Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Ghi chép của Phạm Toàn - Thông điệp của Thủ tướng


1. Thứ sáu, 3 tháng 1 năm 2014. Một người bạn gọi điện bảo:
“Sáng thứ bảy, 9 giờ, anh đến nhà Marina nhé?”
“Có việc gì đó, anh?”
“À, các bạn ở báo Tuổi trẻ mời chúng ta tới đó để nghe chúng ta chia sẻ về bản Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng chính phủ”.
Và như để nhấn mạnh cho tầm quan trọng của sự kiện phỏng vấn tập thể, anh kể cho tôi nghe tên tuổi một loạt cựu quan chức tầm cỡ.
Tôi phải thú thực rằng ở Việt Nam ta, tôi chưa bao giờ bị gây ấn tượng bởi bất kỳ “quan chức tầm cỡ” nào. Những ấn tượng mang tính định kiến nhiều chục năm ấy vẫn không phản bội tôi.
Ngay sau lời khai mạc của báo Tuổi trẻ, những lời phát biểu của anh Lê Đăng Doanh rất có giá trị. Những lời ngắn gọn, vừa đủ thông tin, và nó cũng khách quan như là văn báo chí ấy: thông điệp xuất hiện ở đâu, có mấy phần mấy ý, đã có những ai viết bình luận về thông điệp đó, đã có những ai trả lời phỏng vấn – quan trọng hơn, tuy anh Lê Đăng Doanh nói rất nhanh nhưng lại rất đủ ý về những điều kiện của việc hiện thực hóa nội dung thông điệp. Anh Lê Đăng Doanh phát biểu rất hay, nhưng tiếc thay, tôi lại không xếp anh vào hàng quan chức tầm cỡ. Anh là một nhà nghiên cứu về kinh tế.
Rồi anh Hoàng Tụy bắt đầu nói. Tai tôi hơi nghễnh ngãng nên tôi phải tiến lại đứng gần anh hơn để nghe cho rõ. Nhưng tôi đã lầm. Anh Hoàng Tụy sức yếu nhưng khí lực của anh để nói ra những điều từ trong tâm can và luôn luôn nhằm thuyết phục người nghe, khiến lời anh vang vang, và tôi lẳng lặng trở về chỗ ngồi mà vẫn nghe đủ.
Rất tiếc, tiếp liền đó, một quan chức tầm cỡ thật, một cựu bộ trưởng, đã lên tiếng. Ông nói rất dài. Ông nói như người nói thầm với ai đó. Và tôi chợt nghĩ: là bộ trưởng thì phải có giọng nói và lối nói để thuyết phục cấp trên cấp dưới cấp ngang, giọng nói nhỏ nhẻ ấy có đúng là giọng một bộ trưởng cần phải có? Hay giọng nói đó là đủ cho một bộ trưởng chỉ cần vâng lời?  
2. Thông điệp đầu năm của ông thủ tướng! Thật là một sự lạ ở nước ta. Vì hình thức thông điệp đó xuất hiện lần đầu trong đời sống chính trị – xã hội Việt Nam. Ở Hoa Kỳ thì đã thành lệ năm nào tổng thống (đứng đầu ngành hành pháp «tương tự» như thủ tướng bên ta) cũng có thông điệp liên bang. Ông Putin vốn quen với cách làm việc thép của ngành Mật vụ KGB cũng học theo cách đó, tập đưa ra thông điệp đầu năm cho nhân dân Nga, rõ ràng là muốn thay đổi hình ảnh mình trước con mắt người dân.
Nước ta học tập dần cách làm việc dân chủ và có trách nhiệm của người đứng đầu ngành hành pháp, thế thì cũng tốt thôi. Chỉ hơi tiếc một chút: giá mà bản thông điệp này ra đời đầu năm 2013 thì tốt biết bao! Đầu năm 2013, đất nước ta có cuộc đại sinh hoạt chính trị toàn dân thảo luận Hiến pháp mới. Thế rồi, sau khi nhận được «hàng chục triệu ý kiến đóng góp», thì một bản Hiến pháp không mới lại đã được thông qua. Một câu chuyện ván đã đóng thuyền như được nói rất khéo trong tuyên bố ngừng trang «Cùng viết hiến pháp» của giáo sư Ngô Bảo Châu rằng «Chúng tôi thấy cần nói rõ là ở những điểm quan trọng nhất, Hiến pháp sửa đổi mà Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013 khác hẳn với những đề xuất của chúng tôi và đa số ý kiến bạn đọc» (Lời tạm biệt – Cùng viết hiến pháp, 28-11-2013).
Và cái cũ-mới hoặc mới-cũ ấy đã được thông qua với chỉ hai phiếu từ chối phát biểu ý kiến. Một trong hai phiếu trắng đó được công khai danh tính là của anh Dương Trung Quốc. Lá phiếu trắng thứ hai chưa bao giờ được tiết lộ tên tuổi người sở hữu chính chủ cái ngón tay đã ấn vào mút bấm. Song, nếu căn cứ theo cái khẩu khí của bản Thông điệp 2014, tôi ngờ rằng người thứ hai sau anh Dương Trung Quốc rất có thể là tác giả bản Thông điệp này lắm!
3. Lại nói về cái khẩu khí trong thông điệp, đó là cái mà bất kỳ người sành sỏi nào chỉ cần «ngửi» qua hơi văn cũng nhận ra ngay giá trị thực của văn bản.
Ở đây, cần phải nói về những «người chấm văn» và cái gì bảo đảm cho họ thành những nhà chấm văn sành sỏi? Đơn giản hết sức: những bậc thày «thẩm định văn bản» không chấm điểm bài «văn nghị luận» này theo đáp án cho sẵn, càng không thẩm định theo lối của những người chấm điểm vô cảm, tắc trách, sáng vác ô đi chấm cho xong tối vác ô về.
Những người thẩm định văn bản ở đây có tên là anh nông dân có trình độ kỹ sư canh nông Đoàn Văn Vươn, là nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải bút danh Điếu cày, người được nhắc tên trong một thông điệp khác từ Obama nhưng không hiển hiện trong thông điệp này, là nhà giáo Đinh Đăng Định …
Những người thẩm định văn bản ở đây là những người dân bình thường, họ không chết đói như ngả rạ hồi năm 1945, nhưng họ đang hoàn toàn sống vật vờ, không biết mình có cái tư thế gì trong cái đất nước của cha ông họ để lại nay đang trở thành hoang vắng xa lạ – hoang vắng như những sân golf, xa lạ như những căn hộ trong tòa nhà chọc trời được đại gia quan chức mua rồi quỳ dâng cho gái.  
Những tiếng nói trí thức mang cái khẩu khí thực chứng như của một Lê Đăng Doanh, mang cái khẩu khí chân tình, đanh thép, không sợ mất lòng như của một Hoàng Tụy, có thể coi đó là những tiếng nói của những tâm hồn đồng điệu với biết bao dân oan, biết bao người đang sống oan khuất trong lầm than rên siết. Song những tiếng nói thẩm định đại diện ấy vẫn chưa nói hết dù chỉ một phần triệu, một phần tỉ nỗi đau Việt Nam đương thời.  
4. Hãy làm một việc gì cho rành rọt đi, một việc làm xứng đáng với tấm áo chính khách tiến bộ như bạn định khoác cho mình, thay cho lời hiệu triệu lòng thòng.
Đây là một thí dụ: sắp Tết rồi, hãy thả anh Đoàn Văn Vươn ra cho anh về ăn Tết với gia đình bên con đầm thủy sản nơi anh đã gửi xác con gái yêu tám tuổi của mình. Chỉ những kẻ tâm thần hoặc hết sức sa đọa mới không thấy tính chất oan khiên trong vụ án Đoàn Văn Vươn. Nhưng thôi, tha cho những kẻ mưu ác tên Hiền,  tha cho kẻ vu khống dân tên Thoại, tha cho kẻ vừa xấu về hình dong vừa xấu về trí tuệ tên Ca … và cả công ty của họ, tha hết, chỉ cần cứu một người làm mẫu đã: HÃY THẢ ĐOÀN VĂN VƯƠN.  
Không làm được điều gì đó để chứng minh là bạn có Thực Tâm, có Thực Trí, có Thực Quyền mà chỉ dừng lại ở những biện pháp tu từ, thì… nói như giới trẻ hiện thời, họ chỉ có một chữ thôi: phắn

Nhiều doanh nghiệp bất động sản chuyển sang dịch vụ cò

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam -RFA
Công trình bị đắp hiếu vì thiếu kinh phí.
Công trình bị đắp hiếu vì thiếu kinh phí.  -RFA
Nghe bài này
Các công ty địa ốc từng một thời ăn nên làm ra, bỗng dưng ế ẩm, thị trường bất động sản vắng tanh như chùa Bà Đanh, mặc cho chính phủ bày đủ các trò để cứu nhưng dường như càng cứu thì địa ốc càng đóng băng, càng chết mòn chết mỏi. Và, để cứu mình, một số doanh nghiệp trong lĩnh vự địa ốc đã huyển loại hình từ doanh nghiệp, công ty xuống dạng cò con, nhà thầu nhỏ để mua nhà cũ, mua đất ế, đầu tư và bán với giá thấp, mức lãi cũng chẳng là bao nhưng dù sao thì với những doanh nghiệp trong tình trạng hết dần chết mòn này, kiếm được hạt gạo nào mừng hạt gạo ấy.
Địa ốc chạy gạo từng bữa
Một giám đốc công ty địa ốc ở Hoàng Mai, Hà Nội, bộc bạch với chúng tôi là anh sẵn sàng lái taxi nếu như thu nhập tài xế taxi có mức lương trên 5 triệu đồng mỗi tháng. Nói là sẵn sàng lái taxi để thấy rằng việc chuyển sang loại hình cò con là một chọn lựa khả thể và sáng suốt. Chính nhờ sớm chuyển loại hình nên anh tồn tại được cho đến ngày hôm nay. Nếu như anh cũng ngồi chờ vào chính sách và những đồng cứu nguy của chính phủ, không chừng bây giờ anh cũng đã knock-out như bao doanh nghiệp khác.
Giám đốc này nói thêm rằng thị trường bất động sản Việt Nam giống như một cây sung được bơm quá nhiều thuốc kích thích, nó cho trái đầy cây, chỗ nào cũng thấy trái nhưng lại không có lá để quang hợp, rễ cây cũng quá ít để hút nước nên trái sớm bị chín héo. Và giai đoạn bây giờ của thị trường bất động sản chính là giai đoạn hằng đêm trái sung rụng như mưa xuống gốc, tiếng trái mới rụng va vào những trái thối nằm sẵn dưới gốc phát ra âm sắc nghe rất khó chịu và mùi thối của nó cũng ngày càng nặng hơn.
Thị trường bất động sản Việt Nam giống như một cây sung được bơm quá nhiều thuốc kích thích, nó cho trái đầy cây, chỗ nào cũng thấy trái nhưng lại không có lá để quang hợp, rễ cây cũng quá ít để hút nước nên trái sớm bị chín héo
Nói đến đây, anh lắc đầu và kết luận rằng mọi biện pháp của chính phủ đối với thì trường bất động sản ngay từ những ngày mới chộn rộn cho đến nay đều đóng vai trò những mũi thuốc kích thích. Và đây là thời điểm cây sung này phải rụng sạch trái. Nếu đủ sức thì còn hy vọng mùa trái khác, nếu không may mắn, nó sẽ khô héo và chết luôn. Và rất tiếc là những cây sung này khi chết đi, nó để lại hàng loạt các loại nấm bệnh cho nhiều cây sung khác và có thể kéo cả rừng sung chết héo theo nó. Đó là bi kịch chưa có lối thoát đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Mồ mả cũng bị cày xới để bán...RFA
Mồ mả cũng bị cày xới để bán…RFA
Ông Phẩm, kế toán trưởng của một công ty địa ốc ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thổ lộ cho chúng tôi biết rằng gần hai năm nay, công ty của ông chưa hề có khoản thu nào từ những công trình đã xây dựng nhưng đang đắp mền, dường như càng hạ giá các căn biệt thự xuống mức thấp, khách tới hỏi thăm càng thưa dần. Chỉ riêng tiền lương của nhân viên công ty và công nhân xây dựng công trình, con số nợ đã lên đến gần hai mươi tỉ đồng nhưng không có cách nào chữa cháy.
Cuối cùng, công ty của ông phải chuyển sang thị trường gọi là “phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp”. Các doanh nghiệp duy trì tồn tại bằng cách mua những căn nhà nhỏ do những doanh nghiệp khác bán thanh lý để sửa chữa, nâng cấp và bán kiếm lãi. Thường thì những căn nhà có giá từ 600 triệu đồng đến 900 triệu đồng được nhắm đến, sau khi sửa chữa, nâng cấp, nó được bán với giá chừng 1 đồng tỉ đến 1,2 tỷ đồng.
Nhưng, trong vấn đề gọi là cò con này, ông Phẩm cho biết thêm là rất khó để tồn tại. Giỏi lắm cũng chỉ duy trì tránh phá sản và trả lương nhỏ giọt cho công nhân, hoàn toàn không có lãi của quí kinh doanh hoặc năm kinh doanh. Thậm chí, muốn mua nhà để phục hồi, nâng cấp mà bán lại, cũng phải đụng đến chuyện vay vốn ngân hàng và hàng trăm thứ chi phí rắc rối, nhiêu khê phát sinh khiến cho đồng vốn vay được mòn dần như cây kẹo đường bị mút qua nhiều bận. Và, cái gọi là tiền cho vay của phân khúc nhà cho người có thu nhập thấp cũng lắm nỗi nhiêu khê.
Gần hai năm nay, công ty của ông chưa hề có khoản thu nào từ những công trình đã xây dựng nhưng đang đắp mền, dường như càng hạ giá các căn biệt thự xuống mức thấp, khách tới hỏi thăm càng thưa dần
Một công ty địa ốc
30 ngàn tỉ cho người thu nhập thấp đầy nghịch lý
Ông Hiển, chủ một công ty địa ốc ở Hà Đông, chia sẻ với chúng tôi rằng tuy công ty của ông đã duy trì tồn tại dựa vào phân khúc nhà cho người có thu nhập thấp từ hai năm nay nhưng trên thực tế, gói giải ngân 30 ngàn tỉ đồng mà chính phủ rót xuống để cứu địa ốc chứa đầy nghịch lý. Vì với mức lương hiện tại của giới công nhân, người lao động ở các công xưởng thì không thể xếp họ vào nhóm có thu nhập thấp nếu xét theo bản lương của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội. Nhưng nếu xét theo thực giá địa ốc hiện tại tuy đã giảm giá, thì e rằng họ phải tốn vài kiếp mới mua được cái loại nhà dành cho người có thu nhập thấp.
Những diện tích dự án bỏ hoang vì thiếu vốn. RFA
Những diện tích dự án bỏ hoang vì thiếu vốn. RFA
Ví dụ như một người làm công nhân có mức lương 5 triệu đồng mỗi tháng, hiển nhiên họ không được xếp vào diện thu nhập thấp theo tiêu chí ở một số văn bản dưới luật hiện hành. Nhưng thử hỏi, hai vợ chồng với mức thu 10 triệu đồng mỗi tháng, trừ mọi khoản chi phí, sẽ dư được bao nhiêu, và họ có đủ điều kiện hay gan liều để vay vài trăm triệu đồng mua một căn hộ chung cư?
Đó chỉ mới nói đến chung cư, chứ nếu nói đến nhà dạng cấp bốn, nếu bán với giá dưới một tỉ đồng thì công ty địa ốc xem như uống nước lã, không có lãi bởi mức phí đầu tư đã ngót nghét khoản tiền này, mà bán với giá này thì chỉ có nhà giàu mới có tiền để mua, người có thu nhập thấp dù có chiêm bao cũng không thể buớc qua cửa những ăn nhà cấp bốn như thế.
Gói ba mươi ngàn tỷ của chính phủ không làm được gì, cái đối tượng để thực hiện cái gói 30 ngàn tỉ là không có và không có giải ngân được trong đó bởi vì cái số mà đạt được yêu cầu đó rất là ít. Thứ hai nữa là cái người (chuyên trách) mà để tìm cái người (đối tượng) của gói 30 ngàn tỉ là không có
Một người đang làm công nhân cầu đường, tên Hải, than thở với chúng tôi: “Nhà đất họ đang đóng băng, đất đai ngoài này bán bữa nay lỗ kinh lắm. Só sức mua bán hồi trước thì chưa được một nửa. Người thu nhập thấp thì bao giờ mới mua được nhà, ngoài này mua một chung cư không, bét nhất cũng hai tỷ, huống gì là nhà, đất.”
Chủ một công ty địa ốc ở Hà Đông, chia sẻ với chúng tôi rằng: “Gói ba mươi ngàn tỷ của chính phủ không làm được gì, cái đối tượng để thực hiện cái gói 30 ngàn tỉ là không có và không có giải ngân được trong đó bởi vì cái số mà đạt được yêu cầu đó rất là ít. Thứ hai nữa là cái người (chuyên trách) mà để tìm cái người (đối tượng) của gói 30 ngàn tỉ là không có. Ví dụ như á doanh nghiệp hiện nay bị nợ xấu quá nhiều, họ không có khả năng tín chấp ngân hàng để vay vốn duy trì… Mà không có duy trì thì vấn đề cầu nối để khách hàng mua là không có. Còn những người mà theo qui định trong các văn bản thì không có, ít có ai có đủ các yêu ầu để vay 30 ngàn tỉ này. Cái người mà để vay trong gói 30 ngàn tỉ là hầu như không có, người thu nhập thấp vẫn khó mua nhà…”
Hiện tại, vấn đề chỗ ở của người có thu nhập thấp vẫn là một vấn đề nhức nhối, người lao động luôn phải đối diện với khoản tiền thuê nhà hằng tháng. Và tuy rằng khoản cho vay mà chính phủ đã đề xuất nhằm hỗ trợ cho người có thu nhập thấp mua nhà nói nghe to tiếng nhưng đến nay vẫn chưa đến đúng đối tượng cần nó. Phần lớn số tiền này được phù phép nhằm cứu một số ngân hàng để duy trì hoạt động.
Như lời một giám đốc ngân hàng yêu cầu giấu tên khẳng định số tiền mà chính phủ nói là cho người có thu nhập thấp vay để mua nhà mà trong đó ngầm cứu thị trường bất động sản hoàn toàn không đúng mục đích, nó vẫn đang lưu thông trên thị trường thông qua việc cho các doanh nghiệp vay với lãi suất thấp và cơ hội vay để mua nhà hầu như không có. Mà nếu có, nó cũng chẳng cứu được thị trường bất động sản. Bởi cái bong bóng bất động sản đã quá căng, khi bị xì hơi, nó trở nên dúm dó, nhăn nheo, rất khó phục hồi trạng thái ban đầu.
Hay nói cụ thể hơn là giá bất động sản đã bị thổi quá phồng, trong đó chứa cả khoản chung chi, hối lộ, đút lót và cổ phần ma, nếu bây giờ, bán cho người có thu nhập thấp với mức khả dĩ họ mua được thì doanh nghiệp bất động sản sẽ phá sản ngay tức khắc!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Trần Bá Thiện - Vài lời cùng gs Nguyễn Lân và ông Lê Mạnh Chiến

Nhân đọc bài  Hai quyển tự điển rất có hại cho tiếng Việt của tác giả Lê Mạnh Chiến tại: ( tại đây!)  Tác giả Lê Mạnh Chiến đưa ra cả trăm hạt sạn khi định nghĩa nhiều từ trong 2 tác phẩm Tự điển Từ và nghĩa Hán ViệtTự điển Từ và ngữ Việt Nam của gs Nguyễn Lân. Tôi cảm thấy có vài vấn đề như sau.

 I-     Nên đưa phương pháp peer review vào chương trình giáo dục

Tôi không biết nên dịch peer review là gì. Tôi hiểu peer review là công tác góp ý cho một nghiên cứu khoa học. Nhà nghiên cứu trong khi miệt mài suy nghĩ, viết lách và tổng hợp đôi khi phạm các loại sai lầm như 1) viết thiếu chứng cớ, chẳng hạn nếu ai nói vấn đề bị đa số người tham gia phản đối thì phải đưa ra 1 điều tra định lượng cho thấy số phản đối chiếm quá bán số người tham gia. Nếu không có số liệu định lượng này thì phát biểu ấy bị xem là thiếu chứng cớ. 2) sử dụng nguồn tài liệu khác mà không ghi trích dẫn. Vụ này còn được gọi là đạo văn. Tuy nhiên đôi lúc nhà nghiên cứu do mệt đầu, mệt óc nên có lúc trích dẫn Ý từ một tài liệu khác mà quên hay vô ý không ghi rõ nguồn. 3) một số sai sót khác khi nghiên cứu đơn cử như việc sử dụng công cụ sai, vd khi nói tôi yêu nước nhiều hơn bạn thì phải hỏi lấy gì đo được tình cảm mà so sánh người này yêu nhiều hơn người kia.
Để tránh tình trạng nghiên cứu có sạn và để giúp nghiên cứu được chặt chẻ và vững mạnh hơn về tính khoa học, các trường đại học nhiều nước đã yêu cầu nhà nghiên cứu phải đưa tác phẩm của mình cho một số chuyên gia xem xét và góp ý. Xin phép tạm gọi peer review là góp ý đồng đẳng. Khi ấy tác giả của nghiên cứu xem các chuyên gia khác cũng là những nhà nghiên cứu như mình nhưng ở các lãnh vực khác. Và những nhà nghiên cứu đồng đẳng kia hỗ trợ tác phẩm của mình thêm hoàn chỉnh.
Góp ý đồng đẳng xảy ra trước khi xuất bản và cả sau khi xuất bản. Nói chung kết quả nghiên cứu ngày nào còn được đưa vào thực tiễn thì ngày đó còn cần đến góp ý đồng đẳng.
Nếu áp dụng tinh thần góp ý đồng đẳng vào nền giáo dục và nghiên cứu khoa học nước ta thì sẽ tránh tình trạng tự ái hảo mà ta thường gặp. Cụ thể trong trường hợp gs nguyễn Lân nếu ông xem các phản biện của cụ Lê Mạnh Chiến là nhằm giúp tác phẩm của ông trở thành khuôn vàng thước ngọc cho giới khoa học thì ông sẽ phải cảm ơn ông Lê Mạnh Chiến qua các hành động như 1) xem xét và tiếp nhận ý kiến 2) giải thích nếu thấy nhận xét phản biện nào chưa chuẩn.
Tôi cũng xin có đôi dòng với cụ Lê Mạnh Chiến. Dường như chúng ta đang hiểu lầm hay hiểu một cách cực đoan câu chuyện Lã Bất Vi treo thưởng ngàn vàng cho ai sửa được 1 từ trong tác phẩm Lã Thị Xuân Thu. Tôi không biết Lã Bất Vi nghĩ gì vì tôi không tin vào những lời dè biểu của người đời sau về câu chuyện thưởng ngàn vàng này. Tôi nghĩ chúng ta nên hiểu ấy là cách Lã Bất vi vì muốn tác phẩm này là khuôn vàng thước ngọc nên cần sự tư vấn và góp ý của các chuyên gia khác sống cùng thời với ông. Nhiều người vẫn bình luận rằng phải viết như Lã Bất Vi nghĩa là viết đúng tới mức chuẩn không cần chỉnh. Suy nghĩ như thế vô tình tạo ra một thứ áp lực trong giới học thuật. Chính vì áp lực ấy, nhiều nhà nghiên cứu tìm cách che đậy các hạt sạn trong nghiên cứu của mình thay vì công khai nhìn nhận hạn chế của mình để được thế hệ nghiên cứu khác kế thừa và hoàn chỉnh tư tưởng mà họ đã dầy công khai phá.
 II-  Văn hóa xin lỗi
 Nếu ai thấy ta sai và ta biết họ nói đúng thì tốt nhất là xin lỗi và tiếp thu ý kiến. Lỗi mà đã xin thì hết lỗi. Nếu lấp liếm với chiêu vú cả lấp miệng em thì dù đời này họ chưa nói được thì đời sau họ cũng nói. Người này không nói thì sẽ có người khác nói. Sự thật sẽ chiến thắng và chừng ấy thay vì lưu danh thiên cổ lại trở thành lưu xú thiên thu.
Xin minh họa thêm bằng câu chuyện ông quan đầu tỉnh nào đó sau khi ôm hôn cô bé bán bia đã bị cô bé cho 1 cái tát trời giáng. Ông quan này nỗi đóa bèn ra lệnh đuổi cổ con bé tội nghiệp ấy để ông được giữ danh hiệu HCM. Xin xem bài Nếu cụ Hồ còn sống ( tại đây!)
http://bolapquechoa.blogspot.com/2014/01/neu-cu-ho-con-song_4.html
Mình bổng thấy thương cho gs Nguyễn Lân. Vì sao mà gs lại thả trôi danh dự của mình như vậy? GS là giáo sư hay giáo sĩ đây?
Sunday, January 05, 2014
  Trần Bá Thiện
  (Quê Choa)

Người Việt bí mật chụp ảnh Hoàng Sa năm 2011

Một Thế Giới  - 06/01/2014 07:50

Những tấm ảnh hiếm hoi, duy nhất về một hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa sau năm 1974 được con trai và con rể của ngư dân Mai Phụng Lưu chụp vào tháng 8.2011.

Trung tuần tháng 7 đến đầu tháng 8 năm 2011 chúng tôi liên tục ra Lý Sơn 5 chuyến. Chương trình Cùng ngư dân bám biển của đồng nghiệp báo Sài Gòn Tiếp Thị khởi động tháng 5. Ngày 28.6.2011 chương trình Hội hàng Việt đồng hành cùng ngư dân bám biển diễn ra tại thành phố Qui Nhơn. Thông qua chương trình, Ngân hàng Đông Á tài trợ tín dụng cho ngư dân Mai Phụng Lưu 300 triệu đồng để mua một con tàu khác sau 4 lần bị Trung Quốc bắt giam, xử phạt tại ngư trường Hoàng Sa phải bán tàu trả nợ.
Ngư trường truyền thống
Suốt tháng 5 đến tháng 8.2011 không có tuần nào các phóng viên không có mặt ở Lý Sơn. Nhà nghỉ Hoa Biển trở thành nhà ở, vợ chồng ông chủ nấu cơm, cho thuê xe máy và đặt vé tàu về đất liền và người dân nơi đây trở thành quen thuộc.
Ngư dân Mai Phụng Lưu lượm trứng chim trên lao Ông Già thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo lời kể của các nhân chứng Hoàng Sa và ngư dân Lý Sơn, các đảo ở Hoàng Sa trứng chim và chim non nằm trên cỏ nhiều vô kể.
Ngày 6.8.2011, anh Tâm Chánh, lúc đó là Tổng biên tập SGTT nhân được điện thoại của ngư dân Mai Phụng Lưu: “Ngày mai anh tranh thủ ra Lý Sơn để ngày mốt em ra Hoàng Sa trở lại”.
Hoàng Sa đối với ngư dân Mai Phụng Lưu và những ngư dân Lý Sơn là ngư trường truyền thống. Đời cha, đời ông, tổ tiên của những người Lý Sơn sinh nhai ở ngư trường này nhưng đến đời của họ thì Hoàng Sa trở thành nơi rơi lệ.
Ngư dân Mai Phụng Lưu nói, khi bị bắt và bịt mắt đưa lên đảo Phú Lâm, được tháo băng ra đã thấy hình ảnh của ông dán trên đảo giống như lệnh truy nã. Nhiều ngư dân Lý Sơn, Bình Sơn chuyên đánh bắt ở Hoàng Sa cũng đều bị liệt vào dạng nguy hiểm như vậy.
Bốn lần bị Trung Quốc bắt, hai lần bị tịch thu tàu, một lần bị giam cầm tra tấn, khi trở về, một nhà báo Nhật Bản hỏi: Ông có gửi gắm gì không? Mai Phụng Lưu trả lời: Hoàng Sa là của ông bà chúng tôi, sau này bị Trung Quốc chiếm. Nếu không trả lại cho chúng tôi thì phải để chúng tôi tự do làm ăn ở đó chứ!
Sự thật, những ngư dân Lý Sơn hành nghề ở Hoàng Sa luôn nơm nớp với tàu hải giám và tàu tuần tra của Trung Quốc. Mỗi chuyến đi đánh cá, câu mực, lặn hải sâm, vớt rong biển ở Hoàng Sa của ngư dân Lý Sơn luôn đối mặt với nguy cơ bị bắt, đánh đập và tịch thu dụng cụ.
Năm 2010, sau lần bị bắt và giam cầm trên đảo Phú Lâm một tháng, Mai Phụng Lưu trở về tay trắng. Nhà cửa đã đem thế chấp ngân hàng, tài sản cầm cố và gia cảnh kiệt quệ.
Chúng tôi trở lại Lý Sơn vào ngày 7.8.2011. Buổi sáng giữa hè trời xanh mây trắng nôn nao. Khi tàu cập cảng mặt trời đã gác trên ngọn núi lửa Thới Lới.
Giữa rừng cờ tổ quốc của các con tàu đánh cá, nhà báo Phạm Anh (nay là phóng viên báo Thanh Niên) chỉ một lá cờ xa xa: “Đó là tàu của anh Lưu!”.
Hạt cát Hoàng Sa
Chỉ hơn một tháng, với sự hỗ trợ tín dụng của chương trình Cùng ngư dân bám biển của báo SGTT phối hợp với Ngân hàng Đông Á, ngư dân Mai Phụng Lưu đã có trở lại một con tàu nhỏ để trở lại ra khơi.
Buổi chiều, chúng tôi trèo lên thúng chai bơi ra thăm tàu. Thủy thủ đoàn của “sói biển” Mai Phụng Lưu ngày mai đi Hoàng Sa trở lại là ông thông gia, con trai và con rễ đã chuẩn bị lễ cúng tàu sẵn sàng.
Vạn lý Hoàng Sa... bãi cát vàng trong tim người Việt. Trong ảnh: Hai cha con ngư dân Mai Phụng Lưu đang lấy cát Hoàng Sa. Theo tín ngưỡng, bát nhang trên bàn thờ ông bà tổ tiên và các binh phu ở Hoàng Sa phải có loại cát vàng này.
Hoàng Sa qua lời kể của ngư dân Mai Phụng Lưu là những hòn đảo nhỏ trắng xóa trứng chim biển, những rạn san hô đầy hải sâm, những ngôi mộ người Việt trên lao Ông Già và tấm bia chủ quyền phai mờ sương gió nay biết có còn không?
Trong cuộc đời đi biển của mình, ngư dân Mai Phụng Lưu có bốn lần ăn tết trên lao Ông Già ở quần đảo Hoàng Sa.
Ngư dân Lý Sơn đạt tên cho một hòn đảo nhỏ bằng đảo Bé ở Hoàng Sa là lao Ông Già vì trên đảo có một ông già Trung Quốc sống một mình bí ẩn.
“Ông già rất hiền. Những lúc không có lính Trung Quốc đi tuần, tàu cá ngư dân Lý Sơn ghé đảo được ông chỉ dẫn những ngôi mộ người Việt để thắp hương, chỉ bia chủ quyền và chỉ cách lượm trứng chim ngon trên cỏ để ăn” – Mai Phụng Lưu kể.
Cách đây hơn 10 năm, ông già hình như đã chết. Hai cặp vợ chồng Trung Quốc khác ra đảo sinh sống, ngư dân Lý Sơn thỉnh thoảng vẫn ghé vào nhưng bị theo dõi nghiêm ngặt.
Sau câu chuyện kể của ngư dân Mai Phụng Lưu, buổi tối anh Tâm Chánh nhờ Văn Minh và Hưng Ròm ở Ban truyền hình lấy thẻ nhớ từ trong máy ảnh copy dữ liệu vào máy tính.
Trong bữa rượu chia tay lúc khuya ở nhà thông gia ngư dân Mai Phụng Lưu, anh Tâm Chánh đã tặng cho con trai Mai Phụng Lưu chiếc máy ảnh Panasonic Lumix DMC LX2 của anh. Chúng tôi “huấn luyện” cách sử dụng máy ảnh cấp tốc ngay trong bữa rượu.
Sau chuyến đi Hoàng Sa đầu tiên trở về, chúng tôi đã nhìn thấy cận cảnh lao Ông Già nằm trong quần đảo Hoàng Sa do con trai của ngư dân Mai Phụng Lưu chụp. Sau đó, nhiều nhà báo đã đến xin và đăng những tấm ảnh này. Đó là những tấm hình duy nhất mà mọi người được nhìn thấy Hoàng Sa qua ảnh chụp sau năm 1974.
Một tháng sau, chúng tôi nhận được điện thoại của Phạm Anh báo “anh Lưu gửi tặng mấy anh một bao cát Hoàng Sa” anh Lưu lấy trong chuyến đi biển tiếp theo. Đó là cát mà ngư dân ở Lý Sơn vẫn lấy về để trong nồi hương thờ ông bà và những binh phu Hoàng Sa ngày Tết.
Chỉ một thời gian ngắn sau, tờ báo SGTT “có biến”. Chương trình Cùng ngư dân bám biển ngưng trệ và chúng tôi ít có dịp gặp những ngư dân ở ngư trường Hoàng Sa truyền thống tại Lý Sơn nữa.
Hoàng Sa như cụ Võ Hiển Đạt – người trông coi Âm Linh Tự thờ binh phu và những người đã bỏ mạng giữa biển khơi đối với người dân Lý Sơn nó “ở gần như đảo Bé của Lý Sơn”.
Trong tim chúng tôi, Hoàng Sa cũng rất gần nhưng xa xôi biết mấy!
Minh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét