Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Tham nhũng, chống tham nhũng & thể chế - Sức mạnh mềm và chính sách đối ngoại Hoa Kỳ - Chiến Tranh Thử Thách và Cơ Hội Để Lấy Lại Hòang Sa

Vụ án Dương Chí Dũng: Bản án dành cho chế độ


Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines Dương Chí Dũng.

Thường, tôi không quan tâm đến các vụ án kiểu Dương Chí Dũng lắm. Các tác hại nghiêm trọng do Dương Chí Dũng gây ra cho nền kinh tế Việt Nam đã rõ ràng, ai cũng biết. Các quan hệ chằng chịt kiểu mafia chung quanh Dương Chí Dũng kể từ lúc ông còn tại chức đến lúc ông bỏ trốn, thật ra, cũng rất dễ hiểu, không nói, ai cũng biết. Cung cách làm việc của tòa án Việt Nam, kể từ khi khởi tố cho đến lúc tuyên án, vốn từ lâu đã vậy, chẳng làm ai ngạc nhiên.

Điều tôi ngạc nhiên và cảm thấy thú vị là dường như, qua báo chí, từ lề phải đến lề trái, từ những người ủng hộ chính phủ đến những người chống đối chính phủ, hầu như không ai tỏ vẻ gì phẫn nộ trước các việc làm sai trái của ông cũng như không ai tỏ vẻ gì hả hê (hay bất bình) trước cái án tử hình mà ông nhận lãnh.

Người ta bàn nhiều về vụ án, nhưng trong thái độ của họ đối với Dương Chí Dũng, có cái gì như dửng dưng. Về tội trạng của ông? Ừ, thì cũng nghiêm trọng. Chỉ riêng việc mua cái ụ nổi cũ kỹ, mục nát, vô dụng từ Nga đã gây thiệt hại cho công quỹ đến 366 tỉ đồng, chưa nói đến bao nhiêu việc làm sai trái của ông nữa. Về án tử hình dành cho ông? - Ừ, thì cũng đáng thôi. Bao nhiêu người, chỉ phạm tội cướp tài sản vài ba trăm triệu đã có thể bị tử hình, huống gì Dương Chí Dũng, kẻ làm cho cả mấy thế hệ người Việt Nam mang nợ, không biết bao giờ mới trả xong.

Biết vậy, nhưng người ta vẫn có cái gì như dửng dưng. Lạ chứ?

Thật ra, nghĩ cho cùng, cũng không lạ. Lý do là hầu như ai cũng biết một số điều: Một, Dương Chí Dũng có tội và xứng đáng bị xử tội, nhưng, hai, ông không phải là người duy nhất, thậm chí, không phải là người có tội nhất trong việc phá nát nền kinh tế Việt Nam; và ba, quan trọng hơn, vụ án Dương Chí Dũng không phải chỉ thuần túy là một vụ án kinh tế: Nó còn là một vụ án chính trị, trong đó, Dương Chí Dũng chỉ là một con chốt thí.

Người ta dửng dưng trước một con chốt thí vì mọi sự quan tâm thực sự đều được đổ dồn vào hai hướng khác: Một, sự tranh chấp quyền lực đằng sau vụ án Dương Chí Dũng, và hai, bản chất của cái chế độ đã tạo ra và dung dưỡng cho Dương Chí Dũng và đồng bọn.

Hầu như ai cũng biết mọi hoạt động của Dương Chí Dũng đều có liên hệ chặt chẽ đến nhiều thế lực cao nhất trong đảng và trong chính phủ. Trước, mặc dù luôn luôn thất bại, nhúng tay vào đâu cũng đều gây lỗ lã đến đó, Dương Chí Dũng vẫn được cất nhắc lên các chức vụ lớn, càng ngày càng lớn, từ Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Đường thủy (Vinawaco) đến Tổng giám đốc công ty Vinalines, rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị tổng công ty này, và cuối cùng, Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam. Ai cất nhắc ông? Người đó, không ai khác, chính là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Khi vụ vỡ nợ của Vinalines bị bạch hóa và khi tội trạng của Dương Chí Dũng không thể che giấu được nữa, ai mật báo cho ông trốn thoát? – Theo lời khai của ông trước tòa án vào đầu tháng 1 vừa qua, đó chính là Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng Bộ Công an, người được Dũng hối lộ nhiều lần, tổng cộng lên đến hơn một triệu Mỹ kim tiền mặt. Còn ai đã đưa Dương Chí Dũng trốn thoát sang Campuchia? Đó chính là các quan chức lớn trong ngành công an, trong đó, có Dương Tự Trọng, em ruột của Dũng, nguyên là đại tá phó giám đốc công an Hải Phòng. Tin đồn ở Việt Nam cho còn biết liên quan đến việc bao che cho Dương Chí Dũng có cả Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an và là ủy viên Bộ Chính trị.

Ở đây nổi lên mấy vấn đề chính:

Thứ nhất, những người giúp đưa Dương Chí Dũng trốn qua Campuchia đã bị bắt và đã bị xử tội, nhưng còn những người mật báo cho Dũng trốn thoát (ví dụ, theo lời khai của Dũng, Phạm Quý Ngọ) thì sao?

Thứ hai, Dương Chí Dũng bị buộc tội nhận hối lộ lúc còn tại chức, nhưng còn những người từng được Dũng hối lộ cả hàng triệu Mỹ kim (có khi còn nhiều hơn thế nữa) để bao che và cất nhắc cho Dũng lúc còn tại chức cũng như lúc sắp bị bắt thì sao? Những người đó, ngoài Phạm Quý Ngọ, còn những ai?

Thứ ba, một số bình luận gia lo ngại Dương Chí Dũng có thể bị giết chết trong tù để bịt miệng. Khả năng ấy có thể có. Nhưng còn một khả năng khác, quan trọng hơn: Chắc chắn sẽ có một số thế lực tìm mọi cách để bảo vệ mạng sống của Dương Chí Dũng, ít nhất cho đến ngày án tử hình được thi hành, để làm một bằng chứng chống lại các thế lực đối nghịch trong đảng và trong chính phủ. Trong trường hợp này, Dương Chí Dũng sẽ được sử dụng như một thứ vũ khí trong cuộc đấu đá giữa các phe phái tại Việt Nam. Mạng sống của Dũng được kéo dài bao lâu sẽ tùy thuộc vào tương quan lực lượng trong cuộc đấu đá này. Cũng nên chú ý đến vai trò của Nguyễn Bá Thanh: Đây là cơ hội tốt nhất để ông tự khẳng định với tư cách Trưởng ban Nội chính Trung ương, một chức vụ được mở đầu một cách ầm ĩ nhưng lại kéo dài, cho đến nay, một cách lặng lẽ và không chừng chỉ đầy thất bại.

Bất kỳ ai thắng ai bại, kẻ bại cuối cùng cũng vẫn là đảng Cộng sản Việt Nam.

Tại sao?

Có hai lý do và cả hai đều rất đơn giản:

Thứ nhất, qua vụ án Dương Chí Dũng, mọi người đều thấy rõ hơn sự thối nát của giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Không phải thấy. Mà là thấy rõ hơn. Trước, người ta đã thấy nạn hối lộ của dân chúng với các quan chức và giữa các quan chức với nhau, nhưng người ta có thể không rõ số tiền người ta hối lộ cho nhau là bao nhiêu. Vụ Dương Chí Dũng tiết lộ một con số, chưa chắc đã là cao nhất, nhưng cũng đủ khiến mọi người phải há hốc: hơn một triệu Mỹ kim. Trước, người ta cũng đã thấy sự toa rập giữa các cán bộ với nhau; nay, thấy rõ thêm một điều này nữa: sự toa rập ấy có thể chà đạp lên cả luật pháp.

Thứ hai, việc đưa Dương Chí Dũng ra tòa là một thử thách đối với quyết tâm chống tham nhũng và quyết tâm ngăn chận cung cách làm ăn bất chính, chỉ nhắm đến lợi riêng và bất chấp các thiệt hại nghiêm trọng đối với quốc gia mà đảng và chính phủ lâu nay vẫn hứa hẹn. Bất cứ một thái độ chần chừ nào, ví dụ, bỏ qua lời khai của Dương Chí Dũng đối với Thứ trưởng Bộ công an Phạm Quý Ngọ, chẳng hạn, cũng đều tố giác việc bao che tham nhũng của đảng và chính phủ. Niềm tin của dân chúng đối với chế độ, nếu còn, sẽ nhanh chóng bị sụp đổ vì sự bao che ấy.

Bản án dành cho Dương Chí Dũng, do đó, trở thành bản án dành cho chế độ.
Nói vụ án Dương Chí Dũng là một vụ án chính trị là vì thế.
Nguyễn Hưng Quốc
  (VOA)

Tham nhũng, chống tham nhũng & thể chế

Cần phải thừa nhận và nói thẳng, nội bộ đảng CSVN đang diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt.

Và người dân cần xem đó là một việc bình thường, như nó phải có trong bất cứ một xã hội nào.

Đảng CSVN cũng nên công khai rằng, đó là sự thật, là quy luật của mâu thuẩn mà lý luận “biện chứng” hằng nêu lên, không cần phải dấu diếm che đậy nữa.

Vả lại, sự thừa nhận và công khai cuộc đấu tranh nội bộ giữa những khác biệt đường lối trong Đảng, cũng như cái nhìn khách quan và sáng suốt của dân chúng trên cơ sở lợi ích quốc gia, sẽ là một bước nâng cao trình độ xã hội về tính minh bạch, vốn là yếu tố quan trọng của một thể chế dân chủ văn minh. Người dân sẽ được phục hồi lại ngôi “chính chủ” của mình, chứ không chỉ là chính chủ của chiếc xe gắn máy, để theo dõi và có trách nhiệm với mọi biến động, biến chuyển của đất nước.

Hai con, một mẹ !

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong nội bộ “Nhà nước-Đảng” đang diễn ra quyết liệt. Vì tính nghiêm trọng của tham nhũng là có hệ thống, được nương tựa vào cơ chế luật pháp một chiều, cùng các chủ trương, chính sách chủ quan, hẹp hòi và không công bằng…, nên đã hoành hành và tàn phá xã hội một cách bạo liệt, như cơn bão dữ kéo dài hàng thập kỷ. Không ai chịu nổi, đặc biệt là trong khi chủ quyền quốc gia đang bị đe dọa !

Tham nhũng đã làm cho xã hội suy yếu và tụt hậu. Đấu tranh chống tham nhũng lại có thể đưa Nhà nước-Đảng đến hậu quả bất ổn, khó lường cho sự “ổn định” thiếu nền tảng nầy, vốn xuất phát từ bản chất của thể chế.

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, dưới mắt dân chúng, nó tự bộc lộ là cuộc đấu tranh giành quyền lực của các thế lực lợi ích, nó không hứa hẹn một nội dung đổi mới nào, mà chỉ nhằm duy trì thể chế nhiều khuyết tật hiện tại, đích đến cũng là sự “ổn định” màu mở, với tư duy “sổ hưu” là thứ triết lý rất thiển cận làm đại biểu.

Nhưng không vì mục tiêu “cục bộ” mà cuộc chống tham nhũng có thể dừng lại, bằng cách thu xếp, thỏa hiệp nội bộ; để rồi sau đó, một thế lực mới lên nắm quyền thế chỗ, tham nhũng lại xuất hiện như con hổ đói sẩy chuồng. Như thế, sẽ không bao giờ xây dựng được niềm tin trong nhân dân, dù phe nầy hay phái kia thắng thế.. Mặt khác, nó tạo nên một tiền lệ tiêu cực, mâu thuẩn và gây ô nhiễm cho nhiều thế hệ lãnh đạo kế tiếp, đất nước tiếp tục quay vòng trong cơn bụi cát.

Quyền làm chủ của nhân dân là sự phán xét công bằng cho cuộc đấu tranh của các xu hướng, dù chỉ trong một Đảng.

Thật là vô nghĩa, nếu chống tiêu cực chỉ để củng cố thể chế cũ, bằng những con người mới, với ảo tưởng có tính lừa mị rằng họ là những bậc thánh, anh minh và tự trong sạch do Đảng tuyển chọn. Lịch sử của đảng CSVN là một minh chứng sống động về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Không thể phủ nhận mặt tích cực với những hy sinh cao cả trong quá trình chống ngoại xâm giành độc lập, cũng không thể không thừa nhận mặt tiêu cực và sự hạn chế tầm nhìn của nó về các mặt trái sau chiến tranh. Nó cũng bộc lộ trong 40 năm đi qua trong “chiến thắng”, đã phơi bày những “thất bại”căn bản ra sao, trong xây dựng và đổi mới đất nước !

Sự khác biệt to lớn và bất ổn về cơ chế trong chiến tranh được áp dụng là thể chế trong hòa bình, với não trạng đầy ắp nếp nhăn bảo thủ, chứa đầy mưu mẹo cai trị bạo lực, một cuộc bon chen vật chất đến thảm hại chính trong bộ máy Nhà nước-Đảng. Lật lại những trang ghi chép, và các hồi ký vào thời kỳ trước, những đòi hỏi hợp lý của những người đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn, khác với “cơ chế hiện hành”, đều được đáp trả bằng cách cay nghiệt và nhẫn tâm. Và cả những sự kiện sau ngày hòa bình thống nhất,(thì dụ vụ Thái Bình, và,…) cũng không khác nhau bao nhiêu về những đòi hỏi, cũng như cách đáp trả.

Những đòi hỏi hôm nay đều không mới, vẫn là nguyện vọng của toàn dân và các thế hệ đã ra đi, đó là cốt lõi của Hiến Pháp 1946, với 6 chữ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, đòi phải được cụ thể hóa.

Tham nhũng là sự kiện đang diễn ra, chính là bản chất, đồng thời là một yếu tố cấu thành của một thể chế, gọi theo cách lịch sự, công khai là một thể chế “chưa hoàn thiện”, dù đến cuối thế kỷ !

Tham nhũng và chống tham nhũng là hai con, sinh ra từ một mẹ thể chế.
Chống tham nhũng thôi, tức chỉ để đòi lại tiền bạc đã mất, và thay người đã lấy ? Đó là tất cả ao ước của nhân dân sao ? Nó làm thỏa mãn và lấy được lòng nhân dân sao ?
Cụ già mù Nguyễn Đình Chiểu đã thác lời nhân vật:

Tiên rằng đem bát nước đầy, đổ ngay xuống đất hốt rày sao xong ?” (LụcVân Tiên)

“Hốt nước” chỉ là động thái bày tỏ “thiện chí” hối lỗi. Nhưng hốt nước bằng tay nầy, thì đổ nước bằng tay kia. Giá trị tinh thần và giá trị của niềm tin có thể đổ đi, nhưng khó hốt lại được. Nó không thể là những vũ điệu được trình diễn của thể chế, để làm hoa mắt nhân dân, hay những màn kịch mị dân. Đấu tranh chống tham nhũng đang là quyết liệt, nhưng nó đang che lấp điều cốt lõi quan trọng.

Cuộc chống tham nhũng và tham nhũng, đã chứng minh rằng con Virus tham nhũng đã được cài đặt vào hệ thần kinh não của “Nhà nước-Đảng”, một màng nhện phủ lấp bộ máy từ Trung ương đến Địa phương. Tòa án có thể làm trong sạch hóa bộ máy, hay “tẩy não” từ mỗi con người ư ? Những nhà đạo đức nói, mỗi con người đều có Phật trong tâm, có Chúa trong tim, nhưng chỉ vì “vô minh” che lấp, hay “quỷ dữ” thao túng. Các nhà khoa học nói khác, virus tham nhũng được sinh ra từ thể chế chính trị, nó tiêu diệt tế bào lành mạnh, tạo nên những khối u xấu. Một hệ thống bộ máy tư pháp đồ sộ, từ cao đến thấp, với những chánh án, thẩm phán, luật sư, và các thứ..., kể cả bộ máy an ninh hùng hậu, chỉ dùng để cắt khối u, và cũng loanh quanh đâu đó, ngày đêm những khối u đang được tạo nên. Cắt không hết, không kịp, với bằng chứng là những núi hồ sơ ở các địa phương và trung ương, tồn đọng mỗi ngày càng cao lên. Thật là vô ích, vì tốc độ sinh sôi nẩy nở nhanh chóng, ngày càng tinh vi, tính kháng thuốc ngày càng mạnh, của loại virus đã được trui rèn, đang bám trụ kiên trì trong một thể chế màu mở của chúng.

Cũng vô nghĩa như những kẻ lui cui lo be bờ ngăn nước, thì những kẻ khác xã lũ cho nước chảy xiết hơn. Những cái đầu có ý chí lành mạnh trong bộ máy chắc không khỏi chán chê về việc làm vô nghĩa của đời mình. Hay là họ sẽ tự đầu hàng, buông xuôi, hoặc là thỏa hiệp với giòng nước trôi ? Những tế bào lành mạnh tiếp tục bị bao vây, khoanh vùng và bị giết chết.

Tham nhũng, chống tham nhũng là vấn đề của thể chế.

Người ta mong muốn một sự đột phá từ tư duy và nhân cách.

Khó tin rằng có tư duy mù mờ quờ quạng, mà lại có nhân cách.

Vượt lên trên “tham nhũng và chống tham nhũng”, không có nghĩa là bỏ qua, nhưng là đặt tầm nhìn về tiến trình thay đổi thể chế, vốn là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Các quốc gia từng mang tên CNXH, đã đồng loạt chứng minh, rằng, thì, là nó lạc hậu !

Vì thế, thông điệp đầu năm của Thủ tướng Dũng đã bộc lộ yêu cầu cấp thiết của lịch sử là đổi mới thể chế, khôi phục quyền làm chủ của nhân dân, xóa bỏ độc quyền trong kinh tế… đã tạo nên sự quan tâm đặc biệt và rộng rải trong dư luận, dù cho gương mặt đại biểu của tham nhũng cũng mang tên Dũng (tức DCD, và v.v.)

Vì đất nước đang đòi hỏi sự đổi mới thể chế, dân chủ hóa thể chế, đó là nguyện vọng lớn lao và cấp bách nhất hiện nay.

Dư luận cũng bày tỏ sự hoài nghi giữa nói và làm, hoặc sẽ làm theo một nội dung mà các từ ngữ tốt đẹp nói trên không hàm chứa. Làm gì có một thứ nội dung khác nội dung mà nhân loại đã đạt được, có tính phổ quát và được khẳng định trên toàn cầu, về quyền làm chủ của nhân dân – một xã hội dân sự, và một nhà nước pháp quyền ?

Cũng không loại trừ trường hợp “lực bất tòng tâm”, nếu là thực tâm, bởi sức đeo bám quá bền bỉ của “thế lực lợi ích”, bởi sự cột trói quá chặt chẻ của “thế lực bảo thủ” về mặt tư duy lẫn quyền lợi riêng, kể cả “hơi hùm” phả xuống từ phương bắc.

Mọi hoài nghi đều có cơ sở.

Nhưng còn vai trò của nhân dân ? ý chí và bản lãnh của dân tộc? Phải biến mộng thành thực.

Truyền thống Việt Nam không theo thuyết hoài nghi, hoặc chủ nghĩa định mệnh !

Việt Nam có một lịch sử, đã từng tồn tại như một quốc gia không kém cỏi gì.

Nhưng lịch sử rất vẻ vang trong sự nghiệp chống ngoại xâm sẽ chỉ là đống tro tàn, nếu không làm cho đất nước phát triển kịp thời đại. Bởi thế và lực ngày nay đã khác, và một thời đại đã khác. Sự đổi mới thể chế là hoàn toàn có thể, và phải quyết tâm đi tới.

Trong và ngoài các khuôn mặt lãnh đạo hiện nay, hoặc từ trong u minh của lịch sử, ai có thể bước lên, dẫn đầu cho công cuộc đổi mới ?

Người đó là vị anh hùng !

Làm anh hùng trong chiến tranh giành độc lập, cần trái tim biết hy sinh.

Làm anh hùng trong đấu tranh xây dựng dân chủ, cần trái tim hòa bình, trái tim thông minh và một nhân cách.

Nó sẽ làm sống dậy sức mạnh của dân tộc và lay động thời đại. Nó không cần bạo lực, không cần mưu mẹo, không cần lý sự về học thuyết vu vơ các thứ…

Minh Trị thiên Hoàng đã là như thế với nước Nhật. Ấn Độ có Gandhi, Hoa Kỳ có Abraham Lincoln, Nam Phi có Mandela, Miama có Aung San Suu kyi, Theinsein…Trái tim và nhân cách của họ đã hướng dẫn họ.

Không so sánh, không mặc cảm, mà đó là những tấm gương hiện thực có thể noi theo.

Quanh quẩn trong ao bèo ?

Có một giòng tư tưởng lẩn quẩn trong ao bèo.

Xin hỏi Giáo Sư Đổ Quang Hưng - thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cơ quan tư vấn về đường lối, sách lược chính trị cho Ban chấp hành Trung ương và Bộ chính trị Đảng Cộng sản Đổi mới thể chế, không lúc nầy thì lúc nào ?

Có lẽ, trong hàng cố vấn cao cấp, tiếng nói của GS Đổ Quang Hưng như sóng gợn trong ao bèo, như gió thổi cành tre, rất thong dong mà hoành tráng trong cái khuôn đúc ra mình.
Là Chủ nhiệm Bộ môn Chính trị Quốc tế, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, GS trả lời phỏng vấn của BBC:

-"Về lô-gic chính trị, có tính của thời đại nữa, tôi nghĩ rằng sẽ đến một lúc nào đó, tôi chưa biết là lúc nào, thì chắc chắn phải nghĩ đến điều đó, về lập hội đoàn....”, 

-“Như chưa cho (phép)báo tư nhân chẳng hạn, tôi nghĩ cũng có cái hợp lý của nó. Đến một lúc nào đó người ta không phản ứng cái lô-gíc đó thì đến lúc nào đó nó sẽ có, nhưng câu chuyện có thể là của sắp tới chẳng hạn, tương tự như vậy với các vấn đề khác."
 
-"Nhưng mà trong cấu trúc quyền lực cũng như đặc tính của thể chế chính trị của Việt Nam, người ta đã chấp nhận cái đó, thì cái hệ luận của nó là vẫn là như thế thôi, vẫn phải chịu như thế, vẫn phải chịu một sự lãnh đạo."

-"Còn khi đặt vấn đề về quân đội trong vai trò tương quan đối với Đảng, thì có thể ở một thể chế chính trị khác, nó đương nhiên nó lại không phải như vậy," 

- “Với cấu trúc quyền lực như thế này, người Việt Nam vẫn chấp nhận cấu trúc quyền lực như thế này, thì việc liên quan đến quân đội như thế cũng dễ hiểu." (1)

Tuy là có chức danh lớn nhưng ít người được nghe tên tuổi của Giáo sư, và cũng khó mà hiểu được Giáo sư cố vấn thế nào cho Đảng, cả các sinh viên sẽ học ra sao trong bộ môn của Giáo sư, nhưng tôi tin chắc Giáo sư là một sản phẩm hoàn hảo, vừa “có tính của thời đại nữa”, nhất là “về lô-gic chính trị”.

Tôi ngồi nhìn lục bình trôi lên trôi xuống từ cái góc sông Sài gòn, mà gởi thương cảm về Giáo sư, về Sinh viên của Giáo sư, và cả cái “Hội đồng lý luận” của Giáo sư, vừa thấy quẩn chân, lại vừa áy náy, về cái “lý luận” của Hội đồng.

Quả sung sẽ rụng, đương nhiên, nhưng chưa biết lúc nào, khi đó nó sẽ rơi xuống đất !.

Đúng quá, thưa Giáo sư, vậy là chúng ta hãy cùng “ngồi chờ sung rụng” và ngắm “lục bình trôi sông”!. /.
Hạ Đình Nguyên
Theo Người Lót Gạch

Chiến Tranh Thử Thách và Cơ Hội Để Lấy Lại Hòang Sa

Ngày 19-1-1974, lợi dụng Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam, Trung cộng cho tàu chiến tấn công và đổ bộ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Từ đó, càng ngày họ càng trở nên hiếu chiến, từng bước lấn chiếm các nơi khác và đơn phương xem Biển Đông là ao nhà. Thái độ hiếu chiến đang dẫn đến chiến tranh.

Nhân 40 năm tưởng niệm các chiến sỹ Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa anh dũng chống trả quân Tàu. Bài viết này bình luận chiến tranh là thử thách và cơ hội để chúng ta lấy lại Hòang Sa và có được tự do.

Vị Thế Chiến Lược

Việt Nam nằm trên ngã ba đường giao thông quốc tế. Bờ biển Việt Nam một phía, phía bên kia là Hòang Sa và Trường Sa, bao phủ biển Đông. Kiểm sóat được hai quần đảo là kiểm sóat được biển Đông, và là kiểm sóat được tuyến đường hàng hải quốc tế đang càng ngày càng trở nên quan trọng.

Chính vì thế, từ ngàn xưa ông bà chúng ta đã cho hải quân ra vào canh giữ hai quần đảo chiến lược này. Đến thời kỳ Pháp Thuộc, người Pháp tiếp tục kiểm sóat trục lộ giao thông này.

Ngày 7.9.1951, tại hội nghị San Francisco Hoa Kỳ trước sự hiện diện của phái đoàn gồm 51 quốc gia tham dự, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại đã long trọng tuyên bố: “Chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

Trước năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa là quốc gia nhỏ đang chiến tranh, vì vậy miền Nam phải phụ thuộc vào chiến lược của Hoa Kỳ. Năm 1972, họ thay đổi chiến lược bắt tay với Tàu. Năm 1973, họ ký Hiệp Định Đình Chiến Ba Lê, rút quân khỏi miền Nam, cắt giảm viện trợ và gián tiếp bàn giao miền Nam cho Khối Cộng sản.

Trong thế nước nhỏ đang chiến tranh, khi quân Tàu xâm chiếm Hòang Sa, các binh sỹ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã nổ súng chiến đấu nhằm xác định chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những phần đất này.

Khi trận Hải chiến Hoàng Sa còn đang diễn ra, ngày 19-1-1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa đã ra tuyên cáo lên án Trung Cộng xâm lược và khẳng định chủ quyền trên quần đảo này: “… Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, và một lần nữa vạch trần chánh sách bành trướng đế quốc mà Trung Cộng liên tục theo đuổi,...”

Tuyên Cáo đưa ra nhận định:“Việc Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền và an ninh của Việt Nam Cộng Hòa, mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn cố của Đông Nam Á và toàn thế giới.” Nhận định này ngày nay đã trở thành sự thực.

Chiến Lược Biển của Trung Cộng

Ba thập niên vừa qua, Trung cộng áp dụng mô hình phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên và lực lượng lao động rẻ, sản xuất các mặt hàng giản đơn phục vụ xuất khẩu. Nền kinh tế từ đó bị lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu hàng hóa sang Âu Mỹ và nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu từ khắp nơi trên thế giới.

Hải trình xuyên qua Biển Đông trở thành con đường xuất nhập chủ yếu. Ước tính có trên 80 phần trăm số hàng hóa xuất nhập đều đi qua tuyến đường này. Chính vì thế họ càng ngày càng lộ rõ tham vọng chiếm đóng biển Đông.

Năm 1988 và 1989, khi Liên Sô sửa sọan rời khỏi Đông Dương, họ đã tấn công và chiếm đóng một số nơi trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Năm 1995, khi Hoa Kỳ rút khỏi những căn cứ tại Phi Luật Tân, Trung cộng bắt đầu sử dụng quân sự tranh chấp bãi cạn Scarborough phía Tây Bắc nước này.

Tháng 11-2003, Hồ Cẩm Đào lên tiếng cảnh cáo mưu đồ của những cường quốc nhằm kiểm soát và phong tỏa quyền đi lại của tàu bè Trung cộng qua lại eo biển Malacca nối liền Ấn Độ Dương và Biển Đông. Hồ tuyên bố chủ quyền và “lợi ích cốt lõi” Trung cộng tại Biển Đông, và đưa ra bản đồ có hình chữ U xác định biên giới bao gồm tới 80 phần trăm Biển Đông. Gần 2000 cây số bờ biển Việt Nam bị nó che phủ và chữ U kéo dài xuống tận Nam Dương, Mã Lai..

Với lập luận: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với các đảo ở Biển Đông và vùng nước xung quanh, và được hưởng chủ quyền, quyền tài phán với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển của nó”, họ tự cho phép quyền bảo vệ an ninh quốc gia trên Biển Đông, quyền kiểm soát và khai thác tài nguyên tự nhiên gồm nguồn lợi thủy sản, dầu, khí và khoáng sản ở trên hoặc nằm dưới đáy biển.

Họ tuyên bố có “toàn quyền” trên các quần đảo Hòang Sa và Trường Sa, và thành lập Thành phố Tam Sa làm trung tâm kiểm sóat biển Đông. Họ tự đóng tiềm thủy đỉnh nguyên tử, tầu đổ quân, xây dựng hàng không mẫu hạm, thử nghiệm phản lực cơ tàng hình, cũng như cho xây dựng phi trường quân sự trên quần đảo Hòang Sa và Trường Sa.

Từng bước Trung cộng biến khu vực Biển Đông thành một khu vực do họ chiếm đóng. Họ cắt dây cáp và gây hấn với các tàu thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Ngày 22/7/2011, trong khi chiến hạm ISN Airavat của Ấn Độ đang trên đường vào cảng Hải Phòng chỉ cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý (83km) thì bị cảnh cáo là “vi phạm hải phận Trung Quốc”.

Họ cho Tàu chiến xâm phạm hải phận các quốc gia trong vùng. Họ cấm ngư dân đánh cá, bắn vào tàu đánh cá và bắt bớ ngư phủ Phi Luật Tân và Việt Nam. Và đặc biệt họ cho sử dụng hằng chục ngàn các đòan tàu đánh cá dàn trải khắp biển Đông như một cách tuyên bố chủ quyền.

Sửa Sọan Chiến Tranh

Ngay sau khi nắm quyền vào tháng 11-2012 Tập Cận Bình cho tăng cường quốc phòng sửa sọan đương đầu với Hoa Kỳ và các nước Đồng Minh. Hội nghị Trung ương tháng 11-2013 quyết định thành lập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia do Tập Cận Bình làm chủ tịch. Hội Đồng này bao gồm tất cả các lực lượng vũ trang và tuyên truyền nhằm tham mưu cho đảng Cộng sản sửa sọan chiến tranh.

Một số nguồn tin cho biết Bộ Quốc phòng Trung cộng đang thiết lập một cơ cấu chỉ huy tác chiến tổng hợp sẵn sàng đáp ứng khi có chiến tranh. Họ xây dựng các kho vũ khí công nghệ cao, vũ khí hạt nhân, tầu đổ bộ, ưu tiên cho chiến tranh di động tổng hợp và tác chiến tấn công trên biển và trên không.

Ngày 23-11-2013, Trung cộng ra thông báo thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông ở khu vực quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Khu vực này thuộc Nhật Bản. Thông báo này ngay lập tức đã bị Nhật bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Phi Luật Tân lên tiếng phản đối.

Cùng lúc Trung cộng đơn phương quy định tàu cá và tàu khảo sát nước ngoài khi đi vào vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý đều phải xin phép. Khu vực này bao gồm Hòang Sa và Trường sa với diện tích lên đến 2 triệu cây số vuông, với nhiều tuyến đường hàng hải, với nguồn hải sản nuôi sống hằng triệu cư dân và một nguồn trữ lượng dầu khí vô cùng to lớn.

Đây là một thách thức cho tòan thế giới vì quy định này đã vi phạm quyền tự do và luật quốc tế về biển. Việt Nam, Phi Luật Tân, Nhật bản và Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối quy định này. Cũng cần nhắc Phi Luật Tân đã chính thức thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung cộng bằng cách kiện ra tòa án quốc tế.

Hôm nay 16-01-2014, Trung cộng xác nhận đã cho bay thử thành công thiết bị mang hỏa tiễn siêu tốc với đầu đạn hạt nhân có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ hiện thời. Như vậy họ là quốc gia thứ hai chỉ sau Hoa Kỳ đã thử nghiệm thành công lọai vũ khí siêu tốc. Trên lý thuyết lọai vũ khí này nếu được mang ra sử dụng có thể chỉ mất 45 phút bay từ Bắc Kinh tới thủ đô Washington.
Đồng thời, Hải Quân Trung cộng không chỉ giới hạn tầm họat động trong vòng Biển Đông, càng ngày họ càng gia tăng xuất hiện tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Cách hành xử thô bạo và bành trướng cả quân sự lẫn khu vực chiếm đóng của Trung cộng đang gây quan tâm đến an ninh và nền hòa bình thế giới.

Chiến Lược Biển của Hoa Kỳ.

Từ thời lập quốc Hoa Kỳ vẫn chủ trương tự do thương mãi và tự do hàng hải. Để bảo vệ quyền lợi và mở rộng tầm ảnh hưởng hàng hải, Hoa kỳ cho xây dựng một lực lượng Hải Quân mạnh nhất thế giới về cả lượng lẫn phẩm.

Khả năng của Hải Quân Hoa Kỳ hơn khả năng Hải Quân của tất cả các quốc gia Âu Châu cộng lại và vượt xa khả năng của Hải Quân Trung cộng. Hải quân Hoa kỳ không chỉ có khả năng chiến đấu trên biển còn khả năng và nhiều kinh nghiệm tấn công từ biển vào lục địa.

Hoa Kỳ có tất cả 11 Hạm Đội với hàng không mẫu hạm. Đệ Tam và Đệ Thất Hạm Đội họat động trong khu vực Thái Bình Dương. Đệ Thất Hạm Đội còn được gọi là Hạm Đội Thái Bình Dương. Lẽ đương nhiên Hoa Kỳ không thể để Trung Cộng gia tăng vi phạm lợi ích quân sự, kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ tại biển Đông.

Chiến Lược Quay Lại Á Châu

Tháng 2/2009, trong chuyến công du châu Á Ngọai trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nhấn mạnh lợi ích Hoa Kỳ đối với tự do hàng hải và đến việc mọi quốc gia cần tôn trọng luật biển quốc tế. Bà cho biết chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với các quốc gia Đông Nam Châu Á để thuyết phục Trung cộng theo đường lối đa phương và hòa bình trong tranh chấp tại Biển Đông. Như thế các quốc gia trong vùng sẽ tạo được tiếng nói chung đối thọai trong hòa bình với Trung cộng.

Ngày 24-10-2010 tại Hội nghị Diễn đàn Khu vực Đông Nam Châu Á ở Hà Nội, Ngoại trưởng Hillary Clinton tái xác định quyền lợi Hoa Kỳ tại Biển Đông, phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Trung cộng và cho biết Hoa Kỳ đã chuẩn bị thúc đẩy các đàm phán đa phương nhằm giải quyết các tranh chấp chủ quyền các quần đảo tại Biển Đông.

Ngày 22-7-2011, tại Hà Nội Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông đưa ra chứng cớ pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của mình. Bà Clinton cho rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Châu Á phải phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Bà còn cho biết giải quyết tranh chấp bằng đường lối hòa bình là phù hợp với quyền lợi của Hoa Kỳ.

Trong nhiệm kỳ 1 của Tổng Thống Obama, đóng góp lớn nhất Ngọai trưởng Hillary Clinton là chiến lược quay lại Á Châu. Một chiến lược bao gồm cả kinh tế, giáo dục, ngọai giao, chính trị và quân sự.

Sang đến nhiệm kỳ 2, mặc dầu chính phủ Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua ngân sách quốc gia, nhưng chiến lược quay lại Á Châu của Ngọai Trưởng Hillary Clinton đã được lưỡng đảng Hoa Kỳ đồng thuận thông qua.

Chính phủ Hoa Kỳ đã cho điều quân khỏi A Phú Hãn và Iraq, dành ưu tiên cho các họat động quân sự tại Biển Đông. Họ khuyến khích các quốc gia trong vùng gia nhập Hiệp Định Xuyên Thái Bình Dương (TTP) xây dựng một khu vực kinh tế tự do bao trùm khu vực Thái Bình Dương. Họ cho tăng cường ngọai giao và viện trợ. Và đặc biệt khuyến khích các quốc gia giải quyết các tranh chấp bằng phương cách hòa bình như đàm phán đa phương, qua các diễn đàn quốc tế hay đưa ra tòa án quốc tế phân xử.

Chiến lược của Hoa Kỳ đã và đang bị thách thức bởi các hành động leo thang bạo lực của nhà cầm quyền Bắc Kinh, các hành động dễ dàng dẫn đến chiến tranh.

Bắc Kinh Tứ Bề Thọ Địch

Giao Thương Quốc Tế càng phát triển thì tuyến đường hàng hải qua Biển Đông càng trở nên quan trọng cho việc phát triển kinh tế của các quốc gia có bờ biển dọc theo biển Đông. Ngọai trừ Việt Nam và Bắc Hàn, các quốc gia khác đều là các nước đồng minh với Hoa Kỳ. Nhiều quốc gia luôn sát cánh với Hoa Kỳ trong mọi cuộc chiến và đều có những cam kết quân sự với Hoa Kỳ. Việc Trung cộng gia tăng quân sự trực tiếp đe dọa và gây hấn các quốc gia này chính là trực tiếp đe dọa đến quyền lợi của Hoa Kỳ.

Quan sát phương cách hành xử hiếu chiến của Trung cộng, thế giới đang nhận ra Trung cộng là mối đe dọa cho nền hòa bình biển Đông và Thế giới. Nhiều quốc gia trên thế giới tìm cách gia tăng khả năng quân sự hay tìm cách liên kết với Hoa Kỳ vừa để bảo vệ chính mình, vừa để cô lập Trung cộng.

Trung Hoa không phải là một quốc gia thuần nhất. Nó bao gồm nhiều lãnh thổ đang bị chiếm đóng, người dân các quốc gia Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ… đang đứng lên giành lại độc lập. Người dân các sắc tộc khác cũng đang đứng lên đòi hỏi một thể chế tự do, dân chủ và công bằng xã hội. Nhìn chung nhà cầm quyền Bắc Kinh đang tứ bề thọ địch.

Khi nhà cầm quyền Bắc Kinh gặp khó khăn thay vì tìm các giải pháp ôn hòa giải quyết, họ lại trở nên hung tợn hơn, trở nên hiếu chiến hơn và dễ dàng trở thành kẻ khai chiến.

Chiến Tranh! Chiến Tranh! Chiến Tranh!

Khi các giải pháp chính trị, giải pháp ngọai giao bất thành thì giải pháp quân sự ắt sẽ xẩy ra.

Trong một cuộc họp báo ngày 9-1-2014, Phát ngôn Viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jennifer Psaki cho biết: "Việc đưa ra các hạn chế đối với hoạt động ngư nghiệp của các quốc gia khác tại các khu vực tranh chấp của Biển Đông là hành động khiêu khích và có khả năng nguy hiểm. … tất cả các bên liên quan cần tránh có các hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thằng và cản trở khả năng giải quyết các khác biệt thông qua con đường ngoại giao hay bằng các biện pháp hòa bình khác".

Tính hiếu chiến của Trung cộng đã tăng thêm mức độ nghiêm trọng: khiêu chiến. Giữa tháng 12-2013 một tàu chiến Trung cộng đã tách khỏi nhóm tàu hộ tống hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Chiếc tàu này cố tình tiến thẳng đến đâm vào tuần dương hạm Hoa Kỳ USS Cowpens (CG-63). Buộc tuần dương hạm Hoa Kỳ phải bẻ lái chuyển hướng nhằm tránh va chạm dễ dàng dẫn đến chiến tranh. Hành động này đã bị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel cho là: “nguy cơ đụng độ hoàn toàn có thể xẩy ra trong vùng Thái Bình Dương.”

Khi Trung cộng loan báo nới rộng khu vực phòng không trong vùng lãnh hải đang tranh chấp tại biển Hoa Đông, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố: “Thay mặt Tổng Thống Hoa Kỳ, tôi muốn khẳng định rõ ràng rằng chúng tôi không công nhận khu phòng không này. Việc Trung Quốc tuyên bố khu phòng không sẽ không mảy may ảnh hưởng đến các hoạt động của chúng tôi. Chúng tôi cũng nhấn mạnh rõ ràng rằng Hoa Kỳ trông đợi Trung Cộng sẽ không có hành động có thể làm tăng căng thẳng và làm nguy cơ căng thẳng leo thang.”

Trong phiên điều trần về biển Đông hôm thứ ba 14-1-2014, các nghị sỹ và dân biểu đã chính thức lên tiếng Hoa Kỳ nhất định không để yên nếu Trung Cộng sử dụng biện pháp áp đặt bằng sức mạnh để đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông.

Trên là các dấu hiệu gần và rõ nhất chiến tranh sớm muộn sẽ xảy ra. Chiến tranh sẽ không trực tiếp xẩy ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Chiến tranh sẽ giúp Hoa Kỳ xây dựng lại uy tín và giữ vững danh hiệu cường quốc số 1 thế giới. Chiến tranh sẽ giúp Hoa Kỳ bán vũ khí cho các quốc gia trong vùng. Chiến tranh sẽ giúp nhân dân Hoa Kỳ đòan kết quên đi những khó khăn, những bất đồng nội trị. Nhà cầm quyền Bắc Kinh là chủ nợ của Hoa Kỳ, các khỏan nợ này sẽ được khấu trừ vào khỏan bồi hòan chiến phí tương lai.

Bắc Hàn là một quốc gia cộng sản khác. Mới hôm qua thứ Tư 15-1-2014, phát ngôn viên Bắc Hàn cảnh cáo bất kỳ cuộc tập trận quân sự Hoa Kỳ và Nam Hàn có thể sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân gây thiên tai và thảm họa ngoài sức tưởng tượng.

Như vậy chiến tranh trong vùng cũng sẽ là cơ hội để Hoa Kỳ xóa bỏ các thể chế cộng sản cuối cùng. Đây chính là điều quan trọng nhất để Hoa Kỳ thực hiện chiến lược tòan cầu mà họ luôn đeo đuổi: mang tự do dân chủ đến cho mọi người trên khắp thế giới.

Nhìn chung vì lợi ích ngắn hạn và dài hạn Hoa Kỳ sẽ không gây chiến, nhưng sẽ chủ động trong chiến tranh. Thái độ nhường nhịn của Hoa Kỳ hiện này là để được chính danh và được sự ủng hộ của các cường quốc Tây phương.

“Việt Nam không hai lòng với Trung Quốc.”

Trở lại Việt Nam, ngày 17/12/2013 vừa qua, báo chí trong nước loan tin ông Nguyễn Văn Thơ, đại sứ Việt Nam tại Trung Cộng, khi về nước tham dự Hội nghị Ngọai Giao, đã tuyên bố: “Việt Nam không hai lòng với Trung Quốc.” Một tuyên bố đã nói lên thực trạng Việt Nam.

Gần đây, Hà Nội có 1 số phản ứng với Trung cộng là vì nguồn dầu thô hằng năm mang về hằng chục tỷ Mỹ Kim đã bị Trung cộng ngăn chận khai thác. Thiếu ngọai tệ thâu được từ dầu thô là thiếu tiền nuôi dưỡng các bộ máy“Đảng”, bộ máy nhà nước, bộ máy công an,…

Trên thực tế đảng Cộng sản Việt Nam luôn lệ thuộc vào tư tưởng, vào chính trị, vào kinh tế Trung cộng, bởi thế họ khó có thể thay lòng đổi dạ. Chả thế bà con ta mới có câu :”theo Tàu mất nước, theo Mỹ mất đảng”.

Thật vậy, họ đã công khai cho phép quân đội, công an Tầu lập đồn xây lũy khắp nơi, ngày 20-12-2013, Đài Á Châu Tự Do phải lên tiếng báo động: “…ngay trên hai con đường có tên Hoàng Sa và Trường Sa chạy dọc theo bờ biển Đà Nẵng, các biệt khu của người Tàu cùng với hàng trăm quán sá mang biển hiệu Tàu mọc lên dày đặc.”

Mặc cho Trung cộng đơn phương ra lệnh cấm đánh cá trên biển Đông, ảnh hưởng đến đời sống của hằng triệu người sống ven biển. Mặc cho hải quân Tầu bắn giết, bắt bớ ngư dân Việt Nam. Nhà cầm quyền cộng sản chỉ lên tiếng cho có, chưa bao giờ có phản ứng để bảo vệ ngư dân. Họ đã để mất nhiều cơ hội Quốc tế hoá Biển Đông và tình trạng Việt Nam mất Biển Đông càng ngày trở nên trầm trọng hơn.

Việt Nam vẫn là một quốc gia cộng sản và vẫn là một mối đe doạ cho nền hoà bình thế giới. Các tài liệu công khai và chính thức của đảng Cộng sản Việt Nam luôn một cách vu vơ coi các quốc gia cổ vũ tự do là các thế lực thù địch và ngược lại Trung cộng là nước đồng chí anh em.

Khi chưa có một Hiến Pháp Tự Do, một Quốc Hội Độc Lập, chưa có tự do bầu cử, chưa có người cầm quyền chính danh, thì Trung cộng vẫn đứng trong hậu trường thu xếp lèo lái giới cầm quyền cộng sản Việt Nam, để giới này thực thi chiến lược bành trướng và bá quyền cho Trung Cộng.
Trong tình hình hiện nay nếu chiến tranh xẩy đến đảng Cộng sản sẽ đứng về phía Trung cộng. Họ không đứng về phía Hoa Kỳ, Đồng Minh và dân tộc Việt, vì nếu thế họ sẽ phải thực tâm tôn trọng nhân quyền, thực thi dân chủ và trao trả các quyền tự quyết cho dân tộc. Một chính phủ muốn được sự ủng hộ và trở thành Đồng Minh với Hoa Kỳ thì chính phủ đó cần chính danh qua các cuộc bầu cử tự do.

Ngược lại, đại đa số dân Việt đang vận động để Việt Nam thoát khỏi kiếp chư hầu Trung cộng. Giới luật gia trí thức vận động quốc tế hóa Biển Đông. Giới báo chí mang thông tin, tạo quan tâm đến quần chúng đồng bào. Giới quân đội đòi chuyên môn hóa, hiện đại hoá quân đội, để giữ nước, để bảo vệ ngư dân không bị quân đội Trung cộng áp bức. Giới trí thức, sinh viên thanh niên, xuống đường đòi trả lại Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam.

Phong Trào đấu tranh giữ nước đã liên kết với Phong Trào đấu tranh chính trị đòi tự do dân chủ. Nếu có chiến tranh chính nghĩa dân tộc sẽ là vũ khí sắc bén nhất cho những người đấu tranh vận động tòan dân đứng lên vừa giữ nước, vừa giành lại tự do dân chủ cho dân tộc Việt Nam.

Chiến tranh sẽ kết thúc. Lực lượng Đồng Minh sẽ chiếm Hòang Sa và Trường Sa. Và theo luật quốc tế sẽ trao trả cho chính phủ tự do đại diện cho tòan dân.

Không ai muốn chiến tranh. Nhưng rõ ràng chiến tranh vừa là một thách thức vừa là một cơ hội để Việt Nam giành lại lãnh thổ đã bị hai đảng Cộng sản Việt Tàu sử dụng quân sự chiếm đóng.

Thách thức của các lực lượng đấu tranh dân chủ là làm sao chúng ta có thể thực hiện được cả hai mục tiêu trong điều kiện và tình hình chuyển biến của đất nước và quốc tế.

Muốn thực hiện được cả hai mục tiêu chúng ta phải chủ động liên kết hành động. Năm 2014 là năm của hành động.

Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
16/1/2014

Chống tham nhũng: Chặt tay để giữ mạng

Giữa lúc đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, mà diễn biến mới nhất là vụ điều tra một quan chức cấp cao trong quân đội, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định "mọi bàn tay bẩn" sẽ bị bắt.
Trung Quốc, tham nhũng, Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Không cho phép hệ thống giám sát trở thành hổ giấy hay bù nhìn. Ảnh: BBC
Ông Tập đã kêu gọi nỗ lực gấp bội để diệt trừ nạn tham nhũng, mô tả tình hình chống tham nhũng hiện tại là khá "ảm đạm" và "một loại bệnh cần liều chữa trị mạnh hơn".
Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kỷ luật TƯ Trung Quốc, ông đã trích dẫn một thành ngữ: "Cần phải can đảm, như một người đàn ông sẵn sàng chặt cánh tay bị rắn cắn để giữ mạng mình".
"Chúng ta không cho phép hệ thống theo dõi và giám sát trở thành hổ giấy hay bù nhìn", ông Tập nhấn mạnh.
Ông đưa ra lời thúc giục cùng ngày với những tin tức về việc trung tướng Gu Junshan bị sa thải khỏi vị trí Cục phó Cục hậu cần quân đội vào tháng 2/2012.
Chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu trong năm đầu tiên lãnh đạo của ông Tập Cận Bình. Ông đã nhiều lần tuyên bố tham nhũng là mối đe dọa lớn với sự tồn vong của đảng cầm quyền.
Theo báo cáo của Ủy ban Kỷ luật TƯ Trung Quốc, năm 2013 đã xử lý kỷ luật hơn 180.000 quan chức, tăng 13% so với năm trước. Hàng chục quan chức cao cấp đã bị điều tra như cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang.
Ông Tập đã yêu cầu cải tổ thể chế, ủng hộ sự tồn tại độc lập của cơ quan chống tham nhũng địa phương đối với chính quyền. Ông cũng nhắc tới tầm quan trọng trong minh bạch thực thi quyền lực của quan chức. Ông khẳng định không dung thứ với tham nhũng và hứa sẽ trừng phạt nghiêm khắc các quan tham. "Mỗi quan chức cần nhớ rằng, tất cả bàn tay bẩn sẽ bị bắt", ông nói.
Tuy nhiên, trong cuộc họp, Ủy ban Kỷ luật đã không thảo luận về một hệ thống được mong chờ bấy lâu là yêu cầu quan chức kê khai tài sản - điều cốt yếu để xây dựng một chính phủ sạch.
Trong khi đó, tạp chí Tài Tân đã công bố những chi tiết mới về vụ điều tra tham nhũng với cựu quan chức quân đội Gu Junshan. Theo đó, Gu đã sở hữu hàng chục bất động sản có giá trị tại Bắc Kinh. Dinh thự của cựu tướng trải rộng trên gần một hecta đất, đã được xây dựng bắt chước Tử Cấm Thành. Trong một cuộc khám xét biệt thự tại Bộc Dương của Gu cách đây một năm, các nhà chức trách đã tịch thu một bức tượng Chủ tịch Mao Trạch Đông, một chậu rửa mặt và một mô hình tàu thủy và những hộp rượu Mao Đài... tất cả đều làm bằng vàng.
Bắc Kinh hiện cũng đang mở rộng chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội. Theo đó Quân ủy Trung ương đã thông qua quy định ban hành ngày 13/1, yêu cầu quân đội và cảnh sát vũ trang thắt chặt chi tiêu, phân bổ hợp lý các nguồn lực. Quan chức cần chọn xe hơi nội địa thay vì xe nhập khẩu đắt tiền để sử dụng chính thức. Bộ Quốc phòng cũng nhận lệnh kiểm tra, rà soát toàn bộ dự án bất động sản để chống tham nhũng.
Thái An(theo Reuters, SCMP)
(VNN)

- “Buôn ve chai khổ lắm”

Lao động Việt


Mỗi ngày đạp xe đi vài chục cây số
Mỗi ngày đạp xe đi vài chục cây số, lang thang từ đường phố này sang hẻm trọ kia, vừa đạp xe vừa rao: “Ai bán chai bao dép đứt không?”. Tiếng rao đổ dài nắng trưa, nghe âm âm, nằng nặng nỗi cơ hàn thân phận, không tiền dính túi và không có gì để mơ ước cho ngày mai… Với thu nhập được chăng hay chớ, có ngày kiếm được mười mấy ngàn đồng, ngày nào may mắn thì kiếm vài chục ngàn đồng, chuyện kiếm lãi tiền trăm ngàn mỗi ngày là chuyện quá xa vời đối với họ!
Ông Viễn, năm nay 69 tuổi, người gốc Hà Nam, vào miền Nam những năm 1954 – 1955 theo gia đình để tránh đấu tố, sau 1975, ông xuôi dạt về miền Trung, làm nghề thợ xây ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà nẵng, năm 1985, ông rời gia đình, vào Bình Dương kiếm kế sinh nhai, làm lụng đủ thứ, không có việc gì mà ông từ chối, nhưng nghèo vẫn nghèo, cuối cùng, ông đạp xe đi buôn ve chai qua ngày đoạn tháng.
Ông Viễn kể: “Trong khu vực dân cư 434 gần khu công nghiệp Việt Nam – Singapore này có rất nhiều người đi buôn ve chai, nói chung là lao động nghèo ở khắp nơi kéo về đây. Cũng có người vào đến đây mới nghèo, hết đường rút lui. Như tôi là một ví dụ”.
“Khu này chiếm 70% là nhà trọ cho công nhân thuê, chỉ có vài trăm người là chủ nhà thôi, đất Bình Dương ngày xưa rộng, nó vốn là đồn điền cao su thời Pháp, sau này những ông chủ thời xã hội chủ nghĩa nổi lên, họ chiếm nhiều lắm, những người này trở thành đại gia bây giờ nhờ có nhiều đất xây phòng trọ cho thuê”.
“Phần đông dân lao động khi đi làm xa, thường nuôi mộng làm giàu hoặc đổi đời. Thậm chí thề một đi không trở lại nếu như không đổi đời được. Khi vào Nam, gặp hoàn cảnh khó khăn, éo le, làm mãi mà chẳng đổi được đời, cộng thêm giá cả cắt cổ, chỉ đủ ăn, nuôi thân mà thôi. Cuối cùng, chẳng dám về thăm quê vì lỡ hứa với lòng, hứa với bà con họ hàng… Nói chung là nỗi niềm lắm!”.
“Tôi sống ở đây gần ba chục năm, cuối đời còn được một chiếc xe đạp của người ta cho để đi mua ve chai. Nhưng bù vào đó, con cái tôi ăn học đến nơi đến chốn nhờ tôi gởi nuôi hằng tháng. Có đứa thành kĩ sư, có đứa làm giáo viên. Đứa nào cũng mong mỏi đưa tôi về phụng dưỡng. Nhưng tụi nó cũng là lao động nghèo, tuy làm việc chất xám nhưng không có thế lực, chẳng phải con ông cháu cha, lương ba đồng còm, khổ lắm, thôi thì mình kiếm mỗi ngày từ hai đến ba chục ngàn đồng cũng tốt rồi, ăn cho qua ngày thì có là bao đâu!”.
“Buôn ve chai khổ lắm”
Bà Tụy, quê ở Bắc Hà, Lào Cai, vào Nam những năm 1980 vỉ lúc đó bà quá sợ chiến tranh Việt Trung, bà chứng kiến mấy người cháu họ chết trong trận càn của quân Tàu, bà lên tàu vào Nam, xuôi dạt về Bình Dương. Bà kể: “Buôn ve chai khổ lắm, mỗi ngày rao chừng một ngàn lần, đi chừng hai đến ba chục cây số. Nắng nóng, kiếm từ hai chục đến bảy chục ngàn đồng”.
“Có nhiều bữa mua cả một xe đầy, nhưng bán lãi chẳng bao nhiêu, vì đây là khu lao động nghèo, công nhân họ phải tính toán từng đồng để bán, nên buôn ve chai cũng phải cạnh tranh, mua giá nhỉnh hơn một tí mới có lần sau. Cứ mua chừng một đồng thì bán được một đồng hai. Mà cả ngày có khi nào mua quá ba trăm ngàn đồng vốn đâu, nên lãi cao nhất cũng chỉ tới sáu chục ngàn đồng là hết mức!”.
Tỉnh Bình Dương là tỉnh có diện tích đất tương đối lớn trên cả nước, trong đó diện tích mặt bằng khai thác xây dựng khu công nghiệp rất cao, vì nơi này có lượng mưa thấp, không bị ngập lụt. Nhưng, Bình Dương cũng là tỉnh có nhiều lao động nghèo, nhiều khu trọ của công nhân nghèo vào bậc nhất đất nước, cuộc đời của họ, thế giới của họ chẳng khác nào thế giới ổ chuột – những ở chuột Cộng sản xã hội chủ nghĩa vĩ đại!
Hồng Hạc,Lao Động Việt
chao@laodongViet.org
GHI CHÚ: Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (gọi tắt: Lao Động Việt, web: laodongViet.org) là liên minh của các tổ chức lao động trong và ngoài nước gồm: Phong Trào Lao Động Việt, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, Công Đoàn Độc Lập, và Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam.
- Hết-

#110 – Sức mạnh mềm và chính sách đối ngoại Hoa Kỳ

Nguồn: Joseph S. Nye (2004). “Soft Power and American Foreign Policy” (Chapter 5) in J.S. Nye, Soft Power: The Means to Success in World Politics (New York: PublicAffairs), pp. 127-148.
Biên dịch: Lê Vĩnh Triển | Hiệu đính: Giáp Văn Dương
Download: Suc manh mem va chinh sach doi ngoai Hoa Ky.pdf
Bài liên quan: Các chương khác của cuốn sách; Các bài về “sức mạnh mềm”
Chủ nghĩa bài Mỹ đã phổ biến hơn trong những năm vừa qua. Thomas Pickering, một nhà ngoại giao kỳ cựu đã xem năm 2003 như là “đỉnh điểm của chủ nghĩa chống Mỹ mà chúng ta từng thấy trong khoảng thời gian dài”.[1] Những cuộc thăm dò cho thấy sự suy giảm sức mạnh mềm của chúng ta có nguyên nhân lớn từ chính sách ngoại giao. “Một quan điểm phổ biến và thời thượng cho rằng nước Mỹ là một thế lực đế quốc kiểu cổ điển… Cách đánh giá kiểu này thể hiện nhiều cách bởi nhiều người khác nhau, từ việc các cổ động viên hockey ở Montreal la ó khi quốc ca Mỹ cất lên đến việc những học sinh trung học Thụy Sĩ không muốn đi Mỹ theo các chương trình trao đổi văn hóa”.[2]
Một nhà quan sát Úc kết luận rằng “bài học của cuộc chiến Iraq là sự suy giảm sức mạnh mềm của Mỹ. Bush đã thực hiện cuộc chiến nhưng không có được những ủng hộ quân sự rộng rãi cũng như sự chuẩn thuận của Liên Hiệp Quốc. Việc này có hai hậu quả: Có sự gia tăng tâm lý chống Mỹ, thúc đẩy việc gia nhập các tổ chức khủng bố; thứ hai, chi phí cho cuộc chiến và cho những nỗ lực tái thiết tăng cao.” [3] Hầu hết 15 quốc gia trong số 24 quốc gia có trả lời thăm dò của viện Gallup International cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ đã tác động tiêu cực đối với thái độ của họ về nước Mỹ.
Một cuộc thăm dò ở châu Âu cho thấy nhiều người dân Châu Âu tin là nước Mỹ có khuynh hướng đóng vai trò tiêu cực trong cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu, trong bảo vệ môi trường và trong việc duy trì hòa bình thế giới.[4] Khi được hỏi trong một cuộc thăm dò của Pew rằng nước Mỹ “quan tâm đến lợi ích của bạn đến mức nào”, đa số trả lời ở 20 quốc gia trong số 44 quốc gia được thăm dò trả lời là “không nhiều” hoặc “chẳng chút nào cả”.[5] Ở nhiều nước, đánh giá tiêu cực đối với Mỹ thường phổ biến nhất ở thành phần trẻ tuổi. Văn hóa đại chúng của Mỹ có lẽ được ngưỡng mộ sâu rộng trong thanh niên nhưng sự kém thân thiện của các chính sách ngoại giao kiểu Mỹ đã làm cho các thế hệ tiếp theo nghi ngờ sức mạnh Mỹ.[6]
Phim ảnh và âm nhạc Mỹ ngày nay thịnh hành ở các nước Anh, Pháp và Đức hơn 20 năm trước, khoảng thời gian mà chính sách của Hoa Kỳ không phổ biến lắm ở các nước châu Âu, ấy vậy mà sự thu hút của chính sách Hoa Kỳ lúc đó còn khá hơn bây giờ.[7] Có thể thấy rằng các chính sách không mấy thân thiện đã lan tỏa và làm giảm mạnh sự hấp dẫn của những khía cạnh khác của văn hóa thân thiện Mỹ. Một nghiên cứu của Roper năm 2003 cho thấy rằng, “lần đầu tiên kể từ 1998, người tiêu dùng ở 30 quốc gia cho thấy sự chán ghét của họ với kiểu cách Mỹ qua việc không muốn mua các sản phâm của Nike hay ăn ở các nhà hàng McDonald’s… Cùng lúc đó, 9 trong 12 các công ty châu Á và Âu bao gồm Sony, BMW and Panasonic gia tăng điểm số.” [8]
Cái giá của việc bỏ qua sức mạnh mềm
Những người hoài nghi về sức mạnh mềm bảo rằng đừng nên lo lắng. Tính phổ biến (hay được lòng dân – NBT) thường không bền vững và không nên được xem như là một chỉ dẫn đối với chính sách đối ngoại trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nước Mỹ có thể hành động chẳng cần thế giới tán thưởng. Ta quá mạnh nên có thể làm gì mình muốn. Chúng ta là siêu cường duy nhất trên thế giới, và chính vì thế nảy sinh ghen ghét và tỵ hiềm từ nước khác. Fouad Ajami mới đây có tuyên bố rằng: “Hoa Kỳ không cần phải lo lắng vế tâm tư tình cảm của dân các nước khác.” [9] Nhà báo Cal Thomas đề cập đến “sự tưởng tượng cho rằng kẻ thù của Hoa Kỳ có thể trở nên ít đe dọa hơn tùy vào lời nói hay hành động của Mỹ.”[10] Hơn nữa, Hoa Kỳ vốn không được ưa chuộng trong thời gian qua đã có những nỗ lực để cải thiện tình hình. Chúng ta không cần những thể chế hay đồng minh vĩnh viễn. Chúng ta luôn có thể tìm kiếm những liên minh ý chí một khi chúng ta muốn. Donald Rumsfeld cho rằng vấn đề sẽ quyết định đồng minh chứ không phải ngược lại.
Nhưng thật là sai lầm nếu bỏ qua chuyện sức hút của nước Mỹ đã sút giảm. Đúng là Hoa Kỳ đã phục hồi hình ảnh vốn đã bị xấu đi từ những chính sách kém thân thiện trước đây, tuy nhiên đó là thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi mà các nước vẫn còn sợ Liên Xô như một thế lực xấu xa hơn. Hơn nữa, như ở Chương 2 có đề cập, trong khi tầm cỡ và tính hiện đại liên tục của Hoa Kỳ là có thực và không thể tránh khỏi, chính sách thông minh có thể giúp mềm hóa những khía cạnh gai góc của sự thật đồng thời giảm thiểu những tị hiềm mà chúng gây ra. Hoa Kỳ đã làm được như vậy sau Thế chiến II. Hoa Kỳ đã tận dụng các nguồn lực của sức mạnh mềm, và những nguồn lực khác để tạo nên những liên minh cũng như các thể chế tồn tại hơn 60 năm qua. Hoa Kỳ đã thắng Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh bằng một chiến lược gây áp lực sử dụng cả sức mạnh mềm và sức mạnh cứng.
Sự thật là mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia đã làm tăng tính dễ tổn thương của Hoa Kỳ, và một vài quan hệ song phương của Hoa Kỳ sau ngày 11 tháng 9 bị chi phối bởi nỗi sợ hãi. Nhưng Hoa Kỳ lại không thể đối phó với mối đe dọa nêu trên vốn đã được nêu trong chiến lược an ninh quốc gia mà không có sự hợp tác của các quốc gia khác. Họ chỉ đơn thuần hợp tác dựa trên lợi ích của họ, nhưng mức độ hợp tác cũng tùy vào sự thu hút của chính Hoa Kỳ. Lấy Pakistan làm ví dụ: Tổng thống Parvez Musharraf đang phải chơi một trò chơi khó trong việc vừa phải hợp tác với Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố vừa phải đương đầu với một bộ máy chống Mỹ khồng lồ ở quê nhà. Ông phải giữ thăng bằng giữa chấp thuận, nhượng bộ và từ chối. Nếu Hoa Kỳ tỏ ra thu hút hơn với người Pakistan, Hoa Kỳ có thể có được những sự chấp nhận nhiều hơn từ họ.
Thật không khôn ngoan khi cho rằng sức mạnh mềm chỉ đơn giản là vấn đề hình ảnh, quan hệ công chúng hay tính phổ biến sớm nở tối tàn. Như chúng ta đã lập luận, sức mạnh mềm thực sự là một phương tiện để đạt được những kết quả mong muốn. Một khi chúng ta hạ thấp sự thu hút của quốc gia mình đối với các nước, chúng ta sẽ phải trả giá. Điều quan trọng nhất là, nếu Hoa Kỳ không thân thiện tại một quốc gia đến nỗi việc thân Mỹ đồng nghĩa với việc tự sát trong chính sách đối nội của quốc gia đó, thì chắc chắn là các nhà lãnh đạo chính trị khó có thể chấp nhận nhượng bộ Hoa Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico và Chile là những ví dụ trong thời gian chuẩn bị diễn ra cuộc chiến Iraq tháng 3/2003. Một khi các chính sách của Mỹ đánh mất tính chính danh cũng như sự khả tín trong mắt người khác, sự nghi kỵ có khuynh hướng lan nhanh và mau chóng làm suy yếu ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Ví dụ, sau sự kiện 11/9, sự thông cảm của nước Đức dành cho Hoa Kỳ tăng lên rất nhiều và nước Đức đã gia nhập lực lượng chống hệ thống Al Qaeda. Nhưng khi Hoa Kỳ phát động cuộc chiến Iraq, người Đức đã bày tỏ sự bất tín nhiệm sâu rộng đối với những lý do mà Hoa Kỳ đưa ra để tiến hành chiến tranh, ví dụ như việc Hoa Kỳ gắn Iraq với biến cố 11/9 cũng như sự liên hệ đến mối đe dọa của vũ khí hủy diệt hàng loạt. Sự nghi ngờ của người Đức đã được củng cố bởi cái mà họ cho là đã có sự thiên vị của truyền thông Hoa Kỳ trong suốt cuộc chiến cũng như bởi sự thất bại trong việc tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm gắn nó với sự cố 11/9. Việc gắn kết này đã tạo điều kiện cho sự bùng nổ của các suy luận về thuyết âm mưu. Vào tháng 7/2003, theo một cuộc thăm dò dư luận của Reuters, một phần ba dân Đức tuổi dưới 30 cho rằng chính quyền Mỹ có thể đã dàn dựng cho những cuộc tấn công ngày 11 tháng 9.[11]
Những quan điểm bất thường lại hỗ trợ nhau làm cho nỗi ám ảnh càng nhân rộng. Thái độ của dân Mỹ đối với người nước ngoài trở nên cứng rắn hơn và người Mỹ bắt đầu cho rằng phần còn lại của thế giới căm ghét mình. Nhiều người Mỹ đã tỏ ra cay đắng, nghi ngờ tất cả mọi người Hồi giáo, tẩy chay rượu Pháp và đặt tên lại cho các loại khoai tây chiên Pháp, tin vào và phổ biến những tin đồn vô căn cứ.[12] Mặt khác, người nước ngoài thì nhìn người Mỹ như những kẻ thiếu thông tin và vô cảm, chỉ nghĩ tới lợi ích của mình. Họ cho rằng truyền thông Mỹ chỉ quan tâm đến lợi ích Mỹ. Nhiều người Mỹ lần lượt rơi vào tình trạng cô lập và sẽ “tính sổ” với ai nếu bị đẩy vào tình trạng như thế. Nếu những người nước khác đều như thế, liệu có ai quan tâm đến việc Hoa Kỳ có được ưa chuộng hay không? Nhưng chừng nào Hoa Kỳ còn tự cô lập mình thì người Mỹ còn làm những kẻ thù như Al Qaeda mạnh thêm. Những phản ứng như thế làm giảm sức mạnh mềm của Mỹ và tự bắn vào chân mình trong việc đạt những kết quả dự định.
Những người hoài nghi có thể cho rằng cho dù sức mạnh mềm có những thế mạnh của nó, bản thân nó có vai trò mờ nhạt trong cuộc chiến chống khủng bố hiện thời. Osama bin Laden và thuộc hạ của mình chống trả lại chứ không phải được thu hút bởi nền văn hóa, giá trị và những chính sách của Hoa Kỳ. Sức mạnh quân sự thật cần thiết trong việc đánh bại chính quyền Taliban ở Afghanistan, và sức mạnh mềm sẽ không bao giờ cải biến được những kẻ cực đoan. Ngay sau chiến thắng quân sự nhanh chóng của Hoa Kỳ ở Afghanistan, Charles Krauthammer cho rằng cuộc chiến đã cho thấy chủ nghĩa đơn cực mới có hiệu quả. Trong một chừng mực thì điều này đúng, tuy vậy những người hoài nghi đã nhầm tưởng rằng một nửa câu trả lời là một giải pháp trọn vẹn.
Nhìn lại Afghanistan. Bom chính xác và lực lượng đặc nhiệm đã đánh bại chính quyền Taliban, nhưng quân đội Mỹ ở Afghannistan chưa bằng một phần tư thành viên Al Qaeda, một hệ thống xuyên quốc gia với các nhóm ở hơn 60 quốc gia. Hoa Kỳ thật không thể dội bom những chi nhánh Al Qaeda ở Hamburgh, Kuala Lumpur hay ở Detroit. Chiến thắng chúng phụ thuộc vào hợp tác dân sự gần gũi, chia sẻ thông tin tình báo, điều phối hoạt đông an ninh biên giới hay theo dõi lưu chuyển tài chính toàn cầu. Các bên tham gia với Mỹ phần nào bởi lợi ích của họ, nhưng sự hấp dẫn của các chính sách của Hoa Kỳ mới có thể và thật sự quyết định mức độ hợp tác của họ.
Quan trọng nữa là, cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo thật ra không phải là một sự va chạm giữa các nền văn mình mà là một cuộc đua mà kết quả lại gắn chặt với cuộc chiến nội bộ giữa hai phe phái Hồi giáo ôn hòa và cực đoan. Hoa Kỳ và các nước dân chủ phát triển chỉ có thể chiến thắng khi những người Hồi giáo ôn hòa thắng, và khả năng thu hút thành phần ôn hòa này quyết định đối với sự thắng thế của họ. Chúng ta cần sử dụng những chính sách có thể thu hút thành phần Hồi giáo ôn hòa cũng như các chính sách ngoại giao công chúng cần hiệu quả hơn nhằm làm rõ những lợi ích chung của nhau. Chúng ta cần một chiến lược tốt hơn để triển khai sức mạnh mềm của mình. Chúng ta sẽ phải học cách kết hợp sức mạnh mềm và sức mạnh cứng tốt hơn nếu muốn đối phó thành công với những thử thách mới.
Như đã trình bày ở Chương 1, bên dưới bề mặt của hệ thống, thế giới biến đổi sâu sắc suốt hai thập niên cuối cùng của thế kỉ 20. Sự kiện 11/9 chỉ giống như một tia chớp lóe lên trong đêm tối mùa hè, làm lộ ra một quang cảnh mới rồi đẩy chúng ta trở lại bối rối trong đêm tối nhưng chưa biết phải làm sao tìm đường vượt qua. George W. Bush nhậm chức với cam kết thực thi chính sách đối ngoại hiện thực truyền thống, tập trung vào những siêu cường như Trung Quốc, Nga và bỏ qua việc xây dựng quốc gia ở các nước kém phát triển đã mất kiểm soát. Nhưng năm 2002, chính quyền của ông ta tuyên bố chính sách an ninh quốc gia mới dựa trên sự công nhận mà như Bush phát biểu: “Chúng ta không bị đe dọa bởi các quân đội chính quy mà bởi thảm họa mà theo đó vũ khí rơi vào tay của các nhóm thiểu số thù địch.” Thay vì chấp nhận cạnh tranh chiến lược, Bush tuyên bố: “Ngày nay, các nước lớn trên thế giới đứng về một phía, đoàn kết với nhau nhờ những mối nguy hiểm chung của bạo lực và rối loạn khủng bố. Hoa Kỳ gia tăng hỗ trợ phát triển với nỗ lực chống AIDS bởi vì “những nhà nước yếu kém như Afghanistan, có thể trở thành một mối nguy hiểm cho quyền lợi quốc gia của các nước mạnh.”[13] Nhà sử học John Lewis Gaddis so sánh chiến lược mới này với việc tái xác định lại chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm 1940 sau Thế chiến thứ hai.[14]
Chiến lược mới này bị phê bình trong nước cũng như ở nước ngoài vì sự cao giọng ủng hộ việc tấn công quân sự phủ đầu cùng với việc thúc đẩy sự lấn lướt của Mỹ. Những nhà phê bình chỉ ra rằng chiến lược đánh phủ đầu không phải mới, nhưng việc biến nó thành một học thuyết sẽ làm suy yếu những quy chuẩn quốc tế và khuyến khích các quốc gia khác can dự vào những hoạt động đầy bất trắc. Tương tư như vậy, sự lấn lướt của Mỹ là có thực, tuy nhiên chẳng cần gì phải nêu lên luận điệu khiến các nước khác bất mãn. Tuy đã có những sai lầm như thế, chiến lược mới của Mỹ là kết quả của việc phản ứng lại những xu hướng chính trị thế giới mà biến cố 11/9 là một minh họa. “Tư nhân hóa chiến tranh” bởi những tổ chức đa quốc gia như Al Qaeda là một ví dụ cho sự thay đổi lớn mang tính lịch sử của chính trị thế giới rất cần xem xét. Đây là điều mà chiến lược của Bush đã nhận thức đúng hướng. Vấn đề mà Hoa Kỳ chưa giải quyết được nằm ở chỗ là thực hiện cách tiếp cận mới như thế nào. Chúng ta đã thực hiện việc xác định mục đích tốt hơn nhiều việc xác định phương tiện. Về vấn đề này, cả chính phủ và quốc hội đều bị chia rẽ trầm trọng.
Theo chiến lược an ninh quốc gia mới này, những hiểm họa to lớn nhất mà người Mỹ phải đương đầu là chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia và vũ khí hủy diệt, và đặc biệt là khi có sự kết hợp cả hai. Nhưng việc đối phó với thử thách từ những tổ chức quân sự xuyên quốc gia có vũ khí hủy diệt hàng loạt cần thiết phải có sự hợp tác từ các nước khác, và sự hợp tác được củng cố bởi sức mạnh mềm. Tương tự, những nỗ lực thúc đẩy dân chủ tại Iraq và các nơi khác đòi hỏi sự trợ giúp của các nước khác. Việc tái thiết Iraq và công việc gìn giữ hòa bình ở các quốc gia thất bại sẽ có thể thành công và ít tốn kém hơn nếu trách niệm được chia sẻ với các nước chứ không phải chỉ bởi sự chiếm đóng của Hoa Kỳ. Thực tế rằng Hoa Kỳ đã lãng phí sức mạnh mềm của mình trong cách tiến hành chiến tranh đã làm cho chi phí hậu chiến trở nên tốn kém hơn nhiều.
Ngay cả sau cuộc chiến, trong niềm kiêu hãnh chiến thắng tháng 5 năm 2003, Hoa Kỳ đã từ chối chuyển giao vai trò quan trọng cho Liên Hiệp Quốc và các nước khác. Nhưng khi thương vong và chi phí gia tăng qua mùa hè, Hoa Kỳ nhận thấy là các nước rất lưỡng lự chia sẻ gánh nặng khi không có Liên Hiệp Quốc ủng hộ. Như một tư lệnh quân Mỹ ở Iraq, tướng John Abizaid báo cáo: “Chúng ta không thể đánh giá thấp sự cảm nhận của công chúng Iraq và thế giới Ả-rập về sự hiện diện áp đảo của quân đội Mỹ.” Tuy vậy, theo Abizaid các nước khác “cũng còn cần phải làm hài lòng các thành phần chính trị nội bộ của họ rằng họ giữ vai trò như một công cụ của Liên Hiệp Quốc chứ không phải là một con tốt của Mỹ.” Trước hội nghị các nhà tài trợ cho Iraq tháng 10 năm 2003 tại Madrid, Thời báo New York ghi nhận rằng Paul Bremer, người đứng đầu lực lượng chiếm đóng ở Baghdad đã phát biểu: “Tôi cần tiền đến mức phải từ bỏ nguyên tắc phản đối việc cộng đồng quốc tế đứng ra chịu trách nhiệm chính”. [15] Những bình luận gia thuộc phái tân bảo thủ như Max Boot thúc giục những người bảo thủ đừng xem nhẹ vai trò của Liên Hiệp Quốc và Charles Krauthammer, tác giả của “thuyết đơn phương mới” kêu gọi một nghị quyết Liên Hiệp Quốc mới bởi vì ông nghĩ rằng Nga, Ấn Độ và các quốc gia khác “cho rằng họ chỉ có thể đóng góp nếu có một nghị quyết như thế… Hoa Kỳ sẽ không kiệt sức. Nhưng về mặt tâm lý, chúng ta đã chịu đựng đến mức có thể. Người Mỹ chỉ đơn giản là không được chuẩn bị cho việc thực hiện trọng trách kiến tạo quốc gia trên toàn thế giới.”[16]
Trong thời đại thông tin toàn cầu này, sự hấp dẫn của Hoa Kỳ là cần thiết để chúng ta có thể đạt được những kết quả mong muốn. Thay vì phải lượm lặt các liên minh cho từng trò chơi mới, sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể thu hút những quốc gia khác vào các liên minh mang tính thể chế và tránh làm yếu những liên minh chúng ta đã tạo dựng được. Ví dụ như NATO, không chỉ tập hợp nguồn lực của các nước phát triển, mà chính những ủy ban, quy trình và các cuộc tập trận liên tục sẽ giúp các nước trong khối huấn luyện lẫn nhau và hoạt động hỗ trợ nhau nhanh chóng khi có khủng hoảng xảy ra. Đối với các liên minh, nếu Hoa Kỳ là nguồn an ninh và bảo đảm hấp dẫn, các nước khác sẽ thiết lập các kỳ vọng theo hướng thích hợp với lợi ích của chúng ta. Ví dụ, Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, ký năm 1951, ban đầu không được thiện cảm lắm ở Nhật, nhưng sau vài thập kỷ, các cuộc thăm dò cho thấy nó càng trở nên hấp dẫn đối với công chúng Nhật. Khi được như vậy, chính giới Nhật bắt đầu đưa nó vào cách tiếp cận đối ngoại với các nước. Hoa Kỳ được lợi khi nó được xem như một cơ sở lợi ích bền vững và đáng tin cậy, từ đó các nước khác sẽ không phải liên tục xem lại những lựa chọn chính sách của mình trong một môi trường liên minh không chắc chắn. Trong trường hợp nước Nhật, sự chấp nhận rộng rãi Hoa Kỳ của công chúng Nhật đã “góp phần cho việc duy trì thế độc tôn của Mỹ” và “phục vụ như những ràng buộc chính trị đối với các thành phần tinh hoa chính trị, làm cho họ phải tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ.”[17] Sự ưa chuộng có thể góp phần cho ổn định.
Sau cùng, theo John Arquilla và David Ronfeldt của tập đoàn RAND, sức mạnh của thời đại thông tin toàn cầu không chỉ được hình thành từ phòng thủ chắc chắn mà còn từ chia sẻ mạnh mẽ. Cách tư duy chính trị hiện thực truyền thống khiến cho việc chia sẻ với các nước khó khăn hơn. Còn trong thời đại thông tin này, chia sẻ không chỉ gia tăng năng lực của các nước trong hợp tác với chúng ta mà còn củng cố các khuynh hướng hợp tác đó.[18] Khi chia sẻ thông tin tình báo và nguồn lực với các nước, chúng ta đồng thời phát triển các viễn cảnh và cách tiếp cận chung từ đó gia tăng năng lực ứng phó của chúng ta với các thử thách mới. Quyền lực lưu chuyển dựa trên sự hấp dẫn như vậy. Nếu gạt bỏ sự quan trọng của tính hấp dẫn, coi nó chỉ như là sự phổ biến tạm thời của công luận, thì chúng ta hẳn sẽ bỏ qua những quan điểm sâu sắc quan trọng của các lý thuyết về quyền lãnh đạo mới cũng như những thực tế của thời đại thông tin này. Nếu thế, chúng ta không thể thành công được.
Đế quốc Hoa Kỳ?
Không phải ai cũng đồng tình với bức tranh miêu tả sự thay đổi bản chất chính trị thế giới này, và vì thế họ đề nghị cách tiếp cận khác đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Nhiều người lập luận rằng tính dễ tổn thương của Hoa Kỳ đòi hỏi một mức độ kiểm soát mạnh mẽ hơn. Hơn nữa, sức mạnh lấn lướt của Hoa Kỳ giúp thực hiện điều đó. Robert Kaplan lập luận rằng: “Việc nói Hoa Kỳ đang sở hữu một đế quốc mang tính toàn cầu là một cách nói sáo mòn. Giờ đây câu hỏi đặt ra là làm sao đế quốc Mỹ có thể sử dụng những mức độ chiến thuật khác nhau để quản lý một thế giới bất ổn.”[19] William Kristol, chủ biên tạp chí tân bảo thủ The Weekly Standard nói: “Chúng ta nên là một kẻ mạnh giả điếc. Khi có người muốn nói chúng ta là thế lực đế quốc –cũng tốt thôi”. [20] Viết trên cùng tạp chí, Max Boot đồng tình với quan điểm trên rõ ràng qua cách đặt tựa cho bài của mình “Trường hợp Đế chế Hoa Kỳ.” [21]
Ba thập kỷ trước, cánh tả cấp tiến đã sử dụng cụm từ “Đế chế Hoa Kỳ” một cách lưỡng lự. Ngày nay thì thuật ngữ trên đã được giới phân tích ở cả cánh hữu lẫn cánh tả dùng để giải thích và định hướng chính sách đối ngoại Hoa Kỳ. Andrew Bacevich lập luận rằng ý niệm về một đế chế Mỹ đang dần được chính thức hóa trên các diễn đàn và chúng ta chẳng nên lo ngại về mặt chi tiết ngữ nghĩa – khía cạnh ngữ nghĩa mang tính tiêu cực của từ “đế chế”. [22] Nhưng từ ngữ luôn có vấn đề. Trong Alice ở xứ sở diệu kỳ, Hoàng hậu Đỏ bảo Alice là cô có thể gán cho các từ bất cứ nghĩa gì mà cô muốn. Nhưng thế giới của thế kỷ 21 không phải thế giới trong Xứ sở diệu kỳ. Nếu ta muốn giao tiếp rõ ràng với người khác, chúng ta phải để ý đến cách sử dụng từ ngữ. Nếu Hoa Kỳ không giống một đế chế nào trong lịch sử, như quan điểm của Bacevich, thì nó là đế chế theo kiểu gì? Cách dùng ngôn từ có thể sẽ cho thấy một số cách so sánh hữu ích, tuy nhiên nó lại có thể đánh lạc hướng chúng ta và người khác bởi nó làm mờ những khác biệt quan trọng.
Trong nhiều trường hợp, việc dùng từ “đế chế” có sức mê hoặc. Quân lực Mỹ vươn ra toàn cầu bằng các căn cứ trên khắp thế giới và những tư lệnh vùng của Hoa Kỳ hành xử như những ông quan toàn quyền (proconsul) và thực sự đã được báo chí gọi là như vậy. Tiếng Anh đóng vai trò như tiếng Latinh ngày xưa. Nền kinh tế Mỹ thì lớn nhất thế giới, và văn hóa Mỹ thì như nam châm. Nhưng thật sai lầm nếu lẫn lộn chính trị đế chế và chính trị lãnh đạo. Dù rằng các quan hệ bất bình đẳng chắc chắn tồn tại giữa Hoa Kỳ và các nước yếu hơn, và điều đó có thể bị khai thác, nhưng khi không có sự kiểm soát chính trị, thuật ngữ “đế quốc” có thể bị hiểu lệch lạc. Nếu chấp nhận nó sẽ có thể dẫn đến định hướng tệ hại đối với chính sách đối ngoại Mỹ, bởi vì như vậy là đã không xem xét thế giới đã chuyển biến như thế nào. Hoa Kỳ chắn chắc không phải là một đế chế như cách chúng ta nghĩ đối với các nước đế chế Châu Âu của thế kỷ 19, 20 bởi vì đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa đế quốc thời đó là việc kiểm soát chính trị trực tiếp.[23] Hoa Kỳ ngày nay có nhiều nguồn lực để thực thi uy quyền hơn so với nước Anh ngay cả khi đế quốc Anh đang ở thời kỳ đỉnh điểm của nó. Tuy nhiên, so với Anh Quốc, Hoa Kỳ lại kiểm soát ít hơn nhiều những vấn đề diễn ra bên trong các nước khác khi đế quốc Anh cai trị một phần tư thế giới. Ví dụ, tất cả trường học, thuế khóa, luật pháp và hệ thống bầu cử của Kenya – chưa kể quan hệ đối ngoại – đều do các viên chức Anh Quốc kiểm soát. Ngay khi Anh Quốc kiểm soát gián tiếp thông qua các quan chức địa phương, ví dụ như ở Uganda, thì Anh Quốc vẫn thực thi quyền lực nhiều hơn so với Hoa Kỳ ngày nay. Một vài người cố cứu việc sử dụng từ ngữ bằng cách đề cập “đế chế không chính thức” hoặc “chủ nghĩa đế quốc tự do thương mại” nhưng điều này cũng chỉ đơn giản nhằm che đậy sự khác biệt quan trọng trong mức độ kiểm soát khi so sánh với các đế chế thực sự trong lịch sử. Vâng, người Mỹ có tầm ảnh hưởng rộng lớn, nhưng trong năm 2003, nước Mỹ lại không thể khiến Mexico và Chile bỏ phiếu ủng hộ cho nghị quyết lần hai về Iraq tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Đế chế Anh chưa từng gặp phải chuyện tương tự như vậy đối với Kenya hay Ấn Độ.
Những người ủng hộ cho kiểu chủ nghĩa đế quốc mới cho rằng: “Đừng nề hà ngôn từ. ‘Đế chế’ chỉ là cách nói biểu tượng.” Nhưng vấn đề với cách nói này là nó lại ám chỉ sự kiểm soát không có thật từ Washington, làm củng cố cái thèm muốn mạnh mẽ về một chủ nghĩa đơn cực phổ biến tại cả Quốc hội và nhiều thành phần của bộ máy nhà nước. Như chúng ta có thể thấy ở Chương 1, chi phí cho việc chiếm đóng các nước khác ngày càng khó kham nổi trong một thế giới đầy rẫy chủ nghĩa dân tộc nảy sinh. Từ đó, tính chính danh cho một đế chế sẽ bị thách thức.
Chúng ta có thể thấy là quyền lực tùy thuộc vào hoàn cảnh, và sự phân chia quyền lực thay đổi lớn trong các địa hạt khác nhau. Chúng ta có thể nhận thấy, trong thời đại thông tin toàn cầu, quyền lực được phân phối giữa các quốc gia cùng nhau trên một thế cờ ba chiều phức tạp. Phía trên cùng của bàn cờ gồm các vấn đề quân sự – chính trị, quyền lực quân sự hầu như đơn cực, nhưng trên phần giữa bàn –phần kinh tế, Hoa Kỳ chẳng phải độc bá hay đế chế, mà nó phải mặc cả để ngang cơ phải lứa với Châu Âu khi Châu Âu hành xử thống nhất. Còn phía bên dưới bàn cờ của các quan hệ đa quốc gia, quyền lực thật sự phân bố hỗn loạn. Ở đây việc sử dụng ngôn từ truyền thống kiểu như “đơn cực”, “bá quyền” hay “Đế chế Hoa Kỳ” thật chẳng có ý nghĩa gì. Những người đề cập đến một kiểu chính sách đối ngoại Mỹ dựa trên việc mô tả sức mạnh truyền thống quân sự Mỹ đang tin vào một kiểu phân tích khiếm khuyết đáng buồn. Nếu bạn đang chơi trên một bàn cờ ba chiều, bạn sẽ thất bại nếu chỉ tập trung vào một chiều mà sơ sẩy trong các chiều khác, hay bạn không lưu ý đến mối liên hệ giữa các chiều với nhau. Hãy xem các mối liên hệ trong cuộc chiến chống khủng bố – giữa thế cờ của các hành động quân sự bên trên, nơi chúng ta đã trừ khử được một bạo chúa nguy hiểm ở Iraq, nhưng đồng thời lại làm tăng khả năng của hệ thống Al Qaeda – gia tăng quân số đa quốc gia hệ thống này – trong bàn cờ phía dưới.[24]
Vì ở thế dẫn đầu trong cuộc cách mạng thông tin và đã có quá trình đầu tư quân sự, Hoa Kỳ rất có thể vẫn duy trì được vị thế là quốc gia mạnh nhất thế giới khi bước sang thế kỷ 21. Giấc mơ của người Pháp về một thế giới đa cực quân sự hẳn khó có thể sớm thành hiện thực. Joschka Fischer, ngoại trưởng Đức, đã rõ ràng từ bỏ mục tiêu này.[25] Nhưng không phải tất cả các loại hình quyền lực quan trọng đều được sinh ra từ kho súng. Quyền lực cứng hẳn cần thiết để có được những kết quả mong muốn trên cả ba bàn cờ, nhưng nhiều vấn đề xuyên quốc gia như thay đổi khí hậu, lan truyền bệnh dịch, tội phạm quốc tế và chủ nghĩa khủng bố không thể giải quyết chỉ bằng các lực lượng quân sự. Như mặt trái của toàn cầu hóa, những vấn đề này là hệ quả mang tính đa phương và đòi hỏi hợp tác để tìm giải pháp cho chúng. Sức mạnh mềm đặc biệt quan trọng trong việc đối phó với những vấn đề như vậy ở phần dưới của bàn cờ – phần các quan hệ đa quốc gia. Mô tả một thế giới ba chiều kích như thế để thấy rằng một đế chế Mỹ đã thất bại trong việc nắm bắt bản chất của chính sách đối ngoại.
Một vấn đề khác nữa của những ai thúc giục chúng ta đồng ý với ý tưởng về một đế chế Mỹ là họ hiểu sai bản chất của các thể chế và công luận Mỹ. Dù sự thật là việc đơn phương chiếm đóng và chuyển hóa các chế độ phi dân chủ ở Trung Đông hay nơi khác có thể sẽ làm giảm bớt những cơ sở khủng bố đa quốc gia, câu hỏi vẫn đặt ra là liệu công chúng Mỹ có chấp nhận vai trò đế quốc của chính quyền mình hay không. Những tác giả tân bảo thủ như Max Boot cho rằng Hoa Kỳ nên cung cấp cho các quốc gia có vấn đề một hệ thống chính quyền ngoại bang được khai sáng như những gì mà các kỵ binh người Anh tự tin đã từng làm trước đây. Nhưng như sử gia Anh Niall Ferguson đã chỉ ra, nước Mỹ hiện đại này khác với nước Anh thế kỷ 19 bởi “khung thời gian ngắn hạn” [26] của nó. Dù ủng hộ cho một đế chế Mỹ, Ferguson đã đúng khi lo ngại rằng hệ thống chính trị Mỹ dù thế nào đi nữa, cũng chưa sẵn sàng cho sứ mạng như vậy.
Hoa Kỳ đã can thiệp và kiểm soát các quốc gia ở Trung Mỹ, các quốc gia vùng Caribbê và Philippines và trong giai đoạn ngắn đã tìm cách chuyển mình trở thành một đế quốc thực thụ khi trở thành một cường quốc thế giới cách đây một thế kỷ. Tuy nhiên, bước ngoặc chuyển biến đế quốc chính thức đã không xảy ra.[27] Không giống như trường hợp Anh Quốc, với Hoa Kỳ, chủ nghĩa đế quốc chưa bao giờ là kinh nghiệm dễ chịu, và chỉ một phần nhỏ của các trường hợp chiếm đóng của Mỹ mang đến việc thiết lập được các nền dân chủ. Việc thiết lập chế độ dân chủ ở Đức và Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai là ngoại lệ hơn là quy luật, và ở hai quốc gia này, cũng phải mất gần một thập kỷ. Đế chế Hoa Kỳ không bị giới hạn bởi “sự dàn trải quá sức của đế chế” (imperial overstretch) theo nghĩa tiêu tốn một phần quá mức chịu đựng trong GDP. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh chúng ta đã tiêu tốn một tỷ lệ phần trăm GDP cho ngân sách quân sự lớn hơn bây giờ nhiều. Tình trạng dàn trải quá sức chịu đựng có hậu quả từ việc phải bảo an ngày càng nhiều các quốc gia ngoại vi với tính phản kháng dân tộc lớn hơn mức mà công chúng Mỹ hay các nước có thể chấp nhận. Các cuộc thăm dò cho thấy dân Mỹ không mặn mà với khái niệm đế chế. Sự thật là công chúng Mỹ vẫn tiếp tục bảo rằng họ thích chủ nghĩa đa phương và làm việc với Liên Hiệp Quốc hơn. Có lẽ đó là lý do tại sao Michael Ignatieff, một người Canada ủng hộ sử dụng khái niệm đế chế, đã hợp lý hóa nó bằng cách gán cho vai trò của người Mỹ trên thế giới là “Đế quốc hạng nhẹ.”[28]
Thực tế, vấn đề của việc kiến tạo một đế chế Mỹ có lẽ tốt hơn nên gọi là việc “đầu tư dưới mức cho đế chế” (imperial understretch). Ngược lại với giới quân sự, cả công chúng lẫn quốc hội đều cho thấy là họ không sẵn sàng đầu tư vào các công cụ kiến tạo hay quản trị quốc gia. Toàn bộ ngân sách cho Bộ Ngoại giao (tính cả AID – Cơ quan Phát triển Quốc tế) chỉ bằng 1% ngân sách liên bang. Hoa Kỳ tiêu tốn cho các hoạt động quân sự nhiều hơn cho các hoạt động ngoại giao đến 17 lần, và có ít dấu hiệu cho thấy điều này thay đổi nay mai trong hoàn cảnh phải cắt giảm thuế và thâm hụt ngân sách. Hơn nữa, quân đội của chúng ta được thiết kế cho chiến đấu hơn là cho việc giám sát và Bộ Quốc phòng dưới thời Donald Rumsfeld đã cắt giảm việc huấn luyện cho các hoạt động gìn giữ hòa bình. Hoa Kỳ đã đào tạo quân đội thích hợp cho việc phá cửa, hạ bệ kẻ độc tài, rồi về nước hơn là cho công việc nhọc nhằn của đế quốc, đó là thiết lập một nền dân chủ. Bởi nhiều lý do từ phía quốc tế cũng như từ bản thân Hoa Kỳ, người Mỹ nên cố tránh khái niệm lệch lạc “đế quốc” trong việc định hướng chính sách đối ngoại. Đế quốc không phải là cách nói cần thiết để giúp chúng ta hiểu và bắt kịp với thời đại thông tin toàn cầu của thế kỷ 21.
Truyền thống của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ
Sức mạnh mềm và chính sách 
Xem phần còn lại của nội dung văn bản tại đây: Suc manh mem va chinh sach doi ngoai Hoa Ky.pdf

[1] Thomas Pickering, phỏng vấn bởi Michelle Keleman, Weekend Edition, National Public Radio, Sunday, July 13, 2003.
[2] Richard Bernstein,  “Foreign Views of US Darken After Sept 11,” New York Times, September 11, 2003, p.1.
[3] Paul Kelly, “Power Pact”, The Australian, July 26, 2003, p.1.
[4] European Commission, Eurobarometer 59.
[5] Pew Global Attitudes Project, What the World Thinks in 2002 (Washington, D.C: Pew Research Center and the Press, 2002), p. T49.
[6] Gallup International, “Post War Iraq 2003 Poll”, press release, May 13 2003.
[7] Newsweek poll of 1983, so với Pew Global Attitudes Project.
[8] Wendy Melillo, “Ad Industry Doing Its Own Public Diplomacy,” Adweek, July 21, 2003.
[9] Fouad Ajami, “The Falseness of Anti-Americanism”, Foreign Policy, September – October 2003, p. 61.
[10] Cal Thomas, “Muzzling the Wrong Dog,” Washington Times, 23/10/2003,  p.21.
[11] “Poll: One-third of Germans Believe US may have staged Sept 11 Attacks”, Reuters, 23/7/2003.
[12] Kim Housego, “France calls for fuller US response to allegations of disinformation campaign”, AP Online, 16/5/2003.
[13] Office of the President, “National security strategy of the United States”.
[14] John Lewis Gaddis, “Bush’s security strategy”, Foreign Policy, 11-12/2001.
[15] Tướng John Abizaid, trích trong Eric Schmitt, “General in Iraq says more GIs are not the answer”, New York Times, 9/8/2003, p.1.
[16] Max Boot, “America and the UN, together again?”, New York Times, 3/8/2003.
[17] Qingxin Ken Wang, “Hegemony and Socialization of the Mass Public: The case of post-war Japan’s cooperation with the United States on China Policy”, Review of International Studies 29 (2003), p.119.
[18] John Arquilla and David Ronfeldt, The emergence of Neopolitik: Toward an American Information Strategy (Santa Monica: RAND Corporation, 1999), p.52.
[19] Robert Kaplan, “Islam vs. the West”, interview, Rolling Stone, 7/8/2003, p. 38.
[20] William Kristol, trích trong “A classicist’s legacy: Empire builders”, New York Times,Week in Review, 4/5/2003.
[21] Max Boot, “The case for an American empire”, The Weekly Standard, 15/10/2001.
[22] Andrew Bacevich, American Empire: The Realities and Consequences of US Diplomacy (Cambridge,Mass: Havard University Press, 2002).
[23] David Abernethy, The dynamics of global dominance: European overseas empires 1415-1980 (New aven: Yale University Press, 2000), p.19.
[24] “US officials see signs of a revived Al Qaeda in several nations”, New York Times, 19/7/2003, p. 1.
[25] Fischer, trích trong John Vinocur, “German Official says Europe must be US Friend, not rival”, New York Times, 19/7/2003, p. A5.
[26] Niall Ferguson, “The empire slinks back”, New York Times Magazine, 27/4/2003, p.52.
[27] Ernest May, American Imperialism: A Speculative Essay (Chicago: Imprint Publications, 1991).
[28] Michael Ignatieff, “American empire: The burden”, New York Times Magazine, 5/1/2003, p.22.

Trạch Cường – Trung Quốc và Những cuộc Chiến tranh Việt Nam, 1950 -1975 (p.3)

Danluan

Diên Vỹ chuyển ngữ
Phần 1   —-   Phần 2   —-   Phần 3
Những Động cơ của Mao
Tại sao Mao lại niềm nở trợ giúp Hồ Chí Minh trong năm 1950? Quyết định của Mao được thúc đẩy bởi một hỗn hợp các yếu tố phức tạp bao gồm địa chính trị, hệ tư tưởng và lịch sử. Trước tiên, Đông Dương là một trong ba mặt trận (hai mặt trận kia là Triều Tiên và Đài Loan) mà Mao xem là yếu điểm dễ bị các nước đế quốc dẫn đầu bởi Hoa Kỳ tấn công. Vị lãnh tụ Cộng sản Trung Quốc xem những diễn tiến tại Triều Tiên, Đài Loan và Việt Nam đều liên quan đến nhau. Không những ông quan ngại về một thái độ thù địch quốc tế xuất phát từ Đông Dương mà còn về những tàn dư của lực lượng Quốc Dân Đảng tại Việt nam. Sau khi phe Cộng sản chiếm giữ Quảng Tây vào tháng Mười hai 1949, một số đơn vị của Tưởng Giới Thạch đã chạy sang miền bắc Việt Nam trong khi những nhóm khác lẩn vào các vùng núi ở Quảng Tây. Sau khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra, những nhóm quân QDĐ này bắt đầu quấy nhiễu các chính quyền Cộng sản vừa thành lập tại Quảng Tây. Mao thật sự lo ngại về tình hình này. Trong suốt năm 1950 và đầu 1951, ông đã dồn hết nỗ lực để xóa bỏ những tàn dư của QDĐ.[47] Nhìn theo bối cảnh này, việc đánh bại quân Pháp ở miền bắc Việt Nam sẽ gia cố mạnh mẽ khu vực biên giới Trung Quốc và củng cố vị thế của CHNDTQ.
Bên cạnh mối quan tâm cấp bách về an ninh trên, lòng tin vào nhiệm vụ quốc tế trong việc hỗ trợ cách mạng phản đế tại châu Á cũng góp phần lớn vào quyết tâm giúp đỡ Hồ Chí Minh của Mao. Khi Mao dấn thân vào con đường cách mạng, ông đã mong muốn chuyển hoá không những Trung Quốc mà cả thế giới. Cũng như hệ thống thế giới cũ đã làm thoái hoá Trung Quốc, sự xuất hiện của hệ thống mới sẽ đóng góp cho sự hồi sinh của Trung Quốc. Mao và các đồng chí của mình cho rằng có một quan hệ chặt chẽ giữa cách mạng Trung Quốc và cách mạng thế giới. Một cuộc cách mạng quốc tế sẽ giúp củng cố và chính danh hoá cuộc cách mạng Trung Quốc.[48]
Một chỉ thị nội bộ của đảng do Lưu Thiếu Kỳ soạn thảo ngày 14 tháng Ba 1950 đã minh hoạ quan điểm về mối tương quan giữa cách mạng Trung Quốc và cách mạng thế giới. “Sau chiến thắng cách mạng của chúng ta,” bản tài liệu tuyên bố, “việc hỗ trợ bằng mọi cách các đảng Cộng sản và nhân dân trên các nước bị áp bức khác ở châu Á để họ chiếm được tự do là một nhiệm vụ quốc tế mà ĐCSTQ và nhân dân Trung Quốc không thể lẫn tránh. Nó cũng là một trong những phương pháp quan trọng nhất nhằm củng cố chiến thắng của cách mạng Trung Quốc trên vũ đài thế giới.”[49]
Tin rằng Trung Quốc đóng vai trò đặc biệt trong việc tái định hình một trật tự thế giới cho cách mạng tương lai, Mao đang đi theo bước chân của những vĩ nhân tiền phong khác trong các cuộc Cách mạng Pháp và Nga. “Những viễn kiến đầy tham vọng,” sử gia John Lewis Gaddis nhận thấy, “thì cần thiết để tiến hành các loại cách mạng: những kẻ muốn lật đổ trật tự cũ cần có những cơ sở của lòng tin trước sự hiện hữu của những khó khăn thực tế.”[50] Một viễn kiến về tư tưởng có thể khuyến khích mọi người từ những xuất xứ khác nhau hợp lực như những đồng chí và khiến họ mạo hiểm và trả những cái giá của cuộc cách mạng chống lại thể chế cầm quyền.[51]
Phần lớn, giới lãnh đạo ĐCSTQ can thiệp vào Đông Dương để xây dựng hình ảnh và diện mạo của Trung Quốc trên thế giới. Với việc đồng nhất cách mạng Trung Quốc với các phong trào giải phóng dân tộc tại các nước kém phát triển, Mao và các đồng sự của mình tin rằng khuôn mẫu cách mạng của họ mang tính quan trọng và thích đáng ở tầm mức quốc tế, giúp chỉ ra phương hướng cho những dân tộc khác đang đấu tranh giải phóng đất nước. Trong báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng CSTQ lần 7 vào năm 1945, Lưu Thiếu Kỳ đã nồng nhiệt ca ngợi đóng góp của Mao vào cuộc cách mạng Trung Quốc, hăng hái khẳng định rằng ý tưởng của Mao mang tầm vóc quan trọng đối với phong trào giải phóng các dân tộc mọi nơi, đặc biệt là với “nhân dân phương Đông.” Là người u châu, Marx và Lenin chủ yếu chỉ quan tâm đến các vấn đề của châu u và ít lưu ít đến Trung Quốc hoặc châu Á, Lưu nhận định vào đầu năm 1946, trong khi là một người Á châu, Mao đã chuyển hoá chủ nghĩa Marx “từ dạng thức châu u sang châu Á.” Phấn khởi trước những thắng lợi vừa đạt được của ĐCSTQ, tại Hội nghị Nghiệp đoàn các Quốc gia châu Á và châu Úc tổ chức tại Bắc Kinh năm 1949, Lưu đã tuyên bố rằng “con đường nhân dân Trung Quốc đang hướng tới để đánh bại chủ nghĩa đế quốc và tay sai và thành lập nước Cộng hoà Nhân dân cũng là con đường nhân dân các nước thuộc địa và bán thuộc địa nên đi theo trong cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc và dân chủ nhân dân.”[52] Ngày 4 tháng Giêng 1950, báo Sự Thật đã đăng tải bài phát biểu của Lưu, xác định sự chấp thuận của Stalin.[53]
Vào tháng Sáu 1951. Lục Định Nhất, nhà lý luận hàng đầu của ĐCSTQ đã viết một bài báo ca ngợi mang tên “Tầm Quan trọng Thế giới của Cách mạng Trung Quốc” trên tờ Tri thức Thế giới, một tập san về các vấn đề quốc tế phản ánh quan điểm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ông đã phân biệt sự khác nhau giữa cuộc Cách mạng Tháng Mười như là “ví dụ kinh điển cách mạng tại các nước đế quốc” và cuộc cách mạng Trung Quốc nhưng là một sự kiện tương ứng cho “các nước thuộc địa và bán thuộc địa.” “Trong các nước thuộc địa và bán thuộc địa,” Lục tuyên bố, “nhân dân Việt Nam, Miến Điện, Mã Lai và Phi đã dấy lên cuộc chiến giành độc lập dân tộc chống lại chủ nghĩa đế quốc và các phong trào giải phóng dân tộc trên các quốc gia như Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang lớn mạnh. Khuôn mẫu và kinh nghiệm Trung Quốc giúp tăng cường sự tự tin của nhân dân tại các nước này trong việc giành chiến thắng cũng như tăng cường ý chí chiến đấu của họ.” Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lục kết luận, không những quan trọng tại Trung Quốc và châu Á mà còn trên cả thế giới. “Nó là một đóng góp mới trong kho tàng chung của chủ nghĩa Marx-Lenin.”[54]
Vì thế cuộc chiến Đông Dương vừa là một thử nghiệm vừa là một xác định rằng diện mạo vừa có được của CHNDTQ như người đi đầu trong những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tại các khu vực thuộc địa và bán thuộc địa. Nó tạo ra một kích hoạt ngoại sinh cho quá trình vận động định dạng dân tộc và xác nhận với bản thân quốc gia và “những người khác” rằng Trung Quốc có thể bảo vệ hình ảnh đẹp đẽ của mình như là một người ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc chống lại chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân.[55]
Sự ủng hộ của Stalin đã khuyến khích Mao đóng vai trò tích cực hơn trong việc phát triển phong trào cách mạng tại châu Á. Có một phân chia nhiệm vụ trong thế giới Cộng sản lúc ấy. Khi Lưu Thiếu Kỳ đến thăm Liên Sô vào tháng Bảy 1949, Stalin đã bảo ông rằng trung tâm cách mạng thế giới đã chuyển từ Tây sang Đông, đến Trung Quốc và Đông Á. Với việc chuyển trọng tâm cách mạng thế giới sang hướng đông này, vị lãnh tụ Kremlin muốn ĐCSTQ gánh thêm trách nhiệm trong việc phụ giúp cách mạng dân chủ dân tộc tại các nước thuộc địa và bán thuộc địa trong khi Liên Sô sẽ lãnh thêm trách nhiệm ở phía Tây.[56]
Tinh thần nhiệt tình hỗ trợ cách mạng tại châu Á được phản ánh rõ ràng trong một hướng dẫn mà Lưu Thiếu Kỳ gửi vào năm 1950 đến cán bộ đảng ở vùng nam Trung Quốc, chỉ đạo họ sẵn sàng tiếp xúc với các đảng Cộng sản tại Đông nam Á. Trong một bức điện gửi ngày 3 tháng Ba cho Trần Canh, chủ tịch Chính quyền Tỉnh Vân Nam và tư lệnh Tỉnh đội Vân Nam, và Tống Nhiệm Cùng, Bí thư Tỉnh uỷ Vân Nam và chính trị viên Tỉnh đội Vân Nam, Lưu Thiếu Kỳ viết rằng với việc giải phóng Vân Nam và Quảng Tây, các đảng Cộng sản ở vùng Đông nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Miến Điện sẽ gửi đại diện đến Trung Quốc để tìm cách tiếp xúc với ĐCSTQ. “Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với chúng ta,” Lưu tiếp tục. “các uỷ ban trung ương của các đảng Cộng sản khác vẫn chưa thiết lập quan hệ chính thức và thường xuyên với chúng ta. Nếu họ gửi người sang Vân Nam và Quảng Tây để thành lập các quan hệ này, chúng ta nên nồng nhiệt đón tiếp và giúp đỡ họ. Trong tương lai, họ có thể sẽ điều động đại diện thích hợp đến thường trú bí mật ở Vân Nam hoặc Quảng Tây.”[57]
Xu hướng quân sự của Mao đối với cách mạng châu Á cũng được bộc lộ qua việc ông đối xử với Đảng Cộng sản Nhật. Ngày 6 tháng Giêng 1950, Tập san Cominform (Cơ quan Thông tin của các Đảng Cộng sản và Công nhân – ND) đăng một bài viết phê bình Nosaka Sanzo, một thành viên trong bộ chính trị ĐCS Nhật vì đã nhất quyết theo đuổi đường lối hoà bình trong việc giành quyền lực và cho rằng việc Mỹ đóng quân ở Nhật giúp thúc đẩy quá trình dân chủ hoá Nhật Bản. Bài báo kêu gọi ĐCS Nhật dùng bạo lực để phản đối việc Mỹ sử dụng quốc gia này vì mục đích quân sự.[58] Hưởng hứng quan điểm của Cominform, ngày 14 tháng Giêng Mao đã chỉ đạo Hồ Kiều Mộc, trưởng Phòng Thông tin CHNDTQ, viết một bài nhận định đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo kêu gọi ĐCS Nhật “dùng các biện pháp thích hợp để khắc phục những sai lầm của Nosaka Sanzo.”[59]
Trong việc cung cấp viện trợ cho VNDCCH, giới lãnh đạo ĐCSTQ cũng đã nghĩ đến mối quan hệ cá nhân và tinh thần đoàn kết vô sản mà họ và Hồ Chí Minh đã vun đắp trong những năm tháng đấu tranh trước đây. Cùng chia sẻ những giá trị và lý tưởng như nhau, họ đã trải qua những khó khăn và trở ngại tương tự. Các nhà lãnh đạo ĐCSTQ vẫn còn nhớ rất rõ sự phụ giúp kịp thời và quan trọng của Hồ đối với quân đội mình tại miền nam Trung Quốc năm 1946 khi họ sắp bị QDĐ tiêu diệt. Trong cuộc trao đổi với La Quí Ba ngày 13 tháng Giênt 1950 Lưu Thiếu Kỳ có nhắc riêng đến sự kiện này để nhấn mạnh việc cần thiết phải giúp Hồ.[60] Có một mối tương đồng trong tính toán của giới lãnh đạo ĐCSTQ về quyết định giúp đỡ Kim Nhật Thành và Hồ Chí Minh trong năm 1950. Cũng như Hồ, Kim đã cung cấp nơi trú ẩn và tiếp tế cho quân đội ĐCSTQ và gia đình họ khi họ bị buộc phải rút quân từ Mãn Châu sang miền Bắc Triều Tiên trong giai đoạn đầu của cuộc nội chiến Trung Quốc, khi quân số và vũ khí của lực lượng QDĐ còn mạnh hơn rất nhiều. Với quyết định tham gia cuộc Chiến tranh Triều Tiên nhằm giải cứu chính quyền đang tan rã của Kim năm 1950, lãnh đạo ĐCSTQ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đáp trả thịnh tình mà họ từng nhận được từ Cộng sản Triều Tiên trước đây.[61]
Trong buổi gặp mặt với các thành viên cao cấp của Đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc vào ngày 27 tháng Sáu 1950, các lãnh đạo ĐCSTQ đều đồng nhất nhấn mạnh tinh thần chủ nghĩa quốc tế. Mao nói rằng “cách mạng ta đã giành được thắng lợi, chúng ta có nhiệm vụ giúp những nước khác. Việc này gọi là chủ nghĩa quốc tế.” Lưu Thiếu Kỳ lập luận rằng đảng có “những nguyên nhân quan trọng” trong việc quyết định giúp đỡ Việt Minh. “Việt Nam là một khu vực hiện đang được thế giới chú ý nhiều nhất,” Lưu nói tiếp, “và nhiệm vụ của các đồng chí mang tầm cỡ quốc tế.” Chu Đức bổ xung rằng “là những người theo chủ nghĩa quốc tế chúng ta nên xem việc giúp đỡ Việt Nam là một nhiệm vụ quốc tế quan trọng và không nên từ bỏ bất cứ nỗ lực nào trong việc giúp người Việt giành được thắng lợi.”[62] Rõ ràng là thừa cơ từ chiến thắng QDĐ vừa qua, giới lãnh đạo ĐCSTQ hăng hái phát động phong trào cách mạng ra ngoài biên giới Trung Quốc. Chắc chắn là những thành công ban đầu của Kim Nhật Thành trong Chiến tranh Triều Tiên cũng đã khuyến khích Mao và các đồng chí trong thời điểm này.
Cuối cùng, việc Bắc Kinh can thiệp vào Đông Dương cần được phân tích trong bối cảnh của quan hệ truyền thống giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Trên khía cạnh lịch sử, người Trung Quốc mang quan điểm quốc gia họ là trọng tâm của thế giới, xem các nước khác là thấp kém hơn. Các hoàng đế Trung Quốc xem Việt Nam nằm trong quĩ đạo của ảnh hưởng Trung Quốc và đặt nước này trong hệ thống chư hầu. Họ không ngần ngại đưa quân sang Việt Nam để tái lập hoà bình và trật tự nếu vị vua chư hầu hiện tại đang bị đe doạ bởi khởi nghĩa trong nước hoặc ngoại xâm. Ví dụ như trong giai đoạn 1788 đến 1790, hoàng đế nhà Thanh là Càn Long đã gửi một đoàn quân viễn chinh đến Việt Nam để khôi phục triều Lê vừa bị phiến quân địa phương lật đổ. Khoảng một thế kỷ sau, chính quyền nhà Thanh một lần nữa lại can thiệp vào Việt Nam từ 1884-85 để chống lại sự xâm lược của người Pháp.[63] Mao và các đồng chí của mình, những người luôn xem trọng lịch sử đã không thể bỏ qua những tương ứng lịch sử này.
Đối với người Việt thì họ có truyền thống hướng về Trung Quốc để tìm kiếm khuôn mẫu và nguồn động lực. Trong suốt lịch sử của mình, các vị vua Việt đã bắt chước và phỏng theo các phương pháp và định chế của Trung Quốc để biến mình thành một lực lượng chính danh bất chấp việc Trung Quốc liên tục can thiệp vào công việc của họ. Tôn trọng hoàng đế Trung Quốc bề trên là phương cách duy nhất để tránh chiến tranh của người Việt, và chấp thuận những phong tục Trung Quốc đã trở thành thói quen của giới cầm quyền Việt Nam. Chỉ đến khi người Pháp xuất hiện vào thế kỷ thứ mười chín làm gián đoạn mạnh mẽ mối liên hệ văn hoá kéo dài nhiều thế kỷ giữa Việt Nam với Trung Quốc, nơi mọi người Việt có giáo dục đều học tiếng Trung cũng như nền văn hoá và nguyên tắc đạo đức gắn liền với nó. Chính sách của Pháp trong việc dẹp bỏ chữ Hán và chữ Nôm trong giới trí thức Việt, tạo ra việc tiếp nhận bảng chữ cái 29 mẫu tự để viết tiếng Việt mà trong các thập niên 1920 và 1930 đã dẫn đến cuộc cách mạng tri thức làm nền móng cho sự thức tỉnh của tinh thần dân tộc hiện đại. Những người quốc gia Việt Nam hướng về châu u để tìm kiếm quan điểm tri thức thay vì Trung Quốc.[64] Trong một ý nghĩa nhất định, quyết định của Hồ trong việc tìm kiếm trợ giúp từ Mao không chỉ được cân nhắc thuần tuý trên cơ sở ý thức hệ. Nó còn phù hợp với thói quen trong lịch sử của Việt Nam là chuyên hướng về Trung Quốc để tìm kiếm khuôn mẫu trong khi vẫn giữ nguyên quyền độc lập.
Điều quan trọng cần lưu ý là ngay từ ban đầu các lãnh đạo ĐCSTQ đã lưu tâm đặc biệt đến quan hệ của họ với Việt Minh và chỉ đạo các cố vấn Trung Quốc không được tỏ vẻ ngạo mạn khi sang Việt Nam. Ngày 8 tháng Tư 1950 Lưu Thiếu Kỳ bảo La Quí Ba rằng các cán bộ Cộng sản Việt Nam lẫn Trung Quốc đều chưa biết rõ nhau. Vì việc thiếu hiểu biết chung về nhau này, Lưu nhắc nhở vị đại diện ĐCSTQ rằng “những hiểu lầm không cần thiết và cảnh giác quá mức” có thể xảy ra. Vì cả hai đảng đều từng trải qua nhiều năm đấu tranh cách mạng. Lưu kết luận, họ nên xây dựng một sự tin tưởng lẫn nhau.[65]
Ngày 27 tháng Sáu cả Mao và Lưu đều nhấn mạnh cho ĐCVQSTQ tầm quan trọng của quan hệ đoàn kết thân tình giữa hai đảng. Họ khuyên các cố vấn Trung Quốc tránh xa tâm lý sô-vanh nước lớn và không được bày tỏ thái độ khinh thường với người Việt.[66] Trong một bức điện gửi cho La Quí Ba vào tháng Tám, Lưu đã chỉ thị cho La không được áp đặt quan điểm của mình đối với người Việt và không nên phật lòng nếu họ không làm theo đề nghị của ông.[67]
Những ý kiến của Mao và Lưu cho thấy rõ ràng cả hai đều rất nhạy cảm đối với lòng tự hào dân tộc của người Việt và nhận thức rõ những hiềm khích lịch sử giữa hai quốc gia sau những lần Trung Quốc can thiệp vào Việt Nam. Cũng có thể là khi các lãnh đạo ĐCSTQ kêu gọi những cố vấn Trung Quốc nên có thái độ khiêm tốn và tôn trọng vì họ vẫn còn nhớ đến những bài học đầy cay đắng của các cố vấn Liên Sô tại Trung Quốc trong thời kỳ cách mạng Trung Quốc mới thành hình. Đầu thập niên 1930, thái độ thô lỗ và kiêu ngạo của các cố vấn Đệ Tam Quốc Tế đã gây thiệt hại nặng nề cho ĐCSTQ và Hồng quân, khiến họ phải rời bỏ các căn cứ ở miền nam Trung Quốc và tham gia vào cuộc Vạn lý Trường chinh. Bất chấp nỗ lực rõ rệt của họ nhằm tôn trọng ý kiến của người Việt, các chương sau sẽ cho thấy các lãnh đạo Trung Quốc đã thất vọng và giận dữ khi những đồng chí Việt Nam tách khỏi hướng đi của Trung Quốc.
Chủ trương “nghiêng về một phía” của Hồ Chí Minh đã tạo ra những hệ quả nghiêm trọng trong cuộc chiến Đông Dương. Với việc đứng về phe xã hội chủ nghĩa ông đã làm tình trạng phân cực của cuộc Chiến tranh Lạnh tại châu Á thêm rõ rệt. Cũng như việc Mao đạt được hiệp ước liên minh Trung-Sô để cân bằng Trung Quốc trước mối đe doạ của Mỹ và phát triển lý tưởng Cộng sản, Hồ kêu gọi giúp đỡ từ Trung Quốc và Liên Sô để chống lại người Pháp và bảo vệ những thành quả cách mạng của mình. Với việc nhờ Trung Quốc giúp đỡ ông đã tăng cường khả năng người Mỹ sẽ can thiệp sau này. Với những lựa chọn của mình, Hồ đã củng cố thêm sự liên kết của hai phía trong Chiến tranh Lạnh. Như là một động thái nghiêng về phía tả, ĐCS Đông Dương, trên lý thuyết đã bị giải tán vào mùa thu năm 1945 nhằm hấp dẫn thành phần quốc gia phi Cộng sản, lại tái xuất hiện vào Đại hội Toàn quốc lần Hai vào tháng Hai 1950 với cái tên Đảng Lao động Việt Nam; một tổ chức khác cho Cambodia đã được thành lập sau đó vào năm 1951, và Đảng Nhân dân Lào được thành lập vào năm 1955. Hồ được bầu làm chủ tịch và Trường Chinh làm tổng bí thư đảng. Đại hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học hỏi kinh nghiệm cách mạng Trung Quốc, và một điều lệ mới của đảng chỉ ra rằng “Đảng Lao động Việt Nam sẽ tổng hợp các học thuyết Marx, Engels, Lenin, Statlin và Tư tưởng Mao Trạch Đông với thực tiễn cách mạng Việt Nam để làm nền tảng tư tưởng và cương lĩnh hành động của đảng.” Chân dung Mao được treo cùng với các chân dung của Marx, Engels, Lenin và Statin tại hội trường đại hội.[68]
Trần Canh và Chiến dịch Biên giới
Tháng Sáu 1950 Hồ Chí Minh quyết định phát động một chiến dịch biên giới để tạo đường liên lạc với Trung Quốc. Lúc này người Pháp đang kiểm soát một dãy tiền đồn dọc theo biên giới Trung Quốc. Việc xóa bỏ các vị trí của Pháp sẽ giúp củng cố căn cứ Việt Minh tại Việt Bắc, loại bỏ các trở ngại trên tuyến vận chuyển hàng tiếp tế từ Trung Quốc và đặt quân của Hồ vào vị thế mạnh hơn để phát động các cuộc tấn công vào vùng châu thổ sông Hồng nhiều lúa gạo trong tương lai.
Thoạt đầu, Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN; quân đội Việt Minh lấy tên này từ năm 1950) dự định sẽ sử dụng bốn trung đoàn tinh nhuệ đang được huấn luyện và tổ chức tại Trung Quốc từ tháng Tư 1950 để tấn công Lào Cai và Cao Bằng, hai tiền đồn quan trọng của Pháp trên RC4 (Đường Thuộc địa số Bốn) song song với biên giới Trung Quốc. Sau khi cân nhắc những khó khăn trong việc tiếp vận, họ thay đổi kế hoạch bằng cách tập trung vào Cao Bằng. Bên cạnh việc yêu cầu Trung Quốc cung cấp tiếp liệu và gửi đoàn cố vấn quân sự sang Việt Nam càng sớm càng tốt, Hồ cũng đã yêu cầu gửi sang một cố vấn quân sự Trung Quốc cao cấp để điều phối toàn bộ chiến dịch biên giới.[69]
Sau khi nhận được yêu cầu của Hồ, lãnh đạo ĐCSTQ đã chọn Tướng Trần Canh làm đại diện và cố vấn quân sự cao cấp đến QĐNDVN. Không như nhiều vị tướng QĐGPND khác xuất thân từ tầng lớp nông dân, Trần là một người có học thức. Đẹp trai và trau chuốt, ông được mệnh danh là một “vị tướng học giả”. Ông sinh năm 1903 trong một gia đình địa chủ giàu có tại Hồ Nam; ông nội ông từng là một chỉ huy trong quân đội nhà Thanh. Lên sáu tuổi, Trần bắt đầu theo học Khổng giáo. Năm 1919, ông tham gia vào quân đội của một lãnh chúa Hồ Nam; năm năm sau, ông trở thành một người Cộng sản. Lịch sử quân sự là môn ông ưa thích khi còn là học viên tại Học viện Quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu trong giữa thập niên 1920. Trong thời gian ấy, ông cũng quen biết Hồ Chí Minh. Trong thời nội chiến, ông là tư lệnh Quân đoàn số 4 thuộc Tập đoàn Dã chiến Quân thứ Nhì QĐGPND. Đơn vị ông chiếm đóng Vân Nam vào đầu năm 1950.[70]
Trong một bức điện gửi ngày 18 tháng Sáu 1950. Lưu Thiếu Kỳ chỉ đạo Trần chuẩn bị một kế hoạch thực tế và khả thi sau khi xem xét các yếu tố về tình hình chiến sự, diễn biến chính trị, kinh tế, địa hình và giao thông tại Việt Nam cũng như khả năng tiếp vận của Trung Quốc, đặc biệt là về mặt giao thông. Lưu nói rằng đảng sẽ dùng kế hoạch này làm nền tảng cho những chương trình trợ giúp khác, bao gồm việc gửi hàng tiếp tế, đào tạo cán bộ, tổ chức quân đội, tuyển quân, quản lý tiếp vận và tham chiến. Lưu nhấn mạnh rằng kế hoạch này phải được Uỷ ban Trung ương đảng Việt Nam thông qua.[71]
northvietnammap.png
Bắc Việt Nam năm 1950. Nguồn: Jacques Dalloz, Chiến tranh tại Đông Dương. 1945-54 (Dublin: Gill & Macmillan, 1987)Ngày 7 tháng Bảy Trần Canh rời Côn Minh đi Việt Nam. Trên đường ông cẩn thận điều tra các điều kiện tại Đông Dương. Đầu tiên ông dừng lại trại huấn luyện Nghiễn Sơn ở Vân Nam, nơi Sư đoàn 308 của QĐNDVN đang huấn luyện và trang bị. Tướng Chu Hi Hán, tư lệnh Tập đoàn quân 13, người chịu trách nhiệm đào tạo binh lính Việt Nam, báo cáo với Chu về công việc của mình. Trần cũng trao đổi với các chỉ huy Sư đoàn 308 về tình hình trong nước. Cải trang là một sĩ quan QĐNDVN sau khi vượt qua biên giới, Trần tiếp tục điều tra việc chuyển quân của quân Pháp ở miền bắc Việt Nam và tình trạng của QĐNDVN.[72] Việc Trần chú trọng vào trinh sát đi cùng hướng với phương pháp giảng dạy quân sự truyền thống của Trung Quốc là phải điều nghiên kỹ lưỡng trước khi tiếp cận kẻ thù. Tôn Tử, một nhà chiến lược xưa của Trung Quốc từng khuyên rằng: “Hiểu địch hiểu ta, trăm trận trăm thắng.”[73]
Trong nhật ký của mình, Trần nói rằng ông phát hiện ra Việt Minh không quan tâm đến việc huy động phụ nữ trong cuộc đấu tranh chống Pháp. Vì nữ giới chiến hơn nửa dân số Việt Nam, Trần tin rằng bỏ qua họ có nghĩa là bỏ phí hơn phân nửa nguồn nhân lực. Ông chỉ ra điều này với cách lãnh đạo Việt Nam.[74] Rõ ràng Trần đang áp dụng học thuyết “chiến tranh nhân dân” của Mao vào Việt Nam. Trong chiến tranh chống Nhật và nội chiến, Mao đã thành công trong việc huy động phụ nữ cho mục đích của mình.
Ngày 22 tháng Bảy, Trần báo cáo với lãnh đạo ĐCSTQ về những phát hiện của ông về QĐNDVN: “Một số đơn vị tinh nhuệ Việt Nam đang có tinh thần cao sau khi được huấn luyện và trang bị ở Vân Nam và Quảng Tây, nhưng các cán bộ Việt Nam trên cấp tiểu đoàn thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực sự.” Với tình hình này, Trần đề nghị rằng nguyên tắc của chiến dịch biên giới nên là “phá huỷ lực lượng cơ động của địch trên các chiến trường và chiếm đóng một số tiền đồn nhỏ lẻ loi nhằm giành chiến thắng ban ầu trong khi có thêm kinh nghiệm và nâng cao tinh thần binh lính. Sau khi đạt được hoàn toàn các mục tiêu ban đầu, chúng ta có thể từ từ tiến đến các trận chiến cỡ lớn.” Về kế hoạch tấn công Cao Bằng của Việt Nam, Trần đề xuất chiến lược “bao vây tiền đồn và tấn công lực lượng tiếp cứu.” Đặc biệt Trần đề nghị QĐNDVN nên tấn công các tiền đồn lẻ loi gần Cao Bằng trước để lôi kéo lực lượng tiếp cứu của Pháp từ Lạng Sơn. “Nếu chúng ta có thể tiêu diệt được ba đến bốn tiểu đoàn cơ động từ Lạng Sơn thì sẽ dễ chiếm Cao Bằng và một số đồn gần Lạng Sơn.” Nếu điều này xảy ra, Trần tin rằng tình hình ở phía bắc và đông bắc Việt Nam “sẽ thay đổi lớn.” Trong bức điện gửi ngày 26 tháng Bảy, Quân uỷ Trung ương ĐCSTQ thông qua kế hoạch tác chiến của Trần.[75]
Ngày 28 tháng Bảy, Trần đến trụ sở hành chính của Việt Minh tại Thái Nguyên để gặp Hồ Chí Minh và La Quí Ba. Hồ rạng rỡ dang tay đón mừng Trần. Tại tư gia mình, Hồ đã đọc một bài thơ tiếng Trung mà ông sáng tác để đón Trần.[76] Vị đại diện Trung Quốc ở lại Thái Nguyên bốn ngày, trong thời gian đó ông báo cho Hồ kế hoạch của mình cho chiến dịch biên giới. Ông nói với vị lãnh tụ Việt Nam rằng QĐNDVN hiện tại chưa sẵn sàng tham chiến để lấy Cao Bằng. Trước hết Việt Minh nên tấn công các đồn nhỏ của Pháp để cùng lúc huấn luyện các chỉ huy và binh lính. QĐNDVN nên sử dụng chiến thuật vây đồn trong khi xoá sạch lực lượng tiếp cứu của địch trong các mặt trận cơ động. Đặc biệt, Trần đề nghị QĐNDVN trước hết nên tấn công Đông Khê, một tiền đồn của Pháp nằm giữa Cao Bằng và Lạng Sơn để lôi kéo địch ra khỏi hai vị trí này và tiêu diệt chúng trên chiến trường. Hồ ủng hộ kế hoạch của Trần.[77] Trần viết trong nhật ký rằng sau khi trao đổi với Hồ cùng những lãnh đạo người Việt khác và lắng nghe báo cáo của La, ông thấy rằng các lãnh đạo Việt Minh có vẻ “thiếu kiên nhẫn” và “đơn thuần chú trọng vào vũ khí” trong cuộc chiến chống Pháp của họ.[78]
ĐCVQSTQ cùng với Hoàng Văn Hoan rời Nam Ninh, Quảng Tây vào ngày 9 tháng Tám và đến căn cứ QĐNDVN tại Quảng Nguyên, một thị trấn gần Cao Bằng vào ngày 12 tháng Tám. ĐCVQSTQ gửi thành viên đến các Sư đoàn 304, 308 và 312. Cuối năm ấy, họ cũng gửi cố vấn đến Sư đoàn 316 và Sư đoàn Công binh và Pháo binh 316 (còn gọi là “Sư đoàn hạng nặng”). Cùng lúc ấy, Tướng Lý Thiên Hựu, phó tư lệnh Quân khu Quảng Tây đứng đầu uỷ ban tiếp vận chịu trách nhiệm chuẩn bị và vận chuyển lương thực, đạn dược và thuốc men đến Việt Nam. Hai bệnh viện dã chiến được dựng lên để cứu chữa lính Việt Nam.[79]
Hai ngày sau khi ĐCVQSTQ đến nơi, Trần Canh cũng đến Quảng Nguyên, ở đó ông gặp Vi Quốc Thanh. Tướng Hoàng Văn Thái, tổng ham mưu trưởng QĐNDVN đã báo cáo với Trần về tình hình triển khai của quân Pháp dọc đường số 4. Trần nói với Võ Nguyên Giáp, tổng tư lệnh QĐNDVN về kế hoạch của mình cho chiến dịch biên giới. Giáp chấp thuận kế hoạch và mời vị cố vấn Trung Quốc nói chuyện với các chỉ huy cấp trung đoàn của QĐNDVN. Trần đã phát biểu trong bốn tiếng đồng hồ, tập trung vào những “thiếu sót” của QĐNDVN. Cử toạ đã rất chú ý đến bài nói chuyện của ông; Giáp từng nhắc đến nhiều lần là phát biểu của Trần “rất bổ ích”. Vào đêm trước chiến dịch biên giới, Hồ đã đến thăm bộ tư lệnh QĐNDVN, phó thác quân đội mình vào kế hoạch của Trần.[80]
chengeng-vonguyengiap.png
Võ Nguyên Giáp (phải) đón La Quí Ba (trái) tại biên giới Trung-Việt, 1950. (Tài liệu của Tân Hoa Xã)Ngày 16 tháng Chín QĐNDVN tấn công vào Đông Khê và hai ngày sau đã chiếm được đồn này. Tại Đông Khê, quân của Hồ đã thắng trong một cuộc giao tranh pháo binh đầu tiên.[81] Nhưng con người khó tính Trần Canh vẫn chưa hài lòng với hiệu quả chiến đấu của quân đội Việt Minh. Đồn Đông Khê của Pháp có khoảng 260 lính trong khi lực lượng Việt Minh lên đến 10 nghìn với hoả lực pháo mạnh hơn. Khi trận chiến chấm dứt, QĐNDVN có khoảng 500 người tử vong và để hơn 20 lính Pháp tẩu thoát. Ban đầu Trần muốn quân Việt Minh chiếm được đồn chỉ trong vòng một ngày, nhưng họ đã phải mất đến hai ngày và ba đêm để kết thúc trận đánh. Trần phát hiện ra một số vấn đề trong các đơn vị của Hồ. Trước tiên, họ đã không đi đúng thời điểm tấn công như trong kế hoạch. Cuộc tổng tấn công được dự định là bắt đầu vào chạng vạng tối 16 tháng Chín, nhưng các đơn vị Việt Minh đã không khởi sự cho đến tảng sáng ngày hôm sau. Khi mặt trời lên, họ phải rút quân vì sợ Pháp không kích. Rồi họ phải tái tấn công vào chạng vạng tối hôm ấy. Thứ hai, các chỉ huy QĐNDVN sợ phải ra tuyến đầu, vì thế đã không tiếp cận được các đơn vị đột kích. Thứ ba, không có liên lạc giữa ban chỉ huy và các đơn vị. Thứ tư, một số cán bộ đã báo cáo láo để giấu những tin xấu. Trần đưa những vấn đề này ra cho Giáp.[82] Rõ ràng những sai lầm này là những ví dụ về “những thiếu sót” mà Trần đã chỉ ra trước trận Đông Khê.
Tuy nhiên việc chiếm được Đông Khê là một chiến thắng lớn của QĐNDVN trong việc cắt đứt đường 14, giải thoát Cao Bằng. Pháp đã đưa một toán quân do Trung tá Lepage dẫn đầu từ Lạng Sơn qua Thất Khê để tái chiếm Đông Khê. Cùng lúc ấy, một đơn vị khác của Pháp tiến về trung tâm căn cứ của Việt Minh tại Thái Nguyên. Trần đoán rằng quân Pháp tiến về Thái Nguyên nhằm đánh lạc hướng quân Việt Minh tại Đông Khê để quân Pháp tại Cao Bằng có thể tuồn ra và nhập với toán quân của Lepage. Vì thế, Trần đề nghị QĐNDVN giữ nguyên kế hoạch ban đầu và ở lại Đông Khê.[83]
Trần quyết định phục kích kẻ thù đang tiến về từ Thất Khê.[84] Ngày 30 tháng Chín, đoàn quân của Lepage rời Thất Khê đi Đông Khê nhưng bị phục kích tại khu vực đồi núi phía nam Đông Khê. Ngày 3 tháng Mười, Trung tá Charton bỏ Cao Bằng và dẫn quân về phía nam. Quyết định ngăn chặn việc hai đơn vị của Lepage và Charton gặp nhau, bộ tư lệnh QĐNDVN, theo đề nghị của Trần, đã ra lệnh cho Sư đoàn 308, Trung đoàn 209 và một tiểu đoàn độc lập bao vây và tiêu diệt toán quân của Lepage trước khi tấn công toán quân của Charton.[85] Ngày 8 tháng Mười, quân Việt Minh đã xoá sạch toán quân của Lepage. Hai ngày sau, họ cũng tiêu diệt nốt đơn vị của Charton. Cả Lepage lẫn Charton đều bị bắt. Không bao lâu sau Pháp đã rút khỏi Lào Cai, Lạng Sơn và Hoà Bình, để lại 11 nghìn tấn đạn dược và rời bỏ hầu hết khu vực phía bắc của châu thổ sông Hồng.[86]
Thành công của chiến dịch biên giới mang tầm quan trọng rất lớn đối với Việt Minh. Đến cuối năm, ngoại trừ tiền đồn duyên hải tại Móng Cái, Việt Minh đã hoàn toàn xóa sạch các đồn của Pháp dọc theo biên giới Trung Quốc và không còn một trở ngại nào trong việc vận chuyển quân đội và vũ khí từ Trung Quốc. Việc Pháp rút khỏi Hoà Bình cũng mở được liên lạc giữa Việt Bắc và khu vự “giải phóng” phía bắc Bắc Kỳ, sát nhập lãnh thổ Việt Minh thành một. Giờ đây Việt Minh có thể tuỳ ý tấn công khu vực châu thổ sông Hồng và rút về căn cứ Việt Bắc mà không sợ bị Pháp phản ứng. Theo lời nhà sử học William J. Duiker, Việt Minh “lần đầu tiên giữ được vai trò chủ động trong cuộc chiến.”[87] Chiến thắng biên giới cũng giảm bớt nỗi lo của Bắc Kinh bị tàn dư QDĐ tấn công ở Đông nam Á.
Sau khi chiến dịch biên giới kết thúc, Mao gửi điện đến Trần bày tỏ “rất hài lòng” đối với chiến thắng của Việt Minh. Vị lãnh tụ ĐCSTQ yêu cầu Trần giúp quân đội Hồ rút ra các bài học từ chiến dịch.[88] Trần đi đến các chiến trường, chỉ cho các tư lệnh QĐNDVN xem cách phát triển khả năng chỉ huy chiến đấu. Ngày 11 tháng Mười, Trần trao đổi với Hồ và Giáp, đưa ra những đề xuất toàn diện để phát triển QĐNDVN. Đề xuất của ông bao gồm việc tái cơ cấu quân đội Hồ, thăng chức các cán bộ, đối xử với tù binh, sửa chữa những đại bác và súng tịch thu được. Trần đề nghị lãnh đạo Việt Minh tổ chức các cuộc biểu tình ann mừng để loan báo chiến thắng biên giới, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn và khen thưởng các cá nhân gương mẫu như là cách để nâng cao tinh thần chiến sĩ. Theo Trần, nên có những tấm gương khác nhau giữa cán bộ, chiến sĩ và dân vận tải. Để khuyến khích “chủ nghĩa anh hùng cách mạng,” Trần cũng kêu gọi Việt Nam tổ chức những buổi lễ tưởng niệm những người đã chết trong chiến dịch biên giới. Về việc đối xử với tù binh chiến tranh, Trần đề nghị Việt Minh trước tiên nên dùng họ vào việc làm suy giảm tinh thần kẻ thù bằng cách yêu cầu họ viết thư và phát biểu, và tuyển dụng lại nhiều tù binh người Việt trong khi trả tự do cho các tù binh người Ma Rốc và Pháp sau khi giáo dục họ tư tưởng cách mạng. Theo nhật ký của Trần, Hồ và Giáp “hoan hỉ” chấp nhận các đề nghị của ông.[89] Lời khuyên của Trần về việc ăn mừng chiến thắng, lựa chọn các tấm gương cá nhân và cách đối xử với tù binh dựa trên cách thức tương tự của Trung Quốc trong thời kỳ chống Nhật và nội chiến. Bằng cách quảng bá những nghi lễ theo phong cách Mao như tưởng nhớ và ca ngợi các gương anh hùng tại Việt Nam, Trần giúp giới thiệu một quá trình rất quan trọng mà qua đó các thành viên Việt Minh có thể gắn bó với nhau.
Từ ngày 27 đến 30 tháng Mười, Việt Minh đã tổ chức các cuộc họp tổng kết cho các chỉ huy trên cấp tiểu đoàn. Trường Chinh đã đại diện cho lãnh đạo Việt Minh đọc báo cáo kinh nghiệm chiến dịch biên giới. Theo yêu cầu của Hồ, Trần đã phát biểu trong bốn ngày tại hội nghị. Trước tiên ông phân tích những nguyên nhân tạo nên chiến thắng của Việt Minh, ca ngợi tinh thần dũng cảm và ngoan cường của các chiến sĩ. Cảnh báo họ không nên tự phụ với chiến thắng, Trần kêu gọi Việt Minh sẵn sàng trước sự can thiệp của Mỹ. Ông tiếp tục chỉ ra những yếu điểm của QĐNDVN bao gồm việc các chỉ huy không quan tâm đến lính, trừng phạt thể lực, chậm trễ triển khai mệnh lệnh, kỷ luật lỏng lẻo và thói quen chỉ báo cáo thành tích.[90]
Lãnh đạo Việt Minh rất hài lòng với kết quả của chiến dịch biên giới. Hồ Chí Minh cho Trần xem các bức điện ông gửi Stalin và ĐCS Pháp báo cáo thành công của chiến dịch.[91] Tán dương tài chỉ huy quân sự của Trần, Hồ nói rằng chiến dịch biên giới đã đạt được chiến thắng vĩ đại mà ông mong muốn, gọi nói là “thắng lợi của chủ nghĩa quốc tế vô sản.” Giáp cho rằng chiến dịch này đã đập tan kế hoạch của Pháp trong việc đóng cửa biên giới Việt Nam để phong toả Việt Minh. “Chiến thắng này cho thấy”, vị tổng tư lệnh QĐNDVN nói tiếp, “tư tưởng quân sự của Mao rất phù hợp với Việt Nam.”[92] Hồ yêu cầu Trần ở lại Việt Nam để hướng dẫn chiến dịch quân sự sắp tới của Việt Nam, nhưng Trần đã nhận được lệnh mới từ Bắc Kinh và rời Việt Nam vào đầu tháng Mười một 1950. (Ngày 8 tháng Sáu năm sau, Trần được bổ nhiệm phó tư lệnh lực lượng Chí nguyện Quân Trung Quốc và đã lên đường đi Triều Tiên vào tháng Tám.) Sau khi Trần ra đi, ĐCVQSTQ giữ toàn bộ vai trò cố vấn QĐNDVN.
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét