Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Đảng có dám đổi mới? - 'Bắt đầu chạy nước rút quyền lực?' - Thủ tướng nói... - Tàu hỏa VN trăm năm vẫn thế?

Đảng có dám đổi mới?

Nguyễn Lễ
BBCVietnamese.com
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thông điệp của Thủ tướng có thật sự đột phá?

Việt Nam vừa bước sang một năm mới rất mới.

Cùng một lúc, người dân đón nhận hai cái mới: Hiến pháp mới và lời kêu gọi đổi mới.

Hiến pháp mới đã có hiệu lực được vài ngày – không biết người dân đã cảm nhận được khác biệt gì chưa – nhưng ít nhất, họ đã nghe một thông điệp rất khác thường.

Khác với trước đây, thông điệp năm nay nghe rồi nhưng không trôi vào dĩ vãng. Nó tạo được tiếng vang và được mang ra bàn luận.

Tầm nhìn của nó không chỉ là một năm mà là quốc kế lâu dài của nhiều năm, thậm chí của vài thập kỷ.

Bàn về tình hình kinh tế-xã hội là một chuyện, thông điệp còn đi sâu vào căn cơ của vấn đề. Và trên hết, đó là lời kêu gọi đổi mới.

Kể từ khi Đảng phát động công cuộc đổi mới vào năm 1986, đã gần 30 năm mới nghe thấy lời kêu gọi đổi mới từ cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước.

Một vấn đề hệ trọng như ‘đổi mới’ thì tôi tin rằng đây không phải là thông điệp của cá nhân người đứng đầu Chính phủ mà Thủ tướng chỉ thay mặt Đảng và chính quyền truyền đạt lại với nhân dân.

Ba vấn đề cốt lõi

Nội hàm của khái niệm ‘đổi mới’ này, như Thủ tướng đã trình bày, tựu chung ở ba vấn đề cốt lõi: dân chủ, pháp trị và thể chế.

Xét tình hình Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ ba chủ đề này đã chạm gần đến cốt lõi mọi vấn đề.

Trước hết, nhắc đến pháp trị tôi lại nhớ đến một câu chuyện tôi vừa nghe.

Cách nay mấy hôm, tôi có cuộc phỏng vấn với cô Tạ Minh Tú, con gái bà Đặng Thị Kim Liêng, người tự thiêu đến nay cũng gần hai năm.

Đặng Thị Kim Liêng
Bà Liêng là nạn nhân của cường quyền?

Cuộc phỏng vấn nhằm tìm hiểu thực hư về di bút tuyệt mệnh mà bà Liêng được cho là đã để lại trước khi tự thiêu mà con gái bà đến nay mới phát hiện được.

Thư tuyệt mệnh mà cô Tú xác nhận đúng là nét chữ của mẹ tố cáo chính chính quyền đã đưa bà vào con đường chết bằng cách ‘gài bẫy, cột đủ thứ tội, vu khống để lấy nhà’.

Theo lời kể của con gái bà thì trước khi tự thiêu, bà Liêng đang theo đuổi một vụ kiện đất đai với nhà hàng xóm. Cô kể rằng trước ngày tự thiêu bà Liêng đã ‘ngồi trên võng nhìn con chết lặng rồi khóc’.

Dẫu rằng không thể dựa vào lời kể của cô Tú để xác định tính xác thực của câu chuyện, vả lại việc tranh chấp này tôi cũng không biết đúng sai thế nào.

Nhưng một bà lão tự tưới xăng rồi châm lửa ngay trước cổng cơ quan công quyền thì chắc chắn phải tuyệt vọng cùng cực và uất ức đến đỉnh điểm trước chính quyền.

Ở đây cần nhắc lại là bà Liêng cũng chính là mẹ của Tạ Phong Tần, người đang thụ án tù vì tội ‘chống Nhà nước’.

Pháp luật trong tay

Nếu chính quyền chỉ vì lẽ công bằng mà xử lý chuyện gì ra chuyện đó thì liệu bà Liêng có uất đến như vậy không? Đến nỗi một mạng người oan uổng để lại thảm cảnh cho một gia đình mà chính quyền cũng bị mang tiếng xấu.

Mà đến tận bây giờ chính quyền cũng im luôn vụ kiện đất đai, theo lời cô Tú.

Ở đây tôi có cảm giác là pháp luật được vận dụng tùy tiện, cảm tính theo ý chính quyền chứ chẳng hề có gì là ‘pháp trị’ cả!

Vinashin
Tại sao phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước?

Có lẽ cũng cần thông cảm khi thông điệp của Thủ tướng chỉ nói đó là điều muốn đạt được. Cái muốn đạt được thì trên thực tế chưa có hoặc có ở mức độ chưa như mong muốn.

‘Pháp trị’ thì như thế, còn ‘thể chế’ và ‘dân chủ’ thì sao?

Thể chế cần hoàn thiện là ‘thể chế kinh tế thị trường’ mà Thủ tướng đã nói rõ là phải ‘tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng’.

Kinh tế thị trường phải là một cuộc chơi công bằng, nhưng liệu có công bằng không khi mà bắt đầu cuộc chơi, có người được cho giữ vai trò chủ đạo?

Hiến pháp quy định vậy thì chính quyền có can thiệp được không để tạo ‘môi trường công bằng’?

Đảng và dân chủ

Tuy nhiên ấn tượng nhất ở đây là mục tiêu ‘dân chủ’.

Có thể thấy Đảng có một bước đi ngoạn mục.

‘Dân chủ’ là một từ Đảng vốn dĩ không thích. Các cơ quan tuyên truyền của Đảng lâu nay vẫn luôn tấn công ‘dân chủ’ khiến cho khái niệm này trở thành có hàm ý xấu.

Nay thì khác. Đảng không những ‘nắm chắc ngọn cờ dân chủ’ mà dân chủ của Đảng phải ‘ưu việt hơn tư bản’.

Rõ ràng Đảng muốn‘dân chủ’ là giá trị của mình mà các nước tư bản chẳng những không bì được mà cũng không giành được!

Dân chủ, theo Đảng, muốn phát huy tốt thì phải ‘tăng cường sự lãnh đạo của Đảng’.

Phiên tòa thanh niên Công giáo
Liệu Việt Nam có dân chủ không khi người dân không được bày tỏ chính kiến?

Tôi không rõ vì sao mà tăng cường quyền lực cho chính quyền lại có lợi cho quyền làm chủ của dân trong khi chính quyền đó không được dân bầu, không do dân giao quyền và không có cơ chế chịu trách nhiệm trước dân?

Các mục tiêu trên được Thủ tướng đánh giá là ‘rất khó khăn’. Đúng là khó khăn thật!

Chừng nào Đảng giải thích được tại sao có người làm chủ lại cần người lãnh đạo ông chủ thì tôi mới tin là độc đảng đem lại dân chủ.

Chừng nào chính quyền không chỉ cải thiện thể chế thị trường, mà còn thể chế chịu trách nhiệm, thể chế phi tham nhũng… thì tôi mới tin vào khả năng chính quyền có thể giải quyết tận gốc rễ vấn đề.

Chừng nào pháp luật tự thân đứng vững không bị lợi dụng hoặc thao túng thì tôi mới tin là có Nhà nước pháp quyền.

Chừng nào bất cứ ai, kể cả ‘một ủy viên Bộ Chính trị’, cũng phải được xét xử bằng pháp luật chứ không phải xử kín rồi tha bổng thì tôi mới tin vào pháp trị.

Xoa dịu người dân?

Dẫu sao thì việc chính quyền nhận thức được ý nghĩa của dân chủ, thể chế và pháp trị cũng là điều đáng hoan nghênh.

Động cơ của việc này được cho là ‘cần động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh’ khi mà ‘động lực của những cải cách trước đây không còn đủ mạnh’.

Xét tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam hiện nay thì tôi tin vào động cơ này. Đảng, với tư cách người cầm lái, đang thật sự muốn đổi mới để tạo chuyển biến lớn cho đất nước.

Quốc hội Việt Nam
Các đại biểu Quốc hội có đại diện cho người dân?

Với lại, việc Đảng cổ súy dân chủ, pháp trị và thể chế chứng tỏ Đảng không bảo thủ mà đã lắng nghe tâm tư của dân, tuân theo xu thế của thời đại và chạy theo bước tiến của thế giới.

Ít nhất, Đảng có thể xoa dịu phần nào những đòi hỏi của người dân. Chỉ trích Đảng về dân chủ ư? Chẳng phải Đảng ‘đang nắm chắc ngọn cờ dân chủ’ đó sao? Lên án Đảng độc quyền lãnh đạo chăng? Đảng đang ‘đảm bảo dân chủ’ đấy!

Đảng cho thấy quyết tâm ‘đổi mới’ với việc hoàn thiện các thể chế. Nhưng cái gốc của mọi thể chế là Hiến pháp thì Đảng có quyết tâm hay không?

Người dân thức dậy vào năm mới với những hứa hẹn là cuộc sống của họ sẽ rất khác.

Không rõ họ có cảm nhận được khác biệt gì không, nhưng nhìn quanh vẫn là Đảng độc quyền lãnh đạo, ruộng đất của chung còn quốc doanh vẫn chủ đạo nền kinh tế.

Vẫn chưa thể đổi?

Mong Đảng từ bỏ độc quyền lãnh đạo của mình có lẽ quá viễn vông. Nhưng vấn đề đất đai và quốc doanh, bao năm qua rối loạn thế nào mà vẫn để được hay sao?

Người nông dân không thể an tâm làm ăn nếu ruộng vườn nhà cửa có thể bị cưỡng chế bất cứ lúc nào. Lòng dân không yên và nông thôn tiếp tục xáo trộn.

Đành rằng cần thu hồi đất cho an ninh-quốc phòng. Đành rằng phát triển kinh tế-xã hội là cần thiết. Đành rằng lợi ích của nhà đầu tư phải bảo đảm. Nhưng lợi ích của nông dân thì sao?

Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng
Làng quê Việt Nam sẽ không yên bình với các vụ cưỡng chế thu hồi đất?

Nhà đầu tư thì hám lợi còn chính quyền có thể bị mua chuộc bằng tiền. Rốt cuộc tiền-quyền cấu kết với nhau đè lên đầu lên cổ người dân.

Bao năm qua vẫn diễn ra hình ảnh phản cảm là chính quyền hùa với nhà đầu tư bức bách nông dân. Vậy tại sao Hiến pháp không điều chỉnh? Nếu không đảm được đảm bảo quyền lợi tất cả các bên thì lẽ nào lại bắt người dân chịu thiệt?

Về phía doanh nghiệp quốc doanh, tôi không thấy có cơ sở nào để giữ vai trò chủ đạo – xét cả thực tiễn lẫn lý luận.

Về mặt thực tiễn, các doanh nghiệp nhà nước được ưu ái tạo mọi điều kiện nhưng chỉ có từ nợ tới lỗ mà nếu có lời thì hiệu quả sử dụng đồng vốn không bằng được tư nhân.

Về mặt lý luận, doanh nghiệp nhà nước được bảo trợ nên mất hết động lực cạnh tranh. Họ không cảm thấy sức ép phải giảm nhân sự, bớt chi tiêu, cải tiến công nghệ, cập nhật quy trình và nâng cao năng lực quản lý như tư nhân.

Quốc hội của ai?

Chưa kể việc Nhà nước dùng các chính sách điều tiết để hỗ trợ đã bóp méo nền kinh tế thị trường mà nguyên tắc cốt lõi là tự thân vận động.

Cho nên, ngoài việc thể hiện lý thuyết của Đảng về ‘quan hệ sản xuất công hữu’ thì tôi thấy không có lý do thuyết phục để duy trì vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước.

Có lẽ tôi không ở tâm thế của các đại biểu Quốc hội nên không thể hiểu được những cân nhắc của các vị về lợi ích toàn cục của đất nước chăng?

Ký Hiến pháp
Hiến pháp mới đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1 năm 2014

Ở điểm này thì chắc Thái Lan không bằng Việt Nam. Dù lợi ích của người nông dân họ có cục bộ và có làm tổn hại đến lợi ích chung của đất nước nhưng họ vẫn có đại diện đông đảo và mạnh mẽ tại Hạ viện.

Còn khi Quốc hội Việt Nam ấn nút thông qua Hiến pháp với số phiếu gần tuyệt đối thì không rõ Quốc hội đó đại diện cho ai nhưng chắc chắn không có ai đại diện cho 80% dân số là nông dân vốn không hề muốn đất đai của mình bị công hữu và cũng không có ai đại diện cho số đông người đóng thuế không muốn tiền mồ hôi nước mắt của mình chảy vào những cái thùng không đáy của các doanh nghiệp nhà nước.

Đối với chính quyền thì con số gần 98% tán thành có lẽ là cần thiết để trả lời ‘các thế lực thù địch’ chỉ trích việc lập hiến của Đảng.

Tuy nhiên, đây có thật sự là thắng lợi của Quốc hội?

Nó cho thấy đại đa số người dân Việt Nam không được đại diện trong Quốc hội. Nó cũng cho thấy Đảng không sòng phẳng với dân khi tận dụng vị thế cầm quyền để soạn ra bản Hiến pháp có lợi cho mình.

'Thêm ria cho mèo'

Tương tự, con số ‘hoành tráng’ hàng chục triệu người dân góp ý cho Hiến pháp không hề cho thấy lòng dân tin Hiến pháp mà chỉ đơn thuần là tô vẽ cho cho nền dân chủ của Đảng.

Đào đâu ra mấy chục triệu người dân không những có hiểu biết sâu sắc về chính trị, pháp luật mà còn dành thời gian đáng kể trong thời buổi cơm áo gạo tiền hiện nay để nghiên cứu dự thảo Hiến pháp?

Rõ ràng, tinh thần đổi mới quyết liệt mà Thủ tướng đề xướng không hề thấy trong suốt thời gian sửa đổi Hiến pháp. Thay đổi có chăng là vẽ thêm ria cho mèo mà thôi.

Pa nô cổ động của Đảng Cộng sản Việt Nam
Đảng đang đi quá chậm trong khi thế giới đã đi quá nhanh?

Chẳng hạn như thêm vào câu ‘Đảng chịu trách nhiệm trước dân’ nhưng không hề nói là chịu trách nhiệm thế nào? Có mất quyền khi phạm sai lầm không?

Chẳng hạn nói Chủ tịch nước là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang vậy còn Bí thư Quân ủy Trung ương thì sao?

Chẳng hạn như viết hoa chữ ‘Nhân dân’. Nghe giống như phần thưởng an ủi cho dân vậy!

Hiến pháp một khi đã ra đời thì sức sống ít nhất cũng cả chục năm.

Trong khoảng thời gian từ nay đến chục năm tới, Việt Nam khó lòng có thay đổi gì lớn lao.

Trong bối cảnh thế giới phát triển như vũ bão hiện nay. Cả chục năm nữa mà những vấn đề nhức nhối vẫn y nguyên thì đất nước sẽ còn tụt hậu đến chừng nào?

Chừng nào Đảng thay đổi?

Đảng nói sửa Hiến pháp ở những vấn đề thực tế đã tỏ tường, nhưng vấn đề ‘đã tỏ tường’ đấy thật ra rất chậm so với sự vận động của cuộc sống.

Bản thân Đảng ngày xưa nói ‘chủ nghĩa xã hội bách chiến bách thắng’ nhưng nay chỉ còn yêu cầu ‘tôn trọng sự khác biệt’.

Đảng đang đối phó với sự tự diễn biến trong lòng Đảng mà đã là diễn biến tự nhiên thì sức người không thể nào đỡ nổi.

Đảng đang liên tục yêu cầu quân đội và công an trung thành tuyệt đối. Chứng tỏ Đảng cũng đang bất an với quyền lực của mình.

Người dân Ukraine kéo đổ tượng Lenin
Người dân Ukraine muốn đoạn tuyệt với quá khứ có hình ảnh của Lenin

Các Đảng cộng sản một thời trên thế giới hoặc là đã giải tán, hoặc là đã thay tên, đổi cờ, hoặc đã từ bỏ chuyên chính vô sản và chấp nhận đấu tranh nghị trường.

Tôi đã chứng kiến những người lớn lên trong lòng Đảng ở Hà Nội giờ chỉ quan tâm chuyện làm ăn. Tôi đã nghe trên khắp đường phố Sài Gòn phát ra những bản nhạc vàng từ mấy chục năm trước từ loa của những người bán đĩa dạo.

Sách kể rằng ngày xưa trước họa xâm lăng của người Pháp, quần thần Tự Đức vẫn chủ trương Thánh Khổng: ‘lấy đạo quân tử chống kẻ tiểu nhân’. Kết cục thế nào ai cũng rõ.

Trong khi đó, vào lúc này có kẻ như hùm như hổ đang lăm le múa vuốt nhe nanh.
Đảng cũng có kinh nghiệm gần 30 năm trước. Trước sự tồn vong Đảng đã vượt qua những trở lực nội tại rất lớn để ‘đổi mới’ và từ bỏ kinh tế tập trung bao cấp.

Chính công cuộc đổi mới đó đã cứu Đảng chứ không phải như Đảng nói là Đảng đã cứu dân.

Thực tế cũng cho thấy nếu người cầm quyền thức thời biết lấy lợi ích quốc gia làm trọng thì sử sách và nhân dân sẽ ghi nhận – như những nhà lãnh đạo quân sự Miến Điện hiện giờ.

Cánh cò - Thủ tướng nói...

Đầu năm 2014, hầu hết các trang mạng điện tử đều chú ý tới bài thông điệp đầu năm của Thủ tướng. Đỉnh nhất có lẽ là bài của nhà văn Phạm Thị Hoài với nhận xét ngắn gọn và chính xác: không thấy bóng nhân dân trong đó.
Một bài “thông điệp” nói với nhân dân mà không có bất cứ một anh nông dân hay một chị bán báo nào thì có lẽ anh chàng viết diễn văn này của Thủ tướng sắp nhận được chiếc phong bì cuối cùng trong cuộc đời làm “ma” viết (ghostwriter).
Bài thông điệp dài nhưng không buồn ngủ. Không phải ở sự hấp dẫn thông tuệ của nó mà do ẩn phía sau những từ ngữ quen thuộc đã được đánh bóng, tân trang lại cho hợp với cái gout ngôn ngữ ngày nay. Bóng quá nên trơn trợt và gây nên nhiều dấu hỏi cần được nêu ra trong tinh thần chính thủ tướng đề xướng ở những dòng kết luận: “phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”
Với tư cách một người dân, tôi làm chủ với Thủ tướng.
Theo trình tự từ đầu tới cuối của bài thông điệp, trước tiên Thủ tướng nói: “Thực hiện Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.”
Tôi nói: Như vậy là Thủ tướng đã chính thức thừa nhận trước nhân dân cả nước rằng Quốc hội và Chính phủ là công cụ của Đảng do đó phải thi hành kết luận của Trung ương Đảng. Xin hỏi Thủ tướng, đây có phải là một khẳng định “có tính lịch sử” về điều 4 Hiến pháp đã bắt đầu bạch hóa?
Thủ tướng nói: “Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng....Báo cáo thường niên của nhiều tổ chức quốc tế đều xếp hạng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế. Đây là chỉ báo tham khảo quan trọng về vị trí của từng quốc gia trong cuộc ganh đua toàn cầu. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.”
Tôi xin hỏi thủ tướng: Còn báo cáo thường niên về chỉ số tham nhũng của Việt Nam thì sao? Báo cáo thường niên về đàn áp và bỏ tù nhà báo và blogger của Việt Nam thì sao? Báo cáo thường niên về chỉ số tin tưởng của doanh nghiệp Việt Nam thì sao?
Thủ tướng có nghĩ rằng những chỉ số này có làm cho Việt Nam lừng lững trong mắt của bạn bè quốc tế không? Nếu không thì giải pháp mà Thủ tướng đưa ra là gì?
Thủ tướng nói:“Dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”
Tôi nói: Người viết bài diễn văn này cho Thủ tướng tỏ ra không biết gì về lịch sử của hai từ Dân chủ. Anh hay chị ta chỉ cần vào Wikipedia sẽ thấy ngay: “Thuật ngữ này xuất hiện đầu tiên tại Hy Lạp với cụm từ "quyền lực của nhân dân” được ghép từ chữ δήμος (dēmos), "nhân dân" và κράτος (kratos), "quyền lực" vào khoảng giữa thế kỷ thứ 5 đến thứ 4 trước Công nguyên để chỉ hệ thống chính trị tồn tại ở một số thành bang Hy Lạp, nổi bật nhất là Anthena sau cuộc nổi dậy của dân chúng vào năm 508 TCN.”
Cái bệnh “ăn theo” bác Hồ đã ăn sâu vào não thùy của rất nhiều bài diễn văn nhưng thông điệp đầu năm mà như thế thì thật là đáng buồn Thủ tướng ạ.
Thủ tướng nói: “Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ”.
Là người dân tôi xin hỏi: Ý nghĩa thật sự của câu này là gì vậy? cái chế độ xã hội chủ nghĩa mà Thủ tướng đang nói thì ông Tổng Bí thư đã khẳng định rồi, phải đến hết thế kỷ này chúng ta mới biết được diện mạo của nó, vậy mà khăng khăng cho là nó “sẽ” đẹp trai hơn các chàng trai của xã hội dân chủ hiện nay trên khắp thế giới thì có quá hoang tưởng hay vĩ cuồng không?
Thủ tướng nói: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân”.
Xin thưa với thủ tướng: Không có bất cứ nước nào trên thế giới lấy lãnh đạo và quản lý để gọi là giúp cho tốt hơn cái quyền làm chủ của người dân cả. Thủ tướng đang nói ngược lại với sự thật. Dân chủ là phương tiện, công cụ giúp cho lãnh đạo và quản lý nhà nước không sai phạm và đi ra ngoài hiến pháp, tức những gì mà pháp luật quy định.
Thủ tướng nói: “Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại.”
Câu này Thủ tướng nói đúng 50%.
“Dân chủ và nhà nước pháp quyền là một cặp song sinh” là chính xác nhưng “trong một thể chế chính trị hiện đại” thì hoàn toàn sai. Cách đánh tráo khái niệm này rất thường thấy trong bất cứ bài diễn văn nào của cán bộ các cấp, tuy nhiên đối với một thông điệp chính thức của lãnh đạo thì không thể xem thường, bởi ngày nay mạng lưới Internet không cho phép người ta “nói lời rồi lại nuốt lời như không”.
Việt Nam không hề là một thể chế chính trị hiện đại.
Tam quyền phân lập mới là thể chế chính trị hiện đại. Mặc dù nó đã ra đời hàng trăm năm nhưng vẫn chưa có mô hình nào tốt hơn để thay thế. Trong khi ngay từ câu đầu tiên Thủ tướng đã xác định Việt Nam chỉ chịu sự lãnh đạo duy nhất của Đảng thì hiện đại chỗ nào thưa ông?
Thủ tướng nói: “Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng”
Câu này thì sướng tai cho ai không biết về thông tin trên Internet.
Tôi hỏi: Những cái chết thương tâm trong đồn công an, những cuộc khiếu kiện đắng lòng của dân oan khắp chốn, những công dân Việt Nam chưa hề phạm một tội gì vẫn bị cấm xuất cảnh vì sự vượt luật của ngành công an. Thưa Thủ tướng ông gọi những vụ việc này là gì vậy?
Thủ tướng nói: “Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách.”
Thưa thủ tướng, tôi hỏi: Quốc hội là của Đảng, nó ngang hàng với Chính phủ. Vì là hai đứa con song sinh nên khó lòng biết đứa nào là anh đứa nào là em, vậy thằng em chất vấn thằng anh trước 90 triệu con người vừa hiền vừa bất lực như cừu thì nghĩa lý gì thưa ông?
Thủ tướng nói: “Nhà nước phải bảo đảm và phát huy được quyền làm chủ thực sự của người dân, nhất là quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản.”
Tôi hỏi: Cái quyền tham gia xây dựng chính sách là quyền gì vậy và liệu nó có thật hay chỉ là một phần trong vở kịch nhiều chương hồi? Nếu anh nông dân tham gia chính sách thì với sự chân chất vốn có anh ta góp vào cái quyền ấy như thế nào? Chị bán rau ngoài chợ liệu dám ngồi đôi co với một bà chủ tịch Hội phụ nữ đầy quyền lực hay không?
Về cái quyền lựa chọn người đại diện cho mình, tôi có ý kiến:
Mỗi lần đi bầu Quốc hội tôi cứ nghĩ người nào tôi bỏ phiếu phải là người giúp dân giúp nước, thế nhưng sau khi hiệp thương thì toàn những khuôn mặt do chính quyền chọn trước. Bỏ ai cũng rơi vào rọ hết thì người dân chúng tôi làm sao thực hiện được cái quyền cao sang đó, thưa ông Thủ tướng?
Rồi lại còn quyền sở hữu tài sản nữa chứ!
Người ta chỉ coi cái gì là tài sản khi nó có thể bán được hay chí ít cho thuê được, kể cả trí tuệ và bản quyền. Tôi là nông dân nên không có trí tuệ lẫn bản quyền nhưng tôi có đất. Mảnh đất từ ông bà tiên tổ để lại từ hàng trăm năm bỗng nhiên trở thành “sở hữu toàn dân và nhà nước quản lý”.
Sờ hữu toàn dân mà tôi quay sang hỏi ông hàng xóm ổng có biết gì về miếng đất của tôi hay không thì ông ấy lắc đầu. Xin Thủ tướng giải thích thêm vì tôi nghĩ vốn tiếng Việt của mình hình như có vấn đề nên không thể nào hiểu cho suốt một câu tuy ngắn nhưng đầy gai nhọn như thế.
Thủ tướng nói: “Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh”
Tôi thề sẽ chấm dứt sau mấy cái …“Thủ tướng nói” này, vì càng nói ông càng sai, người nghe càng mỏng và tôi càng mệt.
Ông quên những Tổng công ty, Tập đoàn do chính ông sinh ra và chỉ đạo từ đó đến nay. Hỏi nhỏ ông nhé, chúng có độc quyền không và chúng có cạnh tranh bình đẳng không, thưa ông?
Cánh Cò
(RFA Blog's) 

'Bắt đầu chạy nước rút quyền lực?'

Lãnh đạo Việt Nam

Thông điệp của Thủ tướng VN có những điểm độc lập với cơ chế lãnh đạo tập thể, theo nhà quan sát.
Đang diễn ra một cuộc 'chạy đua nước rút' giành quyền lực hướng tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2016, thể hiện qua bản thông điệp chính trị đầu năm của Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng, theo một nhà phân tích từ trong nước.

Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói với BBC hôm thứ Năm, 02/1/2013:

"Dường như theo cảm nhận của tôi, từ đầu năm 2014 trở đi bắt đầu một cuộc chạy đua nước rút, chuẩn bị cho Đại hội 12 của Đảng Cộng sản năm 2016, và đó là cuộc chạy đua của không chỉ một người, mà là một số người.

"Và mỗi người đều có chính kiến, quan điểm, phương pháp, con đường riêng của mình. Thành thử là có một sự độc lập tương đối, không nhất thiết bất kỳ vấn đề gì cũng phải đưa ra bàn trong tập thể, mặc dù thông điệp nêu ra, cơ sở của thông điệp là Nghị quyết Đảng."
'Dấu hiệu cải cách'

"Chẳng hạn sẽ cho ban hành các luật về lập hội, luật về biểu tình và đồng thời cũng xác định một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với cải cách kinh tế đó là vấn đề xóa độc quyền, ở đây không chỉ bàn về vấn đề giảm độc quyền mà cần thiết phải xóa độc quyền" - TS Phạm Chí Dũng

Vẫn theo nhà quan sát này, đã xuất hiện một số chỉ dấu qua thông điệp của Thủ tướng Việt Nam cho thấy Việt Nam sẽ nới rộng một số quyền của công dân và nhân quyền trong bối cảnh tiếp tục đàm phán để có thể gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2014.

Những cải cách này có thể trải rộng từ 'xóa độc quyền' ở khu vực kinh tế nhà nước, làm cho Việt Nam tiến gần hơn tới một 'nền kinh tế thị trường' đích thực, cho tới ban hành một số đạo luật cho phép 'lập hội, biểu tình' v.v...

"Thông điệp này ghi nhận ít nhất về một số khái niệm mới trong đó có những cụm từ về dân chủ, và có liên quan một số vấn đề cụ thể mà trong thời gian vừa rồi đã có dư luận nhưng chưa thành hình.

"Chẳng hạn sẽ cho ban hành các luật về lập hội, luật về biểu tình và đồng thời cũng xác định một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với cải cách kinh tế đó là vấn đề xóa độc quyền, ở đây không chỉ bàn về vấn đề giảm độc quyền mà cần thiết phải xóa độc quyền."

Tuy nhiên nhà phân tích lưu ý về việc giám sát quá trình nói và làm với những cam kết mà người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mới đưa ra, kèm với cảnh báo đối với Thủ tướng và cộng sự:

"Nếu Thủ tướng và Chính phủ không thể chỉ đạo sát sườn, giải quyết được những vấn đề quyền con người của người dân, thì thông điệp của ông sẽ trở thành vô nghĩa và mục đích tạo ra sự ảnh hưởng đối với dân chúng trong các tầng lớp trí thức của ông sẽ không đạt được trong những tháng năm tới," Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói.
(BBC) 

Tàu hỏa VN trăm năm vẫn thế?

Tàu hỏa Việt Nam dừng trên đoạn đường sắt Bắc - Nam bị hư hại ở Hà Tĩnh hồi năm 2010
Đường sắt Việt Nam chưa phải là lựa chọn hấp dẫn với người dân
Hôm rồi tôi có việc đi London, định lái ô tô đi, nhưng vợ can và bảo: “ sao không đi tàu? “ .
Tôi đồng ý ngay, vì lái xe vào trung tâm London là việc ngô nghê, so với đi tàu điện.

London là một thành phố lớn, nhưng luôn luôn thiếu chỗ đỗ xe ô tô, và giá rất đắt, để đỗ xe trên phố không phải trung tâm, tôi phải ra cây trả tiền tự động, mua vé, và cài vào kính trước để nhân viên kiểm tra, giá tiền cỡ trên 2£ ( hơn 70 nghìn VND) cho một giờ đỗ xe, nếu đỗ ở trung tâm, tôi phải trả 7£ cho một giờ, cả ngày đỗ xe ở trung tâm London, tôi có thể phải trả tiền triệu tiền đồng.

Ngoài việc đắt đỏ khi đỗ xe, tôi phải trả 10£ để được lái xe vào trung tâm thành phố, vậy tàu điện là giải pháp tối ưu.

Các ga tàu của Anh rất hiện đại, có bảng điện tử hiện giờ tàu, và nhiều nhân viên giúp đỡ nếu khách cần, tôi đi cạnh một anh dùng xe lăn. Và khi tàu đến, có một nhân viên cầm một cái cầu nối thiết kế riêng, đặt vào khoảng trống giữa tàu và sân ga, để anh xe lăn dễ dàng di chuyển vào trong toa.

Sân ga ở Anh xây cao và sát với lối lên toa tàu, khi tàu đến, loa luôn nhắc mọi người để ý đến khe hở cỡ 15 phân giữa ga và tàu. Ngoài hành lí như va li, tôi thấy có một anh bê cả cái xe đạp lên tàu, xe đạp của anh gấp làm đôi được, và không ai phiền vì điều đó.

Toa tàu của Anh khá đẹp, có một quầy bar và toa lét, những cửa điện luôn đóng và mở khi có người đến bấm nút, trong toa khá yên lặng, và tốc độ tàu thì khá nhanh, chắc chắn nhanh hơn 120 km/h nhiều, vì có lần tôi lái ô tô ở motorway (đường cao tốc) với tốc độ cho phép đó, thì đoàn tàu vượt tôi đến vèo một cái, tôi áng tốc độ tàu cỡ 180 km/h.
Tàu hỏa Việt Nam - 7h đi được 160km

Ở Việt Nam, sự phát triển của đường sắt gần như bị quên lãng.

Thời Pháp đô hộ Việt nam, tháng 11/1881 họ khởi công xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên từ Sài Gòn đi Mỹ Tho và tháng 9/1936 hoàn thành tuyến đường sắt xuyên Việt, Hà Nội – Sài Gòn dài 1729 km.

Họ đã xây đường sắt hơn 100 năm trước thế nào, bây giờ vẫn y nguyên như vậy, và thậm chí còn tệ hơn. Dù xây thêm vài đường, nhưng cũng lại phá đi mất vài đường.

Người Pháp mất hơn 30 năm để xây tuyến đường sắt răng cưa có một không hai trên thế giới nối Phan rang với Đà lạt, và giờ tuyến đường đó đã biến mất, mọi thứ đều bị giỡ bỏ và bán, điển hình chiếc cầu sắt nổi tiếng 3 nhịp D’Ran bị cắt rời và bán sắt vụn gần chục năm trước, . Những hầm chui cho tàu vẫn còn, nhưng lau lách um tùm, nhà ga đã thành cái chuồng bò đẹp nhất thế giới bên mé rừng ở thị trấn D’ran.

Nhân viên sửa đường sắt trên tuyến Bắc - Nam
Hệ thống đường tàu ở Việt Nam có từ thời Pháp thuộc
Đường ray của tuyến đường sắt răng cưa đầu tiên được cho là dỡ ra để trùng tu thay thế cho đường sắt Bắc-Nam, nhưng hóa ra đường ray tuyến Phan rang-Đà Lạt được thiết kế hoàn toàn khác không thể dùng cho ray thường Bắc-Nam, thế là, dần dần, tất cả lần lượt biến thành sắt vụn.

Những đầu tàu hơi nước thiết kế bánh răng chuyên trèo dốc trên những đường ray gắn răng cưa bị bán sang Thụy sĩ với giá sắt vụn, và giờ, sau khi tu sửa, duy nhất người Thụy sĩ có thể tự hào vì họ sở hữu những đầu tàu độc nhất vô nhị mua lại từ Việt nam và vẫn đang ngày đêm đưa khách du lịch vượt dãy Alpes.

Tôi đi tàu hỏa ở Việt nam cách đây vài năm, và hoàn toàn thất vọng về nhà ga Hà nội.

Nhà ga bẩn và xập xệ, để ra được toa tàu, tôi phải đi bộ băng qua đường ray chứ ko hề có cầu vượt. Với những người có tuổi, thì trèo lên những bậc thang lên tàu là khá vất vả, không kể nếu bê thêm hành lí, thì một chuyến đi tàu có thể làm họ đau cột sống một tháng kế tiếp do phải oằn lưng nhấc đồ lên tàu. Và hoàn toàn bất khả thi với những người đi xe lăn.
"Nhà vệ sinh trên tàu thì vô đối, nó là một cái lỗ xả ngoằn nghèo nhưng được tuôn thẳng xuống đường ray. Theo thống kê của cục đường sắt, một ngày có 6 tấn phân và 40.000 lít nước tiểu được trút xuống đâu đó trên lớp đá giữa những thanh tà-vẹt."
Nhà vệ sinh trên tàu thì vô đối, nó là một cái lỗ xả ngoằn nghèo nhưng được tuôn thẳng xuống đường ray. Theo thống kê của cục đường sắt, một ngày có 6 tấn phân và 40.000 lít nước tiểu được trút xuống đâu đó trên lớp đá giữa những thanh tà-vẹt. Và hiện tượng ném đá lên tàu là thường xuyên, cả ngàn vụ một năm. Đã có du khách, cả tây và ta, bị vỡ đầu chấn thương, khiến các du khách Tây hết sức hoảng sợ.

Tốc độ tàu ở Việt nam thì đúng là kỉ lục. Tôi cũng đã đi Thanh hóa bằng tàu chợ (một kiểu tàu chở cả người, hàng và gia súc) vài năm trước, rời ga Hà Nội lúc 6h sáng, mà mãi 13h chiều mới đến Thanh hóa, tức mất 7 tiếng đồng hồ cho 160 km.

Hành lang an toàn dành cho đường sắt đã bị lấn chiếm hết, người dân cũng tự ý trổ đường bộ qua đường sắt bất kì đâu, và thậm chí họ họp chợ trên đường sắt. Điều này khiến lái tàu không bao giờ dám chạy nhanh, mặc dù nhiều đoạn hoàn toàn có thể tăng tốc tới 90km/h trên ray khổ 1m. Hàng đàn gia súc được chăn thả sát đường tàu, quá nhiều đường giao cắt và những bộn bề ô tô xe máy cố phóng qua đường ray trước khi đoàn tàu tới ngay khi đèn đỏ đã báo càng làm nhụt chí những anh lái tàu can đảm nhất.

Đọc báo, hầu như ngày nào cũng có người bị tai nạn do tàu hỏa, và nếu 2 ngày hay 3 ngày tàu chưa đâm ai, thì y như rằng ngày kế tiếp sẽ có một nhát đâm nặng vào một xe ô tô chở người do lái xe sơ ý vượt qua đường tàu mà không quan sát.

Giải pháp giao thông

Trên khắp thế giới, đường sắt đảm nhiệm chức năng vận chuyển lớn nhất cả người lẫn hàng hóa, và độ an toàn gần như tuyệt đối, nhưng ở Việt nam, có vẻ như nó đang bị bỏ quên. Tôi hỏi 10 bạn, thì có đến 6 bạn chưa hề đi tàu hỏa. Họ chọn xe khách đường dài có gường nằm nếu đi rất xa, xe buýt nhanh nếu đi gần hơn, và xe máy. Và trong tất cả các phương tiện này, thì ngày nào cũng có trên 30 người chết trên đường, và bị thương cũng gần gấp đôi chừng đó.

Nếu người dân chọn đi tàu hay chuyển hàng bằng tàu, có thể số tai nạn sẽ giảm được rất nhiều. Và nếu vận chuyển hàng nhanh và tiện, tôi tin mọi chủ hàng sẽ chuyển hết sang đi tàu, vì gần như ngày nào cũng có vài chục xe ô tô chở hàng lật ngửa hay quay ngang, và những người dân tham lam luôn sẵn sàng hôi hết hàng và đồ từ xe tai nạn.

Nhiều ý kiến cho rằng cần xây đường sắt cao tốc hay chuyển sang đường ray khổ rộng hơn để nâng tốc độ tàu, nhưng tôi cho rằng đây là điều bất khả thi ở thời điểm kinh tế khó khăn này.

Khổ đường ray 1m là cổ lỗ, nhưng không quá tệ nếu bộ trưởng giao thông chú trọng đầu tư vào đường sắt, nâng cấp và xã hội hóa toa xe, sân ga, mở rộng hành lang an toàn để nâng thêm tốc độ tàu, tăng cường năng lực vận tải cho tuyến đường sắt đơn hiện tại và tăng năng lực khai thác . Tôi tin giao thông đường sắt sẽ có vị trí cao hơn, và sẽ có thêm khách và hàng, đồng thời giảm tải lưu lượng giao thông trên đường bộ, nơi hơn 30 cái chết xảy ra hàng ngày.

Những đoàn tàu cũ kĩ luôn thét còi từ rất xa dọa dẫm, nhưng hầu như không ai thèm để ý nó đang đi tới.

Nguyễn Quảng
Gửi cho BBC từ Milton Keynes, Anh Quốc
(BBC) 

Đại Vệ Chí Dị - Con hươu nước Vệ

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 69.
Năm ấy ngân khố cạn kiệt. Nợ nước ngoài đến lúc phải trả. Tài nguyên đã bán hết còn đúng mỏ dầu ngoài khơi là còn khai thác được. Nhà Sản chưa bao giờ quốc khố nguy ngập đến thế.
Gần Tết Giáp Ngọ, các thương điếm vắng teo, khách ra vào thưa thớt. Năm ấy nhiều kẻ đi làm xa, không có tiền về quê ăn Tết, gạt nước mắt ở lại quê người. Nhiều kẻ quẫn quá nhảy xô ra đường cướp bóc trắng trợn. Rồi cảnh đòi nợ xô xát , cảnh trốn nợ chui lủi.
Nhà Sản tìm cách mượn vàng trong dân làm vốn qua cơn bĩ cực. Mặt khác đẩy mạnh khai thác dầu ngoài khơi. Tìm cách bán tống bán tháo doanh nghiệp triều đình đầu tư và bất động sản cho ngoại quốc.

Lúc ấy phủ Chúa họp, các quần thần đều lo lắng. Chúa cũng đứng ngồi không yên. Bên phủ Vương đám tay chân của Vệ Kính Vương là Trăm Xanh nhòm ngó gắt gao. Chốc lại đòi mang tay sai thân tín của phủ Chúa ra xử. Vừa mới tuyên án xử chém mấy quan coi tàu thuyền của phủ Chúa xong, Trăm Xanh tót cái sang Tề chầu, về đến nước lại đăng đằng sát khí đòi truy cứu nhiều quan lại phủ Chúa. Thương nhân Bạch Thủ Trì làm ngành tín dụng, vốn có quan hê mật thiết với nhiều quan ngân khố phủ Chúa đang trong vòng kiềm tỏa của đám Trăm Xanh, dự định tới đây cũng mang ra nghị tội.
Chúa một mặt lo đối phó đám ấy, một mặt lại lo kinh tài cho quốc khố. Cảnh gian nan như chiến trường tứ bề thọ địch. Dân tình lại oán thán khắp nơi vì giá cả tăng vọt, thất nghiệp, vỡ nợ, làm ăn sa sút. Phủ Chúa họp ba ngày ba đêm tìm cách tháo gỡ khó khăn, ngặt cái năm mới đến từng ngày. Lúc Tết nhất lại là lúc cần phải vượt qua nhất, bởi người Vệ làm cả năm để lo ba ngày Tết, giờ ngày Tết mà thiếu thốn thì càng lộ rõ cảnh kinh tế be bét. Đang lúc ấy, bống tín khẩn báo về phủ Chúa rằng.
- Thậm cấp, thậm cấp chí nguy. Quân bộ Hình đã được vương phủ cùng nghị hội duyệt mua tàu chiến, phi cơ nói rằng chống khủng bố. Kỳ thực có ý thăm dò tranh chấp nguồn khai thác khoáng sản dầu khí mà chúng ta nắm giữ bấy lâu.
Chúa nghe tin, bầm gan tím ruột. Bạnh quai hàm hét lớn.
- Hoang đường, cái gì còn có thể trì hoãn, việc nầy phải tỏ rõ thái độ ngay.
Nói xong liền cho người cầm lệnh phi ngày đêm xuống phía Nam, báo cho quân tâm phúc nơi ấy chuẩn bị nghênh chiến. Nhận được tin từ phủ Chúa, quân coi cảng biển phía Nam liền tổ chức tập trận phòng thủ. Kịch bản tập trận nói rõ bọn khủng bố bắt thủy thủ đòi tiền và cướp hàng trăm thùng dầu. Đó là lần đầu tiên phủ Chúa đưa ra thông điệp rõ ràng cho những ai lăm le định nắm nguồn dầu khí mà Chúa đang nắm quyền khai thác, cho nên mới đưa mấy trăm thùng dầu vào cho đối phương rõ chính kiến của mình.
Tập trận đã xong, Chúa vẫn chưa an lòng, bởi mối lo còn từ nhiều phía. Dân kêu đói tất nảy ý muốn sinh loạn, phủ Vương đòi tiền không thỏa mãn hẳn sẽ công kích ráo riết hơn. Cả hai con hổ đều đói khát từ hai phía nhăm nhe vào phủ Chúa. Bấy giờ dưới trướng Chúa nuôi một bọn dư luận viên đông lắm, do đám giáo sư phó tiến sĩ đeo lon tướng tá cai quản. Lúc mà các quan trong coi tài chính, khai khoáng, thu ngân...đều nhìn nhau lấm lét. Bỗng trong đám quan dư luận ấy có kẻ bước ra nói.
- Xưa kia con hươu nhà Tần xổng, khiến thiên hạ quên hết mọi thứ mà đuổi theo. Nay con hươu nhà Sản giao cho Chúa trông giữ, chi bằng mang hươu ra dọa thả. Vương Phủ sợ mất hươu, thần dân khấp khởi mong bắt được hươu. Một bên sợ, một bên hy vọng. Chả còn bụng dạ nào mà săm soi chúng ta.
Chúa nghe xong, nhẹ người sảng khoái, cười thỏa mãn. Khen cho đám ấy nuôi không tốn cơm áo, liền bảo soạn bản diễn văn đọc mừng năm mới. Diễn văn bóng gió nói đến thay đổi thế chế, quyền của người dân... lời diễn văn vừa được bố cáo. Thiên hạ ai nấy đều xôn xao , khấp khởi nghĩ rằng sắp có thay đổi lớn lao đến nay mai, lòng dân lâng lâng sướng vui hy vọng.
Bên phủ Vương cầm bài diễn văn , nhác qua biết ý Chúa có bụng muốn thả hươu. Vương cũng lấy làm chột dạ, mới gọi đám bầy tôi lại nói.
- Ném chuột gấp quá thì vỡ đồ, nay bức hắn quá, nếu liều hắn thả hươu ra lúc này. Có khi thiên hạ nổi can qua, lúc này lòng người chưa về một mối. Nếu loạn thì mồ mả tiên đế có khi chẳng còn, cái mũ trên đầu chúng ta cũng khó mà còn được. Truyền cho các quan nội chính, kinh tế, thanh tra hành động thư thả, đợi sang năm mới rồi tính tiếp.
Ghi chú - nhà Tần mất hươu theo sử Tề là như dưới đây (còn theo dân gian nước Vệ thì nói hươu có nghĩa là hươu vượn, ý chỉ là nói phét lác.)
[1] Nguyên văn là Trục lộc 逐鹿 : đuổi hươu : chỉ việc tranh giành thiên hạ, tranh đoạt ngôi vua. Theo Sử ký, Khoái Thông nói : « Tần chi cương tuyệt nhi duy thỉ, Sơn động đại nhiễu, dị tính tịnh khởi, anh tuấn ô tập, Tần thất kỳ lộc, thiên hạ cộng trục tri ư thị cao tài tật túc giả tiên đắc yên » (Kỷ cương nhà Tần bị đứt, miền Sơn đông nổi loạn, các miền khác đều nổi lên. Anh hùng tuấn kiệt tụ tập lại nhiều như quạ. Nhà Tần mất hươu, cả thiên hạ cùng đuổi bắt nó. Bấy giờ ai tài cao, chân nhanh thì bắt được trước), Trương Án thời Tam quốc chú giải : lấy con hươu để ví ngôi vua.
Người Buôn Gió
(Blog Người Buôn Gió) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét