụng, canh tác lâu dài và phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngày 4-10-1993, UBND huyện Tiên Lãng đã có Quyết định số 447/QĐ-UB giao cho ông Đoàn Văn Vươn sử dụng 21ha đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia thuộc địa bàn xã Vinh Quang để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản với thời hạn 14 năm. Trong các quyết định giao đất ghi hết thời hạn sử dụng đất chủ sử dụng đất phải giao trả lại đất để Nhà nước quản lý. UBND huyện sẽ ban hành quyết định thu hồi đất đối với các trường hợp hết thời hạn sử dụng ghi trong quyết định để tiếp tục cho thuê đất theo quy định trên cơ sở nhu cầu xin thuê đất và khả năng đầu tư hiệu quả. Sau đó, ông Vươn đã tự ý đắp bờ ao, lấn thêm 19,3ha, vượt quá diện tích được giao. UBND huyện Tiên Lãng đã quyết định xử phạt hành chính việc lấn chiếm đất đai của ông Vươn với số tiền 1 triệu đồng. 
Ngày 9-4-1997, căn cứ văn bản xin giao đất bổ sung của ông Vươn, UBND huyện Tiên Lãng quyết định giao bổ sung cho Đoàn Văn Vươn 19,3 ha. Như vậy, ông Vươn được UBND huyện Tiên Lãng giao tổng số 40,3 ha đất để nuôi trồng thủy sản.
Trong quá trình sử dụng đất, UBND TP.Hải Phòng đã cấp cho ông Đoàn Văn Vươn 81,8 triệu đồng để trồng rừng ngập mặn phía ngoài bờ đầm của ông Vươn. Mặc dù được tạo điều kiện như vậy, nhưng trong quá trình tiến hành vây đắp bờ và khai thác đầm, ông Vươn nhiều lần chặt phá rừng phòng hộ. Ban quản lý dự án Vinh Quang 2 đã nhiều lần lập biên bản, ra thông báo yêu cầu dừng chặt, phá rừng. UBND huyện Tiên Lãng đã ra quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với ông Vươn về hành vi gây thiệt hại rừng phòng hộ trên diện tích được giao và bồi thường 5 triệu đồng chi phí trồng lại rừng.
Về thực hiện các quy định pháp luật và chính sách thuế, UBND huyện Tiên Lãng ban hành các quyết định giao chỉ tiêu thu thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các hộ trên toàn bộ diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản ven sông, biển. Cụ thể, từ năm 2000 đến 2007, hộ ông Vươn phải nộp hơn 58 triệu đồng. Ông Đoàn Văn Vươn mới nộp hơn 48 triệu đồng, còn nợ hơn 10 triệu đồng. Chi cục Thuế Tiên Lãng, UBND xã Vinh Quang có thông báo yêu cầu nộp thuế, nhưng Đoàn Văn Vươn vẫn chưa nộp. 
Ngoài ra, ông Đoàn Văn Vươn khi được Nhà nước giao sử dụng đất lại đem chính đất đó cho người khác thuê. Một gia đình địa phương từ năm 2008 đã thuê lại gần 6 ha đầm của Đoàn Văn Vươn thời hạn 7 năm, với giá 5 triệu đồng/ha/năm.
Nghiêm trọng và nguy hiểm nhất là trong sự việc ngày 5-1-2012, UBND huyện Tiên Lãng tổ chức đoàn công tác cưỡng chế, ông Vươn và một số người đã đặt, cho nổ mìn tự tạo và dùng súng bắn đạn hoa cải bắn vào đoàn cưỡng chế làm 6 người bị thương.
Nhóm Phóng viên

Những quyết định cực 'hot' ở Hà Nội

(VTC News) – Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành hàng loạt văn bản, quyết định, chính sách mới đáng chú ý.
Giải thể Ban chống tham nhũng

UBND thành phố (TP) Hà Nội vừa giải thể Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng TP Hà Nội.

Theo Quyết định số 8017/QĐ-UBND, UBND TP giao Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tổng hợp, thống kê tài chính, tài sản, trang thiết bị, phương tiện, các chứng từ, hồ sơ, tài liệu có liên quan, lập danh sách công chức và lao động hợp đồng để tiến hành thủ tục bàn giao, thuyên chuyển về các cơ quan, đơn vị, đồng thời làm việc với Công an TP để thu hồi con dấu của Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng TP theo quy định.

Lãnh đạo TP yêu cầu Văn phòng UBND TP, Thanh tra TP, Sở Xây dựng, Ban Dân tộc TP tiếp nhận cơ sở vật chất và đội ngũ công chức, lao động hợp đồng được thuyên chuyển từ Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng TP...

Tăng phí trông xe


Phí trông xe chính thức tăng
Phí trông xe chính thức tăng  
Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội vừa có quyết định sửa đổi mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy. Theo đó, từ ngày 02/01/2014, phí trông giữ xe máy ban ngày tăng từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng/lượt, ban đêm từ 3.000 lên 5.000 đồng/lượt và xe máy gửi theo tháng từ 45.000 đồng lên 70.000 đồng/tháng.
Riêng các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại, mức phí gửi xe máy cao hơn so với những địa điểm khác. Cụ thể, tại chung cư, trung tâm thương mại có trang thiết bị hệ thống giám sát, camera theo dõi, kiểm tra phương tiện, quẹt thẻ giờ ra vào, in hóa đơn tự động thì phí trông giữ xe máy ban ngày 5.000 đồng/lượt, ban đêm 6.000 đồng/lượt, cả ngày và đêm 10.000 đồng/lượt và vé tháng 100.000 đồng/xe/tháng. 

Nếu không có các thiết bị nói trên thì chỉ được phép thu phí với xe máy ban ngày là 2.000 đồng/lượt, ban đêm là 3.000 đồng/lượt và 5.000 đồng cả ngày lẫn đêm.

Ngoài ra, UBND Thành phố cũng quy định mức phí trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe máy điện). Theo đó, phí trông giữ xe đạp ban ngày là 2.000 đồng/lượt, ban đêm là 3.000 đồng/lượt, cả ngày lẫn đêm là 4.000 đồng/lượt và theo tháng 40.000 đồng/tháng/xe.

Ông Phi Vân Tuấn - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho rằng, mức thu phí trông giữ xe từng áp dụng cách đây vài ngày có từ 6 năm trước và chưa được điều chỉnh nên không còn phù hợp với mức độ trượt giá của các loại phí (tiền lương, chi phí khác). Để khắc phục những tồn tại trong hoạt động trông giữ xe thì việc tăng phí trông giữ là cần thiết.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, thời gian gần đây qua công tác kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước tại các điểm trông giữ xe cho thấy, vẫn tồn tại việc thu phí cao hơn mức quy định.

"Để xảy ra việc thu phí cao hơn mức quy định, ngoài nguyên nhân chạy theo lợi nhuận của cá nhân, tổ chức trông giữ xe thì có cả lỗi của cơ quan quản lý và chính quyền sở tại. Mặt khác, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh của Thủ đô chưa đáp ứng được nhu cầu đỗ, gửi xe của các phương tiện giao thông", ông Sửu lý giải. 

Hạn chế xe ở trung tâm thành phố
Hà Nội đã có phương án tổ chức phân luồng từ xa, đảm bảo an toàn giao thông trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
Hà Nội đã có phương án tổ chức phân luồng từ xa, đảm bảo an toàn giao thông trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. 
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng vừa có công văn chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố Hà Nội có phương án tổ chức phân luồng từ xa, đảm bảo an toàn giao thông trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.


Theo đó, từ ngày 15/01 đến 16/02/2014 (tức là từ 15/12/2013 - 17/1/2014 âm lịch) sẽ hạn chế hoạt động của các phương tiện trong trung tâm. Khu vực hạn chế phương tiện hoạt động được giới hạn bởi các tuyến đường Phạm Văn Đồng-Phạm Hùng-Đại lộ Thăng Long-Đường 70-Đường 72-Lê Trọng Tấn (Hà Đông)-Phúc La-Văn Phú-Phùng Hưng (Hà Đông)-Cầu Bươu-Phan Trọng Tuệ-Ngọc Hồi-Pháp Vân-cầu Thanh Trì-Nguyễn Văn Linh-Ngô Gia Tự trở vào trung tâm thành phố. Trong giờ cao điểm các xe có trọng tải trên 1,25 tấn bị cấm hoạt động.

Thêm 20 tỷ đồng sửa chữa mặt cầu Thăng Long
Mặt cầu Thăng Long đã nhiều lần được "vá", nhưng vẫn nham nhở
Mặt cầu Thăng Long đã nhiều lần được "vá", nhưng vẫn nham nhở  
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa quyết định điều chỉnh bổ sung khoản kinh phí 20 tỷ đồng để sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt cầu Thăng Long.


Cụ thể, dự án sẽ sửa chữa phần nhịp dàn thép bị hư hỏng cục bộ trên mặt cầu Thăng Long, trả lại tình trạng êm thuận cho mặt cầu, duy trì khả năng khai thác và tuổi thọ công trình, đảm bảo mỹ quan và an toàn giao thông cho người và phương tiện.

Trên cơ sở mặt cầu cũ, chủ đầu tư sẽ tiến hành xác định vị trí, quy mô của vết nứt, hư hỏng cục bộ, đồng thời tiến hành bóc bỏ lớp bê tông nhựa trên bản thép mặt cầu.

Trước đó, vào tháng 10/2013, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT Hà Nội đã sửa chữa, duy tu mặt cầu Thăng Long với tổng kinh phí hơn 28 tỷ đồng.

Thêm 28 đường, phố mới

Hà Nội có thêm 28 đường, phố mới
Hà Nội có thêm 28 đường, phố mới  
UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định đặt tên 28 đường, phố mới và kéo dài 6 tuyến đường, phố.


Trong các đường, phố mới, có 11 đường, phố mang tên địa danh, 1 phố mang tên di tích lịch sử văn hóa; 16 đường, phố mang tên danh nhân.

Cụ thể, có phố Quan Hoa, Thành Thái, Nguyễn Đình Hoàn, Trần Kim Xuyến (quận Cầu Giấy); phố Yên Lãng (quận Đống Đa); Văn Yên, Văn Quán, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Văn Lộc, Tố Hữu (quận Hà Đông); Sở Thượng, Trần Hòa (quận Hoàng Mai).

Ngoài ra, còn có Cầu Bây, Phan Văn Đáng, Lưu Khánh Đàm, Thép Mới, Đoàn Khuê (quận Long Biên); Phú Thượng, Phú Xá, Phúc Hoa, Từ Hoa (quận Tây Hồ); Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân); Đường Xuân Canh, Phúc Lộc (huyện Đông Anh); đường Nguyễn Huy Nhuận (Gia Lâm); đường Tân Nhuệ, phố Nguyễn Xuân Nguyên, phố Đỗ Đình Thiện (Từ Liêm).

DẤU VẾT RA ĐỜI CỦA CON CHỮ ĐEN TỐI.

Hồng Hoang- truyện ngắn 166 chữ.
Lời bạt:
“ Khi chúng ta diễn đạt ngôn ngữ, chúng ta nói những từ ngữ được cân nhắc, những từ ngữ được suy nghĩ, những từ ngữ thực, những từ ngữ có trách nhiệm (…), những từ ngữ – hành động có khả năng tạo ra bản chất cuộc sống và nền tảng lịch sử”. ( trích trong “Ý chí sinh tồn” – Cung Giũ Nguyên).
                                                                        ********
Khi con người nghĩ ra chữ viết, Quỷ hiện lên khóc đã ba ngày ba đêm dòng. Người bèn hỏi tại sao Quỷ khóc? Quỷ nói vì ta mất ngôi Quỷ Vương rồi. Người lại hỏi có gì ghê gớm hơn ngươi? Quỷ liền chỉ tay vào chữ của người và nói” Chữ của con người còn dữ hơn Quỷ Vương ta. Từ nay con người sẽ vô cùng cực khổ vì nó. Nói xong Quỷ bỏ đi ,vừa đi vừa khóc….
Và cũng từ đó, ở bất kì đâu khi cựu Quỷ Vương nhìn thấy chữ đều chắp tay khom lưng chào “ cung kính bái Sư Huynh”, chào xong lặng lẽ lui đi. Còn các quỷ con mà thấy chữ thì reo vui: “cung kính chào Sư Bá”, chào xong lũ quỷ con ngoan ngoãn chờ sự sai bảo cắt đặt của sư bá cho tọa ở chữ nào thì yên vị ở chữ đó mà làm thành những chủ thuyết cho con người.
HgHg 12-2013
Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét