Năm 2014 Về, Liệu Có Gì Mới Không Ông?
Đặng Huy Văn: Nhân dịp bước vào Năm Mới 2014 là năm kỷ niệm lần thứ 40 ngày bọn Trung Quốc (TQ) trắng trợn xâm lăng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tay Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và 35 năm ngày giặc Tàu tràn sang 6 tỉnh Biên Giới Phía Bắc xâm lược nước ta, tôi xin có vài lời tâm sự với một người ngày xưa cùng học tại Đại Học Tổng Hợp, Hà Nội. Trước khi viết bài, tôi đã rất trăn trở, vì người này nay đang giữ một trọng trách “quyền sinh, quyền sát” của đảng CS, nên tác giả bài viết có thể sẽ bị ông ấy “phê bình”. Nhưng tôi viết bài hoàn toàn vì nhân dân và vì đảng CS của ông ấy, nên nếu tôi có bị “phê bình” vì bài viết đã nói thẳng, nói thật, thì tôi cũng sẽ không ân hận, bởi mình đã viết vì quyền lợi chung của đảng CS và của dân tộc Việt Nam. Xin chúc ông ấy Năm Mới mạnh khỏe, sống biết nghĩ đến nhân dân, nhằm để lại phúc đức cho con cháu mai sau! |
Năm 2014 Về, Liệu Có Gì Mới Không Ông?(1). Hải chiến Hoàng Sa 1974 – Wikipedia tiếng Việt
(Viết tặng một người năm xưa đã học cùng trường)
Sẽ có những đổi thay hay vẫn cứ “đười ươi giữ ống”
Cái ống này đã rỗng không ông còn giữ để làm gì?
Hay còn “rào khế ngọt” cho cháu con trèo hái
Để chia chác nhau, phòng mai mốt nhỡ khi…
Lẽ nào ông không hay, nước nhà nay ngập nợ?
Đã một trăm phần trăm GDP mà ông cứ bị lừa
“Còn dưới chuẩn an toàn 65% GDP mình đó!”
Đã qua ngưỡng nợ công, sao ông vẫn còn mơ?
Đầu tư nước ngoài, để bán hàng nhập khẩu
Nhằm giảm thiểu thuế quan, sao vẫn tính GDP?
Chúng qua mặt ông khắp nơi khi ông lo tranh đấu
Chống bè lũ quan tham với lợi ích nhóm, phái, phe!
Ông nay có chức cao nhưng quyền hành bao lớn?
Mà không trị được Y, để cho cấp dưới bảo hèn
Sao còn đi nhiều nơi chỉ thị này, tuyên bố nọ
Rồi quy kết tùm lum làm chột dạ dân đen?
Dân nhìn xa, biết lo giữ Biển Đông là phải
Sao ông lại còn giơ cục mỡ trước miệng mèo?
Mèo là giống ăn tham mấy ngàn đời truyền kiếp
Lịch sử tổ tiên còn đây, sao ông chẳng nghe theo?
Lẽ nào việc “mèo” mời ông ngồi cùng mâm là vinh dự?
Để xem chúng liếm đất rừng, liếm dần hết Biển Đông
Những người lính VNCH xưa vì Hoàng Sa máu đổ
Hỏi đã từng có bao giờ, ông nhắc đến họ không?
Ông nay yêu nước ta, hay đang yêu nước khác?
Nhân năm nay tròn 40 năm, TQ chiếm Hoàng Sa
Ông có dám vinh danh 74 anh lính VNCH là Liệt Sĩ
Và đúc tượng người chỉ huy, Thiếu Tá Ngụy Văn Thà?(1)
Nhân 35 năm Tàu sang, ông có qua các nấm mồ Biên Giới
Để thắp lên mộ các anh hùng Liệt Sĩ những nén nhang?
Họ đã xả thân trong cuộc chống giặc Tàu năm 1979
Mà đã nhiều năm rồi, không ai tới Nghĩa Trang (2)
Nay nước ta đã là thành viên của Hội Đồng NQ LHQ (3)
Vậy rồi đây, tù nhân lương tâm liệu có được thả không?
Hay danh hiệu “thành viên” chỉ là trang trí thôi, ông hỡi?
Còn thả tù nhân lương tâm nằm ngoài quyền hạn của ông!
Liệu năm nay, ông có khai hội “Mùa Xuân Miến Điện”?
Để toàn đảng cùng toàn dân đoàn kết xiết tay nhau
Chôn quá khứ lỗi lầm, nhìn thẳng về phái trước
Cùng thế giới thi đua, để theo kịp bạn bầu!
Những người xưa học cùng ông, nay đã về hưu cả
Nhờ về làm dân, mà mọi người đã thấu hiểu nỗi đau
Của hàng chục triệu đồng bào phải oằn mình chịu đựng
Oan trái suốt bao nhiêu năm, bởi sự áp đặt của Lê, Mao!
Sang Năm Mới 2014, hy vọng ông là một người có học
Nên sẽ biết thương dân như ngài tổng thống Thein Sein(4)
Sẽ bắt tay các nhà đối lập cùng thương dân, yêu nước
Nhằm đưa lại cho nhân dân có dân chủ, nhân quyền!
Chúc ông một Năm Mới thật an vui, hạnh phúc!
Sáng suốt chọn ra con đường lợi cho đảng, cho dân
Can đảm như ngài Thein Sein bỏ độc quyền lãnh đạo –––
Để năm 2014 Việt Nam sẽ được Hạnh Phúc muôn phần!
Hà Nội, 4/1/2014
Ts. Đặng Huy Văn
Tác giả gửi trực tiếp đến VAOL
(2). Chiến tranh Biên Giới Phía Bắc 1979: Sáng sớm ngày 17/2/1979, hàng chục vạn quân chủ lực của bè lũ Bắc Kinh đã tràn sang xâm lược nước ta. Chúng đã tàn sát hàng chục ngàn bộ đội, dân thường chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ con trên toàn bộ 6 tỉnh Biên Giới phía Bắc gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lao Cai và Mộc Châu.
(3). Nước ta đã được bầu làm một thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc (NQ LHQ) từ tháng 11/2013.
(4). Năm 2012, ngài Thein Sein, vị đương kim tổng thống của Myanmar đã tự nguyện đứng ra bắt tay phe đối lập do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu để thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc, từ bỏ chính quyền độc tài quân sự sau hơn 20 năm cầm quyền đã bị thế giới cấm vận nên hoàn toàn bị lệ thuộc vào bè lũ công sản Trung Quốc tàn ác. Sự thay đổi một cách hòa bình kỳ diệu này đã được mang tên “Mùa Xuân Miến Điện” khác với “Mùa Xuân Ả Rập 2011” xẩy ra trong các vụ bạo lực đẫm máu.
Làm sao nói cải tổ mà không dám hi sinh?
Chúng ta vẫn nói hội nhập là động lực để cải tổ. Nhưng quan trọng là
chúng ta có đủ ý chí nội tại để thay đổi, hòa mình vào thông lệ chung
hay không.
Năm 2014, các vòng đàm phán quốc tế vẫn đang tiếp diễn. Đặc biệt nhiều
khả năng chúng ta sẽ trở thành thành viên của Hiệp định Hợp tác Thương
mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại đa phương
được đánh giá là toàn diện và có tính chuẩn hóa cao.
Một lần nữa, bao nhiêu giấy mực lại tiêu tốn cho câu chuyện quen thuộc
về cơ hội và thách thức cho đất nước trước ngưỡng của quá trình hội nhập
đang tăng tốc. Như thông điệp đầu năm của Thủ tướng đã chỉ rõ rằng:
toàn cầu hóa, năng lực cạnh tranh và hội nhập thế giới "vừa là áp lực
vừa là điều kiện thuận lợi để chúng ta tăng cường dân chủ và hoàn thiện
thể chế".
Ảnh minh họa. Nguồn: Zing.vn |
Không thể dễ dãi với chính mình
Cơ hội và thách thức hội nhập với Việt Nam đã được phân tích nhiều từ
nhiều phía. Tuy nhiên, với thông điệp của Thủ tướng đầu năm 2014 vừa
gửi tới toàn dân, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận vấn đề một
cách tổng thể hơn, thay vì xem xét một cách riêng biệt.
Thách thức là rất rõ ràng, thậm chí khó khăn hơn bao giờ hết, khi mà các
đối tác cũng như đối thủ của chúng ta là những nền kinh tế hàng đầu
thế giới.
Tuy nhiên, áp lực từ thách thức sẽ đóng vai trò là động lực của cải
cách, thậm chí là tái cấu trúc toàn diện bộ mặt kinh tế trong nước. Đây
là cơ hội tối thượng, nằm sau tất cả những con số được kì vọng về mức
thuế quan 0% hay những khoản tăng trưởng thương mại. Nói cách khác, cơ
hội và thách thức là một, quan trọng là chúng ta có khả năng tự thay đổi
mình để "tận dụng" nó hay không.
Nguyên tắc đầu tiên, khi tham gia vào một sân chơi có tính chuẩn hóa
cao, chúng ta không thể mãi trông chờ vào cung cách làm ăn giản đơn, dễ
dãi. Nhiều phân tích đã gắn liền tăng trưởng của dệt may Việt Nam với
việc gia nhập TPP. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngành dệt may cần nhiều
hơn cái chúng ta có hiện giờ để tận dụng hết cơ hội. Các công ty may gia
công theo hình thức CMT (cut, make, trim) cho các hãng nước ngoài chiếm
tới 75% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu ngành.
Họ trước nay vẫn hoạt động tốt với mô hình CMT, với đầu ra lẫn đầu vào
nguyên liệu, vốn đa phần có xuất xứ Trung Quốc, đã được các hãng nước
ngoài lo liệu. Để đáp ứng các điều kiện cao như yarn-forward, dệt may
Việt Nam vẫn chưa thể đột phá thay đổi, đồng nghĩa với việc "trái ngọt"
thuế suất 0% vẫn chưa thể "ăn" ngay.
Cũng trong TPP, lúa gạo ta có được cơ hội với các thị trường hấp dẫn,
trong đó có Nhật Bản. Tuy nhiên, với một thị trường hết sức kĩ tính như
Nhật Bản, duy trì lối sản xuất thiên về số lượng với chất lượng chỉ ở
mức trung bình sẽ không thể đưa hạt gạo Việt Nam vào bàn ăn của người
Nhật.
Thêm nữa, mô hình liên kết "4 nhà" với VFA là đại diện xuất khẩu lúa gạo
duy nhất, vốn dựa vào nhiều tầng thương lái khiến chất lượng gạo giảm,
giá trị xuất khẩu không cao. Một cuộc cải cách toàn diện về định hướng
xuất khẩu gạo theo hướng trọng chất lượng lẫn mô hình thị trường theo
hướng "tư nhân hóa" nhiều hơn là cần thiết, không chỉ với TPP, mà còn về
lâu dài.
"Hội nhập là... nhập hội"
Nếu xem quá trình hòa mình vào dòng chảy chung với thế giới của Việt Nam
như một cuộc đua đường trường, quả thật chúng ta đã vượt qua được những
chặng đường không hề đơn giản.
Năm 1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên ASEAN, đánh dấu một
bước chuyển mình quan trọng sau một thời gian dài chìm trong khủng hoảng
đối ngoại. Kể từ thời điểm đó, chúng ta tiếp tục tiến những bước xa
hơn.
Năm 1997, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, một trong những chìa
khóa quan trọng nhất giúp mở cánh cửa bước ra thế giới. Đến năm 2007,
chúng ta gia nhập WTO, một bước ngoặt trên nhiều phương diện của Việt
Nam, đặc biệt là trong thương mại.
Một cách tổng thể, hội nhập phải được hiểu là một quá trình tương tác
hai chiều. Việt Nam cố gắng đưa các giá trị của mình ra thế giới. Mặc dù
vậy, chúng ta vẫn phải chấp nhận những thay đổi để phù hợp với thông lệ
chung.
Trong 5 năm trở lại đây, nhiều sự thật chấn động về khả năng hoạt động
yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đưa ra trước công
luận. Vấn đề cải cách DNNN và chi tiêu chính phủ được đặt ra kể từ đó
chứ chưa cần đến sự xuất hiện của TPP.
Sau quá trình sửa đổi Hiến pháp, kinh tế nhà nước vẫn được hiến định vai
trò chủ đạo trong nền kinh tế, để lại sự nhập nhằng phân biệt giữa kinh
tế nhà nước với DNNN. Đây là vấn đề chúng ta đã trải nghiệm và hiểu rõ,
với những thất thoát to lớn về tài sản, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Thêm nữa, mới đây Việt Nam đã thành công trong việc thuyết phục các nước
trong TPP về đề xuất trong đó không phân biệt đối xử giữa DNNN và các
doanh nghiệp khác trong nền kinh tế, kể cả trong vấn đề nhận hỗ trợ từ
chính phủ.
Mối lo trước mắt đươc dẹp yên. Tuy nhiên, theo sau đó là nỗi trăn trở cũ.
Chúng ta vẫn nói hội nhập là động lực để cải tổ. Nhưng là bao giờ? Dẫu
biết quá trình cải cách không thể diễn ra một sớm một chiều, nhưng quan
trọng hơn vẫn là chúng ta có đủ ý chí nội tại để thay đổi, hòa mình vào
thông lệ chung hay không. Nhìn ra thế giới, không có quốc gia nào theo
đuổi kinh tế thị trường lại đưa "kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo".
Đó đã là xu thế chung của quốc tế, nhưng ta chưa làm được. Cho đến thời
điểm này, có lẽ Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để bước ra khỏi vùng an
toàn của mình.
Cuối cùng, tham gia vào sân chơi lớn đồng nghĩa với việc phải chấp nhận
cạnh tranh khốc liệt. Ở cấp độ quản lý vĩ mô, tầm nhìn nên được đặt theo
hướng chấp nhận sự "hủy diệt sáng tạo", thay vì cầu toàn, đảm bảo sự
tồn tại của mọi chủ thể trong nền kinh tế.
Một cách cơ bản, "hủy diệt sáng tạo" đồng nghĩa với việc để cho những
lĩnh vực, chủ thể kém hiệu quả bị khai tử, dành nguồn lực phát triển cho
những đối tượng khác có đủ sức cạnh tranh, phù hợp với xu thế. Chung
quy, nói đến quá trình này cũng là muốn nói đến ý chí cho việc cải tổ.
Làm sao nói về cải tổ mà không dám hi sinh?
Làm sao cải tổ khi nhà nước vẫn phải mở hầu bao để cứu những doanh
nghiệp chỉ còn xác không hồn và sinh khí (zombie) ở cả trong khu vực
quốc doanh lẫn ngoài quốc doanh? Trốn chạy sự hủy diệt theo cách đó là
đưa cả nền kinh tế đi đến sự hủy diệt sau cùng, không thể cứu vãn.
Dù đồng ý rằng còn nhiều cách hiểu khác nhau về "tái cấu trúc" nền kinh
tế Việt Nam, và ngay cả cách thực hiện tái cấu trúc cũng là một vấn đề
phải bàn thảo kĩ trong bối cảnh và tình hình phát triển của Việt Nam.
Nhưng nhiều yếu tố mang tính đặc thù chỉ phản ánh hiện tượng của vấn đề
mà không đi vào bản chất.
Áp lực hội nhập có thể mở đường cho cải tổ. Cái gốc chính vẫn là đòi hỏi
từ việc thay đổi các thiết chế tạo khung hành lang pháp lý và chính
sách phù hợp. Và quan trọng hơn cả là chúng ta có thể làm gì để một quá
trình như vậy thực sự diễn ra một cách trật tự, bình ổn và ít tốn kém
nhất cho xã hội.
Nhật Anh(VNN)
Kami - Thấy gì từ thông điệp của Thủ tường Dũng?
Ngày
đầu năm mới của những năm gần đây, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một
thói quen văn hóa chính trị có ý nghĩa về mặt hình thức. Đó là việc ông
Thủ tướng có một thông điệp đầu năm mới để nhìn lại quá khứ và hướng
đến tương lai trong một năm mới. Điều đó dễ cho người dân có cảm giác
ông là một chính khách đang cố gắng tiếp cận với cái thứ chính trị mà
bản thân ông gọi là thứ chính trị hiện đại. Đây là một nét đẹp và cần
khuyến khích.
Thông điệp có lẽ nhiều người lầm tưởng là một từ
mới vì ít được dùng ở trong nước, trước đây từ này thường được nói đến
về các văn kiện hay sự kiện chính trị ở nước ngoài. Điều đó khiến nhiều
người chưa hiểu rõ nghĩa của từ thông điệp nên cảm thấy khó hiểu nghĩa
của từ này. Thực ra Thông điệp là một từ Hán - Việt, ghép bởi hai chữ
Thông là truyền đạt đi và chữ Điệp là văn thư về việc quan, từ đó nghĩa
của từ thông điệp là một văn bản thông báo việc nhà nước. Nếu văn bản
thông báo đó của một nhân vật quan trọng thì được gọi là thông điệp quan
trọng, cũng như văn bản đó nói về hòa bình thì gọi là thông điệp hòa
bình v.v... Thông điệp nên hiểu theo nghĩa đơn giản như vậy.
Thông điệp năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
năm nay (2014) nhanh chóng trở thành trung tâm điểm và là sự kiện chính
trị quan trọng đầu năm. Lập tức ngay sau đó, không chỉ các phương tiện
truyền thông nhà nước với các title khác nhau như “Hoàn
thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện thắng lợi
nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững” "Thông
điệp năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng", "Đổi mới thể chế, mở rộng
dân chủ", "Thông điệp lòng Dân với Thủ tướng" v.v...
mà một số hãng truyền thông nước ngoài bằng tiếng Việt cũng cố gắng
khai thác để tìm ra những điểm mới của bản Thông điệp đầu năm.
Trên mạng internet ta có thể dễ dàng biết đến
những quan điểm khác nhau của nhiều nhân vật tên tuổi đánh giá về vấn đề
này ở các cấp độ cũng khác nhau từ xuất sắc, đến tốt, rồi bình thường
và kém chẳng có gì mới. Cá nhân tôi thì đánh giá đây là một thông điệp
đầu năm mới thuộc dạng trung bình, theo kiểu nói thì hay những đều là
những điều không thể nếu không nói là không tưởng.
Thông điệp năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
với tiêu đề “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân,
thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và
bền vững” có nội dung chủ yếu là:
- Động lực cải cách không còn đủ mạnh,
- Mọi hạn chế quyền tự do phải được xem xét cẩn trọng,
- Nhà nước không làm thay dân,
- Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng,
- Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp,
- Khó khăn là cơ hội để đổi mới mạnh mẽ hơn
Trong 6 nội dung trên, cho thấy Thủ tướng đã
nhận thấy năng lực cạnh tranh của Việt nam yếu kém, khiến việc tăng
trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Các vấn đề xã hội
có không ít vấn đề bức xúc và động lực mà những cải cách trước
đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển.
Điểm sáng đầu tiên trong thông điệp đầu năm của
mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thừa nhận và coi trọng một số lý luận
về Dân chủ, đó là đã thừa nhận "Dân
chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính
trị hiện đại. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật
phải bảo đảm được công lý và lẽ phải.Người dân có quyền làm tất cả những
gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm
những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều
phải minh bạch." . Tuy điều đó cũng chỉ mang tính hình thức nhưng
cũng là điều đáng ghi nhận và quan trọng nhất là Thủ tướng Dũng đã xác
định rõ nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy
mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân "Đây
là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng
nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi
mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân.". Đó có lẽ là nguyên nhân mà Thủ tướng Dũng đã coi vấn đề dân chủ và nhân quyền được đặt lên trên cả vấn đề Kinh tế và cần thiết cần phải đổi mới thể chế chính trị.
Nếu hiểu thể chế chính trị hay chế độ chính trị
là những quy định luật lệ của một chế độ xã hội, và là sự tổ chức pháp
lý các chuẩn mực xã hội, sự thiết lập các tổ chức nhà nước và xã hội.
Hay nói cách khác nó là cách tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, luật
pháp, hành chính, có nhiệm vụ điều hành đời sống của một cộng đồngsống
chung với nhau. Người ta ví thể chế chính trị là nền tảng của một căn
nhà.
Nếu biết thể chế chính trị hiện nay của Việt nam
là một nhà nước theo chế độ chính trị XHCN với ý thức hệ chủ nghĩa
Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Với mô hình chính trị nhất nguyên
chống đa nguyên, với duy nhất một đảng chính trị có quyền lãnh đạo nhà
nước và xã hội. Các tổ chức nhà nước có tổ chức cơ cấu theo 3 ngành Lập
pháp, Hành pháp và Tư pháp tuy phân công, phân cấp nhưng đảm bảo quyền
lực thống nhất. Không theo thiết chế tam quyền phân lập. Và trong cơ cấu
chính trị của Việt nam, ngoài Đảng và Nhà nước còn có Mặt trận Tổ quốc
Việt nam là một tổ chức với tư cách liên minh rộng lớn của các tổ chức
xã hội.
Thì những đòi hỏi của Thủ tướng Dũng hoàn toàn
không hề giản, nó không chỉ chỉ ra những bất cập của thế chế chính trị
hiện tại mà theo ông Dũng cần phải đổi mới. Quan trọng hơn điều mà Thủ
tướng nêu lên là đổi mới thể chế xảy ra vào đúng ngày bản Hiến pháp sửa
đổi năm 2013 chính thức có hiệu lực, việc này dễ cho người ta nghĩ rằng
ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn hủy bỏ bản Hiến pháp mới nhất của
nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam để viết lại Hiến pháp. Cần hiểu
Hiến pháp là văn bản pháp lý chính trị cao nhất có khả năng ấn định thể
chế chính trị cho một nhà nước.
Tại sao có chuyện lạ kỳ như vậy xảy ra vào lúc này và điều đó cho ta thấy những vấn đề gì?
Bên cạnh việc đảng CSVN, Quốc hội và chính quyền
Việt nam vội vã cho thông qua và phê chuẩn bản Hiến pháp sửa đổi năm
2013, trong lúc vấp phải các ý kiến cho rằng cần kéo dài thời hạn trong
vấn đề xem xét thông qua bản Hiến pháp Sửa đổi . Cộng với ý kiến của ông
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bản Thông điệp đầu năm vừa rồi. Điều đó
cho thấy trong việc này phe Hành pháp của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
đã tỏ ra yếu thế hơn và đã bị các phe nhóm khác lấn át. Dẫu cho uy tín
trong đảng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua các kỳ Hội nghị Ban Chấp
hành TƯ gần đây cho thấy vẫn có phần lấn át phe bảo thủ của TBT Nguyễn
Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Với bằng chứng là ông Dũng
đã thoát hiểm một cách ngoạn mục trong việc bỏ phiếu tín nhiệm. Điều đó
cho thấy ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ có sức mạnh và quyền lực trong đảng,
nơi trong tương lai ông sẽ chuyển sang giữ vai trò Tổng BT đảng CSVN vào
năm 2016 như dư luận đồn đoán.
Việc tuyên bố cần đổi mới thể chế chính trị là
một vấn đề cực kỳ hệ trọng đối với mọi quốc gia nói chung và Việt nam
nói riêng. Đây là vấn đề không hề đơn giản không có thể cho phép ông Thủ
tướng thích nói thì nói hay nói khi cao hứng. Mà đây là vấn đề đã được
bàn thảo kỹ càng trong Bộ Chính trị đảng CSVN và đã được cho phép theo
nguyên tắc của việc lãnh đạo tập thể. Do vậy có ý kiến cho rằng Thủ
tướng Dũng muốn thông qua thông điệp của mình để nhắn nhủ cho các đối
thủ chính trị của ông ta trong việc chạy đua vào kỳ Đại hội đảng CSVN
lần thứ XII là khó thuyết phục. Vì các đảng Cộng sản không có tiền lệ
này. Bài học "đột phá" của cựu Ủy viên Bộ Chính trị, ông Trần Xuân Bách
trong quá khứ cho thấy hậu quả của sự lạc hướng, điều này không ngoại
trừ cho bất cứ ai, bất kỳ người nào dù là lãnh đạo cấp cao nhất.
Nếu thấy điều này diễn ra trong bối cảnh quan hệ
Việt nam - Trung quốc đang xấu dần đi một cách nhanh chóng, thể hiện
qua các thông tin về chủ quyền của Việt nam đối với quần đảo Hoàng sa
trên các tờ báo chính thống của nhà nước. Do vậy phải chăng Thông điệp
ăm mới của Thủ tướng đây là điều ban lãnh đạo cao cấp đảng CSVN muốn
thông quan nó để để ngỏ sẵn một lối thoát cho họ để thúc đẩy cải cách
mạnh mẽ như Myanmar đã làm gần đây?
Tuy nhiên điều vừa nói trên chỉ là giả thiết,
nếu có cũng chỉ là 50/50, vì bản chất của các lãnh tụ cộng sản là điều
đã trở thành kinh điển, đó là nói một đằng song làm một nẻo. Hơn nữa nếu
xem kỹ thông điệp của Thủ tướng ta vẫn thấy những hòn đá tảng muôn thủa
của đảng CSVN nằm chềnh ềng không hề thay đổi. Đó là "Chế
độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân
chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ. Tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ
của Nhân dân.". Điều đó càng làm cho người ta tin tưởng vào mong muốn cải cách của ban lãnh đạo đảng CSVN.
Nhưng dù sao những nhận thức của người đứng đầu
chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng là điều đáng mừng vì ngoài
sức tưởng tượng của nhiều người. Nó cho thấy những tín hiệu báo trước
cho một cuộc cải cách sẽ xảy ra ở Việt nam, cho dù điều đó có ở tương
lai xa hay gần nhưng có lẽ sẽ không diễn ra trước năm 2016. Tuy nhiên
điều đó sẽ trở thành hiện thực khi hội đủ các điều kiện cần thiết về
chính trị, kinh tế, xã hội và quan hệ quốc tế trên thế giới cũng như
trong khu vực.
Vấn đề tiếp theo là theo dõi các hành động của
Thủ tướng có đi đôi với những điều ông ta đã nói trong bản Thông điệp
đầu năm hay không? Tuy nhiên chúng ta những kẻ khát nước cũng cần phải
đề phòng tình huống "phía trước mặt là một rằng mơ" của ông Tào Tháo.
Thời gian sẽ cho biết đâu là trắng, đâu là đen và mọi sự thật giả sẽ rõ ràng.
Ngày 06 tháng 01 năm 2014
© Kami
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét